Trần Xuân An - Thơ trong thể CÂU ĐỐI

TẬP HỢP CÂU ĐỐI TẾT

CỦA TRẦN XUÂN AN

 

HƯƠNG MÙA CỔ NGÀY XUÂN MỚI

(những cặp câu đối)

 

- hương Xuân trời đất trên hoa lá

- ý Tết nhân gian ở nụ cười

 

( hương Xuân trời đất trên chồi mở

ý Tết non sông ở nụ cười )

 

(Cuối năm Đinh Mão 1987-1988)

 

o0O0o

 

- cuối chạp đã thật Xuân, tiếng cháu giục,

hoa Xuân sớm thắm;

- qua Xuân càng rõ Tết, lòng nội bừng,

nắng Tết không phai.

 

(  sắp Tết đã thật Xuân, tiếng cháu giục,

hoa Xuân sớm thắm;

sang Xuân càng rõ Tết, lòng nội bừng,

nắng Tết không phai )

 

(Cuối năm Đinh Mão 1987-1988)

 

o0O0o

 

- chào Đinh Mão, cũng muốn viết dăm bài thơ,

ngại thơ “bực”, báo không đăng,

đọc một mình ngán thật;

- đón Mậu Thìn, thì gắng làm vài câu đối,

mặc đối “đùa”, tường cứ dán,

nghe trăm bạn cười chơi.

 

(Cuối năm Đinh Mão 1987-1988)

 

o0O0o

 

- nâng chén rượu ngẫm Xuân,

Xuân phải mới bung ra muôn lá mới;

- nhấp ngụm trà thưởng Tết,

Tết nên thơ cởi trói triệu niềm thơ.

 

(Cuối năm Đinh Mão 1987-1988)

 

o0O0o

 

- chồng quanh năm gò lưng vắt sổ,

nhà giăng tơ,

gió may thay nam bấc mãi êm đềm;

- vợ theo mùa ngẩng mặt treo hàng,

vải nở hoa,

chỉ ước sao sen đào thêm ngan ngát.

 

(Cuối năm Đinh Mão 1987-1988)

 

o0O0o

 

- Tết đến,

ước tháng ba mươi ngày,

bán bán mua mua,

mua thừa rau đủ báo;

- Xuân về,

mong năm mười hai tháng,

may may mặc mặc,

mặc ấm áo lành thơ.

(Tết Mậu Thìn 1988)

 

o0O0o

 

- Xuân càng ước chi đây,

cho nhánh lúa ngát hương tình đất;

- Tết thêm mơ gì đó,

để cụm hoa rực nắng chất người.

(Tết Canh Ngọ 1990)

 

o0O0o

 

- muốn hóa rồng,

rồng bay,

đã tháo xiềng cởi trói?

- cam làm ngựa,

ngựa chạy,

lại che mắt cầm cương?

(Tết Canh Ngọ 1990)

 

o0O0o

 

- đông Đinh Hợi trắng,

vàng chùm thọ;

- xuân Mậu Tí lam,

hồng nụ mai.

( đông trắng, vàng chùm thọ

xuân lam, hồng nụ mai )

(Tết Mậu Tí HB8 [2008])

 

o0O0o

 

- bốn năm,

sự nghiệp tung lên mạng,

mạng giăng mắt chữ, ảo hoa Xuân;

- một thuở,

tính danh ném thấu trời,

trời đọng màn hình, thật nắng Tết.

(Tết Kỉ Sửu HB9 [2009])

 

- Xuân cổ thời,

tục nõn nường,

khởi sắc núi khe;

- Tết hiện đại,

lí âm dương,

thăng hoa trời đất.

 

(Tết Kỉ Sửu HB9 [2009])

 

o0O0o

 

- cọp gầm rừng báo,    

đất liền: Xuân! 

nâng phím, bút, đều không cọp giấy;

- hùm thức chốn quyền,  

đảo thẳm: Tết! 

giữ khơi, bờ, tất đúng hùm thiêng.

 

(Tết Canh Dần HB10 [2010])

 

o0O0o

 

 

- nến truyền thống,

sáng láng chào Xuân,

đấng nghĩa hùng, tim thành sử nhớ;

- hoa bản sắc,

bâng khuâng đón Tết,

bậc bi trầm, óc hóa thơ thương.

 

(Tết Tân Mão HB11 [2011])

 

o0O0o

 

- Sài Gòn, nắng hạ tâm công Tàu,

chồi cuối chạp còn lưu luyến Mão;

- Hà Nội, mưa hè hòa giải Việt,

đóa đầu giêng vẫn xuyến xao Thìn.

 

(Tết Nhâm Thìn HB12 [2012])

 

o0O0o

- vảy Rồng kết lũy, thuyền Xuân Việt;

- nọc Rắn luyện đan*, đảo Tết Nam.

 

* Con rắn + chén bào chế thuốc; con rắn + cây gậy: Biểu tượng của ngành y dược.

 

oOoOo

 

- triết lí Rồng ha?

mười loại phận người,

phận người nào

cũng lắm người hóa thánh;

- văn chương Rắn hả?

một giáp chi thú*,

chi thú gì

vẫn nhiều thú thành thiêng.

 

* Thường gọi là 12 con giáp. Đúng ra, 12 địa chi thuộc mỗi giáp: tí, sửu, dần, mão, thìn, tị, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi (ứng với 12 loài thú: chuột, trâu, cọp, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, heo).

 

(Tết Quý Tị HB13 [2013])

 

Trần Xuân An

 

o0O0o

Câu đối Tết Giáp ngọ HB14 (2014):

1

ĐỎ TƯƠI CÂU ĐỐI, XUÂN TƯƠI TẾT

VÀNG THẮM CHẬU MAI, TẾT THẮM XUÂN

2

GIỮA TRỜI, TRÊN ĐẤT,

THUYỀN LÀ NGỰA;

TẾT NGỰA, NGỰA BAY,

TRÔNG ĐẢO VIỆT

DƯỚI BIỂN, NGOÀI KHƠI,

NGỰA TỨC THUYỀN;

NĂM THUYỀN, THUYỀN LẶN,

ĐUỔI QUÂN TÀU

T.X.A.

29 & 30-01 HB14 [2014]

(29 & 30 tháng chạp Quý Tị, đón Tết Giáp Ngọ)

Đã đăng trên Tcđt. Chim Việt:

http://chimvie3.free.fr/54/txat154_caudoi.htm

CÂU ĐỐI TẾT ẤT MÙI HB15 (2015)

Trần Xuân An

1) Nỗi uất hận về việc Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng Hoàng Sa và một số bãi đảo ở Trường Sa, hầu như ai là người Việt cũng đều canh cánh trong lòng.

2) Và còn có thông tin rằng, các công ti, xí nghiệp Trung Quốc trên đất liền nước ta lẽ ra phải tuyển dụng công nhân Việt Nam theo luật đầu tư (nhằm tạo công ăn việc làm cho người trong nước ta), lại đưa công nhân người Trung Quốc sang. Lực lượng công nhân Trung Quốc đó có thể là những đại đoàn, sư đoàn lính Trung Quốc đang trá hình, chờ thời cơ để tấn công Việt Nam.

3) Vậy, có câu đối Tết Ất mùi 2015 rằng:

Ngộ nghĩnh nhất đời,

tiếng be he he đón Tết

— Tết chưa hả dạ đảo sôi

 

Khôi hài muôn thuở,

râu chụm chùm chum chào Xuân

— Xuân còn trá hình giặc ở

 

T.X.A.

07 – 08-02 HB15 (2015)

[20 tháng chạp Giáp ngọ]

 

CÂU ĐỐI TẾT ẤT MÙI HB15 (2015)

Trần Xuân An

Đúng ra là hai cặp câu đối:

1)

Ngộ nghĩnh nhất đời,

tiếng be he he đón Tết

 

Khôi hài muôn thuở,

râu chụm chùm chum chào Xuân

 

2)

Tết chưa hả dạ đảo sôi

Xuân còn trá hình giặc ở

T.X.A.

o0O0o

 

 

 

 

Ngày Tết, xem thêm:

Câu đối tưởng niệm gia tiên

 

 

 

 

TẬP HỢP CÂU ĐỐI CỦA TRẦN XUÂN AN

Posted by Trần Xuân An trên 26.01.2020

https://txawriter.wordpress.com/2020/01/26/tap-hop-cau-doi-cua-tran-xuan-an/

(Đã bổ sung - cập nhật thêm đến 2020)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ ĐÍNH:

 

1. Vế mời đối:

 

NĂM NGẤT XỈU (SỬU) SẮP QUA,

NĂM BÁN DẦN ĐANG TỚI;

TRÂU CHẲNG CHỊU TRÂU,

HỔ KHÔNG CHỊU HỔ;

DẦN NHAU RA DẦN

 

Phan Hồng Giang sưu tầm.

http://trannhuong.com/news_detail/3624/MỜI-CHƯ-VỊ-ĐỐI-CHƠI

 

2. Vế đối lại:

 

SÁCH VANG RẦN (DẦN) (*) NÊN VIẾT,

SÁCH IN “CỌP” (**) PHẢI THÔI;

NGHÉ CHƯA XỨNG NGHÉ,

HÙM CHỬA XỨNG HÙM;

“CỌP” (**) CHI, CHỚ “CỌP” !

 

T.X.N.V.

 

(*) Phát âm không chuẩn (theo chữ quốc ngữ ABC), như ở vế mời đối.

(**) Cụm từ thường dùng là “đọc ‘cọp’”. Ở đây là in “cọp”. “Cọp” cũng là một biến âm của cóp (copy). Sách “cọp” là “sách nhái”, in giả, in lậu…

 

TẾT PHANH DỪNG (DẦN) (*) CÒN ĐẾN,

TẾT XEM “CỌP” (**) HÃY THÔI;

NGHÉ CÀNG NÊN NGHÉ,

HÙM PHẢI NÊN HÙM;

CỘP (CỌP) CÙNG, CHỚ CỘP ! (***)

 

T.X.N.V.

 

(*) Một số địa phương phát âm “dần” thành “dừng” (như “sửu” thành “xỉu”).

(**) Xem “cọp”, đọc “cọp”: Xem ké, đọc hết chương này đến chương nọ ngay trong tiệm sách nhưng không mua. Nói cho đúng, đó cũng là thói xấu đáng quý (rất đáng trân trọng) của người mê đọc sách, nhưng thiếu tiền mua sách.

(***) Xem (*). Cũng có thể viết: CỌP [RỌP] CÙNG THÌ CỌP. Cọp rọp, cụm rụm (gầy hốc hác, yếu ớt, tiều tụy, đến mức còng lưng, rùn vai, rụt cổ). Cọp má: hai lõm má trên mặt bị hóp (hóp má).

 

23-01 HB10 (09-12 Kỉ sửu HB9-10)

 

NẾP SÀNG GIẦN (DẦN) (*) RỒI NẤU,

NẾP MUA “CỌP” ĐÃ THÔI;

NGHÉ NÊN RA NGHÉ,

HÙM PHẢI RA HÙM;

“CỌP” XƯA, CHỚ “CỌP” (**) !

 

T.X.N.V.

 

(*) Canh Dần, phát âm không chuẩn nên thành “ken giần”. “Ken giần”: Dày đặc trên cái giần (dùng để giần [gạo] nếp, gạo [tẻ]…). Tuy nhiên, “giần” trong ngữ “ken giần” là danh từ! Cũng không có động từ ghép “ken giần” mặc dù trong trường hợp ví dụ này, “giần” là động từ! Vì vậy, phải chọn động từ ghép “sàng giần” (khá phù hợp với “ngất xỉu” ở vế mời đối).

(**) “Cọp” với nghĩa mua “cọp” (mua chui, thời bao cấp, cấm vận).

 

SÁCH “ĐỂ DÀNH” (DẦN) (*) RỒI XUẤT,

SÁCH IN “CỌP” NẾU CẦN;

NGHÉ NÊN THỎA NGHÉ,

HÙM HÃY THỎA HÙM;

“CỌP” SAU, CỨ “CỌP” (**) !

 

T.X.N.V.

 

(*) Âm “dần”, phát âm lệch chuẩn thành “dành”.

(**) “Cọp” với nghĩa đọc “cọp”, thậm chí in “cọp” (làm tư liệu), chứ không phải là “cóp” (copy) với nghĩa “đạo văn”. Không ai chấp nhận đạo văn cả!

 

 

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE