w. Bài 23-Tl.1 - Trần Xuân An - Về các phương án - lưỡng đảng đối lập - thống nhất

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

 

BÀI HAI MƯƠI BA

 

 

TRẦN NGUYỄN DỤNG (Trần Xuân An)

 

VỀ CÁC PHƯƠNG ÁN THỰC TIỄN CỦA NỀN DÂN CHỦ LƯỠNG ĐẢNG ĐỐI LẬP – THỐNG NHẤT

 

 

I

 

Ai cũng tin khả năng nhận thức của con người –  đó là một năng lực tự nhiên được hình thành sau hàng vạn năm tiến hóa, còn được gọi là lương tri. Với lương tri, con người biết phân biệt đúng – sai, chân – ngụy, tốt – xấu… Tất nhiên là thế. Tuy vậy, thật là ngây thơ, nếu không hiểu được thành ngữ “quyền lợi làm tối mắt”. Và cũng ngây thơ biết bao, nếu chúng ta có dịp khảo cứu lịch sử hoặc gặp trực tiếp những người nào đó, không thể không lắc đầu chán ngán, buột miệng ra hai chữ: cuồng tín

 

Vì quyền lợi trước mắt và lâu dài, vì sự mê muội mà khoa học thực nghiệm chưa soi sáng đến tận cùng, không ít người hầu như bất chấp lương tri – năng lực bẩm sinh về nhận thức. Và người ta đã cố sức biện minh đến mức phải gọi là ngụy biện.

 

Từ bình diện phổ quát, chung nhất đó, chúng ta thử nêu lại vấn đề: Chuyên chính, chuyên chế, độc tài chính trị hay dân chủ đa nguyên đa đảng là chân lí đích thực và có giá trị vĩnh hằng?

 

Trong bài đặt vấn đề và bài trả lời, làm rõ về vấn đề này, tôi đã trình bày những cơ sở triết học, chính trị học và sử học của vấn đề ấy. Thiết tưởng cũng cần khẳng định lại các ý tưởng chủ đạo và cụ thể mà tôi may mắn được công bố trên một vài diễn đàn có nhiều độc giả nhất. Khẳng định, không phủ nhận, không tự bác bỏ về mặt lí luận và cơ sở lí luận, tôi lại muốn trình bày vấn đề một cách cụ thể hơn, ở bình diện thực tiễn với những bước đi thích hợp.

 

Không phân vân gì nữa, lưỡng đảng đối lập trong tính thống nhất là một cơ chế chính trị tối ưu, có thể làm cốt lõi cho bất kì nền dân chủ nào (dân chủ tư sản hay dân chủ xã hội chủ nghĩa, với các dạng thức từ “quá độ”, chuyển tiếp, pha trộn đến đúng nghĩa, đích thực của mỗi loại).

 

Đành rằng có những nhà chính trị thuộc loại “khôn khéo” thường phát biểu hay công bố những bài viết, cuốn sách khiến người đọc phải cực lòng mà xếp vào loại mị dân, bóp méo sự thật, nhưng cũng có những vị lãnh đạo trong một tình huống nhất định, họ phải nói thật, viết thẳng.

 

Hai chữ “cởi trói” của Nguyễn Văn Linh, cố tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, trong một diễn văn được long trọng đọc tại cuộc gặp gỡ trí thức tại Tp. HCM., vào năm 1987, và bài phát biểu của một trí thức tham gia cách mạng đã trải qua các chức vụ quan trọng, từ đỉnh cao là phó chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội đến một đỉnh thấp hơn là chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – luật sư Nguyễn Hữu Thọ – hồi năm 1988 (1), đã xác nhận sự thể mất dân chủ nghiêm trọng ở nước ta. Tuy vậy, đến nay, tình trạng đáng buồn vẫn chưa có gì thay đổi về thực chất: Cơ chế chuyên chế độc đảng vẫn không có gì đổi khác (2). Tôi nhấn mạnh hai chữ cơ chế.

 

Không còn nghi ngờ gì nữa, muốn thực sự đổi mới để nâng cao, mở rộng tự do, dân chủ cho mọi tầng lớp nhân dân, và qua đó, chứng tỏ cho thế giới hôm nay, cho lịch sử nghìn đời sau về tầm văn hiến chính trị của dân tộc Việt Nam, không còn cách nào khác là phải tiến hành sự đổi mới cơ chế. Nhưng muốn đổi mới cơ chế độc đảng chính trị sang lưỡng đảng đối lập – thống nhất, trước hết phải nghiên cứu lí luận và thực tiễn ở các nước đã và đang hiện hữu cơ chế ấy. Nói theo cụm từ thường dùng trong vài thập niên qua, đó là “đổi mới tư duy”, và cả  cụm từ vốn có từ ngàn xưa: “thực sự cầu thị” (thực mục sở thị). Sau đó, phải vận dụng sáng tạo vào tình hình nước ta theo những bước đi cụ thể, thích hợp.

 

Từ nghìn xưa đến nay, dân tộc ta chưa thật sự có một nền dân chủ đúng nghĩa. Trước 1885, nước ta là một nước quân chủ phong kiến kiểu trung ương tập quyền. Từ 1885 đến 1945, cả dân tộc phải sống dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. Từ 1945 đến 1954, về cơ bản vẫn là đan xen hai hình thái: hình thái dân chủ tập trung xã hội chủ nghĩa kiểu Nga – Xô-viết và hình thái thực dân, phong kiến, tả đạo câu kết. Từ 1954 đến 1975, Miền Bắc nước ta xây dựng một thể chế chính trị mà ở Liên Xô có nhiều trí thức vẫn gọi là “chủ nghĩa xã hội trại lính”; đồng thời ở Miền Nam, dưới chế độ Mỹ – ngụy – tả đạo, từ một thể chế độc tài Thiên Chúa giáo trị, gia đình trị (đệ nhất cộng hòa), sau nhiều cuộc đảo chính, “thay ngựa”, lại chuyển tiếp sang thể chế dân chủ tư sản mà chóp bu và cốt cán vẫn là ngụy tả Thiên Chúa giáo (đệ nhị cộng hòa). Miền Bắc chưa hề biết đến thứ dân chủ đa nguyên đa đảng bao giờ. Miền Nam có trải qua, nhưng thực chất thể chế đa nguyên đa đảng tại Miền Nam là do Mỹ – Mỹ vừa ban phát, vừa áp đặt một nền dân chủ, tự do tư sản kiểu Mỹ với các dạng suy đồi vốn xa lạ về văn hóa cho Miền Nam. Thêm vào đó, Mỹ lại ủng hộ suốt gần 21 năm một lực lượng mà bản chất của nó là phản quốc, phản quốc từ 1858 đến thuở bấy giờ (1954 – 1975). Do đó, nền dân chủ tự do tư sản ở Miền Nam, nhìn chung, cũng chỉ là một sản phẩm dở người dở ngợm, mặc dù phải công bằng mà nhận định là nhân dân Miền Nam, trong những năm về sau của 21 năm ấy, đã trải nghiệm được phần nào tự do, dân chủ đa nguyên, đa đảng nhiều màu sắc chứ không đặc sệt kiểu trại lính như ở Miền Bắc rặt một màu một vẻ.

 

Như vậy, trong thực tế lịch sử, nước ta chưa từng trải qua nền dân chủ đa nguyên đa đảng lành mạnh, đích thực. Do đó, tư duy của hầu hết các tầng lớp, từ lãnh đạo, trí thức cho đến công nông, đều là phong kiến pha trộn với tính chất “xã hội chủ nghĩa trại lính” (Miền Bắc) hoặc ngán ngẫm dân chủ đa nguyên đa đảng kiểu “dân chửi” (Miền Nam).

 

Lớp người mới trưởng thành hoặc mới sinh ra sau 1975, trên cả hai Miền (Nam - Bắc), lại luôn luôn được dạy bảo, củng cố về nền dân chủ tập trung xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản độc đảng. Vì vậy, số người bảo thủ không thể nói là thuộc về số ít.

 

Từ đó, việc nêu lên phương châm “đổi mới tư duy” từ 1985 ở nước ta là hoàn toàn có cơ sở lịch sử – xã hội. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, đó chỉ là đổi mới về kinh tế và phần nào trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ (đã có hiện tượng suy đồi hóa!). Mặc dù khát vọng dân chủ, tự do là cháy bỏng, nhưng trên bình diện quan phương chính thống (thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước CHXHCN. Việt Nam), tư duy độc đảng vẫn chưa hề được đổi mới bao giờ. Nếu có chăng là ở một số cá nhân nào đó và một bộ phận xã hội nào đó với sự dũng cảm hay liều mạng (tùy theo lập trường mà dùng từ ngữ thích hợp). Thực chất của công cuộc đổi mới tư duy (thay đổi nếp suy nghĩ cũ đã hằn sâu trong não trạng), nhìn ở một phương diện nào đó, lại là sự đánh tráo dân chủ tự do đích thực (về chính trị, triết học, các bộ môn học thuật nói chung) bằng dân chủ tự do suy đồi (cách ăn chơi, thời trang, phim ảnh sa đọa…). Lắm khi, phải nghĩ rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam đang đồi trụy hóa thanh thiếu niên để tạo sự “ổn định chính trị”; và thực chất, phải chăng như thế cũng là một cách bịt miệng toàn dân cho im bặt những tiếng kêu đòi tự do dân chủ chính đáng! Còn có nhiều người cứ khăng khăng độc đảng mới giữ được sự ổn định chính trị – xã hội, và nhờ vậy mới thu hút được đầu tư của nước ngoài, mới phát triển được du lịch…

 

Một nguyên nhân khác là do sự lo sợ mất địa vị quan chức, nói chung là đặc quyền đặc lợi về chính trị hiện có ở tầng lớp cán bộ thân Nga, thân Trung Quốc, ở các gia đình Miền Bắc có người tham gia nghĩa vụ quân sự chống Mỹ.

 

Nhìn chung về mặt đồng đại và nhìn xuyên suốt về mặt lịch đại, phải đau buồn thấy rằng, do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, dân tộc Việt Nam ta chưa thật sự trải nghiệm, thụ hưởng tự do dân chủ đúng nghĩa, do đó lực ì bảo thủ còn nặng.

 

Tuy nhiên, nền tự do, dân chủ chân chính vẫn là nguyện vọng, yêu cầu bức thiết. Bất chấp mọi cách biện minh cho nền chuyên chính độc đảng, cơ chế đa nguyên lưỡng đảng vẫn có giá trị vượt trội về mặt lí luận (đã bàn luận ở bài viết khác) và cả trong thực tiễn.

 

 

II

 

Bài viết này, ở phần thứ hai, sẽ đề xuất những phác họa về các dạng thức có tính thực tiễn cho cơ chế lưỡng đảng đối lập – thống nhất. Chúng ta có thể hình dung những viễn cảnh như sau:

 

1. Chấp nhận và đưa vào hiến pháp, luật pháp sự hiện diện của các cá nhân tự nguyện đối lập chính kiến với Đảng CSVN. và Nhà nước CHXHCN. VN.. Hiến pháp, luật pháp quy định rõ những điều khoản cụ thể, trong đó có việc nhìn nhận tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước của những nhân vật đối lập, bất đồng chính kiến ấy, và cả trách nhiệm bảo vệ họ; con em họ không bị phân biệt đối xử theo “chủ nghĩa lí lịch”.

 

2. Chấp nhận có sự tồn tại với những họat động chính trị, xã hội ôn hòa, không trang bị vũ khí, với tính hợp pháp, hợp hiến của một chính đảng đối lập, phi vô sản. Chính đảng này có quyền mở văn phòng tại các địa phương từ cấp huyện trở lên; có quyền tổ chức một số tòa soạn, phát hành một số báo chí (in giấy và điện tử). Điều này sẽ tránh được một hạn chế của đảng cộng sản là không thể cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa, không thể kết nạp những người tư sản hoặc những người không thích hợp với hệ ý thức, cương lĩnh của đảng cộng sản (như tín đồ Phật giáo chẳng hạn). Tất nhiên, chính đảng phi vô sản này không được tranh giành quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mặc dù các đảng viên của chính đảng đối lập đó có quyền ứng cử vào những chức vụ dân cử (Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp) với sự giới hạn tỉ lệ nhất định (3). Tất nhiên, chủ nghĩa lí lịch tam đại, tam tộc cũng không nên đặt ra ở trường hợp này đối với con cháu những đảng viên chính đảng đối lập phi cộng sản.

 

3. Chấp nhận sự tồn tại song hành của lưỡng đảng và chỉ lưỡng đảng mà thôi (không nên có đảng thứ ba). Đó là Đảng Cộng sản Việt Nam và một chính đảng dân tộc chủ nghĩa rộng mở do Phật giáo Việt Nam và đại bộ phận dân lương (thờ kính tổ tiên, anh hùng dân tộc) hậu thuẫn, ủng hộ (xem đó là chính đảng của mình). Cơ chế lưỡng đảng được thực thi với tính hợp pháp, hợp hiến của nó. Đây là một dạng thức tinh giản cơ chế đa đảng của tuyệt đại đa số các nước trên thế giới, kể cả các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu cũ. Tất nhiên vấn đề đấu tranh bằng bạo lực (vũ khí) không được đặt ra trong trong quan hệ đối lập – thống nhất của lưỡng đảng. Cũng cần khẳng định nhắc lại là ở nước ta, đa đảng chỉ có nghĩa là lưỡng đảng và chỉ lưỡng đảng mà thôi, để tránh sự lộn xộn, xáo trộn vô ích (một cường quốc như Hoa Kỳ cũng hầu như chỉ tồn tại lưỡng đảng và cả hai đảng Cộng hòa, Dân chủ đều là tư sản cực hữu).

 

Trong ba phương án, phương án 3 là khó thực hiện nhất. Trước hết, từ 1954 đến 1975, trên toàn Miền Bắc, và từ 1975 đến nay (2006), trên toàn lãnh thổ nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức một hệ thống Đảng lồng vào hệ thống Nhà nước và thậm chí lồng Đảng vào hệ thống các đoàn thể xã hội khác thành một hệ thống chuyên chế tuyệt đối, gọi là toàn trị, cực quyền. Đây là mô thức xã hội nếu không kể chế độ phát xít, thì chưa từng có trong lịch sử loài người. Mà đã như thế thì không thể có lưỡng đảng song hành (cụ thể là một cơ quan không thể có hai chi bộ hoặc hai đảng bộ của hai chính đảng song hành đối lập – thống nhất). Phải chăng, khi đã thực hiện cơ chế lưỡng đảng, phải đồng thời ban bố một điều khoản thuộc về hiến pháp, pháp luật là không có sự hoạt động đảng phái trong các cơ quan hành pháp (gồm cả an ninh, quân đội), tư pháp, lập pháp. Các hoạt động của hai chính đảng là thuộc về lĩnh vực bên ngoài 3 hệ thống hành pháp, tư pháp và lập pháp ấy. Một điều khó khăn khác nữa, là Đảng Cộng sản Việt Nam không bao giờ chấp nhận thiếu vắng sự lãnh đạo của họ trong các cơ quan ban ngành, nhất là ngành an ninh và quân đội cả. Phương châm của chuyên chính vô sản là luôn luôn tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng. Một phương châm khác cũng của các đảng cộng sản, ấy là giành chính quyền và bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng bằng bạo lực cách mạng (sử dụng vũ khí, tiến hành chiến tranh, chấp nhận đổ máu, tranh trừng nội bộ, thiết lập nhà tù, trại cải tạo và hàng loạt các biện pháp tàn nhẫn trong hành chính, kinh tế, giáo dục khác…).

 

Các phương án trên, theo tiên liệu của người viết, sẽ gây sự khó hiểu đối với những người chưa có ý niệm hay chưa từng trải nghiệm thực tiễn trong cơ chế đa nguyên đa đảng (vì họ đã quen với nếp nghĩ vốn hằn sâu trong thâm thức về nền chuyên chính toàn trị của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, tại Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba hiện thời); hoặc cũng sẽ gây kích ứng với những người Việt sống ở hải ngoại (Việt kiều vốn quen sống trong thực tiễn đa nguyên đa đảng của hàng trăm nước trên thế giới hiện nay).

 

 

III

 

Người viết bài này hoàn toàn đồng ý với các bài viết của các tác giả Trần Xuân An, Nguyễn (Sài Gòn) và các tác giả khác (các ông Nguyễn Quang A, Trần Mạnh Hảo, Lê Quốc Quân, Nguyễn Tiến Trung…) cùng rất nhiều các độc giả khác đã đăng bài hoặc tham gia thảo luận trên BBCVietnamese.com hoặc trên giaodiem.com, trong tháng 3-2006 vừa qua, về mặt lí luận. Bài viết này chỉ là một số đề xuất về phương diện thực tiễn với sự lưu ý về tính khả thi cũng như sự khó khăn sẽ gặp phải trong tiến trình thực hiện của các phương án.

 

Dẫu sao, tôi vẫn rất yêu thích một danh ngôn của Voltaire: “Mặc dù khác quan điểm của bạn, nhưng tôi vẫn đấu tranh đến chết để bạn được phát biểu ý kiến của chính bạn”. Khổ nỗi, cũng như Trần Xuân An, Nguyễn (Sài Gòn), tôi chỉ yêu thích chứ chưa đủ dũng cảm để học tập, sống, chiến đấu theo danh ngôn ấy (chứ không phải theo Voltaire, tác giả danh ngôn). Tôi chỉ là một người cầm bút với ước vọng duy nhất là lập ngôn và chỉ duy nhất lập ngôn bằng các trước tác của mình.

 

Xin được ngưỡng mộ các nhà bất đồng chính kiến quyết dấn thân trên con đường lập công (chính trị) và các vị chân tu lập đức nhưng luôn hậu thuẫn cho chính nghĩa tự do, dân chủ đích thực trong công cuộc đổi mới của dân tộc.

 

 

Trần Nguyễn Dụng (Trần Xuân An)

 

_________________________

 

(1) BBCVietnamese.com: trích đoạn bài phát biểu của luật sư Nguyễn Hữu Thọ  đọc tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM năm 1988, do Võ Linh Hà ghi, trong cuốn “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ gắn bó với dân tộc, với nhân dân, với cách mạng” - NXB Chính Trị Quốc Gia – 1996: “Dân chủ không thể có bằng sự ban ơn”:

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/03/060327_nguyenhuutho_speech.shtml

 

(2) Hai chính đảng Dân chủ và Xã hội bị giải thể vào năm 1988, ngay dưới thời Nguyễn Văn Linh đang giữ chức tổng bí thư Đảng CSVN.. Hẳn ông Nguyễn Văn Linh và Bộ Chính trị thời bấy giờ chỉ chấp nhận nới lỏng cho tự do dân chủ trong tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa, nhưng cũng lường trước “nguy cơ” là hai đảng Dân chủ và Xã hội, vốn là hai chính đảng của giới tư sản và trí thức, sẽ “chớp lấy thời cơ” Đổi mới để giành quyền lãnh đạo, nên cả hai chính đảng “tầm gửi” ấy cũng tuyên bố “hết nhiệm vụ lịch sử”!

 

(3) Đúng nguyên tắc lí luận: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí, nhân dân làm chủ với sự phân biệt rạch ròi (quyền lực phân lập: Đảng không làm thay Nhà nước và Quốc hội).

 

Ghi chú:

Bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm,

số tháng 3-2006 (updated: 31-3-2006):

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_I06/306_ykien-2parties.htm

 

 

Xem tiếp: Bài thứ hai mươi bốn:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta_b24.htm

 

Trở về: Trang mục lục của tập bài viết "Luận về thời chúng ta...":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta

 

Trở về trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

 

Google page creator /  host

  Ngày đưa lên trang web này: 28-4 HB7

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE