o. Trần Xuân An - Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Tệp 15 / tập I

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

07/01/09

           

 

TẬP I

 

 

Tệp 1

 

Tệp 2

 

Tệp 3

 

Tệp 4

 

Tệp 5

 

Tệp 6

 

Tệp 7

 

Tệp 8

 

Tệp 9

 

Tệp 10

 

Tệp 11

 

Tệp 12

 

Tệp 13

 

Tệp 14

 

Tệp 15

 

Tệp 16

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                               

  

Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

 

Trần Xuân An,

nội hậu duệ thế hệ thứ năm.

 

 

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

Xem:

Tạp chí điện tử Giao Điểm tháng 11-2005:          

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm

Blogger (Google) tháng 12-2005

http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/

   & các trang tiếp theo: … 2a … 2b … 2c …

 

 

 

 

TỆP 15

phân đoạn 5

truyện kí thứ sáu

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

VỚI NGỌN BÚT, THANH GƯƠM,

RA BẮC TIỄU PHỈ

 

Truyện kí thứ sáu

(phân đoạn 5)

 

      12

      Hồi tháng mười năm ngoái, khi nghe tin thành Lạng Sơn bị thất thủ, đại tướng quân Đoàn Thọ và lãnh binh Lê Văn Dã hi sinh, ngay lập tức, tên Lê Khuông (còn gọi là Lê Văn Khuông, hoặc gọn lỏn là Tịch) chợt thấy thời cơ đã đến (107). Tịch liền họp mặt, bàn việc với Đỗ Chuyên, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Nhiễm, Nguyễn Đình Chích cùng hai tên khác, Đỗ Văn Đạo, Nguyễn Văn Năm (107). Sau đó, chúng chia nhau đi tìm kiếm đồng bọn cũ, gồm những kẻ cuồng trung với nhà Lê (mặc dù nhà Lê bị chuá Trịnh bức hiếp), những kẻ bất mãn, kể cả những người khốn khó nhưng mang bản chất lưu manh, thích sống bằng nghề cướp bóc và hôi của. Tịch cùng các tên đầu sỏ khác đều tự xưng những tước hiệu như đại nguyên soái, đề đốc, lãnh binh và tập hợp hợp thuộc hạ đến bốn ngàn người! Hầu hết trong số đó là dân Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Yên… Không chỉ là người Việt, còn có rất nhiều tên là người Trung Quốc chuyên sống bằng nghề thảo khấu, thuỷ tặc và chủ yếu là bọn giặc trốn!

      Quan quân quân thứ Lạng Sơn sau lần thất thủ ấy, thật sự khốn đốn với bọn phỉ này. Quân thứ Bắc Ninh lại càng vất vả và hao tổn xương máu bởi chúng. Nhưng đau xót, tang tóc nhất vẫn là nhân dân Bắc Ninh và các tỉnh quanh đó. Tịch, Chuyên, Nhiễm, Đài, Chích, Tạo, Năm chia nhau đi tống tiền bằng bạo lực hoặc dùng lời lẽ mị dân, vẽ vời những giàu sang, quyền lực! Đao gươm dí ngay cổ ông già, phụ nữ và trẻ con: Tiền? Và lăm lăm đe doạ châm lửa đốt nhà: Gạo? Tất nhiên chúng đòi cả rượu thịt và thân thể đàn bà, con gái! Với những kẻ khác, có suy nghĩ hơn, chúng thuyết phục: “Được làm vua, thua làm giặc”, đằng nào cũng phỉ chí, còn hơn cứ mãi mãi khốn đốn, nhọc nhằn, không bao giờ có thể vươn lên được! “Một hoá rồng, hai xong áo”, hoặc phải đứt đầu, tru di tam tộc cũng đành, bởi hiện tại sống cũng như chết rồi, bởi cuộc đời vốn như canh bạc! Bọn này tỏ ra biết mua chuộc, thuyết phục, phỉnh gạt đủ loại người, nhưng chủ yếu là những tên giặc trốn. Giặc trốn: những kẻ mà cái án tử hình, khổ sai chung thân đã treo trước ngực, biết rằng chỉ có một lối thoát cuối cùng là làm loạn, nhưng vẫn thích bùi tai nghe theo các danh nghĩa lừa mị, hoặc lừa mình dối người, tự dùng một từ cho sang, ấy là “khởi binh”. Và để thêm vây cánh, cũng như các cố đạo Tây Âu thực dân, chúng còn biết lợi dụng xương máu những kẻ khố rách, áo ôm nhẹ dạ, đã bị lưu manh hoá.

      Tán tương Nguyễn Văn Tường quá đau xót khi biết tin Hoàng Hữu Tài, vốn là phó Võ học của Bắc Ninh, phụ trách huấn luyện võ thuật cho trai tráng của tỉnh, đã bị tử trận trong khi kéo quân binh dõng và quân võ sinh đi trấn dẹp bọn phỉ ấy, tại Quán Tĩnh, huyện Đông Ngàn. Dân ba huyện Đông Ngàn, Đa Phúc, Kim Anh sống trong tang tóc và cảnh nhà cửa bị cướp phá! Tiếng kêu khóc ở các huyện hạt khác cũng không nguôi! Cũng chính bạn đồng liêu và đồng hương của ông, cử nhân Hoàng Văn Giảng, án sát Lạng Sơn, cũng bị giết chết bởi bọn cổ phỉ này đây!

      Thống đốc Hoàng Tá Viêm cùng ông hội bàn với quan tỉnh Phạm Thận Duật, hiện đang giữ chức bố chính sứ Bắc Ninh, và kế hoạch đã vạch ra. Tri phủ Từ Sơn Trương Quang Đản, con trai của cố phụ chính đại thần Trương Đăng Quế, cũng đã được hội ý. Theo tin thám báo, hiện nay bọn giặc trốn này còn liên kết với cả Hoàng Sùng Anh. Tên tướng phỉ Cờ vàng Hoàng Sùng Anh hiện chữa chạy vết thương trong một bản người Mèo ở động Suối Bốc gần biên giới thuộc tỉnh Tuyên Quang (108). Bản này cũng là nơi tên Tịch thường xuyên liên lạc, với dụng ý, lấy đó làm cơ sở hậu bị (108). Tên tự xưng đại nguyên soái  Lê Khuông (Tịch) lại phối hợp quân đi đánh phá huyện nha Đông Ngàn, Kim Anh với tên phỉ Tàu, tên là Lao Nhị (Lao Doãn Tài), vốn là tay chân của tướng giặc Cờ Tô Tứ (Tô Quốc Hán) (107). Mối quan hệ câu kết giữa chúng rất chặt chẽ. Tin thám báo còn xác định rõ, sào huyệt của bọn tên Tịch hiện ở thời điểm này là xã Tiên Dược, thuộc huyện Kim Anh.

      Khi gà bắt đầu gáy báo sáng lần thứ nhất, tên đại nguyên soái phỉ Lê Khuông trỗi dậy. Y chợt nghe tiếng loa cầm tay từ xa chỏ vào với giọng nói dõng dạc:

      - Hỡi tên Tịch, tức Lê Khuông, hoặc Lê Văn Khuông, xã Tiên Dược này đã hoàn toàn bị quan quân triều đình bao vây! Nhân dân trong xã cũng đã tuân theo lệnh của quan quân triều đình để cùng tiêu diệt các ngươi, nếu các ngươi chống cự! Hãy đầu hàng ngay! Hãy ra lệnh cho bè lũ tay chân buông súng và gươm giáo, lập tức kéo nhau ra quỳ trước sân đình làng để chịu phán xử! Nếu thật tâm bỏ tà quy chính, sẽ được giảm án, khoan hồng. Ngoài ra, các người bị bọn phản loạn tên Tịch bắt hiếp phải cầm gươm súng cho chúng, câu kết với giặc Tàu, hãy tỉnh ngộ, tranh thủ sự đại xá này của triều đình!

      Tịch sợ hãi, không ngờ quan quân triều đình đã hoàn toàn bao vây. Nhưng y vội trấn tĩnh. Tịch liền rút gươm, lăm lăm cầm tay, y hét khá to:

      - Quân ta đâu?

      - Dạ, có mặt! – Lâu la thảo khấu vội đáp –.

      - Không bao giờ đầu hàng! Chỉ có một lối thoát duy nhất và cuối cùng là chiến đấu! “Được làm vua, thua làm giặc”! Hãy tâm nguyện lại như thế! Không bao giờ đầu hàng! Thằng nào đầu hàng, không bị bọn quan quân triều Nguyễn chém thì cũng bị ta chém! Rõ chưa?

      - Dạ rõ!

      Tiếng loa của quan quân triều đình:

      - Ta là tán tương quân thứ Nguyễn Văn Tường đây! Lê Văn Khuông, tức Tịch, hãy nghe đây! Các ngươi nỡ nào làm loạn, cướp phá của cải, nhà cửa của nhân dân, câu kết với bọn phỉ Tàu tàn phá đất nước mình? Các ngươi thừa biết, lục tỉnh Nam Kì đã bị giặc Pháp xâm lược, tình hình lương – giáo căng thẳng trong nhiều tỉnh! Ba đại hoạ của nước Đại Nam ta là thế. Ta nhắc lại: Một là, Pháp xâm lược Nam Kì và lăm le xâm lược cả nước. Hai là, Giặc Cờ từ Tàu sang, chiếm cứ, quấy nhiễu, cướp bóc tiền của để ăn chơi và mua súng đạn của bọn Anh, bọn Pháp, toan lập nước Thiên quốc trên các tỉnh biên giới của nước ta. Ba là, các cố đạo Tây dương, người Pháp và người Y đang lôi kéo dân ta vào đạo Gia Tô để hòng gây rối, chiếm cứ, như tên Phê Rô (Pierre) Tạ Văn Phụng! Tình hình Đất nước như thế, triều đình bị bọn Pháp, bọn giặc Cờ dương đông kích tây như thế, tạo nội phản như thế, các ngươi sao nỡ nào còn tính chuyện thừa cơ “đục nước béo cò”, “giậu đổ bìm leo”, “duồng gió bẻ măng”? Sao các ngươi không suy nghĩ sâu xa, lại bắt hiếp dân, phỉnh gạt người này kẻ nọ để làm loạn! Hãy tự suy xét tình hình của Đất nước, sớm tỉnh ngộ, đầu hàng! Triều đình sẽ dung tha, khoan hồng và trọng thưởng!

      Tiếng loa lại tiếp tục:

      - Ta là tán tương quân thứ Nguyễn Văn Tường đây! Đây là lần thứ ba ta kêu gọi các ngươi, những ai trong nhóm tên Tịch và những ai bị chúng bắt hiếp cầm gươm súng! Hãy nghĩ đến tình cảnh Đất nước Đại Nam của chúng ta mà đầu hàng, các ngươi sẽ được hưởng lượng khoan hồng của triều đình! Các ngươi làm loạn chỉ có lợi cho bọn Pháp, bọn giặc Cờ mà thôi! Nếu không nghe, buộc lòng quan quân sẽ tấn công!

      Lại tiếng loa thứ tư vang lên. Lần này lại chính giọng của bố chính sứ Phạm Thận Duật. Đó là giọng Yên Mô, tỉnh Ninh Bình thuộc Bắc Kì. Phạm Thận Duật cũng cố thuyết phục bọn phỉ Tịch.

Tên Tịch sau một hồi trấn tĩnh, liền cầm loa đáp:

      - Bọn ta chỉ có biết cương quyết chiến đấu mà thôi! Chỉ bọn quan lại triều Nguyễn ngu xuẩn các ngươi mới không thấy rằng, chính lúc này là thời cơ nghìn năm có một cho anh hùng hảo hán chúng tao lập nên nghiệp lớn bá vương! Càng thù trong, giặc ngoài thì càng có lợi cho chúng tao! “Được làm vua, thua làm giặc”, đằng nào cũng phỉ chí của chúng tao, còn hơn uốn gối khom lưng trước lũ quan quân nhà Nguyễn chúng mày! Không đời nào chúng tao đầu hàng! Chúng tao phải cướp bóc nhân dân, áp bức nhân dân mới có tiền bạc mua súng ống, rèn binh đao, mới có gạo ăn, áo mặc. Chúng tao phải có đàn bà, con gái phục vụ các thứ. Đó là chuyện đương nhiên của bậc tài trai chí lớn! Thế đấy! Có giỏi thì tấn công đi! Đừng phí lời vô ích!

Tiếng loa của quan quân triều đình:

      - Các ngươi suy nghĩ như thế thì rốt cục bọn Pháp chỉ hưởng lợi mà thôi! Hãy nghe đây! Các ngươi có hai con đường để thực hiện chí anh hùng! Một là, nếu có chí anh hùng, hãy dẹp hết phỉ Tàu, dẹp hết phỉ Bắc Kì, rồi cùng quan quân triều đình vào Nam Kì đánh Pháp! Hai là, nếu anh hùng mà chống triều Nguyễn thì hãy vào Nam Kì khởi nghĩa như Trương Định! Có nghe không? Ở đây, thực chất các ngươi chỉ làm loạn, cướp bóc như thảo khấu lục lâm, thuỷ tặc giang hồ mà thôi! Bọn xuẩn động các ngươi đừng trách! Ta là tán tương quân thứ Nguyễn Văn Tường đây! Đây là lần thứ tư ta bảo cho các ngươi! Thế là hết lời, hết sức với các ngươi! Đừng trách!

      Và chẳng còn cách nào khác, một khi tên Lê Văn Khuông lại chửi rủa quan quân triều đình, không chịu đầu hàng! Lệnh tiến công đã được phát ra. Đạn đại pháo rót xuống sào huyệt bọn phỉ tới tấp. Sau đó là những đợt xung phong bằng đội lính cầm súng hoả mai, súng điểu thương, mã tấu và cả cung nỏ. Ống phụt lửa chĩa vào, và bọn giặc cỏ, giặc hùa reo xông ra. Trận cận chiến không thể tránh được! Một cảnh da khét lợm giọng, máu đổ, thịt rơi lênh láng, trên đất xã Tiên Dược, huyện Kim Anh, tỉnh Bắc Ninh, đã diễn ra, vào sáng hôm ấy (107).

      Sau vài giờ xáp chiến, bọn giặc cỏ này chạy tán loạn. Một số khá lớn lâu la tiểu tốt của tên Tịch đã đầu hàng. Nhưng tiếc thay, tên Tịch đã cải trang lẫn vào đám đàn bà con nít, dắt díu nhau chạy đạn từ trước khi quan quân nổ súng vung gươm!

      Với hai ngàn (2.000) quân binh chủ lực do tán tương Nguyễn Văn Tường trực tiếp chỉ huy, kết hợp với vài đội binh dõng địa phương do bố chính sứ Phạm Thận Duật  đích thân cầm quân, quân ta đã hoàn toàn chiến thắng. Bọn phỉ Việt câu kết với phỉ Tàu giặc Cờ lần này tan tác tháo chạy, bỏ lại cả hàng ngàn xác chết và bị thương, với sáu bảy trăm tù binh, hàng binh!

      Sau trận thắng ấy, Hoàng Tá Viêm được thưởng quân công hai cấp, Nguyễn Văn Tường được khai phục hàm quang lộc tự khanh, Phạm Thận Duật được thưởng quân công một cấp. Hoàng Hữu Tài hi sinh một cách dũng cảm trước đó, được truy tặng hàm thị giảng học sĩ, tiền tuất gấp đôi và con được tập ấm (107).

      Sau vài tháng, đến nay phủ huyện chặn bắt được hai tên đầu sỏ là Đỗ Văn Tạo và Nguyễn Văn Năm. Cả hai liền bị tử hình.

      Đến tháng năm nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ hai mươi bốn (1871), Đỗ Chuyên, Nguyễn Nhiễm bị bắt, phải chịu xử tội chết.

      Đến tháng tám nguyệt lịch, cũng vào năm Tự Đức thứ hai mươi bốn (1871) ấy, tri phủ Từ Sơn Trương Quang Đản phái người bắt được “tên đầu mục của giặc là Nguyễn Văn Đài (xưng là lãnh binh [của giặc]), [kẻ đã] nhiều lần chống cự quan quân, đốt nhà giết người ở các dân xã; [kẻ đã được xác định:] trong bọn giặc ấy, tên Đài là tàn bạo nhất” (107). Đến tháng chạp cuối năm, lại chính Trương Quang Đản cầm quân truy kích tên Nguyễn Đình Chích, kẻ tự xưng là đại tướng quân ở Đông Ngàn, Kim Anh. Hắn đã nhiều lần tấn công, quấy nhiễu hạt phủ Từ Sơn, nay đã phải đền tội. Trương Quang Đản được thăng từ hàm kiểm thảo lên hàm tu soạn với quân công hai cấp được thưởng, vẫn lãnh tri phủ ở phủ ấy.

      Tháng tư năm sau (1872), tên Tịch (đại nguyên soái Lê Khuông!) mới sa lưới. Thống đốc Hoàng Tá Viêm, tri phủ Đa Phúc Nguyễn Đại và hai người dân sở tại, Nguyễn Văn Hoán và Nguyễn Văn Uy, đều được phong cấp, tặng thưởng. Triều đình nhận định tên Tịch này là đầu sỏ kiệt hiệt nhất, nên truyền chỉ, đóng cũi giải hắn về kinh đô Huế. Vua Tự Đức còn sai truyền thông tin này khắp cả Bắc Kì, rằng tên Tịch “từ xưa đến nay làm loạn, sĩ dân gián hoặc có người bị hắn xúi giục”; truyền thông “để [nhân dân được] tỏ rõ lẽ thuận nghịch, phục tùng chính nghĩa, yên giữ phận thường, để cùng hưởng phúc thái bình”.

      Khi tên Tịch bị giải đến địa phận Quảng Trị, y cắn lưỡi, rút con dao giấu được tự đâm vào bụng để tự sát. Quan quản đạo Quảng Trị ra lệnh lăng trì xác của tên Tịch. Vua Tự Đức còn bảo phải chặt cổ, bêu đầu ba ngày, rồi giã nhỏ, ném xuống sông (109)! Có người bảo tên Tịch này trả thù Nguyễn Văn Tường bằng cách đó. Có người lại đồn khác hẳn, tên Tịch cảm ơn Nguyễn Văn Tường đã thức tỉnh cho y, nhưng y ân hận là đã quá muộn, và xin tự sát ngay tại quê hương ông! Có người cho rằng tên Tịch biết gần đến Huế, sắp phải chịu cực hình đau đớn, nên y tự sát trước. Không biết giả thiết, lời truyền ngôn nào là xác thực! Vào lúc đó, cuối tháng tư, đầu tháng năm nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ hai mươi lăm (1872), hẳn là tình cờ, ngẫu nhiên, huyện Thành Hoá lại săn bắt được hai con voi rất đẹp, nhân dân đã mang vào kinh dâng tiến (109). Lại có người thêu hoa dệt gấm, tạo nên một truyền thuyết: đất Quảng Trị sắp phát tể tướng!

      Quân phỉ người Việt ở Bắc Ninh, dưới sự thống lĩnh của tên Tịch (đại nguyên soái ngụy xưng, Lê Khuông), từ ấy mới thật sự bị tiễu trừ.

      Nhưng lũ phỉ Bắc Ninh vẫn còn một tên đầu sỏ nữa. Y cũng trùng tên với tên đã chết: Nhiễm.

      Tên phỉ người Kinh có tên là Nhiễm này, y lại kéo dài mạng sống lâu hơn. Đến tháng sáu nguyệt lịch năm Tự Đức thứ hai mươi sáu, Quý dậu (1873), quân của y mới bị đánh tan. Tên Nhiễm chiếm cứ bí mật xã Vân Trì thuộc tỉnh Bắc Ninh, lại câu kết với một tên phỉ người Kinh có nhiều thuộc hạ lâu la khác, đó là Phùng Văn Tường. Phùng Văn Tường tự xưng là Quận Tường. Hai tên phỉ, Nhiễm và Phùng Văn Tường ấy, ngày càng quấy nhiễu táo bạo. Bấy giờ, Nguyễn Uy (Oai) đã được điều động ra Bắc Kì làm thị sư (110). Ông phái hai phó lãnh binh quan Lê Thiện Hanh và Nguyễn Luận (111) cùng tri phủ Từ Sơn Trương Quang Đản chia quân hợp sức tiến đánh sào huyệt phỉ. Tên Phùng Văn Tường trốn thoát, nhưng tên Đỗ Nhiễm bị bắt sống (112).

           

      13

      Cũng vào tháng ba nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ hai mươi bốn (1971), khi tình hình bọn phỉ Việt và bọn giặc Cờ lại bùng dậy, tướng nhà Thanh Phùng Tử Tài lại được thương thuyết, nên ông đã kéo quân sang (113). Tướng họ Phùng thừa hiểu tiễu trừ bọn tàn quân Thái Bình thiên quốc đúng ra là trách nhiệm của riêng nhà Thanh. Nhưng trong thực tế, chính triều đình Đại Nam lại phải chu cấp lương thực cho quân Thanh! Lần này, chỉ mười sáu doanh, mỗi doanh từ hai đến ba trăm viên lính.

      Nhưng lấy lại thành Cao Bằng không phải chính công lao quân Thanh. Đây là một vụ việc ngay lúc ấy các quân thứ và cả triều đình lại ngỡ là chính viên quan lãnh án sát sứ Cao Bằng Đặng Duy Trinh phối hợp với quân của nhà Thanh dưới sự chỉ huy của Vi Tam! Về sau, sự việc mới được điều tra làm rõ (114). Nhưng lúc chiếm lại thành Cao Bằng, ai cũng ngỡ thế! Dẫu sao, chiến công ấy vẫn là chiến công.

      Án sát Đặng Duy Trinh chỉ bàn bạc bí mật với mỗi Vi Tam và phối hợp với phó lãnh binh quan Trương Văn Ban, quản mộ Lương Tuấn Tú, bang biện Trần Quang Trọng, không thông qua các quan quân thứ và quan tỉnh! Họ cho binh lính giả dạng dân phu đi hái củi về vào thành, lẻn tìm, đóng chặn hết các lỗ châu mai bắn súng lớn. Ngay nửa đêm, họ dẫn quân binh đánh úp. Bọn giặc Cờ tháo chạy chí chết vì không thể phản công có hiệu quả!

      Tình hình mặt trận phía Bắc, mặc dù có nhiều thắng lợi, vẫn còn lắm khó khăn, cam go.

      Ông Ích Khiêm đã hồi phục, sau khi chữa lành hai vết đạn ở bắp chân và đùi chân trái, lại vào trận.

      Tán lí Nguyễn Văn Tường và tán lí Ông Ích Khiêm lại phối hợp với nhau cầm quân đánh dẹp toán giặc ở Bắc Lệ, Hoà Lạc để thông đường cho Phạm Thận Duật đốc thúc quân binh vận lương lên đồn Quang Lang, từ đó chở thẳng qua thành Lạng Sơn để giảm bớt sự thiếu thốn ở đó (115).

      Khi ấy, cũng chính tán lí Nguyễn Văn Tường lại lo giao tiếp với hai viên quan nhà Thanh Ba Đình Kiệt, tiến sĩ, thương biện quân vụ, Từ Diên Húc, tri phủ Thái Bình, một phủ bên đất Trung Quốc. Dịp đó vua Tự Đức cũng làm thơ tặng Hoàng Tá Viêm và trao thơ ấy cho cả hai viên quan nhà Thanh kia (116).

      Lúc này, nhận thấy tiền giả (tiền sềnh) do người Thanh đúc chuyển sang mua vét hàng hoá ở nước ta rất nhiều, Nguyễn Văn Tường và các quan đều phàn nàn, tâu báo về kinh. Ông biết rằng một khó khăn nữa đang diễn ra trên Đất nước, và dự cảm về sau nạn tiền giả ấy mỗi ngày sẽ mỗi trở nên đại hoạ cho nền kinh tế – tài chính của nước ta (117)!

      Tiền giả! Tiền sềnh! Tiền giả! Tiền sềnh! Tiền giả! Tiền sềnh! Đó là một loại tiền được đúc mỏng và xấu, hàm lượng đồng rất ít. Nói chung là dễ phát hiện. Nhưng bọn con buôn nhà Thanh biết cách lừa phỉnh những người dân biên giới!

      Đi đâu, người ta cũng nghe những đau xót về loại tiền giả ấy! Trên khắp các quân thứ, trong khắp làng thôn xóm mạc đều vang lên tiếng báo động và tiếng kêu cứu về tiền giả! Kẻ đắc chí chỉ là bọn con buôn người nước Thanh (Trung Quốc)!

      Khi thượng thư Bộ Hình Lê Tuấn được điều động ra Bắc làm khâm sai đại thần (118) như Vũ Trọng Bình mấy năm trước kia, bọn giặc Cờ lại cả gan đánh chiếm đồn Quang Lang tỉnh Lạng (119)! Tham tán Nguyễn Huy Kỷ, tuần vũ Lạng – Bằng Lương Quy Chính bị giáng bốn cấp. Tán lí Ông Ích Khiêm, tán lí Nguyễn Văn Tường và cả thống đốc Hoàng Tá Viêm đều bị giáng hai cấp. Đường vẫn chưa thông, cho dù tất cả quan quân vẫn đang nỗ lực đánh bại bọn giặc Cờ! Họ lại bị cách chức nhưng cho lưu nhiệm!

      Quốc thư lại phải gửi sang nước Thanh (119)!

      Mười sáu doanh quân Thanh đã sang, nay lại tiếp tục tăng cường! Nghe tin ấy, tên đầu sỏ giặc Cờ vàng Hoàng Sùng Anh lập tức xin hàng (120). Vua Tự Đức vẫn nhất trí. Nhưng tin quân Thanh sang thêm lại khiến Tô Tứ (Tô Quốc Hán), Tăng Á Trị lo âu, mặc dù đã đầu hàng mấy tháng rồi. Chúng liền đốt lán trại, nhà cửa mà quan quân ta đã sắp xếp cho chúng tại Nà Dương (Lạng Sơn) để chạy trốn đến An Châu (120)!

     Tướng nhà Thanh không vượt biên giới. Ông ta cùng đạo đài Ba Đình Kiệt vẫn đóng tại Long Châu thuộc đất Trung Quốc để chỉ đạo. Người gần như chuyên đảm trách giao thiệp với tướng nhà Thanh là Nguyễn Văn Tường, nên lần này ông lại được lệnh mang quốc thư sang đất Tàu cùng các phẩm vật khác để uỷ lạo Ba Đình Kiệt (121).

      Lực lượng hùng hậu của quân Thanh hành quân sang nước ta, khiến bọn giặc Cờ đang chiếm cứ tại đồn Quang Lang (Lạng Sơn) chạy tan. Rồi đường cũng thông. Tỉnh Bắc Ninh chở gạo lên thành Lạng (122).

      Tháng tư nguyệt lịch, lúc nắng mùa hè bắt đầu chói chang, một tin vui chiến trường được truyền đi khắp các quân thứ: tên giặc Cờ Tăng Á Trị đã bị bắn chết, tên Lao Nhị (Lao Doãn Tài) vốn trước đây câu kết với tên phỉ Lê Khuông (Tịch) lại xin đầu hàng (123)!

      Trước đó ít hôm, cuối tháng ba, ở triều đình, quan khoa đạo Phan Văn Điển đã phê phán chủ trương thiên về biện pháp phủ dụ bọn giặc Cờ của Hoàng Tá Viêm, và đồng thời chỉ trích cả Lê Tuấn. Trước cả lần ấy nữa, khâm sai Phan Đình Bình cũng đã về triều tâu lên vua sau chuyến đi thị sát mặt trận: Vũ Trọng Bình nay lại chuyển sang biện pháp phủ dụ, do đó mâu thuẫn gay gắt với Ông Ích Khiêm (124). Nhà vua đôi khi cũng cho rằng như thế là biếng nhác, “nuôi giặc”! Triều đình còn đòi nghị xử hai viên quan lớn, thống đốc Hoàng Tá Viêm và khâm sai đại thần Lê Tuấn, vì cho rằng họ có tập tâu rất “càn bậy” (125), có lẽ ngôn ngữ họ đã nhiễm chất lính tráng ở mặt trận, thiếu tính đài các quan phương! Nhưng vua vẫn nghĩ lại, cho ân giảm mức giáng phạt như đình thần đề nghị. Tuy vậy, đó chỉ là lần sơ suất về ngôn ngữ. Tập tâu kế tiếp của tú tài Hoàng Tá Viêm và của tiến sĩ hoàng giáp Lê Tuấn lại được nhà vua đánh giá là rất có giá trị (126)! Đó là tập tâu nhận định toàn diện về các tỉnh biên giới Bắc. Trong đó, có một nhận xét về sự câu kết giữa Hoa kiều cư trú ở nước ta với bọn giặc Cờ: “Người nước Thanh sang ngụ cư so với các kì thì Bắc Kì là nhiều hơn cả. Mấy năm nay bọn giặc quấy nhiễu ở biên giới, người cùng một giống không khỏi thông đồng cấu kết với nhau; đáng lẽ phải biên chép, kiểm xét một phen, để ngăn từ đầu; chỉ vì mối lo bên ngoài chưa yên, thì [tình] thế chưa nên làm vội, [nhưng] cũng không nên không phòng bị trước” (126)! Đó là một trong những khó khăn cơ bản nhất! Thảo nào người dân Việt ở Gia Định lại dằn mặt Trần Tiễn Thành hồi Tết Nguyên đán, năm ông ta cùng Nguyễn Văn Tường vào đàm phán với De Lagrandière! Thảo nào dân Bắc Kì lâu nay cũng không ngớt xôn xao về vấn đề người Hoa, nhất là Hoa kiều Minh Hương, phù Minh diệt Thanh! Từ lúc bọn Thái bình thiên quốc tan rã, chạy tràn sang nước ta toan chiếm cứ xưng hùng xưng bá, Hoa kiều đã thực sự trở thành vấn nạn lớn!

     Quân Thanh sang, đó là yêu cầu của ta, cũng là trách nhiệm của họ. Nhưng đối với những tướng tá ở mặt trận, điều đó ít nhiều cũng bị gây thương tổn tâm lí. Thống đốc họ Hoàng và ngay cả tuần vũ Hà Nội Trần Đình Túc cũng cảm thấy bị chạm tự ái, nhất là quân Thanh không thể không gây rối nhiễu trong sinh hoạt của nhân dân, chúng lại làm ra vẻ xem thường, khinh dễ sức chiến đấu của quan quân triều đình Huế đang tiễu phỉ (127)! Các quan tướng tá của ta càng bất mãn khi nhà vua lại ra dụ với lời lẽ khiển trách quá nặng, mặc dù họ thừa hiểu giọng điệu hoàng đế, “quân vương chi phụ mẫu” vốn thế!

      Như cách “giơ cao đánh khẽ”, mặc dù khâm sai Lê Tuấn bị nhà vua chê trách (127) rằng, từng hứa trước bệ rồng khi ra Bắc là quyết đánh vài trận cho giặc kinh hãi mới nói chuyện phủ dụ, thế mà đến nay vẫn chả làm được gì! Nhưng rồi, Lê Tuấn cũng được sung chức Bắc Kì kinh lược đại sứ, chức vụ mà trước đây Nguyễn Văn Tường tâu xin đề xuất Nguyễn Tri Phương đảm nhận.

      Tuy vậy, vẫn có một tin chính xác khiến mọi người yên tâm: Tô Tứ (Tô Quốc Hán) không dám làm phản nữa từ sau khi đọc thư chiêu hàng của Nguyễn Văn Tường để trả thành Lạng Sơn. Y hoảng sợ khi quân Thanh lại sang, nên bỏ Nà Dương lên trú tại An Châu, sau đó tìm cách về Trung Quốc. Tại trấn Đông Hưng bên nước ấy, Tô Tứ bị phó tướng nhà Thanh Lôi Bỉnh Cương bắt được (128). Thế là y đã bị kết thúc cuộc đời!

      Bọn tàn quân của Tô Tứ (Tô Quốc Hán) lại chạy sang nước ta, nhưng xuống phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên, nơi Hồ Trọng Đĩnh đang trấn nhậm (128). Ở đấy chúng lại câu kết với Hoàng Tề để lại quấy nhiễu (129). Hoàng Tề là tên giặc người Việt đã Hoa hoá, hoàn toàn như một người Hoa (bởi y vốn lưu lạc trên đất Trung Hoa nhiều năm), mặc dù y vốn chính gốc người Việt (Kinh).

      Bấy giờ, Tôn Thất Thuyết đã được điều động về vùng ven biển. Đến tháng hai năm Tự Đức thứ hai mươi lăm (1872), bố chính sứ Hải Dương Tôn Thất Thuyết cùng tán tương Trương Văn Đễ mới hạ sát được Hoàng Tề ngay trong trận chiến. Bọn phỉ lâu la còn sót lại của Tô Tứ lại xiêu giạt, mất tích hoặc mai danh ẩn tích dần.

      Nhưng vẫn còn tên giặc Cờ vàng khét tiếng nhất nhì, quân lâu la của y rất đông, hầu như nhập lại từ nhiều phe nhóm khác nhau. Đó là Hoàng [Sùng] Anh. Hoàng Sùng Anh lại tiếp tục quấy nhiễu ở Tuyên Quang (130)! Có lần, y xin hàng. Quân ta căm giận đòi y phải trả số tiền trước đây ta trợ cấp cho y và lâu la để chúng buông súng gươm, lo làm ăn. Nhưng đòi là đòi cho y nhớ, rằng quân ta đã rất nhân đạo với y và phe cánh! Rồi như một thói phỉ bất trị, tướng phỉ Hoàng Sùng Anh lại quấy nhiễu, rồi lại xin hàng! Lần y xin hàng vào tháng bảy nguyệt lịch năm Tự Đức thứ hai mươi lăm, Nhâm thân (1872), nhà vua kiên quyết không chấp nhận! Phải dứt khoát tiêu diệt Hoàng Sùng Anh (130)!

      Trong khi đó, ở mặt trận Thái Nguyên, tướng nhà Thanh Lưu Ngọc Thành, Trần Triều Cương vẫn đang hội quân tiễu phỉ (131).

      Tình hình bọn giặc Cờ là thế. Tình hình lương – giáo vẫn ngấm ngầm mà rất gay gắt, nhất là ở Nghệ An với xung đột giữa hai thầy trò tú tài Trần Tấn, tú tài Đặng Như Mai với giám mục thực dân Ngô Gia Hậu (Gauthier), kẻ có mối liên hệ ngầm với tên lái súng Jean Dupuis (13). Jean Dupuis hiện đang ở Vân Nam, buôn bán, viện trợ súng đạn cho bọn phỉ, lũ giặc Cờ. Ở Bắc Kì, dư đảng (bè lũ còn sót) của Pierre Tạ Văn Phụng vẫn tiếp tục hoạt động như bọn phỉ Việt, lũ giặc Cờ người Tàu!

      Tán tương Nguyễn Văn Tường cùng các quan ở quân thứ cũng đã hay tin giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ mới chết vì bệnh nặng, vào tháng khởi đầu mùa đông năm Tân mùi (1871). Lúc sắp mất, giáo sĩ tập cổ hai câu thơ xưa:

“Nhất thất túc, thành thiên cổ hận

Tái hồi đầu, thị bách niên cơ” (132)

Một lỡ chân, thành muôn thuở hận

Lại quay đầu, thấy cõi trăm năm!

      Phải chăng Nguyễn Trường Tộ, con người có trí lực không phải tầm thường ấy, đã ân hận? Sao ông ta không sớm từ bỏ một tôn giáo bị biến thành công cụ xâm lược? Thật thương tiếc thay!

      Và lúc Vũ Phạm Khải, người đang đi hiểu dụ trong dân gian, trong bọn phỉ, bỗng chết (133), vua Tự Đức lại cho phổ biến khắp tỉnh thành thôn xóm bài ca do chính nhà vua diễn lại bằng chữ Nôm từ bản “Thập điều diễn nghĩa” của vua Thiệu Trị (134). Mặc dù sắc chỉ xoá bỏ việc cấm theo đạo Gia Tô đã ban hành từ sau “hoà” ước Nhâm tuất (1862), nhưng ai cũng biết việc kí kết “hoà” ước ấy chỉ là sự bất đắc dĩ, do bị thực dân, “tả đạo” làm sức ép. Trong thực tế, triều đình vẫn cho lập chức sắc hương thân trong làng để hiểu dụ cho nhân dân rõ: Không nên theo “tả đạo”, vì “tả đạo” là lực lượng nội phản mà thực dân đang ra sức tiêm nhiễm để gầy tạo nên trong nước, nhằm thực hiện thủ đoạn dùng người Việt theo “tả đạo” đánh người Việt bên lương, với mục đích duy nhất của chúng là tiện lợi cho việc chúng xâm lược nước ta, nô dịch dân ta!

 

      14

      Thanh Dã là một vùng đất thuộc tỉnh Thái Nguyên. “Thanh Dã”, ruộng đồng xóm thôn xanh um, cũng có thể hiểu là nơi um tùm cây cỏ hoang vu không bóng người, nơi thực hiện kế sách “vườn không nhà trống”. Thanh Dã, nơi tán lí quân vụ Nguyễn Văn Tường và tham tán Ông Ích Khiêm đã phối hợp với phó đề đốc Trần Mân để tiêu diệt bọn giặc trốn nước Thanh (giặc Cờ), là một đồn bảo (135).

      Không thể cứ để bọn giặc Cờ này mãi lộng hành ở đó. Chúng chiếm cứ đồn này đã hơn một tháng rồi. Chúng ra sức vơ vét tiền bạc, gạo thóc của nhân dân quanh đồn. Tiếng kêu khóc không ngớt vang lên trong các thôn xóm.

      Ít ra đây là trận thứ hai, sau trận truy quét mở đường ở Bắc Lệ, Hoà Lạc, Ông Ích Khiêm cùng Nguyễn Văn Tường trực tiếp cầm quân, phối hợp với nhau để tiễu trừ bọn giặc Cờ. Trong bọn giặc Cờ này, còn có một số là giặc Khách, vốn là người Hoa kiều cư trú tại nước ta từ lâu, nay làm phản.

      Trước khi ra lệnh tấn công bằng vũ trang, tán lí Nguyễn Văn Tường cùng tham tán Ông Ích Khiêm hội ý với phó đề đốc Trần Mân, cho bắn vào đồn giặc chiếm hai lá thư chiêu hàng, phủ dụ. Những người lính bắn cung tên giỏi nhất được lệnh buộc vào các mũi tên những bản sao hai bức thư truyền đơn. Lá thư thứ nhất vẫn là lí lẽ nhân nghĩa Nguyễn Văn Tường sử dụng khi viết cho tên tướng phỉ Tàu Tô Tứ. Lá thư thứ hai, Nguyễn Văn Tường và hai viên tướng của ta chỉ rõ cho bọn giặc Khách (136), đúng nguyên nghĩa của chữ “kiều”, hay còn gọi là giặc Hoa kiều, thấu hiểu chính nghĩa và chí nhân của ta:

 

      Hoa kiều theo phỉ tàn quân Thái Bình thiên quốc nghe đây!

      Đây là lời phân tích lẽ phải, điều trái của các quan quân thứ triều đình Đại Nam, của quan tỉnh Thái Nguyên, để bảo các ngươi!

      Nhân và Nghĩa là gì? Đó là lòng yêu thương, quý trọng con người nói chung; cụ thể hơn, ấy là tình tương thân tương ái giữa người đồng chủng trước hiểm họa xâm lăng của bọn Âu Mỹ, mà nhân dân các nước da vàng chúng ta gọi chúng là “bạch quỷ” hay “lũ quỷ mắc bệnh bạch tạng”. Đó là lẽ phải, là công lí, đồng thời cũng là đạo lí, con người phải tuân theo để phân biệt với loài cầm thú.

      Bằng cách này hay cách khác, Khổng Mạnh, Phật Thích Ca, Lão Trang đều truyền giảng nhân ấy và nghĩa ấy. Tổ tiên các Hoa kiều lúc sống ở Trung Quốc đã hiểu đến mức thấm nhuần điều đó. Các ngươi có thể được sinh ra, lớn lên, học hành, làm ăn sinh sống ở nước Đại Nam, cũng đã hiểu Nhân và Nghĩa của dân tộc Việt (gồm nhiều nhân tộc) qua lịch sử chống ngoại xâm tự bốn ngàn năm lập quốc, vệ quốc và kiến quốc (lập nước, giữ nước và xây dựng đất nước). Bốn ngàn năm qua, Đất nước Đại Nam, qua nhiều triều đại với nhiều quốc hiệu, vẫn một ý chí chống ngoại xâm, trong đó kẻ thù thường xuyên là các tên vua xâm lược Trung Hoa. Nhân dân Trung Hoa chỉ bị các tên vua ấy bức hiếp mà hàng vạn người cầm gươm giáo, súng ống cho ngai vàng của chúng. Ấy là những giai đoạn lịch sử các ngươi lẽ ra phải tự xấu hổ giùm cho các tên vua Trung Hoa đã bị lịch sử nguyền rủa. Ngoài ra, khi các vị vua Trung Hoa lại giao hảo với Đại Nam thì Đại Nam vẫn xem Trung Hoa là đại quốc. Nhưng dẫu sao đi nữa, trước sau như một, người Đại Nam vẫn xem Hoa kiều các ngươi là khách, là bạn. Nước Đại Nam đã đãi các ngươi như khách, đã giao tiếp với các ngươi như bạn, hơn nữa, đã sẵn sàng chấp nhận cho các ngươi đồng hoá thành người Việt, bằng cách thay tên đổi họ, bỏ hoàn toàn phong tục Hoa, bỏ hoàn toàn ngôn ngữ Hoa, xé bỏ tộc phả, gia phả mang từ Trung Hoa sang, thế mà các ngươi vẫn manh tâm làm nội phản cho bọn giặc từ Trung Hoa tràn sang xâm lược nước Đại Nam sao? Nhân ở đâu? Nghĩa ở đâu? Con người hay cầm thú? Há phải đợi nói nhiều! Nếu không đầu hàng, hẳn các ngươi chấp nhận bị tiêu diệt! Các ngươi hãy suy nghĩ kĩ. Đừng câu kết với nhau, quậy phá, chiếm cứ đất đai nước Đại Nam, cướp bóc nhân dân Đại Nam, vừa mặc nhiên vô ý thức, vừa công nhiên có ý thức làm lợi cho bọn thực dân Anh, Y, Pháp, Đức, Nga, Mỹ và các nước Âu Mỹ khác! Hạn cho các ngươi đến ngày mai! Hãy nhớ lòng nhân đạo của quan binh triều đình Đại Nam cũng có giới hạn, không thể cứ để các ngươi lộng hành như thế mãi! Hãy đầu thú gấp (137)!

 

      Những bản sao hai lá thư đã được các mũi tên bắn đi, rơi vào đồn Thanh Dã. Bọn  lính giặc Cờ, giặc Khách giấu giếm lén đọc, nhưng chủ tướng của chúng lại công khai đọc và hét vang, vừa giận dữ vừa xấu hổ. Đồng thời, loa đồng cầm tay của quan quân ta cũng vang lên nguyên văn hai lá thư ấy.

      Nhưng tán lí Nguyễn Văn Tường, tham tán Ông Ích Khiêm, phó đề đốc Trần Mân cứ để đến năm ngày sau, chứ chưa vội tấn công tái chiếm. Ngày thứ nhất, tên tướng phỉ ra lệnh canh gác kĩ, không cho ai đầu hàng. Ngày thứ hai, vẫn bị canh gác kĩ như thế, nên chỉ đến khuya mới có người lén lút bò ra, tìm về dinh phủ đầu thú.

      Bất ngờ, ngày thứ sáu sau ngày bắn thư chiêu hàng, phủ dụ và đọc thư ấy với những chiếc loa chĩa vào đồn Thanh Dã bị giặc chiếm, lúc nửa đêm về sáng, quân ta bắn đại bác thần công vào đồn, mở đầu cuộc tấn công.

      Các đợt lính cầm súng điểu thương, cầm súng hoả mai bắn đạn chì, cầm cung nỏ vùn vụt tiến vào. Kế tiếp là đợt lính cầm giáo mác, dao ngắn cận chiến gào thét xung phong. Hoá ra, bên trong đã nổ ra một cuộc xung đột đẫm máu! Giăïc Khách là những Hoa kiều cư ngụ tại nước ta vài đời hay mới nhập tịch, họ đã biết ân hận, nên quay súng quay gươm tiêu diệt bọn giặc Cờ ngoan cố. Khi quân ta tiến vào, đã thấy cảnh xô xát quyết liệt giữa chúng!

      Những tên giặc Cờ cũng như giặc Khách rất dễ phân biệt với quân ta, nhưng chúng lại giống nhau, vì chúng vốn gốc Hán nhưng quen cạo trắng nửa đầu phía trước, nửa đầu phía sau để tóc dài, tết thành đuôi sam kiểu Mãn Thanh. Giặc Khách đang tiêu diệt giặc Cờ! Giặc Cờ đang tiêu diệt giặc Khách! Những cái đầu rơi rụng. Những tấm thân đổ phịch. Máu tung toé.

      Quân ta không biết phải hành xử thế nào, trong những phút đầu. Tán lí Nguyễn Văn Tường, tham tán Ông Ích Khiêm, phó đề đốc Trần Mân thoáng một chút bối rối!     

      - Ai đã thuận theo chính nghĩa Đại Nam hãy vừa chiến đấu vừa một tay đưa lên, hoặc cởi áo ra, chỉ đánh trần! Nhanh lên! – Tán lí Nguyễn Văn Tường nói lớn, và câu nói ấy ngay lập tức được truyền đi từ miệng này sang miệng khác –.

      - Tuân lệnh! Tuân lệnh!

      Quân ta liền xác định được ai thù, ai bạn, và cùng giáp chiến. Trận chiến kết thúc khá nhanh. Tên tướng Tàu liền tự sát.

      Sau đó là cuộc thanh lọc tù hàng binh của giặc, căn cứ vào khả năng nói sõi tiếng Việt của từng tên và lí lịch cư trú của chúng để phân loại. Có rất nhiều tên Thái bình thiên quốc biến chất thành giặc Cờ cũng đầu hàng.

      Đó là một trận thắng hiển hách của quân binh triều đình, trong đó có sự đóng góp của những người vốn là giặc, nhưng đã thức tỉnh nhờ hai lá thư địch vận. Tất cả đều được thăng chức, tặng thưởng.

      Một tuần sau, khi ba vị chỉ huy có dịp bàn bạc việc quân, tán lí Nguyễn Văn Tường mỉm cười nói với tham tán Ông Ích Khiêm:

      - Trận Thanh Dã ở Thái Nguyên vừa rồi vẫn không bằng trận hoả công tại Sen Hồ (138) của quân thứ Sơn Tây đâu nhỉ? Thống đốc Hoàng Tá Viêm vẫn cho rằng vào tháng chạp rét mướt năm ngoái, thế mà Ông tham tán và tán lí Trần Thiện Chính vẫn thực hiện hoả công được, kể ra cũng không phải tầm thường!

      - Bấy giờ may thay mưa ngớt được cả tuần, trời khô và rét. Nhưng nhờ thuốc súng, thuốc cháy nhạy lửa. Cái yếu tố thứ ba quyết định thắng lợi là do quân cảm tử rất anh dũng. – Tham tán Ông Ích Khiêm phân tích, với giọng đặc sệt chất riêng của làng Phong Lệ, Diên Phước, Quảng Nam –. Khi bọn chúng tấn công, len giữa lau lách, quân cảm tử dùng ống phụt lửa là quá đắc sách. Bọn phỉ Tàu bị nướng thui cả!

      - Đó là một trận phản công rất hay. Tôi có xem bản báo cáo. Tôi nhớ mãi vì hôm tháng chạp ấy, ở Bắc Ninh xảy ra một vụ động đất vô tiền khoáng hậu, tiếng vang từ địa chấn nghe như sấm. – Nguyễn Văn Tường lại nói –. Chiến công của quân thứ Sơn Tây hồi tháng ba nguyệt lịch năm Tự Đức thứ mười sáu, Quý hợi (1863), dưới sự chỉ huy của đề đốc Phạm Hữu Xuân, phó đề đốc Vũ Tảo, thương biện tỉnh vụ Nguyễn Hữu Tạo, thu phục lại thành Tuyên Quang cũng lừng lẫy lắm (140). Quân thứ tỉnh này chiến đấu giúp tỉnh kia là rất quý, rất đẹp. Tôi có làm một bài tứ tuyệt, xin tặng Ông tham tán và Trần tán lí về hai chiến công đó.

      - Đâu? Quan tán lí Nguyễn chưa chép ra giấy sao? – Tham tán Ông Ích Khiêm tỏ vẻ rất thích đọc bài thơ ấy, rồi chợt nói –. Nhưng, thú thực với quan tán lí thế này, là cả tôi lẫn tán tương Trương Văn Đễ đều không thích cách chỉ huy thiên về phủ dụ bọn giặc Cờ của thống đốc Hoàng Tá Viêm. Hai chúng tôi đã có lần nói thác là bị ốm, và thà chịu tội về ốm, chứ không chịu để cho quan thống đốc ấy sai khiến (141)… Nhưng gác lại chuyện ấy! Thơ đâu, quan tán lí? Tôi muốn đọc bài thơ ấy.

      - Rồi! Đã chép. Tôi sẽ tặng sau. Trần Thiện Chính là một nhà thơ của đất Gia Định đấy, chứ đùa đâu! Thơ Trần Thiện Chính có bài hay lắm. Về cuộc đời chinh chiến, thời đánh Pháp ở Nam Kì, ông ấy với Phan Trung người Bình Thuận cũng hào hùng lắm!

      - Nếu nói về đời sống thực tại thường ngày thì Trần Thiện Chính cũng có khuyết tật. Tôi cũng thế! Mấy tay khoa đạo của triều đình ra kiểm sát các quan binh quân thứ, về tâu lên vua rồi. – Tham tán Ông Ích Khiêm nhăn mặt –. Mới đầu tháng hai nguyệt lịch năm Nhâm thân (1872) này đây, nhà vua xuống dụ trách tôi dung túng quân lính làm càn, bản thân kiêu ngạo, cứng xẵng, nóng tính (142). Còn Trần Thiện Chính sắp bị cách chức?

      - Cách chức? Tại sao?

      - Vua phê phán Trần Thiện Chính cấp tiền trái lệ, lại hút thuốc phiện, giả ốm để nghỉ phép hú hí với vợ lẽ mới cưới! Chính quan khoa đạo Hoàng Đỗ Luyện sung làm khâm phái ra đây thanh tra về tâu chứ ai (143)!

      - Thế là vĩnh viễn bị cách rồi! Tội quá lớn! Thật tiếc cho nhà thơ Gia Định có một thời rất anh hùng!

      Phó đề đốc Trần Mân nãy giờ im lặng mỉm cười lắng nghe, chợt nói:

      - Tiếc thì tiếc, nhưng làm việc phân cấp tiền bạc bậy, lại bén vào á phiện, mê mệt theo vợ lẽ như thế thì tội như thế, bị án như thế là đúng! Nếu không thì quan quân làm sao nghiêm được!

      - Chắc vài tháng nữa án mới nghị xử xong (143)!

      Khi hiểu chuyện, tán lí Nguyễn Văn Tường hơi buồn, và tiếc nhiều cho Trần Thiện Chính! Không ngờ ông ta lại tệ hại đến vậy.

      - Cũng có thể nhà vua, đình thần sẽ cho khai phục. – Phó đề đốc Trần Mân nói –. Cũng phải thừa nhận cơ chế thanh tra, kiểm sát của bản triều là rất chặt chẽ, khó mà dối trá được! Quan khoa đạo đi khắp mọi nơi, rồi chế độ thưởng phạt trong việc tâu hặc như thế, thì lọt khỏi mắt đức vua cũng gay!

      Đang nghĩ ngợi, tán lí Nguyễn Văn Tường chợt mỉm cười khi thấy Ông Ích Khiêm rút trong áo ra lá thư truyền đơn:

      - Về lá thư chiêu phủ bọn giặc Khách (Hoa kiều) quan tán lí Nguyễn Văn Tường viết hôm trước, có nhiều ý tôi cũng suy nghĩ nhiều. Theo quan phó đề đốc Trần Mân, ông thấy thế nào?

      Là quan võ, Trần Mân cười:

      - Theo tôi là tốt! Nhưng chữ nghĩa là chuyện của quan văn các vị! Hỏi tôi, nên hỏi võ nghệ, binh pháp!

      - Đó đâu phải là chiếu chỉ của đức vua, cũng không phải công văn của Bộ Lại. Nó chỉ là thư chiêu phủ giặc Khách. – Tán lí Nguyễn Văn Tường nhìn Ông Ích Khiêm, chờ nghe ý kiến của ông –.

      - Thú thật tôi cũng không cần biết, tôi nguyên có gốc tiên tổ xa đời là Chăm hay là Tàu. Ông, Ma, Trà, Chế là họ người Chăm. Nhưng người Tàu cũng có họ Ông! Cái đó, riêng với tôi, thật tình không quan trọng, thậm chí tôi không quan tâm đến gia phả, tộc phả. Trong người tôi có đến ba phần tư là máu huyết bà cố, bà nội, mẹ tôi, thậm chí có cả máu huyết bà tổ, bà vải, bà cao, vốn đều là người Việt nữa! Nhưng tôi vẫn họ Ông. – Tham tán Ông Ích Khiêm mỉm cười –. Tất nhiên đó là tôi suy nghĩ thế thôi. Tôi vẫn hiểu là tuỳ ý chọn lựa của người Khách, mặc dù đó đâu phải là chiếu chỉ của đức vua, cũng không phải công văn của Bộ Lại! – Tham tán Ông Ích Khiêm cười ha hả bởi một ý tưởng tinh nghịch mới loé trong đầu –. Cứ hiểu tôi là cái ông có tên là Ích Khiêm! Còn con gái họ tôi thì mang họ chồng rồi!

      - Thế thì đổi họ cho tiện. – Quan phó đề đốc Trần Mân cũng cười vui –.

      Họ ngồi chuyện trò sau khi đã bàn bạc việc quân, chờ chiều xuống, nhưng cũng không phải chuyện không đáng ngẫm nghĩ. 

      Một lát sau, tán lí Nguyễn Văn Tường cầm bút chép ra giấy:   

                

Kí Sơn thứ tham tán Ông, tán lí Trần

 

“Thanh hạ phong huân kham giải phụ

Liên Hồ nguyên bất đáo đông hàn

Tuyên thành kỉ tích bi di tại

Kí đạo chư quân thí nhất khan” (144).

 

Gửi tham tán Ông, tán lí Trần

ở quân thứ Sơn Tây

 

Gió mát, hè trong giải khổ phiền

Hồ sen chẳng vẹn tới đông thiên

Thành Tuyên công trạng còn bia đó

Xin nhắn chư quân thử đến xem.

 

Gửi tham tán họ Ông, tán lí họ Trần

ở quân thứ Sơn Tây

 

Gió ấm, hạ xanh: gò cứu đụn

Rét đông khôn đến: hồ nguyên sen!

Thành Tuyên, kỉ tích bia lưu mãi

Nhắn gửi mọi người thử tới xem.

 

Hạ biếc quạt nồng thông được núi

Sen Hồ vốn chẳng trọn hàn đông

Thành Tuyên chép tích bia lưu đó

Nhắn gửi các anh thử đến trông.

 

      Tham tán Ông Ích Khiêm rất xúc động. Hồi lâu, ông nói:

      - Quan tán lí Nguyễn Văn Tường đúng là một nhà thơ! Có câu ngôn từ rất tinh diệu (145) thật!

 

     

 

Hết phân đoạn 5 truyện kí thứ sáu (còn tiếp)

                                                             

Viết đến dòng chữ này lúc 16 giờ kém 10 phút,

  ngày mùng ba tháng mười, năm 2002

(27.8, Nh. ngọ, HB.2),

tại thành phố Hồ Chí Minh.

TRẦN XUÂN AN

 

                   

(107)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 94, 98, 126, 141, 174, 205, 298.

(108)       ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 60; ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 143.

(109)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 205 – 206, 206.

(110)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 193, 194.

(111)       QTHKL., Nxb. Tp. HCM., 1993, tr. 210. Phải chăng đây là Nguyễn Luận (vốn có tên là Nguyễn Văn Tường trong kì thi hương năm Thiệu Trị thứ nhất, Tân sửu, 1841), quê quán ở làng Thanh Lương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên? Xem thêm: ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 139 – 140.

(112)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 298.

(113)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 94 – 95.

(114)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 97, xem tiếp tr. 223, và xem tiếp tập 34, sđd., 1976, tr. 58 – 59. Nguyên tắc viết sử theo phương pháp và loại thể biên niên là “việc đến đâu, ghi chép đến đó”, cũng như tiểu thuyết chương hồi cổ điển, luôn có câu “xin xem hồi sau sẽ rõ”. Chúng tôi xin nhấn mạnh cách ghi chép sử kiểu biên niên này để lí giải một số sự kiện về sau, đặc biệt là sự kiện Nguyễn Văn Tường không hay biết gì hết về cuộc kinh đô quật khởi 23. 5 Ất dậu (05.7.1885) nhưng vẫn có tên (lại là tên đứng đầu danh sách) trong bản án “đều là bè lũ làm loạn” dưới triều ngụy vương Đồng Khánh.

(115)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 101.

(116)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 101 – 102.

(117)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 104.

(118)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 104 – 105.

(119)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 105 – 106.

(120)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 106.

(121)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 108.

(122)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 109.

(123)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 139.

(124)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 98 – 99.

(125)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 127 – 129.

(126)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 144 – 153.

(127)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 140 – 141.

(128)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 155, 159.

(129)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 186.

(130)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 179, 202. 224.

(131)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 179.

(132)       NTT. & VĐCTĐN., Nxb. Đà Nẵng, 2000: các tác giả Nguyễn Thành Nam (tr. 299), Cao Tự Thanh (tr. 320), Mai Quốc Liên (tr. 323 – 325)… hiểu khác nhau về chữ “cơ” trong “bách niên cơ”. Nguyễn Thành Nam làm rõ nghĩa bằng cách thêm danh từ: “đêm tối “bách niên cơ””, “cơ” “cơ hàn” (đói rét)? Hay vận nước một trăm năm bị làm nô lệ giặc Pháp, giặc Nhật, giặc Mỹ, đồng thời kháng chiến chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ, chống bành trướng Trung Quốc một cách hùng tráng? Như thế cũng có thể hiểu là vận may trăm năm có một (chiến tranh Pháp – Phổ 1870 – 1871)? Cao Tự Thanh dịch: “kế trăm năm”. Mai Quốc Liên cho là nguyên văn câu thơ cổ mà NTT. tập cú: “tái đầu hồi thị bách niên thân”, có nghĩa khi ngoảnh đầu lại thì đã hết đời (chết). Thật ra, ba chữ “cơ” này thuộc loại đồng âm dị tự và tất nhiên, dị nghĩa. Nếu có văn bản chữ Hán, kết hợp với ngữ cảnh, không thể hiểu khác nhau như vậy được.

(133)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 110 – 112.

(134)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 126.

(135)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 189.

(136)       Trong ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 189, chỉ ghi chép rằng bọn giặc trốn nước Thanh chiếm cứ đồn Thanh Dã, bị quân của Nguyễn Văn Tường, Ông Ích Khiêm, Trần Mân đánh tan. Chúng tôi kết hợp với vài câu trong tập tâu của Lê Tuấn, Hoàng Tá Viêm để hư cấu minh hoạ sự câu kết giữa Hoa kiều và giặc Cờ: “Người nước Thanh sang ngụ cư so với các kì thì Bắc Kì là nhiều hơn cả. Mấy năm nay bọn giặc quấy nhiễu ở biên giới, người cùng một giống không khỏi thông đồng cấu kết với nhau; đáng lẽ phải biên chép, kiểm xét một phen, để ngăn từ đầu; chỉ vì mối lo bên ngoài chưa yên, thì thế chưa nên làm vội; cũng không nên không phòng bị trước” (ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 144 – 153).

(137)       Xem chú thích (101): Bức thư địch vận, chiêu hàng bọn giặc Khách Hoa kiều này, chúng tôi dựa vào một số tình tiết và sự kiện trong ĐNTL.CB. để hư cấu lại.

(138)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 172.

(139)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 173.

(140)       ĐNTL.CB., tập 29, sđd., 1974, tr. 326; ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 12 – 13.

(141)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 227.

(142)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 180 – 182.

(143)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 231.

(144)       KVPCĐT. NVT. T. VNVCNTH. & TT., bản in vi tính, 2000 (chưa có điều kiện xuất bản rộng rãi), bài thơ số 27, bản dịch Trần Đại Vinh và bản “biên tập” của người biên soạn., tr. 228 – 235.

(145)       KVPCĐT. NVT. T. VNVCNTH. & TT., bản in vi tính, 2000 (chưa có điều kiện xuất bản rộng rãi), châu phê của Tự Đức ở bài thơ số 57, tr. 350 – 351.

 

 

Hết

phân đoạn 5

truyện kí thứ sáu

(còn tiếp)

 

XIN XEM TIẾP TỆP 16

phân đoạn 6

truyện kí thứ sáu

(còn tiếp)

 

 

 

(  xem tiếp tệp 16  ) 

 

Trở về trang chủ

Cập nhật: 07/01/09

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7