b. Trần Xuân An - Nắng và mưa - Tệp 2

06/30/09

 

 

            Phần 1

 

            Phần 2

 

 

                             

 17 tháng 3 HB6 ( 2006 )       

 

trần xuân an

 

 

nắng và mưa

tập thơ

( phần 1 )

 

Hội Văn học Nghệ thuật

Quảng Trị

1991

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

xem

http://tranxuanantthitap1.blogspot.com/

 

 

 

TÓC BAY SƯƠNG TRẮNG

 

kính tặng Mẹ

 

bây giờ ngoài mình mưa chưa

con nghe lành lạnh ngày thưa chân người

 

nhìn sông nước lã trôi xuôi

con như lạc giữa dòng đời đã lâu

 

bỗng dưng không biết từ đâu

bay ngang trời đất một màu tóc sương

 

con úp mặt nhớ quê hương

thương sao quán mẹ bên đường mưa bay.

 

1973

 

 

 

 

TIẾNG CHUÔNG XƯA

 

sáng nay em đi chùa

lòng tôi buồn hơn xưa

một thời con dế nhỏ

ngậm sương mùa tương tư

một thời con kiến nhỏ

khóc vùi trên đường mưa

 

sáng nay em đi chùa

tóc em cài hoa xưa

thắp lên mùi hương khói

trên bình nhang linh hư

 

môi em thuyền bát nhã

xa tôi bờ đời mưa

ngắn dài câu gian dối

ướt sũng lời lọc lừa

 

sáng nay em đi chùa

em mặc áo người xưa

dìm tôi dòng mộng cũ

ngậm nhánh rong mơ hồ

 

sáng nay em đi chùa

lá ngủ còn hương xưa

tôi làm con chim nhớ

hót mừng ai giao mùa?

 

tôi là chim đổi xứ

tìm hoài mùa ngây thơ

tôi mang thân cổ thụ

níu mãi mây ngu ngơ

một đời còn thương nhớ

khi nghe tiếng chuông xưa.

 

1973

 

 

 

 

RUỘNG ĐẤT YÊU DẤU

 

sao lên chấm hết chiều công tác

về nhà, chống cửa, chè tươi thơm

hớp ngụm nước ấm môi ngọt sắc

chưa bao giờ lòng thanh thản hơn

 

xuống bếp mẹ già châm điếu thuốc

nụ cười trầu đỏ khoé môi nhăn

ánh lửa hắt lên đầu tóc bạc

khác chi cụm khói ráng chiều tàn

 

mấy liếp tranh xơ buộc lạt mới

đất nền đắp lại chửa lì chai

về quê vừa được dăm ba bữa

thở gió nồm thân mẹ trẻ hoài

 

gốc mít sần sùi bom chém cụt

tưởng chết oán hờn trong nắng mưa

chia nhau ba hướng ba nhành lá

dõi mắt xưa chờ bóng chủ xưa

 

quanh mương đất mới vùi lên cỏ

góc kia lửa ngún khói nồng thơm

con chim tu hú tròn mắt sững

dợm cánh lao mình kinh khiếp bom

 

nắng tưới đầm đìa gốc rạ mủn

chìm sâu khuất lấp cải dền xanh

ai cuốc, lòng níu chân chiều lại

nóng ruột tìm thăm hương đất lành

 

bom thức ruộng tròn nghìn mắt trợn

ngước ngó trời cao hận đóng vàng

thôi nhé, từ nay ngoan hiền khép

hỡi mắt quắc trừng khoé rách toang

 

cơ chi trời đất đừng đêm nữa

góp lúa mười năm chín một mùa

chao ơi, ao ước trong mùa tới

lúa chín từ lòng lúa chín ra

 

chừng đó, mít trĩu lừng hương ngát

vườn sau ớt đỏ, tím cà tươi

giàn hoa bầu bí vàng ong bướm…

bắc chõng nằm khuya hóng gió trời

 

chao ơi, chừng đó nghe trâu nghé

tiếng nhai cỏ ợ nhoà trong sương

đêm đêm nghe lại tiếng quẫy cá

mải vui, thao thức dưới bờ mương…

 

cơ chi chừng đó còn Bác sống

rước Bác về làng trải lúa xanh

cờ, hoa, kết ngọt cơm gạo đỏ

độn với bắp vàng, nhớ chiến tranh

 

thấp thoáng bóng người đầu ngõ trước

tiếng cười gió đẩy vào trong sân

nhà lên đèn tỏ êm câu hát

quẳng xa tàn thuốc, lòng bâng khuâng!

 

ở đây càng thấy ngây tình đất

nơi đâu đất cũng đất thật thà

cũng như rừng rú mùa chống giặc

rất chở che và rất thiết tha (*).

 

                                     11.1975

 

Cước chú của bài Ruộng đất yêu dấu:

(*) Tác giả có sửa chữa lại một vài chữ và phục hồi lại một hai đoạn theo bản gốc đã đăng trên báo Văn Nghệ Giải Phóng, năm 1975.

                              (TP.HCM., chú thích ngày 31. 03. 1999).

 

 

 

 

BÀI THÁNG GIÊNG

 

má đi chào ai năm mới

áo bay bay gió tháng giêng

tinh sương con gà đã đợi

gáy ran ngoài ngõ láng giềng

 

bầy chim đứng hót không yên

chuyền cành chíp chiu luyến láy

bươm bướm nhấp nhô nhấp nháy

như là đôi mắt thiên nhiên

 

nắng reo mướt tóc thanh niên

em thơ xênh xang áo mới

nụ cười bên đọt dứa hiền

tiếng pháo hồng treo khắp lối

 

mời nhau dăm múi sầu riêng

thấy vườn Mỹ Tho bùi ngọt

nối lửa đôi ba điếu thuốc

nghe xao xuyến trời Điện Biên

 

lời chúc câu chào huyên thuyên

rượu nồng bay trong mái lá

niềm vui tràn ra ngoài hiên

từng mảng nắng vàng rất lạ

 

thăm nhau thăm nhau tháng giêng

áo khăn nhạt rồi bóng tối

má ơi, nắng ngoài Hà Nội

bay vào thơm lúa Thừa Thiên

 

thoảng hương đất, nhớ tổ tiên

đã cho cái nương cái rẫy

thương, thương đàn con biết mấy

giữ gìn mùa xuân y nguyên

 

cây xanh tình Bác, thiêng liêng

lộc non nao nao lòng dạ

mơ ước về trong tay má

xin đời ngát mãi tháng giêng. 

 

                                  1976

 

 

 

 

NGƯỜI ĐÀN BÀ

GIỮA VÙNG RỪNG KHAI HOANG

 

người đàn bà ấy có đôi mắt thoáng buồn

hàng mi đen lấp lánh nắng

ngồi xới đất cho luống rau xanh non

hai bàn tay trắng hồng

trên màu đất của cánh rừng na-pan đốt cháy

ướt đẫm màu nắng mai đến muộn

 

người đàn bà ấy và tôi đều giật mình

tiếng trẻ con khóc

chị chạy vào nhà rửa tay và khẽ hát

lời ca thoáng buồn như đôi mắt

long lanh

giọng hát ấm áp như đôi tay trắng hồng

đặt trong nắng trộn hoà với đất

và tiếng cười trẻ thơ trong vắt

tiếng nựng con trong mái tranh

trên vùng rừng cháy đen đang sáng biếc chồi non

 

người đàn bà bỗng sáng loà trong khung cửa

cúi xuống mỉm cười

chợt thấy nụ cười mình nơi nụ cười con

và vùng rừng cháy đen bát ngát chồi non

lấp lánh trong mắt.

 

                                                  1980

 

 

 

 

KÍNH NHỚ PABLÔ NÊRUĐA (*)

 

từ một nơi xa xôi

sáng mai này, tôi nhớ

Pablô Nêruđa – “đất nước cánh hoa dài”

cánh hoa nổi trôi bão bùng bên biển cả

nổi trôi trên trang thơ

rực lửa

bao la

 

Pablô Nêruđa – trang thơ mênh mông

nối liền bao tấm lòng

cồn lên bao niềm khát vọng

tưởng như vòm trời tự do

trang thơ tung cánh hải âu

phơi phới giữa màu xanh thắm

tưởng như giữa trời buốt lạnh

thơ đốt bùng lửa ấm

           soi tỏ mặt người

 

Pablô Nêruđa!

mỗi trái tim nhỏ nhoi

là quả chuông rung

          xốn xang buốt chói  

âm thanh toé tung bao vì sao chật cả trang đời

Nêruđa viết trong đêm dày

         đặc khô bóng tối

 

Pablô Nêruđa – mênh mông như thiên nhiên

sức sống mãnh liệt thầm thì tuôn trào từ nguồn cội:

tự do – con người

tưới bằng máu và mồ hôi…

 

từ một nơi xa xôi

sáng mai này, tôi nhớ…

 

                               1982

 

Cước chú của bài Kính nhớ Pablô Nêruđa:

(*) Pablo Neruda (1904 – 1973, Chi Lê), nhận giải Nobel 1971.

 

 

 

 

 

TẠ ƠN MẢNH ĐẤT QUÊ NHÀ

 

1.

quê nhà chiều gió bình yên

con về đây hỡi cõi miền yêu thương

rưng rưng nắng lọc hàng dương

con đường quê hỡi con đường vàng mơ

chim chuyền cành hót ngây ngô

con bươm bướm cũ bây giờ còn bay

con về đây con về đây

nghẹn lòng con giữa đất này quê hương

 

2.

ngọn đèn đêm vặn sáng hơn

bàn tay mẹ vẫn run run tủi mừng

hai hàng nước mắt rưng rưng

nụ cười mộc mạc thoáng bừng nắng phai

xóm giềng cũng đến sum vầy

tay con mềm lại trong tay bạn bè

 

3.

con nằm trong ánh trăng khuya

chợt thương sao tiếng tắc kè rừng xa

thác đồi mù sương mù sa

bàn chân tứa máu vượt qua vẫn cười

phố đông đường trổ gai đời

chân lao đao, bước chơi vơi, hãi hùng

mấy ai nhắc chuyện đục trong

đắng cay nay bởi chút lòng, mẹ ơi…

 

                                              1982

 

 

 

 

ÁNH TRĂNG ĐẦU XÓM

 

chân chếnh choáng ánh trăng đầu xóm

cùng lên cao, ta ngợp màu trăng

trăng ngan ngát mênh mông động cát

ơi vầng trán yêu thương

                 môi lịm cả trăng ngần!

em mỏng mảnh mà bao la đến thế

em nép vào anh, anh hoá rừng dương

em chìm dưới anh,

                 nghe trời hửng rạng

biết giấu em nơi đâu,

                 ngoài giữa trái tim hồng

nhưng nắng lên rồi, sáng trưng và quá thật

gió muốn gào lên một trời rỗng không.

 

                                               1984

 

 

 

 

GIỌT SƯƠNG

 

hai mươi tám năm

có gì đâu để nhớ…

một thoáng sương bay trên bến cũ

có đủ bâng khuâng người đứng trông về…

 

cơ hồ tôi ở xa về

với giọt sương đọng cả mùa trăng tuổi nhỏ

đọng cả trời mây nát nhầu giông gió

của một thời mới lớn đam mê…

và giọt sương rơi vào trí nhớ

lạnh cả lòng tay áp vào lòng tay trên trang vở

(tôi cùng em xao xuyến mấy mùa thi)

tỉnh lại cả dòng thơ rực rỡ nắng hè

cả hương sen ven thành xưa thấm vào lời tình tự…

và khát vọng trời cao và cánh gió!

 

cơ hồ tôi ở xa về

với cao nguyên thẳm sâu thác gào vách đá

tôi vượt qua bao cánh rừng khai hoang

              giữa lòng tôi ngỡ muôn đời bé nhỏ

để đến với nụ cười viên phấn rừng khuya

nơi mãi thắp bùng ánh lửa

mới mẻ và hoang sơ

nơi tôi gắp những ý nghĩ của đáy lòng

              chưa bị u mê vì sách vở

 

và giọt sương rơi vào trí nhớ

lóng lánh tháng năm…

thời gian tươi đẹp quá

kể cả đắng cay tủi nhục điên mê…

 

ơi giọt sương khuya

hãy lạnh ngón chân bấm trên lối về quá khứ

tỉnh lại những ngày qua còn khét nồng cuồng điên

                                                      phẫn nộ

 

mặt đất con người!

vòm trời tự do!

 

giọt sương

còn trôi đi như ánh sao băng phía chân trời lộng gió

để thắp bùng hừng đông rạng rỡ

chút ước mơ

“tầm vóc con người được đo bằng kích thước

                                             của tự do” (*)

 

mỗi cuộc đời một hành trình gian khổ

bắt đầu đi từ phía của riêng mình

góp vào hừng đông – chân trời cháy lên tất cả

 

và tôi – giọt sương, chỉ là giọt sương

lóng lánh hừng đông…

 

                                                  1984

 

Cước chú của bài Giọt sương:

(*) Thơ Yannis Ritsos (1909 – 1990, Hy Lạp).

 

 

 

 

 

VÌ SAO

               

       tặng Nguyễn Tấn Sĩ

 

ngày mai ngày mai ra sao

bài ca nao nao tuổi nhỏ

nửa đời vẫn còn bỡ ngỡ

trắng đêm trời cao xa mờ

 

băn khoăn thuở ấy ngây ngô

sao gọi vì sao lạ thế

và phải như lời bà kể

người có vì sao riêng chăng?

 

trời cao xa xanh ngàn năm

nỗi hồn nhiên thành kinh sợ

suốt ngày xôn xao không nhớ

đêm khuya hiện về, lắng sâu

 

vì sao, vì sao, vì sao

đời chung sao riêng phần số?

vì sao chia tan, gặp gỡ?

một nhà mơ ước khác nhau?

 

đường đời khởi tự nơi đâu?

từ giọt máu hồng lòng mẹ?

từ hạt mưa xanh trí nhớ

hoá vì sao nhỏ đưa đường?

 

nắng gió thổi loà trăm phương

chỉ lọt vào hồn một phía?

mắt ấy mẹ cho? đời mở?

hay hồn xoay lốc loạn cuồng?

 

hay để đời lung linh hơn

vì sao? vì sao? mờ? tỏ?

vì sao lung linh chuyện cổ

còn lung linh mãi ngàn sau?

 

bóng ma khói sương nào đâu

bụt tiên chỉ trong giấc ngủ

chỉ thấy lòng ai quỷ dữ

tình ai nhân hậu nhiệm mầu

 

đêm đêm ngước nhìn trời sao

thương ai tật nguyền từ nhỏ

ai chết bất ngờ mắt mở

ơi những kiếp người khổ đau!

 

qua bao đèo vui vực đau

ngẫu nhiên xui thêm run sợ

bao người co ro bé nhỏ

đêm đêm, mắt ướt, nhìn sao

 

mặc ngẫu nhiên thành trời cao

chen ngang bao điều định rõ

cho đời vẫn còn đối phó

thấy không thừa thãi chiếc đầu!?

 

trời xưa nào có mắt đâu

người phải cho trời đôi mắt

đâu phải chỉ là mơ ước… ?

phải chữa tận cùng khổ đau?!

 

tự thắp cho mình vì sao

hiểu đời hiểu mình, tất cả

và hồn nhiên như hoa lá

và sống không chịu cúi đầu

 

mỗi người là một vì sao

mỗi phận đời riêng, ẩn số

cuộc đời cứ như câu đố

có Trời cũng mặc Trời cao.

 

                                   1985

 

 

 

 

GIẾNG HOANG

 

có một đôi mắt sáng

lặng lẽ nhìn giếng hoang

 

giếng lâu rồi im vắng

lại âm vang tiếng chân

giếng ngỡ lòng khô cạn

lại khơi trong nắng vàng

giếng yên đời quên lãng

lại xôn xao ánh trăng

lắng nghe lòng đất ấm

vọng gió trời xa xăm…

 

xin mắt ai mãi sáng

hồn em đừng bỏ hoang.

 

                                1885

 

 

 

 

THƯA VỚI MẸ

 

                     kính tặng Mẹ

 

hai năm hai năm con về nhà

hai năm ngồi trong cửa nhìn ra

vẫn con đường nắng loà bụi đỏ

mùa mưa về mưa bão lùa qua

 

hai năm hai năm con về đây

cơn đau con làm mẹ hao gầy

mái tóc bạc càng thêm bạc trắng

con cúi đầu úp mặt trong tay

 

những mong vơi buồn lo mẹ ơi

thêm tin ba mất ở xứ người

vành khăn trắng trắng phơ tóc trắng

thương con đau, mẹ khóc thầm thôi

 

nhiều đêm năm nước mắt chảy dài

thương mẹ già buồn trĩu hai vai

anh chị con đi không về nữa

mẹ con mình, côi cút, lạc loài

 

có một dạo cứ ngỡ lành rồi

con mừng, mẹ quá đỗi mừng vui

người con gái đến thăm ngày bệnh

thành dâu hiền, mắt mẹ lại tươi

 

ngờ đâu con lại trở cơn đau

vợ con lo, quay quắt, buồn rầu

mẹ lại lo thuốc thang tất tưởi

thương con, lại thêm nỗi thương dâu!

 

nên cứ mong nhà sẽ vui hơn

vợ chồng con có cháu mẹ bồng

con khoẻ ra, làm ăn thay mẹ

mẹ lại hồng hào bên cháu con

 

mẹ ơi, buồn lo giờ đã xa

giữa làng quê ấm áp thật thà

có cháu con đứng quanh lưng mẹ

nắng xin thơm tóc trắng tuổi già.

 

                                         1985

 

 

 

 

TÔI MÃI HOÀI TÌM KIẾM

 

tôi mãi hoài tìm kiếm chính tôi

hi vọng gặp tôi với cuộc đời ở đó

qua bao chiều trí nhớ

qua bao nét chữ

qua bao giọt nắng giọt mưa giọt lệ

trong ống kính vạn hoa vạn điều đổ vỡ

vạn nghìn niềm vui say đắm khát vọng

                               chua xót đắng cay

 

mỗi bài thơ là một lần lắc tay

                như một lần trái tim nhói thắt

tôi muốn kiếm tìm qua khúc xạ thời gian và kí ức

ôi trái tim vạn nghìn đoá hoa

vạn nghìn đổ vỡ

vạn nghìn niềm vui

say đắm

khát vọng

chua xót

đắng cay

cho tôi nhìn ra tôi và cuộc đời ở đó.

 

                                              1987

 

 

 

 

BÀI MƠ

 

chiều nay ba đặt ca dao

ru cho bé ngủ ngọt ngào giấc mơ

 

mơ trời mưa xuống như tơ

cho ba vắt sổ và cho bé nhìn

trong mơ, mưa rất thần tiên

trên bàn vắt sổ mưa nghiêng tơ đời

sợi tơ nối với trăm nơi

bay quanh giấc ngủ nụ cười bé ngoan

 

rồi mơ ngọn nắng thật vàng

ba phơi tã lót thành đàn cò bay

cò từ đồng rộng về đây

nắng vàng nhuộm sáng cho ngày sáng tươi

 

dù mưa dù nắng con ơi

hát chi cũng hoá nên lời yêu thương

biết vui theo điệu ru buồn

ru con, con lại khơi nguồn cho thơ…

 

                                           1988

 

 

 

 

MỘT CHÚT TỰ TRÀO

 

buổi sáng chợ đông cuống chân vắt sổ

chiều tối rảnh rang hò hát đôi câu

lúc hát ru con lúc hò giỡn vợ

cứ há răng cười đâu phải đi đâu

 

nằm ngó phượng kia gió rung lá nhỏ

ngọn gió Kẻ Diên còn hát trong khuya

gió cứ lay cây bên ngoài ngưỡng cửa

tiếng gió thâm trầm tôi ngủ u mê.

 

                                           1988

 

 

 

 

TRĂNG NGOÀI TRỜI,

TRĂNG TRONG NHÀ

 

chiếc đen dầu con con

chiếu lên trần nhà thấp

sáng một vầng trăng tròn

soi cho con êm giấc

bé ơi, cứ ngủ ngon

 

ba nhìn vầng sáng tròn

ru con rồi tưởng thật

thấy trời gần mình hơn

cơ hồ mình bay lạc

ngủ cùng trăng sao luôn

trong mơ ba lại thức

rõ thêm cuộc đời thường… (?)

 

bé ơi, cứ ngủ ngon

trăng trên trần vẫn tròn

mẹ chưa thổi đèn tắt

trăng của con nội thắp

thật hơn cả trăng suông?

trăng ngoài trời vằng vặc

càng sáng vầng trăng con?

 

ờ, còn bao trăng khuyết

và những đêm tối om…

thì ngọn đèn vẫn thắp

trăng của con vẫn tròn

thì ba cũng vẫn hát?

giọng đen bừng sức vươn

ờ, giọng đen lắng trầm

giọng đen không chịu buồn?

bé ơi, đừng bật khóc

bé ơi, cứ ngủ ngon…

 

chiếc đèn dầu con con

chiếu vầng trăng không thật

cho trần nhà bát ngát

ơi vầng trăng dễ thương

soi đẹp giấc mơ con

vầng trăng ôi quái ác

xui ba nằm thao thức

nghĩ cái thật, không thật

cái tròn và cái khuyết…

bé ơi, cứ ngủ ngon

 

ngọn đèn đã thổi tắt

trăng cũng nên ngủ ngon

 

ba cũng nên ngủ ngon

với nghề đạp và đạp

việc gì lại thao thức

việc gì nghĩ mông lung

nhỡ đạp có sai đường

không lo đầu cúi thấp

trước tương lai của con…

 

nhưng còn dăm bài hát

ba phải hát ru con…

 

bé ơi cứ ngủ ngon.

 

                          1988

 

 

 

 

BÀI CA DIÊN SANH

 

1.

không đi đâu xa

sao lòng cứ nhớ

tiếng chân tuổi nhỏ

reo trên đất này

 

nhớ cả hôm nay

cảnh buồn cổng chợ

hạt gạo khuyết gầy

mùa màng quá khó

 

bạn bè đâu đây

tay dằn li vỡ

người đàn người gõ

hát đến la đà

 

không đi đâu xa

hát say là nhớ

đình ru chuyện cổ

bàng mát tuổi thơ

 

nhớ bao đêm mưa

đất nhoè đạn lửa

xác người nứt nẻ

phơi nghẹn ngã ba

 

nước mắt tràn ra

chạy cuồng bỏ xứ

đường làng lút cỏ

tìm không ra nhà

 

không đi đâu xa

hát say là nhớ

ơi bao giấc mơ

nuôi ta ngày đó

 

đâu mái đình xưa

điện mơ đường nhựa

bay trong hương lúa

diều ngân tiếng thơ

 

lẽ đâu bây giờ

đứa đàn đứa gõ

nghèo dần ước mơ

tay dằn li vỡ

 

ơi bài ca cổ

ơi Kẻ Diên xưa

Diên Sanh bây giờ

tràn li rượu đổ

 

Diên Sanh bây giờ

đàn đau mặt gỗ

hát vui ngờ ngợ

hát buồn ngu ngơ

 

không đi đâu xa

sao lòng cứ nhớ

Diên Sanh trong ta

hát say là nhớ

 

Diên Sanh quanh ta

ngất say còn mớ

ơi… Diên Sanh!

Diên Sanh! và bài ca cổ…

 

2.

Diên Sanh bừng thở

hát thật lòng ta

tự do gắn bó

Diên Sanh và thơ?

 

bao chiếc đàn thơ

là chìa khoá mở

bao cửa tự do

bung ra trong gió?

 

đàn không vỡ nữa

lương tâm hát ca

dây trói lòng ta

bung ra trong gió?

 

cứ nghe và ngó

chửi rủa hoan hô

nhưng loài cú vọ

đừng đụng đến thơ… ?

 

hoang tưởng hay mơ?

lòng không khép nữa

cuống chân vắt sổ

nhưng lòng hát thơ!

 

ngàn xưa nghiệt ngã

thơ vẫn còn thơ

luỹ tre dân dã

giấu bao câu hò…

 

lẽ đâu bây giờ

viết rồi xoá bỏ

thơ đành mù chữ

mà hát ầu ơ!

 

sau thời khổ sở

đời mở đường thơ

Diên Sanh thế đó

bừng dậy không ngờ?

 

Diên Sanh ngày xưa

lấp vùi trong cỏ

vượt lên khốn khó

chồi lại xanh mùa

 

Diên Sanh ngày xưa

nôi ta tuổi nhỏ

Diên Sanh bây giờ

cho thơ ngọn gió?

 

                     1988

 

(  xem tiếp phần 2  )

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

           Cập nhật 06/30/09

           (tháng / ngày / năm)                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE