Trần Xuân An - ĐỪNG TỐI ĐI MỘT NỬA GƯƠNG MẶT TỔ QUỐC - truyện ngắn

ĐỪNG TỐI ĐI MỘT NỬA GƯƠNG MẶT TỔ QUỐC

truyện ngắn

Trần Xuân An

 

1

 

Ngồi trầm ngâm trước bàn phím, lật giở sổ tay, ông Xuân định viết thêm một ít truyện ngắn, trong đó có nhân vật cô giáo, nghệ sĩ Sông Hiếu và một nhân vật đáng mến khác – Lá Xuân –, nhưng ông vẫn đang còn phân vân, không biết có nên viết tiếp hay không. Đang lúc đó, người nhà từ tầng trệt, dưới chân cầu thang, gọi ông, báo cho ông biết bưu tá viên mới ghé xe vào, giao một phong thiệp. Lúc này, tháng cuối năm nguyệt lịch, đang mùa cưới và cũng sắp Tết Nguyên đán, nên ông Xuân nghĩ ngay đến thiệp cưới hoặc thiệp xuân. Chưa quyết định viết tiếp hay không, do đó ông Xuân rời bàn phím, sổ tay, bước xuống nhà dưới.

Trong tay ông Xuân chỉ là thiệp chúc Tết được gửi khá sớm của Tre, một trong hai người con trai song sinh của anh Nguyễn Cát Trảng, đồng hương Quảng Trị, ở Kẻ Diên. Họ cũng là những nhân vật của chùm truyện ngắn ông đã viết. Thiệp chúc Tết! Thế mà ông Xuân cứ ngỡ sẽ là thiệp cưới của Tre!

Cũng đã hơn sáu tháng rồi, kể từ dạo ông Trảng vào đây, thăm bạn – ông Phẳng –, và bị ngã, phải chịu vào bệnh viện để được băng bột, nhân tiện bác sĩ phát hiện và mổ lấy đầu đạn lưu cữu trong cẳng chân...  Cũng đã hơn bốn tháng trôi qua, kể từ dịp 2-9, Tre cùng Sông Hiếu, Lá Xuân vào thành phố này thăm viếng, rất tiếc là Sông Xanh và Ánh Sương cũng đã về quê trong dịp đó... Khi Sông Hiếu được nghỉ mấy ngày khỏi đến trường, đứng lớp, có thể đi chơi xa, cũng là khi hai cô sinh viên ấy được nghỉ học, tranh thủ về quê. Biết vậy, nên Tre khó lòng nói lời hẹn, bảo họ ở lại thành phố này để gặp nhau trong kì lễ ấy... Thế mà đã sáu tháng, bốn tháng trôi qua...

Ông Xuân mỉm cười, nhưng lòng cảm thấy không có gì vui, vì Tre chưa gửi thiệp cưới có nghĩa là giữa Tre và Sông Hiếu vẫn vậy, và chắc hẳn Trưng cũng thế. Sông Xanh, Ánh Sương vẫn còn là sinh viên... Họ vẫn đang là những người trẻ tuổi độc thân.

Ông Xuân lên cầu thang, vào phòng ngủ và cũng là phòng viết của mình. Ngồi xuống ghế, ông lấy chiếc kéo từ hộc bàn, cắt một cạnh phong bì. Trong tấm thiệp Tết, có một tờ giấy gấp đôi. Đó là một lá thư.

 Ông Xuân đọc trọn lá thư ngắn, rồi chú mục lại vào dòng chữ: “... Giữa cháu với Sông Hiếu cũng như giữa cháu với Sông Xanh vẫn chưa có gì ngoài tình bạn thân thiết. Cháu lắm khi buồn, nghĩ rồi cũng như truyện ngắn ‘Mẩu giấy cánh bướm’ của chú mà thôi...”. Ông Xuân nhếch môi, cười buồn một mình, biết Tre không thể ngờ rằng nhân vật Nhị-tóc-nâu ngày xưa trong truyện ngắn ấy chính là bà vợ ông Phẳng! Chút ảo mộng rồi cũng nhạt thếch, vì nỗi đau giấu kín của Nhị-tóc-nâu ở tình huống không thể không tiếp tục giấu kín.

 

2

 

Trong một buổi sáng gần đây, Tre chạy xe máy ra Đông Hà, dự định đến Thư viện tỉnh để đổi sách và mượn thêm mấy cuốn khác, rồi nhân tiện sẽ ghé thăm Sông Hiếu, Lá Xuân. Khi gần tới địa phận thành phố, xe của Tre bị lủng ruột bánh sau. Tre ngừng lại, dắt xe đi một đoạn mới gặp tiệm vá sửa và bán phụ tùng. Tre vào đó, ngồi đợi thợ thay ruột, vì không những chỉ một mà đến ba lỗ lủng. Tính vốn bình dân, thấy bà bán xôi bắp đi ngang qua, Tre gọi mua một gói để điểm tâm muộn. Xôi bắp hầm có rắc đậu xanh chưng chín, hành phi, như xôi vò này là món ăn dân dã mà Tre rất thích. Nhưng khi đọc thấy một ít chữ viết tay màu mực xanh có lời phê bằng mực đỏ trên tờ giấy học trò được chuồi trong bao ni lông trong suốt để làm tấm gói, Tre nhẹ rút tờ giấy ra, chỉ để bao ni lông lại, và cũng quên bẵng việc ăn. Đó là hai trang đầu của bài tập làm văn, hai trang sau có thể còn trong thúng xôi bắp của người bán vừa đi khỏi. Đề bài là phát biểu suy nghĩ và cảm xúc về lá cờ đỏ Việt Nam. Thế nhưng, có đến gần một trang, và hẳn còn tiếp ở trang thứ ba nữa, cậu học sinh lớp 11 với họ tên cụ thể ở góc trang đã dành để nói về lá cờ vàng của chế độ cũ tại Miền Nam trước 30-4-1975, đặc biệt trên quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc Việt Nam.

“... Trong làng em, mới đây, có một cụ già, khi cụ trút hơi thở cuối cùng, con cháu thấy dưới gối kê đầu của cụ có một lá cờ vàng ba sọc đỏ và một tờ di chúc. Cả hai thứ đều đã được gấp lại, đặt trong một túi vải. Đại để, nội dung trong tờ di chúc ấy, do chính cụ viết: Khi cụ mất, nhớ liệm cụ với lá cờ này, vì cụ thấy, đó là lá cờ vốn có của Nước Đại Nam – Triều Nguyễn, được cải tiến ít nhiều, nhưng cơ bản vẫn là nền màu vàng. Lá cờ vàng ba sọc đỏ đó, cụ cho là lá cờ độc lập của Tổ quốc Việt Nam, vì tuy có chịu ít nhiều lệ thuộc tạm thời vào thực dân, phát xít, can thiệp, nhưng nó vẫn không giống một chút xíu nào cờ Pháp, cờ Nhật, cờ Mỹ. Chính dưới lá cờ này, sau 1945, đứng trong quân đội Quốc gia (1949), chủ yếu dựa vào Mỹ, cụ đã chiến đấu “chống cộng sản xâm lược”, cũng thường được nói rõ ra, cụ thể là “chống quan thầy Nga sô, Trung cộng”, chống ý thức hệ vô thần, ngoại lai, chống kinh tế chung chạ, đồng thời bảo vệ tín ngưỡng Đình làng, Phật giáo dân tộc, lật đổ chính quyền Thiên Chúa giáo (1963)...”.

Chính những dòng chữ màu mực xanh học trò đó đã bị thầy giáo gạch chéo, viết lời phê rất gay gắt, chẳng khác nào là lời kết án của toà án đối với người phạm tội hình sự, mặc dù thầy giáo còn khoan dung, chỉ phê để cảnh cáo.

Tre ngẩn ngơ đến sửng sốt!

Lấy xe, trả tiền xong, Tre chạy đến Thư viện tỉnh và sau đó anh cũng đến nhà thăm Sông Hiếu, nhưng tâm trí Tre vẫn còn bị ám ảnh bởi những dòng chữ học trò kia, về cụ già nọ. Lòng yêu nước, chống ngoại xâm, bảo vệ văn hoá dân tộc của cụ già ấy rất đáng quý trọng. Tre nghĩ vậy. Ý nghĩ ấy không rời khỏi anh.

Xế chiều hôm đó, Tre kể lại với ba anh, và đưa tờ giấy bài làm học trò kia cho ba đọc. Ông Trảng cũng sững sờ.

Tre hỏi ba với nụ cười:

- Sau này, ba trăm tuổi, con cũng làm như rứa hay răng?

Ông Trảng khẽ cười thành tiếng:

- Ừ, nhưng cờ nào rồi cũng mục. Con chỉ khắc một tấm biển đá: “Đây là nơi yên nghỉ của một người Việt Nam, đã từng đứng trong quân đội Việt Nam cộng hoà, yêu nước, chống ngoại xâm Nga sô - Trung cộng, bảo vệ tín ngưỡng Đình làng, Phật giáo dân tộc – một tôn giáo vốn khước từ quyền lực chính trị...”. Thế là đủ. Và đặt tấm biển đá ấy trên ngực ba, khi liệm, rồi chôn theo trong quan tài với đầu đạn lưu cữu trong cẳng chân ba đã được bác sĩ phẫu thuật, lấy ra, với ý nghĩa, hồi trẻ, là sĩ quan Việt Nam cộng hoà, ba bị thương vì vậy, chứ không phải là nguỵ ngợm, bán nước, ôm gót đế quốc Mỹ như chế độ đỏ vu khống, mặc dù hơn ba mươi năm qua, ba là công dân của chế độ đỏ, chấp hành tốt mọi thứ. Ba chỉ cần một chút danh dự, phẩm giá như rứa, khi sống cũng như khi chết, cho bản thân ba và cho con cháu.

Tre chảy trào nước mắt. Nhưng rồi anh cũng phải đành xin phép ba để pha cà phê cho khách mới đến.

Ông Xuân lặng im khi nghe Tre kể như vậy qua điện thoại. Mặc dù khác với họ, ông Xuân là người chưa từng cầm súng, đứng giữa đỏ và vàng như sông Bến Hải, ông vẫn nghĩ, họ có quyền khẳng định như họ đã suy tư, đã sống, đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh mang đậm màu sắc ý thức hệ, nội chiến, giữa thời Chiến tranh lạnh (1945-1991) trên thế giới. Ông muốn khẳng định một lần nữa: Thuở đó, Việt Nam, một bên đỏ, một bên vàng, đã đương đầu với các thứ ngoại xâm Pháp, Nhật, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc... Cả hai bên đỏ và vàng, mặc dù ở hai bên chiến tuyến, dựa vào hai Khối, nhưng đã góp phần làm sáng tỏ phẩm giá dân tộc, một dân tộc không chịu lệ thuộc bất kì Khối nào, bất kì nước lớn nào. Phủ nhận bên này hay bên kia đều làm gương mặt Tổ quốc Việt Nam tối đi một nửa. 

Ông Xuân ngâm khẽ hai câu lục bát của chính mình:

“tôi là nắng cũng là mưa

hai bờ Bến Hải, cho vừa lòng sông”.

 

3

 

Trong một cuộc điện thoại giữa hai người, ông Phẳng và ông Xuân hẹn gặp nhau. Và thật quá bất ngờ, cách đây chừng một giờ, khi hai người gặp nhau ở một quán cà phê trước khi đến ngôi chùa sư nữ này, ông Phẳng nói:

- Hai tuần nay tôi cứ phân vân mãi, nhưng rồi thấy phải nói lại với anh điều này. – Ông Phẳng ngập ngừng, rồi nói tiếp –. Tôi cũng không ngờ, anh à. Tôi mới được bà xã tôi thú nhận, quả thật bà ấy không phải là Nhị-tóc-nâu, mà chỉ là chị thúc bá ruột của Nhị-tóc-nâu mà thôi.

Ông Xuân mở tròn mắt ngạc nhiên:

- Anh Phẳng! Anh nói gì vậy? Có thật như anh vừa nói không?

Ông Phẳng gật đầu:

- Đúng như vậy! Vợ tôi không phải là người trong tấm ảnh chân dung treo trên tường phòng khách nhà tôi.

- Anh nói tiếp đi, anh Phẳng!

- Số là như thế này, từ khi gặp anh trong buổi tối sáu tháng trước tại nhà tôi, lúc đó có cả anh Trảng ở Kẻ Diên, Quảng Trị vào, tĩnh dưỡng ở nhà, bà vợ tôi đã về Cần Thơ, rồi du lịch ở Campuchia theo chuyến ngắn ngày, để trốn mặt anh và, anh biết không, trốn cả mặt tôi nữa đó, vì quả thật, bà ấy không phải là Nhị-tóc-nâu ngày xưa ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Như tôi vừa nói với anh đó, Nhị-tóc-nâu chỉ là em con chú con bác của bà ấy thôi. Tấm ảnh đó chính là chân dung của Nhị-tóc-nâu, và cuốn nhật kí mà năm trang tôi đã chụp lại, đưa anh đọc, cũng chính là của Nhị-tóc-nâu.

Thấy ông Trảng hình như hơi rối lòng khi nói, ông Xuân sốt ruột:

- Vậy bây giờ Nhị-tóc-nâu ở đâu, anh Phẳng? – Ông Xuân bất giác bóp nhẹ vào cườm tay ông Phẳng –.

- Tôi định nói đầu đuôi cho anh rõ... Nhưng thôi, anh muốn biết ngay, thì tôi cũng trả lời ngay: Mấy chục năm nay, Nhị-tóc-nâu đã xuất gia, tu hành trong một ngôi chùa sư nữ... Ngôi chùa ấy cũng không xa lắm, cách nơi mình ngồi đây khoảng hai mươi cây số thôi. Nếu anh muốn, mình sẽ điện thoại trước, rồi đến thăm sau. Tôi đã cùng nhà tôi đến thăm bà ni sư ấy rồi. Anh Xuân à, tôi mới lần đầu biết mặt, còn nhà tôi thì khoảng vài tháng, một mình, giấu tôi, giấu con tôi, đến thăm cô em họ ấy một lần.

Ông Xuân ngồi lặng im với niềm xúc động dấy lên trong lòng. Ông ngần ngại, không dám hỏi thêm những tình tiết tế nhị, nhưng trong thâm tâm, rất muốn biết rõ. Ông chỉ biết nói khẽ, sau một lúc chờ ông Phẳng nói tiếp:

- Cụ thể hơn là thế nào, anh Phẳng?

- Nhưng đứa con mà lâu nay, suốt ba mươi bảy năm, tôi chỉ biết là con riêng của nhà tôi với một anh chàng con trai của gia đình một cán bộ tập kết, anh chàng mà đã chết ở chiến trường Campuchia, hoá ra là con của Nhị-tóc-nâu, đúng y như năm trang nhật kí, tôi đưa anh đọc ảnh chụp, trong điện thoại của tôi cách đây mấy tháng.

- Điều đó, hồi nãy anh nói sơ qua, tôi đoán hiểu rồi. Nhưng tôi muốn biết vì sao Nhị-tóc-nâu lại xuất gia, tu hành, gửi con lại cho chị họ nuôi.

- Đơn giản là Nhị-tóc-nâu buồn đời, thế thôi, anh Xuân à! Cái chính là Nhị-tóc-nâu muốn giấu kín sự thật đau lòng đó.

- Tôi rất cảm phục chị nhà, đã đứng ra cưu mang đứa con mới lọt lòng của Nhị-tóc-nâu, từ 1978 đến nay...

- Họ là chị em con chú con bác ruột mà! Vả lại... Ờ, chắc có lí do gì nữa đó, tôi cũng chẳng rõ... Tính tôi không tò mò, tọc mạch về quá khứ người khác, kể cả với vợ mình. Tôi biết đó là nhược điểm của tôi, do tôi ảnh hưởng một quan niệm lịch sự trong đối nhân xử thế nào đó hồi còn nhỏ.

Ông Phẳng suýt nói thêm: May mà bà vợ tôi có một quá khứ không phải là không trong sạch. Nếu bà ấy trước khi gặp tôi là một tội phạm hình sự đang bị truy lùng thì sẽ ra sao! Nhưng ông đã kìm lại được.

Ông Phẳng cũng không muốn nói rõ là bà Phẳng thời trẻ, trước khi gặp ông Phẳng, cũng đã từng có chồng và có một đứa con riêng, nhưng cả chồng và đứa con riêng hai tuổi đã chết vì bọn cướp đường sông, thuở Nam bộ còn mất an ninh ít nhiều. Gặp lúc đứa em con ông chú là Nhị-tóc-nâu muốn gửi con nhờ chị họ – là bà Phẳng sau này –, nuôi giúp, xem như con ruột, để Nhị-tóc-nâu xuất gia, tu hành, bà đã nhận lời. Nhận lời, một phần vì thương em họ, vì thanh danh dòng tộc, một phần vì nhớ con đẻ mới chết. Thế rồi, không lâu sau đó, bà gặp ông Phẳng, từ trại cải tạo sĩ quan chế độ cũ trở về...

Hai người đàn ông ngồi im lặng một lúc khá lâu. Ông Phẳng ngẫm nghĩ về chuyện cũ của vợ và em họ. Ông Xuân tuy sốt ruột, muốn gặp vị ni sư hiện nay vốn là cô học trò bạn cùng lớp thuở nào mà ông đã viết thành truyện ngắn “Mẩu giấy cánh bướm”, nhưng ông thấy ông Phẳng trầm ngâm theo đuổi ý nghĩ riêng tư trong lòng, nên ông cũng ngần ngại.

Ông Phẳng thở ra nhè nhẹ, rồi nói với ông Xuân:

- Để tôi điện thoại cho ni sư nghen! Nếu bà ấy đồng ý, anh em mình đi thăm bà ấy luôn?

Ông Xuân cảm thấy vui, và hơi mừng nữa, ông nói, vẻ mặt tươi lên:

- Tôi rất mong được gặp...

Ông Phẳng bấm phím điện thoại. Sau một lúc trao đổi, ông tắt máy, nói với ông Xuân:

- Bà ấy đồng ý. Bà cũng mong gặp ông... Nhưng có một điều xin anh nhớ cho, – Ông Phẳng hạ giọng vốn đã khẽ thành ra như tiếng nói thầm bên tai ông Xuân –, bà ấy vẫn đinh ninh là anh không biết gì về đứa con riêng của bà mà vợ chồng tôi đã nuôi mấy chục năm nay, đã gả cưới, thành gia thất đề huề. Anh nhớ nghen. Xem như không biết gì cả, nghen!

Sau khi ông Xuân giành trả tiền cà phê, hai người ra chỗ gửi xe, rồi cùng nhau chạy về hướng có ngôi chùa sư nữ mà họ muốn đến thăm.

Bây giờ, qua khoảng hai mươi cây số đường đi, họ đã tìm thấy ngôi chùa ấy.

Họ dắt xe vào cửa bên của cổng tam quan để ngỏ, qua một lối đi rộng giữa những cây kiểng xanh tươi, dựng xe ở góc ngoài sân chùa, rồi bước lên tam cấp, vào phòng khách. Vị ni sư bước ra, niềm nở đón tiếp.

Ông Xuân lặng người mặc dù đôi môi đang cười chào. Vị ni sư có pháp danh là Hiền Hạnh, tuổi đã vào lục tuần, đang đứng trước mặt ông với hai tay chắp lại để chào ấy, đúng là Nhị-tóc-nâu thuở học trò xa xưa. Không thể khác được, đó chính là Nhị-tóc-nâu với nét mặt ngày xưa ấy, dáng dấp mảnh mai cũng như ngày xưa ấy, nhưng đã già đi theo năm tháng và trong trang phục của một ni sư.

Khi đã ngồi vào ghế, đối diện với ni sư, qua một chiếc bàn có lót kính dày, ông Xuân thấy đôi mắt bà hơi rưng rưng, mặc dù đã gần ba mươi bảy năm nương nhờ cửa thiền.

Họ cũng nhắc lại một chút kỉ niệm thời học trò, họ cùng chung lớp 10 rồi 11. Ông Xuân tuyệt đối không nói điều gì khác. Ni sư Hiền Hạnh cũng đinh ninh ông Xuân không biết gì những năm kế tiếp sau đó ở trường cũ, ở Tam Kỳ cũ.

Khi tách nước trà đã nguội, ông Xuân và ông Trảng biết đã đến lúc họ phải trở về.

Ông Xuân chắp hai tay vái chào ni sư Hiền Hạnh. Đến khi dắt xe ra khỏi cổng tam quan, ông muốn gọi to lên “Nhị-tóc-nâu! Nhị-tóc-nâu! Bạn đó sao?”, nhưng dĩ nhiên ông phải nén vào lòng.

 

4

 

Khi ông Xuân chạy xe lên bưu điện, rẽ qua con đường ven kênh Nhiêu Lộc, ông tình cờ gặp Sông Xanh và Ánh Sương. Ông dừng xe bên lề đường, khi nghe tiếng gọi của Sông Xanh. Hai cô sinh viên cũng ghé xe vào gần kề chỗ ông.

- Cháu chào chú. – Hầu như cả hai cô gái cùng lúc cất lời chào –.

- Chào! Sông Xanh! Ánh Sương! – Ông Xuân vừa chào, vừa gọi tên, rồi ông nói tiếp –. Lâu nay, không gặp, hai cháu có gì mới không?

- Dạ, bọn cháu vẫn được thường luôn. – Sông Xanh mở vội túi xách, lấy ra một chiếc thiệp –. Bọn cháu định đến nhà chú, nhưng nhân tiện được gặp chú giữa đường tại đây, cháu xin kính gửi chú thiệp chúc Tết này...

- Ồ, cảm ơn! Tôi sẽ gửi lại cho hai cháu sau nghe! – Và ông Xuân nói thêm –. Nếu không có gì vội, chú cháu mình vào tiệm cà phê đằng kia chuyện trò chút xíu cho vui! Lâu quá, dễ chừng hai tháng rồi, chưa gặp lại!

- Dạ, nếu chú cũng không bận.

Ba chiếc xe máy nối nhau chạy thêm một quãng.

Trong một thoáng, ông Xuân nhớ trong buổi sáng gần đây, ông nhận được thiếp xuân của Tre từ Quảng Trị gửi vào, ông cứ tưởng là thiệp cưới. Ông mỉm cười, gửi xe, nhận thẻ gửi, rồi cùng hai cô gái trẻ bước vào tiệm nước.

Ông Xuân nhìn ra mặt kênh Nhiêu Lộc màu xanh lục lam dưới ánh nắng giữa buổi sáng. Khác với ban đêm, dòng kênh lúc này hình như trông hẹp hơn và không còn nét huyền ảo, tuy vẫn sạch sẽ.

Để đùa vui, ông nói ý nghĩ hôm nào thoáng qua đầu ông hồi nãy:

- Chú cứ tưởng là thiệp cưới, hoặc của Ánh Sương, hoặc của Sông Xanh chứ!

Hai cô sinh viên cùng cười:

- Hai đứa cháu còn đi học mà! – Sông Xanh nói –.

- Rồi cũng sớm đến ngày đó thôi! – Ông Xuân cũng giữ nụ cười đùa –. Lâu nay Sông Xanh vẫn có liên lạc với Tre chứ? – Ông quay sang Ánh Sương –. Và Ánh Sương cũng thường liên lạc với Trưng chứ?

- Dạ, – Ánh Sương đáp thay cho cả Sông Xanh –, bọn cháu vẫn thường gặp nhau trên Facebook, và cũng vậy với chị Sông Hiếu, chị Lá Xuân.

- Vui thật! Thật là hay! – Ông Xuân nói –.

Họ lại chuyển qua nói chuyện về Tết Nguyên đán Bính Thân sắp đến. Thế rồi, loanh quanh thế nào, lại cùng nhau nhắc đến chứng bệnh dị ứng với ấn tượng về mùi cống rãnh năm ngoái của Sông Xanh.

Sông Xanh mỉm cười, hình như thấy có dịp để phân trần chút đỉnh với ông Xuân:

- Chú à, bệnh dị ứng của cháu thật là rất cụ thể, nghĩa là chỉ dị ứng với mùi cống rãnh mà thôi. Cái này có nguyên do ngày xưa, lúc cháu mới lọt lòng chào đời đó chú. Sau khi hết bệnh, cháu về quê, nói chuyện với má cháu, má cháu tình cờ nhắc lại là cháu bị đẻ rơi dọc đường, ngay trên một miệng cống rãnh ở dưới đó. Má cháu không ngờ nó lại liên quan đến chứng bệnh dị ứng của cháu sau này, cách đây một năm, nên bà không nhắc đến. Khi cháu đã biết, tự nhiên cháu thấy được mối quan hệ lúc cháu lọt lòng mẹ, chào đời với chứng bệnh dị ứng ấy sau này. Vậy đó chú à.

Ông Xuân ngạc nhiên, cảm thấy thật thú vị. Cả ba chú cháu đều cười vui, thấy thật có ý nghĩa.

- Bệnh cụ thể với mùi cống rãnh thật, chứ chẳng hình tượng, biểu tượng gì cả! Thế mà bạn Ánh Sương cứ trêu cháu là bệnh thời đại internet, còn anh Tre thì bảo, cháu bệnh bởi các kênh giáo dục, truyền thông nước mình từ nhà trường, báo chí, phát thanh, truyền hình đều là kênh nhọ đen! – Sông Xanh nói với nụ cười và chút nhăn mũi –. Ánh Sương và anh Tre suy diễn thật hay, thật sâu sắc, nhưng không phải như vậy.

- Cháu Sông Xanh vô tội! Hoàn toàn vô tội về quan điểm, lập trường chính thống, quan phương! – Ông Xuân cười thành tiếng, rồi lại nói khẽ –. Nhưng bây giờ cháu đã ngộ ra là sự suy diễn của hai bạn ấy, tuy suy diễn nhưng vẫn hay, sâu sắc, thì cũng tốt rồi. Như vậy càng phong phú chứ sao! – Ông Xuân nói thêm –. Thật ra, hai cháu thừa biết, y học đã nghiên cứu, đã xác định có nhiều loại bệnh có căn nguyên tâm lí xã hội, căn nguyên thời cuộc… Ngoài các bệnh tinh thần có nội dung xã hội, thời cuộc rõ ràng, còn có nhiều trường hợp bệnh thực thể như đau đầu, loét dạ dày, đau tim, cao huyết áp, thấp khớp, hen phế quản cũng có nguyên nhân tâm lí, xã hội, thời cuộc… Mỗi trường hợp mỗi khác. Có thể cháu Sông Xanh không hiểu hết chứng bệnh dị ứng với ấn tượng mùi cống rãnh của cháu, hoặc đã hiểu đúng. – Ông Xuân lại cười xoà –. Nhưng thôi, Sông Xanh đã nói là bệnh ám ảnh bởi ấn tượng về mùi cống rãnh của cháu không có ý nghĩa xã hội, thời cuộc, thời đại gì cả, thì cũng tốt thôi.

 - Sông Xanh muốn giữ lập trường, quan điểm để sau này ra trường, xin làm công chức Nhà nước đó chú! – Vẫn quen trêu Sông Xanh, Ánh Sương nói –.

Sông Xanh đỏ mặt, cười:

- Sông Xanh có sao nói vậy thôi. Bệnh cụ thể là bệnh cụ thể, chứ không mang ý nghĩa hình tượng, biểu tượng gì, thì cũng nói rõ như thế. Sông Xanh có phê phán, cũng phê phán trực diện, rõ ràng, thẳng ruột ngựa, chứ không bóng gió, hình tượng, biểu tượng gì cả!

- Người Bắc bộ giấu gươm đao trong lời nói. Người Trung bộ thu ớt cay và mạt cưa đắng trong ngôn từ. Người Nam bộ nói thẳng, nhưng gươm đao, ớt cay, mạt cưa đắng cầm nắm sẵn trong tay, dám thách đấu ngay tại chỗ. – Ánh Sương nói –.

- Thú vị thật! Tính của Sông Xanh là minh bạch, rạch ròi, chân chất, bộc trực, dân chủ như vậy cũng hay. Không dân chủ trực diện được, người ta phải chửi bóng, chửi gió. Còn Ánh Sương hay diễn dịch để đùa cũng rất hóm hỉnh, có hơi hưởng chất nói dóc cho vui của bác Ba Phi ở Nam bộ mình đây. Cộng vào đó, có chất cay, chất đắng của Quảng Trị, tỉnh có Vĩ tuyến 17, sông Bến Hải, về văn và về sử nước mình trước đây, và cả hiện nay, vẫn còn thiên lệch, đậm chất bôi nhọ, ở cách nhận định của Tre, cũng thật sâu sắc. Vậy đó, chứ không à? Nhiều nơi, nhiều nước, nhiều thời kì, để chống lại luận điệu một chiều, khắc nghiệt của nhà cầm quyền độc tài, dân gian và cả trí thức đều sử dụng truyện tiếu lâm hay hình tượng, biểu tượng như là vũ khí chiến đấu chống lại. 

- Dạ... Cháu thấy một khía cạnh khác nữa. – Sông Xanh nói –. Chú ơi, giá như Thành phố Hồ Chí Minh mình đây có đủ hệ thống cống ngầm hoàn toàn để tháo tất cả nước thải của cư dân, chứ đừng đổ ra kênh Nhiêu Lộc, để kênh Nhiêu Lộc mãi mãi trong xanh như sông tự nhiên vốn có ở núi rừng, thôn quê, dân cư thưa thớt thì tuyệt vời quá... Nghĩa là thành phố có hệ thống ruột già không lộ thiên, còn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn lộ thiên vì nó được trả lại là con suối, con sông tự nhiên xanh trong như nguyên sơ... Cháu thấy chất thải, nước thải, rác rến do cư dân thải ra là theo quy luật tự nhiên, quy luật sinh vật, không thể so sánh với nhọ đen bôi lấm bôi lem người khác bằng sách giáo khoa, kênh truyền hình, truyền thanh, báo chí, vì bôi nhọ thuộc loại sản phẩm của tâm địa xấu xa, thiếu trung thực, không phải là quy luật xã hội. Chỉ có một số ít nước mới thế thôi, còn phần lớn ở các nước khác, các bộ phận nhân dân khác nhau nhưng vẫn tôn trọng nhau. Hầu như ở bất kì nước nào, luật pháp cũng cấm chỉ sự bôi nhọ...

- Nếu được như vậy 100% thì tuyệt vời quá! Chắc rồi cũng phải tiến đến như vậy. – Ông Xuân nghiêm túc nói –. về mặt cơ sở hạ tầng vật chất của thành phố và cả về thượng tầng kiến trúc tinh thần của xã hội.

Sau một lúc nữa, hai cô gái sinh viên xin phép chia tay ông Xuân. Ông Xuân bắt tay họ, và bảo, ông ngồi nán lại một chút, hai cháu cứ tự nhiên về trước đi.

Ông Xuân tiếp tục uống li nước của mình…

Ông đã thanh toán tiền nước cho tiếp viên tiệm giải khát, nhưng vẫn ngồi một mình, tiếp tục chuỗi suy tưởng.

Ông nhớ đến tấm thiệp chúc xuân của Tre, thiệp cưới ông liên tưởng, ngỡ là Tre gửi vào, nhớ đến tờ di chúc của cụ già thôn dã ở Quảng Trị, nhớ tấm biển đá như một phần mộ chí nhưng phải đặt trên ngực di thể trong quan tài cùng đầu đạn lưu cữu từ thời Chiến tranh lạnh còn sót lại trong cẳng chân ông Trảng, nhớ “mẩu giấy cánh bướm” và ni sư Hiền Hạnh, nhớ thiệp xuân và bệnh dị ứng về kênh nước đen, rồi biến hoá thành kênh nhọ đen. Lúc này, ông Xuân cũng như Tre hôm nào ngồi cùng Sông Xanh bênh bờ kênh này, anh chàng trẻ tuổi đã liên tưởng đến đàn bướm giấy trắng, hoa nến, tấm lòng nguyên sơ luôn đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm, rồi đã biến hoá thành đàn phi cơ chiến đấu, bảo vệ của nước mình trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc Việt Nam... Đúng rồi, tất thảy mọi dị biệt, mọi trái chiều của vật thể, của con người phải được kết lại, bổ sung hàm nghĩa nhất thống cho nhau, như một chỉnh thể nghệ thuật sinh động.

 

T.X.A.

buổi chiều 14 & 07:12 – 13:50, 15-01 HB16 (2016).

 

TRÂN TRỌNG MỜI ĐỌC LOẠT TRUYỆN CÙNG ĐỀ TÀI, NHÂN VẬT:

 

1) Song sinh Kẻ Diên – truyện ngắn thứ nhất

2) Đầu đạn lưu cữu – truyện ngắn thứ hai

3) Sông Xanh và kênh đen Nhiêu Lộc – truyện ngắn thứ ba

4) Có thể trong năm nào sắp đến – truyện ngắn thứ tư

5) Mẩu giấy cánh bướm – truyện ngắn thứ năm

6) Đừng tối đi một nửa gương mặt Tổ quốc – truyện ngắn thứ sáu (truyện cuối của loạt truyện)

                                                                 

 

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE