Tham khảo: Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa (Ts. Po Dharma)

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

TƯ LIỆU THAM KHẢO

 

Điện thư xin phép

 

từ

An Tran Xuan <tranxuanan.writer@gmail.com> 

14:20 (0 phút trước đây) 

tới

Kinh gui Web CHAMPAKA

Day la dien thu thu 3 (that ra chi 2 dien thu ma thoi) toi kinh gui den CHAMPAKA.

Trong la thu truoc (ke ca thu dinh chinh link), toi chi xin phep duoc dan LINKs.

Nhung xet thay, co mot so bai tren Web CHAMPAKA khong phu hop voi quan diem trong nuoc va rat de bi tuong lua (firewall), nen toi manh dan xin copy lai mot so bai de lam tu lieu tham khao. Do la bai cua GS.TS. Po Dhrama:

 

http://www.champaka.org/cgi-bin/viewitem.pl?72&lichsu

va cac bai khac cua cac tac gia khac (Danny Wong Tze-Ken, P.B. Lafont) va cua Ban bien tap Champaka:

 

http://www.champaka.org/cgi-bin/viewitem.pl?280&lichsu

http://www.champaka.org/cgi-bin/viewitem.pl?273&lichsu

http://www.champaka.org/cgi-bin/viewitem.pl?218&lichsu

http://www.champaka.org/cgi-bin/viewitem.pl?158&lichs

 

Thanh that cam on.

 

Tran trong,

Kinh thu,

Trần Xuân An

 

 

Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa

 

Ts. Po Dharma

Gs. Po Dharma

 

Những văn kiện viết trên bia đá, sử liệu lịch sử Trung Quốc và Việt Nam, sách cổ bằng văn tự Chăm, cũng như những bài tường trình của các du khách từ các nước Âu Châu và Á Rập đã chứng minh cụ thể rằng giữa thế kỷ thứ 2 và đầu thế kỷ 19 đã có sự hiện diện ở miền trung Việt Nam một vương quốc hùng mạnh được mang tên là: Champa.

Lãnh thổ của vương quốc Champa không chỉ bao gồm vùng đồng bằng chạy dài theo bờ biển Trung Quốc như nhiều nhà sử học thường hiểu lầm, nhưng bao gồm cả vùng Tây nguyên miền trung Việt Nam (1). Liên quan đến vấn đề nhân chủng Champa trong quá khứ. Lịch sử cũng đã từng chứng minh rằng dân tộc Champa không chỉ dành riêng cho người Chăm, nhưng là một dân tộc đa chủng, bao gồm cả người Chăm và các anh em Tây nguyên thuộc hệ ngôn ngữ Malayo-Polynésien (như dân tộc Jarai, Rađê, Churu, Raglai, Hroi, v.v.) hay thuộc hệ ngôn ngữ Austroasiatique (dân tộc Bahnar, Sédang, Stieng, Maa, v.v.) (2).

Trong quá trình lịch sử của vương quốc này, khi nói đến Champa, thì người ta phải nhắc đến chiến tranh liên tục với Ðại Việt, một láng giềng miền bắc cùng chung một biên giới. Cũng vì sự phát triển nhanh chóng của tổ chức chính trị và xã hội của Ðại Việt cộng thêm sự khủng hoảng đất đai ở miền bắc Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ 14 đã gây ra một cán cân không thăng bằng trong nền bang giao chính trị giữa hai quốc gia này. Champa phải chịu từ bỏ dần dần đất đai của mình cho láng giềng miền bắc để lui về cố thủ ở phía nam, vùng Panduranga cho đến 1832, năm mà vương quốc Champa bị xóa hẳn trên bản đồ Bán Ðảo Ðông Dương (3).

Trong quá trình lịch sử của vương quốc này, Champa chịu ảnh hưởng nặng nề của hai nền văn minh. Cho đến 1471, năm đánh dấu sự sụp đổ thủ đô Vijaya (Bình Ðịnh) sau cuộc tấn công của Ðại Việt, Champa là một vương quốc ảnh hưởng nặng nề nền văn minh Ấn Ðộ Giáo và nền văn hóa Phạn ngữ. Nhưng sau biến cố 1471, Champa từ bỏ dần dần những gì vay mượn từ Ấn Ðộ Giáo để xây dựng lấy một nền văn hóa riêng, một phương thức tổ chức xã hội và chính trị riêng dựa trên truyền thống cơ bản cổ truyền của mình. Những phong cách lễ hội và cơ cấu tổ chức gia đình và xã hội Champa trong khu vực Panduranga hôm nay đã chứng minh rõ rệt lý thuyết này. Từ năm 1471 đến năm 1832, lịch sử Champa chỉ là một quá trình đấu tranh với bao nỗ lực của mình nhằm chống lại Nam Tiến của nhà Nguyễn hầu bảo vệ nền độc lập và di sản văn hóa của mình.

Khởi đầu của Champa

Cho đến bây giờ, không ai có thể chứng minh rằng kể từ năm nào, vương quốc Champa đã xuất hiện trên bản đồ của bán đảo Ðông Dương. Ngược lại, chỉ có sử liệu lịch sử Trung Quốc đã từng cho chúng ta biết rằng kể từ cuối thế kỷ thứ 2 - hay nói một cách chính xác hơn, đó là vào năm 192 sau công nguyên - một số bộ tộc sống trong vùng Je-nan (trực thuộc khu vực của Huế bây giờ) đã từng vùng lên chống lại sự đô hộ của Tàu nhằm xây dựng một vương quốc độc lập đó là Lin-yi (4). Cũng theo tư liệu của Trung quốc, dân tộc của Lin-yi nói tiếng thuộc hệ ngôn ngữ Malayo-Polynésien. Lúc đầu, vương quốc Lin-yi bành trướng mạnh mẽ biên giới chính trị của mình về phía bắc cho tới núi Hoành Sơn (Quảng Bình), sau đó tìm cách đô hộ dần dần những vương quốc Ấn Ðộ Giáo ở miền nam.

Cho đến hôm nay, ai cũng biết một cách rõ rệt về năm tháng của sự ra đời của vương quốc Lin-yi trên bản đồ Ðông Dương. Và nhờ các sử liệu về ngôn ngữ cũng như nhân chủng được nghiên cứu bởi R. Stein, nhà bác học Pháp, ai cũng biết rõ rệt về sự liên hệ lịch sử giữa Lin-yi và Champa từ cuối thế kỷ thứ 2 đến cuối thế kỷ thứ 6. Nhưng cho tới hôm nay, không ai có đủ tư cách để chứng minh ngày tháng nhất định của sự thay đổi danh xưng từ vương quốc Lin-yi sang vương quốc Champa (5). Trong suốt bốn thế kỷ này, có nghĩa là từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 6, người ta chỉ biết một cách sơ lược về quá trình của vương quốc Lin-yi này. Thêm vào đó, không có sử liệu nào chứng minh cụ thể nhằm xác định rằng có thể hay không dân tộc sống trong vương quốc Lin-yi thời đó đã bị ảnh hưởng nền văn minh Ấn Ðộ? Và từ năm nào Lin-yi này đã trở thành một vương quốc ảnh hưởng Ấn Ðộ Giáo có một cơ cấu tổ chức chính trị chặt chẽ và dùng hệ ngữ Malayo-Polynésien trong hệ thống hành chánh của họ.

Trong suốt thế kỷ thứ 4, 5 và 6, vương quốc Lin-yi cũng nhiều lần tìm cách dùng vũ lực để dời biên giới chính trị của mình ra khỏi khu vực Hoành Sơn (Quảng Bình), nơi sinh cư của dân tộc proto-Việt. Nhưng những ý đồ chiến tranh này không đạt sự thành công cho lắm. Ðể trả lời cho sự quấy phá biên giới này, dân tộc này cũng gởi đoàn quân của mình để sang xâm chiếm Lin-yi như vào cuối thế kỷ thứ 4 chẳng hạn. Ðối với Trung Quốc, Lin-yi cũng đã mấy lần từ chối, trong suốt thế kỷ thứ 3, gửi những “quà cống” để biếu tặng cho cường quốc Trung Quốc ở miền bắc này. Ðây cũng là một hành động nhằm phủ nhận tư thế chư hầu của mình. Nhưng tư thế độc lập này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn hạn.

Ngoài vấn đề bang giao với láng giềng, người ta cũng được biết rằng từ thế kỷ thứ 4, dân tộc sống trên lãnh thổ Lin-yi dùng ngôn ngữ Chăm để sử dụng trong tổ chức hành chánh của mình (6). Họ là dân tộc thường dùng những vật liệu bằng gạch để xây cất nhà cửa và áp dụng đám thiêu cho những người đã qua đời (7). Trong triều đình, nhất là từ cuối thế kỷ thứ 4 đến đầu thế kỷ thứ 5, đấng Siva đã giữ một tư thế quan trọng trong các lễ nghi tôn giáo của Lin-yi (8).

Từ thế kỷ thứ 7, lịch sử của vương quốc này bắt đầu đi vào một niên đại sáng sủa hơn. Cũng nhờ các sử liệu của đoàn quân viễn chinh Trung Quốc sang chiếm đóng nước này vào năm 605, người ta biết được thủ đô của Lin-yi nằm về phía nam của đèo Hải Vân, tức là vùng Trà Kiệu bây giờ (9). Chiếm một địa thế rất gần với Mỹ Sơn (10), Trà Kiệu đã trở thành, từ thế kỷ thứ 4, một trung tâm truyền bá Bà La Môn Giáo lẫn trung tâm phát triển ngôn ngữ Chăm và văn tự Chăm. Nhiều bia đá dùng mẫu tự Phạn ngữ để ghi chú những biến cố lịch sử bằng tiếng Chăm đã chứng minh rõ rệt lý thuyết này. Thêm vào đó, nếu nguyên nhân của sự biến dạng danh xưng Lin-yi vẫn còn là một vấn đề lu mờ trong lịch sử, ngược lại, không còn ai chối cải đến niên đại của sự xuất hiện danh xưng Champa. Bởi rằng tên của vương quốc Champa này lần đầu tiên được ghi trên một bia đá bằng Phạn ngữ khắc vào năm 658 tìm thấy ở miền trung Việt Nam và trên một tấm bia khác của Kampuchea viết vào năm 668. Mặc dù bằng chứng cụ thể đó, nhưng danh xưng Champa cũng có thể xuất hiện trước thế kỷ này. Thêm vào đó, sử liệu của Trung Quốc cũng nhắc đến danh xưng Tchang-tch'eng (tiếng Việt gọi là Chiêm-Thành) vào năm 809. Tchang-tch'eng hay Chiêm-Thành là danh từ phiên âm từ Phạn ngữ Campapura “thành phố Champa”. Cũng trong thế kỷ thứ 7 này, một số bia đá tìm thấy ở khu vực Nha Trang đã chứng minh là vương quốc Champa đã từng nắm quyền cai trị ở miền nam và đã từng đặt biên giới chính trị của mình không xa cho mấy với khu vực Brei Nogor (Sài Gòn) của vương quốc Kampuchea.

Hai thế kỷ vàng son của Champa

Trong suốt 200 năm từ thế kỷ thứ 7, vương quốc Champa đã trở thành một quốc gia hùng mạnh, nắm quyền cai trị trên một lãnh thổ rộng lớn, chạy dài từ cửa An Nam (núi Hoành Sơn, Quảng Bình) ở phía bắc đến đồng bằng sông Ðồng Nai ở phía nam. Vương quốc này chia thành 5 khu vực hành chánh hay tiểu vương quốc, gọi là: Inrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga. Nhiều sử liệu cũng đã từng chứng minh rằng Champa không phải là một vương quốc có một thể chế chính trị “trung ương tập quyền” như người ta thường hiểu lầm, nhưng là một quốc gia liên bang. Mỗi tiểu vương quốc có một thể chế chính trị tự trị và có quyền ly khai ra khỏi liên bang Champa để xây dựng lấy một vương quốc độc lập riêng biệt.

Cũng từ thế kỷ này, Champa bắt đầu dùng chính sách hữu nghị để bang giao với các nước láng giềng (11). Vương quốc này đã bao lần gởi những quà cống chư hầu cũng như những phái bộ ngoại giao sang Trung Quốc và tiếp tục phát triển chương trình trao đổi kinh tế và tôn giáo với cường quốc này. Chính những chuyến du hành của nhiều nhà tu sĩ phật giáo từ Trung Quốc sang Ấn Ðộ thường hay ghé qua các hải cảng Champa là nguyên nhân chính yếu có sự hiện diện của Ðạo Phật Ðại Thừa trong vương quốc này. Và Ðạo Phật này đã phát triển mạnh mẽ ở Champa vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9. Những di tích đền đài Phật Giáo ở rãi rác trong khu vực Ðồng Dương hôm nay đã chứng minh rõ rệt dữ kiện này. Ðối với Kampuchea, Champa luôn luôn vẫn coi vương quốc này là một quốc gia láng giềng anh em. Nhưng sau thế kỷ thứ 12, hai vương quốc này đã biến tình hữu nghị thành những chiến tranh, không phải để chiếm đất đai, nhưng để xác định uy quyền chính trị của mình. Kể từ năm 1220, chiến tranh giữa hai nước không còn nữa. Ðối với các nước đa đảo của Mã Lai, vấn đề bang giao lúc đầu với Champa chỉ thể hiện qua các cuộc xung đột quân sự, nhất là những trận chiến của hải quân Java chống lại khu vực Panduranga vào cuối thế kỷ thứ 8. Sau cuộc xung đột này, vấn đề bang giao giữa Champa và các vương quốc Mã Lai càng ngày càng trở nên tốt đẹp để rồi hai vương quốc này tự trở thành hai quốc gia liên minh chặt chẽ trong thương mại và kết tình ruột thịt qua các lễ cưới hỏi giữa hoàng tử và công chúa giữa hai nước.

Trong suốt thế kỷ thứ 9, vua Champa đã chú tâm rất nhiều đến công trình xây cất các đền đài Phật Giáo ở Ðồng Dương hay các đền đài Bà La Môn Giáo ở Mỹ Sơn. Cũng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 9 này, vua Champa dời thủ đô của vương quốc mình từ Panduranga ở miền nam sang Indrapura, một khu vực miền bắc nay thuộc tỉnh Quảng Nam.

Trong suốt 2 thế kỷ này, vương quốc Champa cũng đã từng vay mượn từ Bà La Môn Giáo toàn diện những nguyên tắc tổ chức xã hội, hệ thống tổ chức chính quyền nhà nước, những lễ nghi và Phạn ngữ. Chính vì thế, triều đình Champa, nơi tập trung tất cả những quan chức hấp thụ nền văn minh Phạn ngữ, đã trở thành một trung tâm quản lý mọi vấn đề chính trị, kinh tế hay xã hội, hay nói một cách khác, Champa lúc này đã trở thành một vương quốc Bà La Môn hóa thì đúng hơn.

Cuối thế kỷ thứ 10: Một khúc quanh trong lịch sử Champa

Sau một thời gian ngắn sống trong an bình và thịnh vượng, Champa bắt đầu đối phó với bao nhiêu biến cố chính trị và quân sự. Ðó là cuộc tấn công của Kampuchea chống lại Champa vào năm 950 nhưng bị thất bại. Sau đó là cuộc xâm lăng của Ðại Việt vào năm 982 nhằm tàn phá thủ đô Indrapura ở Quảng Nam. Trong trận chiến này, vua Champa đã hy sinh nơi chiến trận (12). Sự vùng dậy bất ngờ của Ðại Việt vào cuối thế kỷ thứ 9 trên địa bàn chính trị Ðông Dương đã đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch trình diễn tiến lịch sử của khu vực này. Chính thế, khi đã thoát khỏi ách thống trị của Trung Quốc nhằm tạo dựng một quốc gia độc lập bao gồm toàn diện đất đai của khu vực sông Hồng cho đến cửa An Nam (Hoành Sơn), Ðại Việt bắt đầu biến tình hữu nghị với Champa thành những cuộc xung đột bằng vũ lực. Sau bao năm chiến tranh không ngừng giữa đôi bên, vua Champa quyết định vào năm 1000 dời thủ đô về Vijaya (Bình Ðịnh), vì Indrapura (Quảng Nam) nằm trên một địa thế quá gần với biên giới Ðại Việt.

Kể từ thế kỷ thứ 11, Champa bắt đầu gặp phải bao khó khăn để đối phó chống lại những cuộc xâm lăng từ miền bắc, thí dụ vào năm 1021 và vào năm 1026. Chưa đầy 18 năm sau, viện cớ là quân Champa xâm phạm biên cương, vua Ðại Việt cầm đầu một đoàn quân hùng mạnh sang xâm chiếm Vijaya vào năm 1044. Quân Ðại Việt đã thành công, và họ đốt phá thủ đô Ðồ Bàn và giết chết vua Champa trong trận chiến. Ðể phản lại tư thế quá yếu hèn của các vua Champa ngự trị ở miền bắc, tiểu vương quốc Panduranga ở miền nam vùng dậy đòi quyền độc lập. Chính thế mới có một đoàn quân viễn chinh từ thủ đô Vijaya đã đến Panduranga để giải quyết chiến tranh nội bộ này (13).

Một vài năm sau, vua Champa là Rudravarman đệ tam xuất quân ra miền bắc để tàn phá Thăng Long. Ðể trả đủa cho sự việc trên, vua Ðại Việt là Lý Thánh Tông, đem một đoàn quân hùng mạnh sang xâm chiếm Vijaya. Trong trận chiến này, vua Champa bị bắt đưa ra Thăng Long. Năm 1069, nhằm chuộc tội để được trở về quê hương an toàn, vua Champa phải chịu nhường cho Ðại Việt một lãnh thổ rộng lớn ở miền bắc của vương qúốc này. Chính lãnh thổ này đã trở thành khu vực hành chánh Ðại Việt gọi là Ðịa Lý, Ma Linh và Bố Chính, chạy dài từ Hoành Sơn (Quảng Trị) đến đèo Lao Bảo ở phía bắc của Huế. Kể từ đó, đèo Lao Bảo đã trở thành biên giới chính thức giữa Champa và Ðại Việt, Năm 1103 và 1104, vua Champa cũng dùng quân sự nhằm thu hồi lại khu Ðiạ Lý, Ma Linh và Bố Chính, nhưng không thành công (14).

Trong suốt 30 năm cuối cùng của thế kỷ thứ 11 này, ngoài chiến tranh với Ðại Việt, vua Champa còn phải đối phó với cuộc nội chiến ở Panduranga nhằm đòi độc lập. Sau biến cố của Panduranga, vua Champa cũng tìm cách đi chinh phạt vương quốc Kampuchea vào năm 1074 và 1080 nhưng không thành công. Hết chiến tranh với Kampuchea, vương quốc Champa vướng phải bao nhiêu trở ngại khác: hết chuyện khủng hoảng chính trị, vì nội chiến, Champa phải chấp nhận làm nghĩa vụ của nước chư hầu hay yếu thế, nhằm gởi lễ vật sang triều cống Trung Quốc và Ðại Việt.

Sang thế kỷ thứ 12, Champa vẫn chưa tìm thấy lối thoát. Một khi đã hy sinh giúp Kampuchea để gây chiến tranh chống lại với Ðại Việt, Champa lại trở thành nạn nhân của chiến cuộc. Vì rằng, vua Kampuchea, vì nghi ngờ vương quốc Champa tìm cách liên kết chính trị với Ðại Việt, quyết định tuyên chiến với Champa vào năm 1145. Quân đội viễn chinh Kampuchea sang chiếm thành Ðồ Bàn và đặt quyền cai trị ở lãnh thổ miền bắc Champa. Trước tình hình nguy ngập này, vua tiểu vương quốc Panduranga quyết định nổi dậy chống cuộc xâm lăng của Kampuchea và thành công hoàn toàn trong công cuộc giải tỏa thủ đô Vijaya ra khỏi ách thống trị ngoại lai, vào năm 1149. Lợi dụng tư thế là một anh hùng dân tộc đánh đuổi ngoại quân Kampuchea, vua tiểu vương quốc Panduranga này tự tôn mình là vua Champa ở Vijaya. Công trình cứu quốc này đã bị kết tội như một hành động chiếm ngôi không phù hợp với quy luật chính trị Champa. Chính vì thế đã xảy ra những cuộc nổi loạn của dân tộc êđê và Jarai ở Tây nguyên, cộng thêm những sự phản đối bằng bạo lực của nhân dân Champa trong khắp miền, kể cả khu vực Panduranga.

Khi vua Champa này qua đời, vua nối tiếp quyết định gây chiến tranh chống lại Kampuchea. Với một đoàn hải quân hùng mạnh, vua Champa xuất quân theo đường sông Mékong cho đến biển Hồ nhằm đốt phá đền Ðế Thiêng Ðế Thích và thành công giết được vua Kampuchea trong trận chiến (15).

Sự thất thủ Ðế Thiên Ðế Thích là nguyên nhân chính giải thích cho tình hình khó khăn trong nội bộ chính trị Kampuchea thời đó. May thay, vương quốc này thoát khỏi nội chiến cũng nhờ công lao của một ông vua đại tài tên là Jayavarman đệ thất. Khi lên nắm chính quyền, Jayavarman đệ thất đã đánh đuổi thành công ngay quân đội Champa ra khỏi Kampuchea. Nhiều trận chiến đẫm máu trong cuộc đụng độ giữa lực lượng hải quân của hai nước còn để lại nhiều hình ảnh trên vách tường chạm trổ của đền Bayon và Banteay Chmar ở Kampuchea (16). Lợi dụng cơ hội này, vua Jayavarman đệ thất chỉ huy đoàn quân tấn công thủ đô Vijaya vào năm 1190 và bắt được vua Champa tại chiến trận. Sau cuộc chiến thắng này, vua Kampuchea tự phong người em rể của mình lên làm vua Champa và một hoàng tử gốc Panduranga lên làm vua ở tiểu vương quốc này. Sự nhúng tay của Kampuchea vào nội bộ Champa đã biến vương quốc này thành hai miền nam bắc riêng biệt. Vì không chấp nhận sự chia đôi của vương quốc Champa, vua của tiểu vương quốc Panduranga đã vùng dậy đem đoàn quân hùng mạnh ra bắc để dẹp tan quyền cai quản Champa bởi một hoàng tử ngoại lai gốc Kampuchea. Sau khi đã giết chết vua Champa gốc Kampuchea, vua tiểu vương quốc Panduranga này tự xưng vương Champa ở Vijaya và sát nhập hai miền nam bắc thành một Champa độc lập và chủ quyền. Mặc dù, có công lao với đất nước, nhưng nhiều quan chức trong hoàng gia không hài lòng với việc hoàng tử gốc Panduranga tự tôn mình lên làm vua Champa ở Vijaya. Ðó là nguyên nhân chính đưa đến cuộc nổi dậy của quan chức trong triều đình Champa thời đó. Lợi dụng cơ hội này, vua Jayavarma đệ thất của Kampuchea quyết định xâm chiếm Champa, vào năm 1203, để trả thù cho em rể của mình bị tử trận ở Vijaya, và biến vương quốc Champa này thành thuộc địa của mình cho tới năm 1220, năm đánh dấu sự chấm dứt vĩnh viễn của sự xung đột giữa hai vương quốc kế cận cùng ảnh hưởng Bà La Môn Giáo. Kể từ đó, Champa và Kampuchea trở thành hai nước láng giềng chung sống hòa bình trong tình hữu nghị anh em.

Vào năm 1283, quân Mông Cổ tràn xuống xâm lăng Champa. Trước đoàn quân hùng mạnh của Mông Cổ, vua Champa quyết định rút quân lên vùng Tây nguyên để ẩn náu. Theo ông Marco Polo, một nhà du hành Âu Châu, vua Champa chịu bỏ trống toàn bộ lãnh thổ đồng bằng cho quân Mông Cổ chiếm đóng. Trong suốt hai năm chờ đợi không giao chiến, vì thiếu lương thực, quân Mông Cổ tự rút lui ra khỏi Champa.

Thế kỷ thứ 14: Sự vùng dậy của Chế Bồng Nga

Mặc dù đặt dưới quyền cai trị của Kampuchea trong suốt 17 năm trường, đã từng chịu đựng trong suốt hai năm chống lại quân Mông Cổ, đã từng đương đầu chống lại chính sách xâm lược của Ðại Việt, vương quốc Champa chưa hề trao nhường cho ai một tấc đất của mình. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ thứ 14, Champa lại chịu mất đi một khu vực đất đai rộng lớn của mình ở miền bắc, trong một hoàn cảnh chính trị vô cùng đặc biệt chưa từng xảy ra trong tiến trình lịch sử của vương quốc này. Nguyên nhân chính, đó là vua Champa Jaya Simhavarman đệ tam (tiếng Việt gọi là Chế Mân) đề nghị dâng hiến cho Ðại Việt vào năm 1306 hai vùng Ô và Lý (lãnh thổ của Huế hôm nay) để được kết hôn với công chúa Huyền Trân của Ðại Việt (17). Sự kết hôn này đúng là một vở bi kịch tình sử. Vì rằng chưa đầy một năm chung sống với công chúa Ðại Việt, Jaya Simhavarma đệ tam từ trần trong một khung cảnh vô cùng mờ ám, để rồi Huyền Trân tìm cách chạy trốn về Thăng Long với Trần Khắc Chung mà chưa ai hiểu được nguyên nhân nào để giải thích cho sự hiện của Trần Khắc Chung trong bối cảnh lịch sử này. Nhiều câu hỏi thường được nêu ra về cái chết đột ngột của vua Jaya Simhavarma đệ tam. Nguyên nhân nào giải thích cho mưu mô chạy trốn của công chúa Huyền Trân, trong khi ai cũng biết rằng công chúa Ðại Việt này không thể hội đủ điều kiện để xin lên giàn hỏa. Nếu theo truyền thống Champa, chỉ có bà hoàng hậu chính thức mới được phép để huỷ thân trên giàn hỏa với chồng của mình.

Vì không chấp nhận vở bi kịch lịch sử này, vua Champa kế tiếp đã từng dùng vũ lực, vào năm 1311-1312, 1317-1318, 1326 và 1353, nhằm yêu cầu Ðại Việt trao trả cho vương quốc này hai châu Ô và Lý, nhưng không thành công.

Câu chuyện công chúa Huyền Trân và sự dâng hiến đất đai Champa cho Ðại Việt vào đầu thế kỷ thứ 14 đã trở thành một biến cố chính trị quan trọng trong vương quốc này. Khi đã chứng kiến tận mắt mọi tiến trình của biến cố này mà Chế Bồng Nga, một nhà chính trị mưu lược và là một nhà quân sự đại tài, đã xuất hiện trên bàn cờ chính trị Ðông Dương. Theo sử liệu, vua Champa Chế Bồng Nga không phải là vua Po Binthuor hay Sak Bingu của tiểu vương quốc Panduranga như người ta thường hiểu lầm (18), dường như ông lên ngôi vào năm 1360. Lợi dụng cơ hội tốt khi triều đại mới của Nhà Minh (Trung Quốc) không muốn nhúng tay vào chính trị của Ðại Việt. Kể từ năm 1361 Chế Bồng Nga quyết định tập trung lực lượng quân sự của mình để tấn công Ðại Việt. Bao lần xuất trận của Chế Bồng Nga là bao lần thắng. Năm 1361, đoàn quân của ngài đập phá tan tành hải cảng Di Lý; năm 1362 và 1365, chiếm toàn diện khu vực Hoa; năm 1368, dập tan đoàn quân Ðại Việt ở Chiêm Ðộng; và năm 1370, Chế Bồng Nga làm chủ đồng bằng sông Hồng, tiến quân chiếm thủ đô Thăng Long. Năm 1376, Chế Bồng Nga lại sang tàn phá khu vực Hoa một lần nữa. Năm 1377, ngài đánh tan đoàn quân Ðại Việt sang quấy nhiễu thủ đô Vijaya và giết chết vua Ðại Việt là Trần Duệ Tôn tại chiến trường. Lợi dụng cơ hội này, Chế Bồng Nga xuất quân lần thứ hai để chiếm đồng bằng sông Hồng, đập tan tất cả đoàn quân Ðại Việt trên đường tiến quân của mình, sau đó kéo quân thẳng về Hà Nội để đốt phá thành Thăng Long lần thứ hai. Ba năm sau, tức là năm 1380, ngài sang đánh Nghệ An, Diên Châu và Thanh Hoá. Năm 1382, Chế Bồng Nga trở lại Thanh Hoá và năm 1383, đem đoàn quân chiếm đóng đồng bằng sông Hồng một lần nữa Sáu năm sau, tức là năm 1389, ngài xuất quân ra Thanh Hoá một lần nữa. Tiếc rằng, cũng vì một ông quan trong triều đình Champa bán nước nhận làm mật vụ cho Ðại Việt mà Chế Bồng Nga đã bị một trận phục kích và ông bị tử trận ở hải phận Ðại Việt vào năm 1390 (19).

Sau ngày tử trận của Chế Bồng Nga, La Khải, một ông tướng thân cận của ngài, lên ngôi thay thế, lấy tên là Jaya Simhavarman Sri Harijatti (20). Trong suốt thời gian cai trị vương quốc này cho đến năm 1400, Champa phải trao trả lại cho Ðại Việt tất cả đất đai bị mất từ Hoành Sơn đến Huế mà Chế Bồng Nga đã thâu hồi lại được.

Trong cuốn sách “Lịch Sử Champa” của G. Maspéro, ông ta đã nêu lên ý kiến rằng những năm trị vì của Chế Bồng Nga là thời “vàng son” của Champa (21). Ðứng trên phương diện lịch sử mà nói, trong suốt 30 năm với “trăm trận trăm thắng” của vua Chế Bông Nga chỉ nói lên khung cảnh vàng son của một thời kỳ lịch sử mà thôi. Vì rằng, thời vàng son của Chế Bồng Nga chỉ là tiếng chuông báo hiệu cho sự suy tàn dần dần của nền văn minh Bà La Môn Giáo ở Champa vào cuối thế kỷ thứ 14. Ai cũng biết rằng, từ thế kỷ thứ 14, nền văn minh Champa không còn giữ trạng thái nguyên thủy của nó nữa. Sự biến dạng này xuất phát từ sự phai tàn của nền văn hóa Phạn ngữ, của triết lý Bà Là Môn Giáo hay Phật Giáo Ðại Thừa mà Champa đã dựa vào từ mấy chục thế kỷ qua, để xây dựng nền tảng cơ bản của tổ chức xã hội hay chính trị của vương quốc mình. Bia đá Phạn ngữ viết vào năm 1256 là tư liệu cuối cùng của nền văn minh Phạn ngữ ở Champa. Sự phai tàn này cũng xuất phát từ một nguyên nhân khác không kém quan trọng, đó là sự bành trướng Hồi Giáo ở Ấn Ðộ vào cuối thế kỷ thứ 12 đã cắt đứt sự liên hệ của Ấn Ðộ với các nước Ðông Dương, đã làm trì hoãn sự phát triển của văn hóa Ấn Ðộ ra bên ngoài; văn hoá mà Champa đã thu thập để dùng làm cơ sở cho nền văn minh của mình. Sự suy tàn của nền văn minh Champa còn có một yếu tố khác, đó là sự bại vong trong nhiều chiến trận quân sự vào thế kỷ thứ 13 đã làm phai nhạt đi niềm tin của quần chúng vào cơ cấu huyền bí của Ấn Ðộ Giáo mà Champa vẫn tin rằng cơ cấu này xuất phát từ ý muốn của các Ðấng thiêng liêng. Vì bằng chứng rõ rệt là những cơ cấu huyền bí này đã không còn sức mạnh để chống lại với quân xâm lược Kampuchea, Trung Quốc hay Ðại Việt. Chính vì thế, dân tộc Champa bắt đầu xa lánh dần dần các thần thánh thiêng liêng du nhập từ Ấn Ðộ. Sự khủng hoảng tinh thần của nhân dân đối với triết lý Ấn Ðộ Giáo trong vương quốc Champa bị ảnh hưởng nặng nề của Bà La Môn Giáo này cũng là nguyên nhân chính đã đưa Champa, trong suốt thế kỷ thứ 13, đến con đường suy yếu trên mọi lãnh vực (22). Những yếu tố vừa nói trên đã chứng minh rằng trang sử vàng son mà vua Chế Bồng Nga để lại chỉ là một trang sử tạm bợ không có định hướng tương lai.

Từ đầu thế kỷ 15 đến năm 1471: Sự suy vong của Champa theo Bà La Môn Giáo

Khi đã từ trần, vua Jaya Simhavarman Sri Harijatti để lại ngai vàng cho đứa con của mình. Chưa đầy vài năm sau, Ðại Việt gởi quân sang xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ mà vua Chế Bồng Nga đã thâu phục lại được, tức là tiểu vương quốc Amaravati (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Lợi dụng cơ hội chiến tranh giữa nhà Minh của Trung Quốc và Ðại Việt, cũng như lợi dụng phong trào nội chiến của Lê Lợi ở Ðại Việt để thành lập một vương triều mới của nhà Lê, Champa không ngần ngại tấn công Ðại Việt để thu hồi lại đất đai Amaravati bị mất. Sau cuộc thành công này, chiến tranh giữa hai nước thật sự bùng nổ kể từ năm 1445 cho đến ngày thất thủ thành Ðồ Bàn vào năm 1471.

Kể từ năm 1445, vương quốc Champa càng ngày càng đi đến con đường suy vong, vừa quân sự lẫn chính trị (23). Sự suy tàn của Champa là vì phải đối đầu liên tục chống lại sự xâm lăng của láng giềng miền bắc, cộng thêm vào đó, là phải đối phó với bao nhiêu chiến tranh nội bộ của mình: chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 30 năm, 5 vị vua Champa tiếp nối nhau để lên ngôi ở thủ đô Vijaya (Bình Ðịnh). Viện cớ là quân Champa quấy nhiễu ở biên giới, Ðại Việt quyết định với bất cứ giá nào là phải xâm chiếm thành Ðồ Bàn. Sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, vua Lê Thánh Tông dẫn một đoàn thủy quân và lục quân hùng mạnh sang xâm chiếm Champa. Khi đã chiếm được thành Ðồ Bàn, Lê Thánh Tông ra lệnh phá hủy thủ đô này, ông ta đã ra lệnh chém đầu công khai hơn bốn chục ngàn quân Champa, và bắt đưa về Thăng Long hơn ba chục ngàn tù binh. Sau cùng, Lê Thánh Tông không ngần ngại ra lệnh tàn phá tiểu cường quốc Vijaya thành tro bụi để xóa bỏ hoàn toàn những vết tích của Champa còn sót lại trong khu vực này.

Theo quan điểm của giáo sư Lafont (24), sự thất thủ thành Ðồ Bàn vào năm 1471 chỉ là kết quả của một sự xung đột vô cùng dài hạn, có nghĩa là trong suốt 5 thế kỷ, giữa nền văn minh Champa chịu ảnh hưởng Ấn Ðộ Giáo và nền văn minh Ðại Việt chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Sự xung đột giữa hai quốc gia này bắt đầu kể từ cuối thế kỷ thứ 10, không ngoài lý do là đấu tranh đế bảo tồn cho sự sống còn của mình. Tiếc thay, trong tiến trình của lịch sử, Champa là nạn nhân không may mắn. Trước sự tăng dân số cao độ ở Ðại Việt, Champa phải chịu mất dần đất đai của mình cho Ðại Việt để lui dần về cố thủ ở phương nam. Hay nói một cách khác hơn, năm 1471 là năm đánh dấu sự thành công rực rỡ của nền văn minh Trung quốc chống lại một xã hội mang nặng văn hóa Ấn Ðộ Giáo, một văn hóa đã có một thời vàng son gây bao ảnh hưởng lớn mạnh, nhất là từ thế kỷ thứ 4, trong nhiều quốc gia ở bán đảo Ðông Dương.

Sau khi tàn phá thành Ðồ Bàn, quân Ðại Việt tiến đến núi Thạch Bi (tỉnh Phú Yên), nơi mà vua Lê Thánh Tông đã ra lệnh cho đục trên bia đá để phân chia biên giới mới giữa Champa và Ðại Việt. Trên thực tế, biên giới thật sự giữa hai nước vào năm 1471 chỉ ở đèo Cù Mông, phía nam Bình Ðịnh. Vì khu vực núi Thạch Bi (Phú Yên) chỉ là một vùng “No Man's land” (đất không ai định cư) giữa Champa và Ðại Việt (25).

Sau ngày thất thủ thành Ðồ Bàn, ai cũng nghĩ rằng Ðại Việt sẽ tiến quân để xâm chiếm toàn vẹn lãnh thổ Champa ở miền nam. Ðó là một lý thuyết mà nhiều sử gia đã từng lầm lẫn từ hơn một phần ba thế kỷ vừa qua, vì họ đã cho rằng vương quốc Champa không còn nữa sau ngày sụp đổ thủ đô Vijaya vào năm 1471. Chính quốc sử Ðại Việt đã lên tiếng phản lại sự sai lầm này (26). Bởi rằng, khi đã làm chủ tình hình ở Vijaya, chính vua Lê Thánh Tông quyết định phong vương cho Bố Trì Trì, một vị tướng từng tham chiến ở Vijaya vào năm 1471, và giao cho Bố Trì Trì quyền cai trị trên lãnh thổ Champa còn lại, đó là tiểu vương quốc Panduranga (Phan Rang và Phan Ri) và Kauthara (Nha Trang và Phú Yên). Chính vì thế, Champa vẫn còn là một vương quốc độc lập, nhưng độc lập trong hệ thống chư hầu của Ðại Việt. Nhiều nhà sử học rất ngạc nhiên về ân huệ của Ðại Việt dành cho Champa trong biến cố này. Thật ra, Ðại Việt đã có một mưu đồ lớn trong cuộc xâm chiếm này. Vì rằng, sau ngày chiếm đóng Vijaya, vua Lê Thánh Tông đã gởi đến khu vực này hàng ngàn quân điền vừa phát hoang để khai thác kinh tế vừa phòng thủ để chống lại sự nổi dậy của Champa chinh phục trở lại đất đai của mình bị mất. Vua Lê Thánh Tông cũng còn áp dụng chính sách đồng hóa dân tộc Champa còn sống trong vùng bị chiếm đóng bằng cách là đưa hàng ngàn người gốc Việt là những thành phần trộm cướp hay vi phạm luật pháp sang sống trà trộn với dân tộc Champa. Chính thành phần trộm cướp và phạm pháp này mới có đủ sức tung hoành cướp bóc và đồng hóa dân Champa còn sót lại. Nếu hôm nay không còn ai, từ Quảng Trị cho đến Nha Trang, dám nhận diện mình là dân tộc Champa nữa, thì dữ kiện này chỉ là kết quả của chính sách Việt Nam hóa do vua Lê Thánh Tông tạo nên. Ðứng trên phương diện lịch sử mà nói, vào giữa thế kỷ thứ 15, đúng ra Ðại Việt không đủ nhân lực và vật lực để giải quyết hai vấn đề cùng một lúc, đó là vừa phòng thủ đất đai Champa đã lọt vào tay mình và vừa áp dụng chính sách Việt Nam hóa dân tộc Champa hiện còn sống trên vùng bị chiếm đóng. Chính vì thế, Ðại Việt chỉ tìm cách xâm chiếm lãnh thổ Champa gần biên giới mình hơn để tiện việc cai quản, nhất là để áp dụng chương trình Việt Nam hóa, biến dân tộc Champa thành dân Việt một cách dễ dàng hơn.

1471-1653: Sự thất thủ Kauthara

Ðại Việt đã quyết định dành cho Bố Trì Trì quyền cai trị trên lãnh thổ Champa còn lại ở miền nam, tức là vùng Kauthara, Panduranga và vùng Cao Nguyên ở phía tây của Panduranga. Khi đã nhận ân huệ này, Bố Trì Trì cũng tìm cách xin Trung Quốc chính thức hóa vương chức của mình. Tiếc rằng, ông ta chỉ nhận sự trả lời của Trung Quốc sau một thời gian ngắn, trước khi ông ta đã từ trần.

Theo sử liệu của trung Quốc (27), tiếp theo Bố Trí Trì, có hai vị vua kế tiếp nối ngôi, nhưng sử liệu này không cho biết tên tuổi và năm tháng nhậm chức của họ. Nếu theo biên niên sử Panduranga, vị vua kế vị Bố Trì Trì có thể là Po Kabih (1494-1530), Po Karutdrak (1530-1536), Po Maha Sarak (1536-1541), Po Kunarai (1541-1553), Po At (1553-1579) (28).

Vương quốc ở miền nam dưới quyền cai trị Bố Trì Trì và những ông vua nối tiếp, vẫn còn mang tên là Champa trong những sử liệu viết bằng tiếng Chăm và Việt. Nhưng vương quốc Champa này đã bắt đầu lánh xa dần với truyền thống của Champa theo Ấn Ðộ Giáo ở miền bắc. Mọi cơ cấu tổ chức hành chánh, chính trị và xã hội của Vương Quốc này đều dựa trên nền tảng cơ bản riêng biệt của tập t-uc và tín ngưỡng của địa phương mình (29). Qua sử liệu còn để lại, nền văn minh của vương quốc Champa “mới” này chỉ là một sự tổng hợp của ba truyền thống tín ngưỡng khác biệt, đó là di sản văn hóa cổ truyền địa phương của Panduranga và Kauthara, một số ảnh hưởng còn dư lại của tín ngưỡng Bà La Môn Giáo, và nhất là từ thế kỷ thứ 17, một số tín ngưỡng Hồi Giáo vừa mới du nhập vào ở các hải cảng vùng Panduranga và Kauthara.

Qua ngày từ trần của Lê Thánh Tông vào năm 1497, Ðại Việt lại rơi vào nội chiến giữa chúa Trịnh cai trị miền bắc và chúa Nguyễn, tự xưng vương và đặt thủ đô của mình ở gần khu vực Huế bây giờ. Chính chúa Nguyễn mới là tác giả chính thức của chính sách “Nam Tiến” chủ yếu để di chuyển tối đa biên giới của mình về miền nam của Champa (30). Ngược lại, với những gì mà nhiều nhà nghiên cứu thường nêu ra, cuộc “Nam Tiến” của chúa Nguyễn đã gặp một sức kháng cự mãnh liệt của các nhà lãnh đạo Champa “mới” này. Ngoài chính sách đương đầu chống lại “Nam Tiến” của chúa Nguyễn, vương quốc Champa cũng mấy lần áp dụng chính sách “Bắc Tiến”, thí dụ vào năm 1578, cho tới Phú Yên để thu hồi lại một thành lũy đã rơi vào tay nhà Nguyễn (31).

Vào cuối thế kỷ thứ 16, Champa “mới” bao gồm một dải đất chạy dài từ biên giới Saigon đến đèo Cù Mông (phía nam Bình Ðịnh) vẫn còn đủ điều kiện để nuôi dưỡng một đoàn quân khá hùng mạnh. Chính vì thế, vào năm 1594, vua Champa, (dường như đã theo Hồi Giáo), đã gởi một đoàn quân sang giúp vua Johor, một tiểu vương quốc ở miền nam bán đảo Mã Lai, để chống lại thực dân Bồ Ðào Nha ở Malaka. Chính nhờ quân lực hùng mạnh này, Po Nit (1603-1613) đã quyết định xuất trận tiến đánh Quảng Nam, một khu vực hành chánh nằm trong lãnh thổ của nhà Nguyễn. Trước hành động này, chúa Nguyễn cũng xuất quân để chinh phạt Champa. Thừa cơ hội chiến thắng, chúa Nguyễn xâm chiếm khu vực Phú Yên và dời biên giới phía nam của mình đến Cap Varella, ở phía bắc Nha Trang. Sau đó, chúa Nguyễn biến đổi lãnh thổ này thành Dinh Trấn Biên (32) và đưa hơn ba chục ngàn tù binh của nhà Trịnh sang khu vực này để phát hoang khai triển kinh tế.

Dẫu thất bại, Champa “mới” vẫn giữ nguyên được truyền thống bất khuất của Champa, đó là truyền thống đấu tranh để bảo vệ quyền độc lập, và nhất là sự sống còn của quốc gia này. Chính vì thế, vương quốc Champa không ngần ngại tiến quân chống lại sự xâm lược của nhà Nguyễn ở Dinh Trấn Biên (Phú Yên) vào năm 1620. Vào khoảng ba chục năm sau, tức là năm 1653, vua Champa là Po Nraop chuẩn bị lực lượng quân sự của mình để tuyên chiến với chúa Nguyễn, thu phục lại khu vực Phú Yên bị rơi vào tay của Nguyễn vào năm 1611. Trước tình thế này, chúa Nguyễn đã gởi một đoàn quân hùng mạnh sang tấn công Champa, tiến đến sông Phan Rang, bắt được vua Po Nraop và cưỡng bách vua này ngồi trong rọ bằng sắt để đưa về Huế. Vì không chịu để cho nhà Nguyễn hành xử mình, Po Nraop quyết định tự hủy thân để nêu cao tinh thần bất khuất của mình (33). Nhân cơ hội này, chúa Nguyễn cũng xâm chiếm vùng Nha Trang và dời biên giới của mình đến khu vực Cam-ranh (34). Thế là tiểu vương quốc Kauthara lại rơi vào tay nhà Nguyễn vào năm 1653 và khu vực này bị biến đổi thành Dinh Thái Khang và Diên Khánh trong hệ thống hành chánh nhà Nguyễn (35).

Kauthara thất thủ, đền thiêng liêng của Po Ina Nagar “Bà Mẹ Vương Quốc” ở Nha Trang lọt vào vòng kiểm soát của nhà Nguyễn. Chính vì thế, vua Champa quyết định rước Po Ina Nagar về Phan Rang để được thờ phụng trong một cái đền ở Mông Ðức gần làng Hữu Ðức bây giờ.

Kể từ năm 1653, đất đai Champa tự thu hẹp lại trong lãnh địa của tiểu vương quốc Panduranga, mà nhà sử học thường gọi là vương quốc Panduranga-Champa.

Thời kỳ 1653-1771: Sự suy yếu của Panduranga

Năm năm sau ngày thất thủ Kauthara (Nha Trang), tức là năm 1658, chúa Nguyễn, lợi dụng sự khủng hoảng chính trị trong nội bộ Kampuchea, dùng vũ lực để xâm chiếm khu vực Saigon-Biên Hoà. Sự hiện diện của quân đội nhà Nguyễn ở Saigon đã đưa Panduranga vào địa thế mới, đó là, vương quốc này đã trở thành êtrái độnê một khu vực nằm ngay chính giữa lãnh thổ mà nhà Nguyễn đã làm chủ đất đai: Biên Hoà ở phía nam và Nha Trang ở phía bắc. Bị kìm kẹp và bị bao vây, Panduranga-Champa đã mất đi toàn diện những địa thế quân sự trọng yếu của mình (36).

Chưa đầy 40 năm làm chủ Biên Hòa, chúa Nguyễn quyết định tiếp tục áp dụng chính sách “Nam Tiến” của mình. Ðể trả đủa cuộc tấn công của vua Po Saot nhằm thu hồi lại vùng thánh địa Kauthara (Nha Trang) vào năm 1692, chúa Nguyễn đưa một đoàn quân hùng mạnh để thanh toán vương quốc này. Sau khi thắng trận, nhà Nguyễn đổi danh xưng Chiêm Thành (Campapura) thành Trấn Thuận Thành, đặt dưới quyền cai trị của một ông Tham Mưu của quân viễn chinh nhà Nguyễn. Một năm sau, nhà Nguyễn xóa bỏ Trấn Thuận Thành để thành lập Phủ Bình Thuận và giao quyền quản trị phủ này cho em của vua Po Saot (37). Cuối năm 1692, Panduranga-Champa đã biến mất trên bản đồ Ðông Dương với tính cách là một quốc gia chủ quyền.

Vì không chấp nhận sự hiện diện quân nhà Nguyễn trên lãnh thổ mình và vì không chấp nhận nhà Nguyễn tự xóa bỏ vương quốc này trên bản đồ, toàn bộ nhân dân Panduranga-Champa vùng dậy đánh đuổi quân xâm lược trong suốt hai năm trường, từ 1693-1694. Vì không thể kháng cự lại sự vùng dậy của toàn bộ nhân dân của vương quốc này, chúa Nguyễn quyết định giao trả lại quyền độc lập cho Panduranga-Champa, nhưng độc lập dưới sự bảo trợ chính trị và quân sự của mình. Kể từ đó, danh xưng Thuận Thành đã trở thành thông lệ trong văn bản nhà Nguyễn để gọi Panduranga-Champa. Khi đã thu hồi độc lập, nhà Nguyễn phong vương cho Po Saktiraydaputih, em của vua Po Saot và cũng là một tù binh của nhà Nguyễn trong trận chiến vào năm 1692 (38).

Mặc dù giao trả quyền độc lập cho Panduranga-Champa, nhà Nguyễn quyết định giữ quyền cai trị trực tiếp của mình trên cộng đồng Việt kiều sống trong lãnh thổ Champa. Chính sách này nhằm kiểm soát chặt chẽ mọi biến cố xảy ra ở Panduranga-Champa và nhằm điều động Việt kiều này, khi cần thiết, để gây chiến tranh chống lại vương quốc Champa. Ðể áp dụng chính sách này, nhà Nguyễn thành lập một phủ Bình Thuận rất là đặc biệt trong lãnh thổ Panduranga-Champa vào năm 1697. Theo tư liệu hoàng gia Panduranga viết bằng tiếng Chăm và Hán (39), kể từ năm 1702, tất cả Việt kiều sống trong Panduranga-Champa không trực thuộc quyền quản trị của vương quốc này, nhưng trực thuộc phủ Bình Thuận của nhà Nguyễn. Phủ Bình Thuận này là một cơ quan đại diện cho nhà Nguyễn, có vai trò để giải quyết với chính quyền Panduranga-Champa mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi Việt kiều sống ở vương quốc này (40).

Sự hiện diện của Việt kiều núp sau cái bóng hình của phủ Bình Thuận là nguyên nhân chính yếu đưa đến xự xung đột hàng ngày giữa đồng bào Panduranga-Champa và cộng đồng Việt kiều. Và xự xung đột này thường xảy ra chung quanh vấn đề khủng hoảng đất đai. Vì rằng Việt kiều càng ngày càng mở rộng lãnh thổ của mình, hoặc qua các cuộc mua bán ruộng đất một khi dân tộc Champa bị thiếu nợ, hoặc qua các cuộc chiếm đất bất hợp lệ trong những khu vực hoang vắng. Kể từ đó, Panduranga-Champa không còn biên giới cố định, vì lãnh thổ có một hình dạng như vết dầu loan, nằm xen kẻ trong biên giới của đất đai thuộc phủ Bình Thuận của nhà Nguyễn (41)

Thời kỳ 1771-1832: Những ngày cuối cùng của Champa

Năm 1771 đánh dấu cuộc vùng dậy của Tây Sơn chống lại chế độ bạo tàn của nhà Nguyễn. Công trình đấu tranh của Tây Sơn bắt đầu lan rộng trong khắp nước. Trước tình thế này, nhà Nguyễn từ bỏ thủ đô mình để lui về ẩn náu ở khu vực đồng bằng sông Mékong, chờ đợi thời cơ khôi phục lại đất nước (42). Kể từ ngày ấy Tây sơn làm chủ miền bắc, còn hoàng tử Nguyễn Ánh của nhà Nguyễn làm chủ miền nam. Thế là Panduranga-Champa, vì địa thế của mình, một lần nữa trở thành nạn nhân của chiến tranh giữa người Việt với người Việt, một cuộc chiến tranh chẳng có gì liên hệ với vương quốc Champa. Theo sử liệu của Việt Nam (43), mục tiêu tiên quyết của Nguyễn Ánh và Tây Sơn là phải chiếm cho kỳ được Panduranga-Champa để làm nhịp cầu tiến quân chống phá thành Saigon do Nguyễn Ánh trấn giữ hay chống phá Nha Trang dưới sự kiểm soát của Tây Sơn. Làm chủ Panduranga-Champa tức là làm chủ tình hình quân sự trong sự xung đột này. Chính vì thế, kể từ năm 1771 vương quốc Panduranga-Champa đã trở thành một bãi chiến trường khủng khiếp giữa quân Tây Sơn và lực lượng Nguyễn Ánh. Trước biến cố này, sự sống còn của Panduranga-Champa chỉ là một giấc mơ huyền ảo và nó tùy thuộc hoàn toàn vào kết quả của chiến tranh giữa người Việt Nam hơn là tuỳ thuộc vào ý muốn của mình.

Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại tàn quân Tây Sơn, làm chủ toàn diện lãnh thổ Việt Nam, sau đó lên ngôi lấy danh hiệu là Gia Long. Khi chiến tranh đã chấm dứt, Gia Long quyết định trao trả lại cho vương quốc Panduranga-Champa, không phải là quyền độc lập, nhưng là quyền tự trị dưới sự bảo hộ của triều đình Huế. Sau đó, Gia Long phong tước cho ong Po Soang Nhung Ceng, một tướng tài gốc người Chăm (tổ tiên bà Thềm ở Phan Rí), đã từng tham gia với Nguyễn Ánh để chống Tây Sơn, quyền cai trị vương quốc này. Mặc dù là một vương quốc tự trị, nhưng Po Saong Nhung Ceng có quyền tuyệt đối trên nhân dân của Panduranga, có quyền thành lập quân đội riêng và quyết định thuế má riêng trong lãnh thổ của mình.

Thành hình trong qui chế thuộc địa Việt Nam, nếu Gia Long quyết định cho tái lập lại vương quốc Panduranga-Champa, đó là để tỏ bày sự cám ơn của mình đối với tướng Saong Nhung Ceng đã có công trong công trình đánh đuổi Tây Sơn hơn là bày tỏ ý muốn của mình để vương qưốc Champa này được phục hồi lại (44). Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, Panduranga-Champa cũng là một vương quốc tự trị dưới sự bảo trợ của Gia Long, và nhất là dưới sự che chở tối đa của ông Lê Văn Duyệt, Tổng Trấn Gia Ðịnh Thành.

Năm 1802, Gia Long từ trần. Minh Mệnh kế tiếp cha mình để cai trị toàn vẹn Việt Nam. Sau ngày lên ngôi, Minh Mệnh xóa bỏ tất cả chính sách liên quan đến Panduranga-Champa do Gia Long để lại, và quyền kiểm soát của Lê Văn Duyệt trên vương quốc này. Vấn đề này đã dẫn đến sự xung đột giữa Minh Mệnh và Tổng Trấn Gia Ðịnh Thành. Kể từ ngày ấy, Panduranaga-Champa lại trở thành nạn nhân lần thứ hai trong biến cố chính trị giữa người Việt Nam. Khi Po Saong Nhung Ceng đã từ trần ở Champa (chứ không phải ông vua này là người chạy sang Kampuchea lánh nạn như người ta thường hiểu lầm), Minh Mệnh tự phong tước cho một người Chăm kề cận của mình lên ngôi. Lê văn Duyệt phản đối lại Minh Mệnh, tự quyết định cho con của Po Saong Nhung Ceng lên làm vua Panduranga-Champa, để trấn giữ trọn vẹn quyền kiểm soát chính trị và hành chánh của vương quốc này (45). Nhiều sử liệu cũng nêu lên rằng, năm 1832 là năm đánh dấu một khúc quanh lịch sử lớn lao trong chính sách bang giao giữa Panduranga-Champa và triều đình Huế. Nếu từ năm 1822 đến 1828, vương quốc này trực thuộc dưới quyền kiểm soát của triều đình Huế, nhưng sau năm 1828, Panduranga-Champa đã trở thành một vương quốc đặt dưới quyền cai trị của Gia Ðịnh Thành (46). Chính vì thế, sự sống còn của Panduranga-Champa hôm nay tùy thuộc hẳn vào tư thế mạnh hay yếu của Lê Văn Duyệt đối với Minh Mệnh.

Năm 1832, Lê Văn Duyệt từ trần. Tức tốc, Minh Mệnh quyết định chiếm đóng Panduranga-Champa, cho lệnh trừng trị thẳng tay tất cả quan chức nào trong vương quốc đã theo Lê Văn Duyệt (47), Minh Mệnh đã áp dụng chính sách tàn bạo chống lại nhân dân Champa vì tội không chịu phục tùng triều đình Huế. Sau cuộc trừng phạt này, Minh Mệnh cho lệnh xóa bỏ Panduranga-Champa trên bản đồ Ðông Dương, chia lại đất đai này thành hai huyện An Phước và Hòa Ða trực thuộc tỉnh Bình Thuận (48).

Thế là, vương quốc Panduranga-Champa hoàn tàn bị diệt vong vào năm 1832.

1832-1835: Sự vùng dậy cuối cùng

Những chính sách tàn bạo của một số quan chức Minh Mệnh nhằm trừng trị thẳng tay nhân dân Champa vì tội theo Lê Văn Duyệt là nguyên nhân chính yếu giải thích cho sự vùng dậy của dân tộc Champa vào năm 1833. Ðói khát, tù đày, xử trảm không cần lý do, không cần xét xử, tập trung người dân Champa vào lao dịch trong những nông trường kinh tế, đốt cháy làng xã thành tro bụi, v.v. là sự việc diễn ra hàng ngày sau ngày mất nước (49). Không thể kham nổi những sự khốn khổ này, Katip Sumat, một nhà lãnh đạo tinh thần Hồi Giáo, kêu gọi quần chúng nổi dậy, thành lập một mật trận kháng chiến Hồi Giáo, dùng chiến tranh tử vì đạo (Jihâd) chống lại Minh Mệnh để dành độc lập Champa. Phong trào kháng chiến của Katip Sumat đã trở thành một mối đe dọa lớn cho Minh Mệnh trong khu vực này (50). Chính thế, ngoài đoàn quân hùng mạnh của triều đình Huế, Minh Mệnh kêu gọi tất cả Việt kiều sống ở đây góp sức để đánh phá toàn diện lực lượng Katip Sumat vào năm 1834 (51).

Nếu sử liệu Việt Nam ít nói đến cuộc nổi dậy của Katip Sumat, thì sử liệu này không bỏ lỡ cơ hội viết về biến cố 1834-1835, biến cố mà triều đình Huế coi đó là một cơ cấu cách mạng mới mang hình thức “Mật Trận Giải Phóng” hơn là hình thức nổi loạn. Ðúng vậy, Ja Thak Wa, người làng Văn Lâm (Ninh Thuận), là một quan chức lớn trong triều Champa thời trước, là người đứng ra thành lập Mật Trận Giải Phóng, và thành lập chính phủ lâm thời để điều hành công cuộc cách mạng giải phóng Champa. Lấy khu Ðồng Nai, nơi mà dân Việt không dám xâm nhập, để làm mật khu. Ông ta đứng ra đề nghị một ông hoàng tử gốc Raglai, dòng Po Romé, lên ngôi của vương quốc. Ông kêu gọi toàn dân Champa, cả anh em cao nguyên và người Chăm cùng đứng dậy chống lại quân xâm lược Minh Mệnh. Sau khi chiếm đóng khu vực Phan rang, ông cho lệnh tiến đánh khu vực Phú Yên và Bình Ðịnh. Tiếc thay, ông bị tử trận ở làng Hữu Ðức (Phan Rang) vào năm 1835. Phong trào của Ja Thak Wa được coi như là cuộc nổi dậy cuối cùng sau ngày mất nước của vương quốc Champa vào năm 1832 (52).

Sau cái chết của Ja Thak Wa, Minh Mệnh phát động một chính sách vô cùng tàn bạo để trừng trị những ai dính dáng vào cuộc cách mạng này: trưng thu ruộng đất, theo dõi và bắt bớ, tập trung cải tạo và tù đày tối đa, cấm phân phối lương thực, thiêu đốt làng xã cho đến quật cả mồ mã những gia đình theo cách mạng (53). Sau cùng, để kiểm soát sự tập trung của dân tộc Champa, Minh Mệnh cho lệnh dời hết tất cả làng xã Champa đi chổ khác để thành lập làng xã người Việt. Chương trình dời làng xã người Champa là một chính sách nhằm phá hủy toàn bộ cơ cấu tổ chức cổ truyền của xã hội và gia đình người dân Champa thời đó (54).

***

Sự diệt vong của Champa có một nguyên nhân chính yếu, đó là vương quốc này đã trở thành một nạn nhân của chính sách Nam Tiến Việt Nam. Sau ngày diệt vong, vương quốc này chỉ để lại sau lưng mình mốt số di tích lịch sử, hai cộng đồng nhân chủng xuất thân từ dân tộc Champa thời trước. Cộng đồng đầu tiên gồm vào khoảng 300.000 anh em Tây nguyên ở miền trung Việt Nam. Nhóm thứ hai vào khoảng 100.000 người Chăm ở vùng Phan Rang, Phan Rí, 30.000 ở khu vực Châu Ðốc và Tây Ninh, hơn 150.000 lánh nạn ở Kampuchea (55).

Notes :

(1) T. Quach-Langlet, 1988, trang 27-42.

(2) B. Gay, 1988, trang 52-56.

(3) T. Quach-Langlet, 1988, trang 46-47.

(4) R. Stein, 1947, trang 241-245.

(5) P-B. Lafont, 1991, trang 13.

(6) G. Coedès, 1939, trang 46-49.

(7) Ma Touan Lin, 1883, trang 422-425.

(8) L. Finot, 1902, trang 190.

(9) R. Stein, 1947, trang 129.

(10) H. Parmentier et L. Finot, 1904, trang 1-117.

(11) P-B. Lafont, 1988, trang 71-82.

(12) G. Coedès, 1964, trang 230-231.

(13) L. Finot, 1903, trang 645-646.

(14) Po Dharma, 1989, trang 129-130.

(15) Ma Touan Lin, 1883, trang 557.

(16) M. Jacq Hergoualc'h, 1991, trang 28-45.

(17) Nguyên Thê Anh, 1990, trang 42-43.

(18) E. Aymonier, 1890; G. Coedès, 1964, trang 127.

(19) Nguyên Thế Anh, 1990, trang 51-59.

(20) L. Finot, 1928, trang 291.

(21) G. Maspero, 1928, trang IX.

(22) P-B. Lafont, 1991, trang 15.

(23) Nguyên Thê Anh, 1990, trang 76-77.

(24) P-B. Lafont, 1991, trang 14.

(25) Po Dharma, 1989, trang 131-132.

(26) Nguyên Thê Anh, 1990, trang 84.

(27) J. Boisselier, 1963, trang 373.

(28) Po Dharma, 1978, trang 58-59.

(29) P-B. Lafont, 1991, trang 16-17.

(30) Nguyên Thê Anh, 1989, trang 123.

(31) DNNTC, 1964, trang 99.

(32) DNNTC, 1964, trang 7.

(33) J. Tissanier, 1663, trang 176.

(34) H. Chappoullié, 1943, trang 9.

(35) DNNTC, 1964, trang 60-61; PBTL (quyển 1), trang 83; LTHCLC (Quyển 1), trang 110-112.

(36) Po Dharma, 1989, trang 133.

(37) DNTLCB, quyển I, trang 147-151.

(38) Po Dharma, 1978, trang 137.

(39) Archives du Panduranga, 1984.

(40) Po Dharma, 1987 (I), trang 69-70.

(41) DNTLCB, quyển I, trang 209.

(42) HLNTC, quyển I, 1985.

(43) DNCBLT, 1970.

(44) Po Dharma, 1987 (I), trang 86.

(45) DNTLCB , quyển VI, , trang 90.

(46) Po Dharma, 1987 (I), trang 110.

(47) CM 29 (1).

(48) MMCY, quyển VI, 1974, trang 143-144.

(49) CHCPI- CAM 1.

(50) DNTLCB, quyển XVI, trang 70-120.

(51) CM 24(5), trang 169-168 et CM 32 (6), trang 105-104.

(52) CAM 30(17), trang 51.

(53) CHCPI-CAM 1, trang 8.

(54) Po Dharma, 1987 (I), trang 163.

(55) Mak Phoeun, 1988, trang 83-94.

Tài liệu trích dẫn

1. Sách viết bằng văn tự Chăm

(Chú thích: CAM : Sách của Viện Viễn Ðông Pháp, Paris; CHCPI : Sách của Trung Tâm Lịch Sử và Nền Văn Minh Bán Ðảo Ðông Dương, Sorbonne; CM : Sách của Siociété Asiatique de Paris)

CAM 30 (17).

CAM MICROFILM 17 (1). Sách này đã dịch sang tiếng pháp bởi Po Dharma và đăng trong cuốn sách Le Panduranga (Campa). Ses rapports avec le Vietnam, Paris 1987 (Vol. II, pp. 19-88).

CHCPI- CAM 1.

CM 24 (5).

CM 29 (1). Sách này đã dịch sang tiếng pháp bởi Po Dharma và đăng trong cuốn sách Le Panduranga (Campa). Ses rapports avec le Vietnam, Paris 1987 (Vol. II, pp 93-217).

CM 32 (6).

CM 37 (29).

2. Sử liệu Việt Nam

Ðại Nam Nhất Thống Chí (DNNTC)

-quyển 10-11 (Tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà), Saigon, 1964.

-quyển 12 (Tỉnh Ninh Thuận, Phụ Ðạo Phanrang), Saigon, 1965.

Ðại Nam Thực Lục Chính Biên (DNTLCB), Hanoi: -quyển I (1962), quyển VI (1963), quyển XVI (1966).

Ðại Nam Thực Lục Tiền Biên (DNTLTB), quyển 1, Hanoi, 1962.

Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện: Nhà Tây Sơn (DNCBLT), Huế (Viện Ðại Học Huế), 1970.

Hoàng Lê Nhất Thống Chí (HLNTC), dịch và chú thích bởi Phan Thanh Thuy, Paris (Public. de l'EFEO)1985.

Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (LTHCLC), Quyển 1: Dư Ðịa Chí, Saigon, 1972.

Minh Mệnh Chính Yếu (MMCY), Quyển 6, Saigon, 1974.

Phủ Biên Tạp Lục (PBTL), quyển 1, Saigon, 1972.

3. Sách và báo cáo khoa học

Aymonier, E.,

“Légendes historiques des Chames”. Excursions et Reconnaissances, XIV-No 32 (1890), pp. 145-206.

“Première étude sur les inscriptions tchames”. Journal Asiatique, XVII-1 (1891), pp. 5-86.

Boisselier, J.,

La statuaire du Champa. Recherche sur les cultes et l'iconographie. Paris (Public. EFEO LIV) 1963.

Cabaton, A.,

“L'inscription chame de Bien-hoa”. BEFEO IV-3 (1904), pp. 687-690.

Chappoullié, H.,

Aux origines d'une église. Rome et les missions d'Indochine au XVIIe siècle. Paris 1943 et 1948.

Coedès,

“La plus ancienne inscription en langue chame”. New Indian Antiquary, Extrait Series I (1939), pp. 46-49.

-Les Etats hindouisés d'Indochine et d’Indonésie. Paris (De Boccard) 1964.

Finot, L.,

- “Notes d’épigraphie I. Deux inscriptions de Bhadravarman Ier, roi du Champa”. BEFEO II (1902), pp. 185-191.

- “Notes d’épigraphie III. Stèle de Çambhuvarman a Mi-son”. BEFEO III (1903), pp. 206-211.

- “Notes d’épigraphie V. Panduranga”. BEFEO III (1903), pp. 630-654.

- “Notes d’épigraphie XII. Nouvelles inscriptions de Po Klaun Garai”. BEFEO IX-2 (1909), pp. 205-209.

- Compte-rendu “Le Royaume de Champa”. BEFEO XXVIII (1928), pp. 285-292.

Gay, B.,

“Vue nouvelle sur la composition ethnique du Campa”. Actes du séminaire sur le Campa organisé à l’Université de Copenhague, Paris (Travaux du CHCPI) 1988, pp. 49-58.

Jacq-Hergoualc'h, M.,

“L’armée du Campa au début du XIIIe siècle”. Le Campa et le Monde malais. Paris (Travaux du CHCPI) 1991.

Lafont, P-B.,

- “Pour une réhabilitation des chroniques notées en cam moderne”. BEFEO LXVII (1980), pp. 105-111.

- “Aperçu sur les relations entre le Campa et l'Asie du Sud-Est”. Actes du séminaire sur le Campa organisé à l’Université de Copenhague. Paris (Travaux de CHCPI) 1988, pp. 71-80.

- “Les grandes dates de l'histoire du Campa”. Le Campa et le Monde malais. Paris (Travaux du CHCPI) 1991, pp. 7-23.

Ma Touan Lin,

Ethnographie des peuples étrangers à la Chine. Ouvrage composé au XIIIe siècle de notre ère. Traduit pour la première fois du chinois par le Marquis d'Hervey de Saint Denys, Paris 1883.

Mak Phoeun,

“La communauté cam au Cambodge du XVe au XIXe siècle”. Actes du séminaire sur le Campa organisé à l’Université de Copenhague, Paris (Travaux du CHCPI) 1988, pp. 83-94.

Maspéro, G.,

Le Royaume de Champa. Paris (Van Oest) 1928.

Nguyễn Thế Anh,

-”Le Nam Tien dans les textes vietnamiens”. Histoire des frontières de la Péninsule Indochinoise. I.- Les frontières du Vietnam, Paris (L'Harmattan) 1989, pp. 121-127.

- Le Dai-Viet et ses voisins (En collaboration avec Bui Quang Tung et Nguyen Huong). Paris (L'Harmattan) 1990.

Parmentier, H. et Finot, L.,

“Le cirque de Mi-son (Quang-Nam)”. BEFEO IV (1904), pp. 1-173.

Po Dharma,

- Chroniques du Panduranga. (Paris, thèse de l'EPHE IVe section, 1978).

- Le Panduranga (Campa). Ses rapports avec le Vietnam (1802-1835). Paris (Public. de l'EFEO CXLIX), 1987 (2 Vol).

- “Etat des dernières recherches sur la date de l'absorption du Campa par le Vietnam”. Actes du séminaire sur le Campa organisé à l’Université de Copenhague. Paris (Travaux du CHCPI) 1987, pp. 59-70.

- �

TS. Po Dharma