f. Trần Xuân An - Ngôi trường tháng giêng - Tệp 6

author's copyright

 

TRẦN XUÂN AN

 

06/30/09

12 tháng 3 năm HB6 (2006)

           

 

        Phần 1

 

        Phần 2

 

        Phần 3

 

        Phần 4

 

        Phần 5

 

        Phần 6

 

        Phần 7

 

        Phần 8

 

        Phần 9

 

        Phần 10

 

        Phần 11

 

        Phần 12

 

        Phụ lục

 

 

 

 

 

 

 

trần xuân an

 

 

ngôi trường

tháng giêng

 

tiểu thuyết

 

 

 

 

 

 

 

 

nhà xuất bản

THANH NIÊN

 

2003

 

 

 

            

 

xem

http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/

( phần 6 )

23

 

Học sinh đã thi học kì một được vài môn. Sáng thứ năm này các em được nghỉ một buổi giáo dục lao động sản xuất. Nam định đến nhà anh Trà thêm một lần nữa và chỉ đi một mình, nhưng Hoán, Khoai, Huyện rồi cả Lộc Biếc, Cam Ly cũng thích đi chơi. Nam thấy cũng chưa nên nói chuyện đời tư của người khác làm gì, vì nào đã quen thân, vả lại, đi cả nhóm càng vui.

Đây là lần thứ ba nhóm giáo viên trẻ đến nhà và quán của anh Trà. Nam ghé vào quán bà Tặng mua một gói thuốc lá 475 (30).

- Nam ơi,– Khoai nói –, hôm qua có cô Sương Ngọt nào dưới huyện Thủy gửi thư cho ông đó?– Khoai trêu khi họ cùng bước –.

- Chắc người yêu dấu!– Cam Ly cười khúc khích –.

Nam nhìn Cam Ly với ánh mắt nheo lại:

- Được vậy thì quá tốt, nhưng rất tiếc, chỉ là bạn.– Nam quay qua nói với Khoai –. Ông không nhớ Sương Ngọt khoa Anh văn sao, người Quảng Trị mình nhưng lại cùng xóm ở Huế với mình đó? Đã có lần Khoai với mình ghé nhà Sương Ngọt mà.

- Cô ấy cũng dạy cấp cơ sở à? Dưới huyện Thủy làm gì có trường trung học.– Khoai nói –.

- Sương Ngọt không được bổ nhiệm, vì bố là trung tá ngụy đang bị học tập cải tạo tập trung, đâu tận ngoài Bắc.

Họ đi ngang qua nhà cô giáo Xinh. Nắng buổi sáng đã lên khá cao, bóng sáu người ngã đậm sau gót chân. Nam kéo chiếc mũ kép pi về phía trước trán. Không biết nói sao, khi cả nhóm nghe Lộc Biếc cảm thán:

- Đời còn nhiều chuyện buồn lòng thật!

Nam ngậm ngùi sau một lúc:

- Sương Ngọt theo gia đình vào vùng kinh tế mới dưới ấy. Cô ấy gửi thư cho mình theo địa chỉ tình cờ biết được, và cũng vì tình cờ đọc được một bài thơ của mình trên báo. Bây giờ, cô ấy lại chuyển qua nghiên cứu kinh sách Phật giáo.

- Thoát tục lụy chăng?– Lộc Biếc lại buột miệng –.

- Không rõ.– Nam đáp –.

- Lẽ ra cánh cửa vào đời, Nhà nước đừng đóng lại với bất kì ai. Cửa khép trước lối đi của anh, anh đi lui hay bay lên trời? Nam trả lời thử.– Lộc Biếc cười buồn –.

- Em sẽ chui xuống đất.– Cam Ly bao giờ cũng thích nói nghịch –. Chắc thầy Nam sẽ húc đầu vào?

- Không dám húc đâu, sợ vỡ sọ.– Nam lắc đầu –. Mình cũng chui xuống đất làm dế mèn, nhìn trăng gáy ran cho đỡ buồn.

Lộc Biếc quay mặt qua Nam:

- Tới nhà anh Trà-Rơ-mác rồi kia! Mà này, thử hỏi đùa anh Nam cho biết, chứ em hiểu hết. Em có đọc tập bản thảo thơ anh. Những bài đầu sau tháng tư bảy lăm rất hòa nhập, rất hào khí, nhưng sau đó lại có bài như nghẹn lại. Có lẽ nghẹn lại vì thấy cánh cửa đời không rộng mở như vội tưởng.

Nam lắc đầu lia lịa:

- Thôi. Đừng nói chuyện ấy nữa. Tôi đã quên cái tôi của mình lâu rồi! Cái tôi trữ tình trong thơ là một hình tượng hư cấu. Tôi là ca sĩ lao động bằng chữ của trái tim mình, hát tiếng đời bằng trăn trở, chiêm nghiệm của mình trên những dòng nhạc của mình về đời … Xin chấm dứt chuyện này … Nhà anh Trà đã kia rồi!

- Sao chẳng nói “trái tim tôi thuộc về nhân dân” cho luôn!– Lộc Biếc cười khanh khách – Vĩ đại thay! Anh Khoai cũng thế. Tâm huyết nhân dân cuộn chảy trong thơ văn của hai Người!

- Thôi, cho tôi xin được tha!– Khoai nói –. Lớn lao quá!

Anh Trà đang lúi húi sửa vành xe đạp bị tráng trên cai phuộc cắm ngược vào khúc gỗ, chợt thấy nhóm giáo viên, đứng dậy phủi hai tay vào nhau với nụ cười giữa các sợi râu nhu nhú.

- Xin chào các bạn . Ồ, không có gì vui hơn!

Anh Trà kéo hai chiếc ghế dài mời khách ngồi. Hơi bị bất ngờ, anh Trà sau phút đon đả bỗng như ngẫm nghĩ rồi nói:

- Các bạn uống cà phê nhé.– Vẫn với giọng Bắc khá nặng, hơi ngọng ở một vài âm của một địa phương nào ngoài ấy –. Tôi mới ra Đa Công, ghé Đa Phát mua ở chỗ hàng xóm hồi xưa một ít, ngon tuyệt. Nhưng các bạn phải đợi mươi phút để đun nước. Ở xứ lạnh mà chẳng có cái bình thủy nào cả!– Anh cười giòn –.

- Nhất trí cao.– Huyện nói –. Tôi sẽ đi đun nước với anh. Các bạn này coi quán giúp.

- Lâu quá rồi chưa uống cà phê.– Khoai nói khi hai người đã khuất sau vạt dâu để vào nhà –.

- Ông Trà này cũng đặc biệt thật, chẳng có ai ở cùng, một mình thui thủi vậy thôi.– Hoán nói –.

Nam cười thầm trong bụng. Con người thế đấy! Nếu không chủ nhiệm lớp Ngoan, không biết chuyện vụng trộm kia, Nam sẽ rất quý trọng anh Trà. Quý trọng gấp ba lần là khác, giá Nam chỉ biết anh Trà với cung cách rất trí thức, như một nhà ẩn cư, bất phùng thời.

- Khúc Văn cũng mới gửi thư cho em.– Lộc Biếc mới dịu lại sau khi đi ngoài nắng vào, bỗng nói, với gương mặt hồng lên rất xinh đẹp –. Khúc Văn gửi lời thăm anh Huyện và hai anh …

- Vậy sao! Khúc Văn dẫu sao cũng còn may mắn …– Khoai tế nhị, không nói hết câu –.

- Khúc Văn than như bọng. Ông hiệu trưởng ở đó o ép giáo viên rất ghê. Nguyên văn trong thư : “rất phát xít”. Đó là trường tiên tiến, trường trọng điểm. Cũng nguyên văn trong thư: “Hiệu trưởng “giũa” hết mọi cạnh, mọi khía của cá tính giáo viên, thậm chí rèn bằng “búa tạ””.– Lộc Biếc cười khanh khách –. Khúc Văn kể một chuyện thế này. Có một cô giáo ngoại ngữ rất thật thà. Sút đinh quai guốc, chẳng biết mượn kìm búa ở đâu, cô hỏi một giáo viên nam. Giáo viên nam này chỉ lên hiệu trưởng. Cô ấy lên hiệu trưởng hỏi thật. Hiệu trưởng gầm: “Phải kìm, phải búa, để rèn nhau. Cô trêu tôi à?!”. Cô giáo ấy hoảng hồn xin lỗi.– Tiếng cười Lộc Biếc giòn tan trong tiếng cười của bốn người –. Hiệu trưởng vốn đã bị đặt hỗn danh là Búa Kìm Giũa!

- Có nhiều ông hiệu trưởng cũng ghê thật!– Hoán nói –. May là bạo chúa bao giờ cũng ít. Tôi cũng có nghe “danh” ông ấy, người Hà Nội chi viện đấy. Đâu cũng có người này kẻ nọ.

- Bởi thế mới có chuyện Trạng Quỳnh chơi khăm.– Khoai cười khẩy –.

- Tiếng cười là vũ khí của kẻ mạnh hay kẻ yếu nhỉ?– Lộc Biếc buông một câu hỏi –. Nếu giũa hết mọi góc cạnh cá tính, liệu tất cả có trở thành đồ vật được sản xuất hàng loạt không, có còn thi sĩ không, hở anh Khoai?

- đừng đuổi thơ tôi vì một chút chiều tà ngả bóng

  hãy kiên lòng sẽ thấy nắng mai lên.

Ông thi sĩ lấy họ Chăm này cũng là người Quảng Trị – Khoai không trả lời, nhưng đọc hai câu thơ và lại hỏi –. “Chiều tà ngả bóng” cũng là cá tính sáng tạo? Có người cảm quan bẩm sinh vốn thiên về cái buồn, cái đau, cái mất mát … Họ phải xóa mất thiên hướng riêng, số phận riêng để ca hát giữa “nắng mai” tươi hồng chăng? Mình thương Chế Lan Viên quá … Tuy nhiên, vậy cũng phải … cũng nên “vì nhân dân, quên mình”!– Khoai cười xóa ấp ý tưởng hơi “lên gân” nhưng chân thành của anh –.

Anh Trà và Huyện bưng cà phê lên. Bảy người, chỉ có hai chiếc phin. Anh Trà cười:

- Thông cảm nhé. Đợi lâu lâu một chút.

- San ra uống dần đi.– Hoán nói –.

- Thế thì rất hay.– Huyện cười –. Ít mới ngon.

Nam mở gói thuốc 475, đặt trên thùng gỗ đồ nghề, bên cạnh mấy tách trà sứt quai và li lớn thủy tinh, loại li giải khát. Cam Ly cười ngất:

- Uống cà phê kiểu này đúng là … chưa từng thấy.

Những tiếng cười thân tình vang lên thật vui. Nam thấy đã được, san ra để cùng nhấp môi.

- Ngon tuyệt.– Khoai chíp miệng –.

- Hóa ra anh Trà định cư ở huyện Công này rất lâu rồi?– Lộc Biếc hỏi với giọng vốn ngọt ngào –.

- Từ năm tư. Nhưng đi học, đi dạy, đi lính, bị bắt làm lao công chiến trường, ở các nơi khác cũng khá dài.

- Anh dạy môn gì vậy anh Trà?

Anh Trà cười, không nói. Nam trả lời thay:

- Môn triết. Chỉ duy nhất dạy khối lớp mười hai.

Lộc Biếc tỏ vẻ cảm phục. Cô khiêm tốn:

- Bọn em đều học triết lớp mười hai trước bảy lăm. Anh có đọc triết bây giờ không, cả kinh tế – chính trị học?

Anh Trà dè dặt gật đầu.

- Chắc không hạp lắm?– Lộc Biếc lại hỏi –.

- Ngày trước, ở đại học văn khoa, học triết Đông, triết Tây tùm lum các thứ, nhưng dạy ở trung học có mỗi triết Tây, đúng hơn, triết Tây “thập cẩm” là chính … Bây giờ chỉ có mỗi một vị!– Anh Trà thở khói, trầm ngâm –. Triết bây giờ là triết của kinh tế, chính trị, là triết hành động, triết cách mạng xã hội, chứ không phải triết để mà triết. Mà ngay cả thiên tài lớn, dẫu có lẫy lừng châu Âu như Trần Đức Thảo, triết gia mác-xít có hạng, về nước kháng chiến, vẫn chưa được trọng dụng! Ông Thảo cũng đành im lặng trên sách báo đến mấy chục năm, thì còn gì để nói! Thôi, cô giáo ạ, bữa ăn độc vị mà thắng thực dân, đế quốc là tốt rồi.– Anh Trà lại cười lặng lẽ –.

- Thì triết của kinh tế – chính trị! Anh thử so sánh xem. Xin thưa với anh, em cũng đã nghiên cứu giáo trình triết văn khoa cũ.

- Cô giáo cứ dồn tôi đến chân tường. Tôi chết mất. Làm sao tôi trả lời được! Cửa trại cải tạo Đạ Bình rộng mở lắm!

Lộc Biếc xin lỗi, cười xòa.

- Cô giáo Lộc Biếc này bao giờ cũng thế.– Hoán nói –. Cái gì cũng phải đến nơi đến chốn, cho hết lẽ mới thôi.

- Vậy, cũng nói cho vui! Ngày xưa các đồn điền trà, cà phê ở cao nguyên này là của Tây, rồi cũng có thêm các ông chủ người Việt. Chủ đồn điền còn có cả máy bay lên thẳng để quản lí đồn điền lẫn nhân công. Bây giờ, đã không giữ được nguyên trạng, mà cỏ mọc với trà, với cà phê. Triết học và thực tiễn! “Thực tiễn là thước đo của chân lí”… Nói vậy là phản động mất. Tôi là trung úy, lao công đào binh, được miễn cải tạo tập trung … – Anh Trà bỗng lúng túng, muốn giấu bớt điều gì –. Ừ, vâng … Tôi “rét” lắm.– Anh Trà lại cười –. Phong phú mọi mặt, giàu có mọi mặt là tốt nhất.

- Bây giờ người ta hành chính hóa kinh tế, mọi người cố bám vào Nhà nước, vừa được quyền lợi chính trị cho bản thân, cho con cháu, vừa có quyền lợi lương bổng, cả lương hưu. Thây mặc năng suất, chất lượng sản phẩm, cung – cầu … Thây mặc tất!– Huyện nói –.

- Nhưng ở đời, có ai thích bị bóc lột mồ hôi, chất xám đâu! Chẳng lẽ cứ chịu Tàu, Tây, Nhật, Mỹ cưỡi đầu, cưỡi cổ và bóc lột!– Lộc Biếc nói –. Chẳng lẽ, chiến đấu cho mệt rồi lại rước Tây, rước Tàu … vào đặt ách lại! Chẳng lẽ tôn vinh tư sản mại bản!

Nam nói với một nụ cười:

- Người ta đã xầm xì mới đây về “chủ nghĩa kinh tế lãng mạn”, một nền kinh tế vận hành trên cái “nên có” chứ không phải cái “hiện có”, về duy ý chí kiểu Mao. Dẫu sao chúng ta cũng đã vô sản hóa bằng các đợt đổi tiền, tiền Bắc, tiền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, tiền thống nhất, và bằng hợp tác hóa, các đợt đánh tư sản rồi.– Nam lại cười –. Vô sản cả rồi thì “đoàn kết lại, để ngày mai …”  Chúng ta “chẳng có gì để mất”! …

Cam Ly cười phá lên. Cô không hiểu Nam khơi chuyện.

- Đùa cho vui.– Nam lại nói –. Lúc này, đất nước chưa hòa bình, bị đe dọa, cấm vận, kẻ thù tứ phía. Tôi vẫn không thích chủ nghĩa tư bản, đế quốc, phát xít, thực dân cũ và mới, nhưng chủ nghĩa xã hội lại có vấn đề. Hiện nay trên sách báo đã manh nha sửa sai. Nhưng thôi, tôi thấy nặng nề quá. Về lí luận, có Lộc Biếc đây … Vâng, rồi sẽ phong phú về triết, hi vọng vậy, nhưng chắc sẽ không chiết trung … Nói chuyện gì khác cho vui đi …

- Rốt ráo một chút chứ. Di sản thực dân, đế quốc gồm các thứ đồn điền, và kể cả thành phố Đà Lạt cũng như chữ quốc ngữ, Tây nó làm ra cho nó, để bóc lột về kinh tế, để phục vụ cho mục đích chính trị xâm lược của nó, chứ không “khai hóa” gì cả.  Chúng chỉ cướp nước bằng sự lừa bịp “khai hóa”! Chúng ta trả giá quá đắt cho các thứ “khai hóa” bịp bợm. Không ơn nghĩa gì cả! Chúng ta đã cướp lấy “vũ khí khai hóa” (như chữ quốc ngữ chẳng hạn) để hoàn thiện, và giáng trả lại chúng!– Lộc Biếc vẫn dấn tới –.

- Thôi, bớt nóng, Lộc Biếc ơi.– Nam đấu dịu –. Điều đó rõ rồi. Nếu các nước phát triển giúp các nước đang phát triển với trái tim trong sáng, không vụ lợi, nhất là giúp khoa học – kĩ thuật thì chúng ta nhớ ơn đời đời, thế giới hòa bình và cùng phát triển lâu rồi. Không nhớ ơn Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp, A-lếch-xăng đờ Rốt (Alexandre de Rhodes), Dẹc-xanh (Yersin) … gì cả. Dẫu biết trong bọn thực dân vẫn có tên khá tốt, nhưng phải làm rõ cụ thể cái phần thực dân ở các tên đó. Thôi, xin chấm dứt. Nói thế là rốt ráo rồi, đồng ý chứ?

Lộc Biếc im lặng. Hoán xuống bếp với anh Trà để pha cà phê thêm. Không ai nói gì nữa. Khoai nhìn ba tấm tôn làm mái quán, tôn khá thấp, nghe tiếng cành lá mít cọ quẹt bên trên. Nếu không có hai gốc mít khoảng năm, bảy tuổi hai bên, chắc lúc này không thể ngồi ở đây. Chẳng biết mít này do ai trồng. Có lẽ hạt do công nhân đồn điền ném xuống đất. Những chiếc máy cày của Ban Quy hoạch vùng kinh tế mới đã chừa lại. Khoai bỗng đâm ra vẩn vơ, ngó mông lung ra mặt đường rực nắng. Khoai không để ý Huyện và Lộc Biếc đang trao đổi điều gì với Cam Ly. Cam Ly cười thích thú, vô tư.

Nam thấy vừa đủ, anh không ngờ câu chuyện đùa vui hóa ra nặng nề đến thế. Điều Nam đang băn khoăn vẫn là một chuyện tình. Nam hiểu anh đã rơi vào thế kẹt, không khéo sẽ gây tác hại khôn lường, Nam sẽ phải ân hận suốt đời.

Anh Trà và Hoán bưng cà phê lên, lần này có cả một bình trà nữa.

- Phải lấy thực tiễn chọi thực tiễn, kinh tế là phải vậy, không lí luận suông được đâu. Rồi mình sẽ thắng trong chiến thắng chung, thực dân, đế quốc kinh tế phải bại trước nhân loại.– Lộc Biếc vẫn nói, giọng hơi rắn lại, song vẫn dịu dàng từ tốn –.

Nam gật đầu. Anh không ngờ cô giáo xinh đẹp này lại hiếu chiến, hiếu thắng đến vậy. Anh Trà cười:

- Vâng, nhất trí … Tôi bây giờ chỉ biết yêu thiên nhiên thôi. Yêu con người rắc rối lắm. Thế mới hiểu các cụ ngày xưa, bao giờ cũng xem vẻ đẹp của đất trời là bầu bạn thâm tình, tuy cô đơn, hoang vắng. Cô Lộc Biếc có thấy trăng cao nguyên, sương khói và màu xanh núi đồi, tiếng suối và thác … mãi tuyệt vời chứ?

Gương mặt Nam rạng rỡ hẳn, hi vọng anh Trà đã quên đi mặc cảm cũ để thấy được sự thật, và lẽ phải, cái đúng. Nam cũng mong anh Trà rồi dần dần sẽ bớt yếm thế, tiêu dao kiểu đạo sĩ ấy đi.

- Không. Thiên nhiên đẹp, nhưng tình yêu đương là đẹp nhất. Muôn năm trái tim của người nam, người nữ! – Huyện nói với nụ cười, ngữ điệu hơi khẩu hiệu để đùa tếu –.

Khoai pha trò:

- Huyện là nhà cách mạng xã hội bằng trái tim yêu đương. Tôi đã từng một thời cũng chủ trương như vậy. Phải thống nhất hai miền đất nước, các nhân tộc đồng bào, miền xuôi, miền núi, thành thị, nông thôn, trí thức, thợ thuyền bằng tình duyên đôi lứa.

- Đó là một triết học lớn.– Anh Trà cười phá lên –.

Cam Ly cũng cười:

- Yêu đương và thiên nhiên! Cả hai chứ?

- Yêu đương là cốt lõi của triết học có tên là chủ nghĩa Khoai – Huyện!– Nam cũng đùa –. Đó cũng là triết học thực tiễn, trong sáng, nhân bản.– Nam bật cười với các từ rất kêu vừa dùng –. Thống nhất ở chiều sâu!

- Vượt lên các thành trì nhân chủng, ý hệ, giai cấp, địa phương để đại đoàn kết.– Lộc Biếc “dịch” lại –. Xem ra cũng hay.

Nam thấy đã có thể nói điều cần nói:

- Có một truyện tình thế này, với nhân vật xưng “tôi” (“tôi” chỉ là một nhân vật hư cấu của tác giả). “Tôi” đã có vợ con, nhưng vợ con đã bị đắm thuyền hay đã trôi giạt vào hoang đảo, vào đất nước nào đó. “Tôi” chờ đợi và tuyệt vọng. “Tôi” lại trót yêu một cô giáo đã góa chồng, có một đứa con trai, sau vài năm hết hi vọng gặp lại vợ con. Nhưng cô giáo cần uy tín, đứa bé cần giữ gìn nhân cách của mẹ. “Tôi” không biết làm sao cả. Bao nhiêu học sinh không thể mất niềm tin vào con người, vào nhà giáo. Hoặc là “tôi” kiên quyết đoạn tuyệt với cô giáo ấy đẻ cứu lấy trẻ thơ, hoặc là “tôi” phải quên hẳn vợ con, từ bỏ lòng chung thủy khá vô vọng để cưới cô giáo, và nuôi dạy đứa con trai của cô giáo như con “tôi”.– Nam mỉm cười –. Phải dứt khoát, một trong hai. Câu chuyện kết thúc lửng lơ như thế. Phải cứu trẻ thơ bằng một trong hai cách.– Nam im lặng –.

Cam Ly hỏi:

- Thế là thế nào?

- Là nhờ các nhà giáo ở đây, cả anh Trà, vốn là nhà giáo ngày trước … Xin nhờ một cách giải quyết, vì học sinh, vì tình yêu …

Anh Trà chột dạ, im sững, cũng không nói gì.

Cam Ly ngơ ngác:

- Sao thầy Nam lại kể chuyện này?

- Ồ, nhân nói chuyện tình yêu mà. Bộ cô Cam Ly thấy truyện ngắn ấy vô duyên lắm sao? Chả li kì gì cả, phải không?

- Con người vốn rắc rối lắm! Tin vào con người làm gì!– Huyện nói –. Cho học sinh, từ trẻ thơ đến thanh niên, hiểu rõ con người với các mặt xấu xa, bỉ ổi: tình dục, tham ô … cho bớt ảo tưởng về con người, về nhà giáo! Nhưng yêu thì vẫn yêu! Yêu cả mặt xấu! Chỉ đạo sĩ thoát tục mới yêu thiên nhiên! Tin sơ sơ vẫn yêu!– Huyện điểm tiếng cười sau câu nói –.

- … và yêu rồi tin, tin càng yêu.– Khoai lại đùa –. Biện chứng của cặp phạm trù này hay lắm. Chặt chẽ chứ không dễ dãi đâu!– Nụ cười hài hóa của Khoai chợt tắt bất ngờ …–.

Anh Trà hơi run tay khi đánh diêm châm lửa vào điếu thuốc. Anh im lặng nhả khói. Nam chợt thấy mắt anh Trà hơi lạnh.

Lộc Biếc lại góp ý thêm trong khi Nam đã ngài ngại:

- Tin vào con người với năng lực, lương tâm và khả năng hướng thiện. Tin, sau khi nhận thức rõ con – người, quỷ – thánh trong con người. Còn câu chuyện ấy, sự lựa chọn quá dễ, vì quá rõ …– Lộc Biếc nói –.

Nam vẫn hi vọng:

- Nếu sự lựa chọn quá dễ, chắc không có gì đáng mừng hơn.– Chợt thấy anh Trà lắc đầu, Nam đâm bực –. Nhà giáo như thế, dạy học, giáo dục trẻ thơ và tuổi trẻ được không? Nhà giáo ngụy tín với các tiêu chí đạo đức sẽ đào tạo ra những gì? – Nam bỗng hơi gắt gao với những câu hỏi –. “Lương sư hưng quốc” (nhà giáo tốt, đất nước mới hưng thịnh) mà! Tôi còn nhớ bốn chữ ấy ở Đại học Sư phạm Sài Gòn. “Thụ nhân” (trồng người): hạt giống tinh thần gieo vào tâm trí học sinh là chất xám và nhân cách nhà giáo. Hai chữ ấy là tên của Đại học Đà Lạt, trong đó có Khoa Sư phạm? Hay chính mảnh đất đa khoa ấy là mảnh đất “thụ nhân”? Tôi không rõ lắm về Đại học Đà Lạt, nhưng tôi hiểu hai chữ “thụ nhân” ấy là trích từ một câu ngạn ngữ của nhà nho.

Anh Trà vẫn lặng lẽ hút thuốc. Những sợi khói men theo các chân râu rồi bay lên mái tôn thấp. Không ai nói gì nữa. Một không khí hơi ngột ngạt bao trùm. Nam cảm thấy cần phải về, không thể nán lại đây lâu hơn, tuy mái tôn không bỏng nắng, và quán thoáng gió.

Cả nhóm giáo viên bắt tay anh Trà, ra về trong nắng chưa trưa.

Không ai nói gì cả, ai cũng cảm thấy buổi sáng đã hỏng.

Khi đi ngang qua nhà cô giáo Xinh, Nam muốn vào gặp bé Ngoan để nói với cô bé rằng, các thầy cô chưa ai biết gì, và chắc chắn không ai đồng tình, đồng lõa với kẻ đã để lại vết nhơ trong tâm hồn của Ngoan đâu. Nhưng rồi Nam vẫn cùng các bạn về nhà tập thể. Nam tự bảo, chiều nay phải một mình đến với cô bé Ngoan để nói rõ điều đó. Còn những môn thi Ngoan phải làm tốt trong vài ngày tới. Nam cũng hơi buồn khi hiểu ra cả anh lẫn Lộc Biếc đã lí quá, thiếu đi một chút mềm mại, ấm áp, tin cậy của tình người. Lí, dễ gây ra đổ vỡ đau đớn trong lòng bất kì ai. Nam đâm ra hối hận. Chất trẻ là lãng mạn, chất trẻ còn là lí sự?  Nam bỗng cúi đầu đếm bước. Lí sự là mặt bên kia của lãng mạn ở tuổi trẻ chăng? Ngoài lí lịch cha anh, bản thân nhóm bạn của Nam, những người trẻ mới hai mươi hai tuổi, họ chưa có quá khứ dính líu vào chế độ cũ, lại tham gia phong trào phản chiến, và được học gần suốt bậc đại học dưới chế độ mới, họ mới bước vào đời, nên còn quá sách vở chăng? Nam tự ngẫm nghĩ.

Khi về đến nơi, Nam mới kịp treo chiếc mũ vải màu xám tro lên móc, anh Giảng từ văn phòng bước qua, ngoắt Nam.

Đứng bên cạnh chuồng thỏ, cứ như quan sát lũ thỏ gặm cỏ ra sao, anh Giảng nói khẽ:

- Ông mới từ nhà ông Trà về?

- Vâng.

- Đừng đến đó nữa. Tôi đã biết vụ cô Xinh từ năm ngoái. Tôi làm việc với cô ấy về vấn đề đó để bảo đảm uy tín nhà trường nhiều lần rồi. Cô ấy vẫn như bị bùa mê, thuốc lú. Chắc phải có biện pháp thích đáng. Ban An ninh xã nắm rất rõ.

Nam chỉ buột miệng:

- Vậy hả anh!– Nam đứng nghẹn, vin vào hàng rào sắn –. Em đi công tác chủ nhiệm vì thương bé Ngoan.– Nam nhìn thân sắn đang trổ lá xanh, nhìn những con thỏ hom hem, gầy guộc –.

Anh Giảng đăm chiêu, chợt nói:

- Thôi, vào chuẩn bị ăn trưa. Chuyện đâu còn có đó.

Vào lại căn nhà nam, thấy Huyện đang ngồi huýt sáo một ca khúc quen thuộc, song đầu óc có lẽ nghĩ ngợi chuyện khác, Nam ngỡ là chuyện khi còn ở quán anh Trà. Nam cười:

- Suy tư chuyện gì vậy? Phải trung thực nhìn nhận, dẫu sao, nền kinh tế năm thành phần vẫn rất hay, đúng không?

- Ừ, đúng vậy … Nhưng … Mình thấy đời vẫn còn nhiều chuyện đau lòng quá! Nhìn nhận nỗi đau thời chiến và hậu chiến cũng là trung thực!

Nam khẽ đọc vu vơ vài câu thơ anh viết từ tháng trước:

- Ka Đum! Ka Đum!

       cồng ngân sâu, hương lúa ngút hơi trăng,

tan trong câu hát ngày mùa,

       trái tim này nghiêng vào lòng nọ … (31)

Nam lại nghĩ  đến cô bé Ngoan tội nghiệp.

Khoai nhăn nhó:

- Lâu rồi không uống cà phê, ngon thì ngon, có điều xót bụng quá, mấy ông ạ.

Anh Quỳnh cười vui, đậy nắp bút lại, gãi tay vào những chân râu quai nón xanh:

- Cà phê là món của người ăn nhiều chất đạm, chất béo, mình ăn bo bo, tí cá khô, lại nhịn buổi sáng, thì chỉ tổ héo hon thêm.

- Hồi nãy, Nam kể chuyện tình ấy với ý gì?– Hoán nhìn Nam, thắc mắc –. Chắc không phải vui chuyện mà kể?

- Vui chuyện thôi.– Nam nói –. Bịa ra cho vui. Có đạo đức giả lắm không? Thật ra, ai cũng ít nhiều có lỗi lầm này nọ, còn có nguy cơ phạm khuyết điểm cho tới già, tới chết.– Nam cảm thấy hơi xấu hổ, bởi hồi nãy hơi “dạy đời” thế nào ấy!

- Không. Tôi ủng hộ ông. Nghề giáo dục trước hết là tự giáo dục, tất cả vì học sinh, nhất là học sinh nhỏ tuổi. Cũng như tôi viết văn, làm thơ, tôi tự xác định trước hết là để tự giáo dục. Hẳn ông cũng vậy, phải không Nam?– Khoai nói –. Hoa thơm, rồi tự nhiên nhi nhiên góp hương với đời …

- Hoan hô đồng chí nhà văn Đỗ Khoai.– Anh Giảng bước qua gian nhà nam, đứng trước cửa, cười hăng hắc một cách vô tư –. Đói bụng rồi sao?– Anh Giảng vào ngồi ở bàn soạn giáo án –. Này, các ông xem, chẳng hiểu sao dâu vườn trường trụi lá cả. Chẳng hiểu ai hái trộm hai đợt rồi! Thế có bực không chứ! Lại nữa, hôm tôi ra họp ở Phòng Giáo dục, ông K’Đăng lại yêu cầu cô Lộc Biếc cho mượn cuốn luận văn tốt nghiệp. Chuyện đầu năm đến giờ chưa êm đấy. Chả biết sơ kết học kì một này có gì rắc rối không. Thêm một điều nữa, các giáo viên chủ nhiệm nhớ viết báo cáo về các lớp nhé. Hôm đầu tháng họp Hội đồng phân hiệu, có thông báo rồi. Luôn tiện nhắc lại thế. Tết nhất đến nơi rồi …

Bỗng tiếng cô Lài sau chái bàn ăn tập thể vọng tới:

- Mời các thầy cô ăn trưa!

Mấy anh em đi vòng ra chái đầu hồi, bước vào chái sau. Trên bàn ăn, vẫn mấy tô bo bo bốc khói, mấy bát canh rau và mấy dĩa cá khô nhỏ. Chú mèo đực liếm mép, gãi râu trên thùng gỗ lớn dùng làm chạn nhà bếp. Mấy phút sau mới thấy các cô giáo từ tốn ngồi vào bàn ăn.

- Xin lỗi mấy đồng chí uống cà phê khi nãy nhé. Lộc Biếc gây căng thẳng quá.– Lộc Biếc cười với hai hàm răng trăng ngời rất duyên –. Không biết anh Trà có nổi giận không!

- Không sao! Không sao! Xin mời cả nhà.– Hoán vui vẻ –. Cơm canh nóng sốt. Xin mời. Lộc Biếc có chửi rủa vào mặt cũng nghe hay mà!

Cả bàn ăn vang lên tiếng cười vui vẻ, mặc dầu nhiều người không hiểu chuyện gì.

Chú mèo đực dễ thương từ dưới đất nhảy phóc lên ngồi cạnh thầy giáo Khoai. Anh vuốt ve làn lông óng mịn nom như một quả mướp lớn màu xám và đen.

Trong giấc trưa hôm đó, Nam không thể chợp mắt theo lệ thường. Không khí ở miền cao nghe đâu hơi loãng dưỡng khí, có thể vì vậy, cũng có thể do chất cà phê lâu ngày mới uống lại, cộng với những cảm xúc hơi căng thẳng lúc chuyện trò ở quán anh Trà, khiến Nam cứ thao thức, băn khoăn. Nam lại nhớ ý nghĩ trên đường về dưới nắng khá gắt. Quả thật, tuổi trẻ quá lãng mạn, lúc nào cũng sục sôi hào khí bởi sách vở, họ quá sách vở, sách vở đậm tính chiến đấu, bừng bừng khát vọng cách mạng. Cũng bởi quá sách vở, tuổi trẻ quá đam mê lí luận đến mức hơi lí sự. Nam thấy mình cần phải sống nhiều với thực tế cuộc đời, không phải để nhụt chí, mà để thấm thía tình đời, nỗi đời hơn. Từ đó, thơ anh mới là tiếng đời. Cuộc đời với chất liệu ngổn ngang, rối rắm của nó luôn vang lên, dội tới, ập vào tim anh, rồi bằng những trải nghiệm của anh, bằng ngôn từ của anh, bằng sáng tạo của anh, tiếng hát của chính cuộc đời đã và mãi cất lên từ tim anh, trái tim vốn nhạy cảm của người làm thơ.

Nghe tiếng mái tôn giãn nở răng rắc dưới nắng nung, Nam mỉm cười một mình trên giường. Hai hình ảnh cùng một lúc đến với anh: một cụ già mỏi xương trở mình, một võ sĩ gồng mình, gân cốt đang vang lên thành tiếng động! Làm sao có vốn trải nghiệm sống chín mươi tuổi trong thân thể tuổi hai mươi ba, nhưng đừng “ê ẩm”, cũng đừng “gồng gân”?

Hơi đất và gió cao nguyên vẫn lạnh dưới mái tôn rực nắng. Nam suýt bật cười trong trăn trở.

  

      24

 

Khi chiếc xe xích lô chở Nam cùng Khoai ngừng đầu một ngõ hẻm, kề sau chiếc kia chở Lộc Biếc và Huyện, Nam không có cảm giác gì hơn là thấy ngõ hẻm nào, con đường nào ở thành phố này cũng na ná giống nhau, đều xa lạ với anh. Để có một sự phân biệt tinh tế, cần thời gian sống trải nghiệm, nhưng cả Nam lẫn Khoai đã mấy khi ở nơi đô thị này. Thuở nhỏ Nam sống, đi học tại Sài Gòn, có điều, bấy giờ đang quá bé, chẳng được nhiều dịp để rời khỏi căn nhà lợp tôn vách ván của người anh cả. Còn với Khoai, đây là lần thứ hai anh đặt chân tới Sài Gòn.

Lộc Biếc vui cười, hớn hở bước vào căn nhà thân yêu của cô. Một người đàn bà, khoảng bốn mươi lăm tuổi, vừa mừng rỡ đến rưng nước mắt, vừa bối rối khi mở cổng cho cô con gái cưng và ba người bạn của con (bà chỉ biết qua thư của cô gửi về). Bà đang nắm chặt lấy tay đứa con đầu lòng với cái tên “Lộc Biếc” đầy kỉ niệm của bà. Mặc dầu đang xúc động, bà không quên nhà đang có khách. Lúc cùng ngồi quanh bàn xa lông, bà niềm nở:

- Ba cậu ngồi nghỉ mệt ở đây một chút nghen. Tết năm nay nhà này chắc sẽ được vui hơn mọi năm.

Vẫn với giọng Quảng Trị, Nam thưa:

- Xin cảm ơn thím. Chỉ sợ chúng cháu về quấy rầy, nhất là trong dịp Tết.– Nam cười trong khi nói với nụ cười lễ độ –.

- Các cậu đừng khách khí, cứ xem đây như nhà của mình. Trước đây tôi cũng đi dạy học.– Bà cười cởi mở –.

Lộc Biếc bưng ra một chai nước lọc, có giấy bìa vở cuộn lại thành hình phễu úp lên trên, với mấy chiếc li thủy tinh.

- Uống nước đi, các anh.– Lộc Biếc vừa rót nước vừa cười với gương mặt rạng rỡ –.

Cô đẩy các li nước trên mặt kính đã có nhiều vết xước về phía những người bạn, sau khi bưng hai tay một li khác đặt trước mặt mẹ, tuy mẹ ngồi kề cô, trên ghế xa lông dài có lót các tấm nệm mút, vải bọc đã cũ sờn.

- Đây là anh Huyện, anh Nam, anh Khoai, trong thư con đã có lần kể với má.– Lộc Biếc lại quàng tay qua lưng mẹ với cái siết nhẹ –. Đây là má của em.

Cô cười rất tươi đang khi bà khẽ vùng vằng với nụ cười ngượng, vì cử chỉ quá tự nhiên của con gái.

- Các cậu là người ngoài Trung?– Bà thân mật –.

- Thưa vâng.– Huyện đáp –. Hai anh này chính gốc Quảng Trị, còn cháu gốc Huế nhưng ở Đà Nẵng từ lúc chưa lọt lòng mẹ. Gia đình ba mạ cháu mới về lại Huế năm kia để thừa tự.

Chuyện trò một lát, Lộc Biếc dẫn ba người bạn đồng nghiệp lên căn gác gỗ. Ba túi xách hành lí nhỏ để trong góc căn nhà gác khá rộng không ngăn phòng, chỉ thấy có hai bàn viết, hai giá sách. Khi Lộc Biếc chỉ, họ mới thấy sau ô chữ nhật có lan can, lối lên xuống cầu thang, còn một phòng nữa, cửa phòng khóa kín, có lẽ ngay trên căn bếp phía dưới.

- Phòng của Lộc Biếc đó. Đây là hai bàn viết của hai đứa em, không biết hai đứa đi đâu với ba rồi.

- Hình như học y khoa và bách khoa?– Huyện hỏi –.

Lộc Biếc gật đầu:

- Năm thứ ba, năm thứ nhất. Bây giờ các anh cho Lộc Biếc vào xem lại phòng cũ một chốc.

Với chìa khóa trong tay, cô bước tới mở cửa phòng cô đã sống và học tập từ thuở cấp một.

Cả Nam, Khoai lẫn Huyện ngồi bệt xuống sàn gỗ, tựa lưng vào vách lâu ngày chưa được quét vôi lại. Họ nghe tiếng Lộc Biếc bật công tắc trong phòng, tiếng mở cửa sổ. Huyện nhác thấy cây đàn ghi ta treo trên vách, anh đứng dậy, lấy xuống, lại ngồi chỗ cũ, búng khẽ một hợp âm.

Nam bước ra lan can có mấy chậu hoa thược dược nở màu vàng nhạt, tím sáng. Anh đoán là hoa Tết mới được mua về. Trong tầm mắt bị nhà cửa chắn lại, Nam nhìn quanh một số căn nhà dọc hẻm, anh hơi giật mình. Không biết có bị kí ức tuổi nhỏ chi phối chăng, Nam thấy con hẻm này có gì đó giống quá con hẻm thời ấu thơ ở Sài Gòn của anh. Đây lại là xóm đường ray, quận Phú Nhuận nữa. Nam nhìn sững biển “Kéo còi” nhô lên sau một hàng rào sắt phủ hoa ti gôn. Chẳng lẽ đây là xóm cũ hồi đó? Mười sáu năm rồi còn gì! Hồi đó, Nam mới sáu, bảy tuổi. Nam vẫn còn nhớ rõ căn nhà trước sân có cây khế nở hoa tím, mấy bàn quà vặt đầu hẻm sát đường ray và ngôi trường Quốc Anh gần đấy. Chẳng lẽ con hẻm ngày ấy bây giờ lại trổ thêm một đầu ngõ nữa? Chẳng lẽ nơi hai chiếc xích lô đỗ lại hồi nãy, lúc anh còn nhỏ chỉ là một bãi đất hoang đầy cỏ dại, rải rác trong đó là những nấm mồ? Nam nhớ, thuở bé, từ đầu hẻm sát đường ray, chạy đến cuối hẻm, sẽ gặp bãi tha ma cơ mà! Mười sáu năm, thành phố đã mở rộng phạm vi, bãi tha ma đầy cỏ dại ấy đã thành phố, thành phường, đâu có gì lạ. Nhưng Nam lại mỉm cười, có thể Nam nhầm. Con đường ray kia chạy qua bao xóm ở thành phố rộng lớn này. Vì vậy, ngay ở quận Phú Nhuận vốn không hẹp này, xóm đường ray chắc cũng nhiều.

Đang lan man với những cảm nghĩ mơ hồ, Nam thấy một người đàn ông khoảng tuổi năm mươi bên hai cậu con trai ngoài cổng. Họ hơi ngạc nhiên khi thấy Nam trên ban công, và chợt hiểu ra, tiếng gọi cổng càng dồn dập hơn với âm sắc vui mừng. Nam khẽ gật đầu chào, nở nụ cười làm quen. Người đàn ông, Nam biết chắc là ba của Lộc Biếc, đưa tay chào Nam lúc mẹ của cô đi nhanh ra với chùm chìa khóa:

- Lộc Biếc về rồi, ông ơi! Mừng quá là mừng!

Gương mặt người đàn ông khi không còn bị các song sắt đan dây kẽm gai che bớt, hiện ra rõ ràng dưới sân. Nam bất giác giật mình. Sao quen quá, hình như ông ấy là láng giềng của anh cả Nam năm ấy! Bây giờ, Nam cũng thấy má của Lộc Biếc quen quen nữa. Nam đứng sững ngỡ là ảo giác, hay do trí tưởng tượng của anh vốn rất bất ngờ, vì Nam thường xuyên vận dụng khả năng hư cấu hình tượng, một thói quen của người làm thơ, viết văn chăng.

Tiếng reo của Lộc Biếc từ phòng cô, tiếng chân cô chạy xuống thang gỗ khiến Nam cũng nao nức, xúc động.

Nam cũng như Huyện, Khoai, cả ba người định cho phút gặp gỡ người thân của Lộc Biếc lắng lại rồi mới xuống nhà chào ba của cô, bắt tay hai người em trai.

Nam vẫn nghe tiếng ông dưới nhà, vang xuyên qua kẽ ván sàn, vọng lên:

- Sao con không cho ba biết ngày về, để ba với hai em đi đón con và các bạn? Ở thị trấn, sao không ra ngay bưu điện để điện tín về bưu cục của ba?

- Ba cứ tưởng xe cộ dễ lắm đấy.– Tiếng Lộc Biếc cười giòn như muốn che lấp câu hỏi của ba, nghe có chút gì bối rối –.

Nam chợt nhớ lúc còn trên xe, Lộc Biếc đã dặn, đừng nói về những gian khổ ở vùng kinh tế mới kẻo ba mẹ cô lo. Lúc ấy, ba người bạn của cô mới hiểu vì sao lâu nay thư nào từ Sài Gòn gửi lên cũng đề là “Thị trấn Bảo Nghĩa, huyện Công”! Huyện Công đã có thị trấn nào đâu. Đa Công cũng chỉ là xã huyện lị!

Khoai, Huyện và Nam lặng người vì thương Lộc Biếc.

 

25

 

Những ngày áp Tết, ngoại trừ các buổi đạp xe đi lang thang trên đường phố, khi với Lộc Biếc, khi với một trong hai người em của cô, Nam thường để ý để nhớ lại xóm cũ. Không còn nghi ngờ gì nữa, vì Nam đã thấy hai chữ Quốc Anh đắp nổi đã bị đục bỏ, vết đục còn rõ hai chữ ấy. Đó là trường cũ của anh, năm Nam mới học lớp hai, theo cách gọi bây giờ. Những gương mặt bạn bè năm ấy đã mờ nhòa không rõ nét trong trí nhớ. Anh đã hỏi Lộc Biếc, và hiểu một mình với niềm thú vị. Lộc Biếc chính là cô bé học cùng lớp, bạn cùng lối xóm với anh hồi đó! Hồi đó, anh đâu biết cái tên của cô là ngồ ngộ, gợi lên một cảm giác rất thơ ca về chữ và hình ảnh. Hồi đó, cái tên Lộc Biếc lẫn với bao cái tên khác. Nhưng Nam chưa chia sẻ điều thú vị ấy với cô, cả với ba má cô. Ở đời, có những ngẫu nhiên không ai có thể ngờ được!

Nam cứ muốn nói điều này ngay với Lộc Biếc, song cảm thấy chỉ nên nói vào ngày sắp trở lại Bảo Nghĩa. Như thế, theo Nam có lẽ hay hơn.

Buổi chiều hai mươi chín, tháng cuối năm, lúc ông Điều – ba của Lộc Biếc – ngồi trên chiếc ghế xếp đan bằng sợi ni lông, cầm đàn ghi ta, gảy nhẹ, rồi khẽ hát vài câu của một ca khúc mừng xuân, Nam bỗng nhớ rất rõ hình ảnh của ông năm ấy, lúc căn nhà này chưa có gác, cũng chưa xây vách. Năm ấy, ông Điều mới ngoài ba mươi tuổi, buổi chiều thường ngồi trước hiên nhà trông ba đứa con, vừa đàn vừa hát.

Ba chị em Lộc Biếc với ba người bạn của cô ngồi trên các chiếc ghế gỗ nhỏ, mỗi buổi sáng dùng để bán bún bò Huế, mẹ cô dọn ra sân cho khách ngồi. Trong phòng của Thủ và Thuận – hai người em của Lộc Biếc – bây giờ nom sáng hẳn ra bởi mấy chậu hoa cúc vàng, cúc ma-gơ-rít (marguerite) trắng, Huyện và Khoai mới mua tặng họ. Nam cũng mua tặng hai người em của cô một tập nhạc gồm các ca khúc cổ điển mới được xuất bản với lời ca viết khác hẳn trước. Tập nhạc ấy, ông Điều đang lúng túng hát, vì vốn quá quen thuộc, bỗng lạ như chưa hát bao giờ.

- Lâu quá cũng không cầm lại đàn, nhạc được đặt lời khác, thành ra bối rối.– Ông Điều cười –.

- Thưa chú, hình như chú có sáng tác nhạc và thường phổ thơ?– Huyện hỏi –.

Ông Điều thoáng xa xăm:

- Cũng có, võ vẽ đôi bài hồi thanh niên, thơ cũng của bà nhà thời còn trẻ.– Ông bật cười –. Sau khi có con cái đùm đề, lương bổng công chức bưu điện với giáo chức tiểu học chả bao nhiêu, lại bị tư thương đầu cơ tích trữ để nâng giá gạo sữa, phải tranh thủ chạy xe thồ gắn máy,– Ông Điều cố tránh từ “xe ôm” dung tục –, đâu còn tâm trí đâu mà thơ với nhạc.– Ông lại nhìn Huyện với nụ cười hài hước dưới bộ râu mép đã có nhiều sợi bạc –. Đàn cũng phải bán kia đấy!

Nam nhận thấy ông Điều có một nét rất hay là biết bỡn cợt với những khó khăn đã nếm trải.

- Nhưng nói thật, đến đồng lương bây giờ thì chết đói. Sài Gòn xưa nay chỉ có thời điểm này là gay go nhất. May thay, sinh viên lại có học bổng, có tem phiếu loại E, cũng đỡ khổ và yên tâm học.– Ông Điều lại cười –. Như các cậu thấy, bà nhà tôi phải nghỉ dạy học, bán bún bò Huế mỗi buổi sáng đấy.

- Dạ, ai lúc này cũng thế. Dẫu sao sài Gòn vẫn là nơi dễ chịu về mức sống so với Huế.– Huyện thưa –.

- Vậy hả? Huế khó lắm sao?– Ông Điều nói –. Chỉ sinh viên vô tư, tâm hồn còn trong sáng, lại được học hành trong thời điểm này mới sáng tác được. Tôi có nghe Lộc Biếc nói cậu Khoai với cậu Nam có làm thơ và thơ hay lắm?

- Dạ có, nhưng tàm tạm thôi, thưa chú.– Nam đáp –.

Lộc Biếc đưa tờ giấy học trò bằng hai tay:

- Anh Nam mới có bài thơ mới nè ba.

Ông Điều sửa lại gọng kính, khẽ đọc:

- ai đưa anh về chốn xưa

gặp anh ngồi dưới hiên trưa, thuở nào

nắng nồng ngàn ngạt hanh hao

khét khê tôn ván nung vào giấc mê

khế rơi hoa tím bên hè

riêng anh lặng nhớ Ba Thê tím hồn

tắc kè núi Nhỏ kêu dồn

thương mây đỉnh Tượng bồn chồn thương ai

tím hoa rơi tiếng thở dài

nhớ anh mẹ khóc? nhớ ngoài Trung mưa?

rừng xanh thốt nốt xanh dừa

chị hoài hát múa trong mùa chiêm bao

miền Tây hương mật ngọt ngào

tuổi thơ rợp mát ngã vào lòng cha

nhà xa quê, anh xa nhà

trưa Sài Gòn tím từng hoa rơi buồn

một bé bỏng, mấy nhớ thương

lạc trong xóm trọ, sân trường tuổi thơ

anh đi lạc đến bây giờ

tháng giêng lộc biếc đâu ngờ xanh xưa

đưa nhau về lại ngõ trưa

cuối năm nhớ tím hoa mưa hè nào … (32)

- Mình gặp lại mình với kỉ niệm cũ, kỉ niệm cũ lại chỉ là hoài niệm về nơi khác, đâu tận Huệ Đức, An Giang …– Lộc Biếc cười –. Anh Nam bảo là hư cấu! Ba thấy phổ nhạc được không ba?

Ông Điều gật gù:

- Thơ lục bát khó phổ lắm. Ờ, cũng quá lâu rồi, ba có viết dòng nhạc nào đâu.– Ông lại nhìn Nam –. Cậu hư cấu thật à? Vẫn có chút thật nào đó của con người thật trong mình chứ?

Nam vẫn mỉm cười:

- Dạ, hư cấu hay không đâu quan trọng. “Cái tôi là cái đáng ghét”, đem phơi trần trên báo làm gì. Cháu cứ xem mọi tác phẩm nghệ thuật, kể cả tự khúc, tự truyện đều hư cấu. Tác giả truyện thơ, tiểu thuyết đem cái tôi của mình gán vào nhiều nhân vật cũng là hư cấu hoàn toàn như các nhân vật hoàn toàn hư cấu khác. Ngay thơ trữ tình cũng vậy. Cứ xem như vậy, thấy đỡ chướng, đỡ kì hơn. Viết cho công chúng, đâu phải cho mình.

- Cũng được. Tôi không rõ. Có điều trong ứng xử hàng ngày, càng giấu cái tôi càng lịch sự. Có lẽ cậu khiêm tốn?– Ông Điều lại cười –.

Nghe Nam với ba bảo vậy, Lộc Biếc hơi giật mình, nhưng cô vẫn nói:

- Ứng xử nghệ thuật khác chứ ba! Trong đời sống, khó bày tỏ, người ta mới viết thư, mới làm thơ chứ! Nhưng thơ đăng báo …

Ông Điều ngẫm nghĩ. Hồi lâu, Thuận nói:

- Cứ mơ hồ, chập chờn thế là phải lẽ. Đó không phải là bài toán chính xác. Nghệ thuật có nhiều đáp số mà. Đã không chính xác, cứ quy là hư cấu tất thảy … Con cũng nói mò vậy.

Cả mấy người bật cười.

- Cứ quy hư cấu hết, vậy là chính xác nhất.– Lộc Biếc vẫn còn cười –. Đúng hơn, tương đối chính xác nhất.

Nam tủm tỉm, thế là anh vẫn giấu được những cảm nghĩ rất thật của anh với cô bạn tuổi nhỏ và ông láng giềng ngày xưa.

- Nhà văn, nhà thơ khoe cái tôi trên báo, kì thật!– Khoai nói –.

- Thưa chú, hồi sáng hôm qua, ra đầu hẻm mua thuốc lá, cháu có nghe nói, trước sân nhà mình đây, ngày xưa có cây vú sữa khá sai quả?– Nam khẽ hỏi, cố lái câu chuyện sang hướng khác –.

Ông Điều nhìn trên mắt kính:

- Đúng rồi. Sau phải chặt bỏ để sửa nhà.

- Không phải bọn con nít quấy hở chú?– Nam cố nén cười –.

- Ừ, cũng một phần. Mình mất lòng láng giềng cũng vì cây vú sữa ấy. Bọn nhỏ cứ leo hái, mình canh chừng nó té, mệt quá.

- Con lại tiếc quá chừng tiếc, khi ba thuê người chặt.– Thủ nói với một thoáng hồi ức –.

Nam nhớ con chó bẹc-giê (berger) nhà ông anh cả đã đớp ông Điều một phát vào tay, lúc ông đuổi Nam với ngọn roi mây, thuở đó, bởi Nam với lũ trẻ hàng xóm vượt rào leo cây hái trộm. Nam lại cố nín cười. Và chính Lộc Biếc, chứ không ai khác, đã ôm mặt, mếu máo rồi khóc òa khi thấy máu chảy ướt cả tay áo bà ba trắng của ba. Cô bé Lộc Biếc nước mắt ràn rụa, nước mũi cũng tèm nhem. Nam muốn thú thật chú bé nghịch ngợm của nhà có chó bẹc-giê ấy là anh, nhưng thấy nên im lặng là tốt nhất. Tất cả đã được tháng năm làm ngọt ngào, lên men rượu say nồng, ấm áp. Tuy biết vậy, Nam vẫn thấy ngượng thế nào ấy.

Bỗng nghe mẹ Lộc Biếc gọi xuống ăn cơm, Nam nhìn ra, thấy trời đã sụp tối, ánh điện ở các căn nhà đã nổi sáng.

Trong mâm cơm trên chiếc bàn tròn vẫn được xếp lại làm đôi sau khi ăn, Nam thấy có hai món rất Nam bộ. Đó là trứng vịt kho với thịt mỡ, nước dừa, và canh chua cá lóc.

- Có hương vị Tết rồi đây.– Ông Điều vui vẻ nói –.

- Này, ông nhà, lần đầu tiên tôi biết có tem phiếu gạo đó nghen. Nhỏ Lộc Biếc với ba cậu đây mang về tôi mới biết!

Nam, Khoai và Huyện hơi ngượng. –

- Dạ,– Huyện nói –, trên trường chúng cháu dạy học có em Hạ rất nhiệt tình, chu đáo. Hạ lo tất cả, chúng cháu chỉ biết mang về. Lúc này, chúng cháu thấy cần thích nghi với tem phiếu.

- Nhà đây ai cũng có tiêu chuẩn Tết của Nhà nước cả, trừ mỗi mình tôi đã thành thường dân thôi.– Bà Điều cười vui vẻ –. Thấy nó kì kì thế nào, nhưng thế nào cũng được. Thế cũng vui!– Bà Điều bưng tô cơm lớn đến và ngồi xuống –.

- Má biết không, ở ngoài Bắc trước khi có chế độ tem phiếu, cán bộ đi công tác hay dân đi thăm nhau đều mang theo ruột tượng cả đó.– Thuận nói –. Thời buổi khó khăn chung mà!– Thuận so đũa –.

- Thôi, nói chuyện đó làm chi.– Ông Điều bỗng thấy kì quá–. Thôi, mỗi người làm hết chung rượu này đi.

Lộc Biếc thấy ngượng lắm tuy biết mẹ chỉ buột miệng nói vui, mỗi người đỡ một câu cho nhẹ bớt, hóa ra nặng nề mất vui. Có điều cô cũng mừng khi thấy ai cũng trực nhận được điều ấy.

Ông Điều liên tục mời ba người bạn của con gái cạn li. Họ cảm thấy người Nam bộ, tuy ở Sài Gòn, bao giờ cũng hiếu khách và tự nhiên. Chính vì thấy ba người bạn sẽ phải trải qua một cái Tết xa quê ở nhà tập thể, mọi giáo viên khác đều về Đà Lạt hoặc Đa Công, nên Lộc Biếc mới gửi thư về nhà trước cả tháng để xin phép ba má, sau đó cô mới ngỏ lời mời họ cùng về nhà ăn Tết. Họ cũng nhận ra bà Điều rất tốt bụng, niềm nở một cách hồn hậu. Lộc Biếc là một cô gái Sài Gòn với những nét rất hay và lạ, khác với sự dè dặt, rụt rè, khép nép, sâu lắng của con gái miền Trung. Họ thấy không khí trong nhà vừa trí thức, vừa dân dã rất đỗi mới mẻ, cả ba đều chưa từng gặp bao giờ.

Hồi nhỏ, Nam cảm nhận điều này không rõ ràng lắm. Trong bữa cơm, Nam cứ nhớ mãi trái vú sữa hái trộm, gương mặt ràn rụa nước mắt, nước mũi của cô bé Lộc Biếc năm nào. Anh vừa ngượng, vừa buồn cười.

Bữa cơm ấy, họ uống khá nhiều rượu với rất nhiều tiếng cười cất lên rôm rả. Rượu là thứ thuốc chữa bệnh ngượng khá hiệu quả.

Đêm đó, Khoai nói với Nam:

- Cũng hay, lâu nay cái tôi trong thơ mình, thơ Nam đều là “cái tôi trữ tình hư cấu”, tuy gắng riêng về phong cách. Vấn đề là phong cách, bút pháp! Style, c’est l’homme (bút pháp, ấy là người).– Khoai nói thêm một câu ngạn ngữ tiếng Pháp quen thuộc, và theo phép lịch sự, anh dịch ra luôn, mặc dù trong tâm thức Nam câu ấy đã đọng lại tự bao giờ –.

Nam chợt nhớ câu nói hôm nào khi cả nhóm bạn trên đường đi đến nhà anh Trà:

- Lộc Biếc đã nói đùa theo câu nói của ai đó, rằng trái tim nhà thơ thuộc về nhân dân. Hơn nữa, các thi sĩ bây giờ lại càng là thi sĩ nhân dân. Quân đội nhân dân, giáo viên nhân dân … Tất cả đều có thêm định ngữ “nhân dân”. Và càng lớn lao hơn, nếu trái tim nhà thơ không những thuộc về nhân dân mà còn thuộc về nhân loại!– Nam nói nghiêm túc, chân thành, nhưng chợt bật cười –. Mình nhớ một người bạn cùng quê lại đùa, tất cả đều thuộc về nhân dân, chỉ có ngân hàng, kho bạc là thuộc về Nhà nước mà thôi, nên gọi là ngân hàng nhà nước, kho bạc nhà nước!

- Nhưng đúng theo thể chế, Nhà nước cũng là Nhà nước nhân dân, có điều những cán bộ giữ tiền, chi tiền giúp nhân dân lại quên nhân dân mất …–  Khoai nói và cười –.

Đây không phải là nhà tập thể trường Bảo Nghĩa, nên cả hai đều phải nín cười nhưng không thể không cười khúc khích.

Vừa chuyện trò, vừa đùa cho vui, Nam và Khoai đều hiểu bằng chính lao động làm thơ, viết văn của mình, ngay cả những gì rất riêng tư như tình yêu đôi lứa, khi đã thành thơ tình, hai nhân vật “anh” và “em” đều đã là hình tượng nghệ thuật. Và thơ tình đăng báo, xuất bản thành sách là để phục vụ cho bao đôi tình nhân trên đời này. Khi thơ tình đã đăng báo, in sách, có lẽ với phép lịch sự tối thiểu, nhà thơ không nên khẳng định cụ thể ai là “anh” và ai là “em” làm gì. Ngoài ra, nhà thơ còn phải có nghĩa vụ của trái tim là phải làm thơ tình, thơ về các tâm trạng, khát vọng xã hội khác thay cho nhiều tộc người, phân số người trong nhân dân mình nữa … Chỉ có phong cách, bút pháp là nhất quán, cho dù có sự đổi đời về lí tưởng thẩm mĩ, đối tượng phản ánh …

 

26

 

Lộc Biếc ngồi cạnh mẹ, rồi chợt đứng dậy khép cửa phòng ngủ. Bà Điều nhìn con gái với đôi mắt trìu mến. Sau năm tháng xa nhà, rời khỏi sự chăm lo của cha mẹ, Lộc Biếc đã đổi khác khá nhiều.

Bà Điều mỉm cười khi thấy con gái mở chiếc chăn gấp tám ra, chỉ còn gấp đôi, trải lên sàn gỗ, rồi cắm phích bàn ủi. Lộc Biếc đã ủi phẳng, đúng nếp nhiều bộ áo quần, và đã treo lên giá móc từ hồi chiều. Còn lại mấy cái, bây giờ cô ủi nốt. Lộc Biếc ngẩng mặt nhìn mẹ đang ngồi bên mép giường, hỏi mẹ có cần ủi thêm tấm áo nào không. Bà Điều nói đủ rồi, bà lại mỉm cười, thấy con gái ủi một lần nữa áo quần của bạn.

Hôm Lộc Biếc mới về nhà, thấy con gái mình hơi gầy và xanh, bà hơi xót ruột vì thương, nhưng rồi cũng nhận ra cô con gái cưng chững chạc hơn, có vẻ cô giáo hơn.

- Con gắng vào biên chế, sau đó xin về dạy tại Sài Gòn này cho gần nhà. Dù sao xa nhà, ở tập thể, má cũng khó yên tâm. Miếng ăn, miếng uống, sinh hoạt hàng ngày, “chung chạ sinh bậy bạ”, lại là con gái nữa, thật bất tiện. Mấy lần má định lên Bảo Nghĩa thăm con đó.– Bà Điều nói lên ý nghĩ của mình, khi ngồi bệt cạnh Lộc Biếc, với giọng nói khẽ –.

- Con cũng biết thế. Có nhiều đứa bạn cùng khóa của con, ra trường rồi, gia đình không cho đi dạy xa, không cho ở nhà tập thể vì sợ hư. Có nhà phải gửi con gái họ ở trọ nhà quen, mặc dù dạy tại các tỉnh lị, phố xá hẳn hoi …– Lộc Biếc thoáng ngừng bàn ủi, lại đẩy nhanh trên mặt vải –. Nhưng bản lĩnh của con người là chính. Nghề giáo không như các nghề khác. Con đã viết thư bao lần nói rõ điều này để ba má yên tâm.

- Bản lĩnh mấy rồi cũng xiêu lòng. Con đừng nói hay, nói giỏi! Cái điều kiện sống nam nữ chung đụng khó giữ mình lắm đó con. Lứa của má đi dạy chỉ ở nhà thuê, mà chủ nhà phải là người thế nào nữa mới bảo đảm uy tín cho mình. Nhà giáo nói chung là tốt, song họ cũng là con người, gặp điều kiện xấu, sa ngã ngay.

Bà Điều càng nói càng lo thêm. Bà chợt thấy lâu nay bà đã hơi liều lĩnh để cho con gái đi xa, “thân gái dặm trường”. Bà cũng cảm thấy mình nói hơi quá đáng.

- Đã là nhà giáo, đâu dễ sa ngã vậy má. Con thấy nhà tập thể giáo viên con ở có gì không tốt đâu. Con cũng có hỏi thăm, mấy năm rồi chưa có biểu hiện gì xấu. Phải rèn luyện trong tập thể chứ! Cả mấy chục con mắt trong tập thể của con chứ! Những tập thể khác con không dám nói, như thanh niên làm đường sắt, thủy lợi … họ bị sa ngã, thậm chí đồi trụy một số người … họ chán đời, buông xuôi, họ xả láng vì hận đời … Thôi, má yên tâm về phần con đi mà.– Cô mỉm cười –. Má thấy mấy người bạn của con có tốt không.– Lộc Biếc vẫn nói rất khẽ như nãy giờ –.

Bà Điều trầm ngâm không trả lời ngay. Bà hơi cau mày rồi lại mỉm cười. Lộc Biếc mắc áo quần lên giá, treo vào hàng đinh trên vách gỗ. Cô biết ba người bạn và hai em mình vẫn ngủ gần cửa mở ra bao lơn, khá xa phòng cô, mẹ với cô chuyện trò rất khẽ, chắc không ai nghe thấy, mặc dù giữa lúc ban đêm thế này.

- Nói thật,– Bà Điều lựa lời để khỏi mích lòng con gái –, cách đây hơn một tháng, nhận được thư con, ba má có bàn với hai em. Người ý này, kẻ ý nọ, nào là bất tiện, mất tự nhiên, nào là nhà mình khó khăn, gác ván mái tôn, rồi chòm xóm người ta không nói nhưng biết đâu họ nghĩ nhà này kén rể …– Bà Điều cười, Lộc Biếc sửng sốt, đỏ mặt, nghẹn lời –.

Cô nhấc cái quạt máy bằng sắt đã long sơn lỗ chỗ hướng về giường ngủ. Hai mẹ con nằm bên nhau. Lộc Biếc muốn ứa nước mắt vì ngượng. Thật lòng mình, cô thấy cô cũng hơi táo bạo, hơi hồn nhiên, và đã gây phiền toái cho người thân. Quả là một học kì đi dạy học, ở trong môi trường tập thể, tình cảm ấy tuy chưa rõ rệt, Lộc Biếc đã quên bẵng Lộc Biếc trước đó với nhiều điều khác. Cô nhận ra, có một Lộc Biếc Sài Gòn, một Lộc Biếc Bảo Nghĩa. Lộc Biếc thấy rõ cô đã nhìn nhận, đánh giá con người khác không còn giống với trước đây. Cô đã giản dị, đơn sơ hơn. Cô không còn thấy vẻ ăn diện, cách đi, dáng đứng của thị dân Sài Gòn là điều nói lên tất cả về con người. Huyện vẫn là thị dân miền Trung đặc sệt, Nam với bề ngoài không chải chuốt, nhưng nghe đâu đã có một thời ăn mặc khá tinh tươm tuy túi không tiền, còn Khoai lại rất nông dân. Cả ba người bạn của cô rất trí thức, tinh tế, sâu sắc. Lộc Biếc quý họ, và cô cũng như họ thấy mình chan hòa với nhân dân, đa số là nghèo khó, quê mùa một cách lành mạnh. Cô chợt có lần hiểu hơn những người bạn quê mùa ở miền Tây Nam bộ của cô thời còn đi học, cũng nhờ cô đã trải qua một học kì ở Bảo Nghĩa. Nhưng về lại Sài Gòn, Lộc Biếc chợt gặp lại một Lộc Biếc trước đây, thời sinh viên, thời học sinh. Cô đã xấu hổ, chẳng hiểu vì sao ở Bảo Nghĩa cô cảm tình với Nam và Khoai hơn Huyện, song từ khi về lại Sài Gòn, cô lại thích đi chung với Huyện hơn! Cô phát hiện ra, vô thức trong cô đã làm một phép so sánh, chọn lựa. Sự phát hiện về chính mình đã xúc phạm đến mình. Lộc Biếc mắc cỡ cho cô biết chừng nào! Và cô cũng không ngờ lòng cô hồn hậu đến mức sợ ba người bạn mình buồn với cái Tết hoang vắng ở nhà tập thể. Nghe mẹ nói vừa rồi, cô lại suýt giật mình đánh thót, hổ ngươi khi nghĩ rằng vô thức đã xui khiến cô làm cuộc kén rể như trong thần thọai, cổ tích!

Có thể ba má với hai em cô đã nghĩ như thế, và chấp thuận cho cô mời ba bạn trai đồng nghiệp về cùng ăn Tết. Họ chấp thuận để chọn chàng rể tương lai cho gia đình chăng? Lộc Biếc mắc cỡ quá! Lộc Biếc nào có nghĩ gì đâu. Ba người bạn cũng muốn hiểu Sài Gòn thêm một chút. Điều này họ đã nói rõ khi vui vẻ nhận lời mời của cô với niềm áy náy, biết ơn. Huyện có muốn hiểu cô, gia đình cô thêm một chút chăng, sau năm tháng dài săn đón cô? Cô chẳng rõ điều gì cả. Lộc Biếc nào có nghĩ gì sâu xa đâu. Vô thức sâu xa thì mặc vô thức, cô chả chịu trách nhiệm gì trước lương tâm trong sáng của mình. Không. Đừng phân tích? Phân tích như chẻ sợi tóc làm mười rồi đặt dưới kính hiển vi điện tử, mọi nghĩa cử của tình bạn, tình đồng nghiệp sẽ thật đáng sợ chăng? Đừng phân tích? Hãy nhìn tổng thể một sự vật, sự thể như nhìn một con người với mọi thành tố, cả bên trong lẫn bên ngoài. Cô vẫn tin mọi hành vi, ý nghĩ của đa số con người là tốt. Nếu cặn kẽ hơn, động cơ vô thức của những con người được gọi là con người đúng nghĩa, dẫu duy ngã, vị kỉ, vẫn đã kết hợp với sự vị tha trong sáng. Vâng, tổng thể là tốt. Ít ra điều này đúng với Lộc Biếc: cô hoàn toàn trong sáng, hồn hậu.

Xin mặc bạn bè, láng giềng và những ai hiểu nhầm cô. Chỉ sợ hiểu nhầm, sẽ sống co rút lại như con nhím xù lông nhọn. Nhưng, kén rể, có gì là xấu! Biết vậy, khổ nỗi, Lộc Biếc đâu có ý nghĩ như vậy. Không. Lộc Biếc muốn tâm hồn mình trong vắt không gợn một vết đục mờ nào. Lộc Biếc muốn tấm lòng cô sáng hơn trăng rằm, bởi trăng rằm còn có vết nhơ “cô Hằng – cây đa thần dược – chú cuội”, ích kỉ, đa nghi, cô độc.

Dẫu sao Lộc Biếc cũng cảm thấy khó chịu. Cô nằm bên mẹ hồi lâu, không nghe mẹ nói gì. Có lẽ mẹ cũng đang suy nghĩ.

- Má thấy ba người bạn của con ai cũng được, mặt mày sáng sủa, tuy Khoai với Nam trông hơi quê mùa. Tùy ba của con …– Bà Điều nãy giờ lại nghĩ rất thực tế, chợt mệt mỏi nói thầm thì, chậm rãi, với tấm lòng quá thật, giàu yêu thương con cái –. … Lộc Biếc à, nhưng dân thành phố lớn, dân kinh kì chẳng hay hớm gì. Hà Nội đểu giả, Huế điếm, Sài Gòn ba xạo … Dân Pa-ri (Paris) … Tô-ki-ô (Tokyo) cũng thế! Tất cả mọi người ở bất kì thành phố lớn nào cũng có chất đáng ghét đó, vì phải bon chen mà sống, phải đối phó lẫn nhau mới sống nổi … Dân nông thôn đỡ phải bon chen hơn, nên được cái chân chất. Chân chất mà hay! Nhưng … – Bà Điều hơi lúng túng để diễn đạt ý mình –, ai cũng có khả năng thích nghi với môi trường sống, Lộc Biếc à. Chán gì người vốn xuất thân từ nông thôn nhưng lại rất thành đạt ở thành phố …

Lộc Biếc trở mình, lay mẹ:

- Má nói gì kì vậy! Con có ý gì đâu! …

Lộc Biếc giận dỗi, xấu hổ đến bật khóc. Cô cắn chặt môi đến gần chảy máu để kìm tiếng nấc muốn trào ra khỏi ngực. Cô nhảy phắt ra khỏi giường, cố mở cửa thật khẽ với những ngón tay run bắn lên. Lộc Biếc hé cửa nhìn ra. Cô mừng khi thấy ba người bạn và hai em trai đang ngủ trong hai chiếc mùng vải dưới ánh đèn xanh mờ. Chắc chắn không ai nghe thấy gì đâu. Cô yên tâm nghĩ thế, rồi tắt đèn ống trắng sáng sau khi bật đèn ngủ, đóng chặt then cửa.

- Thôi mà cưng, – Bà Điều bật cười khẽ –, má xin lỗi. Có lẽ má thực tế quá …– Bà Điều lấy ngón tay vuốt nước mắt cho con gái –. Có bà mẹ nào không thực tế đâu con! Má phải thực tế để suy nghĩ giúp con gái bé bỏng của má chứ. Đến tuổi lấy chồng rồi con gì …

Lộc Biếc cũng cảm thấy bị tổn thương quá mức chịu đựng. Tuy nhiên cô biết mẹ thương cô nhất trên đời này. Thực tế của tình thương đó sao?! Và dù sao đi nữa, không thể sống co rút lại như con nhím xù lông nhọn!

 

( xem tiếp phần 7 )

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

             Cập nhật: 06/30/09

             (tháng / ngày / năm)

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7