l. Tiểu mục 12 - Giao lưu đoàn kết - Hà Thúc Hoan

    

(ảnh scan của Thư viện Quảng Đức & nhà sách Minh Khai)

 

Giảng viên đại học

HÀ THÚC HOAN

 

Sách mới xuất bản:

LÀM VĂN NGHỊ LUẬN

lý thuyết & thực hành

 

Giảng viên đại học Hà Thúc Hoan:

Sinh năm 1940 tại Huế;

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, ban Việt - Hán (1963), và cử nhân văn khoa giáo khoa Đại học Văn khoa Huế (1970);

Giáo viên dạy Việt văn tại các trường trung học đệ nhị cấp (phổ thông trung học, cấp III) tại Quy Nhơn (từ 1963) và Huế (từ 1965);

Giảng viên dạy phân môn làm văn tại ĐHSP. Huế (từ 1970);

Giảng viên chính dạy phân môn làm văn và tiếng Việt thực hành tại các trường ĐHSP. TP.HCM., Đại học mở TP.HCM., Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế và TP.HCM. (1984).

 

Hoạt động nghiên cứu:

-- Bài viết "Cấu trúc đoạn", trong "Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt" (Lưu Văn Lang chủ biên), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988;

-- Bài viết "Xây dựng bài văn nghị luận", trong "Làm văn nghị luận lớp 10" (Trần Thanh Đạm chủ biên), Nxb. Giáo Dục, TP.HCM., 1990.

-- Sách "Triết văn I", Tg. xuất bản, Huế, 1974;

-- Sách "Sông nhớ nguồn", Tg. xuất bản, Huế, 1974.

-- Sách "Kĩ thuật hành văn", Nxb. Đồng Nai, Biên Hoà, 1995;

-- Sách "Tiếng Việt thực hành" (tái bản lần thứ 9), Nxb. TP.HCM., 2003;

-- Sách "LÀM VĂN NGHỊ LUẬN, lý thuyết & thực hành", Nxb. Thuận Hoá, Cty Văn hoá Phương Nam phối hợp thực hiện, 2006.

 

 

 

Sách "LÀM VĂN NGHỊ LUẬN, lý thuyết & thực hành", 216 trang, cỡ sách 13 x 19 cm, gồm 3 phần chính:

 

Lời nói đầu

Phần thứ nhất: Quy trình làm văn nghị luận

- Chương I: Khái quát về văn nghị luận (các tiểu mục: I, II, III & bài tập)

- Chương II: Phân tích đề (các tiểu mục: I, II & bài tập)

- Chương III: Lập dàn bài (các tiểu mục: I, II, III & bài tập)

- Chương IV: Viết nhập đề và kết luận (các tiểu mục: I, II & bài tập)

Phần thứ hai: Phương pháp phân tích - bình giảng

- Chương I: Bình giảng theo một chủ đề (các tiểu mục: I, II & bài tập)

- Chương II: Bình giảng theo nhiều chủ điểm (các tiểu mục: I, II, III & bài tập)

- Chương III: Bình giảng kết hợp phân tích ngôn ngữ (các tiểu mục: I, II & bài tập)

- Chương IV: Bình giảng trong nhiều mối quan hệ (các tiểu mục: I, II & bài tập)

Phần thứ ba: Bài văn nghị luận minh họa (12 bài do chính giảng viên Hà Thúc Hoan viết)

Thư mục tham khảo   

 

 

Trích Lời nói đầu:

 

"... Dạy làm văn, học làm văn, dù không thể bỏ qua phần lí thuyết, nhưng thầy, cô giáo và sinh viên, học sinh phải đặc biệt chú trọng phần thực hành để rèn luyện kĩ năng. Học làm văn cũng giống như học bơi, vấn đề không phải là đứng ở trên bờ để bàn luận về cách thức bơi mà phải nhảy xuống nước và làm đi làm lại một số động tác. Vì lẽ này, chúng tôi thường cho nhiều ví dụ trong mỗi bài giảng lí thuyết và cuối mỗi bài lí thuyết đều có nhiều bài tập thực hành...".

 

Hà Thúc Hoan

 

 

 

 

Trong lần họp mặt cựu giảng viên & cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế tại TP.HCM., ngày 08-4 HB7 (2007) vừa qua, như nhiều năm gần đây, cùng với bạn bè, tôi vui mừng được gặp thầy Hà Thúc Hoan. Một tuần lễ sau, qua đường bưu điện, tôi nhận được sách thầy gửi tặng.

 

Đọc cuốn "LÀM VĂN NGHỊ LUẬN, lý thuyết & thực hành" của thầy Hà Thúc Hoan, ở một số đoạn, một vài trang, tôi tưởng chừng như đang ngồi trong phòng học quen thuộc tại Trường ĐHSP. Huế thuở nào và đang lắng nghe lời thầy giảng dạy. Phần lí thuyết, có lẽ về sau thầy phát triển, nâng lên ở một tầm khái quát cao hơn.

 

Điều thú vị nhất và có giá trị thực tiễn nhất là thầy Hà Thúc Hoan đã đưa ra một kinh nghiệm giảng dạy làm văn, một trong những kinh nghiệm rất quý báu mà những ai đã và đang dạy làm văn ở các bậc trung học, đại học đều tâm đắc. Đó là việc chọn các bài văn mẫu cho học sinh, sinh viên vận dụng thực hành. Trích nguyên văn bài viết của các nhà văn, nhà phê bình thì rất khó, vì họ có thể viết tài hoa, sâu sắc nhưng không theo thể thức chuẩn mực, quy phạm. Dẫn các bài văn hay của học sinh giỏi văn, cho dù hay thế nào, cũng không thể hoàn toàn đạt chuẩn sư phạm (vả lại cũng không thể yêu cầu cao đối với bài thi tại phòng thi). 

 

Thầy đã viết về kinh nghiệm đó:

"Chúng tôi cho rằng thầy giáo đã giảng lí thuyết về làm văn thì chính thầy chứ không ai khác phải thực hành cho được lí thuyết ấy. Vì có suy nghĩ như vậy nên chúng tôi đã mạnh dạn đưa vào phần thứ ba của cuốn sách mười hai bài viết hoàn chỉnh để minh hoạ cho hai phần lí thuyết... [...] ... Đây là những bài văn chuẩn mực về mặt phương pháp để các bạn trẻ có thể tham khảo và rút ra từ đó bài học sinh động về cách viết bài văn nghị luận ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, cân đối và có thứ tự. Khi viết những văn bản này, chúng tôi đã cố gắng thực hành sát, đúng phần lí thuyết về phương pháp làm văn đã trình bày, có khi còn cố ý để lộ dấu vết của phần lí thuyết ấy như ông thầy dạy may cố tình để lộ đường kim múi chỉ chi học trò thấy mà tập may cho dễ dàng..." (sđd., tr. 9).

 

Tôi có trải qua gần 5 năm giảng dạy ngữ văn (từ lớp 7 đến lớp 12, có những tháng bồi dưỡng học sinh giỏi PTTH. toàn tỉnh), cách đây đã hơn 24 năm. Tuy thời gian đứng lớp chừng đó là quá ít ỏi, nhưng chính bản thân tôi, cũng đã từng thấm thía điều ấy. Tôi tin chắc những thầy giáo, cô giáo dạy làm văn sẽ rất tâm đắc kinh nghiệm giảng dạy lí thuyết và hướng dẫn vận dụng này của giảng viên chính phân môn làm văn - tiếng Việt thực hành, thầy Hà Thúc Hoan, một người thầy hầu như suốt đời giảng dạy phân môn này.

 

Tưởng cũng cần nói thêm: Ở đây là chuẩn mực, quy phạm về phương pháp làm văn nghị luận với căn bản cần có, trước khi viết văn một cách sáng tạo, độc đáo. Căn bản này không giam hãm người học trong khuôn sáo, công thức khô cứng, làm thui chột tài năng, mà là nền móng vững chãi để tài năng phát triển, để xây dựng những công trình tác phẩm vươn lên tận trời xanh bát ngát. Thiếu căn bản này, mọi văn bản nghị luận của người viết ít ra cũng sẽ bị hổng và bị hẫng.

 

Trân trọng giới thiệu cùng quý người đọc kính mến và thân ái một cuốn sách quý báu.

 

TXA.

 

 

 

Trở về trang mục lục Giao Lưu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

Trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

Host: GOOGLE PAGE CREATOR

  

 

 

 

 

     lên đầu trang (top page)