Trần Xuân An - Biểu tình phản đối Trung Quốc, nghĩ về quảng trường dân chủ

 

Nhân sự kiện biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn,

leo thang xâm lược,

nghĩ đến một quảng trường tự do biểu tình chính trị

(ghi nhận & nghĩ ngợi sau khi sự kiện đã diễn ra)

 

Trần Xuân An

 

 

Với mục đích lên án Trung Quốc gây hấn, leo thang xâm lược trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam gần đây nhất, hai lần biểu tình diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM. vào hai ngày 05-06 và 12-6-‘’11. Nhân đó, những người biểu tình cũng tiếp tục lên án sự xâm lược, chiếm đóng từ lâu bởi Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa cũng như một số hòn đảo thuộc Trường Sa, vốn của Việt Nam. Các thông tin, đặc biệt là các hình ảnh chụp và khúc phim ngắn được quay tại chỗ, cho thấy đã có sự ngăn chặn, chia tách, phân tán những người biểu tình thành từng nhóm nhỏ, đồng thời cũng có sự bắt bớ họ ngay giữa trung tâm thủ đô và TP.HCM.. Trong đó, sự có mặt với các khẩu hiệu trên tay trong hai cuộc biểu tình ấy của một số trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ lão thành cách mạng, cùng với thư ngỏ về cách đưa tin của báo chí nước ta, đã thu hút sự lưu tâm của nhiều người trong và ngoài nước. Tập thông tin điện tử tự lập Bauxite, báo mạng BBC cũng như nhiều tập thông tin điện tử cá nhân có uy tín trong nước đều có đăng tải tin tức, hình ảnh về sự kiện ấy.

 

Một sự kiện khác: Hôm nay, 13-6-‘’11, Hải quân Việt Nam cũng đang bắn đạn thật trong cuộc diễn tập được thông báo trước, ở ngoài khơi biển Quảng Nam. Phải chăng đó cũng là một sự biểu tình thị uy trước sự gây hấn, leo thang xâm lược của Trung Quốc, nhưng không có khẩu hiệu cụ thể, mà chỉ thông báo đó là cuộc diễn tập quân sự? Các báo chí công lập, các điểm mạng vi tính tự lập, nhất là “ngoài luồng" ở trong nước và báo chí các nước trên thế giới hầu như đều có đưa tin về cuộc diễn tập bắn đạn thật này (*).

 

Và, có thể nói báo chí chính thống cũng đã biểu tình. Từ cuối tháng 5 vừa qua đến nay, sau hai vụ tàu Trung Quốc gây hấn vào ngày 26-5 và ngày 06-9, báo chí chính thống của nước ta lên tiếng tố cáo dã tâm của Trung Quốc khá mạnh mẽ, có thể nói là mạnh mẽ nhất, kể từ sau chiến tranh biên giới hồi 1979. Đặc biệt, cũng trong tinh thần phản ứng khá mạnh mẽ đó, báo giấy lẫn báo mạng và báo nói (truyền hình) có đăng hoặc đề cập đến bài trả trời phỏng vấn của nguyên đại tướng, chủ tịch nước Lê Đức Anh (02-6-‘’11), bài phát biểu của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (8-6-‘’11). Sáng nay, báo chí lại đăng thông tin về việc “Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam” (12-6-‘’11). Như vậy, báo chí chính thống cũng đã biểu tình.

 

Một hình ảnh không đẹp mắt

Nguồn: Web Bauxite 

 

 

Tuy có thể diễn đạt là cả ba sự kiện trên đều là biểu tình chính trị, và về đại thể là đều cùng một nội dung, một mục tiêu, nhưng đúng nghĩa nhất, theo như cụm từ “quyền biểu tình” trong các bản Hiến pháp nước ta, từ 1946 đến 1992, vẫn là sự kiện đầu tiên trong bài ghi nhận sơ lược này. Thế nhưng, hai cuộc biểu tình thực sự tại Hà Nội và tại TP.HCM. đều bị công an ngăn chận, trấn áp, bắt bớ. Tại sao? Chỉ đơn giản là hai cuộc biểu tình đúng nghĩa ấy không được sự chỉ thị, tổ chức của các cơ quan, đoàn thể, mà chỉ là biểu tình tự phát, tự nguyện của nhiều lứa tuổi trong xã hội, phần lớn là thanh niên, trước tình hình Trung Quốc gây hấn, leo thang xâm lược gần đây nhất.

 

Quả là như vậy. Nhưng biểu tình (quyền cùng nhau xuống đường phố, đọc hiệu triệu, giăng bích chương, hô khẩu hiệu, tuần hành để bày tỏ thái độ, ý nguyện) một cách tự nguyện, tự phát như thế mới sinh động, mới thể hiện hào khí và tinh thần dân chủ thực sự.

 

Sự quản lí của chính quyền, ở trường hợp này, chỉ có thể là quy định hẳn một khu vực tại trung tâm mỗi thành phố, thị xã, huyện lị, dành riêng cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có lớp trẻ tuổi, thể hiện quyền biểu tình chính trị (và cả về xã hội nữa, trong trường hợp khác), một quyền dân chủ hết sức chính đáng của mình, với một điều kiện là người tham gia biểu tình phải thể hiện lập trường bằng ngọn cờ Tổ quốc – cờ đỏ sao vàng. Đồng thời, công an có nhiệm vụ phải bảo vệ họ, và chỉ ngăn chận những trường hợp vượt ra khỏi khu vực cho phép, có thể khiến giao thông trên đường phố bị cản trở. Lẽ ra, như thế, không ai có quyền bắt bớ họ.

 

Về quảng trường tự do biểu tình rất dân chủ và rất văn minh ấy, hình như một số nước cũng đã thực hiện từ lâu.

 

Trần Xuân An

14:, 13-6 HB11

 

(*) Xem thêm thông tin về cuộc diễn tập thường kì của Hải quân Việt Nam:

http:// vietnamnet. vn /vn /tin-nhanh /25301 /xac-nhan- tap-tran- binh-thuong- tren-bien-dong .html

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE