g.b. Phụ đính bài 7 & các bài khác-Tl.2: Lệnh dụ Thiên hạ Cần vương (Dụ Cần vương)

 

Lệnh dụ Thiên hạ Cần vương (Dụ Cần vương),

13-7-1885 (mùng 2 tháng 6 Ất dậu 1885)

 

 

 “[Phụ chính] Tôn Thất Thuyết còn giữ [xa] giá vua còn đóng ở [Sơn] phòng Quảng Trị [:Tân Sở], đã kèm vua ra Lệnh dụ Thiên hạ cần vương [đây là Dụ Cần vương chính thức và duy nhất], lại sẽ dụ bảo Nguyễn Văn Tường và yên ủi những người họ mạc ở trong kinh. [Mỗi thứ] đều một đạo, do đường dịch lộ chuyển chạy về kinh.

      (Khi ấy tự [Sơn] phòng [Tân Sở] đến kinh, ống trạm còn chuyển đệ được).

      Đó đều là việc từ mồng bảy tháng này [18.07.1885] trở về trước” (1).

     

      LỆNH DỤ THIÊN HẠ CẦN VƯƠNG

     

      “Từ xưa chính sách chống giặc không ngoài ba điều: đánh [chiến], giữ [thủ], hoà mà thôi.

      Đánh thì chưa có cơ hội.

      Giữ thì khó chắc đủ sức.

      Hoà thì chúng đòi hỏi không chán.

      Đang lúc thế sự muôn vàn khó khăn như vậy, bất đắc dĩ phải dùng QUYỀN [NGHI, QUYỀN BIẾN].

      Thái vương dời tới đất Kỳ, Huyền Tông chạy sang đất Thục, người đời xưa cũng đã có làm như thế.

      Nước ta gần đây gặp nhiều biến cố. Trẫm tuổi trẻ nối ngôi, chưa kịp lo việc tự cường, tự trị. Bọn phái viên của Tây hoành hành áp bức ngày một thậm tệ. Vừa rồi chúng tăng thêm binh thuyền, buộc ta những điều không thể làm theo được. Ta theo thường lệ khoản đãi, chúng không chịu nhận một tí gì. Nhân dân kinh đô náo động, kinh sợ nguy biến sắp tới nơi. Các vị đại thần mưu quốc tìm kế giữ yên xã tắc, bảo vệ triều đình: [Nếu] cứ cúi đầu nó bảo gì nghe nấy, ngồi yên để mất cơ hội thì sao bằng dò xem ý chúng muốn hành động mà đối phó trước? Ví thử việc chẳng chịu lòng, thì còn có thể làm như ngày nay để mưu tính việc về sau cho ổn. Ấy là tuỳ theo thời thế mà định ý kiến như thế. Phàm những ai biết chia lo việc nước, tất cũng dự biết như vậy, mà cũng đều nghiến răng căm phẫn. Cái lòng giết giặc, giết thù, nào ai chẳng có. Vậy thì gối đòng, gõ chèo, cướp giáp, vần chum, há không có người nào hay sao? Kẻ nhân thần ở triều đình chỉ nên theo nghĩa mà làm, nghĩa ở đâu thì chết sống cũng ở đấy. Xưa Hồ Yển và Triệu Thôi nước Tấn, Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật đời Đường là hạng người thế nào?

      Trẫm đức mỏng, gặp phải biến cố này, không thể hết sức chống giữ, để kinh thành bị hãm, Từ Cung phải lên xe lánh nạn. Tội ở mình trẫm tất cả, hổ thẹn vô cùng. Nhưng mối luân thường quan hệ, trăm quan khanh sĩ không kể lớn nhỏ, chắc không nỡ xa bỏ trẫm. Người trí giúp mưu, người dũng giúp sức, người giàu xuất của để giúp quân nhu, cùng nhau đoàn kết, chẳng ngại nguy hiểm, làm cách gì mà có thể cứu nguy, đỡ ngã, gỡ chỗ khó, giúp khi bí, thảy đều hết lòng hết sức. May mà trời cũng chiều người, chuyển loạn làm trị, chuyển nguy làm an, thu lại đất đai, phục lại bờ cõi, cơ hội này thật phúc cho nước nhà, tức là phúc cho thần dân. Đã cùng nhau lo lắng được thì cùng nhau yên vui, há chẳng tốt lắm ru?

      Nhược bằng lòng tiếc chết nặng hơn lòng thương vua, việc lo cho nhà chăm hơn việc lo cho nước, quan thì thác cớ lánh xa, lính thì bỏ ngũ lánh trốn, dân thì không biết vì nghĩa, hăng hái với việc công, sĩ thì cam chịu bỏ nơi sáng đi vào nơi tối, như thế dù có sống sót ở đời thì thân tuy mặc áo đội mũ mà không khác loài chim muông. Sao nỡ làm vậy cho đành?

      Thưởng hậu, phạt cũng nặng, triều đình sẵn có phép thường, không nên để điều hối hận về sau. Ai nấy nên nghiêm chỉnh tuân theo dụ này.

           Khâm thử!

           Hàm Nghi năm đầu, tháng sáu, ngày mùng hai (13.07.1885)” (2).

      Tuyên dụ tại Sơn phòng Tân Sở, Cam Lộ, Quảng Trị.

________________

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐNTL.CB.,"Đại Nam thực lục chính biên" (ĐNTL.CB.), bản dịch Viện Sử học, tập 36, sđd., 1976, tr. 225.

(2) Phan Canh, Đào Đức Chương, "Thơ ca Việt Nam thời Cần vương" (TCVNTCV.), bài "Lệnh dụ Thiên hạ cần vương", bản dịch của Lê Thước, Nxb. Văn Học, 1997, tr. 16. Xem thêm: "Trung – Pháp chiến tranh tư liệu", tập 7; "Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỉ XIX", với bản dịch của Chu Thiên Hoàng Minh Giám.

 

______________________

XEM THÊM:

NGUYÊN VĂN 4 VĂN KIỆN QUAN TRỌNG & MẤU CHỐT TRONG "ĐẠI NAM THỰC LỤC, CHÍNH BIÊN" 

CÁC BÀI LIÊN QUAN

(xem trong: Trần Xuân An -- "Bàn thêm về mấy vấn nạn sử học", khảo luận - phê bình - trao đổi, 2005-2008)

I.

(số thứ tự trong sách)

4. Gs.Ts. Yoshiharu Tsuboi hiểu lầm bản tuyên cáo 16-6-1874 của Tôn Thất Thuyết

5. Sách lược “hai mặt” ở Tôn Thất Thuyết, Hàm Nghi -- trả lời một thắc mắc

6. Về cái được gọi là “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 1889”

7. Bàn thêm về Thông báo cần vương (Cáo dụ Cần vương), Dụ Cần vương, Chiếu Cần vương

8. Phan Bội Châu trong quan hệ với Thiên Chúa giáo

9. Về tấm ảnh Phan Bội Châu và Cường Để chụp chung

10. Chủ nghĩa Pháp - Việt đề huề của Phan Bội Châu

II.

(số thứ tự trong sách)

2. Trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về bài viết: “Sau ngày thất thủ kinh đô (05-7-1885) Đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886) khó thoát khỏi bước đường cùng”

6. Báo chí giới thiệu, bình luận sách mới của Trần Xuân An nhưng vẫn tránh né một trong hai mảng chủ đề cốt yếu thuộc nội dung chính (thêm một vài lời)

7. Nghĩ về các trích đoạn đề cập đến phong trào Văn thân & Cần vương chống Pháp (1883-1885-1886) từ bài viết “Cố Điện” của cố học giả Hoàng Xuân Hãn

8. Tiếp thu sự góp ý của ông Vương Đình Chữ về các ông Nguyễn Hoàng (Hoằng), Nguyễn Hữu Cư và Thierry D’Argenlieu

10. Ý kiến ngắn: Từ chân lí, sự thật lịch sử & tiêu chí nhận định: Có nên tôn vinh những nhân vật lịch sử đầu hàng, thoả hiệp (Phan Thanh Giản, Võ Trọng Bình, Hoàng Tá Viêm, Hàm Nghi, Duy Tân)? -- Cải táng di cốt vua Hàm Nghi tại Tân Sở, Cam Lộ, Quảng Trị, nơi phát Dụ Cần vương bi tráng

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE