Trần Xuân An - Tại sao "dị ứng" đối với "chiến tranh ý hệ" - Nói thêm về chiếc cầu Ý Hệ

TẠI SAO CÓ SỰ “DỊ ỨNG”

ĐỐI VỚI CỤM TỪ “CHIẾN TRANH Ý THỨC HỆ”?

Trần Xuân An

 

Có một điều khá khó hiểu là nhiều tác giả thuộc các ban tuyên giáo từ cấp tỉnh đến trung ương ở nước ta lại rất ghét cụm từ "chiến tranh ý thức hệ". Thậm chí họ còn xem nội dung của cụm từ đó là luận điệu phản cách mạng!

Như thế, phải chăng họ tự mâu thuẫn với chính mình?

Bởi lẽ, hơn ai hết, các đảng cộng sản chính thống chính là những lực lượng chủ động phát động chiến tranh cách mạng, với phương châm "giải quyết cuộc đấu tranh "AI THẮNG AI" giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giữa cách mạng và phản cách mạng". Cuộc đấu tranh giữa "HAI CON ĐƯỜNG", cộng sản và tư bản, cũng là cụm từ họ thường xuyên sử dụng. Thêm nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn công khai tuyên bố "Đảng ta luôn luôn giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội", mà ngọn cờ chủ nghĩa xã hội là gì, nếu không phải là đấu tranh về hệ ý thức (ideology), tức là về ý hệ, hệ tư tưởng, nhằm truyền bá và thực thi hệ ý thức marxist - leninist trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - giáo dục, chính trị, xã hội...?

Như vậy, rõ ràng là các đảng cộng sản đều chủ trương "chiến tranh ý thức hệ".

Thực ra, các vị tuyên giáo chỉ ghét "chiến tranh ý thức hệ" đơn thuần, vì theo họ, ở nước ta, phải tiến hành song song, đồng thời hai cuộc chiến tranh (hai nhiệm vụ chiến lược) là độc lập dân tộc (đánh đuổi ngoại xâm) và chủ nghĩa xã hội (xây dựng đất nước theo mô hình Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu).

Thế nhưng, thiết tưởng cũng cần lưu ý: Lê-nin (Lénine) tiến hành Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) chỉ giương cao duy nhất một ngọn cờ chủ nghĩa xã hội mà thôi, chứ nước Nga có ngoại xâm đâu vào thời điểm ấy để giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc? Rõ ràng Lê-nin chỉ làm chiến tranh cách mạng để lật đổ chế độ quân chủ Tsa-hoàng và chính quyền tư sản Ke-ren-sky (Alexander F. Kerensky), chứ không có ngoại xâm nào để phải đồng thời tiến hành chiến tranh chống thực dân, giành độc lập (*). 

Chúng ta có thể đi đến kết luận: "Chiến tranh ý thức hệ" chính là chiến tranh cách mạng, đánh đổ chế độ cũ (quân chủ, tư sản) để xây dựng chế độ mới, xã hội chủ nghĩa. Còn ở nước ta, trước 1945, là một nước thuộc địa nửa phong kiến, nên mới giương cao hai ngọn cờ (hai nhiệm vụ chiến lược): độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Vì thế cho nên, tôi muốn nói:

“MỘT MẶT CHỦ YẾU CỦA VẤN ĐỀ: CHIẾN TRANH Ý THỨC HỆ

Để nhận thức đúng và đủ về cuộc chiến tranh 1945-1954-1975, không nên quên một trong hai khía cạnh chủ yếu, cốt tủy của nó: Chiến tranh ý thức hệ (điểm nóng "Chiến tranh lạnh" giữa hai Khối). Chính khía cạnh ý thức hệ (chiến tranh "hai con đường", chiến tranh "ai thắng ai") khiến cuộc chiến trở nên dài dằng dặc và quá phức tạp, gây nên vô vàn vết thương tinh thần khủng khiếp bên cạnh bao núi xương sông máu...

T.X.A. -- 10-10 HB14 (2014)”.

(Xem tại:

https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/1476007932673153)

 

12-10 HB14 (2014)

T.X.A.

-------------------------------------

(*) Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Nga xô-viết mới bị Đức đe dọa, tấn công. Nhưng rốt cục, Lénine đã kí hòa ước Brest - Litovsk với Đức, 3 tháng 3 năm 1918, nhường cho Đức nhiều lãnh thổ vốn là thuộc địa của Nga Tsa-hoàng.

NÓI THÊM

VỀ CHIẾC CẦU Ý HỆ

Trần Xuân An

 

Dĩ nhiên sách sử đã, đang và sẽ ghi nhận hai vấn đề lớn, cốt tủy, chủ yếu của giai đoạn lịch sử 1930-<<1945-1954-1975>>-1991, đó là chiến tranh chống ngoại xâm và chiến tranh ý thức hệ (tức là vấn đề giành độc lập dân tộc và vấn đề cách mạng xã hội chủ nghĩa). Nhưng việc đặt thêm tên cho chiếc cầu Hiền Lương, Bến Hải, tại Quảng Trị -- CHIẾC CẦU Ý HỆ -- là một cách ghi nhớ hết sức cụ thể, sinh động, trực quan.

Hơn nữa, việc đặt tên chiếc cầu ấy là cầu Ý Hệ là nhằm mục đích nhấn mạnh dân tộc Việt Nam ta, Miền Nam cũng như Miền Bắc, đều yêu nước, đều chống thực dân Pháp, nhưng bị phân hóa, chia rẽ là do sự khác biệt về hệ tư tưởng (ý thức hệ = ideology): Miền Bắc yêu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội chuyên chính; Miền Nam yêu nước và xây dựng chủ nghĩa tư bản tự do, trong bối cảnh CHIẾN TRANH LẠNH trên toàn thế giới. Bấy giờ, thế giới hình thành hai hệ thống đối đầu: một do Mỹ đứng đầu, một do Liên Xô đứng đầu, mà nước ta là nước nhỏ, yếu, lạc hậu, không thể không bị chi phối (*).

Ghi nhớ và thấu hiểu như vậy để hòa giải dân tộc: không Miền nào khinh chê Miền nào là bán nước, tay sai, cho Mỹ hay cho Nga, Trung Quốc.

T.X.A.

13-10 HB14 (2014)

--------------------------------------------------------------

Chú thích:

(*) Liên Xô, Trung Quốc bắt đầu viện trợ súng đạn, thuốc thang, quân trang, quân dụng cho Việt Nam dân chủ cộng hòa (cộng sản) vào năm 1950, và chủ yếu do Trung Quốc phụ trách. Cũng vào năm 1950, Mỹ bắt đầu viện trợ y như thế cho Quốc gia Việt Nam (chính phủ Bảo Đại, về sau là Việt Nam cộng hòa) nhưng lại thông qua Liên hiệp Pháp. Mãi đến 1955, Mỹ mới trực tiếp viện trợ cho Việt Nam cộng hòa (quốc gia). Đến tháng 5-1956, Pháp hoàn toàn rút khỏi Miền Nam Việt Nam. Trước đó một năm, 1955, Pháp đã rút hết quân khỏi Miền Bắc. Pháp không còn dính líu gì đến hai Miền Việt Nam nữa. Từ đó, Miền Bắc tiếp tục lệ thuộc viện trợ của Trung Quốc, Liên Xô; còn Miền Nam trực tiếp lệ thuộc viện trợ Mỹ... Sự chia cắt này là tương tự như Đông Đức (Cộng hòa dân chủ Đức) – Tây Đức (Cộng hòa liên bang Đức); Bắc Triều Tiên – Hàn Quốc; Trung Quốc – Đài Loan.

Cũng có thể xem tại:

Wordpress. com:

http://txawriter.wordpress.com/2014/10/13/txa-tai-sao-di-ung-voi-chien-tranh-y-thuc-he/

http://txawriter.wordpress.com/2014/10/13/txa-noi-them-ve-chiec-cau-y-he/

& tại Facebook. com:

https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/1477238602550086

https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/1477718895835390

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE