n. Trần Xuân An - Mùa hè bên sông - Tệp 14

author's

copyright

 

trần xuân an

MÙA HÈ BÊN SÔNG

tiểu thuyết

1997 & 2003

 

 

06/29/09

        

   

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

m ù a 

 h è

 b ê n

  s ô n g 

    

(nỗi đau hậu chiến)

 

tiểu thuyết

 

 

nnhà xuất bản  

 

1997 & 2003

 

 

     

CHƯƠNG XIV

 

1

 

 

Hôm họp mặt nói chuyện phiếm như các cuộc chuyện phiếm khác của bao nhóm bạn khác, ở nhà thầy Tiếng, Hiền Lương chỉ lắng nghe, không nói gì, một phần vì rôm rả quá, sôi nổi quá, một phần vì nhà văn Quyển cứ nhìn trộm rồi sỗ sàng nhìn cô hoài.

Nhà văn này lớn hơn cô đến hai mươi mấy tuổi, có tật hễ thấy đàn bà con gái trẻ đẹp, dễ nhìn là sỗ sàng ngắm nghía, mặc dù nghe nói chả tán tỉnh ai cả. Đôi mắt cứ sáng lên, sững sờ chiêm ngưỡng! Có một hôm anh Quyển thú nhận, bao nhiêu lần chính anh ta còn thấy đau ở tim khi về nông thôn, bắt gặp nhiều cô gái đẹp một vẻ đẹp tự nhiên, nhưng đôi tay và đôi gót chân thô sần bởi chân lấm tay bùn. Anh ta kết thúc sự thú nhận rằng, các nhà sản xuất nông cụ hãy cứu lấy những nhan sắc ấy bằng giày bốt và găng tay chất dẻo. Anh ta nói như đọc thơ diễn cảm! Với nét mặt và đôi tay, vòm ngực lép kẹp như muốn trào ra niềm đau xót, khát vọng giải phóng phụ nữ! Nhà văn Quyển cường điệu một cách buồn cười và chân thành...

Hiền Lương nhớ hôm ở nhà thầy Tiếng, nhà văn Quyển vẫn với cái nhìn, cái ngắm nghía vào cô như thế. Dẫu sao, cô vẫn không thể quên những lời của anh ấy. Cuối cuộc nhậu, anh Quyển còn bảo, chưa thấy công bằng, thỏa đáng.Vâng, đúng rồi, một số ý tưởng trong buổi chuyện phiếm còn chưa thật rốt ráo.

Những ý tưởng đó lúc này như ghép nối trong hồi ức Hiền Lương...

 

... Không phải ba, mà đến bốn loại cách mạng. Ai đó đã kể sót loại cách mạng tự phát, không có gia thế cách mạng, chỉ vì yêu nước mà đấu tranh rồi trở thành cộng sản, ở Miền Nam, trước bảy lăm. Người ta đã từng nghi ngờ đấy là gián điệp nhị trùng. Họ đã bị thanh lọc, loại trừ. Họ âm thầm mang vết thương...

 

... Và Hiền Lương ngẫm nghĩ, ba của cô, chú Nông, đã nói đúng, văn học ngoài niềm tự hào chính đáng, rất cần những tác phẩm tự vấn. Hình như đấy là chất tôn giáo chăng. Một Nam Cao dằn vặt với ý thức tự trọng suốt đời, nhất là khi chưa tham gia cách mạng, và khi tham gia rồi, chất ấy chuyển hoá đi vào dạng khác chứ không mất hẳn. Một Chế Lan Viên, một Nguyên Hồng cũng thế. Rồi cả Nam Cao, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng đều đến với thi pháp sử thi hùng tráng. Nhưng xét cho cùng, tự vấn và tự phê bình thành khẩn có gì khác chăng. Người ta dễ lay động, dễ được cảm hóa sâu sắc bởi những lời tự phê phán thành khẩn, những lời gan ruột. Cây cọ của cô không thể không chạm đến những phút giây vang lên tiếng nói của lương tâm trung thực trong lồng ngực con người...

 

Sau buổi gặp mặt chuyện phiếm ấy, Hiền Lương cứ suy nghĩ mãi. Một hôm, cô có dịp nói chuyện với chú Nông, lúc ba cô đang ngắm nghía lại bức tranh ông vừa vẽ xong. Tay lấm lem màu, chú Nông bật lửa, phì phèo thuốc lá.

- Dân tộc là một phạm trù vĩnh hằng thật.

- Thưa ba, tương lai của nhân loại là hòa chủng! Không còn giống nòi, dân tộc! Thật đáng sợ!

- Còn lâu! Vạn năm sau. Đó là một thứ tiên tri khoa học trên cơ sở nghiên cứu hiện thực và khả năng, cái mà bây giờ người ta gọi là chức năng dự báo của khoa học, nghệ thuật đấy. Tuy nhiên, giả tưởng là rứa, vẫn còn di sản mang tính dân tộc. Ví dụ, người Kinh với Chăm và Khơ-me Nam bộ chung sống, dần dần sẽ hòa huyết, thành máu của máu, thịt của thịt, một cách tự nhiên, đồng thời hòa cả văn hóa như hòa huyết, nhưng di sản Chăm, Khơ-me Nam bộ mãi mãi vẫn còn bên cạnh di sản Kinh. Các giá trị bản sắc nhân tộc ấy là vĩnh hằng, vô giá. Đấy là cấp độ quốc gia. Cấp độ quốc tế cũng vậy. Chủ nghĩa cộng sản có dự kiến điều này. Nhưng phải giữ gìn bản sắc dân tộc cho đến khi các dân tộc thực sự bình đẳng trên toàn cầu đã, mới nói đến chuyện ấy. Đừng vội đánh mất mình. Đấy là nguy cơ khủng khiếp, hơn cả mất nước. Mất nước còn giành lại được, mất dân tộc là hết, vô phương cứu vãn. Đừng dại dột, u mê.

- Thưa ba ,Việt kiều đang mất dần tính dân tộc.

- Họ cần kết tập một bộ Kinh Việt Nam như Kinh Thánh Do Thái. Nước mình nhỏ, dân tộc tính hiếu hòa nhưng bất khuất. Cho dù ở đâu nếu Việt kiều giữ được điều đó, cộng với óc thông minh, hiếu học, vẫn được kính trọng... Nước Tàu to quá, nên Hoa kiều mãi mãi là khách. Hai vấn đề khác nhau, dẫu mới xem, thấy là một. Xin họ thông cảm. - Chú Nông cười.

Hiền Lương rời khỏi bức tranh bà má già Nam bộ móm mém với khăn rằn Mã Lai vắt vai của chú Nông, cô nhìn ra cửa sổ, đăm chiêu.

- Hôm nọ, ông Tiếng nói những ai sùng bái lãnh tụ nước xâm lược Tổ quốc mình, ấy là ngụy tặc như ngụy tặc Do Thái trong Kinh Thánh. Dân Miền Nam, kể cả lính ngụy, có coi lãnh tụ Pháp, Nhật, Mỹ ra gì! Nhưng rõ là bọn "tả đạo" ngụy theo Pháp là không thể thanh minh được. Ở thế kỉ mười chín, lúc ấy, vấn đề địch - ta quá rõ. Chỉ đáng bàn là lớp lính ngụy từ một chín ba mươi đến một chín bảy lăm (1930 - 1975). Tuy nhiên, "thỏa hiệp" là chiến thuật tạm thời chứ không thể là chiến lược lâu dài, vô thời hạn được. Không thể đồng nhất bọn ngụy tặc đầu sỏ, chóp bu với cụ Phan Chu Trinh thời đoạn đầu thế kỉ hai mươi, cũng không thể đồng nhất bọn ấy với Việt Nam Quốc dân đảng (những người thật sự còn giữ nhân cách, không chịu làm tay sai) ở giai đoạn sau một chín năm tư được! Thời Mỹ xâm lược, có khác hơn, mặc dù bọn lãnh đạo đều là tổng thống "tả đạo", tướng tá ngụy tặc do Pháp đào tạo, bàn giao lại cho Mỹ. Giá như thống nhất Đất nước sau chiến thắng Điện Biên Phủ thì khỏe rồi. Chủ nghĩa xã hội với tinh thần thật sự dân chủ, cởi mở có từ thời điểm đó, hi vọng vậy, nếu hòa bình? Không! Lúc đó còn khắc nghiệt “tả” khuynh, nhưng chỉ bọn tư sản, địa chủ chết thôi. Mình được như các nước Đông Âu hòa bình cũng được rồi... Chân thiện mĩ, đặc biệt là tính thiện, của văn hoá - văn nghệ thay thế chức năng giáo dục đạo đức của tôn giáo, đúng như phương châm "văn dĩ tải đạo", văn hóa - văn nghệ lành mạnh hơn... Thôi, mệt quá... Con đã nấu cơm tối chưa? Ba đi dọn hàng cho mẹ đây.

Hiền Lương “dạ” và lui làm bếp, vừa lặt rau vừa nghĩ ngợi.

Một sớm khác, khi mới đi học về, cô thấy nhà văn Quyển đang ngồi rung đùi uống cà phê với ba. Cô dắt xe đạp vào nhà, khẽ cúi đầu mỉm cười chào anh Quyển sau khi chào ba. Anh Quyển nói như reo:

- Ồ, ồ... Hiền Lương, ngồi đây đàm luận chơi. Ồ, ồ... kính chào nữ sĩ... Và tôi không muốn già, đừng gọi bằng “chú”!

Được phép ba, cô ngồi xuống cạnh ông.

- Anh em chúng tôi đang bàn chuyện “vô chính phủ”. Hiền Lương thấy nghệ sĩ bọn mình có phải quân sự như ba Nông không? Hôm nọ, ổng bảo, cần độc lập, tự do tư tưởng, phải có kinh tế cá thể bảo đảm. Hôm nay, ổng lại hơi quân sự lại rồi.

- Ai thích xây dựng “xã hội trại lính”! Tôi chỉ nói không nên dùng chữ “vô chính phủ” mà nên nói độc lập, tự do tư tưởng để sáng tạo, chống minh họa rẻ tiền, công thức rập khuôn. Nhưng văn nghệ phải lành và mạnh chứ, độc và bệnh thì đừng, phải rất Việt Nam.

Nhà văn Quyển gật gù:

- Chính vậy, đấy là chân lí, xin vâng. Còn hình ảnh lính ngụy thời cả dân tộc chống Pháp, không thể khác được. Phải giáo dục lòng căm thù thực dân, đế quốc. Vấn đề cần suy nghĩ là tình cảnh bị bức bách của thân phận người yếu thế, phải nai lưng làm lính ngụy. Bọn dựa vào thực dân mà vơ vét, thủ lợi cách này hay cách khác đều phải bị phơi trần bản chất. Nhân bản nhất là phải chống thực dân, tay sai các loại. Thời Mỹ có khác thật. Tôi đã chứng kiến bao vụ lính, sĩ quan ngụy dần ra xương ra da bọn lính Mỹ, cố vấn Mỹ. Bọn Mỹ không dám đối xử với dân Miền Nam theo kiểu thực dân cũ. Bình đẳng, dân chủ hơn nhiều! Rất bình đẳng và dân chủ, đến mức người dân, binh lính, sĩ quan nghĩ là Mỹ chỉ sang đây giúp “ta” chống cộng thôi. Nhưng thực chất, Nhà Trắng Mẽo điều khiển Dinh Gia Long và Dinh Độc Lập Miền Nam. Sự điều khiển này rất kín nên mọi người dân, lính và sĩ quan không thấy được hoặc không ngờ được, chỉ tin Mỹ là đồng minh thôi. Và “chúng ta” rất yêu nước nhưng không hiểu cộng sản là gì, nếu hiểu thì cặp chữ “cộng sản” đồng nhất với “hoang đường”... Có người nói Bác Tôn là lính thuộc Pháp giác ngộ cộng sản, và đồng nhất với các tướng “Bích (big)” Minh, Khánh, Thiệu, Kỳ... - lính thuộc Pháp giác ngộ lí tưởng cộng hòa. Bác Tôn là lính mộ Pháp thời Thế chiến I, đã giác ngộ lí tưởng cộng sản ở Hắc Hải từ Cách mạng Tháng mười, sau đó về nước hoạt động chống Pháp trước bốn lăm rất lâu, làm sao đồng nhất với các tướng ngụy còn chống Việt Minh, ôm chân thực dân Pháp đến thời điểm chiến thắng Điện Biên Phủ được! Sau năm tư, các tướng ngụy (có người còn cấp tá) đã được Pháp bàn giao cho Mỹ với danh từ “quân đội đồng hóa”, “đồng hóa” từ lính thuộc địa sang “lính cộng hòa”. Chứng nhân, là quân và tướng ngụy còn sống, xin hãy nói lên sự thật lịch sử này. Đúng hơn, họ là “người trong cuộc”! (II.13).

- Tôi phải thừa nhận anh cách mạng “ba mươi” này khá -. Chú Nông đùa thân mật -. Có điều, vấn đề lớn nhất là tình cảnh những người yêu nước, cách mạng, không cộng sản, đặc biệt là một bộ phận đông đảo đạo hữu Phật giáo chống Mỹ - ngụy, bị kẹt giữa hai gọng kìm lịch sử...

Ngẫm nghĩ một lúc, chú Nông định nói thêm gì đó, nhưng chỉ ghìm lại tiếng thở dài, nhìn ra khung cửa sáng nắng. Ngoài sân, lá và hoa ngời xanh và thắm. Quay mặt lại, nhìn nhà văn Quyển, chú Nông nói:

- Có người bảo, giá như hồi đó, tổ chức bắt cóc hoặc ám sát những lãnh tụ Miền Nam chưa hề chống Pháp, chưa hề chống Nhật, chưa hề chống Mỹ hoặc chỉ ôm chân thực dân, làm bù nhìn cho phát xít, đế quốc, thì tình hình đã khác. Nhưng thật là ngây thơ, vì không Diệm này sẽ nặn ra Diệm kia, không Minh này, Thiệu này, sẽ đặt lên Minh kia, Thiệu kia... Vấn đề chính là bàn tay của Mỹ. Lại có người bảo, giá như Bắc Việt đừng đưa quân vào Nam, ắt sẽ có cuộc đảo chính, nhân dân Miền Nam sẽ đưa người yêu nước, có quá trình chống Pháp, Nhật, Mỹ lên, và Mỹ sẽ không lũng đoạn được. Nói cách khác, chính vì Bắc Việt tấn công Miền Nam, nên nhân dân Miền Nam không tự quyết được mà phải chịu cho Mỹ “cưỡng hiếp”, bị động nằm dưới quyền của bọn ngụy tặc từ Diệm cho đến Thiệu, rồi lại Minh. Cậu thấy thế nào? Theo tôi, đại đa số nhân dân Miền Nam lừng khừng.

Nhà văn Quyển vẫn rung đùi:

- Anh đặt vấn đề “giá như” cũng ngộ nghĩnh đấy. Quả thực, Mỹ sợ dùng người yêu nước chân chính, có quá trình chống thực dân, phát xít. Vấn đề nữa là vấn đề thể chế chính trị, cụ thể là quan hệ sản xuất... Trong giai đoạn Đổi mới này, có người bảo, thế thì giải phóng Miền Nam làm gì! Phải chăng những người cộng sản đang "thỏa hiệp"? “Thỏa hiệp với kẻ thù, vẫn sẵn sàng thỏa hiệp, nếu sự thỏa hiệp ấy có lợi cho cách mạng”, Lê-nin đã nói thế. Thôi, tạm ngừng vấn đề ở đó. Chuyện chính trị mệt lắm. Đại Hàn, Triều Tiên muốn mạnh lên, cũng phải tính chuyện thống nhất hai miền. Nước nhỏ cứ bị thằng Tây, thằng Tàu ép mãi, khổ quá.

Chú Nông nhìn thẳng vào nhà văn Quyển:

- Sách lược "thoả hiệp" tạm thời của Lê-nin, thật ra ngụy tặc bọn mình đã thực hiện từ lâu lắm rồi, với Pháp, Mỹ, "tả đạo", kể cả Nhật, để chống cộng. Rất đau đớn là từ một chín bảy lăm, sách lược "thoả hiệp" tạm thời với Mỹ, "tả đạo" để rồi sẽ quật lại đã bị hoàn toàn phá sản! Nhưng, mà thôi... Nói làm gì nữa! Đó là chuyện trước một chín bảy lăm. Vả lại, chấp nhận "thoả hiệp" là không thể chối cãi cái lốt ngụy tặc được. Chỉ có một chút lòng, nhưng thật khó biện giải, nói ra càng thêm bất lợi. Chắc cậu nhớ hai câu Kiều: "Ở đây tai vách mạch giừng, Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi"!

Chú Nông cười buồn, phẩy tay, lại muốn “cởi trói” cho mọi người:

- Còn đối với cách mạng bôn-sê-vích, nói là để nói cho vui. Bọn mình được giải phóng sao lại trở thành một lũ “không còn gì để mất” nữa, kể cả nhân phẩm và quyền sống! Cách mạng phải nghĩ cách cho mọi người tiến thủ. - Chú Nông bỗng bị nỗi mặc cảm ngụy tặc chận ngang cuống họng, một thoáng sau mới bật ra một tiếng cười khậc bi hài -. Ồ, mà nói thế thì thật là hèn hạ!

- Anh nói hơi quá đáng!... Bảo Đại đã nói: “Làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ” mà.

Chú Nông cười to:

- Thôi ông ơi, Nam Hàn và Bắc Triều Tiên đấy. Hồi nãy ông có nói đến. Bọn mình không phải là Diệm, Minh, Khánh, Thiệu, Kỳ... Nhưng oan ở chỗ bị bọn ngụy tặc ấy “cưỡng hiếp”. Ông phải hiểu, lịch sử là chuyện đã rồi nhưng không phải đã rồi. Đấy là bọn mình nói thẳng, không phải con nít để “bắt đền” lịch sử! - Chú Nông chợt ngừng lại, và nói -. Nhưng nói thế thì hèn hạ quá nhỉ!

- Xin lỗi ông anh và Hiền Lương. - Nhà văn Quyển nhỏ giọng lại -. Nếu tôi là Việt Nam Quốc dân đảng, hồi một chín năm tư, tôi dứt khoát không "thoả hiệp" với "tả đạo". "Thoả hiệp" với "tả đạo" là không thể ăn nói gì được nữa, bởi toàn thế giới đều rõ lịch sử cũng như bản chất của "tả đạo" ở Việt Nam là phản quốc! Xin lỗi, chỗ anh em, tôi nói thành thật vậy đó. Và anh cũng đã nói rồi: chấp nhận "thoả hiệp" là không thể chối cãi cái lốt ngụy tặc được.

- Cậu muốn nói đến giải pháp Đài Loan, phải không?

- Đúng quá! Đài Loan cho đến nay, vẫn danh chính ngôn thuận. Trung Quốc lục địa chả làm gì được, bởi cách mạng Tân Hợi có trước, từ một chín mười một (1911), trước cả cách mạng Tháng mười Nga một chín mười bảy (1917)... Việt Nam Quốc dân đảng cũng thế... Nếu hồi đó, thằng Mỹ đừng ngu, và nó thật lòng "giải thực", ủng hộ Việt quốc, thì các anh đỡ mang tiếng là ngụy tặc rồi, bây giờ cũng đỡ mặc cảm với cán bộ tập kết, cán bộ Miền Bắc, phải không anh Nông? Nếu Việt Nam Quốc dân đảng nắm quyền ở Miền Nam chứ không phải Diệm, Minh, Thiệu, Kỳ ("tả đạo" và lính ngụy của Pháp), thì cho dù nói theo cách nói của anh Nông, là Miền Nam chiến bại, cũng là chiến bại trong danh dự. Nhưng... Mỹ vẫn là đế quốc chủ nghĩa, "tả đạo" vẫn là "tả đạo", còn Việt quốc các anh thì vừa yếu, vừa kém, thành ra còn thể thống gì nữa! Đến thế hệ cùng lứa tôi và bạn bè tôi đây, cũng không phải không oán thế hệ trước!

- Đúng như cậu nói, bọn mình vừa yếu, vừa kém. Thật là một lũ bất tài, dẫu còn có chút lòng yêu nước! Bây giờ không còn chút tư cách gì để ăn nói nữa, phải ngậm bồ hòn làm ngọt. - Chú Nông nghẹn ngào -. Thế hệ bọn mình lại oán thế hệ trước nữa!... Thôi, quên đi! - Chú Nông gượng cười.

Nhà văn Quyển ngập ngừng, rồi nói với nét mặt cảm thông, chia sẻ, thân tình, muốn xua bớt không khí u uất này:

- Hiền Lương! Hình ảnh người lính ngụy là thiếu úy Nông đây! Tất nhiên là hoàn cảnh khác, tính cách có khác. Nhưng xin cam đoan với trái tim tôi, chỉ khác bộ áo quần thôi, từ áo màu cứt ngựa sang áo màu dân sự... uả, quên, từ màu cỏ úa sang màu... tùm lum các màu!... Thôi, hãy bàn Phật tánh, “nhân chi sơ tính bổn...” gì!

Hiền lương và chú Nông bật cười. Nhà văn Quyển vờ phớt tỉnh rất hài. Chú Nông sực nhớ Phơ-rớt và ý niệm bổn lai diện mục.

- Hôm nọ, cậu có bảo, chống “quan hệ phong tục” là sao? Phong tục ta đẹp thế còn chống gì? Một trong những biểu hiện của văn hiến là quan hệ huyết tộc phi tính dục! Tình cảm ruột thịt như thế sẽ cực kì trong sáng, hay ít ra cũng chỉ thuần tình cảm. Khoa học đã chứng minh, hôn nhân đồng huyết sẽ sinh ra nhiều “quái thai”, dẫu đột biến có “thiên tài”, và cũng chứng minh lai giống sẽ tốt hơn... như gia súc... - Chú Nông cười -, như lúa...

- Quan hệ phong tục trong Tân ước, theo lời dạy của Chúa Giê-su ấy, gần như tục “nối dây” trong trường ca Đăm San. Rồi bọn Tây hiện đại, kể cả Nga nữa, chị họ, em họ đều cưới tuốt, kinh thật! Nhưng ở Phương Tây, hôn nhân khác dân tộc cũng nhiều. Ngẫm lại mình, thật là văn hiến!... Mình nên lai giống với ngân hàng tinh trùng có chọn lọc công phu, gọi đúng là Kho Tinh trùng, nhưng chỉ giữa năm mươi mấy sắc tộc trong nước thôi... Ồ, tuy thế, vẫn còn nhiều cặp vợ chồng cùng họ, mặc dù đã cách biệt mấy chục đời và khác địa dư, ví như Nguyễn ở Sài Gòn lấy Nguyễn ở Hà Nội!... Nói vớ vẩn vậy thôi... Đạo đức có tính lịch sử - cụ thể mà! Loài người vốn kinh tởm! - Nhà văn nhà giáo Quyển nhăn mặt rồi cười khà khà.

Hiền Lương hơi giật mình.

- Thế là rơi xuống vực thẳm hạ bệ Con Người rồi?- Chú Nông cười, “bắt thóp” Quyển một số truyện ngắn về phong tục, đặc biệt là trong thời “bình Tây sát tả”.

- Đấy là sự thật lịch sử của loài người. Vạn vạn năm sau vẫn còn mặc-cảm-bầy-đàn thời hồng hoang nguyên thủy, loài người ơi! - Giọng Sài Gòn của nhà văn Quyển bỗng ngâm nga! - Vấn đề là văn hóa, văn hiến đã làm thăng hoa cái hạ ngã, chế ngự bản năng tính dục vô văn hóa, vô văn hiến của thú vật còn sót trong con người. Anh đã nói hôm nọ rồi... Như vậy, có Thượng đế Giê-hô-va không?!

Chú Nông trầm ngâm nghĩ về Ơ-đíp, kẻ giết cha lấy mẹ, tự trừng phạt.

- Mặc cảm hay phức hợp tâm lí Ơ-đíp kiểu như Phơ-rớt, quả là ghê sợ. Mọi quan hệ tình cảm trong gia đình, ngoài xã hội đều bị chi phối bởi bản-năng-loạn-luân! Anh này yêu cô gái kia qua hình ảnh vô thức về mẹ anh ta. Cô gái này yêu như sét đánh, yêu tức khắc anh kia qua thiện cảm vô thức về tính cách anh ruột hoặc cha của cô ta... Đấy là phức hợp tâm lí? ... Và ghen tuông...

- Hồi học phổ thông, tôi học theo bộ “Anh ngữ cho hôm nay”. Trong đó, có một truyện ngắn, Œdipus complex (Ơ-đi-pớt com-p-lét-x), ở cuốn 6. Tôi thấy một nhà văn vận dụng Phơ-rớt hơi khiên cưỡng. Tôi chỉ tin mầm sinh dục chỉ bắt đầu đâm chồi nẩy lộc trong con người lúc đến tuổi phát dục sinh lí, “nữ thập tam, nam thập lục”. Trước tuổi phát dục, tình cảm giới tính chỉ là sự học đòi, gọi là tình-cảm-học-đòi. Tuổi tâm lí và tuổi sinh lí phải thống nhất... Thằng bé trong truyện ngắn ấy chỉ thể hiện tâm lí mất địa vị độc tôn trong tình thương của mẹ khi cha đi lính sau nhiều năm mới trở về nhà, và nó ngây thơ muốn chiếm lại vị trí độc tôn ấy. Chả có gì Ơ-đíp cả! Nhiều, rất nhiều nhà văn bị Phơ-rớt ám ảnh, nhìn gì cũng thấy Ơ-đíp. Họ xuất phát từ khái niệm để sáng tác! Đúng là một thứ minh họa... Con bú tay là li-bi-đô?! Con bú mẹ mà Ơ-đíp thì bậy quá, là sai! Môi miệng là vùng nhiều thần kinh cảm giác thôi... Chức năng, xin lưu ý điều đó... Chính bản năng ăn uống, tranh ăn tranh uống, giành giật quyền lợi mới là bản năng chủ yếu. Bản năng truyền giống cũng chỉ là thứ yếu. Không ăn sẽ chết, không truyền giống vẫn sống khỏe. Có nhiều tu sĩ, nhiều người đời vẫn suốt đời độc thân. “Vô hậu kế đợi”, vì họ không thích đời sống vợ chồng... Đời sống tu sĩ là tấm gương hùng hồn!

- Chiêm bao Ơ-đíp tính? Bị dồn ép, bản-năng-loạn-luân sẽ biến thành giấc mơ loạn luân. Siêu ngã trong vô thức làm biến hình... thành đồ vật, như cái bút trong bao đựng bút, như động tác đậy nắp bút... Cậu thấy đúng không?... Trái cấm! Tại sao Thiên Chúa đã tạo ra cái thiện, lại tạo ra cái ác nữa? Thiên Chúa bày đặt ra trái cấm, cấm con người phân biệt thiện - ác, làm gì nhỉ? Tại sao tạo ra tội loạn luân cho gia đình Nô-ê? Lại bày đặt rửa tội-Nô-ê-truyền (tội tổ tông truyền) để làm chi rứa? Nói chung, Thiên Chúa toàn năng sao lại bày đặt cái dục với sự ngu mù và bày đặt chi trái cấm, thực chất là thứ quả giúp A-đam và E-va mở mắt, phân biệt thiện - ác, bày đặt ra làm gì như thế cho nhân loại khổ, và cũng chẳng cứu rỗi được gì! Cứu gia đình Nô-ê mà cứu như thế sao? Cứu rỗi bằng mình và máu chúa Giê-su là một cách cứu rỗi bất lực và bi đát. Có hiệu quả chi đâu! Thật sự là Thiên Chúa là một kẻ có tâm địa xấu, bất toàn, hoặc chính xác, Thiên Chúa chính là quỷ dữ Sa-tăng. Tóm lại, tôi hết tin có Thiên Chúa rồi! Nếu có Thiên Chúa thật, thì Thiên Chúa phải tạo ra một thế gian tuyệt vời, chỉ thuần tuý cái thiện chứ, và loài người không có khả năng hư hỏng, bị cám dỗ chứ! Nếu có Thiên Chúa thì Giê-su cứu rỗi phải có hiệu quả chứ! Nhưng thực tế lịch sử quả đất và lịch sử nhân loại là ngược lại! Cậu thấy đúng không? Tôi hết tin có Thiên Chúa rồi! - Chú Nông bật cười -. Thôi, cậu nói tiếp về Phơ-rớt và mặc cảm Ơ-đíp đi. Nếu loài người còn mặc cảm Ơ-đíp, có nghĩa là phép bí tích rửa tội tổ tông A-đam - E-va truyền (tội không vâng lời Chúa, "tội" không muốn ngu và mù, "tội" muốn phân biệt được thiện - ác), phép bí tích đó cũng đồng thời rửa tội tổ tông Nô-ê truyền (tội loạn luân), chả có tác dụng gì! Ý cậu muốn kết luận vậy chứ gì? Cậu nói tiếp đi.

- Phơ-rớt cường điệu hóa đến tởm lợm. Chả lẽ tặng người yêu cây bút là đã vô thức tính đến chuyện ấy? Và có khuynh hướng giải quyết mặc cảm Ơ-đíp, bản năng tính dục bằng cách khuyến khích quan hệ tình dục nam nữ sớm, mãi dâm! Không, văn hóa sẽ chế ngự tất. Văn hóa gồm cả phong tục tốt đẹp sẽ làm thăng hoa tất, nghĩa là giải tỏa bản-năng-bầy-đàn, tính dục theo hướng học tập, lao động, giải tỏa sinh lực thừa bằng thể thao, văn nghệ... Tất nhiên văn hóa văn nghệ phải lành mạnh.

- Nói đến đời sống thanh khiết của tu sĩ, mình liên tưởng đến Bác Hồ. Ổng không có con, chẳng có cháu. Anh chị Bác đều không vợ, không chồng. Có lẽ họ có tật bẩm sinh ở bộ phận sinh dục. Rất nhiều nhà con cái đều có cùng một dị tật bẩm sinh giống nhau, không có gì lạ (27).

- Cũng có thể. Không có lãnh tụ cách mạng nào không có vợ, ngoài Bác Hồ. Có thể không phải chỉ vì lí do bận việc nước. Ổng đã từng thú nhận, ổng có hai khuyết điểm và chỉ hai khuyết điểm thôi, là hút thuốc lá, không lấy vợ, mặc dù ổng rất thích đàn bà phải tốt và đẹp. Ngoài hai khuyết điểm ấy, đời sống riêng của ổng là Thánh! Nhưng chạm đến tật nguyền của người khác là vô nhân đạo và kém văn minh, lịch sự (II.15).

- Suy tôn lãnh tụ? - Chú Nông cười, tỏ vẻ hối hận, áy náy -. “Đất không có thánh nhân” mà! Ờ, nhưng thanh minh, tức là làm rõ sự thật, về Bác như thế, quá bất kính!

-  Đúng. Bác còn tự tạo uy tín chính trị bằng nhiều cuốn sách kí tên khác như Trần Dân Tiên, T. Lan... và đề nghị văn nghệ sĩ ca ngợi mình, như một thủ thuật chính trị để tranh thủ quần chúng. Đó là một cách ma-ki-a-ven-lít lương thiện, như Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung... đã từng thực hiện. Cũng có thể đó chỉ là những tác phẩm xuất phát từ cảm nghĩ chân thành nhất của văn nghệ sĩ với ý thức trong sáng nhất của họ trước một nhân cách lớn là Bác Hồ. Họ viết về Bác như viết về cha, về mẹ của mình. Có điều, lẽ ra chỉ nên công bố sau khi Bác qua đời... Trở lại thủ thuật ma-ki-a-ven-lít lương thiện: suy tôn lãnh tụ, mặc dù chủ nghĩa Mác chống tệ sùng bái cá nhân lãnh tụ như giáo chủ của các tôn giáo... Vả lại, một giáo sư nói đúng, tâm lí quần chúng dễ giác ngộ nhờ uy tín cá nhân lãnh tụ hơn là uy tín Đảng. Khái niệm Đảng hơi trừu tượng. Đảng, ấy là hình thức đấu tranh hiện đại với ý thức chính trị hiện đại. Tâm lí chính trị hiện đại của tầng lớp trí thức là hướng về Đảng, trí tuệ tập thể. Quần chúng đông đảo họ quen ý niệm phò minh chúa, cá nhân lãnh tụ.

Chú Nông vỡ lẽ, vỗ đùi:

- Cách mạng “ba mươi” kinh thật. Ông làm chính trị được đấy!... Như vậy nước mình phải có năm vị đồng chủ tịch nước, để khỏi độc tôn cá nhân.

Nhà văn Quyển cười, ngâm nga, biết đấy chỉ là đùa bỡn cho vui:

 

- ... “Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt

Sở vương đài tạ không sơn khâu” (II.14).

 

... Tôi ngu gì lại đi làm chính trị! Làm cái gì đúng sở trường mình là thông minh nhất, - Quay qua Hiền Lương, nhà văn Quyển cười -, phải không Hiền Lương? ... Trở lại vấn đề hồi nãy, quần chúng đông đảo vốn mê tín lắm... Chúa Giê-su, các tu sĩ đều “vô hậu”... Lý Thường Kiệt, Lê Văn Duyệt đều là thái giám cả đấy (một người thì công đức như đỉnh núi, một người còn có vấn đề nhưng vẫn là tướng tài). Bất hiếu mà xem “vô hậu vi đại” là phong kiến... hơn cả phong kiến!... Cũng như điềm lành, điềm dữ..., kẻ mê tín nhìn đâu cũng thấy thần linh báo trước! Đúng là một thứ “ấu trĩ hữu khuynh” lạc hậu!... Người bị định kiến do hệ giá trị nào đó ăn sâu vào não trạng thường nhìn nhận mọi con người, mọi sự việc, theo hệ giá trị vốn đã trở thành định kiến. Đánh giá một con người, căn cứ vào sự cống hiến của con người đó cho Tổ quốc, nhân loại, chứ không phải căn cứ vào sự tật nguyền hay không tật nguyền sinh thực khí, “vô hậu” hay “có hậu” (có con nối dõi hay không)... - Sực nhớ một ý tưởng, mãi sa đà suýt quên mất, nhà văn Quyển nói -. Ờ, hay đó! Năm vị cộng sản đồng chủ tịch cho khỏi độc tôn cá nhân...

Chú Nông cúi đầu chiêm nghiệm:

- Nhưng... Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều điều ma-ki-a-ven-lít, Tào Tháo chủ nghĩa rất độc ác, không thể thanh minh được. Giết hại Khái Hưng, Phan Văn Hùm (?), Tạ Thu Thâu (28), những nhà yêu nước! Lập chính phủ liên hiệp thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi loại trừ dần Quốc dân đảng... (I.115)! Kinh khủng thật! Giết, hoặc bôi nhọ, giết chết sinh mệnh chính trị, đạo đức người yêu nước khác chính kiến là có tội với dân tộc... Theo tôi, biện pháp thời chiến cũng chỉ nhốt người khác chính kiến lại, và đối xử thật đàng hoàng, hòa bình thả ra thì tốt hơn. “Tiên sư thằng Tào Tháo”, tức là “Đôi Mắt” của Nam Cao, phần nào phản ánh được nhận thức của nhiều loại người... Tôi cũng hãi hùng chính trị lâu rồi, ông ạ. Trước đây, tôi theo Quốc dân đảng... Tôi và lịch sử mãi tự hào về Nguyễn Thái Học với Quốc dân đảng, dẫu Quốc dân đảng và Đại Việt đảng (I.115) là hai đảng yêu nước, vốn từ một phân hóa thành hai, sau này đều đã thoái hóa; Đại Việt đảng còn biến chất, thân Nhật; rồi sau năm tư, cả hai đảng đều bị chèn ép mọi phía, trở thành “thỏa hiệp”, “xôi thịt”... Mệt lắm! Ngán ngẫm lắm! Cũng phải nhớ văn chương chống cộng ở Miền Nam trước đây cũng sa-đích lịch sử và bôi nhọ kháng chiến - những hình tượng Vẹm và Vi-xi thật kinh tởm! Mệt lắm! Ngán ngẫm lắm!... Aắ, Chúa Giê-su cũng khơi mào chủ nghĩa xã hội đấy, nếu hiểu hình tượng Giê-su một cách nhất quán với những hạn chế lịch sử! - Chú Nông thở dài, mắt vẫn nhìn theo khói thuốc lá.

Cả ba người rơi vào từ trường của vết thương chung.

Không khí bỗng im lặng giữa ba người. Nhà văn Quyển nhấp một ngụm cà phê đã nguội ngắt, và đùi lại rung.

- Phơ-rớt với phức hợp tâm lí Ơ-đíp rồi! Giờ bàn Phật tánh với bổn lai diện mục hay thiện căn, kể cả cái dục đi! - Nhà văn Quyển rung đùi nói, nhưng nét mặt xem ra cũng hết hứng thú (II.15).

Chú Nông lắc đầu, bảo cứ bàn tiếp vấn đề “ngụy”. Nói quanh quẩn một vài điều, nhà văn Quyển bỗng ngậm ngùi:

- Chuyện lịch sử, một giai đoạn lịch sử đã qua nhưng các khuynh hướng của nó vẫn còn vận động và phát triển, như bếp lửa đã ủ tro nhưng vẫn còn nóng đỏ than hồng. Do đó, cũng phải bàn, để bếp ấy có thể nấu cái gì. Tôi tin ai cũng muốn nấu nên cơm chứ chẳng luyện chất độc. Tôi cam đoan mọi người lính ngụy Miền Nam đều yêu nước. Chẳng lẽ một nửa dân tộc ở Miền Bắc yêu nước, còn một nửa dân tộc ở Miền Nam cam chịu kiếp nô lệ, chỉ yêu nước ít ít sơ sơ thôi? Thử thống kê lại xem có bao nhiêu gia đình ở Miền Nam có công với cách mạng? Tôi tin số lượng ấy cũng ít ít sơ sơ thôi, khoảng vài chục phần trăm, tương đương với tỉ lệ đích thực như thế ở Miền Bắc. Một điều tuyệt đối đúng là đa số nhân dân đều thuộc lực lượng thứ ba. Đó là lực lượng chống Thiên Chúa giáo, Tây Ban Nha, Pháp, Nhật, Mỹ, và không cộng sản, không thể chấp nhận Liên Xô, Trung Cộng... Và bi kịch là ở chỗ khá nhiều người bị hoàn cảnh (phân liệt ý thức hệ, chia cắt Đất nước) bắt buộc phải thoả hiệp với Mỹ - ngụy, “tả đạo”. Đó là sự thật lịch sử. Hay có thể diễn đạt nhẹ bớt như thế này: không phải cứ yêu nước là phải cộng sản. Nói rõ, trừ một số ít, rất ít là cam tâm bán nước cầu vinh, còn tuyệt đại đa số nhân dân Miền Nam yêu nước nhưng chẳng hiểu cộng sản là gì. Tất cả đều bị bức hiếp bằng hệ thống bạo lực, bị ám thị sai lệch, bị nhồi sọ một cách êm dịu... Một số khác ở trong “thế kẹt lịch sử”... - Nhà văn Quyển cố ý tránh né, không nói đến quá trình phản quốc của Thiên Chúa giáo Việt Nam suốt cuộc chiến tranh một trăm mười bảy năm (1858 - 1975), anh nói tiếp -. Bây giờ đã rõ duy vật và cộng sản.

Chú Nông cười, vỗ đùi, nhưng rồi buông thõng cánh tay.

- Mình đã đọc chủ nghĩa Mác từ trước bảy lăm, mình rất thích. Nhưng con người cứ bị lịch sử lôi đi. Phải nói rõ mình thích lí thuyết cộng sản mác-xít, nhưng thực tế về những cuộc bạo hành, đàn áp trí thức, những cuộc trả thù giai cấp kinh sợ làm mình ngán. Mình thấy những người cộng sản phạm quá nhiều sai lầm, khi đối chiếu với khát vọng, với lí tưởng nhân bản của họ. Sau Ngày Giải phóng, mình có tâm thế của kẻ bị trừng trị, nên tư tưởng, tâm lí không thể bình tĩnh được. Lập trường, ấy là chỗ đứng. Quan điểm, ấy là điểm nhìn. Cái thế đứng của mình quy định cái nhìn, cái tâm lí, tư tưởng của mình. Tâm thế của mình không thể thích nhìn cái tốt, nói rằng tốt, mặc dù trong thâm tâm thừa nhận những cái tốt của người cộng sản kháng chiến chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ, chống Tàu, Khơ-me Đỏ... Bọn mình chỉ ưa thấy cái xấu, cái sai, cái lố bịch của họ, cả cái dốt của các cán bộ, và khoái trá phóng đại lên thành chuyện tiếu lâm chính trị, cộng vào số truyện tiếu lâm chính trị được truyền khẩu từ ngoài Bắc vào... Nhưng thôi, mệt lắm, ngán ngẫm lắm! Thực lòng, mình là trí thức, mình cũng muốn đóng góp cho Đất nước, nhưng ai cho bọn mình đóng góp! Sự ngoan cố lớn của bọn mình chạm ngầm mà nẩy lửa với sự ngoan cố nhỏ của họ... - Chú Nông dừng lại, nhìn Quyển -. Ngay cách dùng từ của mình bây giờ vẫn còn thể hiện cái tâm lí từ thế đứng của mình. Đấy là sự mặc cảm, đau đớn, và cả nổi loạn, phá phách, mặc dù chỉ trong tư tưởng, thậm chí hỗn láo với cả Bác Hồ, Đức Phật, Chúa...

Nhà văn Quyển vốn viết văn rất tế nhị, anh bỗng buông một ý tưởng trong một ngữ điệu chân thành nhưng thật thiếu tế nhị:

- Đóng góp cho Đất nước! Và trí thức không thể mù trước chân lí, trước sự sai lầm khi thực hiện chân lí! Ai cũng phải sống chứ không chỉ hiện hữu, tồn tại như vật thể. Phải sống, phải sống, sống hết mình cho Tổ quốc và Quả đất, - Như một nhà hùng biện, nhà văn Quyển bỗng ngừng -, phải không Hiền Lương?... Để đóng góp cho đời, trả nợ cho đời, làm-thơ-viết-văn-vẽ-tranh là một cách. Ăn gạo nông dân, mặc áo công nhân, học chữ thầy cô giáo... phải có cái gì trao đổi chứ. Trả bằng nghệ-thuật-đổ-mồ-hôi-não-sôi-nước-mắt-tim của mình không xứng sao! Dại gì phải làm chính trị.

Chú Nông cúi đầu chiêm nghiệm.

Chú nói như độc thoại:

- Ngày trước, mình học khoa học - kĩ thuật, chắc bây giờ đỡ tủi thẹn với đời rồi. Đất nước cần nhiều nhà khoa học - công nghệ hơn là cần nhiều nhà chính trị, mặc dù các nhà chính trị cực kì quan trọng - họ lèo lái, dẫn dắt cả dân tộc, nếu được nhân dân tín nhiệm. Nhưng nghĩ cho cùng, để lập công với nước, hà tất phải làm quan chức. Ngày xưa, kẻ sĩ chỉ có một con đường độc đạo là làm quan, “tiến vi quan” còn “thoái” mới “vi sư”, huấn sư, y sư, bốc sư! Cái tư duy ấy nó còn quán tính trong nếp nghĩ của đa số... Nhưng bọn trẻ tiến thân trên con đường khoa học - công nghệ, lập công bằng kĩ thuật của khoa tự nhiên, biết có được thuận lợi không, có gì ngáng trở không? Lí lịch, lí lịch, mà lại lí lịch của cha mẹ, thân thuộc, những người mà bọn trẻ chẳng chịu trách nhiệm được!... Tôi không làm chính trị, nhưng tôi suy tư... Chỗ bạn bè cũng tâm sự cho hết lẽ với nhau.

Nhà văn Quyển nhìn thẳng vào mắt chú Nông. Anh cúi đầu ngẫm nghĩ. Ngẩng mặt, anh nhìn Hiền Lương, rồi lại nhìn chú Nông. Bất ngờ, anh dằn hai tiếng: Hãm tài, và nói:

- Thật ra, ai cũng muốn “lên”. Vấn đề là “lên” như thế nào. Người không muốn “lên” trong làm ăn, buôn bán, học tập, quan chức, tay nghề, kể cả tay nghề văn chương, ấy là kì đà cản mũi thiên hạ. Người ấy sẽ “đè” người khác... Trước bảy lăm, tôi có nghe một chuyện tiếu lâm chính trị thế này. Thằng Tây, tức là bọn Pháp, thời thực dân cũ, hiếp dâm một người đàn bà. Chồng chị ta núp trong bụi cây, thấy, nhưng chả làm gì được vì thằng Tây có súng, có các thằng Tây khác canh chừng. Khi Tây rút khỏi làng, ông chồng lấy roi mây đánh vợ. Vợ khóc kêu oan. Chồng bảo: “Tao không đánh tội bị hiếp dâm, nhưng tao đánh tội “nảy lên” của con đĩ là mày!”. Bọn tay sai của thực dân, chất đĩ của chúng còn tệ hơn thế nữa! Tôi kể chuyện tiếu lâm nhưng kể nghiêm túc. Không thể đánh đồng thực dân Pháp với Cách mạng trong cái sự “cưỡng hiếp” và sự  “nảy lên”, sự “lên”này được, thế mà thậm chí có bọn vô liêm sỉ đã bày ra cái trò trả đũa bằng cách tố cáo “sự sa-đích văn hóa - lịch sử” của Cách mạng một cách quá kinh tởm! Có thể đó là do bọn thực dân, đế quốc, phát-xít và “tả đạo” phục thù chăng? Hay Cách mạng tự phê phán và phê phán? Thật ra, cái “đè” không giống nhau! - Nhà văn Quyển chợt bật cười -. Nói cho đúng, bọn Tàu sa-đích cũng chẳng kém gì bọn Tây. Bọn Tàu Đại Hán chủ nghĩa, bảo hoàng như Lương Khải Siêu và bao nhiêu tên sử gia Tàu trước Lương Khải Siêu mấy trăm năm nữa, sa-đích cũng khủng khiếp lắm! Thế mà cũng có kẻ "lên", "nảy lên"! Thật quá đau lòng. Bọn vô liêm sỉ đã bày ra cái trò phục thù, trả đũa bằng cách tố cáo "sự sa-đích văn hóa - lịch sử" của Cách mạng này quả là quá kinh tởm. Rõ là một loạt danh nhân dân tộc đều bị xúc phạm, từ Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Phan Bội Châu, cho đến Hồ Chí Minh, Lê Duẩn (29), và cả giáo chủ như Chúa Giê-su cho đến các thánh như Ma-ri-a, Giu-se cũng đều bị xúc phạm. Vì vậy, một số tên giáo hoàng, các cố đạo thuộc "tả đạo" Thiên Chúa giáo, thực chất đều là thực dân, với lại cả những tên tay sai như Tạ Văn Phụng, Trần Lục, Diệm, Nhu, Lệ Xuân, Cẩn..., không thể thoát khỏi ô nhục. Cái trò phục thù bẩn thỉu, vô liêm sỉ này tung ra, và do đó bị đánh trả để bọn thực dân, "tả đạo" muôn đời bị ô nhục... Bọn bảo hoàng, Đại Hán chủ nghĩa như Lương Khải Siêu (và cả cụ Phan Bội Châu) cũng phải trả món nợ lịch sử! Những kẻ nghiên cứu sử học, biên soạn sử kiểu sa-đích của Mỹ - ngụy, của Cách mạng cũng không thoát nổi! Những tên nhà văn, nhà báo phản động, lưu vong xuyên tạc, bôi nhọ Bác Hồ (như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Lữ Phương) cũng thế! Nếu chỉ kể trong giai đoạn 1858 - 1989 (một trăm ba mươi mốt năm), số lượng nhân vật Việt Nam, nhân vật ngoại quốc thuộc loại nổi tiếng hiện tăm can dự vào giai đoạn ấy như những tên sa-đích văn hoá - lịch sử, có lẽ đến hàng trăm!... - Nhà văn Quyển nói một tràng thao thao như trút hết nỗi giận, chợt tự đính chính -. Ồ, tại sao lại dùng từ đánh trả nhỉ? Làm rõ sự thật thì đúng hơn! Phải làm rõ về "tả đạo" và bọn thực dân, phát xít, đế quốc cho chúng muôn đời ô nhục! Ồ, còn bọn sa-đích văn hoá - lịch sử nữa! Phải làm rõ về chúng! Phải làm rõ tất tần tật!

- Nhưng đã rõ trắng đen, không thể mập mờ lẫn lộn được! Ai sa-đích? Ai xuyên tạc, bôi nhọ? Ai là nạn nhân? - Chú Nông bực bội, chua chát nói -. Thôi, báo chí, sách sử vẫn còn đó. Thiên hạ đâu có ngu! Cậu thừa biết rằng, bọn nào đó xuyên tạc, bôi nhọ mình; và không chỉ thế, thậm chí chúng còn xúi giục một phân số quần chúng kích động mình, khiến mình điên tiết, quyết cãi lại, quyết cải chính cho được; hoá ra như thế là mắc mưu chúng, rơi vào tình huống chuyện không thành có hoặc chuyện cái sảy nảy cái ung, mà lại ung thư, chứ không phải ung nhọt thường. Nó bôi nhọ ta bằng một bài báo, một cuốn sách; ta tức mình, cải chính; rồi cứ thế mà "pháo kích" qua, "phản pháo" lại, ỏm tỏi, ầm ào cả lên, gây chấn động cả thiên hạ. Hậu quả là bên nào cũng bị "lãnh sẹo", nếu không "ngoẽo củ tỏi". Nhưng cũng có những câu ngạn ngữ hay tục ngữ gì đấy, đại để là: im lặng là đồng loã hoặc mặc nhiên thừa nhận; câu khác, lộng giả thành chân; và câu khác nữa, với ý tưởng thế này, những điều xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử cứ lặp đi lặp lại mãi riết rồi cũng thành sự thật lịch sử, mọi người đều tin, đều học thuộc lòng không một chút nghi ngờ. Khốn nạn là thế đó. Cho nên, có nhiều trường hợp phải "phản pháo", phải cải chính, phải thanh minh, không thể im lặng. Phải làm rõ lịch sử một cách có văn hoá hơn! Phải hội nghị, hội thảo khoa học, phải công bố trên báo, phải xuất bản thành sách. Phải mổ xẻ, đánh giá các loại kinh điển, từ Kinh thánh, cho đến các toàn tập của các học thuyết, nói chung là các tôn giáo, ý thức hệ trong cuộc chiến tranh 131 năm vừa qua (1858 - 1989), và phải công bố trên sách báo. Phải ghi công, quy tội các loại sử gia, nhà văn, nhà báo, chính trị gia, giáo hoàng các thứ, cũng bằng sách báo, một cách hết sức văn hoá, chứ đâu phải độc quyền ăn hiếp, hàm hồ như thế!... Nhà văn như cậu, cậu thừa biết là có điều luật hình sự phạt tù những tên nào dám xúc phạm danh nhân, xúc phạm kinh điển, bằng kiểu này hay kiểu nọ đấy!

Nhà văn Quyển gật đầu:

- Tôi biết...

Nhà văn Quyển chợt ngừng lại, bỏ lửng câu nói. Anh thấy rõ ngay chính anh cũng đã hằn học quá đáng. Anh phê phán bọn phục thù, trả đũa sự sa-đích văn hoá - lịch sử bằng thủ đoạn, thậm chí bằng cả một kế hoạch, là vô liêm sỉ, là độc ác, nhưng ngay chính anh với những lời lẽ, ngữ điệu vừa tuôn ra, không phải là bình tĩnh chút nào. Nhà văn Quyển không phải không hiểu rằng, xuyên tạc sự thật lịch sử, bôi nhọ cá nhân nhân vật lịch sử có ít ra là hai trường hợp: xảy ra ngay trong lúc hiện thực đang diễn tiến, ngay trong thời gian nhân vật lịch sử đang tại chức; xảy ra do người nghiên cứu sử, bình luận sử thuộc thế hệ sau, khi sự kiện và nhân vật lịch sử đã trở thành quá khứ xa. Ở trường hợp thứ nhất, việc xuyên tạc, bôi nhọ thường là tạo nên sự cố cho tình hình, tai hoạ cho cá nhân đang có cương vị, uy tín hoặc đang nắm giữ quyền lực tinh thần hay quyền lực vật chất đáng kể. Việc xuyên tạc, bôi nhọ này quả thật, là một động tác chi phối vào diễn trình lịch sử (tạo nên cái án tru di tam đại của Nguyễn Trãi; làm mất uy tín của Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, nhằm dập tắt phong trào Cần vương). Ở trường hợp thứ hai, kẻ xuyên tạc, bôi nhọ một giai đoạn lịch sử đã trôi qua khá xa với các nhân vật lịch sử đã chết từ lâu, là chỉ nhằm vào tình hình xã hội hiện tại của kẻ đó và tâm thế cá nhân, quyền lợi tập đoàn của y. Việc xuyên tạc, bôi nhọ ấy cố nhiên không tác động gì đến giai đoạn lịch sử, nhân vật lịch sử quá khứ bị nhắm đến, nhưng đó cũng là một vấn đề thuộc sử học (ví dụ cho loại này thì vô số!). Nhà văn Quyển không phải không hiểu, trong thực tế, khía cạnh đời tư, cá tính, nhân cách đạo đức của cá nhân lịch sử ít nhiều cũng chi phối đến hành vi, thái độ, chủ trương chính trị của họ và ảnh hưởng đến tâm lí chính trị của quần chúng, nhất là ảnh hưởng rất tiêu cực một khi bị xuyên tạc, bôi nhọ. Tuy nhiên, đối với nhân vật chính trị trong lịch sử, vấn đề đời tư, cá tính, nhân cách đạo đức, chưa phải là vấn đề lớn, mà vấn đề lớn chính là hành vi chính trị, thái độ chính trị, chủ trương chính trị và tài năng trong lĩnh vực lãnh đạo của cá nhân ấy (quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hoá...). Chính thủ đoạn sa-đích về mặt chính trị mới tai hại nghiêm trọng. Yêu nước hay phản quốc, thân dân hay phản dân (chống giặc, cứu nước hay nịnh giặc, câu kết với giặc nhằm bán nước, hại dân), làm tăng thêm vinh quang cho Tổ quốc, dân tộc hay tổn thương đến quốc thể, danh dự dân tộc... Đó mới là khía cạnh nghiêm trọng nhất. Cũng không kém tầm nghiêm trọng là việc xúc phạm kinh điển (nói chung là xúc phạm văn hoá). Nhà văn Quyển ngẫm nghĩ trong một thoáng, và anh nhận ra một cách rạch ròi, anh luôn luôn đau đáu niềm khát vọng được tiếp cận chân lí cũng như sự thật lịch sử, muốn đấu tranh cho sáng rõ chân lí, sáng rõ sự thật lịch sử, nhưng anh không thể đồng tình, đồng loã với thủ đoạn ba que xỏ lá, tiếu lâm chính trị, kiểu sa-đích, ma-ki-a-ven-lít. Xét cho cùng, đó là thủ đoạn hạ cấp. Mặt khác, xúc phạm lại sự xúc phạm, xét cho cùng, cũng hạ cấp, bẩn thỉu, đê mạt, chứ chẳng tốt đẹp gì!

Nhìn thẳng vào chú Nông, Quyển trả lời câu hỏi thật ra là lời nhắc nhở về luật hình sự dành cho những kẻ xúc phạm danh nhân lịch sử, xúc phạm văn hoá:

- Vâng, tôi biết, nhưng đây là chuyện quái lạ ngay trên báo chí, sách sử, thời xưa, thời ngụy, thời này, trong nước, ngoài nước, nói chung là từ cổ chí kim trên toàn thế giới. Tôi biết có điều luật hình sự phạt tù những kẻ tà tâm xúc phạm bất kì công dân nào, cá nhân nào, nhất là tội càng nặng khi xúc phạm danh nhân lịch sử, gồm danh nhân dân tộc, nhưng đồng thời tôi cũng biết rất kĩ, rất chắc chắn rằng, ai cũng có quyền nghiên cứu khoa học, quyền bình luận (nói có sách, mách có chứng) về các danh nhân, kể cả những giáo chủ tôn giáo, học thuyết, như Chúa, Phật, Khổng, Lão, Ma-hô-mét, Mác... với kinh điển của họ... Các vị ấy, kinh điển của họ được nghiên cứu, bình luận như những con người, tác phẩm đã được lịch sử chính trị, lịch sử văn hoá, gồm cả tôn giáo, ghi tên. Tôi nhấn mạnh, thưa ông anh Hoàng Nông, quyền nghiên cứu khoa học, quyền bình luận (nói có sách, mách có chứng) về các loại danh nhân, các loại kinh điển như vừa liệt kê, là một quyền được luật pháp, hiến pháp nước ta và bất kì nước nào cũng đều trang trọng ghi rõ, cho dù cách dùng thuật ngữ, cách diễn đạt về quyền đó có cô đọng hơn hoặc khác nhau chút ít. Quyền công dân đó được Nhà nước (hành pháp), Toà án (tư pháp), Quốc hội (lập pháp), cụ thể là cơ quan đại diện luật pháp, cơ quan an ninh bảo vệ. Tất cả mọi danh nhân, đại nhân, nhân vật phản diện của lịch sử (chính trị, văn hoá, tôn giáo...) đều là đối tượng của khoa học. Khoa học đích thực, đúng nghĩa là phải nghiên cứu với đầy đủ các thao tác, quy trình sưu tầm, thu thập, phân tích, tổng hợp, loại suy, đánh giá, kết luận... Theo thông lệ quốc tế, thời hạn giải mật, từ khi sự kiện lịch sử xảy ra, là mười năm hoặc tối đa là hai mươi năm. Quốc sử quán triều Nguyễn công bố một số kỉ thực lục còn sớm hơn thế. Ngoài lĩnh vực chính trị, Đại Nam thực lục (30) còn ghi rất chi tiết về những nét tốt đẹp hoặc tội lỗi thuộc nhân cách đạo đức của các vua chúa, hoàng hậu, hoàng thân, quốc thích, đại thần, đường quan, biên thần, của cả một số nhân vật trong nhân dân (31). Giải mật tất tần tật! Đợi nhân chứng lịch sử chết hết mới giải mật thì còn ai tin tưởng gì nữa! Còn về kinh điển? Tác phẩm khi chưa thành kinh điển cũng thế, nữa là khi đã trở thành kinh điển. Tôi đâu phải là nô lệ của các loại thế lực ngu dân, ngu muội hoá tín đồ (II.15)... Nhưng, xin trở lại vấn đề... Tôi biết rất rõ về quyền nghiên cứu, bình luận vừa nói, nhưng tôi làm được gì! Vì một lẽ đơn giản là thế thần đâu, ông anh? Trong chừng mức nhất định, với năng lực hạn chế, tôi cũng có thể góp phần nhỏ vào việc nghiên cứu, bình luận. Có điều, tôi có quyền gì về báo chí, xuất bản đâu... Ồ­, mà thôi, tạm gạt qua cái đó, để trở lại vấn đề đang bàn. Vấn đề sa-đích văn hoá - lịch sử đó phải được làm rõ trong hội thảo, hội nghị, trên báo chí, sách sử. Đúng là phải vậy. Nhưng ở đây là nói tào lao, tầm phơ, tầm phào, mà đã nói tào lao, tầm phơ, tầm phào, thì ít ra cũng phải nói có sách, mách có chứng, và phải nói cho công bằng! - Nhà văn Quyển biết mình sa đà vào chuyện sa-đích bẩn thỉu, nhưng vẫn không kìm lại được một cảm giác gần như phẫn nộ -. Vậy thì bọn Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, Tàu Ô, nhất là Mỹ, và Nga Sô, Trung Cộng với lãnh tụ của các nước đó thì sao? Anh nói cụ thể về thằng Mỹ cho tôi nghe lại với!

Chú Nông cười, nghĩ đến sự thua đậm nên “chạy làng” (chạy lường (32)) của Mỹ.

- Vì Mỹ “đi đêm”, “ngoại tình chính trị” với Trung Quốc, nên Miền Nam, kể cả Đài Loan, bị “đá đít”. Bọn mình ngấm đòn lâu rồi. Và nói thế chỉ nhục thêm cái sự nhục. Tiếc một điều là lẽ ra nên có sự chuyển tiếp: Từ bảy ba đến tám ba là giai đoạn chuyển tiếp rồi sau đó bàn giao cho Cách mạng Bắc Việt, để họ vào tiếp quản là hay nhất. - Chú Nông nhả khói thuốc lá -. Thực dân còn huấn luyện người Việt trị người Việt, Cách mạng không bằng thực dân, chỉ đem cán bộ Miền Bắc vào “ăn thịt”, “cưỡng hiếp” dân Miền Nam! Có thể chủ trương chung khác, nhưng các cán bộ Miền Bắc muốn đưa con em, đồng hương đồng khói của họ vào kiếm chác. Bắc trị Nam! Cuộc trả thù lịch sử, mối thù của dân Đàng Ngoài, nhất là dân Bắc kì, đối với triều Nguyễn một, hai trăm năm trước chăng? Cộng sản thua phong kiến, thực dân chăng? Lí lịch là một thứ “thanh chắn” ở “cửa quyền”! Ngán ngẫm lắm! Bọn đế quốc, bành trướng, phát-xít nữa, có lợi dụng sự “cưỡng bức”, “hãm hiếp”, sự “lên”, “nảy lên” này không?... Cái sự hãm tài! Ăn và hiếp! Người ăn thịt người, người cưỡng hiếp người! - Chú Nông tuôn ra một hơi dài, cố giữ môi cười chua chát để che giấu niềm bi phẫn (33).

Nhà văn Quyển vốn hay đùa, sao lúc này mặt buồn xo, mặc dù câu chuyện đã chuyển sang tiếu và bi quá tục tĩu.

Buổi sáng ấy khi đi chợ dắt xe vào nhà, gặp nhà văn Quyển, mãi chuyện trò, Hiền Lương thấy cũng có nhiều điều thú vị. “Văn học, là nhân học” mà. Đó là khoa học về con người! Làm văn nghệ, “chẳng có gì thuộc về con người mà xa lạ” cả. Cô thấy có những điều khá kinh rợn nhưng vẫn cố gồng mình lắng nghe. Cô biết, có nhiều người hỏng cả cuộc đời bởi những gì rất vụn vặt!

Câu chuyện đã ngả về phạm trù cái thấp hèn, ấy là những ti tiện, là tâm lí “trâu cột ghét trâu ăn” của con người, và phạm trù cái cao thượng thiếu thực tế của “hoa anh túc nha phiến” cũng trong con người. Trong phạm trù cái thấp hèn, có thể có cả lòng thù hận, không muốn con cháu ngụy tặc hơn mình, ở những cán bộ cách mạng; có thể có cả thói nô lệ, tay sai thời thực dân, đế quốc còn sót lại trong cách suy nghĩ rất ngụy tặc, ở những kẻ vốn là ngụy tặc... Đã có vụ án gián điệp người Việt làm cho CIA., KGB., P.II hay Tình báo Trung Quốc chưa? Đã hai mươi hai năm... Cô không muốn hình ảnh Người Chiến sĩ Giải phóng dân tộc, nhất là Chiến sĩ Giải phóng Miền Nam để nhân dân Miền Nam được làm chủ Miền Nam, sụp đổ trong tâm hồn cô, vì sự “tranh ăn” rất sinh vật, “đè” nát ý chí tiến thủ của lớp trẻ Miền Nam. Hiền Lương vừa làm cơm vừa nghĩ ngợi. Con Người! Con Người! Cô buồn rầu mỉm cười, chợt giật mình, nhận ra ngôn từ trong suy nghĩ của mình đã ảnh hưởng bởi trường phái “bản năng gốc”! Và Hiền Lương lại giật mình, tự hỏi, những người trẻ tuổi như nhà văn Quyển, như cô, cũng như bạn bè cùng trang lứa thuộc các gia đình cách mạng đã được đào tạo đầy đủ, chín chắn, đã thật sự vươn lên về mọi mặt để đủ khả năng làm chủ chưa, hay là sẽ để Miền Nam một lần nữa rơi vào tay “tả đạo” Thiên Chúa giáo và các nước đế quốc chủ nghĩa mà đứng đầu là Mỹ? Phải chăng Miền Nam vẫn cần Miền Bắc chi viện các lực lượng vũ trang (công an, bộ đội)?

­ Ồ, Miền Bắc...

Một Miền Bắc đã thật sự chuyển hoá về chất, không còn niềm bi phẫn Đàng Ngoài dưới triều Nguyễn thời Pháp chuẩn bị rồi bắt đầu xâm lược nước ta! Một Miền Bắc đã thực sự phục hồi và phát huy truyền thống nghìn xưa, "bốn mươi thế kỉ cùng ra trận"!... Hiền Lương thấm thía hiểu, một trong những nguyên nhân mất nước vào tay thực dân Pháp, Mỹ và "tả đạo" Thiên Chúa giáo là hậu quả của hai trăm năm phân liệt, chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài. Bấy giờ, Đàng Ngoài có tâm thế chính trị dễ chấp nhận phong trào Tây Sơn - Nguyễn Huệ, người anh hùng đánh dẹp cả chúa Nguyễn Đàng Trong lẫn vua Lê - chúa Trịnh Đàng Ngoài, đánh tan cả lực lượng ngoại viện (Xiêm La, nhà Thanh) của hai bên. (Tuy thế, Phạm Thái, Nguyễn Du (34) và một ít kẻ sĩ Bắc Hà khác cũng nổi dậy hoặc chỉ mới mưu toan chống lại Tây Sơn - Nguyễn Huệ!). Đến khi Nguyễn Ánh, hậu duệ chúa Nguyễn, chiến thắng Tây Sơn, thống nhất cả nước về một mối, ấy là lúc Đàng Ngoài thất thế, bị phân biệt đối xử, bị trấn áp, do đó, liên tiếp nổ ra những cuộc nổi loạn. Vâng, Hiền Lương thấm thía hiểu. Đó những cuộc nổi loạn bởi lòng thù hận, mượn chiêu bài "phù Lê", của Đàng Ngoài, dưới sự trấn áp của quan quân nhà Nguyễn. Đó là sự bất bình của nhân dân Đàng Ngoài trước sự ưu đãi của triều Nguyễn đối với nhân dân Đàng Trong một cách thiếu công bằng. Và Đàng Ngoài, nhất là Bắc Kì, có một tâm thế chính trị phẫn hận để từ đó, trở thành vùng đất tốt cho "tả đạo" Thiên Chúa giáo gieo mầm, bành trướng, xâm lược. Thêm vào đó, Bắc Kì là nơi diễn ra sự câu kết giữa bọn giặc Cờ (Thái Bình thiên quốc biến tướng, bị thực dân lợi dụng) với thổ phỉ "giậu đổ bìm leo" Đàng Ngoài, và giữa giặc Cờ với một bộ phận nhân dân Đàng Ngoài khác, vốn bất mãn, phẫn hận. Cuộc nổi loạn của Cao Bá Quát cũng ở trong tầm ảnh hưởng của Thái Bình thiên quốc ở giai đoạn hùng mạnh nhất (chiếm lĩnh mười mấy tỉnh ở phía Hoa nam), vào nửa đầu thập niên năm mươi thuộc thế kỉ XIX! (35) (36).

Thế rồi...

Vết thương sông Bến Hải, vĩ tuyến Mười bảy, với cuộc tập kết ra Bắc, di cư vào Nam, đã đảo ngược vai trò lịch sử của hai miền (Đàng Trong - Đàng Ngoài). Một cuộc hoán vị tất yếu vì yếu tố địa - chính trị, nhờ cuộc cách mạng Tháng mười 1917 nổ ra ở nước Nga, và không lâu sau đó, cách mạng vô sản diễn ra ở Trung Quốc! Hiền Lương thấm thía nỗi đau, niềm tủi thẹn của "tả đạo", "phù Lê" Đàng Ngoài bằng một nửa dòng máu trong trái tim cô. Hiền Lương có cảm giác tắc nghẹn cả tiếng thở dài của chính mình trong một thoáng suy tưởng, hồi ức bất chợt.

Bữa cơm trưa của ba người hôm ấy hơi muộn.

Trong bữa ăn, nhà văn Quyển tỏ ra uể oải mặc dù vẫn cố gắng vui vẻ. Chú Nông gắp thức ăn cho anh, mỉm cười:

- Cơm thương hơn ai thương ông ạ.

Nhà văn Quyển nói:

- Anh tu khổ hạnh, mặc dù riêng môn rượu, nhưng tôi đâu có tu!

Hiền Lương và chú Nông bật cười. Cô nói với ba:

- Có chai Lúa Mới hôm Tết đó ba!... Nhưng xin đừng “tục” nữa!

- Chơi với nhau lâu rồi, tôi hiểu ý cậu, nhưng tôi muốn để cậu rầu rĩ một chút. - Chú Nông thật tình quên mất khoản cay cay này, vì cũng quá lâu rồi đã bỏ thói say xỉn, nhưng vẫn nói cho ra vẻ chủ động, trong lúc Hiền Lương mở tủ chè.

Rượu làm nhà văn Quyển trở lại hứng chí:

- Ông anh chả chơi đẹp tí nào! Tôi có lời trách đấy.

Tiếng cười từ đó giòn suốt bữa ăn.

-  Đừng “tục” nữa, nhưng cứ uống. - Chú Nông nhắc Quyển.

Nhà văn Quyển cười khà khà.

- Này, anh Nông, thỉnh thoảng chúng ta có những cuộc chuyện trò hơi trái gió trở trời, khá ê ẩm, nhức nhối, nghe cũng vui! Hồi nãy, câu chuyện khiến tôi sực nghĩ là xô vào cánh cửa định kiến không khóa nhưng cũng chưa mở! - Nhà văn Quyển quay ra Hiền Lương -. Có lẽ những ai cùng tuổi với Hiền Lương chả mệt óc với những gì khiến chúng ta thường đau đầu khi nhắc tới?

Hiền Lương cười, ánh cười sáng trên môi và mắt:

- Bọn em bị ảnh hưởng bão rớt, áp thấp nhiệt đới. Anh là nhà văn, hẳn thừa nhạy cảm mà!... Cũng xin nhận xét là dạo này anh “tục” quá!

- Có khóa những ổ khóa cực to, và cửa bằng thép! Ổ khóa và cánh cửa ấy được sản xuất từ não trạng lí lịch chủ nghĩa! Cậu thừa biết bằng chính sự khốn khổ của cậu, sao nói rứa! - Chú Nông nói với nụ cười khiêu khích cho vui.

Nhà văn Quyển rung đùi, sau khi cạn cốc rượu nhỏ. Anh buông đũa, tưng tửng:

- Xin nói nhỏ với anh, tôi học lóm được một cái “sách”, nếu gọi đúng chữ, ấy là “chính sách phân sáp”, nói rõ ra là chia ghép, của triều Nguyễn thời “bình Tây sát tả”... Sắp tới, tôi sẽ làm bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tôi sẽ tuyển một vạn đến một triệu đồng chí cực kì đẹp trai đẹp gái, huấn luyện thành nhân viên phản gián, chuyên đi “dụ dỗ” các tài năng trẻ và cưới làm vợ làm chồng. Cóc sợ “diễn biến hòa bình”, cho chúng nó “lên” và “nảy lên” cho khoái. Còn các anh xồn xồn, già già, tôi sẽ... Tôi cũng kiêm luôn công tác tổ chức của Trung ương Đảng và Chính phủ. Tôi sẽ chuyển xồn xồn, già già ngụy tặc “chúng ta” ra Bắc. Bộ đội, cán bộ, đảng viên ngoài đó rất đông, sẽ “gác” họ, cho lấy vợ bé Bắc kì, nhân viên của Bộ luôn! Cóc gì đâu mà “khóa”! Bản thân tôi cũng lấy vài cô!

Cả ba người cười vỡ. Hiền Lương đỏ mặt, miếng cơm trong miệng khiến cô muốn sặc. Thật ra, với chú Nông, chú cố gắng nói liều nhưng trong lòng ngượng lắm. Từ một tín đồ Đạo Chúa, một kẻ chống cộng, theo Quốc dân đảng, chán chường chế độ ngụy, rồi chán chường tôn giáo, mệt với một đảng đã bị xôi thịt hóa, lại bị tù tàn binh, lòng dạ chú còn hăng hái gì nữa với cách mạng. Cảm giác bị muối mặt rất đậm khi nói đến chuyện này, nhưng chú cũng liều, liều cho lớp trẻ, và thật ra liều một cách vô nghĩa, bởi nói với ai chứ nói với nhà văn Quyển cũng chỉ như tự nói một mình. Quyển có khác gì với chú Nông đâu, nếu xét về thẩm quyền! Thật là một trò hề nhục nhã. Chú Nông ngã người vào thành cửa sổ, đốt một điếu thuốc lá.

- Anh thấy “kế hoạch” của tôi được không? - Nhà văn Quyển rung đùi nói tiếp -. Nói thật, giá như bây giờ nước ta như Liên Xô, Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam giải thể, các anh và tôi, ngụy tặc “chúng ta” chấp chính, thì cũng đến thế. Xã hội bây giờ có khác gì mơ ước của ngụy tặc “mình” đâu! Nói cho cùng, mặc dù khả năng ấy không thể có. Không một lực lượng nào có thể, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, đảm đang lãnh đạo đất nước này. Lịch sử đã thử thách họ và giao phó trọng trách ấy cho họ. Không tổ chức nào có quyền thay thế họ. Vai trò lịch sử của họ còn thuộc về tương lai của dân tộc nữa. Vấn đề là chúng ta phải cộng tác với họ trong sự thống nhất chí hướng. Hãy bước qua xác chết của chính mình để sống lại. Họ giải phóng cho chúng ta đâu phải để chúng ta nói ngược, nói lái lại hai chữ “giải phóng”. Chủ nghĩa xã hội cũng phải “năm thành phần kinh tế”. Hãy tin vào quy luật khách quan... Không thể duy nhất một quốc doanh trong mọi ngành kinh tế, hoặc chỉ hai thành phần, quốc doanh và tập thể. Thời bị cấm vận bởi Mỹ, bị di căn xúc xiểm, bị di hại bởi ám thị tuyên truyền của chế độ cũ lẫn các đài Phương Tây đã qua rồi. Thời “nóng vội” cũng qua rồi. Phải có kinh tế quốc doanh để tự bảo vệ chính quyền và bảo vệ quyền lợi nhân dân lao động. Tư bản chủ nghĩa rặt không được đâu... Riêng tôi, tôi sẽ cưới thêm vài cô trẻ đẹp vốn là nhân viên phản gián của Bộ Nội vụ, Đảng Cộng sản Việt Nam... Ồ, càng khoái... Xin lỗi, anh Nông với Hiền Lương cứ để tôi cà rửng một tí... Đồng chí Lê Duẩn (?) cũng phải lấy hai vợ đấy. Không phải luật, ấy là ngoại lệ, vì lí do tổ chức.

Chú Nông phì phèo thuốc lá, mặc nhà văn Quyển thao thao nói. Chú nghĩ, cơ chi có thể như ước muốn, thì miền nào cứ ở miền đó, cán bộ tập kết đã trở về Miền Nam, giáo dân di cư phải trở ra Bắc, công an, bộ đội tuỳ nghi giữ vững an ninh, quốc phòng, mọi bộ phận nhân dân, cán bộ khác cư trú, công tác theo miền, nhưng giao thông, kinh tế và mọi lĩnh vực khác đều thông suốt, thống nhất, dưới sự quản lí chung của Nhà nước, sự lãnh đạo chung của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế là ổn nhất. Thật lòng chẳng ai muốn bị áp bức, cai trị, bị tước hết mọi quyền tự do, dân chủ cả. Nhưng là kẻ bại trận, đành chịu thế thôi. Chú thở dài, khẽ bật cười chua chát.

Hiền Lương đã dọn chén bát lui nhà sau. Cô đã quá bực mình bởi cái “tục” và “phét”. Lúc rửa chén bát, cô còn nghe nhà văn Quyển nói: “Phụ nữ có chồng muốn lên cao, phải li hôn. Cuộc cách mạng nào cũng phải hi sinh một bộ phận trong cộng đồng? Lỗi tại Pháp, Nhật, Mỹ... Lỗi tại ai chia cắt Đất nước, nhân danh hệ lạc hậu phản quốc và lỗi tại lũ làm tay sai cho thực dân, phát-xít, đế quốc!”. Hình như nhà văn Quyển đã say khướt, rõ là nói càn về công tác tổ chức. Thật dễ sợ! Và làm sao biết được về đời tư của tổng bí thư Lê Duẩn mà nói bừa như thế!

Giọng chú Nông hơi ngái ngủ:

- Thôi, bớt uống đi Quyển. Cậu trắng trợn, mặc dù xuất phát từ lòng yêu tài năng trẻ, nhưng cáo già chính trị quá, bọn trẻ nó ớn xương sống. Là nhà văn, cậu phải hiểu trái tim của con người, của thanh niên chứ. Thanh niên, phần lí trí ít hơn so với tuổi xồn xồn. Với họ, tình yêu là tất cả. Vả lại, sống trăm năm với một đồng chí phản gián, nghĩa là...

Nhà văn Quyển ngắt lời:

- Đối tượng tình... nghi! Chắc chắn, họ sẽ cáu, bởi dám nghi ngờ sự trong sáng của họ, lòng yêu nước của họ. 

- Đúng. Họ bị nghi ngờ, họ sẽ khổ tâm. Tuổi trẻ cần được sống và làm việc trong không khí tin cậy lẫn nhau. Nhân cách của họ trong điều kiện đó, sẽ được phát triển hài hòa, sẽ người hơn, không bị méo mó. Nghi ngờ họ quá, họ phản động luôn đấy.

Giọng nhà văn Quyển hơi lè nhè:

- Anh làm thêm vài li nữa đi... Nếu đạt đến tình trạng môi trường sống và làm việc như anh nói, quả là lí tưởng. Nhưng phải thực tế. Tôi là nhà văn, lãng mạn có thừa, vẫn thông cảm cho những người lãnh đạo. Thực dân, đế quốc và cả phát-xít, đặc biệt là Thiên Chúa giáo, đã gây tội ác đối với dân tộc ta như thế nào, anh đã rõ... Đại Nam Thực Lục có trong tủ sách của anh đó! Thực Lục viết quá rõ về Thiên Chúa giáo trong sự mở đường và câu kết với thực dân Pháp, còn với đế quốc Mỹ, chúng ta chứng kiến tận mắt rồi... Tôi viết văn, cần quái gì chức vụ hay làm ở cơ quan Nhà nước, công việc của tôi cần cóc gì tổ chức với lại tập thể, dẫu có bị ém uy tín, hãm tài... Nhưng với tôi, vấn đề là sự đánh giá của thời gian, trước mắt là được đăng báo, được xuất bản. Chỉ tiếc cho bọn trẻ, không có vốn kinh doanh, không được đào tạo, không có tiền đóng học phí, không có cơ may thi thố tài năng, không có phòng thí nghiệm cỡ lớn... Bọn tư sản nước ngoài sử dụng họ, cũng chỉ vắt chanh bỏ vỏ. Họ lại bị đánh giá là mang thân làm giàu cho tư sản, không phục vụ cho công nông, cho nhân dân... (II.16), lí lịch vàng vẫn vàng khè... Thế thì, cái “sách” về công tác tổ chức của tôi, nghe nó ghê rợn, nhưng thực ra, đáp ứng được yêu cầu của công an lẫn của gia đình ngụy tặc “chúng mình”. Ơ ờ, tình yêu với chính trị hài hòa! Nó cổ lắm nhưng không cổ bao giờ. “Thật vàng không quản chi lửa”, dẫu đồng chí chồng, đồng chí vợ là công an phản gián. Có công an ở trong nhà cũng yên tâm... Và chẳng lẽ giết chết quyền tiến thủ sao!... Và cần cóc gì phải dựa hơi con cái ông bự cho mất “uy” mình đi! Công an lấy được tài năng, sướng quá!

Hiền Lương nghe tiếng ngáy khò khò của ba. Cô nghĩ đến một đời sống lặng lẽ... Cô nhớ đến người anh rể của chính cô, anh ấy cưới chị cô và phải rời khỏi ngành công an vận sắc phục...

 

 

2

 

 

Mở mắt thức dậy, trời vẫn chưa sáng. Ý nghĩ đầu tiên vẫn là ý nghĩ tiếp nối từ trong giấc ngủ. Hiền Lương thấy trong tâm mình Đền thờ Tổ quốc gồm trên năm mươi ba biểu tượng nhân tộc, Đền Hùng, đình làng, và những hình tượng, cả chiếc cầu nối hai miền Đất nước trong ước mơ của ông giáo Hiền. Suy tư về quốc hồn, quốc túy cùng những cách tân ấy vẫn còn âm hưởng trong tâm não cô ngay trong lúc tập bài thể dục buổi sớm, khi cùng Bông Bưởi với Nàng Hương tắm sông, ngay cả lúc trở về nhà ăn sáng. Hiền Lương cũng muốn tập trung suy nghĩ về điều đó. Cô thấy không có gì hay hơn. Cách thờ kính và di dưỡng tâm linh ấy, quả thật rất dân tộc và rất nhân loại, rất quê hương và rất vũ trụ, rất nghìn xưa và rất nghìn sau.

Hiền Lương chẳng biết làm gì, vì tất cả đồ đạc, tranh, màu đã được gói ghém, đặt vào va li. Hành lí cũng nhẹ bẫng.

Anh Hành lúc này có lẽ đang hội họp hay học tập gì đó ở  Đông Hà. Cô mỉm cười, thầm cảm ơn anh ấy.

Chẳng hiểu sao mỗi lần nhớ đến Hành, ngay tức khắc, một liên tưởng rất bi kịch lại hiện ra trong trí tưởng. Liên tưởng ấy, có khi là Rô-mê-ô - Giyu-li-ét Phương Đông, có khi là Mỵ Châu - Trọng Thủy phó thường dân! Liên tưởng ấy khiến cô nghe tim mình đau nhói bởi niềm tự trọng. Lúc này, Hiền Lương bỗng rợn lạnh bởi ánh thép tự thanh gươm An Dương vương, thấy nước biển rẽ hai như biển trong Kinh Thánh của Môi-se để đón An Dương vương về với tấm lòng nhân dân muôn đời, như một liên tưởng ngược. Cô nhớ cô giáo dạy văn người Bình Dương, năm lớp mười, ở trường Võ Minh Đức thân yêu, đã rưng rưng nước mắt khi giảng bài. Hiền Lương chợt nhớ, cũng rưng rưng tự bảo: Lẽ nào mình là Trọng Thủy!

Sáng hôm nay là buổi sáng cuối cùng, Hiền Lương bỗng dưng buồn quá. Cô rủ Bông Bưởi cùng Nàng Hương đạp xe thăm lại chiếc cầu cô mang tên của nó. Cô lại ngồi chỗ cô và Hành đã từng ngồi chiều nào. Hiền Lương bâng khuâng đăm đắm nhìn. Mới đó đã hơn một tháng rồi! Lúc này ngồi bên hai cô bé ríu rít như chim, Hiền Lương cũng chả muốn chuyện trò gì nữa. Mặt sông vẫn loang loáng bao gợn sóng nắng. Chiếc cầu vẫn xanh một màu lá úa. Thôi thì mặc trí tưởng cứ rong ruổi như ngọn gió, như cánh chuồn chuồn vui đâu đậu lại, buồn đâu bay đi.

Hôm qua, hôm kia, cô nhớ nhà, nhớ những đường phố Thủ Dầu Một, nhớ bạn bè, nhớ ba, bạn trẻ, bạn già của ba. Bất giác, Hiền Lương mỉm cười. Cái ông nhà văn Quyển buồn cười thật. Anh ấy lúc trầm lặng như bậc chân tu, lúc biểu cảm như nghệ sĩ đọc thơ, hoặc phớt tỉnh rất tếu, hơn cả vai hề sân khấu, với giọng nói Sài Gòn, chính gốc Bến Tre, suốt tháng nay cô thấy thiêu thiếu thế nào!

Hiền Lương còn nhớ, cô đã ngồi như một pho tượng trong buổi sáng anh giáo Quyển và ba cô nói chuyện phiếm về Ơ-đíp, về các chuyện chính trị. Không, đúng hơn là chuyện lặt vặt của chính trị. Không, cũng không lặt vặt, vụn vặt đến nhỏ nhen!? Nhưng là những nhức nhối không cơ bản? Có gì tuyệt đối đâu! Bao ảo tưởng thần tượng và nền chính trị đức trị không thể không đến lúc phải trở nên trưởng thành hơn - trưởng thành trong nhận thức chính trị. Qua rồi những ấu trĩ... để rơi vào “ám ảnh sợ” khôn nguôi ! Những cái tát vào mặt nhân loại! Ai đó đã nói thế rất lâu rồi. Cái tát thiên văn học, của thuyết nhật tâm. Cái tát sinh vật học, của tiến hóa luận. Cái tát tâm lí học, của phái phân tâm, dẫu Phơ-rớt và các người kế tục ông còn có vấn đề. Cái tát chính trị bá đạo, của Tào Tháo, Ma-ki-a-ven...

Cô còn nhớ, điều cô băn khoăn lại không được ba cô, anh nhà văn Quyển bàn đến. Chính Hiền Lương phải tự tìm hiểu về pháp môn bất nhị của Phật giáo. Ờ, đúng rồi, con người bao giờ cũng trong tâm trạng khổ đau bởi luôn luôn ở trong hiện thực vốn nhị nguyên đối đãi với tâm biện biệt. Nhưng không phải nhân loại muốn trở về Địa đàng mù và ngu của Đức Chúa Trời trong thần thoại ngây thơ. Phải hiểu tất cả những mặt sáng lẫn tối của từng thực thể, phải biết so sánh, đối chiếu các thực thể như hiện thực nội giới, ngoại giới vốn có. - Hiền Lương tự bảo -. Phải hiểu đến tận cùng. Phải sâu sắc, tinh tế. Phải bao quát vĩ mô, phải mổ xẻ vi mô. Nhưng điều quan trọng là phải vượt lên. Nhất nguyên! Vượt lên hiện thực sáng tối, cao thấp, thiện ác để đạt đến cảnh giới niết bàn tại tâm. Có điều, Hiền Lương thấy, không nên xem tất cả là phù du, là hư vọng, mộng ảo, không thể ném tất cả vào chủ nghĩa hư vô. Nên xem tất cả là bình thường như đời đã thế, đang thế, rồi sẽ thế. Hiện thực bao giờ cũng tồn tại muôn dạng vẻ đã được quy về ý niệm nhị nguyên đối đãi, biện biệt. Và muôn loài đang trên con đường tiến hóa (có thoái hóa, có “nhảy vọt”). Pháp môn bất nhị, vươn tới cảnh giới nhất nguyên của nội tâm, chỉ là một phương cách thực nghiệm tâm lí, để thanh thản hơn. Được hay mất cũng thế. Đẹp hay xấu cũng thế. Thành hay bại cũng thế... Một phép “thắng lợi tinh thần”? Thế nào nhỉ? Nếu đạt được phép tịnh tâm ấy, lòng người nhẹ nhàng thật. Không. Thấy cái gì thuộc về cái-không-thể thì bình tâm chấp nhận, nhưng cảm thấy những gì thuộc về cái-có-thể, chắc phải cố gắng đạt bằng được, miệt mài, kiên trì, hết lòng, hết sức. Nhưng phải luôn luyện tập để điều hòa tâm lí... Cảnh giới nhất nguyên siêu hình của nội tâm quả thật có hiệu quả, và rất nhiều người đạt đến với nỗ lực tập luyện, thực nghiệm tâm lí. Nhưng liệu ai cũng thế, làm sao có những thành tựu, những phát minh khoa học - kĩ thuật, làm sao chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc! Không. Có lẽ phải xem đó chỉ là một phương thuốc tâm lí, nếu cần thì dùng đến. Đấy là thuốc giảm đau, thuốc thư giãn. Vâng, chỉ thế. Phải biết luyện lấy một khả năng điều hòa tâm lí. Thế thôi...

Hiền Lương ngồi bên Bông Bưởi, Nàng Hương, mặc trí tưởng rất đỗi tiêu dao! Cô lặng lẽ nhìn chiếc cầu cô được mượn tên. Cô tiếc mình chả làm được Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ Nhàn của ông suốt tháng trời nay... Và trước mắt cô, ngang dòng sông Bến Hải, cơ hồ chiếc cầu như mơ ước ông Hiền hiện ra...

Hình ảnh của dòng sông trước mặt lại đưa trí tưởng của cô về với dòng sông bên bờ thị xã Thủ Dầu Một, dòng sông thân thương từ lúc Hiền Lương mới khóc tiếng khóc đầu đời đến tuổi hai mươi hai cô hiện có. Nhớ những buổi rảnh rỗi việc học, theo mẹ ra chợ, hai ngôi chợ nối nhau còn nguyên nét tinh khôi hay khu chợ cũ đã bị thay thế, Hiền Lương thường đi về một mình dọc đường Bạch Đằng, con đường men bờ sông. Ven sông, ven đường là những ghế đá, những nhà thủy tạ, những tàu thuyền từ các tỉnh xa cập bến, những biệt thự và công sở, những tàng cây xanh ngắt bốn mùa. Dòng sông cũng hầu như suốt bốn mùa mênh mang gợn sóng.

Hiền Lương nhớ nhà, nhớ Thủ Dầu Một, sao nhớ nhất vẫn là dòng sông của thị xã. Sông, con sông nào cũng là biểu tượng của chia cắt và nối liền, gợi nên nỗi đau bởi chia cắt, chia xa và ước mong được nối liền, gặp gỡ. Cảm nghĩ ấy mơ hồ trong tiềm thức, nẩy sinh một cách hồn nhiên khi đứng bên sông ấy, bỗng càng thấm thía khi sáng mai nay ngồi bên Bến Hải, một buổi sáng cuối cùng trong chuyến về thăm quê nội. Đúng hơn, suốt hơn tháng nay cô đã thấm thía nỗi niềm của sông, cảm xúc bây giờ thấm thía hơn bởi nhớ nhung quê kia trong Nam xa lắc và luyến tiếc trước quê này, Bến Hải lặng lờ trước mặt.

Thật ra, sông cũng như bất kì vật thể nào, luôn gợi ra nhiều ý nghĩa khác nhau. Sông là tấm khăn len hôm trời se lạnh. Sông là mái tóc dài óng mượt. Đôi khi sông lại như vòng tay. Mặc dù mang tên Hiền Lương, nhưng thơ ngây tuổi nhỏ, nao nức xen lẫn bâng khuâng tuổi mới lớn chưa cho phép cô ngấm sâu nỗi đau chia cắt. Có thể như thế. Cô không thật rõ lòng mình. Cũng có thể Hiền Lương ngấm lâu rồi nhưng cô chưa hiểu hết độ sâu của vết thương hai phía. Không, Hiền Lương tối nay sẽ lên tàu lửa về lại với Thủ Dầu Một rồi, đừng mênh mang nữa. - Cô tự kìm lại lòng mình sắp lẩn quẩn.

Bờ sông Bến Hải rười rượi gió. Những chiếc cầu tre tay vượn làm cầu thuyền vì bờ quãng kia cạn nước, quá trơ vơ bởi thuyền đi đâu rồi, như một cuộc đời lở dở, như những ước mơ gầy mòn không vươn tới nổi. Bức ảnh nào cô đã thấy đang hiện ra trước mắt. Nhưng cô tin với một niềm tin không còn bồng bột, xốc nổi, ngu ngơ, chiếc cầu rất ngàn xưa, rất ngàn sau, rất quê hương, rất vũ trụ và rất dân tộc, rất nhân loại, cùng những hình tượng của ông Hiền sẽ được xây dựng. Hiền Lương bỗng bừng tỉnh, bởi một lẽ gì không rõ: thoáng chút tình cảm giữa cô và Hành có nghĩa gì trước chiếc cầu lớn lao kia!

 

TXA.

 

CƯỚC CHÚ chương XIV:

 

(27) Ở đây tác giả tiểu thuyết vận dụng thủ pháp "chép nguyên xi cuộc sống" để khắc hoạ nét tính cách "đầy ác ý" hoặc "báng bổ một cách hồn nhiên vô tư" kiểu vô chính phủ, nhằm phê phán nhân vật Nông. Tuy vậy, cũng nên hiểu, thật ra, trong thâm tâm, nhân vật Nông chỉ muốn cải chính sự xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ một cách "đầy ác ý" vạn lần hơn, trong các cuốn sách, bài báo của một số nhà văn, nhà báo phản động, lưu vong như Vũ Thư Hiên, Lữ Phương, Bùi Tín... (Xin xem tiếp ở chú thích II.21).

 

 

(28) Khái Hưng, tên thật là Trần Khánh Giư (1896 - 1947), nguyên quán: Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Dương, một cây bút chủ lực của nhóm Tự Lực văn đoàn do Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) chủ trương. Một trong những tác phẩm của Khái Hưng là Tiêu Sơn tráng sĩ (1934, đăng báo nhiều kì). Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về Phạm Thái (1777 - 1813) - Trương Quỳnh Như với quan điểm sai lạc, tiêu cực, anh hùng cá nhân chủ nghĩa: "phù Lê", chống Tây Sơn. Một ý tưởng bi đát, thoát li hiện thực để trốn vào tình yêu đương với cái đẹp của phụ nữ, cộng với nhận thức và quan điểm lịch sử sai lầm của Khái Hưng, đã trở thành câu nói nổi tiếng của nhân vật tiểu thuyết Phạm Thái: "Chí lớn trong thiên hạ không chứa đầy đôi mắt mĩ nhân!". Điều cần lưu ý là tư tưởng phản động "phù Lê", chống Tây Sơn ở Bắc Kì vẫn còn tồn tại dai dẳng đến thế, mặc dù mỗi thời lại có một màu sắc, khía cạnh khác nhau. Xét riêng tư tưởng Khái Hưng: về sau, đã có sự chuyển biến, thể hiện thành thái độ chống Pháp, nhưng lại càng sai lầm khi liên minh cùng cái ác phát xít (fascisme)! Đầu thập niên bốn mươi của thế kỉ hai mươi (XX), Khái Hưng gia nhập Đảng Đại Việt dân chính, thân phát xít Nhật, chống Pháp; bị Pháp bắt, giam tù. Khi Nhật đảo chính Pháp (3.1945), Khái Hưng được thả, lại tiếp tục ủng hộ Nhật, chống Pháp bằng báo chí. Sau Cách mạng Tháng tám (1945), Khái Hưng chống cộng, bị lực lượng Việt Minh thủ tiêu (1947), bằng cách trói lại, bỏ vào bao tời cùng với một tảng đá, ném xuống sông. Nhìn chung, Khái Hưng gần như Phạm Thái, xét về hai lĩnh vực hoạt động chủ yếu của họ. Về văn chương, Khái Hưng cũng rất tài hoa, có sự đóng góp rất lớn cho văn xuôi Việt Nam trong giai đoạn 1930 - 1945, nhưng về chính trị, cũng rất sai lạc, đáng trách ("phù Lê" như một âm hưởng di căn; thân phát xít Nhật như một thái độ tự bản thân). Tuy vậy, phải thừa nhận cho Khái Hưng, dẫu sao, ông không phải không có nét tích cực; nét tích cực đó là hành động chống Pháp. Khái Hưng không phải thuộc loại chống Pháp theo dạng cơ hội chủ nghĩa, xu thời khi phát xít Nhật xâm lược nước ta, mà chỉ là kẻ bị rơi vào "thế kẹt lịch sử", phải dựa vào một chỗ dựa gian ác: phát xít Nhật! Phải chăng là thế?

 

Xem thêm: Nhiều tác giả, Từ điển văn học, tập I, [mục từ Khái Hưng (vần K, số 9), Nguyễn Hoành Khung soạn], Nxb. KHXH., 1983, tr. 344 - 345.

 

Tạ Thu Thâu là một người hoạt động chống Pháp, nhưng theo khuynh hướng Quốc tế Cộng sản đệ tứ của T-rốt-x-ki (Trosky, người Nga). Tạ Thu Thâu bị lực lượng dân quân Việt Minh giết tại Quảng Ngãi, trên đường ra Hà Nội dự hội nghị do chính phủ Việt Minh triệu tập! T-rốt-x-ki là một nhà lí luận, hoạt động cách mạng cộng sản chủ nghĩa, nhưng có điểm chống lại Lê-nin (Lénine), người sáng lập Quốc tế Cộng sản đệ tam; do đó, bị quy vào loại thuộc phe men-sê-vích, chủ nghĩa xét lại như Cau-x-ki (Causky [có sách viết: Kawsky], người Đức). T-rốt-x-ki sáng lập Tổ chức Quốc tế Cộng sản khác (đệ tứ), li khai với Tổ chức Quốc tế cộng sản của Lê-nin. Khi đã lưu vong ra nước ngoài, T-rốt-x-ki vẫn bị ám sát bởi nhân viên an ninh Liên Xô: bị đập chết bằng một thanh sắt vốn được dùng làm cây cời than trong lò sưởi!

 

Về cái chết của Khái Hưng, Tạ Thu Thâu, T-rốt-x-ki (Trosky), nhất là cái chết của Phan Văn Hùm, mặc dù đã có nhiều sách báo viết như trên, nhưng để cẩn trọng hơn, cần có nhiều tư liệu xác minh thêm. Trong đó, về cái chết của Phan Văn Hùm, một vài tư liệu gần đây lại cho rằng, ông chỉ chết vì bệnh mà thôi. Nói chung, tác giả tiểu thuyết (TXA.) xin chấm dấu hỏi nghi vấn trong tinh thần khách quan sử học ở đây.

 

Xem thêm: tư liệu về t-rốt-kít (troskisme) và chủ nghĩa xét lại [Từ điển triết học, Nxb. Tiến Bộ, Mát-x-cơ-va (1975), liên kết với Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1986, tr. 698 - 699]; và chú thích I.115, II.24 (có đề cập đến cái chết của Nhất Linh [Nguyễn Tường Tam]).

 

 

(29) Vào khoảng năm 1978 hoặc 1979, trong lúc cả nước đang chống cuộc xâm lược của bọn bành trướng Đặng Tiểu Bình ở biên giới phía Bắc, chống sự điều khiển của Tập đoàn Lãnh đạo Trung Nam Hải đối với bọn diệt chủng Kh'mer Đỏ cùng với sự viện trợ của Tập đoàn này cho chúng ở Campuchia, chính tai tôi đã nghe băng ghi âm bài nói của Hoàng Văn Hoan, nguyên uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá IV), trên Đài Phát thanh Bắc Kinh (Trung Quốc), khi y đã lưu vong bên đó. Băng ghi âm ấy, cứ phát đi phát lại mãi với nội dung xuyên tạc, bôi nhọ tổng bí thư Lê Duẩn.

Với cái nhìn khách quan, vô tư: Tổng bí thư Lê Duẩn là nhà lãnh đạo kiệt xuất của nước ta, là người con thiên tài của quê hương Quảng Trị.

Xin vui lòng xem chú thích II.15.

 

 

(30) Xin hãy làm một cuộc đối chiếu tư liệu lịch sử, sẽ thấy có sự khác biệt với nhiều mức độ (từ ít đến khá xa, thậm chí trái ngược) trong dung lượng hiện thực lịch sử, nhất là về quan điểm (vấn đề hệ trọng nhất là quan điểm):

- Đại Nam thực lục, chính biên (hai kỉ đệ tứ, đệ ngũ, và có thể cả kỉ đệ lục);

- Các sách báo của Pháp (có ba loại chính: của cố đạo thực dân [Puginier, A. Delvaux...]; của bọn viễn chinh thực dân, sử gia thực dân [Charles Gosselin, Henry Le Marchant de Trigon...]); các nhà nghiên cứu sử về sau sử dụng tư liệu gốc của Pháp (Cao Huy Thuần, Yoshiharu Tsuboi...);

- Sách báo của Tàu (Lương Khải Siêu - Phan Bội Châu với Việt Nam vong quốc sử).

Trong đó, Đại Nam thực lục, chính biên là của ta (Việt Nam), còn lại là của đối phương (Tây, Tàu; chịu ảnh hưởng, sức ép của bảo hoàng Nhật).

Từ cuộc đối chiếu trên, ta thấy: Cho dù bị sức ép một cách mặc nhiên của thực dân, tả đạo, bảo hoàng, Đại Nam thực lục kỉ IV, kỉ V vẫn thể hiện được tính độc lập của Quốc sử quán triều Nguyễn, và đáng tin cậy hơn các tư liệu kia.

Xin xem thêm chú thích II.20, đặc biệt là biên khảo ở phần phụ lục cuối cuốn tiểu thuyết này.

 

 

(31) Về Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886): Ngoại trừ vào năm mười tám tuổi (1842), đỗ tú tài, nhưng bị phạt tội đồ một năm và bị gạch tên trong danh sách lấy đỗ, do tên họ (Nguyễn Phúc Tường) "trùng với quốc tính, không chịu đổi", ông không có một khuyết điểm nào về nhân cách đạo đức.

 

 

(32) Đúng nguyên nghĩa là bỏ làng mà đi, tương tự như bán xới (tuy bán xới cũng có nghĩa bỏ làng mà đi, nhưng vẫn còn bán được chút đất hương hoả)?

 

 

(33) Ở đây, để phản ánh trung thực hiện thực một cách cụ thể - lịch sử, tác giả đành xin lỗi trước với người đọc, là đã vận dụng thủ pháp tự nhiên chủ nghĩa (khái niệm mở rộng), mạnh dạn tạm "ghi lại" cách suy nghĩ, nhận thức thời thế theo quan điểm riêng của nhân vật hư cấu. Tác giả đã thể hiện sự phê phán ở đoạn sau.

 

 

(34) Phạm Thái (1777 - 1813), tục gọi là Chiêu Lỳ, một thi sĩ rất tài hoa, tác giả Sơ kính tân trang, vốn là con của một cựu thần vua Lê chúa Trịnh. Thân sinh Phạm Thái có tước hiệu là Thạch Trung hầu, thực sự đã khởi binh chống Nguyễn Huệ nhưng thất bại. Riêng Phạm Thái, ông có ý thức và hành vi liên kết với cựu thần Lê - Trịnh, mưu toan chống Tây Sơn - Nguyễn Huệ một cách quyết liệt và lâu dài, nhưng bất lực. Phạm Thái từng đi tu ở một ngôi chùa Phật giáo, để tiếp tục mưu đồ khôi phục triều đại thối nát Lê - Trịnh. Về sau, ông càng ngày càng ngông nghênh vì thất chí. Ông là kẻ sĩ Bắc Hà tiêu biểu cho loại ngu trung, thậm chí là cuồng trung.

Nguyễn Du (1766 - 1820) là con của đại tư đồ Nguyễn Nghiễm, em của tham tụng Nguyễn Khản. Tham tụng dưới triều vua Lê chúa Trịnh là một chức quan tương đương với tể tướng (thủ tướng Chính phủ). Theo một số nhà nghiên cứu văn học về Nguyễn Du và theo nhận định của riêng tôi: Trong thời gian Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, đánh tan lực lượng của chúa Trịnh, quét sạch quân cứu viện cho vua Lê của nhà Thanh (thực chất là xâm lược), Nguyễn Du sống trong tâm trạng bi hận, nhiều lần vỗ kiếm toan khởi binh chống Tây Sơn - Nguyễn Huệ, nhưng đành thú nhận sự bất lực, và đã có lần tìm đường vào Đàng Trong để phù giúp Nguyễn Ánh, vì dẫu sao chúa Nguyễn trên danh nghĩa cũng vẫn xưng thần, theo niên hiệu vua Lê. Tuy nhiên, vào được nửa đường, Nguyễn Du lại quay ra, trở về quê vợ sống suốt mười năm bi hận mà ông gọi là "mười năm gió bụi". Đến khi Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, tiếp quản và hoàn tất sự nghiệp thống nhất Đất nước (Đàng Trong - Đàng Ngoài), lên ngôi hoàng đế (niên hiệu Gia Long), Nguyễn Du và nhiều kẻ sĩ Bắc Hà được vua Nguyễn - Gia Long vời ra làm quan. Nguyễn Du phục vụ dưới triều Nguyễn - Gia Long, thăng đến chức hữu tham tri Bộ Lễ (thứ trưởng Bộ Văn hoá). Có điều, tuy phụng sự nhà Nguyễn, được thăng đến bậc á khanh, nhưng Nguyễn Du luôn mang mặc cảm của một nhà nho bất trung với vua Lê, chúa Trịnh (theo ý hệ nho giáo, trung quân là một vấn đề cốt tuỷ), đồng thời mang tâm trạng bất bình với triều Nguyễn, vì nhà Nguyễn quyết trấn áp Đàng Ngoài! Và vì vậy, trong tâm thế đó, Nguyễn Du cũng như kẻ sĩ Đàng Ngoài bất lực khi hướng về tương lai, đành lại ngoái lại quá khứ, tiếc nuối, hoài vọng một cách vô vọng về một vương triều đã sụp đổ mà trước đó chính ông và họ mưu toan hoặc thực sự đã khởi binh chống lại: triều đại Tây Sơn của Quang Trung Nguyễn Huệ!  (xin xem tiếp chú thích II.22).

 

 

(35)  Cao Bá Quát (1808 - 1855), nổi loạn, dấy binh chống Tự Đức vào năm 1854, do ảnh hưởng của phong trào Thái Bình thiên quốc bên Trung Hoa, ở thời điểm trước lúc thực dân Pháp thực sự xâm lược nước ta (1858). Cao Bá Quát nổi loạn cũng với chiêu bài "phù Lê", những tưởng sẽ đạt được thành quả như Thái Bình thiên quốc (một phong trào phù Hán bài Thanh kéo dài đến 15 năm, 1850 - 1864, từng chiếm giữ được hàng chục tỉnh).

 

 

(36) Nói chung, vấn đề khởi loạn ở Đàng Ngoài, kể từ lúc Tây Sơn - Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, nhất dưới thời nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), ngoài bọn thổ phỉ, thuỷ khấu, hải tặc, bọn cướp theo mùa, còn lại đều là "phù Lê", "tả đạo". Tình hình ấy ở Đàng Ngoài, nhất là ở Bắc Kì, càng lộ rõ thực chất khi Pháp xâm lược, đặc biệt nghiêm trọng là ở các thời điểm 1873 - 1874, 1882 - 1884. Xin đơn cử: Vào năm 1881, khi Tự Đức hỏi với đại ý, nếu Pháp lại xâm lược Bắc Kì, triều đình phải ra lệnh đánh ("có việc hoãn cấp", tức là việc trước sau cũng xảy ra), thì "lòng người có thể tin cậy được không?", chính Vũ Trọng Bình đã tâu trả lời vua Tự Đức: "Lòng người đều muốn được yên, nhưng cho là có thể tin cậy, tôi là người ngu cũng không dám chắc". Thế mà nhiều nhà nghiên cứu đã rất sai lầm, mác-xít một cách phi mác-xít, hoặc cố tình xuyên tạc lịch sử, khi cho rằng đó là những cuộc khởi nghĩa nông dân, đấu tranh có tính giai cấp!

 

Xin lưu ý thêm: Khác với những người "phù Lê" thuộc giai đoạn đầu (1789 - 1802...) như trên đã viết, là càng về sau, đặc biệt lúc thực dân Pháp, Tây Ban Nha đã thực sự xâm lược nước ta (1858 - 1885), trong bọn "phù Lê", "tả đạo", trừ một vài tên như Cao Bá Liên, vốn là hậu duệ của dòng họ Cao Bá Quát, còn lại đại đa số là những kẻ vô học, mê muội, một bộ phận khác là dân lưu manh (đáng thương là sa cơ thất thổ, xiêu lạc, đáng giận là sẵn sàng làm tay sai vì miếng cơm manh áo), nói chung là những bọn có nhân cách đê hèn, đốn mạt và thật sự phản quốc, như Pièrre Tạ Văn Phụng chẳng hạn. Trong đó, cũng có một số tên được cố đạo thực dân Pháp, Tây Ban Nha đào tạo thành giáo sĩ, linh mục tay sai, có trình độ ngoại ngữ khá. Ở cuốn tiểu thuyết này, về "phù Lê", "tả đạo", tác giả chủ yếu đề cập đến giai đoạn sau, kể từ 1858. Xin nhấn mạnh: về tính chất, "phù Lê", "tả đạo" hai giai đoạn này hầu như hoàn toàn khác nhau.

 

Xin lưu ý thêm một điều rất dễ hiểu nhưng cực kì quan trọng: vũ khí ở thế kỉ XIX. Bấy giờ, mặc dù đã có súng đạn, tuy còn thô sơ, nhưng vũ khí chủ yếu ở nước ta, cũng như các nước châu Á khác, chỉ là gươm đao giáo mác; các nhóm, các bè đảng nổi dậy hoặc nổi loạn đều có thể tự chế tạo (vai trò thợ rèn, thợ đúc nổi bật, do được trọng dụng!). Vũ khí của quan quân nhà Nguyễn cũng không tân kì, hiệu quả hơn thế. Thậm chí, nếu so sánh với vũ khí của bọn giặc Cờ (tàn dư biến tướng của Thái Bình thiên quốc bên Tàu) vốn được liên quân Âu Mỹ viện trợ, bán chác để lợi dụng, thì vũ khí của quân binh nhà Nguyễn còn thua kém. Đó là nguyên nhân và điều kiện để nổ ra liên miên các cuộc nổi dậy hoặc nổi loạn ở Đàng Ngoài (chủ yếu là ở Bắc Kì). Triều đình và quan quân nhà Nguyễn rất vất vả, vẫn không ngăn chận được các cuộc nổi dậy, nổi loạn với chiêu bài "phù Lê" hoặc "tả đạo" đích thực ấy.

 

TXA.

 

 

( xem tiếp chương XV )

 

 

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/29/09                                                                   

Trở về trang chủ

                                                                 

 

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE