a. Bài 1-Tl.1 - Trần Xuân An -- Những vấn nạn văn sử triết - giao thời, hậu chiến

 

Web. Tác giả Trần Xuân An

 

 

 

 

BÀI THỨ NHẤT

 

Bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm

số tháng 10-2005

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_index.htm

posted: 10.10.2005

Đưa lên weblog này: Monday, November 28, 2005

 

 

TRẦN NGÔN SỬ (Trần Xuân An)

 

NHỮNG VẤN NẠN VĂN SỬ TRIẾT…

VÀ NHỮNG DẤU HỎI BỨC THIẾT VỀ

GIAI ĐOẠN GIAO THỜI – HẬU CHIẾN

SAU NGÀY THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

 

Việc học tập, nghiên cứu và giảng dạy các bộ môn khoa học xã hội trong nhà trường và tác động của quá trình đó vào xã hội, tạo nên những hiệu quả, những phản ứng tiếp nhận khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, chỉ là một hiện tượng bình thường. Nhưng thật ra, đó cũng chính là những gì phức tạp nhất, vì vậy, là những vấn nạn thao thức nhất, thường khiến chúng ta cần ngẫm nghĩ lại như một nỗi niềm trăn trở khôn nguôi. Phải chăng trong những giai đoạn giao thời lịch sử, hiện tượng ấy mới biểu hiện một cách rõ rệt nhất?

 

Thật khó yên lòng khi mọi người đều là người trong cuộc, lại tránh né, làm ngơ hoặc cố tình xoa dịu nỗi thao thức, trăn trở và nhức nhối ấy một cách thiếu trách nhiệm. Và cũng không tốt lành gì khi vấn nạn đã được đánh động trên báo chí, cả trong nước lẫn ngoài nước, nhưng vẫn chưa đi đến một sự nhất trí trong việc xác lập thái độ cần thiết trước hiện tượng chứa đựng nhiều vấn nạn khoa học xã hội ấy, cụ thể là ở các bộ môn văn học và sử học, triết học và kinh tế – chính trị học. Nói xác lập thái độ cần thiết là nói đến điều kiện tiên quyết, mặc dù kết luận thỏa đáng cần có không phải một sớm một chiều.

 

Ở nước ta, hai vết thương chia cắt đất nước là sông Gianh (khởi từ 1558) và sông Bến Hải (bắt đầu từ 1954) cho đến nay, đã hơn 417 năm diễn biến và hơn 30 năm (1975 – 2005) di họa.

 

Sau công cuộc thống nhất Đàng Trong và Đàng Ngoài (1788) của Nguyễn Huệ và sự kế tục thành công sự nghiệp thống nhất đất nước ấy (1802) của Nguyễn Ánh, sông Gianh không còn là vết thương cắt đôi đất nước, nhưng trong xã hội thuở bấy giờ, mâu thuẫn hai Đàng vẫn còn rất gay gắt, thậm chí nổ bùng thành nhiều cuộc nội loạn – trấn áp, phản ánh vào văn chương và sử học được sáng tác, ghi chép bởi những tác giả đương thời thuộc giai đoạn đó. Phạm Thái và Nguyễn Huy Lượng với “Chiến tụng Tây Hồ phú”“Tụng Tây Hồ phú” là một trong những trường hợp tiêu biểu của thái độ kẻ sĩ Bắc Hà trước tân triều. Ngô gia văn phái với Hoàng Lê nhất thống chí có phải đã nghiêng lệch về phía Ngô Thời Nhậm, một đại thần của vua Quang Trung, mặc dù Quang Trung dẫu sao cũng đã mang gốc gác xứ Đàng Trong? Và tâm trạng Nguyễn Du với Truyện Kiều cùng những tập thơ chữ Hán (Nam Trung, Thanh Hiên, Bắc hành)? Những bài thơ Bà Huyện Thanh Quan? Đặc biệt là Cao Bá Quát, không những chỉ thể hiện thái độ chính trị ở thơ ca mà còn trong hành động múa gươm, cầm súng?

 

Bây giờ, chúng ta học tập, nghiên cứu và giảng dạy như thế nào? Với quan điểm, lập trường nào là khoa học nhất, chân thực nhất, thỏa đáng nhất?

 

Cũng những câu hỏi ấy được đặt ra một cách gay gắt, bức thiết trong giai đoạn về sau, thời thực dân Pháp và tả đạo Thiên Chúa giáo thật sự tấn công, đánh chiếm, cuối cùng thống trị nước ta (1858 – 1885). Có lẽ ở thời đoạn này, xác định chiến tuyến và sự chọn lựa thái độ chính trị của kẻ sĩ dễ dàng hơn, vì tình thế địch – ta quá rõ rệt. Tuy vậy, ngoài Nguyễn Đình Chiểu quyết liệt chống giặc Pháp xâm lược, vẫn có cuộc bút chiến bằng thơ giữa Phan Văn Trị với Tôn Thọ Tường! Nhất là đối với những kẻ như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ, câu hỏi tưởng chừng không cần đặt ra nữa, thế mà cũng không phải không có những sai lầm kéo dài, những câu hỏi bị cường quyền thực dân, bạo lực tả đạo ngu dân giằng lấy để ném vào im lặng! Những câu hỏi về hai vị phụ chính đại thần yêu nước Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết trong "Việt Nam sử lược" (1924) của Trần Trọng Kim cũng thế!

 

Và đối với 45 năm (1885 – 1930) thực dân, tả đạo Thiên Chúa giáo hoàn toàn chiếm đóng đất nước ta, hoàn toàn thống trị dân tộc ta, những câu hỏi ấy cũng không phải không dậy lên trong lòng vài ba thế hệ hiện thời cùng chung sống, học tập, nghiên cứu và giảng dạy! Phan Bội Châu với chủ trương cầu viện Nhật Bản ở thời điểm Nhật đã hùa theo thực dân Âu Mỹ xâm lược Triều Tiên (1875) và đã chiến thắng đế quốc Nga sa hoàng (1904), phải chăng là sáng suốt, không phải “đuổi cọp cửa trước, rước hổ ngõ sau”? Phan Châu Trinh với chủ trương “bất bạo động, bạo động giả tất tử; bất vọng ngoại, vọng ngoại giả tất ngu” (đừng bạo động, bạo động ắt phải chết; đừng trông chờ ngọai viện, chờ ngoại viện hẳn là ngốc), chỉ nên dựa vào giặc Pháp thống trị để đánh đổ chế độ phong kiến nhà Nguyễn giai đoạn Khải Định thực sự là tay sai, bù nhìn, nhằm “chấn dân khí, hưng dân trí, hậu dân sinh”, hướng tới một chế độ cộng hòa “Pháp – Việt đề huề”, có phải là cải lương chủ nghĩa, thực chất là thỏa hiệp với giặc Pháp?

 

Đặc biệt, dấu mốc lịch sử bị xem là “nhạy cảm” nhất (dùng từ ngữ chính xác là “gây đụng chạm nhất”) là con số nào? Phải chăng là 1917? 1920? hay 1930? hoặc 1945? Và những dấu hỏi nào neo vào giai đoạn ấy, từ khi phong trào cộng sản xuất hiện như một lực lượng có chính quyền và thực lực ở một đất nước rộng lớn là nước Nga (Liên bang Xô-viết)? Phong trào Xô-viết Nghệ – Tĩnh đâu phải không bị xem là cuộc nổi loạn của “bọn giặc vô thần”, tay sai Nga–Liên Xô, một đế quốc đỏ của châu Âu! Phan Bội Châu đã từng được những người cộng sản Nga đặt vấn đề gây dựng phong trào cách mạng vô sản ở nước ta, và Phan Bội Châu đã xác định bằng hai chữ “giảo quyệt” về phong trào cộng sản do người Nga đứng đầu ấy, trong cuốn hồi kí “Tự phán”! Có phải ở giai đoạn cuối đời, Phan Bội Châu thỏa hiệp với chủ trương “Pháp – Việt đề huề” như Nguyễn Văn Vĩnh, kẻ đứng tên trong hồ sơ đơn trương xin lập Đông Kinh nghĩa thục, rồi Phan Bội Châu lại tán thành phong trào cộng sản quốc tế của Lénine – Staline? Cũng trong thời đoạn 1920 – 1945 này, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh), một nhân vật lịch sử được Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa (UNESCO) của Liên hiệp quốc, trong thập niên 80 thế kỉ XX, thẩm định và đề cao là danh nhân thế giới, “nhà văn hóa kiệt xuất [*], anh hùng giải phóng dân tộc”, không phải không bị chính một bộ phận người Việt phỉ báng, xuyên tạc, thậm chí kết án là tay sai của Nga Xô, một trong những người sát tả đạo Thiên Chúa giáo! Đó là một trong những câu hỏi mà ở nước ta hiện nay không một ai dám nêu lên (không dám nêu lên trên mặt báo đã đành, cũng không ai dám nêu lên ngay cả trong những lúc bia bọt rượu chè, vui miệng!), trừ một số cây bút sử gia nước ngoài hay người Việt hải ngoại.

 

Và những câu hỏi khốc liệt vẫn không ngừng được đặt ra ở cuộc chiến tranh với vết thương chia cắt đất nước là sông Bến Hải, thuộc giai đoạn sau (1954 – 1975), một giai đoạn hầu như vài ba thế hệ đã sống, trải nghiệm, với tư cách là người trong cuộc hay là chứng nhân, nạn nhân. Đích thực Diệm – Thiệu, hai tổng thống tả đạo Thiên Chúa giáo, không nghi ngờ gì nữa, là hai kẻ đứng đầu chế độ ngụy tả ở Miền Nam Việt Nam (cái được gọi là đệ nhất cộng hòa – đệ nhị cộng hòa!). Chế độ Mỹ – ngụy tả đạo cộng hòa ấy thực chất là sự nối dài của chế độ Pháp – ngụy tả đạo phong kiến. Những mệnh đề khẳng định ấy cũng cần thiết đặt thành câu hỏi chăng? Và có cần thiết phải chép lại cho đủ số câu hỏi đặt ra, trong đó có câu đại loại như “Thực chất cũng như vậy, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc Việt Nam là tay sai của “quan thầy Liên Xô – Trung Cộng””? Cụm từ trong ngoặc kép, in nghiêng là của các đài phát thanh và một ít công báo ở Miền Nam trước 1975, và đến nay vẫn còn được sử dụng ở một số sách báo in giấy, tạp chí điện tử hải ngoại (xin xác định rõ, không phải báo chí, sách xuất bản, website nào ở hải ngoại cũng thế).

 

Thời hậu chiến (1975 – 1989) là giai đoạn hòa bình, tự do, hạnh phúc, độc lập, dân chủ chăng? Không, trong đó vẫn còn cuộc chiến tranh hơn mười năm tại biên giới phía Bắc, nhất là ở biên giới phía Tây – Nam và trên lãnh thổ nước láng giềng Campuchia. Đó là cuộc chiến giữa Việt Nam với liên minh Bắc Kinh bành trướng đỏ – Kh’Mer đỏ, khiến nước ta càng lệ thuộc sâu hơn vào Liên Xô chăng? Những câu hỏi vẫn chói gắt bật lên, tung ra, khắc sâu. Không những các dấu hỏi xoáy vào “cuộc chiến của tình nghĩa anh em đỏ” (“The red brotherhoods’ s war”), mà còn ở xã hội Miền Nam Việt Nam. Thật có chăng tình trạng những chùa chiền, đình miếu bị cất dẹp chân đèn, lư nhang, tượng Phật, bài vị tổ tiên họ tộc, để rồi bị trưng dụng làm văn phòng, sân phơi, kho lúa hợp tác xã, thậm chí để hoang, dột nát? Người Miền Nam có bị phân biệt đối xử không? Có phải người Miền Bắc đã di dân kiểu xâm thực Miền Nam? Có phải những trí thức Miền Nam bị ép buộc hoặc bị giăng bẫy để phải rời khỏi những công việc chuyên môn, nhằm mục đích của Miền Bắc là chiếm chỗ tại Miền Nam để dễ bề thống trị? Tại sao ở Miền Nam, học sinh trung học, sinh viên đại học chủ yếu tuyển sinh từ Miền Bắc? Tại sao có đến hàng triệu người, thuộc nhiều diện khác nhau, chủ yếu là người Miền Nam bị cưỡng bức chạy ra nước ngoài xin tị nạn? Ai cưỡng bức? Cưỡng bức bằng bạo quyền, thủ đoạn ma mãnh, quỷ quái trong thực tế hay “cưỡng bức tâm lí”? Chuyên chính vô sản hay “tàn dư Mỹ – ngụy tả đạo” còn sót trong tâm thức? Và vô số câu hỏi khác về các cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh thời “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, thời “bao cấp kinh tế”, “bao cấp tư tưởng”, rồi còn vô số câu hỏi về kinh tế thị trường, tự hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa thời Đổi mới, sau khi Liên Xô, Đông Âu thuộc hệ thống chế độ mác-xít – lê-nin-nít – sta-lin-nít sụp đổ, Trung Quốc đã theo “chủ nghĩa cơ hội Đặng Tiểu Bình”.

 

Và, tại sao chưa có tự do tư tưởng, tự do sáng tác, tự do báo chí, tự do xuất bản tại nước ta?

 

Đó là những câu hỏi trung thực về mặt trái sử học hay là những câu hỏi phản quốc, nhẹ tội nhất cũng là loại câu hỏi phản động!

 

Cho dù đánh giá thế nào đi nữa, những dấu hỏi ấy vẫn tồn tại trong lòng người, giữa xã hội và trên những trang sách báo, in giấy hoặc trên mạng liên thông toàn cầu (internet), của người Việt Nam chúng ta hay của những người ngoại quốc quan tâm đến tình hình chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa – tư tưởng và nhiều lĩnh vực khác ở nước ta. Không ai có thể thờ ơ, nữa là người cầm phấn trước bục giảng, cầm bút trên trang bản thảo nghiên cứu, sáng tác.

 

Những câu hỏi đặt ra là để mời gọi sự trả lời và tự trả lời. Đó là những câu hỏi (what? when? who? why? where? và how?) thuộc yêu cầu nghiên cứu khoa học và sáng tác văn học nghệ thuật, đúng như một phương châm ai cũng biết, đại để là “không đặt vấn đề (không hoài nghi, nêu câu hỏi), sẽ không có khoa học” và có thể mở ra một hệ luận là không có cả văn nghệ chân chính, sâu sắc nữa.

 

Những câu hỏi như vậy đặt ra là để vươn tới sự tiến bộ, chân thực trong khoa học xã hội và trong văn nghệ với những thành tựu mới. Trong giáo dục, là để động viên và tự động viên sự nghiên cứu, học hỏi và tôn trọng chân lí, nhất là tôn trọng sự thật lịch sử, sự thật hiện thực với thái độ trung thực, dũng cảm. Trong xã hội nước ta, sau khi vết thương sông Gianh chia cắt đất nước thành hai Đàng phong kiến, tuy đã khỏi, vẫn còn nhức nhối, vết thương sông Bến Hải chia cắt ý thức hệ, địch – ta, tuy đã lành, vẫn còn rỉ máu, để đoàn kết dân tộc trong điều kiện ắt có và điều kiện đủ là người Miền Nam định cư tại Miền Nam và tự quản lí chính quyền Miền Nam, người Miền Bắc định cư tại Miền Bắc và tự quản lí chính quyền Miền Bắc, không xâm lấn nhau, triệt hạ nhau, dưới sự lãnh đạo thống nhất của một Nhà nước Việt Nam duy nhất, với một nền kinh tế – văn hóa nhất thống (theo nguyên tắc chung của mọi đất nước trên thế giới: một dân tộc [gồm nhiều nhân tộc], một lãnh thổ, một nhà nước).

 

Hay chúng ta chấp nhận như thời thực dân Pháp – ngụy tả đạo thống trị, các bậc ông, cha chúng ta cứ phải nhai đi nhai lại câu sử học thuộc loại nhồi sọ trắng trợn, “Tổ tiên ta là người Gô-loa (Gaulois)”? Đó là một “chân lí”, “sự thật” quá sai lầm, khiến người dạy, người học phải hổ ngươi đến mức nhục nhã? Và cứ thế, cứ chịu đựng nhục nhã như thế, mà nhiều người trong số họ đã đỗ đạt từ sơ học, cao đẳng tiểu học, thành chung, tú tài, cử nhân, đến tiến sĩ Tây học; nhưng rồi cũng có người trong số đó đi làm cách mạng chống thực dân Pháp. So sánh, ví von như thế là khập khiễng quá đáng! Có điều, người viết bài này muốn nói: Trong truyền thống dân tộc Việt Nam ta, trải qua ngót một nghìn năm nô lệ giặc Tàu, ngót một trăm năm bị giặc Tây đô hộ, nên vốn có một “đức tính” chịu đựng, tuy chịu đựng dài lâu nhưng vẫn bền bỉ nuôi chí quật cường; thế thì … xin chịu đựng tiếp! Và rồi, đáng buồn thay, những trang sử dân tộc Việt Nam về thời hiện tại sẽ tủi buồn biết mấy!

 

Dẫu trong hoàn cảnh nào cũng phải học. Không học, chắc chắn là ngu dốt. Thà học năm điều sai, năm điều đúng, ta còn rèn luyện được tư duy, phương pháp học tập, nghiên cứu, làm việc, như vậy còn hơn không được học, bị ép bỏ học, hoặc lười học, chịu ngu dốt, óc não như một mớ đất sét.

 

Học tập, nghiên cứu khoa học tự nhiên, kĩ thuật – công nghệ, ngoại ngữ là yêu cầu bức thiết. Tuy nhiên, văn học, sử học, triết học là những bộ môn khoa học có vấn nạn nhiều nhất, bức xúc nhất, lại càng cần thiết phải học tập, nghiên cứu nhiều hơn, sâu hơn, khoa học hơn, để vươn lên giải quyết những vấn nạn ấy, một cách trung thực, khoa học, và dũng cảm chấp nhận chân lí, sự thật. Tinh thần sáng suốt, tích cực hay không, ý chí và nghị lực có mạnh mẽ hay không, là ở đó. Bậc phụ huynh nào cũng khuyên con em mình như thế.

 

Thật không yên lòng nếu những vấn nạn được nêu lên để dẫn đến tình trạng người cầm phấn trắng trước bảng đen ném phấn, bỏ nghề, người cầm bút trước bản thảo dở dang quẳng bút, học sinh, sinh viên lười học, chán học, thậm chí bỏ học, nhất là đối với các môn văn học, sử học và triết học, mặc dù kinh tế - chính trị học không phải không có vấn nạn bức xúc (không phải vì bản năng giai cấp mà bức xúc!), hoặc không chống lại sự cưỡng ép bỏ viết, bỏ dạy, bỏ học (1) (2).

 

Không nêu ra vấn nạn là tiêu cực vô tâm, không làm rõ những vấn nạn cũng chỉ là tiêu cực vô trách nhiệm? Lương tâm sẽ không bao giờ thôi ray rứt, nếu tất cả mọi người đặt ra những vấn nạn ấy để rồi tất cả đều im lặng, mặc cho xã hội trượt dài vào tiêu cực lẽ ra không nên có, và mặc dù có thể đánh tan ý thức tiêu cực ấy.

 

Người viết bài này, cũng như nhiều người khác, tự xét và tự nghĩ, dẫu sao, cũng đã góp toàn sức lực trí tuệ, tâm hồn mình, cho dù đó chỉ là một chút đóng góp quá nhỏ bé, trước những vấn nạn đầy thao thức, trăn trở trong giai đoạn giao thời – hậu chiến của dân tộc Việt Nam ta, đồng bào Việt Nam ta trong nước cũng như hải ngoại (3).

 

Tp. HCM., lúc 16 : 16, ngày 10-10 HB5

Trần Ngôn Sử (Trần Xuân An)

 

 

Chú thích:

 

[*] Theo tiêu chí của văn hóa Âu Mỹ (xa lạ, dị ứng  với cái đình, cái chùa, không lập bàn thờ gia tiên, như các loại tôn giáo xuất phát từ Ki-tô giáo !). (Tác giả bổ sung ngày 17-11-2005 [HB5]).

 

(1) Trong tiểu thuyết NGÔI TRƯỜNG THÁNG GIÊNG (Nxb. Thanh Niên, 2003), tác giả đã nêu lên vấn đề: Nghiên cứu, hội thảo khoa học tuy gắn bó chặt chẽ với việc giảng dạy và nội dung giảng dạy, nhưng không nhất thiết và không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau. Nghiên cứu, hội thảo khoa học luôn luôn đi trước, có nhiệm vụ khai phá, mở đường cho sự tiến bộ của nội dung giảng dạy. Tuy nhiên, việc cập nhật hóa những thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu vào nội dung giảng dạy ở trường học vẫn là một yêu cầu thiết yếu của khoa học giáo dục. (Tác giả bổ sung ngày 13- 11-2005. TXA.).

 

(2) Ghi chú: Một số chữ không quan trọng (chỉ để trau chuốt lại các câu văn, chứ không nhằm mục đích chỉnh sửa ý tưởng vốn có), được tô màu xanh, do tác giả bài viết thêm vào, sau khi Web Giao Điểm đã đăng (Trần Xuân An, 11-10 HB5).

 

 

Xem tiếp: Bài thứ hai:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta_b2.htm

 

Trở về: Trang mục lục của tập bài viết "Luận về thời chúng ta...":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta

 

Trở về trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

 

Google page creator /  host

Ngày đưa lên trang web này: 28-4 HB7

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE