i. Bài 9-Tl.1 - Trần Xuân An -- Thành phần thứ ba - giáo phẩm và giáo dân

 

Web. Tác giả Trần Xuân An

 

 

BÀI THỨ CHÍN

 

Bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm

số tháng 8-2005

posted: 18.8.2005

 

 

TRẦN NGÔN SỬ (Trần Xuân An)

 

MỘT VẤN NẠN CÒN LẠI:

THÀNH PHẦN THỨ BA

THUỘC HÀNG NGŨ GIÁO PHẨM VÀ GIÁO DÂN THIÊN CHÚA GIÁO LA MÃ

TRONG BƯỚC ĐƯỜNG TƯƠNG LAI CỦA VIỆT NAM

 

 

 

1

 

Đất nước đã chịu đựng một nỗi đau nhức nhối suốt 21 năm (1954 – 1975), kể từ vết thương Bến Hải với Hiệp định Genève. Cho đến hôm nay, nỗi đau ấy vẫn chưa thể lành lặn, nguôi quên, mặc dù niềm nhức nhối bên này, bên kia dòng sông lịch sử đó có khác nhau.

 

Dẫu sao, đối với một bên Bến Hải, phía Bắc, niềm vui chiến thắng đã bù đắp vào nỗi đau xưa; trong khi đó, đối với một bên khác, phía Nam của dòng sông lịch sử ấy, sự bại trận và lưu vong ra nước ngoài, niềm nhức nhối càng dậy lên khi vết thương trong tâm trí ngày càng sâu hoắm, mặc dù Liên Xô và Đông Âu xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ, ba nước rưỡi theo chủ thuyết Mác – Lê (Marxisme – Léninisme) còn lại đã gần 20 năm tiến vào lộ trình hòa nhập với chủ nghĩa tư bản.

 

Sách báo trong nước không thể bày tỏ một cách toàn diện, do quy chế nghiêm ngặt về báo chí, xuất bản. Sách báo hải ngoại hầu hết cũng không muốn thể hiện trọn vẹn, bởi sức ép ngầm hoặc thô bạo của các thế lực, một lẽ là thế, và một lẽ khác là bởi một phân số người Việt vẫn muốn giấu bớt những sai lệch cũ.

 

Nhìn trên tổng thể và tận chiều sâu lịch sử, ở Miền Nam cũng như Miền Bắc, phải chăng còn có một nỗi đau riêng giữa hai nỗi đau ngã hẳn về phía này hay phía khác ấy? Đó là nỗi đau của “thành phần thứ ba”, có thời đoạn được gọi là “lực lượng thứ ba”.

 

Với điều kiện tôn trọng chủ kiến riêng, chấp nhận tính đa dạng của các góc nhìn, trong chừng mức rất đáng kể, trên các diễn đàn hải ngoại, những thế hệ cùng thời có nhu cầu nội tâm phải cùng nhau nhìn lại lịch sử. Từ đó, sau khi những cánh cửa kinh tế, du lịch đã mở, cánh cửa sử học trong nước cũng cần thoáng rộng, đầy đủ ánh sáng trung thực, ánh sáng khoa học và ánh sáng cảm thông.

 

Liệu chúng ta, ít ra là vài ba thế hệ, kể cả thế hệ sinh ra, lớn lên nhưng chưa từng cầm súng trong giai đoạn lịch sử ấy, đã đủ bình tâm nhìn lại vết thương Bến Hải 1954 – 1975, sau 30 năm trôi qua, một quãng thời gian không ngắn ngủi, kể từ Ngày Thống nhất, 30 tháng 4-1975? Những tiếng nói của “thành phần thứ ba”, “lực lượng thứ ba” đã cất lên, vang vọng, giữa hai chiều đối nghịch không ngớt chĩa loa, chĩa bút vào nhau.

 

Người viết bài mạn đàm này cũng tự ý thức rất rõ về điều kiện hạn chế của mình.

 

 

 

2

 

Lịch sử vốn có những năm tháng được xác định là dấu mốc. Đâu là dấu mốc của nỗi đau lịch sử 21 năm chia cắt đất nước, 1954 - 1975? Không phải ngây ngô đến mức xem “Việt Nam sử lược”  của Trần Trọng Kim là kinh điển về sách sử học, nhưng ít ra đã có một nhận định đáng giá từ lần xuất bản thứ nhất dưới chế độ thực dân – nửa phong kiến, 1924, khi ông ấy đã “lách” được, viết thành một câu nhận định về nguyên ủy của nỗi đau phân liệt dân tộc, nỗi đau xung đột “lương – giáo”, khởi từ những năm thuộc thế kỉ XVI, lúc “tả đạo” Thiên Chúa giáo La Mã và thực dân Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp, Tây Ban Nha bước vào nước ta: “dần dần người trong nước chia ra bên lương, bên giáo, ghen ghét nhau hơn người cừu địch”  [1]. Cũng như ở các nước Á, Phi, Mỹ la-tinh, thực chất đó là nỗi đau của lực lượng yêu nước Việt Nam chống ngoại xâm, chống một phân số đồng bào tay sai, mà Trần Trọng Kim chỉ dám viết là các nước Âu Tây   “đi tìm đất” đồng thời câu kết với Giáo hội La Mã đi “truyền đạo” và dân bản xứ theo “tả đạo”.

 

Sông Bến Hải thành  “Sông Tuyến”   với hiệp định Genève 20-7-1954, thực ra, nguyên ủy đã có từ thế kỉ XVI, chứ không phải đến thời điểm 4 năm đầu nửa sau thế kỉ XX.

 

Nhìn nhận như vậy là không thể sai, nhưng cũng chưa thật toàn diện, thỏa đáng.

 

 

 

3

 

Năm 1917, phong trào cộng sản từ cuộc Cách mạng tháng mười Nga nổ ra, Đảng Cộng sản bôn-sê-vích (bolsévik) Nga với chủ nghĩa Mác – Lê trở thành một lực lượng có thực quyền, đã dần dần lan tỏa ra khắp thế giới, nhất là sau thế chiến thứ hai, 1939 – 1945. Đó là một lực lượng đối trọng với chủ nghĩa tư bản, vốn đã trở thành chủ nghĩa đế quốc Âu Mỹ, và đối trọng với cả đế quốc tôn giáo Vatican –  La Mã.

 

Từ những năm của thập niên 20 thuộc thế kỉ XX, cho đến 1930, với sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và cuộc khởi nghĩa Xô-viết Nghệ – Tĩnh, 1930 – 1931, dưới ngọn cờ nền đỏ, biểu trưng Búa - Liềm vàng, trong nước ta thật sự đã có một lực lượng cách mạng khác hẳn với với các lực lượng yêu nước, chống ngoại xâm trước đó (Văn thân, Cần vương [2], Đông du, Duy tân) và cùng thời (Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học).

 

Không phải sĩ dân Văn thân, Cần vương, Đông du, Duy tân, cũng không phải Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học, mà chính Đảng Cộng sản Việt Nam, có giai đoạn tạm giấu mình thành Mặt trận Việt Minh, mới thật sự là lực lượng có thực lực quân sự và có hậu thuẫn quốc tế để có thể đối đầu với thế lực thực dân Pháp, một thế lực ngoại xâm câu kết với “tả đạo” Thiên Chúa giáo xâm lược.

 

Sông Bến Hải trở thành vết thương lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới kể từ đó, chứ không phải đợi đến 1954 với hiệp định Genève. Sông Bến Hải (1954) cũng như Bức tường Bá Linh ở Đức (Đông Đức – Tây Đức, 1945), eo biển Đài Loan (Trung Hoa lục địa – Trung Hoa Đài Loan, 1949), Bàn Môn điếm ở Cao Ly (Triều Tiên và Đại Hàn, 1953). Nhưng rõ rệt nhất về sự đối đầu giữa hai khối trong cuộc “Chiến tranh lạnh”, Nga đứng đầu khối cộng sản với chủ nghĩa vô thần và Mỹ đứng đầu tư bản đế quốc với “tả đạo” Thiên Chúa giáo, vẫn là sông Bến Hải với cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài 21 năm (1954 – 1965 – 1975).

 

 

 

4

 

Trong tình huống lịch sử của đất nước và của thế giới như vậy, không thể không có một thành phần thứ ba. Nói không với chủ nghĩa cộng sản vô thần đồng thời nói không với thực dân, đế quốc tư bản chủ nghĩa câu kết với “tả đạo”, thành phần ấy là phân số trí thức, nhân dân được gọi là thành phần thứ ba, có khi gần như có thực lực và quyền lực để được gọi là lực lượng thứ ba.

 

Thành phần thứ ba này, từ 1930 - 1945, dẫu không chấp nhận khối nào cả, cũng đành phải đứng về một phía, hoặc cộng sản vô thần vừa xuất hiện trên vũ đài lịch sử (Nga sa hoàng thực dân thành Nga xô-viết), hoặc thực dân, đế quốc, “tả đạo” cũ với bộ mặt mới (đế quốc Mỹ với bộ mặt thực dân mới, hất cẳng, thay chân thực dân cũ là Pháp, và “tả đạo” vẫn là Thiên Chúa giáo La Mã).

 

 “Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước

  Chọn một dòng hay để nước trôi”

 

Tố Hữu, thi sĩ xứ Huế này, ở thời điểm những năm cuối thập niên 30 / XX, đã là một chứng nhân lịch sử khi viết hai câu thơ đó trong tập thơ đầu tay,  “Từ ấy”  (1938 / 1946).

 

“Thành phần thứ ba” không còn chọn lựa nào khác. Xét về nơi cư trú, họ phải tự chọn: sống ở Miền Nam (di cư) hay sống ở Miền Bắc (tập kết), sau ngày 20-7-1954? Chính kiến riêng có thể phải tạm thời giấu vào chỗ sâu kín nhất trong tâm trí mình. Đó là sự chọn lựa đối với những người hoặc do tâm tính quyết liệt, hoặc ở tình huống không thể không chọn lựa dứt khoát. Nhưng đại đa số nhân dân Miền Nam và Miền Bắc, vốn không thuộc khối này hay khối kia, họ bị buộc chặt bởi nhà cửa, quê hương, bản quán, chẳng thể chọn lựa gì cả.

 

“Thành phần thứ ba”  thật sự là một phân số trí thức, nhân dân có thật, là một thực thể xã hội – chính trị – kinh tế có thật, trên cả hai miền Nam và Bắc suốt 21 năm, 1954 – 1975. Tuy nhiên, thái độ cộng tác hay không cộng tác với chính quyền Mỹ – ngụy hay chính quyền cách mạng chuyên chính vô sản, hai chính quyền đều lấy đó để đo lường chính kiến của họ, và cùng với luật quân dịch hay nghĩa vụ quân sự bắt buộc, dần dà, tất thảy đều gắn chặt với chế độ Miền Nam hay chế độ Miền Bắc. Nếu không, họ sẽ bị tiêu diệt, ít ra cũng bị trấn áp và tàn lụi. Quả thật, trong thực tế đã có hàng ngàn, vạn người bị thủ tiêu, ám sát lẻ, tù đày, giết chóc hàng loạt.

 

Trước mắt là hầu hết tạm thời dựa vào một trong hai, tuy nhiên, thành phần thứ ba này vẫn nuôi dưỡng ý định dần dà sẽ lần lượt bẻ gãy cả hai gọng kìm lịch sử của hai khối trên thế giới. Bên này, cho rằng chống cộng xong, sẽ đập tan “tả đạo” Thiên Chúa giáo và thoát khỏi nanh vuốt đế quốc Mỹ. Bên kia, cho rằng chống Mỹ, ngụy, “tả đạo” xong, sẽ thoát khỏi nanh vuốt Nga – Trung và chủ nghĩa vô thần phi truyền thống.

 

 

 

5

 

Giữa hai gọng kìm lịch sử, thành phần thứ ba ưu tú bị tiêu hao dần, bởi thực dân Pháp, “tả đạo” Thiên Chúa giáo và Mỹ – ngụy cũng như bởi Cộng sản, Việt Minh, chính quyền Miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đó là sự thật lịch sử. Mỗi người hiện còn sống, vốn đã sống qua giai đoạn lịch sử ấy, có thể hồi ức lại để dẫn chứng giúp cho dòng chữ này.

 

Tuy vậy, trong thực tế lịch sử giai đoạn 1954 – 1975, trong thành phần thứ ba vẫn có một phân số trí thức, nhân dân (gọi cách khác là sĩ dân thời đại mới) đã ra mặt chống lại chế độ hiện hành ở hai miền Nam, Bắc. Phong trào Nhân văn – Giai phẩm ở Miền Bắc ai cũng biết. Còn ở Miền Nam, sau 9 năm (1954 – 1963) dưới chế độ Ngô Đình Diệm, độc tài, gia đình trị và tay sai của “tả đạo” Thiên Chúa giáo, bù nhìn của đế quốc Mỹ, bao nhiêu người yêu nước đã bị thủ tiêu, ám sát hoặc bị bạo quyền họ Ngô giết hại trắng trợn, không cần đếm xỉa đến tòa án, pháp luật (đạo luật tháng 10-1959 đặt cộng sản ra khỏi vòng pháp luật!).  Dưới chế độ ngụy quyền của tổng thống “tả đạo” Thiên Chúa giáo Nguyễn Văn Thiệu (1965 – 1967 – 1975) cũng thế, nhưng mức độ thủ tiêu, bạo hành trấn áp ít hơn, do đó lực lượng thứ ba đối lập, đấu tranh ra mặt cũng đông đảo hơn, tuy không tạo nên được hào quang rực rỡ, chói lọi như phong trào Phật giáo đấu tranh dưới chế độ Diệm, dẫn đến sự sụp đổ của “triều đại Ngô Đình”.

 

 

 

6

 

Nhưng rốt cuộc, ai đã chiến thắng? Ai đánh bại được thực dân Pháp? Ai góp phần đánh bại phát-xít (fascisme) Nhật? Ai đánh thắng đế quốc Mỹ? Ai đánh thắng được “tả đạo” Thiên Chúa giáo?

 

Cũng có thể tự hỏi và tự đáp thêm: Nhưng rốt cuộc, hai khối tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, ai đã thắng ai? Tự do, dân chủ, độc lập tư tưởng hay độc tài, chuyên chế, bao cấp tư tưởng là điều kiện để phát triển mỗi nhân phận và toàn xã hội?  Phải chăng đây là thời kì thoái trào của cách mạng xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội hòa nhập vào chủ nghĩa tư bản, để lại phục hồi liên minh các nước xã hội chủ nghĩa ở một trình độ dân chủ cao hơn (chấp nhận đối lập, đối trọng như quy luật về âm dương tương khắc tương sinh mà Marx gọi là quy luật về mâu thuẫn hay mâu thuẫn luận)?

 

Vấn nạn còn lại là Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã và hàng ngũ giáo phẩm, giáo dân Việt Nam.

 

 Với một lịch sử xâm lược, tay sai ghê tởm như vậy, ít ra là suốt 117 năm (1858 – 1975), giáo phẩm, giáo dân Việt Nam làm sao còn tư cách công dân Việt Nam, chứ đừng nói đến tư cách chính trị trên đất nước Việt Nam đã quá nhiều đau khổ, nhục nhằn bởi Thiên Chúa giáo? Không thể không tỉnh táo, sáng suốt nhận thức lại sự thật lịch sử, rồi tự hỏi như vậy và tự trả lời. Linh mục viện sĩ Trần Tam Tĩnh đã viết một cuốn sách về lịch sử 117 năm ấy, kể cả giai đoạn trước đó (“Thập giá và lưỡi gươm”  [3] ), như Trần Trọng Kim đã viết, nhưng với một nội dung, mặc dù chưa đầy đủ nhưng phong phú hơn trăm lần, với một thái độ và cách diễn đạt rạch ròi hơn. Nếu cẩn trọng hơn một chút nữa, có thể đọc  “Đại Nam thực lục chính biên” [4] các kỉ có liên quan (triều Tự Đức đến triều Hàm Nghi).

 

Nói rõ hơn, giáo phẩm và giáo dân Thiên Chúa giáo có thể tự cải đạo, lập ra đạo mới (Jésus-phản-đế) hoặc tự trở về với cái đình dân tộc, cái chùa Phật giáo (cái đình và cái chùa vốn là cơ cấu căn bản của văn hóa tâm linh – lịch sử Việt Nam truyền thống), nhưng Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã vẫn còn đó, giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam trực thuộc Vatican vẫn còn đó, cho nên, người ta có thể vẫn không bao giờ đặt niềm tin chính trị – xã hội vào những ai đã từng đứng trong hàng ngũ giáo phẩm, giáo dân Thiên Chúa giáo, mặc dù trong đó có người từng thuộc vào thành phần thứ ba trong giai đoạn 1954 – 1975 một cách tự phát.

 

Xin hãy dùng chính hình tượng Jésus-phản-đế để chống lại thần học và thần quyền Vatican, Phản thệ (Tin Lành), v.v., vì độc lập của mỗi quốc gia – cộng đồng dân tộc, trước khi trở về với cái đình, cái chùa Việt Nam.

 

Xin hãy đối diện với chính mình và tự vấn.

 

Người viết bài này không có ý định ngạo mạn là “khuyên nhủ” một ai, chỉ dám mạnh dạn nêu ra một trong những vấn nạn xã hội hậu chiến Việt Nam chúng ta trong ước vọng đoàn kết đại khối dân tộc.

 

TP. HCM., 18 : 08, 18-8-2005

TRẦN NGÔN SỬ

(Trần Xuân An)

 

 

 

[1] Trần Trọng Kim, "Việt Nam sử lược", Nxb. Tân Việt, bản 1964, tr. 343, tr. 338 – 343.

 

[2]  Trong phong trào Văn thân, Cần vương, có sự đóng góp xương máu của Phật giáo: 

 

       “… Kể từ ngày 13.12.1883, một mật lệnh được truyền đi từ các sĩ phu, lãnh tụ đến cho các làng Phật giáo Bắc An Nam với nội dung khích lệ làm vũ khí chống lại “bọn Pháp nội công”. Cuộc tàn sát công giáo [thật ra, chỉ riêng bộ phận đích thực là “tả đạo”, theo giặc] sẽ thực hiện từ ngày 02 đến 08 tháng giêng 1884…”  (Những người bạn cố đô Huế [Bulletin des amis du vieux Hué, 1916], bài  “Phái bộ Pháp ở Huế và những phái viên đầu tiên”  của linh mục Aldophe Delvaux, tập III, Nxb. Thuận Hóa, 1997, tr. 57).

 

       “… Sự cố [Văn thân bình Tây sát tả] này […] phải chăng là một sự thức giấc đột xuất của Phật giáo chống lại Thiên Chúa giáo có sức mạnh và đang tiến triển hàng ngày trên đất An Nam? Phải chăng đây là hậu quả thảm khốc của trận chiến tôn giáo? […] Ông Phật phải chăng có một sự trả thù sau cùng đối với ông Chúa xâm lược?…”  (Những người bạn cố đô Huế [BAVH., 1923], bài  “Một trang viết về lịch sử Quảng Trị, tháng 09.1885” của Jabouille, tập X, Nxb. Thuận Hóa, 2002, tr. 435).

 

      Thực chất chỉ là chiến tranh xâm lược và chống xâm lược mà thôi! Đó là chiến tranh giữa một bên là Pháp, Tây Ban Nha và “tả đạo”; một bên là lực lượng chủ chiến thuộc triều Nguyễn, dân tộc Việt Nam với đạo lí yêu nước, thờ kính anh hùng dân tộc, tổ tiên truyền thống, trong đó có một phân số khá lớn đồng bào theo tam giáo [đồng quy].

 

      Bộ phận đồng bào theo Đạo Phật là một lực lượng yêu nước vốn có truyền thống chống ngoại xâm lâu đời.

 

[3] Trần Tam Tĩnh (linh mục, giáo sư, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Canada), "Thập giá và lưỡi gươm" (nguyên tác: "Dieu et Céçar"), Vương Đình Bích (linh mục) dịch, Nxb. Trẻ, 1988.

 

Xem thêm: Yoshiharu Tsuboi, "Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa", UB.KHXH. TU. Tp. HCM. xb., 1993.

 

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, "Đại Nam thực lục", chính biên (ĐNTL. CB.), các tập từ 27 đến 38 (triều Tự Đức đến triều Đồng Khánh), bản dịch Tổ Phiên dịch Viện Sử học Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1973 – 1978.

 

TXA.

 

 

Xem tiếp: Bài thứ mười:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta_b10.htm

 

Trở về: Trang mục lục của tập bài viết "Luận về thời chúng ta...":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta

 

Trở về trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

 

Google page creator /  host

  Ngày đưa lên trang web này: 28-4 HB7

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE