b. Trần Xuân An - Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Tệp 2 / tập IV

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

07/01/09

13-04 HB6

( 2006 )           

 

TẬP IV

 

 

Tệp 1

 

Tệp 2

 

Tệp 3

 

Tệp 4

 

Tệp 5

 

Tệp 6

 

Tệp 7

 

Tệp 8

 

Tệp 9

 

Tệp 10

 

Tệp 11

 

________

 

Hình ảnh:

 

Tệp 12

 

Tệp 13

 

Tệp 14

 

Tệp 15

 

Tệp 16

 

________

 

 

TẬP I

 

TẬP II

 

TẬP III

 

TẬP IV

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

 

Trần Xuân An,

nội hậu duệ thế hệ thứ năm.

 

 

 

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

 

 

Xem:

Blogger (Google) tháng 12-2005

http://tranxuananpcdtnvt4a.blogspot.com/

   & các trang tiếp theo: … 2a … 2b … 2c …

 

 

 

Tệp 2 –  Tập IV  

(phân đoạn 2, truyện kí thứ 11)

 

TRẦN XUÂN AN

 

THẾ TRẬN

“TOẠ SƠN QUAN SONG HỔ ĐẤU”

 

Truyện kí thứ mười một

(phân đoạn 2)

 

 

      6

    

      Tình hình sau “hoà” ước Quý mùi (1883), có những điều rất đau xót và oái oăm. Bọn Pháp ở Sứ quán tại Huế, trước đó chỉ một viên khâm sứ và dăm bảy người phục vụ, kể cả y bác sĩ và thợ làm bánh mì, đầu bếp. Nay chúng lại có cả quân lính, không những dưới cửa Thuận An mà ngay tại Huế. Chúng lại ngang nhiên đi do thám ngay dưới mũi súng và họng đại bác của tướng quân Tôn Thất Thuyết, danh tướng Ông Ích Khiêm, của ba viên tướng khác cũng rất lừng lẫy: Trương Văn Đễ, Trần Xuân Soạn, Vũ Văn Đức… Đúng ra, vừa đau xót, oái oăm vừa buồn cười.

       “Khâm sứ Săm Bô [De Champeaux] viết thư nói rằng: “Quan Pháp do thám đã bị dân xã An Truyền, huyện Phú Vinh [:Vang] cười giễu và lính (Pháp) ở đấy [xã Nhiêu Tập] thổi kèn ở ngoài Sứ quán, đã bị trâu húc bị thương, nên ra lệnh cấm chỉ”” (47) .

      Trước đây, công sứ (résident, consul) Pháp lại ngang nhiên lên đến Khiêm lăng, nơi Khiêm hoàng hậu Vũ thị (nay là hoàng thái hậu) cư tang, đến mức quân lính bảo vệ tại đấy không ngăn cản được (48)! Hình như y có tìm gặp Khiêm hoàng hậu, dưỡng mẫu của Dục Đức (Ưng Chân).  “Dục Đức ngày trước, khi vua Dực tông [Tự Đức] hãy còn, thường hay đi lại với người Pháp” (49) , cụ thể là Rheinart và các cố đạo như Caspar ở nhà thờ Thiên Chúa giáo tại Kim Long, cách bờ kinh thành về phía tây khoảng vài trăm mét (qua môi giới là thầy dạy tiếng Pháp: linh mục thông ngôn Nguyễn Hữu Cư) (49). Phải chăng De Champeaux đã tìm gặp Khiêm hoàng hậu để mưu tính việc đưa Dục Đức trở lại ngai vàng? Không tài nào biết được! Lúc này, tháng chạp Quý mùi (1883), Dục Đức vẫn cùng con cái, thê thiếp sống và học hành tại Giảng đường Viện Thái y. Mặc dù hoàng thái hậu Vũ thị vẫn cư tang tại Khiêm cung, nhưng dĩ nhiên hai mẹ con vẫn thường thăm viếng nhau. De Champeaux lại đến tìm gặp, chứ y không lạ gì Khiêm lăng mà đến chơi xem! Quả thật, không rõ. Nhưng cảnh giác vẫn hơn. Triều đình cố nhiên phải rút kinh nghiệm từ vụ Hồng Bảo, Đinh Đạo. Do đó, phải xây dựng lộ giới bằng trụ gạch để ngăn cách Khiêm cung (48), như một cách tăng cường giám sát, quản chế. Đó cũng là một bi kịch đau lòng. Và sự thể tên khâm sứ ấy, cũng rất đáng căm giận!

      Không những do thám ngay tại kinh đô, thực dân Pháp cùng cố đạo Pháp vẫn âm mưu lũng đoạn ngai vàng, một âm mưu đã có từ rất lâu và ngay từ thời giám mục Pellerin (50)… Chẳng những thế, thủ đoạn lợi dụng giáo dân người Việt mình vẫn tiếp diễn! Giáo dân vì mê tín, sinh ra dại khờ, mê muội đến mức phản quốc, chỉ mong thăng thiên về Nước Chúa hoặc mong  “nước Cha trị đến” (51) . Vì sợ sẽ lại có những tên cỡ như linh mục Trần Lục ở Ninh Bình vài tháng trước, nên Trương Văn Đễ ra các tỉnh hữu kì.

      “Biện lí Bộ Binh Trương Văn Đễ sung khâm phái, ra Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, cáo rõ cho các quan tỉnh biết xét dò tình thế, để trấn áp quần chúng nổi lên [gây chiến tranh lương – giáo]. [Ông] bèn lưu ở Thanh Hoá, điều đình với đạo – bình [đạo: giáo – bình: lương], làm cho mọi người yên ổn. Lúc đó, tàu Pháp đến hải phận bốn tỉnh ấy, có chiếc đã bỏ neo ở Nghệ An, Thanh Hoá, có chiếc đậu ở bến các hạt thuộc Quảng Bình, Hà Tĩnh. Giáo mục [:linh mục, giám mục] và giáo dân ngầm đến tàu này xin viện trợ. Quan tỉnh này sợ rằng lại xảy ra như việc ở Ninh Bình, ai nấy đều xin thúc [giục] binh [lính] di chuyển tiền bạc, để trấn tĩnh, hiểu dụ họ. Nhưng [tình hình xung đột] đạo – bình ở Thanh Hoá không yên (sau khi cái án thiêu sát giáo dân đã được phát giác rõ). Giáo mục có người xin phái mộ binh của Pháp đến giữ nhà thờ. Nhân đó (mà) cho phép [biện lí Trương Văn Đễ] đến điều đình để yên dân” (52) .    

      Máu cuộc chiến tranh lương giáo Nghệ – Tĩnh từng lan ra cả Bình lẫn Thanh mười năm trước chưa khô, với thù hận dai dẳng đến nay còn kêu đòi, cả vụ Trần Lục phối hợp cùng Bouet tại Ninh Bình vài tháng trước vẫn đang là một nỗi đau xót, lại thêm vụ “sát tả” (thiêu sát “tả đạo”) mới đây tại Thanh Hoá, tất cả cũng chỉ máu người Việt đổ, nhà người Việt cháy!

      Vị vua trẻ Kiến Phúc, hai quan phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết cùng các tôn nhân, triều thần, quan tỉnh không thể không tìm cách dập tắt ngay từ đầu mối xung đột lương – giáo do bọn Pháp xúc xiểm để li gián và gây rối, nhằm tạo cớ xâm lược với chiêu bài “bảo hộ”! 

      Tiếp theo chuyến công cán điều đình về xung đột lương – giáo của Trương Văn Đễ, các quan phụ chính liền bàn việc  “trước tiên là chuyển thư của sứ Pháp [Tricou] nghị xử về sự kiện Bắc Kì” (53) , để can thiệp, ngăn chận sự lộng hành của các tên công sứ Pháp và trấn tĩnh phản ứng của quan dân ta trước thái độ hống hách, ách bạo quyền của chúng ngoài đó. Bấy giờ, De Champeaux ở Huế cũng đệ gửi văn thư qua Nha Thương bạc để nhờ chuyển lên Viện Cơ mật:

       “Đờ Li Cô [:Lý Cố, Tricou] đến Bắc Kì bàn bạc với tướng Pháp là Cô Phi [:Cô Bi, Courbet], nghiệp sức [:đã lo sợ thông tư] cho các công sứ [Pháp] ai nấy đều phải yên tĩnh, phàm quân sự, dân sự ở các tỉnh đều không dự vào” (53) .

      Đoàn khâm sai do Nguyễn Trọng Hợp dẫn đầu cũng đã vào Huế, không thể không có đoàn khâm sai khác ra Bắc Kì. Bấy giờ,  “quan các tỉnh đều không muốn làm việc, đến nỗi người ta hết thảy hoài nghi, trộm cướp nổi lên tứ tung; [các quan tỉnh ngoài ấy] xin cử cán viên đến gấp để xử trí, kịp sớm yên ổn” (53) .

      Trong các thời đoạn lịch sử gay go, chính quyền không kiểm soát được trật tự, trị an, thường thấy có nhiều đám trộm cướp nổi lên trấn lột, vơ vét, hôi của. Trong giai đoạn này, bọn công sứ Pháp lộng hành, Bắc Kì đã bị chúng cưỡng chiếm bằng vũ lực và bằng hàng ước Quý mùi (08.1883), quan triều đình bất hợp tác, vả lại, quân Thanh kéo sang ngày càng đông, cho nên, trộm cướp đủ loại (giặc Cờ đã vỗ yên, thảo khấu, thuỷ phỉ, hải tặc, Hán gian…) không thể không ngóc đầu dậy. Đó là một mặt. Mặt khác, nghĩa quân đã tự động khởi binh chống Pháp (một số, tiếc thay, theo quân Thanh!). Lòng yêu nước truyền thống của nhân dân Bắc Kì đến lúc này đã bùng dậy, tuy vẫn có người “đánh cả triều [đình] lẫn Tây”, một cách tự phát. Đã là tự phát, lại tự phát trong bối cảnh hỗn mang như thế, nên trong các cuộc khởi nghĩa của nhân dân, bên cạnh sự sáng suốt, tỉnh táo, còn có sự quờ quạng, nhầm lẫn. Do đó, đoàn khâm sai do thượng thư Bộ Công Đoàn Văn Hội, sung biện Nội các, tham biện Viện Cơ mật Hoàng Hữu Thường, dẫn đầu, lang trung Bộ Lại Lê Cơ làm tham biện của đoàn, đã  “đi ra Bắc Kì để khu xử, hiểu tập, động viên nghĩa quân” (53) . Đoàn khâm sai và quân binh tuỳ tùng, hộ tống lên đến năm mươi (50) viên.

      Các quan phụ chính đại thần và thân đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và cả Hồng Hưu đều chú ý vừa giải quyết tình thế vừa  “hiểu tập, động viên nghĩa quân”.  Nghĩa quân là lực lượng hương binh, dân quân (dân được trang bị vũ khí để bảo vệ làng xã) đã khởi nghĩa chống Pháp. Đó là một lực lượng rất cần sự hướng dẫn, huấn thị và khích lệ, động viên của triều đình.

      Tháng chạp, thời tiết vẫn mưa và rét buốt. Trời đất đã bắt đầu vào những ngày hạ tuần, sắp chấm dứt năm Quý mùi (1883, bước sang 1884) nhiều biến động đau xót.

      Tuy nhiên, vụ thất thủ Ninh Bình vẫn chưa được ổn định lại, xem ra vẫn còn khó khăn, phức tạp và gay gắt hơn.  “Tháng trước, vì công sứ [Pháp] tỉnh này ngang ngược, tàn khốc, không thể ở chung được” (54) , nên hộ phủ Ninh Bình Tôn Thất Uý  “đem dấu tuần phủ cùng ấn triện án sát mà đi khỏi thành” (54) . Ông đến Nha Sơn phòng tỉnh, giao ấn triện án sát cho sơn phòng sứ Lã Năng Hoằng, để quan họ Lã kiêm giữ (54).

      Lúc ấy, khâm sai Nguyễn Trọng Hợp chưa về lại kinh đô Huế, ông ta bàn với tổng đốc Hà [Nội] – Ninh [Bình] đề bạt Phạm Hy Lượng lên chức tuần phủ và đặt thêm một vài viên chức khác, như tri phủ Thường Tín Hoàng Dụng Tân thăng lên án sát. Nhưng Tôn Thất Uý không chịu giao ấn triện (54).

      “Nguyễn Hữu Độ lại nói với (viên công) sứ [giặc Pháp] là [Hoàng Dụng Tân] chờ sau [sứ] sẽ khắc [khuôn] dấu cho. Nhưng [y] sợ! Cơ mật viện [hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] tâu lên (vua) rằng: “Hiện nay ở phủ niết [:án sát] tỉnh Ninh Bình này, không thiếu nhân viên, mà [Nguyễn] Trọng Hợp và [Nguyễn] Hữu Độ trước đã sơ suất, muốn mở rộng quyền hành. [Phạm] Hy Lượng và [Hoàng] Dụng Tân lại không lượng được mình, tuỳ tiện nghe theo ngay, dẫn đến chỗ không có ấn, gây ra chuyện lôi thôi; lại còn có ý chờ đợi (công) sứ [Pháp] cấp ấn cho. Nói như vậy thật khó nghe”. Việc xin quyền cấp phủ niết [:án sát] không được phê chuẩn thi hành, mà việc phân xử [phạt, giáng] mỗi người khác nhau [tuỳ mức lỗi]” (54)

       “Đến lúc đó, Săm Bô khâm sứ đóng ở kinh đô viết thư nói rằng: “Công sứ [Pháp] ở các tỉnh đều không tham dự vào việc này”” (54) .

      Nguyễn Trọng Hợp, Hoàng Dụng Tân, và nhất là Nguyễn Hữu Độ, đã bộc lộ thói cơ hội xu thời, sự đê tiện thật đáng khinh. Về Tôn Thất Uý, ông vẫn đang cùng các quan chánh phó lãnh binh tìm nơi hẻo lánh, hiểm trở để ẩn núp, sau khi  “trải việc Pháp phái [viên] lại và lính mộ đến đốt phá” Nha Sơn phòng và Nha huyện Yên Hoá (54). Ông đã có chỉ dụ từ kinh đô chuẩn cho về tỉnh,  “rốt cục, vì quan Pháp gây trắc trở, nên chưa thể về” (54)!

      Đó là nỗi đau xót Ninh Bình. Từ khi thành Sơn Tây bị thất thủ, tình hình cũng rất đáng lo ngại:  “Côn đồ khắp nơi nổi lên như ong” (55) . Đường dịch lộ từ Mỹ Đức thuộc Ninh Bình đến Sơn Tây không thông, công văn bị ách tắc.  “Các phủ huyện Mỹ Lương, Quốc Oai, Thạch Thất đều trở thành nơi tấn công và chiếm cứ của bọn phỉ” (55) . Đó là thời cơ của bọn giặc Cờ, giặc trốn nước Thanh, bọn thổ phỉ, lục lâm thảo khấu! Hai đại thần Viện Cơ mật Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết tấu chuẩn, lệnh cho Hoàng Tá Viêm lập tức về đóng quân tại Sơn Tây và đồng thời chỉ đạo cho các hạt khác tiễu phỉ để ổn định tình hình.

      Cũng tại Sơn Tây, sau khi thất thủ, các quan tỉnh chuyển đi đóng trụ sở tạm ở Trù Biện, không về lị sở cũ. Tay sai đã lộ mặt là Nguyễn Hữu Độ lại đang nịnh bợ tên tướng Pháp toàn quyền Courbet!

       “Tướng Pháp là Cô Bi [Courbet] thúc giục hộ đốc Hà Nội là Nguyễn Hữu Độ chọn người thay thế! [Nguyễn] Hữu Độ chọn Nguyễn Khuyến (lãnh trực học sĩ, dưỡng bệnh tại quê) quyền lãnh tổng đốc, Thành Ngọc Uẩn (thị độc học sĩ đinh gian trung chế) làm quyền bố chánh sứ. (Hai ông) đều không đến [nhậm chức]. Thế nên, bèn lấy nguyên tú tài theo đạo (giáo) [Thiên Chúa] là Nguyễn Trần Cáp, nguyên ngũ phẩm sung thương chính phó quản lí là Nguyễn Hậu bổ sung vào. Cáp: quyền tổng đốc; Hậu: quyền bố chánh; đều do quan Pháp [Courbet] cử ra.

      Quan Cơ mật viện [:hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] biết được việc này, tâu [lên vua Kiến Phúc] rằng: “Trần Cáp tên cũ là Nguyễn Văn, can ngụy án đang trốn tránh, Hậu là lại điển xuất thân, không có trí thức nào khác, thỉnh [thị ý vua] không phê chuẩn”.

      [Vua] bèn có lệnh cho Viện thần [hai đại thần Viện Cơ mật Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] thương lượng với khâm sứ Săm Bô [De Champeaux], viết thư cho vị tướng ấy [Courbet] ngừng lại việc đó lại. Sau đó, ưng dùng nhân viên nào thì do bọn khâm sai Đoàn Văn Hội tiến cử, tâu lên bằng cách khác.

       Lúc đó, Cáp và Hậu vẫn lưu lại để thi hành. Sau đó, [Đoàn] Văn Hội đến thương lượng với tướng Pháp [Cour-bet], xin để Nguyễn Trọng Hợp thay thế. Cáp mới về ngụ ở Hà Nội, Hậu vì can một khoản nên phải đuổi về” (56) .

      Xét cho cùng, rõ ràng hai đại thần Viện Cơ mật Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và triều đình vẫn cố gắng nỗ lực đấu tranh với thực dân Pháp, mặc dù đang kẹt bởi “hoà” ước Quý mùi (1883), phải nhân nhượng ở hai điều khoản thứ năm (V) và thứ sáu (VI) quá bất lợi về phía nước ta:

 

      +++ “Điều khoản V: Triều đình nước Nam sẽ ra lệnh cho quan lại ở Bắc Kì trở lại lị sở, bổ nhiệm các quan lại mới để điền vào những nơi khuyết, và sẽ lâm thời công nhận những sự bổ nhiệm của nhà cầm quyền Pháp sau khi đã có sự thoả hiệp của đôi bên.

      +++ Điều khoản VI: Quan lại các tỉnh từ đường biên phía bắc tỉnh Bình Thuận ra đến đường biên Bắc Kì, lấy đèo Ngang làm giới hạn, sẽ tiếp tục do triều đình cai trị như xưa, không có bất cứ một sự kiểm soát nào của nước Pháp, trừ những công việc thuộc về thương chính hay công chính, và nói chung là những công việc cần có một sự chủ trương duy nhất và khả năng của các nhân viên kĩ thuật Âu châu” .

 

      Những ngày cuối năm Quý mùi (1883) vẫn mưa gió, rét buốt, đau đớn và xót xa, nhưng không phải không có khí thế hào tráng, thái độ kiên định, vẫn cứng rắn trong vẻ mềm dẻo.

      Tuần phủ Từ Diên Húc lại sang vào những ngày cuối năm ấy. Triều đình Đại Nam vẫn tiếp tục ứng xử rất tình cảm và rất láng giềng với Từ Diên Húc.  “Từ Diên Húc đến Lạng Sơn, yết cấm binh dũng các dinh quấy nhiễu, lệnh [?] cho tỉnh ấy phải cung ứng vật dụng (dầu, than củi, v.v…), đều có trả tiền. [Nhưng vua] chuẩn lệnh không cho nhận” (57) . Hai đại thần Viện Cơ mật Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết cùng triều đình, một mặt, vẫn tiếp tục chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống Pháp (xây dựng Tân Sở, tổ chức hương binh…), đồng thời mặt khác, vẫn đẩy mạnh thế trận  “toạ sơn quan song hổ đấu” (ngồi trên núi xem hai con cọp đấu nhau) . Dẫu nhà Thanh có lòng dạ đen tối thế nào đi nữa (dám lạm quyền ra lệnh cho quan tỉnh ta!…), họ đã và vẫn sẽ đánh bọn thực dân Pháp những trận ra trò…

 

      7

 

      Tháng giêng, năm mới, Giáp thân (1884). Đây là năm Kiến Phúc thứ nhất, nhà vua đã tròn mười lăm tuổi ta.

      Sau sinh nhật vua Kiến Phúc, mùng hai Tết Nguyên đán, không lâu, phái bộ Phạm Thận Duật và Nguyễn Thuật về đến kinh đô (58). Hơn một năm trời họ ở Thiên Tân, tỉnh trực lệ của nước Thanh. Quan họ Phạm vẫn được giữ nguyên chức cũ. Quan họ Nguyễn được thăng thự hữu tham tri Bộ Binh. Các tuỳ phái cũng được thăng thưởng (58).

      Những ngày đầu năm  “các quan trong Chính phủ [:Phủ Phụ chính] [với] ý muốn răn trị bọn mọt dân” (59) , liền lệnh cho các quan ở Bộ Hộ, Bộ Hình tra xét vụ án ở Quảng Điền, thuộc Thừa Thiên, khi vụ ấy được phát hiện (59).

      De Champeaux cũng có lệnh về Pháp, Ba Rô (Pha Rô, Pareau) đến làm khâm sứ (résident) tại Huế (60).

      Ở Bắc Kì, tên tướng Courbet vốn  thuộc binh chủng hải quân. Nhưng quân Pháp tăng cường sang xâm lược nước ta hiện nay không chỉ hải quân của chúng, mà còn có một lực lượng lục quân (bộ binh, lính đánh bộ) lớn hơn cả số hải quân. Do đó, Courbet được thăng lên một bậc quân hàm, thành trung tướng, nhưng lại phải nhường chức cho Millot, một trung tướng lục quân vừa thăng thống tướng (61). Millot đến Bắc Kì ngày mười sáu tháng giêng Giáp thân (1883), giữ chức vụ toàn quyền, thống đốc quân vụ của Courbet trước đây (61). Courbet chuyên trách tất cả lực lượng hải quân viễn chinh Pháp ở mặt bể, nên có người ngỡ y đã về nước. Thật sự, Pháp bố trí Courbet ở chức vụ mới để bí mật chuẩn bị kế hoạch xâm lược và làm áp lực quân sự mới.

      Lực lượng quân đội Pháp tại Bắc Kì đã lên đến một vạn sáu (16.000) tên và mười (10) đội pháo thủ, chia ra làm hai lữ đoàn.  “Một lữ đoàn ở bên hữu ngạn sông Hồng Hà thì đóng ở Hà Nội, có thiếu tướng Brière de L’Isle [trông] coi. Một lữ đoàn ở bên tả ngạn sông Hồng Hà thì đóng ở Hải Dương, có thiếu tướng De Négrier [trông] coi” (62) .

      Ít ngày sau, có sự thay đổi về chức vụ trong các quan Viện – Bạc đại thần. Tôn Thất Thuyết: lãnh thượng thư Bộ Binh, Nguyễn Văn Tường: lãnh thượng thư Bộ Lại (63), Phạm Thận Duật: lãnh thượng thư Bộ Hộ (sung làm Quốc sử quán phó tổng tài, kiêm quản Khâm thiên giám). Ngoài ra, Chu Đình Kế: tả tham tri Bộ Hộ; Nguyễn Thành Ý: thự tham tri Bộ Công. Và khai phục bước đầu cho các quan khác (63). Vũ Trọng Bình: thương biện tỉnh vụ Nghệ An; Nguyễn Chính (Chánh): Sơn phòng sứ Hà Tĩnh; Nguyễn Trọng Hợp: phó Sơn phòng sứ Thanh Hoá; Trần Văn Chuẩn: dinh điền sứ Quảng Bình; Bùi Ân Niên: tả tham tri Bộ Lại (63).

      Đây là thời điểm khá gay go, nhiều thách thức, do đó, quan chức triều đình, nhất là ở các tỉnh không ít băn khoăn, dao động. Có nhiều người tìm cớ ở ẩn, như nhà thơ tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến chẳng hạn. Ông được cử vào sứ bộ sang Trung Hoa (64), nửa chừng có lệnh phải tạm dừng lại vì tại triều đình xảy ra vụ đảo chính Hiệp Hoà, thực dân Pháp lại làm sức ép về ngoại giao (64). Nguyễn Khuyến về quê ở ẩn với tâm trạng day dứt, bất lực trước thời cuộc, buông xuôi trước nguy nan, bế tắc của vận nước, của số phận nhân dân. Ông tự vẽ biếm hoạ về mình. Nói rõ hơn là Nguyễn Khuyến tự trào, tự khinh chính mình, tự đặt mình thấp hơn những người quyết không đầu hàng trước nguy nan, bế tắc:

 

 Cũng chẳng nghèo mà cũng chẳng sang

Chẳng gầy chẳng béo chỉ làng nhàng

Cờ đương dở cuộc không còn nước

Bạc chửa thâu canh đã chạy làng

Mở miệng nói ra gàn bát sách

Mềm môi chén mãi tít cung thang

Nghĩ mình mà gớm cho mình nhỉ

Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng! (65)

 

      Không làm tay sai cho giặc Pháp xâm lược như Nguyễn Hữu Độ là đúng, nhưng rất sai khi có nhiều người cũng cùng tâm trạng trốn tránh, đào ngũ như thế trước vận nước đầy khó khăn, thách thức.

      Trước tình hình đó, hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết tâu lên vua, và sau đó có dụ “Triệu dùng các tiến sĩ, phó bảng tại quán và các ấn quan tại quán” (66) , để tập hợp lại những người đã làm quan, có tâm huyết, không thiếu nhiệt tình với Đất nước, nhân dân, nhưng hoang mang, chao đảo, buông xuôi, phó mặc, tập hợp những kẻ sĩ chưa được bổ nhiệm. Đồng thời, theo sự cố vấn của hai quan phụ chính, vua Kiến Phúc còn ban ra sắc dụ  “Dạy khuyên các thần, công, trong kinh ngoài tỉnh” (67). Ở sắc dụ thứ hai, là lời trách cứ bọn cơ hội xu thời theo giặc Pháp hoặc gặp bối cảnh loạn li, đâm ra tự tác oai, tác quái:

       “… Thế mà gần đây thấy quyền tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Hữu Độ, quyền tổng đốc Nghệ An là Trần Nhượng thiện quyền tuyển dụng bố chính, tự tiện lưu lãnh binh lại. Tuần phủ Hà Tĩnh Cao Hữu Sung, bố chánh Hải Dương Nguyễn Khắc Vĩ đặt thêm lãnh binh, tự hà chức thủ, hoặc không tâu cho biết, hoặc tâu mà không đợi báo tin, thậm chí có nơi khắc ấn tỉnh để thi hành. Lấy những việc làm như thế, rất trái đạo bầy tôi!…” (67) .

      Tháng giêng năm Kiến Phúc thứ nhất đâu phải không cam go.

      Tháng hai nguyệt lịch, định lại lệ chọn người làm phó quản đốc tàu thuỷ phải có đảm lực, dũng khí, chứ không chỉ văn chương, lại là thứ văn chương yếu ớt (68); nhưng đối với tàu ra nước ngoài, phải là cử nhân, tiến sĩ để đủ trình độ thu thập, nhận định (68)… Đó là một quan điểm coi trọng kẻ sĩ không chịu bạc nhược (68)…

       Cũng trong tháng hai nguyệt lịch này, nhà vua, triều đình, hoàng thân thấy cần phải tăng thêm uy tín và quyền lực cho hai phụ chính đại thần để tiện điều động các quan tỉnh và quân thứ (70). Ở quan trường, chức tước vốn được xem là thước đo mức độ quyền lực và uy tín, các quan ứng xử, công tác cũng phải căn cứ vào đó, chứ không phải dựa vào tuổi tác hay cơ sở nào khác. Đó là nguyên tắc có hiệu lực, đồng thời là kỉ cương thực sự. Sinh thời, vua Tự Đức từng nói:  “[Việc] triều đình, không gì bằng tước. Nhường nhau ở trong lòng mà thôi” (69) . Phụ chính thân đại thần Hồng Hưu, hoàng thân quận công Hoài Đức cũng được tấn phong, thăng chức ở Tôn nhân phủ để tiện giúp vị vua trẻ Kiến Phúc và hoàng tộc… Nguyễn Văn Tường được gia hàm thái phó, thăng thụ Cần chánh điện đại học sĩ, Vĩ quốc huân thần, tấn phong Kì Vĩ quận công (70). Tôn Thất Thuyết được thăng thụ hiệp biện đại học sĩ, Vệ quốc thượng tướng quân, tấn phong Vệ Chính bá (70). Hai phụ chính tuy được thăng tước vị mới, nhưng vẫn kiêm sung hàm như cũ.

     

 

      8

 

      Ngày mười hai tháng hai nguyệt lịch, Giáp thân (10.03.1884), tên trung tướng mới thăng hàm Courbet viết văn thư báo cáo về Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp tại Paris (71):

 

       “Vịnh Hạ Long, ngày 10 tháng 03 năm 1884.

      Kính gửi ngài bộ trưởng,

      Nhằm bổ sung cho bản báo cáo của tôi đề ngày hôm nay về các hoạt động của sư đoàn hải quân, tôi trân trọng gửi đến ngài bản tóm tắt những nhận xét của tôi về các ý đồ của triều đình An Nam và các hoạt động của họ nhằm chống lại chúng ta.

      Những nhận xét này đã có từ những tuần lễ trước, nay được kiểm chứng bởi các báo cáo mà tôi đã nhận được trong chuyến công du Quy Nhơn, Hội An và Thuận An vừa rồi.

      Sau cuộc chính biến ngày 29 tháng 11 [1883] vừa qua, cuộc chính biến đã lật đổ vua Hiệp Hoà và dẫn đến việc bức tử nhà vua, triều đình mới biểu lộ gần như công khai thái độ thù nghịch đối với chúng ta. Việc ta chiếm giữ Sơn Tây, việc tăng viện lực lượng mới đây của ta buộc triều đình An Nam bề ngoài thay đổi thái độ nhưng bên trong, theo tôi, tình cảm cũng như mong muốn của họ vẫn không có gì thay đổi.

      Theo ý tôi, chịu tác động bên ngoài từ các chiến thắng vừa qua của chúng ta ở Bắc Ninh, vị đệ nhất phụ chính Nguyễn Văn Tường dường như đang có trong tay các kế hoạch chống chúng ta. Từ quan điểm trên, tôi sẽ liệt kê ra đây những khó khăn và những trì trệ như việc ông ta chống đối [sự] phá bỏ đập ngăn trên sông Huế (sông Hương) theo thoả hiệp ngưng chiến ngày 21 tháng 08 [1883]. Mặc cho những đòi hỏi không ngừng của công sứ và khâm sứ, công việc đó vẫn không tiến triển chút nào. Mặt khác, những tên chủ mưu sát hại các tín đồ Thiên Chúa giáo, theo như đòi hỏi của chúng ta, đã bị bắt, bị kết án nhưng chưa được hành quyết [Hồng Thành…]. Trái lại, vị đại diện toàn quyền do ông Harmand thoả hiệp đã bị ngược đãi và bị bắt giam [Nguyễn Trọng Hợp, Hồng Phì…]. Theo lời của viên công sứ ở Huế, viên tổng đốc ở Hà Nội [Nguyễn Hữu Độ] đã bị giáng một bậc, viên quan ở Sơn Tây [Nguyễn Trần Cáp, Nguyễn Hậu…] do tôi bổ nhiệm đến nay vẫn chưa được phê chuẩn. Viên quan ở phủ Ninh Bình [Phạm Hy Lượng, Hoàng Dụng Tân…] mà tôi bổ nhiệm cũng vậy.

      Về phần vị đệ nhị phụ chính đại thần, nguyên thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết, người ta bảo ông không buồn che giấu lòng thù hận khôn nguôi đối với chúng ta.

      Tôi e ngại rằng lòng thù hận đó sẽ dẫn đến ngày mà chúng ta không mong đợi là vua được đưa đi xa hơn và triều đình được chuyển đến một thị trấn xa bờ biển, một nơi chúng ta khó gây áp lực hơn là tại Huế. Triều đình An Nam, từ nơi đó, có thể lãnh đạo cuộc nổi dậy chống lại sự bảo hộ của chúng ta. Chỉ điều đó thôi cũng đủ giải thích các cuộc nhập lậu vũ khí và đạn dược mà tôi đã biết một cách chắc chắn khi ngang qua Quy Nhơn. Ngoài ra, kế hoạch từ bỏ Huế đã được triều đình An Nam trù liệu từ lâu mà đối với chúng ta, sự việc này sẽ làm chúng ta vô cùng bối rối.

      Theo ý tôi, việc chiếm giữ tức thì và bất ngờ kinh thành Huế là giải pháp tốt nhất để ngăn chận các sự việc nêu trên. Từ một ngàn đến một ngàn hai [1.000 – 1.200] quân, hai giàn trọng pháo, phối hợp với đội quân đồn trú tại Thuận An, chúng ta có thể thực hiện tốt việc chiếm đóng này.

      Trước chuyến đi Quy Nhơn, tôi đã thăm dò ý kiến của tướng Millot liên quan đến việc thực hiện dự án này. Ông cho rằng do sự sắp đặt [kế hoạch kháng chiến] của viên phụ chính, [nên] thời điểm hiện nay là chưa thích hợp.

      Ngay từ lúc trở về đây (Hạ Long), tôi đã báo cho ông ta biết các nhận xét của tôi, các nhận xét mà tôi đã hân hạnh trình bày với ngài, và cách thế mà tôi cho là cần thiết để hoàn thành kế hoạch [đánh chiếm kinh thành Huế]. Với tư cách đại diện toàn quyền, ông ta cần có một quyết định hoặc ông ta yêu cầu chính phủ có một quyết định về vấn đề này.

      Tôi đang chờ đợi sự trả lời của ông ta và tôi đã sẵn sàng thực hiện ngay kế hoạch chiếm đóng” (71).

                                    Kí tên: Courbet.

 

      Tên tướng Courbet không nêu tên những tên quan ta sớm bộc lộ thái độ cơ hội xu thời. Những người “sát tả” cũng không thấy nhắc tên. Nhưng văn thư phúc trình của y, ít ra là ở văn thư này, rất đúng với sự thật.

      Về những người “sát tả”, không thể không kể đến Tôn Thất Trường, quyền tổng đốc Thanh Hoá, cùng những người khác,  “vì tội đốt nhà giết người của dân giáo, bị xử án có sai bậc” (72) .

       “Năm ngoái, [Tôn Thất] Trường nghe hơi những dân giáo ở thượng du tụ họp, bèn phi hội với Sơn phòng sứ là Hồ Tư Cung, phó sứ Đỗ Huy Toản, phái người đi thám, có đúng, tức thì đến trong rừng rậm, làm bí mật cho mất tăm tích” (72), “giáo mục là Trần Lục hằng tới đến dinh sứ Pháp kêu xin tư xét…” (72) .

       Courbet sao lại không nói đến sự thật này tại những vùng rừng Nghệ An, Thanh Hoá:

       “Vốn có kinh nghiệm trong việc chinh phục vùng dân cư nghèo đói, lạc hậu, thực dân Pháp cũng tung các giáo sĩ sang Lào, tiến hành thâm nhập vào quần chúng. Tháng 01.1873, chúng phái hàng chục giáo sĩ sang Đông bắc Lào. Năm 1880, giám mục Puginier lại phái thêm ba mươi (30) giáo sĩ nữa. Cho đến năm 1883, bọn thực dân Pháp vác cây thánh giá đã tổ chức được đến năm ngàn (5.000) giáo dân ở miền Đông Lào. Những giáo sĩ nhiều khi đi theo đoàn quân làm sĩ quan tôn giáo, làm tên lính xung kích về tinh thần để chinh phục những vùng dân cư lạc hậu” (73) .

      Thực dân cố đạo đã bao vây nước ta từ phía Lào một cách thâm độc như thế! Triều đình thật sự rất khó đặt căn cứ kháng chiến trên đất Lào, mà chỉ trên dãy Trường Sơn thuộc nước ta với hệ thống sơn phòng, thượng đạo ra đến Việt Bắc…

      Hẳn sự thật trên bọn tướng Pháp không thể không ghi lại trong các báo cáo của chúng?

      Về những tên quan ta đã thật sự xu thời, cầu thân với giặc như Phạm Hy Lượng? Giặc Pháp đưa y lên đến chức quyền tuần phủ (74). Triều đình không đồng ý, cử Nguyễn Văn Thi đến Ninh Bình vào tháng hai nguyệt lịch. Pháp lại không đồng thuận. Ngay lập tức, triều đình cương quyết không đặt tuần phủ ở đấy, để vô hiệu hoá Phạm Hy Lượng (74)! Phạm Hy Lượng chỉ còn cách ăn lương Tây! Và tất nhiên, y bị dân tỏ thái độ bất hợp tác, bởi y đâu phải là quan triều đình nữa, chữ kí y nào có giá trị gì! Courbet không viết rõ những chi tiết ấy!

 

      9

 

      Gần đây, công việc ở thượng du lại thuộc về khâm sai đại thần của triều đình. Tên tướng thực dân Millot đã đưa binh thuyền về đóng ở Hà Nội, Hải Dương (75).

      Đến thời điểm này, từ hai chỗ đóng quân trên, Millot quyết đánh tỉnh Bắc Ninh (75). Y chia quân ra làm vài đạo. Đạo đường thuỷ, Pháp tiến quân qua các sông Nghĩa Trụ, Lục Đầu, Thiên Đức, Nguyệt Đức. Đạo đường bộ, chúng tiến theo hướng đến các phủ huyện Siêu Loại, Quế Dương, Gia Lâm, Thuận Thành. Tàu thuyền lớn nhỏ hơn bốn mươi (40) chiếc. Ngựa của kị binh Pháp cũng không dưới hai trăm (200) con. Số lính viễn chinh lên đến sáu, bảy nghìn (6.000 – 7.000) tên. Ngoài ra, thực dân Pháp còn cưỡng bức điều động hoặc thuê thuyền buôn để chở thuốc đạn. “Lính bản xứ” phản quốc chúng chiêu mộ được cũng bị điều động đến Bắc Ninh (75).

      Phía quân Thanh, từ nay quân Thanh chiến đấu với ngọn cờ của chính nước Đại Thanh.  “Tổng đốc tỉnh ấy là Trương Quang Đản tuân theo chuẩn định trước, trung lập, hiện đem quân [tình] nguyện đi theo quân thứ cũ, đi ra đóng ở địa phận xã Nghi Vệ, huyện Tiên Du” (75) .

      Quân Thanh gồm sáu mươi (60) doanh (mỗi doanh khoảng ba trăm [300] viên lính), chia ra khắp bốn mặt thành tỉnh Bắc Ninh để nghiêm cẩn phòng thủ. Thống lãnh Triệu Ốc ở ngoài thành. Hoàng Quế Lan ở bên trong. Cửa thành các phía đều khoá bằng ổ khoá để quyết tử, chứ không phải chỉ đóng then (75).

      Ngày mùng mười tháng hai nguyệt lịch, Giáp thân (08.03.1883), quân Pháp tấn công dinh đồn quân Thanh. Bảy đồn do Trần Đắc Quý chỉ huy, vốn đóng rải rác ở Mẫn Tuyên (?),Phù Lương, Thuận Lương đều bị Pháp đánh chiếm (75). 

      Ba hôm sau, ngày mười ba (11.03.1884), đề đốc tam tuyên Lưu Vĩnh Phúc cấp tốc đưa quân từ Hưng Hoá về tham chiến. Nhưng chưa kịp đóng quân ổn định (75)…

      Sáng mười lăm (13.03.1884), trận chiến dữ dội giữa Pháp và Thanh tại Quế Dương chưa phân thắng bại. Trưa hôm ấy, Pháp cho quân đến gần dinh quân Thanh, thả khinh khí cầu quan sát trận địa. Chúng lập tức thu quân về. Bất ngờ, vào buổi chiều, chúng lại tấn công, bao vây. Quân Thanh không chống nổi. Nhiều viên lính bị thương, chết tại trận. Lệnh rút quân của các tướng Thanh ban ra. Tất cả số quân Thanh ở trong thành, ngoài thành đều vỡ tan, phải lùi về Thái Nguyên, Lạng Sơn. Quân của đề đốc họ Lưu cũng rút về Hưng Hoá! Quân Thanh và quân thuộc tướng họ Lưu chưa kịp bàn định kế hoạch phối hợp, lại chẳng đánh yểm trợ cho nhau, nên cả hai đều bại trận (75)!

      Các quan ta ở trong thành đều tản ra ngoài. Trương Quang Đản tức tốc đem quân về tỉnh, định vào giữ thành trống, nhưng bị quân Thanh cản lại. Tổng đốc họ Trương và khâm sai Đoàn Văn Hội ở hai nơi cùng viết hai bản tập tâu đệ gửi về kinh (75)!

      Một điều đáng buồn là Dương Danh Lập yết kiến quan tướng Pháp một cách xu thời, được chúng trao quyền tổng đốc (75). Nhưng triều đình không chuẩn cho Dương Danh lập, lại chỉ định Nguyễn Tu làm quyền biện. Trương Quang Đản có chỉ triệu về kinh đô Huế (75)!

      Sau đó, Pháp lại đưa quân lên Thái Nguyên, tiến đánh (76). Năm doanh quân của quản đốc nhà Thanh Trần Đức Triều cầm cự, không bao lâu cũng rút. Thủ uý Nguyễn Quang Khoan bị chúng bắn chết. Ngày hai mươi hai tháng hai Giáp thân (20.03.1884), quân Pháp vào thành Thái Nguyên đốt phá và vơ vét. Pháp lại quay về tỉnh Bắc Ninh. Từ đó, Thái Nguyên vô chủ, chỉ do quan đoàn luyện tán dũng cai quản. Đến tháng năm, quân Pháp chiếm lại Thái Nguyên. Thái Nguyên lại bị giày xéo bởi thực dân cho đến khi quan tỉnh ta lại đảm nhiệm chức vụ ở đấy nhưng bị công sứ Pháp kìm kẹp (76)!

      Thế là Bắc Ninh, Thái Nguyên đều thất thủ!

      Dẫu sao, hai phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết vẫn kiên định việc thúc đẩy  thế trận “toạ sơn quan song hổ đấu” , Tân Sở và hệ thống sơn phòng, thượng đạo xuyên Trường Sơn ra Việt Bắc vẫn được tiếp tục xây dựng để làm hậu lộ cho kinh đô Huế khi cần thiết, Pháp và Trung Hoa nhà Thanh sẽ vẫn cứ lao vào cuộc chiến tranh…

 

      10

 

      Trong thời gian thiết kế, chỉ đạo việc xây dựng Tân Sở và thượng đạo, quan phụ chính Nguyễn Văn Tường hết sức cảm động khi về lại vùng đất Thành Hoá cũ. Ở đấy, ông đã gặp lại những người đồng bào thiểu số Bru Vân Kiều, Tà Ôi… ở những buôn làng thân thương ngày đó. Ông ngậm ngùi khi biết một vài người đã mất đi… Thế mà đã hơn ba mươi năm trôi qua, kể từ ngày ông bắt đầu được bổ nhiệm tri huyện ở vùng đất trọng yếu, “sinh điểm” cũng là“tử điểm” của “bộ não kinh đô” ấy!

      Đến đầu tháng ba nguyệt lịch, Kiến Phúc nguyên niên, Giáp thân (1884), quan đệ nhất phụ chính Nguyễn Văn Tường lại cảm động biết mấy khi hay tin các tư mục thổ châu ở Mường Vang, Ná Bồn (Na Bôn), Thượng Kế, Xương Thịnh, Làng Thìn, rồi kế đến là châu Tá Bang đã đến dinh tuần phủ và hành cung tại Quảng Trị xin làm lễ tiến hương và lễ khánh hạ với những phẩm nghi vùng sơn cước (77). Ông và triều đình cũng đã xin nhà vua trẻ chuẩn y các phẩm vật trang tặng họ (77).

      Hơn lúc nào hết, mối dây liên hệ thắm thiết giữa các châu huyện Thành Hoá (Cam Lộ) và triều đình được thắt chặt.

      Cũng trong kế hoạch củng cố, chấn chỉnh lại đồn bảo phòng thủ, đồn Dũng Quyết ở Nghệ An được thiết lập để đặt những cỗ súng thần công, quá sơn (78). Đồng thời với việc định lại lệ thi hương văn khoa, cũng định lại lệ thi hương võ khoa, thi hội võ khoa để kén chọn những cử nhân, tiến sĩ về võ nghệ, binh pháp, kĩ thuật quân sự (79). Đó cũng là một cách để nâng cao năng lực cho quân binh vũ trang.

      Triều đình lại định lệ về thi hội, thi đình văn khoa (80). Trong tháng tới, dẫu dập dồn biến cố, cũng phải tổ chức thi chọn nhân tài cho Đất nước. Thêm vào đó, lại cho khắc in những cuốn sách Nguyễn Thuật mang từ Trung Hoa về (81).

      Mặt khác, tại triều đình, để tổ chức cho vị vua trẻ học tập, bồi dưỡng kiến thức kinh sử và văn chương cũng như chính trị, kinh diên đã được khai giảng tại Điện Vũ hiển. Đây là một việc hết sức quan trọng.

       “… Lễ tiết theo y như năm Tự Đức. Dùng đại học sĩ Điện Cần chính là Nguyễn Văn Tường, thượng thư là Phạm Thận Duật sung làm giảng quan ở kinh diên. Tham tri Bùi Ân Niên, Nguyễn Thuật, Nội các sung biện là Nguyễn Thượng Phiên, tham biện là Lê Duy Thụy sung làm quan giảng [dạy] hàng ngày. Nguyễn Hữu Chính, Phan Trọng Mưu [cùng làng với Phan Đình Phùng], Trần Phát [người Quảng Trị] (đều đỗ tiến sĩ), Nguyễn Trăn (cử nhân) đều sung chức khởi cư chú” (82) .

      Tuy thế, một sự cố đau lòng lại xảy ra! Kì ngoại hầu Hồng Chuyên, con trai thứ sáu của Chấn Định quận công Miên Niết, anh ruột Hồng Thành, là một thành viên đắc lực trong việc chiêu tập, tuyển mộ hương binh, góp phần xây dựng đội quân Phấn Nghĩa. Nhưng do sục sôi căm uất cố thượng thư Trần Tiễn Thành, một người đã bị Hồng Hàn, Hồng Tế, Hồng Chức giết chết hồi tháng mười năm ngoái, nên đến lúc này, sau năm tháng trời, Hồng Chuyên lại vẫn dẫn quân đi cướp tài sản ở nhà cố thượng thư ấy (83)! Việc bị phát giác, Bộ Hình giam xét, và về sau được gia ân hoãn quyết (83). Đó là một nỗi đau, nhưng triều Nguyễn có lệ  “pháp luật bất vị thân” !

      Và thêm một nỗi đau nữa! Lưu Vĩnh Phúc tuy là một dũng tướng nghĩa hiệp, nhưng cũng có thói hung tàn, một thuộc tính của phỉ! Mới đây, dân ba xã Tiên Canh, Ngọc Canh, Hoà Canh thuộc huyện Tam Dương, tỉnh Sơn Tây, bị quân của Lưu Vĩnh Phúc đốt, giết hơn nghìn nhà (84)! Thật quá mức hung tàn. Triều đình đã tâu xin ban dụ chẩn cấp cho dân bị hại và lại dụ Hoàng Tá Viêm nhắc nhở Lưu Vĩnh Phúc phải kiềm thúc quân lính để khỏi ân hận (84).

      Trong khi đó, điều khiến quan phụ chính Nguyễn Văn Tường không thể yên lòng là bọn giặc thổ Hán gian và giặc nước Thanh lại thông đồng quấy phá nước ta (85)…

      Tháng ba Giáp thân (1884) lại bùng ra chiến sự tại Hưng Hoá!

      Tên thiếu tướng Pháp Brière de L’Isle dẫn đến bảy nghìn (7.000) quân cùng nhiều thuyền tàu lớn nhỏ chở súng đạn tiến lên Hưng Hoá (86). Chúng tập hợp quân ở một thành luỹ bên một trái núi. Bấy giờ, tổng đốc Vân – Quý nhà Thanh Sầm Dục Anh đã cho quân binh dưới quyền hai thống lãnh Đinh Hoè, Mã Trụ về giữ nội địa nước Thanh. Thống đốc Hoàng Tá Viêm cũng cho lính dỡ đồn Phương Giao, về đóng tại Thục Luyện. Thự tuần phủ Nguyễn Quang Bích nhờ quân Lưu Vĩnh Phúc yểm trợ, vẫn đóng tại thành (86).

      Ngày mười bốn tháng ba (09.04.1884), Brière de L’Isle thúc quân tấn công. Lưu Vĩnh Phúc giao chiến. Thắng bại chưa ngã ngũ về bên nào. Đến giờ ngọ (11 – 13 giờ) ngày hôm sau (10.04.1884), trọng pháo của Pháp bắn liên tục. Sức công phá của những trái đạn trọng pháo rất dữ dội khiến quân Lưu Vĩnh Phúc không địch nổi. Ngày mười sáu (11.04.1884), quân của tên tướng De Négrier lại tiến lên tiếp viện. Lưu Vĩnh Phúc cho rút quân theo đường phủ Lâm Thao. Quan quân Hoàng Tá Viêm rút theo lối tắt, lại chuyển quân theo đường thượng lộ Thu Cúc, các tỉnh thần cũng tản đi các nơi (86).

      Ngày mười bảy (13.04.1884), quân Pháp chiếm được thành! Hưng Hoá thất thủ (86)!

      Tên thiếu tá Coronat liền đem quân đi đánh đồn Vàng (86)!

      Hoàng Tá Viêm đưa quân thứ về tới Quảng Bình, tâu về kinh xin nộp trả ấn và cờ tiết chế (86). Ông đau xót xin được miễn về Huế, chỉ ở tại quê nhà Quảng Bình! Ngô Tất Ninh, Lương Tư Thứ phải đem quân về đến kinh thành (86)!

      Vận nước đã đến thế, hai quan phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và bình Tây trấn bắc đại tướng quân Hoàng Tá Viêm đành tạm thời ẩn nhẫn để bảo tồn lực lượng. Việc Pháp đặt người thổ cai trị, đại thần Viện – Bạc tâu lên vua Kiến Phúc:  “Sự thế hiện nay cũng phải quyền nghi như thế. Nhưng phải xét người thực có văn học, không liên can án kiện gì mới được. Quan Pháp nếu thiên lệch, cũng nên giữ lễ tranh biện, không được khinh suất nghe lời” (87)! Và Nguyễn Hữu Độ cùng Đoàn Văn Hội cũng được lệnh chuẩn thi hành như vậy.

      Các quan tỉnh và quân thứ tại Hưng Hoá (Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Đình Nhuận), Lạng Sơn (Lã Xuân Uy) và tại Sơn Tây (Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Thiện Thuật) đều đi biệt sang nước Thanh (86). Có người vẫn quyết vận động, tập hợp quân binh kháng chiến đến cùng nhưng việc không thành (86)!

      Như thế, từ khi Henry Rivière dẫn quân và tàu binh ra Hà Nội đến nay, từ tháng hai Nhâm ngọ (1882) đến nay, khoảng một năm hơn, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Thuận An, Ninh Bình, Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Hoá đều lần lượt thất thủ trước đại binh hung tàn của giặc Pháp!

      Thời tiết bắt đầu vào mùa viêm nhiệt, vua Kiến Phúc lại ốm (88)!

      Những người đánh Pháp, tiễu phỉ, chết trận, hi sinh vì Tổ quốc được thông kê, lập danh sách để cấp tiền tuất và cho con em hoặc cháu được hưởng lệ nhiêu ấm (89).

      Kì thi hội năm nay vẫn được tiến hành trong nỗi đau có lẽ chưa bao giờ đau đến thế! Đại binh ta phải rút khỏi Bắc Kì! Bình Tây trấn bắc đại tướng quân Hoàng Tá Viêm đã về ẩn nhẫn tại làng quê cũ! Một cuộc rút quân theo chiến thuật.

      Tuy nhiên,  thế trận “toạ sơn quan song hổ đấu”   vẫn được hai quan phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết thúc đẩy tiếp diễn!

 

      11

 

      Trong khi tên tướng Brière de L’Isle đang thăm dò thượng nguồn sông Lô, chuẩn bị tiến đánh Tuyên Quang (90), chính phủ thực dân Pháp tại Paris thấy cần phải thuyết phục nhà Thanh Trung Hoa bàn định một tạm ước với nội dung nhà Thanh chấp nhận để Pháp “bảo hộ” Trung, Bắc Kì của nước ta (91).

      Tên trung tá Pháp Fournier nhờ một người Đức tên là Détring đang làm quan cho nhà Thanh, giữ việc thương chính ở Quảng Đông, liên lạc với Lý Hồng Chương để tính việc nghị hoà (91).

       “Khâm sứ Pháp đóng ở kinh là Lê Na [:Rheinart] cho rằng thuỷ bộ thượng thư [Millot] của nước ấy [:Pháp] đánh điện báo cho hai nước Thanh – Pháp biết: Hiện nay ở Thiên Tân nước Thanh, đã giảng hoà rồi, [tuy] ước thư còn chưa trao đổi” (92) .

      Quả vậy, ngay từ ngày mười tám tháng tư Giáp thân (12.05.1884), Lý Hồng Chương và Fournier đã kí xong tạm ước về việc tranh chấp tại Đại Nam giữa hai nước Pháp và Trung Hoa (92)!

      Không đợi đến tháng năm Giáp thân, Rheinart thông báo, kì thực, hai quan phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đã biết được sự thể đó từ khi cuộc hoà nghị Pháp – Thanh mới bắt đầu…

      Trong nước, từ thượng tuần tháng năm Giáp thân (1884), tên tướng Brière de L’Isle đã ra lệnh cho tên trung tá Duchesne tiến quân đánh chiếm Tuyên Quang (90)!

      Sau khi thất thủ Hưng Hoá, lãnh binh Hoàng Thủ Trung (một võ quan thuộc quân Lưu Vĩnh Phúc) đã đem hai nghìn (2.000) quân về thành của tỉnh Tuyên Quang (90). Y làm dữ, bắt tuần phủ Hoàng Tướng Hiệp đưa đi an trí ở phủ An Bình (rồi lại ép sang Long Châu). Y còn cướp hết kho tàng, sổ sách, chở đi. Thông phán Nguyễn Trung Hội bị bắn chết. Các quan tỉnh đều cáo bệnh hoặc lẻn về Hà Nội (90).

      Mặc dù có hành vi như phỉ đối với một tên quan như Hoàng Tướng Hiệp, nhưng Hoàng Thủ Trung rất kiên quyết chống Pháp, có công trong trận phục kích, chém được đầu Henry Rivière. Phải chăng Hoàng Thủ Trung hành động với ý định xưng hùng xưng bá một góc trời, như ước nguyện ban đầu, khoảng ba mươi năm trước, của quân Cờ Đen? Có một điều chắc chắn là Hoàng Tướng Hiệp đã ngã về phía chủ “hoà”, nên về sau, ngụy triều Đồng Khánh đã truy tặng hàm thượng thư Bộ Lễ cho tên xu thời Hoàng Tướng Hiệp này (90)!

      Lúc này, dần dần, Hoàng Thủ Trung đã thu tập đến sáu, bảy nghìn hoặc gần một vạn (6.000 – 10.000) quân, cố thủ tỉnh Tuyên Quang. Hoàng Thủ Trung chiến đấu với quân Pháp đến hơn sáu tháng trời, mỗi tháng đều có một, hai lần giao chiến, có tháng đến bốn, năm lần chạm súng (90)! Quân Pháp cố giữ để chờ tăng viện quân.

      Không những ở Tuyên Quang, quân Cờ Đen còn chiếm đóng ở Lạng Sơn, Cao Bằng và mạn Lao Kay (93). Đó cũng là một trong những lí do để Pháp cố giải quyết vấn đề bằng hoà nghị với nhà Thanh… Nhưng mặc dù tạm ước Fournier – Lý Hồng Chương đã kí kết tại Thiên Tân, quân Tàu và quân Cờ Đen vẫn chưa rút hết quân!

      Dẫu sao, trong thời điểm đó, triều đình Đại Nam hơi bối rối khi thấy  thế trận “toạ sơn quan song hổ đấu”   đã gần như ngã ngũ ở thế thắng của Pháp. Bấy giờ, Pháp lại quyết buộc triều đình chấp nhận “hoà” ước mười chín khoản. Theo như cam kết sửa đổi của Tricou, “hoà” ước Quý mùi (1883) gồm hai mươi bảy khoản trước đây phải sửa đổi lại thành “hoà” ước Giáp thân (1884) này!

      Hai quan phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đã nghĩ hết mọi sách lược, mưu kế, cùng triều đình, quân tướng làm hết mọi cách, để nhằm biến đổi tình hình theo hướng sáng sủa hơn cho nước ta, nhưng xem ra thành quả thu lại vẫn chỉ phần nào khả quan hơn so với hàng ước Quý mùi (1883)!

      Ngày mùng bốn tháng tư, công sứ Pháp tại Bắc Kinh Ba Đức Na (Ba Tờ Nô, Patenôtre) đã xuống tàu tại Pháp, lên đường đến Sài Gòn (94). Rheinart cũng đi cùng y. Thượng tuần tháng năm Giáp thân (1884), Patenôtre với chức trách toàn quyền đại thần Pháp đã đến kinh đô Huế để bàn định “hoà” ước mới. Y và Rheinart ở tại Sứ quán cùng tên khâm sứ đương chức Parreau.

     Triều đình đã cử thượng thư Bộ Hộ Phạm Thận Duật sung làm khâm sai toàn quyền đại thần, tham tri Bộ Công được giữ quyền sung thượng thư là Tôn Thất Phan, làm phó toàn quyền định ước. Ngoài ra, tham tri Chu Đình Kế, thị lang Tôn Thất Lương Thành được cử làm hộ tiếp, giao thiệp (94).

      Lẽ ra, quan đệ nhất phụ chính Nguyễn Văn Tường chỉ ở tại triều, chỉ đạo cho cuộc bàn định và kí kết “hoà” ước này, nhưng Pháp vẫn muốn có chữ kí, ấn triện của ông để chúng yên tâm. Với yêu sách và áp lực ấy, phụ chính Nguyễn Văn Tường đành giữ vai trò dự thương (94).

     

 

Hết tệp 2

(PHÂN ĐOẠN 2 TRUYỆN KÍ THỨ 11)

 

                                 

Khởi viết từ 07 giờ 30 sáng ngày 06.01.2003

(04.12 Nh. ngọ HB.3)

            Viết đến dòng chữ này vào lúc 09 giờ kém 10 phút

ngày 16.01.2003 (14.12 Nh. ngọ HB.3)

tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

 

(47) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 69.

 

(48) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 243; tập 36, sđd., 1976, tr. 69.

 

(49) Xin xem lại chú thích (5), truyện kí thứ mười, tập III, bộ truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử này.

 

(50) Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (NĐNĐDVP. & TH.), UB.KHXH. TU. Tp.HCM. xb., 1993, chương hai, mục 1 (Các giáo sĩ thừa sai), tr. 55 – 83, và riêng về Pellerin, tr. 66 – 68.

 

(51) Xem Kinh Thánh, Hội thánh Tin Lành Việt Nam, 1986, phần sách Tân ước, Ma-thi-ơ: 6: 9 – 13, tr. 7. Bản dịch của Tin Lành giáo: “Nước Cha được đến”, không khác với bản dịch xưa nay của Thiên Chúa giáo: “Nước Cha trị đến”. Phải chăng đó là cách dịch xuyên tạc của bọn cố đạo thực dân? Lâu nay, người ta nghĩ các cố đạo Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp, mục sư Mỹ cố ý dịch như vậy để tạo nghĩa: giáo dân cầu xin, trông ngóng “Nước thực dân [Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ] đến nước Đại Nam ta”. Thật ra, với tinh thần nghiên cứu khoa học, tiếp cận theo góc độ sử học (nghiên cứu lịch sử Do Thái), ai cũng có thể thấy rõ đây là một bài kinh cổ xưa (thời Chúa Jésus Christ đang sống) của một bộ phận dân tộc Do Thái cổ đại, và câu ấy có ngụ ý nghĩa cầu mong “Nước do Thiên Chúa siêu linh cai quản sẽ xuất hiện”. Người Do Thái thể hiện khát vọng một cách kín đáo rằng nước Do Thái nô lệ dưới ách thống trị của đế quốc La Mã sẽ là Nước Thiên Đàng (độc lập, tự do, hạnh phúc, theo Ki-tô giáo) trên mặt đất, thuộc địa cầu trần gian này; nước Do Thái như thế sẽ xuất hiện như lời kinh cầu nguyện. Xin lưu ý thêm: Trên danh nghĩa, Jésus Christ là hậu duệ đời thứ hai mươi bảy (27) [!] của vua Đa-vít, một vị vua anh minh của dân tộc Do Thái. Jésus Christ là một người chủ “hòa”, thỏa hiệp với đế quốc La Mã, nhưng có khát vọng phục hồi nước Do Thái của Đa-vít. Đó là mối liên hệ về cảm thức lịch sử giữa tiểu sử Jésus Christ với những người “phù Lê” nửa sau thế kỉ XIX ở nước ta, nhưng với một nhận thức bị nhồi sọ rất lệch lạc (“Nước Cha trị đến”), để cuối cùng đi đến tình trạng phản quốc, làm tay sai cho giặc Pháp, Tây Ban Nha, đế quốc Mỹ. Xin xem thêm: Trần Xuân An, Mùa hè bên sông, tiểu thuyết, hai bản in vi tính, 2001 & 2003 (chưa có điều kiện xuất bản rộng rãi).

 

(52) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 70 – 71.

 

(53) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 71.

 

(54) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 72 – 73.

 

(55) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 73.

 

(56) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 74 – 75.

 

(57) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 75.

 

(58) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 76 – 77.

 

(59) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 77.

 

(60) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 78.

 

(61) VNSL., Nxb. Tân Việt, bản 1964, sđd., tr. 537 – 538; CXL., Nxb. Tp.HCM. tái bản, sđd., 2001, tr. 448 – 449.

 

(62) VNSL., Nxb. Tân Việt, bản 1964, sđd., tr. 538.

 

(63) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 80 – 81.

 

(64) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 219.

 

(65) Xem thêm: Nhiều tác giả (GS. Nguyễn Huệ Chi chủ biên), Thi hào Nguyễn Khuyến, đời và thơ, Viện Văn học, Nxb. KHXH., 1992.

 

(66) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 81 – 82.

 

(67) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 82 – 83.

 

(68) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 85; xem thêm: ĐNTL.CB., tập 27, sđd., 1973, tr. 62 – 63: mục thứ năm tập sớ tâu mật của Trương Quốc Dụng, “Sửa lại thói quen của nhân sĩ”. Trong đó, ông phê phán thói học và làm văn chương bạc nhược, yếu đuối, nhất là trong thời đoạn Pháp và “tả đạo” (không phải Thiên Chúa giáo chân chính) lăm le xâm lược nước ta.

 

(69) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 18.

 

(70) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 88 – 89.

 

(71) Tư liệu (có phim đèn chiếu chụp lại văn bản viết tay của Courbet…) do bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và con gái là cô Trần Nguyễn Từ Vân, hậu duệ của cụ Nguyễn Văn Tường, sưu tầm, dịch thuật, công bố tại Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế phối hợp tổ chức, 02.07.2002.; nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc biên tập, phân tích, bổ sung, soạn lại, đăng trên bán nguyệt san Xưa & Nay, số 126, tháng 10.2002, tr. 18 – 20.

 

(72) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 89 – 90.

 

(73) Võ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Võ Mai Bạch Tuyết, Lịch sử cận đại thế giới (LSCĐTG.), quyển III, Nxb. ĐH. & THCN., 1985, tr. 238.

 

(74) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 44, 72, 90.

 

(75) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 90 – 93.

 

(76) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 93.

 

(77) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 94 – 95.

 

(78) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 98.

 

(79) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 95 – 98.

 

(80) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 101 – 103.

 

(81) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 101.

 

(82) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 98 – 99.

 

(83) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 101.

 

(84) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 100.

 

(85) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 99.

 

(86) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 103 – 105; VNSL., Nxb. Tân Việt, bản 1964, sđd., tr. 538 – 539; CXL., Nxb. Tp.HCM. tái bản,  sđd., 2001, tr. 458 – 459.

 

(87) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 108 – 109.

 

(88) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 108.

 

(89) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 105 – 108.

 

(90) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 112.

 

(91) VNSL., Nxb. Tân Việt, bản 1964, sđd., tr. 539 – 540.

 

(92) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 127.

 

(93) VNSL., Nxb. Tân Việt, bản 1964, sđd., tr. 539.

 

(94) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 113 – 120.

 

 

Cước chú của bài Dụ đạo – bình (truyện kí thứ mười một):

 

(*) Đây là câu đề của mỗi tiểu mục trong Đại Nam thực lục. Phần tiếp theo là phần thuyết của tiểu mục đó. Câu đề này tôi mạn phép viết hoa toàn bộ như nhan đề một bài viết.

 

 

TXA.

 

      Tư liệu bổ sung cho truyện kí thứ mười một:

     

  “… Kể từ ngày 13.12.1883, một mật lệnh được truyền đi từ các sĩ phu, lãnh tụ đến cho các làng Phật giáo Bắc An Nam với nội dung khích lệ làm vũ khí chống lại “bọn Pháp nội công”. Cuộc tàn sát công giáo [thật ra, chỉ riêng bộ phận đích thực là “tả đạo”, theo giặc] sẽ thực hiện từ ngày 02 đến 08 tháng giêng 1884…”  (NNBCĐH [BAVH., 1916], bài “Phái bộ Pháp ở Huế và những phái viên đầu tiên” của linh mục Aldophe Delvaux, tập III, sđd., 1997, tr. 57).

 

 

 Chú thích xong vào lúc 10 giờ kém 15 phút,

ngày 19.02.2003 (19.01 Quý mùi HB.3).

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

Hết tệp 2

(PHÂN ĐOẠN 2 TRUYỆN KÍ THỨ 11)

 

Xin xem tiếp tệp 3

(Phân đoạn 3 truyện kí thứ 11)

 

Trở về trang chủ

Cập nhật: 07/01/09

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7