k. Trần Xuân An - Ngôi trường tháng giêng - Tệp 11

author's copyright

 

TRẦN XUÂN AN

 

06/30/09

12 tháng 3 năm HB6 (2006)

           

 

        Phần 1

 

        Phần 2

 

        Phần 3

 

        Phần 4

 

        Phần 5

 

        Phần 6

 

        Phần 7

 

        Phần 8

 

        Phần 9

 

        Phần 10

 

        Phần 11

 

        Phần 12

 

        Phụ lục

 

 

 

 

 

 

 

trần xuân an

 

 

ngôi trường

tháng giêng

 

tiểu thuyết

 

 

 

 

 

 

 

 

nhà xuất bản

THANH NIÊN

 

2003

 

 

 

            

 

xem

http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/

( phần 11 )

41

 

Nhìn ra vạt đất bên kia lối mòn đã được các giáo viên, nhân viên làm sạch cỏ tranh, đánh luống lên vồng, rồi trồng khoai lang chuẩn bị cho năm học sau theo chỉ tiêu của Công đoàn trường, tôi sực nhớ một câu ca dao quê nhà:

thương ai rồi lại nhớ ai

mặt buồn rười rượi như khoai mới trồng!

và mỉm cười. Hai buổi lao động cải thiện mức sống sau kì thi học kì hai, gồm cả anh Giảng, cả Hạ, thật vui nhộn với lấm lem. Mưa đầu mùa xối xả những buổi chiều. Đất ba dan trơn trượt, nhầy nhụa. Lộc Biếc cũng cầm xà bất làm cỏ. Cỏ tranh có bộ rễ trắng phau, rất khỏe. Không làm sạch cỏ với rễ, trồng khoai xem như vô ích: cỏ tranh lên vùn vụt, lấp cả lá khoai, và rễ tranh đâm xuyên qua củ như đan! Lộc Biếc xuýt xoa vì bỏng rộp tay. Rồi cô cũng giành xà bất đánh luống, lại cắm dây khoai vào rãnh giữa vồng, lấp đất lại như ai! Tôi mỉm cười hình dung hình ảnh Lộc Biếc chiều kia, chiều qua. Công đoàn với Ban Giám hiệu lo xa. Riêng nhóm “Cộng sản cấp tiến” chúng tôi, không kể Ka Kring, không biết sang năm sẽ về đâu. Chúng tôi vừa muốn được lên cấp ba, bậc phổ thông trung học, để dạy đúng với hệ được đào tạo, vừa buồn buồn thế nào ấy. Chúng tôi sợ phải chia tay nhau, mỗi người về một trường. Ở tỉnh này, mỗi huyện chỉ có một trường cấp ba (trung học). Còn các trường ở Đà Lạt, chẳng mảy may hi vọng gì! Mỗi người về một huyện, xa nhau lắm.

Những luống khoai mới trồng kia dàu dàu thế nào ấy. Bao liên tưởng bâng quơ giữa nắng ban trưa thật vu vơ.

thương ai rồi lại nhớ ai

mặt tươi tắn nắng, thở dài gió trưa!

Đôi lúc phải đùa với mình một chút cho cuộc sống bớt buồn … Trước kì thi học kì hai, tôi thấy Nam trăn trở nhiều, và buồn. Đó là lúc anh Giảng thông báo viết đơn xin thuyên chuyển nếu có nguyện vọng. Chúng tôi đều viết đơn xin lên thành phố Trên Trời cao. Tôi cũng nghĩ Nam sẽ như vậy. Nộp đơn sau Lộc Biếc, Huyện và tôi, Nam lại xin vào xã Lộc Nam. Lộc Nam, một xã được phong danh hiệu “Xã Anh hùng”. Từ Bảo Nghĩa vào đó phải thêm mấy chục cây số nữa! Xã ấy, toàn dân đều là Chiau Mạa. Nam muốn vào đó để tích lũy thêm vốn sống. Suốt năm học vừa rồi, Nam mong đợi tin tức từ ông Võ Phả, anh Lê Phạn, anh Cao Hồng Thứ, xem thử có được chuyển về làm báo hay không, nhưng chẳng tăm hơi! Vào Lộc Nam, ở đấy chỉ có trường cấp một!

Hôm ấy, tôi hỏi Nam:

- Sao lại ngược đời vậy? Vào đó thế nào được!– Tôi can Nam –.

Nam cười, không rõ vui hay buồn:

- Để viết về người K’Hor, Chiau Mạa anh hùng!

Nam đưa cho tôi một bài thơ, anh viết hôm đạp xe vội qua B’Kẽh, nhắc nhủ, khuyên Ka Tem, K’Bẻo đi học lại sau mấy ngày bỏ học. Khác với mục đích lần đi, thơ là “Khúc vào mùa”:

rất vàng là nắng Tân Rai

chạm vào nhánh lá tràn vai nắng vàng

 

vác cây xà gạt, thênh thang

bàn chân lội nắng, nắng loang lối rừng

mùa mưa đã tới sau lưng

thơm vàng cái nắng là mừng cái nương

(ngày mai thóc chảy về buôn

như con lũ nắng trên đường đang đi)

chồi lên kín rẫy xanh rì

phát mau ta phát sá gì, nắng đun

mau bùng lửa, phơi tro mun

mưa tra hạt, mầm xanh phun, rộng dài

 

rất vàng là nắng Tân Rai

ngày mai gùi nặng đầy vai nắng vàng (46)

Nam đã thể hiện hình tượng cái tôi trữ tình trong bài thơ là một người nông dân Chiau Mạa, chứ đâu phải là thầy giáo Nam. Anh hoàn toàn nhập thân vào người nông dân Chiau Mạa điển hình. Đúng là nhà thơ nhân dân, biết quên đi “cái tôi đáng ghét” của mình!

Nam còn đưa tôi xem lại một bài thơ khác, “Ka Đum”, viết về một cô gái Chiau Mạa, vốn là du kích chống Mỹ, và rất tiên tiến trong những phong trào vận động nhân dân định canh định cư ở các buôn làng. Bài thơ này anh đã hoàn tất trước đây mấy tháng:

suối ầm ào trầm bổng giữa rừng trăng

tiếng trống tiếng cồng tưng bừng bên ngọn lửa

câu hát nồng nàn hương lúa

ché rượu nghiêng cả trời đất ngấm vào người

 

Ka Đum! Ka Đum! ngọn lửa mùa vui

lửa mãnh liệt, lửa cháy bùng dưới vầng trăng rực đỏ

lửa, lửa hồn nhiên như tiếng reo, lửa kiên tâm như ngọn lúa

lửa tỏa cao, từ trang sách sáng mặt người

 

đôi tay pạp mở lòng ra, vỗ nhịp liên hồi

thác rơi trên mặt trống nghìn năm âm hưởng mới

lồng ngực căng, rung

       như cánh rừng bão nổi

cơn bão chói hồng, dậy từng đêm thao thức băn khoăn

 

Ka Đum! Ka Đum! cồng ngân sâu,

       hương lúa ngút hơi trăng

tan trong câu hát ngày mùa,

       trái tim này nghiêng vào lòng nọ

con mắt quay đi, con mắt nhìn chăm Ka Đum

       như câu đố khó

đã ngời lên, lóng lánh giọt rượu vui

 

ơ buôn làng ơi! rừng già ta qua,

       trơ lại rừng chồi

một sá lúa trăm cây cao rạp xuống!

chạy quanh quẩn nghìn đời giữa núi cao rừng thẳm

nay địu con đi dựng lán xây trường,

       mỗi ngọn rau hạt thóc ngát bình yên

 

Ka Đum! Ka Đum! trăng tháng mười

      hồng rực Tây Nguyên

bao ngọn lửa chừng như huyền hoặc

tiếng trống chạm vòm sao,

      lịch sử vượt nghin năm tít tắp

giọng hát suối rừng: bao nhiêu cô gái Ka Đum! (46)

Tôi biết Nam muốn nhập thân vào đời sống thuần K’Hor, thuần Châu Mạ. Đó là một ý định tốt, lại rất khó. Làm sao tâm hồn, nếp nghĩ thuần K’Hor hoặc thuần Châu Mạ, nhưng vẫn trí tuệ, vẫn hiện đại, quả thật vô cùng khó. Chính Ka Kring cũng là một tổng hòa lạ, nữa là Nam. Tôi nói với Nam điều đó.

Nam bảo:

- Viết là mục đích sống, là lẽ sống. Phải sống hết mình để viết. Mình không còn cách nào khác là phải liều. Dạy cấp nào là điều không còn quan trọng nữa. Mọi cái đều không quan trọng, so với việc có tác phẩm. Không trông mong gì vào tấm lòng nào đâu, nhất là kẻ có lòng lại có chức quyền! Nghịch lí thế đấy! Tất cả đều phải tự thân lo lấy thôi!– Nam cười buồn, nói tiếp –. Sống một chỗ mãi làm sao mà viết! Cạn vốn sống!

Nam không nói điều sâu kín, song tôi biết, có thể đó là một dạng phản ứng của tâm trạng bất mãn chăng. Biết đâu, Nam cũng không rõ. Khó rõ được lòng mình, ai cũng thế. Tôi cũng chỉ đoán chừng. Đúng là tuyệt, nếu làm báo, cắm vào nơi nào đó vài tháng, về thành phố suy nghĩ, đến thư viện đọc sách tham khảo, rồi lại suy nghĩ … Nếu cần, trở lại chốn cũ để nhập thân, hòa mình … Nhưng đúng rồi, phải tùy điều kiện xã hội, bản thân, phải tự lo liệu.

Tôi nói:

- Làm báo, người ta không cho đâu! Bí mật mà!

- Nếu vậy, ai đọc báo làm gì! Báo chí, không có gì bí mật cả, trừ an ninh, quốc phòng. Báo chí phải trung thực. Trung thực, mới có người đọc. Và sợ gì!? Bí mật thì báo chí làm gì!

Nam nói xong, lại cười sằng sặc. Thật ra, nói thế thôi, chứ Nam hiểu hết. Báo chí mình, cũng như văn nghệ đều “lành” mà chưa “mạnh” cả! “Trung” nhưng chưa “thực”!? Một dạo khá lâu, Lộc Biếc muốn viết lí luận, phê bình, nhưng cũng rùn vai rụt cổ. Cái hăm hở thuở sinh viên mới ra trường dần dần teo lại. Suốt năm học vừa rồi, Lộc Biếc như bị án treo, từ buổi báo cáo chuyên đề đầu năm. Khi Ka Kring về trường, biết cô có tài hội họa, Nam nẩy ra ý định mới.

- Này Khoai, giá như mấy anh em mình được làm một tờ báo nhỉ!– Nam nói –. Có cây bút thơ, cây bút lí luận, phê bình, lại có cả cây truyện ngắn, cả cây hội họa nữa. Đủ bộ rồi còn gì! Cả bọn được về Hội Văn nghệ của tỉnh thì tuyệt vời!

Tôi chỉ cười. Thực tế đi, bạn ơi. Không trông mong gì đâu. Hãy thực tế làm những gì đó mình thích trong điều kiện của mình. Tôi nghĩ vậy, cũng chỉ nói với Nam, có lẽ hơi mỉa:

- Hiện thực có những nguyên tắc “bị hạn chế”, sao ông cứ mơ tưởng hão! Hội Văn nghệ tỉnh mình đã có đâu! Ông chưa ngấm nỗi đau bị từ chối à?

Nam vẫn thế, rất thực, thực đến đắng chát nhưng lắm khi cũng hão huyền. Có điều, anh hão huyền, lại ý thức rõ mình hão huyền. Hão huyền như một các tiếu ngạo chăng.

Trưa nay, nhìn ra sân nắng, lối mòn nắng và vạt đất trồng khoai ngập nắng, trong lúc bạn bè đang nghỉ giấc trưa, tôi lại nhớ Lộc Biếc, nhớ với niềm yêu da diết.

Hôm nào đó, nhân bàn gẫu chuyện viết lí luận, phê bình, cô nói:

- Khó trung thực lắm. Em thích nghiên cứu, viết các chuyên đề, chuyên luận ở mảng đề tài nào ít đụng chạm thôi. “Án treo”, thấy sợ rồi!– Cô lại rùng mình –. Năm nay, có bốn vụ ở trường mình: chi Xinh, anh Quỳnh, Huyện, và Lộc Biếc. Phải vậy không? Nhưng đừng đánh đồng Lộc Biếc với ba vụ hình sự thường phạm kia!

Tôi gật đầu, chợt thấy có những linh cảm đã trở thành nhãn tiền, đặc biệt là vụ chuyên đề. Đến lúc này tôi mới hiểu trực giác của tôi, về tính cách Lộc Biếc, về nhiệt tình tuổi trẻ nói chung, về các mâu thuẫn bức xúc trong lòng hiện thực, về độ chênh đáng kể giữa sách vở và thực tiễn, giữa nói và làm, đã mách bảo trước cho tôi. Có rất nhiều nạn nhân như Lộc Biếc do sách báo tô hồng, tuyên truyền đối ngoại. So sánh khập khiễng, là chưa có “thằng bán tơ” nào xúc xiểm để tôi hoặc ai đó phải bị “rút ngược dây oan” như các củ khoai ở nhà chị Xinh. Nghĩ thế, tôi chỉ trả lời ngay vào câu hỏi của Lộc Biếc:

- Đúng rồi …– Định nói thêm, nhưng tôi im lặng –.

Lộc Biếc nói, như muốn tôi khẳng định rõ:

- Anh không thấy sao, kể cả vụ chuyên đề của em, có người xếp nghiêm trọng thứ tư, đều là chuyện phẩm chất, nhân cách nhà giáo cả?

Tôi nhẩm trong đầu: chị Xinh, hủ hóa trong quan hệ nam nữ; anh Quỳnh, gian lận tài sản chung; Huyện, nhục hình học sinh; và Lộc Biếc, báo cáo chuyên đề “gây xáo trộn tư tưởng”. Nhưng tôi không đồng ý cách xếp thứ tự, và rõ ràng tôi không bao giờ ngu dốt đến mức đánh đồng cả bốn vụ được!

- Trung thực là phẩm chất, nhân cách nhà giáo … Tất nhiên, kêu đòi trung thực, kêu đòi bảo vệ nhân cách nhà văn, nhà giáo như Lộc Biếc hoàn toàn khác hẳn sự vi phạm tính trung thực, vi phạm đến nhân phẩm, đánh mất nhân cách của ba người kia. Phải nói là khác hẳn một trăm tám mươi độ. Nhưng vẫn có ý kiến này nọ như muốn cấm chỉ việc kêu đòi trung thực và nhân phẩm, nhân cách kia đấy! Và cũng ý kiến tương tự như thế nhưng thực tâm là tán thành, chỉ đùa lại mà thôi.

- Đúng vậy đó, anh Khoai. Có kẻ bảo, kêu đòi trung thực, nhân phẩm, nhân cách là xúc phạm nhà giáo, nhà văn, khác nào chửi họ là công cụ máy móc, là văn nô, là bồi bút! Còn anh Nam thì đùa, ngay cả việc em ca ngợi Phùng Quán, Trần Quang Long thôi là đã nhục hình các giáo viên, các người làm thơ, viết văn cùng thời, khác nào bảo họ “đánh đĩ cây bút …”!– Lộc Biếc cười khanh khách –.

Tôi cũng cười. Quả là như vậy thật. Biết thế nào được, cuộc đời! Đúng … Trung thực là giá trị nhân cách cao nhất …

Trưa nay, ngồi một mình nghĩ bâng quơ, tôi cũng mỉm cười nhớ Huyện. Huyện bảo:

- Mình sẽ làm kinh tế để tài trợ cho các bạn. Làm báo văn nghệ, lương bao nhiêu đâu! Nhuận bút thì thi thỏang!

- Nhưng ai cho Huyện làm kinh tế!– Tôi bật cười –.

Đúng là một trò hão huyền trẻ con tất, những thơ, văn, báo chí, kinh tế! Đúng là nạn nhân của một thời nửa chiến tranh, nửa hậu chiến, nạn nhân của thể chế nửa phong kiến phi dân chủ, nửa xã hội chủ nghĩa! Đắng chát nhận ra sự thật với một nụ cười.

Có lẽ, trưa nay, một buổi trưa gần kết thúc năm học, bâng quơ hồi tưởng những mẩu rời của cuộc sống bên ngoài lẫn bên trong của các giáo viên trẻ, bạn bè, tôi có thoảng chút nào dư vị bất mãn. Tâm trạng thật của con người vốn thế. Bất mãn, tuy chỉ hơi chua chát, thoáng mỉa mai thế sự, phảng phất chút hư vô, song vẫn sáng suốt khẳng định mặt sáng của hiện thực thời mình sống. Bất mãn cũng là tính người.

Khát vọng cống hiến của thanh niên, và cơ chế xã hội không thể không mâu thuẫn? Biết làm thế nào được!

Phải vậy không, Lộc Biếc với ước mơ trở thành nhà nghiên cứu, phê bình, trên sách báo, trên giảng đường đại học? Phải vậy không, Huyện với ước mơ làm vị bác sĩ bào chế hóa dược? Phải vậy không, Nam với ước mơ sẽ có điều kiện để trở thành nhà văn, nhà thơ tư tưởng? Và phải vậy không, Ka Kring với quan niệm hạnh phúc là làm cô giáo đồng thời làm họa sĩ? Ồ, còn tôi nữa chứ! Tôi cũng ao ước mình là nhà văn, mặc xã hội diễn ra theo ý chí ai đó, theo lô gích khách quan với những sáng, những tối của nó, tôi khiêm nhường, cẩn mật ghi lại thành hình tượng hư cấu, thật hơn sự thật ngổn ngang, bao nỗi đời hiện thực. Tôi cũng dấn thân với tư thế riêng của mình. Phải vậy không tôi? Còn bao nhiêu người khác nữa! Đó là nỗi đau xót nhất của người viết văn. Tôi vẫn biết trái tim tôi luôn cháy bỏng khát vọng được đăng tải trên báo chí và xuất bản thành sách những trang viết của mình. Chân thiện mĩ và khát vọng tự do sáng tác, tự do báo chí, tự do xuất bản! Đó là nhân quyền và đó cũng là quyền công dân ở một nước có hiến pháp!

Nhìn ra ngoài sân nắng, lối mòn nắng, vạt khoai mới trồng ngập nắng, tôi nghĩ đến những nhánh lá khoai già đang hiu hiu chết để sống lại, non tươi. Tôi bỗng đau với quy luật tàn ác, cường bạo của tự nhiên. Cỏ tranh phải bị “đào tận gốc, trốc tận rễ” để khỏi tranh giành, kìm và hãm các lá khoai, nhánh khoai đang héo hắt nhưng rồi sẽ được tái sinh. Cỏ tranh, biểu tượng của nông thôn với triệu triệu người qua ngàn năm chân đất, trên bao mái nhà yêu dấu. Cỏ tranh, thương, quý biết chừng nào! Thế mà tự nghìn xưa, cỏ tranh vẫn được trồng, đồng thời vẫn bị “đào tận gốc, trốc tận rễ” vì chúng đứng không đúng chỗ của chúng! Không đúng chỗ, bi kịch là ở đấy! Bi kịch là do quy luật tự nhiên …

Lộc Biếc! Chút ngẫu nhiên đã trở thành cơ may, một tình huống tốt đã mở ra cho thơ tôi đi vào trái tim em, cả cuộc đời tôi đi vào công việc, miếng ăn, trang viết, giấc ngủ em, có điều vẫn bản tính cố hữu, lóng cóng, dại dột, tôi nào dám nói với em điều gì. Tôi yêu em biết chừng nào! Tôi thầm lặng yêu em trong cô đơn, đau buồn, câm nín. Mừng vui với tình huống “tốt” là tôi đáng xấu hổ. Nam và Huyện cao thượng với tôi ư? Nhưng em có bao giờ thoáng yêu tôi! Hay chính bản tính tự khép lại cảm xúc mình với các cử chỉ vụng về của tôi đã khiến em chan ngán, không thích gần gũi tôi? Không đúng chỗ, bi kịch là ở đấy! Trái tim em không phải là chỗ của tình tôi! Tôi chọn trái tim em cho thơ tình riêng của tôi, không đúng chỗ! Còn trong các trang truyện của tôi, em, nhân vật nữ với nhiều gương mặt, tên họ khác nhau, chỉ “đúng chỗ” một cách quá đơn phương! Bi kịch cũng lại ở đó! Và đúng lúc? Biết thế nào là đúng lúc! Điều kiện cần với điều kiện đủ!

Tôi có gì đáng khinh bỉ, ghê sợ không khi nhìn vạt khoai mới trồng lại liên tưởng đến những ý nghĩ rất tùy bút một cách bâng quơ, tản mạn? Tôi, củ khoai làng Thuận Xá, mẹ là dân biển gần đó, bỗng rùng mình cho bản năng tranh đoạt bẩn thỉu của vô thức. Thật bỉ ổi!

Tôi nguyền rủa vô thức của tôi rồi đó, Lộc Biếc yêu dấu! Tôi chỉ biết tôi yêu em vô ngần, yêu đến vô cùng, Lộc Biếc ơi!

Chẳng lẽ tôi đang viết trong đầu óc của mình một phần của bản kiểm điểm cuối một niên khóa dạy học? Phần sâu kín này tôi chẳng bao giờ đọc trong cuộc họp để nhờ bạn bè, đồng nghiệp và lãnh đạo góp ý. Tôi tản mạn hồi nhớ, tôi tự kiểm điểm để làm trong sáng lại, thăng hoa lên tâm hồn, ý thức, cả vô thức tôi đây, ơi yêu dấu! Tôi tự kiểm điểm tận sâu kín bản năng đáng xấu hổ của tôi đây, bạn bè ơi! Tôi đang tập sự làm nhà giáo, đang rèn luyện để trở thành nhà văn. Tôi đang suy ngẫm một hệ luận có mồ hôi của trải nghiệm, có nước mắt của trăn trở trong tim ai đó: “Biến quá trình giáo dục [cho học sinh] thành quá trình [nhà giáo] tự giáo dục [bản thân nhà giáo]”. Tôi đang soi tôi vào trang văn của mình để sửa chính mình. Giữa học sinh cùng bạn bè đồng nghiệp, tôi đã sinh nở ra một tôi mới mẻ.

 

42

 

Hồi hôm các giáo viên có và không giảng dạy lớp chín đã họp lần thứ hai với Ban Giám hiệu. Các giáo viên không dạy lớp này một tiết nào trong niên khóa bảy tám – bảy chín nhưng có dạy trong các năm trước cũng tham gia ý kiến sôi nổi về trường hợp của Nhi. Nhi, con gái rượu của ông Lịch, ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ huynh học sinh trường. Ông đã bao lần đến trường với gương mặt, dáng điệu đau khổ. Nhi là cô bé mười sáu tuổi, trắng trẻo, cao ráo, tóc dài đen mượt, gương mặt xinh xắn nom khá sáng láng. Rất đáng tiếc là cô bé ấy lại học quá kém tất cả các môn. Đã có giáo viên kết luận: “Nhi không thể học được”. Khi họp lần thứ nhất, đa số đã đồng ý không thể cho Nhi đủ điểm để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Chốn này, vùng kinh tế mới, đi học xa đường, khó khăn, gian khổ đủ điều, và hạnh kiểm của Nhi tốt, nhưng không thể chiếu cố rồi lại chiếu cố. Tuy nhiên, đây là vấn đề số phận một con người. Một con người là cả một vấn đề hệ trọng. Ban Giám hiệu, giáo viên lại họp, đêm qua. Sáng nay lại họp một lần nữa.

- Không thể lường được tác hại khi một y tá, dược tá, cán bộ có bằng trung cấp nông nghiệp … trong tương lai lại kém học vấn phổ thông như Nhi. Kém văn hóa, học chuyên môn, nghiệp vụ cũng kém. Và xã hội sẽ như thế nào? Khốn đốn, nghèo đói, oan khốc … vì dốt.– Hoán nói – Do đó, xin đau lòng không vớt điểm em Nhi. Nhi không có năng lực trí tuệ! Đành để Nhi ở lại lớp.

Mọi người, dẫu rất thương Nhi, cũng đành biểu quyết đồng ý, vì tương lai của Tổ quốc. Không phải phóng đại. Thật là vậy. Hộ cũng bị đánh rớt, cho lưu ban vì hạnh kiểm, tuy Hộ đã có tiến bộ đáng kể trong thời gian Lộc Biếc chủ nhiệm.

Với biên bản ba cuộc họp vừa rồi, cùng bản tổng hợp các báo cáo khác, đúng tám giờ sáng, anh Giảng triệu tập cuộc họp tổng kết cuối năm. Giáo viên các phân hiệu đều tập trung đầy đủ, cả các đội viên Đội Thanh niên Ánh sáng. Phong trào “dạy tốt, học tốt”, thi đua “Về thăm Lăng Bác” đều được đánh giá cụ thể. Trong bản báo cáo, hồi nãy anh Giảng đã nêu lại các vụ việc được xem là tiêu cực: vụ Lộc Biếc với chuyên đề, vụ cô Xinh quan hệ bất chính, vụ anh Quỳnh hái dâu trộm, vụ Huyện nhục hình học sinh. Công đoàn cũng tổng kết mặt sáng, mặt tối. Anh Quỳnh cũng một lần nữa tự phê bản thân. Như đã góp ý, phê bình Ban Giám hiệu, các giáo viên lại xóay vào cái được, chưa được, không được của Ban Chấp hành Công đoàn trường, ngọt lịm và rát bỏng. Lại y hệt anh Giảng, anh Quỳnh cũng không chịu xem vụ “tự do, trung thực” của Lộc Biếc là tốt, một cách miễn cưỡng.

Bình xong, lại bầu lao động tiên tiến.

Tôi thấy Lộc Biếc cố bình thản nhưng rất đau lòng, cay đắng. Luận văn của cô, ông trưởng Phòng Giáo dục K’Đăng còn giữ. Lộc Biếc không được xếp hạng lao động tiên tiến!

Nam ngồi cạnh chị Xinh, an ủi chị. Chị Xinh, với bầu thai sáu tháng, xấu hổ, thút thít khóc. Tôi nghe Ka Kring nói nhỏ với chị Xinh:

- Đừng buồn khổ, chị Xinh! Chị cố thương đứa bé trong bụng. Chị buồn, chị khổ, ảnh hưởng đến cháu, tội nghiệp. Làm thư viện, cấp dưỡng là việc nhẹ hơn lên lớp, cứ xem như dưỡng thai. Nhìn sự việc thế là nhìn lạc quan. Cứ vui như em này … Chị vui, sau này cháu sẽ thông minh, khỏe mạnh.

Chị Xinh gật đầu, chấm khăn tay vào hai khóe mắt. Tôi muốn khóc khi nghe cô giáo lai Ka Kring nói. Con người nhân hậu ấy lại cam lòng “triệt sản” khi còn trinh nữ để được có chồng, và oái oăm thay, người cô chọn để yêu, để cưới theo phong tục K’Hor, Chiau Mạa, lại là Nam. Song tôi cũng thương Nam, làm sao Nam vượt lên nổi ý thức tự vệ của cộng đồng, dẫu người Việt Nam nhân hậu vô cùng.

Tôi lại giật mình khi nghe chị Trâm, cấp dưỡng viên, phê bình Suối Vui đã đi nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Minh Rồng hay Đa Phát gì đấy vào mỗi sáng chủ nhật. Nhưng anh Ruộng gạt đi, anh bảo, luật pháp cho phép điều đó.

- Sao năm ngoái, thầy Lê, hiệu trưởng, lại phê bình tôi? Tôi đã bỏ đạo cả năm nay!– Chị trâm ngơ ngác nói –.

Cả phòng họp cười ầm. Chị Trâm chả hiểu sao cả, đỏ bừng mặt. Chị quên bẵng phần phê – tự phê xong lâu rồi.

Một lúc sau, gần cuối buổi họp, Lụa lại phê bình thêm:

- Tôi có ý kiến góp cho các đồng chí: Lộc Biếc, Nam, Huyện, Khoai và Ka Kring. Năm đồng chí này được nhà tập thể gọi là nhóm “Cộng sản cấp tiến”. Tôi thấy các đồng chí có những ý tưởng không phù hợp với tình hình chính trị hiện nay trong sinh hoạt. Các đồng chí không nên cấp tiến kiểu đó.– Lụa nhìn xuống đất –.

- Tôi hiểu đồng chí Lụa muốn nói gì. Tuy nhiên, xin nêu ra thật cụ thể.– Lộc Biếc nói, hơi có vẻ khó chịu về ý kiến của Lụa –. Chúng tôi không dám lập nhóm, lập hội lúc này. Chúng ta đang sống và làm việc trong một giai đọan lịch sử mà mọi quyền con người (nhân quyền) đều bị hạn chế, mặc dù các quyền ấy đã được hiến chương Liên hiệp quốc, các hiến chương quốc tế lẫn hiến pháp nước ta công nhận. Chúng tôi ý thức sâu sắc điều đó.

Tôi, thật lòng cảm phục Lộc Biếc, cũng chỉ im lặng!

Tôi cũng đóan Lụa đợi xếp loại xong mới phê bình thêm, để khỏi ảnh hưởng xấu đến thành tích của đồng nghiệp. Tốt đấy, nhưng cần gì thế nhỉ! Tốt hơn là phải chân thành, trung thực với nhau trước khi bình bầu chứ!

Tôi, Nam, Huyện và Ka Kring đã biết cô Lụa: Cô ấy nhiệt tình cách mạng một cách máy móc, chỉ tô hồng, sợ nói thẳng, nói thật các hạn chế mà cuộc sống đang diễn ra, trong trường, ngoài trường, tuy chỉ trong sinh hoạt giáo viên hằng ngày.

Tôi nghe cô Lụa phê bình khá cụ thể, chỉ im lặng.

- Chúng tôi là giáo viên nhân dân. Ai cũng có cái đầu để nghĩ, đôi tai để nghe, đôi mắt để thấy, trái tim để cảm xúc. Chúng tôi là những người cộng sản, cho dù được kết nạp và Đoàn hay không, hoặc đã bị khai trừ.– Lộc Biếc nói –. Chúng tôi nghĩ, giáo viên nhân dân, người theo lí tưởng cộng sản khoa học, phải biết căm ghét cái tiêu cực, buồn bực với cái hạn chế về các quyền con người, phải yêu thương, trân trọng và nhân lên cái sáng: chân, thiện, mĩ. Chúng tôi làm việc có sai sót, khuyết điểm, nhưng có tổ chức, có lãnh đạo.– Lộc Biếc lại hùng hồn –. Chúng tôi không là công cụ máy móc kiểu rô bốt, không óc, không tai, không mắt, không tim. Chúng tôi có quyền nhận thức xã hội một cách toàn cục với quan điểm duy vật lịch sử, duy vật biện chứng, có quyền cảm xúc trước cái đáng mừng, cả cái đáng đau lòng. Người máy, tô hồng một chiều, là nô lệ, bị nô dịch kiểu khác.

Lụa đưa mắt cầu cứu anh Ruộng, anh Giảng. Cả hai lắc đầu. Và cuộc tổng kết kết thúc với bảng xếp loại. Tất nhiên có ba người lọai C: cô Xinh, anh Quỳnh và Huyện. Lộc Biếc bị xếp loại B. Tôi thấy tôi quả là thằng hèn loại A!

Khi bước ra sân, đứng chuyện trò với nhau, bỗng mọi người thấy chiếc xe của Phòng Giáo dục đỗ xịch trước hàng rào. Lộc Biếc giật mình, lo âu, song cố giữ bình tĩnh. Huyện cũng thế. Ông K’Đăng, cán bộ khối phổ thông Nguyễn Kí và ông Binh xuống xe.

Anh Giảng, anh Quỳnh, anh Ruộng ra đón.

Sau hơn nửa giờ các vị lãnh đạo làm việc ở văn phòng, nửa giờ lo âu, hồi hộp của Lộc Biếc và Huyện, chúng tôi được mời vào gặp. Tôi cứ lo phen này chắc bị kiểm điểm, phê bình thậm tệ. Chúng tôi, nhóm “Cộng sản cấp tiến”, chỉ năm người trước sáu vị cấp trên.

Ông K’Đăng mỉm cười, đứng dậy với vóc dáng cao lớn, da nâu sẫm, tóc gợn sóng, bắt tay Lộc Biếc rồi mỗi người chúng tôi. Sau phút xã giao bình thường, tôi thấy Lộc Biếc vẫn giữ được vẻ bình tĩnh, ung dung. Cô gái ấy không còn vẻ nhí nhảnh, dễ thương, thay vào đó là vẻ chững chạc, tự tin, giấu được nỗi âu lo suốt cả năm học nay. Lúc này, tôi càng nhận ra bản lĩnh tự tin của cô. Nam và Huyện cũng cố đàng hoàng giữ nụ cười trên môi. Ka Kring hơi bối rối.

- Chúng tôi định đến dự cuộc họp Hội đồng toàn trường hồi nãy, nhưng rồi quyết định để các đồng chí trong nội bộ kiểm thảo với nhau. Chúng tôi vừa nghe báo cáo lại.– Ông K’Đăng ôn tồn nói với giọng pha thổ âm –. Đồng chí Kí cũng đang đọc lại biên bản.

Tôi thấy ông Kí đang đọc các dòng chữ của Đồi Hương trong cuốn sổ to tướng bìa đen, có lẽ đọc đến lần thứ hai.

- Chẳng có vấn đề gì. Thế là tốt. Có tiêu cực, nhưng đã có biện pháp thích ứng. Đây là một trường có nhiều nhân tố tích cực. Đúng là một trường trọng điểm của Phòng Giáo dục ta.– Ông K’Đăng lại nói –. Riêng các đồng chí, chúng tôi muốn gặp riêng. Các đồng chí có ý kiến gì, cứ phát biểu trước.

Chúng tôi im lặng. Một lúc, Nam nói:

- Thưa các đồng chí, không còn ý kiến gì nữa ạ. Có điều, tôi xin mạn phép thưa rằng, cô Lộc Biếc với vụ chuyên đề văn học, “Chân, thiện, mĩ và khát vọng tự do sáng tác …”, hồi đầu năm, bị quy ngược là tiêu cực, và suốt cả quá trình công tác, giảng dạy năm học qua bị xếp loại B, tôi thấy hơi oan uổng, xin bất bình thay cho cô ấy. Đó là ý kiến nhiều người, trong cuộc họp vừa rồi.

Ông K’Đăng gật đầu:

- Tốt. Không có vấn đề gì. Đánh giá thế là hơi ép. Tôi phê bình Ban Giám hiệu trường này là đã quá thủ thế. Lẽ ra phải duyệt trước rồi mới tổ chức cho cô Lộc Biếc báo cáo. Quá mạnh dạn rồi quá thủ thế. Làm việc kiểu đó thì không được, oan uổng cho người khác, như cô Lộc Biếc. Bao người có tài, có tâm bị “chết” bởi tâm lí thủ thế như vậy của lãnh đạo. Đánh trống cũng mình, bỏ dùi cũng mình, oan uổng cho bao người!– Ông K’Đăng tiếp –. Tôi và nhiều đồng chí ở Phòng Giáo dục đã đọc luận văn của cô.– Ông nhìn thẳng vào Lộc Biếc, vừa nghiêm nghị, vừa trấn an –. Bản thân tôi cho là tốt, rất tốt. Song theo ý kiến đa số, họ không hiểu hết, và cho là chưa nên. Thôi thì … Ta làm ngành giáo dục, lại bậc phổ thông, nên dạy, bàn luận có tổ chức những gì đã định hình, cứ theo sách giáo khoa … Thôi thì … Bỏ qua chuyện này. Tôi đề nghị xếp loại A cho đồng chí Lộc Biếc. Đồng chí Giảng vẫn A, không hạ bậc. Các đồng chí có ý kiến gì nữa không?– Nói xong, ông mở cặp rút ra cuốn luận văn “Chân, thiện, mĩ và khát vọng tự do sáng tác …”–.

Ông trả cuốn luận văn ấy cho Lộc Biếc. Cô đáp khẽ lời cảm ơn. Nét mặt Lộc Biếc tỏ lộ niềm cảm động, vui mừng.

Ông Binh đằng hắng, sau một quãng im lặng dài của mọi người:

- Nhân tiện đây, tôi cảm ơn cácđồng chí trong việc bổ túc văn hóa cho tôi. Đó là một ưu điểm … Không có đồng chí Hoán ở đây, nhớ cho tôi gửi lời cảm ơn. Xin bổ sung ưu điểm này cho các đồng chí.

- Kính cảm ơn bác Binh đã treo cho cháu cùng các đồng chí khác, các em học sinh, các vị phụ huynh một Tấm gương hiếu học – thực sự cầu thị. Học ngay cả các giáo viên tuổi cháu chắt mình là cả một Tấm gương lớn và sáng.– Lộc Biếc cảm phục nói –.

- Cảm ơn. Tôi không có ý định nêu gương. Chả là hồi trẻ không học được vì hoàn cảnh kháng chiến, tập kết ra Bắc lại kẹt lí lịch, cha tôi là lính lệ, lính Tây, cũng không học được. Suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp của dân, của Đảng, nhưng chức vụ cao nhất và cuối cùng chỉ là quyền bí thư Chi bộ xã.– Ông Binh cười –. Thôi, nói là nói thế, nhưng ở vị trí nào ta cũng trung với nước, hiếu với dân …– Ông không có vẻ gì là mặc cảm –.

Tôi ngỡ như bị ù tai, tuy đây không phải là lần đầu nghe ông Binh tự nói về mình. Tôi đợi sự phê bình, góp ý gì nữa, song chỉ là những câu nói vui của ông K’Đăng, với ngụ ý giúp chúng tôi bớt ảo vọng và giữ được sự tỉnh táo trên đường đời sau này, nhất là trong việc sáng tác, báo chí, xuất bản. Sau đó, ông cho phép chúng tôi ra khỏi văn phòng.

Lộc Biếc cười nhẹ nhõm. Chúng tôi cũng thở phào.

Nam vẫn trầm tĩnh nói:

- Trên con đường sáng tạo văn chương và trau dồi chuyên môn, không có gì khiến chúng ta sờn lòng, chùn bước. Chúng ta rồi sẽ có tự do sáng tác, tự do báo chí, tự do xuất bản và quyền được làm việc đúng với sở trường, với chuyên môn của mình. Đó là con đường nhân quyền và hiến pháp xã hội chủ nghĩa nước ta!

Tôi mỉm cười, tán thành với Nam, và chợt nhớ lời Nam thường nói: giá trị văn chương thuộc về vĩnh cửu, còn tất cả chỉ là nhất thời, rồi sẽ tan biến. Bây giờ, Nam còn nói đến giá trị chuyên môn nữa …

Sau bữa liên hoan tổng kết năm học, chúng tôi nghỉ trưa, chờ nhận giấy công lệnh kèm giấy ưu tiên cho giáo viên miền núi về giao thông, cụ thể là mua vé xe được thuận lợi.

Khoảng ba giờ chiều, anh Giảng cùng cô Phước, cô Đồi Hương đi họp báo cáo ở Ủy ban xã Bảo Nghĩa về. Anh Giảng ném cặp lên bàn ở văn phòng, càu nhàu nhưng miệng cười:

- Đồ điên hạng nặng!

Và anh triệu tập Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn trường cùng ba phân hiệu trưởng khác để nâng bậc xếp loại cho anh Quỳnh. Hóa ra anh Quỳnh bán dâu trộm để giúp hai lần cho vợ anh thư kí Ủy ban nằm bệnh viện, chữa bệnh lao phổi, với lời dặn đừng nói cho ai biết! Khi anh Giảng báo cáo, anh thư kí Ủy ban không giấu được xúc động, bèn minh oan cho anh Quỳnh. Anh Quỳnh thấy anh Giảng cáu gắt, cũng đành thú nhận, là tín đồ Tin Lành, anh ấy sống theo lời Chúa, “làm việc thiện bằng tay phải, đừng cho tay trái biết”, và chịu oan khổ, nhẫn nhục để gần gũi với Thiên Chúa hơn!

Ngồi bên gian nhà nam, tôi nghe khá rõ. Tôi nghĩ đến “thú đau thương” bệnh hoạn, đã trở thành thời thượng triết học, thi ca nhiều nước, là phong trào của nhiều thời đại. Với anh Quỳnh, trong trường hợp này, giữa đời sống thật, quả là lần đầu tôi được chứng kiến. Gần Thượng đế hơn ư? Tôi cứ lật qua, lật lại câu hỏi siêu hình, thần học ấy.

 

43

 

Học sinh lại đến lớp vào sáng hôm nay. Đây là buổi cuối cùng của năm học. Các em được thông báo kết quả một cách cụ thể hơn, đồng thời ghi chép kế hoạch ôn tập hè. Trong điều kiện khó khăn, thầy và trò liên hoan tạm biệt chỉ bằng thơ, nhạc.

Đã chia tay với học sinh lớp bảy của mình, Nam bước ra hành lang. Bé Ngoan, Qua, Ka Tem, rồi sau đó là K’Bri, K’Bẻo chạy theo anh. Nam quay lại, nghẹn ngào, nhìn các học sinh suốt năm học anh lưu tâm nhất. Một lúc sau, Nam với đôi mắt đỏ hoe bảo các em:

- Những gì thầy nói vừa rồi trong lớp, các em nhớ nhé. Phải học. Luôn luôn tâm niệm như thế để học. Học, đó là lối thoát cuối cùng cho bản thân, gia đình và đồng bào. Sau này, dẫu làm gì đi nữa, có học vấn vẫn hơn. Riêng với Ka Tem, thầy tin em đã hiểu, cũng không thể quên được những gì thầy muốn nói với ba của em, đó là đoàn kết trong bình đẳng.

Các em khóc nức nở. Hình như các em không nói được gì. Đứng trong lớp sáu, tôi thấy Nam một lần nữa vẫy tay chào lớp bảy cùng các học sinh đứng khóc ở hành lang, rồi bước ra sân. Anh lại đáp lời chào và chúc của học sinh các lớp khác đã tản ra, sau buổi chia tay.

Học sinh với thầy giáo quyến luyến tưởng không rời.

Sau đó mươi phút, tôi cũng bịn rịn từ giã lớp sáu thân yêu của tôi.

Trong bữa ăn trưa cuối năm học, các giáo viên, nhân viên vừa vui mừng được về phép, vừa bùi ngùi chia tay, hẹn gặp lại sau một tháng.

Tôi cứ bâng khuâng nhìn mãi chú mèo đực ngồi trên thùng gỗ to làm chạn của bếp ăn. Tôi nhìn chú mèo vô tư lự để che giấu niềm xúc động ngổn ngang trong lòng mình.

Để tránh cơn mưa buổi chiều, chúng tôi đạp xe đạp đèo nhau ra Đa Công giữa nắng trưa.

Gặp Hạ từ nhà lên, Nam lại nói to để dặn Hạ:

- Cho gửi va li sách nghe Hạ. Giữ cẩn thận giúp nghe. Cảm ơn trước nghe.– Nam cười –. Gia sản đấy!

- Thầy yên tâm.– Hạ cũng híp đôi mắt một mí cười –. Thầy cô về phép được vui!

Chúng tôi cảm ơn Hạ, trong khi vẫn đạp xe đèo nhau. Nhiều học sinh đang đứng chơi dọc hàng hiên, ven đường vòng tay chào và chúc. Làm giáo viên nông thôn, những hình ảnh như lúc này là phần thưởng cảm động nhất.

Ở đằng xa, thấy chúng tôi, Ngoan chạy vào nhà gọi mẹ. Chị Xinh ra đứng đầu ngõ. Chúng tôi phanh xe lại. Trong sân, cô giáo Cam Ly với Đồi Hương đang chia tay Hải. Tôi mỉm cười, biết Cam Ly giữ kẽ, rủ Đồi Hương cùng ghé chào. Tôi định xin phép chào vọng vào hai cụ già (ông bà nội bé Ngoan), nhưng thấy thế là thất lễ, nên cả mấy người cùng nhau vào tận nơi để chào hai cụ.

Chị Xinh kéo Nam đến dưới gốc cây trứng gà, vừa khóc vừa nói. Lộc Biếc giữ xe đạp với hai túi xách hành lí, bên cạnh xe đạp tôi và Ka Kring đang ngồi. Những câu trước tôi không nghe rõ, chỉ mỗi một câu chị Xinh nấc lên như không kìm được đã thốc vào tim tôi nỗi xót xa:

- Cậu Nam … đừng kể chuyện … tôi … trong ni cho … ai nghe, … nghe cậu!– Chị Xinh dùng từ địa phương –.

Đó là câu cuối chị Xinh nói rồi khóc òa. Bé Ngoan cũng ôm tay mẹ khóc. Nam nói nhanh:

- Như Ka Kring dặn đó, chị cố vui, lạc quan vì thương đứa con trong bụng.– Nam cố ghìm xúc động nên giọng anh hơi rắn lại và gấp –. Nó là một Con Người. Chị phải chăm lo cho nó ngay lúc này, dạy dỗ nó sau này cho nên người.

Nam bước lại chỗ Lộc Biếc, đạp xe đèo cô đi. Chúng tôi đạp xe theo anh. Nhận ra đạp hơi nhanh, anh chậm lại.

Sau khi chào gia đình ông Binh, anh Ruộng, chúng tôi định đạp thẳng ra Đa Công. Dọc đường đất đỏ lầy lội này, tôi cười chào các cô giáo đang vén ống quần, đi ngoằn ngoèo để tránh các vũng nước ngầu đục lấp loáng nắng. Tôi sực nhớ hôm ăn xôi nếp ở nhà chị Xinh lần đầu, chị có nhắc đến kỉ niệm với Nam hồi chị mười mấy tuổi, Nam mới lên bốn. Đó là thú nặn đất sét thành tượng, một tượng khỉ lớn, con vật cầm tinh, rồi vỗ nước vào nặn lại thành bốn tượng nhỏ, cũng là khỉ tuổi thân. Với khát vọng được sống và viết có phong cách riêng, cá tính riêng, tôi hơi khó chịu khi liên tưởng chúng tôi cùng một tuổi nên có chung số phận hay có nhiều nét đường đời giống nhau. Còn Ka Kring nữa? Tôi mỉm cười thấy mình vớ vẩn. Tôi vẫn cắm cúi đạp xe, bỗng phải phanh xe lại. Anh Trà từ quán bước ra gọi Nam và chúng tôi. Gương mặt anh gầy tóp lại, héo quắt, râu để dài như cỏ dại. Trông anh Trà, mới sau ba tháng không gặp lại, già đi cả mươi tuổi.

- Mời các bạn vào quán chơi một chốc đã.– Anh Trà mỉm cười tỏ thiện cảm –.

Nam ngập ngừng, nhìn trời, vừa sợ cơn mưa chiều thường thấy vào mùa này, vừa muốn thuyết phục anh lần cuối. Nam quay mặt lại hỏi chúng tôi. Hoán đang chở Huyện, cười:

- Thì vào một chốc. Càng mưa càng có kỉ niệm, sợ gì!

Sáu anh em ngồi trên hai băng ghế gỗ của ông cử Trà sửa xe đạp còn có biệt danh là Trà-Rơ-mác. Với tay lấy ấm nước, anh rót ra ba cái chén sứ sứt quai. Anh bước tới tủ kẹo bánh, thuốc lá. Kẹo, bánh mời khách được đựng trên nắp của cái thẩu thủy tinh. Anh Trà mở gói thuốc 475 đặt bên cạnh.

- Anh Trà cố gắng giữ sức khỏe chứ.– Nam nói –.

- Cảm ơn.– Bất giác anh sờ râu mép –. Các bạn được về phép, thích nhỉ! Cho tôi gửi lời thăm gia đình.

Lát sau, cố nén sự sốt ruột, tôi gạt qua những câu bâng quơ, vớ vẩn để nói:

- Anh Trà có nhớ chuyến xe từ Đà Lạt về Công không? Tôi vẫn nhớ “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” của E-rich Ma-ri-a Rơ-mác (Erich Maria Remarque), cuốn sách anh đọc trên xe, cả cuốn anh rất thích, “Một thời để yêu, một thời để chết”.

Anh Trà hơi thẹn thùng. Lúng túng mấy giây, anh cười chữa thẹn:

- Vâng, nhớ chứ. Có điều, cuộc sống ở Đức khác Việt Nam mình bây giờ. Chiến tranh đã khác, hậu chiến cũng khác. Ý tôi nói cả mấy cuốn Rơ-mác viết về Thế chiến hai, về các năm sau khi Đức bị chia cắt … so với thời điểm này … Như thầy giáo Nam hôm ở suối đá có nói, tôi cảm ơn, cố sống tích cực, nhưng ai cho mình tích cực mà tích cực!– Anh Trà nhếch mép cười –.

Có lẽ anh bất chợt nhớ AQ., Chí Phèo của Lỗ Tấn và Nam Cao với một nỗi cay đắng, tự biếm nhẽ quá thậm tệ?

- Ý em muốn nói là anh Trà cần xem đứa bé còn phôi nay đã thành thai gần ra đời, trong bụng chị Xinh, giọt máu của anh, như một Con Người cần được yêu thương, trân trọng, để nó sẽ là Con Người chân chính.– Nam chậm rãi nói sau phút trấn tĩnh –. Bây giờ, anh Trà ạ, em xin thêm một ý về cuốn sách nọ, “Một thời để yêu, một thời để chết”… Người lính phát xít trong phút thức tỉnh đã mở cửa kho để giải thoát cho những nông dân Nga yêu nước. Anh ta đã chết bởi loạt đạn của họ bên những đóa hoa dại có nhụy hồng trong đám cỏ gần đấy. Có người trách những nông dân du kích Nga lấy oán trả ân, trách anh lính phát xít Đức biết khoan hồng nhưng thiếu cẩn trọng, cảnh giác, nhưng vẫn có người bảo anh lính phát xít Đức đã tự sát bằng cách đó, vì lương tâm thức tỉnh. Còn câu chuyện của chúng ta ở đây tất nhiên không dính líu gì với cuốn tiểu thuyết ấy, chỉ có một liên tưởng nhỏ, nhân tiện mà liên tưởng, tuy khiên cưỡng nhưng cũng vui vui. Đó là liên tưởng nghịch. Em nghĩ,– Nam lại nhìn anh ấy –, anh Trà hãy sống, sống đẹp trước bào thai chị Xinh mang, sắp sinh nở. Vâng, anh Trà à, mong anh Trà sẽ sống, sống đẹp trước đứa con của anh. Đứa bé ấy sẽ là đóa hồng cứu sống anh, khát vọng hòa bình, nhân bản của anh. Sự thật lịch sử về “phù Lê”, “tả đạo” với hai tên phản quốc tiêu biểu là Tạ Văn Phụng, Trần Lục ở Bắc Kì thời Tự Đức – Hàm Nghi, sự thật về chế độ ngụy, “tả đạo” Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu ở Miền Nam, anh đã nhận thức rõ, và đã từ bỏ, em không nói tới nữa. Em chỉ nói khát vọng hòa bình, nhân bản (lấy con người trần gian làm gốc). Khát vọng ấy sẽ gặp lí tưởng của cách mạng vô sản, em tin vậy. Còn cuộc đời, nó cứ bước đi với các bước của lịch sử, chúng ta chỉ là những thành tố nhỏ thôi mà. Đã lỡ một thời để yêu, nên có một thời để sống! Để sống, anh Trà ạ.

- Vâng …– Anh Trà run run môi –.

Nam và chúng tôi mừng rỡ. Lộc Biếc hỏi ngay:

- Thật không, như vậy chứ, anh Trà?

- Vâng …– anh Trà nhìn lãng –.

Tôi hơi thất vọng vì âm sắc tiếng “vâng” của anh có vẻ miễn cưỡng, qua chuyện.

- Sao anh không quý hạnh phúc, quý tình yêu cuộc sống nhỉ! – Nam bần thần, hẳn cũng thất vọng –.

Đang cúi đầu, anh Trà ngẩng mặt:

- Tôi từ bỏ đứa bé đang còn là bào thai, cũng có nghĩa, tôi từ bỏ lương tâm, trách nhiệm của tôi (một kẻ chính là cha đẻ của nó). Tôi hiểu chứ. Nhưng các bạn cũng hiểu suy nghĩ của tôi rồi mà …– Giọng Bắc cố nặng âm địa phương của cố hương hơi nhòe đi –.

Đôi môi dưới và trên các sợi râu tua tủa của anh Trà hơi méo đi vì xúc động.

Nam không biết nói sao, chỉ cúi đầu rồi nhìn anh Trà:

- Cuộc sống sẽ khác đi. “Sau cơn mưa, trời lại sáng”, một câu ngạn ngữ hay tục ngữ gì đó đã khuyên bảo mọi người về niềm hi vọng như thế. Chẳng lẽ cứ lí lịch gia thế mấy đời, mấy họ mãi. Hiến pháp cộng hòa xã hội chủ nghĩa nước ta chẳng quy định mọi người đều bình đẳng về mọi nghĩa vụ và quyền lợi đó sao!

Nói thêm vài điều với nhau, chúng tôi chào anh Trà. Bẻ một nhánh cây khô nhặt được trên đường, tôi gạt bớt lớp bùn bám vào bánh xe và vè xe đạp. Nam, Huyện cũng thế.

- Hãy tin vào sức mạnh của lòng nhân hậu, anh Trà ạ.– Nam lại nói –. Không người Việt Nam nào cứu nhau bằng lòng thù hận. Người Việt Nam giải phóng nhau bằng lòng nhân hậu. Nghèo lòng nhân hậu sẽ không tự cứu được bản thân mỗi người, bất kì ai cũng thế.

Chúng tôi lại nghe anh Trà nói “vâng”.

Nhìn trời, sợ cơn mưa ập tới, chúng tôi chào anh Trà, cử nhân triết học, cựu sĩ quan đào binh, cũng là anh thợ sửa xe đạp, bán quà vặt!

Đạp xe qua doanh trại bộ đội, chúng tôi lại chào một vài người lính quen biết đang đánh bóng chuyền trong đó.

Tới ngã ba Đa Rai, thấy trên chiếc xe lam có nhiều cô giáo đang ngồi chờ khởi hành (Nghệ, anh Quỳnh, anh Giảng đã ra Đa Công hồi sáng). Tôi lại gặp K’Vinh, một anh lai Hy Lạp đang là giáo viên ở Bảo Thắng, tình cờ một hôm tôi quen. Chúng tôi chào nhau với những câu hỏi thân mật.

Tôi không ngờ em Hộ đã đợi sẵn ở ngã ba này để tiễn chân chúng tôi. Hộ nhìn thầy giáo Huyện với đôi mắt đỏ hoe.

- Sang năm em học lại lớp chín. Thầy còn dạy chúng em không?– Hộ hỏi thầy giáo Huyện, người thầy đã phục thiện –.

- Chưa biết thế nào, tùy Phòng và Ty Giáo dục, Hộ à. Dẫu sao đi nữa, hãy cố gắng học tập, tu dưỡng nghe Hộ!– Huyện đặt tay lên vai Hộ, nói khẽ với em, trong khi Hộ khóc, đôi bàn tay chai sần của em run mềm nắm tay cô giáo Lộc Biếc, người đã tận tâm yêu thương, phục hồi cho em lòng tự trọng –.

Đạp xe ra Đa Công, dọc đường, Ka Kring nói sau lưng tôi, bồi hồi:

- Sao em yêu nghề giáo dục quá, anh Khoai ạ.

Tôi cũng nghĩ không khác Ka Kring.

Hai bên đường, bạt ngàn các đồi trà tươi lên sau những cơn mưa đầu mùa. Những ngọn cỏ mọc xen với trà đâm vào tâm hồn nông dân của tôi buốt nhói như các ngọn cỏ lúa ở quê nhà Thuận Xá, Quảng Trị xa lăng lắc. Cỏ ơi, hãy mọc đúng chỗ nào! Trà ơi, xanh lên những chồi lá tơ non ngọt chát đi nào! Tôi liên tưởng nghịch đến anh Trà. Anh Trà không phải là bạt ngàn trà trải khắp bao ngọn đồi kia. Là người đau đáu khát vọng được bình đẳng, anh Trà có ngọn lá biếc nào trong lương tâm, lương tri anh không, trước vòm bụng mang đứa con máu thịt anh với chị Xinh, nói như Nam, khác Rơ-mác, là đóa hồng sự sống? Tôi tin đóa hồng ấy đã sáng bừng trong tâm anh Trà, sống lại trái tim anh …

- Phải vậy không Ka Kring?– Tôi buột miệng –.

Ka Kring ngơ ngác:

- Phải gì, anh Khoai?

Tôi cười, chợt nhớ mình vừa buột miệng bất giác:

- “Sau cơn mưa, trời lại sáng” ấy mà.

- Đừng mưa, ướt hết. Em mong trời sẽ mưa thuận gió hòa vào đêm nay, sau khi mình đã đến nơi, dạo quanh Đa Công và ăn tối. – Ka Kring thực tế nói –. Lúc đó, mặc mưa với bóng đêm ngoài trời, chúng ta sẽ đóng cửa kính, hát hò, uống trà. Sáu anh em, trên một căn gác ấm cúng ở nhà em. Cuộc đời bao giờ cũng dễ thương thì tốt hơn.

Chúng tôi dắt xe lên dốc rồi thả xe xuống dốc, với tay phanh hờ sẵn, cho hai cặp má phanh rà rà vào hai vành xe.

Dọc đường, tôi lại xúc động biết bao khi nghe Ka Kring bảo:

- Chị Lộc Biếc đã cứu cả Hộ, cả Nhi, cả anh Huyện đấy, anh Khoai à. Và ông Mộ, sau một cuộc xung đột dữ dội với Hộ, ông già huấn nhục man rợ ấy đã nghe ra lẽ phải. Lẽ phải đã được Hộ sử dụng để đấu tranh, thuyết phục ông thân sinh của nó. Hộ thắng lợi! Cũng hay chứ, anh Khoai? Đấy là tính biện chứng, quá trình tác động qua lại, trong quan hệ lí lịch, phải không anh Khoai?

Mặc dù đã biết, tôi vẫn nghẹn ngào một lúc mới nói được:

- Trong các quan hệ xã hội khác cũng thế … Anh cũng yêu nghiệp giáo dục quá, Ka Kring ạ. Không có gì đẹp hơn khát vọng làm “y sư của tâm hồn”.

 

 

( xem tiếp phần 12 )

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

              Cập nhật: 06/30/09

              (tháng / ngày / năm)

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7