h. Trần Xuân An - Có một nơi lá mãi xanh - Tệp 8

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

TRẦN XUÂN AN

có một nơi lá mãi xanh

 

CHƯƠNG TÁM

 

 

 

1

 

 

            Niên chọn một vài cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn khá tâm đắc của anh, kí tặng, đóng triện son vào trang thứ nhất một cách trân trọng. Ngày mai, anh định sẽ qua quận Tám thăm ông Chí, cô Quỳnh. Qua điện thoại, anh đã hỏi Hòa Bình địa chỉ. Anh cũng mừng bởi số nhà dễ kiếm, chỉ tiếc là ông Chí cứ để mặc cái máy điện thoại hỏng, không thèm sửa chữa. Thôi, thế nào ngày mai cũng gặp nhau. Niên bỏ sách vào bao xốp rồi cho luôn vào túi xách.

            Niên ngồi trước chao đèn bàn, bâng khuâng nhớ trường cũ với nhiều gương mặt cũ. Gương mặt thầy Chí, cô Quỳnh, cô Sông Phố ngày ấy, mười tám, mười chín năm rồi, lại hiện ra trong trí nhớ anh. Ngày ấy, hào khí chiến thắng, tinh thần xốc tới ngút trời cộng với ý chí chiến đấu bằng mọi cách vì mặt trận biên giới, khiến mọi lời nói, tia nhìn rất dễ nháng lửa. Cũng có thể thầy Chí méo mó chút đỉnh nghề phê bình, lí luận. Phê bình, lí luận trên báo, trên bục giảng, ông còn muốn phê bình, lí luận cả tập bản thảo chưa xuất bản trong tổ ngữ văn, có lẽ cho ''rôm rả'' cũng nên. Ngày ấy, Niên còn quá trẻ, mới hai mươi tư  tuổi! Ngày ấy, ai đã đồn thổi ra ngoài cổng trường cái sự ''Phần kịch''? Ngẫm lại, buồn cười thật. Ờ, ngày mai, gặp chắc vui lắm...           

Niên xuống nhà dưới, đánh răng, rửa mặt, lại lên gác. Anh nhìn Ca Dao đang ngủ với con búp bê trên giường riêng, lại nhìn vợ đã buông mùng, có lẽ chưa ngủ. Niên tắt đèn bàn sau khi bật ngọn đèn ngủ đầu giường Ca Dao.

            Anh nằm xuống cạnh Bông Trang. Niên đang hồi tưởng, chờ giấc ngủ đến. Quả tình, anh đã phần nào quên được Cúc Tần. Trước khi vào giấc ngủ, bao đêm anh cố nghĩ đến các hình tượng tiểu thuyết, cố quên Cúc Tần đi, hay nghĩ đến một điều gì khác, để quên cô ấy đi. Quên đi, phải cố quên.

            - Anh Niên! - Bông Trang buột gọi khẽ như không kìm nén được.

            Niên ngạc nhiên bởi âm sắc nghẹn uất bất ngờ của vợ. Anh nằm nghiêng lại, qua ánh đèn ngủ từ giường Ca Dao hắt sang, Niên thấy dòng nước mắt hình như đang chảy xuống những sợi tóc mai của Bông Trang. Niên đưa tay vào đó. Đúng rồi, nước mắt nóng hổi. Niên hoảng hốt, nhẹ nghiêng gương mặt vợ về phía mình.

            - Sao vậy? Sao em khóc? - Niên âu yếm hỏi.

            Bông Trang nấc lên, tức tưởi. Cô vẫn nằm im lặng, cố ghìm tiếng khóc.

            - Bông Trang! Sao lại khóc? Có gì vậy? Nói đi... - Niên vỗ về, chưa thật rõ vì sao.

            Lát sau, Bông Trang nói:

            - Em biết hết rồi! Một năm nay em đã nghi nghi... Em không ngờ!

            Niên lạnh người. Anh đã biết trước có ngày hôm nay. Thật lòng, Niên cũng đã cố gắng để cảnh này đừng diễn ra. Mà đã có gì đâu! Anh sợ Bông Trang khóc to, Ca Dao thức giấc, sẽ nghe được. Niên lại vỗ về vợ:

            - Anh không hiểu chuyện gì. Dù chuyện gì, cũng bình tĩnh. Nín đi, đừng khóc nữa, Bông Trang! Nín đã, nghen...

            Cô hất nhẹ tay Niên ra, ấm ức khóc. Niên cứ ngỡ một lời nói gì đó dữ dội sẽ tuôn ra, anh sẵn sàng chịu trận. Một lát khá lâu, Niên cảm thấy hơi mừng. Lúc này, anh mới biết Bông Trang đằm tính đến mức không ngờ.

            - Ngủ đi em. Ngày mai, có gì, ngày mai rồi nói...

            - Không. Em phải nói ngay. Em nín nhịn một năm rồi! - Bông Trang hơi tức tối - Hứ! không ngờ! - hóa ra câu vỗ về của Niên lại càng khiến Bông Trang nghĩ anh đã thừa nhận, và còn cảm thấy sự giả dối của anh - Thôi được, em nói khẽ thôi. Nếu anh không dứt bỏ con nhỏ Cúc Tần, em sẽ dẫn Ca Dao đi khỏi nhà này. Hoặc em với con, hoặc Cúc Tần, anh chọn một trong hai. Lâu nay, em suy nghĩ rồi đó. Bộ anh tưởng em chưa đến quán Lá Xanh đó hả! Cô bạn bán hàng ngoài chợ có nhà đối diện với quán ma, quán quỷ đó chứ bộ!

            - Nhưng, có bao giờ đến đó anh làm gì khác ngoài việc uống trà đen, nghe nhạc, thỉnh thoảng bàn chuyện văn chương đâu! Không có gì mà, em! - Niên cố gắng dịu giọng, chậm rãi, ngọt ngào.

            - Không làm gì, còn gấp mười làm gì! Em đọc bản thảo của anh rồi! Thôi, em với Ca Dao đi cho hai người thôi tự tử! Em nói thật đó - giọng Bông Trang bỗng lạnh lùng, ráo hoảnh đến bất ngờ - Anh xúc phạm em quá! - cô lại nấc lên, tức tưởi.

            Niên giả cười, anh muốn nói, đó là chút bỉ ổi của anh.

            - Ồ! Bản thảo là chuyện hư cấu! Anh hư cấu đã chục cuốn rồi, em đã biết mà! - Niên bỗng thấy mình đã quá cứng lí - Anh phải viết vậy mới phản ánh được sự  thật của thằng đàn ông!

            - Y boong chứ hư cấu gì! Truyện nào hư cấu chứ truyện này y boong! Em biết chứ bộ! - Bông Trang nói sau một lúc im lặng.

            - Chà! Em thật kỳ! Cái lá xoài mình hư cấu thành lá ổi cũng được. Bạn bè, quen biết, hư cấu thành yêu đương là thường! - Niên biết mình thắng thế - Thôi, chuyện vậy mà làm anh tưởng chuyện gì ghê lắm - Niên vờ phớt lờ - Thôi, ngủ đi em.

            Niên cười thầm, mừng trong bụng, nghĩ mình chưa hớ lắm.

            - Thôi, đừng chối khéo. Em có mượn được cái ống nhòm. Nét mặt, cử chỉ ấy mà còn chối! Chỉ thiếu cái máy quay hình thôi.

            Niên giật mình. Anh giả lả, khe khẽ:

            - Thôi em! Nhỡ con nó nghe, nó hiểu nhầm... Anh chỉ đểu mồm, đểu miệng với cổ một chút mà. Yên tâm, yên tâm. Không có gì đâu. Không có gì mà... - Anh vuốt ve, cô hất tay ra.

            - Thật với anh, em xem cái chuyện đánh ghen, rình rập là tồi bại. Nhưng em cần biết sự thật. Em có cả băng hình hai người ngồi tỉ tê, tâm sự. Nét mặt, cử chỉ đó không thể giả được. Anh giả được đến mức đó, em đi đầu xuống đất! Chừng đó chưa đủ sao! Em lạ gì con nhỏ Cúc Tần! - giọng Bông Trang nghẹn lại - Nếu con nhỏ Cúc Tần là ... đĩ a hả, em chỉ khinh anh thôi. Đằng này... Thôi, em nghiên cứu băng hình cả mấy chục lần rồi. Nếu anh yêu thật, em với con đi khỏi nhà. Dứt khoát vậy. Anh ở đây với cổ. Tiền thuê nhà, tiền nước, tiền điện... các loại tiền, cổ lo cho anh. Em có Ca Dao là đủ rồi! - Bông Trang nói liền một hơi, đôi chỗ sựng lại vì tức, vì buồn. Cô bỗng quay mặt vào vách, khóc thút thít, dẫu đã cố nén lại.

            Niên biết mình đuối lí. Anh nằm im, không biết nói gì, chỉ mong Bông Trang đừng làm dữ, to chuyện.

            Thật lòng, Niên tôn trọng sự ghen tức của vợ, nhưng anh không muốn cô xúc phạm Cúc Tần.

            - Thôi, ngủ đi em. Ngày mai hẵng hay. Con nó nghe được, anh ăn  nói làm sao! Thôi, chuyện gì có đó. Không có gì mà!

            - Em đã nói, không có gì mà gấp mười lần có gì! - cô mỉa mai - Anh cũng còn sợ mất mặt với con nữa hén!

            Lần này, Niên thấy không nên nói một lời nào nữa, chỉ im lặng, thầm mong Bông Trang nguôi dần rồi ngủ thiếp đi. Niên cũng ngại sự im lặng của anh càng khiến Bông Trang giận thêm. Anh trông trời mau sáng, dắt con đi chơi, nhưng đâu mới một, hai giờ khuya. Niên cũng hi vọng chẳng có băng hình ấy đâu!

            Bông Trang vẫn quay mặt vào vách. Niên để ý, thấy vai cô không còn rung lên theo tiếng khóc đã cố ghìm lại, tiếng thút thít, ấm ức cũng nguôi dần. Có lẽ Bông Trang đang suy nghĩ lại những lời nói vừa căm tức, vừa ghen tuông, vừa dằn dỗi, có thể có cả thách thức cho hả giận. Niên cũng như cô, trước một giả định quá đà, anh hoang mang. Bông Trang có hối hận đã thách thức quá căng? đã cao thượng đến mức khó bề vươn tới nổi? Niên có cảm giác chới với như người bị dồn đến chân tường, phải tựa vào bức tường ''yêu thuần tâm hồn'' để đối phó với bi kịch dẫu mười mươi tuyệt vọng, bỗng bức tường vừa chặn anh, vừa cho anh tựa, sụp đổ. Phía sau là gì anh không biết. Nhưng rõ là phía sau bức tường đổ ấy không phải con đường. Là rừng? Là sông? Là vực thẳm? Là biển? Niên chưa kịp chuẩn bị cho tình huống mới! Nếu Bông Trang dẫn Ca Dao bỏ anh để ra đi thật, anh sẽ ra sao? Bao nhiêu lo toan thiết thực hằng ngày, lâu nay anh giao phó hết cho vợ. Yêu Cúc Tần say đắm, nhưng anh nào đã dám vẽ vời một đời sống chung, chồng vợ với cô ấy! Và Ca Dao, máu thịt của anh, lẽ nào sẽ như thể mồ côi anh! Cũng đâu phải anh không thương vợ!

            Ồ, anh ngẫm lại, thấy Bông Trang theo dõi anh với Cúc Tần suốt mười mấy tháng, sao khéo nín nhịn thế. Không thể. Không phải. Cô ấy mới biết được gần đây thôi. Cuốn băng hình nếu có cũng chỉ mới quay mấy lần chuyện trò sau này. Có thể chỉ lần gần đây nhất. Dẫu sao anh cũng không thể chối cãi được rồi.

            Niên thấy Bông Trang dường như đã thiếp ngủ. Anh thử chạm khẽ vào cánh tay cô. Bông Trang cựa mình. Hai vợ chồng cứ nằm thao thức, hoang mang, rối bời.

            Niên biết ngày mai sẽ rất mệt mỏi vì đêm nay khó ngủ. Ngày mai chắc anh chưa qua thăm thầy Chí, cô Quỳnh được.

 

 

2

 

 

            Bông Trang bảo để cho anh suy nghĩ một tuần. Nếu anh không chấm dứt hẳn với Cúc Tần, cô sẽ kí vào đơn li dị, chỉ mong anh đồng ý để cô dẫn Ca Dao theo cô. Niên thấy đến nước này anh mới hiểu hết vợ mình. Cô có còn trẻ con không, vì lỡ nói quá quyết liệt và cao thượng, bây giờ lỡ đà khó thoái lui? đành phải dấn tới? Hay Bông Trang thương anh, sợ anh tự tử? Bông Trang sợ cô chính là tác  nhân, nếu nhỡ Cúc Tần chọn cái kết thúc kinh điển của văn chương ngoại tình? Không. Tất cả đều gần đúng? Đúng nhất là Bông Trang vừa mặc cảm, vừa cao thượng? Không. Bông Trang quá tốt.

            Tất nhiên suốt một tuần lễ, Niên vẫn nói đúng sự thật: chưa có gì, không có gì ngoài chút say sưa lãng mạn một cách tài tử, nghệ sĩ. Anh nói, mọi tình cảm giữa anh và Cúc Tần đã gần như chấm dứt cách đây hai tháng, ít ra là một tháng. Đàn bà vốn sợ sự thật. Sự thật nói trắng ra, dẫu thật thà, cũng quá phũ phàng, thậm chí gây xúc phạm. Rạn nứt vẫn có thể hàn gắn. Đổ vỡ là vô phương. Rạn nứt, chỉ nói đúng mức độ chính xác là rạn nứt, nhưng nói trắng ra thế, rạn nứt sẽ đổ vỡ ngay. Anh học cách nói giảm đi, nói dối bớt và cách im lặng? Bông Trang vẫn giữ kín hay gửi ở đâu đó cuốn băng hình cô nói tới. Anh cũng ngượng, nhưng có gì mà sợ!

            Bông Trang cũng không làm căng thẳng thêm. Niên cảm ơn vợ bằng cách suốt tuần không ra khỏi nhà.

            Bỗng Niên nhận được một cuộc điện thoại gọi tới từ Lá Xanh.

            - Vui lòng cho tôi gặp ông Phần.

            Niên giật mình. Giọng nói lạ.

            - Tôi là Niên đây.

            - Tôi là Sông Phố đây. Phần nhớ không? Tôi mới ở Cần Thơ lên hôm qua. Tôi rất mong gặp cậu. Lâu quá mới gặp lại đó nghen.

            -  Dạ. Thật bất ngờ. Cô có khỏe không?

            - Cảm ơn. Rất mừng là vẫn khỏe. Còn tôi biết cậu cũng khỏe như xưa. Thôi, sẽ nói chuyện nhiều. Thế này nghen, chiều mai ba giờ, cậu sang nhà Bảo chơi. Tôi mời cơm một số bà con, người quen. Có cả ông Chí, cô Quỳnh. Vui đấy.  ''Quả đất vẫn tròn'' rất đẹp.

            Niên rất vui:

            - Dạ, em sẽ qua thăm cô, gặp được cả thầy Chí, cô Quỳnh. Vâng, quá vui, quá bất ngờ.

            - Vậy nghen. Ba giờ chiều mai. Mời cả hai vợ chồng với cháu bé. Tên gì nhỉ? À, Ca Dao. Cúc Tần  nói vậy. Nhớ nghen.

            - Cảm ơn cô trước.

            Niên rất xúc động, cũng thấy khó xử. Dẫn cả vợ con qua Lá Xanh, kì quá. Niên chưa biết tính sao.

            Niên thấy rất vui được gặp lại các thủ trưởng cũ, nhưng vẫn biết trong niềm vui ấy còn lấn cấn những ngộ nhận vớ vẩn một thời, dẫu hồi ấy anh cảm thấy bị xúc phạm bởi sự ''rình rập'', ''lấy trộm'' bản thảo của anh, do ai đó. Thôi. Cứ lẩm cẩm hoài với cảm giác khó chịu ấy làm chi. Vấn đề là trước tình huống này, tình huống Bông Trang mở ra khá bất ngờ, anh lúng túng, bối rối thật sự.

            Anh có thật yêu Cúc Tần không? Niên lại nhìn sâu vào tim anh.

            Niên có đồng ý để Bông Trang dắt Ca Dao đi khỏi đời anh hay không? Anh có đủ can đảm và lạnh lùng đồng ý điều này?

            Liệu Cúc Tần có chấp nhận làm vợ anh, thay thế Bông Trang và lại sinh cho anh một Ca Dao khác không? Đã hứa hẹn gì đâu? Có thể Cúc Tần yêu anh như một hình tượng trong bi kịch tình yêu, với những cảm xúc mang tính nghệ thuật chứ không phải tính thực tế? Cô ấy yêu bởi biết vô vọng, bế tắc trong bi kịch. Khi vô vọng thành triển vọng, bế tắc đã có lối mở, liệu cô ấy có còn nồng độ tình yêu đương chăng? Vô vọng, bế tắc tỉ lệ thuận với say đắm, cháy nồng? Anh chưa rõ, chưa dám đoan chắc. ­, còn vấn đề kiếm sống nữa. Cúc Tần có chấp nhận nghèo khó như anh? Riêng anh, anh tiếc sao anh và Cúc Tần không gặp nhau cách đây mươi năm. Bây giờ, đã bốn mươi hai tuổi, anh thấy sau cơn mê nồng nhiệt cách đây vài tháng, anh cũng tập quên cô ấy rồi, Niên đâm ra ngơ ngác với chính mình. Anh thấy những suy nghĩ của anh tàn nhẫn đến lạnh lùng. Rõ ràng là anh vơi nhiều quá những chất men cuồng nhiệt, hơi điên mê, hơi mù quáng của thuở mới yêu lần đầu.  Phân vân, lí giải, toan tính, còn yêu nỗi gì! Tình yêu đương, trong nó, còn có tính phiêu lưu, bồng bột. Hình như trái tim anh mệt mề, sợ lạc khỏi nền nếp ổn định (sợ hao hụt trang viết vì cuộc sống đảo lộn), sợ đau tình, đau nghĩa vợ chồng, cha con... Niên cạn rồi khát vọng yêu đương, giảm rồi chất lượng và sức mạnh yêu đương, trong trái tim anh? Hay đấy là chín chắn?

            Hơn một tuần rồi Niên suy nghĩ... Tình yêu bất chính! Ngoại tình của trái tim không chung thủy!... Mộng mơ thoát khỏi thực tại cũng là một thứ ngoại tình. A. Ca-muy buồn bã hi vọng mọi người chấp nhận thực tại rất sa mạc, khô cằn, không như ý để sống. Không. Không đầu hàng số phận, cuộc đời như vậy. Lẽ ra, anh phải tỉnh táo chấp nhận thực tại của chính anh, nhưng phải biết ước mơ và hành động, phải cải thiện chất lượng cách sống để thực tại gia đình anh, ít ra là thế, đáng yêu hơn, nên thơ hơn. Cũng không thể chỉ truy tìm, sáng tạo thêm ý nghĩa cho thực tại vốn có mà không một mảy may cải thiện thực tại ấy.

 

 

3

 

 

            Niên cho vào túi xách thêm một gói sách. Trong những cuốn kí tặng có dấu triện dành tặng ông Chí và cô Sông Phố, một vài cuốn Niên đã lấy bản lưu duy nhất còn lại, thay vào đó các bản sách cũ tình cờ Bông Trang từ lâu mua được.

            Niên dắt xe ra khỏi nhà, khởi động, chạy quá ngã ba rẽ vào hẻm Lá Xanh - Niên đặt tên cho con hẻm như thế. Anh ghé một tiệm rượu, mua một cặp rượu ngon. Niên hồi hộp quay lại, vào Lá Xanh với mức ga xăng từ tốn.

            Cổng chỉ mở một cánh. Trên cánh vẫn còn đóng có tấm bảng bằng tôn, cỡ hai cuốn vở, viết dòng chữ ''xin nghỉ phục vụ khách một buổi'' với hai màu sơn. Chiều nay không mưa. Niên rất vui khi thấy trên sân những người quen cũ và dăm người lạ. Những tiếng chào niềm nở, rộn rã cất lên.

            Ông Chí, cô Quỳnh, mỗi người bắt một tay Niên với nụ cười rạng rỡ đầy xúc động. Cô Sông Phố, một tay nắm vào cánh tay Niên, một tay vỗ vào lưng anh. Khóe mắt cô ươn ướt. Niên chỉ biết đứng sững giữa ba người.

            - Mười chín năm! Mười chín năm! Mới đó mà nhanh khiếp thật. Đến đây, đến đây ngồi tạm, chuyện trò đã! - ông Chí bước đến dãy ghế đặt sát thềm nhà.

            - Đúng là ''quả đất tròn, đi đâu rồi cũng lại gặp nhau''. Em thật không thể ngờ! - Niên cảm động nói.

            Ông Chí bước tới gốc khế, cầm tay một người đàn ông thấp nhỏ, tóc trắng phơ đang run run môi cười chứng kiến cảnh gặp gỡ nãy giờ. Ông ấy đang đứng cạnh ông Phước.

            - Anh Ngãi, đến đây anh! - ông Chí xởi lởi - Anh Phước, chúng ta tới đây đã!

            Sáu người ngồi quanh chiếc bàn bên thềm. Nghe ông Chí giới thiệu, Niên mới biết ông Ngãi là thân sinh của Bảo, người ngày xưa, lúc còn dạy học ở Mỹ Tho, Niên chỉ nghe nói tới: ông Ngãi sau ngày thống nhất có đi học tập cải tạo vài năm, sau đó về lại Sài Gòn, kinh doanh gỗ xẻ. Niên để ý thấy cô Sông Phố tóc cũng đã muối tiêu, ông Chí và cô Quỳnh cũng vậy.

            - Em rất mừng thấy mọi người vẫn khỏe, thậm chí khỏe hơn xưa, dù đã cộng thêm mỗi người mỗi hai chục tuổi - Niên nói.

            - Mười chín thôi! Không nên ăn gian thêm tuổi, có hại cho tuổi trời! - cô Sông Phố cười, nhìn đăm đăm vào Niên một cách thân thuộc khiến anh cảm động.

            - Có một điều bất ngờ, cũng rất tiếc là chúng ta, tôi và Phần, đều ở Sài Gòn, đều viết lách đăng báo, lại không gặp được nhau! - ông Chí nói - Tôi đã lấy tên bà xã làm ''họ'' cho bút hiệu, còn anh Phần lại đổi thành Phan Cát Niên!

            - Aắ - Niên thốt. Niên đang rơi vào ''quan hệ không ổn'' nên hơi rụt rè trước ba của Cúc Tần. Anh muốn nói một câu gì đó để cảm ơn chuyện cũ, làm quen với ông, chợt nghe ông vui vẻ cười trước câu nói của ông Chí:

            - Biết rồi! Đúng là anh Chí rất trẻ! Càng lớn tuổi, càng tình tứ ra phết, hơn cả thuở mới gặp chị Quỳnh đây.

            Niên cũng cảm nhận ba chữ ''Quỳnh Văn Chí'' như một tứ thơ thuộc loại thơ tình tuổi trắng tóc! Sáu tiếng cười đan vào nhau vui vẻ, đầm ấm, cởi mở.

            Bảo với hai người đàn ông, một cỡ năm mươi, một cỡ ba sáu, mãi lúi húi phụ giúp dưới bếp, nãy giờ bận tay, lúc này đã rảnh, vì hoàn tất đâu vào đấy, bước ra bắt tay  Niên. Qua giới thiệu, Niên biết, đó là bác sĩ Từ, anh rể của Bảo. Từ vốn là sĩ quan quân y của chế độ cũ, đang công tác dưới Cần Thơ. Và một người là anh ruột Cúc Tần, kĩ sư Quyết.

            - Bó hoa hồng anh Niên nhờ cửa hiệu hoa mang tới hồi sáng đẹp lắm. Cảm ơn nhà văn nhiều - Bảo nói với nụ cười - Bây giờ, con xin mời tất cả vào phòng khách. Mọi việc đã xong xuôi, chỉ còn xin mời nâng li.

            Trong phòng khách, tiếng hát Y Moan, một ca sĩ Tây Nguyên, vang lên chất rừng, gió và thảo nguyên từ máy băng nhạc, khiến căn phòng nhỏ bát ngát, rực nắng ấm áp. Cúc Tần, Hòa Bình, Vành Khuyên (vợ Từ), Đoá Biếc (vợ Quyết) mặc áo dài Kinh, váy xống nhân tộc Thái, đang cười nói với năm, bảy đứa trẻ. Chiếc bàn tròn phủ vải trắng, ở giữa có một bình hoa lớn cắm nhiều loại hoa do khách gửi tới hoặc mang tới. Thức ăn đã dọn sẵn cho tiện. Những tiếng chào mời, những nụ cười rạng rỡ. Niên ngạc nhiên thấy người đàn bà hai mươi tám tuổi với hai dòng máu Kinh - Thái có tên Hòa Bình, vốn rất quen thuộc, nay với trang phục này, bỗng đẹp đến lạ lùng. Cúc Tần, lại quá đẹp, một vẻ đẹp đoan trang, nền nã.

            Ông Chí bấm tay Niên, định kéo đến ngồi gần ông. Cô Sông Phố lại hỏi khẽ, vợ con Niên đâu, sao không dẫn tới. Niên đành phải nói dối, Bông Trang và Ca Dao đã phải dự tiệc cưới người bạn. Niên hiểu, có lẽ nãy giờ, giữa đông người, cô Sông Phố không tiện hỏi.

            Bắt đầu cuộc tiệc, Bảo xin phép nói vài lời, xin mọi người nâng li chúc mừng cuộc gặp mặt thân mật. Bọn trẻ nhỏ ngồi quanh chiếc bàn nhỏ gần cửa sổ cũng cười nói ríu rít nâng li nước ngọt.

            Trong bữa tiệc, Niên chỉ đôi khi kín đáo nhìn Cúc Tần. Cô cũng thỉnh thoảng cười bằng mắt với Niên.

            Ông Chí có chút rượu vào, gương mặt đỏ lên.

            - Này Phần, mình có đọc vài cuốn của cậu. Bây giờ, cũng không phải bây giờ, cách đây gần một tháng, mình mới ớ ra là cậu đổi bút hiệu. Ảnh của cậu in đen trắng lèm nhèm, mắt mình cũng kém, không nhận ra. Mình đi họp Hội Nhà Văn hoài, sao không thấy cậu?

            - Em cũng có đọc sách của thầy. Em đâu có ngờ những bài báo, cả sách của thầy nữa, lại đổi mới đến thế. Trường hợp đổi bút hiệu của thầy cũng như của một số nhà văn sau Đổi Mới?

            Ông Chí cười khoái chí:

            - Không đổi mới là không tiến bộ. Thật ra, mình chỉ thêm tên bà nhà trước bút hiệu Văn Chí thôi. Bởi bả cũng có đóng góp trong công tác tư liệu cho mình. Này, Phần, cậu thấy mình không phải đổi mới kiểu cơ hội chủ nghĩa chớ? Mình chỉ sửa những cái quá ''tả'', quá căng của mình ngày trước thôi. Mình vẫn chuẩn bị in một cuốn gồm các bài lí luận, phê bình đã đăng báo trước Đổi Mới, và vẫn lấy bút hiệu cũ, không có chữ ''Quỳnh'' ở trước ''Văn Chí'', để kỉ niệm.

            - Thảo nào! Cúc Tần chỉ nói với em cuốn đang chuẩn bị này. Chẳng hiểu sao Cúc Tần giấu mấy cuốn Quỳnh Văn Chí thầy nhỉ. Cổ muốn dành cho em sự ngạc nhiên chắc.

            Ông Chí cười to, nói vọng qua phía bên kia bàn tròn:

            - Cúc Tần đáo để nghen! Sao ''ém tài'', không ''quảng cáo'' giúp nhau!

            Cúc Tần nãy giờ để ý hai đồng nghiệp cũ đang to nhỏ với nhau, nhưng chỉ nghe câu được câu mất. Cô cười, ngỡ khen món ăn độc đáo:

            - Chị Đoá Biếc nấu nướng là chính đó, bác ơi...

            Ông Chí và Niên bật cười. Niên nói:

            - Hoan hô chị Đoá Biếc nấu ăn ngon! - anh nhìn Đoá Biếc - Nhưng sao Cúc Tần giấu, không nói với anh mấy cuốn sách kí tên Quỳnh Văn Chí của thầy đây? Có lời trách đó nghen!

            - Bởi vì một cuốn trong đó có bài khen Phan Cát Niên ''nức nở''.

            - Trời đất, anh biết lâu rồi. Có điều anh không biết thầy Chí là Quỳnh Văn Chí!

            Cả bàn, gồm mười ba người, và thêm sáu đứa nhỏ nữa, cùng cười thích thú. Bảo đứng dậy, li bia cầm trên tay:

            - Xin chúc mừng cuộc gặp mặt lí thú!

            - Xin cạn li - Quyết nói, và uống cạn trước hết.

            Cô Sông Phố đã ửng hồng men bia, cười xúc động:

            - Tôi không ngờ cuộc đời đầy ngẫu nhiên như Nguyễn Du viết truyện Kiều có hậu! Có điều, Kiều lại là gã đàn ông đã một vợ một con, là Phần, với một tá sách đã xuất bản!

            - Anh Niên! - ông Phước nói - Anh Nguyễn Văn Phần! Lẽ ra chúng ta, tôi với anh, đã phải gặp nhau từ năm bảy chín! Hồi đó, tôi có đọc bản thảo của anh. Xin chúc mừng cuộc gặp sau mười chín năm! Quan trọng nữa, là hôm nay còn có em rể của tôi, ông Ngãi đây - ông Phước chìa tay chỉ ông già nhỏ thó tóc trắng - sau hơn ba mươi năm, mới gặp gỡ thân mật em ruột tôi, cô Sông Phố. Đề nghị hai vợ chồng, tức là ba và mẹ của cháu Bảo, nay là hai người bạn, sẽ có dịp gặp nhau luôn, sau ba mươi năm hơn xa lánh nhau. Xin chúc mừng cuộc gặp sau ba mươi năm!

            Một không khí xúc động chan hòa cả căn phòng. Niên bỗng nghe đang vang lên một ca khúc phổ đoạn kết ''Tiễn dặn người yêu'', một trường ca thơ cực hay của nhân tộc Thái ngoài Tây Bắc, nghe rõ tiếng đàn tranh, sáo, đàn bầu, cả nhị nữa, khèn nữa, và cả tiếng tơ rưng trong khoảnh khắc lắng lại của niềm cảm động. Niên cũng mừng vì sự quan tâm của mọi người đã chuyển qua ông Ngãi, cô Sông Phố, cùng với Bảo, nhất là Cảo Thơm, Hòa Bình. Anh hơi ngượng vì sự ưu ái dành quá nhiều cho anh.

            Niên cũng không ngờ ông Chí lại trẻ trung hơn xưa, trong cách chuyện trò.

            - Cúc Tần nó có hé cho mình biết là cậu có viết lại bối cảnh trường cũ ở Mỹ Tho.

            Niên cũng hơi giật mình, nhủ thầm trong lòng là anh chưa có dòng nào cay cú về chuyện cũ.

            - Dạ. Vâng, cho vui. Hư cấu thêm cho kịch tính ''ra vẻ'' một chút - Niên cố tình làm nhẹ lại vấn đề ngày ấy.

            - Mình chỉ tiếc là sao mãi đến mười chín năm sau mới gặp lại nhau thế này. Dẫu sao hồi đó, cậu còn trẻ quá, mình còn hăng và căng quá! Mình nói thật, con nhỏ Cúc Tần nó náo nức có cuộc gặp mặt này lắm. Cúc Tần nó ''chuẩn bị tinh thần'' cho cuộc tiệc nhỏ này lâu rồi. Nói thật, cậu đừng trách nó ''mạn phép'' nghen. Số là thế này, nó sao chụp bản thảo ''Những Mùa Thơ Dại'' gồm cả ba phần, cho mình một bản từ cả tháng rưỡi nay rồi. Mình đã đọc hết. Nếu cậu viết xong cả phần bốn, xuất bản thành một bộ, mình sẽ viết tựa hay bạt cho cậu, nghen! Nhất trí chớ?

            Niên gật đầu, cảm ơn trong tâm trạng bâng khuâng, sáng lên ánh sáng cảm động ở tâm trạng đó.

            - Hồi ấy, em còn hăng và căng hơn thầy với cô Sông Phố nữa chứ! - Niên nói với tiếng cười khẽ - Tính chiến đấu của nhà giáo ra phết!

            - Ờ, vui hén! ''Nhiệt tình'' hoá thành ''nhiệt lượng bốc lửa'', ngộ nhận nhau - ông Chí cười hinh hích, bỗng nghẹn  ngào - Ôi, tuổi trẻ!...

            - Chỉ tiếc chi tiết có vẻ kịch tính tiểu thuyết, mang chất cải cách, dạng ''Chuyện Thường Ngày Ở Huyện'' ấy chả đáng gì lắm, mà làm sứt mẻ, trả với giá nặng! Nhưng thôi. Dẫu sao cũng nên quên. Bây giờ, đừng nhắc chuyện ngộ nhận đó nữa. Thầy với em cụng li một cái cho vui. Đả đảo kẻ ném đá giấu tay, li gián!

            Niên và ông Chí cạn li, nhìn nhau cười. Bữa tiệc nhỏ vui vẻ, đầm ấm, chan hòa, ngoài cả dự kiến của mọi người. Cúc Tần với Niên chỉ thỉnh thoảng nhìn nhau cười bằng mắt. Đây là lần đầu tiên, Niên có chút men bia rượu trong người khi ngồi ở Lá Xanh.

            Khi tiễn chân ông Phước, vợ chồng ông Chí, gia đình Quyết, gia đình Từ, cả Niên nữa, ở cổng, Cúc Tần bấm vào tay Niên. Niên lúc này, không những muốn nói chuyện riêng với Cúc Tần, còn muốn bày tỏ tình cảm dồn nén bấy lâu với cô một cách nồng cháy ngang với nồng độ men trong người anh. Niên gật đầu hiểu ý. Đợi chiếc tắc xi chở gia đình Quyết và ông Phước ra khỏi hẻm trước, cho hai chiếc khác chở gia đình Từ về nhà bà con của Từ, vợ chồng ông Chí và ông Ngãi về cùng quận, Niên dắt xe ra gần Cúc Tần. Cúc Tần nói kín đáo:

            - Em định góp ý với anh Niên về phần hai, phần ba đó. Hôm nào qua đây nghen. Em chờ đó.

            - Mai anh qua. Chậm lắm là mốt - Niên cố giữ vẻ mặt lẫn ngữ điệu ở mức tình thân bạn bè, biết mình lấn cấn vợ con nên thụ động.

            Niên chào tất cả mọi người còn lại, cúi xuống vuốt má Cảo Thơm với hai tiếng ''cưng quá'', rồi nói với cô Sông Phố:            

            - Cô còn ở lại đây chơi. Lâu lâu mới lên thăm mà. Hôm nào, em sẽ qua thăm cô lại.

            - Nhớ dẫn vợ con qua chơi cho biết mặt nghen. Tiếc tối nay chưa véo má con bé Ca Dao của cậu. Nhớ nghen!

            Niên thấy cô Sông Phố vẫn nồng hậu như dạo nào.

            - Có gói quà Cúc Tần gửi về cho bà xã với Ca Dao ở tay lái ấy - cô Sông Phố lại nói.

            Niên nhìn xuống, cảm động, muốn từ chối nhưng chẳng biết nói sao. Anh lén nhìn vào nhà đối diện với Lá Xanh, rồi chào một lần nữa những người đang đứng tiễn anh, và khởi động xe về nhà.

            Khi những người còn lại bước vào phòng khách, bỗng dưng cô Sông Phố nắm tay Bảo, giọng nghẹn ngào:

            - Gặp lại ba con, má rất xúc động. Con phải hiểu, có một thời lịch sử yêu cầu mọi công dân phải hi sinh tất cả, kể cả tình yêu đương, nghĩa vợ chồng, lòng thương con, sự thiếu thốn tình mẹ của trẻ thơ. Chính mẹ đã li dị ba con vì nhiệm vụ chính trị. Khi một người đã thay đổi chính kiến, từ tiến bộ sa sút thành phản cách mạng, làm sao má có thể sống chung! Lẽ ra, hồi nãy, má phải nói như một lời phân trần. Nhưng thôi. Bây giờ, con cháu của má phải hiểu giúp má - cô Sông Phố bật khóc giữa những người thân yêu - Không. Má không bịa ra yêu cầu của lịch sử.

 

 

4

 

 

            Hòa Bình ngồi đối diện với nha sĩ Nha ở phòng chờ của một tiệm hát theo băng hình quen thuộc. Nha cắt tóc khá ngắn, ăn mặc có vẻ chải chuốt một cách kín đáo, nét mặt và nhất là nụ cười dễ gây cảm tình. Anh nhìn Hòa Bình, biết cô đang sốt ruột. Hòa Bình cứ ngong ngóng nhìn ra cửa, thi thoảng lại xem đồng hồ. Thấy vậy, Nha cũng tặc lưỡi:

            - Hay mình cứ lên phòng uống nước, hát hò trước đi Hòa Bình! Trên đó có máy điều hòa, dễ chịu hơn. Vậy nghe!

            Hòa Bình lại nhìn đồng hồ, rồi mỉm cười với Nha:

            - Chắc phải vậy. Nụ Tầm Xuân sao lần này kì thế!

            Hòa Bình theo Nha vào phòng, sau khi người tiếp tân mở khóa cửa. Cô hồn nhiên gọi nước uống rồi mở cuốn sổ đầy danh mục nhạc. Món thường uống của cô vẫn là cam vắt. Nha gọi hai lon bia. Anh dùng hộp bấm từ xa để gọi đúng bài Hòa Bình đang chỉ vào số kí hiệu. Màn hình hiện ra đúng yêu cầu. Hòa Bình hồn nhiên cất tiếng hát. Giọng hát của cô khá ngọt. Từ lúc là học sinh, sinh viên, đến khi đi dạy học, bao giờ Hòa Bình cũng là một ''cây'' văn nghệ ''xanh rờn''. Nụ Tầm Xuân là bạn của cô từ thuở trung học cấp ba, cũng ''xanh rờn'' như thế, dẫu lên đại học, lại theo tin học - vi tính. Hai cô bạn này rất mê hát và ngâm thơ. Nha vừa nhấp bia, vừa lâng lâng nghe chất giọng quen thân của Hòa Bình ngấm vào anh. Nha quen Hòa Bình, rồi qua Hòa Bình, anh quen được Nụ Tầm Xuân, cũng nhờ mấy chiếc răng đau của Cảo Thơm. Nha cũng rất thích nhạc và thơ. Anh thỉnh thoảng còn làm thơ tặng Nụ Tầm Xuân nữa. Điều không may là Nha mới góa vợ được hai năm. Nha buồn, lại hay hát, hay làm thơ hơn bao giờ. Anh bỗng bồi hồi khi nghe Hòa Bình hát tiếp bài Yêu nhau đi (Be Same Mucho) :

 

                        yêu nhau đi

                        đời như một giấc mơ

                        ta yêu nhau trao cho nhau đôi môi tươi với

                                                   những nét cười...

                        ...

                        yêu nhau đi

                        đời không đợi chúng ta

                        mai sau đây mái tóc sẽ điểm trắng còn đâu

                                                   với những tháng ngày...

 

            Hòa Bình say sưa, trút hết tâm hồn với mọi rung cảm vào những dòng ca từ trôi theo điệu nhạc, trên màn hình, từ hai chiếc loa thùng lọc âm tuyệt vời. Nha không hát, nhưng ma lực của giai điệu với ý nghĩa của lời ca cộng hưởng vào nhau làm cháy lên trong anh khát vọng yêu đương. Tha thiết. Thúc giục. Âu lo tuổi đời, thời gian trôi nhanh. Hòa Bình xúc động với chính giọng hát của mình đến trào nước mắt. Nha những muốn ôm cô vào vòng tay say đắm của mình.

            Đã lâu rồi, gần hơn năm rưỡi nay, Nha không hiểu anh yêu Nụ Tầm Xuân hay Hòa Bình. Trái tim anh có lẽ nghiêng về phía Hòa Bình nhiều hơn. Càng ngày anh càng thấy rõ điều đó. Nha cũng biết Hòa Bình đã có gia đình riêng. Cảo Thơm cũng đã quen với anh. Nụ Tầm Xuân còn độc thân, là cô gái ban đầu anh khá bị lôi cuốn. Hòa Bình lại dần dần lôi cuốn anh hơn  bởi vẻ hồn nhiên, trẻ con với làn da mịn, trắng hồng của cô, nhất là giọng hát tràn đầy cảm xúc của cô. Nha nghĩ, chất nghệ sĩ đích thực của Hòa Bình còn sâu hơn cả một số ca sĩ nổi tiếng với bao nhiêu người hâm mộ, có điều kĩ thuật hát chưa điêu luyện, chất giọng chưa sánh bằng. Hòa Bình hồn nhiên hát theo đam mê riêng, thẩm mỹ riêng, không bị ràng buộc bởi tiền bạc hay yêu cầu nào mà các ca sĩ thường bị.

            Lúc này, Nha thấy lịm hồn, đắm và đuối trên dòng ước vọng yêu đương một cách da diết đang trôi thao thiết đâu đó. Anh muốn níu vào một bờ cỏ xanh. Anh muốn ôm chầm, ghì chặt lấy Hòa Bình. Nha nghe ngờm ngợp trên dòng thời gian ngỡ đang lao vun vút.

            Từ chút hồn nhiên, Hòa Bình nghe không gian trữ tình quanh mình ùa vào tim nỗi mê nồng mơ hồ, dâng lên long lanh mắt cô. Ánh long lanh Nha đã từng bao lần ''được'' khơi gợi ma lực. Ánh long lanh anh cảm thấy rất lẳng lơ, cái lẳng lơ đầy cuốn hút.

            - Sao Nụ Tầm Xuân không đến hở anh?

            Nha xòe mảnh giấy người tiếp tân trao cho anh lúc bưng khay vào. Đó là nội dung được quầy đón khách ở tầng trệt ghi lại từ cuộc điện thoại: ''Xe bị hỏng nặng, Nụ Tầm Xuân không đến được. Có thể một giờ đồng hồ sau. Xin lỗi. Đợi được không?''

            Hòa Bình ngỡ ngàng. Ma lực âm nhạc, khung cảnh gợi tình bảo cô gắng đợi. Cô cũng gắng đợi để Nụ Tầm Xuân vui lòng. Hòa Bình bảo thầm trong đầu: Nụ Tầm Xuân biết giữ mình, đòi cô phải đi cùng, khi gặp Nha, vậy mà giờ đây lại để cô một mình với người đàn ông đa tình này, trong căn phòng này! Hòa Bình nghĩ, thôi cứ hát thêm vài bài nữa. Cô lại say đắm hết mình theo giai điệu Dạ khúc (Sérénade) của X-chu-be (25). Đây là ca khúc Hòa Bình thuộc nằm lòng, giai điệu và ca từ đã thành máu thịt cô. Hòa Bình nhắm mắt hát thật trọn vẹn rung cảm, hát bằng cả chiều sâu, bề rộng tâm hồn cô. Cô nghe bàn tay nào đặt lên vai cô, run rẩy, nóng bỏng. Hòa Bình rùng mình khe khẽ. Cô hoàn toàn nhập thân vào ca khúc. Cánh tay nào nhẹ ghì vai cô. Cô mở bừng đôi mắt ràn rụa nước mắt ấm nồng. Hòa Bình thoảng nghe hương bia và hơi hướng đàn ông. Cô ngả người, run lên trong vòng tay ấy. Bờ môi lạ áp vào môi cô với nụ hôn rất lạ. Đôi mắt mở của cô bây giờ mới thấy! Cô đẩy vội Nha ra, vùng chạy khỏi phòng. Hòa Bình chùi mạnh tay mình lên đôi môi. Vệt son trên ngón tay khiến cô ngỡ là máu. Cô muốn hét lên rùng rợn.

            Hòa Bình lao xuống cầu thang, chân suýt trượt trên các bậc cấp. Cô hoảng hốt gọi: Bảo ơi, anh Bảo ơi... Cô ngỡ thấy Bảo, người thợ trí thức ấy, với nón bảo hộ lao động, áo quần công nhân, đang bay lên, đón cô bằng vòng tay rắn chắc của anh.

 

 

5

 

 

            Niên tự biết lời hẹn với cô Sông Phố chỉ là nguyên cớ, dẫu đó là một nguyên cớ rất ân nghĩa, nhưng nguyên nhân sâu thẳm đã êm đằm, nay bùng lên là tình anh say đắm Cúc Tần. Không phải lời thách thức của Bông Trang không làm anh chùn lại ý định. Chính nguyên cớ lại trực tiếp dẫn dắt anh qua Lá Xanh sáng nay. Ban đầu anh hơi hồi hộp, âu lo, cứ nhìn sang nhà đối diện. Lẽ ra anh cũng có thể mời cô Sông Phố qua nhà chơi, nhưng anh ngại phản ứng bất ngờ của Bông Trang, dù biết tính Bông Trang rất đằm thắm, giỏi kìm nén. Anh cũng đã mời cô và Cúc Tần, Hòa Bình, Cảo Thơm đến một quán ăn khá sạch sẽ, nhưng qua điện thoại, cô từ chối với tâm lí của một cô giáo thanh bạch suốt đời, ngại Niên tốn kém, bởi cô biết Niên không dư dả gì. Phần khác, hình như lời thách thức của Bông Trang lúc ghen tuông khiến anh muốn thách đố lại. Có lẽ như thế. Rất may, suốt buổi chuyện trò, chỉ có một không khí duy nhất là thâm tình. Cô Sông Phố vốn rất tình nghĩa. Cô cũng đã đến lúc sống với hoài niệm thời còn trẻ. Cô mải nhắc chuyện xưa, thời Phần đang giảng dạy tại Mỹ Tho. Cô cũng không phải đã quên niềm ân hận cũ, thuở quá ''nhiệt tính'', nghiêm khắc.

            Khi chuyện trò với cô, với Cúc Tần, ban đầu hơi phập phồng, lát sau anh quên bẵng nhà đối diện. Lúc ra về, anh mới thở phào trong nỗi vui mừng: nguy cơ Bông Trang làm to chuyện tại chỗ không xảy ra. Quả thật, anh lạnh người khi nghĩ Bông Trang dám làm ẩu. Không. Có lẽ quá hiểu tính đằm thắm, cả nể, hơi nhút nhát của vợ, nên anh đã không phải thất lễ với cô Sông Phố là phải lỡ hẹn.

            Cô Sông Phố, cả Cúc Tần nữa, đâu biết gì về chuyện lục đục gần đây của gia đình anh!

            Đang trưa, dẫu nắng mùa mưa đã dịu so với nắng mấy tháng sau tết, Niên bỗng hoa mắt. Anh không tin cửa hàng nhà anh đã đóng kín cửa với ổ khóa to đùng. Bông Trang đã bồng Ca Dao bỏ đi thật?          

            Cố giữ bình tĩnh, anh mở cuộn giấy nhỏ nhét vào khuy cửa sắt.

 

                        Anh Niên

            Không biết nói gì với anh nữa!

            Vậy là em phải đi khỏi nhà này với Ca Dao!

            Chìa khóa, em gởi bên nhà bác Mười Long. Em không chào anh bằng lời chào ''Vĩnh biệt'' anh vốn xem là rẻ tiền. Nếu mai sau, có gặp lại nhau, xem  như  người dưng nước lã nghen anh, hay là như bạn cũ? Ca Dao mãi mang khai sanh có tên anh là cha. Chẳng biết nói gì hơn! Lời nói cũng thừa!

                                                            Bông Trang

                                                            và con gái: Ca Dao.

 

            Niên đứng sững trước thềm nhà mình. Đầu óc anh đặc quánh, không nghĩ ngợi được nữa. Không khóc, không cười được nữa, Niên sửng sốt, chết trong nỗi điếng hồn.

            Một lúc rất lâu, Niên hồi tỉnh trước khung cửa sắt đóng chặt. Anh lững thững như kẻ mất hồn bước về phía nhà bác Mười Long.

            Cầm chùm chìa khóa cửa trong tay, bước tới nhìn ổ khóa thép, to đùng, treo trước nhà anh thuê mười năm nay, Niên đút chìa. Ổ khóa bật mở. Anh mở tiếp khóa cửa sắt.

            Niên quay mặt nhìn ra ngã ba. Ngã ba mở ra ba con đường lớn, bát ngát và muôn trùng. Ba người bước đi ba phía: Ca Dao một hướng, Bông Trang một hướng, Cúc Tần một hướng. Bát ngát và muôn trùng, nghìn dặm, trước mắt mỗi người. Khung cảnh quen thuộc đang chơi trò ảo hóa! Anh đứng sững. Anh hoảng hốt. Tâm trạng như trang viết ảo hóa!

            Niên bước theo Ca Dao, mong đứa con gái của anh hãy chỉ giùm anh con đường phải đi. Nhưng Ca Dao hồn nhiên mỉm cười. Cô bé nói, giọng bỗng như hát:

            - Chính ba phải chọn lựa! Con sẽ theo ba để hát mãi những khúc ca dao như ba mơ ước, như mơ ước của ba đã thành tên con.

            Niên gọi Ca Dao, gọi hai người nữ: Hãy cho ba trầm tư! Hãy cho anh trầm tư chốc nữa! Chỉ một mình Ca Dao chờ anh. Cúc Tần và Bông Trang, mỗi người một hướng. Cả hai vẫy tay gọi anh. Người nữ nào sẽ nuôi dạy Ca Dao lớn bổng với ngọn bút trên tay?

            Bác Mười Long đứng ở thềm nhà, nhìn anh. Vẫn nhìn ngã ba, Niên nói sau phút choáng váng: Tác phẩm của tôi, ấy là con đường tôi chọn lựa lâu rồi! Con đường tôi chọn lựa, lát bằng những trang sách của đời tôi, những trang sách nhỏ bé mang khát vọng vĩnh cửu. Ai sẽ cùng tôi đi trên con đường riêng đó? Ai sẽ cùng tôi nuôi dạy con gái tôi, và cùng tôi đi trên con đường đó đến trọn đời? Tôi có quyền hỏi vậy không? Tôi có quyền đập vỡ rồi ném  Cái Nghĩa với trái tim đã nung đỏ thành thỏi sắt vào sọt rác? Con đường của gã đàn ông làm nhà văn mãi mãi là con đường lẻ loi, rất riêng, dẫu đi cùng với ai đi nữa! - Niên nói một mình anh nghe, bởi tiếng nói ở sau vầng trán đang nhíu lại của chính anh. Niên muốn nói to lên.

            Trước khung cửa mở, anh đứng sững, anh hoảng hốt. Niên vẫn ngỡ tâm trạng anh là trang viết đang bùng lên với thủ pháp ảo hóa. Cơn lốc cuốn bao trang viết bay lên như đàn chim vỗ cánh.

            Không biết từ nẻo đường nào, nhà thơ Trần Nguyễn Phan, người bạn đồng hương của Niên, gã đàn ông thuở nhỏ hay vẽ chân dung mình trên cát trắng quê nhà với hai ngọn bút, bút thơ và bút tiểu thuyết, dắt trên hai vành tai, kẻ đã dẫn Niên tới Lá Xanh lần đầu tiên, đang lững thững bước bên cạnh vợ là Thi Phú. Cả hai vợ chồng đến gần anh. Rồi Thạch Na và Biển, rồi Lựu Lí và Điệp, rồi Hòa Bình và Bảo, rồi Nụ Tầm Xuân và Nha, cả vợ chồng Thùy Mị ở Úc về, cả vợ chồng Tân, cả vợ chồng Đông, cả cô Quỳnh - ông Chí, cả cô Sông Phố nữa, với bao người thân quen khác, cũng từ những con đường riêng khác, bước tới gần anh. Cảo Thơm nắm một tay anh. Trần Nguyễn Phan bắt tay kia, cười thật tươi, nói giọng Quảng Trị, âm sắc y hệt như Niên, với gương mặt không khác Niên:

            - Mình đã viết xong cuốn tiểu thuyết ''Có một nơi lá mãi xanh'' về bi kịch của Ca Dao, Bông Trang, Cúc Tần và chính ông, Phan Cát Niên! Mình viết bằng cách riêng của mình, chắc khác hẳn với những gì ông viết về Lá Xanh, về gia đình ông. Khác hẳn mười mươi. Dẫu mình chưa biết ông sẽ viết gì.

            Niên há miệng ngạc nhiên. Đôi môi anh mở ra như một con số không. Đôi môi ấy khép lại như một chiếc lá non màu nâu mới trổ, như một chiếc lá già đã rụng, trên gương mặt ngơ ngác của Niên. Đấy là chân dung một gã nhà văn thơ mộng.

            Trần Nguyễn Phan lại nói như kẻ đang làm thơ với thi pháp ảo hóa trong lúc mọi người, có cả bác Mười Long nữa, đang đứng quanh Niên với những nụ cười:

            - Lá non nâu, rồi sẽ xanh thêm năm mươi tám mùa lá xanh, Cúc Tần của Niên, xanh tới vĩnh cửu. Lá khô rụng phải chờ thành đất. Trước khi thành đất, lá khô sẽ được ấp ủ trong cuốn sổ nhật kí của Bông Trang và cô bé Ca Dao. Sau khi thành đất rồi, lá khô lại thành lá non, lá xanh trên cành. Cũng như Lá Xanh, Bông Trang lẫn Ca Dao sẽ vĩnh cửu với cõi người ta này - Trần Nguyễn Phan nói bằng ẩn dụ và tiếp - Tôi vớ vẩn chăng?

            Trước khung cửa mở của căn nhà thuê, Niên vẫn ngỡ tâm trạng anh là trang viết đang bùng lên với thủ pháp ảo hóa.

            Niên lặng lẽ một mình bước vào nhà. Bật đèn. Mấy ngọn đèn ống sáng trắng. Niên lặng lẽ dắt xe vào. Trên bàn, sau những kệ sách báo cũ: Một lá đơn li hôn đã có chữ kí của Bông Trang! Niên nghĩ: Tình và Nghĩa, hai chiếc lá vĩnh cửu ấy mãi mãi xanh, không bao giờ khô héo, rơi rụng. Biết đâu, tay nhà thơ vớ vẩn Trần Nguyễn Phan đã viết xong ''Có Một Nơi Lá Mãi Xanh'' thật. Phút ảo hóa của tâm trạng đôi lần ngẫu nhiên đúng với thực tế diễn ra. Niên mong Phan đừng lố bịch hóa bằng đề cao hay biếm họa!

            Dẫu sao, Niên chỉ dám khát vọng vĩnh cửu cho Tình - Nghĩa. Và cho dù thế nào, tâm hồn anh, trang viết anh cũng không bao giờ là chiếc lá khô úa tàn. Phan vớ vẩn thật!

            Niên ngồi lặng lẽ một mình. Anh nghĩ phải tìm cho được Bông Trang và Ca Dao. Căn nhà này không thể thiếu hai người thân yêu ấy. Niên sực nhớ một khúc thơ Trần Nguyễn Phan hôm nào đã ngẫu hứng khi ngồi với anh ở Lá Xanh. Hôm ấy, có lẽ hơn một năm rồi, Phan đọc khẽ, như thể Niên soi gương để đọc:

 

                        ... màu xanh của đất phương nam

                        màu xanh nở ra đóa Bông Trang đỏ thắm

                        dân dã và hiền hòa

                        màu xanh trổ lên búp Ca Dao trong sáng

                        ngọt lành và trẻ thơ

                        màu xanh đơm hoa Cúc Tần tím ngát                 

                        sâu thẳm và yêu thương

                        màu xanh mở rộng bầu trời Hòa Bình

                                                xanh xanh mênh mang

                        trữ tình và hồn hậu

                        màu xanh sinh nên Cảo Thơm tinh khôi

                                                                         giấy trắng

                        bay bổng và hồn nhiên...

 

            - Còn ông và mình? - Niên hỏi, cười mỉm.

            

            Phan cười xòa:

            - Ông và Trần Nguyễn Phan này là hai con đười ươi yêu đời một cách buồn bã, thường hay nhe răng cười đùa!

            Bây giờ, Niên ngồi như thể đang nhớ lại!

            Căn nhà, dẫu sao cũng khá êm đềm, đầm ấm, bỗng hoang vắng đến nẫu người. Niên thấy mình là con chuột chù giữa đống rác rưởi sách báo cũ. Chẳng lẽ nỗi ân hận đã khiến Niên tự biếm họa hình ảnh chính anh như thế trong đầu anh? ­Ồ, hai con đười ươi hóa thân từ một con chuột chù!

            Niên lại giật mình. Sóng đôi đến Lá Xanh, Phan chỉ có ý định giới thiệu cho anh những người bạn văn chương. Chắc Phan cũng không ngờ cơ sự xảy ra và bế tắc đến vậy. Ơ hay, Phan biết gì về chuyện anh mà viết! ­, đó là phút ảo hóa của tâm trạng, ảo hóa thôi! Nhưng vậy cũng hay. Phan sẽ viết tốt hơn Niên chuyện xé lòng này. Niên dự định sẽ kể hết cho Phan nghe, kể tất cả. Biết đâu, Phan sẽ giúp anh một hướng giải quyết, không phải là ảo hóa vớ vẩn, không phải lạm dụng lòng cao thượng của Bông Trang!...        Và câu chuyện đành dừng lại ở chỗ phải dừng!

            Vâng. Đúng thế. Trần Nguyễn Phan cứ viết theo cách của anh ta, Phan Cát Niên cứ viết theo cách của mình. Niên bỗng ý thức rõ anh đang đau xé người trong trạng thái phân thân! Bất giác, Niên nhìn vào tấm kính soi trên bàn. Gương mặt Phan trong kính đang nhìn Niên. Hai anh em sinh đôi, chứ không phải hai người bạn đồng hương, đang nhìn nhau. Không. Cũng không phải vậy. #ó là hai mặt của một cái tôi đang nhìn nhau với tâm trạng rối bời, ảo hóa. Bởi Niên (cũng chính là Phan) muốn vừa sống với Bông Trang (Thi Phú), vừa yêu Cúc Tần như một người vợ thứ hai, ít ra cũng như một người tình trăm năm.

            Bỗng Niên (cũng chính là Trần Nguyễn Phan) thấy Ca Dao lúc này đang nắm tay mẹ, đăm đăm nhìn anh, lắc đầu buồn bã. Những cái lắc đầu của Ca Dao làm anh bừng tỉnh. #úng rồi, thế là êm ấm rồi, quên Thiên #ường đi. Vấn đề là cái đỉnh văn chương anh phải miệt mài leo dốc đến cuối đời.

            Niên bừng tỉnh, nhìn ra con hẻm rộng trước mặt nhà tiếp giáp với đường phố thành một ngã ba rực rỡ nắng. Niên quên ngày đã trưa rồi, anh vẫn chưa có hạt cơm nào.

 

 

PHẦN NGOÀI TRUYỆN

 

 

1

 

 

            Người đàn ông bừng tỉnh. Bây giờ, anh trở lại với gương mặt vốn có, chiếc kính cận trên sóng mũi thẳng, làn da không ngăm ngăm đen, bộ ria mép đã có dăm sợi bạc. Anh đứng dậy, vẫn vóc dáng cũ của mình, tầm thước, một mét sáu mươi hai phân. Anh mỉm cười, không còn thấy mình đang ngồi giữa các kệ sách cũ, vốn rất cần thiết cho đời, trong một cửa hàng với bốn ngọn đèn bốn góc, hắt ra bốn phía bốn chiếc bóng như cầu thủ trên sân cỏ, mang bốn cái tên khác nhau: Nguyễn Văn Phần, Phan Cát Niên, Trần Nguyễn Phan, và cả Nguyễn ''Tú Uyên'' nữa. Tất nhiên, người đàn ông ấy không phải là một tính cách đa ngã. Một chia ra bốn, bốn chỉ là một. Duy nhất.

            Người đàn ông tuổi Khỉ, đã sống ở đời bốn mươi ba năm kể cả chín tháng mười ngày trong bụng mẹ, bỗng bừng tỉnh cuối giấc mơ đã trải dài hơn hai trăm trang sách, anh đã hí  hoáy, say đắm viết, và đem xuất bản. Những nhân vật của anh, Cúc Tần, Bông Trang, Ca Dao, Hòa Bình, cả Niên, Phần, cô Sông Phố, ông Chí nữa, với nhiều cái tên khác nữa, đã rời khỏi trí tưởng tượng của anh. Cũng không có tiệm sách cũ với Lá Xanh nào cả. Như Bờm, Thầy Đồ, Cuội, Từ Thức! Như cõi cười và xứ tiên!

            Người đàn ông trở lại với chính mình, với trái tim đỏ thắm khát vọng văn chương, ngồi trong phòng viết của chính anh, đang đọc lại cuốn tiểu thuyết anh mê mải viết, nay đã thành sách in: Có một nơi lá mãi xanh. Ngẫm nghĩ, anh thấy bốn cái bóng dẫu sao cũng chỉ là bốn cái bóng. Anh mỉm cười, và bật cười: Sao mình tưởng tượng ra nhiều cô gái đẹp yêu mình đến thế! Thật hài hước những mộng mơ khởi từ bi đát, cái bi đát của trái tim đa cảm nhưng chung thủy trong ngực anh.

 

 

2

 

 

            Người đàn ông ngắm nghía bìa sách, lại ngẫm nghĩ. Vừa cảm động vừa khoái trá, anh ngâm nga điệu hát nói, phỏng theo Tú Xương, nhà nho bất phùng thời, nhưng là một thi sĩ đả kích sâu sắc rất phùng thời:

 

                        viết tiểu thuyết đưa ngay vợ đọc

                        hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?

                        thưa chàng: gay thật là gay...

 

            Tiếng cười khúc khích khiến anh giật mình. Anh quay lại nắm lấy bàn tay thân yêu. Không phải đang cầm chiếc hộp đựng những Viên Phấn Vàng, bàn tay ấy sáng bừng lên Có một nơi lá mãi xanh chưa ráo mực in. Anh biết cô đã đọc rất  kĩ từ khi còn là bản thảo, và đã cẩn trọng chữa bản xếp chữ giúp chồng.

            - Sao không ''viết tiểu thuyết đưa ngay vợ... đốt'' cho khớp với vần lưng câu dưới! - Thi Phú mỉa mai trong tiếng cười dòn - Anh viết cuốn tiểu thuyết tự trào này cũng hay đấy chứ nhỉ, thưa anh Cử...i Trần! Càng đọc càng yêu sự bội bạc của anh! - cô vờ đay nghiến.

            Người đàn ông cười ha hả với vợ:

            - Anh đã viết để phơi trần tất cả thằng Trần là anh! Tập cú một câu hát nói của Chu Mạnh Trinh, cái ông nhà thơ xu thời dù rất mực tài hoa ấy, rằng em là ''Bầu Trời, cảnh Bụt'' rất trần thế, rất yêu dấu của anh...

            Vợ anh nguýt mắt. Cuối cái nguýt đáng yêu là một nụ cười tươi cho anh, một chiếc hôn ngọt cho sách. Cô biết tất cả chỉ là hư cấu nghệ thuật.

            - Anh cần sống nhiều, sống sâu: Trải và nghiệm. Trải để nghiệm - Thi Phú nói, mắt bỗng rưng rưng. Aằnh cười trong đôi mắt cô long lanh, hoen ướt.

            Người đàn ông áp hai lòng bàn tay vào đôi bầu má trắng mịn của vợ, nhìn vào mắt cô, bỗng thấy bóng mình và Thi Phú nhập làm một trên vách tường nhà. Anh ngẫu hứng chữa bài thơ đã viết từ lâu:

 

                        ... Lá Xanh chỉ bắt đầu từ trái tim em

                        cho anh vượt lên anh

                        để cùng em biến thiên thành nhiều gương

                                                                             mặt khác

                        cõi Thi Phú nắng hồng: Bông Trang

                                                đỏ tươi là Cúc Tần tím ngát

                        ta cúi xuống vì thơ, bay lên cùng thơ...                                        

 

Viết xong lúc hai mươi mốt giờ

bốn mươi phút, ngày hai mươi chín

tháng tư năm mậu dần (24.05.1998)

tại TP.HCM.

Sửa chữa, bổ sung đến ngày: 04.6.98

 

 

 

 

 

 

(1)     La Rochefoucauld.

(2)     Tác phẩm của Khái Hưng. Chỉ yêu nhau trong tâm hồn...

(3)     El Nino (En Ni-nô).

(4)     Vở kịch Roméo - Juliette của Shakespeare.

(5)     Titanic, bộ phim được giải Oscar 1998.

(6)     Phạm Thái, nhà thơ thời Tây Sơn, và người yêu của ông. Truyện thơ có nhiều yếu tố tự thuật của Phạm Thái (kể về chuyện tình của tác giả và Trương Quỳnh Như).

(7)     Charles Chaplin.

(8)     Vở chèo cổ Kim Nham.

(9)     Werthers của Goethe; Anna Karénina của L. Tolstoi; Mme Bovary của Flaubert.

(10)  Nhật kí Anne France. Tác giả là một cô bé Do Thái.

(11)  Xem chú thích ở chương bảy.

(12)  Ống bóc: một loại súng đồ chơi, có thể liên thanh, bằng tre hóp.

(13)  Hamlet - Shakespeare. J. P. Sartre, A. Camus.

(14)  Cao Bá Quát.

(15)  Huyền thoại Sisyphe, tác phẩm của A. Camus.

(16)  Nhạc và lời của Nguyễn Văn Hiên.

(17)  Chúng tôi ở đây!

(18)  Tác phẩm có nhiều đề xuất mới mẻ của Ô-vét-x-kin.

(19)  Karaoke: máy băng ca từ. 

(20)  Bích Câu kì ngộ, tác phẩm tiểu thuyết bằng thơ lục bát của nhà thơ Vũ Quốc Trân, phỏng theo tiểu thuyết văn xuôi của Đặng Trần Côn (Đoàn Thị Điểm?) (?).

(21)  Kiếm Sống, Những Trường Đại Học Của Tôi, tác phẩm của Mác-xim Go-r-ki.  

(22)  Jordan, nhân vật của Hemingway.  

(23)  Robinson Crusoe của Daniel Defoe.    

(24)  Quan niệm sáng tác của Honoré de Balzac và Lỗ Tấn.  

(25)  Franz Schubert.

 

        ĐÔI KHI

 

                                              tặng Thi Phú với lòng quý trọng

 

 

                        đôi khi thơ tình của anh...

                        có bài em chưa tìm đọc

                        anh vẫn thấy trên màu đen mái tóc

                        cơ hồ một thoáng mây buồn?

 

                        hay em đã cảm thông rồi, em yêu thương?

                        người làm thơ phải chăng vậy đó

                        dù đánh giặc giảng bài đi cày đẵn gỗ

                        dù tuổi xanh tuổi vàng vẫn là người tình

 

                        sao em không bảo anh còn lênh đênh?

                        sao chẳng ném những bài thơ kia ra bùn

                                                                         hay vào lửa?

                        dường như trong em cũng chia thành hai nửa

                        càng cúi xuống vì thơ càng bay lên vì thơ?

 

                        sao em không nghi ngờ anh bao giờ?

                        hay chẳng ghen với cái bóng mơ hồ,

                                                            cái vô hình của gió

                        dù anh hạnh phúc trong thơ

                        dù trong thơ anh đau khổ

                        em hiểu giữa đời thực này, ngoài em,

                                                                        còn ai đâu

                       

 

                        từ khi ta bước vào đời nhau

                        thi thoảng có đôi bài thơ tình như thế

                        để rồi bồi hồi phân vân quá thể

                        có phải anh vẫn là anh nhưng không

                                                                         chỉ là mình?

 

                        hay cũng chỉ bắt đầu từ em

                        cho anh vượt lên anh

                        để cùng em biến thiên với nhiều

                                                                 gương mặt khác?

                        cho anh ngỡ lòng mình bay lạc

                        để cuối cùng lại gặp chính em?

 

                                                                                 1990     

 

 

 

                                   

 

XANH TÌNH, XANH NGHĨA

VÀ NIỀM VUI SÁNG TẠO

 

                                                              INRASARA

 

            Khát vọng sáng tạo đẩy kẻ sáng tạo rơi lạc vào một thế giới mộng tưởng và ảo tưởng nhưng thực hơn cả thế giới thực - một thế giới không còn bóng dáng của lối mòn nhợt nhạt mà đầy tràn ánh sáng sáng tạo - dù kẻ sáng tạo phải đánh đổi cuộc đời cho í hướng, dự phóng cao vời, căng phồng viễn tượng đó.

            Ở Có một nơi lá mãi xanh, nhân vật Niên cũng trải nghiệm con đường khai phá mà bất kì kẻ sáng tạo nào cũng một lần bước qua. Nhưng không như những ai khác ở Phương Tây, sự va chạm giữa thực và mộng, đóng khung và bung phá, phi cá tính và cá tính... là căng thẳng không chịu đựng nổi để dẫn đến sự đổ vỡ không thể tránh hay hậu quả khôn lường. Ở Niên có cái mực thước của trí tuệ Phương Đông.

            Từ một Nguyễn Văn Phần, anh giáo dạy văn (biểu trưng cho quy phạm) đến một Phan Cát Niên, nhà văn (biểu trưng cho cá tính sáng tạo) là cả một bước chuyển tư tưởng mang tính quyết định mà trận ''đấu tố'' thời bao cấp chỉ như giọt nước cuối cùng làm tràn li.

            Cũng cần nhìn động thái tự đánh mất mình hay thay đổi họ tên của nhân vật Niên là một biểu trưng nghệ thuật ngang bằng hành vi chịu đứng đằng sau kẻ sáng tạo của người dạy văn ở buổi đầu của anh.

            Trước biến thể thành con sư tử gầm thét giữa sa mạc, con lạc đà của Nietzsche phải mang chở tất cả gánh nặng của quá khứ - chịu đựng và cưu mang cho đến kì khai nở cuộc biến thể thứ hai ấy. Để sau cùng, ''Nietzsche trở thành một triết gia vô thần, duy í chí, ''siêu nhân'' của giai cấp tư sản, một cây bút triết học phản động, tiền bối của chủ nghĩa phát-xít''. Với Niên, sau cùng, anh trở thành trẻ thơ vi vu ca hát ''và đồng thời cũng tích cực dấn thân vì tình yêu Tổ Quốc, chủ nghĩa xã hội dân chủ và cởi mở, vì tình yêu con người, cuộc sống trần gian''  (*).

            Ở Có một nơi lá mãi xanh, í hướng sáng tạo đậm nét nhất qua nhân vật Niên. Niên theo đuổi Cúc Tần như theo đuổi Cái Đẹp, cái đẹp lung linh mờ ảo trước mặt, nhưng thật khó nắm bắt, nhưng luôn luôn lôi cuốn kẻ sáng tạo dấn bước xa hơn nữa trên con đường lao động nghệ thuật khổ ải, hiểm nguy và hoan lạc.

            Tất nhiên, cảm nhận một nghệ phẩm cũng là một cách sáng tạo lại nghệ phẩm ấy theo chủ quan người đọc.

            Bởi thế, ta vẫn cảm thấy tiếc rẻ khi gấp sách lại, mặc dù vẫn hi vọng - hi vọng có một nơi lá mãi xanh, ''xanh Tình, xanh Nghĩa'', thắp sáng khát vọng sáng tạo của Trần Xuân An.

                                                              Sài Gòn, 23.6.1998

                                                                   INRASARA.

 

(*) Những dòng in nghiêng là í kiến của T.X.A., khi người viết bài này (Inrasara) trao đổi với tác giả. 

 

 

 

Xem lại:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/co_mnlmxanh-1.htm

Cũng có thể xem tại:

http://tranxuanancmnlamaixanh.blogspot.com/

http://tranxuanancmnlamaix2.blospot.com/

Trở về trang

danh mục tác phẩm -- muc lục:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/danhmtphamtxa_googlepcreator.htm

 

bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

______________________________________________________________________________________________________________

 

Trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7