a. Trần Xuân An - Nước mắt có vị ngọt - Tệp 1b

 

   

trần xuân an

NƯỚC MẮT CÓ VỊ NGỌT

 

                     author's copyright

               (ALL RIGHTS RESERVED)

 

                                                                                 06/30/09

 

 

05-11 HB6 (2006)

 

truyện ngắn 1

 

truyện ngắn 2

 

truyện ngắn 3

 

truyện ngắn 4

 

truyện ngắn 5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                             

 

TRẦN XUÂN AN                                       

NƯỚC MẮT CÓ VỊ NGỌT               

 

                 tập truyện ngắn                    

liên hoàn

 

                                    Nhà Xuất bản           

 

         

 

 

Đã đăng trọn vẹn TẬP TRUYỆN LIÊN HOÀN này

trên Tạp chí điện tử Giao Điểm, 10-2005: 

search:

http://www.giaodiem.com   

link trực tiếp:

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_txa_nuocmatI.htm

 

 

 

 

Tập truyện ngắn liên hoàn này đề cập đến một trong những vấn nạn sử học không chỉ của nước Việt Nam chúng ta mà của hầu hết các nước trên thế giới.

 

Có người cho rằng đây là một vấn nạn “nhạy cảm” nhất.

 

Điều đó tôi cũng nghĩ là như vậy, và khi viết, có đoạn tôi phải rời ngọn bút khỏi thế giới hình tượng vốn tràn đầy cảm xúc, để nghiêng về phía lí luận, lĩnh địacủa lí tính “lạnh lùng”. Đó là một nhược điểm tôi ý thức rõ, nhưng đành phải “hi sinh” chút ít giá trị nghệ thuật, bởi biết làm thế nào được! (*).

 

Tuy là vấn nạn “nhạy cảm” nhất, nhưng viết về nhân tộc Chăm, tôi không nghĩ là chỉ giới hạn vào nhân tộc thiểu số đồng bào đó, mà còn hướng đến hàng vạn nhân tộc thiểu số khác đang sống chung với các nhân tộc đa số khác trên nhiều nước, khắp thế giới. Do đó, hà tất chúng ta phải tránh né.

 

Người Mỹ, người Úc, người Hán – Hoa, người Nga, người Anh, người Pháp và vân vân, họ giải quyết vấn nạn sử học này và cả vấn nạn trong đời sống cộng đồng các nhân tộc nước họ như thế nào, chúng ta ít nhiều đều biết.

 

Người Việt chúng ta không tệ hơn họ, thậm chí còn có nhiều nét nhân bản hơn rất nhiều.

 

Vả lại, “bi kịch” này ở trong lịch sử xa xưa cho đến cận đại, ở nước ta, không phải chỉ thuần một chiều “xâm lược” như dân tộc đa số của các cường quốc kể trên.

 

Điều cuối cần nhấn mạnh ở lời ngỏ này: Đây không phải là những truyện ngắn thể hiện tư tưởng “nhân tộc li khai khỏi cộng đồng dân tộc (gồm nhiều nhân tộc)”. Đoàn kết cộng đồng dân tộc, đó mới chính là tư tưởng chủ đạo của tập truyện ngắn liên hoàn này.

 

TXA.

05-11 HB6

___________________

 

(*) Đồng thời, tôi cũng ý thức rõ, với một góc nhìn khác và tầm nhìn khác: Thể loại tiểu thuyết, gồm cả truyện ngắn, đã từ lâu có nhiều dạng thức; trong đó có những dạng thức dung nạp cả những cuộc đối thoại, những suy tư độc thoại với ngôn ngữ, đề tài thuộc phạm vi lí luận, và hơn thế nữa, biên độ tiểu thuyết còn mở rộng đến mức bao gồm những chương thuần lí luận, lí luận ròng. Đó là lọai tiểu thuyết triết luận, tiểu thuyết sử luận... Loại tiểu thuyết triết luận, tiểu thuyết sử luận, chẳng hạn, với đề tài viết về giới kẻ sĩ, trí thức, không những tạo nên những cảm xúc thẩm mĩ trong thế giới hình tượng cảm tính mà còn tạo được những rung cảm thẩm mĩ trước vẻ đẹp của quá trình vận hành tư duy, động não nghiên cứu, khám phá, vẻ đẹp của tính minh xác ngôn từ ở nhân vật, và nói chung là vẻ đẹp của những nhân vật có sự quan tâm đặc biệt đến triết học, sử học hoặc chuyên nghiệp trên lĩnh địa lí luận thuộc hai ngành khoa học ấy.

 

Như vậy, nhược điểm, theo quan niệm kia, lại là ưu điểm theo quan niệm này, gồm cả quan niệm thẩm mĩ nghệ thuật.

 

Nếu có một sự tranh luận xảy ra, về hai quan niệm tiểu thuyết vừa được trình bày đôi nét, chúng ta chắc chắn có chung một cơ sở, đó là hiện thực cuộc sống -- thực tế đời sống của giới trí thức với việc làm, nếp tư duy, cách chuyện trò bàn luận hằng ngày của họ. 09-11 HB6. TXA.

 

 

TÁC PHẨM DỰ THI

CUỘC THI TIỂU THUYẾT 1998 – 2000

DO HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM TỔ CHỨC

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

NƯỚC MẮT CÓ VỊ NGỌT

tiểu thuyết hư cấu

(gồm năm truyện ngắn liên hoàn)

 

 

viết tại

THÀNH PHỐ HỒ­ CHÍ MINH

1999

 

v  Kính tặng dòng sông chảy ra Cửa Việt,

băng ngang quê nhà Quảng Trị,

là ranh giới và nỗi đau Chăm – Việt suốt 232 năm (1075 – 1307),

là nguồn nước vỗ về hai bờ Ma – Ô:

Ma Linh – Địa Lí – Bố Chính và Ô – Lí

               (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức [:Thừa

               Thiên], Quảng Nam [:Kẻ Chàm: Cacciam]),

với niềm khát vọng Tổ quốc của hơn 53 nhân tộc đồng bào chúng ta, từ Nam Quan đến Cà Mau, không bao giờ còn đau nỗi đau chia lìa, cắt xé.

v  Kính tặng

Mỗi trái tim Việt Nam có một đóa Chăm-pa.

v  Kính tặng các vị trí thức lão thành Chăm uyên bác, bao dung và minh triết.

v  Tặng bạn tôi, Inrasara,

            nhà thơ, nhà nghiên cứu Chăm,

            Lâm Gia Tiến, nhà giáo Chăm,

cùng các anh: Mạnh, Phăng, Xoài, Sưởng …

và các nhà giáo trong Ban Biên Soạn sách tiếng Chăm tại Ninh Thuận: các anh Trại, Đảo, Cẩn, Liễn …                                                  

                                                            TRẦN XUÂN AN

Ngày 06 tháng 8 năm 2002

(28 tháng 6 Nhâm ngọ,

     năm thứ 2 công nguyên Hoà Bình).

 

TỔ KIẾN MÀU ĐẤT

 

 

            Nắng tháng ba trong mảnh vườn xanh sắc lá vẫn óng ả, mặc dù là nắng chiều. Gió ngoài sông thổi vào mát rượi. Những chiếc lá vú sữa khẽ lay lật, xanh thẫm và nâu nhung. Nghiệm quay mặt nhìn Quế Sương, bắt gặp cái nhìn của cô cơ hồ đang dán vào tán cây xòe rộng trên đầu. Dăm sợi tóc đen mượt bay bay trên bầu má trắng mịn, Quế Sương vẫn không buồn vuốt lại về phía sau vành tai. Nghiệm cũng chăm chú nhìn lên, thử đoán cái nhìn của Quế Sương bị hút chặt vào điểm nào. Một lúc, Nghiệm chẳng thấy có gì ngoài chiếc tổ kiến tròn như một quả bóng da trên sân cỏ bùn lầy, ai đá vào đây, xuyên qua một nhánh cây trụi lá, treo hẳn trên tán cây lủng lẳng những quả vú sữa. Tổ kiến màu đất, rất nhiều quả màu lục non hoen sắc tím! Thấy chẳng có gì lạ nhưng Nghiệm chỉ mỉm cười, không bày tỏ thoáng ngạc nhiên. Anh đã nhiều lần bắt gặp ở Quế Sương những cái nhìn như vậy.

     Nghiệm cúi xuống mặt bàn, rút một điếu thuốc lá, cầm bật lửa. Làn khói đầu tiên bay nhẹ và mất hút. Có lẽ khói thuốc khiến Quế Sương không ngẩng nhìn đăm đắm nữa.

            - Thôi, anh. Vứt hẳn gói thuốc lá đi. - Quế Sương nói -. đừng bỏ thuốc lá bằng cách đặt gói thuốc trước mặt, tự nhem thèm như thế. Con người vốn yếu đuối lắm, nhất là trước cám dỗ... - Quế Sương bật cười khẽ, hơi đỏ mặt, chợt nhớ có lần Nghiệm đã góp ý cho cô về cách chọn lựa thời trang và son phấn -.

            Nghiệm lại mỉm cười, nói với giọng Quảng Trị chuẩn:

            - Cuộc đời nó vốn vậy, đành phải tập bỏ thói nghiện hút như vậy, không thì sẽ không bao giờ bỏ hẳn được. - Nghiệm bảo, sau một lúc -. Cuộc đời bày ra nhiều thứ cám dỗ lắm, đâu chỉ món thuốc lá này!

            Tiếng cười Quế Sương lại bật ra từ đôi môi mọng và duyên của cô. Nghiệm hơi giật mình, khi nghe trong tiếng cười của vợ mình thoáng âm sắc lành lạnh, rờn rợn, như thể âm sắc của nỗi chua chát, đau đớn nào đó. Cũng không phải lần thứ nhất anh nhận ra âm sắc này. Nghiệm biết đấy là khiếm khuyết về nhan sắc và cá tính của Quế Sương, từ khá lâu rồi.

            Nghiệm dõi mắt theo làn khói.

            - Hồi nãy, em nhìn gì trên cao kia vậy? Cứ đăm đắm như bị hút hồn! - Nghiệm nói, không nhìn sang vợ -.

            - Anh không thấy tổ kiến trên cành cây khô mục kia sao? - Nhìn anh, một ngón tay Quế Sương chỉ lên tán lá -.

            - Thấy chứ. Thấy như quả bóng da bị trát bùn.

            - Mặt trời đấy! - Quế Sương nhìn lên -.

            - Mặt trời? Mặt trời đen à?

            - Bầu trời lại có màu nâu, nâu hổ phách, và rất nhiều hành tinh xanh non, hơi ram rám tím. Hệ mặt trời đấy! Có điều... - Quế Sương ngẫm nghĩ -., em vẫn nghĩ tổ kiến đen ấy mới là quả đất. Vẫn chưa tìm ra mặt trời ở đâu cả.

            Nghiệm có cảm giác đang nổi da gà. Anh đâm sờ sợ cái nhìn của vợ. Chẳng lẽ loài người lúc nhúc và sống chui rúc như đàn kiến kia sao! Kiến vàng, kiến đen, kiến trắng! Nhưng… - Nghiệm chợt khẽ giật mình khi liên tưởng trượt xa thêm một chút -, loài kiến không thể chung sống với nhau, nếu khác màu! Chúng hơn loài người ở ý thức hoà bình, không gây chiến tranh xâm lược, nhưng kém loài người rất xa ở chỗ không thể sống chung giữa các chủng tộc vốn khác nhau về màu da. Làm gì có một tổ kiến chung sống hoà bình giữa các loại kiến vàng, kiến đen, kiến trắng! Tuy vậy, Nghiệm lại mỉm cười, tự bảo, ồ, cái nhìn của Quế Sương cũng có khía cạnh lạc quan đấy chứ! Nghiệm định chia sẻ  ý nghĩ vừa rồi với vợ, và đọc cho Quế Sương hai câu thơ Xuân Diệu rất được nhiều người nhớ đến: “Không phải anh yêu đôi mắt, Anh yêu cái nhìn của em”, để khuyến khích cô, hướng cái nhìn của cô về phía tươi sáng, cho dù “lạc quan tếu” một chút, nhưng Quế Sương chợt hỏi:

            - Mặt trời đâu anh?

            - Trên bàn đó! - Bất giác, Nghiệm chỉ tay vào chiếc mũ đỏ khá rộng vành của Quế Sương, chiếc mũ thường hắt xuống gương mặt cô một sắc hồng mỗi khi đội lên -.

            - ­Ồ! Tuyệt! - Quế Sương reo lên -. Nhưng anh có vẻ lạc quan hơi quá đáng.

            - Cả vũ trụ đẹp vậy... Anh hình dung ra rồi... Nhưng hành tinh duy nhất có sự sống là quả đất lại tăm tối quá. Quá bi đát! - Nghiệm bảo -. Cứ như tranh vẽ với sắc màu của nhận thức...

            - Nhảm nhí một chút mà... Rồi cành cây khô mục kia sẽ gãy, tổ kiến có tên là Quả  đất kia sẽ rơi. - Quế Sương bỗng thầm thì -. Anh sợ không?

            Tiếng cười Quế Sương lại bật ra, vẫn thoáng âm sắc lành lạnh, rờn rợn, mặc dù cô đang bày tỏ lời âu yếm.

            - Thì cả em lẫn anh đều chết, có gì đâu mà sợ! Có điều, rơi từ độ cao như vậy, anh đã thấy một lần rồi, tổ kiến vỡ nhưng hầu hết đàn kiến vẫn còn sống, và sau đó, chúng lại rủ nhau đi làm tổ mới.

            - Loài người sẽ đi tìm hành tinh mới! - Quế Sương cười -. Hành tinh thứ mười, hành tinh thứ mười một...

            Cả hai cùng lặng im, ngẫm nghĩ về câu chuyện thiên văn vớ vẩn tình cờ nảy sinh trong buổi chiều của họ, ở quán cà phê vườn thuộc vùng ngoại ô này. Nghiệm nhìn những chiếc ghế trống bảy người bạn bỏ lại quanh hai mặt bàn ghép nối phía trước mặt. Nhóm bạn ấy tha thẩn ngoài bờ sông với những người câu cá, hơn một giờ đồng hồ rồi vẫn chưa trở vào. Với thoáng nhìn hững hờ, anh đang vớ vẩn nghĩ.

            Nghiệm lại mỉm cười một mình. Quế Sương, vợ anh, anh hiểu chứ. Bao giờ cô cũng nhìn cái này ra cái khác, lúc nào cũng tìm thấy ở cuộc sống chung quanh các ẩn dụ, và thường là các ẩn dụ buồn. Tuy vậy, Quế Sương lại sống rất thực tế, tình yêu văn chương nghệ thuật chỉ còn là kỷ niệm thời quàng khăn đỏ đến trường. Chiều nay, ám ảnh từ huyền thuyết huyễn hoặc nào đó lại trở về trong cái nhìn của cô. Nghiệm cảm thấy mừng về bức tranh với các màu sắc lạ trong cái nhìn của vợ mình. Duy cái tổ kiến... đến lúc này, Nghiệm mới thấm thía hết tính bi đát ở cái nhìn ấy. Nỗi mừng trong anh chợt đen một khoảng tối, tối thẳm và dễ sợ. Nghiệm hơi rùng mình. ''Nhảm nhí, lại cũ rích!''. - Nghiệm suýt buột miệng -. Anh những muốn chuyện trò về một điều gì khác.

            Nắng buổi chiều vẫn còn tươi nhưng cơ chừng đã dịu lại. Tiếng nhạc càng mênh mang trong quán vườn đang thưa vắng khách. Quế Sương vẫn lặng lẽ với ý nghĩ của mình.

            Nghiệm nhìn ra lối nhỏ, thấp thoáng qua những kẽ cây lá. Lối nhỏ ấy dẫn ra bờ sông. Anh chợt thấy bóng nhóm bạn đang chậm bước trở vào quán.

            - Đến bao giờ anh mới bỏ hẳn thói quen hút thuốc lá? - Chợt tiếng Quế Sương - . Trong nhóm, có ai nghiện như anh đâu!

            - Có lẽ sắp bỏ được rồi. - Nghiệm hơi ngượng -.

            - Sắp? Chắc đến lúc trên thế giới này thuốc lá được cấm tiệt!

            - Em lại lẩm cẩm mất rồi! - Nghiệm càu nhàu -. Anh đang luyện ý chí đây, vừa tự nhem thèm vừa quyết tâm bỏ hẳn. Hơi vất vả! - Nghiệm cười trừ -. Cách đây không lâu, người ta không ngờ thuốc lá có hại đến thế. Cứ ngỡ hại ít thôi, lợi thì rất nhiều. Là con trai, đàn ông, không thể thiếu món thuốc lá được! Vì vậy, anh mới trót nghiện. - Nghiệm quay mặt về phía vợ, cô đang ngồi kề anh -. Nghiện thuốc lá cũng là thói xấu vặt thôi mà... Hồi nãy nói vậy, nhưng anh không tin loài người yếu đuối trước các cám dỗ đâu... Yằ chí con người rất cần mạnh mẽ. Và hẳn thuốc lá sẽ bị cấm tiệt... Ờ, mấy năm gần đây, thuốc lá bị lên án quá dữ!

            Nghiệm thấy hẫng, chợt im lặng. Đã vợ chồng với nhau gần bốn tháng rồi, cần gì phải phân bua như vậy nhỉ! Cứ như thể mới quen nhau dạo nào! Nghĩ vậy, anh lại đưa mắt nhìn ra cổng quán. Bảy người bạn đang bước vào.

            Quanh hai mặt bàn đang ghép lại, chín người trẻ tuổi ngồi quây tròn.

            Thôn, người hơn Nghiệm hai tuổi và còn một tuổi nữa mới chạm khung tuổi hai mươi, ngồi cạnh Muống Xanh - bạn tình yêu dấu của anh. Thôn mỉm cười:

            - Bờ sông, gió và tiếng sóng, tuyệt vời lắm. Hai bạn ra dạo một quãng đi. đến phiên bọn này trông xe cho. - Thôn cúi nhìn đồng hồ tay -. Còn sớm mà. - Gương mặt nâu sẫm với nụ cười sáng hai hàm răng đều đặn của Thôn chợt hơi sựng lại -. Coi bộ hai vợ chồng son đang bàn tính chuyện gì... - Thôn bỏ lửng câu hỏi -.

            - Đang bàn nghệ thuật vẩn vơ, triết lí vớ vẩn! - Nghiệm cười -. Xin lỗi nghe mình. Em chả nói hai đứa đang bàn chuyện nhảm nhí là gì! - Nghiệm nói với Quế Sương -. Huyền thoại cổ và viễn tưởng mới! - Nghiệm hơi ngượng với Thôn - . Nhưng có điều thú vị là, xin nhân tiện loan báo với các bạn, Quế Sương đang dự định làm nghệ sĩ tạo hình trong ngành nhiếp ảnh đấy! - Nghiệm cười -.

            Quế Sương nhéo vào tay Nghiệm:

            - Ứ! Hay chưa! Cứ cái tật trêu người khác. Đáng đời nhé! Làm như thể đi guốc trong tim thiên hạ.

            Những tiếng cười vang lên rất giòn, thích thú và tán thưởng.

            - Nếu có ý định như thế, thì quá tuyệt vời! - Muống Xanh cười rất duyên, nhỏ nhẹ nói -.

            - Nhưng anh Nghiệm mới bất chợt ''sáng tác'' ra dự định ấy, chứ làm gì có trong đầu Quế Sương! - Quế Sương nói -. Hôm nọ, chỉ mới bàn với anh Nghiệm mua máy ảnh...

            - Cho dù thế nào đi nữa, cũng phải chúc vui ý tưởng nhiếp ảnh vừa rồi. Anh thấy điều đó rất tốt với Quế Sương! - Hát, anh trai của Quế Sương, chân thành nói -. Bây giờ, tôi sẽ gọi chín li chanh rum, các bạn đồng ý không? Tôi cũng mới lãnh lương hôm qua, xin được ''chiêu đãi'' khoản rượu này! Hoan hô những tác phẩm nhiếp ảnh tương lai!

            Quế Sương đỏ mặt trong tiếng vỗ tay của mọi người.

            Chỉ một ngụm chanh rum đã khiến gương mặt Trúc Xinh hồng lên. Hát nhìn vợ, mỉm cười. Muống Xanh cũng mỉm cười nhìn em gái:

            - Trúc Xinh nhấp môi cho vui thôi nhé. - Muống Xanh bảo em, với giọng Quảng Nam chuẩn -.

            - Không sao đâu. Cho hồng hào cuộc đời tí chút mà. - Hát nói -. Có bữa, Trúc Xinh uống hết cả hai chai bia đấy.

            - Sống với Hát, rõ là khác trước. - Thôn cười -. Muống Xanh với Trúc Xinh nom giống hệt nhau nhưng vẫn khác nhau, có chút men vào càng thấy khác nhau rõ hơn.

            Hát nâng li, vói qua bàn:

            - Ca-ron (Carol), chạm li chứ. Chúc mừng cho Quế Sương.

            - Vâng, chúc mừng! - Ca-ron cười -. Nhưng đề nghị Quế Sương nói rõ hơn dự định.- Với tiếng Việt có âm sắc Quảng Bình, Ca-ron nói -.

            Ca-ron rời khỏi ghế, đi vòng quanh bàn, đến chỗ Quế Sương với li chanh rum trên tay. Hai chiếc li chạm khẽ vào nhau.

            - Mình đang bị trêu. - Quế Sương lại nói bằng tiếng Anh câu vừa rồi -. Nghịch ngợm một chút đấy! Tất cả là do anh Nghiệm đùa. - Quế Sương vừa nói tiếng Việt, vừa nói tiếng Anh -.

            - Mình hiểu. Nhưng thế mới vui! - Ca-ron đáp -.

            Ca-ron về lại chỗ ngồi. Cô gái da đen ở tít tận Na-uy này vẫn nhìn Quế Sương với đôi mắt ánh lên những tia thú vị.

            Thị, em trai của Thôn, ngồi bên cạnh Nắng Lụa. Cả hai đang học năm thứ ba đại học, nhỏ tuổi nhất trong chín người. Nãy giờ, rất vui vẻ, họ mải chuyện với Ca-ron.

            Mái tóc xoăn và làn da đen nâu, vóc dáng gọn và săn chắc, Ca-ron trông thật duyên dáng. Trải qua một thời thơ ấu ở khu tập thể của bệnh viện Đồng Hới với bố mẹ trước khi về Na-uy, nay lại đang làm việc cho một công ti Na-uy tại thành phố Hồ Chí Minh, Ca-ron học tiếng Việt khá nhanh mặc dù huyết thống cô mang trong người không có chút Việt nào cả. Bố là một bác sĩ thổ dân da ''đỏ'' (*)  ở Chi-lê, mẹ là người châu Phi thuần chủng định cư lâu đời ở Bắc Âu, và cũng là bác sĩ. Hai người ở hai chân trời gặp nhau trong một dịp hội nghị của Tổ chức Chữ Thập đỏ và Tổ chức Trăng Non đỏ. Ca-ron ra đời từ cuộc tình duyên đó, còn Quế Sương được chào đời trên đôi bàn tay hộ sinh của bác sĩ Đon (Dawn) - mẹ của Ca-ron - trên con tàu Chữ Thập đỏ ngoài biển khơi Nha Trang giữa tháng tư bảy lăm, những ngày Việt Nam sắp được thống nhất. Bác sĩ đon sau đó làm việc ở Quảng Bình, ở Hà Nội, nhưng bà vẫn tìm cách liên lạc với gia đình ba má của Quế Sương. Bà Đon còn xem Quế Sương là đứa con gái do bà đỡ đầu. Và Ca- ron, với Quế Sương, là cô em thương mến, ân nghĩa.

            Như những lần khác, lúc này Ca-ron vừa nói chuyện vừa học tiếng Việt. Cô lắng tai nghe Thị và Nắng Lụa một cách chăm chú, cố phát âm thật chuẩn. Những từ đã biết hồi ở Quảng Bình, Ca-ron vẫn phát âm theo giọng ở đấy. Rất nhiều từ khác lại phát âm theo giọng Hà Nội, giọng Sài Gòn. Các giọng địa phương không khác nhau lắm, trộn lẫn trong những câu nói của Ca-ron, nghe ngồ ngộ, hay hay.

            - Mình cũng thích nhiếp ảnh nghệ thuật lắm đấy. Có lẽ hôm nào sẽ cùng học tập với Quế Sương. - Ca-ron cười vui -.

            Nghiệm vui hẳn lên. Anh tiếp tục đùa:

            - Ca-ron và các bạn có biết bức ảnh nghệ thuật ấy thế nào không? - Nghiệm diễn đạt lại cái tứ của bức ảnh chỉ mới hình dung do ngẫu cảm -. Bức ảnh ''Hệ mặt trời'' đấy, với các màu rất lạ, chỉ có trong cái nhìn rất riêng của Quế Sương! Có thể đó là khởi đầu của một trường phái nhiếp ảnh mới!

            - Thôi, đừng vợ hát chồng khen hay nữa! - Thôn cười lớn, giấu niềm xúc động -. Nhưng quả là hay thật đấy. Hiện thực phê phán một cách rất ấn tượng chủ nghĩa! - Thôn tán thêm -. Tổ kiến ấy là quả bóng sút thủng lưới các loại ảo tưởng và thiển cận. Tình cảnh của loài người và Quả đất là vậy đó, dù Quế Sương hơi cường điệu!... ­, nhìn tổng thể, kể cả vòm trời nâu và xanh, nhiều hành tinh khác, xanh lục non hoen sắc tím, ngọt và mọng sữa... cả chiếc mũ màu đỏ từ gốc cây soi lên... ­! Rất lạc quan! - Thôn cười vang, tỏ vẻ đồng cảm -. Một lời cảnh tỉnh rất nhân bản!

            - Đề nghị phối trí vào đâu đó một đóa hoa mặt trời, bánh chưng và bánh dày. Bánh chưng là cánh đồng với các thửa ruộng vuông vắn. Bánh dày là vòm trời, là mặt trời. - Thị góp ý -. Không phải trời tròn, đất vuông đâu...

            - Bố cục hơi khó đấy... - Nắng Lụa nói -.

            Quế Sương mím môi. Nghiệm mỉm cười. Anh nghĩ, đúng là buổi chiều chủ nhật hoang đường đầy thi vị, lại rất buồn cười. Nghiệm ngước mặt nhìn lên tán cây vú sữa. Mắt anh nhìn chụm lại vào tổ kiến. Một cảm giác nghẹn ngào dâng lên trong ngực anh. ''Nhảm nhí, và cũ rích!''. - Một lần nữa, Nghiệm suýt buột miệng - . ''Kiến vàng, kiến đen, kiến trắng!''. Nhưng Nghiệm vẫn im lặng. Anh nhìn thấy Thị, em cùng cha khác mẹ của Thôn, đang ngả mình ra tựa ghế, có vẻ đăm chiêu. Cũng trong một thoáng nhìn, Nghiệm vội quay đi, nhìn ra cổng quán, nơi một vài người khách đang ra về trong nắng chiều đã nhạt. Gương mặt trắng hồng với đôi mắt nâu của Nắng Lụa, cô gái có bà nội là người ''Khơ-me'' (Khmer) Nam Bộ, Nghiệm đã dạy kèm cho cô từ năm Nắng Lụa còn học lớp mười đến nay, cô gái Nghiệm vẫn xem như là em gái, bỗng trở thành một hình ảnh khắc sâu, rõ nét vào tâm tưởng anh, lúc này. Nghiệm bàng hoàng chẳng hiểu, cũng chẳng dám hiểu vì sao như vậy.

            Tiếng cười giòn tan của Quế Sương, Trúc Xinh và Muống Xanh cất lên. Âm sắc lành lạnh, rờn rợn trong tiếng cười của vợ anh vẫn không lẫn được. Cả ba người đang chuyện trò về điều gì rất thú vị, có lẽ thế. Nãy giờ, dù ngồi kề bên, Nghiệm vẫn không để ý.

            Chợt Thị bước tới gần gốc cây vú sữa, nhặt lên một khúc dây điện ai vứt bỏ. Thị thoăn thoắt leo lên trong sự ngạc nhiên của tám người trẻ tuổi, của những người khách ở các bàn đằng xa. Khi cô chủ quán chạy ra, ngước mắt lên nhìn, chẳng hiểu trò đùa gì, Thị đã cột chặt tổ kiến màu đất đen vào nhánh cây khá lớn, cỡ bằng bắp đùi của Thị.

            - Cảm ơn Thị! Tạ ơn thần thánh! Tạ ơn thần thánh! - Ca-ron reo lên -. Thế là Quả đất đã được buộc vào Vĩnh Cửu rồi!

            - Không! Mình là con người xương thịt hẳn hoi mà! đâu phải thần thánh! Không dám đâu! - Thị vừa nói rất thật lòng vừa có vẻ đùa -. Con người thật mà!

            Mọi người lúc này đều cười ngất. Cô chủ quán cũng ngơ ngẩn cười, chưa thật hiểu trò đùa này.

            Nghiệm quay mặt sang phía Quế Sương. Trong một thoáng, anh mỉm cười nhìn sâu vào đôi mắt đen láy, mở to dưới đôi chân mày đen mướt và thanh tú rất tự nhiên của vợ. Quế Sương cũng mỉm cười nhìn anh, với cả ánh cười trong đôi mắt.

            - Em vớ vẩn thật, anh nhỉ! - Quế Sương thầm thì -.

            - Vớ vẩn thật đấy. Nhưng cũng vui. Vớ vẩn nhưng vẫn là ám ảnh khôn nguôi của lẽ sinh diệt, thành hoại từ hàng vạn năm... - Nghiệm nói khẽ với vợ -. Vấn đề nghiêm trọng đấy!

             Ánh nắng chiều xuyên qua cây lá. Gương mặt Chăm thuần tộc của Thôn sáng nâu lên bên gương mặt da đen duyên dáng của Ca-ron. Họ đang cười thật tươi với Thị.

            Gió ngoài sông vẫn thổi vào mát rượi.

            - Em sẽ tạo hình nghệ thuật bằng nhiếp ảnh thật chứ? - Nghiệm khẽ hỏi -.

            - Vâng. - Quế Sương bối rối -. Em dự định thực hiện thế này... - Cô bỗng mơ màng -. Trên một mặt phẳng cong có những đường thẳng cong biểu diễn mặt biển, vòm trời và tia sáng theo thuyết tương đối trong vật lí học của Anh-x-tanh (Einstein), cả quỹ đạo, sự vần xoay, gợi ý niệm thời gian: mùa, ngày và đêm. Trên đó có cấu trúc nguyên tử... Trên đó có những cành lá vú sữa, nhiều quả vú sữa, tổ kiến màu đất... Cạnh đó, sẽ có bánh chưng, bánh dày, hoa hướng dương... Mặt trời là bánh dày, là trống đồng Đông Sơn, cũng có thể là quả dưa hấu An Tiêm đã được gọt vỏ. Theo em, quả dưa hấu đỏ là cái bóng của mặt trời in xuống mặt biển, vỏ dưa hấu là các lớp sóng, các lượn sóng... An Tiêm đã vớt lên được...- Quế Sương mỉm cười -. Chất liệu là thế, nhưng bố cục thế nào đây! Thị gợi ý thêm những chất liệu em đã nghĩ, muốn làm thầy dạy dỗ em chắc! ­, thấy kì quá! Chặn đầu em... Bực mình thật! -.

            - Tạo hình được khái niệm thời gian tương đối như trong truyện cổ Từ Thức còn khó hơn! - Nghiệm nói -. Anh nhớ, có nhà văn nào đó vận dụng Anh-x-tanh vào Từ Thức... Nhưng như thế thì bề bộn, rườm rà quá!

            - Ồ­, chả lẽ phải có chú thích ở bức ảnh tạo hình một danh mục sách tham khảo sao? Kí tên bản quyền tác giả với Thị và anh sao? Cảm ơn, cảm ơn. - Quế Sương cười -. Chỉ mách sách báo cho em đọc thôi... Sẽ chú thích...

            - Độc lập sáng tạo! Hoan hô em! - Nghiệm cười -. Tính em lúc nào và ở cái gì cũng thế! Anh sợ em thật đấy. Nhưng đúng là phải vậy! Đọc sách, thâm nhập thực tế, vượt cao hơn, sáng tạo mới, không ai bắt chước nổi. Phải độc sáng!

            Những người bạn trẻ cũng đang chia nhóm trò chuyện với nhau trong nắng chiều, gió sông, dìu dịu và man mát. Hai vợ chồng trẻ bàn bạc khẽ với nhau, cùng mỉm cười.

            Thôn không còn ở trong trạng thái thanh thản đã luyện được trước đây, sau cảm giác sảng khoái do men rượu rum hòa với nước chanh vắt. Anh không còn vui với niềm vui của em trai, của Muống Xanh và của bạn bè. Cách đây mươi phút, anh đã sực nhớ buổi chiều cuối tháng mười năm ngoái, hồi Quế Sương với Nghiệm chưa làm đám cưới, Trúc Xinh với Hát chưa làm lễ thành hôn. Chính cái tổ kiến màu  đất kia xui anh nhớ lại buổi chiều đầy băn khoăn, khắc khoải và xót xa ấy. Anh hiểu ra, ám ảnh bi kịch loài người, trên hành tinh như quả bóng đá trát bùn, không phải mới nảy sinh ở Quế Sương trong chiều nay. Chiều ấy, Thôn còn nhớ, Muống Xanh đã nhắc đến hình tượng bi đát kia lúc anh chợt trăn trở với nỗi đau xưa đã cũ, sau khi cô gái Chăm xinh đẹp đến thăm anh, hỏi anh về trường ca Chăm - Bà-ni (Cam - Bini), một chuyện tình bi thảm. Liên tưởng lúc này đưa anh nhớ về Trà Ngọc Hãn với áo váy dài rất Chăm màu đỏ! Anh tự bảo, thôi quên đi.

            Thôn mỉm cười hỏi Quế Sương:

            - Này, Quế Sương ơi, sao cứ ray rứt mãi với cái tổ kiến Quả đất vậy? - Thôn chợt thấy, câu hỏi ấy hình như anh cũng tự hỏi, và chợt thấy hẫng với những âm thanh cơ chừng buột miệng, tự trốn tránh chính mình. Hơi bối rối, Thôn phác một cử chỉ, như muốn xóa đi câu hỏi vừa rồi -.

     Quế Sương sau một thoáng ngơ ngác:

            - Em chẳng rõ. Niềm khắc khoải của nhân loại phản ánh vào tôn giáo quá lâu rồi. Hầu như tôn giáo nào cũng vậy! Có điều, em muốn nhìn nhận khác hẳn.

            Thôn mỉm cười, im lặng, tỏ vẻ đang lắng nghe thêm.

            - Sao anh Thôn lại hỏi em? Hình như... - Quế Sương bỏ lửng câu nói -.

            - Thấy hai bạn đang hạnh phúc quá, thế mà vẫn băn khoăn! Cảm ơn, băn khoăn trong cái tứ của bức ảnh là băn khoăn đẹp, và thực chất là tươi sáng, nhân bản!

            - Khóc cũng vô ích, đành phải cười chứ! Phải hi vọng Quả đất nhân nghĩa hơn chứ!

            Thôn chết sững cái nhìn hướng về Quế Sương. Quế Sương đâu biết tâm trạng của Thôn. Nghiệm cũng vậy, anh chưa hiểu thấu nỗi đau xưa đã cũ ở Thôn. Họ cảm nhận khác nhau về tổ kiến màu đất kia. Bi kịch loài người trập trùng quá, mỗi người chỉ thấy một khía cạnh nào đó.

            Ánh nắng buổi chiều hoe hoắc vàng đã nhạt. Tiếng nhạc trong quán vườn mênh mang, vỗ về. Thôn ngẩng mặt, nhìn trời đầy mây trắng đang nhuộm sáng, giữ trên môi nụ cười mỉm. Thôn lại bâng khuâng nhớ Trà Ngọc Hãn.

 

 

_____________________________  

 

(*) Thổ dân da ''đỏ'' ở châu Mỹ thuộc chủng tộc da vàng.

 

 

Xem tiếp truyện ngắn thứ 2 (liên hoàn)

 

 

 

(  xem tiếp : truyện ngắn 2 )

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/30/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7