j. Bài 10-Tl.1 - Trần Xuân An -- Trao đổi - Nguyễn Đắc Xuân - 5-7-1885

 

Web. Tác giả Trần Xuân An

 

 

BÀI THỨ MƯỜI

 

Bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao điểm

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III09/905_index.htm 

số tháng 9-2005

posted: 22.8.2005

 

 

TRẦN XUÂN AN   

                      

TRAO ĐỔI VỚI NHÀ NGHIÊN CỨU SỬ HỌC NGUYỄN ĐẮC XUÂN

VỀ BÀI VIẾT:

“Sau ngày thất thủ kinh đô (5.7.1885)

Đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)

khó thoát khỏi bước đường cùng”

 

 

 

1.

 

Nguyễn Đắc Xuân là một trong những nhà nghiên cứu sử học tiên phong trong việc làm sáng tỏ những uẩn khúc về Nguyễn Văn Tường (1824-1886), nhất là đẩy lùi, xua tan những ngộ nhận tai hại về vị quan đầu triều này trong hai tháng ngắn ngủi sau cuộc kinh đô quật khởi và bị thất thủ vào khuya 04 rạng ngày 05-7-1885 (22 – 23 tháng 5, Ất dậu). Cách đây hơn hai mươi năm, từ 1983, trong một bài viết ngắn tổng hợp từ nhiều tư liệu, chủ yếu là tư liệu của thi sĩ tiền chiến, giảng viên đại học Phan Văn Dật, Nguyễn Đắc Xuân đã dùng cụm từ “nhiệm vụ lịch sử”   một cách nghiêm chỉnh để xác định sứ mệnh của Nguyễn Văn Tường trong hai tháng ấy. Tuy nhiên, bấy giờ, như các nhà nghiên cứu khoa học xã hội khác, Nguyễn Đắc Xuân cũng không thể thoát ra khỏi quy định về quan điểm, lập trường đả phong quá khắt khe đến mức nghiệt ngã một cách phi lí của một thời.

 

Tôi nghĩ nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đắc Xuân, cho đến nay, vẫn còn bị ám ảnh bởi tai họa từ những biểu hiện vượt thoát quy định đả phong ấy của những người nào đó trong giới văn sử, mặc dù tinh thần chung của  công cuộc Đổi mới gần hai mươi năm qua vốn khẳng định những giá trị dân chủ và ngày càng mở rộng, nâng cao tính dân chủ trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khoa học xã hội, hơn là đả phong quá đáng, phi lịch sử – cụ thể.

 

Nhưng dẫu sao, đó không phải là cảm nhận thoạt tiên về bài viết tôi mạn phép được trao đổi với anh, mà chừng mức nào đó, là trái ngược. Với đầu đề bài viết,  “Sau ngày thất thủ kinh đô (5.7.1885) Đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886) khó thoát khỏi bước đường cùng” , Nguyễn Đắc Xuân khiến người đọc cảm thấy như thể đó là câu trích nguyên văn từ một ai đó khá hằn học đối với vị phụ chính đại thần yêu nước này [*]. Chẳng lẽ đó là lời anh Pha, trước cửa quan, trong tác phẩm  “Bước đường cùng”  của Nguyễn Công Hoan ?  Tôi không tin như vậy. Đây chỉ là một chi tiết nhỏ, ngẫu nhiên, có tính chất bất chợt, cảm tính, ngoài lề.

 

Tôi cũng xác định tâm thế ngay từ những dòng chữ đầu, tôi đang viết một bài trao đổi nghiêm túc với bậc đàn anh, do đó, những cảm nhận đầu tiên kia không thể là tinh thần chủ yếu của bài viết đang hình thành này. Tôi tự nhủ điều hệ trọng nhất chính là phải nắm bắt được phương pháp tư duy và nhận định trong bài  “Sau ngày thất thủ kinh đô (5.7.1885) Đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886) khó thoát khỏi bước đường cùng” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.

 

 

 

2.

 

Riêng bài viết này của nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đắc Xuân, tôi không dám bàn đến lượng thông tin khách quan về lịch sử, nói rõ ra là về sử liệu, cho dù có một vài điểm, tôi thật sự nhận thấy là không thỏa đáng. Những chỗ khác biệt giữa bài viết của anh với nhận thức, nhận định của tôi mà tôi đã thể hiện ra ở bài viết của mình,  “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi [và bị thất thủ], 05-7-1885” , người đọc có thể so sánh và thấy rõ những nét khác biệt đó. Tuy vậy, cũng không thể không khẳng định lại một cách ngắn gọn.

 

Thứ nhất, đó là vấn đề tồn tại khá lưu cữu: Nguyễn Văn Tường có thật sự vạch ra kế hoạch và nhất trí với Tôn Thất Thuyết trong việc tổ chức, tiến hành cuộc kinh đô quật khởi (05-7-1885), tấn công Sứ quán Pháp và đồng thời tấn công quân binh của chúng ở nhượng thổ Mang Cá hay không?

 

Thứ hai, sau khi cuộc kinh đô quật khởi và bị thất thủ (05-7-1885), Nguyễn Văn Tường có thực sự ở lại Huế với sự phân công của nhóm chủ chiến để tiếp tục thực hiện kế hoạch với phương án 2 (trường hợp bị chiến bại, nhà vua và Tam cung, đình thần phải ra Tân Sở, Thành Hóa [Cam Lộ]), đó là phương án Tôn Thất Thuyết phát động kháng chiế và Nguyễn Văn Tường chủ động đàm phán với giặc Pháp?

 

Thiết tưởng, ở bài này, tôi thấy không phải viện dẫn các tư liệu đáng tin cậy, trong đó chủ yếu là tư liệu gốc, để minh chứng với cách lập luận của mình như đã khẳng định ở bài viết đã dẫn bên trên,  “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi [và bị thất thủ], 05-7-1885” , một bài viết tôi hoàn toàn tin tưởng càng ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu tán thành, ủng hộ và làm sáng tỏ hơn nữa, trên tinh thần khoa học đích thực.

 

Tuy thế, tôi thấy cần nhấn mạnh thêm một lần nữa một điều đã viết với luận chứng nghiêm túc: Có một số trang châu bản sau cuộc kinh đô quật khởi, bị thất thủ, do Nguyễn Văn Tường viết, trình lên Tam cung (đứng đầu là bà Từ Dũ) và giám quốc nhiếp chính Thọ Xuân vương Miên Định, thực chất chỉ nhằm đối phó với thực dân Pháp và phe chủ “hòa” (thực chất là đầu hàng) đang thắng thế.  Đúng vậy, như TS. Nguyễn Nhã đã khẳng định trong Hội thảo, ngày 02-7-2004, viết những trang châu bản ấy, Nguyễn Văn Tường chỉ dùng đối phó mà thôi, trong sách lược “hai mặt”!

 

 

 

3.

 

Nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đắc Xuân, qua bài viết của anh mà tôi thấy cần phải mạn phép trao đổi này, anh đã khảo sát thái độ đối với Nguyễn Văn Tường, của bốn đối tượng:

 

a. thực dân viễn chinh;

b. cố đạo Thiên Chúa giáo;

c. quan lại cơ hội;

d. hoàng tử có nhân cách tồi tệ.

 

Tiêu biểu hoặc đích danh của bốn đối tượng ấy, là tên tướng De Courcy, tên khâm sứ De Champeaux, giám mục Puginier, tổng đốc Hà – Ninh Nguyễn Hữu Độ và hoàng tử Kiên Giang hầu Ưng Kỹ (Đồng Khánh).

 

Nguyễn Đắc Xuân đã kết luận: Nguyễn Văn Tường (cũng như nhóm chủ chiến) là kẻ thù không đội trời chung của chúng. Không có gì chính xác hơn.

 

Tuy vậy, phải chăng vẫn cần trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân một vài nét không phải là không hệ trọng trong sự khảo sát và kết luận nói trên của anh.

 

Một là, qua những tư liệu tôi đã dẫn chứng trong các khảo cứu của mình, cụ thể là những bức điện văn De Courcy gửi về Paris xin ý kiến và báo cáo với chính phủ Pháp, trong khoảng thời gian không dài trước và sau ngày 05-7-1885, nhất là qua bản án cáo thị khi lưu đày Nguyễn Văn Tường mà De Champeaux công bố ngày 05-9-1885 (tức là ngày 27 tháng 7 Ất dậu), ai cũng thấy rõ:

 

- Chính phủ Pháp tại Paris đã quyết định tấn công kinh thành Huế và bắt hai phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết;

- Đối với Nguyễn Văn Tường, bản án về ông mà chính phủ thực dân Pháp đã quyết án, đã có từ trước ngày kinh đô quật khởi, bị thất thủ; và sự gia hạn cho Nguyễn Văn Tường hai tháng sau ngày ấy cũng được chính phủ thực dân Pháp duyệt y từ đề nghị của De Courcy, De Champeaux và cố đạo Caspar (lấy tên Việt là Lộc).

 

Hai là, ngay bản án chung thẩm về nhóm chủ chiến (Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Trương Văn Đễ, Trần Xuân Soạn) vào cuối tháng 8 Ất dậu (tháng 10-1885), ở thời điểm Nguyễn Văn Tường đã bị lưu đày hơn một tháng, do đình thần và Tôn nhân phủ đưa lên, Đồng Khánh duyệt y, cũng có chữ kí kề bên của tướng giặc De Courcy. Trong một bài viết, linh mục Delvaux đã ghi thông tin khách quan này rõ như thế.

 

Ngay việc lưu đày Nguyễn Văn Tường cùng Phạm Thận Duật và Tôn Thất Đính qua tận Tahiti, (một quần đảo thuộc địa Pháp nằm trên 15 độ Vĩ tuyến Nam & 150 độ Kinh tuyến Tây, nằm giữa Thái Bình dương về phía Đông của nước Úc và phía Tây của Peru - Trung Mỹ), cũng đủ chứng minh rằng, quyết án ấy là vượt quá tầm tay, quyền hạn của De Courcy và những tên khác, như cố đạo gián điệp Puginier, kể cả vua bù nhìn Đồng Khánh, tên tay sai Nguyễn Hữu Độ. Quyền hạn của 4 tên này chỉ trong giới hạn là lãnh thổ nước Đại Nam (Việt Nam) mà thôi, thậm chí hai nơi được quyền lưu đày xa nhất chỉ là Bình Thuận và Cao Bằng (Nam Kỳ đã thành thuộc địa của Pháp).

 

Như vậy, không chỉ một, mà đến hai bản án, thực chất đều là bản án của chính phủ thực dân Pháp tại Paris và kẻ trực tiếp tiến hành uy hiếp, khiêu khích, đánh chiếm kinh đô Huế, thi hành án đối với Nguyễn Văn Tường là De Courcy.

 

Bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân không đề cập đến điều cốt lõi này, mà chỉ khái quát “người Pháp không tin nhưng vẫn dùng”. Anh lại nhấn mạnh đến 3 tác nhân khác. Theo anh,  đó là Puginier, Nguyễn Hữu Độ, Đồng Khánh. Puginier căm thù Nguyễn Văn Tường vì Nguyễn Văn Tường chủ trương bình Tây phiên, sát tả đạo từ 1873 đến 1884. (Anh không nhắc đến tư liệu Hội Truyền giáo Bắc Kỳ, trong đó, cho đến năm 1889, 4 năm sau, Puginier vẫn  còn báo cáo về Pháp, chính Nguyễn Văn Tường đã cùng Tôn Thất Thuyết phối hợp trong phong trào Cần vương sau ngày kinh đô thất thủ, và đã tiêu diệt đến 30.000 dân giáo). Đối với Nguyễn Hữu Độ và Đồng Khánh, anh hầu như chỉ nhấn mạnh sự trả thù của hai tên này nhắm vào Nguyễn Văn Tường. Anh khái quát thành hai tiểu đề mục:  “Với Nguyễn Hữu Độ, ân oán cũ, tranh chấp địa vị mới”; “Mâu thuẫn với Ưng Kỹ ngay từ sau ngày vua Tự Đức băng hà cho đến ngày Ưng Kỹ lên ngôi” . Nói cách khác, theo anh, Nguyễn Văn Tường bị lưu đày là do sự trả thù của Puginier, đại diện cho Thiên Chúa giáo, và do mối thâm thù có tính chất cá nhân của tên tay sai cơ hội Nguyễn Hữu Độ và của tên vua bù nhìn Đồng Khánh [**].

 

Có thể nói rằng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã đem hệ quả của nguyên nhân chính làm nguyên nhân chính, và hầu như xem nhẹ nguyên nhân chính ấy. Đúng ra, cần nói rõ rõ hơn: Quá trình Nguyễn Văn Tường chống thực dân Pháp, tả đạo Thiên Chúa giáo và chống bọn tay sai, cơ hội, nhân cách kém cỏi, tồi tệ, nhất là sự phối hợp với phong trào Cần vương (“đàm” phối hợp với “đánh”) sau ngày kinh đô quật khởi, bị thất thủ, mới là nguyên nhân chính khiến chúng lưu đày ông. Chúng lưu đày ông vì lí do chính là nguyên nhân chính trị. Hệ quả của nguyên nhân chính ấy là Nguyễn Hữu Độ, Ưng Kỹ nuôi mối tư thù đối với Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến. Mối tư thù của hai tên này không phải là nguyên nhân chính trong việc thực dân Pháp và chúng lưu đày ông.

 

Vô hình trung, theo cách viết của Nguyễn Đắc Xuân, anh đã hạ thấp yếu tố chính trị chống Pháp mà chỉ nhấn mạnh đến mối tư thù, vì tranh chấp địa vị ở triều đình giữa người Việt với nhau !

 

Nói cách khác, Nguyễn Đắc Xuân đã xoáy lệch trọng tâm vấn đề của sự kiện lịch sử, do dó, hầu như sự kiện lịch sử bị vênh, bị méo hẳn.

 

Cần phải khẳng định, đối với Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến, trong hai tháng sau cuộc kinh đô quật khởi, bị thất thủ và trong nhiều năm tháng trước đó, luôn luôn kẻ thù chủ yếu của ông và của nhóm chủ chiến mà ông đứng đầu, là thực dân Pháp, kế đến là đồng minh “tả đạo” Thiên Chúa giáo của chúng, rồi sau đó mới là bọn tay sai, cơ hội, nhân cách hèn kém, tồi tệ. Thứ tự liệt kê kẻ thù này, từ chính yếu đến thứ yếu, là hoàn toàn đúng với sự thật lịch sử.

 

 

 

4.

 

Bài viết  “Sau ngày thất thủ kinh đô (5.7.1885) Đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886) khó thoát khỏi bước đường cùng”  của nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đắc Xuân đã cung cấp thêm cho người đọc một số tư liệu mới hoàn toàn khớp với các tư liệu đã được phát hiện, giám định và công bố trong bài viết của GS. Nguyễn Văn Kiệm (Kỉ yếu Hội nghị khoa học do Trường ĐHSP. TP.HCM. tổ chức, ấn hành, 19-6-1996) cũng như trong các công trình của TS. Cao Huy Thuần, TS. Yoshiharu Tsuboi… Nếu xét về lượng thông tin khách quan, không tính đến quan điểm, lập trường được thể hiện kèm theo lượng thông tin khách quan ấy, tôi thấy những tư liệu mới trong bài viết của Nguyễn Đắc Xuân cũng hoàn toàn phù hợp với tư liệu gốc Đại Nam thực lục chính biên mà tôi đã trích dẫn trong bài viết “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi [và bị thất thủ], 05-7-1885” của mình.

 

Dẫu sao, tôi cũng chỉ là người thuộc thế hệ đi sau, học tập, tiếp bước một người luôn giữ tinh thần dân chủ trong học thuật – nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân –, nhưng theo cách của mình. Tôi vẫn khẳng định những gì tôi đã viết về đề tài nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường và thời đại ông, cho dù ở thể loại nào, nghiên cứu, biên soạn, hay truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, và mặc dù các trước tác ấy có những luận điểm, khía cạnh quan trọng khác với anh.

 

Cũng không thể không ghi công tiên phong và ghi ơn về tâm huyết của nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đắc Xuân trong những chặng đường khó khăn, bức bối nhất của giới văn chương, giới sử học và ngành khoa học xã hội nói chung.

 

Cuối bài trao đổi có tính chất mạn đàm dân chủ này, xin ghi chú thêm: Những tư liệu viện dẫn trong bài viết  “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi [và bị thất thủ], 05-7-1885”  (cùng được đăng tải trên tạp chí điện tử Giao Điểm tháng 8-2005) cũng như các tư liệu khác trong cuốn  “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), ’những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được’”  (web Giao Điểm tháng 5-2005) với các xuất xứ đã được ghi rõ theo yêu cầu nghiên cứu khoa học, tôi lại dẫn gián tiếp ở đây.

 

TP. HCM., khởi viết vào lúc 16 giờ chiều 22-8-2005,

hoàn tất lúc 9 giờ 28 sáng ngày 23-8-2005.

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

Chú thích:

 

[*] Quốc sử quán triều Nguyễn, "Đại Nam thực lục", chính biên, tập 29, bản dịch Tổ Phiên dịch Viện Sử học, Nxb. Khoa học xã hội, 1974, tr. 39:  “Tỉnh Vĩnh Long có dân [Hoa?] theo đạo Gia-tô tên Kiên nói càn rỡ làm rối loạn lòng dân (nói rằng: tàu Tây dương đã đến nơi, giết hết bọn dân [lương? Việt? – ct.] chúng mày, tao không sợ pháp luật của quan binh mày nữa)…”;  sđd., tr. 242:  “Nhiếp biện huyện vụ huyện Duy Ninh […] là Đặng Hòa […]. Hòa hay uống rượu, đánh bạc, tham tang hối lộ, nói nhiều điều ngông cuồng (như nói: người Tây dương không lâu cũng lấy mất tỉnh thành, hắn sẽ về quê yên nghỉ)…” . Tất nhiên nhân vật Pha trong tác phẩm  “Bước đường cùng”  không phải là “dữu dân”, càng không phải là viên chức huyện vụ phạm pháp. Cũng như nhiều nhà văn hiện thực phê phán dưới chế độ thực dân – nửa phong kiến, giai đoạn 1930 – 1945, Nguyễn Công Hoan chĩa mũi dùi công kích vào chế độ phong kiến èo uột, quan liêu, bù nhìn (thời Khải Định, chủ yếu là thời Bảo Đại), chứ chưa dám đánh vào kẻ thù trực tiếp là thực dân Pháp, “tả đạo”.

 

Ở đây, nhìn rộng ra, đó là phản ứng giai cấp của nhiều người, phản ứng ấy lắm khi là lệch lạc.

 

Và dẫu sao đây cũng chỉ là một chú thích mở rộng về một chi tiết nhỏ, ngẫu nhiên (diễn dịch từ một cụm từ ngẫu nhiên trùng hợp với nhan đề một tác phẩm!). Xin xem chú thích này là không liên quan gì đến bài viết trên.

 

[**] Trong khi đó, Nguyễn Văn Tường chỉ khinh ghét Nguyễn Hữu Độ, thấy y là một tên tay sai nguy hiểm, cần phải trừng phạt thích đáng, và ông chỉ xem thường Ưng Kỹ, chứ chưa phải đến mức căm thù chúng.

 

TXA.

 

 

Xem tiếp: Bài thứ mười một:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta_b11.htm

 

Trở về: Trang mục lục của tập bài viết "Luận về thời chúng ta...":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta

 

Trở về trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

 

Google page creator /  host

  Ngày đưa lên trang web này: 28-4 HB7

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE