p. Bài 16-Tl.3 - Trần Xuân An -- Những giá trị - Miệt vườn - các phương diện đặc thù văn hóa (bài 3)

NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN MINH TẠI MIỆT VƯỜN

QUA KHẢO CỨU VĂN HOÁ HỌC CỦA NHÀ VĂN SƠN NAM (1926-2008):

BIỂU HIỆN QUA CÁC PHƯƠNG DIỆN ĐẶC THÙ VĂN HOÁ

 

Bài 3

 

Trần Xuân An

 

I. Dẫn nhập:

 

Trong bài thứ 3 này, sau bài thứ nhất và bài thứ hai cùng đề tài, những mặt dễ nhìn thấy nhất của các biểu hiện văn hoá, văn minh thuộc trung tâm điểm Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ được khám phá trong cuốn sách “Văn minh Miệt Vườn” (1) của Sơn Nam. Nói cách khác, các phương diện đặc thù văn hoá của con người, xã hội Miệt Vườn – Đồng bằng Sông Cửu Long – Nam Bộ sẽ được trình bày lại theo nhận thức của chính Sơn Nam, nhưng theo từng chủ điểm một (theo chiều lịch đại). Kế đó, xin đưa ra một vài nét bổ khuyết hết sức vắn tắt về những vấn đề văn hoá ông không xem là văn minh, hoặc ông không muốn hoặc đã tránh né, hay đúng hơn, ông chưa đề cập đến ở cuốn sách này.

 

Xin nhắc lại một lần nữa, Sơn Nam đã xác định: “Miệt Vườn là xưng danh sẵn có. Tiếng văn minh kèm theo phía trước là do người khởi thảo tập sách này nêu lên, nghĩ rằng văn minh nếp sống vật chất, là ăn, mặc, ở, cách thức sanh nhai (tôi nhấn mạnh – TXA.)” (tr. 7).

 

II. Những giá trị văn minh của trung tâm điểm Đồng bằng Sông Cửu Long qua cuốn sách “Văn minh Miệt Vườn” của Sơn Nam: Các phương diện đặc thù văn hoá

 

1. “Văn minh Miệt Vườn”: ăn, mặc, ở, giáo dục, văn học - nghệ thuật và vui chơi, giải trí:

 

Cũng như khi khám phá “Văn minh Miệt Vườn” về sự khúc xạ của thể chế chính trị và phương thức sản xuất theo từng thời kì vào nếp sống, tâm thức, tính cách của người Miệt Vườn và Đồng bằng Sông Cửu Long, Nam Bộ nói chung, tôi lưu ý đến dấu ấn đặc trưng trong một số biểu hiện văn hoá qua việc thoả mãn những nhu cầu căn bản nhất, bức thiết nhất, những nhu cầu đầu tiên và cuối cùng của con người, ở đây là con người Miệt Vườn – Đồng bằng Sông Cửu Long – Nam Bộ.

 

Nhà nghiên cứu đồng thời là nhà văn Sơn Nam đã trích dẫn “Đại Nam nhất thống chí” (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch), đoạn viết về Vĩnh Long, một trong các vùng đất Miệt Vườn: “Tánh người ưa chịu nắng, ưng ăn đồ mặn, ăn mặc khí dụng có văn hoa mà cũng có chất phác. [...] Đất đai rộng, thức ăn nhiều, ít cần súc tích để dành” (tr. 44); về Sa Đéc:  “Nữ công ở huyện Vĩnh An khá hơn” (tr. 45).

 

1.a. Văn hoá ăn:

 

Sơn Nam cũng khẳng định: “Dân chúng sống ở Đồng bằng Sông Cửu Long hơn miền Bắc, miền Trung [...] ở điểm không bao giờ gặp đói kém” (tr. 59-60); ông viết theo một tư liệu: “Gạo miền Nam [Nam Bộ] dư cung ứng cho nhu cầu địa phương dầu là những năm mất mùa. Gạo chở ra các tỉnh miền Nam Trung phần, giúp cho giá gạo trên thị trường hạ xuống” (tr. 60). Đặc biệt, chính ông nhấn mạnh: “Chưa bao giờ xảy ra loạn lạc vì đói kém. Cuối đời Tự Đức, trong khi dân chúng ở Bắc phần bất mãn vì triều đình Huế bó tay trước nạn đói kém thì người miền Nam [tức Nam Bộ] giữ được thái độ lạc quan. Họ mang ơn “tấc đất ngọn rau của chúa [Nguyễn]” vì quả thật từ đời các chúa Nguyễn đến đời Tự Đức, họ sống cuộc đời ít lo âu hơn ở miền Trung”  (tr. 60). Một điều đặc biệt hơn nữa, Sơn Nam không rơi vào kinh tế luận một cách máy móc, khi ông viết tiếp đoạn vừa trích dẫn: “Họ [dân Nam Bộ] kháng Pháp với tinh thần tích cực, việc lớn không thành vì trình độ tổ chức và kĩ thuật quá thấp kém...” (tr. 60), nhất là khi ông khẳng định, mặc dù cho toàn thể dân tộc Việt Nam ta, nhưng cũng hàm ý chỉ riêng người Miệt Vườn – Nam Bộ: “Dân Việt Nam và trí thức Việt Nam chống Pháp không phải vì quá đói, nhưng vì lí do khác, cao cả hơn. Phong trào chính trị và tình hình kinh tế không liên hệ trực tiếp nhau. Còn những yếu tố quyết định khác: tinh thần dân tộc Việt, trào lưu dân chủ xã hội ở Tây Phương” (tr. 140).

 

Tất nhiên, nói chung, “dĩ thực vi tiên”, xã hội nào cũng lấy cái ăn làm mối quan tâm hàng đầu; “có thực mới vực được đạo”, kể cả đạo lí yêu nước, chống ngoại xâm. Tuy vậy, người Miệt Vườn – Nam Bộ đã vượt lên cái ăn bức thiết nhưng tầm thường, lí tưởng chiến đấu không vì một động cơ là cái ăn chi phối.

 

Trong chính trị đã là như thế. Trong đời sống với các quan hệ thường ngày giữa bà con chòm xóm, giữa chủ nhà với khách làng xa, tỉnh xa đến, cái ăn không làm người Miệt Vườn – Nam Bộ vướng bận như người Bắc Bộ, Trung Bộ (thường là do điều kiện eo hẹp, phải tính toán chi li, lắm khi phải “nhịn miệng đãi khách” hay chịu mang tiếng bủn xỉn, keo kiệt).

 

Khi nguồn thực phẩm dư dả, không còn là nhu yếu phẩm bức thiết, người ta không những ăn cho no, mà còn ăn ngon, ăn cho sang, cho đẹp. Như vậy là đã bước lên một cấp độ sống cao hơn.

 

“Món ăn và bánh khéo là ngành nữ công khá độc đáo ở Miệt Vườn”; “Mấy bà mấy cô ở Sa Đéc, Long Xuyên, Vĩnh Long và cả luôn Rạch Giá đã thi tài về bánh khéo, và đã nấu thức ăn: bánh bò trong, bánh bột lọc, bánh ít trần, bánh men, bánh thuẫn, bánh ướt, bánh xếp, bánh bò ngang, mứt ổi, mứt chuối, mứt chanh, mứt me... Lại còn món bánh hỏi thịt quay, bò gác tréo, vịt tiềm hon, dưa đầu heo, mắm tôm, mắm lòng. Người đầu tiên chế biến những thức ăn, bánh khéo chưa hẳn là người Miệt Vườn, nhưng Miệt Vườn là nơi để thí nghiệm vì các bà các cô dư tiền mua bột mua đường, dư cá tôm để nấu nướng... [...] Miệt Vườn là nơi bánh khéo phát triển mạnh, có thầy dạy, gần như trở thành phong trào. Dịp gần đám cưới, đám giỗ, cúng đình, đón rước quan trên, hội chợ phiên... là các bà, các cô thi tài. Con gái nhà đàng hoàng phải biết vài thứ bánh, vài món ăn để thi thố khi về nhà chồng, khi giao thiệp với chị em bạn...” (tr. 123-124).

 

Sơn Nam còn dành vài trang sách để đặc tả món “Giang Nam dã hạc” (Hạc đồng quê ở Giang Nam), một món ăn có cái tên vốn được dùng để ví von theo ước lệ: sông Cửu Long cũng như Giang Nam. Đây là một món ăn hoàn toàn do sáng tạo của Miệt Vườn, “trình bày khá mĩ thuật và duyên dáng” (tr. 126). Món “bò gác tréo”, thưởng thức món này ngay giữa vườn nhà cũng là một cách ăn kiểu “buffet”, tự phục vụ hiện nay ở các nhà hàng sân vườn. Tuy nhiên, thú vị nhất là những món ăn, cách ăn thuộc loại “đặc sản”, “đặc trưng”, không thể tìm thấy ở Bắc Bộ, Trung Bộ: cá lóc nướng ốp bẹ chuối, vịt nướng sau khi bó đất sét, tôm nhúng nước dừa xiêm, cá rô kho tộ, canh chua cá lóc, canh chua cá tra, cá vồ, cá bông lau, mắm lòng, mắm Thái ăn với thịt luộc, rau sống. Ngay đến thịt chó, món mà Sơn Nam cho là món bất thường, ăn vì tò mò, muốn ‘xé rào’, cũng theo kiểu thức Nam Bộ: thịt chó gói lá cách, lá lốt, làm xíu mại, theo kiểu thịt bò bảy món... (tr. 126-127). Đặc biệt, còn có bánh phồng tôm (tr. 215). Và còn phải bàn đến cách ăn, ăn ở đâu, khung cảnh nào, như ăn trên sông trong tiếng thơ, tiếng nhạc...

 

“Bọn đàn ông thích nhậu rượu bày ra vài ba loại rượu, như rượu đậu nành, rượu chuối, rượu mít, rượu dừa. [Về rượu dừa,] cứ bỏ chút ít men dưới gốc để rồi nước dừa trong trái dừa dậy lên, thành rượu; hái quày dừa xuống, vạt vỏ ra mà uống loại rượu dừa ấy (?)” (tr. 126).

 

Nói chung, người Miệt Vườn – Nam Bộ trước 1945 vốn rất hào phóng về miếng ăn, miếng uống, rất điệu nghệ về cách ăn, cách uống. Những món ăn, món uống vốn là đặc sản được mọi người đánh giá độc đáo, một phần vì văn hoá ẩm thực được nhân dân quan tâm, một phần vì nguyên liệu chỉ có tại địa phương Miệt Vườn – Nam Bộ, không thể có ở những vùng đất khác.

 

Khác với nhiều nhà nghiên cứu khác, Sơn Nam nói thẳng về một nguyên nhân tâm lí sâu xa trong việc tiêu xài, gồm cả ăn ngon, ăn sang của tầng lớp trên: ““Văn minh Miệt Vườn” phát triển trong giới đại điền chủ, mặc dầu là nơi nước mặn khó lập vườn” (tr. 187); “Vì thiếu tính chất sang trọng căn cứ vào gia phả, huyết thống nên giới điền chủ, giới chủ vườn phải biểu dương, chứng minh nếp sống quý phái của mình...” (tr. 199).

 

Nhưng đâu phải tầng lớp dưới không sáng tạo nên những đặc sản trong việc ăn uống của mình, ngoài những đặc sản kể trên, và ở “cấp độ” vừa túi tiền hơn.

 

Tôi nghĩ Sơn Nam cũng chưa liệt kê hết những món ăn dân dã đặc trưng Miệt Vườn – Đồng bằng Sông Cửu Long – Nam Bộ, chẳng hạn các món chế biến tuyệt vời từ thịt chuột đồng (mập ú, sạch sẽ do đồng ruộng mênh mông bát ngát), thịt rắn, thịt dơi (cũng mập và sạch như thế), và một món ăn khá phổ biến ngày nay: hủ tíu (có thể hủ tíu là món ăn Nam Á đã được tiếp biến)...

 

Tưởng cũng cần nói thêm: Nhậu và cách nhậu chuyền li (chung) xoay vòng vốn là đặc trưng rất Miệt Vườn, Nam Bộ. Ngay từ “ăn nhậu” ngày nay thường dùng trong cả nước, cũng hẳn xuất phát từ Nam Bộ.

 

“Phát triển nghệ thuật nấu ăn, cải tiến không ngừng. Nấu ăn, làm bánh mứt được xem là phong trào tiến bộ xuất phát từ Huế đô, vào năm 1927... [...]  Miệt Vườn với mức sống vật chất khá cao đã có dư phương tiện để thực hiện việc trau dồi nữ công, không riêng gì giới trí thức và nữ sinh mà luôn cả trong giới bình dân” (tr. 212). Sơn Nam đã kết luận như thế. Nhưng theo tôi, nấu ăn không chỉ là nữ công. Ở Miệt Vườn – Nam Bộ, có những bậc thầy về nghệ thuật này lại là đàn ông, và đặc biệt là đàn ông Nam Bộ nói chung cũng rất giỏi về gia chánh, thậm chí vợ của họ rốt cục chỉ biết mỗi một việc sinh con, cho con bú mà thôi (do yêu cầu gia tăng dân số được triều đình khuyến khích; do nhu cầu tự thân gia đình, họ tộc, nhu cầu về sức lao động; do phụ nữ hiếm quý hơn con trai, đàn ông về tỉ lệ khi đi khẩn hoang, lập ấp, lập đồn điền; do tính chất nam quyền gia trưởng đã giảm nhẹ, so với Bắc Bộ, Trung Bộ).

 

1.b. Văn hoá mặc:

 

Khi nói văn hoá mặc là gồm cả trang sức.

 

Rõ ràng ba kì ở nước ta, trước 1945, nhìn chung là có cách ăn mặc khá khác nhau. Khá nhiều tranh cổ động, hình in trên con tem, tiền giấy, thể hiện 3 cô gái Nam, Trung, Bắc với 3 sắc phục khác nhau, nhưng cả 3 đều rất Việt Nam.

 

Đặc trưng phụ nữ Nam Bộ thường được nhấn mạnh là chiếc khăn rằn quàng cổ hay đội đầu, và người Nam Bộ, nam hay nữ cũng thường vận áo quần bà ba.

 

Sơn Nam bổ sung vào trích dẫn: “Vài người cho rằng áo bà ba đen tiêu biểu cho màu sắc miền Nam [Nam Bộ]. Theo chúng tôi nghĩ thì áo bà ba đen được phổ biến hơi chậm trễ. Như đã nói, đó là kiểu áo của người Bà Ba, màu đen rất khó nhuộm với nguyên liệu địa phương, sau này áo bà ba đen được phổ biến nhờ vải đen nhập cảng (vải ú đen, vải xiêm láng)” (tr. 58).

 

Sơn Nam viết và chú thích ở một đoạn trước: “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa (chiếc áo bà ba mà người miền Nam [Nam Bộ] ưa thích, vạt ngắn, không bâu [cổ áo; túi áo – TXA. chua thêm], chính là kiểu áo của người Bà Ba)” (tr. 43).

 

Ông lại trích dẫn tư liệu: “Đàn ông mặc quần đùi áo cánh (quần dài đến đầu gối, áo ngang mổng trôn), may bằng vải ta, nhuộm bằng vỏ cây dà và vỏ cây cóc. Đàn bà thì mặc quần và áo dài hơn đàn ông. Đàn ông và đàn bà đều nhai trầu, nơi lưng đàn ông có mang một hổ phệ, làm bằng vải xếp nhiều lớp, có hai ngăn lớn... Trong hổ phệ, để trầu cau và thuốc hút. (Bị chú: Có người cho rằng cái khăn rằn (vằn) mà các cô, các bà ở miền quê thường vắt chính là kiểu phục sức của đàn bà Mã Lai). Hễ dân chúng thì đi chân, không đi giày dép...” (tr. 59).

 

Nhưng đó chỉ là thường phục, mặc hằng ngày. Người Miệt Vườn – Đồng bằng Sông Cửu Long – Nam Bộ khi có việc lễ tết trang trọng, cũng như người Trung Bộ, người Bắc Bộ, mới mặc lễ phục. Đây là một tấm ảnh thờ, trong đó, cho ta thấy cách vận lễ phục: “Ông lão đội khăn đóng, mặc áo dài đen, quần trắng, mang dép da, ngồi trên cái ghế có đai” (tr. 118). Tất nhiên bà lão cũng mặc áo dài, quần trắng hay đen, tóc búi tó, cổ mang kiềng vàng... “Ông lão (hoặc bà lão) ngồi ngay ngắn, nhìn thẳng...” (tr. 118).

 

“Ở Miệt Vườn, ở miền Hậu Giang thời Pháp thuộc, cái áo dài đàn ông không được thông dụng cho lắm. Kiểu quần áo bà ba là tiện lợi nhứt, đồng thời quần áo bà ba cũng tiêu biểu cho sự trang nghiêm trong giới trung lưu. Hương chức hội tề, thầy cai tổng, ông hội đồng, hương chức đình chỉ mặc áo dài đội khăn đóng trong trường hợp tối cần thiết, tiếp rước quan trên, cúng đình. Tại công sở, hương chức làm việc với quần áo bà ba hoặc bi-ra-ma [pyjama]. Ông điền chủ sang trọng cũng mặc đồ bà ba bằng lụa Lèo, lụa Hà Đông khi ra đường. Người thường dân dường như chỉ mặc áo dài đội khăn đóng và tập cách thức quỳ lạy khi... cưới vợ (áo dài và khăn đóng thì mượn, ít ai sắm). Tại trường tiểu học, sơ học và luôn cả trung học, học trò mặc áo bà ba lúc ngồi học. Áo bà ba gọn gàng, cởi ra mặc vào dễ dàng, giúp con người đi đứng khoan thai, ít câu thúc” (tr. 201-202).

 

Nhà nghiên cứu, nhà văn Sơn Nam còn cho chúng ta biết các cậu học trò Miệt Vườn – Nam Bộ ngạc nhiên như thế nào khi xem ảnh chụp hay hình vẽ trong sách giáo khoa thời thuộc Pháp, thấy học trò Bắc Bộ đá cầu nhưng cũng mặc áo dài. Ông không viết thêm, nhưng tôi đồ rằng những cậu học trò Miệt Vườn – Nam Bộ ấy càng ngạc nhiên hơn khi thấy được người phụ nữ Trung Bộ (Đàng Trong), bất kể già hay trẻ, khi đi chợ mua thức ăn, khi gánh vài bó rau, rỗ khoai đi bán ở chợ huyện hoặc gánh hàng rong đi dọc phố xá cũng mặc áo dài (cho dù áo dài rách tuơ, vá chằng vá đụp, theo quan niệm “giấy rách phải giữ lấy lề”).

 

Tôi còn thấy, hình như người phụ nữ Nam Bộ thường thích đội khăn ngay lúc ở trong nhà; và cả khi ra nắng, họ cũng đội khăn thay vì đội nón lá, hoặc họ vừa đội khăn vừa đội nón lá.

 

Nói chung, Sơn Nam chỉ mô tả, ông không bận tâm lí giải, nhưng tôi nghĩ, riêng về việc người Miệt Vườn – Nam Bộ thích áo quần bà ba, đội khăn rằn thay vì vận áo dài, đội nón lá, một cách có ý thức hay do quy luật thích ứng tự nhiên mà bất giác họ tuân theo, là bởi họ vốn là những lưu dân khai hoang, mở đất, việc mặc áo quần, đội khăn gọn gàng là rất cần thiết. Mặt khác, cũng do khí hậu Nam Bộ không mưa dầm, không lạnh rét; nắng ấm và nắng nóng quanh năm. 

 

Có lẽ cũng cần mở một ngoặc đơn để chứng minh việc chọn áo quần bà ba, khăn rằn là phù hợp với người Nam Bộ trong việc đi rừng, phát hoang: Trước 1975, ở Miền Nam, có một sắc lính chuyên mặc như người Nam Bộ (bình định, xây dựng nông thôn); và ở Miền Bắc (bên kia Vĩ tuyến 17) cũng thế, chiếc áo dài nam hay nữ, khăn đóng và khăn mỏ quạ chít đầu ở hai giới cũng biến mất. Nhiều người ở Miền Nam (phía Nam Vĩ tuyến 17) đã ngạc nhiên như thế nào khi nhận ra phụ nữ Miền Bắc không biết mặc áo dài! (Tất nhiên, đến nay, thời hoà bình, phục hưng văn hoá dân tộc, áo dài nam, nữ cần được phục hồi, cách tân).

 

Dẫu sao thì quần áo bà ba, khăn rằn vẫn là đặc trưng Nam Bộ trước 1945 và vài thập niên sau đó. Đến nay, với nông dân, cơ bản vẫn như thế.

 

Dĩ nhiên, vẫn trong quy luật trao đổi văn hoá của mọi châu lục, mọi xứ sở nói chung, ở đây, trang phục đặc trưng Nam Bộ như áo quần bà ba, khăn rằn đều có nguồn gốc Mã Lai, nhưng chúng đã được người Việt Nam Bộ tiếp thu, cải tiến, để trở thành nét văn hoá đặc trưng của mình, và vẫn rất Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm văn hoá chung của dân tộc Việt Nam chúng ta. Giá trị của sự đóng góp ấy, chính là sự tiếp biến.

 

1.c. Văn hoá ở:

 

Về nếp ở, thời mới khai phá Nam Bộ, vẫn Sơn Nam trích dẫn tư liệu do ông sưu tầm: “Nhà cửa phần nhiều là nhà nghèo, cất bằng cây đốn nơi rừng, lợp tranh lá. Thực là bực đại phú mới làm nhà bằng cây điều mộc, nền xây đá ong, vách ván, lợp ngói âm dương. Hai ba xóm mới thấy bóng một nhà ngói đỏ lói, thiên hạ trầm trồ khen. Trong nhà, nơi căn giữa đặt giường thờ (cái chõng cao hơn giường nằm) làm bằng cây hoặc tre, trên lót vạc tre, trải chiếu đệm. Đó là nơi để bày đồ vật như đèn nhang, nước và bánh, trái cây đơm quảy cúng kiếng ông bà... Hai bên thì lót giường nằm và có kệ gác để vật dụng. Phía trong có buồng the kín đáo, để giường cho con gái, đàn bà ở riêng. Ban đêm, vài ngọn đèn dầu phọng, mù u hoặc dầu cá cháy leo lét trên cái thếp bằng sành, có cái tim cỏ bức [bấc]” (tr. 58).

 

Khi xây dựng nhà cửa, vẫn như cổ truyền, người Nam Bộ coi trọng việc xem phong thuỷ, nhưng nghiêng về tác dụng thực tiễn. “Về phong thuỷ, người Miệt Vườn chọn nơi “sông sâu nước chảy” để cất nhà. Sông sâu nước chảy nghĩa là không bùn lầy nước đọng. Sông sâu nước chảy là nơi dễ liên lạc với xóm giềng, với mấy làng phụ cận. Nước chảy là điều kiện tối cần thiết để giữ vệ sinh, gọi nôm na là “lấy nước làm sạch”” (tr. 109).

 

Sơn Nam rất chú ý khảo cứu về nếp ở. Ông chọn một ngôi nhà của chủ nhà cỡ bậc trung, tại một địa điểm cũng khá tiêu biểu làm điển hình. Có lẽ đây là những trang viết tỉ mỉ nhất trong cuốn sách, kéo dài từ tr. 110 đến tr. 118, và cả hai tr. 120-121.

 

Ông phác hoạ tổng thể: “Mỗi nhà là một cung điện bình dân, với nhà thuỷ tạ, với sân rộng, hòn non bộ, cây kiểng. Sau nhà là vườn tược, trước sân và bên hông thì trồng cây để lấy bóng mát. Nhà không quá kín đối với người ngoài” (tr. 110).

 

Tiếp theo, tôi chỉ trích những chi tiết quan trọng nhất: Đây là nhà thuỷ tạ và cổng nhà, sân nhà: “Nhà mát cất ở mé sông... Bên cầu mát là trại lá nhỏ để ghe xuồng đậu....”; “Cổng nhà ít khi đóng lại, nhiều khi không có cửa. Cổng bằng cây, bằng gạch”; “Bàn thờ ông Thiên dựng giữa sân, gần đường cái”; “Kiểng ở Miệt Vườn là sự sáng tạo đáng lưu ý, nuôi và uốn với đường nét, quan niệm thẩm mĩ khá độc đáo, khác lối uốn kiểng của người Trung Hoa, của miền Trung [Trung Bộ] hoặc Bắc phần”. Đây là bố cục của một ngôi nhà ba căn với một hoặc hai chái: “Từ trước đến sau, có ba phần rõ rệt: 1) Phần thứ nhứt là hàng ba và phòng khách... Căn giữa [thuộc hàng ba] dành để tiếp khách quý, thường là đặt bộ trường kỉ, hai chiếc ghế dài để hai bên một cái bàn dài... Hai căn hai bên dành cho hai bộ ván gỏ. Bộ ván bên trái (từ bên ngoài nhìn vào) dành cho các bà... Bộ ván bên tay phải (từ bên ngoài nhìn vào) dành cho khách nằm nghỉ trưa, hoặc để dọn cơm đãi khách... 2) Hết phần trước, đến phần giữa ngôi nhà: Đây là khu vực dành riêng cho gia chủ, dùng làm nơi thờ phượng ông bà... Bước vào khu vực này, ngay căn giữa, chúng ta gặp một bộ ván. Căn bên phải, từ ngoài nhìn vào là cái giường ngủ, dành cho người lớn tuổi nhứt trong gia đình (ông, bà). Căn bên trái là chỗ dành cho cái rương to, rương xe. Bàn thờ ông bà gồm ba bàn, một ở giữa, hai ở hai bên. 3) Sau bàn thờ là phần thứ ba của ngôi nhà, với hai khung treo màn. Bên trái (từ ngoài nhìn vào) là phòng the, dành cho đàn bà, con gái. Bên mặt là khu vực để lu gạo và sống chén... Đến đây là dứt ngôi nhà trên... Trong nhà dưới là bộ ván, giàn bếp, bộ vạc dành riêng cho trai bạn (tôi tớ). Một bên dành cho cái xe gió (để rê lúa, sau khi xay), cối xay lúa, cối giã gạo, cối quết chuối heo ăn...” (tr. 112-115).

 

Đúng như Sơn Nam nhận xét: bố cục vẫn rất cổ điển, truyền thống. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rất một số đặc điểm khá lạ:

 

a) Nhà ở người Trung Bộ (Đàng Trong) thường kín đáo, nên hầu như nhà nào cũng có bình phong xây gạch hay làm bằng chè tàu lá nhỏ. Nhà ở Nam Bộ hình như không chú trọng loại bình phong ấy.

 

b) Về cách bố trí nơi nằm của nam, nữ: Nếu so với cách sắp xếp giường, bộ ván (bộ ngựa) cho nam và nữ của người Trung Bộ (Đàng Trong), thì người Miệt Vườn sắp xếp hơi khá lạ, hầu như trái ngược. Người Huế, Quảng Trị, Quảng Nam chẳng hạn, bao giờ cũng sắp xếp cho các bà, các cô ở căn phía tay phải, từ ngoài nhìn vào, tức là căn phía tay trái ngôi nhà. Căn nhà phía tay trái ngôi nhà thường nối với một nhà ngang (nhà dưới), xây trên phần đất phía hông trái của nhà lớn hay sân nhà. Như vậy là rất tiện để các bà, các cô đi xuống nhà ngang. Nguyên do, có lẽ nhà dưới của người Miệt Vườn được xây, được dựng ở phía hậu nhà lớn?

 

Sơn Nam nhận định: “Nhà cửa ở Miệt Vườn khá đẹp, hợp cảnh, với hoa kiểng, sân rộng rãi. Lối bố trí bàn ghế, bộ ván trong nhà bộc lộ tánh tình cởi mở, nhứt là hiếu khách” (tr. 211). Tôi còn phỏng định, phải chăng người Miệt Vườn – Nam Bộ phần nào ảnh hưởng văn hoá mẫu hệ, ít ra là đã thể hiện trong việc bố trí nơi nghỉ ngơi, nằm ngủ của người phụ nữ, cho dù là khách hay gia chủ?

 

Nếp ở cũng phản ánh triết lí sống của người chủ nhà. Nhìn chung, người Việt ở đâu cũng như nhau, vì cùng một nguồn văn minh Văn Lang - Đại Việt - Việt Nam - Đại Nam mà ra. Nhưng cái chính là tìm ra bản sắc riêng của từng vùng đất. Ở đây, là “văn minh Miệt Vườn” – Đồng bằng Sông Cửu Long – Nam Bộ, thoát thai từ những cư dân Trung Bộ Đàng Trong (từ sông Gianh trở vào).

 

1.d. Giáo dục:

 

Trong suốt quãng thời gian non hai trăm năm, từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XVIII, Miệt Vườn – Đồng bằng Sông Cửu Long – Nam Bộ trút hết tâm lực vào việc khai khẩn đất mới, mở rộng biên cương Tổ quốc. Đó là một công lao vĩ đại bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, vì vậy, vấn đề giáo dục ở vùng đất phương Nam hầu hết chỉ gói gọn trong gia đình. Các lưu dân ấy khi rời khỏi Trung Bộ Đàng Trong để vào Nam, tất nhiên họ vẫn mang trong tâm thức của mình phong tục, tập quán và cả tri thức chữ nghĩa vốn có (2). Trong những người ra đi, ai bảo không có những cử nhân, tú tài xuất sắc (và bản lĩnh cứng cỏi, ngang tàng, nhạy cảm với bất công xã hội nữa), nhưng khi đến đất mới, họ không có điều kiện để phát huy, nối đời. Mãi cho đến đầu thế kỉ XIX, sỉ tử Nam Bộ đã lều chõng đi thi. Nam Bộ đã có nhiều bậc đại khoa. Cho đến khi phải vứt bút lông đi, cầm lấy bút chì, bút sắt, trước 1945, Miệt Vườn – Nam Bộ cũng đã có những nhà khoa học lớn.

 

Nhưng thuở ban đầu? Sơn Nam cho biết: “Dân Việt đã tạo cơ sở để định cư lâu dài. Con người sống nào chỉ cần cơm ăn áo mặc. Phải trồng thêm rau cải, cây trái, phải chọn nơi dưỡng già, nơi gởi xương khi mãn phần, phải đào tạo thế hệ trẻ dính liền về lịch sử, về văn hoá (tôi nhấn mạnh – TXA.) với triều đình. Thời vua chúa, triều đình là tượng trưng của “Sơn hà Xã tắc”, của Tổ quốc. Lập đình thành hoàng, cất chùa miễu, rước thầy dạy học (tôi nhấn mạnh – TXA.) là nhu cầu tinh thần cấp bách” (tr. 41-42).

 

Đó là nhu cầu văn hoá, trong đó có nhu cầu giáo dục – học tập. Ngay chính “Đại Nam nhất thống chí” cũng khẳng định là Nam Bộ đã xuất hiện ngày càng nhiều kẻ sĩ: “Kẻ sĩ chuộng thi thơ... Hạng người quân tử chuộng lễ nghĩa, trọng danh tiết...” (tr. 44).

 

Những cử nhân, tiến sĩ, tất nhiên đã làm quan, có người là đại thần, còn những người học tập chưa thành đạt, một tài liệu khác, theo Sơn Nam: “Người có học, hiểu chữ nghĩa, sanh trong gia đình khá giả (dư ăn dư để) muốn lập công danh trong làng thì trước hết phải ra lãnh chức vụ từ bực trưởng lân (người lớn trong ấp) đến biện đình (biên đồ cúng tế trong đình), lần đến tri sự, tri văn, tri lễ hoặc lên chức hương văn, hương bộ” (tr. 59).

 

Nhưng rồi thực dân Pháp xâm lược! Pháp bắt đầu dạy chữ quốc ngữ, với mục đích trước mắt và lâu dài là cắt tách người Nam Bộ ra khỏi mạch văn hoá cổ truyền của dân tộc ta. Vì thế, “trường học [Tây] không được hoan nghênh cho lắm. Lí do chánh là dân Việt đã quen với chữ Nho, họ ghét thực dân Pháp nên ghét luôn chữ quốc ngữ với mẫu tự a, b, c. Đi học trường Tây là chối bỏ luân lí cổ truyền. Trường học mở ra ít ỏi, số người học cũng không đông đảo. Học chữ quốc ngữ có nghĩa là đầu hàng người ngoại quốc, học để thi đậu, làm tôi tớ cho họ (Đến năm 1910, hãy còn nhiều giấy tờ vay lúa, vay bạc viết bằng chữ nho, chữ Nôm)” (tr. 78-79).

 

Nỗi lo âu người Pháp sẽ dùng giáo dục như một công cụ để nhồi sọ nhân dân Nam Kỳ lục tỉnh đã phản ánh trong những bản tấu của Nguyễn Văn Tường (1824-1886). Nguyễn Văn Tường đấu tranh cho nền giáo dục Hán – Nôm dân tộc để còn gìn giữ, vun bồi được lòng dân một khi đã mất Nam Kỳ: “Như thế thì cõi bờ dù có mất mát chìm đắm, chính lệnh tuy chưa tới được nhưng giáo hóa vẫn còn có thể thi hành, lấy đó mà vun trồng đạo lí, kích thích sĩ phu... Tuy mất đất đai nhưng có được lòng người thì có thể dùng về sau” (Châu bản, xem: bài viết của Trần Viết Ngạc, trong: Trần Xuân An, “Thơ Nguyễn Văn Tường (1824-1886) – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng”, Nxb. Thanh Niên, 2008, tr. 33). Yêu cầu đấu tranh đó đã đạt thắng lợi, thể hiện trong cưỡng ước Giáp tuất 1874.

 

Nhưng người Pháp đã vi phạm cái chúng gọi là “hiệp ước 1874” ấy! Chúng vẫn quyết tâm dùng chữ quốc ngữ như một công cụ để cắt đứt Nam Kỳ lục tỉnh khỏi nền giáo dục Hán – Nôm dân tộc, cắt đứt khỏi mạch sống dân tộc Việt Nam ta.

 

Tôi cứ suy nghĩ mãi về chữ “nhu” trong bài ca dao này:

 

“Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu

Khuyên anh về học lấy chữ nhu

Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ”

 

Học lấy chữ Nhu (âm) trong Cương (dương)? Học đức tính mềm dẻo trong cương cường chống Pháp?

 

Dần dà, theo ý thức “bình mới rượu cũ”, “sĩ phu Việt Nam [gồm cả Nam Bộ] muốn dùng chữ quốc ngữ như một phương tiện giúp đồng bào mở mang kiến thức nhưng trên căn bản là duy trì đạo Nho” (tr. 84).

 

Chúng ta còn đọc thấy những số liệu thống kê: “Theo niên giám 1889... Tỉnh Mỹ Tho 219.443 dân đinh, với một trường trung học, một trường tỉnh, 4 trường tổng... Tỉnh Sa Đéc, một trường tỉnh, 3 trường tổng, gồm 80 làng, toàn tỉnh 136.312 dân đinh” (tr. 77).

 

Sách giáo khoa, “đúng là phối hợp Tây, Tàu, Việt, một sự phối hợp mà sau này chúng ta noi theo với tài liệu phong phú hơn, với nỗ lực to lớn hơn. Mấy quyển sách ấy nhằm vào học trò và những người lớn tuổi, nhiều người biết chữ nho rồi nhưng vẫn muốn học thêm chữ quốc ngữ; người biết chữ quốc ngữ muốn học thêm chữ nho, chữ Pháp” (tr. 83).

 

Đến 1927, Sơn Nam có số liệu thống kê về số lượng giáo viên, học sinh Miệt Vườn trong năm ấy: “Miệt Vườn cung cấp nhiều giáo viên cho Miền Tây (Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu)” (tr. 128). Và cũng theo đó, ông so sánh với con số do Nguyễn Vỹ (tác giả “Tuấn, chàng trai nước Việt”) cung cấp: 1925, cả Trung Kỳ, tổng cộng có 41.062 học sinh. Ở khoảng thời điểm ấy, 1927, Nam Bộ có đến 54.243 học sinh, trong đó số lượng học sinh ở “Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre đứng đầu” (tr. 128-129). Tất nhiên, qua đó, chúng ta thấy, bởi Nam Bộ là đất thuộc địa Pháp, là lãnh thổ Pháp tại hải ngoại, nên nền cổ học Hán – Nôm phải lụi tắt, dù muốn dù không, còn nền Tây học được đề cao; do đó tỉ lệ học sinh học quốc ngữ, tiếng Pháp phải rất lớn, tỉ lệ học trò còn học Hán – Nôm dân tộc là rất ít; trong khi đó, ở Trung Bộ, số lượng người theo học Hán – Nôm còn khá nhiều, có thể không ít hơn số lượng theo học quốc ngữ, tiếng Pháp, cho dù đến 1917, thi hương đã bị bãi bỏ. Nói gọn hơn, nếu tính gộp cả hai loại học trò (quốc ngữ - tiếng Pháp, Hán – Nôm), thì số lượng học trò Trung Bộ chắc phải lớn hơn. Tuy nhiên, dẫu sao, số liệu trên cũng cho ta thấy, ở Nam Bộ, nền giáo dục quốc ngữ - tiếng Pháp đã phát triển mạnh.

 

Trên vùng đất Nam Bộ ấy, một nhà cách mạng xuất sắc đã xuất hiện: Nguyễn An Ninh (1900-1943). Ông chủ trương: “Trong buổi này, người học thức Á Đông phải có ít nữa hai nền học thức để nuôi tri thức mới đủ được, là một nền học thức Á Đông, và một nền học thức Âu Tây... Trong ta phải có hai thứ thuốc chống nhau mà sanh ra một thứ thuốc mới”; “Một đoàn dân muốn sống, muốn tự do, muốn tràng danh trong nhân loại, cần phải có một nền học thức riêng cho mình”; “Muốn trị bịnh của ngày nay, phải dùng thuốc của ngày nay”; “Điều của ta sanh tạo, phải là của ta, phải ở trong máu mủ của ta mà ra, hay là ở nơi học thức Âu Tây – Á Đông hoà hợp nhau trong ta mà sanh ra”; “Lần mò cho đặng mình gặp mình, cho đặng mình biết mình, nghĩa là cho biết cái hồn của dân mình trong hồn của mình”... (tr. 134-135). Từ những trích dẫn đó, Sơn Nam nhận định về chí sĩ Nguyễn An Ninh: “Ông nhắc đến “cái nền trí thức” với nội dung gần như danh từ văn hoá dân tộc mà ngày nay chúng ta thường nói. Có lẽ ông đã thấm nhuần triết lí Phật giáo, “tự giác nhi giác tha”, đem phương châm này áp dụng trong bình diện cá nhân và dân tộc. Chí sĩ họ Nguyễn đặt vấn đề nhân quyền, phân tích cơ cấu bóc lột của xã hội tư bổn, thực dân, đề cao vai trò của nông dân, thợ thuyền, của nữ giới, của tôn giáo. Chí sĩ họ Nguyễn đã thật sự dấn thân, đạp xe máy [xe đạp], bán dầu cù là, mặc áo dài” (tr. 136-137).

 

Đó là chưa kể đến những gương mặt tên tuổi lừng lẫy khác, như nhà khoa học Trần Đại Nghĩa (Phạm Quang Lễ, 1913-1997), người Vĩnh Long (Miệt Vườn).

 

1.đ. Văn học - nghệ thuật và vui chơi giải trí:

 

Một Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), một Phan Văn Trị (1830-1910, người Bến Tre)... đã khẳng định tài năng thi ca Nam Bộ. Nhưng ở “Văn minh Miệt Vườn”, Sơn Nam lại muốn chú trọng đến “vài câu hò”, “đờn ca tài tử”, theo ông, đó là khởi nguồn chính của “ca ra bộ” rồi trở thành nghệ thuật vọng cổ - cải lương về sau.

 

Sơn Nam viết về báo chí, văn chương, nghệ thuật: “Nho sĩ trở thành kí giả, lên Sài Gòn làm báo. Về thi phú, đa số thi sĩ khoảng đầu thế kỉ XX đều thuộc lứa già, làm thơ để thù tạc xướng hoạ. Điều đáng lưu ý là những bài còn lưu truyền đều là bát cú (thơ Học Lạc, Nhiêu Tâm, bà Sương Nguyệt Anh, ông phủ Đước, bà Trần Ngọc Lầu, ông cai tổng Lê Quang Chiểu); dường như hình thức lục bát mà ông Đồ Chiểu sử dụng rất thành công ít được nho sĩ Miền Nam [Nam Bộ] ưa thích (ngoại trừ trường hợp những loại thơ bình dân Lâm Sanh Xuân Nương, Phạm Công Cúc Hoa, Sáu Trọng, Cậu Hai Miêng). Hình thức hát bội được phổ biến, đứng về mặt sáng tác thì không tạo được bổn tuồng nào mới, đáng lưu truyền. Ca nhạc [cải lương, vọng cổ] là bộ môn phát triển mạnh và được người Miền Nam [Nam Bộ] hâm mộ nhất” (tr. 94-95).

 

Sơn Nam dành khá nhiều trang để ghi nhận sự hình thành nghệ thuật vọng cổ, cải lương. Nhưng rất tiếc, những câu hò Nam Bộ với giai điệu “đặc sản” tuyệt vời, không được Sơn Nam chú trọng. Ông lại đi vào “vài câu hò” chưa nhuần nhị lắm về từ ngữ, nhưng có lẽ là khởi nguồn của nghệ thuật ca kịch cải lương.

 

Tuy thế, vào năm 1992, khi đọc “Văn minh Miệt Vườn”, tôi có ghi chú: “Cải lương – một hình thức sân khấu ca kịch độc sáng của Nam Bộ (so với chèo ở Bắc Bộ, tuồng ở Trung Bộ) – chưa được nhấn mạnh và phân tích thoả đáng, cũng như chưa đề xuất cách thức nâng cao, hiện đại hoá (khắc phục hạn chế là quá nặng tuồng tích Tàu). Hiện nay, kể cả trước 1975, loại hình nghệ thuật này có cơ lấn lướt cả tuồng và chèo, chứng tỏ sức sống và tính chất độc đáo của nó. Tuy nhiên, khán giả của cải lương đa số là giới bình dân vì tính chất “dễ dãi” trong diễn xuất và vì kịch bản quá ... thiếu sâu sắc về nội dung tư tưởng, lại thiếu tính văn chương trong ngôn ngữ...” (TXA., 1992) (3).

 

Dễ gì có một vùng đất nào lại là cái nôi sản sinh, là môi trường phát triển một loại hình nghệ thuật độc sáng như thế!

 

Văn học - nghệ thuật không phải là trò vui chơi, giải trí. Sứ mệnh của nó cao cả hơn nhiều. Nhưng dẫu sao, trong đó, cũng không thể không có những phân số dành để thoả mãn nhu cầu “du hí” của nhân dân.

 

Nếu bàn về những trò vui chơi giải trí khác, chúng ta cũng thấy lác đác trong cuốn sách “Văn minh Miệt Vườn”, nhưng không nhiều. Riêng về đá banh (đá bóng, túc cầu), Sơn Nam khá chú trọng. Và rất tiếc, ông không đề cập đến một độc sáng khác, thuộc về lĩnh vực này, nhưng có giá trị văn học – nghệ thuật cao: hệ thống truyện trạng Ba Phi. So với truyện trạng Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Xiển Bột (Bắc Bộ), truyện trạng Vĩnh Hoàng (Trung Bộ), truyện trạng Ba Phi là rất độc đáo, đặc sệt chất Nam Bộ, phản ánh được một nét tính cách, cá tánh Nam Bộ.

 

2. Một vài bổ khuyết vào “Văn minh Miệt Vườn”:

 

Tín ngưỡng, như tế đình làng, thờ cúng tổ tiên, ông bà, được Sơn Nam nhiều lần nhấn mạnh trong cuốn sách chúng ta đang đọc ở đây. Đó là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, không hiểu sao tôi không thấy ông đề cập đến những đền miếu thờ các vị anh hùng dân tộc của Nam Bộ như Trần Xuân Hoà, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương... (những vị này vốn có đền thờ từ lâu, ngay từ thời Tự Đức, do chính triều đình phong sắc, lập đền hay do chính nhân dân, nghĩa sĩ tôn thờ...).

 

Một điều khiếm khuyết khác là Sơn Nam không hề đề cập đến hai sáng tạo độc sáng khác của Nam Bộ, trong đó có Miệt Vườn: Đạo Cao Đài và Đạo Phật giáo Hoà Hảo (4). Chỉ xét riêng về văn hoá, đây là một đóng góp to lớn trên phương diện văn hoá tâm linh trong thành tựu quá khứ của Nam Bộ. Phải có một điều kiện đất trời và lòng người phóng khoáng, thoát khỏi những giáo điều trói buộc, mới sáng tạo và Việt hoá được như thế!

 

Dễ gì có một vùng đất trở nên chiếc nôi sản sinh, là môi trường phát triển hai tôn giáo Việt hoá như thế!

 

Dẫu sao, Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo cũng là sự kết tập, tổng hợp, tạo nên triết lí mới, là thành tựu văn hoá độc sáng của Nam Bộ.

 

III. Kết luận:

 

Ngay từ 1992, tôi cũng đã ghi chú, sau khi đọc xong “Văn minh Miệt Vườn”: “Cuốn sách biên khảo này chứng tỏ Sơn Nam đã rất cố gắng khách quan, có thể nói đến mức tối đa, trong các vấn đề ông trình bày và đánh giá. Tuy nhiên, Sơn Nam có lẽ mang tâm lí e ngại tự đề cao quê hương xứ sở, nên cuốn sách ít gợi được những cảm xúc đáng tự hào của Nam Bộ. Lẽ ra, ông nên dành hẳn một chương để nhấn mạnh, phân tích các nét đẹp đó (làm nổi bật các giá trị như lao động, khai phá; sáng tạo riêng một nguồn văn hoá trên cội rễ truyền thống; cùng những đức tính rất riêng của người dân Nam Bộ...). Khách quan trong phương pháp và thái độ nghiên cứu là ưu điểm, chứng tỏ tinh thần khoa học. Nhưng vẫn cần một chương trữ tình trên cơ sở đó”.

 

Bây giờ đọc lại ghi chú của mình, tôi vẫn thấy phần nào còn “có lí”. Tuy nhiên, về các trang trữ tình, thể hiện niềm tự hào về Miệt Vườn – Đồng bằng Sông Cửu Long – Nam Bộ, hẳn Sơn Nam đã dành quá nhiều trong toàn bộ sự nghiệp truyện ngắn của ông.

 

Ở kết luận này, tôi cũng không có tham vọng nhận định, đánh giá về cuốn sách “Văn minh Miệt Vườn” của Sơn Nam.

 

Chỉ xin nói thêm một điều: Ở bài này cũng như hai bài trước, cùng đề tài, tôi luôn có ý thức tôn trọng nhận thức, kiến giải của nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam. Với ý hướng đó, tôi đã trích dẫn khá nhiều trích đoạn nguyên văn của chính Sơn Nam hay nguyên văn tư liệu ông đã sử dụng trong cuốn sách “Văn minh Miệt Vườn”. Như vậy, thay vì diễn đạt lại ý tưởng, tư liệu của ông, tôi đã để ông lên tiếng nói nhận thức, kiến giải, viện dẫn của chính ông. Sự thể đó đã khiến cho chùm bài viết trở nên khá dài. Tuy nhiên, ngoài việc thể hiện sự tôn trọng Sơn Nam, “ông già Nam Bộ” kính mến của người đọc cả nước, tôi nghĩ rằng, như thế, chùm bài viết sẽ có giá trị thuyết phục cao hơn. Và tôi cũng không ngần ngại thưa thêm, nếu cần ngắn gọn, xin chỉ trích ra phần trọng tâm nhất.

 

 

Khởi viết bài 3: lúc 6 : 00, 13-10 HB8 (2008)

Viết xong lúc 16 : 51, ngày 13-10 HB8 (2008), tại TP.HCM.

Sửa chữa, bổ sung xong: 15 : 36

Chỉnh thêm dăm ba chữ: 07 : 16, ngày 15-10 HB8

Trần Xuân An

 

(1) Sơn Nam, “Văn minh Miệt Vườn”, Nxb. Văn Hoá tái bản, 1992. Các số trang trong bài, tôi ghi theo bản 1992 này.

 

(2) Xem thêm: Sơn Nam, “Đất Gia Định xưa”, bản in lần thứ nhất, Nxb. TP.HCM., 1984; chương “Quan lại phong kiến, lưu dân và người tù đày”. Bản in chung với 2 cuốn khác, Nxb. Trẻ tái bản, 2007, tr. 27-46. Sơn Nam phân loại trên cơ sở các tư liệu: Trong số di dân vào Nam Kỳ, có 3 loại như ông đã liệt kê ở tên của chương sách vừa dẫn.

 

(3) Về loại hình nghệ thuật vọng cổ - cải lương, xem thêm: Sơn Nam, “Nói về Miền Nam”, Nxb. Lá Bối, 1968; “Cá tính Miền Nam” (phụ lục: Trần Phát Văn, bài “Hí nghệ cải lương”, trích báo chí đương thời), Nxb. Đông Phố. Bản in chung 2 cuốn trên với một cuốn khác, Nxb. Trẻ, 2005, tr. 65-73, tr. 215-222.

 

(4) Xem thêm về Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (Đạo Lành), Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (cả hai đều là tiền thân của Đạo Hoà Hảo hay còn gọi là Đạo Phật giáo Hoà Hảo): Sơn Nam, “Miền Nam đầu thế kỉ XX – Thiên Địa hội và cuộc Minh tân”, Nxb. Lá Bối, 1971. Bản in chung với một cuốn khác, Nxb. Trẻ tái bản, 2004, tr. 144-151. Đặc biệt về Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, xem: Sơn Nam, “Cá tánh Miền Nam”, Nxb. Đông Phố, 1974; chương “Thất Sơn huyền bí, ‘cảnh tiên’ tại thế của các chiến sĩ Cần vương”. Bản in chung với 2 cuốn khác, Nxb. Trẻ tái bản, 2005, tr. 101-148. Và xem thêm: Sơn Nam, “Lịch sử đất An Giang”, Nxb. Tổng hợp An Giang, 1988; chương “Từ các tỉnh, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa thành lập làng An Định ở Ba Chúc”. Bản in chung với một cuốn khác, Nxb. Trẻ tái bản, 2003, tr. 235-260. ------- Về Đạo Cao Đài (1926) và Đạo Hoà Hảo (1939), xem thêm: Sơn Nam, “Người Việt có dân tộc tính không?”, Nxb. An Tiêm, 1969. Bản in chung với 3 cuốn khác, Nxb. Trẻ tái bản, 2004, tr. 376-377; chương “Từ các tỉnh, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa thành lập làng An Định ở Ba Chúc”, sđd. trong chú thích này, tr. 249. Xem: Sơn Nam, “Tìm hiểu đất Hậu Giang”, Nxb. Phù Sa, 1959. Bản in chung với một cuốn khác, Nxb. Trẻ tái bản, 2005, tr. 140. ------ Nói chung, cả hai tôn giáo trên, theo Sơn Nam, đều chống Pháp (thời Nhật đảo chính Pháp, lại có ý ủng hộ Cường Để thân phát-xít Nhật [!] -- Xem thêm: Về Cường Để - Phan Bội Châu...: Phan Huyên Đình, “Phan Bội Châu trong quan hệ với Thiên Chúa giáo”, Tạp chí Xưa & Nay, số 286, tháng 6-2007, tr. 30-31, đăng lại trên:

http://www.vusta.vn/news_detail.asp?id=22343 – TXA.).

Đặc biệt, Sơn Nam viết khá nhiều trang về Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (tiền thân của Đạo Hoà Hảo); ông khảo cứu rất công phu về quá trình chống thực dân Pháp của tôn giáo này. Mặc dù vậy, ông cũng không đi sâu vào khía cạnh văn hoá. Riêng Đạo Cao Đài, Sơn Nam viết rất sơ lược. Trong các cuốn sách của ông, chỉ một vài chỗ có đề cập đến, và mỗi chỗ cũng chỉ một ít dòng. ------ Trong bài viết này, tôi (Trần Xuân An), chỉ đề cập đến khía cạnh văn hoá của 2 tôn giáo kể trên mà thôi, vì về sau, cả hai đều có những vấn đề khá tế nhị và phức tạp.

 

 

Đề tài này được viết thành 3 bài.

Đây là bài thứ 3.

HẾT

 

BÀI VIẾT ĐÃ ĐƯỢC SỬA CHỮA VÀI CHỮ VỀ LỖI GÕ PHÍM

VÀ ĐÃ ĐƯỢC BỔ SUNG THÊM 4 CHÚ THÍCH, 1 TẤM ẢNH “TOÀN TẬP SƠN NAM

LÚC 15 : 30, NGÀY 20-10 HB8 (2008);

09 : 20, NGÀY 23-10 HB8 & 10 : 16, NGÀY 24-10 HB8 & 7 : 54, NGÀY 07-11 HB8

 

 

 

 

Ảnh chỉ có tính chất tham khảo (đầu thế kỉ XX: áo dài ngày Tết [?]) -- Nguồn ảnh: Tạp chí Xưa & Nay – Nxb. VHSG., 2007 – Quét chụp: WebTgTXA., 14-10 HB8

 

 

 

Toàn tập Sơn Nam – Sách được mượn từ Nxb. Trẻ (các cuốn có kí hiệu), 18-10 HB8 (2008)

Ảnh: WebTgTXA.

 

Trên Tạp chí điện tử Sông Cửu long và trên Trang Thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam:

 http://www.vannghesongcuulong.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3904 

http://hoinhavanvietnam.vn/News.asp?cat=&scat=32&id=605

 

Cập nhật ngày 15-03 HB9 ( 2009 ): Bản DOC. / WORD:

Trên 2 trang thông tin điện tử Trúc Sơn Trang và Phong Điệp:

1) Bài 3: Trần Xuân An -- MIỆT VƯỜN QUA CÁI NHÌN VĂN HOÁ HỌC CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU SƠN NAM (1926-2008):    http://xuanduc.vn/baiviet.aspx?id=775&nhom=6     &     http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6768

2) Bài 3: Trần Xuân An -- NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN MINH TẠI MIỆT VƯỜN QUA KHẢO CỨU VĂN HOÁ HỌC CỦA NHÀ VĂN SƠN NAM (1926-2008): KHÚC XẠ CỦA THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ VÀ LAO ĐỘNG – KINH TẾ VÀO VĂN HOÁ CON NGƯỜI – XÃ HỘI:  http://xuanduc.vn/baiviet.aspx?id=777&nhom=6    &    http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6781

3) Bài 3: Trần Xuân An -- NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN MINH TẠI MIỆT VƯỜN QUA KHẢO CỨU VĂN HOÁ HỌC CỦA NHÀ VĂN SƠN NAM (1926-2008): BIỂU HIỆN QUA CÁC PHƯƠNG DIỆN ĐẶC THÙ VĂN HOÁ: http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6791   &   http://xuanduc.vn/baiviet.aspx?id=780&nhom=6

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE