Trần Xuân An - truyện 1 - Nụ cười Suối Hương (Đạ Hương)

Lời thưa ngỏ

riêng về nguyên mẫu nhân vật và bối cảnh cụ thể

 

__________________

 

 

NỤ CƯỜI SUỐI HƯƠNG

Chương I (truyện ngắn 1)

Trần Xuân An

 

1

 

“Thảo nào cô gái ấy có nụ cười tươi tắn đến thế!”. Đó là câu văn khởi đầu một bài bút kí, ông Đình viết từ ba mươi mốt năm trước, về con người và vùng đất mới khai hoang có tên gọi là Suối Hương, bên bờ thượng nguồn sông Đồng Nai. Năm ấy, 1981, Đình còn là một anh giáo viên trẻ đang ở độ tuổi hai mươi lăm, sau khi Đình rời khỏi đất Suối Hương được gần một niên khoá, 1980-1981. Khi viết, bấy giờ Đình đang dạy học ở huyện Đạ Nông, cuối cao nguyên Lâm Viên – Liên Khàng, chốn phát nguyên, nơi chính là đầu nguồn sông Đồng Nai. Nguồn sông từ đó phải quanh co một quãng khá dài mới xuôi về đất Suối Hương, đất bậc thềm Nam Tây nguyên, nên khúc sông chảy bên cạnh Suối Hương vẫn còn là thượng nguồn. Và lúc này, khi ở cuối dòng sông đó, Đình đã trở thành một người sắp vào tuổi về già, ông lại nhớ đến câu văn hết sức bình thường nhưng chất chứa kỉ niệm kia.

Không phải ngẫu nhiên ông Đình bỗng nhớ...

Trong những tháng gần đây, vì có một người bạn mới chuyển nhà sang Nhà Bè, nơi sông Đồng Nai, sông Sài Gòn gặp nhau, trước khi đổ ra cửa biển Cần Giờ, nên ông Đình có dịp qua đó thăm. Và trong một hiệu sách nhỏ, ông gặp lại “nụ cười tươi tắn”  cách đây không phải một năm, mà đến ba mươi ba năm (1979-2012). Điều bất ngờ là cô gái có “nụ cười tươi tắn” ấy vẫn cứ ở độ tuổi hai mươi, trong khi Đình đã là một ông già năm mươi sáu tuổi.

Phải đến lần thứ hai, cách một tuần sau lần gặp đầu tiên, ông Đình mới định thần, lấy lại vẻ trầm tĩnh vốn có, để hỏi về “nụ cười tươi tắn”:

- Cháu vui lòng cho tôi hỏi, cháu có bà con thân thuộc gì ở Suối Hương, thuộc tỉnh Lâm Đồng không?

Cô gái đứng bán sách hơi ngạc nhiên, đặt vội cái nhìn vào gương mặt ông Đình, rồi như thể soi nhìn vào chính trí nhớ của mình, xem ông có phải là người quen nào đó không, và cô biết ông hoàn toàn xa lạ. Nhưng cô gái hàng sách phải khẽ gật đầu để trả lời câu hỏi thân thiện kia:

- Dạ, đó là quê của cháu. Ba mạ cháu lập nghiệp ở đó.

Ông Đình chỉ mỉm cười, tuy lòng khấp khởi vui. Ông buột miệng:

- Thảo nào! – Ông nói luôn –. Tôi biết chắc cháu là con gái của cô Nếp!

- Dạ, thưa chú, đúng là như vậy. Nhưng... Không biết vì sao chú lại biết mạ cháu?

Ông nhìn cô gái để thầm so sánh với hình ảnh mẹ của cô ba mươi ba năm về trước, với cái nhìn thân mật như nhìn một người cháu gái. Ông vội nói, như để giải đáp nhanh cho nỗi ngạc nhiên, thắc mắc của cô gái hàng sách:

- Hơn ba mươi năm trước, tôi có dạy học ở Suối Hương. Tôi là Đình, thầy giáo dạy ngữ văn lớp cấp 3, phổ thông trung học, lớp đầu tiên ở quê cháu đây.

Không khí thân quen bỗng vây bọc lấy hai chú cháu. Ông Đình nói tiếp:

- Cháu rất giống mạ cháu hồi trẻ, – Ông Đình lại nhìn kĩ cô gái –, phải nói y như hai giọt nước!

Cô gái bẽn lẽn:

- Dạ, cháu cũng nghe nhiều người nói như vậy.

- Bây giờ, vì là chỗ quen thân, nên chú hỏi thật nghe, mạ cháu hiện giờ như thế nào? Còn khoẻ không? Ba cháu cũng là người Suối Hương hay là ở xứ khác? Và chú cũng muốn biết duyên do nào cháu lại về đứng bán sách tại thành phố này? – Ông Đình hỏi thăm, có lẽ muốn biết ngay một lúc tất cả những gì về nơi quen biết cũ –.

- Dạ, cảm ơn chú. Ba mạ cháu cũng đều là dân Suối Hương, và cũng còn khoẻ cả. – Rồi không trả lời ngay vào câu hỏi cuối, cô gái nói –. Đây là nhà của ba mẹ bên chồng của cháu.

Ông Đình gật gật đầu:

- À, ra thế! Vậy thì hay quá. – Ông đưa cái nhìn về phía quầy thu ngân của hiệu sách –. Chắc bà chủ kia là mẹ chồng cháu?

- Dạ.

Ông nhìn xuống cuốn sách đang cầm trên tay:

- Biết được tin tức tốt lành về gia đình cô Nếp, chú rất vui. Thôi, để dịp khác sẽ hỏi thăm nhiều hơn. Bây giờ, chú phải về. – Ông mỉm cười kèm với lời chào –.

Trả tiền ở quầy xong, ông chạy xe máy về nhà bạn già của mình. Trên đường đi, và suốt cả buổi sáng hôm ấy, kể cả khi trò chuyện với bạn, trong tâm trí ông Đình mải lởn vởn một câu văn rất bình thường ông đã viết: “Thảo nào cô gái ấy có nụ cười tươi tắn đến thế!”. Ông tin người mẹ của cô gái hàng sách vẫn còn giữ nguyên nét tươi tắn của nụ cười năm xưa, cho dù số phận, hoàn cảnh không được may mắn như con gái của mình hiện nay. Ba mươi ba năm nay, lắm khi ông vẫn còn nhớ lại câu văn ấy, nhưng chưa bao giờ như như lần đó. Trong tâm trạng hồi tưởng, ông Đình cảm thấy rõ hơn một điều: Cách tự cảm nhận và tự lí giải của ông về vẻ tươi tắn của nụ cười cô gái năm xưa trên vùng đất mới khai hoang, chắc hẳn còn có phần chưa hết lẽ. Bấy giờ, ông còn quá trẻ, và hơi chủ quan chăng?

Có thể cũng đúng là nét tươi tắn ở nụ cười của cô gái năm xưa không hoàn toàn do tinh thần lạc quan, mà một phần là nhờ di truyền về thể chất. Nhưng liệu nụ cười tươi tắn trời cho ấy có còn nguyên vẻ tươi tắn không, nếu tâm trạng quá u buồn, cay đắng?

 

 

Cách đây ba mươi ba năm: 1979.

Bến xe của huyện lị Đạ Công dẫu đã vào tháng mười, bắt đầu mùa khô, vẫn còn ướt sương, se lạnh. Thuở đó, cảnh người chen chúc trước quầy vé vào lúc sáng sớm, quanh năm, ngày nào cũng thế.

Nhờ “bùa hộ mệnh” là tấm giấy “ưu tiên – giáo viên miền núi”, Đình và Hoan đã được ngồi trên chiếc khách xe chạy bằng than đá. Chiếc xe như được lôi từ thế kỉ XIX về giữa thời khắc khổ và bị cấm vận này vẫn liều mạng chạy đường dài về tận Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM.). Nhưng xe đổ Đèo Chuối, chạy thêm một đỗi ngắn, khoảng dăm bảy cây số đường, là đã đến Ma-đa-gui (Mađagui, Madaguoil), huyện lị của huyện mới Đạ Huoai. Đó là nơi Đình và Hoan phải xuống xe để tìm cách vào nhiệm sở, một phân hiệu phổ thông trung học chỉ độc nhất một lớp mười mới mở tại Suối Hương, vùng khai hoang lập ấp của thành phố Huế. Huế cách Mađagui ngót ngàn cây số. Mađagui lại cách Suối Hương nghe đâu khoảng bốn mươi cây số đường rừng nữa!

Hai thầy giáo trẻ bảo nhau trước hết là phải vào Phòng Giáo dục Đạ Huoai, gần đó, để hỏi cách vào Phân hiệu, mặc dù Phòng Giáo dục này không phải là cơ quan trực tiếp quản lí. Nhưng dẫu sao Đình và Hoan vẫn tin là Phòng Giáo dục vẫn nhiệt tình hỗ trợ vì họ là giáo viên của Trường Phổ thông trung học huyện Đạ Công, cùng với các giáo viên từ các nguồn khác, về mở một phân hiệu tại huyện Đạ Huoai này. Và quả thật, họ gặp được sự đón tiếp giản dị nhưng rất niềm nở, chân tình. Cũng may, khi Đình và Hoan hỏi phương tiện vào Suối Hương, anh trưởng Phòng tên Gianh liền chỉ ra ngã ba, nơi quốc lộ 20 và đường vào Suối Hương gặp nhau, chỗ Đình và Hoan vừa xuống xe. Ở đó, có chiếc xe khách cũ mèm, tróc sơn đang quay đầu vào. Chung quanh là khách đi, cùng những người bán hàng rong.

Khi đã gửi chiếc xách tay đựng đầy sách, giấy soạn giáo án lên xe, Đình và Hoan đi loanh quanh hỏi thăm về nơi chốn sẽ đến. Không hiểu thế nào xe lại khởi hành chạy mất! Cả hai thầy giáo trẻ hoảng hốt, ngẩn người đứng trông theo. Nhưng cũng may là nhờ Phòng Giáo dục mách giúp, hiện có một chiếc xe của nông trường nào đó cũng sắp vào trong ấy.

Khi đã xin đi nhờ được, ngồi yên vị trên xe, Đình mới hướng mắt ra quan sát cảnh vật chung quanh. Con đường đất đá gập ghềnh, lồi lõm, chạy ngang qua vùng hoang vu, bạt ngàn cây cỏ, đồi núi, nương rẫy.

Xe dừng lại tại một bến đò thuộc vùng có địa danh là Đạ Tẻh.

Người lái xe bảo: “Hai thầy giáo phải xuống đây, rồi chờ ca nô để vào Suối Hương”. Họ bắt tay anh lái xe, nói lời cảm ơn chung những người còn ngồi trên xe.

Trên bến, cũng còn một số người đang chờ ca nô. Đình đảo mắt xem thử có ai là người ngồi trên xe khách ở Mađagui, chiếc xe đã mang hành lí của anh chạy mất hay không.

- Có một chuyến ca nô đã vào rồi. Có thể có người đã mang giúp hành lí cho hai thầy giáo vào Suối Hương. Không mất đâu. Đừng lo. – Một người nói, đặc giọng Huế –.

- Cảm ơn các o, các chú. – Đình đáp, cũng với giọng Quảng Trị đã đậm âm sắc Huế vốn có –.

Hỏi mới biết, con sông rộng đang chảy trước mặt chính là Đạ Dung (Đạ Dưng, hay thượng nguồn sông Đồng Nai), vốn bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên – Liên Khàng (Đức Trọng), chảy về đây, trước khi đổ xuôi về Miền Đông Nam Bộ, qua Biên Hoà, TP.HCM....

Lát sau, chiếc ca nô thứ hai đã xuất hiện, cập bờ, đón khách và lại xuất phát. Đây là phương tiện giao thông không thu cước phí.

Chiếc ca nô này bằng hợp kim, có màu sơn quân đội, sơn đã loang lổ tróc, lộ ra màu nhôm. Chắc hẳn Ban Chỉ đạo xây dựng vùng kinh tế mới Suối Hương đã được cấp từ số chiến lợi phẩm thu được sau chiến tranh.

Ca nô chạy ngược dòng chảy của sông. Có nhiều đoạn giữa lòng sông nhô lên những ghềnh đá, đá xé nước, nổi bọt trắng xoá, ca nô phải rú máy, luồn lách để vượt qua. Lần đầu tiên trong đời, Đình mới biết thế nào là thuyền đò vượt ghềnh.

Đến bờ đất Suối Hương, thầy giáo Đình vui mừng khi có một người đàn bà trạc tuổi bốn mươi, áo bà ba, quần đen, vẻ lam lũ, đi đến bên anh, báo cho anh biết, chính bà đã mang hành lí vào đây giúp anh rồi. Anh rối rít cảm ơn người đàn bà ấy.

Đình nhìn khung cảnh chung quanh, thấy tất cả đều còn nguyên vẻ hoang sơ rừng rú. Vào trong một đỗi nữa mới thấy những mái nhà tranh, vườn ruộng của dân, những lán trại của thanh niên xung kích, nhưng các thứ đó cũng chỉ gợi cho anh thấy rõ đây là vùng rừng đang được khai phá, chứ chưa phải là làng thôn đã có nền nếp. Đình cảm thấy đắng lòng với những cụm từ hoa mĩ, đầy vẽ vời như “thị trấn tương lai”, “thành phố tương lai”...

Đình vừa đi vừa hỏi người thanh niên xung kích dẫn đường cho anh và Hoan:

- Dốc “Mạ ơi!” nổi tiếng trên báo đài ở chỗ nào đây anh?

- Ở ngoài tê, chỗ bìa của vùng Suối Hương ni. – Anh ấy dĩ nhiên cũng đặc sệt giọng Huế thành phố –. Nếu hai anh đi đường bộ, thì phải vượt qua con dốc nớ. – Anh mỉm cười, nói tiếp –. Nhưng phải khóc, kêu “Mạ ơi!” là lúc thanh niên xung kích Huế mới vào, cứ cắt đường theo thước kẻ, bất kể việc phải vượt dốc. Chừ cũng đã ổn định phần nào, nên Ban Quy hoạch đã dự định sẽ mở đường vòng để tránh đồi dốc. Nếu như rứa, tuy phải đi vòng hơi xa một chút, nhưng đỡ phải leo trèo, bấm chân, tức ngực, ná thở.

Cả ba người đều cùng cười thành tiếng.

Anh thanh niên xung kích chỉ tay về phía trước, nơi có những mái nhà tranh, phía dưới chân một cụm đồi:

- Trước mặt mình là khu đất của Bộ phận Giáo dục, nơi ăn ở của giáo viên và văn phòng Trường Phổ thông cơ sở Suối Hương. Tôi nghe nói Phân hiệu Phổ thông trung học của hai anh cũng sẽ được bố trí vào đó, nhưng sinh hoạt và giảng dạy riêng.

Anh thanh niên xung kích chia tay với hai thầy giáo trẻ. Họ lần lượt siết thật chặt tay anh với lời cảm ơn.

Đi thêm mươi bước, Đình và Hoan reo lên chào Sương cùng ba người khác, một nữ và hai nam, cũng suýt soát chênh nhau vài ba tuổi, đang hướng dẫn khoảng mười mấy đến hai mươi học sinh sửa sang lại một ngôi nhà tranh, biến nó thành một lớp học, và lớp học “thời kháng chiến, bình dân học vụ” tưởng đã lùi vào dĩ vãng, đang hiện ra trước mắt.

Họ bắt tay Sương, vốn là giáo viên Trường Phổ thông trung học Đạ Nông, dạy sử – chính trị, về đây làm phân hiệu trưởng, đến nơi trước họ đã mấy hôm. Rồi họ bắt tay cả ba người mới lần đầu quen biết. Đó là Thừa – dạy Anh văn, Huế – dạy hoá học, Phin – cô gái mang tên một loại vải, dạy sinh vật. Mặc dù cùng xuất thân từ Đại học Sư phạm Huế, nhưng khác khoá, khác khoa, nên Đình với cả ba người đều như mới lần đầu gặp nhau. Sau một lúc chuyện trò, giới thiệu, Đình mới biết, Thừa, Huế và Phin, cả ba người đều phải trải qua vài ba năm làm thanh niên xung kích hay làm thường dân khai hoang lập ấp mới được bổ nhiệm. Riêng Thừa và Phin, vì là dân khai hoang ở đây, nên đã được kí hợp đồng giảng dạy một niên khoá vừa rồi ở Trường Phổ thông cơ sở Suối Hương, nay mới được chính thức bổ nhiệm dạy đúng cấp.

Gần hai mươi học sinh, tuy sẽ học lớp mười niên khoá này, nhưng có em đã suýt soát mười tám, mười chín tuổi, vì phải gián đoạn mất vài ba năm. Các em đang tiếp tục làm việc với cuốc, rựa, kìm, búa trên tay, sau những phút bỡ ngỡ chào hai thầy giáo mới đến.

Sương dẫn hai giáo viên vừa về nhiệm sở mới bước thêm khoảng mươi bước nữa để đi vào một ngôi nhà tranh tương tự. Đây vẫn là ngôi nhà tranh để ở, và đã thành nhà tập thể của Phân hiệu.

Chỉ có vậy! Đó là Phân hiệu của Trường Phổ thông trung học Đạ Công tại huyện Đạ Huoai, trước khi huyện Đạ Huoai sở tại đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là về giao thông, để mở được cho huyện mình một trường phổ thông trung học (cấp 3) riêng!

Nắng trưa ở vùng đồi núi thấp, vốn là rừng già, thuộc bậc thềm cuối Nam Tây nguyên nơi đây vẫn chói chang, rực rỡ không kém gì nắng Huế và dọc miền duyên hải.

Khi vào đến nhà, Sương nói:

- Hai ông ở bên gian này. – Sương chỉ tay vào gian bên trái của ngôi nhà –. Còn mình với Thừa và Huế, ở gian kia. Văn phòng của Phân hiệu mình là gian giữa. Cô Phin thì vẫn ở nhà gia đình, gần đây thôi. – Sương bước ra cửa –. Thôi, hai ông cứ nghỉ ngơi, để mình ra với học sinh một chốc nữa, rồi cùng đi ăn cơm. Tạm thời cả năm anh em mình được bố trí ăn chung với nhóm giáo viên sống tập thể của Trường Phổ thông cơ sở tại đây, bên cạnh lớp học của Phân hiệu mình.

Đình chợt nhớ ai đó trên Đạ Công bảo ở Khu Trung tâm Suối Hương này đã có điện, mặc dù chỉ để thắp. Anh đưa mắt tìm xem thử có bóng đèn điện nào không, và mỉm cười khi thấy:

- Ở đây có điện thật, nhưng cả nhà chỉ một bóng tròn!

- Có thật chứ, nhưng chỉ buổi tối, từ 6 giờ đến 9 hoặc 10 giờ thôi! – Sương đáp –.

Sương đi ra khỏi cửa rồi, Đình mới nhận ra, bụi mùn do mọt đục màu vàng nhạt từ các kèo tre, đòn tay tre thỉnh thoảng lại rơi xuống nền đất, trên mặt bàn.

- Tre không kịp ngâm bùn, nhà lại để không, nên mới thế. – Hoan nói –. Có khói bếp, chắc đỡ hơn.

 

Đến lúc này, Đình mới kịp nhận ra, dãy nhà thuộc khu đất của Bộ phận Giáo dục không chỉ dựa lưng vào cụm đồi, mà phía trước hình như cũng có một dãy đồi thấp hơn, chung quanh vẫn còn dày những tre rừng, hẳn mới tự hoang hoá trở lại sau một hai mùa khai hoang. Và dãy nhà này được quy hoạch như ở làng thôn Miền Trung, tất cả đều có sân trước nhà, tiếp ra nữa là lối đi chia đôi khuôn đất nối liền với sân, thành hai vạt vun luống trồng khoai hay sắn. Ngõ nhà nào cũng dẫn ra con đường như thể đường làng, chạy ngang trước dãy nhà.

Ngôi nhà Đình và Hoan đang đứng nhìn ra không phải đã là cuối dãy. Bên trái ngôi nhà vẫn còn vài ba ngôi nhà như thế nữa, và nhìn qua là biết chắc đã có người ở.

Thế đấy, ngôi nhà tranh của nhóm giáo viên trung học chỉ có vậy.

Trưa hôm ấy, qua bữa ăn chung đầu tiên với bốn giáo viên cơ sở, trong đó, ba người trai trẻ có quê gốc là Đà Lạt và một người nữ, gốc Hà Tĩnh, hiện sống tập thể, Đình và Hoan mới biết phần lớn giáo viên cấp một và cấp hai ở đây đều là người địa phương Suối Hương gốc Huế, sống với gia đình họ quanh đây. Trên bàn ăn chỉ là một thau bo bo xay vụn nấu thay cơm và một đĩa cá kho khô nhỏ, một dĩa rau lang, rau tàu bay luộc khá lớn, với tô nước chấm là nước ruốc, thứ nước ruốc màu tím nhạt ngả sang màu nâu non thường thấy ở Quảng Trị - Thừa Thiên, và mươi trái ớt tươi, nhưng hầu như các giáo viên đều đã quen kham khổ rồi, nên không khí cũng rất cởi mở.

Sương nhìn Hoan, bảo:

- Ông Hoan nhìn người đồng hương Nghệ - Tĩnh của ông đi! Cô giáo Bằng kìa!

Cô giáo Bằng và Hoan chào nhau, hỏi thăm nhau về làng xã quê quán.

Những người, những cảnh vật được gặp, được nhìn thấy vào sáng hôm nay và trong bữa ăn trưa đầu tiên này, đối với Đình, anh ngỡ như đã hình dung được niên khoá đang diễn tiến nơi đây, trên vùng đất khai hoang lập ấp Suối Hương. Tuy nhiên, trong thực tế của những tháng ngày sắp đến lại không đơn giản như thoáng hình dung sơ khai ấy. Ở Suối Hương, về sau Đình mới biết, còn có những con người, những tình huống, những vấn đề khiến Đình cứ mãi băn khoăn, thao thức suy nghĩ...

 

3

 

Một lần nữa Đình có cảm giác của một vật thể rơi đã định vị. Đình tự bảo, đã thế này thì cũng nên ổn định ngay để đừng lãng phí thời gian. Anh bắt tay vào sắp xếp chỗ ở và bàn viết. Gian nhà được bố trí cho Đình và Hoan chỉ gồm hai chiếc giường gỗ cá nhân đặt song song, ở giữa là lối đi. Đó là loại giường thường thấy ở các nhà tập thể, có một hộc chìm dưới đầu nằm để đựng áo quần và các thứ tư trang lặt vặt. Ngoài ra, không có gì khác. Phía trái gian nhà là một chái bếp, hình như chưa nhóm lửa thổi cơm bao giờ. Từ trong gian nhà ở, có thể nhìn ra chái bếp ấy qua những nan tre đan của tấm phên, bị thưa ra, do lâu ngày, nan tre khô rút lại. Việc còn phải làm là bàn viết.

Đình loay hoay đo kích thước áng chừng ở cửa sổ nhìn ra đường, chỗ nền đất ngay phía sau cửa sổ ấy, rồi đi qua ngôi nhà tranh làm lớp học, nơi Sương, Thừa, Huế đang hướng dẫn học sinh sửa sang, để xin vài khúc tre, mượn chiếc rựa, cái kìm và xin thêm vài khoanh dây thép, dây mây dùng để buộc. Cưa xong những khúc tre làm chân bàn, Đình vác cả số tre đã chẻ ra, vót sơ để làm vạc, tay xách các thứ cần dùng khác, về lại nhà tập thể. Anh chôn bốn chân bàn xuống nền đất, hai chân áp sát vào tấm phên có cửa sổ. Đình lại làm khung mặt bàn, lát các thanh tre thay mặt bàn theo cách ghép vạc.

Trong khi Đình đang làm chiếc bàn tre, Hoan chỉ nằm gác tay lên trán, thỉnh thoảng thở dài.

Đình bảo Hoan:

- Ông cũng nên làm một chiếc bàn như thế này, ở cửa sổ nhìn ra phía sau nhà.

- Mình sẽ dùng chung bàn tập thể ở gian văn phòng. – Hoan chán chường đáp –.

Anh và Hoan chỉ mới quen biết nhau gần hai tháng nay, khi còn ở Trường Phổ thông trung học Đạ Công, nhưng cả hai đều khá hiểu nhau về tâm trạng có phần bất mãn, bất bình khi phải về Suối Hương này, mặc dù hai tâm trạng khác hẳn nhau về nguyên do. Đình chỉ biết là Hoan tốt nghiệp khoa toán Đại học Sư phạm Vinh năm ngoái, được bổ nhiệm vào Lâm Đồng rồi được phân công về dạy đúng hệ đào tạo tại Đạ Công, ngay huyện lị – thị trấn Đạ Bảo. Đó là một nhiệm sở tốt. Nhưng đến niên khoá thứ hai này, Hoan lại bị điều về vùng kinh tế mới, thực chất là vùng khai hoang lập ấp này, mặc dù Hoan giảng dạy và công tác đều tốt. Dĩ nhiên, vì thế, Hoan buồn chán, bất mãn. Còn Đình, tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Sư phạm Huế, cũng vào năm ngoái. Niên khoá trước, Đình đã bị phân công về dạy cấp cơ sở, không đúng hệ đào tạo, lại ở một vùng kinh tế mới, phía tây bắc thị trấn Đạ Bảo. Niên khoá này, mới được điều chuyển về dạy đúng cấp ở Trường Phổ thông trung học Đạ Công, thì lại có quyết định chuyển về Phân hiệu Suối Hương tại Đạ Huoai này! Dĩ nhiên, Đình không thể không cảm thấy bất bình, bất công, mặc dù anh ý thức rằng việc khai hoang lập ấp là một việc từ xưa đến nay, triều đại nào, chế độ nào cũng tiến hành, với nhiều tên gọi khác nhau, như “đồn điền”, “dinh điền”, để mở mang đất canh tác, phân bổ lại dân cư... Không biết Hoan thế nào, còn Đình, Đình có chí nguyện riêng về nghiên cứu, sáng tác, Đình không thể mãi chôn chân vào vùng sâu vùng xa hẻo lánh.

Hoan và Đình chỉ là con người. Thánh nhân chỉ biết hi sinh và hi sinh. Gỗ đá thì không biết vui, không biết buồn. Hoan và Đình đều là con người phàm trần, chứ có phải là thánh nhân hay gỗ đá gì đâu!

Vừa làm chiếc bàn tre, Đình vừa nghĩ ngợi, nhưng anh biết là tình cảnh không thể khác được, nên tự định vị ngay, không nên buông thả chính mình vào tâm thế buồn chán vô ích.

Đình ngắm lại chiếc bàn viết bằng tre mà anh dự định ngoài việc soạn giáo án, chấm bài tập học sinh, còn lại là để học ngoại ngữ, đọc sách và sáng tác.

Đình còn làm thêm một cái kệ treo, cùng bằng tre, để đựng sách.

Thế là ổn định cho niên khoá này! – Đình tự nhủ thầm như thế –.

 

4

 

Suốt gần hai tháng dài gần đây ở Trường Phổ thông trung học Đạ Công tại thị trấn Đạ Bảo là cả một nỗi buồn bực, đối với Đình và Hoan.

Riêng Đình, tất cả mọi thủ tục chuyển nhiệm sở, từ cắt nhập hộ khẩu thường trú, sổ lương thực, tem phiếu thực phẩm đến tiền lương, đều đã xong. Cũng đã xong việc được bố trí nơi ăn, chốn ở tập thể. Ban Giám hiệu cũng đã phân công Đình làm chủ nhiệm một lớp mười, dạy ngữ văn ba lớp, trong đó có một lớp thuộc khối mười một. Nhưng chỉ một tuần sau lễ khai giảng, lại có quyết định của Ty Giáo dục từ Đà Lạt gửi về, chỉ thị phải triển khai việc thành lập Phân hiệu Suối Hương tại huyện Đạ Huoai với nhân sự cụ thể. Thực chất, đây là quyết định của Bộ và của Ty, với dự án lập trường phổ thông trung học tại huyện mới, nhưng hiện tại, trên danh nghĩa vẫn còn là Phân hiệu của Trường Phổ thông trung học Đạ Công. Từ đó, cả Hoan lẫn Đình đều phải trả lại các lớp đã nhận cho các giáo viên khác, chỉ ăn không ngồi rồi, chờ quyết định phân công trực tiếp từ Ty Giáo dục, ngoài việc chuẩn bị hành lí, sách giáo khoa, tự khâu bằng tay đôi vớ bằng vải dày để chống muỗi đốt, xin cấp thuốc phòng chống sốt rét, để về Phân hiệu.

Gần suốt hai tháng ấy là cả một nỗi buồn bực dài.

Cũng có những buổi chiều mưa lạnh, Đình buồn tình đi theo anh giáo viên lớn tuổi xuống thung rẫy, cho đỡ buồn. Anh ấy, chiều cách chiều, đều mang gùi đi cắt đọt khoai lang tăng gia sản xuất, bán kiếm thêm tiền, giữa thời buổi chật vật, khó khăn.

Cũng có những buổi trống rỗng, ngồi nhâm nhi cà phê đen ở tiệm nước Công ti Du lịch, khá hơn cửa hàng mậu dịch quốc doanh đôi chút.

Cũng có những buổi đạp xe xuống Đạ Tiến, ngồi nghe nhạc cổ điển hay nhạc nhẹ hiện đại hoà tấu trong một quán cà phê nhà vườn thật tuyệt diệu, giản dị mà sang trọng một cách nghệ sĩ và trí thức.

Cũng có những cuộc nhậu nhỏ, lai rai chuyện trò là chính với anh Lê Miên, một người làm văn nghệ lớn tuổi hơn, tại nhà anh ấy, trong khuôn viên một trường cấp cơ sở, nơi Đình gửi cả va li sách của mình.

Nhưng Đình vẫn không tự xua được hết nỗi buồn bực và trống rỗng suốt gần hai tháng như thể “bị tạm thời đình chỉ công tác để chờ lệnh mới” ấy.

Đình còn gặp một sự cố rất đáng tiếc là đánh mất cả bằng tú tài IBM. lẫn giấy chứng nhận mãn khoá Đại học Sư phạm Huế!

Trong nỗi buồn bực ấy, Đình còn có một sự dằn vặt, trăn trở, cứ như thể Đình đang tự mâu thuẫn với những bài thơ Đình viết về những vùng kinh tế mới. Không, với Đình, anh rất rõ ràng trong ý thức về những công cuộc mở mang đồn điền, dinh diền, khai hoang lập ấp trong lịch sử và hiện nay... Nhưng có lẽ nào Đình chịu bỏ dở khát vọng nghiên cứu, sáng tác... Và dẫu sao, Đình cũng biết xua gạt đi nỗi thiệt thòi riêng để hoà vào niềm vui chung...

Những ngày, những đêm đầu tiên ở Suối Hương, Đình nhận ra cảm giác định vị cho niên khoá này đã giúp Đình nhẹ nhõm, chan hoà, thoát khỏi nỗi buồn bực, dằn vặt, trăn trở kia.

Một tuần chỉ phải lên lớp giảng dạy bốn tiết ngữ văn, số thì giờ còn lại là quá nhiều cho bốn giáo án cùng những xấp bài kiểm tra phải chấm theo bảng phân phối chương trình. Đình tha hồ đọc sách, học tiếng Anh và sáng tác!

 

5

 

Trong năm anh em giáo viên ở nhà tập thể, chỉ duy nhất một mình Thừa là dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, gọi tắt là dân KTM., chính cống, của vùng đất Suối Hương này. Tốt nghiệp khoa Anh văn Đại học Sư phạm Huế ngay sau Ngày Thống nhất, nhưng Thừa chỉ được học thêm một khoá chính trị chính khoá rồi trở thành dân “tự lo”, thất nghiệp. Bấy giờ, nếu không thuộc diện được chính thức bổ nhiệm, có nghĩa là rơi vào hoàn cảnh như thế. Không biết làm gì, Thừa đành đăng kí đi KTM., diện hộ độc thân, không thuộc Lực lượng Thanh niên xung kích Huế. Anh vào Suối Hương làm dân cày cuốc một thời gian, rồi may mắn được kí hợp đồng giảng dạy tiếng Anh, khi Trường Phổ thông cơ sở Suối Hương được thành lập. Cô giáo Phin dạy sinh vật cũng vậy, nhưng vốn thuộc diện đi KTM. theo hộ gia đình. Cả hai đã viết nhiều lá đơn khiếu kiện gửi ra Bộ Giáo dục. Mãi gần đây mới nhận được quyết định chính thức bổ nhiệm.

Điều đó, Đình đã ít nhiều được biết hôm anh với Hoan mới về Suối Hương.

Chiều hôm nay, cái chính là Đình muốn nhờ “thổ công” Thừa dẫn đi loanh quanh cho biết người và đất Suối Hương.

 Ra khỏi ngõ nhà tập thể, rẽ phải, đi dọc đường làng, chỉ một chốc là đã đến nơi Thừa giới thiệu là Khu Trung tâm. Đó là một khoảnh đất phẳng và rộng, có lẽ là sân bóng đá hay “quảng trường” gì đó. Trên một gò đất ở góc phải cuối “quảng trường” là nơi Ban Quy hoạch đóng. Cứ đi thẳng, băng ngang “quảng trường” là đến bờ suối. Cầu bắc qua con suối nhỏ đó vốn là một thân cây lớn. Ở mé “quảng trường”, kề đầu cầu, có một quán may mặc và một quán hớt tóc. Bên kia suối là quán tạp phẩm, bán thuốc lá, thuốc rê, ruốc mắm... Cách đó không xa là trạm xá y tế. Đình thấy chưa tiện để bước vào thăm viếng, quan sát trạm xá ấy, mặc dù anh nhác thấy trên hai sạp tre, số bệnh nhân đang nằm điều trị không phải ít.

Đình buột miệng:

- Hiu hắt quá!

Thừa cười:

- Dĩ nhiên rồi, vùng KTM., lại là KTM. mới khai phá hoàn toàn, nên phồn hoa thế nào được.

Đình nhìn con suối nhỏ, có lẽ đã vào mùa khô, nên hai bên bờ đã nhô lên những tảng đá với lá mục. Đình hỏi Thừa:

- Suối này là suối gì?

- Suối Hương đó! – Thừa lại cười –. Chắc ông thất vọng rồi, phải không?

Không biết nói sao, Đình đành im lặng.

- Thế này, – Thừa giới thiệu tiếp –, ở vùng này có hai con suối, đều đổ ra sông Đạ Dung (Đạ Dưng), tức là khúc gần cuối thượng nguồn sông Đồng Nai mà hôm trước ông với Hoan đi ca nô ngược dòng vào đây. Suối này là một. Đi vào thêm ít cây số nữa, có thêm một con suối thứ hai. Người Chiau Mạa, người K’Hor ở đây gọi vùng này là đất Đạ Lây, tức là vùng đất có con suối có tên Lây. Không rõ trong hai con suối, con suối nào là suối Lây. Khi người Huế mình vào đây làm KTM., mới đặt tên cho con suối này tên là Hương, Suối Hương (Đạ Hương), cho đỡ nhớ sông Hương, và con suối trong kia là Suối Thơm Lây! Cũng có người gọi trại đi, là Suối Lay (Đạ Lay), với nghĩa là dòng suối lay động, hay Suối Lài, suối bông lài. – Thừa cười vang lên, tiếng cười nghe thật giòn –.

- Tôi cũng phục người Huế mình thật. Hay lắm.

Thừa và Đình đều đã đưa chân bước vào quán tạp phẩm. Mới nhìn qua, Đình biết ngay đây là một dạng hợp tác xã mua bán hay cung tiêu gì đó, chứ không phải của tư nhân, cá thể.

Hai cô xã viên khoảng cỡ trên bốn mươi tuổi gật khẽ đầu chào khách.

Sau cái chào đáp lại, bất ngờ, Đình bắt gặp nụ cười rất tươi tắn trên một khuôn mặt con gái rất đỗi dễ thương. Nụ cười khiến Đình sững sờ, nhưng anh vội nhìn ra chỗ khác.

Hình như cô gái khoảng hai mươi tuổi này mới vừa đến quán.

- Chào hai thầy! – Cô gái vẫn giữ nguyên nụ cười, và sau câu chào, gương mặt cô ửng hồng lên –.

- Chào cô! – Đình đáp –.

- A! Chào Nếp Hương. Nếp Hương đang mua gì đó? – Thừa hỏi một cách thân tình, vì đã từ lâu quen biết –.

Cô gái bẽn lẽn:

- Dạ, tên em chỉ là Nếp thôi... Em ghé mua ít muối ăn. Còn... hai thầy mua chi? – Cô gái tên Nếp hỏi nhưng thực ra chỉ để che đậy chút bối rối –.

- Tôi mới về đây, đi loanh quanh coi cho biết. Nhân tiện, mua một ít thuốc hút. – Đình nói –.

Thừa lại giới thiệu:

- Cô Nếp Hương này là thợ may chuyên nghiệp, nhưng bất đắc dĩ phải làm bán chuyên nghiệp. Tuy vậy, đường kéo mũi chỉ thì chỉ kém bác Tống ở quán kia một chút thôi. Đó là nói theo kiểu “tôn sư”, “kính lão đắc thọ”, chứ nói thật thì cô Nếp Hương đã vượt xa bác Tống rồi.

Nếp lại đỏ mặt cười. Một nụ cười tươi tắn. Chưa bao giờ Đình được thấy một nụ cười tươi tắn đến thế. Anh sững sờ một lần nữa, nhưng cũng kịp nhìn lảng ra chỗ khác.

- Đây là thầy giáo Đình, người Quảng Trị, vừa vào Suối Hương mình, dạy Phân hiệu cấp 3 mới mở.

- Dạ, em cũng được gặp thầy trên chuyến ca nô hôm thầy mới vào.

Đình ngạc nhiên. Và anh chợt hiểu ra, hôm ấy, Nếp đội nón lá, quai nón bằng vải màu được mở rộng để che luôn cả nửa khuôn mặt, từ cằm lên tận sống mũi, lại mang thêm chiếc áo bảo hộ thùng thình bên ngoài áo sơ mi, nên Đình không để ý.

- Thật không ngờ! – Đình chỉ biết thốt lên như thế –.

Đến khi cô gái tên Nếp lấy gói muối, trả tiền và đi rồi, Đình vẫn còn ngẩn ngơ. Trong một thoáng trông theo, anh thấy dáng dấp của Nếp vẫn rất thon tròn, đài các trong áo quần lam lũ, dưới chiếc nón lá đã cũ, ngả màu ố vàng.

Đình cũng trả tiền, lấy gói thuốc hút, chào hai cô xã viên. Hai thầy giáo trẻ bước về nhà.

Suốt đường về lại nhà tập thể và cả đêm hôm đó, Đình cứ bị ám ảnh bởi “nụ cười tươi tắn” của cô gái tên Nếp, thường được gọi một cách quý mến là Nếp Hương. Với Đình, anh trực nhận ra, đó chính là biểu tượng của vùng đất Suối Hương này.

 

TP.HCM., 14:20, 09 tháng 9 HB12 (2012) – 11-09 HB12

TXA.

 

Xem tiếp chương II (truyện ngắn 2) 

2) Món nợ Suối Hương (Đạ Hương)

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE