Đối thoại và phản biện lịch sử -- Tại sao không? (Thanh Tùng, báo Tiền Phong)

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

TIỀN PHONG ONLINE

bài của Thanh Tùng

Thứ Bảy, 09/06/2007, 07:22

Đối thoại và phản biện lịch sử -- Tại sao không?

TP - Nhân chuyến vào Huế trao tượng danh nhân Nguyễn Văn Tường, GS Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội, và nhà sử học Dương Trung Quốc, TTK Hội  KHLS Việt Nam đã có cuộc tọa đàm về một số vấn đề của sử học Việt Nam hiện nay - tổ chức tại trường Đại học Khoa học Huế.

 

 

Lịch sử luôn luôn được đặt trở lại. Các sự kiện lịch sử nếu không được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ và khách quan rất dễ bị lịch sử “trả đũa”.

Ý kiến phát biểu như là đề dẫn cho cuộc tọa đàm, GS  Đinh Xuân Lâm điểm lại 2 sự kiện lớn.

Hà Tĩnh đang kỷ niệm 160 năm ngày sinh cụ Phan Đình Phùng, có nhiều tham luận rất mới. Trong đó có ý kiến cho rằng không nên gọi khởi nghĩa Phan Đình Phùng, mà đó là phong trào kháng chiến. Cho đó là cuộc khởi nghĩa sẽ hạ thấp ý nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ?

Vừa qua, một trường đại học ở nước Pháp, và ở Hà Nội, tại ĐHQG Hà Nội đã có những cuộc hội thảo lớn về 100 năm Đông kinh nghĩa thục. 100 năm đã qua nhưng Đông kinh nghĩa thục để lại kinh nghiệm rất lớn cho công cuộc cải cách giáo dục hiện nay ở nhiều phương diện: Mô hình trường mới, cạnh tranh có hiệu quả với mô hình trường Pháp Việt (do người Pháp mở).

Tiếp thu tư tưởng mới từ bên ngoài (phương Tây, Nhật Bản, Trung Quốc) qua sách báo, tân thư, cử người đi du học - với mong muốn tìm được con đường cứu nước qua sự tiếp thu nền văn hoá mới. Mô hình trường mới truyền bá tư tưởng mới cho người học, người nghe nên thu hút học sinh rất đông.

Nội dung tiến bộ cộng với phương pháp dạy mới đã đáp ứng yêu cầu mà người học đòi hỏi: Bỏ thi cử truyền thống, bỏ chữ Nho - thay thế bằng Quốc ngữ. Thực học thực nghiệp: Có thể bỏ học đi buôn để làm kinh tế; đi học công nghệ để làm giàu cho đất nước...

Biên soạn sách giáo khoa cũng rất hay – bây giờ chưa làm được như Đông kinh nghĩa thục. Theo GS Đinh Xuân Lâm, lịch sử viết lại phải có Đông kinh nghĩa thục.

GS Đinh Xuân Lâm và nhà sử học Dương Trung Quốc đều thống nhất ý kiến: Học sinh không thích học lịch sử là lỗi của người lớn. Để trò ta kém sử ta là một yếu kém của giới sư phạm và giới sử học.

Một số ý kiến đề nghị giới nghiên cứu sử đánh giá lại thật khách quan và nghiêm túc về nhà Nguyễn. Giáo viên ra rả phê phán triều Nguyễn nhu nhược, đầu hàng... suy nghĩ gì khi trong lớp học có những em là hậu duệ nhà Nguyễn, là con cháu hoàng tộc Nguyễn?

Chưa bao giờ di sản triều Nguyễn được khai thác để tôn vinh văn hoá dân tộc, quảng bá cho hình ảnh Việt Nam, để làm dịch vụ du lịch đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước như bây giờ nhưng giáo khoa thư về nhà Nguyễn vẫn y như cũ.

Điểm này theo ý kiến của ông Dương Trung Quốc thì nhận thức đã thay đổi rất nhiều nhưng hành động thì chưa chuyển đổi.

Cũng theo ý kiến của ông Dương Trung Quốc, nhiều bức xúc và yêu cầu của đời sống xã hội, sử học chưa đáp ứng được như yêu cầu hoà giải, quan hệ đối ngoại, hợp tác đầu tư nước ngoài...

Nhiệm vụ của sử học rất nặng nề. Lịch sử phải đứng trước yêu cầu phát triển chứ không phải chỉ có hồi cổ, hồi tố. Lịch sử phải bắc chiếc cầu vượt qua những hố sâu ngăn cách chứ không phải lãng quên hay lấp đầy vực sâu.

Có ý kiến ấm ức rằng: Nhiều chuyên đề lịch sử được nghiên cứu rất kỹ, nhiều danh nhân lịch sử được dựng tượng; nhưng so với các ngành khác, ngành Sử phát triển, đổi mới chậm, chưa ngang tầm với các ngành khác (như các ngành văn học - nghệ thuật, địa lý, công nghệ...); trước các cuộc đổi đời thông thường các nhà sử học đi trước, nhưng thực tế Việt Nam ngày nay văn học - nghệ thuật đi trước khá xa.

Nhiều vấn đề lịch sử thời cận và hiện đại đang bị bỏ ngỏ: Như nhân vật Alexandre De Rhodes; Cuộc đấu tranh của Phật giáo chống chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963; Vai trò của các đoàn thể quần chúng, vai trò của binh vận, dân vận, Phật giáo trong chiến thắng 30/4/1975 v.v...

Đặc biệt là thiếu nhạy bén, cập nhật. Hàng trăm bài viết - “công trình” xuyên tạc lãnh tụ trên sách, báo, internet... không có người phê phán; bảo vệ sự thật lịch sử của đất nước.

Một cán bộ giảng dạy chuyên ngành lịch sử nêu vấn đề, ở nước ngoài học sinh khi làm bài được nói ngược nội dung, quan điểm của giáo viên, ở ta thì bao giờ...?

Ý kiến của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm như là một giải pháp được đặt ra. Theo ông, Hội Sử học cần có một tờ tạp chí chuyên đề như một diễn đàn đối thoại và phản biện về những vấn đề lịch sử hiện nay.

Đồng thời cũng phải có một nghị quyết về đổi mới sử học và giảng dạy lịch sử. Bằng giọng hài hước, hóm hỉnh nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, ông là người “sợ ma” nên có một số việc đã rón rén làm.

Nhưng làm rồi cũng chẳng hề hấn gì. Sắp tới Hội Sử học sẽ  thiết lập một Web chuyên đề Việt Nam thế kỷ XX nhằm mở rộng thông tin, mở rộng diễn đàn dân chủ.

Thanh Tùng

 

Nguồn bài viết & hình ảnh:

Tiền Phong online:  http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=86466&ChannelID=7

Net Cố đô (Bưu điện Thừa Thiên - Huế):  http://www.hue.vnn.vn/vanhoa/2007/06/219647/

 

_________________________________________________________________________________________________________

RẤT CẦN THIẾT

trở về trang "Thư trao đổi với PGS.TS. Đỗ Bang":

 

    http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/trdoi_pgsdobang_bianvt.htm

 

trang bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

Ngày đưa trang này lên mạng liên thông: 11-6 HB7 (2007)