n. Tiểu mục 40 - Giao lưu đoàn kết - Nguyễn Chiến

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

NGUYỄN CHIẾN

 

Chân dung NGUYỄN CHIẾN (nhiếp ảnh: Nguyễn Ngọc Hạnh)

 

                     Tự đối thoại với chính mình:

                                      Thật lòng về thơ đất Quảng

    

   1/ Tự nêu vấn đề: Thời gian gần đây, cụ thể là trong 5 năm qua, anh có thường đọc thơ của Quảng Nam không (tác giả là người QN, đang sinh sống, sáng tác tại QN)? Nếu đọc thì bằng tâm thế nào: của một độc giả bình thường với thơ nói chung hay của một độc giả "có cảm tình" và đang quan tâm đến thơ của vùng đất "chưa mưa đã thấm"?

   Tự giải đáp: Là người sáng tác thơ, tôi xem việc đọc thơ là… công việc. Tôi hay có niềm vui -  nhiều khi bất ngờ - là được các bạn thơ tặng quà… thơ. Có lúc nửa đêm phải dậy nghe thơ qua điện thoại. Tôi đọc thơ đa tâm thế: đọc chơi như một độc giả bình thường, đọc để được gần gũi nàng thơ của một gã mê cái đẹp, đọc để được thơ gợi hứng, gợi ‎í, đọc … soi mói "lột đến tận xương" (chữ Phan Khôi) từng câu từng chữ, xem hay dở thế nào ‎của một người hiểu biết ít nhiều chuyện bếp núc làm thơ. Tôi có cảm tình đặc biệt với các nhà thơ Quảng Nam. Tôi thích thơ Quảng Nam; thích nghe các nhà thơ Quảng Nam đọc thơ. Hay lắm! Hào sảng lắm! "Chưa mưa đã thấm" lắm!

    2/ Tự nêu vấn đề: Anh quan tâm đến điều gì nhất trong các sáng tác của các tác giả QN? Anh "nhớ" nhất ở họ và thơ họ là gì? Tác giả thơ nào ở QN khiến anh nhớ tên và đặc biệt hơn – nhớ đến thơ của họ?

   Tự giải đáp: Tôi quan tâm đến mọi điều trong thơ. Tôi không ưa "chủ nghĩa đề tài". Viết cái gì cũng được, miễn là gởi gắm, kí thác được nhiều. Có người chê thơ tình là "yêu đương nhăng nhít". Còn thơ thế sự, nhà thơ thế sự thì oai hơn, sang hơn. Sai bét! Nhiều tác phẩm văn học lớn của nước ta như Đoạn trường tân thanh, Chinh phụ ngâm, Văn tế Trương Quỳnh Như… là những câu chuyện tình yêu đắm đuối đến ngất ngư, đến chết mà bao chứa cả tâm tình nhân thế ngàn năm. Nhiều người nói: Quảng Nam là địa linh nên sinh ra nhiều bậc kiệt hiệt trên đời, không phải là đất của thi thơ. Tôi không nghĩ thế. Cứ đọc thơ của các tác giả thơ Quảng Nam đương đại thì biết: Trương Vũ Thiên An, Phan Chín, Nguyễn Chiến, Đoàn Minh Châu, Phương Dung, Nguyễn Đức Dũng, Phạm Tấn Dũng, Phùng Tấn Đông, Nguyễn Mậu Hùng Kiệt, Nguyễn Tấn Sĩ, Huỳnh Minh Tâm, Đỗ Thượng Thế, Nguyễn Hải Triều… (Đó là không kể những nhà thơ đã mất như Bùi Giáng, Thu Bồn, Trinh Đường…; những nhà thơ tầm cỡ nhưng không chịu viết nữa như Đynh Trầm Ca…; những nhà thơ đặc chất Quảng Nam nhưng sống và sáng tác xa quê như Hoàng Lộc, Tường Linh, Nguyễn Hàn Chung, Hướng Dương…). Họ có cái gì đó để đọc, để nhớ, để yêu; mà đáng nhớ nhất là chất hào sảng Quảng Nam, chất lửa và khả năng thao thức, dằn vặt với đời. Thơ Trương Vũ Thiên An, Phùng Tấn Đông có chút tài hoa; thơ Nguyễn Đức Dũng hay ở cái giọng; thơ Đỗ Thượng Thế hay ở sự dữ dội, u uẩn; thơ Phạm Tấn Dũng hay ở … sự rời rạc bất ngờ; thơ Huỳnh Minh Tâm như thô mộc mà lấp lánh suy niệm; thơ Nguyễn Hải Triều như "rơm rạ mùa" mà có nét duyên, thơ Phan Chín gánh gồng thế sự  v.v…   

   3/ Tự nêu vấn đề: Nếu được đề nghị tìm nói về điều gì đó để thể hiện sự tự hào về thơ QN, anh sẽ nói gì? Ngược lại, nói về… nỗi buồn, anh sẽ nói gì?

  Tự giải đáp: Thơ Quảng Nam mang chứa cái hồn của đất đai, sông núi, con người xứ sở "ơn trượng nghĩa dày", "chưa mưa đã thấm" và đang ở giữa dòng chảy nhọc nhằn thai sinh nền thi ca mới hiện đại cho đất nước. 

   Cho tôi nói về nỗi buồn của thơ ca xứ sở à? Hình như thơ Quảng Nam đang bị… nghiệp dư hóa. Nhiều người làm thơ quá, kể đếm không hết. Làm được thơ là việc làm "lương thiện" của nhiều người, nhưng để trở thành nhà thơ thì không dễ chút nào. Ép mình trở thành thi sĩ là tự đày đọa mình và làm khổ người đọc. Thơ thì đời thường mà cao diệu, là "sắc đẹp ở ngòai sắc đẹp, vị ngon ngòai cả vị ngon" (Tựa Trích diễm thi tập – Trần Đức Lương). Thi nhân thì "muôn một", không thể như nấm sau mưa được. Nhiều người không hề có tư duy thơ cũng đặt bày làm thơ, in thơ. Có người chỉ nên ghé qua "chiếu thơ" một chút cho vui rồi đi, chứ không nên lì lợm làm thơ mãi. Nguyễn Huy Thiệp trong Giăng lưới bắt chim đã cay đắng mà nêu lên "tình trạng lạm phát thơ", "danh hiệu nhà thơ bị rẻ rúng" ở nước ta. Một ngày trôi qua có ít nhất hai tập thơ được in ra. Tôi cứ nơm nớp lo sợ thơ Quảng Nam trở thành "tiêu biểu", "điển hình" cho tình trạng trên.

   4/ Tự nêu vấn đề: Theo anh, thơ có "tâm lí tỉnh lẻ" không? Thơ QN thời gian qua, theo anh có mắc phải tâm lí đó không?

   Tự giải đáp: Làm gì có "thơ tỉnh lẻ", thơ thành phố cấp trung ương hoặc thơ thủ đô! Chỉ có thơ hay và không hay mà thôi. Như đã nói ở trên, thơ Quảng Nam hào sảng lắm, quẫy đạp lắm; không phải nơi nào cũng có được. Tôi thực sự tự hào về điều đó. Hữu xạ tự nhiên hương. Nếu một nơi một nơi vùng sâu vùng xa nào đó có một vài người như Nguyễn Du hay Hàn Mặc Tử thì "trung tâm thơ", "trung tâm văn học" sẽ theo về ngay. Cũng phải lưu í tình hình nầy: thơ "tỉnh lẻ" ít có điều kiện phổ biến, lăng-xê; còn nhà thơ "tỉnh lẻ" thì "khờ khạo" hơn nhà thơ chốn phồn hoa đô hội.

   5/ Tự nêu vấn đề: Có người nói miền Trung (trong đó có QN) là vùng đất của thi ca. Tuy nhiên, thơ miền Trung nói chung và QN nói riêng đang ở  "vùng trũng" của thơ ca đất nước. Anh nghĩ sao về nhận xét nầy?

    Tự giải đáp: Nơi nào có cái đẹp, có vui buồn, có nỗi đau, niềm khát vọng, con người còn đến với nhau bằng yêu thương chân thật nơi đó là đất thơ. Miền Trung núi non hùng vĩ, sông biển dặm dài, cũng là dải đất nhọc nhằn mà tình nghĩa sâu nặng; bao đời sinh hạ những nhà thơ lớn: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Khôi, Phạm Hầu, Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên…Thơ là thiên cổ sự, cho nên đừng nóng ruột "tính sổ" vội, ép thi nhân miền Trung, thi nhân đất Quảng hôm nay đẻ non! Hãy đợi đấy! Rồi sẽ có những thi nhân cắm mốc cho sự cách tân thơ ca thế kỉ XXI như những thế hệ trước đã từng. Đã có nhiều thi sĩ trẻ đất Quảng mang hồn thơ mới mà nhà thơ lớp trước không thể có được. Họ đang bứt phá, thể nghiệm, kiếm tìm…

   6/ Tự nêu vấn đề: Anh có nhận xét gì về thơ trên tạp chí Đất Quảng? Theo anh, tạp chí Đất Quảng đã thực sự là cầu nối, là nơi giao lưu, tập hợp, động viên phong trào của thi ca xứ Quảng chưa?

   Tự giải đáp: Ai đó đã nói mấy câu rất "nguyên tắc": Một nhà văn, nhà thơ xuất hiện ư? Hãy xem anh ta là người như thế nào? Liệu anh ta có đem lại điều gì mới cho văn học không? Đất Quảng chưa từng giới thiệu được một nhà văn, nhà thơ như thế! Xin nói thật: "air" thơ Đất Quảng hiền quá và lại nặng tính giáo huấn, ít có thơ xáo trộn cả thực, được viết từ niềm thâm cảm mà thi nhân nghe được từ cõi vô thức, tiềm thức, tâm linh… Văn học từ sau 1986 đổi mới đã có thành tựu rồi, Đất Quảng cứ mãi như thế thì khó còn bạn đọc! Đất Quảng nên có giải thưởng lớn hằng năm cho thơ; cần có cây roi phê bình quất mạnh cho con ngựa thơ lồng lên…

                                                                   

                                                                          Điện Bàn, tháng 11 năm 2008

                                                                                                      NGUYỄN CHIẾN

 

 

________________________________________________________________________________________________

 

 

 

    

Ý KIẾN NGƯỜI ĐỌC & GIỚI CẦM BÚT:

http://txawriter.wordpress.com (link mới)

THÔNG TIN - GIAO LƯU - ĐOÀN KẾT:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

 

Đặc biệt:

Ý KIẾN NGƯỜI ĐỌC & "NHÀ CẦM BÚT & CÁI NHÀ Ở":

http://txawriter.wordpress.com/2007/08/29/tra-loi-nguoi-doc-1-nha/

 

 

_______

 

Trở về

TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

 

THÔNG BÁO CẬP NHẬT Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update_mucluctrang

 

 

trang "Các trang mục trên WebTgTXA.":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

đặc biệt, trang toàn bộ tác phẩm Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/danhmtphamtxa_googlepcreator.htm

 

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE 

  

 

    lên đầu trang (top page)   

22-11 HB8 (2008) = 25-10 Mậu tí HB8