Thư trao đổi với PGS.TS. Đỗ Bang

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

 

THƯ TRAO ĐỔI VỚI PGS.TS ĐỖ BANG

(có đính chính quan trọng ở vài câu: 19 : 52', ngày 22-5 HB7 & 6 : 44', 23-5 HB7)

 

TP.HCM., ngày 20-5 HB7 (2007)

Kinh gửi PGS.TS. Đỗ Bang,

Thưa anh,

Cách đây đã mấy tuần, tôi có gửi ra Hội KHLS. Thừa Thiên - Huế & Hội KHLS. Việt Nam tại Hà Nội điện thư kiến nghị cùng phần đính kèm nguyên bản văn bia về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường và một vài điểm đóng góp thêm của tôi vào bản văn bia ấy, đồng thời, tôi cũng đã gửi qua bưu điện toàn bộ các văn bản và thư kiến nghị in giấy.

Nay được anh gửi cho xem bản văn bia có chỉnh sửa dăm bảy từ với một bản công bố ý nghĩa việc dựng bia lịch sử và lược thuật quá trình nghiên cứu của giới sử học…

Về việc này, trước hết tôi xin thành thật cảm ơn anh. Nhân đây, tôi cũng xin có vài ý kiến nhỏ:

1. Tôi rất tiếc là vài điểm đóng góp thêm của tôi, cụ thể là vài dòng ghi nhận 3 văn kiện rất quan trọng, gồm 2 bản dụ do vua Hàm Nghi (cùng Tôn Thất Thuyết) từ Tân Sở gửi về cho Nguyễn Văn Tường, hoàng tộc (cùng ngày ban Dụ Cần vương, 13-7-1885 [2-6 Ất dậu] & 18-7-1885 [7-6 Ất dậu]) và bản án chung thẩm về nhóm chủ chiến do nguỵ triều Đồng Khánh và thực dân Pháp tuyên (đầu tháng 10-1885 [cuối tháng 8 Ất dậu]), không được chấp nhận trong nội dung văn bia. Tuy vậy, tôi cũng thấy có ghi nhận ở phần lược thuật chung về quá trình nghiên cứu, nhưng chỉ được viết chung chung là “các bài dụ của vua Hàm Nghi”, còn tuyệt nhiên không liệt kê thêm chi tiết thứ 3 là bản án chung thẩm quan trọng ấy.

2. Theo tôi, tư liệu gốc chúng ta hiện có là các châu bản (chiếu, dụ, tấu, sớ, cáo thị, bản án …) và toàn bộ các thuật sự trong Đại Nam thực lục. Kho lưu trữ vẫn còn lưu giữ được khá nhiều châu bản, và đã được tóm lược, xuất bản một ít. Thêm vào số tư liệu trên, là các tập châu bản, một tập thơ của Nguyễn Văn Tường (hậu duệ ông chép lại, lưu giữ được) do nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc sưu tầm, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh khởi công phiên dịch (về sau có sự phiên dịch tiếp của 2 nhà nghiên cứu khác là Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Tôn Nhan; TS. Ngô Thời Đôn hiệu đính; bản thân tôi [TXA.] đã chú giải, biên soạn...). Ngoài ra, trong nước ta cũng đã có những văn bản của Pháp, gồm cả của các cố đạo Pháp, đã được công bố từ trước đến nay trên sách báo của Pháp, kể cả những gì được gọi là “chưa công bố”, “mới sưu tầm được” trong các luận án của các ông Cao Huy Thuần, Yoshiharu Tsuboi, trong sách của Ban Liên lạc Tù chính trị Côn Đảo... Nhưng quan trọng nhất vẫn là Đại Nam thực lục. Đó là chuẩn cứ không có gì có thể thay thế. Điều mắc mứu nhất khi nghiên cứu nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường là 2 tháng sau ngày 5-7-1885. Tôi nghĩ 3 văn kiện kể trên, có thể kể thêm các dụ, cáo thị của Đồng Khánh, Hector… (cùng các tư liệu phía Pháp ta đã có như vừa liệt kê) là đã đủ để xác minh, làm rõ sự thật lịch sử của “điều mắc mứu” ấy. Thế mà bản văn bia quá chú trọng đến tư liệu của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, cô Trần Nguyễn Từ Vân! Tôi hiểu vì sao có sự chú trọng thái quá ấy. Có lẽ chúng ta muốn động viên lòng hiếu thảo của bà Oanh và cô Vân đối với tổ tiên. Tuy nhiên, về lâu về dài sau này, tôi nghĩ là sẽ có thể bị “đặt lại vấn đề” do chúng ta không nhấn mạnh đúng mức tư liệu gốc của nước ta là Đại Nam thực lục (các châu bản nói chung được trích dẫn nguyên văn trong ấy) và các tư liệu khác của Pháp đã được xác định thời điểm công bố của chúng (BAVH. & các sách xuất bản bên Pháp từ đầu thế kỉ XX)... Nói gì thì nói, Đại Nam thực lục đã thuộc về loại tư liệu gốc vĩnh cửu, muôn vạn đời. Là một người đã viết, biên khảo 1 bộ sách và 3 cuốn sách về đề tài Nguyễn Văn Tường (1 bộ và 2 cuốn đã xuất bản ở dạng in giấy, 1 cuốn còn ở dạng sách điện tử), một trong những điều tôi thường suy nghĩ, cân nhắc là về mức độ phải chăng (đúng mức) của các tư liệu bà Oanh, cô Vân sưu tầm. Không khéo vì lẽ cần động viên lòng hiếu thảo của bà Oanh, cô Vân mà chúng ta đặt tư liệu phụ do 2 vị ấy sưu tầm lên trên tư liệu gốc là Đại Nam thực lục và trên các tư liệu Pháp ta đã có?!? Mặc dù cũng rất cần thiết, nhưng đó chỉ là tư liệu tham khảo thêm, bổ trợ phần nào mà thôi. Nói cách khác, không phải nhờ có số tư liệu bà Oanh, cô Vân tìm kiếm được ở các kho lưu trữ tại Pháp và Tahiti mà chúng ta mới đủ dữ kiện để kết luận về 2 tháng sau ngày 5-7-1885 của Nguyễn Văn Tường và việc ông bị lưu đày, qua đời tại Tahiti. Xin tóm lại, về điểm này, tôi thấy chúng ta nên cẩn trọng kẻo bị “đặt lại vấn đề” từ phía công luận hiện nay và mai sau. Để khỏi tốn thêm giấy mực và công sức, một khi sự thể “đặt lại vấn đề” xảy ra, và để công việc dựng bia khỏi bị trở thành công cốc, thiết tưởng cũng thưa với anh rằng: Ngay trong thời điểm hiện nay, tôi đã nghe dư luận không thuận lợi, nếu không nói là bất nhã về việc nhấn mạnh thái quá tư liệu do bà Oanh và cô Từ Vân sưu tầm, mà câu hỏi xem ra dễ chịu nhất là tại sao số tư liệu ấy không chính thức công bố bằng hình thức xuất bản sách với các bản dịch có hiệu đính nghiêm chỉnh (chỉ mới trích đoạn, đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, 2003), và, tại sao các kho lưu trữ, các viện nghiên cứu, các đại học ở Pháp không có một văn bản chính thức nào chứng thực các tư liệu ấy (có khuôn dấu, chữ kí, công bố trên báo chí; chỉ riêng tại kho lưu trữ ở Papeete, Tahiti, có một bản khai tử là trường hợp duy nhất có khuôn dấu và chữ kí chứng thực, ghi ngày 20-8-2002 [1])…

Theo sự suy nghĩ của tôi, chúng ta cần thiết phải viết thêm vào văn bia vài dòng ghi nhận 3 văn kiện rất quan trọng, gồm 2 bản dụ do vua Hàm Nghi (cùng Tôn Thất Thuyết) từ Tân Sở gửi về cho Nguyễn Văn Tường, hoàng tộc (cùng ngày ban Dụ Cần vương, 13-7-1885 [2-6 Ất dậu] & 18-7-1885 [7-6 Ất dậu]) và bản án chung thẩm về nhóm chủ chiến do nguỵ triều Đồng Khánh và thực dân Pháp tuyên (đầu tháng 10-1885 [cuối tháng 8 Ất dậu]).

Kính mong anh xem lại nguyên văn bản văn bia tôi có đóng góp ý kiến (tôi đã gửi bằng điện thư [e-mail] đồng thời đã gửi ở dạng in giấy qua dịch vụ chuyển phát nhanh của bưu điện).

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/vanbia.htm

Thưa anh, tôi nghĩ vậy trước hết và trên hết là vì tính khoa học trong việc viết văn bia về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, một đề tài tôi đã trải qua mấy chục năm nung nấu, trải qua mươi năm thực sự đi sâu vào nghiên cứu, viết sách, viết báo, đồng thời tốn rất nhiều tiền bạc để xuất bản sách. Vâng, thưa anh, vì đề tài sử học về Nguyễn Văn Tường, nên tôi cũng không ngại mất lòng bà Oanh và cô Vân (2 vị này là nội hậu duệ đời thứ tư và ngoại hậu duệ đời thứ 5 của Nguyễn Văn Tường). Tôi không muốn nói ở đây, chính tôi cũng là nội hậu duệ đời thứ 5 của Nguyễn Văn Tường, mặc dù tôi mang họ Trần Xuân.

Kính mạn phép trút bày những băn khoăn của tôi như thế. Kính mong anh quan tâm lưu ý giúp.

Tâm huyết và công lao của anh đối với sử học nước nhà, trong đó có đề tài Nguyễn Văn Tường, tôi mãi mãi cảm phục và kính trọng.

Việc Hội KHLS. Thừa Thiên - Huế đề xuất sáng kiến "Dựng bia cho các nhân vật lịch sử", đầu tiên là về Nguyễn Văn Tường, và Hội KHLS. Việt Nam ủng hộ, khiến tôi vô vàn cảm kích.

Điều cuối thư này: Nếu có thể, tôi xin phép anh được đưa lên điểm mạng liên thông (website) của tôi thư này cùng 2 văn bản anh mới gửi và chúng ta đang bàn về chúng.

Kính chúc anh luôn luôn vui khoẻ và thành đạt.

Kính mong anh gửi điện thư cho tôi để tôi được biết ý anh.

 

Trân trọng,

Kinh thư,

Trần Xuân An

Web: http://tranxuanan.writer.googlepages.com

E-mail: tranxuanan.writer@gmail.com

tranxuanan_vn@yahoo.com

_______________________

[1] "Tư liệu về Nguyễn Văn Tường, 1883 - 1884 - 1885 - 1886", sưu tầm của Nguyễn Thị Ngọc Oanh và Trần Nguyễn Từ Vân, nguyên bản in vi tính (có nhiều phóng ảnh tư liệu), gồm 232 trang A 4, sưu tầm năm 2003, tự hiệu đính 2004,  tr. 159.

 

Xin anh vui lòng xem lại:

 

HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ DỰNG BIA NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824-1886) (1)

 

            Cách đây gần mười năm, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có sáng kiến "Góp một giọt đồng đúc tượng danh nhân". Công việc ấy đã trở thành một hoạt động sử học có chiều sâu và là cuộc vận động sôi nổi được nhân dân trong cả nước quan tâm, hàng vạn người hưởng ứng tham gia. Đến nay, Hội đã đúc được trên 200 tượng danh nhân.

             Năm 2006, Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề ra nhiệm vụ "Dựng bia cho các nhân vật lịch sử" và đã được toàn thể Ban chấp hành đồng tình, được Hội KHLS Việt Nam cho đó là một sáng kiến kế tục trong công tác Hội nhằm tôn vinh để danh nhân có được tượng đồng, bia đá ghi nhận công lao, khẳng định sự nghiệp trong lịch sử.

            Nguyễn Văn Tường (1824-1886) là nhân vật đầu tiên được khắc văn bia lịch sử do Hội đề xuất, bởi vì:

            - Đây là nhân vật lịch sử có tầm vóc to lớn, có ảnh hưởng sâu rộng trên chính trường và xã hội nước ta vào nửa sau thế kỷ XIX.

            - Là nhân vật hàng đầu trong phe chủ chiến chống Pháp, chống triều đình tay sai và các hoàng thân, quan lại thân Pháp nên bị sử sách thời thực dân, phong kiến lên án, dư luận đương thời khen chê bất nhất. Điều đó đã tác động đến cách nhìn nhận của giới sử học nước ta từ sau năm 1945 ở cả hai miền đất nước, làm cho giới nghiên cứu sau năm 1975 không bằng lòng và nhiều độc giả băn khoăn.

            - Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, các triều đại cũng như các nhân vật lịch sử được giới sử học nước ta nghiên cứu, đánh giá công bằng và công minh hơn. Nổi bật nhất là thành tựu nghiên cứu về triều Nguyễn và các nhân vật dưới triều Nguyễn mà Nguyễn Văn Tường là trường hợp điển hình, được ánh sáng sử học soi rọi trong từng sự kiện, từng hành trạng, từng câu chữ trong các bài dụ của vua Hàm Nghi, các bản báo cáo, công báo của thực dân Pháp, từng dòng tư liệu trong sử sách, từng lời nói, câu thơ, từng trang gia phả và qua các nguồn tư liệu của giới sử học trong nước cùng các tài liệu lưu trữ tại Pháp, Tahiti do hậu duệ là bà Nguyễn Ngọc Oanh và Trần Nguyễn Từ Vân đã dành nhiều năm dày công sưu tầm -- nguồn tư liệu đó trước năm 1975 giới sử học nước ta chưa có điều kiện tiếp cận. Kết quả này đã được công bố trong các cuộc hội thảo năm 1996 tại thành phố Hồ Chí Minh do trường Đại học Sư phạm tổ chức, đặc biệt là hội thảo mang tầm quốc gia ở thành phố Huế vào năm 2002 do Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên - Huế và Trung tâm KHXH và Nhân văn Huế (Đại học Huế) tổ chức, hội nghị năm 2003, do Hội KHLS Việt Nam tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Những kết quả nghiên cứu trên đã được chúng tôi thay mặt Hội KHLS Việt Nam báo cáo tại quê hương An Cư, xã Triệu Phước của Nguyễn Văn Tường vào ngày 24 tháng 3 năm 2007 trong dịp khánh thành đền thờ của ông.

            Kết quả nghiên cứu về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường là một trong những thành tựu có ý nghĩa của giới sử học nước ta trong thời gian qua. Từ trong tăm tối của quá khứ bất công, lịch sử Nguyễn Văn Tường đã được đưa ra ánh sáng, được khôi phục lại giá trị chân chính. Giới sử học đã tẩy được vết nhơ trên tấm kính chân dung; hình ảnh Nguyễn Văn Tường từ đây được tỏa sáng và được hậu thế tôn vinh. Để ghi lại vắn tắt về một quá trình nghiên cứu lâu dài và khẳng định vai trò Nguyễn Văn Tường đối với lịch sử dân tộc, Hội KHLS Việt Nam, Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên - Huế kính tặng Bia Lịch sử Nguyễn Văn Tường cho quê hương và gia tộc.

_________________

(1) Bài viết của PGS.TS. Đỗ Bang, phó tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam, chủ tịch Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế. Địa chỉ : 28 Nguyễn Tri Phương, Huế. ĐT : 0903591041, 054.828428.

 

 

 VĂN BIA LỊCH SỬ

KỲ VĨ QUẬN CÔNG NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824-1886) (2)

 (bản sau khi đóng góp ý kiến lần thứ nhất, ngày 11 tháng 4 năm 2007, vẫn không được bổ sung, chỉ chỉnh sửa một số chữ)

 

            Sinh trưởng tại làng An Cư, tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Văn Tường đỗ cử nhân năm 26 tuổi, được bổ làm huấn đạo huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), thăng tri huyện Thành Hoá (nay là huyện Hướng Hoá, Cam Lộ và Đa Krông) thuộc tỉnh Quảng Trị, chăm lo cho dân miền núi, lập nhiều công trạng, nên được chuyển về kinh làm viên ngoại lang Bộ Binh, vào Quảng Nam làm án sát, về Huế làm phủ doãn Thừa Thiên. Sau vụ khởi nghĩa "Chày vôi" ở kinh thành (1866), ông bị giáng chức làm bang biện huyện Thành Hoá. Ông đã mộ dân lập làng, mở đường, thúc đẩy giao thương miền núi, rồi ra làm tán tương quân vụ quân thứ Lạng Sơn, Cao Bằng và Tuyên Quang. Cuối năm 1873, Hà thành thất thủ, ông được cử làm khâm sai, ra Hà Nội thương nghị với phái viên Pháp thu hồi bốn tỉnh thành bị chiếm, vào Gia Định ký hoà ước Giáp tuất (1874). Sau đó, ông được thăng thượng thư Bộ Hình, sung đại thần Viện Cơ mật, rồi thượng thư Bộ Hộ kiêm quản Viện Thương bạc, lo việc ngoại giao với Pháp.

Khi vua Tự Đức băng hà (1883), ông được sung làm đệ nhất phụ chính đại thần. Ông cùng đệ nhị phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết chủ trương phế bỏ các vua chủ hoà, trấn áp các phần tử thân Pháp. Đầu năm 1884, ông làm thượng thư Bộ Lại, thăng Cần chánh điện đại học sĩ, được ban tước Kỳ Vĩ quận công. Ông cùng Tôn Thất Thuyết tích cực xây dựng căn cứ Tân Sở, lập quân Phấn Nghĩa, tu bổ hệ thống phòng thủ miền núi để phòng đại sự.

 Đêm mồng 4 rạng ngày 5-7-1885, Tôn Thất Thuyết tổ chức trận đánh úp quân Pháp tại Huế không thành. Kinh thành bị giặc chiếm. Ông hộ giá vua Hàm Nghi rời kinh, đến Kim Long thì theo mật chỉ của thái hoàng thái hậu Từ Dũ, ông phải ở lại Huế tìm cách liên hệ với Toà Khâm sứ Pháp để thương thuyết. Nhưng De Courcy nghi ngờ, đã giam lỏng ông ở Viện Thương bạc với sự giám sát cẩn mật, buộc ông trong vòng 2 tháng phải ổn định tình hình, đưa vua về triều. Tài liệu lưu trữ ở Pháp và Tahiti cho biết: Trong vòng kềm tỏa của kẻ thù, ông vẫn bí mật chống Pháp. Sau khi phát hiện ra mật thư của một phái viên chuyển đến, ông bị De Courcy ra lệnh bắt khẩn cấp, kết tội, đày đi Côn Đảo, rồi sang Tahiti. Tại đây, uất ức vì chí lớn không thành, ông lâm bệnh và qua đời ngày 30-7-1886 (29-6 Bính tuất), ít lâu sau thi hài ông được đưa về an táng tại quê nhà.

Suốt 36 năm gắn bó với vận nước gian truân, đảm đương nhiều trọng trách, ông đã tỏ rõ phẩm chất một vị quan yêu nước, chăm lo cho dân. Là một nhà chính trị và ngoại giao tài năng ở nửa sau thế kỷ XIX, hành xử trong bối cảnh đất nước có nhiều nguy cơ và biến động khó lường, hành động của ông khá quyền biến, linh hoạt, khiến dư luận đương thời khen chê bất nhất. Nhưng cuối cùng hậu thế đã hiểu được ông: Một đại thần suốt đời trung trinh với nước, sáng tỏ một tấm lòng son.

 

                                           Huế - Quảng Trị - Hà Nội : tháng  3 năm 2007

                              Ngày dựng bia: 03 - 6 - 2007 (ngày 18 tháng 4 năm Đinh hợi)

                                                HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM

                                    HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

 

__________________

(2) Bản khởi thảo văn bia do nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh thực hiện, được góp ý của 23 nhà sử học và Hán học ở Huế và Hà Nội, được thông qua hội nghị Ban chấp hành Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế và lãnh đạo Hội KHLS Việt Nam; được trình bày trước chính quyền, các đoàn thể xã Triệu Phước, nhân dân làng An Cư, gia tộc và hậu duệ Nguyễn Văn Tường. Bản văn bia chính thức được hoàn chỉnh sau khi PGS.TS. Đỗ Bang, chủ tịch Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên - Huế, phó tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam làm việc với lãnh đạo Hội KHLS Việt Nam: GS Phan Huy Lê - chủ tịch, GS. Đinh Xuân Lâm - phó chủ tịch và tổng thư ký Dương Trung Quốc cùng hậu duệ là Nguyễn Ngọc Oanh và Trần Nguyễn Từ Vân ngày 30 tháng 3 năm 2007 tại Hà Nội (*).

 

XIN CẢNH BÁO TRƯỚC:

Sau này, đừng căn cứ vào bản văn bia trên và chú thích (2) (*) để cắt xén 3 tư liệu gốc (2 bản dụ của vua Hàm Nghi, 13 & 18-7-1885, và bản án chung thẩm, 10-1885) trong "Đại Nam thực lục" (tập 36, tập 37, bộ sđd., Nxb KHXH. -- Hà Nội).

VUI LÒNG XEM LẠI:

Bản văn bia đầu tiên & bản có góp ý:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/vanbia.htm

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thukiennghi_vanbia.htm

TRÔNG MONG SỰ PHÂN ĐỊNH CỦA CÔNG LUẬN, BÁO CHÍ TRONG SỰ SO SÁNH CÁC BẢN VĂN BIA.

 

 

NHẮN TIN (15 : 34' & 17 : 32' cùng ngày):

Nhân đây tôi cũng xin nhắn tin đến bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh [cô] và cô Trần Nguyễn Từ Vân [em]:

Theo nguyên tắc, sau khi sao chụp tư liệu tại các trung tâm lưu trữ, cần nhờ các nhân viên thủ thư lập danh sách bản chụp, kế đến, nhờ các giám đốc các trung tâm kí tên, áp khuôn dấu, gồm cả dấu giáp lai, chứng thực "sao y bản chính", "bản chính có lưu trữ tại trung tâm" trên mỗi trang sao chụp tư liệu. Ít ra cũng như ở bản sao chứng từ khai tử tại Papeete, Tahiti. Như vậy mới là tối ưu về thủ tục.

Vui lòng thực hiện thêm công đoạn thuộc thủ tục này.

Tốt nhất là có thêm sự làm chứng trực tiếp của các chuyên gia giám định tư liệu thuộc Viện Sử học, Hội Sử học Việt Nam hoặc các chuyên gia tư liệu sử học ngoại quốc có uy tín quốc tế.

Một điều khác: Phải có một người có chuyên môn cao trong lĩnh vực dịch thuật hiệu đính các bản dịch.

Đề nghị thực hiện một website để công bố tư liệu đã chứng thực và đồng thời xuất bản thành sách (có sự giám định của Hội đồng Giám định & phản biện khoa học xã hội thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam).

Trân trọng,

Trần Xuân An

 

 

 

_______________________

BỊ CHÚ (*) hay (*) thuộc chú thích (2) [22-5 HB7]:

Chú thích (2) có nguyên văn như sau, theo điện thư do PGS.TS. Đỗ Bang gửi vào: "Bản khởi thảo văn bia do nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh thực hiện, được góp ý của 23 nhà sử học và Hán học ở Huế và Hà Nội, được thông qua hội nghị Ban chấp hành Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế và lãnh đạo Hội KHLS Việt Nam; được trình bày trước chính quyền, các đoàn thể xã Triệu Phước, nhân dân làng An Cư, gia tộc và hậu duệ Nguyễn Văn Tường. Bản văn bia chính thức được hoàn chỉnh sau khi PGS.TS. Đỗ Bang, chủ tịch Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên - Huế, phó tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam làm việc với lãnh đạo Hội KHLS Việt Nam: GS Phan Huy Lê - chủ tịch, GS. Đinh Xuân Lâm - phó chủ tịch và tổng thư ký Dương Trung Quốc cùng hậu duệ là Nguyễn Ngọc Oanh và Trần Nguyễn Từ Vân ngày 30 tháng 3 năm 2007 tại Hà Nội".

Tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm về chú thích này, vì có thể gây nên sự xúc phạm đối với 23 nhà sử học, Hán học và các nhà nghiên cứu, các giáo sư có ghi tên...

Tôi nghĩ, những sai sót trong bản văn bia chính thức này chỉ do lỗi của nhân viên gõ phím vi tính hoặc của chính PGS.TS. Đỗ Bang, chứ không phải là sơ suất của các nhà sử học, Hán học, lãnh đạo Hội KHLS. Việt Nam...

Trần Xuân An

Địa chỉ:

71B Phạm Văn Hai

Phường 3, quận Tân Bình

TP.HCM.

Điện thư: tranxuanan_vn@yahoo.com

tranxuanan.writer@gmail.com

Điện thoại: (08) 8453955   &   0908 803 908

 

___________________________

 

ĐỪNG ĐỂ KẺ XẤU XÂY DỰNG BIA LỊCH SỬ NGUYỄN VĂN TƯỜNG [1824-1886] TRÊN "CHỖ ĐẤT BẤP BÊNH" -- NHỮNG TƯ LIỆU CHƯA ĐƯỢC CHỨNG THỰC

(mặc dù rất tha thiết với việc dựng bia tưởng niệm & tôn vinh nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, nhưng chúng tôi phải lên tiếng như thế -- 23-5 HB7)

Đề nghị PGS.TS. Đỗ Bang trả lời người đọc những câu hỏi tuy giản dị nhưng cần thiết phải đặt ra một cách cụ thể

&

KÍNH CHÚC VIỆC LẬP BIA TƯỞNG NIỆM & TÔN VINH NHÂN VẬT LỊCH SỬ NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824-1886) THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP

(vui lòng bấm vào dòng chữ link hoá bên trên -- 24-5 HB7)

 

_________________________________________________________________________________________________________

Trở về trang

bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

Ngày đưa trang này lên mạng liên thông: 21-5 HB7 (2007)

Bổ sung bị chú cho chú thích (2): 22-5 HB7

ĐÍNH CHÍNH QUAN TRỌNG

(19 ; 52', 22-5 HB7)

Các đoạn, câu đã được chỉnh sửa:

1)

2. Theo tôi, tư liệu gốc chúng ta hiện có là các châu bản (chiếu, dụ, tấu, sớ, cáo thị, bản án …) và toàn bộ các thuật sự trong Đại Nam thực lục. Kho lưu trữ vẫn còn lưu giữ được khá nhiều châu bản, và đã được tóm lược, xuất bản một ít. Thêm vào số tư liệu trên, là các tập châu bản, một tập thơ của Nguyễn Văn Tường (hậu duệ ông chép lại, lưu giữ được) do nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc sưu tầm, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh khởi công phiên dịch (về sau có sự phiên dịch tiếp của 2 nhà nghiên cứu khác là Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Tôn Nhan; TS. Ngô Thời Đôn hiệu đính; bản thân tôi [TXA.] đã chú giải, biên soạn...). Ngoài ra, trong nước ta cũng đã có những văn bản của Pháp, gồm cả của các cố đạo Pháp, đã được công bố từ trước đến nay trên sách báo của Pháp, kể cả những gì được gọi là “chưa công bố”, “mới sưu tầm được” trong các luận án của các ông Cao Huy Thuần, Yoshiharu Tsuboi, trong sách của Ban Liên lạc Tù chính trị Côn Đảo...  

2)

(chỉ mới trích đoạn, đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, 2003)

3)

và, tại sao các kho lưu trữ, các viện nghiên cứu, các đại học ở Pháp không có một văn bản chính thức nào chứng thực các tư liệu ấy (có khuôn dấu, chữ kí, công bố trên báo chí; chỉ riêng tại kho lưu trữ ở Papeete, Tahiti, có một bản khai tử là trường hợp duy nhất có khuôn dấu và chữ kí chứng thực, ghi ngày 20-8-2002 [1])…

4)

Theo nguyên tắc, sau khi sao chụp tư liệu tại các trung tâm lưu trữ, cần nhờ các nhân viên thủ thư lập danh sách bản chụp, kế đến, nhờ các giám đốc các trung tâm kí tên, áp khuôn dấu, gồm cả dấu giáp lai, chứng thực "sao y bản chính", "bản chính có lưu trữ tại trung tâm" trên mỗi trang sao chụp tư liệu. Ít ra cũng như ở bản sao chứng từ khai tử tại Papeete, Tahiti. Như vậy mới là tối ưu về thủ tục.

 

XIN THÀNH THẬT CÁO LỖI VỀ NHỮNG SƠ SUẤT AI CŨNG CÓ KHI GẶP PHẢI -- NHỮNG SƠ SUẤT RẤT NGUY HẠI, CẦN PHẢI CHỈNH SỬA, VỚI TINH THẦN KHÔNG CỐ CHẤP, KHÔNG TỰ ÁI.

TXA.

6 : 44', 23-5 HB7

_________

Bổ sung đề mục & links: 23 & 24-5 HB7

Bổ sung cho đầy đủ: "bản thân tôi [TXA.] đã chú giải, biên soạn..." : 19-06 HB7