g. Trần Xuân An - Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa - Tệp 7

 

trần xuân an

Nguyễn Văn Tường,

những người trung nghĩa từ xưa,

tưởng không hơn được

   author's copyright

 

07/01/09

 

A.

 

Lời thưa

 

Bài 1

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

 

B.

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

Phụ lục 3

 

 

C.

 

Ngoài sách

 

Cuối sách

 

 

____________

____________

 

Hình ảnh 1

 

Hình ảnh 2

 

Bản đồ

 

 

 

 

 

 

 

                             

  

TRẦN XUÂN AN

 

NGUYỄN VĂN TƯỜNG,

“NHỮNG NGƯỜI TRUNG NGHĨA

TỪ XƯA,

TƯỞNG KHÔNG HƠN ĐƯỢC”

KHẢO LUẬN VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH SỬ HỌC

 

 

  

Nhà Xuất bản

2003

 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC:

 

ĐẠI NAM THỰC LỤC, CHÍNH BIÊN, IV, V,VI

(trích đoạn nguyên văn)

     

1. Nguyễn Văn Tường cùng đồng sự đi kinh lí huyện Thành Hóa, Quảng Trị, tháng 01 Giáp tí (tháng 02. 1864):

 

“Sai hữu thị lang Bộ Lại là Thân Văn Nhiếp, biện lý Bộ Binh là Nguyễn Văn Tường đi các châu tổng trong huyện Thành Hóa, đạo Quảng Trị, để thăm xét dân tình, địa thế. Bọn Văn Nhiếp xin trích phái 1 quản cơ, 3 suất đội, và 150 tên biền binh ở cơ Định Man đem khí giới đầy đủ đi theo cho trọng sự thể. Và xin mua theo thị giá các thứ vải hoa màu của Tây dương và sa nam, may chế quần áo đều 20 bộ, chè bắc hạng to cánh 5 cân, rượu 30, 40 cân, đem ban cấp cho những người ti mục dân thổ, để tuyên bảo đức ý của Triều đình. Vua y cho”.

 

(ĐNTL.CB., tập 30, Nxb. KHXH.,

1974, tr. 51).

 

2. Nguyễn Văn Tường là vị quan giỏi được chọn làm phủ doãn để hiểu bảo giáo dân Thiên Chúa giáo tại kinh đô Huế, tháng 6 Giáp tí (tháng 7.1864):

 

“Vua cho là hiện nay dân lương, đạo khích nhau, kinh ấp Thừa Thiên, Nghệ An hạt lớn, cần được người giỏi để hiểu bảo cho dân yên. Bèn cho Ngụy Khắc Đản (biện lý) lãnh bổ bố chính sứ Nghệ An (nguyên bố chánh là Đoàn Văn Hội đổi vào làm biện lý Bộ Binh), Nguyễn Văn Tường (biện lý) lãnh chức phủ doãn (nguyên phủ doãn là Trần Tiến Thọ can dân kiện ở ngoài đợi xét)”.

 

(ĐNTL.CB., tập 30, Nxb. KHXH.,

1974, tr. 97 – 98).

 

3. Nguyễn Văn Tường xin trở về Thành Hóa (Cam Lộ) để làm tuyên phủ sứ, đặt cơ sở để xây dựng Tân Sở, hậu lộ của kinh đô, tháng 02 Ất sửu (tháng 3.1865):

 

“… Tri huyện Thành Hóa tỉnh Quảng Trị là Nguyễn Duy Tự, xin đem quân đi xếp đặt công việc ở bảo Trấn Lao […] [*].

Vua […] nhân bảo bộ thần rằng: “Nguyễn Duy Tự không phải là người trọng hậu, tựa như người hiếu sự, ở nơi biên viễn, mà không được như Nguyễn Văn Tường, thì lợi chưa thấy, mà hại lại sinh ra, hối làm sao kịp”. Bèn sai Thân Văn Nhiếp và Nguyễn Văn Tường thương lượng suy xét. Văn Nhiếp xin cho Nguyễn Văn Tường và Trần Đình Túc cáng đáng việc ấy, và đặt thêm chức tuyên phủ sứ, chọn người thổ trước [**] để sửa sang các công việc.

Nguyễn Văn Tường nói:

“Các châu ở Thành Hóa đất liền với kinh đô, đời đời làm phên che giúp đỡ, sản vật có thể dùng được, dân phong có thể sai khiến được, há nên cho là các châu nên ràng buộc qua loa. Còn về rừng sâu khí núi độc, thì có người đã ở quen, chịu đựng nổi; dân Man không biết gì, thì lấy sự dễ dãi để thân cận họ; biên viễn là việc quan hệ, thì đã có viên đại viên để trông coi; lại khoan cho kỳ hạn, cho được tùy nghi, sửa sang dần dần mới mong có thành hiệu. Các điều khoản như Thân Văn Nhiếp đã tâu xin, tưởng công việc ngày nay, chủ chốt không qua các điều ấy. Trần Đình Túc chưa từng kinh lịch nơi đó nhưng địa thế, dân tình ở phủ hạt ấy rất là biết rõ. Thần sinh trưởng ở đất ấy [Quảng Trị – TXA. ct.], trước kia đã làm tri huyện ở đó [huyện Thành Hóa (Cam Lộ) – TXA. ct.] hơn 9 năm, năm ngoái lại đi khám xét, thì [tuy rằng – TXA. ct.] Trần Đình Túc là người giỏi giang quen việc, tôi [:các bề tôi – TXA. ct.] không thể theo kịp được, nhưng về tục xứ ấy, tình người Man, thì Đình Túc chưa được hiểu rõ như thần. Xin cho thần đổi chức tuyên phủ sứ, và kiêm cả chức khuyến nông; phàm công việc nên làm ở bảo Trấn Lao, thì đốc sức cho huyện viên sửa sang; còn ruộng nương, việc trị thủy, đời sống của dân, điều lợi điều hại thì hội cùng với đạo thần [:các quan cai quản ở đạo, một đơn vị hành chính nhỏ thua một tỉnh – TXA. ct.] thương lượng mà làm. Chức kinh doãn có khuyết, hoặc cho Trần Đình Túc kế thay, nhưng kiêm coi cả công việc doanh điền”.

Vua lại hỏi Trần Đình Túc, Túc cũng cho là phải, lại tự xin trông coi việc ấy tự trước đến sau.

Vua cho là chức kinh doãn và doanh điền, đều chưa có công hiệu, cũng chưa rõ người có tài năng hay không, bèn sai [Nguyễn Văn Tường – TXA. ct.] giữ chức cũ; Trần Đình Túc thì kiêm biện cả nông điền thủy lợi ở Quảng Trị; còn các việc trọng đại về doanh điền của phủ đạo nên cùng với Nguyễn Văn Tường thương lượng bàn định tâu lên, và hội đồng lựa chọn viên quản đạo, viên huyện”.

 

(ĐNTL.CB., tập 30, Nxb. KHXH.,

1974, tr. 171 – 172).

 

[*] Kí hiệu […]: các câu, chữ xét thấy không cần thiết, do đó, xin mạn phép lược bỏ. TXA.

[**] Người thổ trước: người địa phương; từ đời tổ tiên, dòng họ người đó đã bám trụ (khai hoang, lập làng) ở địa phương ấy (thổ: đất; trước: bám trụ). Ở vùng bên trong Đèo Ngang, người địa phương ở đấy là những người đã Nam tiến, sớm nhất là từ sau khi Chế Mân dâng ba châu Bố Chính, Ma Linh, Địa Lí để làm sinh lễ (1306, đầu thế kỉ XIII). TXA.

      

4. Nguyễn Văn Tường làm khâm phái, bang biện huyện Thành Hóa, bắt đầu xây dựng Tân Sở và hệ thống thượng đạo, tháng 10 Bính dần (tháng 11.1866):

 

“Quản đạo Quảng Trị là Nguyễn Quýnh dâng sớ bày tỏ mọi việc:

+++ Xin dời kinh đô;

+++ Xin đem các tỉnh lên thượng du;

+++ Xin từ Nghệ An trở vào Nam, khai khẩn miền thượng du, đem dân đến ở để mở mang.

Vua bảo rằng: “Dời các tỉnh thành sợ nhiều việc hoang mang, hoặc làm dần dần, mới khỏi tiếng tăm, mà khỏi chia quân đóng giữ; di dân không tiện; việc dựng kinh đô trước đã có người nói, cũng ngại tiếng tăm, nhưng xét kỹ lúc có việc khác với lúc không có việc; nước Trung Quốc có hai kinh đô, nhà Thanh đóng đô ở Yên kinh, lại có Thịnh kinh là đất khởi nghiệp cũ, cũng là dự tính trước; nhưng động làm tất nhiều lời nói không căn cứ, chưa hợp thời thế”.[…].

Quýnh lại xin đặt một đồn ở Ba Xuân tỉnh Quảng Trị (cách Thành Hóa một ngày đường), phái quan quân đóng ở đấy, chiêu tập dân đến ở. Quan Viện Cơ mật cho là chỗ ấy gần với nước Cao Man, làm đồn đóng quân, không khỏi làm cho nước ấy nghi ngờ; xin xét tình thế khuyên mộ dân, mở mang dần dần việc tiến đặt, đợi khi quả thực, dân tình vui theo, người man không ngờ, mới nên đi kinh lý. Vua bảo rằng: “Trước Nguyễn Văn Tường cũng xin làm việc ấy, tất phải làm theo lời nói; chuẩn cho làm bang biện huyện Thành Hoá để làm việc, cấp cho ấn “khâm phái quan phòng”, cho được tự ý tư  tâu”.

       

(ĐNTL.CB., tập 31, Nxb. KHXH.,

1974, tr. 86 – 87).

 

5. Nguyễn Văn Tường phòng thủ trước việc thực dân Pháp xâm chiếm đất hoang, tháng 11 Bính dần (tháng 12.1866):

 

“Bang biện Thành Hoá huyện vụ là Nguyễn Văn Tường tâu nói: Đồn Trấn Lao hơi có lam chướng, nhưng đất rộng dân thuần, không khác gì trung châu; lại nghe người Tây sắp phái người chiếm đất hoang ở đằng sau núi, nên phải tính ngay; xem ra mạo lam chướng, vỡ đất hoang […], thì thế dễ đề phòng, mà đất bỏ không ở biên giới, đều có chia giữ, cũng là việc cần phải chiếm đất khai hoang trước. Vua y cho”.

 

(ĐNTL.CB., tập 31, Nxb. KHXH.,

1974, tr. 89).

 

6. Nguyễn Văn Tường tâu bày về công việc sơn phòng đạo Cam Lộ, trong đó có việc mở thượng đạo Bình Định – Nghệ An, tháng 12 Bính dần (tháng 01.1867):

 

“Bang biện  huyện Thành Hóa là Nguyễn Văn Tường tâu bày 6 điều về việc sơn phòng đạo Cam Lộ:

+++ Xin đem binh đội Thiên Thiện và binh đồ tù các tỉnh đạo, đều phát đến cơ Định Man; chọn người cai quản, cấp cho lương ăn để khai khẩn ruộng đất.

+++ Xin ở Sơn Tây tỉnh Bình Định và Trấn Ninh tỉnh Nghệ An, mở con đường ở thượng du thông đến Cam Lộ, để chống giữ lẫn nhau.

+++ Mộ thêm cơ Định Man; các quản suất, thưởng cho phẩm hàm; và gạo lương của lính mộ, xin theo lệ làm việc; sau thành nền nếp, mỗi đội đặt làm một làng, ruộng vỡ hoang cho lấy một nửa làm thế nghiệp, nửa sung làm ruộng công; có người tình nguyện mộ dân làm nhà ở khai khẩn, thì cấp thực cho tiền 10 quan, cho vay 35 quan, 3 năm phải nộp trả lại, mộ được dân nội tịch cho được trừ, biên là chính mộ, đều chiểu lệ thưởng hàm; và mua trâu giao người phu mộ chăn nuôi, để giúp việc cày cấy.

+++ Quan kinh thu thuế hàng hóa của người Kinh, người Man ở trường mậu dịch, xin đình chỉ; nhưng phái 2 người thanh liêm, công bằng, lãnh tiền công mua hàng hóa, cùng với người Kinh, người Man trao đổi, lấy lãi giúp vào chi phí; và cho người Kinh lãnh trưng; thị trường chọn chỗ làm ra chỗ khác.

+++ Xin đem 2 tổng An Lạc, Bái Ân thuộc huyện Do Linh, nửa tổng An Đôn thuộc huyện Đăng Xương và các phường ở thượng nguyên [vốn – TXA. ct.] từ nơi khác đến ở, xin đổi lệ thuộc vào huyện Thành Hoá; lần lượt dời làm huyện nha.

+++ Xin rút số lính cơ 2 phường Bảng Sơn, Mai Lộc lại về ngạch hộ lấy gỗ, chịu nộp thuế gỗ, nhưng đem giản binh 2 làng Cam Lộ, Châu Lạng cùng với dân có tên trong sổ đồn điền vào số lính cơ Định Man còn thiếu.

Vua nghe theo”.

 

(ĐNTL.CB., tập 31, Nxb. KHXH.,

1974, tr. 103 – 104).

       

7. Bản sớ Nguyễn Văn Tường thay mặt sứ bộ vạch trần âm mưu xâm chiếm lục tỉnh Nam kì của thực dân Pháp, tháng 3 Mậu thìn (tháng 4.1868):

       

“Lúc trước tướng Pháp bức lấy ba tỉnh An Giang, Hà Tiên và Vĩnh Long, định lại điều ước mới, đem tờ thay đổi đến bắt ta phải đóng ấn kí tên; rồi sau [vua – TXA. ct.] sai sứ cùng với hắn sang Tây; đình thần bàn lấy thượng thư Bộ Lễ Nguyễn Văn Phong làm chánh sứ, tả thị lang Bộ Lễ [vốn – TXA. ct.] sung làm việc Nội các là Phan Đình Bình sung làm phó sứ, bang biện huyện Thành Hoá gia hàm thị độc học sĩ là Nguyễn Văn Tường sung làm bồi sứ, đến Gia Định bàn với tướng Pháp, đi đến thành Ba Lê thương thuyết với triều đình nước Pháp, (nói cho chuộc ba tỉnh trước; trả lại trong [phạm vi – TXA. ct.] ba tỉnh, vẫn phải nhường trong [phạm vi – TXA. ct.] ba tỉnh thì tha hết tiền bồi thường), và đi khắp các nước Anh-cát-lợi, I-pha-nho xem xét tình hình hiện tại của [các – TXA. ct.] nước ấy, về tâu trả lời.

Đến nay Nguyễn Văn Tường đến kinh, cùng với Văn Phong, Đình Bình, làm sớ nói:

“Ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên đã vào trong bụng người, hình cách thế cấm, ta đã khó giữ được, mà người Tây cũng coi là vật ở trong túi; năm trước Dô-du-anh-đê [Drouyn de Lhuys – TXA. ct.] thường cùng Phô-na [Bonard – TXA. ct.] từng đến yêu cầu ta giao cho, gần đây Gia-lăng [De la Grandière – TXA. ct.] lại nói là sáu tỉnh  ấy không thể cắt đứt được, thì mưu kế thôn tính, tưởng nước ấy cùng hội bàn từ lâu; tỉnh Gia Định hiện nay, sửa sang nền nếp đã thành, nước ấy mới lấy đấy làm thế trọng yếu; tuy ta có phí nhiều lời khúc chiết, [chúng – TXA. ct.] đâu có chịu bỏ; nếu hư ứng nhất thời nhường giả ít nhiều, rồi lại bội ước mà lấy, tưởng cũng như việc tỉnh Vĩnh Long trước mà thôi; huống chi sinh việc cầu công là thói thường của quan ở biên giới [:biên thần; ở đây, chỉ tướng Pháp tại Gia Định thuộc Pháp – TXA. ct.], mà ghen công tranh giỏi cũng là lòng người tất có; tướng Pháp mà còn ở lại Gia Định, thì sứ thần đến thẳng [Ba Lê (Paris) – TXA. ct.] làm việc quyền nghị, hoặc còn có cơ; nay hắn đến [Ba Lê – TXA. ct.] trước, thêu dệt che đậy, nước ấy tất uỷ cho hắn cùng nói với ta; nếu hắn vẫn có lòng tốt thì trong khi bàn nói ở Gia Định, tưởng đã làm điều hay cho người, để ơn về mình, đâu phải đợi đến nước ấy mà để cho người khác cướp mất cái tốt ư? Xem thư hắn gửi đến, thứ nhất thì nói rằng: không phải nói nữa; thứ hai thì nói rằng: có hắn ở đấy để cùng chước định; thì ý cự tuyệt nói kín đã rõ; về việc nhường trả đất đai, mười phần đã khó dắt lời; nếu hoặc nước Tây đã lợi về đất đai, mà tha hết tiền bồi thường thì đường đường sứ bộ một nước mà cầu xin chỉ có 40 vạn đồng, không kể không đủ tiền phí tổn, mà ý kiến nhỏ mọn đồn vang, e bị nước láng giềng dòm dỏ; sự tình đến thế thực đáng ngại.

Trộm nghĩ từ xưa nghị hoà, yếu mà xin hoà thì có; nước Pháp đối với ta, chiến thắng, đánh đâu được đấy, thì khó gì mà cùng ta ước hẹn; bởi vì vượt mấy lần biển mà đến, ở đất nước ta, thấy sĩ dân ta phần nhiều đem lòng  ngờ vực, cho nên [Pháp – TXA. ct.] tất muốn được khoán ước của ta, cho khiến nước ta tự nhận là trái, để [ta – TXA. ct.] cô phụ [:bỏ mặc trong cô lập – TXA. ct.] tấm lòng mong mỏi của sĩ dân; không thế thì hoà ước năm trước, rõ ràng biết là nhường nào, mà nay cho là hư văn hết, lại cầu định lại; một lần đã là quá lắm, còn làm lại sao được; thà rằng [cứ để cho Pháp – TXA. ct.] tạm bợ mà thành [:không có khoán ước – TXA. ct.], mối lo [của Pháp, khi chúng chiếm cứ 3 tỉnh Miền Tây – TXA. ct.] không gì lớn bằng [vì dân lục tỉnh còn có cớ nổi dậy – TXA. ct.]; sao bằng không thể giữ được thì bỏ đi, mà lo toan về sau; kinh sư là nơi căn bản, đồn luỹ đã kiên cố chưa? Khí giới đã sắc bén chưa? Chí quân lòng dân đã hăng hái chưa? Đường thuỷ, đường bộ phòng bị đã chu đáo, bền vững chưa? Lương quân, khí giới làm sao cho đầy đủ; hào mục, sĩ dân làm thế nào cho cố kết; chỗ nào hiểm yếu mà phải giữ thì phải canh giữ bằng cách nào cho tất bền vững? Hoặc nên đặt viên quan chuyên trách để uỷ làm việc ấy, hoặc nên sai người địa phương để cho am hiểu; phàm những việc ấy tưởng nên tính kỹ, cho thi hành ngay, ngõ hầu khỏi ngại về sau; hoặc thế của ta còn có thể đợi, xin làm quốc thư, cả thư của viên Thương bạc, mỗi thứ một bức đưa cho tướng ấy, xem nước ấy trả lời thế nào mới được”.

Vua nghe lời, sai viên Thương bạc viết thư cho tướng Pháp, rồi phát quốc thư đưa đến nước ấy; sai Nguyễn Văn Tường về Cam Lộ làm việc như cũ”.

 

(ĐNTL.CB., tập 31, Nxb. KHXH.,

1974, tr. 202 – 204).

       

8. Tư tưởng chính trị nhân trị, đức trị đi đôi với việc tăng cường quân đội của Nguyễn Văn Tường, trong việc xếp đặt ở Bắc kì, tháng 6 Canh ngọ (tháng 7.1870):

 

“Nguyễn Văn Tường cũng tâu bày công việc xếp đặt về sau, nói:

“Nam Kỳ, Bắc Kỳ là căn bản của nước; theo sự thế trong Nam, nên tính thư thả; nên trước hết giữ Bắc Kỳ, cho là việc cần; giữ phên giậu ở Cao, Lạng, Thái, Tuyên; giữ rừng biển ở đông, tây, nam, bắc; Hà Nội ở giữa là nơi hình thế danh thắng, trong khi vô sự phải rất chú ý, huống chi giặc trốn coi thường chiến tranh còn nhiều đứa lọt lưới; giặc trước về Tầu, gián hoặc mến tiếc sào huyệt, chưa nên cho là việc đã yên mà bỏ qua. Hiện nay kho tàng công tư đáng phải thương xót, sức lực quân dân cũng gọi là đã kiệt, đợi đến lúc ấy sợ không có cách gì. Người đảm đương công việc thường hay cẩu thả, hình như không để ý tới, bỗng chợt có biến, chỉ lấy quân nhát, dân ngu tự gỡ; ai chịu cái lỗi làm cho dân nhọc, dân oán? Muốn tâu bày thẳng tệ ấy thì nói không thể xiết được; muốn dùng pháp luật để sửa chữa, lại sợ không thể cậy được. Người xưa có nói: “Được một quan huyện tốt, hơn là có 3 vạn quân tinh nhuệ”, là vì không có chính sự hà khắc thì không có phản nghịch lớn. Xin chọn quan văn võ người thanh liêm tài giỏi, đông, tây, nam, bắc, mỗi tỉnh đều 2 người sung làm tổng đốc, đề đốc, lại giao cho 500 quân tinh nhuệ (lính thú, mỗi tỉnh Đường Ngoài 500 tên, một nửa lính kinh, một nửa lính Thanh, Nghệ); ở Hà Nội thì lấy quan đại thần có lòng công bằng, trung trực, biết xếp đặt việc nước, uy vọng rõ rệt, như quan Võ hiển Nguyễn Tri Phương, sung làm kinh lược đại sứ, giao cho 2.000 quân tinh nhuệ để giúp việc đàn áp; các tỉnh ở Bắc Kỳ, việc chỉnh bờ cõi, đốc suất việc binh, xét hỏi quan lại, vỗ yên nhân dân, đều ủy cho đại sứ chuyên việc trông coi; quy chế cũ ở Hà Nội cũng nên theo thời sửa đổi. Như thế, quan chính đính thì dân chẳng ai dám chẳng chính đính, mà Trung châu thế mạnh đủ để trấn áp bọn gian, các tỉnh ven biên giới mới được tính dần công việc xếp đặt về sau; đợi một vài năm công việc được xong, quân có nên rút, do quan đại sứ xét nghĩ thi hành. Không thế thì đại binh ca hát trở về chưa khỏi lại phải chú ý xếp đặt công việc lần nữa. Không dám nói hết, sợ làm tăng sự ngày đêm lo nghĩ của hoàng thượng” ”.

 

(ĐNTL.CB., tập 32, Nxb. KHXH.,

1975, tr. 31 – 32).

 

9. Việt gian theo Thiên Chúa giáo mưu bắt Nguyễn Văn Tường để phá hỏng việc Pháp trao trả 4 tỉnh Bắc kì, tháng 11 Quý dậu (tháng 12.1873):

 

“… Hoắc Đạo Sinh [Philastre – TXA. ct.] thuận nghe, bèn định ngày mồng 8 chạy đến Hải Phòng, dẹp trừ giặc biển.

(Bỗng gặp 20 chiếc thuyền của giặc biển về đậu ở Hải Phòng. Quan thuyền ấy bảo phải nộp hết súng và khí giới, tạm cho sống mà về. Hiện thu được súng bằng đồng 25 cỗ, còn súng đại bác và thuốc nổ chìm hết xuống sông, và các tàu ra biển đều bị tàu Đề Ta Di [Decrès – TXA. ct.] đón chặn đốt giết).

[Khi tàu – TXA. ct.] tiến đến thành tỉnh Hải Dương (trong thành hiện có viên quan một người Pháp và 30 tên lính đóng giữ), nguỵ tổng đốc (tên là Trương, là người thợ rèn theo giáo, nguyên là người An Nghiệp [Françis Garnier – TXA. ct.] mới đặt) mưu bắt Văn Tường để phá hỏng việc; Văn Tường dò biết, mật bàn với quan nước Pháp, giải đưa xuống tàu giam lại, rồi tư ngay cho tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đem quân đến (Bắc Ninh 400 người, Hưng Yên 200 người) và triệu tập lính tỉnh tổng cộng hơn 1.000 người để sai phái. Đến ngày 12, giao nhận tỉnh thành, tạm đặt quan viên quản trị …”.

       

(ĐNTL.CB., tập 32, Nxb. KHXH.,

1975, tr. 356 – 357).

 

10. Nguyễn Văn Tường yêu cầu Pháp giải tán quân ngụy ở Bắc kì, tháng 11 Quý dậu (tháng 12.1873):

 

“… Khi ấy Văn Tường và Hoắc Đạo Sinh [Philastre – TXA. ct.] ở lại Hà Nội hội với quan Pháp bàn nghị. (Quan Pháp 10 người, đều là bè lũ của An Nghiệp [Françis Garnier – TXA. ct.], muốn cầu công tất cả, phần nhiều ngờ thống sát Hoắc Đạo Sinh nhận của hối lộ).  3 ngày mới định xong, liền triệu tập lính mộ (nguyên trước An Nghiệp mộ được 12.000 người, lẫn cả người đi lương, người đi đạo), cấp phát tiền lương, nhân đấy kiểm thu khí giới, rồi cho giải tán …”.

 

(ĐNTL.CB., tập 32, Nxb. KHXH.,

1975, tr. 359).

 

11. Nguyễn Văn Tường với ý thức và hành động canh tân Đất nước: tìm mua và dâng tiến sách tiếng Tây, tháng 4 Giáp tuất (tháng 5.1874):

       

“Sứ thần (Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Tăng Doãn) tiến 20 tập sách chữ Tây (4 tập Khung giang bát vật đồ chí, 3 tập Lãng sa kỳ đăng hiệu, 11 tập Nam Kỳ điều lệ, 1 tập thuế lệ, 1 tập binh thuyền, trong đó có tập thì tướng nước Pháp tặng, có tập hỏi mua mà quan Tây không lấy tiền). Vua bảo rằng: “Đấy thực là có lòng, có ích, giao Viện giữ cẩn thận, đợi dịch rõ để tiện xem” ”.

 

(ĐNTL.CB., tập 33, Nxb. KHXH.,

1975, tr. 42).

 

12. Nguyễn Văn Tường với ý thức và hành động canh tân Đất nước: tiến dâng súng Tây, tìm dùng người biết ngoại ngữ, người có trình độ kĩ thuật công nghệ, tháng 8 Giáp tuất (tháng 9.1874):

 

Nguyễn Văn Tường từ Gia Định về xin đem súng Tây đã mua được cung tiến (1 khẩu súng lục, 500 viên đạn, theo giá bạc tính thành tiền là 180 quan). Vua khen là nhậy lắm, có thể dùng được, sắc cho giữ cẩn thận để phòng sai phái. Lại đi Nam Kỳ lần này gọi được 5 người thông dịch, 7 người biết máy móc (đều là người Gia Định), tâu xin liệu cấp lương để tiện sai phái. Vua y cho.

(Trước đã chuẩn cho thuê người trong Nam và người nước Thanh biết thông dịch và biết máy móc để dùng, cho nên mới gọi).

 

(ĐNTL.CB., tập 33, Nxb. KHXH.,

1975, tr. 111).

 

13. Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường cải cách thuế ruộng đất trên cơ sở vì quyền lợi của dân nghèo canh tác ruộng công và vì sự thống nhất kinh tế – tài chính Nam – Bắc, tháng 7 Ất hợi (tháng 8.1875):

      

“Cho thuế ruộng công, tư, từ Hà Tĩnh trở ra Bắc, chiểu theo thuế lệ từ Quảng Bình trở vào Nam, trưng thu, bắt đầu từ năm sau.

(Quảng Bình trở vào Nam, ruộng công, tư mỗi mẫu hạng nhất 40 thưng thóc, hạng nhì 30 thưng, hạng ba 20 thưng. Mà Hà Tĩnh trở ra Bắc, ruộng công hạng nhất thóc thuế 80 thưng, hạng nhì 56 thưng, hạng ba 33 thưng; ruộng tư hạng nhất 26 thưng, hạng nhì 20 thưng, hạng ba 13 thưng; so với trở vào Nam, ruộng công rất nặng, ruộng tư rất nhẹ, cho nên cho đều nhau)”.

    

(ĐNTL.CB., tập 33, Nxb. KHXH.,

1975, tr. 220).

 

14. Nguyễn Văn Tường tâu xin tiếp tục tăng cường việc xây dựng hệ thống sơn phòng ở Quảng Trị như khắp cả vùng rừng núi Trung – Bắc kì, đặc biệt là như sơn phòng trọng yếu Sơn Tây, tháng 10 Ất hợi (tháng 11.1875):

 

“Đặt nha kinh lý sơn phòng tỉnh Quảng Trị, (văn vũ chánh phó sứ mỗi chức một người), lấy 2 huyện Thành Hoá, Hướng Hóa lệ thuộc vào, theo lời xin của Nguyễn Văn Tường.

(Tường cho là đồn Trấn Lao, huyện Thành Hóa, giáp giới với Long Giang [Mê Kông – TXA. ct.], đất tốt lợi nhiều, có thế khống chế. Trước vâng mệnh kinh lý nhưng không chuyên trách, sau không thành công. Xin châm chước công việc sơn phòng ở Sơn Tây, đặt sơn phòng để được thực tế)”.

 

(ĐNTL.CB., tập 33, Nxb. KHXH.,

1975, tr. 255).

 

15. Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường tâu bày về việc cải cách thuế ruộng đất Nam – Bắc, phê phán bọn cường hào ác bá, tháng 3 Canh thìn (tháng 4.1880):      

 

“Trước đây, bố chính sứ Bắc Ninh trước là Phan Đình Bình dâng sớ tâu: “Thuế ruộng định lại, quan cho là thuế quân đều, dân bảo là thu thêm. Lại như thuế ruộng tư mỗi hộc thu thêm 1 bát, dân gian nhiều người nói là nặng, khó chịu nổi. Về khoản thu thêm, xin thôi”.

Đến đây, Bộ Hộ tâu rằng:

“Từ Hà Tĩnh trở ra Bắc, ruộng công là ruộng của dân, mà thuế so ra có phần nặng; ruộng tư phần nhiều do bọn cường hào gian ác chiếm riêng, mà thuế so ra có phần nhẹ. Đổi ra làm thuế chia đều, cũng là muốn định ra phép thường, mà cho trong nước không có chính [sách – TXA. ct.] khác nhau; lệnh thuế chia đều được thi hành, tuy thuế ruộng tư tăng mà thuế ruộng công giảm, tức như ba tỉnh lớn Hải Dương, Nam Định, Hà Nội, dân đều thu nộp, yên lặng không lời nào khác. Thì bảo là thu thêm, chẳng qua chỉ là lời bàn riêng của bọn đàn anh giàu có ở một hạt Bắc Ninh mà thôi. Làm việc nước phải tự có thể cách chính đại công bằng, sao được mọi người vui lòng cả; huống chi, ruộng tư thu thêm [mỗi hộc 1 bát – TXA. ct.], chứa riêng vào kho công, để phòng chẩn cấp, cũng là một việc cứu năm mất mùa. Xin theo lệ thi hành, để tỏ chính lệnh tin đúng; đợi sau này kho chứa được nhiều, có nên châm chước miễn cho, sẽ do quan tỉnh ấy xét tâu lên”.

Vua nghe theo”.

 

(ĐNTL.CB., tập 34, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 332 – 333).       

 

16. Thủ đoạn bao vây, cô lập nước ta về ngoại giao của Chính phủ thực dân Pháp, tháng 8 Tân tị (tháng 9 – tháng 10.1881):

 

“… Lúc bấy giờ, sứ nước Pháp là Lê-na đã sang thay, nói với quan Thương bạc [lúc này là Nguyễn Trọng Hợp – TXA. ct.] : “Trong hoà ước có nói, nước ta có việc, nước ấy phải giúp, tuy không nói rõ là “bảo hộ”, nhưng ý nghĩa đã bao hàm ở trong. Nay khoản ấy Triều đình nước ấy đã định làm, mà làm như thế, nước ấy [nước Pháp – TXA. ct.] không lấn quyền nước ta, chỉ bắt ta không được giao thiệp với nước khác thôi. Ta nếu không nghe, nước ấy cũng bắt làm cho được”.

Triều đình rất lấy làm lo.

Quan Viện Cơ mật – Thương bạc tâu nói: “Tướng và sứ nước ấy để ý đã lâu, nay tính sẽ làm, mưu đã sắp thành, tưởng cũng khó tranh luận khúc chiết với nước ấy, tất phải phái người sang nước ấy hoặc có thể làm việc được … […] … Nước ta nhất định phải đi … […] … Việc ấy nghĩ nên làm ngay, khỏi lỡ việc sau” ”.

 

(ĐNTL.CB., tập 35, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 59).

 

17. Cơ mật viện – Thương bạc nhận định và vạch kế hoạch mở rộng ngoại giao để phá vỡ âm mưu bao vây, cô lập nước ta về ngoại giao của thực dân Pháp, tháng 8 Tân tị (tháng 9 – tháng 10.1881):

 

“Quan Cơ mật viện – Thương bạc lại tâu nói:

“Nước ấy đã mưu, không phải một ngày. […] … Ngăn ngừa ta giao thông với nước ngoài, là chỗ giảo quyệt của nước ấy. Duy trong ước có một điều “nước ta muốn định thương ước với nước nào đều được tuỳ tiện” thì nước ấy đâu có thể trái lời ước được. Nhưng ta từ trước đến giờ chưa giao thông với các nước, mà nước ấy không khỏi giữ ngầm ở trong, nên 6, 7 năm nay, các nước chưa nước nào đến định thương ước với nước ta. Gần đây ta cùng với nước Y Pha Nho định ước, giao ước với nhau đã lâu, mà nước ấy [nước Y Pha Nho – TXA. ct.] cũng chưa có đến, thì tình có đáng ngờ, cũng là tình của ta chưa thông với các nước, cho nên nước ấy [nước Pháp – TXA. ct.] mưu làm tự chuyên. Vả lại giao thiệp với nước ngoài thực khó, ta chỉ sợ khích nước ấy, lòng mưu tính ta, vì đó lại phát ra. Nay mưu nước ấy sắp thành, ta há nên không giải quyết sớm, huống chi ta cũng cứ lý mà làm, làm sáng cho chúng biết, có trái ước gì đâu, mà chúng vin cớ để nói được … […] Nhưng tự trước đến giờ thường bị nước ấy ngăn trở, vì ta không có tàu, chỉ đáp tàu với nước ấy, tùy theo nước ấy đi hay đứng mà phải thế. Nay xin sửa soạn tàu của ta, chọn người ở Triều đình có lòng đảm đương công việc, lấy 2, 3 người, lấy cớ đi tìm học về bác vật, như nước Thanh cho người đi học các nước, tư rõ trước cho nước ấy biết. Đến lúc đi thì đến nước ấy trước, nhân chuyển đi các nước Y, Anh, Phổ, Mỹ, khiến cho các nước biết ta tự chủ, nhân đó mà thông suốt tình ý. Tục Thái Tây thích giao thiệp chơi bời với nước xa, ta đến, tự khắc không nước nào không nhận, tưởng cũng có nước muốn  giao thiệp thông thương với nước ta, thực khiến cho tình của nước ta thông suốt các nước, thì nước ấy [Pháp – TXA. ct.] không thể tự ý làm càn được. Nếâu nước ấy có lòng nào bắt ức ta, ta cũng có thể cùng các nước điều đình giúp bàn lại, tưởng cũng là một kế đấy… […]Lại việc này còn xa, nay gần mà có thể giao thông được thì ở Yên kinh, sứ các nước đều ở đấy, nhiều lần sứ bộ ta sang Yên kinh chưa biết bàn đến việc ấy, vì sự thể giao tế khác nhau, cho nên khó làm. Nay có Cục Chiêu thương chở hàng thuê, do quan ở Cục ấy giới thiệu, tưởng cũng là một cơ hội. Gần đây tiếp được tin báo Đường Đình Canh tháng này cũng đến, xin do bọn tôi thương thuyết, nhờ viên ấy ngỏ ý với Lý Hồng Chương nhờ mật dò ý sứ các nước Anh, Mỹ, Phổ, để nắm được cốt yếu, thông thuyết giúp cho. Còn sứ Y Pha Nho ở đấy, nước ấy đã định ước với ta, thì nên bàn với họ. Nước Thanh gần đây tranh nước Lưu Cầu với nước Nhật Bản mà không được [vì có sự can thiệp của tổng thống Mỹ Grant – TXA. ct.], nay nước ấy [nước Thanh – TXA. ct.] […] tưởng cùng nòi giống [da vàng – TXA. ct.] với ta cũng lo [lo âu về các nước thực dân da trắng – TXA. ct.], tất hết lòng mưu thực mà việc chóng xong…”.

                                 

(ĐNTL.CB., tập 35, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 59 – 62).

 

18. Nguyễn Văn Tường tiếp xúc với sứ giả Đường Đình Canh để tranh thủ sự giúp đỡ của triều Thanh Trung Hoa, nhằm vận động sự ủng hộ của sứ thần các nước tại Yên Kinh, tháng 12 Tân tị (tháng 01 – tháng 02. 1882):

     

“Vua cho là quan nước Thanh vào yết kiến, sợ sinh ngờ, bèn cho Nguyễn Văn Tường bàn kín với Đường Đình Canh.

Đình Canh nói: “Tháng 10 năm nay, khâm sai nước Thanh đóng ở nước Anh là Tăng Kỷ Trạch báo tin rằng: Nghị viện nước Pháp bàn kín, Bắc Kỳ nước ta đất cát màu mỡ, núi sông lại có mỏ vàng, bạc, đồng, sắt, than đá, xét ra tình thể, chỉ giở bàn tay là xong. Lãnh sự nước Pháp là Thoát Lãng lại đã xin đem 1, 2 nghìn quân đánh lấy Bắc Kỳ. Nghị viện nước Pháp đã chuẩn y. Chẳng bao lâu tất đem quân nước ấy cùng các đạo quân ở Tây Cống [Sài Gòn – TXA. ct.] khẩn cấp cùng phát đi. Còn nói là đuổi Lưu Vĩnh Phúc chỉ là nói thác ra mà thôi. Vua nước Thanh giao cho các nha môn quân cơ bàn cho thỏa đáng, cho nên tổng đốc tỉnh ấy phái đạo viên ấy báo tin cho nước ta, phải mưu tính ngay để mong giữ được”.

Vua cho là thư của tổng đốc ấy đã hồn nhiên, ta cũng không nên lộ; sai Văn Tường mật dặn Đình Canh 3 việc:               

      ++ […] Nước ta đặt quan đón đón chờ ở kinh đô nước Thanh, nếu có việc gì, được tố cáo ở Tổng lý nha môn.

      ++ Ở Quảng Đông, hiện nghe lãnh sự các nước phần nhiều đóng ở đấy […] … Nước ta đặt 1 lãnh sự ở đấy để tiện đi lại buôn bán, thông báo tin tức, nhân cùng giao du với các nước để thông hiểu tình ý.

      ++ Nước ta muốn phái người đi khắp các nước như các nước Anh, Nga, Phổ, Pháp, Mỹ, Áo, Nhật Bản, xem xét và học … […].

[…] … Lại đều đem đồ vật gửi tặng […] … Tổng đốc họ Trương [Trương Thụ Thanh – TXA. ct.] […] đem đồ vật ấy trả lại, nói rằng nhận sợ nước Pháp ngờ, có việc khó giảng thuyết; tổng đốc họ Lý [Lý Hồng Chương – TXA. ct.] cũng lấy thơ và tờ khải đưa cho để tỏ tình cùng khuyên về ý đều phải tự cường”.

                                  

(ĐNTL.CB., tập 35, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 90 – 91).

 

19. Đoạn di chiếu của vua Tự Đức về Dục Đức (hoàng trưởng tử Ưng Chân), tháng 6 Quý mùi (tháng 7.1883):

 

“… Trẫm nuôi sẵn 3 con. Ưng chân, cố nhiên là học lâu trưởng thành, chính danh đã lâu; nhưng mặt [mắt – TXA. ct.] hơi có tật, giấu kín không rõ ràng, sợ sau không sáng; tính lại hiếu dâm; cũng rất là không tốt; chưa chắc đương nổi việc lớn. Nhưng nước cần có vua nhiều tuổi, đương lúc khó khăn này, không dùng hắn thì dùng ai? …”.

 

(ĐNTL.CB., tập 35, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 199).     

 

20. Đoạn di chiếu của vua Tự Đức về 3 phụ chính, tháng 6 Quý mùi  (tháng 7.1883):

 

“… Bọn Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất thuyết cùng ta gặp biết, tuy có sớm muộn hơi khác, mà lòng trung thành yêu mến chăm lo như một; từng làm việc nơi cơ yếu đã lâu, thân được chỉ bảo; nếu có gặp việc khó khăn, cũng giải quyết được. Vậy cho Trần Tiễn Thành sung làm phụ chính đại thần; Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết sung cùng là phụ chính đại thần. Bọn ngươi nên nghiêm sắc mặt đứng ở Triều đình, giữ mình đứng đắn; đốc suất quan thuộc, mọi việc cùng lòng làm cho thỏa đáng; trên giúp vua nối ngôi điều không biết đến, dưới chữa chỗ lệch lạc cho các quan, để Nhà nước yên như núi Thái Sơn; thế là không phụ sự ủy thác …”.

     

(ĐNTL.CB., tập 35, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 200).

 

21. Đoạn di chúc của vua Tự Đức về Ưng Kĩ (Đồng Khánh), Ưng Đăng (Kiến Phúc), tháng 6 Quý mùi (tháng 7.1883):

 

“… Trong 3 người con, thì Ưng Chân đã nói rồi. Ưng Kỹ người yếu hay ốm, có tâm tật, học chưa thông mà kiêu ngạo, hay bới việc riêng của người khác, cho lạm thẳng, đều không phải là tư chất thuần lương, theo lời phải; sợ bọn ngươi khó lấy lời nói can được. Duy con út là Ưng Đăng, hầu hạ cẩn thận, biết sợ, dạy được, chưa thấy có vết gì, nhưng tuổi còn ít, đương học chưa thông, đương lúc khó khăn này chưa chắc đã am hiểu. Cho nên trẫm cắt bỏ lòng riêng, theo lẽ công, quyết thi hành mưu kế lớn, là vì xã tắc. Nghĩ ơn nuôi nấng hết lòng, không nên để cho phân biệt, nhưng chưa kịp làm, nay cho sung làm hoàng tử, cho đổi tên là Ưng Hỗ …”.

 

(ĐNTL.CB., tập 35, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 201).

 

22. Vụ truất phế Dục Đức, tháng 6 Quý mùi (tháng 7.1883): 

 

“Quý mùi, năm Tự Dức thứ 36 (1883), tháng 6, ngày mậu thìn, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết bỏ vua nối ngôi, lập em út vua là Lãng quốc công Hồng Dật.

Trước đây, vua mới mất đi chọn nuôi hoàng tử, cùng trước sau nuôi ở trong cung 2 công tử nữa là hoàng tử thứ 2, hoàng tử thứ 3. Vua cho là hoàng tử thứ 3, tuổi còn bé, hầu hạ cẩn thận, biết sợ, rất yêu. Mà về hoàng trưởng tử thì dạy bảo càng nghiêm, thường vì lầm lỗi bị quở. Văn Tường nghĩ hoàng trưởng tử tất không được lập lên làm vua mới khinh thường hoàng trưởng tử [về tư cách đạo đức, quan điểm chính trị – TXA. ct.] mà chỉ để tâm đến hoàng tử thứ 3. Đến nay tờ chiếu để lại cho nối ngôi lại là hoàng trưởng tử, Văn Tường trong lòng không được yên, Thuyết cũng không bằng lòng với tự quân.

Gặp khi tự quân ở điện Hoàng Phúc đem nhiều người riêng vào hầu hộ vệ ở điện Hoàng Phúc và các sở Quang Minh, (đều sai chế bài cấp cho đeo), bọn ấy nhân đó ra vào tự do; các tờ tâu khẩn cấp của các quân thứ các tỉnh tâu lên, có khi để ở trong điện một đêm, vẫn chưa giao ra. Lại trong khi làm lễ điện (cúng vua mới chết) vẫn mặc áo sắc lục cũ, hoặc sai chế ngay các đồ dùng riêng (các thứ quần áo đồ dùng).

Văn Tường bảo kín Thuyết rằng: “Tiên đế đã bảo vua nối ngôi chưa chắc đương nổi việc lớn, lại giao cho ngôi lớn. Nay bắt đầu, cử động đã như thế, huống chi là ngày sau ư? Đó là việc lo riêng cho chúng ta”. Thuyết vốn tính cương trực lại cậy quyền cầm quân liền mật đáp rằng: “Cứ như lời chiếu thì mưu tính là vì xã tắc, bất đắc dĩ mà làm việc nhỏ như Y Doãn, Hoắc Quang (*), cũng là chí của tiên đế”; nhân thế cũng có ý mưu bỏ [phế Dục Đức – TXA. ct.] đi.

Sau rồi vua nối ngôi lại nghĩ trong tờ di chiếu răn bảo có những câu không tốt, không thể truyền bá cho mọi người nghe; triệu các phụ chính đại thần, cần bớt một đoạn ấy đi, không tuyên lục ra. Trần Tiễn Thành bảo thế cũng ổn, 2 người đều thưa rằng: “Xin nhà vua quyết định”; vua nối ngôi tin là cùng bằng lòng, bèn sai sao tờ di chiếu, tự tay xóa bỏ đoạn ấy đi; dặn Trần Tiễn Thành nhớ mà làm. 2 người ra bàn kín với nhau rằng: được rồi; mưu ấy bèn nhất định.

Đến lúc tuyên đọc tờ chiếu, Văn Tường cáo ốm không đứng trong ban chầu, Thuyết đứng vào bên Trần Tiễn Thành. Tiễn Thành đọc đến đoạn ấy, đọc nhỏ hàm hồ không rõ. Văn Tường ở chái bên đông, làm ra vẻ quái lạ, nói rằng: “Vua nối ngôi sao được giấu bớt di chiếu của tiên đế? Bậy bạ không gì to hơn nữa; còn có thể nối theo tôn miếu xã tắc được ư?”.

Tuyên đọc xong, hai người hỏi vặn Tiễn Thành; Tiễn Thành biết là bị chúng đánh lừa, nói chữa rằng: “Có phải không đọc đâu, nhưng lão phu có bệnh ho, đọc đến đây hết hơi tiếng nhỏ mà thôi”. Thuyết chứng tỏ là không phải, cho là càn bậy, cũng như lời của Văn Tường nói; rồi nhân phái quân túc vệ canh gác trong ngoài cung thành rất nghiêm (bắt hết cả người riêng của vua nối ngôi là bọn Nguyễn Như Khuê, hơn 10 người, giao cho đem gông cùm lại). Họp hoàng thân và các quan ở  Tả vu, 2 người tuyên bố về việc tội lỗi của vua nối ngôi, xin bỏ đi, lập vua khác. Tiễn Thành muốn can ngăn, Thuyết trừng mắt nhìn, nói rằng ông cũng có tội to, còn nói gì.

Trong khoa đạo có chưởng ấn là Phan Đình Phùng [**] tiến lên nói rằng: “Vua nối ngôi nếu có lỗi, chưa thấy can ngăn, đã vội bàn như thế; việc bỏ vua, dựng vua là việc to, lại dễ dàng quá thế”. Thuyết quát lên, sai tả hữu đem Đình Phùng trói để ở trại quân Cẩm y, bảo đợi để nghiêm trị. (Lúc bấy giờ, 4, 5 người theo sau Đình Phùng nghe Thuyết thét trói Đình Phùng tức đều lui tan), cho nên Tiễn Thành và hoàng thân, các quan không ai dám trái; rồi cùng ký tên tâu xin ý chỉ của Từ Dụ thái hoàng thái hậu truất bỏ đi.

Sai người đưa vua nối ngôi về chỗ cũ là Dục Đức đường, canh phòng rất kỹ.

Khi mật bàn người được lập, Văn Tường để ý đến hoàng tử thứ 3 mà Thuyết thì cho là hoàng đệ Lãng quốc công có tư chất thông minh, vốn quen biết sẵn, để ý đến Lãng quốc công. Văn Tường tính là không tranh nổi, cũng theo lời ấy, rồi đem ý xin lập vua nhiều tuổi tâu trước với cung Gia Thọ (tức là Từ Dụ thái hoàng thái hậu) để lãnh chỉ. Được ý chỉ truyền rằng: “Hiện nay trong thì lo về vua mới mất, ngoài thì có giặc ngoại xâm, người ít tuổi thực không đương nổi, nhưng thân này già cả, sao biết được, phần nhiều nhờ Tôn nhân, phụ chính, đình thần, cùng nhau chọn các hoàng đệ, ai nên lập thì lập lên làm vua”.

Thuyết bèn đến phòng Cơ mật bảo bọn thượng thư Nguyễn Trọng Hợp, thị lang Lâm Hoành, Trần Thúc Nhận [Nhẫn – TXA. ct.], Hoàng Hữu Thường, thị vệ đại thần Tôn Thất Thái rằng: “Ngày nay phi tìm vua nhiều tuổi cho xã tắc, không ai hơn Lãng quốc công; các ông nên phải nói”.

Lúc bấy giờ bên ngoài nghe tin cấp báo đương gấp, chợt có biến bên trong, đều không ai biết làm thế nào; đến khi hội bàn ở Tả vu, Văn Tường và Thuyết hỏi trước các thân phiên, hoàng thân thì đều nói rằng: “Tuy cũng ở trong tôn thống, nhưng ngày thường mỗi người ở riêng một nhà, không biết rõ được; xin 3 đại thần cùng đình thần liệu bàn”. Tường, Thuyết lại hỏi; đình thần nói ngày nay việc không thể hoãn được. Trọng Hợp bèn nói trong các hoàng đệ có Lãng quốc công, vốn khen là người có học, được tiên đế cho sung chức Tôn đài; nay hiện việc như thế, chưa biết Lãng quốc công có đương nổi không? Lãng quốc công đứng dậy khóc nói rằng: “Tôi là con út của tiên đế, tư chất tầm thường, thực vạn vạn phần không dám nhận”. Văn Tường và Thuyết đều nói rằng: “Đấy thực là phúc của xã tắc, xin đừng từ chối”; bèn cùng các quan ký tên tâu xin ý chỉ của thái hoàng thái hậu, lập Lãng quốc công làm vua”.

 

(ĐNTL.CB., tập 35, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 205 – 209).

        

(*) Y Doãn đuổi vua là Thái Giáp ra ở Đông cung 3 năm, sau lại đón về cho làm vua. Hoắc Quang làm tướng, bỏ vua là Xương Ấp vương, lập Hán Tuyên đế làm vua (xem Bắc sử) [chú thích của Viện Sử học].

[**] Ngay sau đó, Phan Đình Phùng đã hiểu rõ sự thể, nên năm sau (1884), ông lại được Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết trọng dụng trong việc tiếp tục tổ chức, xây dựng, kiện toàn Sơn phòng Hà Tĩnh. Xin xem: ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH., 1976, tr. 184 – 185. TXA.

       

23. Tập tâu của nhóm chủ chiến (Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết), tháng 6 Quý mùi (tháng 7.1883):

 

“Quan Viện Cơ mật lại tâu:

“Ta cùng với nước Pháp, mạnh yếu khác nhau, cho nên trước thì 3 tỉnh, sau rồi 6 tỉnh Nam Kỳ đã bị chúng chiếm cứ. Vừa rồi, đến Bắc Kỳ lấy 4 tỉnh rồi lại trả liền, nay lại lấy Nam Định, Hà Nội mà chiếm cứ. Hoà ước rõ ràng, mà chúng dám coi thường như thế, thì hoà ước cũng không đủ cậy. Ta đã chịu khuất, không dám tranh đua sức mạnh, mà chúng cũng chưa từng thương kẻ yếu. Tuy thông sang Vân Nam, là nguyện vọng của chúng, nhưng việc mượn đường chưa chắc là thực cả. (Vừa rồi nghe tin nhật báo: nói muốn đến Thuận An bắt hiếp phải hoà); đấy là do một vài kẻ [thực dân – TXA. ct.] cầu công, nguyên không phải do [Quốc hội – TXA. ct.] nước ấy cùng bàn, mà ta chỉ lần chần nhát yếu, không dám làm gì, dần dần đến cái thế không thể làm được. Nay nhờ tiên đế đưa thư cho nước Thanh nói rõ nghĩa lớn, Lý Hồng Chương trù lượng phái quân sang, làm thanh thế cứu ứng ở xa, cho nên chúng chưa thể nuốt được. Nhưng hiện nay thế thành ra cưỡi hổ, tên đã ở cung, nếu không đánh tan sào huyệt, thì chúng có thì giờ mưu tính, không những yêu sách nhiều cách; Lý Hồng Chương ngại về điều đình, mà [quân Pháp – TXA. ct.] đến cửa Thuận An bắt hiếp phải hoà, ta cũng khó giành được phần thắng.

Xin lại giáng dụ nghiêm sức các quan quân thứ chia quân tiến đánh, cho chúng nhọc về phòng bị, không có thì giờ mưu tính việc khác, thì ta mới giữ vững để đợi nước Thanh xử trí”.

Vua bảo rằng trí khôn mọi người đã định, việc thành là ở quả quyết, tạm nghe theo”.

 

(ĐNTL.CB., tập 35, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 215).          

 

24. 3 đại thần đã xin vua Tự Đức bỏ bớt đoạn răn bảo Dục Đức, Tự Dức không đồng ý; nay xét xử tội “truyền tả chế thư sai lầm” của Trần Tiễn Thành, tháng 8 Quý mùi (tháng 9.1883):

 

“Khoa đạo là Hoàng Côn, Đặng Trần Hanh tâu nói: “Hôm trước ở Tả vu điện Cần Chánh, cứ viên đồng phụ chính đại thần là Tôn Thất Thuyết nói rõ, là có một đoạn trong di chiếu của tiên đế răn bảo vua nguyên nối ngôi, vì vua nguyên nối ngôi sao lục ra đã bỏ bớt đi, đại thần Trần Tiễn Thành tuyên đọc cùng bỏ đoạn ấy đi, có phần không phải”.

Trẫm xét: “Ngày tiên đế ngồi tựa ghế ngọc, các phụ chính đại thần đã xin bớt đoạn ấy đi. Tiên đế không nghe, đủ biết là tiên đế nghĩ việc phó thác tôn miếu, xã tắc là việc trọng đại, lo sâu nghĩ xa, cho nên nói khẩn thiết như thế. Đại thần được dự nghe mệnh lệnh dặn lại, phải nên trên thể theo ý của tiên đế mà tuyên bố cho mọi người nghe, lại coi như bỏ rơi; trước đã xin bớt mà không được, nay lại tự bỏ đi mà không đọc” [*].

Tôi cho là: “Vua nguyên nối ngôi bỏ bớt lời di chiếu, chưa chắc đã không phải tự viên đại thần ấy dẫn đường ra trước. Vậy xin giao cho đình thần bàn xét để nghiêm kỷ cương”.

Vua giao cho đình thần bàn, mọi người đều xin chiểu luật “truyền tả chế thư sai lầm” mà xử tội trượng, cách chức.

Vua cho là đời xưa thời bình chính giản, cũng còn dùng người cũ, nữa là ngày nay thời khó khăn, việc nhiều, há nên đem viên đại thần 4 triều, lầm một cái mà không dung thứ ư? Đổi làm giáng 2 cấp, lưu [dụng – TXA. ct.]”.

 

(ĐNTL.CB., tập 35, Nxb. KHXH.,

1976, tr. 231).

 

[*] Xin xem thêm: Bản sớ của Trần Tiễn Thành về vụ việc này, trong bài viết của Đào Duy Anh, “Những người bạn cố đô Huế” (Bulletin des amis du vieux Huế, 1944), đã được Bùi Trần Phượng dịch, in trong cuốn “Phụ chánh đại thần Trần Tiễn Thành” của Nguyễn Đắc Xuân, Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr. 13 – 87. Bản sớ ấy viết rõ: Nguyễn Văn Tường cho rằng, chiếu lập vua nối ngôi mà kể tọâi Ưng Chân (Dục Đức) như thế, e rằng không hợp lắm, xin bỏ bớt đoạn ấy đi. Trần Tiễn Thành và Tôn Thất Thuyết đều đồng ý, cùng làm sớ xin Tự Đức bỏ. Nhưng Tự Đức không đồng ý bỏ. TXA.

 

 

 

(  xem tiếp : phụ lục 2  )

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 07/01/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7