8. Trần Xuân An - Trao đổi thêm với ông Lê Nguyễn

 

http://txawriter.wordpress.com/2011/05/02/txa-trao-doi-them-voi-ong-le-nguyen-ii/

http://www.nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/nghien-cuu-phe-binh/tran-xuan-an-trao-doi-them-voi-le-nguyen.html

&

http://www.nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/nghien-cuu-phe-binh/tran-xuan-an-trao-doi-voi-le-nguyen.html

 

Nếu bấm vào 2 link (2 & 3) ở phía trên, quý người đọc đừng kinh ngạc

khi đọc những cái gọi là lời bàn hay phản hồi (comment)

thiếu bình tĩnh hay có tính chất ... không lịch sự ... và không trí thức chút nào.

 

TRAO ĐỔI THÊM VỚI ÔNG LÊ NGUYỄN

(vì ông Lê Nguyễn chưa bằng lòng)

 

Trần Xuân An

 

Sau khi đọc bài viết “Phan Thanh Giản có dâng thành cho Pháp?” của ông Lê Nguyễn trên Tttđt. Hội Nhà văn TP.HCM., tôi nhận thấy có một số điểm chưa thỏa đáng, nếu không nói hẳn ra là thiếu chính xác, do Lê Nguyễn không nắm hết các tư liệu quanh mỗi sự kiện, nhân vật, và chủ yếu là dựa vào ý kiến của nhà nghiên cứu khác (GS. Việt kiều Nguyễn Thế Anh) mà không kiểm chứng lại tư liệu gốc. Tuy nhiên, tôi không muốn tranh luận, chỉ cung cấp thêm tư liệu cho ông Lê Nguyễn cũng như quý người đọc. Đó là bản sớ đã được Viện Sử học đặt tên là “NGUYỄN VĂN TƯỜNG TRÌNH BÀY VỀ ÂM MƯU CƯỚP ĐẤT CỦA PHÁP Ở NAM KỲ” (1). Bản sớ đó được tôi trích dẫn nguyên văn, có chú thích xuất xứ theo yêu cầu nghiên cứu khoa học, trong một đoạn truyện kí – khảo cứu (thay vì sử dụng thuần túy ngôn ngữ khảo luận, để sinh động hơn, nhưng không vì thế mà kém minh xác). Trong đó, tôi đã viết và trích dẫn:

 

“Phủ suý Pháp tại Gia Định từ sau ngày bức chiếm được ba tỉnh Miền tây Nam Kì, chúng đã dự thảo “hoà” ước mới, “định lại điều ước mới, đem tờ thay đổi đến bắt ta phải đóng ấn kí tên” như Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp đã làm! Phủ suý Pháp còn đề nghị triều đình Đại Nam cử luôn sứ bộ cùng y sang Paris để định ước” (2).

 

Tôi nghĩ, như thế là đã đầy đủ và hẳn rất tế nhị.

 

Thế nhưng, ông Lê Nguyễn và hai người đọc khác (các ông [bà] Phạm Đình, Thúy Nguyên) vẫn chưa bằng lòng.

 

Đã vậy, tôi đành phải viết bài này, chủ yếu là bàn sâu vào đoạn ông Lê Nguyễn đã viết như sau:

 

“Tiếp tục theo đuổi lập trường “ngăn lửa không cho cháy lan chỗ khác”, tháng 11 AL năm đó, vua Tự Đức cử Hiệp tá Đại học sĩ Trần Tiễn Thành và Bang tá Nguyễn Văn Tường vào Gia Định. Sau nhiều ngày thương lượng, một dự thảo hiệp ước mới lại ra đời vào những ngày đầu tháng 2.1868, thay thế hoà ước 1862, công nhận chủ quyền của Pháp trên toàn lãnh thổ Nam kỳ (kể cả các đảo Côn Lôn, Phú Quốc và nhiều đảo khác), đổi lại là sự xác định “hoà bình vĩnh viễn giữa hai quốc gia Việt Nam và Pháp…” (khoản 2) và giảm khoản chiến phí phải trả cho Y Pha Nho (khoản 8) (Nguyễn Thế Anh - Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ - NXB Lửa Thiêng - Sài Gòn - 1970 - trang 60-61). Để hợp thức hóa bản dự thảo hòa ước này, triều đình Huế sẽ cử sứ bộ sang Pháp để tiếp tục bàn thảo các chi tiết thực hiện. Việc chưa tới đâu thì vào ngày 4.4.1868, De La Grandière được triệu hồi về Pháp, nhường quyền cai trị thuộc địa Nam kỳ cho Phó Đề đốc G. Ohier, một người chủ trương vẫn tiếp tục thi hành hòa ước 1862. Đó là một trong những lý do khiến bản dự thảo hòa ước 1868 không được hợp thức hóa và rất ít tài liệu nghiên cứu về thời kỳ này đề cập đến, cơ hồ như nó chưa hề có bao giờ”.

 

Trong đoạn trên, có hai điểm cần bàn:

 

1) Thực ra, cái gọi là “dự thảo hiệp ước mới lại ra đời vào những ngày đầu tháng 2.1868, thay thế hoà ước 1862” là do De la Grandière, thống đốc Pháp tại Gia Định, cùng các thuộc viên người Pháp và cả tay sai Tôn Thọ Tường, soạn thảo mà thôi. Trần Tiễn Thành và Nguyễn Văn Tường khi vào Vũng Tàu thương thuyết, vua Tự Đức đã không giao ấn toàn quyền như đã giao cho Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp trước đó, đồng thời cũng đề ra trước những mục tiêu đàm phán: Đòi Pháp thực hiện đúng cưỡng ước 1862; đổi ba tỉnh miền Tây lấy ba tỉnh miền đông Nam Kỳ; chí ít cũng đòi lại cho được tỉnh Biên Hòa… Nhưng Pháp vẫn ngoan cố, không chấp nhận trả đất, mà chỉ giảm khoản tiền chúng ngược ngạo gọi là “bồi thường chiến phí”!

 

Ông Lê Nguyễn có thể xem thêm bài viết của Đào Duy Anh trên tập san “Những người bạn cố đô Huế” (Bulletin des amis du vieux Hue, tháng 4 – tháng 6-1944) do Bùi Trần Phượng dịch (3):

 

“Trong buổi thứ hai (29/01/1868), Trần Tiễn Thành xin Lagrandière cho viên phó sứ của mình [Nguyễn Văn Tường – TXA. chua thêm], [nguyên] quan phủ doãn Thừa Thiên, “được phép phát biểu trước đô đốc [De Lagrandière – ct.] và quan hiệp biện [Trần Tiễn Thành – ct.], để nhắc các điều khoản trong hiệp ước cũ và mới hau những điểm trong thương lượng mà quan hiệp biện quên, không nhớ hết” [Đào Duy Anh trích Báo cáo của Tôn Thọ Tường – ct. theo chú thích của ĐDA.]. Người ta [chỉ người Pháp và một số tay sai như Tôn Thọ Tường - ct.] thảo luận về từng điều khoản của hiệp ước mới và đưa ra những ý kiến phản bác cả về hình thức và nội dung văn kiện ấy [tức là văn kiện đề xuất của Đại Nam]” (3).

 

2) Bản sớ “NGUYỄN VĂN TƯỜNG TRÌNH BÀY VỀ ÂM MƯU CƯỚP ĐẤT CỦA PHÁP Ở NAM KỲ” mà tôi trích dẫn trong đoạn truyện kí – khảo cứu trên, còn có một đoạn dẫn nữa. Nguyên văn đoạn dẫn trong “Đại Nam thực lục” như sau:

 

“Lúc trước tướng Pháp bức lấy 3 tỉnh An Giang, Hà Tiên và Vĩnh Long, định lại điều ước mới, đem tờ thay đổi đến bắt ta phải đóng ấn ký tên, rồi sau sai sứ cùng với hắn sang Tây. Đình thần bàn lấy thượng thư Bộ Lễ Nguyễn Văn Phong sung làm chánh sứ, tả thị lang Bộ Lễ sung làm việc Nội các là Phan Đình Bình sung làm phó sứ, bang biện huyện Thành Hóa gia hàm thị độc học sĩ là Nguyễn Văn Tường sung làm bồi sứ, đến Gia Định bàn với tướng Pháp đi đến thành Ba Lê thương thuyết với triều đình nước Pháp (nói cho chuộc lại 3 tỉnh trước, trả lại trong 3 tỉnh, vẫn phải nhường trong 3 tỉnh thì tha hết tiền bồi thường) và đi khắp các nước Anh-cát-lợi, Y-pha-nho xem xét tình hình hiện tại của nước ấy về tâu trả lời. Đến đây Nguyễn Văn Tường đến kinh, cùng với Văn Phong, Đình Bình làm sớ nói…” (4).

 

 

 

 

 

Trong đoạn trích trên, xin lưu ý câu: “Lúc trước tướng Pháp bức lấy 3 tỉnh An Giang, Hà Tiên và Vĩnh Long, định lại điều ước mới, đem tờ thay đổi đến bắt ta phải đóng ấn ký tên, rồi sau sai sứ cùng với hắn sang Tây” và nội dung mục tiêu mà phái bộ nước ta cần đạt được, để trong ngoặc đơn: “(nói cho chuộc lại 3 tỉnh trước, trả lại trong 3 tỉnh, vẫn phải nhường trong 3 tỉnh thì tha hết tiền bồi thường)”. Như thế là đã quá rõ, có lẽ khỏi cần giải thích thêm.

 

Về nguyên văn bản sớ “NGUYỄN VĂN TƯỜNG TRÌNH BÀY VỀ ÂM MƯU CƯỚP ĐẤT CỦA PHÁP Ở NAM KỲ”, có các điểm quan trọng là:

 

a) Pháp chỉ muốn lừa ta vào bàn hội nghị để ép buộc ta phải kí dự thảo mới, thực chất là  bắt ta phải chấp nhận những điều khoản ràng buộc nghiệt ngã hơn.

 

b) Pháp muốn có hòa ước mới để tiện việc cai trị, bóc lột nhân dân lục tỉnh Nam Kỳ. Nói trắng ra, chúng cướp 3 tỉnh Miền Đông, lại cướp 3 tỉnh Miền Tây, mỗi lần chiếm cứ xong, chúng lại bắt ta phải làm giấy chủ quyền cho chúng! Nguyễn Văn Tường vạch trần âm mưu đó. Theo ông, triều đình ta không nên mắc mưu Pháp, kí thêm hòa ước (thực chất là cưỡng ước) mới, khiến sĩ dân Nam Kỳ không còn biết vin vào đâu để đấu tranh với Pháp. Ông kiến nghị, cứ để Pháp ở trong tình trạng không có giấy chủ quyền. Với tình trạng đó, chúng sẽ thường xuyên lo sợ nhân dân Nam Kỳ cũng như các nước khác. Và khi ta không kí kết gì, thì sau này vẫn còn có lí lẽ để đấu tranh với chúng cũng như vận động các nước khác giúp ta đánh đuổi Pháp.

 

c) Theo Nguyễn Văn Tường, phải thủ và chiến, mới mong đàm phán có hiệu quả.

 

Và triều đình Tự Đức đã nhất trí với bản sớ ấy.

 

Từ những cơ sở trên, rõ ràng câu ông Lê Nguyễn viết: “Để hợp thức hóa bản dự thảo hòa ước này, triều đình Huế sẽ cử sứ bộ sang Pháp để tiếp tục bàn thảo các chi tiết thực hiện” là sai lầm. Và cũng sai lầm nốt ở câu kế tiếp của ông Lê Nguyễn: “Việc chưa tới đâu thì vào ngày 4.4.1868, De La Grandière được triệu hồi về Pháp, nhường quyền cai trị thuộc địa Nam kỳ cho Phó Đề đốc G. Ohier, một người chủ trương vẫn tiếp tục thi hành hòa ước 1862”. Mặc dù ông Lê Nguyễn có cẩn trọng viết “đó là một trong những do khiến bản dự thảo hòa ước 1868 không được hợp thức hóa”, nhưng ông lại hoàn toàn không hay biết gì đến những lí do khác. Lí do khác đó là nội dung đanh thép trong bản sớ “NGUYỄN VĂN TƯỜNG TRÌNH BÀY VỀ ÂM MƯU CƯỚP ĐẤT CỦA PHÁP Ở NAM KỲ”.

 

Sở dĩ ông Lê Nguyễn có sự thiếu hụt tư liệu như vậy là bởi ông chỉ sử dụng cuốn “Quốc triều chính biên toát yếu” (5), một cuốn sử rút gọn, giản lược đến mức tối đa! Thực chất đó chỉ là cuốn sách giúp trí nhớ (sách công cụ, tiện tra vội), phục vụ cho bộ sử đồ sộ “Đại Nam thực lục chính biên”.

 

Điều cuối, cũng xin nói rõ thêm về việc ông Lê Nguyễn cứ ỷ y vào quá trình, bằng cấp, học hàm, nơi giảng dạy của người nghiên cứu đi trước, cứ ngỡ như thế là “hù dọa” được những người nghiên cứu và quý độc giả khác. Đúng ra, về phương pháp nghiên cứu, chúng ta phải tìm đến tư liệu gốc, tư liệu chuẩn cứ, chứ không nên chỉ dựa vào nhận định của các nhà nghiên cứu có học hàm, học vị và được xem là có uy tín học thuật (hay uy tín ngoài học thuật!)…  Đây là nhược điểm của nhiều người viết nghiên cứu, mà ông Lê Nguyễn mắc phải.

 

Ngoài ra, bài viết của ông Lê Nguyễn vẫn còn vài sai sót khác, như về nhân vật Phan Liêm chẳng hạn, đặc biệt là vài đoạn sử liệu khác rất quan trọng trong “Đại Nam thực lục chính biên” về việc Phan Thanh Giản kí cưỡng ước Nhâm tuất, mất 3 tỉnh miền Đông (1862) và chịu để mất 3 tỉnh miền Tây (1867) thuộc lục tỉnh Nam Kỳ. Nhưng đó là vấn đề khác, không phải là điểm tôi muốn làm sáng tỏ trong bài này.

 

Tôi chỉ trao đổi ngắn gọn như thế.

 

Trần Xuân An

 

TP.HCM., 01-5 HB11 (2011)

_______________

 

(1) Đầu đề bản sớ theo đúng nguyên văn Viện Sử học đặt. Xem: “Đại Nam thực lục”, bản dịch VSH., phụ lục cuối tập 38, Nxb. KHXH., 1978, tr. 225  (trong phần “Sự kiện và tư liệu”). Nguyên văn bản sớ, trong đoạn trích từ cuốn sách của tôi (xem chú thích 2), đã đăng trên Tttđt. HNV.TP.HCM.:

http://www.nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/nghien-cuu-phe-binh/tran-xuan-an-trao-doi-voi-le-nguyen.html

 

(2) Trần Xuân An, “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)”, truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004, tr. 164.

 

(3) Nguyễn Đắc Xuân (sưu tập và biên soạn), “Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành”, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1992; đoạn trích, tr. 51; trọn cuộc đàm phán, tr. 46-54.

 

(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục, chính biên”, tập 31, sđd., 1974, tr. 202 – 204.

 

(5) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Quốc triều chính biên toát yếu” (bản dịch tiếng Việt của QSQTN.), Nxb. Thuận Hóa, 1998.

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE