m. Trần Xuân An - Mùa hè bên sông - Tệp 13b

author's

copyright

 

trần xuân an

MÙA HÈ BÊN SÔNG

tiểu thuyết

1997 & 2003

 

 

06/29/09

        

   

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

m ù a 

 h è

 b ê n

  s ô n g 

    

(nỗi đau hậu chiến)

 

tiểu thuyết

 

 

nnhà xuất bản  

 

1997 & 2003

 

 

     

 

CHƯƠNG XIII

(phần B)

 

 

 Tiểu luận của

TRẦN NGUYỄN PHAN (TXA.)

 

Đọc lại "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản" (1847 - 1848)

của Mác và Ăng-ghen (K. Marx & F. Engels)

 

1.

 

Hơn hai mươi bốn năm sau khi bản "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản" được khởi viết (từ khoảng tháng một, tháng chạp 1847) và xuất bản lần thứ nhất (vào tháng hai 1848), ngày 24 tháng sáu, năm 1872, Mác và Ăng-ghen lại đề tựa cho lần xuất bản bằng tiếng Đức, thứ ngôn ngữ nguyên bản:

 

"Mặc dầu hoàn cảnh đã thay đổi nhiều trong hai mươi lăm năm qua, nhưng cho đến nay, xét về đại thể, những nguyên lí tổng quát trình bày trong Tuyên ngôn này hoàn toàn đúng. Ở đôi chỗ, có một vài chi tiết phải xem lại. Chính ngay Tuyên ngôn cũng đã giải thích rõ ràng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lí đó cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt cũng phải viết khác đi. [[...]: Trần Nguyễn Phan (TNP.) lược bớt]" (sđd., tr. 8 - 9 và tr. 21 - 22).

 

Về nền đại công nghiệp đã có sự tiến bộ vượt bậc và về giai cấp công nhân đã có chính đảng, tích luỹ được kinh nghiệm đấu tranh và nắm chính quyền (Công xã Paris 1871), Mác và Ăng-ghen viết tiếp lời tựa: "cho nên hiện nay cương lĩnh này có một số điểm đã cũ rồi" (sđd., tr. 8 - 9 và tr. 21 - 22).

 

" [...] Việc phê phán những văn phẩm xã hội chủ nghĩa chưa được đầy đủ [...]. Và cũng hiển nhiên là những nhận định về thái độ của người cộng sản đối với các đảng đối lập (chương IV) [các đảng đối lập của chế độ tư bản - TNP. chua thêm (ct.)], nếu cho đến nay vẫn còn đúng trên những nét cơ bản, thì trong chi tiết những nhận định ấy đã cũ rồi, vì tình hình chính trị đã hoàn toàn thay đổi và sự tiến triển lịch sử đã làm tiêu tan phần lớn những đảng được kể ra trong đó.

Tuy nhiên, Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa lại" (sđd., tr. 8 - 9 và tr. 21 - 22).

 

Mác và Ăng-ghen khẳng định: những nguyên lí tổng quát vẫn hoàn toàn đúng; phải linh hoạt áp dụng những nguyên lí ấy tuỳ hoàn cảnh cụ thể; không câu nệ vào biện pháp cách mạng đã nêu ra một cách máy móc...

Trên tinh thần đó, Lê-nin (Lênine) nhận định về bản "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản" (1847 - 1848): "Cuốn sách mỏng đó có giá trị bằng nhiều pho sách dày: toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh, cho đến ngày nay, sống và hoạt động nhờ có tinh thần của cuốn sách đó" (dẫn theo sđd., tr. 102).

Quả thật, đó là một cuốn sách mỏng. Với bản in tiếng Việt, xuất bản lần thứ tám, của Nhà Xuất bản Sự Thật - Hà Nội, 1974, nguyên trọn nội dung thực sự của Tuyên ngôn chỉ vỏn vẹn sáu mươi trang sách, cỡ 13 cm x 18,8 cm, từ trang 41 đến trang 101. Phần trước và phần sau các trang đó là các lời tựa của những lần xuất bản và các chú thích của Nhà Xuất bản Sự Thật. Phần mục lục của Tuyên ngôn đã trình bày khái quát về nội dung của nó. Xin trích nguyên văn:

 

"I. [Chương I: - TNP. ct.] Tư sản và vô sản [tr.] 42

  II. [Chương II:] Những người vô sản và những người cộng sản [tr.] 66

  III. [Chương III:] Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa [tr.] 81

1. Chủ nghĩa xã hội phản động: [tr.] 81

a) Chủ nghĩa xã hội phong kiến [tr.] 81

b) Chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản [tr.] 84

c) Chủ nghĩa xã hội Đức hay chủ nghĩa xã hội "chân chính" [tr.] 86

2. Chủ nghĩa xã hội bảo thủ hay chủ nghĩa xã hội tư sản [tr.] 91

3. Chủ nghĩa xã hội không tưởng phê phán và chủ nghĩa cộng sản không tưởng phê phán [tr.] 94

  IV. [Chương IV:] Thái độ của những người cộng sản đối với các đảng đối lập [tr.] 99" (sđd., tr. 117 - 118).

 

Trong các chương mục trên, hai chương Tư sản và vô sản, Những người vô sản và những người cộng sản là cốt tuỷ nhất.

 

2.

 

Điều tôi quan tâm nhất là chủ nghĩa thực dân của giai cấp tư sản và quá trình kháng chiến, phong trào giành độc lập dân tộc ở các nước bị xâm lược.

Sự xâm lược, cướp bóc, chiếm đóng, bành trướng lãnh thổ và đồng hoá dân tộc về mặt huyết thống lẫn văn hoá (gồm cả tôn giáo) không phải mới xuất hiện vào các thế kỉ từ XVI đến giữa thế kỉ XIX, thời điểm Mác và Ăng ghen viết Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847). Xâm lược, thực dân (kể cả chiếm đất, bóc lột, tiêu diệt dân tộc bản xứ, di dân chính quốc đến vùng đất mới xâm chiếm) vốn xuất phát từ dục vọng tham tàn của sinh vật con người (cũng như tình trạng di thực của mọi sinh vật cấp thấp khác), kể từ khởi thuỷ đến nay, và dĩ nhiên dục vọng tham tàn ấy, ở con người, có tính giai cấp (bấy giờ là tư sản) và tính thời đại (bấy giờ là công nghiệp). Nhưng vào cuối năm 1847, lúc Mác và Ăng-ghen viết dòng thứ nhất bản thảo Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, giai cấp phong kiến quân chủ và giai cấp tư sản Âu Mỹ đã và đang tiến hành xâm lược tàn bạo các nước châu Phi, châu Mỹ và các nước Phương Đông một cách khốc liệt (riêng ở cảng Sơn Trà, Đà Nẵng của nước ta, thực dân Pháp vừa gây hấn bằng cách bắn chìm mấy chiến thuyền của quan quân triều Thiệu Trị rồi bỏ chạy), bấy giờ, Mác và Ăng-ghen có những suy nghĩ, thái độ và chủ trương chính trị gì?

Hầu như mối bận tâm nhất của Mác và Ăng-ghen là trình bày luận điểm "lịch sử tất cả các xã hội cho đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp" (sđd., tr. 42). Kế đó, là sự hình thành giai cấp tư sản trong lòng xã hội phong kiến châu Âu và quá trình tích luỹ tư bản của nó, gồm cả việc xâm lược, cướp bóc tài nguyên, sức lao động ở các nước châu Phi, châu Mỹ và các nước Phương Đông:

 

"Việc tìm ra châu Mỹ và con đường biển vòng châu Phi đã đem lại một địa bàn hoạt động mới cho giai cấp tư sản vừa mới ra đời. Những thị trường Đông Ấn và Trung Quốc, việc thực dân hoá châu Mỹ, việc buôn bán với thuộc địa, việc tăng thêm nhiều phương tiện trao đổi và nói chung, tăng thêm nhiều hàng hoá, đã đem lại cho thương nghiệp, cho hàng hải, cho công nghiệp một sự phát triển chưa từng có, và do đấy đã đem lại một sự phát triển mau chóng cho yếu tố cách mạng trong xã hội phong kiến đang tan rã" (sđd., tr. 44).

 

... "Nó đã tiến hành những cuộc viễn chinh khác hẳn những cuộc xâm lăng và những chiến tranh thập tự 42" (sđd., tr. 48).

 

... "Vì luôn luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những nơi tiêu thụ mới, giai cấp tư sản xâm lấn khắp hoàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi, khai thác khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi" (sđd., tr. 49).

 

... "Thay cho những nhu cầu cũ được thoả mãn trong nước, thì nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thoả mãn bằng những sản phẩm đưa từ những miền và xứ xa xôi nhất về" (sđd., tr. 49).

 

... "Mặt khác, bằng cách chiếm những thị trường mới và bóc lột triệt để hơn nữa những thị trường cũ" (sđd., tr. 53).

 

Cũng về tình trạng thực dân ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa, hai lãnh tụ vô sản đã viết với tư duy và cảm xúc châu Âu, gây cho người đọc vốn là nhân dân các nước bị xâm lược cảm giác khó chịu, nếu không muốn nói là bất bình, mặc dù rất đồng cảm khi thấy đồng thời Mác và Ăng-ghen hướng mũi dùi công kích chủ yếu vào giai cấp tư sản, bọn thực dân viễn chinh:

 

"Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn đến cả những dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh. Giá rẻ của những sản phẩm của giai cấp ấy là trọng pháo bắn thủng tất cả những bức vạn lí trường thành và buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất phải hàng phục. Nó buộc tất cả các dân tộc phải thực hành phương thức sản xuất tư sản, nếu không sẽ bị tiêu diệt; nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải thành tư sản. Nói tóm lại nó tạo cho nó một thế giới theo hình ảnh của nó" (sđd., tr. 50).

 

"Cũng như nó đã bắt nông thôn phụ thuộc vào thành thị, bắt những nước dã man hay nửa dã man phải phụ thuộc vào các nước văn minh, nó bắt những dân tộc nông dân phải phụ thuộc vào những dân tộc tư sản, bắt Phương Đông phải phụ thuộc vào Phương Tây" (sđd., tr. 50).

 

Nói chung, hầu như mối quan tâm nhất của Mác và Ăng-ghen, như đã nói, là trình bày về quá trình tích luỹ tư bản của tư sản châu Âu, và vừa công kích, vừa thừa nhận sự phát triển nhanh chóng không thể tưởng của giai cấp tư sản da trắng; đồng thời trình bày sự hình thành của giai cấp công nhân vô sản, nói theo cách của Tuyên ngôn, là giai cấp được sinh ra từ nền sản xuất tư bản, đồng thời cũng chính là giai cấp sẽ "đào huyệt chôn" giai cấp thân sinh mình (sđd., tr. 65), và cũng không thể không nói đến sự tha hoá, vong thân của giai cấp công nhân trong quan hệ sản suất tư bản chủ nghĩa. Khái niệm và thực chất của hai từ "dã man", "văn minh", Mác và Ăng-ghen cũng hiểu theo kiểu "châu Âu là trung tâm", là cái rốn của vũ trụ! Và lạ thay, nhưng xét cho cùng cũng không có gì lạ, khi Mác và Ăng-ghen không hề bày tỏ niềm chia sẻ khổ đau và tủi nhục cùng những dân tộc bị xâm lược, thậm chí bị diệt chủng bởi thực dân da trắng.

Tuy vậy, Mác và Ăng-ghen vẫn có đề cập đến sự bóc lột giữa các dân tộc, nhưng chỉ được hai câu:

 

"Hãy xoá bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xoá bỏ.

Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo" (sđd., tr. 76).

 

Phải chăng hai câu ấy không phải đề cập đến độc lập dân tộc và chủ quyền đất nước? Ai cũng hiểu rằng, "nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác" chưa diễn đạt đầy đủ nội hàm của hai thuật ngữ độc lập dân tộc và chủ quyền đất nước. Một dân tộc này có thể thống trị một dân tộc khác, sáp nhập đất nước của dân tộc bị trị vào lãnh thổ của nước thống trị, nhưng vẫn bình đẳng về kinh tế. Dân tộc Hán ở Trung Hoa sáp nhập cả mươi nước khác, vừa cả đất nước, vừa cả dân tộc vào tay mình là một ví dụ. Liên Xô gồm nước Nga với mười hai nước cộng hoà trước đây (vừa tuyên bố độc lập vào năm 1991) là một ví dụ khác.

Công xã Paris 1871, đã thực sự nắm chính quyền ở Pháp, mặc dù ngắn ngủi về thời gian, nhưng cũng kịp để trao trả Nam Kì cho Đại Nam nước ta, tuy nhiên Công xã Paris cũng không hề có nghĩa cử hợp với công lí ấy!

Bốn mươi tư năm trôi qua, kể từ ngày Tuyên ngôn ra đời, mãi cho đến ngày 10 tháng hai 1892, sau khi cung cấp một thông tin về sự vong bản kì quặc và bi thảm của công nhân Ba Lan là "họ thiết tha muốn Nga hoá tất cả mọi người Ba Lan" (sđd., tr. 34) vì quyền lợi kinh tế (trong sự cạnh tranh giữa giới chủ Ba Lan và giới chủ Nga), Ăng-ghen viết:

 

"Nhưng sự phục hồi nước Ba Lan tự trị hùng mạnh là điều tất cả chúng ta đều mong muốn chứ không phải riêng gì người Ba Lan. Chỉ có thể có được sự hợp tác quốc tế thành thực giữa các dân tộc châu Âu khi nào mỗi dân tộc đó là người chủ tuyệt đối trong nhà mình" (sđd., tr. 34 - 35).

 

Ngày 01 tháng hai, 1893, trong một lời tựa cho lần xuất bản Tuyên ngôn bằng tiếng Ý vào năm đó, Ăng-ghen viết:

 

"Không khôi phục lại độc lập và thống nhất cho từng dân tộc thì về phương diện quốc tế, không thể thực hiện được sự đoàn kết của giai cấp vô sản và sự hợp tác hoà bình và tự giác giữa các dân tộc đó để đạt tới những mục đích chung" (sđd., tr. 38).

 

Tuy có nói đến việc "khôi phục lại độc lập và thống nhất cho từng dân tộc" nhưng Ăng-ghen vẫn xem đó chỉ là việc phải thực thi để tạo được điều kiện cần thiết, mà điều kiện cần thiết ấy cũng chỉ nhằm phục vụ cho mục tiêu tối thượng là cách mạng vô sản trên toàn thế giới! Nói cách khác, cách mạng vô sản mới là chủ trương chính, là mục đích chủ yếu và nhiệm vụ trọng tâm, nhưng không thể thực thi và đạt được nếu không tạo ra điều kiện tiên quyết, đó là "khôi phục lại độc lập và thống nhất cho từng dân tộc". Mặc dù Ăng-ghen đã thấy ra điều ấy, nhưng cũng chỉ giới hạn tầm nhìn vào việc khôi phục độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cho các nước châu Âu mà thôi!

Mác cũng có nói về cái nhục của Ý lệ thuộc vào Áo, Đức lệ thuộc vào Nga. Cũng theo Ăng-ghen trong lời tựa trên, về ý kiến ấy của Mác:

 

"Hai dân tộc lớn đó được phục hồi và có thể thu hồi bằng cách này hay cách khác nền độc lập của mình thì theo ý kiến của Mác, đó là do chính ngay những kẻ đàn áp cuộc cách mạng 1848 [Louis Bonaparte, Pháp; Bismark, Đức - TNP. ct.] đã trở thành những người chấp hành di chúc của cuộc cách mạng đó, bất chấp ý muốn của họ là thế nào" (sđd., tr. 36 - 37).

 

Nhãn quan của Mác và Ăng-ghen cho dù sáng suốt cũng chỉ là nhãn quan của người châu Âu với tâm lí "châu Âu là trung tâm"!

 

3.

 

Điều quan tâm lớn thứ hai của tôi: chủ nghĩa tam vô (vô Tổ quốc, vô gia đình và vô tôn giáo). Có thật Mác và Ăng-ghen chủ trương như thế?

Chương II của "Tuyên ngôn Đảng cộng sản" (1847 - 1848) có nhiều đoạn viết về vấn đề này, sau vấn đề lớn nhất là vô sản hoá hay công hữu hoá nền sản xuất để người công nhân vô sản thành người cộng sản vừa nắm chính quyền, vừa quản lí nền sản xuất và điều hành tất cả mọi lĩnh vực xã hội khác. Chủ nghĩa tam vô cũng được đặt sau các vấn đề cực kì to lớn khác: tính độc lập cá nhân và cá tính, tự do, thương nghiệp, tư hữu, cái cá nhân, văn hoá, pháp quyền. Tất nhiên, biện pháp tiên quyết của cách mạng vô sản là giành chính quyền bằng bạo lực cách mạng, nhưng trong chương II này, biện pháp ấy lại được đặt sau cái thường gọi là chủ nghĩa tam vô.

Mác và Ăng-ghen miêu tả thực trạng của giai cấp vô sản công nghiệp Âu Mỹ dưới sự bóc lột của giai cấp tư sản ở hai châu lục đó, sau khi đã khu biệt với bộ phận "vô sản lưu manh" (sđd., tr. 60):

 

"Điều kiện sinh hoạt của xã hội cũ đã bị xoá bỏ trong những điều kiện sinh hoạt của giai cấp vô sản. Người vô sản không có tài sản; [về gia đình, TNP. nhấn mạnh] quan hệ giữa anh ta với vợ con không còn giống một chút nào với những quan hệ gia đình tư sản; [về dân tộc, TNP. nhấn mạnh] lao động công nghiệp hiện đại, tình trạng người công nhân làm nô lệ cho tư bản, ở Anh cũng như ở Pháp, ở Mỹ cũng như ở Đức, làm cho người vô sản mất hết tính chất dân tộc. [Về tôn giáo v.v., TNP. nhấn mạnh] Luật pháp, đạo đức, tôn giáo đều bị người vô sản coi là những thành kiến tư sản che giấu những lợi ích tư sản" (sđd., tr. 60 - 61).

 

Đó là thực trạng biến đổi về quan hệ gia đình (chưa xác lập vững chắc quan hệ gia đình kiểu mới, vợ chồng đều làm công ăn lương); thực trạng bị tha hoá, vong thân về tính chất dân tộc; và cũng là thực trạng, nhưng ở khía cạnh khác, về luật pháp, đạo đức, nhất là về Thiên Chúa giáo, Tin Lành giáo, lại là sự nhận thức sáng suốt của giai cấp vô sản - công nhân Âu Mỹ, thuở bấy giờ. Thực trạng đó đã được hai lãnh tụ vô sản nhìn thẳng vào sự thật. Nhưng còn ý thức hệ và chủ trương?

 

Về vô gia đình?

 

Trong "Tuyên ngôn Đảng cộng sản" (1847 - 1848), vấn đề này thực sự là những lời tranh luận của hai lãnh tụ vô sản với các giai cấp, thành phần phản động:

 

"Xoá bỏ gia đình! Ngay những người cấp tiến nhất cũng phẫn nộ về cái ý định xấu xa ấy của những người cộng sản.

Gia đình tư sản hiện nay dựa trên cơ sở nào? Dựa trên tư bản, trên lợi nhuận cá nhân. Gia đình, dưới hình thái hoàn toàn phát triển của nó, chỉ tồn tại đối với giai cấp tư sản thôi, nhưng nó lại kèm theo sự bắt buộc phải thủ tiêu mọi gia đình đối với người vô sản và kèm theo nạn mãi dâm công khai.

Gia đình tư sản dĩ nhiên là sẽ tiêu tan cùng với cái kèm theo nó, và cả hai cái đó [gia đình kiểu tư sản, lợi nhuận cá nhân (hoặc sự thủ tiêu tính gia đình tạm bợ kiểu vô sản, nạn mãi dâm công khai) - TNP. ct.] đều mất đi cùng với tư bản.

Các ông trách chúng tôi là muốn xoá bỏ hiện tượng cha mẹ bóc lột con cái chăng? Tội ấy, chúng tôi xin nhận.

Nhưng các ông lại bảo rằng chúng tôi đập tan những mối liên hệ thân thiết nhất bằng cách đem giáo dục xã hội thay cho giáo dục gia đình.

Thế nền giáo dục của các ông, há chẳng phải cũng do xã hội quyết định đó sao? Há chẳng phải do điều kiện xã hội trong đó các ông nuôi dạy con cái các ông, do sự can thiệp trực tiếp hay không trực tiếp của xã hội, do nhà trường v.v. quyết định là gì? Người cộng sản không bịa ra tác động xã hội đối với giáo dục; họ chỉ thay đổi tính chất của tác động ấy và kéo giáo dục ra khỏi ảnh hưởng của giai cấp thống trị mà thôi.

Đại công nghiệp càng phá huỷ mọi liên hệ gia đình trong giai cấp vô sản và càng biến các trẻ em thành chỉ là những món hàng mua bán, chỉ là những công cụ lao động, thì những lời huênh hoang của giai cấp tư sản về gia đình và giáo dục, về những mối liên hệ thân thiết gắn bó con cái với cha mẹ, lại càng trở nên ghê tởm.

Nhưng bọn cộng sản các anh, muốn thực hành chế độ cộng thê [vợ chung - TNP. ct.]. - Toàn thể giai cấp tư sản đồng thanh tru tréo lên như vậy.

Đối với người tư sản, vợ hắn chẳng qua chỉ là một công cụ sản xuất. Cho nên nghe nói công cụ sản xuất phải được đem dùng chung thì tự nhiên là hắn kết luận rằng chính đàn bà rồi cũng phải chịu cái số phận chung là bị xã hội hoá.

Hắn không ngờ rằng vấn đề ở đây chính là kéo đàn bà ra khỏi vai trò hiện nay của họ là một công cụ sản xuất đơn thuần.

Vả lại, không có gì lố bịch bằng sự ghê sợ quá ư đạo đức của những nhà tư sản đối với cái gọi là cộng thê chính thức mà hình như những người cộng sản sẽ chủ trương. Những người cộng sản không cần phải du nhập chế độ cộng thê; chế độ ấy hầu như đã luôn luôn tồn tại.

Các ngài tư sản chưa thoả mãn là đã sẵn có vợ và con gái của vô sản để dùng, đó là chưa kể chế độ mãi dâm công khai, các ngài ấy còn lấy việc cắm sừng lẫn nhau làm một thú vui đặc biệt.

Hôn nhân của giai cấp tư sản thật ra là chế độ cộng thê. Quá lắm thì người ta có thể buộc tội những người cộng sản là muốn đem một chế độ cộng thê công khai và chính thức thay cho chế độ cộng thê che đậy một cách giả nhân giả nghĩa mà thôi. Nhưng với sự xoá bỏ chế độ sản xuất hiện tại [nền sản xuất tư bản chủ nghĩa - TNP. ct.] thì dĩ nhiên là chế độ cộng thê do chế độ sản xuất ấy đẻ ra, tức là chế độ mãi dâm chính thức và không chính thức, cũng sẽ biến mất" (sđd., tr. 73 - 75).

 

Quả thật, Mác và Ăng-ghen khi bàn đến tự do, hai ông viết trong Tuyên ngôn một cách rất mỉa mai về cá tính, tính độc lập và tự do cá nhân tư sản, sau đó, lại viết tiếp:

 

"... Trong những điều kiện hiện tại của sản xuất tư sản thì tự do có nghĩa là tự do buôn bán, tự do mua và bán.

[...]

... những luận điệu và lời nói đó không còn ý nghĩa gì nữa, khi vấn đề đặt ra là chủ nghĩa cộng sản phải xoá bỏ buôn bán, xoá bỏ chế độ sản xuất tư sản và xoá bỏ ngay cả giai cấp tư sản nữa" (sđd., tr. 70).

 

Cách viết đầy tính tranh luận với thủ pháp mỉa mai thường thấy (phủ định bằng cách khẳng định với cấu trúc câu tuy bình thường nhưng ngữ nghĩa "nghịch lí", đặt trong một văn cảnh nhất định), khiến nhiều người có thể liên hệ là chủ nghĩa cộng sản sẽ lấy "chế độ cộng thê công khai và chính thức" (xã hội thừa nhận vợ chung một cách công khai trong đời sống và chính thức trên pháp luật) để thay thế "chế độ mãi dâm chính thức và không chính thức" do chính nền sản xuất tư bản - buôn bán đẻ ra, một khi mua dâm và bán dâm "cũng sẽ biến mất" (bởi "chủ nghĩa cộng sản phải xoá bỏ buôn bán", kể cả buôn bán tình dục, nghĩa là không còn có gái đĩ bán dâm lấy tiền, các tú bà buôn thịt bán người). Nói cách khác, "quan hệ sản xuất tư bản - buôn bán" vốn phản ánh vào các quan hệ xã hội của xã hội tư bản chủ nghĩa, ngay trong việc mại dâm và mãi dâm; còn "quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa - xoá bỏ buôn bán" thì phản ánh vào các quan hệ xã hội của xã hội xã hội chủ nghĩa, nên trong lĩnh vực tình dục ngoại hôn dâm dãng cũng sẽ cho không biếu không, hoặc được phân phối theo tem phiếu! Nói vắn tắt, như thế là cách mạng tình dục đến mức "thả giàn [thả ràn]", do đó xã hội không còn đĩ điếm nữa! Thật là một sự hiểu lầm hoặc xuyên tạc khủng khiếp và nguy hại?!? Chẳng lẽ sau mấy chục ngàn năm tiến hoá và tự xây dựng nên những nền văn hiến của mình, loài người lại trở về với đời sống tình dục bầy đàn, quần hôn, tạp hôn, thời công xã nguyên thuỷ?!?

Nếu đọc kĩ những gì Mác và Ăng-ghen đã viết về vấn đề gia đình dưới hình thức tranh luận trong Tuyên ngôn, ta thấy: Một mặt, kết án chủ nghĩa tư bản đã thủ tiêu gia đình của người vô sản. Mặt khác, khẳng định dưới chủ nghĩa cộng sản người phụ nữ sẽ được giải phóng để tham gia vào hoạt động xã hội chứ không chỉ làm chức năng sinh đẻ (máy đẻ); cha mẹ giai cấp công nhân sẽ không bóc lột sức lao động của con cái; chủ nghĩa cộng sản xem giáo dục của nhà trường là chính, so với giáo dục gia đình, "kéo giáo dục ra khỏi ảnh hưởng của giai cấp thống trị". Tuy nhiên, gia đình chỉ được đề cập đến với ba đối tượng: vợ, chồng và con. Đó là kiểu gia đình "hạt nhân" (hình thức gia đình chỉ gồm các thành viên chính, không phải hình thức gia đình tam hoặc tứ đại đồng đường, không phải đại gia đình gồm nhiều gia đình "hạt nhân" thúc bá trực hệ quây quần).

Có lẽ cần nói rõ hơn về khía cạnh vô gia đình. Bởi lẽ giai cấp công nhân châu Âu vốn là nông dân bị bứt khỏi ruộng đất và đồng cỏ chăn nuôi của họ để lang thang kiếm sống ở các thành thị đang mở mang nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, vì vậy đa số trong họ đều rơi vào tình cảnh vô gia đình, với nghĩa độc thân. Bởi lẽ khác, nếu có gia đình, cả hai vợ chồng và cả con cái chưa đến tuổi lao động cũng đều phải đi làm cho giới chủ công nghiệp, mỗi ngày phải lao động đến 16 hoặc 18 tiếng đồng hồ, cho nên có gia đình cũng như vô gia đình (chẳng còn chút thì giờ nào dành cho các quan hệ thân mật!).

 

... mỗi gốc cây, một xác người công nhân!...

... mỗi ngày hai bữa cơm đèn

lấy gì má phấn răng đen hỡi chàng!

 

Đó là tình cảnh gia đình người công nhân Việt Nam bị bóc lột ngày công lao động, ba giờ sáng đã dậy thổi cơm, chín giờ tối mới ăn bữa cơm chiều! Tình trạng bị giới chủ tư sản bóc lột thậm tệ của công nhân Mỹ cũng rất ghê gớm. Thiên tài điện ảnh câm Charlie Chaplin (Charlot), qua một số đoạn phim Thời đại tân kì (Modern times), đã miêu tả đời sống giai cấp công nhân Mỹ đầu thế kỉ XX, để nói lên tình cảnh tủi nhục của họ, đồng thời nhằm lên án giai cấp tư sản: con cái thất học, trộm cắp; bản thân cùng đồng nghiệp như một bầy súc vật mỗi ngày bị lùa vào nhà máy theo tiếng còi tầm, và cũng theo tiếng còi tầm, khi nhà máy nhả ra, thân thể công nhân rã rời héo rũ; có người lại bị hệ thống sản xuất dây chuyền hành hạ đến mức rối loạn tâm thần, nhìn hạt nút trên áo phụ nữ cũng ngỡ là chiếc bù loong! Tuy vậy, với hạn chế của bản thân Charlie Chaplin và của người công nhân ấy, anh ta và cô gái khốn khổ vẫn không giác ngộ giai cấp để đấu tranh cách mạng, cuối cùng dắt tay nhau đến một thiên đường huyễn hoặc xa xăm hay một vùng đất địa đàng hoang vu nào đó! Rất đáng tiếc, với họ bấy giờ, ở trần gian này, dưới Gót sắt tư sản, gia đình là cả một gánh nặng bi thảm, không lối thoát.

Vả lại, gia đình kiểu "hạt nhân" chỉ gồm ba thành phần chính này hình thành là bởi tình trạng người vô sản bị bứt gốc, bật gốc khỏi quê quán, không thể có các thành phần khác: cha chồng (ông), mẹ chồng (bà), anh em của chồng (chú, bác, cô), cho nên vô gia đình ở đây là tình cảnh không có bà con họ hàng thân thuộc... Vô gia đình được hiểu với các nghĩa như thế.

Nói một cách khái quát, nếu bản thân giai cấp công nhân châu Âu, thuộc địa Viễn Đông và các châu lục khác, ở thế kỉ XIX, vừa mang trong mình một tính cách ưu việt do phương thức sản suất công nghiệp quy định, thì cũng bởi điều kiện sống tăm tối, tồi tệ do bị bóc lột đó, họ cũng đồng thời bị hình thành một nếp cảm nghĩ kiểu vô gia đình! Không chỉ là cảm nghĩ, bởi theo Mác và Ăng-ghen, hai vị lãnh tụ vô sản này đã đọc "những tài liệu rất có giá trị để soi sáng ý thức công nhân", mà "xoá bỏ gia đình" là một trong những đề nghị tích cực tuy còn không rõ rệt và lờ mờ nên trở thành không tưởng (sđd., tr. 96).

Về sau, qua sự cọ xát nếp cảm nghĩ đã thành ý thức ấy vào thực tiễn đấu tranh, và một khi chủ nghĩa xã hội đã thành hiện thực, cuộc sống giai cấp công nhân thực sự được cải thiện và nâng cao, ở Liên Xô dần dần hình thành một quan điểm về nạn mãi dâm và hôn nhân - gia đình cụ thể hơn. Nếu ở xã hội tư bản, "sự mãi dâm được hợp pháp hoá trở thành cái bổ sung cho hôn nhân" (1Tng), thì ở xã hội xã hội chủ nghĩa "quan hệ hôn nhân - gia đình không có sự đồi bại đó [TNP. nhấn mạnh], quan hệ dựa trên tình yêu, tình bạn và lòng tin cậy lẫn nhau, đã nảy sinh và phát triển trong giai cấp vô sản"; "tình yêu, sự tôn trọng lẫn nhau, sự chăm lo giáo dục con cái, sự săn sóc của con cái đã trưởng thành đối với cha mẹ [TNP. nhấn mạnh] - đó là những nguyên tắc đạo đức quan trọng nhất của gia đình trong xã hội xã hội chủ nghĩa" (1Tng).

 

Về vô Tổ quốc, vô dân tộc?

 

Tuyên ngôn Đảng cộng sản (1847 - 1848) được Mác và Ăng-ghen viết tiếp, nhưng không phải là phủ nhận lời cáo buộc của những giai cấp, thành phần đối lập:

 

"Ngoài ra, người ta còn buộc tội những người cộng sản là muốn xoá bỏ Tổ quốc, xoá bỏ dân tộc.

Công nhân không có Tổ quốc. Người ta không thể cướp cái mà họ không có. Vì giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc 1*, phải tự mình trở thành dân tộc, cho nên do đấy họ vẫn còn có tính chất dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu.

Với sự phát triển của giai cấp tư sản, tự do buôn bán, thị trường thế giới, sự đồng đều của sản xuất công nghiệp và những điều kiện sinh hoạt thích ứng với sản xuất ấy thì những sự cách biệt dân tộc và những sự đối lập giữa nhân dân các nước [TNP. nhấn mạnh] cũng đã ngày càng mất đi.

Giai cấp vô sản nắm chính quyền sẽ càng làm cho những sự cách biệt và những sự đối lập ấy mất đi nhanh hơn [TNP. nhấn mạnh]. Hành động chung của giai cấp vô sản, ít ra là ở những nước văn minh, là một trong những điều kiện đầu tiên cho sự giải phóng của họ [46]

Hãy xoá bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xoá bỏ.

Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo" (sđd., tr. 75 - 76).

 

Tổ quốc và dân tộc là hai vấn đề thường được và phải được kết hợp làm một, nhưng vẫn là hai vấn đề khác nhau! (Tôi cũng phân biệt hai khái niệm dân tộc và nhân tộc; một dân tộc thường là gồm nhiều nhân tộc hợp lại). Khái niệm giai cấp với nội hàm do Mác và Ăng-ghen định nghĩa, lại được hai ông đặt cao hơn cả dân tộc, trong khi giới thuyết rõ sự khác nhau giữa người vô sản với người cộng sản:

 

"Những người cộng sản chỉ khác với các đảng vô sản khác trên hai điểm: một là, trong các cuộc đấu tranh của những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau, họ [tức là những người cộng sản - TNP. ct.] đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc [TNP. nhấn mạnh] và chung cho toàn thể giai cấp vô sản; hai là, trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giữa vô sản và tư sản, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào" (sđd., tr. 66 - 67).

 

Ở một đoạn trước, trong chương I, Mác và Ăng-ghen viết rõ hơn:

 

"Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc [TNP. in đậm]" (sđd., tr. 62).

 

Nói cụ thể hơn, lợi ích giai cấp vô sản thế giới là tất cả và trên hết!

Do đó, ta không lạ gì về câu khẩu hiệu nổi tiếng cuối bản Tuyên ngôn, thường được xem như đặc trưng, tiêu biểu cho chủ nghĩa Mác là: "Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!" (sđd., tr. 101). Sự thiếu sót về độc lập đất nước của các dân tộc (gồm nhiều nhân tộc) bị áp bức là rất rõ ràng.

Vô Tổ quốc và vô dân tộc trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847 - 1848) là hai vấn đề nhức nhối đối với người theo Tổ quốc luận, chủ nghĩa yêu nước. Ngay ở Liên Xô, đến năm 1975, Từ điển triết học còn có đoạn viết:

 

"Trong xã hội tư sản, giai cấp công nhân không có Tổ quốc, nhưng xét về bản tính xã hội của mình thì nó là giai cấp tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước chân chính. Trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, bản chất xã hội của Tổ quốc cũng thay đổi, chủ nghĩa xã hội - đối tượng của niềm tự hào dân tộc và là Tổ quốc chân chính của những người lao động [TNP. in đậm] - trở thành yếu tố chủ yếu của nó, chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa có tính chất toàn dân được hình thành, gắn chặt với chủ nghĩa quốc tế" (2Tng).

Trong đoạn trích dẫn từ Từ điển triết học trên, tôi lưu ý đến bốn chữ "chủ nghĩa xã hội" và định ngữ của nó, được đặt trong hai dấu gạch ngang: "- đối tượng của niềm tự hào dân tộc và là Tổ quốc chân chính của những người lao động -". Nói cách khác, Tổ quốc chính là chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa xã hội là đối tượng hướng đến của niềm tự hào dân tộc. Hoặc có thể lược bớt định ngữ để hiểu đúng:

 

"... bản chất xã hội của Tổ quốc cũng thay đổi, chủ nghĩa xã hội [...] trở thành yếu tố chủ yếu của nó... [TNP. in đậm]".

 

Đó là quan niệm của Liên Xô. Liên Xô là một liên bang gồm mười ba nước, hầu hết mỗi nước đều vốn là một quốc gia độc lập, đều có truyền thống lâu đời, đều có lịch sử riêng, nay gộp chung lại thành một liên bang, tất nhiên đứng đầu vẫn là Nga. Do đó, quan niệm về Tổ quốc của Nhà nước Liên bang Xô-viết phải trừu tượng, mơ hồ và đầy tính chất quan phương như thế.

Về vấn đề dân tộc, Từ điển triết học của Liên Xô viết:

 

"... ở Liên Xô đã hình thành một cộng đồng lịch sử mới - nhân dân xô-viết. Đó không phải là một cộng đồng dân tộc, mà là cộng đồng quốc tế [TNP. in đậm], và việc hình thành nó là sự toàn thắng của các nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa" (3Tng).

 

"Sau khi chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn thắng lợi, sự xích lại gần nhau một cách toàn diện của các dân tộc sẽ làm cho những khác biệt dân tộc dần dần biến mất. Tiêu biểu cho xã hội cộng sản phát triển sẽ là một hình thức cộng đồng người mới [TNP. nhấn mạnh] trong lịch sử, rộng hơn so với dân tộc, hợp nhất toàn bộ loài người thành một gia đình [TNP. nhấn mạnh]" (4Tng).

 

Như vậy là trong viễn tưởng (chứ không phải viễn cảnh!) sẽ diễn ra sự đồng hoá dân tộc để đi đến sự đồng nhất dân tộc. Bấy giờ, không còn khái niệm Tổ quốc, quốc gia, dân tộc, mà chỉ còn là thế giới và loài người mà thôi!

Tuy nhiên, phải trở về với thực tế. Hãy nhớ lại rằng, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) chỉ trở thành người cộng sản khi Lê-nin đã bổ sung vào câu khẩu hiệu vốn đặc trưng cho chủ nghĩa Mác: "Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức [TNP. nhấn mạnh], đoàn kết lại!".

 

Về vô tôn giáo?

 

Điều này hẳn khỏi phải bàn, bởi không một ai không biết Mác và Ăng-ghen cũng như phong trào cách mạng vô sản mác-xít - lê-nin-nít đều chủ trương vô thần luận một cách công khai, minh bạch. Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847 - 1848) có đoạn phê phán các giai cấp, thành phần phản động như sau:

 

"Những tư tưởng về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo chẳng qua chỉ nói lên thời kì thống trị của cạnh tranh tự do trong lĩnh vực tri thức mà thôi" (sđd., tr. 77).

"Cách mạng cộng sản chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với chế độ sở hữu cổ truyền; không có gì đáng lấy làm lạ khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những tư tưởng cổ truyền [TNP. nhấn mạnh].

Nhưng hãy gác lại những lời giai cấp tư sản phản đối chủ nghĩa cộng sản" (sđd., tr. 78).

 

Từ điển triết học của Liên Xô có đoạn viết về tôn giáo:

 

"Chỉ trong xã hội cộng sản chủ nghĩa phát triển thì tôn giáo mới có thể hoàn toàn biến mất và bị xoá bỏ khỏi đời sống con người. Nhưng việc tôn giáo mất đi không phải là một quá trình tự động; nó đòi hỏi phải kiên trì hoạt động giáo dục quần chúng, tuyên truyền rộng rãi những hiểu biết khoa học tự nhiên, xã hội và thế giới quan mác-xít" (5Tng).

 

Như thế, về bản chất, giai cấp vô sản đại công nghiệp mang trong mình tính ưu việt của phương thức sản xuất mới, hiện đại nhất, đồng thời cách mạng nhất:

 

"Những người cộng sản không tự hạ mình mà đi giấu giếm những ý kiến và dự định của mình. Họ công khai tuyến bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ hoàn toàn trật tự xã hội hiện có. Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ khi nghĩ đến một cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ [TNP. nhấn mạnh]. Trong cuộc cách mạng ấy, họ giành được cả một thế giới cho mình" (sđd., tr. 101).

 

Nói cách khác, bởi thực trạng tam vô hoặc đa vô, giai cấp vô sản đại công nghiệp dưới chế độ tư bản bóc lột không có gì để mất, kể cả gia đình, dân tộc, Tổ quốc, tôn giáo, nhân phẩm, nên họ kiên quyết cách mạng đến cùng, vì nếu thất bại, thì chỉ mất xiềng xích mà thôi! Nói gọn hơn, được thì được cả thế giới, mất thì chỉ mất xiềng xích nô lệ!

Hạn chế của Mác và Ăng-ghen, như một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra, là tư duy theo kinh tế luận, chứ không phải theo Tổ quốc luận như Hồ Chí Minh. Phong trào cộng sản do Mác và Ăng-ghen lãnh đạo đấu tranh, trước hết và trên hết là vì quyền lợi giai cấp. Bản Quốc tế ca đã thể hiện điều đó:

 

"Chế độ xưa, ta mau phá sạch tan tành! Toàn nô lệ, hãy đứng lên đi! Nay mai, cuộc đời sẽ khác xưa, bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình [TNP. nhấn mạnh]!".

 

Đối với người Việt Nam chúng ta, sẵn sàng hi sinh tất cả quyền lợi bản thân, cá nhân, gia đình, vì sự tồn vong của dân tộc và danh dự Tổ quốc, thì cũng như Bác Hồ, đó là một điều rất trăn trở. Nhưng Bác Hồ vĩ đại hơn nhiều người là ở chỗ, trong khi có người không thể chấp nhận Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847 - 1848) và các tổ chức Quốc tế Cộng sản, thì Bác gia nhập Quốc tế Cộng sản đệ tam do Lê-nin sáng lập, và đồng thời đồng sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, là để đấu tranh nhằm hướng mục tiêu giải phóng dân tộc thành mục tiêu trọng tâm của tổ chức Quốc tế Cộng sản ấy và Đảng ấy. Hồ Chí Minh vẫn đặt quyền lợi, danh dự Tổ quốc, dân tộc lên trên quyền lợi, danh dự giai cấp công nhân. Tôi biết, có người đến hiện nay, vẫn còn đặt câu hỏi thao thức về vấn đề này: Phải chăng là thế?

 

Về biện pháp cách mạng?

 

Cũng trong chương II này, Mác và Ăng-ghen viết về biện pháp cách mạng: "bằng cách xâm phạm một cách chuyên chế vào quyền sở hữu và chế độ sản xuất tư sản" (sđd., tr. 78). Nói trắng ra là bằng bạo lực cách mạng, bằng chuyên chế vô sản (xin lưu ý: tôi dùng lại hai chữ "chuyên chế" trong bản dịch Tuyên ngôn - TNP.).

Về các biện pháp chuyên chế vô sản sẽ thực hiện ở các nước tiên tiến, xin trích nguyên văn:

 

"...

Tuyên ngôn còn viết thêm về quyền lực chính trị:

"Quyền lực chính trị, theo đúng nghĩa của nó, là bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác" (sđd., tr. 80).

 

Sau khi dùng biện pháp "bạo lực tiêu diệt chế độ sản xuất cũ, thì đồng thời với việc tiêu diệt chế độ sản xuất ấy, nó cũng tiêu diệt luôn cả những điều kiện của sự đối kháng giai cấp, nó tiêu diệt các giai cấp nói chung và cũng do đấy, tiêu diệt cả sự thống trị của chính ngay giai cấp mình" (sđd., tr. 80).

Tôi đặt câu hỏi từ mệnh đề khẳng định này: "... và cũng do đấy, tiêu diệt cả sự thống trị của chính ngay giai cấp mình"? Như thế là thiên đường cộng sản chủ nghĩa sẽ không còn sự thống trị mang tính giai cấp, có nghĩa là trước đó đã không còn tồn tại nhà nước nào, chính đảng nào thuộc các giai cấp phi vô sản, đến lượt Nhà nước chuyên chính vô sản cũng không còn, không còn cả Đảng Cộng sản (đều hoàn tất vai trò, nhiệm vụ lịch sử và đều tuyên bố giải thể). Bởi lẽ, một khi xã hội đại đồng trên toàn thế giới (L'Internationale) hình thành, "trong đó, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người" (sđd., tr. 81), thì tất nhiên bấy giờ đã không còn giai cấp (vô giai cấp), do đó không còn đối kháng giai cấp, cho nên cũng không còn quyền lực chính trị theo định nghĩa trên. Kế tục, Nhà nước L'Internationale xuất hiện. Đó là một hình thức Nhà nước tự quản, tự điều hành của toàn nhân loại đại đồng, tất cả công dân thế giới đều giác ngộ về thiên đường cộng sản chủ nghĩa, và đang vừa xây dựng tiếp tục, vừa thụ hưởng thành quả cộng sản chủ nghĩa ấy, với một tầm dân trí tuyệt vời (tối thiểu mặt bằng dân trí toàn thế giới cũng là tiến sĩ chẳng hạn), và dứt khoát phải vươn tới được cái tâm trong sáng (phải đấu tranh để triệt tiêu tham-vọng-đế-quốc-đỏ hay còn gọi là dục-vọng-cộng-sản-đế-quốc-chủ-nghĩa, chủ-nghĩa-đế-quốc-trá-hình-thành-l'internationale).

Nhận xét về cuốn "Đường kách mệnh", nhà nghiên cứu Phan Ngọc viết:

 

"Công trình giáo dục của Nguyễn Ái Quốc không nói đến tam vô (vô Tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo), không nói đến nhị các (ai cũng được làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu (6Tng)), không trình bày chủ nghĩa cộng sản như một thiên đường, điều mà ta thấy sau này trong các sách huấn luyện. Nếu như có một người cách mạng không lãng mạn thì người đó là Hồ Chí Minh".

 

4.

 

Như vậy, không chỉ tam vô (vô Tổ quốc, vô gia đình và vô tôn giáo), Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847 - 1848) đã trình bày một cách công khai là rất nhiều vô. Phải kể thêm: vô sản (vô sở hữu tư liệu sản xuất); vô dân tộc (chứ không chỉ là vô Tổ quốc); vô giai cấp; vô quyền lực chính trị... Dĩ nhiên, có cái vô thực hiện ngay sau khi giành được chính quyền, có cái vô phải tiến hành từng bước một, thuộc về tương lai xa, rất xa, và có thể đó chỉ là những mục tiêu trong khoa học viễn tưởng hoặc, như có những kẻ tư sản, phản động đã nói: hoang tưởng. Nói là khoa học viễn tưởng cũng đã là vô phép, nhưng ai quả quyết được những điều mới chỉ là sản phẩm của khát vọng cao đẹp hãy còn thuộc lĩnh vực lí tưởng (mặc dù có cái phải bàn thêm), là sản phẩm của quá trình nghiên cứu khoa học, hoạt động thực tiễn nhưng không phải không ít nhiều xuất phát từ sách vở, tư duy tư biện, trí tưởng tượng vẽ vời; và trên thực tế, sau khi Liên Xô tan rã, sụp đổ, người ta có thể nói là chưa có một nước nào xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội cả.

Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847 - 1848) rất có giá trị ở những trang tố cáo bản chất giai cấp tư sản trong quá trình tích luỹ tư bản, nhất là trong quá trình viễn chinh di thực (xâm lược, chiếm đóng, bóc lột, diệt chủng và di dân chính quốc đến cư trú tại thuộc địa).

Tuy nhiên, mọi người thuộc các thế hệ sau đều hiểu thời điểm xuất hiện Tuyên ngôn Đảng Cộng sản là ở trong bối cảnh ấy. Đó là bối cảnh trên đôi tay, mồm miệng tư sản - thực dân tàn khốc, ghê tởm đầy máu và bùn của công nhân (đa số xuất thân từ nông dân). Do đó, Tuyên ngôn không thể không chan chứa những yếu tố cực "tả", sục sôi lòng căm thù giai cấp bóc lột, vang rền tiếng thét đấu tranh cách mạng. Ngoài ra, không kể những hạn chế cụ thể - lịch sử, Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847 - 1848) có những tư tưởng nhân văn chủ nghĩa rất tiến bộ và cao đẹp. Ngay những mục tiêu tạm gọi là thuộc về khoa học viễn tưởng cũng có tác dụng kích thích loài người hướng tới lí tưởng thiên đường cộng sản, theo cách nhìn của mỗi thế hệ phù hợp với thời đại mình.

Có một điều hết sức ngạc nhiên và thú vị, ấy là khi tôi đọc được một sự kiện đã được Đại Nam thực lục chính biên (7Tng) ghi chép lại: Ngay từ những năm năm mươi của thế kỉ XIX, chính xác là 1857 (tháng mười một âm lịch, năm Tự Đức thứ mười), tại hai làng Tiên Lễ, Lệ Sơn, huyện Minh Chính, thuộc tỉnh Quảng Bình, có hai người học trò, kẻ sĩ, đã phát hiện ra chủ nghĩa xã hội bình quân nông dân để tâu lên vua Tự Đức nhằm chống lại "tả đạo" Thiên Chúa giáo, nhưng không được vua và triều đình thấu hiểu, thậm chí còn bị phạt trượng và tội đồ. Đó là Lương Trợ Lý và Hoàng Hữu Phu.

Phải chăng, không nghi ngờ gì nữa, đó là lần đầu tiên người Việt nước Đại Nam đã phát hiện ra sự kết hợp giữa biện pháp cải cách kinh tế về ruộng đất theo hướng xã hội chủ nghĩa (tuy còn bình quân chủ nghĩa kiểu nông dân) và ý thức độc lập dân tộc cũng như phong trào giải phóng dân tộc, chống ngoại xâm (cho dù đến một năm sau, 1858, thực dân Pháp mới chính thức xâm lược)?

Chủ nghĩa xã hội Phương Tây trước Mác và chủ nghĩa Mác - Ăng-ghen, liệu có đến nước ta (Đại Nam, triều Tự Đức) từ những năm xa xưa ấy hay chỉ là trường hợp "tư tưởng lớn gặp nhau" mà người thầy chính là thực trạng xã hội, chứ không phải sách vở? Tôi tin chắc chắn chỉ là tư tưởng riêng của Lương Trợ Lý và Hoàng Hữu Phu.

Đã đúng 146 năm (từ 1857 đến nay, non một thế kỉ rưỡi) trôi qua...

Về tác động của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847 - 1848), ở đầu thế kỉ XX, nhất là sau Cách mạng Tháng mười Nga 1917, nói chung là vô cùng to lớn. Cho đến thời đoạn thoái trào cách mạng vô sản trên thế giới hiện nay (cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI), ít ra Tuyên ngôn cũng còn có tác dụng khơi dậy, thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân tại các nước tư bản chủ nghĩa, buộc các nước tư bản phải tự điều chỉnh.

Dẫu sao, tôi cũng chỉ học tập theo Bác Hồ: "yêu Tổ quốc, yêu đồng bào"; "không có gì quý hơn độc lập, tự do [bao hàm tất cả các quyền dân chủ]"; "tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"... Chủ nghĩa xã hội, về mặt kinh tế, cũng phải hội đủ năm thành phần kinh tế, như tổng bí thư Lê Duẩn đã vạch ra.

Trong những tác phẩm đã xuất bản, tôi đã thể hiện rõ tư tưởng của mình về những vấn đề này, và cả vấn đề bản sắc văn hoá dân tộc... (8Tng).

Tôi là một người sáng tác văn chương, không hề có một chút tham vọng chính trị, nhưng không thể không nghiên cứu, suy tư về sử học, chính trị, triết học cách mạng... Tôi tin rằng chúng ta vẫn còn thao thức tìm cho ra một mô hình, cơ chế xã hội và nhà nước xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc, thật sự tự do - nhân quyền, thật sự dân chủ - dân quyền. Xin đừng bó hẹp nhân quyền vào độc nhất một từ: tôn giáo. Việc đó chỉ phù hợp với người khác, vốn theo các tôn giáo có một lịch sử yêu nước, chống ngoại xâm, như Phật giáo chẳng hạn. Không! Không phải cứ nói đến nhân quyền là nói đến tôn giáo, nhất là loại tôn giáo phản quốc. Không có một quyền nào gọi là quyền phản quốc trong nhân quyền cả. Ngược lại, quyền tự do không tôn giáo, quyền tự do yêu nước, dựng nước, giữ nước (gồm cả quyền giữ gìn, phát huy, cách tân bản sắc văn hoá dân tộc) phải được tôn trọng và bảo vệ (9Tng). Nhân quyền gồm tất cả các quyền tự do cơ bản và chính đáng của con người: quyền được tự do học tập, nghiên cứu, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tư tưởng, tự do hội họp và lập hội, và hàng chục quyền tự do cơ bản, chính đáng, rất cụ thể khác của con người đã được ghi vào Hiến chương Liên hiệp quốc cũng như Hiến pháp xã hội chủ nghĩa nước ta.

Chủ nghĩa xã hội với những cải cách cần thiết, không thể không có, về mô hình và cơ chế, trong thao thức của nhiều người, như vừa đề cập, là khát vọng có thật. Tuy nhiên, xin phải hết sức cẩn trọng, không thể lãng mạn về kinh tế, càng không thể phiêu lưu thí nghiệm xã hội trên quy mô toàn Đất nước như mấy thập niên trước, cho dẫu nước ta, dân tộc Việt Nam ta vốn lấy Tổ quốc luận làm trọng, và chủ nghĩa yêu nước thương nòi đã nghìn đời là truyền thống, sức mạnh chống ngoại xâm và đề kháng đối với mọi mưu toan đồng hoá dân tộc, là sức sống, sức bật của dân tộc Việt Nam ta (gồm nhiều nhân tộc) trên mọi lĩnh vực, và đặc biệt cần nhấn mạnh ở đây, đó là khả năng Việt hoá tất cả mọi giáo thuyết ngoại nhập, sau khi đã đãi lọc, loại trừ các thành tố độc hại trong các giáo thuyết ấy, kể cả chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Tuy phải cẩn trọng trong Đổi mới, nhưng cũng không thể để muộn hơn được nữa, nhất là về cơ chế tự do, dân chủ (nhân quyền và dân quyền)!

 

TRẦN NGUYỄN PHAN

 

 

Tán cây trứng gà lúc này vẫn như những buổi trưa khác, cứ mãi xao xác trong gió nam nóng, luồng nối luồng tưởng không bao giờ dứt. Và vẫn thế, thỉnh thoảng, có chỗ lá bị gió thổi thưa ra, lọt xuống phía bóng râm dưới gốc, chỗ Hiền Lương đang nằm võng, những loé chớp khiến cô chói mắt, sực tỉnh, tâm trí mới thoáng rời khỏi những dòng chữ vi tính ở mấy trang giấy trắng trên tay. Mãi từ trưa cho đến lúc nắng đã ngả chiều này, Hiền Lương mê mải đọc, nghiền ngẫm, nghĩ ngợi. Cô cứ ngỡ những loé chớp ấy từ trái tim và khối não cô bật ra, mặc dù thừa hiểu đó chỉ là sự cộng hưởng.

Đúng là những loé chớp cộng hưởng. Cảm giác nhân lên, dội lại, vang vọng, không phải chỉ của âm thanh, mà còn là ánh sáng, như tiếng gió và màu nắng quê nhà bên bờ sông Bến Hải này. Cảm giác đồng hương chăng? Hiền Lương không rõ. Bất chợt cô ngỡ tìm được một hình ảnh chính xác nhất để diễn đạt cảm tưởng của mình. Đúng rồi, đó là những gợn sóng lấp loáng trong tiếng gió lướt lồng lộng trên sông Bến Hải? Không, cũng không phải hoàn toàn như vậy. Nhưng có lẽ là thế đấy, lấp loáng nối liền lấp loáng, lồng lộng một cách vô thanh, và thật sự còn có những loé chớp bất chợt. Cuối cùng, cô thấy chỉ có thể diễn đạt một cách nửa trừu tượng như bốn chữ "cảm giác đồng hương" vừa rồi, có điều dứt khoát phải thêm một địa danh làm định ngữ, đó là "Bến Hải", chứ không thể là địa danh nào khác. Máu lửa sông Gianh đã lên tiếng bằng chính máu lửa Bến Hải, bằng một cuộc lặp lại lịch sử với chiều kích khác? Hoàn toàn không phải vậy. Không phải chiều dài, bề rộng của sông. Không phải ngắn ngủi hay đằng đẵng thời gian. Và cũng không phải lặp lại tính chất lịch sử ở độ sâu, tầm cao. Nhưng quả thật ít nhiều, chỉ ít nhiều thôi, có tiếng hồn lịch sử sông Gianh trong đậm đặc tiếng hồn lịch sử của sông Bến Hải. Hiền Lương cơ chừng lắng nghe được những gì Trần Nguyễn Phan đã viết thành chữ, bằng chính cảm giác đồng hương Bến Hải, gọi là một linh giác đồng hương Bến Hải có lẽ đúng hơn. Đó là thứ linh giác từ vết thương lịch sử cô mới thực sự được khai mở trong những ngày của lần đầu tiên ra thăm quê nội này, những ngày trò chuyện với Hành và bao người thương mến khác.

Có điều, hãy thử xuất phát từ một điểm nhìn khác để nhìn lại cho thật kĩ những điều cô cảm nhận và tìm cách tự diễn đạt cảm nhận ấy. Hiền Lương tự bảo, cô có hạ thấp Trần Nguyễn Phan lắm không trong hai chữ đồng hương, trong khi sông Bến Hải thực sự là vết thương thế giới? Trần Nguyễn Phan chưa đủ tầm cỡ, trước hết là chiều kích nội tâm, để viết lên cho đạt nỗi đau sâu thẳm và lớn lao nhường ấy? Không. Không nên khiêm tốn, nhún nhường giùm người khác! Hiền Lương muốn nói, chính nhờ trong cô có một chất Bến Hải... Bằng cảm thức lịch sử, văn chương? Chưa đủ. Còn bằng chất Bến Hải ấy, chất Bến Hải vốn có, cộng những ngày ra thăm quê nội với những gương mặt khắc sâu vào trái tim Hiền Lương, đã khai mở cho Hiền Lương một linh giác đồng hương Bến Hải, giúp cô thấu hiểu được những trang thơ văn của Trần Nguyễn Phan với nỗi đau quê nhà và thế giới ở Vĩ tuyến Mười bảy này.

Nhưng có ý thơ nào khiến Hiền Lương tâm đắc nhất, sau những nỗi niềm, tâm trạng, những chọn lựa thái độ của những thế hệ trước? Quả thật, cô đã thao thức, đã trăn trở, đã nghiền ngẫm từ lâu, và đến lúc này cô bàng hoàng như thể bị chói loá bởi nắng, bị lay vỗ bởi gió, trước những thức ngộ về lịch sử qua các thể tài văn sử. Có một điều Hiền Lương suy nghĩ mãi. Đó là câu thơ hết sức bình thường ở bài thơ "Tản mạn với một người em". Với cấu trúc đồng hiện, ngày xưa và hôm nay xen lẫn, bài thơ gợi nên nhiều liên tưởng, từ quá khứ đến hiện tại. Đang viết về hiện tại, tác giả để tứ thơ ngoảnh một cái nhìn xa hun hút về nỗi đau của Nguyễn Du xa xưa, và đột ngột tứ thơ lại hướng về hiện tại. Có tầm thường lắm không, khi Hiền Lương neo dấu hỏi riêng mình vào câu thơ vốn là một mệnh đề khẳng định: chiến công kia đâu chỉ của một thời. Có phải "kẻ phản động có lời thơ tao nhã" Nguyễn Du đã từ cái đau nhất thời phóng tầm nhìn về thiên cổ và về nghìn thu sau, để cái đau ấy trở thành nỗi đau muôn thuở về bi kịch con người, bi kịch loài người? Và với "mắt nhìn thấu suốt nghìn đời" ấy, Kiều đâu chỉ là Kiều hồng nhan bạc phận, tài mệnh tương đố, là nạn nhân oan khốc của bao tham tàn từ thời kia sang thời nọ, chưa bao giờ dứt. Kiều như một điển hình cho tất cả mọi kẻ sĩ mày râu gươm bút, cho bất kì người nông dân rơm rạ ruộng đất, người buôn thúng bán bưng chợ quê lề phố nào, khi họ đích thực là con người gặp phải bất hạnh, bị giày xéo, chà đạp. "Kẻ phản động có lời thơ tao nhã" Nguyễn Du đã khắc đậm vào lòng dân tộc và loài người muôn kiếp, vạn đời một chủ nghĩa nhân đạo. Và Gia Long, cho đến Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức có ngờ đâu hay đã quá thấu hiểu "tiếng kêu đứt ruột [của thời đại] mới" ấy đã làm cho nhân dân người hơn, quan lại người hơn, triều đình người hơn. Không phải Truyện Kiều làm tình hình Bắc Kì thêm phản loạn? Không phải Truyện Kiều đẩy triều Nguyễn đến cảnh suy vi, cuối cùng là sụp đổ vào tay thực dân Pháp và tả đạo Thiên Chúa giáo? Hẳn không phải vậy chăng, bởi sự thật là câu trả lời đã đặt trước hai câu hỏi này?

Nhưng rõ rệt hơn, chiến công kia đâu chỉ của một thời, phải chăng còn là nhờ bao xương máu quan quân triều Nguyễn, từ Tự Đức đến Hàm Nghi, đã đổ ra cho Đất nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Tây Ban Nha, chống tả đạo thực dân, mặc dù xương máu ấy đã bị khuất chìm trong quên lãng. Đó là chưa kể xương máu của phong trào Cần vương vẫn tiếp diễn sau khi Hàm Nghi đã bị bắt, bị lưu đày và nhiều phong trào yêu nước, chống Pháp khác nữa...

Ở một khía cạnh nào đó, ai bảo quan quân từ thời Tự Đức đến thời Hàm Nghi không trong sạch hơn, khí thế hơn trong mấy mươi năm chống thực dân, tả đạo (chống cái ác nói chung) là nhờ chủ nghĩa nhân đạo (cho dù phần nào vẫn còn là nhân đạo siêu hình) trong Truyện Kiều và thơ chữ Hán Nguyễn Du?

Hoá ra, cuối cùng phải chăng là "kẻ phản động" Nguyễn Du (mặc dù Nguyễn Du không phải như Phạm Thái đối với Quang Trung, không phải như Cao Bá Quát đối với Tự Đức (20)), ông đã giàn thế trận chữ nhân đánh giặc ngoại xâm bằng thơ lục bát nghìn xưa, một khi Truyện Kiều cùng bao bài thơ khác của ông đã và mãi mãi khơi sâu, giương cao chủ nghĩa nhân đạo. Cho dù phê phán triều đại nào đi nữa, phê phán kẻ nắm quyền lực nào đi nữa, thơ Nguyễn Du cũng là dòng suối rửa sạch dục vọng, đố kị trong lòng người, cũng là ngọn lửa thắp sáng chính nghĩa, làm bừng dậy khí thế tiến công vào cái ác thực dân, phát xít, cái ác đế quốc, bá quyền của loài người.

Phải chăng vì thế, vua Tự Đức rất yêu thích Truyện Kiều và thi sĩ Nguyễn Du tài hoa, sâu sắc, nhưng cũng vua Tự Đức ấy lại bảo, sẽ phạt trượng quan đại thần, hữu tham tri Bộ Lễ, chánh sứ, Cần Chánh điện đại học sĩ Nguyễn Du, chỉ bởi lí do vị quan được thăng đến hàm tứ trụ này cứ "dạ dạ vâng vâng", cứ xin cáo quan, cứ xin nghỉ giả hạn, nếu Nguyễn Du còn sống? Hay Tự Đức yêu thương Kiều đến xót xa nhưng muốn phạt tác giả đã đề cao Từ Hải, "dọc ngang nào biết trên đầu có ai"?

Thử nghĩ về đoạn kết xem. - Hiền Lương tự nhủ, và dẫn dắt cảm nghĩ của mình vào tình tiết cụ thể trong Truyện Kiều -. Cuối cùng, ai cứu được số phận Kiều? Anh hùng nổi dậy Từ Hải? Hồ Tôn Hiến? Hay các sư cô, bà vãi và vị quan mẫu mực Kim Trọng? Quả thật, Truyện Kiều là tấm gương phản ánh chân thật hiện thực, Từ Hải là hình bóng Quang Trung (hoặc những người "phù Lê" giai đoạn đầu như Phạm Thái (21)?) ở cao trào, đỉnh điểm của mâu thuẫn bi kịch trong lòng hiện thực ấy, để kết thúc là cảnh đoàn viên như thuở ban đầu, gia đình sum vầy, hạnh phúc, "bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng". "Hiện thực hùng vĩ nào, hiện thực ảm đạm nào đã "cưỡng bức âm thầm vô thức"" Nguyễn Du, hay ông thực sự có ý thức rõ rệt trong việc sáng tạo Truyện Kiều và những bài thơ khác, trong đó nổi bật lên hình tượng Kiều và Từ Hải, cô đào Cầm và Khuất Nguyên?

Có điều, Nguyễn Du đã lí giải hiện thực theo thế giới quan siêu hình:

 

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

 

Cũng như ở “Văn tế thập loại chúng sinh”:

 

Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu!

 

Và kết thúc của “Truyện Kiều” càng đậm đặc sương khói siêu hình:

 

Cho hay muốn sự tại Trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Có đâu thiên vị người nào

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai

Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

 

Tại đâu? Tại Trời! Tại luật bù trừ! Tại luật nhân quả siêu hình! Và chung quy chỉ tại cái tâm. Phải giữ cho được gốc rễ của cái thiện vốn có trong lòng mỗi người bằng cái tâm tự tu dưỡng và được giáo huấn, chứ không phải bằng cái tài, hoặc không chỉ bằng cái tài, bởi cái tâm có tác dụng cho lòng người, cho tình đời gấp ba lần tác dụng của cái tài. Cái tài không chỉ kém thua cái tâm về tác dụng mà còn là nguyên nhân của tai hoạ!

Sương khói siêu hình thêm lung linh hay che lấp chữ tâm? Mờ khuất cả chữ tài? Dẫn đến hậu quả là sợ hãi chữ tài?

Một chủ nghĩa hiện thực của nhãn quan siêu hình! Nhãn quan siêu hình thể hiện ngay trong chủ nghĩa nhân đạo!

Tuy nhiên, nhìn với nhãn quan hiện thực sáng rõ, với quan điểm nhân đạo chủ nghĩa thiết thực, Truyện Kiều phải chăng đã ngầm chứa lời kêu đòi trách nhiệm của phía cá nhân người phụ nữ và phía xã hội (hoặc phía kẻ sĩ và phía triều đình)? Dẫu sao, đoạn kết cũng có hậu và phù hợp với quan điểm chính thống của triều Nguyễn. Vì thế, số lần và số lượng xuất bản Truyện Kiều dưới thời Tự Đức là cao nhất, có lẽ vậy. Cũng chưa có triều nào như triều Tự Đức, chiếu cầu hiền với biện pháp cụ thể và mạnh mẽ, "tiến cử người hiền sẽ được trọng thưởng, dìm lấp người hiền sẽ bị tử hình", được liên tục ban bố.

Nhìn lên tán cây trứng gà đang xao xác gió, Hiền Lương tiếp tục mạch cảm nghĩ của mình. Cô biết, dẫu sao, Truyện Kiều cũng đã tạo ra nhiều hướng cảm thụ, nhiều cuộc tranh luận. Hiền Lương vẫn còn nhớ, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh và cả Tản Đà đã bình phẩm về Truyện Kiều, với những giọng điệu khác nhau. Nguyễn Công Trứ lên án Kiều rất gay gắt, thậm chí nguyền rủa Kiều:

 

... Chiếc kim thoa [?]

đành phụ nghĩa với Kim lang (22)

Nặng vì hiếu, nhẹ vì tình, thời cũng phải

Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải

Cánh hoa tàn đem bán chốn thanh lâu

Bấy giờ còn hiếu vào đâu

Mà bướm chán ong chường cho đến thế

Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa 

Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm

Bán mình trong bấy nhiêu năm

Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai!

 

Tản Đà thâm thuý, sâu cay:

 

Đôi dòng nước mắt, đôi làn sóng

Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan

Tổng đốc có thương người mệnh bạc

Tiền Đường chưa chắc mộ hồng nhan!

 

Chu Mạnh Trinh lại yêu thương đắm đuối Kiều, thông cảm với Kiều bằng tất cả tấm lòng. Ông có một câu văn, đọc lên muốn khóc:

 

Cánh hoa rụng còn chọn gì đất sạch!

 

Nguyễn Khuyến lại chê trách Kiều một cách nhân hậu hơn, tuy tận đáy lòng, hẳn ông không thể không phê phán Kiều. Ông cũng cười chua chát về bọn quan lại sâu mọt, thời nào cũng có:

 

Đời trước làm quan cũng thế a?

 

Với Tố Hữu, ông viết những câu thơ xúc động nhất của đời thơ mình về Truyện Kiều và tác giả, sau khi đã có lần khóc, "Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều":

 

Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời nghìn thu

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày

Hỡi người xưa của ta nay

Khúc vui xin lại so dây cùng Người...

 

Không những thế, Chế Lan Viên ca ngợi Truyện Kiều đến mức, "Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn"!

Hiền Lương hiểu khi so sánh Truyện Kiều, chứ không phải nàng Kiều, với lời Non nước, Đất nước, Tố Hữu và Chế Lan Viên không hề và không dám có ý xúc phạm hồn thiêng Sông núi, xúc phạm Tổ quốc. Tác phẩm Truyện Kiều là chủ nghĩa nhân đạo, là tấm lòng bao dung của nhân dân, của Đất nước, còn nhân vật nàng Kiều là đối tượng thương cảm của chủ nghĩa nhân đạo ấy, tấm lòng bao dung ấy. Ở khía cạnh khác, Tố Hữu và Chế Lan Viên cũng phớt lờ cho "kẻ phản động" Nguyễn Du với tâm sự "hoài Lê" chăng? Hoặc, hai nhà thơ lớn này không phải là không có hạn chế? Hay họ vốn quen với cách cảm thụ, phê bình tác phẩm theo ấn tượng chủ quan và theo quan niệm đồng sáng tạo, đến mức tái tạo lại tác phẩm?

Mỗi người, mỗi thời có một cách cảm thụ khác nhau về một tác phẩm và khác nhau về quan niệm văn chương.

Có thể Hiền Lương đã cảm nhận khác với Trần Nguyễn Phan, tác giả của bài thơ ấy? Hay cô chưa kịp hiểu và chưa thật sự thấu hiểu? Nhưng rõ ràng bằng ngôn ngữ thơ, Trần Nguyễn Phan gợi mở trong cô một cách cảm thụ khác với sách giáo khoa nhà trường.

Hiền Lương cũng đã tản mạn rồi, như một cô bé học sinh trung học đang tập làm văn! Cảm nhận chỉ tạm dừng ở một điểm, liên tưởng lại tự đẩy đi xa. Cô biến bài thơ của Trần Nguyễn Phan như một gợi ý để rời thoát quá xa hình tượng, ngôn từ của bài thơ, rơi hẳn vào thế giới của Truyện Kiều? (23).

Cô muốn quay lại với câu thơ như một mệnh đề khẳng định, một câu thơ chẳng là gì cả nếu không đặt trong tổng thể bài thơ: chiến công kia đâu chỉ của một thời. Chiến công nào vậy? Chiến công ấy có ngọn lửa của văn chương muôn thuở với chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo! Chiến công ấy có đóng góp của xương máu nhân dân, quan binh các triều Tự Đức - Hàm Nghi chống tả đạo, chống Pháp và của các phong trào khác về sau cùng chung một mục tiêu...

Hiền Lương lại thấy mình rơi vào sử, chứ không phải cảm thụ thơ!

Đúng là suốt cả mấy tiếng đồng hồ từ trưa đến lúc ngả chiều, lan man, tản mạn! Hiền Lương tự bảo mình phải cảm nhận thơ tốt hơn, bởi cô hiểu hai chữ "tản mạn" của Trần Nguyễn Phan thật ra không tản mạn chút nào. Đúng hơn, "tản mạn" như một thủ pháp nghệ thuật.

Tán cây trứng gà xào xạc, lay đập theo luồng gió liên tu bất tận, bỗng dưng lại thưa lá ra ở phía nhánh kia. Nắng xế chiều loé chớp. Và lại loé chớp ánh sáng trong tâm trí Hiền Lương. Một loé chớp trong những loé chớp cộng hưởng, giữa thơ văn người viết với trái tim người đọc.

Còn những trang văn thơ khác? Hiền Lương chỉ ngẫm nghĩ mãi mấy dòng, sau tất cả những gì đã đọc:

 

"Có thể cái còn gọi là thao thức kia chỉ là hậu quả của sự tuyên truyền. Tuy nhiên, thao thức có thật ấy, trong giai đoạn lịch sử đó, quả thật cũng xuất phát từ sự nhận thức khách quan của rất nhiều người, một nhận thức đã hoá thành nỗi băn khoăn nhức nhối, đọng lại ở các câu hỏi: 1. Chủ quyền Miền Bắc Việt Nam thuộc về ai? 2. Ở Miền Bắc, liệu truyền thống thờ kính cội nguồn tổ tiên, thắp hương tại các đình làng, chùa chiền có được tồn tại? Và tại sao trong nhà sàn Bác Hồ không có bàn thờ gia tiên, theo truyền thống đạo lí của dân tộc Việt Nam ta? Đó cũng là sự thật lịch sử - sự thật về tuyên truyền của Mỹ - ngụy, nhưng cũng là sự thật ở nội tâm một phần không ít nhân dân Miền Nam Việt Nam. Nhận thức ấy, thao thức ấy, có lẽ chỉ tồn tại trước tháng 4 năm 1975; phải chăng sau đó đã được giải toả; hay bị củng cố thêm bởi hiện thực hằng ngày trước mắt?

Tất nhiên, từ khi diễn ra công cuộc Đổi mới, tình hình đã khác.

Kính mong hãy cảm thông, hoà giải, và đại đoàn kết. Chỉ có thể đại đoàn kết dân tộc một cách bền vững trong tinh thần cảm thông, hoà giải ấy. Làm sao có thể đại đoàn kết được nếu những mặc cảm trong chiến tranh không được giải toả trên cơ sở sự thật lịch sử - sự thật lịch sử đúng như nó đã diễn ra, không bị vo tròn, bóp méo! Tuy nhiên, phải khẳng định và phải khẳng định: Những người cầm súng cho thực dân Pháp, phát xít (fascisme) Nhật, đế quốc Mỹ và ''tả đạo'' Thiên Chúa giáo, ở Miền Nam Việt Nam (không ít là dân Miền Bắc di cư vào Nam), rõ ràng là bị đẩy vào tình cảnh phản quốc hay ít nhiều cũng tự ý phản quốc. Trong số người bị đẩy vào tình cảnh phản quốc một cách hết sức đau đớn ấy, có một phân số khá lớn là bị kẹt giữa hai gọng kìm lịch sử (một gọng kìm là Pháp + Mỹ + "tả đạo", và, có thể kể thêm Nhật; một gọng kìm khác là Nga Sô + Trung Cộng + chủ nghĩa cộng sản vô thần). Số người thuộc trường hợp này có lòng yêu nước, căm hận Pháp + Mỹ + "tả đạo", căm hận Nhật, và hơn thế nữa, họ cũng rất căm ghét bọn ngụy đích thực, cam tâm làm tay sai đầu sỏ cho bốn loại giặc ngoại xâm ấy, nhưng bị buộc phải cầm súng, làm quan chức cho chúng (hoặc chỉ cầm súng, làm quan chức cho một trong bốn kẻ thù dân tộc vừa liệt kê). Vì vậy, cho nên dẫu sao đi nữa, họ cũng không thể chính danh là một trong những "lực lượng yêu nước", mà bị gọi chung là "ngụy"! Nói cụ thể hơn, đằng sau danh từ "ngụy", có nhiều loại người khác nhau, trong đó không ít người thật sự yêu nước với chính kiến rõ rệt; bi kịch của họ là đã dựa vào Pháp + Mỹ + "tả đạo", và Nhật để chống Nga Sô + Trung Cộng + chủ nghĩa cộng sản vô thần với ý định sẽ lần lượt bẻ gãy hai gọng kìm lịch sử ấy. Nhưng, chỉ là ảo vọng! Rốt cục, phải chịu mang tiếng là ngụy. Danh đã không chính, thì ngôn không thuận. Có người lòng dạ là rất yêu nước, nên rất khổ tâm, nhưng đã là ngụy quân, ngụy quyền, họ không thể nói cho người khác thuận nghe được, cho dù chỉ là giãi bày tâm sự. Đó là nỗi đau của họ. Vả lại, những người thuộc dạng có lòng yêu nước thật sự nói trên, bọn thực dân, phát xít, đế quốc, "tả đạo" thường không sử dụng. Bất đắc dĩ chúng cũng sử dụng tạm thời hoặc chỉ sử dụng ở những chức vụ thấp, ở cấp tỉnh, cấp quận, không quan trọng, và ít nguy hiểm đối với chúng.

Xét về lực lượng kháng chiến, từ các tổ chức cộng sản sơ khai (trước 1930), đến Việt Minh (Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, từ tháng 8.1941), và có lẽ sau 1954, ở Miền Nam thường gọi là Việt Cộng (Cộng sản Việt Nam), nhận định chung là thế nào? Sau khi đám mây mù tuyên truyền của ngoại xâm và ngụy tan đi, ai cũng thấy rõ sự thật lịch sử là: Hết sức hiển nhiên, lực lượng nào đánh bại được Pháp, Nhật, Mỹ, ''tả đạo'' Thiên Chúa giáo, bá quyền Trung Quốc, đánh đổ được ngụy triều Huế (1885 - 1945) (II.19), ngụy quyền Sài Gòn (1954 - 1975), chế độ diệt chủng Khơ Me (Kh'mer) Đỏ, chính danh và chính nghĩa thuộc về lực lượng ấy. Đó là đa số nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có một sự thật (tuy chỉ giới hạn nhất định là qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình trong nước), sự thật đó là, mặc dù không một ai trên thế giới này có thể phủ nhận được chiến thắng hiển hách, lừng lẫy của lực lượng kháng chiến Việt Minh, Việt Cộng, nhưng vẫn có người, nhất là một số Việt kiều ở hải ngoại, vẫn không chấp nhận Việt Minh, Việt Cộng là chính danh, chính nghĩa, thậm chí còn chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam một cách cuồng dại! (24)". 

 

Hiền Lương thật lòng không biết nghĩ ngợi thế nào! Rõ ràng Trần Nguyễn Phan rất muốn làm sáng tỏ sự thật lịch sử và kiểm nghiệm chân lí, đồng thời góp phần nhỏ vào việc thúc đẩy sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, đại đoàn kết nhân loại, hàn gắn vết thương chiến tranh trên cơ sở đó. Nhưng cũng rõ ràng là anh ấy không muốn mình mê cuồng chút nào, cũng không đại ngôn chút nào. Rõ ràng Trần Nguyễn Phan đã viết văn, nghiên cứu như một cách đối thoại, hay như một cách đấu tranh ở các diễn đàn ngôn luận học thuật và văn chương, một cụm từ ngữ thường dùng thuở nào. Liệu có sự đối thoại nghiêm túc, chân thành, cởi mở trong tinh thần tự do, dân chủ phù hợp với nhân quyền và hiến pháp chăng?

Hiền Lương nhớ anh Hành có lần bảo: "Trần Nguyễn Phan khao khát được đăng tải trên báo, được xuất bản thành sách những gì anh ấy đã viết. Trần Nguyễn Phan cũng rất kính yêu câu văn của Nguyễn Trãi, đại để: Kính mong bệ hạ làm thế nào cho tận thôn cùng xóm vắng, không còn tiếng hờn giận oán sầu". Không những Trần Nguyễn Phan mà cả anh Quyển, ba của cô (chú Nông), không hẹn nhau nhưng ai cũng thích câu văn ấy của Nguyễn Trãi. Thực chất đó là nền tảng đồng thời là sứ mệnh của văn nghệ, học thuật. Liệu quyền tự do báo chí, quyền tự do xuất bản có được Nhà nước, xã hội tôn trọng, bảo vệ và tạo thuận lợi chăng? Trần Nguyễn Phan có ảo tưởng chăng? Ngay cách viết với giọng điệu, ngôn từ khách quan, thẳng thừng của anh ấy phải chăng đã là một sự dại dột?

Hiền Lương nhìn sững lên tán cây trứng gà, và chợt nhớ, mới hôm nào đây, gió mạnh đến nỗi lá cành bị lay đập đến quằn quại. Hôm ấy, cô đã liên tưởng, lòng bao nhiêu người cũng quằn quại như thế. Không ai muốn bị quằn quại bao giờ!

Sau một lúc để trí tưởng tự trôi theo dòng chảy của nó, Hiền Lương chợt giật mình, như thể khựng lại. Cùng lúc đó, cô thấy những dòng chữ thể hiện ý tưởng của Trần Nguyễn Phan về một phân số đông đảo binh lính, sĩ quan, công chức của chế độ cũ, mới thoáng đọc qua, có vẻ phi lô gích, thiếu tính hợp lí. Nhưng quả thật, phân số bị gọi là "ngụy" ấy, họ chống chế độ Pháp - ngụy, Nhật - ngụy, Mỹ - ngụy và chống "tả đạo" Thiên Chúa giáo, đặc biệt là chống những tên tay sai đầu sỏ ngụy, cỡ tổng thống, thủ tướng, tướng lĩnh ngụy, một cách thâm trầm hoặc rất công khai, đó là sự thật lịch sử, một sự thật lịch sử xem ra có vẻ nghịch lí nhưng hoàn toàn đúng với hiện thực đã diễn ra! Hiền Lương chưa có dịp đọc nhiều những trang nhật báo, tạp chí và sách xuất bản tại Miền Nam trước Ngày Giải phóng 1975, bằng cách nọ hay cách kia, người cầm bút đã viết về sự thật đó, nhưng cô đã đọc vào chính cuộc đời ba cô, thiếu uý ngụy Hoàng Nông, cùng bao nhiêu người đồng cảnh ngộ lịch sử khác nữa, và cô thấm thía hiểu! Xét cho cùng, bất kì cái phi nghĩa nào cũng gặp sự chống đối và căm hận. Quan lính ngụy, công chức ngụy chống đối, căm hận giặc ngoại xâm, ngụy đầu sỏ, có gì lạ kì đâu! Huống chi hình tượng nhân vật Phan nào đó (phải chăng là tác giả?) chỉ là một học sinh trung học, chưa có một giây trong đời anh ta dính líu đến các thứ giặc ngoại xâm và các thứ ngụy! Ồ, Hiền Lương bỗng nhớ lại lời Hành kể hôm nào, nên cô biết chắc chắn nhân vật Phan chính là tác giả Trần Nguyễn Phan.

Đúng vậy, về Trần Nguyễn Phan, và cũng đúng vậy về rất nhiều người tuổi trẻ khác khắp Miền Nam này. Lô gích, tính hợp lí về thực chất của sự thật lịch sử Miền Nam là thế đó, dẫu mới đọc thoáng qua, lại cứ ngỡ là phi lô gích, phi lí! Chợt nghĩ về cái giật mình, thoáng khựng lại vừa rồi, Hiền Lương nhận thấy trong những nếp gấp tư duy của mình, hình như có một đường hằn, lối mòn của kiểu tư duy suông đuột, một chiều của người máy trong một xã hội rô bốt, loại sản-phẩm-người-máy của Mút-xô-li-ni (Moussolini), tên trùm phát xít Ý, với câu nói nổi tiếng của y trong việc chia phần với giáo hoàng La Mã, buộc giáo hoàng phải chấp nhận lép vế, chịu phần thiệt: "Tôi chiếm hữu người dân Ý từ khi họ lọt lòng cho đến lúc họ trút hơi thở cuối cùng; bấy giờ mới thuộc quyền của đức giáo hoàng"! Không. Hiền Lương nói không với định kiến phát sinh từ xã-hội-người-máy, với cả giáo hoàng; nói không với định kiến hình thành từ chủ nghĩa lí lịch. Cô đã kiểm nghiệm nhận thức của mình vào chính thực tiễn sinh động của hiện thực xã hội, trong đó có bao con người mà một phần đời của họ đã ở bên kia điểm mốc lịch sử ba mươi tháng tư bảy lăm (30.4.1975).

Hiền Lương lại nhìn sững lên tán cây trứng gà. Nắng chiều đã dịu. Bỗng dưng Hiền Lương thấy mình hơi vớ vẩn, buồn cười, và hơi tầm thường nữa. Hiền Lương hơi buồn khi chất nghệ sĩ của cô hơi bị chất sử, chất triết, chất chính trị lấn lướt, mặc dù tất thảy những chất ấy đều cực kì hệ trọng, bởi có gì hệ trọng hơn xương máu! Nhưng sao cảm thụ thơ văn, cô lại lãng quên, bỏ mất tính nghệ thuật và nói chung, tính chỉnh thể của từng bài? Sao cô cứ đăm đắm vào câu thơ, đoạn văn ấy? Có lẽ những vấn đề sử, triết, chính trị ở đó đã và đang tác động đến số phận mình, cũng như số phận bao nhiêu triệu người khác. Hiền Lương tự bảo, mình tự tầm thường hoá chính mình rồi sao! Không. Không phải thế. Chỉ vì đó là những vấn nạn bức thiết!

Hiền Lương rời khỏi chiếc võng, đứng dậy, nhìn ra khu vườn xanh mướt lá trong nắng chiều.

Trong một thoáng, Hiền Lương bất chợt nhận ra một điều hết sức giản dị: Bi kịch của những người bị kẹt giữa hai gọng kìm lịch sử chính là bi kịch của những người kiên định với lòng yêu nước sắt son theo chủ nghĩa dân tộc truyền thống, dân chủ, tự do (tuy có người chỉ giới hạn ở mức độ quân chủ lập hiến). Họ không tìm ra một liên minh dân tộc chủ nghĩa nào trên thế giới cả! Mặc dù số lượng người yêu nước, dân tộc chủ nghĩa, dân chủ, tự do trong từng nước là rất lớn, số lượng đất nước dân tộc chủ nghĩa, cộng hoà cũng rất nhiều, nhưng không thể lập được liên minh trên thế giới (25)! Có lẽ do sự li gián, phá hoại của các thế lực đế quốc chủ nghĩa! Ở nước Việt mình, số người rơi vào bi kịch này không chỉ trong Nam, mà cả ở ngoài Bắc. Đối với họ, họ những muốn bẻ gãy cả hai gọng kìm kia, nhưng không thể bẻ nổi! Sau khi cuộc chiến tranh 131 năm (1858 - 1975 - 1989) chấm dứt, hiện tại, cho đến lúc này, trong nước vẫn còn hai gọng kìm đó, và vẫn là hai lực lượng. Trước đây, hai lực lượng đối nghịch nhau ấy, là Đảng Cộng sản Việt Nam kháng chiến cứu nước và Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam tay sai phản quốc, cả hai đều có sự ủng hộ của hai khối trên thế giới, đứng dầu bên này là Nga - Trung, đứng đầu bên kia là Pháp - Mỹ. Chính vì thế, một bên đáng ngờ, một bên đáng ghét. Bên đáng nghi ngờ lại là cộng sản, tam vô (26), lệ thuộc Mát-x-cơ-va (Moscou), Bắc Kinh; bên đáng căm ghét lại là tư hữu, duy tâm, coi trọng "nước Chúa" và xem khinh Tổ quốc, lệ thuộc La Mã (Rome), Pa-ri (Paris), Niu-oóc (Newyork). Còn bây giờ? Đâu phải lực lượng Thiên Chúa giáo không còn tồn tại trong nước, mà thậm chí vẫn tồn tại như một tổ chức công khai đồng thời như một thế lực ngầm, mưu toan đảo ngược sự thật lịch sử và vị thế chính trị!

Hiền Lương thở dài. Cùng với tiếng thở dài là một câu hỏi lại nẩy sinh: Chẳng lẽ trong lòng Đất nước, dòng sông Bến Hải như một vết thương vẫn chưa chịu lành? Hiền Lương tự nhủ, thôi, hãy quên hết đi, chỉ nhớ một điều đáng nhớ: Bi kịch của những người bị kẹt giữa hai gọng kìm lịch sử chính là bi kịch của những người kiên định với lòng yêu nước sắt son theo chủ nghĩa dân tộc truyền thống, dân chủ, tự do (tuy có người chỉ giới hạn ở mức độ quân chủ lập hiến). Và chẳng lẽ chính Hiền Lương cũng đang rơi vào bi kịch kia, một bi kịch ngỡ chỉ thuộc về quá khứ với những thế hệ trước? Chẳng lẽ hai câu thơ của Tố Hữu từ thuở ấy đến phút giây này vẫn còn xoáy sâu vào trái tim thế hệ Hiền Lương bằng dấu hỏi của nó:

 

"Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước

Chọn một dòng hay để nước trôi?"

 

Hiền Lương bước vào nhà. Phía sau lưng cô, vẫn tán cây trứng gà xao xác gió, vẫn khu vườn chiều rực rỡ nắng.   

 

TXA.

 

 

CƯỚC CHÚ chương XIII:

 

 

a. CƯỚC CHÚ 1: của bài bút kí “Một chút tự bạch: Giữa vòng tay Tam Kỳ và bè bạn” (bút kí, viết tắt là bk):

 

(Ibk) Trần Xuân Kiêm dịch, Quế Sơn - Võ Tánh xb., Sài Gòn, 1971.

 

(IIbk) Vượt qua hoàn cảnh bi kịch bằng óc phân tích và thái độ dũng cảm.

 

(IIIbk) Nhất Hạnh, Đạo Phật đi vào cuộc đời, Lá Bối xb., Sài Gòn, 1966.

 

(IVbk) Xin xem cuối bút kí này.

 

(Vbk) ''Không có thì đánh cho có, có thì đánh cho chừa'' (''khẩu hiệu'' nhà tù Mỹ - ngụy).

 

(VIbk) Vận dụng một nhận định văn chương.

 

(VIIbk) Xin xem cuối bút kí này.

 

(VIIIbk)  Bài "Hồ trường" của Nguyễn Bá Trác (1881 - 1945). Đó là một kẻ sĩ đã từng tham gia phong trào Duy Tân, Đông Du, sang Nhật. Đang học tập dở dang, ông phải về Trung Quốc khi Nhật đã câu kết với Pháp, trục xuất du học sinh Việt Nam. Sau đó, Nguyễn Bá Trác đành sống trong tâm trạng u uất, bi phẫn, bế tắc, và rồi y lại phản bội, làm tay sai, ngụy quan cho giặc Pháp. Cuối cùng, y phải đền tội. Cũng như Phạm Quỳnh, y bị chính quyền Việt Minh xử bắn. Dẫu sao, bài thơ trên cũng đã thể hiện hết tâm trạng của những người thuộc trường hợp như Nguyễn Bá Trác, trong giai đoạn cực kì bế tắc hồi đầu thế kỉ.

Tuy nhiên, một tác phẩm văn chương thông thường được cảm thụ theo tâm trạng của người đọc hơn là vì nhớ đến tác giả.

Đó là điều tôi muốn nhấn mạnh, trước khi xin được nhấn nhạnh thêm điều cốt yếu sau đây: Trong những năm bảy mươi của thế kỉ trước (XX) ở Miền Nam, bài "Hồ trường" khá thịnh hành bởi tâm trạng bế tắc của vài thế hệ (từ tuổi thanh niên đến tuổi lão niên), và bởi dù muốn dù không, họ cũng đành phải "thoả hiệp" với chế độ Mỹ - ngụy và "tả đạo".

Có tư liệu cho rằng Nguyễn Bá Trác chỉ là dịch giả của bài thơ trên.

 

(19) Một tên khác của Đảng Lao động Việt Nam, tức là Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

 

 

 

b. CƯỚC CHÚ 2: bài “Một ý nhỏ về một truyền thống lớn và một nhân vật lịch sử lớn” (bàn thờ gia tiên, viết tắt là gt):

 

(agt) Đối chiếu niên đại, thấy rõ Các Mác (Karl Marx, 1818 - 1883) không thể không biết quá trình thực dân Pháp, Tây Ban Nha và "tả đạo" xâm lược nước ta. Hai nước thực dân Anh, Đức là hai nơi Các Mác sinh trưởng, cư trú, hoạt động hầu hết cuộc đời. Thực dân Anh, Đức ít nhiều cũng trực tiếp dính líu vào quá trình xâm lược ấy. Đó là giai đoạn dân tộc ta cùng triều Nguyễn phải kháng chiến, đương đầu, bằng sách lược chiến - hoà - thủ - chiến (1858 - 1885)! Cho đến nay, tôi chưa được đọc một dòng chữ nào của Mác bênh vực, ủng hộ nước ta thuở đó!

 

(bgt) Trích nguyên văn: Phan Ngọc, Bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb. Văn hoá - Thông tin, 1998, tr. 465 và tr. 477.

 

(c.1gt) Xem thêm: Trần Xuân An, Sen đỏ, bài thơ hoà bình, tiểu thuyết, Nxb. Thanh Niên, 2003.

 

(*) Chú thích viết tay của Đặng Văn Hồ cuối một bài viết (đánh máy chữ) của ông, bản pho-to-co-py: Dẫn theo Lê Mậu Hãn, Hồ Chí Minh với ngọn cờ độc lập, dân tộc trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng; dẫn lại trong Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người chiến sĩ kiên cường trong phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Nxb. Thông tin - lí luận, Hà Nội, 1990, tr. 355.

 

(**) Chú thích của Đặng Văn Hồ trong bài viết trên: Dẫn theo GS. Đinh Xuân Lâm, Một bức thư của Nguyễn Ái Quốc năm 1938, Tạp chí Lịch sử Đảng, số tháng 3.1992, tr. (?).

 

(c.2gt)  Xin xem chương cuối tiểu thuyết.

 

(dgt) Xem: Nguyễn Đắc Hiền (chủ biên), Nguyễn Hữu Hiếu, Ngô Bé (biên soạn), Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc và Sở Văn hoá - Thông tin Đồng Tháp xuất bản, 1990.

 

(egt) Vào năm 1979 hoặc 1980, trên báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng đã công bố bị vong lục về mối quan hệ Việt - Trung, tố cáo tham vọng bành trướng, bá quyền của tập đoàn lãnh đạo Trung Nam Hải (Bắc Kinh). Bị vong lục là sách (lục) làm đầy đủ (bị) lại những điều bỏ quên (vong), thường được gọi là sách trắng với nghĩa là nói trắng ra một cách minh bạch những chuyện tạm thời bị khuất lấp, bỏ quên trong quá khứ.

 

 

 

c. CƯỚC CHÚ 3: ba bài thơ của Trần Nguyễn Phan (Trần Xuân An) (thơ, để nguyên là thơ):

 

(1thơ) Các Mác (Karl Marx); (2thơ) Nguyễn Diệp; (3thơ) và Nguyễn Đình Thi, Kh-rap-chen-cô.

Đối với triều Nguyễn, một triều đại tiến bộ hơn triều đại vua Lê chúa Trịnh thối nát, ươn hèn, mất tính chính thống, thì qua một phần nào đó thể hiện ở thơ ca Nguyễn Du, qua biểu hiện rõ rệt nhất là ở hành trạng Phạm Thái, Cao Bá Quát, phải chăng cũng như lời nhận định của Các Mác về La-mác-tin (Lamartine), họ đúng là những "kẻ phản động có lời thơ tao nhã"? Xin xem các chú thích (18), (34), (35), (36).  

 

(4thơ) Bành trướng, bá quyền Trung Quốc.

Liên Xô (hoặc mối quan hệ đoàn kết với Liên Xô) thường được gọi là hòn đá tảng (có nghĩa là cơ bản). Các nước thuộc Liên Xô cũ đã tuyên bố độc lập.

 

(5thơ)

“mỗi người tự sinh nở chính mình,

như đích thực con người”.

Một khi đã trưởng thành thật sự, mỗi con người phải thật sự độc lập, tự do về tư tưởng, không phụ thuộc tư tưởng của bố mẹ hoặc bất kì ai... Hai chữ "mồ côi" xin được hiểu một cách tu từ.

 

(6thơ) Tập thơ “Lặng lẽ ở phố” được xuất bản với tên thật của tác giả: Trần Xuân An.

 

 

42 Ở đây có một chú thích cuối sách, sđd., của Nxb. Sự Thật, Hà Nội, mang kí hiệu 42. Để ngắn gọn bớt, tôi mạn phép Nxb. không trích lại nguyên văn. Tôi chỉ xin nói thêm: Khác với mọi cuộc thập tự chinh ở các thế kỉ XI - XIII tại Trung Đông, những đoàn quân xâm lược giương cao lá cờ thập tự Thiên Chúa, ở giai đoạn thuộc các thế kỉ XVI - XIX, tại các nước Á, Phi, Mỹ la tinh và riêng ở Việt Nam, thực dân viễn chinh không cần ngụy trang thành giáo sĩ (tuy ít nhiều cũng có), giáo sĩ không cần ngụy trang thành thực dân viễn chinh, mà trắng trợn hơn nhiều. Nét khác hẳn nữa, ấy là giáo sĩ cùng thương nhân đi truyền đạo, buôn bán để thăm dò, tạo nội phản trước.

 

 

 

d. CƯỚC CHÚ 4: của bài tiểu luận “Đọc lại "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản" (1847 - 1848) của Mác và Ăng-ghen (K. Marx & F. Engels)” (Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, viết tắt là Tng):

 

(1Tng) Từ điển triết học, bản tiếng Việt, Nxb. Tiến Bộ, Mát-x-cơ-va (1975), liên kết với Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1986, tr. 205.

 

1* Chú thích trong bản sách, sđd., Nxb. Sự Thật, Hà Nội, mang kí hiệu 1*: Bản tiếng Anh năm 1888 dịch: "tự xây dựng thành giai cấp thống trị trong dân tộc".

46 Chú thích của Nxb. Sự Thật, Hà Nội, mang kí hiệu 46: Luận điểm này đúng trong thời đại Mác và Ăng-ghen sống. Trong điều kiện lịch sử mới, trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, V.I. Lê-nin đã tìm ra quy luật phát triển không đều của các nước tư bản; và, xuất phát từ luận điểm này, đã chứng minh khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản thoạt đầu ở một số nước hoặc thậm chí ở riêng một nước. Lần đầu tiên điều đó đã được Lê-nin trình bày trong bài "Bàn về khẩu hiệu liên bang châu Âu". (Xem V.I. Lê-nin, Toàn tập, Nhà Xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1963, tập 21, tr. 399) - (BT.). Tr. 76 (của sách đang được trích dẫn - TNP. ct.).

 

(2Tng) Từ điển triết học, sđd., tr. 712 - 713.

 

(3Tng) Từ điển triết học, sđd., tr. 659 - 660.

 

(4Tng) Từ điển triết học, sđd., tr. 121 - 122.

 

(5Tng) Từ điển triết học, sđd., tr. 588.

 

1* Có một chú thích trong bản sđd., mang kí hiệu 1*, nhưng không có gì quan trọng, có lẽ không cần trích ra ở đây.

 

(6Tng) Làm hết năng lực, hưởng theo nhu cầu (các tận sở năng, các thụ sở nhu). Theo đó, mọi người đều ra sức làm việc cho hết năng lực của mình một cách hoàn toàn tự giác, và tất nhiên mọi người đều được hưởng thụ theo nhu cầu tối đa của bản thân cũng một cách hoàn toàn tự giác. Đây là một điều quá lí tưởng, nên trong cuốn "Đường kách mệnh", Nguyễn Ái Quốc không nói đến. Về sau, trong tinh thần "không sợ thiếu thốn, chỉ sợ [phân phối] không công bằng", còn có câu: Làm theo lao động, hưởng theo phân phối (các tuỳ sở nghệ [?], các thụ tuỳ phân [?]), có nghĩa là làm theo nghiệp vụ được đào tạo, và hưởng thụ theo sự phân phối (trong thời chiến tranh, thường là kham khổ, không đúng sở thích), chứ chưa phải được hưởng theo nhu cầu. Câu thứ nhất áp dụng vào giai đoạn cộng sản chủ nghĩa (xã hội đã phát triển cao). Câu thứ hai áp dụng vào giai đoạn xã hội chủ nghĩa (xã hội còn ở mức phát triển thấp).

 

(7Tng) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên, tập 28, bản dịch Tổ Phiên dịch Viện Sử học, Nxb. Khoa học xã hội, 1973, tr. 381 - 382.

 

(8Tng) Xem thêm: Trần Xuân An, Sen đỏ, bài thơ hoà bình & Ngôi trường tháng giêng, Nhà Xuất bản Thanh Niên, 2003 (cùng xuất bản một lượt). Nhiều vấn đề khác, cùng vấn đề chủ nghĩa xã hội với năm thành phần kinh tế và vấn đề bản sắc văn hoá dân tộc đã được đề cập tập trung nhất trong hai tiểu thuyết này.

Hai cuốn tiểu thuyết ấy, tác giả đã viết xong vào hai năm 1998 và 1999.

Hai bài "Một ý nghĩ nhỏ về một truyền thống lớn và một nhân vật lịch sử lớn", "Đọc lại Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1847 - 1848) của Mác (Karl Marx) và Ăng-ghen (F. Engels)", tác giả tiểu thuyết (Trần Xuân An) mới viết trong hai tháng 11 & 12.2003 (10 & 11. Quý mùi HB.3). Tuy vậy, lần sửa chữa, bổ sung cuốn Mùa hè bên sông này, tác giả vẫn đưa vào, để giải quyết trọn vẹn hơn những vấn đề mà Mùa hè bên sông đặt ra, mặc dù thời điểm diễn biến câu chuyện trong Mùa hè bên sông là năm 1996. TXA.

 

(9Tng) Nguyên văn về quyền giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc: "Không được xâm phạm thuần phong mĩ tục" (khi thực hiện các quyền tự do, dân chủ). Quyền tự do yêu nước, giữ nước, dựng nước là một quyền đương nhiên, chỉ có ý nghĩa và giá trị khi được thể hiện bằng hành động cụ thể thông qua việc thực hiện các nhân quyền tự do, các dân quyền dân chủ cơ bản và chính đáng khác.

 

 

 

 

(20) Ở đây, chưa nói đến những kẻ phản động và phản quốc, câu kết với thực dân viễn chinh, thực dân tả đạo đích thực, như Lê Văn Khôi, Nông Văn Vân dưới triều Minh Mạng, như Tạ Văn Phụng, Hồ Văn Vạn dưới thời Tự Đức. Lê Văn Khôi vốn là kẻ phản loạn ở Bắc Kì, được Lê Văn Duyệt thu phục; về sau y lại câu kết với cố đạo Marchand (cố đạo Du) và bọn tù nhân phản loạn Bắc Kì bị đày vào Gia Định (cải tạo tốt nên được tha, gọi là những người "Bắc thuận", "hồi lương") để nổi loạn, từ 1833 đến 1835. Cùng thời điểm đó, Nông Văn Vân là anh em rể của Lê Văn Khôi, cũng nổi loạn ở Thái Nguyên. Một trong những nguyên nhân chính của cuộc nổi loạn này là "chủ nghĩa lí lịch"! Ngoài ra, Pierre Tạ Văn Phụng (tín đồ "tả đạo" do thực dân cố đạo đào tạo), mạo nhận là hậu duệ nhà Lê, là tay sai, phản quốc đúng nghĩa (thời điểm 1854, 1861 - 1865). Hồ Văn Vạn cũng là tín đồ "tả đạo", câu kết với giặc Pháp, cũng với chiêu bài "phù Lê" (thời điểm 1873 - 1875). Trần Lục (cụ Sáu) là một linh mục "tả đạo", tay sai đắc lực của Pháp, xúi giục giáo dân câu kết với giặc trong các trận đánh chiếm của chúng ở Ninh Bình, cắt đường giao thông của quan quân triều đình ra Bắc Kì (1882 - 1885...).

Xin nhấn mạnh, phong trào phù Lê giai đoạn đầu (1786 -1802...), mặc dù ít nhiều có câu kết với giặc Khách (Tàu), nhưng vẫn khác về nhân sự, nhất là về bản chất với các cuộc nổi loạn, phản quốc, mượn chiêu bài "phù Lê", câu kết với "tả đạo", thực dân, hoặc đúng là "tả đạo" tay sai đích thực, ở giai đoạn sau (1858 - 1885...). Xin xem thêm chú thích II.22.

 

(21) Ở đây chỉ nói về trình độ văn hoá, và cũng vì Phạm Thái là một nhân vật dễ hình dung. Trong thực tế, Phạm Thái chưa thật sự dấy binh nổi loạn. Xin xem tiếp chú thích (34).

 

(22) Riêng câu này tác giả tiểu thuyết (TXA.) chưa tra cứu lại được.

 

(23) Truyện Kiều là một tác phẩm được Nguyễn Du sáng tác theo nguyên mẫu văn bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Thanh Tâm Tài Nhân phỏng theo Dư Hoài, Dư Hoài phỏng theo Mao Khôn). Phương thức sáng tác dựa vào sự tích, chuyện cổ thuộc về quan niệm văn học trung đại, như Sếch-x-pia (Shakespeare), Gớt (Goe  the)... Do đó, cần làm một phép toán trừ, tìm ra phần sáng tạo độc đáo của riêng Nguyễn Du, mới có thể nhận định đúng về ông. Tuy nhiên, ngay việc Nguyễn Du chọn lựa, không phải nguyên mẫu văn bản nào khác, mà chọn lựa chính Kim Vân Kiều truyện, một trong hàng ngàn tác phẩm cổ của nước ngoài, để sáng tạo lại, cũng đã ít nhiều thể hiện sự đồng cảm, lí tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Du. Đặc biệt, qua đó, Nguyễn Du nhằm kí thác tâm sự của mình, nên chân dung tâm hồn, tư tưởng Nguyễn Du càng rõ nét. Nhưng dẫu sao, trong mọi trường hợp sáng tạo lại (phỏng tác) như thế này, cũng cần phải lưu ý đến nguyên mẫu văn bản. Đối với Nguyễn Du và Truyện Kiều cũng vậy, để khỏi ép uổng (khiên cưỡng), ngộ nhận về ông.

Xem thêm: Thanh Tâm Tài Nhân, Truyện Kim Vân Kiều, bản dịch Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh, Nxb. Hải Phòng, 1994.

 

(24) Xin vui lòng xem thêm bài bạt: "Ý nghĩ khi đọc lại tiểu thuyết của mình, Mùa hè bên sông: Danh dự Tổ quốc và thói tệ sùng bái cá nhân người nước ngoài...".

 

(25) Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học chính thức sáng lập vào ngày 25.12.1927 (tiền thân là Nam Đồng thư xã của Phạm Tuấn Tài, 1926), mô phỏng theo mô hình và tôn chỉ của Trung Hoa Quốc dân đảng do Tôn Dật Tiên sáng lập. Tuy vậy, giữa hai đảng này, trong giai đoạn đầu, không có quan hệ nào cả. Tôn chỉ của Việt Nam Quốc dân đảng: "Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc", gọi tắt là chủ nghĩa tam dân. Trung Hoa Quốc dân đảng đã tiến hành cuộc cách mạng Tân Hợi, 10.10.1911, giành được chính quyền, thành lập nhà nước dân chủ theo mô hình tổng thống chế. Việt Nam Quốc dân đảng tiến hành cuộc khởi nghĩa ở Bắc Kì, theo kế hoạch, nổ ra từ ngày 09.02.1930, nhưng thất bại. Đây là cuộc khởi nghĩa hoàn toàn độc lập, không có mối liên hệ nào với Trung Hoa Quốc dân đảng (mặc dù có liên hệ để tìm kiếm viện trợ của tỉnh Vân Nam, Trung Hoa). Trong cuộc khởi nghĩa này, Yên Báy (hay còn gọi là Yên Bái, thị xã của tỉnh Yên Bái) là nơi khởi nghĩa quyết liệt nhất, và do Nguyễn Thái Học cùng nhiều đồng chí khác của ông bị thực dân Pháp tuyên án tử hình, mai táng ở đó, nên thường gọi là "khởi nghĩa Yên Báy". Sau khi Nguyễn Thái Học bị hi sinh, nhất là vào những năm bốn mươi (XX), Việt Nam Quốc dân đảng dần dần phân hoá và thoái hoá, thậm chí về sau còn liên minh với phát xít Nhật, tìm hậu thuẫn ở Mỹ, do "thế kẹt lịch sử", tương tự như Trung Hoa Quốc dân đảng (do liên minh giữa Trung Hoa Quốc dân đảng với Đảng Cộng sản Trung Quốc, thường gọi tắt là liên minh Quốc - Cộng, chống phát xít Nhật, bị tan vỡ)...

Việt Nam Quốc dân đảng là một chính đảng yêu nước có lịch sử đấu tranh chống Pháp vẻ vang, không hề có một bộ sử nào từ trước đến nay (1930 - 2003) phủ nhận điều đó. Đáng tiếc là có sự phân hoá và thoái hoá, sai lầm về sau, do "thế kẹt lịch sử". Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) cũng rất đề cao chủ nghĩa tam dân, đánh giá là chủ nghĩa tam dân rất phù hợp với tình hình Việt Nam...

Quốc dân đảng chỉ có ảnh hưởng ở hai nước Việt - Hoa. Điều cần chú thích ở đây là không từng có một liên minh dân tộc chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới.

Xin lưu ý: Vào quý ba năm 1924 (từ tháng bảy đến tháng chín năm Giáp tí), Phan Bội Châu và Nguyễn Hải Thần giải thể Việt Nam Quang phục hội, sau khi bàn bạc trực tiếp với Tưởng Giới Thạch tại Hoàng Phố học hiệu, để thành lập Việt Nam Quốc dân đảng. Tuy nhiên, ngay thời điểm đó (tháng chín năm Giáp tí [1924]), sau khi đưa chương trình đảng cương cho Hồ Tùng Mậu đem về nước truyền bá, Phan Bội Châu không hay biết gì về Việt Nam Quốc dân đảng nữa. Đây là tiền thân của nhóm Việt Cách do Nguyễn Hải Thần lãnh đạo, khác với nhóm Việt Quốc do Nguyễn Thái Học sáng lập (vào năm 1927) nói trên. Về sau Việt Quốc được kế tục bởi Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam.

Tưởng Giới Thạch ít ra cũng có đến hai lần "thoả hiệp" quyền lợi với Pháp, kí hiệp ước với Pháp về Đông Dương, phản bội những người cách mạng Việt Nam (cả khuynh hướng Quốc dân đảng lẫn Cộng sản...), vào hai năm 1935, 1946.

Xem: Phan Bội Châu, Tự Phán, bản tiếng Việt, Nxb. Văn hoá - Thông tin tái bản, 2000, tr. 248 - 250; Phan Khoang, Trung quốc sử lược, in tại nhà in Hồng Phát, Chợ Lớn, 1958, tr. 536.

Xem thêm: GS. Trương Hữu Quýnh, GS. Đinh Xuân Lâm và PGS. Lê Mậu Hãn (nhóm chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, toàn tập, Nxb. Giáo Dục, tái bản lần thứ tư, 2001, tr. 739 - 743, 751 - 756, 835 - 871...

Xem thêm chú thích (28), I.115, II.24.

 

(26) Hai chữ "tam vô" trên đây là theo lập luận của một phân số trong nhân dân ta, được tái hiện ở mạch suy tư của nhân vật. Tác giả xin nói cho đúng sự thật lịch sử: Trong tam vô (vô gia đình, vô Tổ quốc, vô tôn giáo), ở Việt Nam chỉ có một "vô" được truyên truyền, giáo dục và thực hiện mà thôi. Đó là vô tôn giáo. Còn danh từ Tổ quốc có thời gắn liền với định ngữ xã hội chủ nghĩa, trở thành Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Cũng có thời Tổ quốc đẳng lập với chủ nghĩa xã hội, giữa hai cụm danh từ có thêm chữ và; các văn bản thường viết: Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, như một cụm từ cố định, với ý nghĩa trong thời đại chống chủ nghĩa đế quốc ngày nay (nhất là trước Đổi mới), Tổ quốc phải gắn chặt với chủ nghĩa xã hội, không thể tách rời; cụm từ chủ nghĩa xã hội được hiểu như chế độ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hoặc hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

 

TXA.

 

( xem tiếp chương XIV )

 

 

Đau đớn thay phận đàn bà

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/29/09                                                                   

Trở về trang chủ

                                                                 

 

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE