h. Bài 8-Tl.1 -- Trần Xuân An & Nguyễn Mạnh Quang - Thư trao đổi - lịch sử - 1930-1945

 

Web. Tác giả Trần Xuân An

 

 

BÀI THỨ TÁM (thư trao đổi)

 

Đã đăng tải trên Tạp chí điện tử Giao Điểm

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm

số tháng 11 năm 2005

posted: 07.11.2005

Xin xem thêm tiểu thuyết MÙA HÈ BÊN SÔNG

(đã đuợc đăng tải trên Web GIAO ĐIỂM

[ http: //www.giaodiem.com ],

số tháng 6 năm 2005)

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm

 

 

THƯ TRAO ĐỔI VỀ MỘT THỜI KÌ LỊCH SỬ, 1930 – 1975

Nguyễn Mạnh Quang & Trần Xuân An

 

 

 

Lời giới thiệu của Tạp chí điện tử Giao Điểm:

Nguyên nhân của cuộc trao đổi:

 

Anh Trần xuân An, một nhà nghiên cứu sử học, tác giả của một số sách về lịch sử, truyện ký đã được xuất bản trong nước, bắt đầu cộng tác với website GĐ kể từ tháng 5/2005. Do sự quan hệ giữa người cộng tác và nhóm chủ trương, anh Trần xuân An vẫn thường xuyên liên lạc với GĐ qua điện thư. Giữa tháng 10/2005, nhân đọc được một bài báo trên mạng lưới “Đông Dương Thời Báo” [dongduongthoibao.net] có tựa đề “Mạn đàm với Nguyễn Giang, Bùi Tín và Nguyễn xuân Phong” của tác giả Tâm Đạt Thông Trần, có một đoạn viết liên quan đến Giáo sư Nguyễn văn Trung, đã gây cho anh Trần xuân An thắc mắc về tính xác thực của nguồn tin; do đó anh đã điện thư và trao đổi với người phụ trách web GĐ và Giáo sư Nguyễn mạnh Quang.

 

Nội dung của đoạn văn gây cho anh Trần xuân An sự thắc mắc, xin trích lại dưới đây (nguyên văn) :

 

[ Tại Việt Nam, nhân ngày tưởng niệm 40 năm ngày diệt vong dòng họ Ngô Đình, người tự nhận là sử gia Trần Quốc Vượng * qua Mỹ giao lưu Văn Hóa Việt Mỹ lợi dụng câu nói có tính cách ngọai giao của Hồ chí Minh “ông Diệm là người yêu nước” ca tụng Ngô Đình Diệm là người yêu nước và tờ Tuổi Trẻ. Trần Quốc Vượng và 13 số báo liên tiếp tờ Tuổi Trẻ là bằng chứng nữa về âm mưu trí thức vận của số người Công giáo phản động dùng gậy ông đập lưng ông như lời giáo sư Nguyễn Văn Trung -cựu Khoa trưởng Đại học Văn Khoa Sàigon và Quân ủy Phong Trào Giáo Dân là đảng Cần Lao Công Giáo tại Mỹ - đã công khai thú nhận với vợ chồng giáo sư Nguyễn Mạnh Quang (tác giả hai bộ sách Thực Chất Giáo Hội La Mã  và Việt Nam Đệ Nhất Cọng Hòa Tòan Thư, 1954-1963) : “Tôi ( Nguyễn Văn Trung ) có nhiệm vụ móc nối các tướng tá Việt Cộng hưu trí, báo chí, văn hóa tư tưởng, sử gia .v.v…gây phong trào chống Nhà nước và đảng CSVN và viết bài ca tụng Ngô Đình Diệm, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ, Alexandre De Rhodes…, nhất là ngăn chận không cho phổ biến những gì bất lợi cho Công Giáo và dòng họ Ngô Đình trên báo chí và giáo dục tại Việt Nam. Cuốn Việt Nam Đệ Nhất Cọng Hòa Toàn Thư, 1954-1963 của ông chẳng có giá trị gì” ]

    

- Xin ghi lại đường nối kết của bài viết:

http://dongduongthoibao.net/view.php?storyid=159

 

Đồng thời anh Trần xuân An cũng có gởi một thư chung ngày 24/10/05, trong đó có nhân vật được đề cập trong thư là tác giả Nguyễn mạnh Quang.  Do đó có sự hồi đáp qua lại giữa hai phía, khởi đầu cho cuộc trao đổi mang tính sử học trong tinh thần cởi mở và thân thiện. Giao điểm xin đăng lại bức thư này (với sự đồng ý của các đương sự, riêng các nhân vật không tham gia cuộc trao đổi nhưng có tên trong thư, chúng tôi xin viết tắt - . ):

 

 

- Thư số 1: Người gửi: Trần xuân An:

 

Việt Nam, TP. HCM., lúc 7:38, buổi sáng ngày 24/10/2005

 

K/G: Chủ biên Tạp chí điện tử GĐ

K/G: Nhà nghiên cứu TCN.

K/G: Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Quang

K/G: Nhà nghiên cứu BK.

K/G: Ông/ Bà email: dongba72@yahoo.com

 

Thưa anh NVH., ông TCN.,

Thưa ông Nguyễn Mạnh Quang, ông/ bà “dongba” và anh BK.,

 

Đây là lá thư đầu tiên, tôi đường đột đồng kính gởi đến ông TCN., nên xin tự giới thiệu, tôi là Trần xuân An, từ tháng 5/2005 đến nay, thường có sách va bài báo được đăng tải trên web Giao Điểm. Đây cũng là lá thư tôi kính gởi đến quý anh, quý ông/ bà và anh BK., một nhà nghiên cứu tôi đã có vinh hạnh được tiếp chuyện  trong dịp anh về VN thăm quê hương ruột thịt, bạn bè.

 

Tôi đã được đọc trong số web Giao Điểm tháng 10/2005 các bài viết của ông TCN. và ông Nguyễn Mạnh Quang (nhà nghiên cứu). Sau đó, tôi có viết một bài kí bút danh Trần Ngôn Sử, được anh NVH. cho đăng tải trên web Giao Điểm cùng số tháng 10/2005 này. Thật ra, đó là những vấn đề tôi đau đáu, canh cánh trong lòng bao nhiêu năm nay, và không nguôi trăn trở, nhưng đồng thời cũng là những vấn đề cần thưa gửi, trao đổi với ông TCN. và ông Nguyễn Mạnh Quang [hai tác giả đã đăng hai loạt bài trên web Giao Điểm số thág 10/2005 nói trên.]

 

May mắn là tôi nhận được thư của ông Nguyễn Mạnh Quang, trả lời thay anh NVH., về ông Nguyễn văn Trung [GS.] do ông [hay bà] dongba [dongba72@yahoo…] nêu ra trong thư không niêm giửi chung cho nhiều người. Nhờ đó, tôi mạnh dạn trình bày vấn đề (không chỉ là vấn đề GS. Nguyễn Văn Trung) với nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Quang như sau:

 

 “Thật tâm tôi muốn được đọc trên web Giao Điểm những bài viết của ông, của ông TCN. về đề tài ‘lí giải nguyên nhân nào khiến ông và một bộ phận người Việt rất lớn không tham gia Việt Minh, Việt Cộng (Cộng sản VN)’. Thế hệ của ông cũng là thế hệ của cha anh tôi , vốn là chứng nhân và đồng thời là lớp người trực tiếp can dự vào giai đoạn lịch sử 1930 – 1975 [có thể kể đến 1989]. Tôi đã đọc loạt bài của ông TCN và của ông [nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Quang] trên web Giao Điểm tháng 10/2005, và nhiều tác giả khác nữa [như Vũ ngự Chiêu trên web Hợp Lưu, số gần đây nhất] nhưng, thú thật, tôi thấy hình như vẫn còn thiên lệch về phía “tả” [phía Việt Minh, Việt Cộng] hoặc phía hữu, hoặc có chỗ “tả”, chỗ “hữu”.

 

Thưa ông Nguyễn Mạnh Quang,

 

Nhà nghiên cứu, nhà văn, thuộc giới lập ngôn, lấy trước tác của mình làm mục đích cuối cùng [phương tiện là sách báo, cứu cánh cũng là sách báo]. Kính mong ông cũng như các nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu VN. ở hải ngoại viết về giai đoạn ấy những cuốn sách, bài báo với thể loại hồi kí hoặc bằng thể loại khác [nghiên cứu, sáng tác, mà nghiên cứu là có giá trị sử học nhất], những chú tâm đến đề tài nói trên, một cách công bằng, toàn diện, chân thực, khoa học. Quan trọng nhất là đăng trên web Giao Điểm và ở các websites khác. Thế hệ chúng tôi và hậu thế mai sau sẽ biết ơn ông và những nhà cầm bút như vậy. Sau này, lớp chứng nhân lịch sử [1930 – 1975] đó già nua rồi qua đời hết thì không còn ai có thể thay thế đuợc để làm sứ mạng ấy.  Kính mong và cám ơn trước”.

 

Trên đây là hai đoạn trong thư tôi đã kính gửi anh NVH., anh BK., ông Nguyễn mạnh Quang. Lúc này, tôi lại kính gửi đến nhà nghiên cứu TCN, cũng với ý nguyện như trên. Xin phép đuợc nhấn mạnh lại: lí giải nguyên nhân nào khiến ông và một bộ phận người Việt rất lớn không tham gia Việt Minh, Việt Cộng (Cộng sản VN) . Tôi nghĩ rằng, quý ông và quý anh ở hải ngoại có nhiều điều kiện, quan trọng nhất là điều kiện tự do, để có thể viết một cách trung thực, khoa học nhất, với mục đích góp phần giải tỏa những bức xúc về lịch sử, bức xúc về văn hóa giúp những người trong nước. Trong những cuốn sách, bài báo của tôi, tôi đã xoáy sâu vào những vấn nạn ấy, nhưng chỉ trong giới hạn của một nguời đã, đang và vẫn sẽ sinh sống, cầm bút ở trong nước Việt Nam của chúng ta.

 

Thưa anh NVH., anh BK., ông [hoặc bà] dongba và hai ông TCN., Nguyễn Mạnh Quang,

 

Tôi nghĩ rằng đó là vấn đề lớn của thời đại chúng ta [gồm vài ba thế hệ]. Đó hoàn toàn không phải là một câu hỏi cắc cớ và vô lễ.

 

Kính mong.

 

Kính chúc quý anh và quý ông vui khỏe, tình nghĩa Giao Điểm mãi mãi thắm thiết.

          Trân trọng.

          Kính thư

          TXA.

 

[Dưới đây là những emails [đương nhiên là không niêm] của ông Nguyễn mạnh Quang & của tôi. Xin gửi đính kèm. Kính mong thư này được gửi đến nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu và nhà báo, nhà giáo ở hải ngoại.]

 

- Thư số 2: Thư hồi đáp của Nguyễn Mạnh Quang:

 

Hoa Kỳ , đầu tháng 11 năm 2005

 

Anh Trần Xuân An thân mến,

 

Thư của anh gửi cho một vài anh em chúng tôi từ ngày 24/10/05 mà nay tôi mới hồi âm được. Kể ra hơi chậm, xin anh thông cảm.Lý do tôi mắc bận viết bài gửi đăng tháng 11/2005. Bây giờ mới có thể hồi âm cho anh đây.

Theo tôi nghĩ, trong lá thư viết cho mấy người chúng tôi, anh nêu lên 3 vấn đề:

1.- Phương pháp sử,

2.- Tả và Hữu (Leftist and Rightist)

3.- Tại sao một bộ phận người Việt rất lớn không tham gia Mặt Trận Việt Minh.

Tôi xin trình bày với anh (theo quan điểm của tôi) từng điểm một trên đây.

 

I.-  Về Phương Pháp Sử: Cá nhân tôi, với kinh nghiệm trong nghề dạy sử từ 1964 liên tục cho đến năm 1998, tôi đã bắt chước các bậc đàn anh trong việc biên soạn sách sử như sau:

 

"Người viết sử còn phải dấn thân hòa mình vào đại khối nhân dân bị trị để tìm hiểu những nguyện vọng và nỗi thống khổ của họ. Có như vậy thì mới có thể nói lên được sự trung thực về đời sống của nhân dân và thực trạng xã hội ở trong tác phẩm của mình. Sử gia Ruth Pelzda viết: "Người viết sử phải đọc nhiều sách sử, báo chí cùng các tài liệu lịch sử khác cũng như phải tìm hiểu nhiều hình ảnh và các dụng cụ hay đồ vật khác. Tất cả những tài liệu này giống như những mảnh vụn dùng làm dữ kiện cho việc tìm ra những lời giải đáp cho một ô đố chữ. Người viết sử phải thâu thập càng nhiều dữ kiện càng tốt để rồi cố gắng sắp xếp những dữ kiện đó thành một câu chuyện về lịch sử của mình." (“People who write about history study all these things. They read books, letters, newspapers, magazines, and other written things. They look at photographs and paintings, and they study old objects. All of these things are like pieces of a puzzle. History writers gather as much information as they can find. Then they try to fit all these pieces together into a story.")

 

II.-  Về quan niệm “Tả” và “Hữu”, theo tôi biết, quan niệm này mới có từ thời Cách Mạng Pháp 1789. Khởi đầu, những người theo phe "Tả" có chủ trương chống lại vương quyền và cá nhân vua Louis XVI và nếu cần, phải dùng biện pháp mạnh đối với nhà vua và để huỷ bỏ chế độ đạo phiệt Da-tô lỗi thời này. Những người theo phe "Hữu" là những người muốn nhẹ tay đối với nhà vua và vương quyền hoặc là thành lập chế độ quân chủ lập hiến với một số đặc quyền dành cho vương quyền. Nhưng rồi nhà vua âm mưu cùng với nhiều người trong thành phần hai giới quý tộc, tu sĩ và tín đồ Da tô, phản bội nước Pháp, âm mưu liên kết với triều đình nước Áo với ý đồ rước con voi Áo về giầy mà tổ người Gaulois. Vì thế cho nên kể từ ngày 10/8/1792 trở về sau, phe Tả thắng thế cương quyết loại bỏ nhà vua và vương quyền để thành lập chế độ Cộng Hòa. Sau này, ý nghĩa của “Tả” và “Hữu” chuyển sang một nghĩa hơi khác. Phe "Tả" là những người có tinh thần muốn san bằng bất công xã hội, tranh đấu cho quyền lợi của đại khối nhân dân bị trị, nhất là những người thuộc các thành phần lao động nghèo khổ. Phe "Hữu" là phe bảo thủ (conservative) muốn duy trì, bảo vệ những đặc quyền đặc lợi và cái thế “ăn trên ngồi trước”, đặc biệt là quyền lực và sự giầu có của Giáo Hội La Mã. Nên nhớ là Giáo Hội La Mã là một thế lực giầu có số một ở Âu Châu trong thời bấy giờ:

 

“Giáo Hội tự định nghĩa mình là "Một Mầu Nhiệm", tự gọi mình là "Hiền Thê của Thiên Chúa Làm Người"...Nhưng tài sản của Giáo Hội trước thời cải cách Luther – Erasmus, tại Đức là 1/5 cả nước, tại Pháp là 1/7 cả nước, tại Tây Ban Nha là 1/6 cả nước, tại Ý là 1/4 cả nước... Đó là quyền lực của mammon (mamona) mà Đức Giêsu Kitô giảng dạy trong Tin Mừng: "Người là tôi tớ cho mamon (của cải) vào nước Trời khó hơn lạc đà chui qua lỗ chôn kim", thế mà "hiền thê của Đức Kitô" liên tiếp trong mười mấy thế kỷ giầu nhất thiên hạ Đông Tây." (Phan Đình Diệm, "Tâm Thư Chia Xẻ Cảm Nghiệm với Linh Mục Trong và Ngoài Nước VN", Tanvienkitohoc.com (19/9/2000)

 

Vì giầu có như vậy, Giáo Hội cần phải có những tu sĩ và tín đồ cuồng tín làm lực lượng nòng cốt để bảo vệ khối tài sản vĩ đại này của Giáo Hội. Chính vì thế mà tín đồ Da-tô ở quốc gia nào cũng trở thành những người Bảo Thủ (thuộc về phe Hữu). Tình trạng này khiến cho đại khối nhân dân bị tri phải lâm vào tình trạng nghèo đói và thù ghét Giáo Hội và các tu sĩ Da-tô. Họ gọi bọn tu sĩ Da-tô “là lũ quạ đen” (les corbeaux noirs), và văn hào Voltaire gọi Giáo Hội La Mã là “cái tôn giáo ác ôn”.

 

Ý niệm về "Tả" và "Hữu" có từ đó, và chỉ nên áp dụng ở Âu Châu và Bắc Mỹ mới đúng. Đại khái, những người muốn duy trì chính sách cai trị theo truyền thống đã có từ trước gọi là "phe hữu" hay “bảo thủ” (conservative), và những người có khuynh hướng cải cách là "phe tả" hay cấp tiến (radical) hoặc tự do (liberal).

 

Với ý nghĩa lịch sử như thế, ở trường hợp ở Việt Nam, danh từ “bảo thủ” có thể dùng cho những người muốn duy trì chính sách cai trị theo truyền thống đã có từ trước như chính quyền đương thời còn gọi là "tả khuynh", và danh từ “cấp tiến” có thể dùng cho những người có khuynh hướng cải cách cấp tiến giống như Hoa Kỳ và Âu Châu hiện nay, còn gọi là "hữu khuynh".

 

Trong giai đọan 1858-1975, Miền Nam Việt Nam liên tục nằm dưới ách thống trị của đế quốc xâm lược Vatican (khi thì Vatican liên minh với Pháp (1858-1954) khi thì Vatican liên minh với Mỹ (1954-1975)). Vì vậy mà nhân dân ta phải lao đầu vào cuộc chiến giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước chống lại Vatican và bọn người phi dân tộc.

 

Chúng ta biết rằng Giáo Hội La Mã hay Vatican và Pháp là hai đế quốc xâm lăng cướp nước như lịch sử đã chứng minh. Một số tín đồ Da-tô cuồng tín và bọn quan lại trong thời Pháp thuộc, cũng như những người Việt được hưởng những đặc quyền đặc lợi trong chính quyền miền Nam trong những năm 1954-1975 đều là những người hoặc là làm tay sai cho Vatican, hoặc cho Pháp, hoặc cho cả Vatican và Pháp, và sau đó lại làm tay sai cho Mỹ nữa. Nếu không chịu làm tay sai cho ba thế lực này (đặc biệt là Vatican và Pháp) thì họ đã bị loại ra khỏi chính quyền miền Nam bằng bất cứ giá nào. Như vậy, ta có thể nói những người này là những thành phần phản dân tộc, hay nôm na là Việt gian.

 

Trong khi đó, đại khối nhân dân bị trị và những thành phần chiến đấu chống lại Liên Minh Thánh "Pháp – Vatican" xâm lược trong thời kỳ 1858-1954 và chiến đấu chống lại Liên Minh Thánh "Mỹ - Vatican" trong những năm 1954-1975 là những người chiến đấu cho quyền lợi tối thượng của dân tộc. 

 

 Như vậy, ở Việt Nam chúng ta chỉ nên gọi những người có tinh thần dân tộc và những người phi dân tộc hay phản dân tộc mà thôi. Danh từ "Tả" và " Hữu" chỉ dành để nói đến những khuynh hướng trong chính quyền mới đúng.

 

III.-  Tại sao môt bộ phận lớn không tham gia Mặt Trận Việt Minh ?. Đây là vấn đề phức tạp, cần phải hiểu xã hội Việt Nam trong thời Pháp thuộc, tình hình chính trị, và những ngày tháng lịch sử trong những năm 1945 cho đến 1954, thì mới có thể nhìn thấy rõ vấn đề.

 

A.-  Xã hội Việt Nam trong thời Pháp thuộc vào thời điểm 1945, chúng ta có:

 

1.- Gần hai triệu tín đồ Da-tô (thành phần nòng cốt của Liên Minh Thánh Pháp – Vatican)

2.- Nhóm quan lại trong bộ máy cai trị của chính quyền bảo hộ Pháp - Vatican

3.- Nhóm phú hào trong nông thôn,

4.- Thành phần phú thương và tiểu tư sản ở trong các thành phố .

5.- Vào khoảng 185.975 công nhân vào năm 1938 (Nguyễn Thế Anh, Việt Nam Thời Pháp Đô Hộ (Sàigòn: Lửa Thiêng, 1970) tr. 256)

6.- Hơn 90% nông dân ở trong các làng quê

 

Phần lớn những người thuộc các thành phần 1, và 2 không theo Mặt Trận Việt Minh vì bản chất vong bản (tín đồ cuồng tín Da-tô  “thà mất Chúa, chứ không thà mất nước” ). Các thành phần 3, và 4 vì quyền lợi vị kỷ, cá nhân và gia đình đặt trên quyền lợi của dân tộc.

 

Những người thuộc thành phần số 4 hơi phức tạp. Có nhiều người có dịp đã gia nhập Mặt Trận Việt Minh một thời gian, nhưng không chịu được những sự khó khăn gian khổ và cực nhọc trong cuộc đời kháng chiến. Cuối cùng, họ rời bỏ hàng ngũ và “dinh tề” trở về thành phố hay trong vùng Liên Minh Thánh "Pháp-Vatican" tạm chiếm, trong đó, có nhiều người "trùm chăn", đứng ngoài cuộc chiến, không theo phe nào cả. Tuy vậy, nhưng trong thâm tâm những người này, họ vẫn thầm mong cuộc kháng chiến do Mặt Trận Việt Minh sẽ đại thắng để cho dân ta không còn mang cái nhục vong quốc, không còn bị khinh rẻ là "những quân tà giáo", là "thứ dân man di", là "hạng người mọi rợ" và không còn rơi vào cái thảm họa chết đói ghê gớm như đã xẩy ra trong mấy tháng mùa xuân năm Ất Dậu 1945.

 

 Những người còn lại (5 và 6) hầu hết đã hăng hái tham gia kháng chiến hết lòng, nhất là ở địa phương thích hợp. Trong quá trình tranh đấu, chính quyền Việt Minh đã có những lúc sai lầm , nhất là trong giai đọan cải cách ruộng đất. Mặc dù việc cải cách là việc rất cần thiết, nhưng phương cách thực hiện sai lầm đã làm cho nhiều người phải kinh sợ và trốn lánh để bảo tòan tánh mạng.

 

B.-  Tình hình chính trị và những ngày tháng lịch sử trong những năm 1945-1954:

 

Trước năm 1941, tất cả các đảng phái cách mạng hay cứu quốc đều phải hoạt động bí mật. Vì vậy các đảng phái này đều được gọi là các đảng bí mật, đặc biệt nhất là từ năm 1926 trở về sau. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học và VN Quốc Dân Đảng lãnh đạo bùng nổ nhưng không thành công. Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị bắt và đưa lên máy chém, Xô Viết Nghệ Tĩnh bùng nổ ở Trung Kỳ, vào năm 1930. Phục Quốc Quân do Trần Trung Lập và Đoàn Kiểm Điểm lãnh đạo, chiếm Lạng Sơn nhưng bị Pháp và Nhật bắt tay nhau đàn áp. Pháp đàn áp nghĩa quân dữ dội vào năm 1940 khiến cho Đoàn Kiểm Điểm tử trận, Trần Trung Lập bị bắt và bị tử hình. Rồi Nam Kỳ khởi nghĩa do đảng Cộng Sản lãnh đạo bùng nổ ở miền Nam vào năm 1940. Thực dân Pháp đàn áp dữ dội. Hầu hết các cán bộ đảng bị bắt hay bị xử tử.

 

 Sau những vụ đàn áp này, ngoại trừ hai giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo (có Nhật đỡ đầu), còn các đảng phái khác đều phải rút vào bí mật. Các đảng phái ở miền Bắc rút sang mấy tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông vừa tránh khỏi bị bắt vừa tìm cách quy tụ lại với nhau, và họ rất ngại về Việt Nam vì sợ bị bắt. Riêng có Mặt Trận Việt Minh vẫn có những tổ chức bí mật hoạt động tại các vùng rừng núi ở các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Ngoài ra, họ còn có những tổ hoạt động bí mật trong những nơi nào có nhiều công nhân lao động như các đồn điền cao su ở miền Nam và Cao Nguyên Nam Trung Bộ, ở các công trường khai thác mỏ than Hòn Gay, Cẩm Phả, Uông Bí, các nhà máy kỹ nghệ ở trong các thành phố lớn, và ở trong đám nông dân nghèo ở trong nông thôn. Tình trạng này kéo dài cho đến khi Nhật đầu hàng Đồng Minh vào ngày 15/8/1945

 

 Cho mãi gần đến ngày 15/8/1945, biết rằng Nhật sắp đầu hàng, Việt Minh ban hành lệnh tổng khởi nghĩa từ chiến khu Việt Bắc. Nhưng vì một phần con số thành viên của Mặt Trận cũng giới hạn, một phần vì phương tiện truyền thông vào lúc đó còn quá thô sơ, cho nên khi có lệnh ban hành kêu gọi toàn dân đứng lên phất cờ khởi nghĩa là người nọ truyền tới người kia rồi tự động kéo nhau đi biểu tình đề giành lại quyền làm người cho dân tộc.

 

 Vào lúc đó, Việt Minh mới lên nắm chính quyền, tổ chức chính quyền chưa vững, quân đội chưa được tổ chức chu đáo, nguồn tài chánh không có, chỉ trong cậy vào sự ủng hộ của nhân dân, đồng thời lại phải đối đối phó thù trong và giặc ngoài.

 

 Quân Pháp tiến ra Bắc và khoảng cuối tháng 5/1946 và quân Tàu bắt đầu dần dần rút về Tầu. Các đảng phái quốc gia dựa vào Tầu để kiếm chác quyền hành cũng phải co giò ba chân 4 cẳng chạy trốn theo. Điều đau buồn là có một số những thành phần trong các đảng phái quốc gia này, sau đó lại quay ra liên kết với Liên Minh Thánh Pháp Vatican để chống lại tổ quốc và dân tộc Việt Nam.

 

 Được đóng quân ở miền Bắc rồi, Quân Pháp tìm cách gây hấn tấn chiếm Hải Phòng vào ngày 22/11/1946, rồi tiếp tục gây hấn nữa. Cuối cùng Việt Minh và dân ta không chịu đựng nổi và chiến tranh toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946.

 

 Đây là một cuộc chiến bất cân xứng. Quân Pháp với những vũ khí hiện đại (với lúc bấy giờ) lại cấu kết chặt chẽ với Vatican trong mưu đồ sử dụng khối tín đồ Da-tô bản địa gần hai triệu và tầng lớp cựu quan lại để phá tan lực lượng kháng chiến của nhân dân ta. Vì vậy họ mới phóng ra những cuộc hành quân chớp nhoáng với mục đích chiếm đóng các thành phố lớn và vùng đồng bằng đông dân cư.

 

 Để chống lại các cuộc tấn công của Pháp bằng những vũ khí tối tân trong đó có cả không lực và hải lực, Việt Minh áp dụng chiến thuật du kích lấy nông thôn bao vây thành thị, cầm cự cho đến khi trưởng thành mới chuyển sang giai đoạn tổng phản công. Tình trạng này kéo dài cho đến mùa hè năm 1950 với những thảm bại của Liên Minh Thánh "Pháp – Vatican" ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn.

 

 Tuy vậy, quân đội Liên Minh Thánh vẫn còn kiểm soát chặt chẽ các thành phố lớn và các vùng phụ cận cho đến khi bị đại bại ở Điên Biên Phủ vào ngày 7/5/1954.

 

C.-  Hòan cảnh dân chúng trong bối cảnh chính trị nói trên -

 

Tổng kết các biến chuyển chính trị lúc đó, Việt Minh chỉ ở Hà Nội từ ngày 19/8/1945 cho đến ngày 19/12/1946 (16 tháng), ở Hải Phòng từ ngày 19/8/1945 cho đến ngày 22/11/1945 (15 tháng). Các tỉnh lớn khác như Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh, Đà Đông, Huế, cũng không lâu hơn bao nhiêu. Ở trong Nam lại còn ngắn hơn nữa.

 

 Với những khoảng thời gian ngắn như vậy, những người có cơ hội tham gia Mặt Trận Việt Minh cũng bị giới hạn bởi tuổi tác và hoàn cảnh gia đình (chỉ những thanh niên không vướng bận với thê nhi hay cha già mẹ yếu) mới có thể dễ dàng dứt khoát ra đi tham gia kháng chiến để đòi lại đất nước cho quê hương. Còn những người khác, trong đó có những lớp người trẻ vào khỏang từ 16 tuổi trở xuống (chưa đủ lớn để ra đi) phải ở lại quê nhà của họ trong các thành phố. Đặc biệt nhất là lệnh toàn quốc kháng chiến ban hành chớp nhoáng vào chiều tối (ngày 19/12/1949 lúc 8 giờ tối) thì các bộ phận quan trọng trong mặt trận kháng chiến đã rút ra vùng ngoại ô. Chỉ còn một số anh em tự vệ và Trung Đoàn Bảo Vệ Thủ Đô ở lại dùng những vũ khí thô sơ như mã tấu, dao găm và mấy khẩu súng Musqueton chống lại những binh đoàn tinh nhuệ và thiện chiến được trang bị bằng những vũ khí hiện đại của Liên Minh Thánh Pháp – Vatican. Hầu hết người Hà Nội và các thành phố lớn khác đang bị kẹt giữa hai lắn đạn, và phải sống dưới sự kìm kẹp của quân đội Liên Minh Thánh "Pháp-Vatican" trong đó có những luật lệ về an ninh và luật tổng động viên. Hơn nữa, sự kềm kẹp này còn có sự tiếp tay của tín đồ Da-tô người Việt cùng với một số (không phải tất cả) những thành phần cựu quan lại và bọn lưu manh “đón gió trở cờ”.

 

 Trong thời gian từ 19/12/1946 cho đến tháng 7/1954, nhân dân nằm trong vùng Việt Minh kiểm soát rất nhiều, và nhân dân nằm trong vùng do Liên Minh Pháp-Vatican kiểm soát cũng không phải là ít. Có thể nói là tương đương nhau hay bên này nhiều hơn bên kia với mức độ không quá chênh lệch. Ngòai những người chạy trốn vùng Việt Minh vì là nạn nhân của sự sai lầm trong phương cách thi hành chiến dịch cải cách ruộng đất, còn nhiều nhân dân nằm trong vùng Liên Minh Thánh "Pháp – Vatican" kiểm soát vẫn có cảm tình với Mặt Trận Việt Minh. Tâm lý này có được khi họ nhớ tới mối nhục vong quốc với nạn đói năm Ất Dậu, nhớ tới tình cảnh bị khinh rẻ là “những quân tà giáo”, những phường mọi rợ” “những thứ người dã man”, nhất là những hành động cướp của, giết người, đốt nhà, phá đình phá miếu của quân lính Pháp và các toán quân thập tự trong những cuộc hành quân phát xuất từ các làng đạo, các Giáo Khu Phát Diệm, Bùi Chu, và đạo quân thập tự dưới quyền chỉ huy của Leroy bắn vào làng lương ở gần bên.

 

 Chính vì cái tâm lý này mà có rất nhiều người trai trẻ ở trong vùng Pháp Vatican kiểm soát đã trốn đi theo Việt Minh. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, không phải ai cũng có thể trốn đi theo Việt Minh một cách dễ dàng như vậy. Người thì biết rõ không có khả năng chịu đựng gian khổ, người thì bị ràng buộc bởi mối liên hệ gia đình và rất sợ hình phạt của bọn tay sai Pháp – Vatican ở tại địa phương. Bọn này quả thật là một thứ hung thần mà chính bản thân tôi đã chứng kiến tại đồn Đông Tạ, thuộc huyện Vĩnh Bảo (trước kia thuộc tỉnh Hải Dương, trong nhũng năm 1946-1954 thuộc Secteur Kiến An). Hung thần ở trong đồn là tên Bang Tá Nguyễn Cao và tên Cai Đen cả hai tên hung thần này đều là tín đồ Da-tô. Chỉ một đêm chúng có thế tra tấn và giết hại tới hai ba người và chính tôi là một trong những người phải đào lỗ và chôn những nạn nhân này. (Chuyện xẩy ra vào giữa năm 1950 sang đầu năm 1951 khi tôi bị bắt giam ở trong đồn này.)

 

 Ngày 15/7/1951, chính quyền bù nhìn ban hành dụ 12 cưỡng bách thanh niên từ 18 tuổi trở lên (tôi không biết rõ đến bao nhiêu tuổi) ở trong vùng tạm chiến phải đi lính cho giặc. Trong số những nguời bị gọi này, những người có trình độ lớp nhất (lớp 5 bây giờ) có thể đuợc gửi đi đên các trường hạ sĩ quan thụ huấn độ hai hay 3 tháng để trở thành trung sĩ (thày đội). Ai có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp (học hết lớp 9) sẽ được gửi vào trường sĩ quan trừ bị như Nam Định và Thủ Đức.

 

 Đồng thời chính quyền Liên Minh Thánh cho mở các cuộc hành quân lùng bắt thanh niên trong vùng kiểm soát của chúng và cưỡng bách họ phải đi lính. Trong số những người này, có nhiều người đi lính cho Pháp đóng ở gần quê nhà nhân cơ hội thuận tiện kéo mấy người bạn đồng đội về địa phương lùng tìm những thằng cường hào ác bá đã tác oai tác quái trong vùng để trả thù. Chính tôi đã chứng kiến cái cảnh này ở Núi Đèo, Thường Sơn, Thủy Tú, (Thủy Nguyên, Kiến An) và An Lão (Kiến An)

 

 Trong số những người bị động viên, có rất nhiều người đã trở thành sĩ quan và hạ sĩ quan trong quân đội bù nhìn Bảo Đại. Vì bị động viên, nên khi Liên Minh Pháp – Vatican bị đại bại ở Điện Biên Phủ, có rất nhiều người bỏ hàng ngũ trở về sống với gia đình, và khi Thoả Hiệp Genève vừa ký xong, thì hàng hàng lớp lớp lính Bảo Đại bỏ hàng ngũ về với gia đình và ở lại miền Bắc. Tôi có một người bạn rất thân tên là Trần Sĩ Long, xuất thân từ trung sĩ truyền tin thuộc Tiểu Đoàn Công Binh 73 Tồng Hành Dinh ở Bến Đò Bính, Hải Phòng, được gửi đi học lớp sĩ quan Đà Lạt khoá 8 hay Khoá 9 vào năm 1953 (cùng khóa với Tướng Phạm Văn Phú). Khi tốt nghiệp ra trường vào đúng lúc Điện Biên Phủ thất thủ, anh trốn ở lại miền Bắc, Người em ruột của Tướng Phạm Văn Phú là Phạm Văn Đương là Trung Sĩ của Tiều Đoàn Công Binh 73 trên đây cũng trốn ở lại miền Bắc.

 

 Dĩ nhiên là có một số người, không phải là tín đồ Da-tô cũng di cư vào miền Nam. Dân ta chỉ có 5% là tín đồ Da-tô (vào thời điểm 1954). Ấy thế mà trong số 860.000 người Bắc di cư vào miền Nam, có tới 600 ngàn là tín đồ Da-tô. Sự kiện này chứng tỏ đại khối nhân dân ta theo tam giáo cổ truyền không muốn di cư vào miền Nam.

 

 160 ngàn người Bắc không phải là tín đồ Da-tô di cư vào miền Nam có nhiều nguyên nhân:

 

1.- Những thành phần quan lại trong thời Pháp thuộc.

 2.- Những công chức và sĩ quan trong quân đội Liên Minh Thánh hay chính phủ bù nhìn Bảo Đại và thân nhân của họ.  

 

Phần lớn những người này yên trí đã có công ăn việc làm cho nên họ di cư vào Nam. Nếu ở lại miền Bắc, họ sẽ rơi vào tình trạng “hàng thần lơ láo phận mình ra sao”. Thứ hai là vấn đề sinh kế. Theo chân quân đội Liên Minh Thánh Pháp - Vatican hay chính quyền bù nhìn Bảo Đại thì không phải lo vấn đề sinh kế và cũng tránh được những gì bất trắc có thể xẩy ra trong tâm trạng âu lo đó

 

 3.- Những thị dân buôn bán ở đô thị vốn đã có ý muốn vào miên Nam sinh sống vì miền Nam là nơi đất mới, đồng ruộng bát ngát, đất đai phì nhiêu, dân tình chất phác hiền hòa, khí hậu lại ấm áp, không có giông bão và cũng không có nạn nước lụt, ít có nạn hạn hán như miền Bắc và cũng không có cảnh mùa đông băng giá gió lạnh căm căm như ở miền Bắc.

 

 Miền Nam đi dễ khó về,

Trai đi có vợ, gái về có con.

 

4.- Những thành phần địa chủ ở trong vùng Việt Minh kiểm soát và đã bị quy liệt vào thành phần đối tượng sẽ hay sắp bị đưa ra tố khổ. [Mãi đến cuối năm 1953, chính sách đấu tố mới được ban hành và chỉ thi hành ở các vùng do Việt Minh kiểm soát. Chưa tiến hành ở các xóm đạo và các giáo khu Phát Diệm và Bùi Chu vì chưa bắt rễ được theo sách lược "tam cùng"]. Rất khó cho những người này có thể trốn khỏi vùng Việt Minh kiểm soát ở tỉnh Trung Du, ở Liên Khu Tư (Thanh Hoá, Nghệ An, Hã Tĩnh và Quang Bình) và một số vùng nằm ở trong Liên Khu III như Thái Bình. Những người này đã trải qua 9 năm ở vùng Việt Minh kiểm soát, phương tiện giao thông hiếm hoi, kiến thức về đường đi nước bước để đi trốn cũng không rành cho lắm. Tuy nhiên cũng vẫn có một số người đã trốn được tới Hải Phòng rồi xin được vé tầu di cư và miền Nam. Con số những thành phần đã trải qua cái cảnh này thực sự rất ít.

 

 Đến đây, thiết tưởng anh đã hiểu rõ những lý do và những hoàn cảnh khác nhau của một số lớn dân chúng đã không tham gia, không thể tham gia, hay không thể tiếp tục tham gia Mặt Trận Việt Minh.

 

                                                                                 NGUYỄN MẠNH QUANG

 

- Thư số 3: Ô. Nguyễn Mạnh Quang

 

Đầu tháng 11 năm 2005

 

Anh Trần Xuân An thân mến,

 

Chúng tôi đã đọc thư trả lời của anh, xin hồi âm anh liền để anh khỏi nóng ruột. Sau đó, tôi lại phải viết bài cho tháng 12/2005. Tôi xin đi thẳng vào vấn đề:

 

Về chỗ anh nói là tôi "còn tránh né vấn đề". Anh nói: "Thực chất vấn đề của cả 2 giai đoạn, 1930 -1945 -1954 và 1954 -1975 -1989, anh thừa biết bằng chính trải nghiệm bản thân, bằng đôi mắt, trí tuệ của một nhà nghiên cứu sử, nhưng chắc hẳn anh còn ngại."

 

Cảm giác này của anh có lẽ một phần cũng đúng vì tôi không đào sâu khía cạnh mà anh mong muốn. Việc dễ hiểu lắm thôi: Nó không phải là "chủ đề" mà tôi đang viết. Còn những gì tôi kinh nghiệm về giai đoạn trước năm 1975 tuy không viết thành chủ đề, nhưng đã, đang, và sẽ thể hiện rải rác trong các tác phẩm của tôi trong những đề tài mà tôi nghiên cứu. Một số nhỏ sự kiện liên hệ đến các giai đoạn này tôi cũng có cơ hội đề cập trong bức thư trả lời anh Võ Thành Long được đăng trong mục nối kết sau đây. Mời anh đọc:

 

http://www.giaodiem.com/doithoaiIV/12_nmq_vnchI.htm

 

Phần trình bày sau sẽ cho thấy thêm những lý do tôi không chú ý đến giai đoạn sau 1975 ở Việt Nam .

 

Điều kiện chuyên môn:

 

Tôi quan niệm rằng, khi lao vào viết một đề tài về một thế lực hay một giai đoạn trong lịch sử, thì phải:

 

1.- Nghiên cứu rất sâu rộng về đề tài hay thế lực đó, như tôi đã trình bày trong thư trước.

2.- Nếu được sống trong cái thời kỳ dưới quyền cai trị của thế lực đó thì tốt hơn.

 

Muốn viết cho trung thực và phải có đủ cả hai điều kiện trên đây không phải là một chuyện dễ dàng. Suốt từ năm 1955 cho đến ngày nay, tôi không hề sống dưới chính quyền đương thời . Không phải là người dân bị trị thì chắc chắn ngòi bút của tôi không thể lột hết được những sự thật bằng các nhà viết sử chân chính đã từng hay đang sống trong chính quyền hiện nay nhiều hơn. Không biết rõ bằng người ta mà lại nhẩy rào vào viết thì chắc chắc là rơi vào tình trạng "Múa rìu qua mắt thợ". Vấn đề này xin nhường lại cho họ.

 

Một chút quan điểm lịch sử

 

Đối với chính quyền hiện nay, tôi chỉ sống và kinh nghiệm ở miền Bắc cho tới năm 1955.  Việc cải cách ruộng đất ở Việt Nam thời ấy là việc cần thiết, nhưng phuơng cách thi hành có những sai lầm rất trầm trọng khiến cho nhiều người bị oan ức và trở thành uất ức. Tôi tin rằng cũng có nhiều trường hợp như tôi phải bỏ quê đi vào Nam.

 

Tôi nhớ lại một đọan trong lịch sử. Vua Lê Lợi cùng với nhiều người trong đó có ông Nguyễn Trãi là nhân vật quan trọng hơn cả và các ông như Trần Nguyên Hãn,v.v.. nổi lên tổ chức kháng chiến chống quân Minh. Phải mất gần 10 năm mới đánh đuổi được quân Minh ra khỏi đất nước. Khi thành công, triều đình nhà Lê xử tệ với ông Nguyễn Trãi và ông Trần Nguyên Hãn.

 

Đọc lịch sử đến chỗ này, tôi thấy thương ông Nguyễn Trãi và ông Trần Nguyên Hãn vô cùng. Tuy nhiên, không vì thế mà lịch sử có thể gạt bỏ công ơn của vua Lê Lợi. Tôi nghĩ rằng, đối với Mặt Trận Việt Minh thì cũng vậy. Không vì cái sai lầm đó mà ta không thể ghi công Mặt Trận Việt Minh trong những trang hùng sử của nước nhà.

 

Kinh nghiệm ở miền Nam:

 

Từ năm 1955, tôi vào miền Nam sống cho tới ngày 30/4/21975, ngoại trừ ba năm (1966-1969) du học ở Hoa Kỳ, tôi đã nhìn thấy rõ bộ mặt thật của các ông Bảo Đại, Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, cũng như bản chất của chính quyền quốc gia do Bảo Đại đứng đầu và hai chế độ Việt Nam Cộng Hòa do ba tín đồ Da tô làm bung xung cho Vatican, Pháp, và Mỹ. Dù rằng đời sống vật chất của người dân thành thị hơi có chút thỏai mái hơn ở thôn quê rất nhiều, nhờ ảnh hưởng kinh tế giây chuyền trong giai đọan Mỹ quốc viện trợ, nhưng tôi đã nhìn thấy một sự sụp đổ từ lâu do chính sách Ki-tô hóa và độc tài gia đình trị của ông Ngô Đình Diệm. Có điều tôi chưa thể nhìn thấy hết các bí ẩn bên trong để có thể thuyết phục tôi minh định rõ rệt về chính nghĩa của miền Nam.

 

 

Vấn Đề Then Chốt:

 

Sau biến cố 1975, nhờ được đi dạy ở Mỹ, tôi có cơ hội được đọc rất nhiều tài liệu, và tìm ra nhiều sự việc mà trong 20 năm ở miền Nam tôi chưa hề được biết. Nhờ đó tôi đã xác định được trọng tâm của vấn đề liên quan trực tiếp đến vận mạng của Việt Nam là chỗ nào. Từ đó, liên tục hơn hai mươi năm, tôi chú tâm nghiên cứu về "vấn đề" mà tôi đã tìm ra: đó là Vatican.

 

Nhờ nghiên cứu, tôi biết được bàn tay máu và bàn tay vơ vét của Giáo Hội La Mã ở những nơi nào mà quyền lực của Giáo Hội vươn tới trong suốt chiều dài lịch sử từ ngày 20/5/325 cho đến ngày nay.  Đây là lý do TẠI SAO tôi quyết định viết bộ sách Lịch Sử và Hồ Sơ Tội Ác Của Giáo Hội La Mã. Phần I, ước chừng khoảng một ngàn trang (có lẽ in thành 3 tập, coi như đã hoàn thành. Phần II là phần nói về tội ác của Giáo Hội tại Việt Nam.

 

Tôi đang biện soạn dở dang thì bị thôi thúc bởi vấn đề nóng bỏng là Vatican và chính quyền Việt Nam đang tiến tới muốn thiết lập bang giao với nhau. Vì vậy tôi mới chuyển một số bài đã viết mà anh thấy ở www.giaodiem.com trong các tháng 9,10 và 11/2005.

 

Cần viết những gì chưa được ai nói:

 

Như đã có nói trên, lịch sử trong nước giai đoạn sau năm 1975 ở Việt Nam thì tôi cũng không được kinh nghiệm, và đây cũng không nằm trong các vấn đề nghiên cứu của tôi. Giai đoạn này có lẽ anh là người thông thạo hơn tôi. Ở ngọai quốc, cũng không có nhiều tài liệu quốc tế nào chú ý đến giai đọan này lắm, hoặc có thể cũng có nhưng tôi không được biết vì tôi không xem nó là thiết yếu nữa.

 

Các tác giả ở quốc ngoại cũng đã xuất bản hằng hà sa số các bài viết bằng nhiều phương tiện  khác nhau. Đa số người viết đều không thuộc lãnh vực chuyên môn, không theo các phương pháp sử, lẫn lộn sự kiện và ý kiến hay tình cảm. Tựu trung đều do những cái nhìn từ những người mất đi thời oanh liệt, hay bị tù đày sau biến cố 1975. Những tác giả này đã không tiếc một lời nào mạt sát chính quyền hiện tại, và cũng không tiếc lời ca tụng chế độ nhà Ngô.

 

Nay thì với "mặt trận tổ quốc" ở trong nước, mà anh nói trong thư trước, có lẽ rồi anh sẽ được đọc hết các tác phẩm đó du nhập vào quốc nội.

 

Có vài tác giả nằm trong lãnh vực chuyên môn ở hải ngọai thì lại tránh né các sự thật bất lợi cho những thế lực hiện hữu (giáo hội La Mã và những người mong muốn phục hồi chế độ miền Nam cũ). Anh nghĩ rằng chỉ có trong nước mới bị áp lực hay thôi sao?

 

Do đó, những tài liệu mà tôi đang tìm tòi, tuy đầy dẫy nhưng không được ai phổ biến. Tuyệt đại đa số các hệ thống truyền thông ở hải ngọai là do các thế lực nói trên làm chủ hoặc khống chế.  Hiếm hoi lắm mới có được một website như Giao Điểm dám đăng những bài của chúng tôi ,…  thì bị họ chụp mũ là của phe bên kia, chửi rủa chúng tôi một cách rất đê tiện, để người ta không dám vào đọc. Những người như chúng tôi phải đương đầu với những khó khăn này để viết lên những sự thật bị che đậy thì đếm không đủ bàn tay. Đó là lý do chúng tôi tiếp tục đề tài đang nghiên cứu vì tính cách hiếm hoi của nó.

 

Những giới hạn không thể vượt qua: Thời gian, Sức khỏe.

 

Riêng về đề tài mà tôi chọn, tôi đã phải dành ra tới hai mươi năm để tìm đọc các sách sử và tài liệu để viết sao cho đúng với sự thật của lịch sử mà những tín đồ Da-tô người Việt không thể bắt bẻ và phản bác được. Nói để cho anh nhìn thấy rõ nỗi khổ tâm của tôi là từ khi những tác phẩm của tôi được phổ biến, tôi bị hơn một triệu người hải ngoại gồm các ông tu sĩ, tín đồ Da-tô và những người đã từng được hưởng những đặc quyền đặc lợi trong hai chế độ đạo phiệt Da-tô- Ngô Đình Diệm và quân phiệt Da-tô Nguyễn Văn Thiệu chống đối mãnh liệt bằng đủ mọi phương cách. Họ đã dùng đủ mọi thủ đoạn từ khủng bố hăm doạ (rằng gặp tôi ở đâu sẽ bắn chết tôi ở đó), chửi bới, rỉ tai xúi giục bạn bè và học trò cũ của tôi chống lại tôi. Thậm chí họ còn sắp xếp cho Giáo sư Nguyễn Văn Trung đế tận nhà tôi vừa để chất vấn và xúi giục vợ tôi (gốc là tín đồ Da-tô) chống lại tôi. Vẫn còn may là vợ tôi biết phân biệt lý lẽ, nên nổ lực của ông hoàn toàn vô ích.

 

Thú thực với anh, tôi sợ rằng tôi không có đủ thì giờ để hoàn tất những bài viết hay những tập sách mà tôi đã đề ra trong giới hạn tuổi già ngày càng đe dọa sức khỏe của mình.

 

Mong rằng những tâm tình trên đây đã đủ trả lời những thắc mắc của anh. Xin phép anh để tôi trở về nối tiếp công việc nhé.

 

Tái Bút:

 

1.  Xin kèm đây một hai trang giấy tóm tắt về việc chính quyền miền Nam trước năm 1975 cố tình xem nhẹ và cắt giảm môn sử thế giới và sử Việt Nam.

 

2.  Nếu anh thích thì xin anh đề nghị với Giao điểm (tôi đồng ý), cho đăng tất cả các lá thư trao đổi của anh và tôi (kể cả lá thư này).

 

3.  Trong thư trước, tôi có 1 vài chỗ đánh máy sai, xin anh dùng bản kèm dưới đây.

 

Thân,

NMQ.

[bạn đọc lưu ý: “bản kèm dưới đây” tức là lá thư ở trên. - Gđ.]

 

- Thư số 4: Thư hồi đáp của Trần xuân An:

 

Việt Nam, TP.HCM., lúc 10 : 10, ngày 06-11 HB5

 

Kính gửi nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Quang

 

1.

 

Thưa anh,

 

Trước hết, như lời đề nghị cởi mở và niềm nở của anh trong thư trước, tôi xin phép được gọi anh bằng anh, thay vì bằng ông, với tất cả sự kính trọng và niềm cảm ơn.

 

Thật không ngờ anh lại viết hẳn một bài báo để giải đáp giúp tôi một vấn nạn về một giai đọan lịch sử đã qua. Trong ý định của tôi, tôi thành thật mong ước chính những nhà nghiên cứu sử, nhà văn ở hải ngoại thuộc vào lớp tuổi cha anh tôi, như anh và hai nhà nghiên cứu Bùi Kha (Hồng Quang), Trần Chung Ngọc, sẽ giải đáp giúp. Vấn nạn là: Nguyên nhân nào một bộ phận không nhỏ nhân dân cả nước (1930 – 1954) và khá lớn nhân dân Miền Nam sau này (1954 – 1975) không theo Việt Minh, Việt Cộng; thậm chí sau Ngày Thống nhất 30-04-1975, không những dân Miền Nam mà cả dân Miền Bắc, trong đó có đến 2 triệu người cũng di tản, vượt biên hoặc ra đi theo các diện hợp pháp? Tôi cũng xin thưa trước, đó không phải là một câu hỏi cắc cớ và vô lễ, mà thực chất còn nghiêm trọng hơn cả một câu hỏi. Đó là một vấn nạn lịch sử. Hơn thế nữa, đó là vấn nạn lớn nhất của thời đại chúng ta (gồm ba, bốn thế hệ đã trải qua và hiện còn sống) và không chỉ ở nước ta.

 

Ở trong nước, không ai dám viết đến tận cùng sự thật lịch sử. Cuốn tiểu thuyết "Mùa hè bên sông" của tôi, viết về đề tài đó, mặc dù tôi đã tự giới hạn, né tránh ít nhiều, vẫn không một nhà xuất bản nào cấp giấy phép xuất bản!  Cuối cùng, phải liều gửi ra hải ngoại. Và may mắn được Web Giao Điểm, số tháng 6-2005, đăng tải trọn vẹn. Tôi nghĩ, ở hải ngoại, với điều kiện tự do, mới có thể viết một cách toàn diện và trung thực nhất. Tôi cũng lo ngại rằng nếu thế hệ những người cùng tuổi như anh, như các anh Bùi Kha, Trần Chung Ngọc, già yếu đi, rồi mất, hẳn không ai có thể gánh vác được sứ mệnh ấy. Sử học và văn học sẽ có những khoảng trống không thể lấp đầy.

 

Thưa anh,

 

Thật tâm tôi nghĩ vậy khi nêu lên vấn nạn và sứ mệnh trên. Có lẽ anh không nghĩ tôi nghiêm trọng hóa, quan trọng hóa vấn đề.

 

Khi nhận được điện thư của anh, tôi trân trọng đọc với tất cả lòng trông đợi. Tôi hiểu anh đã thận trọng và chu đáo. Xin cảm ơn anh rất nhiều.

 

2.

 

Thưa anh,

 

Ngoài sự sâu sắc khi phân tích tội ác tả đạo Thiên Chúa giáo, thực dân Pháp, phát xít Nhật và tính chất bù nhìn của Bảo Đại, cũng như khi phân tích cơ cấu giai cấp, thành phần xã hội thời trước 1954, tôi vẫn thấy anh còn tránh né vấn đề. Kính mạnh dạn thưa với anh như vậy.

 

Cũng xin mạn phép thưa với anh rằng, nếu so với giáo trình của các giáo sư đại học hiện thời ở trong nước, xét về cốt tủy vấn đề, bài viết của anh sâu sắc hơn họ rất nhiều, nhất là khía cạnh tội ác của Thiên Chúa giáo (sử học ở trong nước còn bị hạn chế bởi chính sách “mặt trận”). Nhưng chung quy, về cơ bản, vẫn không có gì khác. 

 

Còn thời 1954 – 1975 hình như đã nhiều lần đề cập trên Web Giao Điểm rồi, nên trong thư này, anh chỉ lướt qua.

 

Thực chất vấn đề của cả 2 giai đoạn, 1930 – 1945 –1954 và 1954 –1975 – 1989, anh thừa biết bằng chính trải nghiệm bản thân, bằng đôi mắt, trí tuệ của một nhà nghiên cứu sử, nhưng chắc hẳn anh còn ngại.

 

Trong cuốn "Mùa hè bên sông", cũng như ở rải rác các cuốn sách khác, bài viết khác của tôi, tôi nhấn mạnh thêm một số khía cạnh:

 

1. Ý thức hệ

(a. duy tâm } / { duy vật;

b. tư hữu } / { công hữu;

c. cộng hòa } / { chuyên chính…);

 

2. Yếu tố ngoại bang (hay chính xác hơn, là  ngoại viện và chủ quyền dân tộc), cụ thể là đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh tả đạo Thiên Chúa giáo, nhưng trong quá trình kháng chiến bị lệ thuộc, nên trong chiến thắng về sau, sẽ càng lệ thuộc, thậm chí là nô lệ Nga Sô (13 nước sáp nhập thành Liên Xô, đứng đầu là Nga), nô lệ Trung Cộng. Đó là nhận thức nhãn tiền thuở bấy giờ và dự đoán tương lai cũng từ thuở đó.

 

Nếu vậy thì sự khốn khổ, máu xương đổ ra cũng vô ích, và tệ hơn thế nữa, vì mất cả đình, chùa (truyền thống thờ cúng tổ tiên, đạo Phật) và chịu sự chuyên chế (chuyên chính). Về học thuyết cộng sản, công hữu là công bằng nhưng lại làm mất tính cạnh tranh, vốn là động lực phát triển kinh tế… “Thưc tiễn là thước đo của chân lí” , chứ không phải là học thuyết tư biện, sách vở… Và còn chủ thuyết lấy đấu tranh giai cấp tự giác, có lãnh đạo làm động lực phát triển nữa…

 

Từ 2 nguyên nhân trên, dẫn đến nguyên nhân, động cơ thứ 3 là:

 

3. Sách lược “nhu đạo”: Trước mắt (1930 -1975) là phải dựa vàp Pháp, Mỹ, thậm chí dựa vào tả đạo Thiên Chúa giáo, để chống cộng; sau đó mới tiếp tục chống lại chúng (Pháp, Mỹ, tả đạo Thiên Chúa giáo). Thế là lần lượt bẻ gãy 2 gọng kìm lịch sử.

 

Thưa anh,

 

Vắn tắt vài nét chính yếu như thế, kính mong anh và các anh Bùi Kha, Trần Chung Ngọc kiểm nghiệm lại giúp, và nếu có sử liệu thì quá tốt.

 

Dẫu thế nào, giai đoạn lịch sử ấy (1930 – 1975 – 1989) cũng đã trôi qua. Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh được Pháp, góp phần đánh được Nhật, đánh được Mỹ, đánh cả tả đạo Thiên Chúa giáo (mặc dù hiện tại vẫn phải chấp nhận sự tồn tại của Thiên Chúa giáo ở trong nước với hệ thống tổ chức giáo đường, giáo xứ), lại đánh bại cả bá quyền bành trướng Trung Cộng và Kh’Mer Đỏ. Nhưng bi kịch của những người quốc gia, dân tộc chủ nghĩa chân chính, trong thâm tâm không chịu  làm tay sai cho Pháp, Nhật, Mỹ và tả đạo, là rất lớn. Vấn đề là ở đó.

 

3.

 

Thưa anh,

 

Vấn đề người Miền Bắc di cư vào Miền Nam hồi 1954, anh phân tích rất thật và sâu sắc. Tôi cũng mơ hồ phỏng đoán anh là người Miền Bắc. Tuy vậy, nói chung, người nghiên cứu sử phải lạnh lùng, khách quan, như anh đã lạnh lùng, khách quan.

 

Có một điều, hẳn anh đã biết, nhân dân Miền Nam vốn có định kiến với dân Miền Bắc, di cư 1954 và cán bộ – di thực 1975. Trong giai đoạn 1954 – 1975, dân Miền Bắc di cư dựa vào Mỹ, tả đạo Thiên Chúa giáo, Diệm – Thiệu để lấn lướt và cai trị Miền Nam (kể cả thời Nguyễn Văn Thiệu, người Phan Rang, làm tổng thống). Trong giai đoạn 1975 đến nay, dân “Miền Bắc 75”  lại dựa vào chính quyền cộng hòa xã hội chủ nghĩa hiện nay để lấn lướt, thống trị dân Miền Nam. Về quyền lợi, quyền lực, trong cả hai giai đoạn, dân Miền Nam đều bị thua thiệt, trong khi ông cha tổ tiên họ phải mất mấy trăm năm khai phá, dựng xây Đàng Trong. Một ngoặc đơn cần mở ra ở đây: Riêng dân Quảng Bình, thời Nguyễn triều vốn có lợi thế; thời sau 1954, và sau 1975, vẫn có lợi thế!

 

Xin anh cảm thông thêm sự thật đó. Và cũng mong anh thông cảm về những từ ngữ tôi sử dụng: lạnh lùng, khách quan với mục đích hòa giải.

 

4.

 

Ngoài ra, còn một số ý trong thư anh viết, như vấn đề từ ngữ thông dụng và lịch sử của từ ngữ của 2 chữ “tả”, “hữu” cùng với sự kết hợp của 2 từ tố ấy với các từ tố, từ ngữ khác, như “tả khuynh”, và “ấu trĩ ”tả” khuynh”, “thiên tả”, “hữu khuynh”, “phái hữu”… Lịch sử từ ngữ quả đúng như vậy, nếu kể thêm trong một quốc hội nào đó, người ta chia ra 2 bên, bên trái (bình dân), bên phải (quý tộc), với 2 khuynh hướng chính trị như anh đã viết. Chữ “tả” này chỉ là phía trái, chứ không có nghĩa là xấu, tà mị như trong từ “tả đạo”. Ở Việt Nam, hiện nay, từ ngữ thông dụng vẫn là với nét nghĩa cuối mà anh đã định nghĩa (tư bản cộng hòa = hữu; hay cộng sản chuyên chính = tả).

 

Thưa anh,

 

Thư viết gọn mà cũng đã quá dài, kính mong anh vui lòng đọc. Nếu có gì sai sót, mong được sự góp ý của anh.

 

          Kính chúc anh vui khỏe.

          Trân trọng.

          Kính thư,

 

Trần Xuân An

tranxuanan_vn@yahoo.com  (chính thức),

tranxuanan_tphcm@yahoo.com.vn ,

tranxuanan_writer@hotmail.com

 

Tái bút: Thư anh và thư này của tôi, có thể kết hợp lại thành 2 bài báo có chung một nhan đề: Thư trao đổi về một thời kì lich sử, 1930 – 1975.

 

Kính xin ý kiến.

TRẦN XUÂN AN

         06-11 HB5

 

 

Xem tiếp: Bài thứ chín:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta_b9.htm

 

Trở về: Trang mục lục của tập bài viết "Luận về thời chúng ta...":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta

 

Trở về trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

 

Google page creator /  host

  Ngày đưa lên trang web này: 28-4 HB7

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE