Trần Xuân An - SÔNG GIANH NGUYỄN DU VÀ BẾN HẢI TÔI

SÔNG GIANH NGUYỄN DU

VÀ BẾN HẢI TÔI

Trần Xuân An

hai bờ tâm tư sông Gianh thuở đó

thơ Nguyễn Du bắc vạn chuyến ghe đò

hai trăm năm sau, liền sông Bến Hải

Cầu Ý Hệ này kết sử trong thơ.

T.X.A.

07:05, 06-12-2015

(25 tháng mười Ất Mùi HB15)

Kỉ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du

http://www.tranxuanan-writer.net

http://www.txawriter.wordpress.com

http://www.facebook.com/tranxuanan.writer

Quý mến mời đọc lại 3 bài thơ 

trong tập thơ của tác giả: “Mở lòng bàn tay để đan tay”, Nxb. Trẻ, 2014

Bài 23

KHI BIẾT TIN NĂM NGUYỄN DU 

TOẢ SÁNG KHẮP THẾ GIỚI

Biểu hiện Nguyễn Du

nhất thống hai Đàng, ba bão thép

núi xương, sông máu, bút bơ vơ

nếu thù Nguyễn Nghiễm, vua tru – Giết

Đất nước chỉ còn góc túi thơ!

người gỗ, cần chăng? hay kẻ sĩ

suy tư mưa nắng, gió tâm tư?

suốt đời thi sĩ, thơ thao thức

thao thức, mới làm nên Nguyễn Du!

thuở sẵn ngục văn chờ án chữ

niềm riêng cứ thắp, gọi hồn chung (1)

phận người lay lắt, sương che máu

nội chiến – ngoại xâm, cổ nghẹn khung…

hai tập tự thơ (2), hai thế cuộc

cỏ bồng héo tóc, cúc quỳ phai

"Bắc hành..." (3), thơ sử, thơ tràn, lắng

kẻ mạt, người hùng... Thương, quý ai...

đọc để hiểu xưa, ai đẫm mắt

vừa tanh sấu khóc giữa tâm mình?

Nguyễn Du toả sáng và soi sáng

Tổ quốc lung linh trái đất xinh (4).

T.X.A.

02: – 16:12, 18-11 HB13 & 21 & 29-11 HB13

(1) “Văn tế thập loại chúng sinh” (“Văn chiêu hồn”).

(2) "Thanh Hiên thi tập", "Nam trung tạp ngâm" là hai tập thơ chữ Hán hầu hết Nguyễn Du viết về chính ông (tự thơ = tự truyện).

(3) "Bắc hành tạp lục" là thi tập chữ Hán thứ ba của Nguyễn Du, viết trong thời gian đi sứ sang Trung Hoa, 1813-1814.

(4) Tin TTXVN.: Cuối thượng tuần tháng 11, 2013, tại kì họp lần thứ 37, diễn ra ở thủ đô Paris (Pháp), Ðại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ. (UNESCO.) đã ra Nghị quyết vinh danh đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam cùng với nhiều danh nhân văn hóa khác trên thế giới, trong hai năm 2014 và 2015.

Bài 24

VỚI BA ĐOÁ BIỂU TƯỢNG THIÊN TÀI

Biểu hiện Nguyễn Du

thương Kiều, nhạc sĩ và thi sĩ

hương đất trời và hoa nước non

hết khổ, thương nàng Thanh (1) khổ khác

rợn tranh linh sắc, thơ thiêng hồn

thường chăng, gái lẽ hay ca kĩ (2) 

nếu nỗi đắng đời, Thanh vắng thơ

nếu chẳng thiên tài, nhơ tục luỵ

nhạc Kiều không sáng thật bao giờ?

Nguyễn Du ngẫm mình qua hình tượng

một thuở giao thời đau vạn năm

quằn quại thiên tài trong vận nước:

Kiều, Thanh đời nát – thương tâm Cầm! (3)

thiên tài bút hay thiên tài kiếm?

ném kiếm Trịnh – Lê, hết nghĩa rồi!

tự cứu, cứu dân, thơ đứt ruột

sáng chưa quyền sống – quyền làm người?

buồn trông biến dịch, đau triều cũ

ngoảnh tiếc Quang Trung – Từ Hải chăng?

Nhà Nguyễn, hai Đàng yên máu lửa

thơ ông thầm thét hỏi công bằng?

thương Kiều, thương Thanh – thương Cầm đó

tâm sáng, thương mình – thương cõi đời

nguồn lệ xưa sau còn mặn biển

dịu tươi trái đất, thiên tài ơi!

T.X.A.

02:, 04-12 – 08:30, 07-12 HB13

(1) Tiểu Thanh trong “Đọc bài kí Tiểu Thanh” (“Độc Tiểu Thanh kí”). Kiều và Tiểu Thanh đều là hình bóng nàng Cầm (3), nguyên mẫu đã được nâng lên thành biểu tượng trong thơ Nguyễn Du...

(2) “Bài từ hành lạc” (“Hành lạc từ”), bài hai; “Bài ca trúc chi ở đất Thương Ngô” (“Thương Ngô trúc chi ca”), trong mười lăm bài...

(3) Nàng Cầm trong “Bài ca về người đánh đàn ở Thăng Long” (“Long thành cầm giả ca”). Xem thêm: “Viếng đào nương ở La Thành” (“Điếu La Thành ca giả”)...

Xem anh chữ kích cỡ khác

Bài 25

TRUYỆN KIỀU VÀ DẤU HỎI CỦA TÔI

1

lầm bả chiêu hàng của triều đình Nhà Minh

sao Nguyễn Du thương quý Kiều đến thế?

thấy bao nỗi trần ai bất bình

Hải liều thân vẫy vùng sông bể

thành anh hùng trên lưng ngựa chiến chinh 

rồi luỵ vì Kiều, lỏng giáp, tan binh

đến chết đứng, còn ngã ra vì dòng lệ

cũng của Kiều, với ảo vọng thường tình!

sao Nguyễn Du thương quý thế?

phải chăng Nguyễn Du rợn mình

thu thân trong xích xiềng vô hình hạn chế

sau bao tang thương tim bầm ruột xé

thấy triều đại nào cũng ma quỷ hiện hình?

phải chăng mãi mãi u minh

thế gian buồn như kinh kệ

mong siêu thoát cõi phù sinh

Nguyễn Du cùng hiện hữu loài người chưa thể?

nội loạn, đầu hàng, nhân dân nhẫn nhục, yên bình

ngoại xâm, đầu hàng, dân tộc mang gông nô lệ

hình tượng Hồ Tôn Hiến

và quan quân sâu mưu độc kế

trên đất nước Trung Hoa,

không phải lũ ngoại quốc viễn chinh!

câu trả lời phải chăng là thế?

đinh ninh, và đúng lẽ

2

sự thật lịch sử không như “Truyện Kiều” đã kể

chết gươm cắt đầu? chết sông trầm mình? (1)

dù Hải không là Mị Châu,

Hải anh hùng, xiêu lòng vì vợ trẻ?

dù Kiều không là Trọng Thuỷ,

Kiều giữ chút trung trinh?

nhưng “Truyện Kiều” là văn chương: 

bi kịch thiên tài, số phận con người nhỏ bé

uất ức, thê thảm giữa trùng trùng điêu linh

trùng trùng tàn tệ

ước mơ tội nghiệp, chân tình...

Kiều tái sinh trong xích xiềng vô hình hạn chế

3

tự cứu và được cứu giữa cõi tồn sinh

Nguyễn Du cũng là “Truyện Kiều”,

“Đọc kí Tiểu Thanh”

sáng bừng trái đất: sâu xa, tinh tế

hàng trăm bài thơ “Đoạn trường tân kinh” (2)...

mượn chuyện nước người nói chuyện nước ta, 

lấp loé, lung linh

viết phải lách, thuở đứng tim tránh né

để người đọc yên tâm ngâm to, ru khẽ

lục bát chữ Nam, sông sâu nghìn sóng rộng rinh

Đường luật chữ Tàu, trải lòng sau từng khung cửa hé 

bi kịch Tiên Điền, thiên tài Việt kết tinh

4

đọc “Truyện Kiều” và những sách xưa lắm hệ

sử vênh nhau, văn khác sử... 

phải phân minh!

để hiểu vì sao Nguyễn Du làm tiểu thuyết thơ,

thương quý hình tượng Hải - Kiều đến thế

và chữ nghĩa muôn đời xem khinh

trước ngoại xâm, 

không ít kẻ đầu hàng, 

nô lệ!

nhưng chẳng cách nào lương tri nín thinh

nếu người cầm bút ngày nay ngoảnh lại ngày xưa,

xuyên tạc sử, sử và văn không nhất thể

tác phẩm sử của tôi (3) mãi mở sáng lòng mình.

T.X.A.

16:, 10-12 – 10:11, 11-12 HB13

(1) Theo một số tư liệu lịch sử thuộc loại cận chuẩn cứ, như “Hồ Tôn Hiến liệt truyện” (chưa phải “Minh thực lục”), “Trù hải đồ biên”: a) Từ Hải bị kế li gián của Hồ Tôn Hiến trước khi xiêu lòng bởi Thuý Kiều. Nhưng chính Thuý Kiều cũng bị Hồ Tôn Hiến mua chuộc, hứa hẹn để dụ hàng Từ Hải. Từ Hải chết do tự nhảy xuống sông tự vận ngay sau khi trúng kế li gián, dụ hàng của Hồ Tôn Hiến và bị Hiến đánh úp. Từ Hải bị cắt đầu (hay chém đầu) ngay dưới sông. Sử chính thống của triều Minh (Trung Hoa) không viết gì về cái chết của Thuý Kiều. Thật ra, Thuý Kiều không phải là một nhân vật quan trọng trong sự kiện lịch sử ấy, mà chỉ là một người bị lợi dụng để dụ hàng Từ Hải, và cũng không phải là người duy nhất bị lợi dụng trong việc dụ hàng đó. Vương Trực (hay Uông Trực, một thủ lĩnh thuộc hàng đàn anh của Từ Hải) đáng kể hơn. Và cái chết của Từ Hải chủ yếu là do Từ Hải bị sa vào kế li gián, nghi kị với Trần Đông, Ma Diệp… b) Về Thuý Kiều, Mao Khôn (1512-1601) là người đầu tiên viết hành trạng Thuý Kiều và về cái chết chính Kiều: Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử. Nhưng chi tiết này lại được viết trong một văn bản có nhan đề là “Sự tích Vương Thuý Kiều”, đặt trong quyển “Kí tiễu trừ Từ Hải bản mạt” của Mao Khôn (bản dịch Đào Duy Anh, 1958), với những chi tiết khác mà chắc chắn bản thân Mao Khôn cũng không phải tận mắt thấy, tận tai nghe. Quả thật, đó chỉ là sự tích mà thôi, đúng nghĩa của từ. Dư Hoài về sau, đầu triều Thanh (Trung Hoa) cũng viết là Thuý Kiều tự tử ở sông Tiền Đường, và cũng thế là hết truyện. Nhưng “Truyện Vương Thuý Kiều” trong “Ngu sơ tân chí” của Dư Hoài (bản dịch Thượng Chi Phạm Quỳnh, 12-1919) chỉ là một “bài truyện” (truyện kể ngắn) góp nhặt từ sự tích, có phần hư cấu… Xem: Thanh Tâm Tài Nhân, “Truyện Kim Vân Kiều”, bản dịch Nguyễn Khắc Hanh, Nguyễn Đức Vân, lời giới thiệu của Nguyễn Hữu Sơn, có phần tư liệu phụ lục (kể trên), Nxb. Hải Phòng, 12-1994. 

(2) Ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, tôi gọi là “Đoạn trường tân kinh”

(3) Trần Xuân An, “Suy nghĩ về một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta” (2004), đã đăng kí bản quyền tại Cục Bản quyền tác giả. Đặc biệt là bốn đầu sách biên soạn, khảo cứu, khảo luận và truyện kí của tác giả Trần Xuân An về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886), đã chính thức xuất bản.

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE