Trần Xuân An - MỘT CHÚT CẢM NGHĨ KHI ĐỌC BÀI VIẾT CŨ (1972) CỦA ANH BẢO CỰ

MỘT CHÚT CẢM NGHĨ KHI ĐỌC BÀI VIẾT CŨ (1972) CỦA ANH BẢO CỰ

Trần Xuân An

 

1) Chương trình môn quốc văn bậc trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp ở Miền Nam trước 1975 bị anh Bảo Cự phê phán là phản động và phản dân tộc! Tôi thấy anh Bảo Cự dùng từ ngữ có tính tranh luận nên hơi cực đoan đến mức sai lệch. Vì anh Bảo Cự muốn cường điệu để tạo hiệu ứng cao hơn, nên sự cực đoan, sai lệch ấy có thể tạm cho là tính quá khích của tuổi trẻ (lúc ấy anh chỉ mới hai mươi mấy tuổi).

 

2) Thế hệ trẻ của Thiên Chúa giáo hồi bấy giờ (như Nguyễn Văn Trung, Mai Tâm, Nguyễn Ngọc Lan, Kim Định....) muốn sửa sai trong hiện tại thuở đó, để thoát khỏi mặc cảm về lịch sử Thiên Chúa giáo thời thuộc Pháp, nên cũng tương tự như anh Bảo Cự: cực đoan, quá khích, sai lệch trong nhận định. Dù sao, ý thức sửa sai, "tìm về dân tộc" là đáng quý rồi.

 

3) Tuy vậy, những điều anh Bảo Cự góp ý về chương trình quốc văn trung học (cả hai cấp) tại Miền Nam (trước 1974-1975) vẫn rất hữu ích. Theo tôi, một học sinh thời đó:

 

3a) Chương trình quốc văn ấy chỉ dừng lại ở mốc 1945, vì các vị soạn chương trình ở Bộ Quốc gia Giáo dục lúc đó chỉ cho học những gì đã định hình, còn những gì đang diễn tiến thì chỉ xem như ngoại khóa (không bắt buộc). Từ niên khóa 1974-1975, bỏ môn triết, quốc văn mới gộp với triết học ở lớp 12, có cập nhật thêm các tác giả sau 1945.

 

3b) Do quan niệm văn chương là văn chương, sử học là sử học, nên ở môn quốc văn, cần học những tác phẩm được tác giả viết vì mục đích thể hiện tâm trạng, cảm xúc, phản ánh cả những mặt đời sống mà quốc sử không bàn tới. Tất nhiên nhà văn, nhà thơ phải thể hiện tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm (không thể thiếu yếu tố này), nhưng không chỉ như vậy, vì hiện thực xã hội, hiện thực con người gồm nhiều mặt khác nữa (như tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, họ tộc, như phong tục, cộng đồng, cái tôi cá nhân, thân phận con người, như quan hệ với thiên nhiên đất nước...). Môn sử của ta vốn đã thiên về chính trị, quân sự rồi, nên các thiên cổ hùng văn như Thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Cáo bình Ngô (1) ... vốn là các văn kiện chính trị, quân sự đã được học ở dạng tài liệu sử học.

 

 ---- Đây là điều mà hiện nay (2015) còn phải bàn cãi về sự thể có nên trùng lặp, vừa học ở môn sử lại học ở cả môn văn không (2). ----

 

Theo tôi, môn quốc văn phải đậm đà tinh thần dân tộc, yêu nước, chống ngoại xâm, nhưng cũng rất cần sâu sắc về các lĩnh vực khác nữa, thể hiện thành các đề tài vốn là đặc trưng của văn chương. Lẽ ra phải cân đối tỉ lệ lại cho hợp lí.

 

4) Tôi thừa nhận chương trình học tập, gồm môn văn chương sau 1975 ở nhà trường, là quá nhồi sọ. Riêng môn văn, có đến 2/3 chương trình là văn học cách mạng dạng tuyên truyền (nặng về chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội; ca ngợi lãnh tụ...).

 

Đây chỉ là một chút cảm nghĩ sơ sài.

 

T.X.A.

14-8 HB15 (2015)

______________________________

 

(1) Tôi thấy "Bạch đằng giang phú" của Trương Hán Siêu là một thiên cổ hùng văn nhưng không phải được viết vì nhiệm vụ chính trị, không phải là văn kiện chính trị, quân sự, mà đích thực là tác phẩm trữ tình hùng tráng về đề tài lịch sử.

 

(2) Quả thật, "Thơ Thần", "Hịch tướng sĩ", "Cáo bình Ngô" và cả "Tuyên ngôn độc lập" là văn bản, văn kiện chính trị, quân sự, nhưng đồng thời đó là những áng văn chính luận thuộc loại thiên cổ hùng văn. Sử khai thác các tư liệu này khác với cách khai thác của văn, nhưng nội dung mỗi văn bản vẫn là một. 

 

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE