z+b.a. Bài phụ của bài 27-Tl.3 - Nguyễn Hoàn: Thông tin thêm sau loạt bài viết về Nguyễn Văn Tường

Thông tin thêm sau loạt bài viết về Nguyễn Văn Tường

 http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6985

Phong Điệp – Net : 07-4 HB9 (2009)

NGUYỄN HOÀN

      Sau bài viết của tôi đăng trên mạng nhan đề: “Nghĩ từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường”, tôi quá đỗi bất ngờ khi ông Trần Xuân An lại bỗng dưng lên tiếng tranh luận kéo dài. Bài viết của tôi không phải là một bài “quyết toán”, tính công, tính sổ nên không nêu tên tất cả các nhà nghiên cứu, nhà sử học có công trong việc giải oan cho Nguyễn Văn Tường. Hết thảy các nhà nghiên cứu, nhà sử học từng nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường đều không có gì thắc mắc, duy chỉ có ông Trần Xuân An lại lên tiếng tranh luận với những lập luận cực đoan, áp đặt, thậm chí sai lầm, liều lĩnh phủ nhận hoặc đi ngược lại với cả những điều mà giới sử học đã kết luận. Để bảo vệ chân lý, lẽ phải, tôi phải viết loạt bài phản bác ông Trần Xuân An, trong đó có bài: “Xin đừng “tranh công” mà hãy nghĩ chuyện “hậu” giải oan cho Nguyễn Văn Tường” với những căn cứ, chứng lý khoa học, xác đáng, những tưởng đã khép lại việc tranh luận được rồi. Nào ngờ ông Trần Xuân An lại cố viết thêm một bài nhan đề: “Giải thích một số điểm trong bài viết của Nguyễn Hoàn: Xin đừng “tranh công” mà hãy nghĩ chuyện “hậu” giải oan cho Nguyễn Văn Tường”, bài này không có lập luận tranh biện gì mới, chỉ là cãi chày cãi cối lặp đi lặp lại những điều mà bạn đọc đã nhàm. Việc tranh luận do tự ông Trần Xuân An gây ra, mà rõ ràng, ông đã đi quá xa giới hạn cho phép của tranh luận học thuật, ông đã bất chấp cả những kết luận của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, dẫn đến những hệ luỵ như ông đã tự thấy: “Tôi đang bị đẩy vào tình huống buộc phải đụng chạm, làm rạn vỡ những quan hệ tốt đẹp giữa tôi và một số nhà nghiên cứu sử học tên tuổi, giữa tôi và những người bà con, tuy ít hoặc không thân mật, nhưng có chung một huyết thống dòng tộc”. Chính ông đã tự đẩy mình vào tình huống ấy chứ không phải ai khác. Thông qua bài viết này, tôi muốn phần nào giúp ông gỡ ra khỏi tình huống oái oăm mà ông tự đẩy mình vào và xin khép lại việc tranh luận do ông vô cớ tạo ra ở đây.

      *Ông Trần Xuân An đã thấy mình sai. Nhưng ông vẫn còn “tự mâu thuẫn”

      Qua tranh luận, ông Trần Xuân An đã ít nhiều “ngộ” ra và tự nhận là ông đã “nóng giận, mất khôn”, ông “cũng đã tự cười mình”, đã “nghiêm khắc tự phê bình”. Đặc biệt, mới đây, ông còn nhận rõ ông đã “thiếu khiêm tốn khi khẳng định về mình”. Vậy là ông Trần Xuân An dần dần đã thấy được mình sai, nhất là cái sai thiếu khiêm tốn, tức là “tự đề cao mình nhất và phủ nhận sạch trơn người khác” mà tôi đã phê phán. Tuy nhiên, do cố tìm cách phủ nhận người khác, phủ nhận chân lý nên trong tranh luận, ông Trần Xuân An đã lộ rõ sự tự mâu thuẫn. Ông thiếu trung thực ở chỗ, ông đã từng tham dự Hội thảo về Nguyễn Văn Tường ở Huế năm 2002, ông thừa biết bà Oanh, cô Từ Vân đã mang tư liệu sưu tầm được ở Pháp và Tahiti về Nguyễn Văn Tường trình tại Hội thảo này, được Hội thảo “đánh giá rất cao” (lời của nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), thế mà ông lại cho rằng số tư liệu này bà Oanh, cô Từ Vân “đem về nước vào năm 2003, 2004”, nghĩa là ông đã đẩy lùi thời gian muộn hơn một cách có dụng ý. Do có sự phản ứng của tôi, ông Trần Xuân An đã phải viết lại cho đúng sự thật: “Khi bà Ngọc Oanh và cô Từ Vân mang tư liệu đợt đầu về, vào tháng 7-2002...”. Ông Trần Xuân An lại tự mâu thuẫn, khi đề cập đến những tư liệu về Nguyễn Văn Tường mà bà Oanh, cô Từ Vân đã sưu tầm được. Lúc thì ông thừa nhận giá trị của số tư liệu này (mặc dù ông tìm cách hạ thấp, dè bỉu rằng số tư liệu này chỉ có giá trị “bổ trợ”): “Như vậy, không phải là số tư liệu của bà Ngọc Oanh, cô Từ Vân tìm kiếm được (và phần nào họ đã dịch ra tiếng Việt với sự hợp tác của ông Nguyễn Tuấn Khanh) chỉ có giá trị bổ trợ hay sao? Tôi lại nhấn đậm từ "bổ trợ" , “Tất nhiên, tư liệu bà Ngọc Oanh, cô Từ Vân mới kiếm tìm, mang về, nếu được chứng thực bởi các trung tâm lưu trữ tại Pháp, Tahiti vẫn có giá trị hơn”. Xin lưu ý, “vẫn có giá trị hơn”, có nghĩa là ông Trần Xuân An hiểu rằng số tư liệu này mặc nhiên vốn đã “có giá trị”.

Thế nhưng, lúc khác, ông lại tự mâu thuẫn khi cho rằng: "Số tư liệu ấy chỉ có giá trị bổ trợ, nếu chúng đã được chứng thực, giám định khoa học thực nghiệm”. Trong cuốn sách “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)” của ông Trần Xuân An, NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2004, ông có dẫn thông tin về các hội nghị, hội thảo khoa học về Nguyễn Văn Tường, trong những thông tin này có đề cập đến giá trị của những tư liệu về Nguyễn Văn Tường mà bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm được. Theo ông Trần Xuân An: “Vấn đề khi đưa ra thông tin, thông báo, phải trích nguyên văn hoặc phải trần thuật một cách xác thực, nghĩa là tinh thần, nội dung người ta viết thế nào, mình phải trần thuật lại thế ấy nhưng ngắn gọn hơn”. Ý ông Trần Xuân An cho rằng ông chỉ trần thuật các thông tin, thông báo một cách “trung tính”, “trung lập”. Kỳ thực, ông không hề trần thuật một cách “trung tính”, “trung lập” mà ông đã biểu lộ những cảm xúc không thể cầm lòng của mình trước sự kiện những tư liệu mới về Nguyễn Văn Tường do bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm được công bố. Ông An chú thích: “Các tư liệu ấy cũng đã được công bố trên báo chí một cách công khai và minh bạch”. Ông còn nhấn mạnh: “Theo các tài liệu mới sưu tầm được, ...có tài liệu cho biết Nguyễn Văn Tường vẫn tiếp tục liên lạc với quân Cần Vương và bị De Courcy phát giác”, “Về bài viết của Từ Vân, có đoạn thuật lại việc tìm được các tư liệu cực kỳ quan trọng”. Trong những đoạn vừa trích này, cảm xúc của ông Trần Xuân An đã thể hiện rõ qua những từ ngữ mang đậm sắc thái đánh giá, khen ngợi: “công khai”, “minh bạch”, “cực kỳ quan trọng” và qua đoạn ông nhấn mạnh bằng cách in đậm và in nghiêng.

      *Việc bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm tư liệu về Nguyễn Văn Tường là nhận lãnh trọng trách với tổ tiên và giới sử học: Không thể phủ nhận, không thể “tranh công”

      Ông Trần Xuân An không tham gia Hội nghị khoa học “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường” tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1996, nhưng chắc ông biết rằng, hội nghị này kết luận Nguyễn Văn Tường là đại quan yêu nước, nhưng vẫn phải cần thêm nguồn tư liệu giải thích được việc Nguyễn Văn Tường rời xa Tôn Thất Thuyết, tạm thời “cộng tác” với Pháp là xuất phát từ động cơ trong sáng để giới sử học thật sự yên tâm trong đánh giá về Nguyễn Văn Tường. Giáo sư Nguyễn Văn Kiệm đã đưa ra ý kiến là cần phải có nguồn tư liệu không phải xuất phát từ bản thân, từ gia đình Nguyễn Văn Tường, không phải từ phía có quan hệ mật thiết với Nguyễn Văn Tường mà phải có nguồn tư liệu xuất phát từ phía không có quan hệ mật thiết, không đồng ý kiến. Sau hội nghị năm 1996, bà Oanh, cô Từ Vân bắt đầu hành trình tìm kiếm tư liệu theo sự “chỉ giáo” của giới sử học (trực tiếp là giáo sư Nguyễn Văn Kiệm) và theo “sứ mệnh” đã nhận lãnh với tổ tiên. Kết quả sưu tầm tư liệu của bà Oanh, cô Từ Vân đã được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thẩm định, đánh giá cao và được ghi nhận, khắc tạc vào văn bia Nguyễn Văn Tường rồi, không có gì phải bàn cãi nữa, không thể phủ nhận, không thể “tranh công”. Tất cả giới sử học, giới nghiên cứu tham gia hội thảo về Nguyễn Văn Tường đều công nhận kết quả này, trừ một mình ông Trần Xuân An là phủ nhận một cách lạc lõng.

      Từ phủ nhận người đến đề cao mình, đó là “lô gích” thường tình theo kiểu nác xít (Narciss-người mắc bệnh tự say mê chính mình trong thần thoại Hy Lạp). Nhưng đề cao đến mức cho rằng: “Bài tham luận của tôi trong tập Kỉ yếu 2002 kể trên, vẫn là bài giải quyết rốt ráo nhất” thì quả là...“không tưởng”, nghe cứ như chuyện hư cấu trong tiểu thuyết. Khi tổng kết Hội thảo khoa học về Nguyễn Văn Tường ở Huế năm 2002, nhà sử học Dương Trung Quốc đã nêu lên ba vấn đề cần làm rõ về Nguyễn Văn Tường: “Các báo cáo tham luận cũng như phần phát biểu thảo luận của đại biểu chủ yếu nhằm chứng minh và làm sáng tỏ thêm các vấn đề:

      - Có hay không sự phản bội của Nguyễn Văn Tường như là lời lên án của vua Hàm Nghi trong một văn bản được coi là Dụ Cần Vương thứ hai?

      - Sự ở lại kinh thành Huế giữa lúc Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi lên Tân Sở ra chiếu Cần Vương được giải thích là một sự cộng tác thực sự với thực dân hay thực hiện một kịch bản đã được dự liệu sẵn, hay là một tình huống của sự phân liệt trong đường lối của phe chủ chiến giữa Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết?

      - Vì sao giới sử học chúng ta (chúng tôi muốn nói là giới sử học chúng ta ngày nay) trong một thời gian dài đã lên án Nguyễn Văn Tường như một sự từ bỏ đường lối chủ chiến để quay sang hợp tác với thực dân mà cái chết của ông được coi là một kết cục bi thảm đối với người đã phản bội lý tưởng ban đầu” (1).

      Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất (khẳng định văn bản Dụ Cần Vương thứ hai bôi nhọ Nguyễn Văn Tường là văn bản xuyên tạc, không có tính xác thực) do nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc giải quyết. Vấn đề thứ hai được làm sáng tỏ ngoài nỗ lực chung của giới sử học, giới nghiên cứu ra, phải kể đến đóng góp quan trọng về mặt sưu tầm tư liệu của bà Oanh, cô Từ Vân theo “chỉ giáo” của giới sử học, mà trực tiếp là giáo sư Nguyễn Văn Kiệm. Vấn đề thứ ba là vấn đề đổi mới tư duy sử học, gạt bỏ những thiên kiến, định kiến về Nguyễn Văn Tường lâu nay “đã che khuất mọi khả năng biện hộ hay làm sáng tỏ nhiều tư liệu lịch sử đã từng có và không xa lạ với giới sử học” (trích lời nhà sử học Dương Trung Quốc) (2). Rõ ràng, những tư liệu mà bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm được đã góp phần giúp giới sử học “chọc thủng” bức màn thiên kiến. Đặc biệt, đấy là những tư liệu mới chứ không phải là những “tư liệu lịch sử đã từng có và không xa lạ với giới sử học” mà ông Trần Xuân An đã sử dụng. Không riêng gì ông Trần Xuân An mà nhiều nhà nghiên cứu đã lấy “Đại Nam thực lục” làm tư liệu chuẩn cứ, nhưng họ đâu vì thế mà cho rằng những tư liệu của bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm được là không chuẩn cứ như ông Trần Xuân An đã nêu. Tất cả các tư liệu đã được giới sử học thẩm định đều là chuẩn cứ, đều được so sánh, đối chiếu với nhau để làm sáng tỏ vấn đề.

      *Đoạn kết: Tín hiệu tốt liên quan chuyện “hậu” giải oan cho Nguyễn Văn Tường

      Chuyện ông Trần Xuân An vô cớ tranh luận với tôi chỉ là “tảng băng nổi”, còn “phần chìm” lại là chuyện khác, đó là chuyện như ông đã tự nhận: “Đây là một vấn đề mà ngay từ đầu, tôi nhận ra đó là “thế trận” tạm gọi là “lục súc tranh công” ” (xin lỗi, chữ “lục súc” do ông tự dùng, tôi không hề dùng bao giờ, vì dùng thế là xúc phạm bà Oanh, cô Từ Vân và làm đau lòng gia tộc và những hậu duệ Nguyễn Văn Tường). Ông Trần Xuân An nhận mình là hậu duệ Nguyễn Văn Tường, nếu đúng vậy thì ông và bà Oanh, cô Từ Vân cùng chung huyết thống. Nếu đã cùng huyết thống, ông Trần Xuân An có thừa khôn ngoan để tránh gây nên cảnh nồi da xáo thịt, khác nào chuyện lấy củi đậu mà đun hột đậu như trong điển tích về anh em nhà Tào Tháo:

      Củi đậu đun hột đậu

      Đậu trong nồi khóc kêu:

      Cùng sinh trong một gốc,

      Bức nhau chi đến điều.

      Viết đến đây, tôi nhận được tin sốt dẻo: Ngày 3-4-2009, UBND huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị đã họp bàn phương án bảo tồn, tôn tạo di tích Tân Sở, kiến nghị đưa di tích này vào danh mục di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Đây là điều đáng mừng, liên quan mật thiết đến vấn đề “hậu” giải oan cho Nguyễn Văn Tường mà tôi đã đề xuất qua bài viết: “Nghĩ từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường”. Đấy mới là chuyện đáng quan tâm, đấy mới là chuyện hệ trọng mà chủ đề bài viết của tôi đã đặt ra, xin đừng lợi dụng bài viết của tôi để nhân đó bàn chuyện “đáng chê cười và đau lòng” (chữ dùng của ông Trần Xuân An) là chuyện “tranh công” trong việc giải oan cho Nguyễn Văn Tường.

 

(1) PGS TS Đỗ Bang (chủ biên), Nguyễn Văn Tường (1824-1886) cuộc đời và lời giải, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2007, tr. 240, 241.

(2) PGS TS Đỗ Bang (chủ biên), Sđd, tr. 239.

 

Phongdiep.net

 

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE