c. Trần Xuân An - Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên - Tệp 3

07/01/09

 

 

Phần 1

 

Phần 2

 

Phần 3

 

 

 

 

                             

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

 

 

 

Giọt mực, cánh đồng

 

và vở kịch điên

 

 

 

 

 

tập thơ thứ tám

(nhặt lại những bài thơ bão thổi bay mất)

 

 

Xem

Tạp chí điện tử Giao Điểm tháng 9-2005:

http://www.giaodiem.com         

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

MÀU XANH TRÊN TRẢNG ĐẤT KHÔNG QUÊN

 

 

 

gió nóng thổi hoài trên trảng đất mùa khô

bụi đỏ bay đi, sỏi nâu phơi nắng nỏ

hoang vu còn sẫm màu trong trí nhớ

làm sao ngờ đang bát ngát lá tươi non

 

đã hiện dần ra những con đường mòn

từ bao xóm làng dẫn vào chân núi

(bên đồng lúa xanh, giữa ước mơ người,

                                                có phải

mãi tốt tươi nương sắn rẫy khoai xanh?)

 

mặt trời sớm mai mọc ở ruộng đồng

buổi chiều ngả về cho nương rẫy

làng ơi, đã làm cỏ chưa sau mùa gieo cấy

vui sao gặp nửa làng mang hương lúa lên đây

 

trao lại ấm no từ mùa trước đến mùa này

hom sắn giữ quanh mình bao mắt lá

thời gian qua đi còn đọng vào ở đó

bao lo toan, chăm chút để chồi lên

 

ngọn khoai lang chia sẻ với làng bên

cũng là chia cho nhau ấm no ngày tới

bẻ củ khoai giữa lòng tay nóng hổi

thơm mật đất bên này, tình đất bên kia

 

nồm gửi hương đi, nam dẫn hương về

gió ruộng, gió nương bốn bề bát ngát

thổi đi đâu những ngày giáp hạt

lại mang về làng xóm gió tin yêu

 

đi từ sớm mai cho đến tối chiều

dọc chân núi vẫn còn xanh hút mắt

vồng sắn luống khoai chạy dài tít tắp

tiếng hát bao làng trải rộng giữa mênh mông

 

như người đi xa tính nhẩm chặng đường

qua lá sắn thấy tơ tằm vàng óng

trên trảng đất này, nơi nào nhà máy dựng

cho bột trắng thơm gần, bánh ngọt thơm xa

 

và mập mạp đàn heo, chiêm chiếp trại gà

quanh thân sắn nở đầy mộc nhĩ...

người mở ra bao điều mới mẻ

từ dây khoai, gốc sắn nghìn xưa

 

từ lá phủ rừng xa, từ rơm rạ vàng khô

ta vun gốc cho tương lai lớn dậy

treo câu hỏi giữa thiên nhiên, ta tìm thấy

ở bàn tay ta trăm cách trả lời

 

màu xanh ước mơ nhuộm thắm chân đồi

lá sắn lá khoai vẫn reo trong gió nóng

xanh đến vuông sân xanh cùng đồng ruộng

xanh tóc em thơ xanh tuổi mẹ già

 

bao màu xanh hạnh phúc quanh ta.

 

                                                         1977

 

 

 

MÙA THANH NIÊN

 

 

                    cát, cát trắng, cát Miền Trung nóng rẩy

                        cây thần rừng cao ngã xuống quê hương

                        thành sông, cho cát thành đồng gieo cấy

                        bao xóm làng, ngọt bao nhánh yêu thương

                                           (Sự tích dòng sông, TXA.)

 

 

buổi sớm tháng giêng

hoa cải vàng trải sáng bờ kênh

bao nhiêu nắng đã phơi hồng mặt đất

bao lời chúc cũng là hoa trên bến nước

phấp phới cờ đỏ mui đò ngược

sớm lên đường

rực rỡ mùa thanh niên

 

bến Trấm

vùng đất xưa chiến khu xanh thẳm

nguồn lửa tràn về thắp sáng những làng quê

mái chèo du kích loang loáng đêm khuya

những dòng sông bắt nguồn từ ánh sáng

 

sông tỏa kênh mương, nước ngọt đồng

                                                giải phóng

vẫn úng mạ non, đòng đòng khô trổ nghẹn

bao mái đầu phai sương, bạc nắng đi, về

nay vẫn trắng đêm, cũng trên dòng

                                              Thạch Hãn

cho trăng sẽ cùng người, cầm mực nước

                                                ruộng quê

 

đập Trấm - đập Đá Đứng

Nam Thạch Hãn

những con chữ nở sinh đầu mùa công nghiệp

                                                            lớn

từ nắng hồng máu thắm

từ màu sương tóc trắng

những cánh chim ríu rít mùa thanh niên

 

bao nhiêu bến đò như mắt lá tháng giêng

đang nẩy chồi non trên cành Thạch Hãn

khắp quê nhà xanh lên nhờ đập Trấm

mùa thanh niên dâng lộc biếc sáng đất này

 

em là hoa thắp lửa giữa rừng cây

trổ dòng thông, anh kéo sông về trước lán

dãy máy khoan vững vàng trên triền đá nắng

in lên nền trời những bức tranh xuân

dẫu quen đợi tiếng mìn

cũng bồi hồi, thời mê pháo hồng sân

 

đẹp mùa thanh niên, đẹp rộn ràng dữ dội

tay đập đá vẫn dịu dàng bối rối

ngọn gió tương lai thổi mát nỗi nhọc nhằn

dòng thác trắng đổ về nguồn sáng mới

giăng mắc kênh mương

                        khắp ruộng vàng làng ngói

ước mơ như quà mừng tuổi

Đảng trao mùa thanh niên

 

buổi sớm tháng giêng

từ bến nước quê nhà, sáng những chùm hoa

                                                thơm ngát

mắt hướng về nguồn xa xưa,

                        nghe tương lai bừng tiếng hát

đất nước đang vào mùa thanh niên.

 

                                                             1978

 

 

 

MÁI TRANH

 

 

 

dưới hai hàng cây xanh

tôi về thăm quê Bác

nắng dọc đường đi êm ả hiền lành

hiện dần trong tôi nho nhỏ mái nhà tranh

tôi đã thấy qua thơ qua tiếng hát

(khúc ca nào lắng sâu hóa nỗi niềm riêng)

tôi đã thấy qua bao xóm làng quê hương

                                    thân thuộc

một nếp tranh vàng rất đỗi dân gian

dưới bóng tre xanh, xanh tự ngàn năm

 

lần đầu tiên ra thăm

sao như trở lại lòng mình

 

ngõ hóp chống cao, vạt lúa, đất phèn

hàng giậu xanh non dẫn vào nhà Ngoại

nếp nhà tranh lùi lại cuối góc vườn

ôi tiếng khóc sơ sinh của Bác Hồ cất lên

                                                     ở đấy

 

mảnh sân con tuổi thơ Người chật chội

bước chập chững vin vào khung cửi

giữa tiếng ngâm thơ và tiếng xa quay

dĩa đèn dầu dập dềnh bóng tối

khát vọng trăm miền nặng tiếng à ơi

nói tiếng đầu tiên

            khi ánh đuốc nghĩa quân rực cháy

nên đất nước đau thương từ đấy có Người!

 

đứng lên! đồng bào ơi! -

            ngân vang gió suốt chiều dài đất nước

ai hát trên rừng xưa, bây giờ tôi hát

bỗng thấy cả vòm trời bao la

                                dưới mái tranh nghèo

hiểu khung vải dệt thời gian

                                       dệt tiếng ru  

                                        trĩu nặng

hóa cờ bay phấp phới cả trời sao

từ dĩa đèn dầu hắt hiu ấu thơ Người đó

đến hừng đông cho bao dân tộc tôi đòi

từ mái tranh nho nhỏ

                              Bác Hồ ơi...                                  

 

Miền Nam trong trái tim tôi -

Miền Nam ơi

nỗi khổ mỗi người

nỗi khổ mỗi nhà

            thành nỗi đau trĩu nặng lòng ai

nỗi cháy bỏng nhớ thương về Huế

cả Phan Thiết, Sài Gòn và trăm nơi

                            trái tim Người ấp ủ...

tuổi trẻ Người đi qua dưới cơn mưa nô lệ

chưa nắng đủ lòng vui, mưa Miền Nam

                                   đã ướt lại áo Người

rồi cơn đau cuối đời! Bác không về

                                                được nữa

Di Chúc vẫn lên đường, phấp phới nắng trăm nơi

 

con đường Bác đi, từ mái tranh nho nhỏ

nơi dừng lại bao la là giữa loài người

con đường Việt Nam, từ bùn đen loang máu

đã bừng lên rạng rỡ đóa sen tươi

mái tranh nho nhỏ

trở thành nơi hội tụ lòng người          

 

tôi về thăm

            gặp cả vòm trời

thu lại rất sâu trong từng đôi mắt

ánh mắt nào cũng chan chứa yêu thương

sáng lên từ Bác -

nhân hậu mênh mang sâu thẳm ngàn năm

tôi về thăm

mái tranh vàng sắc nắng dân gian

bóng tre tỏa hòa bình yêu thương lên

                                                    mặt đất

và ai rưng nước mắt

thấm nụ cười ấm áp sâu xa

khúc ca nào vọng về thầm lặng ngân nga...

 

tôi cảm nhận Cõi Người

                     qua hồn ông cha, Đất Nước

dưới vòm trời xanh bao la

xanh sắc Quê Nhà.

 

                                                         1977

 

 

 

TÔI HIỂU TÔI ĐÃ YÊU EM

 

 

 

tôi hiểu tôi đã yêu em

yêu tự nhiên như cây rung đầu gió

gần nên thương, xa nên nhớ

không đành cấm mình nhớ nhau chiều nay

 

công tác về, đạp xe dưới hàng cây

ngọn gió mát thổi yên sau nhẹ hẫng

sông cùng tôi đi chầm chậm

chuyện trò về em cùng sông

 

yêu sao giọng nói cao và trong

mái tóc dài, nụ cười hồn hậu

lòng giản dị phơi ra màu áo

khỏe mạnh, dịu dàng, ung dung bước chân

 

em gắn đời mình vào mơ ước nhân dân

tôi hiểu ước mơ qua đôi tay lam làm rắn rỏi

tính em thì ít nói

cởi mở tin yêu nơi đài trán mồ hôi

 

gặp em như gặp niềm vui

còn tôi có tuổi ấu thơ buồn bã

thời mới lớn hiền lành cây lá

nước mắt ngậm hờn là mưa là sương

 

sinh ra lớn lên ở thành phố Miền Nam

nhà tôi chưa có ai đi làm cách mạng

dầm mình trong quên lãng

buổi cờ bay, mới biết có nhân dân

 

đi cùng sông dưới hàng cây ngát xanh

nhớ em, nhớ lắm

nhớ về tôi, nhớ ân hận

quyết rẽ đời mình qua lối tương lai

 

đã hiểu thế nào là tủi nhục đắng cay

nhân dân thương như đứa con vô tội

có quyền tự hào bước tới

em đặt tay em vào lòng tay tôi

 

hạnh phúc ta, em ơi

cùng hạnh phúc mọi người

                        trĩu mùa hương trái chín

vẫn nhớ, ôi lần đưa nhau

                         em nhìn theo bịn rịn

như hôm nay, vầng trăng sau lưng.

 

                                               1976

 

 

 

MỘT TUỔI HÒA BÌNH

 

 

 

dường như ai cũng là trẻ thơ

lòng nôn nao khó ngủ

sông trôi nhanh đưa hai bờ thành phố

ngóng hừng đông ngoài khơi xa

 

thức giấc với chuông chùa ngân nga

sao mai treo đầu ngõ

đi bên ni trông sang bên nớ

hân hoan hồng sương bay

 

nụ cười là hoa lục bình mai nay

xuôi theo dòng người dự hội

nắng lên phơi phới

tỏa ra từ tiếng chim

 

mặt trời nháng hồi chiêng

trống ran lồng ngực mở

người kéo cờ thắp lên búp lửa

rực Văn Lâu cây nến trắng reo vui

 

gió chuyền đưa lời chúc trăm nơi

cả đất nước về với Huế

Huế mai nay ngạo nghễ

nhớ một thời không làm sao quên

 

Huế mai nay đạp bóng tối đứng lên

từng mẩu gạch cũng ngời sức sống

trái chín hương lồng lộng

đất vun trồng bao nhà máy ước mơ

 

ôi Huế chúng ta và thơ

dẫu hòa bình chưa đầy một tuổi

vững vàng đôi chân bước tới

bởi lòng dân trong vắt nước sông Hương

 

Huế là Yêu Thương

sum vầy ngày hội lớn

khẩu hiệu như bàn tay trên nón

chỉ đường đi, đi lên.

 

                                                     1976

 

 

 

 

ANH BỘ ĐỘI GIỮA ĐẤT ĐỎ RỰC RỠ

 

 

 

ngát xanh nông trường trên sườn đồi đất đỏ

đi giữa hừng đông rỡ ràng nắng gió

nghe giọng nói, nhìn nét mặt quê nhà

say hương lúa hương chè

                             tôi ngơ ngác nhận không ra

 

em cứ hái chè nhanh nhanh với bạn bè

                                                đi nghe

tôi thèm ngắm làng ta khắp hết bốn bề

kia là xóm làng dựa vào chân núi

lúa đông xuân mênh mông khỏa bằng gò bãi

con suối rẽ lòng thung kéo nước chảy về

lấp loáng xuôi dòng xinh đến nhường kia

hương lúa hương chè, và em, làng mạc

giữa hừng đông rạng rỡ đến say mê

ùa vào tầm mắt

và giỏ chè em nắng thắm cũng vun cao

 

mai mốt về với anh em tôi biết kể từ đâu

từ những hàng chè song song

                             tơ non trắng biếc

từ đôi giày xanh xanh đi quanh từng gốc

hay từ dáng lẹ làng bàn tay ướt sương

và đôi môi cười ngó đến là thương

tôi sẽ kể về những lán tranh

            rộn ràng tiếng cười tiếng nói

những nhà mới xây, ủ hương chè xông lên

                                           mái ngói

bao quanh là bốn mùa chè xanh

tôi sẽ kể về những khó khăn

khi xóm làng tạc theo dáng nông trường

                                            mới mọc

về nền làng xưa đã mênh mông cánh đồng

                                                hợp tác

và kênh mương tỏa nhánh giữa mùa vàng

tôi sẽ kể về những mũi tên xanh

                               trên bản đồ sáng mãi

                       

lao vào năm tháng những tầm cao

sân trường cờ bay trong tiếng máy mai sau

và sẽ cùng đồng đội

làm rực rỡ chiến khu xưa,

                       xây tầng cho cây rừng lá núi

nông trường bay nắng mật ngọt ngào

 

tôi về phép mùa hoa lần sau

chắc cũng nhận không ra

bởi ruộng đồng lan xa và nông trường

                      phủ xanh khắp đồi khắp núi

e phải đứng ngẩn ở hiên ga

em có đón tôi thì nhớ gọi!

vẫn ba lô năm nào, nhưng đầy quà của

                                  đất và thơ.

 

                                                     1977

 

 

 

 

GIỌT MỰC, CÁNH ĐỒNG

VÀ VỞ KỊCH ĐIÊN

 

phần phụ lục một:

 

dăm phiến tâm linh

của núi sông trời đất

 

(chuyển thể

và cảm bình thơ cổ)

                            

 

 

 

THƠ NGỎ

 

I.

có những mảnh tâm hồn đã trở thành

                         tâm linh của núi sông trời đất

nỗi niềm sâu thẳm mênh mông, cái tên

                         lớn lao và nhỏ bé vô cùng!

trong văn tự “lạ”, thơ bật thành lục bát

nhân vật người tình của thơ tôi ơi,

                          cát trắng lặng rồi, hồn cát bão bùng

đường luật gò bó

               đã thênh thang tiếng hát

có chăng quãng cách muôn trùng dằng dặc?

phẫn chí và ngậm buồn, vạn thuở niềm chung?

                                                             

                                                              03.01.1998

 

II.

 

lấy muội đèn chữa quyển thi,

                 phải chăng Cao tiếc tài kẻ sĩ?

thơ ca cất tiếng hỏi ư?

               pháp luật nào tha thứ khoan dung?

Cao nổi loạn, giương ngọn cờ phù Lê rất ngụy,

               ngọn cờ lịch sử đã vứt một giuộc 

                                              vào gò Đống Đa điên khùng

máu xương thật mà chiêu bài lừa mị!

chỉ thương nỗi phẫn chí Đàng Ngoài,

                 một thuở đắm chìm trong ý hệ cuồng trung

trước Cao, những Nguyễn Du đã hoài Lê luyến Trịnh,

                 chống Tây Sơn,

                 và bất bình Gia Long,

nỗi ngậm buồn Đàng Ngoài

                              sao dằng dai than ủ, củi bùng!

chỉ thương tấm lòng liên tài, ái tài kẻ sĩ,

                 Tố Như, Chu Thần cùng xót xa

                                           dưới vó ngựa Đàng Trong

                 (dày xéo chăng?

                 hay trấn áp bi thương, kiêu hùng?)

không thể đồng nhất sông Gianh - Bến Hải,

           nội chiến - ngoại xâm,

           nhưng dẫu sao,

           phẫn chí và ngậm buồn,

           vạn thuở niềm chung!

 

 

Tưởng niệm sông Gianh, sông Bến Hải, nhân kỉ niệm lần thứ hai mươi tám Ngày Thống nhất Đất nước, 30.4.1975 - 30.4.2003 (29.3 Quý mùi, năm thứ ba công nguyên Hoà Bình [HB.3]).  

 

 

 

 

BÀI HÁT NGẮN ĐI TRÊN CÁT (*)

thơ chữ nho Cao Bá Quát

 

 

 

cát, cát, lại cát, trải dài

mỗi bước, lùi, mỗi bước, nhoài

cát sôi!

mặt trời lặn, bước chưa thôi

người đi, nước mắt tuôn rơi ròng ròng

 

không học phép ngủ tiên ông

trèo non lội nước mênh mông oán đầy!

 

hạng người danh lợi xưa nay

lăng xăng chạy vạy quắt quay giữa đường

men thơm trước quán đưa hương

tỉnh thường ít, rặt lũ cuồng ngây say!

 

cát, cát, trải dài, biết sao đây?

lối phẳng mờ, lối hiểm đầy!

bỗng dưng...

 

bỗng dưng

nghe ta

            hát khúc Đường Cùng

       - phía bắc núi bắc muôn trùng núi non

     phía nam núi nam sóng dồn...

  làm chi đứng sững, trơ cồn cát hoang?

 

(*) từ bản dịch nghĩa Sa hành đoản ca.

 

 

 

 

THẤY NGƯỜI NGOÀI BẮC ĐẾN,

HỎI CHUYỆN QUÊ CŨ (*)

thơ chữ nho Cao Bá Quát

 

 

 

hé cười tần ngần nhìn nhau

gạt dòng nước mắt bạc màu long lanh

quê xa xa ngút xa xanh

thì thầm không chán ngọn ngành làng thôn

 

may thầy vẫn khỏe, thương con

già nua, xa cách, mỏi mòn ngóng xa

trẻ thơ nhỏ dại khóc òa

lại vui rạng rỡ, nghe cha đang còn

 

bản thảo cũ bụi vùi chôn

chất đầy bồ mục, héo hon góc nhà

chậu khô, khát gió, chưa hoa

ra vườn nắng, mai ngoi qua bờ tường!

 

dặm dài, ngoảnh niệm cố hương

thẳm xa phương bắc mây sương u hoài

mùa xuân nát bẫm tàn phai!

với người chưa chết, có ai chiêu hồn?

 

 

(*) Từ bản dịch nghĩa Kiến Bắc nhân lai,

nhân thoại cố hương tiêu tức.

 

 

 

 

ĐỌC TRUYỆN KÍ VỀ TIỂU THANH (*)

thơ chữ nho Nguyễn Du

 

 

                      đàn ông chớ đọc Phan Trần

                        đàn bà chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều!

                                                              (ca dao)

                        thương ai trắng tóc ba mươi

                        khóc Kiều cười được với môi úa tàn

                                                  (TXA., N. & M.)

 

vườn hoa hồ Tây mất rồi

hóa gò hoang lá tàn phơi mấy mùa

một mình tưởng niệm, sương lùa

một tờ cảo trước song thưa, chờn vờn

 

hồn sâu son phấn có hồn

chết trong sầu oán tủi hờn, đời thương

sinh mệnh nào trong văn chương

xé lòng, ai đốt, gió vương vấn đời!

 

hận xưa nay, cái đẹp ơi

trời đâu? khó gặng hỏi trời, trời xa!

oan kì lạ - nghiệp tài hoa

án Kiều ở sẵn trong ta bao giờ?

 

trắng tro mái tóc, lửa thơ

ba trăm năm nữa, hiên mờ, lá bay?

dưới trời, tiếng đứt ruột này

tài ai tâm đẹp tình đầy, khóc nhau?

 

(*) Từ bản dịch nghĩa Độc Tiểu Thanh kí.

 

 

 

 

VỌNG ÂM KHI ĐỨNG TRÊN BỤC GIẢNG:

ĐỘC TIỂU THANH KÍ

 

 

 

vườn hoa hồ Tây 

tàn tạ hết

dàu dàu ngọn cỏ gò hoang

một mình đọc sách tưởng niệm nàng

chợt xạc xào trang cảo thơm trước cửa

gió hiu hiu bay lay nhàu nát úa vàng

 

son phấn có hồn chăng?

người xưa thăm thẳm

gương mặt xa xăm khơi nước mắt ướt đầm

Cái Đẹp của đất trời, sóng Tiền Đường

                        làm sao phẳng lặng!

 

văn chương không sinh mệnh?!

ai ghen ghét đốt đi? vẫn còn vương vất

                                    trần gian!

cam đành vướng lụy đến nghìn năm

tức tưởi chút lẽ mọn bọt bèo thân thế?

 

ngón đàn tiếng thơ đâu đây đất Long Thành

dáng dung về chiều

            bơ vơ nỗi niềm ca kỹ

một đời hoài rơi trong khắc khoải đăm đăm

cơn mưa đắng cay mang mang giọt lệ

 

việc gây hận lòng xưa nay, người ơi

phận mỏng chẳng cách nào hỏi trời

trời lung linh sao biếc

''trời có nói gì đâu''!

        bốn mùa vần trôi, mầm xuân gãy chết!

 

oan uổng kì lạ của tài hoa

ám ảnh văn chương trong ta

            nó tự đong đầy chứa chất

bao thân lươn nơi chốn quan trường

            phải xin chừa chút lòng trinh bạch

ngờ đâu, thiên cổ trong ta

 

cái nợ kì lạ của tài hoa

- tố bẩm trái tim vận vào day dứt

(thêm đời khinh vô loài cầm ca

khóc mướn thương vay)

như bù trừ tính trời - căn nghiệp!

(vẫn nhức nhói nỗi đời

lắng sâu vô thức

xót xa)

 

ba trăm năm sau vẫn ngậm ngùi số kiếp

dưới trời, vẫn nỗi đau đốt mãi không tàn

khổ nhục cõi người ta

            nó tự rót vào lòng ta

            âm thầm

từ lúc nào, thành tâm sự vẽ ra mờ nhòa

             từng nét

 

 

bao người phải qua cầu Đoạn Trường

con đường trăm năm oan nghiệt

tài sắc là mối âu lo!    

            bao bất hạnh truân chuyên,

            cho sắc tài lặn vào tâm,

            phát tiết!

đâu Cái Đẹp thẳm sâu trong veo thơm ngát

            dưới trời?

 

cũng chỉ gởi gắm tấc lòng

            với cõi dưới trời, người ơi!

trùng trùng, cùng hội cùng thuyền

            vẫn rã riêng

            chôn kín niềm lẻ loi da diết

tri âm vọng tìm

            tháng năm

            biền biệt

mai sau ai khóc nhau chăng?

 

mong trái tim khổ đau

            vẫn long lanh tinh khiết

Thúy Kiều, Tiểu Thanh trong Tố Như này,

            và cả một cành Xuân Hương,

            sống như niềm thách thức

                        của tận cùng bi thiết

            bỗng lỗ đỗ nốt bệnh thiên thời,          

            hằn lên Cái Đẹp!

Cái Đẹp sao mãi là giấc mộng ngàn năm

            vội vã tàn phai

            trong tiếng thở dài?

 

lời đứt ruột vọng trầm

            mặt nước hồ Tây

            sẫm buồn biêng biếc

mai sau ai khóc nhau chăng?

 

khoảng khắc chìm vào cõi chết

buột miệng câu thơ một đời băn khoăn?

thương sao

ánh mắt lặng câm

nhòa trong sương khói căm căm

rối lòng!

 

                                    (theo Nguyễn Du)

 

 

 

Một chút tự bạch:

Giữa vòng tay Tam Kỳ

và bè bạn

 

bút kí

 

yêu quá dáng người nết đất

nơi nơi xa thành thiên thai

(Quê quán,

trong tập thơ Lặng lẽ ở phố, 1995)

 

Kính tặng cha tôi,

một người yêu quê hương, Đất nước,

theo chủ nghĩa dân tộc Việt Nam,

được miễn học tập cải tạo sau Ngày Thống nhất 30.04.1975.

 

Tặng: Nguyễn Đăng Chín, Cao Văn Phi, Nguyễn Tấn Sĩ, Hoàng Thị Nhụy, Phạm Dương Nam, Võ Công Thảo, Nguyễn Ngọc Khôi, và cộng tác viên thân thiết của nhóm bút: Huỳnh Ngọc Chiến, Trần Ngọc Thọ.

 

a

 

            Học xong lớp đệ lục ở Quảng Trị, mười hai tuổi rưỡi, Phan lần đầu đến Tam Kỳ và có một mùa hè thị xã. Nhưng mãi đến mùa hè năm sau, khi từ giã ngôi nhà mà Phan được chào đời, từ giã Hàm Nghi – Quốc tử giám, mái trường cổ kính nhất Huế, cổ hơn cả Quốc Học, chú bé này mới thật sự sống với mảnh đất trung tâm chia đều đường sắt xuyên Việt.

            Một năm học ở Huế với nỗi lẻ loi, chất thơ của xứ sở trầm mặc đã ngấm vào, gọi dậy những rung cảm mơ hồ, nhưng có khi da diết đến tức tưởi, dù rất vô cớ.

            Những con đường xanh. Những khu vườn xanh. Những rêu xanh trên thành quách và vàng son cũ với những vết thương lở loét do bom đạn ...

            Huế của chú bé Phan không chỉ thế, Huế còn sinh động với nhiều nơi chốn khác.

            Những lần lang thang đến nhạc viện, trường kịch nghệ. Những phòng tranh, rạp chiếu bóng. Những lần có giờ trống, cùng bạn bè qua tòa thượng thẩm xem xử án, bị mê hoặc bởi giọng điệu hùng hồn của luật sư. Và những lần bãi khóa, mít tinh, biểu tình, Phan sửng sốt, khâm phục trước tiếng hát, lời cáo trạng chế độ từ lồng ngực sinh viên, rồi ngỡ ngàng trước sự thăm hỏi của dân biểu quốc hội ngụy ...

            Huế của tuổi mới lớn trong Phan như vậy. Huế ấy đã cùng anh vào Tam Kỳ.

            Tam Kỳ nhỏ bé với một đường phố sầm uất duy nhất mang vẻ khô khốc.

            Nhưng chính ở nơi đây, chất thơ tiềm tàng đâu đó trong nắng gắt và đất cằn đã tạo ra một quê hương của nhiều thi sĩ và chí sĩ.

            Bấy giờ, với một cảm thức non nớt, Phan mơ hồ nhận được một điều gì đó không còn sương khói đến mềm ướt hoặc ngỡ như bùng lửa trong không gian quanh mình.

 

b

 

            Nhớ mãi một gò đất hoang chỉ có một túp lều xiêu vẹo và một ngôi miếu cổ bên gốc cây thấp bốn mùa xanh mướt. Đó là nơi tụ tập của lũ trẻ trong xóm. Đứa lớn nhất cũng là đàn anh của nhóm. Anh ấy mồ côi, thuộc nhiều câu thơ bi thảm, u uất, và cả thơ đầy hào khí nữa. Anh say truyện Kiều với rất nhiều bài thơ luận chiến về Kiều.

            Dưới bóng cây trưa, lũ trẻ ngồi nghe anh đọc thơ, bình giảng. Mắt anh mờ đi, có khi gần như khóc, thỉnh thoảng lại chói lên, gần như tóe lửa.

                        Em về điểm phấn tô son lại

                        Ngạo với nhân gian một nụ cười!

            Dù là chàng trai quá nhiều mặc cảm nhưng anh vẫn rất cảm khái với từ ''Ngạo'' của Thái Can. Giọng Quảng của anh đọc thành ''Ngộ''. Lúc đầu, Phan cứ đinh ninh là anh đã ngộ một chân lí, một triết lí sống để có thể sống được.

            Anh là ''người thầy'' của Phan bên ngoài lớp học.

            Anh không phải là người đầu tiên dẫn Phan đến cửa ngõ của văn triết. Tuổi ấu thơ Phan đã có những hai ''người thầy'' bên ngoài lớp học như vậy. Nhưng anh vẫn là người đã đánh thức cảm quan vần điệu thống thiết lẫn hùng tráng trong tâm hồn Phan.

            Và Phan sau này mới biết gò đất hoang ấy chỉ là một góc nhỏ của Tam Kỳ. Phan còn có ở thị xã này những ''người thầy'' là bạn học cùng lớp, cùng trang lứa nữa.

 

c

 

            Thầy giáo hướng dẫn năm lớp chín của Phan là một tu sĩ dạy công dân giáo dục kiêm cả hai môn sử địa. Tấm áo chùng trắng toát của Thầy với gương mặt khắc khổ của người ăn uống theo lối tân dưỡng sinh, quanh năm gạo lứt muối mè, như mãi khắc vào trí nhớ Phan. Ấn tượng đậm nhất về Thầy còn đọng mãi trong Phan là cái nhếch môi cay đắng gần như cay cú. Có phải nơi Thầy có một tuổi trẻ bừng sôi máu nóng nhưng thời cuộc đã dập tắt, nên Thầy tìm đến kinh kệ và trường chay để nguôi quên hơn là tìm đường siêu thoát?

            Những bài giảng về các thể chế chính trị, về kinh tế với các hình thái, về lịch sử và các vùng địa lí, hầu như bao giờ cũng đượm lẫn một tâm trạng u uẩn.

            Khi Thầy đã nhập hồn vào bài giảng, không ai còn nhớ đến tấm áo chùng trắng toát tu sĩ nữa. Thầy cực kì cay đắng với lịch sử cận hiện đại và thời cuộc (1858 – 1973). Đặc biệt, khi giảng về Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, hai nhà chí sĩ kiên cường của quê hương Thầy, Thầy như bị thôi miên bởi chính mình. Ngữ điệu, hình ảnh trong lời văn giảng bài của Thầy vừa cường điệu tạo ấn tượng mạnh, vừa biếm lộng đến chua chát, cay độc, khi chĩa thẳng vào chế độ ngụy Miền Nam Việt Nam đương thời.

            Lớp Phan vào dịp Tết năm ấy, có một tờ báo tường rực rỡ dựng ngay trước cửa lớp. Lúc ấy Phan và bạn bè nào biết, tâm trạng của Thầy đã phả vào những bài báo non nớt ấy.

            Cảm thức thời cuộc đã được khơi dậy.

            Và một ngày hội cổ truyền, cây nêu dựng lên, học sinh mặc áo dài khăn đóng, bộ quốc phục ngàn năm, được tổ chức riêng ở lớp Phan, như đánh thức một tình tự dân tộc bị ngủ vùi trong nếp sống phảng phất chút híp-pi (hippy) hiện sinh của thị xã. Thầy cũng ngạc nhiên, vì Thầy không đề xướng cách tổ chức buổi tất niên như vậy. Đấy là lớp tự động bàn với nhau. Khi lớp bàn bạc, Phan có kể lại một ngày hội của trường Nguyễn Du ở Huế do nhà giáo cũng là dịch giả thơ Đường, người Tiên Phước, Tam Kỳ, tổ chức. Và lớp hưởng ứng như một mạch ngầm bùng dậy.

            Lớp chín ấy đã tự hình thành một bút nhóm từ bao giờ chẳng rõ. Những say mê toán học, ngoại ngữ đã bị văn chương, báo chí lấn lướt.           

             Đặc san mùa hè năm đó có bìa in ty-pô (typo), ruột rô-nê-ô (ronéo) trên giấy tốt. Những bài văn, thơ chứa chan tình quê hương dân tộc. Người mẹ Việt Nam là hình tượng khơi nhiều cảm xúc nhất. Phan viết về Mẹ mình vì Phan xa Mẹ. Phan viết về Mẹ Việt Nam vì Phan mơ hồ cảm nhận Mẹ đang đau xót trong cảnh đàn con xâu xé nhau giữa một thế cuộc đau lòng trên chính Tổ quốc mình, mà căn nguyên là bởi thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ và ''tả đạo''.

            Ban báo chí lớp chín năm ấy gồm những tấm lòng, những nỗi niềm thao thức. Và trường tìm trường giao lưu, ''nối vòng tay lớn''.

            Bạn bè cũ còn đó, và mãi còn trong tâm hồn nhau cả những năm tháng sau này:

 

Tam Kỳ, trời rất thơ ca

thoáng mưa non hạt cho già nắng non

phố phường gió rất trẻ con

reo mai ríu rít hát giòn tan đêm

                       

Cây Tam Kỳ rất anh em

chìa trăm nhánh biếc bao thềm nhà thân

nghe bối rối trước ân cần

như có lỗi giữa vô ngần mến thương

                       

Mắt Tam Kỳ rất thật gương

tôi soi thấy thuở đến trường, bâng khuâng

bạn bè trẻ lại, quây quần

ngỡ đang mới lớn, lớn dần trong nhau!...

 

            Bạn bè cũ còn đó, chắc chắn mãi còn đó một mùa hè dẫu bình thường trong một thời buổi đã xa.

            Những nhận thức tuổi ấy còn non nớt biết bao, nhưng những nhiệt tình dễ gì tìm gặp lại trong tâm hồn mình, bởi cuộc sống hôm nay đã khác...

            Có một thời, tuổi mới lớn như thế...

            Dẫu sao, không thể quên được người tu sĩ với tấm áo chùng trắng toát, trường chay khắc khổ, mang một tâm trạng thường xuyên chua chát, nặng nợ với Đất nước, xã hội hơn là đạo pháp, đạo hữu.

 

d

 

            Tam Kỳ đã thật sự dẫn dắt Phan và bạn bè chí cốt của mình đến với văn chương.

            Ban C (văn chương – ngoại ngữ) năm trước đã có một lớp và đã xuất hiện hai người thơ trẻ trên tập san văn học lớn của cả Miền Nam (Nguyễn Nhật Ánh, và Nguyễn Văn Dũng, tức Luân Vũ, về sau đổi là Ngữ Luân). Năm nay, lớp mười cấp trung học phân ban, ban văn chương – ngoại ngữ có một bút nhóm gần như đông đủ từ lớp chín. Đây là bút nhóm của khuynh hướng trữ tình phê phán với tâm nguyện vì tình tự dân tộc. 

            Tên của bút nhóm nẩy sinh một cách tình cờ nhưng không tình cờ chút nào từ bài dân ca xứ Quảng. Bắt đầu là rung cảm trước vẻ đẹp của từ ngữ giản dị và làn điệu dân ca lạc quan đùa nghịch. Khi tách riêng ra, thành một cái tên, lại đượm những tâm trạng với nhiều ý nghĩa khác hẳn. Đó là Đất Mẹ, là Màu Da – biểu tượng của Cao Quí Thiêng Liêng. 

            Bài dân ca ấy từ trong dĩ vãng, trong tiềm thức của quê hương ruộng rẫy đã cất vang lên giữa sân trường trung học một đêm mưa lạnh, bập bùng tiếng đàn ghi ta thùng và bập bùng ánh lửa. Nhóm sinh viên cứu trợ nạn nhân bão lụt Quảng Đà đang tìm về với quê nhà, hong ấm lại tình quê, tình nước trong cơn đói rét. Suốt một tuần lễ, tay kìm, tay búa, cuốc và rựa, học sinh, sinh viên tìm về với dân tộc. Chỉ ở nông thôn, với lũy tre xơ xác, mái rạ xiêu vẹo, với bao người mẹ, người cha khốn khó, bao đứa trẻ bụng ỏng da chì, tình đồng bào ruột thịt, tình tự dân tộc mới thực sự được giữ gìn và còn mãi ấm nóng. Đó là một ngoại khóa mà không bài giảng nào có thể mang lại một chất lửa như thế.

            Trong trái tim Phan và bạn bè, chừng vang lên hành khúc, tiếng gọi, để trong những đêm sau đó, còn vọng lên từ đáy lòng mình lời đáp: ''Tổ Quốc ơi, con đã nghe!'', còn văng vẳng lời bài hát do Thầy hướng dẫn lớp sáng tác: Hành khúc Trần Cao Vân.

            Bút nhóm thực sự hình thành, đi vào hoạt động. Có một người bạn gái cùng lớp xin gia nhập nữa. Không ai bảo ban, chỉ vẽ. Như một cụm cây tự mọc, tự đâm rễ, bật chồi. Chỉ là một cụm cây bình thường giữa những phong trào gây sóng gió trong lòng đất một cách cũng bình thường lúc bấy giờ. Phong trào du ca sinh hoạt ở các chùa chiền. Phong trào viễn mơ như khát vọng trốn thoát thực tại. ''Đất Vàng'' (Đất nước – dân tộc da vàng) lại nhìn thẳng vào sự thật của thời mình sống, nhìn thẳng vào thao thức của chính tuổi học trò đam mê văn chương của mình...

Có một thời, tuổi mới lớn như thế...

            Những trưa rất thơ ca cùng nhau lang thang trên đường đê ngợp bóng hoa vàng, bên con sông lấp lóa cát và nước.

            Những chiều làm thơ trong vườn ổi An Thổ xanh ngát, thơm lừng mùi mật mía từ các lò đường, mùi dầu phụng từ các xưởng thủ công, tưởng chừng làm đôi khoảng không gian ven đường làng đặc lại.

            Những tứ thơ bất ngờ bật ra dưới bóng rừng dương liễu nhìn ra chiếc cầu đường sắt han gỉ, trong những chiều hôm sau ngày sinh hoạt hướng đạo.

            Những đêm thức trắng bên bàn viết.

Nhà Nguyễn Tấn Sĩ như một trại sáng tác. Ông cụ của Nguyễn Tấn Sĩ lại thấy tuổi học trò đam mê văn chương của mình.

            Những đêm đầy ắp hương thị vàng thơm và tiếng lá xạc xào sau nhà ...

            Bài vở nộp lại, tìm đến căn gác thầy Nguyễn Văn Bổn (Tần Hoài Dạ Vũ) – một nhà thơ phản chiến, chống Mỹ, yêu nước, nổi tiếng trên báo chí công khai lúc ấy. Có lẽ thầy Bổn ngạc nhiên nhưng biết đó là tất nhiên, vì bài giảng và thơ của thầy đọc trong lớp luôn có lửa.

            Có một thời, ngọn lửa dân tộc được truyền đi như thế. Truyền, và biết chắc lửa sẽ được nối tiếp truyền đi. Bởi từ lâu lắm rồi bối cảnh xã hội đã chuẩn bị cho những tấm lòng...

            Có một thời, tuổi mới lớn như thế...

            ''Tổ Quốc ơi, con đã nghe!'', một bản nhạc của phong trào và những bài viết đã được in rô-nê-ô, bìa ty-pô. Cảm ơn ông chủ nhà in, anh ruột của một người trong nhóm. Cảm ơn nhà văn Xuân Tùng không kiểm duyệt dù chức năng bắt buộc như vậy.

            - Khỏi. Cứ in đi!

            Những bích chương với nhiều câu hỏi xoáy vào lòng người do thầy Bổn viết đã được dán đầy ở các cổng trường trung học trong thị xã.

            Báo được treo bán ở các quầy sách.

            Những chuyến đi xa đến các trường trung học ở các quận. Những phút hùng hồn đầy tình tự dân tộc và thao thức xã hội trước các lớp bạn ở các trường.

            Báo với gần 200 bản bán hết vèo trong vài ngày.

            Và số 2 là khát vọng ''Xuân thanh bình''.

            Lại những đêm thức trắng, viết, đánh máy trên giấy sáp.

             Đâu đó có những lời hăm dọa bóng gió, ở các quầy sách, ở quán cà phê chị Được. Báo vẫn ra, số lượng bản nhiều hơn, bài vở khá hơn (dù bây giờ có dịp đọc lại, chắc sẽ thấy quá chừng thô vụng).

            Và đột ngột Phan bị chặn đường, xúc lên xe GMC., đưa vào trại tạm giam. Đêm đó, Phan cứ tin mình chỉ bị bắt vì lí do vi cảnh. Chẳng hiểu sao, một thủ lĩnh học sinh rõ ràng có màu sắc Việt Cộng lại ra nằm ở trại tạm giam, bên cạnh Phan.

            Anh ta ngỡ Phan là Việt Cộng! Phan chỉ trao đổi vu vơ rồi yên tâm ngủ. Vì lúc ấy, đối lập là chuyện bình thường. Tính chất đối lập, đối trọng đã thành một nếp sống, ngay trong các trường trung học tỉnh lẻ.

            Có phải cảnh sát dàn cảnh để tìm đường dây móc nối chăng?

 

đ

 

            Nhiệt huyết bùng lên rồi tự lịm tắt, không ai cấm, không ai trừng trị, dù ngay cả trong gia đình mỗi thành viên của nhóm. Cái chính là sự bế tắc về tư  tưởng...

            Tuổi mới lớn của một thời như thế...

            Và ngọn gió tình yêu đầu đời, năm mười bảy tuổi, lớp mười một, đã thổi dịu những ray rứt, trăn trở.

            Dù trước đó, Phan rất ghét ''viễn mơ'', nhưng khi yêu, Phan lại ''viễn mơ'' như một người không bước trên mặt đất. Thì ra, người ta không thể vượt quá lứa tuổi của mình!

            Phan lênh đênh trong mộng tưởng như sương và khói.

            Những bài thơ tình của Phan thậm chí không phải viết cho người mình đang thật yêu kia nữa. Chừng như Phan có một tiền kiếp nào đó với một người yêu trong tiền kiếp ấy. Thì hiện tại được chia về thì quá khứ xa xăm.

            Trong những tháng năm trước, Phan đã biết rung động với một tình cảm ''hình như là tình yêu''. Mơ hồ. Mong manh. Dễ vỡ.

            Chừng như mỗi người đều có một dáng dung vô thức hình thành khi còn tấm bé từ những huyền tượng trong cổ tích, từ những hình tượng trong văn chương, phim ảnh. Có phải đấy là người trong mộng mà không mấy ai có thể gặp trên đời? Và đời người là một hành trình ngược vào sâu thẳm từng tầng lớp thời gian để nhận diện một gương mặt mơ hồ đã kết tinh từ nhiều nguồn đâu đó, và cũng là hành trình phóng tới tương lai để tìm kiếm không nguôi?

            Người yêu đầu đời của Phan chỉ là cái cớ cho tình yêu ấy có một hình dáng thật. Tình yêu ấy được đan dệt bằng hàng trăm bức thư, mỗi bức như một tùy bút huyền ảo, có khi gần như một loại tân truyện bay bổng không có một chút cơ sở hiện thực nào trong đời sống.

            Cây mộng tưởng ấy không thể sống vì nó làm gì có đất thực tế!

            Tình yêu ấy như một giấc mộng dài gần suốt cả năm học. Phan như một kẻ mộng du trong tình yêu, một tình yêu chỉ làm nẩy nở trí tưởng tượng và làm đẹp câu thơ.

             Đừng trách gì, hỡi niềm yêu dấu cũ, vì ai có thể sống hoài trong giấc mộng, cho dù là giấc mộng ngọt ngào!

      Và tình yêu viễn mơ đến sớm vào tuổi học trò trung học ấy, mãi đến sau này, khi đã trưởng thành, Phan mới biết đó là một sai lầm, không nên có.

 

e

 

            Chừng như tuổi mới lớn nào cũng có những cơn địa chấn. Phan còn có một trận bão lũ khỏa ngập cả đất trời. Cơn đau của mối tình tuyệt vọng tưởng dìm anh vào cái chết. Phan đã quằn người trong niềm đau.

            Cũng mảnh đất Tam Kỳ đó!

            Và may mắn thay, ở Phan chừng như có sẵn tự bao giờ một sức bền chịu đựng. Phan không học kém đi. Học và viết vẫn là phương châm được khắc lên bàn học.

            Với một cách học ''tài tử'', Phan tìm đọc rất nhiều sách, vì học trình ban C đối với Phan tự bao giờ đã quá hẫng nhẹ. Từ lúc bùng dậy đam mê văn triết, trừ ngoại ngữ, Phan thường ít học lại những gì đã nghe được ở lớp, kể cả môn toán.

            Trong những cuốn sách tìm đọc, có một cuốn tình cờ Phan mua được vì rất mỏng nên giá rẻ:

            ''Kẻ Tuẫn Đạo'' của Unamuno (Ibk).

            Hôm đó như một lạ thường, Phan từ nhà Sĩ đi lên, bỗng dưng đâm thẳng qua đường đến tiệm tân dược Ngọc Lan, quặt trái, chứ không quẹo phải như thường lệ. Tiệm sách này không địa lợi lắm và hơi chật chội nên ít người vào.

            Tần ngần trước nhiều cuốn sách nhưng không thể mua vì một lí do dễ hiểu, học sinh có bao giờ đầy túi.

            Sau khi trả tiền cho cuốn sách mỏng và rẻ ấy, Phan về nhà chúi mũi đọc.

            Bàng hoàng như vỡ ra một lẽ thật. Nhưng lạ lùng sao, không có thất vọng đau đớn nào xảy ra trong tâm hồn. Chỉ một địa chấn nhỏ. Có rất nhiều điều người ta đã cảm nhận được nhưng vô thức xua đi, quán tính vẫn ngự trị, và một tác phẩm nào đó chỉ nói lên điều mà vô thức và quán tính bảo phải im lặng như mặc nhiên thừa nhận. Từ mâu thuẫn thăm thẳm không thể nhận biết ấy, người ta vẫn say sưa tìm tòi khám phá khoa học, không chấp nhận một giả thuyết nào chưa được thực nghiệm chứng minh và lô-gích học bảo là hợp luận lí, nhưng vẫn sùng tín những huyền tượng như một thói quen hoặc như một nhu cầu. Và cơ hồ mỗi người đều có riêng một hình ảnh về huyền tượng từ sự tiếp nhận, tái tạo theo lí tưởng thẩm mĩ, lí tưởng sống riêng của mình một cách biện chứng tâm linh, có khi khác xa với nguyên thủy đến không ngờ. Hầu như con người tôn thờ chính khát vọng thăng hoa của mình từ bi kịch của đời sống. Tôn giáo và văn chương nghệ thuật phải chăng có chung cội rễ là Nỗi Đau và ước vọng Giải Thoát, Cảm Thông.

            Sách xác tín giúp Phan một điều còn mơ hồ chưa dám nói và cũng không nên nói làm gì, dù sau này, sách vẫn luôn luôn gợi cho anh sự tự tra vấn để tự giải đáp, như một nỗi-niềm-hoài-nghi-khoa-học không nguôi, cho đến khi anh gặp Spinoza (IIbk).

            Nhưng quả thực, từ lúc ấy, Phan đủ can đảm để sống khác đi. Tâm hồn anh vẫn khát vọng chân lí và sự thật. Ở đời, có ai thích dối trá, cho dẫu là dối trá lương thiện hoặc ''lẽ thật'' qua ngàn năm đã thành dối trá! Đâu riêng gì Phan.

            Phan thân với một tu sĩ Phật giáo. Nhờ là bạn bè cùng lớp, Phan mạnh dạn trao đổi với người bạn tu sĩ ấy. Thì ra, từ rất lâu, Phật giáo đã biết thế nào là huyền thoại và thế nào là ''thực nghiệm tâm linh'', như kết quả của sự tương tác xa xưa giữa Lão học và Thích học (IIIbk).

Vâng, tôn giáo, là một hình thái ý thức chưa thể thay thế, và nó không thể chính-trị-hóa. Cũng không thể tôn-giáo-hóa-chính-trị để thay thế tôn giáo (IVbk).

            Không có tôn giáo chắc chắn loài người không đạt đến mức nhân đạo như ngày hôm nay. Nhưng cũng không có cái gì trưởng thành mà không có tuổi ấu thơ của nó, và ấu thơ thì dĩ nhiên, rất hay huyền thoại hoá!

            Cơn địa chấn, trận bão lũ nào rồi cũng qua đi.

            Có điều, phải chăng vì căn cơ (tạng chất), Phan đau niềm đau tình yêu quá chừng đau đớn, mà sự khám phá qua khải thị của Unamuno về ''Đạo'', dù mang lại sự choáng váng thất vọng, vẫn chỉ là niềm đau xen lẫn với một nỗi niềm không hẳn là buồn!

            Phan lại tự tin hơn trong nhận thức, với một nhận thức nhân sinh, một vũ trụ quan không tôn giáo.

            Có những vùng đất mà ở đó, diễn ra những bước ngoặt của nhận thức, tâm hồn mình, làm thay đổi cuộc đời mình, ngỡ chừng như sống một cuộc sống khác, thì làm sao quên được!

            Hầu như mỗi người có nhiều mảnh đất chôn nhau cắt rốn khác nhau. Những lần sau không phải nhờ cha mẹ, chỉ do chính mình tự sinh nở và cắt chôn.

            Con người tự làm nên chính mình trong điều kiện bất kì nào của hoàn cảnh. Con người phải có tự do, độc lập của riêng nó, để trở thành Con Người. Anh học được điều này từ thể nghiệm bản thân và cuộc sống bạn bè.

            Phan vẫn xem Tam Kỳ là nơi anh đã từng chết đi và tự tái sinh. Đó là Đất Thánh của riêng trái tim anh, là Quê Hương của riêng tâm hồn anh.

 

g

 

            Tình yêu như cơn gió thoảng suốt năm. Tình yêu như trận bão làm gãy đổ hết thân cành của một đam mê gần như cơn say thơ ca ngây ngất, mãnh liệt và đắm đuối. Nhưng thân cành còn non và bộ rễ còn khỏe, cây lại đâm chồi nẩy lộc.

            Bên cạnh tình yêu, một sự kiện chính trị lớn xảy ra trên Đất nước: những ngày tháng trước và sau hiệp định Paris 1973.

            Sân trường được tổ chức như một diễn đàn.

            Cuộc đối thoại nẩy lửa giữa học sinh và sinh viên sĩ quan Đà Lạt, khiến sự đơn điệu buồn tẻ trong nghiêm trang nhường chỗ cho không khí sôi động, cởi mở.

            Cũng vô thức, không hề chuẩn bị trước, Phan đã ứng khẩu một bài phê phán kịch liệt chế độ với những câu hỏi nhức nhối. Những điều này chưa ai nói cho anh: Nhà tù cưỡng bức và thực chất chính quyền bù nhìn (Vbk).  

            Nhóm sinh viên sĩ quan Đà Lạt cực kì trí thức và nghiêm túc đến khô cứng, dẫu đã được huấn luyện để đối phó trước mọi tình huống bất ngờ, vẫn không che giấu xúc động. Những trí thức mặc đồ lính ngụy ấy không bối rối mà xúc động, và lạ thay, lại đồng cảm, chia sẻ cùng Phan những băn khoăn! Phan không thể chấp nhận sự phi nhân và Phan không thể chấp nhận một tầng lớp lãnh đạo Miền Nam của Đất nước từng là sĩ quan của thực dân! Hầu như sinh viên sĩ quan Đà Lạt cũng vậy. Bởi đó là một sự thật lịch sử không ai không thấy. Và mọi người đành chấp nhận! Lịch sử bày ra một ván cờ trớ trêu. Giai đoạn lịch sử này là một kẻ có đầu óc điên rồ, nếu có thể ví von như vậy.

            Hai mươi năm ấy phải chăng như một sự thật oái oăm và một tấn tuồng bi hài, mà Phan, bạn bè Phan và cả nhóm sinh viên sĩ quan ngụy kia chỉ là nạn nhân, lại là nạn nhân bi đát ''vì ý thức được tính bi kịch'' (VIbk) trong hoàn cảnh lịch sử mình đang sống. Phải chăng, tận đáy lòng, ai cũng có những khổ tâm riêng?

            Lúc bấy giờ, tưởng chừng như vô thức lên tiếng nói và cũng vô thức đồng cảm trong mấy trăm học sinh trước sân trường.

            Những tràng pháo tay biểu lộ sự đồng cảm ấy.

            Không chỉ Phan. Lên diễn đàn còn có người bạn tu sĩ và một vài bạn khác với nhiều vấn đề buốt bỏng khác.

            Phan quả là ''gã nghệ sĩ'' trẻ tuổi liều lĩnh một cách chân thành. Quả thực, anh chỉ là gã con trai mới lớn đa tình (với nhiều loại tình cảm) đến mê đắm, và không ngớt băn khoăn trước những vấn nạn của cuộc sống tâm linh và xã hội. Phan vừa đam mê vừa tỉnh táo, vừa nhút nhát vừa táo bạo, vừa sai lầm vừa sáng suốt.

            Dẫu mang một gương mặt trầm buồn, trong anh vẫn sống động một người nghệ sĩ dám dấn thân, trải nghiệm đến giới hạn của đức lí, với đôi mắt mở to luôn ngạc nhiên, hiếu kì một cách hồn nhiên. Anh muốn dấn thân trên con đường sống thật để sáng tạo.

            Dẫu sao, anh vẫn chỉ là gã con trai mới lớn!

 

h

 

            Có một kỉ niệm không thể quên được. Chẳng biết bây giờ người học trò rất nông dân mang dép cao su như ''Việt Cộng'' thuở ấy còn sống hay đã chết. Còn sống, anh ta đã leo lên đến bậc ghế nào và cống hiến những gì.

            Từ hôm đối thoại giữa sân trường bốc lửa, có người học trò ở một lớp lớn hơn bỗng mang dép cao su lốp xe tìm cách làm quen cùng Phan.

            Anh ta chỉ vào đôi dép đang mang và nhìn Phan mỉm cười.

            Phan cũng chuyện trò vu vơ.

            Những ám hiệu không cùng tần số như chớp lóe rồi tắt lịm trong cuộc đời.

            Mãi sau này, Phan có dịp ngẫm lại, cái tính chất bồng bột đến khờ khạo một cách chân tình ở tuổi thanh niên thật dễ thương và cũng quá dễ để gặp tai họa. Tại sao anh học trò Việt Cộng ấy dám bật tín hiệu với Phan trong khi quá biết Phan sống trong một gia đình không có ai dính líu gì với tổ chức của họ, thậm chí, dù muốn dù không, cũng là đối phương của họ?

Sau lần ấy, thỉnh thoảng anh ta vẫn cười với Phan mỗi khi thoáng gặp ở sân trường hay trước hiên nhà. Như một kỉ niệm của tuổi trẻ, lắm khi nhớ lại, những lần gặp gỡ ấy gợi lên chút cảm động nhẹ nhàng. Có phải nhờ vậy, sau này Phan đã ''bị'' thuyết phục (đúng hơn, là được thuyết phục)?

            Phan vẫn tin ở tấm lòng tuổi trẻ. Khi còn tuổi trẻ, dù với chính kiến, hàng ngũ nào, người ta vẫn còn nơi tâm hồn mình cả một trời trong sáng. Vòm trời giữa tâm hồn tuổi trẻ không hề có biên giới và rào gai. Và một khi sự thật lịch sử đã sáng rõ, chỉ một ''địa chấn'', họ dễ dàng tiếp cận chân lí xã hội chủ nghĩa, nhất là liên lập trong liên minh quốc tế (một vấn đề khắc khoải nhất!) (VIIbk), nếu nhận thức được tính tương đối của chân lí! Không hề có một thứ chân lí bất biến và tuyệt đối trên đời, nữa là chân lí chính trị – xã hội, vốn là một thứ chân lí phải luôn linh hoạt co giãn theo thực tiễn!

 

i

 

            Rồi Phan lại xa Tam Kỳ. Chỉ ba niên học ở thị xã nhỏ bé ấy nhưng chất chứa biết bao nhiêu kỉ niệm. Những năm đầu bước vào lứa tuổi thanh niên là những năm xáo động dữ dội và, phải chăng gần như có tính chất quyết định cho mỗi đời người?

            Tam Kỳ – một thị xã chia đều đường sắt xuyên Việt, bé nhỏ, duy nhất một đường phố sầm uất, khô khốc – lại là nơi chất thơ tiềm ẩn giàu có trong hồn người.

            Tam Kỳ, nơi ấy, có những nhà thơ lãng mạn và hiện thực tên tuổi, có những tu sĩ, thầy giáo trăn trở, day dứt không nguôi. Nơi ấy, thật sự đã có một khí hậu tinh thần riêng để lớp trẻ nối nhau vươn dậy trong khát vọng ngấm ngầm mà cháy bỏng về chân lí nghệ thuật và chân lí cuộc sống. Nơi ấy, cuộc sống ngỡ chừng đơn điệu, buồn tẻ nhưng vô cùng sôi sục, với những tiếng nói vô thanh xao xuyến tự mỗi trái tim thành khẩn, không giống nhau.

            Nhà thơ Huy Tưởng lớn lên ở đó, với rất nhiều đêm gục đầu trầm tư về thân phận con người trong niềm cô độc cùng cực, đã ra đi, làm nên nhiều bài thơ tuyệt vời cho Nỗi Đau, thỉnh thoảng trở về. Trong một đêm thơ nhạc do nhóm Đất Hứa tổ chức, anh đã chống nạng quay mặt ra cửa sổ lập lòe đom đóm như ma trơi oan khuất, như bao nhiêu vì sao trên đất tối, không thèm nhìn vào ánh đèn sáng, đọc trầm thống bài ''Hồ trường'' + trời nghe.

 

kẻ trượng phu

không hay [ai?] mổ gan bẻ cật

                      phù cương thường

hà tất tiêu dao lưu lạc tha phương

trời Nam ngàn dặm thẳm!

non nước một màu sương!

chí chưa thành danh chưa đạt

trai trẻ bao năm mà đầu bạc

trăm năm thân thế bóng tà dương!

 

vỗ gươm mà hát

giốc bầu mà hỏi

thiên hạ mang mang ai người tri kỉ

lại đây cùng ta cạn một hồ trường!

 

hồ trường!

hồ trường!

ta biết rót về đâu?

rót về phương đông, nước biển đông sinh

cuồng loạn

rót về phương tây, mưa tây sơn từng trận

chứa chan

rót về bắc phương, ngọn bắc phong vi vút

đá chạy cát bươn [vươn?]

rót về nam phương, trời nam mù mịt thẳm

có người quá chén như điên như cuồng!

 

nào ai tỉnh nào ai say

chí ta ta biết, lòng ta ta hay

nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ

hà tất tương phùng [cùng sầu?] với cỏ cây!

 

            Nhà thơ Thành Tôn thành danh trên báo chí cả Miền Nam vẫn âm thầm trong bộ quân phục. Anh sống và làm việc với phận sự một người lính ngụy lặng lẽ. Anh đâu biết rằng chính sự hiện hữu một cách câm nín của anh ở thị xã, quá đỗi câm nín, vẫn vang vọng những làn sóng đến những trái tim trẻ về thơ ca.

            Và nhà văn Xuân Tùng, thầy Nguyễn Văn Bổn (nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ), thầy Trương Sư Xuyên và anh Nguyễn Hữu Thâu...

     (Xin được thắp ở đây một nén nhang tưởng tiếc Ngữ Luân, một người thơ tài hoa còn quá trẻ).

            Những trí thức ấy, những tấm lòng ấy, ở một nơi như Tam Kỳ thân yêu, chính họ, đã tạo ra một khí hậu cho tuổi trẻ. Họ tạo ra một trường ảnh hưởng mà họ không hề hay biết.

            Phan và bạn bè anh cũng không hề hay biết về khí hậu ấy, dù đã thực sự sống trong tiếng động tương tác thầm lặng của vùng khí hậu rất riêng ở thị xã của một thời đã xa kia.

            Cuộc sống cứ mãi hoài trôi đi một cách vô thức. ''Người ta sống là để sống'', chứ không thể cứ mãi chiêm nghiệm về cuộc sống, phần lớn là mảnh vụn thường ngày. Muốn chiêm nghiệm phải cần một độ lắng cần thiết của thời gian.

            Phan đang ngoảnh lại đời mình những năm mới lớn và ngỡ ngàng bâng khuâng cho những vụng dại, những say mê quá đỗi vô tư. Đúng hơn, là cả một đam mê cháy bỏng khát vọng sáng tạo (đến mức chỉ với bức xúc vặt, Phan xin rời bỏ gia đình để về ở chung với bạn, những tháng cuối của năm học lớp mười một!).

            Nỗi đam mê cháy bỏng về khám phá, sáng tạo thơ ca dễ khiến người ta đến với tình yêu hơi sớm (để làm thơ tình cho người lớn!), dễ xúi dại người ta tự trở thành đứa con hoang (chứ không phải thoát li gia đình để làm công tác cách mạng!)! Từ khí hậu kia hay từ trái tim Phan, vang vọng lên tiếng gọi, bàng bạc mà tha thiết, hướng tới chân trời là trang giấy trắng, lóng lánh nét chữ ghi lại những câu thơ của lòng mình, chút lòng mình gửi đến cuộc đời.

            Mỗi người đều có một tuổi mới lớn của riêng mình, và chắc chắn đều có lắm thú vị. Cuộc sống mãi mãi thú vị, cho dù bi kịch đến mức nào, nếu ta thoát được và có dịp ngoảnh nhìn lại bi kịch ấy. Vượt qua bi kịch, mắt sẽ sáng hơn, chân sẽ vững hơn trên đất đai Tổ quốc. Phan cũng vậy. Xin được mỉm một nụ cười về những năm tháng đã trở thành xa xưa. Tam Kỳ – Xa Xưa ấy đang không ngừng chảy trong máu anh và trong máu bạn bè.

            Ước chi mãi là một hạt sương bé nhỏ được lóng lánh khát vọng rất thơ ca và không chỉ cho riêng mình – Phan và mỗi bạn bè Phan có lẽ đều nghĩ thế.

 

TRẦN XUÂN AN

Viết ngày 28.X.1993

                                       Sửa chữa, bổ sung ngày 04.VII.1995 

                                  tháng 10.1996 và tháng 05.2003 tại TP. HCM.

(Bài đã đăng trong Kỉ yếu Bốn mươi năm

thành lập Trường Trần Cao Vân, Tam Kỳ,

Quảng Nam, 1955 – 1995). 

                                                

Cước chú của bài bút kí “Một chút tự bạch: Giữa vòng tay Tam Kỳ và bè bạn” (bút kí, viết tắt là bk):

(Ibk) Trần Xuân Kiêm dịch, Quế Sơn - Võ Tánh xb., Sài Gòn, 1971.

 

(IIbk) Vượt qua hoàn cảnh bi kịch bằng óc phân tích và thái độ dũng cảm.

 

(IIIbk) Nhất Hạnh, Đạo Phật đi vào cuộc đời, Lá Bối xb., Sài Gòn, 1966.

 

(IVbk) Xin xem cuối bút kí này.

 

(Vbk) ''Không có thì đánh cho có, có thì đánh cho chừa'' (''khẩu hiệu'' nhà tù Mỹ - ngụy).

 

(VIbk) Vận dụng một nhận định văn chương.

 

(VIIbk) Xin xem cuối bút kí này.

 

(VIIIbk)  Bài "Hồ trường" của Nguyễn Bá Trác (1881 - 1945). Đó là một kẻ sĩ đã từng tham gia phong trào Duy Tân, Đông Du, sang Nhật. Đang học tập dở dang, ông phải về Trung Quốc khi Nhật đã câu kết với Pháp, trục xuất du học sinh Việt Nam. Sau đó, Nguyễn Bá Trác đành sống trong tâm trạng u uất, bi phẫn, bế tắc, và rồi y lại phản bội, làm tay sai, ngụy quan cho giặc Pháp. Cuối cùng, y phải đền tội. Cũng như Phạm Quỳnh, y bị chính quyền Việt Minh xử bắn. Dẫu sao, bài thơ trên cũng đã thể hiện hết tâm trạng của những người thuộc trường hợp như Nguyễn Bá Trác, trong giai đoạn cực kì bế tắc hồi đầu thế kỉ.

        Tuy nhiên, một tác phẩm văn chương thông thường được cảm thụ theo tâm trạng của người đọc hơn là vì nhớ đến tác giả.

Đó là điều tôi muốn nhấn mạnh, trước khi xin được nhấn nhạnh thêm điều cốt yếu sau đây: Trong những năm bảy mươi của thế kỉ trước (XX) ở Miền Nam, bài "Hồ trường" khá thịnh hành bởi tâm trạng bế tắc của vài thế hệ (từ tuổi thanh niên đến tuổi lão niên), và bởi dù muốn dù không, họ cũng đành phải "thoả hiệp" với chế độ Mỹ - ngụy và "tả đạo".

        Có tư liệu cho rằng Nguyễn Bá Trác chỉ là dịch giả của bài thơ trên.

 

(IVbk) Hình thái ý thức tôn giáo thật sự không có, trong thực tế văn hoá truyền thống của đại đa số nhân dân ở một số nước châu Á, cụ thể là Việt Nam, mà chỉ là đạo lí thờ cúng anh hùng, danh nhân dân tộc và tổ tiên. Nói chính xác hơn, bên cạnh đại đa số nhân dân chỉ sống theo đạo lí dân tộc thuần tuý ấy, còn có một bộ phận nhân dân theo Phật giáo, Lão giáo, và có thể kể cả một bộ phận khác theo học thuyết nhân sinh – xã hội, ấy là Nho giáo. Nho giáo rất ít bàn về hình nhi thượng, từ chối việc suy tư về cõi siêu hình, thần linh và ma quỷ. Về tác dụng cải hoá con người, xã hội của văn hoá, hoặc của tôn giáo, xin khảo sát theo phương thức nghiên cứu khoa học về quá trình lịch sử và đời sống thực tại của các đối tượng nghiên cứu: đại đa số nhân dân không theo một tôn giáo nào, mà chỉ sống theo đạo lí dân tộc thuần tuý, và các bộ phận nhân dân dân ít hơn có theo một tôn giáo, kể cả Nho giáo. Từ đó, đối sánh, rút ra kết luận. Và có thể nói thêm: August Comte (1798 – 1857), một triết gia thực chứng xã hội học người Pháp, ra đời muộn hơn Nho giáo đến hơn hai mươi thế kỉ; ông thường được đề cập đến trong học phần triết học lớp 12 trước 1975 ở Miền Nam Việt Nam. Mặc dù có những sai lầm của ông, August Comte cũng chính xác trong việc phân định ra ba thời kì phát triển của phương pháp tư duy và thế giới quan của nhân loại. Ba thời kì đó là: tư duy thần thoại, tư duy tôn giáo, tư duy khoa học (thuần lí và thực nghiệm). August Comte còn đề nghị bãi bỏ tôn giáo nhất thần (như Thiên Chúa giáo, Tin Lành ...), có thể bãi bỏ cả tôn giáo đa thần, để chỉ tín ngưỡng một thực thể siêu hình, trừu tượng, tối cao, tương tự như ý niệm Trời của Nho giáo (Trời chỉ là lí – khí, ''thiên hà ngôn tai!” [Trời có nói gì đâu!]). Theo tôi, căn cứ theo dự đoán tương lai của nhân loại, tôn giáo sẽ được phát triển thành các triết thuyết thuần tuý, không còn tính chất tôn giáo (không còn các hình thức thờ phụng, kinh kệ, lễ bái như hiện còn tồn tại ở các chùa chiền, giáo đường, thánh thất, nhà nguyện...); và hình thái ý thức văn hoá, bao gồm cả phong tục (trong đó có mĩ tục thờ cúng anh hùng, danh nhân dân tộc và tổ tiên, suy nghiệm về lịch sử nhân loại), bao gồm cả giáo dục, văn học nghệ thuật (nhất là trên các phương tiện truyền thông đại chúng), sẽ được lành mạnh hoá theo hướng ''văn dĩ tải đạo'' (đạo đức truyền thống, đạo lí dân tộc) để thay thế hình thái ý thức tôn giáo. Nói gọn hơn, trong tương lai của nhân loại, văn hoá lành mạnh sẽ đảm nhiệm trọn vẹn chức năng của tôn giáo.

 

(VIIbk) Tác giả xin trình bày rõ hơn:

      Niên khoá 1971 – 1972 trước đó, mặc dù chính nhân vật Phan đã chọn bài hát “Tổ quốc ơi, ta đã nghe” của La Hữu Vang làm chủ đề cho số 1 của tập san (chỉ đổi chữ ta, có nghĩa là tôi, thành chữ con), nhưng sau đó Phan lại có một bước thụt lùi trong tư tưởng. Đúng như biện chứng (''đường zíc zắc'', ''đường xoáy trôn ốc'') của quá trình trưởng thành, từ cảm tính thiên tả, anh đã nhận thức lại một cách lí tính, ít thiên tả hơn! [...] ... Bấy giờ, năm 1973, chỉ mới có ý niệm về chủ nghĩa xã hội khoa học, chưa nhận thức đủ về chủ nghĩa xã hội hiện thực (trong thực tế lịch sử), nhân vật Phan trong bút kí lại được hướng đến chủ nghĩa xã hội quốc gia theo kiểu Nam Tư, nhưng không phải chịu sự độc tài như ách độc tài của Tito, lại hoàn toàn độc lập dân tộc, hoàn toàn dân chủ, thoát khỏi sự khống chế, lệ thuộc vào Liên Xô (gồm mười ba nước bị sáp nhập), Trung Quốc (gồm cả Tây Tạng ...) hoặc một trong hai nước ''cộng sản bá quyền (đế quốc đỏ)'' ấy. Chủ nghĩa xã hội quốc gia chỉ là một hướng mở, xuất phát từ ước vọng độc lập, tự do, dân chủ thật sự, thoát khỏi hai gọng kềm lịch sử trên thế giới, đứng đầu là đế quốc Mỹ và Nga, rồi sau đó là Mỹ và Nga – Trung. Bấy giờ, vẫn vào năm 1973, hai chữ ''liên lập'' và cụm từ ''liên minh quốc tế cộng sản'' chỉ được hiểu là bị khống chế, lệ thuộc như đã nói, chứ không phải là liên minh trong tư thế bình đẳng quốc gia, dân tộc đích thực! (Khoa học lịch sử đúng nghĩa không thể không khẳng định sự thật lịch sử ''liên lập'' trong ngoặc kép nháy nháy ấy!).

      Dẫn đến nhận thức đó còn do nguyên nhân khác, tạo nên sự khắc khoải, thao thức đồng thời với nguyên nhân trên. Xin trình bày cụ thể hơn: 

''Trên tinh thần hoà giải dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh, giữa hai miền Nam, Bắc, với niềm cảm thông chân thật, thiết tưởng cũng cần phải nói rằng: Sở dĩ một bộ phận không ít người Miền Nam Việt Nam không thể tham gia kháng chiến, hoặc vượt tuyến ra Miền Bắc, cũng vì lẽ đó. Và cũng trên tinh thần ấy, xin mạnh dạn nói rõ hơn: Ngoài ảnh tượng chân dung các ''giáo chủ'', lãnh tụ ngoại quốc (chưa kể danh từ ''xô-viết'' trong cuộc khởi nghĩa Xô-viết Nghệ Tĩnh, 1930 1931), còn có vấn đề là màu cờ đỏ, hình tượng sao vàng, búa liềm vàng. Từ các ảnh tượng ấy, màu cờ và các biểu trưng ấy, không thể không nghĩ đến Miền Bắc Việt Nam bị lệ thuộc vào Liên Xô, Trung Quốc, và thân phận Trung Quốc cũng chẳng khác gì (Liên Xô sinh nở ra Trung Quốc!), mặc dù về sau hai nước lớn ấy có ''bất hoà'' với nhau.

Cái được gọi là nhận thức ấy chắc hẳn không phải bị chi phối bởi tâm lí giai cấp ở miền trong của Đất nước, vì cũng như Miền Bắc, tại Miền Nam đại đa số vốn là nông dân (liềm), một phần khác là thợ thuyền (búa), có truyền thống trọng thị chân lí và kẻ sĩ (ngôi sao). Có thể cái còn gọi là thao thức kia chỉ là hậu quả của sự tuyên truyền. Tuy nhiên, thao thức có thật ấy, trong giai đoạn lịch sử đó, quả thật cũng xuất phát từ sự nhận thức khách quan của rất nhiều người, một nhận thức đã hoá thành nỗi băn khoăn nhức nhối, đọng lại ở các câu hỏi: 1. Chủ quyền Miền Bắc Việt Nam thuộc về ai? 2. Ở Miền Bắc, liệu truyền thống thờ kính cội nguồn tổ tiên, thắp hương tại các đình làng, chùa chiền có được tồn tại? Và tại sao trong nhà sàn Bác Hồ không có bàn thờ gia tiên, theo truyền thống đạo lí của dân tộc Việt Nam ta? Đó cũng là sự thật lịch sử – sự thật về tuyên truyền của Mỹ – ngụy, nhưng cũng là sự thật ở nội tâm một phần không ít nhân dân Miền Nam Việt Nam. Nhận thức ấy, thao thức ấy, có lẽ chỉ tồn tại trước tháng 4 năm 1975; phải chăng sau đó đã được giải toả; hay bị củng cố thêm bởi hiện thực hằng ngày trước mắt?

        Tất nhiên, từ khi diễn ra công cuộc Đổi mới, tình hình đã khác.

        Kính mong hãy cảm thông, hoà giải, và đại đoàn kết. Chỉ có thể đại đoàn kết dân tộc một cách bền vững trong tinh thần cảm thông, hoà giải ấy. Làm sao có thể đại đoàn kết được nếu những mặc cảm trong chiến tranh không được giải toả trên cơ sở sự thật lịch sử – sự thật lịch sử đúng như nó đã diễn ra, không bị vo tròn, bóp méo! Tuy nhiên, phải khẳng định và phải khẳng định: Những người cầm súng, làm quan chức cho thực dân Pháp, phát xít (fascisme) Nhật, đế quốc Mỹ và ''tả đạo'' Thiên Chúa giáo, ở Miền Nam Việt Nam (không ít là dân Miền Bắc di cư vào Nam), rõ ràng là bị đẩy vào tình cảnh phản quốc hay ít nhiều cũng tự ý phản quốc.Trong số người bị đẩy vào tình cảnh phản quốc một cách hết sức đau đớn ấy, có một phân số khá lớn là bị kẹt giữa hai gọng kìm lịch sử (một gọng kìm là Pháp + Mỹ + "tả đạo", và, có thể kể thêm Nhật; một gọng kìm khác là Nga Sô + Trung Cộng + chủ nghĩa cộng sản vô thần). Số người thuộc trường hợp này có lòng yêu nước, căm hận Pháp + Mỹ + "tả đạo", căm hận Nhật, và hơn thế nữa, họ cũng rất căm ghét bọn ngụy đích thực, cam tâm làm tay sai đầu sỏ cho bốn loại giặc ngoại xâm ấy, nhưng bị buộc phải cầm súng, làm quan chức cho chúng (hoặc chỉ cầm súng, làm quan chức cho một trong bốn kẻ thù dân tộc vừa liệt kê). Vì vậy, cho nên dẫu sao đi nữa, họ cũng không thể chính danh là một trong những "lực lượng yêu nước", mà bị gọi chung là "ngụy". Nói cụ thể hơn, đằng sau danh từ "ngụy", có nhiều loại người khác nhau, trong đó không ít người thật sự yêu nước với chính kiến rõ rệt; bi kịch của họ là đã dựa vào Pháp + Mỹ + "tả đạo", và Nhật để chống Nga Sô + Trung Cộng + chủ nghĩa cộng sản vô thần với ý định sẽ lần lượt bẻ gãy hai gọng kìm lịch sử ấy.Nhưng, chỉ là ảo vọng! Rốt cục, phải chịu mang tiếng là ngụy. Danh đã không chính, thì ngôn không thuận. Có người lòng dạ là rất yêu nước, nên rất khổ tâm, nhưng đã là ngụy quân, ngụy quyền, họ không thể nói cho người khác thuận nghe được, cho dù chỉ là giãi bày tâm sự. Đó là nỗi đau của họ. Vả lại, những người thuộc dạng có lòng yêu nước thật sự nói trên, bọn thực dân, phát xít, đế quốc, "tả đạo" thường không sử dụng. Bất đắc dĩ chúng cũng sử dụng tạm thời hoặc chỉ sử dụng ở những chức vụ thấp, ở cấp tỉnh, cấp quận, không quan trọng, và ít nguy hiểm đối với chúng.

       Xét về lực lượng kháng chiến, từ các tổ chức cộng sản sơ khai (trước 1930), đến Việt Minh (Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, từ tháng 8.1941), và có lẽ sau 1954, ở Miền Nam thường gọi là Việt Cộng (Cộng sản Việt Nam), nhận định chung là thế nào? Sau khi đám mây mù tuyên truyền của ngoại xâm và ngụy tan đi, ai cũng thấy rõ sự thật lịch sử là: Hết sức hiển nhiên, lực lượng nào đánh bại được Pháp, Nhật, Mỹ, ''tả đạo'' Thiên Chúa giáo, bá quyền Trung Quốc, đánh đổ được ngụy triều Huế (1885 – 1945) (II.19), ngụy quyền Sài Gòn (1954 – 1975), chế độ diệt chủng Khơ Me (Kh'mer) Đỏ, chính danh và chính nghĩa thuộc về lực lượng ấy. Đó là đa số nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có một sự thật (tuy chỉ giới hạn nhất định là qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình trong nước), sự thật đó là, mặc dù không một ai trên thế giới này có thể phủ nhận được chiến thắng hiển hách, lừng lẫy của lực lượng kháng chiến Việt Minh, Việt Cộng, nhưng vẫn có người, nhất là một số Việt kiều ở hải ngoại, vẫn không chấp nhận Việt Minh, Việt Cộng là chính danh, chính nghĩa, thậm chí còn chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam một cách cuồng dại!''.

 

Ghi chú bổ sung của tác giả:

 

       Người đọc có thể tự cắt bỏ (tự kiểm duyệt) hoặc lướt qua, hoặc tốt nhất là phản biện, bác bỏ, nếu không đồng ý với tác giả. Tất nhiên, tôi vẫn bảo lưu sự thật lịch sử đó cho nhân dân Miền Nam Việt Nam, nhất là sự thật lịch sử đã đọng lại ở các câu hỏi đầy băn khoăn, thao thức, nhức nhối đã ghi lại ở bên trên. Một lần nữa, tác giả xin thưa rằng: Tôi viết để ghi nhận chính xác một khía cạnh sự thật lịch sử về một bộ phận đông đảo nhân dân Miền Nam thuộc giai đoạn sau (1930 – 1975) của cuộc chiến tranh 117 năm (1858 – 1975) hoặc đúng hơn là 131 năm (1858 – 1989), vốn đã trôi qua khá lâu, để góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam chúng ta và đoàn kết nhân loại, trên tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử, cảm thông, điều chỉnh (sửa sai) và hoà giải. Xin cảm ơn.

TXA.

 

 

 

 

GIỌT MỰC, CÁNH ĐỒNG

VÀ VỞ KỊCH ĐIÊN

 

tập thơ thứ tám

của Trần Xuân An

 

* PHẦN MỘT: Nhật kí vào vai người điên

  Đề tặng (thay lời tựa) . 7

  Thơ ngỏ (bổ sung ''thay lời tựa'') . 9

1. Hát ru trong vở kịch hoang tưởng . 11

2. Thơ và mưa, ba mươi năm trước . 13

3. Ý nghĩ trong những ngày chờ con ra đời . 15

4. Kẻ bị giết chết sinh mệnh chính trị tự đùa . 19

5. Mẹ là cõi đời . 21

6. Giật mình . 23

7. Biết làm sao . 27

8 - 9. Huyền tượng Búa và Liềm:

                       8. Quán Thế Âm, khát vọng từ ruộng đồng .

                                                                                 29

                        9. Đồng Trinh, niềm rất thiêng những Ma-ri-a

                                                                        xóm thợ . 30

10. Xem phim đen ở quán đèn mờ, phố biển . 31

11 - 12. Cúi xuống:

                        11. Dán ở nhà hàng Hậu Chiến . 32

                        12. Thân tặng Rạn Vỡ . 33

13. Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất . 34

14. Đọc thơ chiều cuối năm . 36

15. Sợ . 38

16. Đi trong vườn phong lan . 39

17. Nhặt những câu bão thổi . 42

18. Thật thà chuyện trò với con khi còn phôi thai . 43

19. Nhặt những câu bão thổi khác . 45

20. Trầm uất, bàng hoàng lí giải về mình, khi cái nhìn đã khác . 46

21 - 26. Những câu bất chợt thở ra khi gò lưng vắt sổ:

                        21. Nét duyên và thơ . 55

                        22. Đáng sợ . 55

                        23. Nón lá . 56

                        24. Nghệ thuật và cứu rỗi . 56

                        25. Cõi thơ dân gian . 57

                        26. Thoảng hương ca dao . 57

27. Bởi bị xô vào vở kịch ''hoang tưởng bị bức hiếp và bị bôi nhọ'' . 58

28. 1983, người bị đánh thuốc kích động . 60

29. Những sợi thần kinh . 61

30. Thơ và lửa . 63

31. Đừng lo cho con mẹ ơi . 64

32 - 37. Thơ bốn nhánh chữ:

                        32. Xa lạ với chính mình . 65

                        33. Tình ngây ngô non yểu . 65

                        34. Mở cửa . 66

                        35. ''Đoạn đường không vui'' . 66

                        36. Những đầy tớ của nhiều người còn

                                                   nghèo .67                              

                        37. Hít-le và tôn giáo . 67

38. Tự an ủi . 68

39 - 40. Tỉnh giấc:

                        39. Thần tượng sụp đổ . 69

                        40. Thần thánh tự phê . 69

41. Đêm nhìn lại . 70

42. Hương mùa cổ ngày xuân mới

                        (tám cặp câu đối Tết) . 71

43. Chân dung một gã làm thơ . 75

44. Pho tượng người con gái có tên Phan Thiết... . 76

45. Truyện về Kiều không phải Kiều . 79

46. Những vườn trầu cau, những cánh rừng cao su .82

47. Tấm lòng . 85

48. Với những người bạn bông đùa bên hồ Hoàn Kiếm. 86

49. Ngẫm khổ đế, tản mạn niềm viễn tưởng

                    quanh chùa Một Cột . 88

50. Vu vơ chiều Văn Miếu, trường đại học nghìn xưa . 92

51. Quảng Trị, trăng Bàu Vịt .96

52. Một ý thu đã cũ . 99

53. Nhà sao . 100

54. Cầu nối những chân trời . 101

55. Định cư . 103

56. Ngồi ở quán bia . 104

57. Chạm vào hư không . 107

58. Cứ sống hết mình, ngày mai . 108

59. Ca dao trăng và hẹn . 109

60. Đến với những ngày tháng trong lành . 110    

61. Thơ và hai chữ Tình Yêu viết hoa (thơ bạt ) . 111

62. Niềm tin vào lương tri (thơ bạt) . 113

 

* PHẦN HAI: Giọt mực xanh trên cánh đồng xanh

 

63. Ngụm nước dưới chân cầu Tiên An . 119

64. Thơ tình của người du kích . 120

65. Hồn hậu chút niềm ca dao đất mới của người

                         lính ngụy thương mến . 122

66. Quê hương trong giọt sữa mẹ . 123

67. Tạ ơn ca dao . 125

68. Đến bao giờ . 126

69. Tập quân sự . 130

70. Bài thơ Đông Hà . 131

71. Sáng tháng giêng ở gò Đống Đa . 135

72. Màu xanh trên trảng đất không quên . 142

73. Mùa thanh niên . 145

74. Mái tranh . 148

75. Tôi hiểu tôi đã yêu em . 152

76. Một tuổi hòa bình . 155

77. Anh bộ đội giữa đất đỏ rực rỡ . 158

 

* PHẦN PHỤ  LỤC MỘT:

            Dăm phiến tâm linh của núi sông trời đất

            (chuyển thể và cảm bình thơ cổ)

Thơ ngỏ . 163

1. Bài hát ngắn đi trên cát (Cao Bá Quát) . 165

2. Thấy người ngoài Bắc đến, hỏi chuyện quê cũ

            (Cao Bá Quát) . 167

3. Đọc truyện kí về Tiểu Thanh (Nguyễn Du) . 168

4. Vọng âm khi đứng trên bục giảng:

            Độc Tiểu Thanh Kí (cảm bình, thơ) . 169

 

* PHẦN PHỤ  LỤC HAI:

Bút kí Giữa vòng tay Tam Kỳ và bè bạn

 

* MỤC LỤC . 199

* VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ . 204

 

 

 

 

VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ

 

TRẦN XUÂN AN

 

- Lọt lòng mẹ ngày mười tháng mười một năm một chín 

  năm sáu, tại Kinh Thành nội, Huế.

- Nhân tộc: Kinh (Việt Nam)

- Quê cha: Trúc Lâm và Nhĩ Trung, Gio Linh (gốc 

  Nguyễn, An Cư, Triệu Phong), Quảng Trị

- Quê mẹ: Thượng Xá, Hải Lăng, Quảng Trị

- Cử nhân khoa sư phạm ngữ văn tiếng Việt (ĐHSP. 

  Huế, 1974 - 1978)

- Dạy học tại Lâm Đồng, 1978 - 1983;

- Hiện nay, chuyên sáng tác, nghiên cứu, tại Tp. HCM.

  (hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.).

  Đăng thơ và được diễn ngâm trên các báo và tạp chí (in,

  phát thanh);

  Góp mặt trong nhiều tuyển thơ xuất bản tại các tỉnh và

  thành phố trong nước.

 

Tác phẩm đã xuất bản:

 

1.  Nắng và mưa, thơ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.

2.  Hát chiêu hồn mình, thơ, Nxb. Đồng Nai, 1992.

3.  Tôi vẫn ở trên đường, thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1993.

4.  Lặng lẽ ở phố, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.

5.  Kẻ bị ném vào bão, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.

6.  Hát với đời ơi thương mến, thơ, Nxb. Trẻ, 1996.

7.  Quê nhà yêu dấu, trường ca thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1998.

8. Có một nơi lá mãi xanh, tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.

9. Ngôi trường tháng giêng, tiểu thuyết, 1998; Nxb. Thanh Niên, 2003.

10. Sen đỏ, bài thơ hòa bình, tiểu thuyết, 1999; Nxb. Thanh Niên, 2003.

11. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, truyện sử kí, trọn bộ bốn tập, hai tập I & II, 2002, hai tập III & IV, 2003; Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 2004.

12. Ngẫu hứng đọc thơ, 2004; Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 2005

 

Tác phẩm đã hoàn tất bản thảo (*):

 

13. Mùa hè bên sông, tiểu thuyết, 1997; bản đã sửa chữa và bổ sung, 2001 & 2003.

Web Giao Điểm, 6-2005:

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm

14. Thơ những mùa hương, thơ.

15. Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên, thơ.

16. Nước mắt có vị ngọt, tập truyện ngắn liên hoàn, 1999.

 

Soạn phẩm biên khảo đã hoàn tất bản thảo (*):

 

17. Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886), thơ - Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (biên soạn, nghiên cứu, phản bác, và tập hợp một số bản dịch, bàI nghiên cứu văn học, sử học về NVT.), 2000.

Web Giao Điểm, 8-2005:

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm

18. Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, ''kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp'', (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.

19. Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp ... (Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), chọn lọc, phần II, 2001

20. Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886), ''những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được'', khảo luận và phê bình sử học, 2002.

Web Giao Điểm, 5-2005:

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm

21. Suy nghĩ về một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta, 2003.

Web Giao Điểm, 8-2005:

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm

22. Tiểu luận, Tạp chí điện tử Giao Điểm, 2005

 

Tặng thưởng, giải thưởng:

1.  Báo Văn nghệ giải phóng, 1975.

2.  Giải sáng tạo trẻ, 1991.  

 

 

(*) Tất cả các tác phẩm, soạn phẩm biên khảo đã được xếp chữ vi tính, ấn hành từ phạm vi 10 đến 20 bản sách (gửi các nhà xuất bản, các nhà nghiên cứu, các người bà con và một số bạn thân), trong khi chờ giấy phép và điều kiện để có thể xuất bản rộng rãi. TXA.

 

 

 

Tác giả giữ bản quyền

từng chữ, từng ý tưởng của mình.

Trân trọng và thành thật biết ơn.

 

 

Xin tìm xem

tất cả các tác phẩm khác của tác giả.

 

 

 

Nhà Xuất bản:

 

2003

 

Chịu trách nhiệm xuất bản:

 

 

Biên tập:

 

 

Bìa:

 

 

Chữa bản in:

 

 

In 1.000 cuốn, khổ 13x19 cm,

tại xí nghiệp in:

Số đăng kí kế hoạch xuất bản:

do Cục Xuất bản cấp ngày:

Quyết định xuất bản số:

In xong và nộp lưu chiểu trong tháng:

 

Giá:

 

Tập thơ này do anh Lê Ký Thương và chị Cao Thị Kim Quy xếp chữ vi tính

từ bản thảo đánh máy chữ của Trần Xuân An,  

vốn theo hệ QuartXpress, font VnTimes,

vào tháng giêng 1998.

Tác giả tự chuyển qua hệ Word 2000, font VnTimes,

vào tháng tư 2003 (tháng 3 Quý mùi HB. 3), để tiện dụng.

Số trang, vị trí từng đoạn thơ

y như bản thứ nhất.

Bản thứ hai này có sửa chữa lại một số chữ.

Tháng 5-2005, chuyển sang hệ mã Unicode.

 

(  hết tập )

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 07/01/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7