c.a. Xem thêm - Tl.3 - Thích Tuệ Sỹ -- Huyền tượng Mẹ Âu Cơ - kho tàng huyền thoại

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

HUYỀN TƯỢNG MẸ ÂU CƠ VỚI TRĂM TRỨNG ĐỒNG BÀO

TRONG KHO TÀNG THẦN THOẠI CỦA VĂN HOÁ NHÂN LOẠI THỜI CỔ SƠ (*)

(trích đoạn)

 

Thiền sư, nhà thơ

Thích Tuệ Sỹ

 

Trong truyền thống đạo Nho của Khổng Tử, không nói đến chuyện (yêu) quái, (bạo) lực, (bạo) loạn, (quỷ) thần ; nhưng ở đây lại nói đến chuyện ly kỳ, quái dị; những chuyện ấy chuyển tải cái gì?

[ ... ... ]

              Bìa sách, bản in 2007 của Nxb. Phương Đông.

 

Huyền thoại, mà người Hoa và người Nhật gọi là thần thoại, là chuyện kể về các Thần linh. Chuyện tạo dựng trời đất; chuyện quan hệ giữa các Thần với nhau, giữa Thần và người; những chuyện tình yêu, thù hận, ganh tị, hung dữ, và nhiều điều khác, tốt cũng như xấu, có nơi loài người, cũng có nơi các Thần linh.

Một ít điển hình:

Trong thần thoại Hy Lạp, người ta kể, Cronus con trai của thần Uranus (Trời) và bà Gaia (Đất), là vị Thần nhân cách hóa của Thời gian, và cũng là thời vụ. Ông được mẹ cho lưỡi hái, để rồi ông thiến cha là Uranus, mà những dòng máu chảy tuôn ra thành các tạo vật khổng lồ, người Gigantes, được nói là tổ tiên của người khổng lồ Goliath trong Cựu ước. Sau đó, Cronus lấy em gái mình là Rhea làm vợ, rồi cai trị những người Titans. Ông nuốt tươi các con mới sinh của mình, đề phòng có thể có đứa sẽ lật đổ ông. Qua ý nghĩa thần thoại, người ta có thể tìm lại ấn tích tư duy, quan niệm của người cổ Hy Lạp về thời gian, thời vụ, sự sinh trưởng và hủy diệt của các tạo vật. Tất nhiên, người Hy Lạp cổ thời bấy giờ, trong một giới hạn ý nghĩa nào đó, tin tưởng những điều được kể là sự thực. Các nhà cổ sử học, bằng phương pháp phân tích thần thoại học, có thể lần ra dấu vết của một thời lịch sử cổ.

Mỗi dân tộc thường có chuyện kể về các Thần, kể về nguồn gốc của bộ tộc hay huyết thống của mình, mà cũng là nguồn gốc của cả thế giới. Nét chung là các Thần này có năng lực siêu nhiên, quyền năng siêu việt, sức mạnh không thể tưởng tượng, làm những điều mà loài người không thể làm được. Tuy dù các Thần có năng lực hay quyền lực siêu việt hay tuyệt đối được hiểu theo bất cứ ý nghĩa nào, thì tất cả những điều ấy cũng chỉ giới hạn trong những sự việc mà trí tưởng của con người có thể nghĩ ra được.

Những câu chuyện như thế thường bắt nguồn từ ký ức tăm tối về một thời kỳ quá khứ mà khả năng tư duy không cụ thể hóa thành ngôn ngữ thường nhật được. Núi Tu-di trong kho truyện truyền kỳ Phật giáo có thể là ký ức từ một nền văn minh xa xưa đã mất, đó là văn minh Sumer trên vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia), phía nam Irak ngày nay, trước Tây lịch khoảng bốn nghìn năm. Thiên đế Thích (Śakro devānam Indra) xuất hiện trong ký ức thần thoại có thể là hình ảnh biểu trưng của các vua của người Sumeria cai trị vùng đất cần nhiều công tác thủy lợi. Cho nên Kinh điển thường đề cập đến tiền thân của Thiên đế Thích là người đã từng thực hiện nhiều công trình xây dựng cầu đò; do công đức này mà được sinh làm Thiên đế Thích.

Truyền kỳ kể rằng trên cõi trời Tam thập tam (Tāvatimsa) có nhiều công viên, trong đó nổi tiếng là vườn Nanda, mà trong nhiều bản dịch Hán gọi là vườn Nan-đà, hay vườn Hoan Hỷ. Danh từ này khiến liên hệ đến từ Eden trong Thánh kinh Do Thái, hiểu nghĩa theo tiếng Hebrew.

Kinh điển cũng thường đề cập đến một vùng đất phương Bắc nào đó, gọi là Bắc Câu-lô châu. Đời sống dân chúng được mô tả trong đó khiến liên hệ đến những dân di mục thời tiền sử. Có lẽ là ký ức huyền thoại của tổ tiên người Aryan sau khi từ bỏ khu vực Lưỡng Hà, hay sau khi nền văn minh Sumer sụp đổ, họ tiến dần về phía nam, rồi vượt qua dãy Thông Lĩnh (Pamir) để định cư trên lưu vực Ngũ Hà.

Những chuyện truyền kỳ hay huyền thoại được kể khá nhiều trong Kinh điển Phật giáo cũng khiến người ta liên hệ đến các truyện thần thoại Hy lạp. Những trận chiến giữa Thiên Đế Thích với thủ lĩnh A-tu-la để giành lãnh địa trên đỉnh Tu-di, trong một phạm vi nào đó, cũng mang nhiều nét tương đồng với cuộc tranh giành quyền lực cai trị Titans giữa Uranus và Cronos. Điểm tương đồng nổi bật nhất là giữa Thiên đế Śakra ngự trị trên đỉnh Tu-di và Zeus, chúa tể các thiên thần ngự trị trên đỉnh Olympia.

Huyền thoại hay thần thoại như vậy là những truyện ký – không hẳn là truyền kỳ – được kể bằng ngôn ngữ mà đối với nhiều người thật là huyễn hoặc, hoang đường. Nhưng với các nhà thần thoại học, chúng một phần, hay đại bộ phận, là những ký ức lịch sử bị bao trùm trong lớp bụi mù hay sương khói của thời gian. Trong nhiều trường hợp, chính ký ức thần thoại hay huyền thoại ấy phản chiếu trung thực hơn những cái mà ngày nay ta thường nghĩ là sự thực lịch sử; phản chiếu quan niệm, đồng thời cũng là hiện thực, về huyết thống, về chủng tộc, về những ràng buộc gia đình, bố mẹ và con cái, anh chị em, về mặt xã hội cũng như về mặt di truyền. Trong kho truyện cổ Viêt Nam, ta có truyện trăm trứng, truyện Âu Cơ và Lạc Long Quân, mà vua Tự Đức bút phê trong Khâm định Việt sử là hoang đường, không thể tin. Tuy nhiên, khó có thể tìm thấy câu truyện kể nào phản ánh trung thực hơn quan niệm của tổ tiên người Việt về mối quan hệ huyết thống, chủng tộc của các cư dân trong cùng một không gian địa lý.

Thích Tuệ Sỹ

________________________

(*) Trích: Tuệ Sỹ, “Huyền thoại DUY-MA-CẬT”, lời tựa,

TẬP SAN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

PHẬT GIÁO THỪA THIÊN - HUẾ

Số 19 -  Pl. 2550 (Phổ biến nội bộ).

 

Bản vi tính của điểm mạng liên thông Quảng Đức:

http:// www. quangduc. com/ tapsan/ 38 ts nghiencuu 192. html

 

WebTgTXA. (12-04 HB8) đã đối chiếu với bản in giấy

do Nxb. Phương Đông (tại TP.HCM., Việt Nam) ấn hành, 2007, tr. 16-20.

Đầu đề đoạn trích do WebTgTXA. mạn phép đặt.

 

Trích đoạn trên được mạn phép sử dụng để bổ sung tư liệu đọc thêm cho bài viết:

Trần Xuân An -- "Tìm hiểu "'Lục độ tập kinh' và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta", chuyên luận sử học của thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát" 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update-5

____________________________________________________

Trở về

THÔNG BÁO CẬP NHẬT Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update_mucluctrang

 

TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

&

trang mục lục Giao Lưu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket_mucluctrang

(mục lục của mục này -- các trang Giao lưu)

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

(trang 1 Giao lưu)

TRANG "NGÀN WEBs CỦA NGÀN NHÀ":

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/webcacnha

Trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 

 Ngày sao chụp bài này: 12-04 HB8