l. Trần Xuân An -- Ngô Quyền hay Đinh Bộ Lĩnh -- lịch sử cổ đại nước ta - Tệp 12

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

       12 tháng 3 HB6 (2006) / 19 tháng 3 HB6 (2006)

07/01/09

           

 

 

       Lời thưa

 

       Bài 1

 

       Bài 2

 

       Bài 3

 

       Bài 4

 

       Bài 5

 

       Bài 6

 

       Bài 7

 

       Bài 8

 

       Bài 9

 

       Bài 10

 

       Bài 11

 

       Bài 12

 

       Bài 13

 

       Bài 14

 

       Bài 15

 

  Phụ lục thơ

 

    Phần cuối

 

 

 

 

 

 

 

                               

  

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

( Bài 12 )

 

Xem:

Website Giao Điểm:

http://www.giaodiem.com       

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

 

 

 

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

                

 

 

 

 

 

 

SUY NGHĨ

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ

TRONG

LỊCH SỬ CỔ ĐẠI

NƯỚC TA

 

                             

 

 

 

 

NGÔ QUYỀN

HAY ĐINH BỘ LĨNH

LÀ NGƯỜI KHAI SÁNG KỈ NGUYÊN ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ

THỜI PHONG KIẾN TRUNG ĐẠI?

 

Các cuộc khởi nghĩa lừng lẫy trong suốt hơn một nghìn năm bị áp bức, bóc lột của bọn phong kiến Trung Hoa do Trưng Trắc – Trưng Nhị (40 – 43), Triệu Thị Trinh (248), Mai Thúc Loan (722), Phùng Hưng (791) lãnh đạo đã nổ ra và sau đó bị đánh bại, trấn áp là các cuộc khởi nghĩa riêng biệt trong từng giai đoạn khác nhau. Cuộc khởi nghĩa do Lý Bôn (Lý Bí) lãnh đạo (541 – 548) lại có sự kế tục suốt 54 năm (548 – 602) do Triệu Quang Phục, Lý Thiên Bảo – Lý Phật Tử đảm nhận vai trò lịch sử. Lần này cũng vậy, không còn là cuộc khởi nghĩa riêng biệt, mà có sự tiếp nối, từ Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, đến Dương Diên Nghệ và tiếp đến là Ngô Quyền với nền độc lập, tự chủ đã giành giữ được, chấm dứt vĩnh viễn thời kì đen tối, tủi nhục hơn một nghìn năm nô lệ giặc Tàu phong kiến, để cuối cùng, Đinh Bộ Lĩnh sẽ thực hiện được sự thống nhất non sông Tổ quốc, sau 20 năm nội chiến, cát cứ giữa 12 sứ quân. Từ đó, dân tộc ta lại nối tiếp thời kì vẻ vang vua Hùng dựng nước ở một tầm mức phát triển cao hơn, hiển hách hơn.

Tuy vậy, các sử gia vẫn đặt lại vấn đề: Ngô Quyền hay Đinh Bộ Lĩnh là người khai sáng kỉ nguyên độc lập, tự chủ thời phong kiến trung đại? Có người còn khẳng định chính nhân vật lịch sử Khúc Thừa Dụ là người đã thực hiện nhiệm vụ lịch sử ấy!

 

1

Người anh hùng, nhà quân sự kiệt xuất Ngô Quyền

 

Sau khi Dương Diên Nghệ hai lần đánh bại quân Nam Hán, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, ông đã đột ngột qua đời bởi một kẻ nội phản đê tiện là Kiều Công Tiễn (Kiểu Công Tiện, người Phong Châu nước ta), vào năm Đinh dậu (937). Càng đê mạt hơn nữa, khi Tiễn lại xin thần phục “nước láng giềng phía Bắc” do Lưu Nham (tức Lưu Cung) nắm quyền, ấy là nước Nam Hán! Bấy giờ, ở trung nguyên Trung Hoa, Thạch Kỉnh Đường (tộc người Sa Đà) đã tiêu diệt nhà Hậu Đường (936 ?), lập nên nhà Hậu Tấn được 2 năm. Năm sau, Mậu tuất (938), người con rể của Dương Diên Nghệ, vốn đang là nha tướng coi giữ đất Ái Châu (Thanh Hoá), đã kéo quân ra Bắc.

Cương mục (1) chép: “Năm Mậu tuất (938). ([Hậu – ct.] Tấn, năm Thiên Phúc thứ 3). Tháng 9, mùa thu. Một nha tướng khác của Dương Diên Nghệ là Ngô Quyền khởi binh, đánh giết Kiểu Công Tiện. Chúa Nam Hán, Lưu Cung sai con là Hoằng Tháo sang cứu viện. Ngô Quyền đón đánh ở sông Bạch Đằng: quân Nam Hán bị thua, Hoằng Tháo chết đuối.

Ngô Quyền, người xã Đường Lâm [đồng hương với Bố Cái đại vương Phùng Hưng – ct.], thuộc dòng dõi quý tộc đã lâu đời, cha là Mân, trước làm quan mục ngay châu nhà. Khi Ngô Quyền mới sinh, có điềm sáng rực cả nhà, trạng mạo đặc biệt khác thường, trên lưng có ba nốt ruồi đen. Người xem tướng lấy làm lạ, bảo rằng sau này có thể làm chúa một phương. Vì thế mới gọi tên là Quyền. Khi Quyền lớn lên, mặt mũi khôi ngô, mắt sáng như chớp, chân bước khoan thai như dáng con hổ, có trí dũng, sức khoẻ cất nổi cái vạc, làm nha tướng của Diên Nghệ. Diên Nghệ gả con gái cho. Ngô Quyền coi giữ Ái Châu. Khi Công Tiện giết Diên Nghệ, Ngô Quyền đem quân từ Ái Châu ra đánh, giết được Công Tiện.

Theo sách Cương mục (Trung Quốc), Công Tiện sai sứ đem của đút lót cho chúa Nam Hán để xin cứu viện. Chúa Nam Hán là Lưu Cung định nhân dịp rối loạn ấy sang lấy Giao Châu, mới cho con là Hoằng Tháo làm Giao vương, đem quân sang cứu Công Tiện. Lưu Cung có hỏi Sùng Văn sứ là Tiêu Ích về sách lược; Tiêu Ích trả lời: ‘Hiện này mưa dầm đã suốt mấy tuần, đường biển hiểm trở xa khơi; Ngô Quyền lại là người giỏi lắm, chớ nên coi thường. Đại quân phải nên giữ gìn thận trọng, dùng nhiều người đưa đường rồi sau hãy tiến’. Lưu Cung không nghe, sai Hoằng Tháo đem thuyền chiến kéo thẳng sang đánh Giao Châu. Khi ấy, Ngô Quyền đã giết được Công Tiện, đem quân đón đánh. Trước hết lấy các cọc gỗ đầu đẽo nhọn và bịt sắt trồng ngầm ở cửa biển, nhân lúc nước triều lên, cho các thuyền nhẹ ra khiêu chiến, rồi giả cách thua chạy. Hoằng Tháo đuổi đánh, thình lình nước triều rút cạn, thuyền chiến mắc phải cọc bịt sắt, không trở về được; quân Nam Hán bị thua to, Hoằng Tháo bị chết đuối.

Theo Ngũ đại sử […], Lưu Cung đem quân đóng ở trấn Hải Môn. Ngô Quyền ra đón đánh, Hoằng Tháo bị thua và chết, Lưu Cung thu quân kéo về” (2).

Toàn thư (3) còn ghi thêm câu nói đầy tự tin của danh tướng Ngô Quyền lúc Lưu Cung, Hoằng Tháo mới xuất quân: “Hoằng Tháo là đứa trẻ dại khờ, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi…” (4), và ghi cả cảnh tượng chiến đấu, chiến thắng oai hùng của quân ta, cảnh tượng thất trận nhục nhã của bọn cướp nước Nam Hán: “Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, [Ngô – ct.] Quyền bèn tiến quân ra đánh, ai nấy đều liều chết chiến đấu. [Quân Hoằng Tháo] không kịp sửa thuyền, mà nước triều rút xuống rất gấp, thuyền đều mắc vào cọc mà lật úp, rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nửa. [Ngô – ct.] Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt được Hoằng Tháo giết đi. Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân lính còn sót rút về…” (4).

Cuộc chiến thắng lẫy lừng trên sông Bạch Đằng (938) đã chấm dứt giai đoạn Toàn thư gọi là kỉ Nam – Bắc phân tranh (5).

Năm Kỉ hợi (939), vào mùa xuân, Ngô Quyền tự xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa, lập người vợ họ Dương (con gái Dương Diên Nghệ) làm hoàng hậu; đặt các quan chức, dựng nghi lễ trong triều, định màu sắc các lễ phục, triều phục cũng như các loại áo mão khác.

Như vậy, một triều đình của vương quốc độc lập, tự chủ đã được trang trọng thành lập, sau hơn một nghìn năm gánh ách nô lệ của giặc Tàu phong kiến.

Sử gia Lê Văn Hưu đã ca ngợi với niềm tự hào: “Tiền Ngô vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người Phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một trận nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được” (6).

Sử gia Ngô Sĩ Liên cũng khẳng định: “Tiền Ngô [vương] nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của bậc đế vương” (6).

Về sau nữa, Ngô Thì Sĩ ngợi ca: “Trận thắng lợi trên sông Bạch Đằng là cơ sở sau này cho việc khôi phục lại quốc thống. Những chiến công của các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào uy thanh lẫm liệt để lại ấy. Trận Bạch Đằng này là vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu?”; “Vua Ngô Quyền giết được giặc nội phản để trả thù cho chúa [Dương Diên Nghệ – ct.], đuổi quân ngoại xâm để cứu nạn cho nước, xây dựng quốc gia, đem lại chính thống, công nghiệp thực là vĩ đại” (7).

Công đức trị bình chưa thể hiện rõ trong đời sống nhân dân sau đêm trường hơn nghìn năm nô lệ, Ngô Quyền đã vội qua đời, vào năm Giáp thìn (944)! Ông mất đi, triều đình lại bị nội biến. Không ai khác, chính người em ruột của Dương hoàng hậu, là Dương Tam Kha, đã cướp ngôi của cháu. Ngô Xương Ngập, con trai cả của Ngô Quyền phải lánh nạn. “Xương Ngập sợ, chạy đến Nam Sách Giang, ẩn náu tại nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương. Tam Kha nuôi con thứ hai của Ngô vương Quyền là Xương Văn làm con của mình…” (8). Nhưng sự thể ấy cũng không thể tránh khỏi cảnh xâu xé trong nội bộ triều đình. Xương Văn cùng hai tướng là Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc, quyết giành lại ngai báu. Kết cục, sau 6 năm tiếm quyền, Dương Tam Kha bị truất phế. Ngô Xương Văn rước anh là Ngô Xương Ngập về. Ngô Xương Ngập cùng em trông coi việc nước, nhưng chỉ được một thời gian, Ngập lại lấn cả quyền em. Ngô Xương Văn đành ẩn nhẫn. Đến khi Ngập chết bệnh (Giáp dần, 954), Ngô Xương Văn mới thực sự nắm vương quyền.

Tuy nhiên, cha anh hùng, con lại hèn hạ! Chính Nam Tấn vương Ngô Xương Văn “sai sứ sang xin mệnh lệnh chúa Nam Hán là Lưu Thạnh. Nam Hán phong cho Nam Tấn vương chức Tĩnh Hải quân tiết độ sứ kiêm đô hộ” (9)!

Ngô Xương Văn trị vì được 15 năm (951 – 965). Sau đó, trong một trận tiễu phạt nhỏ ở hai thôn hẻo lánh, Xương Văn đã bị tên nỏ mai phục, và đã chết. Triều nhà Ngô (Tiền Ngô, 939 – 944; và Hậu Ngô, 951 – 965) mất theo.

 

2

Đinh Bộ Lĩnh,

người dẹp tan cuộc nội chiến Mười hai sứ quân,

thống nhất Đất nước về một mối

 

Trong điều kiện hạn chế chung của thời cổ – trung đại trên thế giới và điều kiện hạn chế có tính khu vực (địa – chính trị) của thuở bấy giờ, dẫu sao, Đất nước cũng đã được độc lập, tự chủ. Tuy nhiên, chính “ma lực dục vọng” quyền bính đã khiến xui, dẫn đến tình huống xâu xé, tranh đoạt trong nội bộ thân thuộc và trong nước, sau khi đã đánh dẹp, ngăn chặn được nạn ngoại xâm. Đúng hơn, nguy cơ ngoại xâm từ một đế quốc luôn nuôi tham vọng bành trướng vô độ là Trung Hoa (gồm cả tiểu quốc Nam Hán) vẫn còn đó, chưa kể từ các nước láng giềng (Hoàn Vương [Lâm Ấp]; Nam Chiếu [Vân Nam]) và giặc bể (Chà Và, Côn Luân [Nam Dương]), nhưng sự tranh đoạt quyền bính, sự cát cứ địa phương trong nước đã bùng nổ.

Kiều Công Tiễn (Kiểu Công Tiện), rồi lại Dương Tam Kha là hai kẻ đầu sỏ nội loạn đáng trách nhất trong giai đoạn này.

Ngay khi Dương Tam Kha cướp ngôi của người cháu gọi mình bằng cậu ruột, cuộc nội chiến đã khởi đầu. Đó là sự cát cứ xưng hùng xưng nhưng sử sách gọi là “loạn các sứ”. Trước sau, có tất thảy 12 sứ quân, chiếm cứ mười hai vùng đất, tranh hoành lẫn nhau. Một trong những người nổi binh sớm nhất, có lẽ là Trần Lãm (Trần Minh Công). Trần Minh Công chính là sứ quân mà Đinh Bộ Lĩnh, trong thuở ban đầu tham gia vào cuộc nội chiến, đã đứng vào hàng ngũ thuộc hạ của ông.

Cương mục ghi lời cẩn án: “Xét kĩ ra, thì ngay từ năm thứ nhất đời Nam Tấn [Ngô Xương Văn – ct.], đã thấy có chép ‘Bộ Lĩnh giữ Hoa Lư, Nam Tấn vương và Thiên Sách vương đến đánh không được’. Vậy thì Trần Minh Công khởi binh phải ở vào trước khi Xương Văn chưa lấy lại được nước [từ tay Dương Tam Kha – ct.]. Cứ thế mà suy ra, mười hai sứ quân chiếm giữ các huyện ấy phải có kẻ trước kẻ sau, không giống nhau, chứ không phải đến khi Nam Tấn vương mất rồi, mười hai sứ quân mới đồng thời nổi dậy” (10).

Toàn thư chép: “Bấy giờ trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc vào ai. Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng Trần Minh Công là người có đức mà không có con nối, bèn cùng với con là Đinh Liễn đến nương tựa” (11).

Thật ra, tình thế Đất nước chỉ như thể là không có chủ!

Toàn thư trước đó đã ghi rõ, ngay từ năm Tân hợi (951), để có thời gian củng cố thế lực, chính Đinh Bộ Lĩnh đã cho con trai cả của mình vào triều Ngô để làm con tin. Con tin ấy là Đinh Liễn: “Bấy giờ, người động Hoa Lư là Đinh Bộ Lĩnh cậy núi khe hiểm cố, không chịu giữ chức phận làm tôi. Hai vương [Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn – ct.] muốn cất quân đi đánh; Bộ Lĩnh sợ, sai con là Liễn vào triều làm con tin để ngăn chặn việc xuất quân. Liễn đến, hai vương trách tội [Bộ Lĩnh] không đến chầu, rồi bắt giữ Liễn đem theo đi đánh…” (12).

Đến lúc Ngô Xương Văn trúng tên nỏ phục kích, qua đời (965), các sứ quân lại càng có thời cơ để đẩy mạnh cuộc nội chiến tương tàn thảm khốc. Ngô Xương Xí, con trai của Ngô Xương Văn, không giữ nổi triều đình, cũng không có cựu thần triều Ngô nào ủng hộ, nên rơi xuống mức độ chỉ là một trong 12 sứ!

1.  Trần Lãm (Trần Minh Công)

2.  Kiều Công Hãn (cháu nội Kiều Công Tiễn)

3.  Kiều Thuận (em ruột Kiều Công Hãn)

4.  Nguyễn Khoan

5.  Nguyễn Thủ Tiệp (anh em ruột của Nguyễn Khoan, quan cũ nhà Ngô)

6.  Nguyễn Siêu (như Nguyễn Thủ Tiệp)

7.  Ngô Nhật Khánh (tôn thất nhà Ngô)

8.  Lý Khuê

9.  Lữ Đường

10.  Phạm Bạch Hổ (nguyên bộ tướng của Ngô Quyền)

11.  Ngô Xương Xí (con trai Ngô Xương Ngập)

12.  Đỗ Cảnh Thạc (tướng của triều Ngô).

Bấy giờ ở trung nguyên Trung Hoa, nhà Hậu Chu đã bị Triệu Khuông Dận [:Dẫn] tiêu diệt, lập nên nhà Tống, từ 5 năm trước (960). Nhưng quyền lực nhà Tống cũng chưa vươn xa được đến nước ta. Hơn nữa, phía bắc nước ta còn có nước Nam Hán gần như án ngữ. Do đó, không ai khác, chính người Việt (gồm một vài kẻ là quan lại nhà Đường cũ?) đã xâu xé nhau hết sức đau lòng.

Cương mục ghi chép, khảo đính về thời đoạn này: “Năm Bính dần (966), […]. Từ khi Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, thổ hào các nơi đua nhau nổi dậy. Xương Văn tuy lấy được nước, nhưng chính sự cẩu thả, không thể thống nhất được; đến khi đi đánh Thái Bình, không được, [Xương Văn – ct.] bị chết trận; từ đó trong nước rối loạn. […]” (12).

Năm Đinh mão (967), “thế lực quân đội của Bộ Lĩnh mỗi ngày một mạnh, đánh đâu được đấy, lại phá được đám giặc ở Đỗ Động Giang [do nha tướng nhà Ngô là Đỗ Cảnh Thạc lãnh đạo – ct.]. Các bộ đều dẹp yên được cả. Quan lại và nhân dân các châu, các phủ không ai không quy phục”  (13).

Cương mục viết về việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua: “Dẹp tan mười hai sứ quân, tự lập lên làm hoàng đế” (14), “đóng đô ở Hoa Lư”, “bầy tôi dâng tôn hiệu. Tôn hiệu nhà vua là Đại Thắng Minh hoàng đế” (15). Đinh Bộ Lĩnh lại lấy niên hiệu với tư cách một vị vua của một vương triều bề thế. Từ năm Canh ngọ (970), bắt đầu gọi là năm Thái Bình thứ 1 (16).

Triều đại mới của nước ta cũng thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà Tống. Đinh Liễn (Nam Việt vương) là người chuyên trách lĩnh vực này.

Triều đình do Đinh Bộ Lĩnh thành lập khá có quy mô.

Ngoài việc đặt phẩm cấp cho quan văn võ, Đinh Bộ Lĩnh lại chứng tỏ là một vị vua “tôn sùng đạo Phật, mới đặt phẩm cấp cho tăng nhân và đạo sĩ: ban hiệu Thái sư cho Chân Lưu, lại cho Trương Ma Ni làm Tăng lục đạo sĩ, Đặng Huyền Quang làm Sùng chân uy nghi” (17). Cùng chức hàm thái sư (tể tướng triều đình), tăng sĩ Ngô Chân Lưu còn có danh hiệu được sắc tặng là Khuông Việt (17).

Duy có một điều đáng phấn khởi nhất, đó là việc Đinh Bộ Lĩnh đã đặt quốc hiệu mới cho nước ta, một cách khá thuần Việt, nếu không nói là đã rất thuần Việt: Đại Cồ Việt.

Đinh Bộ Lĩnh lập nên triều đại mới từ chiến tích dẹp tan nội chiến, cát cứ, chứ không phải bằng chiến công đánh ngoại xâm.

 

TP. HCM., khởi viết từ lúc 08 giờ sáng

ngày 17. 07. HB4 (01. 06 Giáp thân HB4);

viết xong lúc 15 giờ 36 phút cùng ngày.

TRẦN XUÂN AN

 

 

Cước chú của bài Ngô Quyền hay Đinh Bộ Lĩnh…:

 

(1) Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884) (gọi tắt là Cương mục), tiền biên và chính biên, bản dịch (2 tập), tập 1, Nxb. Giáo Dục, 1998.

 

(2) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 221 – 222 (Tb. [tiền biên], [quyển] V, [tờ] 18 – 19). TXA. chua thêm (ct.).

 

(3) Đại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), bản in nội các quan bản (1697), bản dịch (3 tập), tập 1, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003.

 

(4) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 292 – 293 (NK. [ngoại kỉ], q. [quyển] V, [tờ] 19b – 20a). TXA. ct..

 

(5) Kỉ phân tranh giữa hai miền Quảng Châu [Bắc] – Giao Châu [Nam]; Quảng Châu vốn là đất cũ của nước ta, Lưu Cung chiếm đóng, lập ra nước Nam Hán.

 

(6) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 294 (NK., q. V, tờ 21a). TXA. in đậm (iđ.) & ct..

 

(7) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 222 – 223 (Tb., V, 19 – 20). TXA. iđ. & ct.. Xem thêm: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản dịch: Nguyễn Trọng Điềm, hiệu đính: Đào Duy Anh, tập 4, Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr. 252: Vế đối của vua nhà Minh – Hy Tông, và vế đáp của sứ thần nhà Lê nước ta – Giang Văn Minh (người tỉnh Sơn Tây) về trụ đồng Mã Viện và các trận chiến thắng quân Nam Hán, quân Nguyên – Mông của quân dân ta dưới sự chỉ huy của Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn trên sông Bạch Đằng:

Đồng trụ chí kim đài dĩ lục

Đằng giang tự cổ huyết do hồng

(Trụ Mã đến nay rêu đã lục

Sông Đằng từ cổ máu còn hồng).

Vua Minh – Hy Tông tức giận đến mức vi phạm luật lệ ngoại giao, ra lệnh bắt Giang Văn Minh và mổ bụng ông. Giang Văn Minh là một sứ thần dũng cảm, không chịu để nhục quốc thể.

 

(8) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 224 (Tb., V, 21).

 

(9) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 228 (Tb., V, 25). TXA. iđ. & ct..

 

(10) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 231 (Tb., V, 28 – 29). TXA. iđ. & ct..

 

(11) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 301 – 302 (NK., q. V, tờ 25b).

 

(12) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 298 (NK., q. V, tờ 23b – 24a). TXA. iđ. & ct..

 

(12) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 230 (Tb., V, 27). TXA. iđ. & ct..

 

(13) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 233 (Tb., V, 31 – 32). TXA. ct.. Cương mục ghi chép thêm thư tịch cổ của Trung Hoa Ngũ đại sử và Thập quốc Xuân thu. “Theo sách Thập quốc Xuân thu  của Ngô Nhận Thần nhà Thanh, […]. Trước kia, Ngô Xương Văn mất, tướng tá của Xương Văn là Lã Xử Bình cùng với thứ sử Phong Châu [nước ta] là Kiều Tri Hựu gây loạn, Bộ Lĩnh cùng với con là Đinh Liễn đánh bại Xử Bình, được dân chúng suy tôn lên làm vua” (sđd., tr. đã dẫn).

 

(14) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 237 (Cb. [chính biên], I, 2).

 

(15) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 237 (Cb. [chính biên], I, 2 – 3).

 

(16) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 238 (Cb. [chính biên], I, 3).

 

(17) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 239 (Cb. [chính biên], I, 4 – 5).

 

TXA.

 

 

(  xem tiếp bài 13

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

              Cập nhật: 07/01/09

              (tháng / ngày / năm)

  

Google page creator  /  host