g. Bài 7-Tl.1 - Trần Xuân An - Vài lời trao đổi với ông Nguyễn Văn Hóa

 

Web. Tác giả Trần Xuân An

 

 

BÀI THỨ BẢY

 

Bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm

số tháng 10-2005 và số tháng 11-2005

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm

posted: 27.10.2005

 

Web Giao điểm tự ý thu hồi phần mở: "Vài lời của web Giao Điểm", vì thấy không cần thiết. Xin cáo lỗi cùng bạn đọc! Web GĐ.. 10/26/2005 10:07:26PM

 

Thư cậy đăng!

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

VÀI LỜI TRAO ĐỔI VỚI ÔNG NGUYỄN VĂN HÓA

(CHỦ BIÊN TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ GIAO ĐIỂM)

 

Đêm hôm qua, 25 tháng 10 HB5, tôi đã đọc bài Mở đầu của ông chủ biên Tạp chí điện tử Giao Điểm, một bài viết được lên mạng viễn thông trước khi ông cho đăng tải trọn bộ sách "Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)" của tôi.

 

Bài viết của ông Nguyễn Văn Hóa (chủ biên Tạp chí điện tử Giao Điểm) là một bài Mở đầu rất công phu và chắc chắn là quá trình viết không phải không khó nhọc. Thật sự đó là một bài nghiên cứu phối hợp với những ý tưởng của một lời tựa cho một bộ sách.

 

Tuy nhiên, tôi nhận thấy, nhắc lại những điều xuyên tạc, bôi nhọ hoặc không xác thực của những người nghiên cứu sử như Phạm Văn Sơn, Thái Văn Kiểm, Nguyễn Văn Thọ (*), kể cả một đoạn, một câu do Nguyễn Đắc Xuân, Cao Huy Thuần, Trần Văn Giàu... viết (**), thật ra không có lợi gì cả, thậm chí kẻ xấu bụng có thể vin vào đó mà lợi dụng trong việc xuyên tạc, bôi nhọ. Hơn nữa, ông lại đặt vấn đề bằng cách lập phản đề:  Đề cập đến một tác phẩm, "Mật mã  Da Vinci", mà bản dịch tiếng Việt của nó hiện thời đang bán khá chạy (hay chạy nhất, "best-seller") nhưng rất tai tiếng. Ngoài ra, trong đó, về nội dung, có chi tiết đại để là Jésus Christ không chết trên cây thập giá mà chạy sang Pháp, sống chung đời vợ chồng với Mary Magdalene (Marie Madelaine, Madalena), sinh con đẻ cháu... Theo cảm thụ thông thường trước một chỉnh thể văn bản, trong nhận thức và tâm lí tiếp nhận của người đọc sẽ hình thành một trường liên tưởng và tổng hợp hóa, từ bất giác đến có ý thức, về những chi tiết, những trường đoạn chứa đựng trong chỉnh thể văn bản ấy. Điều này, với sự mẫn cảm nghề nghiệp, chính tác giả bài viết (ông chủ biên Nguyễn Văn Hóa) đã thể hiện rõ sự khẳng định lại cuốn "Nguyễn Văn Tường [1824 – 1886], 'những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được' " của tôi, vốn đã được ông cho đăng trên web Giao Điểm tháng 5-2005 (1). Tuy vậy, có lẽ sự liên tưởng, nối kết giữa phản đề (Jésus trong “Mật mã Da Vinci”) với chính đề (Nguyễn Văn Tường trong bộ sách đang được ông giới thiệu), sự tổng hợp hóa các chi tiết, trường đoạn trong bài viết, thường diễn ra trong quá trình tiếp nhận ở người đọc, như đã trình bày, vẫn gây thêm cho người đọc những hoài nghi về một nhân vật lịch sử vốn đã bị xuyên tạc, bôi nhọ và vốn chịu nhiều sự hồ nghi thiếu cơ sở từ nhiều thập niên qua, nếu chính đề không được khẳng định mạnh mẽ. Phải chăng đây là một thủ pháp gợi mở để mời gọi người đọc đến với tác phẩm?

 

Tôi viết bộ sách "Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)" cũng như những cuốn khảo luận, biên soạn về đề tài này để khẳng định Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) là người yêu nước, chống Pháp với phương châm "chủ chiến là tiên quyết và hậu quyết, hoà là cơ nghi", nhằm xoá tan những xuyên tạc, bôi nhọ, hoài nghi do các người nghiên cứu sử vô tình và kẻ thù lắm ác ý của dân tộc Việt Nam ta và của Nguyễn Văn Tường đã từng gây ra trên sách báo.

 

Tất nhiên tôi vẫn rất thích phương châm nghiên cứu khoa học "KHÔNG ĐẶT VẤN ĐỀ [không hoài nghi khoa học], SẼ KHÔNG BAO GIỜ CÓ KHOA HỌC". Tôi muốn nói đến phương pháp hoài nghi do yêu cầu khoa học, chứ không phải tâm thức hồ nghi do mù quáng, kém hiểu biết hay hoài nghi chủ nghĩa, lấy hoài nghi làm cứu cánh, gieo rắc sự hoang mang nhằm mục đích lung lạc.

 

Tuy nhiên, Nguyễn Văn Tường khác với Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, khác với Trương [Công] Định, Nguyễn Tri Phương ... ở chỗ là Nguyễn Văn Tường vốn là một nhân vật lịch sử đã chịu nhiều oan khuất cần làm sáng tỏ, còn các nhân vật lịch sử kia vốn đã được khẳng định từ lâu, không ai có thể nghi ngờ điều gì. Do đó, phải vận dụng phương châm nghiên cứu khoa học trên một cách khác nhau.

 

Jésus Christ cũng thuộc loại nhân vật lịch sử, nhưng  có đến 1.500.000.000 tín đồ Ki-tô (gồm Thiên Chúa giáo, Chính thống giáo, Tin lành giáo, Anh giáo) khẳng định, tôn thờ hai ngàn năm nay, do đó đặt ngược vấn đề cũng rất nên, và còn có thể nói là rất cần thiết (cần thiết phải giải hoặc về những mê tín, giáo điều mà các giáo hội Ki-tô đã bao phủ quanh nhân vật Jésus phàm trần này).

 

Trong khi đó, so sánh với các nhân vật lịch sử nêu trên, Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) lại ở trường hợp ngược lại (chưa được minh oan), cho nên, cần khẳng định dứt khoát với những cứ liệu đã được giám định khoa học: Nguyễn Văn Tường là người yêu nước, chống Pháp với phương châm "chủ chiến là tiên quyết và hậu quyết, còn hoà là cơ nghi"; Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) đã chết tại Tahiti vào ngày 30-7-1886 với tinh thần, thái độ chính trị nhất quán như thế; di thể ông được đưa về nước an táng lại tại quê nhà, hiện nay còn phần mộ.

 

Nếu bài viết Mở đầu của ông chủ biên Tạp chí điện tử Giao Điểm khẳng định kết luận trên về Nguyễn Văn Tường (phủ định “phần nhập đề bằng phản đề” – tức là phản chứng) một cách mạnh mẽ ở đoạn kết, chắc chắn người viết bộ sách là tôi sẽ rất yên tâm, nhưng ông vẫn cố ý sử dụng thủ pháp treo vấn đề, vấn đề dường như còn lửng lơ như thế, để mời gọi người đọc khám phá bộ sách, đồng thời để bộ sách tự nói lên điều mà tác giả đã quả quyết minh chứng bằng khảo cứu tư liệu lịch sử và diễn đạt khảo luận ấy qua ngôn ngữ truyện kí.

 

Thật ra, tôi ý thức tôi viết bài phản hồi này theo tâm lí của một tác giả lo sợ tác phẩm – công trình khảo cứu tư liệu lịch sử của mình bị người đọc cảm nhận ngoài ý muốn.  Và điều mọi người đều nhận thấy là không một vị chủ biên nào quan tâm hơn đến đề tài lịch sử giai đoạn nước ta phải đương đầu với thực dân Phương Tây và “tả đạo” Thiên Chúa giáo này như ông Nguyễn Văn Hóa. Ông đã rất ưu ái trong việc đăng tải những khảo cứu, biên soạn và truyện – sử kí về Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) của tôi cũng vì mối quan tâm đó trong sự đồng cảm sâu sắc. Tạp chí điện tử Giao Điểm cũng là một diễn đàn luôn nêu cao tinh thần dân chủ trong học thuật, thể hiện ngay cả việc chủ biên (tổng biên tập) sẵn sàng đối thoại với những tác giả cộng tác viên. Đây phải chăng là một trường hợp tiêu biểu cho tinh thần ấy?

 

Mong bộ sách sẽ được đăng tải trọn vẹn. Mong đề tài trọng tâm của bộ sách sẽ được nghiên cứu, thảo luận khoa học; kết luận của tác giả về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) đúng như sự thật lịch sử đã xảy ra, sẽ được giới nghiên cứu sử học, các nhà văn và đông đảo người đọc đồng thuận, nhất trí.

 

     Tp. HCM., ngày 26 tháng 10,

     năm thứ năm Công nguyên Hòa Bình (HB5)

     Trần Xuân An

 

tranxuanan_vn@yahoo.com  ,

tranxuanan_tphcm@yahoo.com.vn  

Chú thích:

 

(*) Đính chính: Phạm Văn Sơn chép lại mẩu đối thoại giữa Nguyễn Văn Tường và Philastre lúc nghe tin F. Garnier đã bị quân Cờ Đen phục kích, giết chết, trong "Quôc triều toát yếu" (Quốc sử quán triều Nguyễn, bản tiếng Việt) và trong "Đại Nam thực lục", chính biên (QSQTN., bản dịch Viện Sử học VN., Hà Nội) cũng như trong "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim. Lời khen Nguyễn Văn Tường là nhà ngoại giao bình tĩnh, khôn khéo, tài giỏi là của Trần Trọng Kim và Nguyễn Thiệu Lâu ("Quốc sử tạp lục"), chứ không phải của Phạm Văn Sơn. Phạm Văn Sơn chỉ lặp lại. (13-11-2005, TXA.)

 

(**) Đính chính: Nguyễn Văn Tường vẫn luôn luôn đứng về phía các nhà nho, và vẫn thực hiện nhiệm vụ hòa giải cuộc “lương – giáo phục thù” ở Bắc Kỳ vào cuối năm 1873, bước sang đầu năm 1974, do triều đình giao phó. Chỉ ở cuộc hòa giải “lương – giáo phục thù” ấy tại Nghệ - Tĩnh, 1974, Nguyễn Văn Tường mới thực thi theo phương châm “ngọc đá đều cháy” (trấn áp cả Trần Tấn, Đặng Như Mai [NGỌC] và “tả đạo” Thiên Chúa giáo [ĐÁ]). Tuy nhiên, ở mặt trận đó, không chỉ Nguyễn Văn Tường (đường thủy), mà cả Tôn Thất Thuyết (đường bộ), và chủ yếu là Tôn Thất Thuyết trực tiếp hành quân, trấn áp. Xin hiểu câu trích dẫn của TS. Cao Huy Thuần như trên. (13-11-2005, TXA.).

(1) Xin bấm vào đây, để xem:

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm

TXA.

 

 

Xem tiếp: Bài thứ tám:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta_b8.htm

 

Trở về: Trang mục lục của tập bài viết "Luận về thời chúng ta...":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta

 

Trở về trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

 

Google page creator /  host

  Ngày đưa lên trang web này: 28-4 HB7

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE