a. Trần Xuân An - Ngôi trường tháng giêng - Tệp 1b

author's copyright

 

TRẦN XUÂN AN

 

06/30/09

12 tháng 3 năm HB6 (2006)

           

 

        Phần 1

 

        Phần 2

 

        Phần 3

 

        Phần 4

 

        Phần 5

 

        Phần 6

 

        Phần 7

 

        Phần 8

 

        Phần 9

 

        Phần 10

 

        Phần 11

 

        Phần 12

 

        Phụ lục

 

 

 

 

 

 

 

trần xuân an

 

 

ngôi trường

tháng giêng

 

tiểu thuyết

 

 

 

 

 

 

 

 

nhà xuất bản

THANH NIÊN

 

2003

 

 

 

            

 

xem

http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/

( phần 1 )

ĐĨA MỀM GHI BẢN VI TÍNH THỨ NHẤT

(nhờ anh Lê Ký Thương và chị Cao Thị Kim Quy xếp chữ

từ bản thảo viết tay

để dự cuộc thi tiểu thuyết 1998 – 2000 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức)

ĐÃ BỊ MẤT CHỮ !

BẢN NÀY TÁC GIẢ TỰ XẾP CHỮ VI TÍNH LẠI

TỪ 13 GIỜ 15 PHÚT NGÀY MƯỜI SÁU THÁNG BA

HAI KHÔNG KHÔNG BA

MƯỜI MỘT THÁNG HAI QUÝ MÙI

NĂM THỨ BA CÔNG NGUYÊN HÒA BÌNH

XẾP CHỮ  (có sửa chữa, bổ sung)

XONG VÀO LÚC MƯỜI GIỜ KÉM HAI PHÚT,

NGÀY KHÔNG SÁU THÁNG TƯ

HAI KHÔNG KHÔNG BA

NĂM THỨ BA CÔNG NGUYÊN HÒA BÌNH

(05.03 QUÝ MÙI HB.3)

TẠI TP. HCM.

 

Xin tạ ơn ngọn bút,

biểu tượng của sự công chính và liêm khiết trí tuệ.

Xin yêu thương, trân trọng

và bảo vệ

từng dòng chữ mồ hôi nước mắt

của chất xám và trái tim.

TXA.

 

Lời thưa trước khi vào truyện

 

Trong tiểu thuyết này chắc chắn có một vài chi tiết khiến người đọc kính mến này hay người đọc thân ái kia không hài lòng. Nhưng biết làm thế nào được, bởi một tác phẩm luôn gắn liền với một giai đoạn lich sử nhất định, và nhân vật không thể không có cá tính, tư tưởng riêng. Xin người đọc vui lòng hình dung ra những năm đầu của giai đoạn giao thời, 1975 – 1980, trong bối cảnh Miền Nam Việt Nam…

Trân trọng và cảm ơn.

 

Tác giả,

Trần Xuân An.

 

 

 

 

1

 

Sáng sớm tháng chín năm ấy, thời tiết bắt đầu chuyển qua mùa khô và rét, tôi vẫn nghe hơi nóng từ lưng, từ ngực tỏa ra dưới mấy lần áo, khi ghì xe đạp bên một thềm quán để chờ Huyện dỡ va li, xách tay đặt xuống nền đất tráng nhựa. Nam cũng ghì giữ xe anh, đảo mắt tìm cô gái có chung nhiệm sở với chúng tôi ở huyện Công. Huyện lại qua giúp anh.

Tôi thở phào, chờ những cơn gió lạnh luồn qua mấy khúc phố thổi dịu lại mình. Dốc, đồi, hồ nước. Cao chót vót bao ngọn thông, có lẽ cũng khá sâu nơi các chú cá ẩn mình. Đẹp, lãng đãng sương mù trong trường ca Đăm San, trong truyền thuyết tình yêu Li Ang Bi An (Liang Bian), càng đẹp, lãng đãng sương mù đang rất thật, thứ sương mù phơn phớt, lóng lánh nắng hừng đông. Nhưng tôi làm sao bì nổi người Thượng và dân Đà Lạt vốn quen dốc quen đồi, thư thả, thong dong, có thể nhẹ nhàng, thanh thoát nữa, trong từng bước chân đến chợ, mặc dầu họ đang gùi hoặc vác các loại hàng hóa. Tôi điều hòa hơi thở gấp vì mệt, cũng đảo mắt tìm cô gái đã khiến trái tim rất khỏe của tôi rối nhịp.

Huyện đã vào hẳn trong quầy vé đông chật những khách. Nam nóng ruột cũng vào theo. Thôi thì đành vậy, mặc hành lí, mặc hai chiếc xe đạp nặng nề, cũ kĩ, tôi ghé vào quán gọi một li cà phê đen, một điếu thuốc lá thơm. Đưa tầm mắt lên cao theo vách ta luy bằng đá khối trước mặt, tôi bỗng cảm mến những đóa hoa diếp dại nở cheo leo trên đó. Những hạt mầm phiêu lưu đã nương theo gió, đậu lại kẽ đá, trổ lá xanh, hoa vàng xinh xắn. Tôi hiểu tôi đang ngắm trời ngắm đất để tự đánh lừa mình đây! Dẫu sao cô gái Sài Gòn ấy cũng đã có bạn trai rồi. Hôm trình diện ở Phòng Tổ chức của Ty Giáo dục tôi cứ đinh ninh thế, nhưng mong đừng là thế … Tôi vui biết bao khi biết cô sẽ cùng chúng tôi về huyện Công!

Bây giờ cô gái có tên Lộc Biếc ấy ở đâu? Đã hẹn gặp nhau ở bến xe này rồi cơ mà! Tôi nhớ gương mặt xinh đẹp của Lộc Biếc ràn rụa nước mắt. Cô khóc tức tưởi, còn chúng tôi buồn nẫu người, khi biết chắc sẽ bị xuống dạy cấp cơ sở, thay vì trung học đúng theo hệ được đào tạo, lại không được dạy tại thành phố Trên Trời cao này! Chẳng lẽ sau một đêm, Lộc Biếc đã đổi ý? Biết đâu cô đang cay đắng lên Ty để trả lại quyết định phân công, thực ra chỉ là tờ giấy giới thiệu, trong khi chờ quyết định bổ nhiệm chính thức phải thông qua Ban Tổ chức của Ủy ban tỉnh. Biết đâu Lộc Biếc chỉ là nàng tiên cổ tích, thoáng hiện ở Phố Trời này để động viên chúng tôi, rồi mất hút vào huyền thoại!

Điều tôi biết chắc là tôi đang rơi vào suy đoán, mộng mơ lẩn thẩn. Cái quan trọng và thực tế là rảo quanh bến xe, chen vào quầy vé để tìm cô, Nam với Huyện đã nhanh chân hơn mất rồi. Tôi, một củ khoai miền cát biển Quảng Trị, đã hóa thành tên man di quê mùa, cục mịch, lốc cuốn lên bến xe Phố Trời, ngồi trơ giữa bao khách lạ trong quán cà phê bít tất, để giữ của là mớ hành lí chỉ đáng bán kí cho mấy bà ve chai, đồng nát!

Thôi, đành vậy. Là dân xứ cát, đôi chân chạy rất nhanh, rất bền sức, nhưng bao giờ tôi cũng chậm, cũng lóng cóng trước các cô gái, mặc dầu bước đi của họ luôn dịu dàng, khe khẽ. Tôi mỉm cười buồn buồn.

Chất cà phê pha bắp với hạt cau xay vụn sóng sánh trong chiếc li sành răn nứt, màu trắng ngà. Tuy li đã luộc, nóng bỏng tay, cũng trở nên lạnh ngắt như ai mới thả vào dăm viên nước đá. Tôi cố nhịn, không dám kêu thêm điếu thuốc thơm thứ hai, thứ thuốc hút phải đổi bằng vàng do dân buôn lậu mang về từ biên giới (!). Rút bao thuốc lá thủ công to đùng, đựng những bốn mươi điếu, tôi mở một bên góc bao, kéo ra một điếu, châm lửa. Khói khét lẹt! Thôi thì, cũng thú vị, cứ lặng lẽ nhìn người xứ lạnh vào chợ.

Lát sau, nghe tiếng gọi của Huyện:

- Khoai ơi, mau lên, xe tài một. Có vé rồi, mau lên!

Đứng vụt dậy, tôi nói, khi thấy cả Lộc Biếc và bạn trai của cô, cố kìm lại một thoáng tâm trạng vừa vui vừa buồn:

- Các bạn vào uống chút cà phê đã.

Huyện quay lại, trỏ vào chiếc xe dài, trên tấm gương đầu máy có viết hai chữ “Tài 1” bằng nước vôi đặc pha nhiều keo:

- Thôi. Trễ mất. “Tài 1” có thể là “tài độc nhất”!

Tôi trả tiền, chạy ra chỗ dựng hai chiếc xe đạp bên cạnh hành lí. Mừng, vì nàng tiên cổ tích còn đó. Nhưng cũng buồn vì cũng còn đó người bạn trai bên cạnh cô!

Lộc Biếc sau hai hôm buồn bực, mất ngủ, nom hơi phờ phạc. Cô mỉm cười chào tôi. Tôi lúng túng chào lại, chìa tay về phía Khúc Văn, bạn của cô. Văn nắm tay tôi:

- Cho tôi gửi cô bé khóc nhè Lộc Biếc này, nghen anh Khoai!

Tôi khẽ giật mình, ngượng ngập, định hóm hỉnh nói đùa: “Vâng, tôi có khiếu làm vú em!”, nhưng chỉ im lặng mỉm cười, cuống họng cứ nghẹn lại, nhìn người bạn quê ở Long An mới quen.

- Anh Khúc Văn, quyền quá đó nghen! Cảm ơn lòng tốt, có điều, xin cảm phiền rút lại lời gửi gắm. – Lộc Biếc cười khúc khích –. Cảm ơn anh Khoai.

Tôi, Nam và Huyện cùng cười. Lộc Biếc cũng đáo để lắm đây!– Tôi nghĩ vậy. Huyện nhanh nhẩu:

- Tôi, không theo sự gửi gắm của ai, sự dịu dàng nữ tính vốn yếu đuối của ai, xin tình nguyện nhận trách nhiệm thay Khoai.

Nam nói đùa với sự hạ mình, ngầm ý tự hào:

- Đồng hương, “đồng khói” của tôi đó. Đừng tưởng Khoai là “bở”. Khoai Quảng Trị đã thành Khoai Đà Lạt rồi, sẽ hết nghẹn, đang dẻo, và ngọt như mật đấy. Mặc dù khoai bở mới ngon!

Những tiếng cười giòn, vui vẻ, thân mật vang lên khi chúng tôi đến bên hông xe khách.

Khúc Văn nói:

- Thôi, các bạn về huyện Công nhé. Huyện của mình cách đây mấy mươi ki lô mét thôi. Sẽ gặp lại nhau.

- Sẽ gặp dài dài. Cùng Ty Giáo dục mà. –  Nam đáp, rồi chúng tôi bắt tay Khúc Văn –.

Lúc này, tôi mới tin chắc giữa Văn với Lộc Biếc chẳng có gì ngòai tình bạn cùng trường, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

 

2

 

Xe rời bến, rì rì máy ở số nhỏ để xuống dốc. Tôi ngoái nhìn chợ Hòa Bình đang rực rỡ hoa tươi ở thềm trước, lại quay mặt sang phải, cúi nhìn dăm người làm rau dầm chân trong nước, đang rửa rau quả dưới đập tràn. Xe qua cầu, tôi lại nhìn lên con dốc dẫn lên Trường Phổ thông trung học Thăng Long.

Tôi chợt nghe tiếng chào rõ lớn và gấp gáp:

- Khỏe nghe! Bọn mình ra tiễn các bạn, nhưng trễ!

Bốn cánh tay của chúng tôi đồng loạt thò ra vẫy chào. Nam còn ngoái cổ nói to lời cảm ơn. Thì ra, bên mé đường là những giáo viên ra trường trước chúng tôi một, hai năm. Các bạn ấy đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều về nơi ăn chốn ở suốt hơn mười ngày ở Phố Trời này. Đã dẫn nhau đi uống cà phê chia tay hồi hôm, sáng sớm thế lại còn ra tiễn chân nữa! Với giọng Đà Nẵng nguyên chất, Huyện cảm động nói:

- Bạn bè đúng là “quới nhơn” giúp đỡ kẻ lạc bước xa nhà!

Huyện đã nói thay điều tôi nghĩ. Tôi bâng khuâng nhìn hồ Xuân Hương loang loáng nắng sớm và nhà thủy tạ, lại nhìn những biệt thự ven đường. Tôi muốn thu hết vào mắt cả thành phố Thiên đường với tình bạn cùng trường vừa khiến tôi xúc động.

Xe xuống đèo Pơ Ren (Prenn). Cũng như tôi, Nam đang muốn hút cả đất trời tươi đẹp này vào trái tim đa mang của chính anh? Huyện đang trò chuyện gì đó với Lộc Biếc. Một câu nói của cô khiến tôi giật mình, mỉm cười.

- Lúc mới gặp ở Phòng Tổ chức Ty, Lộc Biếc cứ ngỡ mấy anh từ Vinh hay Hà Nội vào. – Cô chân thành –.

- À! – Huyện cười thành tiếng. – Định sẽ trở thành nghiên cứu sinh ngoài đó nhưng không được. Sau bảy lăm, Huế thuộc sự phân phối hàng hóa của Miền Bắc, cả lưu hành tiền tệ cũng vậy. Bọn này đã lai Bắc kha khá rồi đấy.

- Ngày xưa, Lộc Biếc mê Hà Nội, mê Vinh lắm, mê theo Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn ấy … cả của Nam Cao …

- Bây giờ chê? – Huyện hỏi, hơi tinh nghịch –.

Lộc Biếc gật đầu:

- Em thành thật nói là hàng hóa có sức mạnh đáng kể … Nhưng như vậy, gần gũi công nông hơn. Nông dân và thị dân, đại trí thức như mấy giáo sư, trông bên ngoài không khác gì nhau lắm.

- Đấy là ưu điểm? – Nam chen vào –.

- Bình quân ở mức cao hơn, đẹp hơn, biết đến bao giờ? – Lộc Biếc cười –.

Tôi thấy cô hơi mệt mỏi ở nụ cười ấy.

Hơi nước, khói đá từ vách đèo tỏa ra lòng đường. Rất cẩn thận, bác tài bật đèn pha, mặc dù phía trước xe không đầy đặc sương khói. Tôi lén để ý Lộc Biếc, thấy cô vẫn như các cô gái Sài Gòn trước bảy lăm tuy giản dị, kín đáo trong bộ áo quần đã cũ. Tôi hơi xấu hổ về sự tò mò của mình, quay nhìn lau lách, nhìn rễ thông đâm qua kẽ đá đầy rêu ướt, rồi nhìn mông lung những núi đồi, những thung lũng xanh sẫm lá.

Tôi cũng muốn góp chuyện nhưng cứ ngài ngại sao đó.

Hình như thác Pơ Ren đang ở đằng xa.

Dẫu không dạy địa lí, tôi vẫn có thói quen nhìn ngắm bản đồ, cố thuộc một vài đặc điểm của nơi chốn mình đã hay sẽ đi qua, ghé lại. Tôi băn khoăn và bâng khuâng suốt cả mấy tháng từ khi có thông báo chọn nhiệm sở của Phòng Tổ chức Đại học Sư phạm Huế, trước bản đồ Tổ quốc.

Tiếng thác Pơ Ren đổ vang vọng. Nam lẫn tôi tiếc nuối ngoảnh lại. Xe cứ bon bon lăn bánh. Rồi Liên Khương … Rồi Trường Phổ thông trung học Nơ Trang Long của huyện Nông, nơi Khúc Văn sẽ về dạy …

Tôi muốn trò chuyện với Lộc Biếc, nhưng Huyện có bao giờ nhường lời đâu. Huyện đúng là anh chàng trò chuyện rất duyên. Lộc Biếc cơ chừng đã hết buồn ngủ, thỉnh thoảng cùng Huyện và Nam cười giòn giã.

Tôi chợt nhớ vào năm thứ ba đại học, thỉnh thoảng Huyện lên văn phòng khoa hóa, hay các buổi vào phòng thí nghiệm hóa – sinh thực tập, anh có dịp gặp gỡ Sông Hồng, cô sinh viên chuẩn bị làm cán bộ giảng dạy, khá xinh, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội mới được một năm, đang thời gian nghiên cứu đã xin chuyển vào Huế để tiếp tục nghiên cứu, chưa giảng dạy giờ nào. Dần dần, Sông Hồng với Huyện phải lòng nhau. Một sinh viên gốc Huế nói giọng Đà Nẵng, một cán bộ chuẩn bị giảng dạy cũng gốc Huế nói giọng Hà Nội đã yêu nhau dưới mái trường đại học.

Tôi học khoa toán, song mối tình của họ trở thành một chuyện tình lạ, tôi không thể không biết. Huyện đúng là chàng trái dễ làm xao lòng các cô gái.

Tôi nhớ lại, mỉm cười một mình.

- Này, Khoai, ông đang làm thơ phải không? Đọc cho mấy người ở đây (bốn kẻ vừa bị trục xuất khỏi Thiên Đường) nghe, để hoài vọng Phố Trời.

Tôi cười. Có lẽ Nam thấy tôi ngồi im thin thít, đôi khi nhếch môi cười khẽ, nên nói thế để lôi tôi vào câu chuyện của ba người đang hồi lắng lại.

- Chỉ có cảm nhận mơ hồ, chưa thành câu chữ, chẳng dám qua mặt nhà thơ Nguyễn Trần Nam. – Tôi nói, giọng hơi đùa –.

- À, quên giới thiệu với Lí Lộc Biếc, đây là thi sĩ có nhiều bài thơ được nhiều người thuộc nằm lòng: Nguyễn Trần Nam, và đây: Đỗ Khoai, cũng là nhà thơ, rất nông thôn, chuyên viết cho những người chân đất của ruộng đồng, cát biển. – Huyện nói – .

Lộc Biếc tròn mắt:

- Đến những hai nhà thơ trong ba người! Sao tụ hội ngẫu nhiên thế! – Cô nhìn Nam –. Lộc Biếc có đọc thơ của anh rồi đấy … Ồ, không ngờ … Đúng Phố Trời là Phố Thơ, nhiều thi sĩ rủ nhau lên …– Ánh mắt vô nhìn Nam như nhìn người quen cũ –.

Tôi ngượng chín người, song tôi biết Lộc Biếc chân thành, hồn nhiên, không có chút gì châm biếm.

Xe chạy qua những thửa ruộng bắp đang cuối vụ, hai bên đường còn trải ra các khu vườn xanh mượt cà phê, mít, bơ, hồ tiêu. Xe lại cắt ngang những ngọn đồi bát úp xanh kín hàng vạn, hàng vạn gốc trà.

Tôi quên đi câu chuyện “nhà thơ”. Thú thật, tuy có khoảng hai mươi bài đăng báo văn nghệ tỉnh, nhưng tôi vẫn hoài nghi năng khiếu thơ của mình. “Chòi thơ, lều thơ”, có lẽ đúng hơn. Một mái nhà tranh, cần lợp hàng trăm liếp tranh, rồi còn phên, cửa, cột tre, rui, mè tre …! Tôi quên đi, để lòng mình mênh mang, bát ngát với đất trời cao nguyên. Gió lành lạnh lùa vào khoang xe chật chội. Trời nơi đây đang vàng nắng ấm.

Trưa rồi. Thế là chúng tôi rời Phố Trời khá xa.

 

3

 

Xuống bến xe huyện lị Đa Công của huyện Công, chúng tôi phải cởi bớt áo ấm, áo khoác. Nắng ở đây vàng óng, rực rỡ. Phố xá có lẽ chỉ cụm lại, bé nhỏ, nhưng khá sầm uất, tuy cũ kĩ vì không được tân trang.

Hôm qua, thức khuya, sáng nay chưa đẫy giấc đã dậy sớm, lại phải bó chân trên xe suốt chặng đường dài, hơn nữa, phải thay đổi cao độ và khí hậu khá đột ngột, sao tôi thấy Lộc Biếc không còn ủ rủ, phờ phạc như hồi sớm. Chúng tôi cảm thấy mừng cho cô gái Sài Gòn này.

Khi vào một cửa hiệu lưa thưa bàn ghế, loại bàn ghế nhỏ của các quán cóc vỉa hè lại được đặt vào nhà mặt tiền, chúng tôi ăn vội mấy lát bánh mì phết bơ đậu phụng, thứ bơ có lẽ do chủ hiệu tự chế biến, uống vội mỗi người một li lớn sữa đậu nành ngát mùi lá dứa thơm. Lộc Biếc lúc này mới cảm thấy rã rời. Cô uống luôn mấy chén trà đặc không ướp hương, sau khi lau mặt bằng khăn ướt.

Huyện cười, nhìn đôi tay của cô đang cho khăn vào túi ni lông:

- Chống mí mắt cho khỏi ríu lại hở?

- Để xem trà của xứ trà tại chỗ nữa. – Lộc Biếc cười đáp –.

Lúc này, tôi mới để ý, da mặt cô sau hơn mười ngày ở Đà Lạt, về gặp nắng ở đây, càng ửng hồng lên. Tôi giấu đi niềm xao xuyến trong lòng.

- Có cầu Trời khẩn Phật để được ở lại huyện lị này không? Xem ra thế mà hay với Lộc Biếc, vì từ đây về thành phố Hồ Chí Minh không xa lắm. – Huyện nheo mắt, cười tinh nghịch –.

Lộc Biếc thoáng tối sầm ánh mắt vì âu lo, hồi hộp.

- Nói trước, đừng buồn. Có khả năng bốn chúng mình sẽ về bốn trường, có trường xa đây lắm, thuộc vùng sâu. – Nam nói –.

Lộc Biếc nén lại tiếng thở dài hay tiếng nấc nghẹn, tôi không rõ, chỉ thấy cô cúi mặt, rưng rưng nước mắt. Nam rối rít xin lỗi.

- Dẫu sao, cũng chịu khổ hết năm học này. Sang năm, chúng mình phải về thành phố hoặc thị trấn, huyện lị. Phải trả chúng mình về đúng vị trí. – Huyện nói, mím môi lại cuối câu, tỏ vẻ bất mãn –.

Khoảng hai giờ xế trưa, tôi và Nam đẩy hai chiếc xe đạp cà tàng cà khổ để thồ hành lí xuống một con dốc, lên một con dốc, Lộc Biếc và Huyện đẩy, níu phía sau, nom thật buồn cười. Lại phải qua một quãng đường phẳng, hai bên nở rộ hoa muồng vàng, chúng tôi mới đến Phòng Giáo dục.

Trưởng Phòng Giáo dục là ông K’Đăng (1), nhưng cán bộ tổ chức là một người Miền Bắc mới được chi viện vào đây, ông Viên.

Số phận của chúng tôi là do ông Viên này quyết định đây. Vị thần số mệnh này có khuôn mặt dài buồn rầu như người bệnh, song đôi mắt rất linh động.

Ông Viên bắt tay từng người, kể cả Lộc Biếc. Ông K’Đăng cũng thế. Sau đó, chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn xa lông, cứ hồi hộp chờ sự quyết định của ông Viên. Ông Viên đợi cô nhân viên mang ra trên chiếc dĩa một gói trà hương ngâu với hai gói thuốc lá, một Điện Biên giấy bạc, một Sài Gòn giải phóng cũng có giấy bạc giữ hương. Ông chậm rãi tráng tách bằng nước nóng, châm nước vào bình, thong thả bóc hai gói thuốc. Tôi đoán trà, thuốc đều thuộc tiêu chuẩn tiếp khách.

Ông K’Đăng ngăm đen, tóc quăn gợn sóng với dáng người cao to, nở nụ cười rộng hết cỡ với hai hàm răng trắng bóng, đang nhìn chúng tôi với ánh mắt thân thiện, hóm hỉnh. Có lẽ ông thừa biết tâm trạng giáo sinh đi nhận nhiệm sở.

Ông Viên đặt các tách sứ trước mỗi người:

- Các đồng chí xơi nước. Đặc sản huyện Công đấy.

Quả thật, trà quá ngon. Đây là trà bạch mao, ướp loại hương tuyệt vời nhất, hương ngâu. Trà ở quán đằng bến xe hồi nãy chỉ là trà buồm, lá trà già vò lại.

Ông chìa thuốc hút cho từng người. Lộc Biếc xin phép từ chối.

- Các đồng chí ở xa mới đến, nếu mệt, nghỉ lại đây. Đằng nào cũng đã khai giảng hồi sáng hôm qua. Mai rồi chúng ta làm việc cụ thể. – Ông K’Đăng nói, giọng pha thổ âm –.

- Thưa chú …– Nam lúng túng, muốn biết ngay nơi dạy –.

- Không. Cứ gọi nhau là đồng chí. – Ông Viên ngắt lời –.

- Thưa đồng chí, – Nam mạnh dạn –, xin cho chúng tôi biết nhiệm sở. Chúng tôi cũng không mệt lắm.– Nam sốt ruột giùm cho Lộc Biếc –.

- Đúng là thanh niên! Vậy thì tốt lắm. – Ông Viên nâng điếu cày lên, châm lửa, rít một hơi thật sâu, ngả đầu nhả khói, cười cười –. Chúng tôi đã nhận được thông báo qua điện thoại cách đây bốn hôm. Ngày hôm qua, đồng chí phó Ty, kiêm trưởng Phòng Tổ chức Ty về dự khai giảng tại huyện ta, cũng đã mang công văn về. Các đồng chí còn trẻ, phải hiểu giúp, nhiệm sở tốt ít lắm. – Ông Viên ngừng lại, thăm dò chúng tôi –.

Tôi thấy ba khuôn mặt bạn bè, nhất là Lộc Biếc, đang thật căng thẳng. Cô sắp khóc đến nơi, có lẽ thế.

- Nơi các đồng chí sẽ giảng dạy là một nơi không nằm trong diện bị sốt rét đe dọa, – Ông Viên vẫn thong thả, chiêu một ngụm trà –, nhưng nước sinh hoạt hơi khó khăn.

- Không phải chúng cháu được ở huyện lị hở chú? – Lộc Biếc không kìm được nữa, cô hỏi nhanh, rồi cắn chặt môi để khỏi bật ra tiếng khóc. Cô lại phân bua –. Chúng cháu mới nhận được giấy giới thiệu hôm qua, đâu phải lề mề …

- Không, không phải phạt các đồng chí … Thủ tục đôi khi phải trễ. – Ông Viên cười, lại chuẩn bị điếu cày –.

- Đó là vùng kinh tế mới, gần buôn quê của tôi. Không gian khổ lắm đâu. Yên tâm nhé. – Ông K’Đăng cười –.

Chúng tôi không biết nói gì nữa. Hai chữ “đồng chí” lúc này có nghĩa là phải “đồng ý, đồng tình”, phải chấp hành mệnh lệnh.

- Hoan nghênh tinh thần của các đồng chí. Hãy đợi tôi năm phút.– Ông Viên bỏ dở ý định hút thuốc lào –.

Ông Viên vào chỗ đặt bàn giấy. Lát sau, ông bước ra, nhận bốn tờ giấy giới thiệu từ tay Nam, trao lại một mảnh giấy giới thiệu do ông K’Đăng đã kí tự bao giờ, chung cho bốn người:

- Lần nữa, xin hoan nghênh. Bây giờ, nếu thế, các đồng chí tranh thủ về trường đi. Ở đấy thiếu giáo viên cấp hai nghiêm trọng. Đừng để học sinh chờ, tội nghiệp.

Chúng tôi lại bắt tay. Nam đành xin gửi lại ông Viên một va li to đùng đầy những sách. Ba chúng tôi cũng gửi lại một vài thứ sau khi để chung vào va li của tôi.

Ra đến cổng, gặp chiếc xe hơi sơn xanh đậm chạy vào, chúng tôi dạt qua một bên để tránh. Một người trong xe nói ra:

- Sang năm lên cấp ba dạy, yên tâm.

Chúng tôi ngoái lại, đúng khi xe đỗ trong sân. Ông phó ty vẫy tay chào chúng tôi rồi bước vào Phòng.

Lộc Biếc vừa đi vừa khóc tức tưởi. Tôi lại mừng. Dẫu sao, chúng tôi cũng được về một trường.

- Lộc Biếc muốn về Sài Gòn quá!

- Đừng! Chịu khó, chịu khổ một năm thôi mà.

- Cố lên, Lộc Biếc!

Ngồi trên yên sau xe đạp tôi, cô còn khóc nức nở. Hai xe đạp chở bốn người lao xuống dốc vù vù. Rồi phải dắt xe đi bộ lên dốc. Mồ hôi túa ra dưới lớp áo lót thật bứt rứt, khó chịu. Gió cao nguyên giữa nắng vẫn lành lạnh.

“Đừng để học sinh chờ, tội nghiệp”– Tôi nhớ câu nói của ông Viên, cố đạp nhanh. Vừa hỏi đường, chúng tôi vừa đạp xe tiếp.

Đường tráng nhựa hẹp, vắt qua bao đồi trà. Ở đây mênh mông là trà và trà. Trà với cỏ, cỏ chen giữa trà cũng nhiều lắm! Tôi có cảm giác đau nhói như khi nhìn cỏ lúa.

Qua ngã ba Phuốc, lại rẽ. Qua Đa Thanh, Đa Phát. Những dốc, những suối. Ở xứ này, đừng đèo nhau, mỗi người một xe, chắc chắn rất thú vị. Tôi và Nam cứ thích đi rong ruổi, nên vất vả mang xe đạp vào đây, giờ thấy cũng tiện lợi thật.

Suy nghĩ qua ba, bảy con dốc, tôi mới dám đùa với Lộc Biếc một câu:

- Lộc Biếc thấy chưa, mình đã tự giác “chăm nom” cho “cô bé khóc nhè” rồi đó.

Tôi mong một cái nhéo hay một cái đấm khẽ vào lưng, nhưng không, chỉ nghe thấy tiếng cười trong trẻo của Lộc Biếc. Tiếng cười bỗng nghẹn lại. Tôi biết cô vẫn còn buồn. Nỗi buồn lo khiến tiếng cười của Lộc Biếc chợt tắt ngấm nửa chừng.

Thấy Nam dừng xe lại, Huyện nhảy xuống vệ cỏ, tay xách tay mang, tôi cũng ghé vào, bóp thắng tay. Nam ngồi bệt dưới gốc cà phê đang sót mấy đóa hoa trắng muốt, thơm ngát, nở đầu cành trĩu trái, có trái đã chín đỏ. Bao năm uống cà phê, bây giờ mới thấy trái và hoa! Tôi chọn trái chín nhất, ngắt khẽ, cho vào miệng nhấm thử. Nhớt, ngòn ngọt, hơi chát. Huyện, Nam, Lộc Biếc cũng làm theo tôi. Bốn người đều cười thích thú.

Lúc này, đất trời cao nguyên bát ngát đang chiếm lĩnh chúng tôi. Nơi chốn khoáng đạt này đối với dân ruộng, dân phố ở đồng bằng, ven biển, quả là mới lạ. Bát ngát, khoáng đạt, mới lạ, cả màu mỡ nữa, khiến nỗi buồn lo biến mất. Đằng nào cũng phải đến nơi đã biết trước là phải đến. Không hồi hộp, phập phồng chi nữa. Đó là cảm giác của sự định vị.

Mệt vì nắng, mỏi vì đạp xe, chẳng ai đùa cợt gì nhiều. Nghỉ một chốc, chúng tôi lại lên đường.

Hết đường nhựa, đến đường đất đỏ, lại phải rẽ vào lối đất còn sũng nước, lầy lội, rồi cũng đến xóm trung tâm xã. Chúng tôi sắp đến trường Bảo Nghĩa, cuối xóm này.

Lúc ấy, nắng chiều đã úa dần, gió thêm se lạnh, xa xa đã mờ mờ khói sương.

Theo ngón tay chỉ lối của một người đi rẫy về sớm, tôi thấy văn phòng nhà trường, cũng là nhà tập thể giáo viên, giống như nhà dân ở xóm trung tâm. Mái lợp tôn, phên vách là ván gỗ ghép lại, ngả màu ố xỉn, luốc nhuốc. Rõ là loại nhà đồng loạt được cất lên, cùng một kiểu.

Một số giáo viên Nam chạy ra giữa sân đón tiếp, xách hành lí vào giúp chúng tôi. Có một chị ra cầm tay Lộc Biếc, hỏi han gì đó. Tôi nghe thấy đủ các giọng nói của các miền đất nước.

      - Các đồng chí vào văn phòng nghỉ mệt, rồi rửa ráy cho nhẹ người một chút.

      Chái sau nhà là nơi đặt bếp núc và bàn ăn tập thể. Điều tôi để ý trước tiên là nước. Dẫu sao, đang cuối mùa mưa. Chiếc khăn mặt của mỗi người hiện lên lớp bụi bẩn hòa với mồ hôi mặn. Tôi ngỡ Lộc Biếc sẽ khóc, nhưng cô đang cười, nụ cười mỏi mệt. Cô đang đăm đăm nhìn xuống ngôi trường giữa vườn dâu tằm, cũng mái tôn vách ván.

      - tới đây cùng ở lại đây

  ngợp hồn bụi trắng tơ bay vàng … thì …

– Nam ngâm nga rồi cười vỡ –.

      Chúng tôi cũng bật cười.

- Đúng là nhà tuyên truyền có cỡ! Mỗi người có một “thì” tuổi trẻ, “thì” ấy nhuộm phấn trắng, vàng óng tơ tằm, quá đẹp! – Lộc Biếc bình thơ, cố hiểu về phía tích cực –.

Huyện buông thõng một chữ “về”, và nói:

- thì … về bệnh viện bài lao để ngồi lẩm cẩm trong đám tơ vò rối rắm!

Tôi buột miệng:

- tới đây cùng ở lại đây

  tay thơm phấn trắng thả bay tơ vàng …

  đèo em, xe đạp cà tàng

  xe vờn trên lá, bạt ngàn trà xanh … (2)

Chưa bao giờ chúng tôi cười giòn đến thế. Lộc Biếc cười đến chảy nước mắt, cô không ngờ tôi làm phép phù thủy để chiếc xe đạp bay theo giấc mộng Trang Chu, xe hóa bướm (chứ không phải Trang Chu hóa bướm như trong Nam Hoa kinh!). Một Trang Chu dấn thân như Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà giáo vĩ đại! Đúng là mượn thơ để nói dễ hơn ngôn ngữ bình thường. Thật ra, tôi chỉ buột miệng thôi!

Vào văn phòng, căn giữa của ngôi nhà, chúng tôi mới được biết người đàn ông lớn hơn chúng tôi dăm tuổi là hiệu trưởng. Anh Giảng, nói giọng Quảng Nam:

- Chúng tôi đợi các đồng chí hơn mười ngày nay. Hiện tại khối cấp hai chỉ có bốn giáo viên, kể cả tôi. Bây giờ có thêm bốn nữa … Ở đây, cơ sở vật chất nghèo khổ lắm. Mong các đồng chí cứ yêu đời như những tiếng cười hồi nãy.

Chúng tôi nói “vâng”. Anh Giảng xem cả chứng chỉ mãn khóa hệ cấp ba đại học sư phạm, cả bằng tú tài IBM. (3) của chúng tôi. Trong khi anh xem, tôi nghĩ thầm, chẳng biết vì sao ở đây giáo viên nào cũng gọi nhau là đồng chí, hết sức hồn nhiên. Suốt mấy năm ở trường đại học, chỉ nghe các đoàn viên Thanh niên Cộng sản khi họp hành mới gọi nhau như vậy. Trong bốn chúng tôi, chỉ có Huyện và Lộc Biếc là đoàn viên (điều này tôi mới biết trên đường từ Đa Công vào Bảo Nghĩa). Tôi đoán, có lẽ tập quán xưng hô ấy được hình thành do một vị lãnh đạo của địa phương, từ khi vị ấy đề nghị như thế.

- Đồng chí Nam với đồng chí Khoai chưa sinh hoạt Đoàn à? – Anh Giảng hỏi –.

- Dạ, chưa, dẫu mấy lần làm đơn, thưa anh …– Nam đáp thay tôi –. Tôi và Khoai kẹt về lí lịch gia đình.

- Tôi hiểu. Nếu ngày mai còn mệt, các đồng chí cứ nghỉ cho lại sức. Nếu khỏe, cứ dạy cho vui. Có anh Quỳnh đây,– Anh Giảng chỉ vào người đàn ông trạc tuổi anh –, đồng chí Quỳnh dạy tiếng Anh, hai hôm nay kiêm luôn văn, sử, phụ trách chuyên môn cấp hai. Sách giáo khoa, thời khóa biểu, các thứ, các đồng chí cứ hỏi anh Quỳnh.

Anh Quỳnh nhìn chúng tôi mỉm cười. Bộ râu quai nón của anh cạo sạch, xanh chân râu, rất dày, trông thật ngộ.

- Vâng, các đồng chí về dạy ở đây, chúng tôi mừng lắm. Đây cũng là trường hợp lạ. Bốn đồng chí đều là giáo viên trung học lại cùng một lúc về dạy ở cấp cơ sở.– Anh Quỳnh nói giọng Quảng Nam y như anh Giảng –.

- Về lương, các đồng chí còn đợi quyết định chính thức mới có. Nhà trường có thể tạm ứng từ quỹ công đoàn. Các đồng chí yên tâm công tác nghe.– Anh Giảng lại nói –. Rồi sẽ vui đất, vui người, có thể vui tình nữa! – Anh Giảng cười hăng hắc giữa tiếng cười của chúng tôi –.

Tiếng cười của anh rất trẻ trung.

Cũng đã trễ giờ ăn tối. Dưới ánh đèn dầu, lúc này tôi mới thấy rõ, giáo viên khoảng ba mươi người, hầu hết là nữ, có cô mới mười tám, mười chín tuổi. Hai người lớn tuổi nhất ở đây, anh Giảng, anh Quỳnh, còn chị Xinh đã về nhà riêng. Sau vài ngày tôi mới hay thêm, thật ra trong đó chỉ khoảng dưới hai mươi giáo viên chính thức. Bữa ăn ấy có cả các đội viên Đội Thanh niên Ánh sáng (4), làm công tác xóa nạn mù chữ.

Đó là bữa ăn Lộc Biếc không tài nào nuốt nổi. Hoàn toàn là bo bo xay vụn để nấu, chẳng thấy hạt cơm nào! Canh rau khoai không có một mẩu thịt hoặc một sợi râu tôm, với vài lát cá khô kho rim. Suốt ngày đói bụng, ba gã con trai cũng thấy ngon miệng, xơi luôn mấy chén, chỉ nghe tạm đủ. Lộc Biếc cố vui, nhưng chỉ nuốt trôi được một chén với cả một sự phấn đấu đáng nể! Tôi cũng cảm ơn thầm hai chị cấp dưỡng đã xay vụn bo bo trước khi nấu!

Vậy đó, khởi đầu cuộc đời giáo viên của chúng tôi là thế. Tôi nhớ mãi buổi chiều đầu tháng chín năm bảy tám ấy, ở vùng khai hoang lập ấp Bảo Nghĩa, mấy tiếng đồng hồ nơi huyện lị Đa Công, và hơn mười ngày trước đó tại thành phố Trên Trời cao. Sau đó ít tháng, tôi đùa, số chúng tôi không được làm thiên thần, không lập được nhiều công, chỉ bảo vệ lẽ phải (bảo nghĩa)!

 

4

 

Sau một tuần lễ, Lộc Biếc đã quen với nếp sinh hoạt và giảng dạy của Phân hiệu A này. Trường có bốn phân hiệu, nhưng chỉ một phân hiệu ở đây có cấp hai. Cô chỉ dạy ba lớp, chủ nhiệm lớp chín cuối cấp. Nam dạy sử bốn lớp. Lớp bảy, Nam dạy văn lẫn sử, dẫu văn không phải là chuyên môn. Đó là lớp anh chủ nhiệm. Huyện dạy hóa trọn khối theo chuyên môn được đào tạo, lại kiêm thêm chính trị – đạo đức cho hai lớp. Tôi dạy toán cho cả bốn lớp, lại chủ nhiệm cho lớp sáu, đầu cấp!

Cũng trong nhóm giáo viên cấp hai, Hoán, gốc Nghệ An di cư, dạy lí và thể dục, cô Lụa, người Bình Định, gia đình cha mẹ sinh sống ở Đà Lạt đã lâu, dạy sinh và địa, kiêm tổng phụ trách Liên chi đội Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh của cả bốn phân hiệu.

Ban giám hiệu chỉ hai người, anh Giảng và cô Phước. Cô ấy quản lí các giáo viên thuộc khối cấp một, cũng là nội trợ chính của nhà tập thể chúng tôi. Về mặt nội trợ này, cô hiệu phó đã hướng dẫn cụ thể từng ngày cho hai cô cấp dưỡng người địa phương Bảo Nghĩa, tuy nhà chỉ mười mấy miệng ăn thường xuyên.

Lộc Biếc ở cùng gian nhà với các cô giáo. Các cô chỉ có chung hai chiếc bàn làm việc. Những chiếc giường cá nhân có ngăn đựng áo quần dưới đầu nằm kê dọc theo vách gỗ, loại một và hai tầng.

Gian nhà nam chúng tôi rất hẹp, đều giường hai tầng, bàn làm việc là bàn học sinh. Năm thầy giáo như năm chú học trò mỗi tối.

Nền nhà bằng đất. Hoán bảo, lúc này đang cuối mùa mưa, còn đỡ khổ. Đến mùa khô, Hoán cười, mấy ông mới biết mùi bọ chét. Ông nào thịt “thơm”, bọ chét “chiếu cố” rất kĩ! – Hoán thông báo điều này rồi lại cười khùng khục –.

Không biết Lộc Biếc đã được cô Lụa hay các cô giáo khác nói về nạn này chưa. Tôi chỉ sợ mỗi bệnh sốt rét cho cô ấy, nhưng ở đây an toàn rồi, còn bọ chét ăn thua gì.

Mỗi sáng sớm, cánh con trai chúng tôi sau khi tập thể dục theo sự điều khiển của anh Quỳnh, phải chạy xuống cuối chân đồi, nơi có khe nước nhỏ trong vắt và vòi nước ngầm đóng vào đáy đồi, nước tuôn rả rích quanh năm, để đánh răng, rửa mặt. Đó cũng là nơi tắm, giặt. Cánh con trai chẳng bao giờ cần đến phòng tắm như các cô, mặc dù gió lạnh, nước buốt như nước đá tan ra. Buổi trưa, nắng gắt, tắm nước này rất khoái.

Cuộc sống xem ra cũng dễ chịu.

Một đêm, nằm trong chăn, anh Quỳnh hỏi:

- Mấy ông có chịu thấu nơi này không?

- Quê nhà tôi còn khổ hơn, anh à. Chỉ khá hơn hai cái cơ bản, nước và gạo, còn nhà cửa lại rách nát hơn. Quảng Trị là nơi không còn một viên gạch nguyên vẹn. Tôn lợp nhà, nếu không trát các lỗ đạn, lỗ miểng, là cả một “trời sao sáng”. Nhà tôi, nền xi măng, đã thành nền đất … Tôi chả thấy khổ gì cả. – Nam hết sức chân thành –. Sợ quái gì cái khổ!

Tôi cười, chia sẻ với Nam điều anh vừa nói. Nam với tôi, tôi biết, khổ mấy cũng chịu nổi, chỉ mong có cảm hứng thơ rồi viết được thành thơ. Sức khỏe, khả năng chịu đựng của Nam, của tôi, quá thừa, chỉ thèm sách, báo chí, nhất là vốn sống.

Hoán cười khùng khục trong chăn ở giường trên:

- Ông Nam chịu chơi quá. Nhưng còn buồn nữa. Buồn là khổ nhất. Ở đây buồn lắm.

- Mình cũng sợ buồn, nên cố gắng mang xe đạp vào để đi rong, la cà các chốn. Mình sợ đơn điệu, ngày nối ngày đều đặn.

Hoán vùng dậy:

- Nam chịu chơi thật đấy. Xem ra ông đâu phải tuổi ngựa như tôi?

- Mình cầm tinh con khỉ. – Nam tỉnh bơ –.

Anh Quỳnh cười to, song kịp kìm lại, vì đã vào giờ ngủ:

- Thảo nào! Chọn đâu không chọn, chọn rừng làm nhiệm sở! Khỉ về rừng, tha hồ bay nhảy!

Mấy anh em, cả Huyện và tôi, cười trong chăn đến rung cả giường. Anh Giảng ngủ riêng ở văn phòng, căn giữa, chẳng hiểu chúng tôi cười chuyện gì, ngồi dậy kéo thuốc lào sòng sọc.

Cũng suốt tuần lễ vừa rồi, Huyện là người thứ hai, sau cô Lụa, thường xuyên chuyện trò, động viên Lộc Biếc. Điều này khiến tôi buồn, nhưng tôi nào ghen tị gì với Huyện. Nam bỗng dưng trở thành người cùng chuyên môn với cô, thỉnh thoảng chạy qua căn nhà nữ, ngay cả lúc lên đèn, để hỏi cô cách soạn giáo án ngữ văn. Tôi biết tỏng Nam kiếm cớ để chuyện trò cùng Lộc Biếc. Điều này cũng khiến tôi buồn, nhưng thấy rõ là Nam hơi kì. Có lẽ Nam cũng cũng hơi ngượng vì việc đó, nhất là ngượng với Huyện.

Sẵn chái đầu hồi để trống, Nam xin anh Giảng chuyển hai bộ bàn ghế trống ở lớp chín của Lộc Biếc lên, ghép vào nhau, để khối cấp hai sinh hoạt chuyên môn, chấm và soạn bài. Đó cũng là nơi chúng tôi hát nhạc, đọc thơ, tán gẫu.

Sinh viên cao đẳng học hai khoa tương cận, còn chúng tôi chỉ đi sâu một khoa. Anh Quỳnh nghe đâu mới có hai chứng chỉ cử nhân, chưa hoàn tất bậc đại học học thêm ngoài đời, đã đi dạy, sau khi bỏ học viện Tin Lành, quyết sẽ không làm mục sư nữa. Hoán theo khoa lí, cùng khóa với Lộc Biếc, có điều đến năm thứ hai đã nghỉ học vì chán nản bởi một nguyên nhân riêng tư nào đó. Cùng trường, tuy nhiên Hoán với Lộc Biếc chỉ nhớ mang máng là có học chung chính trị chính khóa sau Ngày Thống nhất. Đúng ra, chỉ mỗi một mình Hoán nhớ cô sinh viên Lộc Biếc xinh đẹp, hát hay. Còn cô Lụa mới tốt nghiệp cao đẳng ở tỉnh nào đó, chỉ dạy được hơn một học kì trong niên khóa trước.

Sinh hoạt chuyên môn thế này rất tốt cho cả nhóm, có điều kiện để nắm vững học sinh từng lớp, để trao đổi về giáo án, cũng để chuyện trò vớ vẩn đủ điều cho đỡ buồn.

Anh Quỳnh đã gần tuổi ba mươi, có gia đình riêng từ lâu, nên trở thành người anh cả. Vợ con anh ở ngoài huyện lị Đa Công. Chị ấy là công nhân một xí nghiệp trà quốc doanh.

Tuần lễ vừa rồi, Lộc Biếc nhớ nhà quá đỗi. Đây là lần đầu tiên cô xa nhà lâu đến thế, đã gần hai mươi ngày. Cô chưa bao giờ sống đời sống tập thể. Những năm đại học, cô chỉ có nhiều lần đến thăm các bạn ở kí túc xá.

Chiều hôm kia, đang soạn giáo án, cô bỗng nhìn xa xăm, mắt rưng rưng. Có thể cô liên tưởng từ một câu thơ, đoạn văn nào đó. Nỗi nhớ và buồn chưa khuây dễ có những liên tưởng quá xa, vượt khỏi những gì gợi nhớ, gợi buồn, ngỡ như vô cớ. Đang tập trung tinh thần, với giáo viên ngữ văn, không chỉ trí tuệ mà cả năng lực cảm xúc nữa, bỗng nhiên Lộc Biếc rơi hẫng như đang đi xe bất chợt xe xuống dốc, như đi máy bay gặp chỗ rỗng giữa trời bất chợt tụt cao độ, hành khách có cảm giác rơi, rơi bàng hoàng, ngơ ngác. Lộc Biếc đang rơi về một xóm nhỏ gần đường ray xe lửa ở Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, nơi cô sống suốt thời thơ ấu đến khi tốt nghiệp đại học. Nơi ấy, có mẹ cha và hai em, bà con xóm giềng, có bao kỉ niệm học trò. Có lẽ Lộc Biếc cũng có một người yêu để nhớ? Cô đang chờ thư chăng? Hôm chủ nhật, anh Giảng ra Đa Công, cô và ba chúng tôi đã gửi thư về nhà, nhờ anh ấy bỏ thư ở bưu điện ngoài đó cho thư đến nhanh. Gia đình cô hẳn đã biết địa chỉ của cô rồi.

Những lúc như thế này, Huyện bao giờ cũng nhạy bén, sẵn lòng chìa tay cho người bạn đang rơi níu ấy. Huyện đưa ra một câu nói để nỗi buồn nhớ của Lộc Biếc bám vào:

- Nhớ nhà, phải không?

Vuốt nhẹ hai giọt nước mắt về phía góc mũi trên, cố ý giấu trong cử chỉ chống tay vào trán, cô đáp, mặt không ngẩng lên với nụ cười gượng:

- Nhớ ba má, nhớ cả chồng con nữa.

Huyện phá ra cười:

- Nhớ ba má, đúng rồi. Nhưng nhớ chồng con là nhớ giùm thiên hạ. “Cô bé khóc nhè”, bày đặt chồng với con!

Chúng tôi, cả cô Lụa, Hoán và anh Quỳnh, anh Giảng đều cười.

- Thật mà! Lộc Biếc có chồng từ năm kia, cũng có con rồi đó. – Lộc Biếc nói với nụ cười –.

- Bộ tìm lí do để xin thuyên chuyển về dưới ấy? Định man khai lí lịch phải không?

- Thật, không tin thì thôi. Hỏi anh Giảng đây nè. – Lộc Biếc nháy mắt trong lòng bàn tay như thể đang che cho khỏi chói, bàn tay cô đang chống trán nãy giờ –.

Anh Giảng đang hí hoáy soạn giáo án chính trị – đạo đức, bắt gặp cái nháy của Lộc Biếc:

- Hôm trước, tôi có ra gặp ông Viên. Ông Viên cũng nói … – Anh Giảng ngừng lại, cười tủm tỉm –.

Nam hỏi:

- Nói sao anh? Lộc Biếc chắc đã có con đàn cháu đống rồi. Em cũng đoán vậy. Cô ấy thuộc nòi Tiên nên trẻ mãi không già, trường sinh bất tử.

Lộc Biếc gật đầu:

- Đúng vậy, em lên chức “bà” lâu rồi chứ bộ.

- Tự hạ xuống làm “em” để tự nâng lên làm “bà”, khéo quá đó nghe! – Nam trả miếng –. Tôi xin tố cáo sự man khai. Đó chỉ là hợp lô gích của thần thọai.

Chỉ có Nam, Huyện buông bút, những người còn lại đều vừa làm việc vừa cười. Đến lúc này, đã thân quen, tôi cũng bớt lúng túng để góp chuyện:

- Lộc Biếc dám “bám trụ” ở đây, đúng là “nàng tiên dũng sĩ” rồi … Mọi lô gích đều vô nghĩa.

- Hai cộng hai thành bảy mươi tuổi nhưng cũng chỉ hai mươi hai tuổi.– Hoán nói –. Toán học của ông Khoai có nghĩa gì!

- Hai cộng hai thành một thôi! – Cô Lụa nói –. Sao tôi thấy bốn đồng chí này giống nhau quá.

- Sự phân bào trong nháy mắt, nói theo chuyên môn sinh vật của Lụa, một tách ra hai, hai tách ra bốn. – Hoán nói –. Tôi cũng thấy vậy. Thần thoại hay liêu trai đây?

Tám người cười ngặt nghẽo. Anh Giảng nói:

- “Truyền kì mạn lục”(5) Trường Phổ thông cơ sở Bảo Nghĩa! Hơi ma quái rồi đó. Thôi, xin can các đồng chí. Soạn giáo án cho xong đi. Tối nay không mưa, trăng sẽ rất đẹp. Mặc dù không tin, nhưng tôi “rét” chuyện ma lắm.

Quanh hai chiếc bàn học sinh ghép lại, tám mái đầu cúi xuống trang sách và vở giáo án. Đây là chái đầu hồi, sát với gian nhà nam, ba bề đang vàng nhạt nắng, nhuốm vàng lên màu xanh cây cỏ. Những người từ trụ sở Ủy ban nhân dân xã ngoài kia, hay ai đó đi ngang qua theo lối nhỏ trước sân nhà đều có thể thấy các thầy giáo, cô giáo trẻ đang làm việc.

Tôi đã xong. Giáo án toán thường ngắn gọn. Suốt tuần lễ nay, tôi cố tìm cách dạy cho sát hợp với trình độ học sinh cấp hai, lại là học sinh ở địa bàn này. Tôi xếp sách vở, bước ra sân, thích đi loanh quanh một vòng. Muốn nghĩ thêm về cách dạy, nhưng hình ảnh Lộc Biếc sao cứ hiện ra trong tâm tưởng! Tôi cảm thấy buồn cho mình. Lộc Biếc là người con gái thứ ba tôi trót yêu thầm. Dẫu sao, Huyện đã nhanh chân chiếm ưu thế, và theo một quy ước không một lần thành văn bản luật, tôi lẫn Nam đều rất “khó coi” nếu chen chân vào quan hệ chưa là gì cả giữa Huyện với Lộc Biếc. Huyện đẹp trai, cao to, ăn nói duyên dáng, hóm hỉnh một cách rất đàn ông, lại khéo nắm bắt những nét tâm lí quá tế nhị của người nữ. Huyện với Lộc Biếc thật cân xứng thành đôi. Thử hình dung Lộc Biếc hơi vói hai cánh tay lên đôi vai cao, rộng của Huyện, là tôi buồn đến ngậm ngùi, tuy điều ấy chưa xảy ra.

Nghe Nam nói, Nam nghe Lụa kể, suốt tuần lễ rồi, Lộc Biếc cứ thỉnh thoảng đem ra nhìn mấy chiếc áo dài, mẹ cô đã dành dụm tiền cho cô may sẵn để mặc khi lên lớp. Chỉ nhìn, rồi rưng rưng nước mắt! Dạy ở vùng được gọi là kinh tế mới, thật ra, là khai hoang lập ấp, trường ốc đầy bùn bụi, học sinh nhem nhuốc, chân đất, áo sờn vai, sút cúc, sẽ lố bịch biết bao nếu cô giáo, thầy giáo ăn vận quá chải chuốt, tinh tươm. Quần áo còn thơm mùi lụa gấm, dày, phẳng, như đáng lẽ phải thế với các cô giáo, nếu đặt bên cạnh các manh vải rách, cũ mèm của học sinh, sẽ là một sự tương phản rất gắt. Làm sao nỡ lòng! Dẫu các em vẫn hồn nhiên, có thể rất “ngưỡng mộ” với trăm đôi mắt sáng tròn xoe, đăm đăm, sững sờ, nhìn cô giáo như nhìn thần tiên, cô giáo vẫn nghe thắt lòng. Ai nỡ tự yêu mình một cách ích kỉ đến thế! Những tấm áo dài đành bị xếp lại. Thành phố Trên Trời cao chỉ là nơi mơ ước. Thực tại là rẫy nương, bùn lầy, bụi bẩn, là những em học sinh hồn nhiên trong cơ cực, túng thiếu. Lộc biếc bỗng đẹp ở chiều sâu của lòng nhân ái – bình dị ở đây là nhân ái – như các cô gái mười tám, đôi mươi, vốn là thị dân, vào đây giảng dạy, đã nhân ái.

Nghe Nam kể lại, tôi run lên trong cảm xúc bàng hoàng vừa phát hiện được một tấm lòng cao cả.

Lộc Biếc, em có hay tôi yêu em biết chừng nào không?

Tôi ngỡ thốt lên trong đáy trái tim mình câu hỏi ấy, đang khi nắng nhạt buổi chiều đã úa dần, sương khói đã mờ mờ xa xa trên màu xanh lũng đồi.

Ở đây không thấy hai cô cấp dưỡng trồng ngò, chỉ xanh um mấy luống sả, tôi cúi xuống bứt khẽ một ngọn lá, thắt ruột nhớ hai câu ca dao:

run tay ngắt một ngọn ngò

thương em đứt ruột giả đò ngó lơ!

Tôi không ngó lơ em, nên càng đau hơn mười lần ruột đứt.

Vào văn phòng, với tay lấy điếu cày, châm lửa, sau khi se tròn mẩu thuốc lào trong hai ngón tay thơm cay mùi sả, tôi kéo đẫy hơi. Say ngây ngất, lao đao. Không phải vì khói thuốc, tôi vẫn cay trào nước mắt. Cũng không phải vì hương vị của sả đâu.

Tôi và Nam, lớn lên dưới mưa bom, bão đạn lẫn thiên tai đói nghèo của quê nhà Quảng Trị, quen khổ đi rồi, có gì đáng nói. Lộc Biếc và Huyện của Sài Gòn, Đà Nẵng – Huế, bỗng sáng lên vẻ đẹp nơi đây, khiến phần tối ti tiện trong tôi cũng được bừng sáng, ánh sáng của thăng hoa. Tôi có cao thượng rởm không nhỉ.

 

5

 

Tôi chen chân vào quầy vé, đứng sau lưng Nam. Bến xe Đa Công chỉ bán mỗi người một vé, dù có mười công lệnh trong tay. Hai giấy công lệnh này tôi với Nam mượn được từ anh Quỳnh và Hoán.

Trời cao nguyên lạnh, vẫn phải toát mồ hôi mới có vé ngồi lên xe khách! Nam rủ tôi lên Đà Lạt chuyến này để khỏi mơ hồ gì nữa. Phải xác định rõ ràng, được, không, để yên tâm công tác. – Nam nói thế, khi xe bon trên đường ướt đẫm mưa.

Đà Lạt cũng mưa. Xe đến nơi lúc trời nhập nhoạng tối.

Hai anh em ăn cơm dĩa, bụng đã lưng lửng tạm yên, kéo nhau ra nhà thủy tạ uống trà, ngắm khói sương trong ánh đèn soi xuống mặt nước. Nam bỗng ít nói hẳn, dẫu mưa đã ngớt, cảnh hồ đang lúc rất đẹp.

- Nam, tỉnh táo lại! Nếu như ông Tung, cán bộ Phòng Tổ chức, đã xác định rõ cho ông: lí do lí lịch, ông còn băn khoăn làm gì. Có nhiều người còn không được bổ nhiệm kia đấy.

Nam nói:

- Ừ, bao nhiêu lần viết đơn theo sự gợi ý của chi đoàn trong lớp, vẫn không được kết nạp. Rõ rồi. Định phận hay biết phận rồi. Tuy nhiên … dù ông Tung bên Ty Giáo dục đã nói thẳng sao người ta vẫn nói để xem sao, đang nghiên cứu … Đó là “ông Tuyên huấn” nói: “Hãy chờ”. Chờ thì rất mệt! Mệt lòng lắm. Này, Khoai, thật ra thế này, khi mình đi nhận nhiệm sở, có luôn hai người bỗng dưng viết thư giới thiệu, một nhà văn cách mạng, một thầy giáo cách mạng. Mình rất bất ngờ. Nhưng rõ là về làm báo sẽ rất có lợi cho việc văn chương. Đi nhiều, biết nhiều, vốn sống nhiều, nhờ vậy văn thơ không khánh kiệt đi, lại dồi dào hơn. Sau này có Hội Văn nghệ tỉnh, sẽ chuyển về làm thuần văn nghệ. Đó là nhà văn ấy bảo ban. Nhà văn ấy còn bảo: “Nói theo một triết gia làm văn chương, rằng giáo dục là nơi sa lầy của nhà văn, vì quy phạm, vì đơn điệu. Quy phạm và đơn điệu sẽ bóp chết sự bứt phá, cách tân, sáng tạo”. Mình nghe, nhận thư tay, mở ra đọc thử, thấy rất sướng. Không còn gì vui hơn … Khi mới đến Đà Lạt với ông, mình cùng ông đi trao thư. Và được hứa hẹn … Thà là trả lời phứt đi cho xong! Như kết nạp Đoàn, cũng xác quyết phứt, để người ta yên tâm tính chuyện khác. Mình ghét sự chập chờn, sống trong lời hứa hẹn dối trá. Đấy là tra tấn nhau. Rất mệt. Lần này, quyết làm rõ, để yên tâm cam phận, kẻo rồi người khác lại bảo mình không có ý thức phấn đấu, không có chí nguyện văn chương, đã được mở lối mà không đi. Do mình, chứ chẳng ai cản chân, chặn lối mình …

Đang im lặng, không nói gì, bỗng dưng Nam tuôn ra một thôi dài, như trút hết nỗi ấm ức, nỗi ấm ức của một người vốn không tha thiết gì ngoài văn chương, đấu tranh cho lẽ công bằng ở đời, lại nghẹn lối trước sự bất bình đẳng vừa úp mở vừa công khai … Hơn ai hết, tôi hiểu Nam. Tôi không được ai giới thiệu bằng thư tay cả, có lẽ do tôi kém tài thua Nam. Có điều, lí lịch cha anh tôi cũng “ngụy từ Pháp đến Mỹ” như Nam, tôi cũng có khát vọng văn chương như Nam, cũng gặp khó khăn như Nam. Tôi cam phận song Nam còn hi vọng. Và tôi cũng nhận thấy lời khuyên của nhà văn cách mạng ấy đúng. Thôi thì, Nam cũng có lí, cứ để lần này thử xem.

Tôi nhìn ra ánh đèn cao áp và đèn ống trắng bên dãy quán Thanh Thủy, sương khói với mặt hồ Xuân Hương lung linh trong đêm tuyệt đẹp.

- Khoai nghĩ sao?

- Đã cùng ông lên đây rồi, nghĩ sao nữa. Thử xem. Nhưng dẫu sao đi nữa, không ai có thể cấm bọn mình viết được. Báo ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn vẫn trang trọng in thơ ông kia mà. Mình cũng được đăng thơ. Đấy chỉ là điều kiện thuận lợi thôi, nếu làm báo, công tác ở Hội Văn nghệ. Mình muốn nói, được vậy sẽ rất thuận lợi. Dạy học, không thuận lợi bằng. Chỉ là nghiệp dư thôi! Có điều, dẹp đi nỗi đau riêng để thơ trải ra với cuộc sống có lẽ hay hơn, cao cả hơn. Không phải mình nhắc ông điều ông khuyên mình.

- Ừ, mình đã khẳng định với nhau từ bao giờ kia mà. Có tác phẩm hay, cho dù lí lịch gia đình mình thế nào đi nữa, cũng chẳng ai phủ nhận, lãng quên được cái gọi là tâm huyết, là “thông điệp” gì gì đó trong tác phẩm của mình, Khoai hở?

Nam châm một điếu thuốc, mỉm cười. Tôi biết Nam khá tự tin, tự tin một cách có cơ sở. Nam được rất nhiều tấm lòng của nhiều nhà văn, nhà thơ tài năng mến và quý, liên tài, ái tài. Nam được ấm lòng vì sự thương mến, quý trọng đó.

Ngồi ngoài bao lơn, tì tay lên lan can, nghe sóng nhỏ vỗ nhẹ vào cột bê tông cắm sâu xuống lòng nước, nghe tiếng nhạc hòa tấu thanh thoát, trong vắt vang khẽ từ chiếc loa thùng bên cạnh, tôi thương tôi và Nam vô cùng.

- Trước bảy lăm, Khoai với mình cùng thi vào sư phạm, vì ngành giáo dục được trốn lính trong sự ưu đãi.– Nam cười khẽ –. Nước mình đa số nhà văn, nhà thơ vốn là nhà giáo kia mà. Thời Tiền chiến, thời Tạm bị chiếm, thời nào cũng thế. Cần gì làm báo nhỉ!

Tôi bật cười khanh khách:

- Ông “ôn tập”, “củng cố” lại những điều mình đã bao lần trút ra cho nhau nghe làm gì! Tôi biết ông sẽ nói thêm, ước mơ có cái thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hay Hội Văn bút Quốc tế gì đó, để chìa ra nơi cần đến, ăn dầm ở dề, tha hồ phỏng vấn phỏng viếc, hoặc tâm tình, thủ thỉ, dòm ngó, thóc mách, moi ruột moi gan thiên hạ ra mà làm thơ, viết truyện, không lo cơm áo gạo tiền và bó buộc thời gian, cũng chả cần giữ tác phong, nếu cần thiết phải dẹp bỏ tác phong để trải nghiệm … Phải vậy không? Khát vọng làm Thượng đế, phải không?

Nam bật cười tự nãy giờ, về ước mơ vừa chính đáng vừa buồn cười ấy. Đúng là quá bi hài!

Im lặng một lúc lâu, Nam nói:

- Khát vọng, đam mê văn chương, chính nó đã hành hạ bọn mình quá thể, lôi mình đi như mớ giẻ rách. Khát vọng, đam mê nào cũng  khổ. Như tình yêu đương! Yêu đương nào cũng khổ …

Sương đêm xuống ướt cả áo khoác, lạnh tê cả tay và chân. Tôi thấy gương mặt Nam, có lẽ mặt tôi cũng thế, tím tái, nhợt nhạt. Câu cuối vừa rồi của Nam khiến tôi nhói lòng.

- Này Khoai, sao hồi đó bọn mình không trải nghiệm đi lính ngụy thử nhỉ. Nếu đã là ngụy, mình sẽ viết “Con đường đau khổ” ở nước mình, chắc hay vạn lần hơn bá tước – đồng chí A-léc-xây Tôn-x-tôi (A. Tolstoi). Mình tin như vậy. Thiếu tá bạch vệ ngụy, Nguyễn Văn Rốt-xin (Rotsin), cũng hay chứ! – Nam pha trò cho bớt rét –.

Tôi cười:

- Kiếm chỗ ngủ, khuya rồi. Mong chiều mai về đến Đa Công. Mới nhận nhiệm sở đã nhờ dạy thay, thật bất tiện.

Trả tiền xong, chúng tôi thả bước dọc theo các luống hoa. Hoa bươm bướm đủ màu, bay bay như đàn bướm dưới ánh đèn trong sương. Hoa cẩm tú cầu tím nhạt, từng khối tròn, như khối chất xám nhiều nếp gấp, nếp xoắn của người khổng lồ, ươn ướt, rưng rưng từng hạt móc lạnh buốt, lóng lánh. Không hiểu sao tôi lại liên tưởng như vậy.

- Trường Bảo Nghĩa cũng dễ thương đấy chứ? – Nam nói bâng quơ –.

Tôi đang nghĩ đến “mồ hôi động não”, nhưng đáp:

- Ừ, toàn dân Miền Nam cả … Sao không có cán bộ chi viện từ nguồn Bắc hở Nam? – Tôi bỗng hỏi Nam –.

- Nghe nói năm học trước có.

- Trường mình chỉ có anh Ruộng là cách mạng chính gốc trước bảy lăm thôi. Anh ấy là du kích đấy.

- Bí thư chi đoàn giáo viên đó.

- Ừ, có nghe Hoán nói.

Chúng tôi lên dốc dẫn tới khách sạn Đà Lạt. Thông hai bên đường vi vu reo trong sương khuya. Khách sạn này cũng ngập ánh đèn. Nhạc từ hiệu cà phê trong đó vọng ra ngoài đường. Tôi nhìn lên nóc nhà thờ Thiên Chúa giáo, chẳng hiểu sao con gà Gô-loa (Gaulois) dám đậu trên đỉnh Thánh giá! Tính dân tộc của người Pháp cao hơn tính tôn giáo chăng.

Tôi mỉm cười với ý nghĩ đó khi cùng Nam rẽ vào cổng Trường Phổ thông trung học Thăng Long.

- Ông có nhớ chiếc xe lam chở nhóm sinh viên Huế bọn mình từ bến xe liên tỉnh lên đây, dừng tại đây không, và người Đà Lạt đầu tiên mình gặp là anh Bát không? – Tôi khẽ níu tay Nam –. Nhà văn Trần Bát ấy.

- Chính anh Bát dẫn bọn mình vào nhà tập thể. – Nam gật đầu –. Anh Trần Bát là nhà văn phản chiến của Miền Nam đó.

- Mấy bạn ở đây chắc giờ này ngủ rồi. – Tôi lại lo chỗ ngủ, sau khi đi thêm một quãng sân ngắn –.

Chúng tôi khẽ bước lên các bậc thang gỗ, sàn gỗ, và gõ nhẹ vào cửa gỗ của nhà tập thể giáo viên. Đèn phòng còn sáng.

Cử mở cửa phòng, mở cửa nhà, ngạc nhiên khi thấy chúng tôi:

- Sao còn ở đây? Mới từ huyện Công lên sao?

Tôi nghe Nam nói tránh đi, có lẽ Nam ngượng về chuyện thư tay gửi gắm (nó có vẻ tình cảm cá nhân!). Có lần Nam ngập ngừng tâm sự với tôi, hơi cay đắng, cay đắng trong ngọt ngào: “Yếu thế, lại có người thương, mình nhân nhượng với tình đời”. Nam chơi chữ, “tình đời” với hai nghĩa. Lúc này, nghe Nam trả lời, tôi mỉm cười.

Sau một tiếng đồng hồ hỏi han đủ thứ chuyện, Cử ôm sách vở qua phòng Hoàng, để chỗ cho chúng tôi nghỉ lại. Hai anh em đắp một chăn. Tôi nghe mỏi ê ẩm trong hơi ấm. Tôi nghĩ về tình trạng đời và tình cảm đời.

- Ông còn ngượng về “tình đời” à?

- Tính mình không muốn mang ơn. Ơn với mình rất nặng. Vả lại, mình cũng không thích sự bất bình đẳng. Được giới thiệu, gửi gắm, nghĩ cho cùng là mình đã được giành quyền ưu tiên so với người khác, như Khoai chẳng hạn. Có ai giới thiệu cho Khoai đâu! Mình ghét sự bất bình đẳng, sao mình lại chấp nhận nó! Thật ra, thầy giáo dạy mình cũng có viết thư như thế, nhưng mình xin thầy đừng. Mình chỉ nhận thư tay giới thiệu của một nhà văn thôi, vì ham làm báo quá … Bây giờ, phân tích cặn kẽ thế, hóa ra vô ơn. Lẽ ra Hội Văn nghệ ngoài đó giới thiệu cho mình thì tốt hơn, không ai bảo nhờ tình cảm cá nhân nữa … Trong văn nghệ không có bình quân nhưng cũng phải bình đẳng …

Tôi hơi tự ái. Tôi cũng thấy số Nam khổ và sẽ còn khổ nữa là phải. Nam muốn cả tình đời, cả lí đời, vừa thuận tình, vừa đạt luật kia. Thư tay giới thiệu, với Nam là ngoài luật! Tôi hiểu vì sao Nam nhạy cảm với sự bất bình đẳng đến thế, dẫu “bất bình đẳng” trong trường hợp này lại có lợi cho Nam! Tôi bực mình thấy Nam tự tạo ra sự khúc mắc trước tình cảm liên tài, ái tài của nhà văn Đan Sử, một tấm lòng son rực sáng, cả tôi lẫn Nam đều yêu mến, kính trọng. Đời nó thế, nhà văn ấy phải thế, chỉ vì thương Nam và quý tài năng. Quý tài năng, không sợ trách nhiệm, là cũng vì cái chung rồi. Tôi bực mình thực sự, im lặng, ngồi dậy châm lửa hút thuốc. Có lẽ Nam hơi hợm mình cho đỡ ngượng?

- Sao ông không nói gì cả? – Nam hỏi –.

- Nam vừa sai vừa đúng, vừa đáng ghét vừa đáng thương hại. – Tôi nhấn mạnh hai chữ “thương hại” cho bõ giận –.

Tôi không nói nữa. Tôi biết, Nam đã hiểu tôi nghĩ những gì. Nam có vẻ hối hận. Nam muốn tế nhị, hóa ra không tế nhị chăng?

- Ông lí tưởng hóa mọi sự, luật pháp hóa mọi sự! – Tôi chỉ nói thêm vậy, tuy thật lòng muốn hét vào tai Nam –. Đời nó thế, nhà văn ấy phải thế, chỉ vì thương Nam và quý tài năng. Quý tài năng, không sợ trách nhiệm, là cũng vì cái chung rồi. Nam, mày là thằng ngốc, mày khó sống là đáng đời! – Tôi im bặt –.

Tôi nghe Nam thở dài. Tôi mở cửa kính cho khói thuốc tản bớt. Thông reo vi vút đưới triền đồi. Gió tạt vào mặt tôi lạnh buốt. Có lẽ bản chất cuộc đời vốn buồn nên đời vốn thế? Thằng ngốc cứ muốn đời vui hơn kia! Vui hơn, có thể, nhưng còn lâu lắm!

Đóng cửa sổ lại, tôi nghe mình dịu đi. Nằm xuống cạnh Nam, tôi cứ thao thức. Tôi biết Nam cũng chưa ngủ được.

 

( xem tiếp phần 2 )

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

             Cập nhật: 06/30/09

             (tháng / ngày / năm)

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7