i. Trần Xuân An -- Thơ Đường viết về Giao Châu -- lịch sử cổ đại nước ta - Tệp 9

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

       12 tháng 3 HB6 (2006) / 19 tháng 3 HB6 (2006)

07/01/09

           

 

 

       Lời thưa

 

       Bài 1

 

       Bài 2

 

       Bài 3

 

       Bài 4

 

       Bài 5

 

       Bài 6

 

       Bài 7

 

       Bài 8

 

       Bài 9

 

       Bài 10

 

       Bài 11

 

       Bài 12

 

       Bài 13

 

       Bài 14

 

       Bài 15

 

  Phụ lục thơ

 

    Phần cuối

 

 

 

 

 

 

 

                               

  

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

(Bài 9)

[biên soạn]

 

Xem:

Website Giao Điểm:

http://www.giaodiem.com       

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

 

 

 

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

                

 

 

 

 

 

SUY NGHĨ

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ

TRONG

LỊCH SỬ CỔ ĐẠI

NƯỚC TA

 

                             

 

 

Phụ lục chương II:

 

THƠ ĐƯỜNG VIẾT VỀ GIAO CHÂU (VIỆT NAM) (1)

 

THẨM THUYÊN KỲ

 

Nguyên quán Thẩm Thuyên Kỳ (? – 713) là đất Trương Châu (Trung Hoa), làm quan bị biếm trích ở châu Hoan (Nghệ – Tĩnh). Có hơn 10 bài thơ Thẩm Thuyên Kỳ viết về Giao Châu. Sau đây là bài thơ họ Thẩm viết tặng Vô Ngại Thương Nhân, lúc yết kiến vị sư người Việt danh tiếng này, ở chùa Sơn Tĩnh, thuộc hạt Cửu Chân cũ (gồm cả Nhật Nam), vào năm 685, thời Võ Tắc Thiên soán ngôi nhà Đường ở Trung Hoa. Ngoài ra, trong cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc, còn có 3 bài thơ khác viết về Giao Châu (nước ta) của nhà thơ họ Thẩm này (sđd., tr. 63, 293 – 294).

 

Đại sĩ sinh Thiên Trúc

Phân thân hoá Nhật Nam

Nhân trung xuất phiền não

Sơn hạ tức Già Lam

Tiểu giản hương vi sát

Ngụy phong thạch tác am

Hầu thiền thanh cốc [dục – ct.] nhũ

Khuy giảng bạch viên tham

Đằng ái vân gián bích

Hoa thê thạch hạ đàm

Tuyền hành u cung hảo

Lâm quải dục y kham

Đệ tử ai vô thức

Y vương tích vị đàm

Siêu nhiên Hổ Khê tịch

Chích thụ hạ hư lam.

 

Dịch nghĩa:

Đức Phật Thích Ca vốn sinh ra ở đất Ấn Độ

Phân hoá thân sang đất Nhật Nam này

Giải thoát khỏi cảnh phiền não trong cõi người

Già Lam [:chùa – ct.] của Ngài làm ngay ở dưới núi

Suối khe lấy hương làm bảo sát [: chùa, tháp – ct.]

Núi cao lấy đá làm am thiền

Chim xanh cho con bú chầu [rúc đầu? – ct.] khi vào thiền định

Vượn trắng dự nghe khi giảng kinh Phật

Mây leo quấn trên vách đá từng lớp đứng

Hoa bò trên hồ dưới chân vách đá

Suối đi quanh quất u tịch đem cho cái thú

Rừng cây mang [phơi – ct.] áo tắm

Đệ tử đáng thương vì không biết

Tiếc chưa hiểu phép chữa bệnh của vua thầy thuốc

Ngồi ở Hổ Khê siêu nhiên

Một mình dưới cây ngọn núi hư không.

 

Dịch vần:

Phật xưa sinh ở Tây Thiên

Mà nay xuất hiện ở miền Nhật Nam

Thoát vòng đau khổ cõi phàm

Thảnh thơi dưới núi Già Lam một toà

Ngọn khe, đỉnh núi lân la

Hương là cổ sát, đá là thiền am

Chim xanh chúc, vượn trắng dòm

Sớm mai giảng kệ, chiều hôm tham thiền

Mấy từng mây quấn, đá chen

Dây leo chân vách, hoa lên mặt đầm

Thiên nhiên sẵn thú tuyền lâm

Rừng phơi, áo giặt suối dầm nước hương

Phận hèn học kém đáng thương

Tiếc vì chưa hiểu y vương thế nào

Hổ Khê một bữa may sao

Đầu non đổ xuống cây cao một mình.

(Thích Mật thể dịch

trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử).

 

TRƯƠNG TỊCH

 

Trương Tịch (768 – 830), người đất Ô Giang, tỉnh An Huy (Trung Hoa), đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức quốc tử tư nghiệp. “Ông đã dùng lời thơ tố cáo một số hiện tượng đen tối trong xã hội, bài thì châm biếm cuộc chiến tranh chống ngoại tộc, bài thì nói nỗi khổ của người dân phải đi đắp luỹ xây thành, bài thì tả nạn tô thuế” (2) . Trương Tịch đích thực là một nhà thơ phản chiến tích cực và tiến bộ, chống chiến tranh xâm lược của nhà Đường. Bài thơ sau đây Trương Tịch viết tặng một nhà sư trong núi ở Nhật Nam (ở khoảng giữa Trung bộ Việt Nam (*)).

 

Độc hướng sơn trung lão

Tùng môn bế lưỡng nhai

Phiên kinh thượng tiêu diệp

Bài nạp lạc đằng hoa

Thú thạch tân khai tỉnh

Xuyên lâm tự chủng trà

Thời phùng hải nam khách

Man ngữ vấn thuỳ gia?

(Toàn Đường thi, quyển 384).

 

Dịch nghĩa:

Trong núi một mình hướng vào có ông lão

Cửa [gỗ – ct.] thông ngăn đóng hai bên mưa [bờ nước suối đổ – ct.]

Mở kinh trên tàu lá chuối

Phơi áo nhà tu dưới bông hoa leo

Đắp đá mới, đào lấy giếng nước

Phá rẫy tự trồng lấy trà

Gặp khi có khách bể Nam đến

Tiếng bản xứ hỏi thăm nhà ai?

 

Dịch vần:

Trong núi một sư già

Cửa thông khép mưa sa

Mở kinh trên lá chuối

Rũ áo dưới bông la

Xây đá mới, đào giếng

Phá rẫy tự trồng trà

Bể Nam có khách đến

Tiếng bản xứ hỏi nhà? (**)

(Thích Mật Thể dịch).

 

DƯƠNG CỰ NGUYÊN

 

Bài thơ này, Dương Cự Nguyên (? – 800 – ?), người đất Bồ Trung, tỉnh Sơn Tây (Trung Hoa), viết tặng pháp sư Phụng Định, lúc pháp sư sang Trung Hoa giảng kinh Phật trong cung vua Đường.

 

Cố hương Nam Việt ngoại

Vạn lí bách vân phong

Kinh luân từ Thiên khứ

Hương hoa nhập hải phùng

Lộ đào thanh phạm triệt

Thần các hoá thành trùng

Tâm đáo Trường An mạch

Giao Châu hậu dạ chung.

 

Dịch nghĩa:

Quê nhà cõi Nam Việt ngoài Trung Quốc

Mây bạc phủ ngọn núi xa cách muôn dặm

Bao nhiêu học thức kinh luân từ giã cửa Trời [mà ra về – ct.]

Hương hoa đem vào mặt biển [để gặp lại – ct.]

Làn sóng biếc, bóng cò bay còn như in dấu

Khí bổ bốc lên như mây thành mấy trùng

Lòng nghĩ đến kinh đô Trường An

Mỗi khi có tiếng chuông chùa đêm khuya ở Giao Châu.

 

Dịch vần:

Quê nhà cõi Nam Việt

Mây trắng tít mù xa

Cửa Trời vắng kinh kệ

Mặt biển nổi hương hoa

Sóng gợn cò in bóng

Thành mây bến mấy toà

Trường An lòng vấn vít

Giao Châu chuông đêm tà.

(Dịch giả?)

 

CỔ ĐẢO

 

Cổ Đảo (? – ?), người Trung Hoa, viết tiễn pháp sư Duy Giám, vào dịp vị sư này trở về nước, sau một thời gian sang giảng kinh ở trong cung vua Đường.

 

Giảng kinh xuân điện lí

Hoa nhiễu ngự sàng phi

Nam hải kỉ hồi quá

Cựu sơn lâm lão quy

Xúc phong hương tổn ấn

Lộ vũ khánh sinh y

Không thuỷ kí như bỉ

Vãng lai tiêu tức hi.

 

Dịch vần:

Điện xuân giảng kinh luậân

Giường ngự vương mùi hoa

Bể Nam quen lối cũ

Non Việt viếng tuần già

Ấn mòn khi gió táp (***)

Áo lấm lúc mưa sa

Kìa kìa trời lẫn nước

Tin tức dần dần thưa.

(Dịch giả ?).

 

ĐỖ PHỦ

 

Đỗ Phủ (712 – 776), người huyện Củng, tỉnh Hà Nam (Trung Hoa), là nhà thơ nổi tiếng vào hạng bậc nhất trong các tác giả của một thời kì văn học được gọi là Thơ Đường. Sau đây là bài “Khách tòng…” của họ Đỗ, tố cáo sự bóc lột tàn ác của triều Đường, riêng về thuế khoá.

 

Khách tòng Nam minh lai

Dĩ ngã tuyền khách châu

Châu trung hữu ẩn tự

Dục biện bất thành thư

Giam chi khíp tư cửu

Dĩ sĩ công gia tu

Khai thị hoá vi huyết

Ai kim trưng liễm vô!

 

Dịch nghĩa:

Khách từ biển Nam tới

Cho ta hòn ngọc của người cá

Trong hòn ngọc có nét lờ mờ

Nhưng không nhận ra được chữ

Từ lâu giấu kín trong hòm

Để đợi khi nhà quan dùng đến

Mở ra xem đã hoá máu

Thương xót thay! Giờ đây không còn gì để nộp thuế nữa.

 

Dịch vần:

Khách biển Nam đến tặng

Ngọc hình giọt lệ rơi

Trong ngọc ẩn nét chữ

Muốn đọc không nên lời!

Cất vào rương giấu kín

Để cần, quan thuế đòi

Mở ra, thấy hòn máu

Nộp gì đây, trời ơi! (3)

 

KHƯƠNG CÔNG PHỤ

 

Lê Tắc, trong An Nam chí lược, có viết về Khương Công Phụ (sống vào khoảng đời Đường – Đức Tông [780 – 804], Đường – Thuận Tông [804]): người Việt, cháu nội Khương Thần Dực (thứ sử Từ Châu), con của Khương Đỉnh. Nhà nghiên cứu Lã Sĩ Bằng khẳng định Khương Công Phụ là người Ái Châu (quận Cửu Chân) và quận Nhật Nam. Ngô Thì Sĩ viết cụ thể hơn về nguyên quán: Khương Công Phụ người làng Sơn Ôi, đất An Định, thuộc Ái Châu nước ta.

Khương Công Phụ đậu tiến sĩ đời Đường – Đức Tông (780 – 804), được bổ làm hiệu thư lang nhờ bài chế sách hay. Về sau, thăng đến chức tể tướng (tể phụ) triều Đường (gián nghị đại phu, đồng trung thư hạ bình chương sự). Khương Công Phụ có tài cao, tấu nghị minh bạch, rất được vua Đức Tông kính trọng. Khương Công Phụ cũng cương trực nên bị hạ chức, về sau xin làm đạo sĩ. “Vua Thuận Tông lên ngôi, cho Phụ làm thứ sử Cát Châu, nhưng chưa nhận chức thì mất” (Ngô Thì Sĩ).

Nếu đánh giá nghiêm túc về mặt chính trị, Khương Công Phụ cũng chỉ một ngụy quan cộng tác, phục vụ cho triều đình giặc Đường ngoại xâm; nhưng cũng phải thừa nhận họ Khương có tài trí.

Về văn nghiệp, Toàn Đường văn, quyển 446, có chép được hai thiên của ông. Đó là 2 bài văn: “Bạch vân chiếu xuân hải”, “Đối trực ngôn cực gián sách” (4). “Bạch vân chiếu xuân hải” dưới đây là bài văn thuộc thể phú, nên khá gần gũi với thơ. Đó còn là bài phú được người Hán thời Đường đánh giá là kiệt tác. Do vậy, tạm đặt thêm vào mục “Thơ Đường viết về Giao Châu (Việt Nam)” này.

 

Bạch vân dung dung

Dao duệ hồ xuân hải chi trung

Phân vân tằng hán

Hiểu khiết trường không

Tế ảnh sâm si

Tạp vi minh ư nhật vực

Khinh văn lịch loạn

Phân quýnh hoảng u tiên cung

Thuỷ nhi:

Kiền môn tịch

Dương quang tích

Nãi phiêu diểu dĩ tòng long

Toại khinh doanh nhi phất thạch

Xuất cùng loan dĩ cao chử

Khoá hoành hà nhi viễn chích

Cố hải ánh vân nhi tự xuân

Vân chiếu hải nhi sinh bạch

Hoặc cảo cảo dĩ tích tố

Hoặc trầm trầm dĩ ngưng bích

Viên hư sạ khởi

Quân diễm sắc nhi đồng lưu

Thận khí sơ thâu

Dữ thanh quang nhi sạ kích

Vân tín vô tâm như thư quyển

Hải ninh hữu ý ư triều tịch?

Bỉ tắc ngưng nguyên kỉ địa

Thử trải phiếm tích lưu thiên

Ảnh xúc lãng dĩ thời động

Hình tuỳ phong nhi lũ thiên

Nhập hồng ba nhi tịnh diệu

Đối lục thuỷ nhi tương tiên

Thời duy:

Cổ dư bàng tiêu

Trường dinh tuyết tĩnh

Phân cung khuyết ư Tam sơn

Tổng nghiên hoa ư Nhất kính

Lâm quỳnh thụ nhi chiếu hân

Phú dao đài ư oánh ánh

Điểu hiệt hàng dĩ truy phi

Ngư thung dung dĩ hàm vĩnh

Mạc bất:

Các đắc kì thích

Hàm duyệt hồ tính

Đăng phù sảng khải

Vọng tư vân hải

Vân tắc liên cẩm hà dĩ li phi

Hải tắc xúc mai côi chi thuý thái

Sắc mạc thượng hồ khiết bạch

Tuế hà phương ư thủ xuân

Duy xuân sắc dã gia phù tảo lệ

Duy bạch vân dã thưởng dĩ thanh tân

Khả lâm lưu ư thị nhật

Túng quan mĩ ư tư thời

Bỉ mĩ chi tử

Cố mục vô luân [: tuyệt luân – ct.]

Dương quế tiệp

Trạo thanh tần

Tâm dao dao ư cực phố

Vọng viễn viễn hồ thông tân

Vân hề! Phiến ngọc chi nhân.

 

Dịch vần:

Mây trắng chiếu biển xuân

Mây trắng tan hoà, toả đều trên mặt biển xuân

Sông Ngân phơi phới

Không gian trắng ngần

Hình ảnh chập chùng

Bao vây vầng Nhật

Vẻ lồng lớp lớp

Phân cách cung Trăng

Bắt đầu:

Cửa trời hé mở

Dương quang ngập đầy

Uyển chuyển như rồng bay

Lẹ làng lướt vào tảng đá

Từ hang cùng tuôn lên cao ngất

Vượt ngang trời bổ toả khắp nơi

Cho nên: Biển lồng mây thêm tình tứ

Mây chiếu biển càng nuột nà

Lúc vòi vọi như núi tuyết

Lúc thăm thẳm như làn biếc

Bầu không hư nổi hiện

Đều vẻ đẹp cùng trôi

Khí biển thâu hồi

Hào quang tung toé

Mây vốn vô tình mở cuốn

Biển nào cố ý đầy vơi

Biển ngưng nguồn lòng đất

Mây chồng chất ngập trời

Bóng theo sóng dao động

Hình nương gió đổi dời

In sóng hồng đua sáng

Phân làn biếc khoe tươi

Khi ấy:

Mặt đảo băng tan

Bãi bờ tuyết tán

Cung điện hiện Bồng Lai, Tam Đảo

Kết thuỷ mạc mặt nước gương soi

Cây quỳnh bóng gác xinh xinh

Đài dao mây lồng rực rỡ

Chim bay hàng cao hàng thấp trên không

Cá đua lội thung dung đáy nước

Thảy đều:

Thích chí muôn loài

Thoả tình mãn tính

Lên đầu ghềnh

Trông vời mây biển

Mây đan gấm dáng phô

Biển lớp lang óng ánh

Màu nào quý hơn màu tinh trắng?

Tiết nào thú hơn tiết xuân quang?

Đẹp thay xuân sắc xinh

Đẹp thay mây trắng tinh

Buổi ấy hẹn đến ngắm tranh

Trông ra mĩ lệ hữu tình ngày xuân

Kìa ai yểu điệu

Có mắt siêu quần

Buông chèo quế

Thả buồm lan

Lòng nao nao chân trời vô hạn

Mặt chiêu chiêu [:đăm đăm – ct.] bến mộng vô biên

Mây ôi! Người đẹp tuyệt trần (5).

(Dịch giả ?)

 

MỘT NHÀ THƠ GIAO CHÂU (VIỆT NAM) KHUYẾT DANH

 

Lã Sĩ Bằng ghi nhận: “Khoảng triều Ý Tông, niên hiệu Hàm Thông (860), An Nam hai lần bị quân Nam Chiếu vây hãm, có người An Nam là mỗ (6), có tên đề cử nhân triều Ý Tông, làm một bài thơ trách chính sự Trung Quốc ở An Nam”. Chắc hẳn cảnh tượng trong bài thơ là thời điểm năm 863 tại nước ta. Đây là bài thơ được khắc in trong Toàn Đường thi, quyển 784; in lại trong cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc. Lê Tắc xác định là của Bì Nhật Hưu (7).

Bì Nhật Hưu (833 – 883), người Trung Hoa, xuất thân từ nông dân, đỗ tiến sĩ, tham gia cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào; thơ cũng như hành trạng là cả một quá trình nói lên nỗi khổ của nhân dân, chống bọn phong kiến thống trị nhà Đường (7):

 

Nam hoang bất trạch lại

Trí ngã Giao Chỉ phúc

Liên miên tam tứ niên

Trí ngã Giao Chỉ nhục

Nhu giả đấu tắc thoái

Vũ giả binh ích độc

Quân dung mãn thiên hạ

Chiến tướng đa kim ngọc

Loát đắc tề dân sang

Phân vi mãnh sĩ lộc

Hùng hùng Hứa Xương sư

Trung vũ quán kì tộc

Khứ mã vạn kị phong

Trụ vi nhất xuyên nhục

Thời hữu tàn tốt hồi

Thiên môn vạn hộ khốc

Ai thanh động lư lí

Oán khí thành sơn cốc

Thuỳ năng thính cổ (bề) thanh

Bất nhẫn khán kim thốc

Niệm thử kham lệ lưu

Du du Dĩnh xuyên lục.

 

Dịch vần:

Phương Nam, chẳng chọn người cai trị

Để Giao Chỉ thường bị ngả nghiêng

Kể từ ba bốn năm liền

Làm cho Giao Chỉ đắm chìm, nhục thay

Kẻ nhu nhược thụt lùi trước trận

Người oai hùng mấy bận dùng binh

Quân nhu đầy ngập mà kinh

Mấy tay chiến tướng mặc tình kiếm ăn

Nạo xương tuỷ nhân dân hết sức

Để cung vào lương thực cho quân

Hứa Xương hùng hổ ra quân

Hơn người oai vũ mười phần hiên ngang

Mạnh như gió kéo sang muôn ngựa

Dừng lại thành thây chứa đầy sông

Có người sống sót về làng

Họ hàng trông thấy động lòng khóc than

Tiếng u oán vang lan thôn dã

Khí căm hờn đầy cả núi hang

Ngọn cờ tiếng trống bẽ bàng

Ai mà nghe thấy cho đang tấm lòng

Nghĩ mà lệ rỏ ròng ròng

Dĩnh Xuyên xanh biếc mấy trùng xa xôi.

(Dịch giả?).

 

VƯƠNG BỘT

 

Vương Bột (649 – 676), người Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây (Trung Hoa) (có tài liệu ghi cụ thể là người làng [?] Phùng Châu, đất Long Môn). Tương truyền Vương Bột nổi tiếng thơ hay từ năm lên 6 tuổi. Nhà thơ họ Vương chỉ sống 27 năm, chết sớm (8). Ông là con trai của Vương Phúc Trị [Trĩ]. Phúc Trị làm quan đời Đường – Cao Tông, nhận chức quan lệnh ở Giao Châu (nước ta). Vương Bột hẳn cũng đã hiểu thế nào là nỗi tủi hận của nhân dân Giao Châu dưới ách thống trị của nhà Đường xâm lược, mà cha ruột của ông thực chất cũng là một tên thực dân thừa hành. Do đó, thi tập duy nhất của Vương Bột để lại, gồm 16 quyển, “trong đó nhiều bài nói lên lòng bất mãn với thời cuộc” (9), dưới sự thống trị của bọn phong kiến thực dân nhà Đường. Ông cũng có thời làm quan, từng bị biếm trích. Bài Đằng vương các tự dưới đây chưa phải là tiêu biểu cho khuynh hướng phê phán xã hội của ông, nhưng lại là bài thơ được tuyển chọn ở nhiều sách xưa nay. Đáng chú ý hơn là bài “Thục Trung cửu nhật”, viết về tâm trạng khi bị biếm trích ở đất Nam Trung (Ba Thục, tức tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc), chừng như Vương Bột muốn li khai khỏi Phương Bắc. Mặc dù Vương Bột không trực tiếp viết về Giao Châu, nhưng trong “Thục Trung cửu nhật” dường như có phảng phất nỗi niềm về Giao Châu.

 

Đằng Vương cao các lâm giang chử

Bội ngọc minh loan bãi ca vũ

Hoạ đống triêu phi Nam phố vân

Châu liêm mộ quyển Tây sơn vũ

Nhàn vân đàm ảnh nhật du du

Vật hoán tinh di kỉ độ thu

Các trung đế tử kim hà tại?

Ngoại hạm trường giang không tự lưu.

 

Dịch vần:

Gác Đằng cao ngất bãi sông thu

Ngọc muá vàng reo nay thấy đâu?

Nam phố mây mai quanh nóc vẽ

Tây sơn mưa tối, cuốn rèm châu

Đầm nước mây vờn ngày tháng trôi

Mấy phen vật đổi với sao dời

Đằng vương thuở trước giờ đâu tá?

Sông lớn ngoài hiên luống chảy hoài.

(Tương Như dịch)

 

Cửu nguyệt, cửu nhật Vọng Hương đài

Tha tịch, tha hương tống khách bôi

Nhân tình dĩ yếm Nam Trung khổ

Hồng nhạn na tòng Bắc địa lai?

 

Dịch vần:

Mồng chín tháng chín: Vọng Hương đài

Cất chén quê người tiễn bước ai

Nỗi khổ Nam Trung lòng đã chán

Nhạn hồng đất Bắc xuống chi đây?

(Khương Hữu Dụng dịch).

 

HÀN DŨ

 

Hàn Dũ (751 – 814), người Nam Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Hoa), can gián vua về việc rước Phật cốt (xá lợi Phật), bị giáng chức, đày đi xa ở Triều Châu. Hàn Dũ rất quen thuộc đối với người Việt Nam, bởi ngoài tài năng thi ca, Hàn còn được vua Trần nước ta mượn họ để đặt tên cho Nguyễn Thuyên, tác giả bài thơ đuổi cá sấu (Ngạc ngư kia hỡi mày có hay, Biển đông sông rộng là quê mày …) – bài thơ ấy khiến vua Trần liên tưởng đến điển tích Hàn Dũ tống ngạc ngư. Do đó Nguyễn Thuyên thường được gọi là Hàn Thuyên.

Tuy vậy, bài “Đàn Việt Thường” dưới đây của nhà thơ họ Hàn vẫn mang tư tưởng xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Hoa, trong đó có nhà Đường. Đó là hạn chế nghiêm trọng, thực chất là thực dân phản động của Hàn Dũ. Bài thơ được Lê Tắc, tác giả An Nam chí lược, tuyển vào sách (10). Lê Tắc là một người Việt gốc Hoa lâu đời (hậu duệ của thứ sử Nguyễn Phu đời Đông Tấn), đồng bọn với Trần Kiện, Trần Ích Tắc (con cháu nhà Trần), đầu hàng quân Nguyên – Mông, nhận quan chức của quân Nguyên – Mông cướp nước (10).

 

Mưa phải thì

Vật tốt tươi

Nào ta có ý gì với ai?

Từ thuở Thành Chu

Chăm chỉ gian lao

Mở mang bờ cõi

Lưu truyền đời sau

Ngày nay Thánh hoàng

Ngự trị bốn phương

Oai linh lừng lẫy

Ai dám khinh thường

Nhà không bỏ trống

Ruộng có người cày

Việt Thường thần phục

Bốn bề vui vầy.

 

HỨA HỒN

 

Hứa Hồn (? – 844 – ?), người Đan Dương (Trung Hoa), đỗ tiến sĩ, làm quan giám sát ngự sử, rồi thứ sử các nơi (11).

Hẳn là bài thơ dưới đây theo thông lệ, không có nhan đề. Lê Tắc đặt đầu đề là: “Thơ của Hứa Hồn làm khi lên lầu Uý Đà” [Triệu Đà] (12).

 

Hạng, Lưu đương mãng đuổi hươu Tần

Hoàng ốc nghênh ngang chốn hải tân

Cậy sức Nhâm Ngao, từng dựng nước

Nghe lời Lục Giả, lại xưng thần.

 

ĐỖ THẨM NGÔN

 

Đỗ Thẩm Ngôn (? – ?), tên chữ là Tất Giản, người Tương Dương (Trung Hoa).

Xin chép theo lời giới thiệu của Phục Ông về cơ duyên tuyển chọn bài thơ dưới đây, nhan đề là “Lữ ngụ An Nam”, trong phần bạt của cuốn sách An Nam chí lược (13). Phục Ông “chép theo bản sao Đường thi tuyển của Lam Cách, tàng trữ nơi Tuyển Mộng các của Trầm Lãng Thuyến, để bổ túc mục Lịch triều danh hiền tập đề của sách An Nam chí lược” (13).

 

Giao Chỉ khác thời tiết

Lạnh trễ lại nóng liền

Trái núi chín tháng một

Hoa đồng nở tháng giêng

Mưa dầm sinh mù tối

Sương nhẹ dậy sấm rền

Làng cũ xa muôn dặm

Tứ khách vẫn triền miên.

 

Trích dẫn những bài thơ trên (trong đó có một bài phú), xin chỉ giới hạn trong phạm vi Thơ Đường, bởi lẽ hai chữ Thơ Đường đối với người Việt Nam cũng như đối với thế giới là tất cả tinh tuý của thơ ca Trung Hoa, mặc dù ai cũng biết thơ, từ, phú triều Hán, và về sau là Tống, Nguyên, Minh, Thanh, không phải không có những tác giả, tác phẩm xuất sắc. Đó là lẽ đầu tiên. Thứ đến, trích để ngẫm nghĩ về những vết tích lịch sử nước ta, liên quan đến nước ta, in dấu trong thơ Đường.

Về khía cạnh chủ yếu cần khảo sát là sử học, các bài thơ trên cho ta thấy:

1.  Phật giáo đến Giao Châu (nước ta) rất sớm, sớm hơn cả Trung Hoa.

2.  Nỗi khổ của nhân dân Giao Châu dưới ách thống trị thực dân phong kiến nhà Đường (Trung Hoa).

3.  Các nhà thơ Thơ Đường vốn được nhiều người Việt yêu mến không phải không có những hạn chế nghiêm trọng (tư tưởng bá quyền, xâm lược dưới chiêu bài lừa mình dối người một cách trịch thượng, hoặc trắng trợn hoặc ngấm ngầm). Phải chăng đó là lòng yêu mến “lấy chín bỏ làm mười” với lòng khoan thứ? Điều này khiến ta liên tưởng đến những nhà văn, thi sĩ Pháp, Nhật, Mỹ, và cả những người cầm bút văn chương thuộc bá quyền Trung Quốc (1979) sau này. Tất nhiên, trừ những tên thực dân gian ác như nhà văn Henry Rivière (Lý Ba Lợi).

 

TP. HCM., 16 giờ 16 ngày 31. 07. HB4

(rằm 06. G. thân HB4).

TRẦN XUÂN AN

biên soạn

 

 

Cước chú của  phần Phụ lục chương II:

 

(1) Những bài thơ Đường trên đây, chép lại theo: GS. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam (6 tập), tập 2, Nxb. TP. HCM. tái bản, 1992, tr. 158 – 194; Nhiều tác giả, Thơ Đường, 2 tập, bản in lần thứ hai, Nxb. Văn Học, 1987; Lê Tắc, An Nam chí lược (thuộc Tứ khố toàn thư, Trung Hoa), bản dịch của Uỷ ban Phiên dịch sử liệu Viện Đại học Huế (GS. Trần Kinh Hoà cố vấn), Viện Đại học Huế xb., 1961; Nxb. Thuận Hoá, TT. Văn hoá – Ngôn ngữ Đông Tây tái bản, 2002 (xem thêm mục “Thơ đề vịnh của danh hiền các triều đại”, tr. 291 – 298). Ngoài ra, có tham khảo thêm: Trần Trọng San (biên dịch), Kim Thánh Thán phê bình thơ Đường, Tủ sách ĐH. Tổng hợp TP. HCM., 1990.

 

(2) Nhiều tác giả, Thơ Đường, tập 1, bản in lần thứ hai, Nxb. Văn Học, 1987, tr. 331.

 

(*) Nhật Nam bao gồm hầu hết các vùng đất thuộc Ngũ Quảng, gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức [:Thừa Thiên], Quảng Nam; chỉ trừ Quảng Ngãi (?). Theo Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2002, tr. 122: huyện Tượng Lâm của Khu Liên kéo dài đến đèo Đại Lãnh (Đèo Cả, núi Đá Bia [Thạch Bi]), vốn là ranh giới của nước Lâm Ấp và nước Phù Nam. Xin lưu ý: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, bản dịch Phạm Trọng Điềm, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr. 347: Ở tỉnh Quảng Nam cũng có núi Phù Nam (huyện Hoà Vang). Ngoài ra, hầu như người Quảng Nam nào cũng biết, ở Quảng Nam, tại huyện Đại Lộc, cũng có một xã tên là Đại Lãnh (nơi khai quật di chỉ khảo cổ). Xin nêu vấn đề như thế.

 

(**) Nguyên văn bản dịch trong cuốn Lịch sử tư tưởng Việt Nam, sđd., tr. 162: “Tiếng Mán hỏi thăm nhà?”. Khảo chứng, đối chiếu với tư liệu cổ: Lê Tắc, An Nam chí lược, sđd., tr. 297: nguyên văn bản dịch là, “Trăm tiếng thổ, hỏi nhà?”. Trừ câu cuối, bản dịch vần bài thơ trên y hệt bản dịch vần trong cuốn An Nam chí lược, sđd., nhưng không đề tên dịch giả, khiến người đọc hiểu là bản dịch vần ấy là của UB. Phiên dịch sử liệu Viện ĐH. Huế. Không rõ ai mới là dịch giả! Có lẽ do sơ suất của GS. Nguyễn Đăng Thục.

 

(***) Bản khắc mòn gió táp, Áo mặc lấm mưa sa [ct.].

 

(3) Bản phiên âm và dịch nghĩa bài “Khách tòng…” này, trích từ cuốn Thơ Đường, tập 2, sđd., tr. 268 – 269. Bản dịch vần trên, có tham khảo từ bản dịch thơ trong sđd., tr. 269.

Đỗ Phủ lại có hai câu thơ viết về trụ đồng vốn do tên thực dân cổ đại Mã Viện (Phục Ba tướng quân) dựng:

Vũ lai đồng trụ bắc

Ý tẩy Phục Ba quân

(Mưa phía bắc đồng trụ

Muốn rửa quân Phục Ba).

Trích từ: Lê Tắc, An Nam chí lược, sđd., tr. 65.

 

(4) Dẫn theo GS. Nguyễn Đăng Thục, sđd., tr. 166, 168 – 169, 190: Lê Tắc, An Nam chí lược, bản dịch của Uỷ ban Phiên dịch sử liệu Viện Đại học Huế (GS. Trần Kinh Hoà cố vấn), Đại học Huế xb., 1961; Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, bản dịch của Hội Việt Nam nghiên cứu – liên lạc văn hoá Á châu, Văn hoá Á châu xb., Sài Gòn, 1960; Lã Sĩ Bằng, Bắc thuộc thời kì đích Việt Nam, Đông nam Á nghiên cứu chuyên san, tập 3, Đại học Hương Cảng, 1964.

Cũng theo GS. Nguyễn Đăng Thục, sđd., tr. 165 – 166, sử gia Lê Tắc ghi nhận: thi sĩ người Việt Nam còn có Liêu Hữu Phương mà Liễu Tử Hậu hết lời ca ngợi, xem là hiếm quý. Học giả hiện đại (thế kỉ XX) – Lã Sĩ Bằng – về sau, nhận định rằng thi sĩ và nhân tài Việt Nam bấy giờ không hiếm. Ông lập luận: “thời Đường văn nhân hay xướng hoạ, nhận được thơ tặng mỗi lần đều có thơ tặng lại, đủ biết rằng người Việt Nam thời bấy giờ làm thơ nhiều”; đồng thời Lã Sĩ Bằng tỏ ý “tiếc rằng, những tác phẩm đều thất truyền, không lấy đâu để khảo cứu tìm ra được”.

Tôi nhận thấy: nhà Đường với chính sách trấn áp kháng chiến của dân tộc Việt, đã đặt “châu hiệu” nước ta là “An Nam” (với nghĩa Phương Nam ổn định [trong nô lệ]!), thì để phát triển văn chương Việt, thật khó, vô vàn khó, đối với thi sĩ, văn sĩ Việt. Đó là chưa kể đến sự thể chữ Hán vốn là ngoại ngữ, chứ không phải là tiếng mẹ đẻ của người Việt.

 

(5) Xem thêm bản dịch nghĩa trong cuốn sách của GS. Nguyễn Đăng Thục, sđd., tr. 175 – 178.

 

(6) Mỗ: trống, trổng, tức là khuyết danh. Ở trường hợp này không phải do kiêng huý, mà vì lí do nào đó (có thể bởi tác giả chống triều đình nhà Đường ngoại xâm, hoặc tác giả tự giấu tên chẳng hạn), nên sách sưu tập không ghi tên tác giả.

 

(7) Lê Tắc, An Nam chí lược, sđd., tr. 293 – 294. Nguyên văn bản phiên âm, bản dịch vần bài thơ được cho là khuyết danh tác giả trên, trích từ: GS. Nguyễn Đăng Thục, sđd., tr. 328 – 330. Xem thêm về tiểu sử Bì Nhật Hưu: Thơ Đường, tập 1, sđd., tr. 334 – 335.

 

(8) Lê Tắc, An Nam chí lược, sđd., tr. 213: “Vương Phúc Trĩ [âm khác: Trị – ct.], cha của Vương Bột, thời Cao Tông (650 – 683), làm Ung Châu tư hộ tham quân. Vì việc của Vương Bột, bị đổi qua làm Giao Chỉ lệnh. Vương Bột qua Giao Chỉ thăm cha, bị đắm thuyền chết”.

 

(9) Nhiều tác giả, Thơ Đường, tập 1, sđd., tr. 25 – 27, 325: bản phiên âm, bản dịch thơ và vài dòng về tiểu sử được trích từ sđd..

 

(10) Lê Tắc, An Nam chí lược, sđd., tr. 296: Các bản dịch vần các bài thơ sau đây, được trích từ bản dịch sđd..

 

(11) Nhiều tác giả, Thơ Đường, tập 1, sđd., tr. 335.

 

(12) Lê Tắc, An Nam chí lược, sđd., tr. 296.

 

(13) Lê Tắc, An Nam chí lược, sđd., tr. 351 – 352.

 

TXA.

 

 

(  xem tiếp bài 10

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

              Cập nhật: 07/01/09

              (tháng / ngày / năm)

  

Google page creator  /  host