a. Trần Xuân An - Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên - Tệp 1b

07/24/09

 

 

Phần 1

 

Phần 2

 

Phần 3

 

 

 

 

                             

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

 

 

 

Giọt mực, cánh đồng

 

và vở kịch điên

 

 

 

 

 

tập thơ thứ tám

(nhặt lại những bài thơ bão thổi bay mất)

  

 Xem

Tạp chí điện tử Giao Điểm tháng 9-2005:

http://www.giaodiem.com         

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

 

 

phần một

 

 

Nhật kí vào vai Người Điên

 

 

 

  

                  Lời đề tặng

 

         Trên trang đầu phần thứ nhất của tập thơ này, phần thơ tỉnh thức, tôi xin trang trọng đề tặng hai nhân vật thân quý của tôi: Lê Đất Lành và Trần Sa Mưu, vốn là hai hình tượng rất thích thú nghiên cứu tâm thần học và đã bị ''phát điên'' trong một thời gian ngắn. Những cảm xúc, suy nghĩ hoang tưởng của hai hình tượng nhân vật đó, tất nhiên chỉ là hư cấu nghệ thuật, nhưng ít nhiều đã ''phản ánh những âu lo, thao thức, khát vọng của con người'', hiện tại cũng như mọi thời, nhất là trong các lĩnh vực văn hoá, sử học ... Cũng trên trang đầu phần thơ này, tôi xin được bày tỏ chút lòng đồng cảm về nỗi ''cuồng điên'' ấy của hai nhân vật, nỗi ''cuồng-nhân-nhật-kí'' đậm màu thời cuộc. Tôi muốn thể hiện thành thơ ca và tiểu thuyết với ít nhiều cách điệu, với thủ pháp nhập thân, để làm nổi rõ tính điển hình, chân thật của hai hình tượng.

                                                               

10.01.1998 

                                              TRẦN XUÂN AN

 

 

 

 

THƠ NGỎ

 

 

 

giã từ bao thao thức giằng xé

                                    thuở mười lăm, xa xôi

mười bảy tuổi con ốc mượn hồn làm thơ

                        cho mộng mơ và người lớn

những năm mười chín hai mươi, tôi

                        tìm thấy tôi chỉ giữa cuộc đời

tuổi hai mươi sáu độ nào, bị xô

                        xuống vực sâu suy ngẫm đau đớn

                        về vở kịch hoang tưởng

(vở kịch nào cũng vặn vẹo diễn viên khóc cười

theo chủ quan trong ý hướng!

như bao nỗi bức bối, oan khổ nghìn đời

nhào nặn thánh thần thành hình tượng?)

cắn răng bao năm, cùng nhân vật thành thơ,

                        trèo lên vách cao đá dựng

vượt qua mấp mé tuổi bốn mươi,

                        tôi thảng thốt, chơi vơi

thôi thì tập mỉm cười.

 

                                                     03.12.1997

 

 

 

 

HÁT RU TRONG VỞ KỊCH HOANG TƯỞNG

 

 

 

mấy năm điên dại điên khôn

bàng hoàng chợt tỉnh, vợ con có rồi

 

cảm ơn em, cảm ơn đời

đã cho ta biết nụ cười làm cha

 

mẹ ơi, xiêu xế tuổi già

ngờ đâu có cháu gọi bà, dâu ngoan

 

sân đình sống lại gốc bàng

thơ rưng lộc nõn ơn làng xanh non

 

người điên đưa đẩy nôi con

giọng cay đắng cũng ngọt ngon ru hời

 

mai sau con học làm người

gắng dằn tiếng khóc, tập cười thật quen!

 

ba cuồng, ba dại, ba điên

ru con đâu dám đạp nghiêng đất tròn

 

sụp quỳ trước nụ cười con

chắp hai tay lạy nỗi hồn nhiên thơ.

 

                                                1988

 

 

 

 

THƠ VÀ MƯA, BA MƯƠI NĂM TRƯỚC

 

 

 

mưa

năm tháng và số phận

trái tim như ngọn lửa bừng soi

 

những luồng mưa xoáy lốc mịt mùng ơi

kiếp người sinh tàn ngẫu nhiên

            như lá mọc lá rơi trong niềm bi thảm

cho nhà thơ mò mẫm suốt đời

chọn lựa

thơ là lửa

bừng soi

 

xóm nhà bên ai gõ đàn mà hát

                        trời xanh nơi đâu

                        ơi con chim câu

                        ơi chim xa xứ

                        nắng vàng phương nao

                        hai miền đất nước

                        trời mưa niềm đau     

 

                        can chi mà khóc

                        cớ chi mà gào

                        vỗ đàn mà hát

                        tháng ngày nghêu ngao

                        sinh ra rồi chết

                        có bởi mình đâu...

 

khúc hát cuồng ca như lời hát ru

ai cất lên trong mưa rồi chợt tắt

mưa! mưa! lạnh buốt

sau một đêm

            không ai tìm ra kẻ hát cuồng ca

chỉ còn mưa

những sợi mưa như song sắt

 

có thể đã đốt bùng thơ và tiếng hát

ngọn đuốc sáng soi

trên con đường chưa một ai đặt bước

mưa! mưa! lạnh buốt

và mưa! mưa! mưa rơi, ngập trời!

 

                               tháng 7 - tháng 9

                                           1984

 

 

 

 

Ý NGHĨ TRONG NHỮNG NGÀY

CHỜ CON RA ĐỜI

 

 

 

một năm sắp trôi qua

thì sẵn sàng đón tuổi

ờ, mới ba mươi ba

tâm bệnh, tính chuyện già

lại sáng lên nắng mới

số phận còn thương ba

 

con là niềm mong đợi

là mùa xuân của ba

từ lòng mẹ bao la

 

đã ba mươi ba tuổi

ba lần nữa sinh ra

từ bụng đời vời vợi

 

ước mơ chưa nhạt nhòa

niềm thơ đành để nguội

bệnh như dây buộc trói

bên lề đời, khuất xa

 

ôi bao điều chưa nói

từ trong trái tim ba

và tháng năm sắp tới

có trở thành thơ ca

 

chắt chiu nửa đời ba

thơ ra thơ, ít ỏi

giờ lại nghĩ vồi vội

đưa bút lướt qua loa

tâm bệnh, thơ lập lòa!

 

gần lập xuân, ba đợi

con là nguồn sống mới

chữa lành bệnh cho ba

bằng tiếng khóc oa oa

bằng đôi môi tập nói

bằng tên con, ba gọi

 

mộc mạc và thật thà

viết cho con như nói

đâu phải tự an ủi

đâu phải tự lừa dối

 

ba thì vẫn là ba

dù thơ chẳng nên nỗi

ôm bệnh ngồi bó gối

quanh quẩn ở trong nhà!

 

con là mùa xuân mới

nở từ ước mơ ba

gốc đời ba cằn cỗi

cành đời con dâng hoa

 

cuối đông, xuân đã tới

từ lòng mẹ bao la

từ bụng đời vời vợi

cha con mình cùng tuổi

cùng một lần sinh ra!

 

ôi mùa xuân phơi phới

rất người rất thơ ca

cha con mình bước tới

đường còn dài còn xa!

 

                                      1988

 

 

 

 

KẺ BỊ GIẾT CHẾT SINH MỆNH CHÍNH TRỊ (1) 

TỰ ĐÙA

 

 

 

tôi có là gì đâu giữa cuộc đời này

là thằng điên

một thằng hoang tưởng!

là thằng điên

            mê trò ngâm nga hát xướng

lại ngâm và hát thơ mình!

dù hát đúng

            hát sai (2)

            ngâm trầm ngâm bổng

ai có nghe

                        nhớ gạn đục

                                    khơi trong

gắng nghe bằng cả tấm lòng

 

mươi bài điên sẽ có câu rất tỉnh

trăm khúc tỉnh có thật tỉnh hay không

bị bức hiếp số phận,

                           tôi điên buồn, điên ngông

những ai đó yên tâm hoạt đầu mưu tính (3)

tôi, gò lưng bên bàn chỉ tơ lỉnh kỉnh

đạp và đạp, tôi, người máy nhập đồng! (4)

 

                                                19.01.1990

(1) “Sinh mệnh chính trị”, cụm từ này được xã hội sử dụng với nghĩa là sinh mệnh công dân, quyền công dân, hay ở mức độ khác, thông thường hơn, là khía cạnh chính trị, tư tưởng của mỗi công dân, suốt cả quá trình sống, qua nhiều thời kì (được tổ chức đoàn thể, chính quyền theo dõi, đánh giá, xếp loại). Theo đó, có nhiều người còn trẻ, còn khỏe, nói chung là còn sống, nhưng vì khía cạnh chính trị, tư tưởng bị xếp loại là sai trái (như phản đối hoặc khác biệt với sự áp đặt chân lí – sự thật trong văn – sử…), thì xem như sinh mệnh chính trị đã bị khai tử.

 

(2) Thật ra, đây là một cách nói thể hiện sự tự tin của nhân vật trữ tình trong bài thơ, đồng thời cũng ngầm thể hiện sự tôn trọng, đề cao trình độ tri thức, năng lực động não của người đọc. Tuy nhiên, đó chỉ là một ảo tưởng. Trong thực tế, bất kì ở đất nước nào, trong dân tộc nào, số lượng người trí thức, có lương tri, có tinh thần khách quan khoa học, bất vụ lợi và có trình độ thẩm thức sử học, văn chương thì luôn luôn ít ỏi, còn đại đa số chỉ biết tin vào uy tín, học hàm, học vị của các vị trí thức, cho dù một phân số trong đó là “giáo sư giấy, tiến sĩ giấy” và một phân số khác lại thiếu khách quan, luôn luôn vì quyền lợi bản thân…

 

(3) Theo nhân vật trữ tình trong bài thơ: đây là một tai nạn chính trị - xã hội (bao gồm là và chủ yếu là văn chương, sử học), do những kẻ hoạt đầu chính trị - xã hội nào đó gây ra, mà nhân vật trữ tình chỉ là nạn nhân. Chắc hẳn tai nạn này chỉ là “cái cớ”, và từ đó nhân vật bật ra những sáng tạo, phát kiến (trường hợp quả táo Newton, “eureka!” và các trường hợp xuất thần khác…).

 

(4) Nhập đồng là một trạng thái nội tâm mãnh liệt, nung nấu lâu ngày, bật ra thành tác phẩm văn chương hay những phát kiến khoa học, tưởng chừng như đột xuất, bất ngờ.

 

 

 

MẸ LÀ CÕI ĐỜI

 

 

 

đứa con ra đời

như chiếc lá tàn rụng khỏi mẹ

để đón nhận cả vòm trời

rồi hóa thành đất đai

tự biến thành màu mỡ

và qua mẹ, chỉ là mẹ thôi

màu mỡ biến thành hoa tươi

và trên bàn tay mẹ,

            chỉ trên bàn tay mẹ

hoa sẽ thành quả

cho dù nhỏ nhoi

 

ơn mẹ là cõi đời

cho lá khát vọng tự đổi thay số phận

khốc liệt sự chống lại niềm-bi-thảm-nghìn-đời

cho dẫu màu xanh lá thắm

chưa ngắt khỏi cành tươi

 

cho dù nhỏ nhoi

quả vẫn muốn khởi đầu là lá

tự nở sinh kiếp đời

giữa cõi đời, giữa cõi đời giông gió

mẹ ơi mẹ ơi

thế hệ muốn vượt lên bao cơn vật vã

nhưng vòm trời

mưa mãi niềm đau khôn nguôi!

bật khóc

 

sống còn là sự giằng co khốc liệt

với chính mình và cuộc đời

để thành Con Người

đứa con bật khóc

mẹ ơi mẹ ơi.

 

                              tháng 7 - tháng 9.1984

 

 

 

GIẬT MÌNH

 

 

 

chiều trên gác lửng nghe mưa

bao cơn gió cũ xoáy lùa trong tôi

 

giật mình, nhớ một quãng đời

giống sao chuyện kể về người năm xưa

nỗi đau kia, có ai ngờ

viết rồi, giấy rực bao giờ, mực sôi

 

chỉ là tâm bệnh đó thôi?

những trầm uất tưởng nén vùi, bùng lên?

sao trong ảo giác mê điên

màu thời thế đậm nét riêng mỗi thời

(dẫu chung khát vọng con người

muôn đời đau đáu khóc cười đớn đau)?

 

niềm tin, dự cảm mai sau

và vang vọng tiếng thét gào yêu thương

cứu trẻ con! rộng con đường!

đớn đau sao nỗi điên cuồng xa xưa!

 

thương mình, một gã làm thơ

thèm nhân phẩm, khát tự do giữa đời

 

người điên lại rất con người

trong hoang tưởng, tiếng kêu đòi thật sao!

thường khi chẳng dám nghĩ đâu

trong hoang tưởng, cái nhìn sâu không ngờ!

 

tự do sống giữa tự do

có lẽ nào là ước mơ điên rồ?

 

không ai cưỡng bức lời thơ

không ai ám thị giấc mơ cách nhìn

không ai đấu tố trái tim

buộc làm con rối ngày đêm diễn trò

 

đẹp nhân phẩm giữa tự do

có lẽ nào là ước mơ xa vời?

 

cơn “gào thét” hai năm trời

vẫn im lặng trước kêu đòi đớn đau

chẳng phải là vô tâm đâu

kẻ chức quyền cũng ước ao làm người?

muốn đấu tranh, sợ dập vùi

''cuồng nhân nhật kí'' nói lời khát khao?

lòng dân khép lại từ lâu?

sống lầm lũi, ngóng phương nào mà đi?

cái im lặng đến lạ kì

niềm đau? nỗi oán? hồn mê? tâm hèn?

cơn ''gào thét'' hai năm liền

cái im lặng ấy nói lên những gì?

 

đã qua rồi giấc điên mê

''bàng hoàng'' tỉnh lại, làng quê khác rồi

ơn Lỗ Tấn - một con người

viết từ lâu đã lâu rồi trong mơ

 

chiều trên gác nhỏ, sững sờ

thơ hoang tưởng? vẫn là thơ rất đời

biển nguồn cũng buốt thế thời

thoáng nghe gió mới bên trời, nắng lên?

biết đâu rền tiếng kên kên

bóng ma đế quốc lượn trên phận người?

 

                                                     24.9.1987

                                                     29.1.1988

 

 

 

BIẾT LÀM SAO

 

 

 

sống như cây như cỏ

máu trào sôi không yên

thơ viết tràn ra đó

bạn làm báo ngại phiền

 

ngâm to cho bớt khổ

lại sợ cả láng giềng!

học người xưa đào hố

gào thầm, lấp đất liền?

 

(cái Tâm nào muốn nhỏ

chạm chi chuyện đời riêng!)

 

ôi, ngay chuyện cười cổ

kể được mới lưu truyền!

thời Nguyễn Du, Bạch, Đỗ (*)

khổ, còn sướng hơn tiên!

 

cố tập sống hồn nhiên

thì khác chi cây cỏ

bệnh làm sao cho đỡ

câm nín hoài thêm điên!

 

                               16.10.88

 

(*) Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ.

 

 

 

 

HUYỀN TƯỢNG BÚA VÀ LIỀM

 

 

 

I. QUÁN THẾ ÂM,

    KHÁT VỌNG TỪ RUỘNG ĐỒNG (1)

 

 

 

lắng tiếng Đời vạn nghìn năm

chân quê, Mẹ ngự trong tâm - sen hồng

nến hương tỏa sáng hư không

nhân gian thờ lạy Nỗi Lòng trần gian.

 

                                                             1993

 

(1) Quán Thế Âm - Thị Kính là một hình tượng mã hóa phản ánh bi kịch không thể giãi bày (cái oan từ sự cố ''giết chồng'' buộc phải nín lặng trước nỗi oan ''hoang thai'' vì sợ lộ tông tích), ý thức nhẫn nhục bi đát, cùng ước vọng thăng hoa và sự lí giải về tiền kiếp, hiện kiếp (chín kiếp chịu thử thách chứ không phải bị quả báo, theo luật nhân quả siêu hình thông thường)...

 

 

 

II. ĐỒNG TRINH, NIỀM RẤT THIÊNG

    NHỮNG MA-RI-A  XÓM THỢ (2)

 

 

 

Mẹ ơi, nước mắt rơi thầm

nguồn đau vô thức xa xăm vơi đầy

hóa Thánh Linh chút thơ ngây

hạt máu Đời vút trời mây - Hồn Đời!

                                                          

                                                                1993

 

(2) Xem : Ma-thi-ơ, Lu-ca, Mác, Giăng: Ma-ri-a là một hình tượng lưỡng nghĩa: mẫu đề (mô-típ) bi kịch thân phận và mẫu đề phi thường, siêu phàm. Phi thường, siêu phàm, như mẹ Thánh Gióng, Thạch Sanh (truyện cổ nhân tộc Kinh), Po Rome (truyền thuyết Chăm)… Nghĩa ''con hoang'' nhất quán với sứ mệnh cứu chuộc của Giê-su, với nhiều chi tiết hiện thực vượt khỏi tư duy thần thoại, truyền thuyết, nghiêng về thế sự. Trích dẫn Kinh Thánh, phần Tân ước, Mathiơ: 1 : 18 – 19 : “Đức Chúa Jêsus giáng sanh. Vả, sự giáng sanh của Đức Chúa Jêsus Christ đã xảy ra như vầy: Khi Ma-ri, mẹ ngài, đã hứa gả cho Giô-sép, song chưa ăn ở cùng nhau, thì người đã chịu thai bởi Đức Thánh Linh. Giô-sép, chồng người, là người có nghĩa, chẳng muốn cho người mang tiếng xấu, bèn toan đem về để nhẹm. Song đang ngẫm nghĩ về việc ấy, thì thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao, mà phán rằng:…”. Có thể dùng phân tâm học để giải thích giấc mơ này của Giô-sép (Joseph): nguyên nhân 1, vì quá thương yêu Maria, cho dù Maria đã lầm lỡ; nguyên nhân 2, bị ám ảnh bởi lời tiên tri trong Cựu ước.

 

 

 

 

XEM PHIM ĐEN

Ở QUÁN ĐÈN MỜ, PHỐ BIỂN

 

 

 

súng nổ đao vung loang loáng

đứa bé bưng mặt khóc oà

đêm mơ gào rú hét la

 

súng nổ đao vung loang loáng

đứa bé cười ha ha

đêm mơ miệng rít tay khoa

 

súng nổ đao vung loang loáng

đứa bé thù cả lá hoa

đêm mơ bóp chết sơn ca

 

súng nổ đao vung loang loáng

đứa bé phun nọc mọc nanh,

                                    lột vỏ thay da

đêm mơ dài đuôi gõ búa quan tòa!

 

                                                      1995

 

 

 

 

CÚI XUỐNG

 

 

 

I. DÁN Ở NHÀ HÀNG “HẬU CHIẾN”

 

 

nhà hàng xế trưa

            khăn ngát sáng

            bình hoa rực rỡ

xương trắng miểng bom đúc thành

            muỗng nĩa chói lòa

tiếng nhạc gió thét gào lạnh tanh

            mùi trận mạc

bao người lính bày bàn xong,

            trở lại bãi tha ma!

 

 

II. THÂN TẶNG “RẠN VỠ”

 

 

người đánh giặc già nua lắt lay

                        vỉa hè tối

cái vênh vang xênh xang

                        bóng nhẫy miệng cười

thi sĩ cùng đinh không thể mù sự thật

đau lòng đất vọt trào phún thạch

                        bỏng sôi.

 

                                                          1995

 

 

 

 

LẠI BẮT ĐẦU TỪ CHỮ CÁI THỨ NHẤT

 

 

 

sớm mai bên hồ Xuân Hương

thấp thoáng nắng trên mưa sương bất chợt

cô gái không quen ngước tròn đôi mắt

nắng loáng qua niềm vui không ngờ

khi chung quanh tiếng thông buồn như khóc

nước rêu xanh che rong nhờn và rác

trời cứ sương cứ nắng cứ mưa

huyền hoặc, mị lừa?

những gì là có thực?

niềm ray rứt dẫn lòng tôi đi lạc

hoang mang sương mù

thảng thốt, mỉm cười, bẻ bút

thề chẳng bao giờ dại dột làm thơ

 

hai năm chẳng dại dột làm thơ

ai biến tôi thành gã lái buôn đau đớn nhất

mua nghìn giọt lệ bán trăm ngọc biếc

thu vào hờn oán đổi trả sương hoa

đóng thuế lương tâm cho những thằng ngu (*)

lãi vô vàn: rợn lạnh những hư vô!

 

đêm cuối năm. Tôi mềm trong tiếng thơ

rượu tàn cơn ngầy ngật

thấp thoáng nắng trong mưa sương lất phất

và đôi mắt, đôi mắt, triệu nghìn đôi mắt

từ đời thực hiện về

mưa chiêm bao sao ướt đầm khuôn mặt ai kia

rũ xuống bàn

sửng sốt

thảng thốt nhìn hai tay khánh kiệt

 

những gì là có thực?

tôi ngọng nghịu hỏi mình như trẻ thơ

và tập đọc lần thứ nhất

chữ A

ngơ ngác

chữ A

môi run hạnh phúc.

 

                                               1982

 

 

(*) Xem bản đã được tác giả viết rõ hơn tại đây:

 

 

 

ĐỌC THƠ CHIỀU CUỐI NĂM

 

 

 

ngọn gió chiều cuối năm

không còn là lốc xoáy

không còn là bão giông

gió dịu dàng biết mấy

hát nên lời mênh mang

 

thổi rực mùa quỳ vàng

gió về hồng sắc nắng

gió về đơm lộc nõn

thì tất niên, với bạn

mình đọc thơ mùa xuân

 

cùng nâng li hân hoan

cạn tình đời sóng sánh

gió mùa xuân nồng ấm

cuốn bụi nhòa gương tâm

cho tiếng thơ vang ngân

 

nhánh đào nở lửa bùng

nứt tim nhau, động đất

xé lòng, sao chổi quét

lại cành mai sáng bừng!

đón giao thừa, bật khóc

mắt thân thương ngời xuân.

 

                                  1982

 

 

 

SỢ

 

 

 

chí cao thời khó, thôi đành

cái tâm đỡ bệnh, thơ dành ru con

văn chương nghiệp chướng cứ còn

già câu đối tết đùa non mắt đời

sa mưu trúng kế, kinh rồi

đã thôi vì rứa, răng thôi thế này!

 

                                             1985

 

 

 

 

ĐI TRONG VƯỜN PHONG LAN

 

 

 

cơ hồ yêu phong lan

như yêu thương tuổi nhỏ

lan cần cành nâng đỡ

lá mát chỗ lan nằm

 

bé con như phong lan

dâng hoa vào tay mẹ

lan cũng thích ru nôi

gió đưa hương nhè nhẹ

 

ai cũng yêu phong lan

như yêu thời tấm bé

thời có quyền như thế

bởi còn là trẻ con

 

và còn thương phong lan

thương thời hoài hoài nhớ

ôm một nỗi đau thầm

sống mòn đời vắt sổ!

 

thương đời thực phong lan

một cuộc đời tầm gửi

lan cố giữ là mình

trả hương cho cây núi

 

thương đời thực phong lan

phải sống xa mặt đất

hương thơm đến không thật

như thể là vô tâm

 

càng yêu thêm phong lan

đẹp sao thời tuổi nhỏ

càng thương thêm phong lan

một niềm tâm sự vỡ

 

lan, nhìn từ hai phía

càng thương mấy quãng đời

may sao mình không thể

không đành trẻ con thôi

 

nhưng vẫn mê phong lan

mắt thơ, buồn cười quá

lan níu cây ngó đời

trên khí cầu, tìm tôi?

 

đây, nhà văn dở hơi!

cũng một đời tầm gửi

cố giữ mình là mình

trả hương cho cây núi.

 

                             1988 

 

 

 

 

NHẶT NHỮNG CÂU BÃO THỔI

 

 

 

ba trục tơ vắt sổ

sao chẳng dệt thành nắng thành mưa

                                    xôn xao trong hồn ai rạng rỡ

bao năm ước mơ

                                    để chỉ thành người thợ

                                    bình thường

anh nhìn anh, thôi chẳng buồn lòng

thực tế lạnh lùng!

                        thì bình thản lau đi đôi mắt

cảm ơn đời, anh còn sống thật

chưa hề chết, anh thử nghe anh hát

ô ồ! hẳn hoi anh hát chính thơ anh

khi như máy, đôi chân đạp và đạp!

thôi, sống. Sống!

đó là điều vui nhất.

 

                                            12.05.1987

 

 

 

 

THẬT THÀ CHUYỆN TRÒ VỚI CON

KHI CÒN PHÔI THAI

 

 

 

người cha như người thơ

mẹ, chính là sức sống

khát khao và hi vọng

mong hoài một tứ thơ

 

bổi hổi với đợi chờ

sau mấy lần cứ ngỡ

giờ hoài thai rồi đó

từ thăm thẳm giấc mơ

 

con sẽ là bài thơ

hương ngọt niềm ao ước

làn nắng tan rét buốt

lòng ba lại lập xuân

 

hay sáng niềm nhân văn

thơ phải cùng nghĩa ấy

dòng máu thơm thắm mãi

con trai ba thật người

 

ngọn bút tưởng buông xuôi

rụng nỗi thơ, lở dở

giờ vượt qua phần số

cũng nhờ con đó thôi

 

bài thơ, nhân văn ơi

tên con ba mẹ gọi

tia nắng đọng trên môi

ngọn nắng xua bóng tối

 

dẫu là gì trong đời

(thơ ca, không say đắm!?)

vẫn nụ cười sâu thẳm

trán ngẩng cao dưới trời

 

sống rất thơ rất người

như cái tên, con nhé

cựa mình vui lòng mẹ

có phải con trả lời?

 

                             1987

 

 

 

 

NHẶT NHỮNG CÂU BÃO THỔI KHÁC

 

 

 

lẽ đâu bây giờ

thơ còn khổ sở

thơ vờ mù chữ

hát hỏng bâng quơ?

 

bức bối cùng thơ

ném thơ vào lửa

giữ chút phẩm giá

sống giữa đời tù

 

trời ơi phẩm giá

quý vạn lần thơ

nhưng chẳng còn thơ

chẳng còn gì cả!

 

quê hương quanh ta

nhưng ngàn cách trở

thơ thành con thỏ

lịm trong chuồng nhà!

 

                     16.09.1988

 

 

 

 

TRẦM UẤT,

BÀNG HOÀNG LÍ GIẢI VỀ MÌNH

KHI CÁI NHÌN ĐÃ KHÁC

 

 

 

vắt sổ, gò lưng đạp

được đôi phút thong dong

tự dưng nhớ ngôi trường

một thời cơm với bắp

dằn vặt văn với chương

chữ, nghĩa chỉ còn xác

dạy, học sao ra hồn!

giấy bút không dám thật

phấn bảng càng thêm buồn?

 

văn chương trong tháp sắt

đời không thể bít bùng?

 

đã qua thời ngây ngất

trước tầm cao núi rừng?

 

đã qua thời ngơ ngác

trước tay khoa mắt trương?

 

bao lần đứng trên bục

giá như được khóc ròng

phải cười!

                        xuống tựa vách

bảng trắng đen chập chờn

dạy chữ và dạy hồn

áo cơm và nghề nghiệp

cái nhục và văn chương...

gió mấy luồng, xoáy lốc

chỗ đứng hóa bão bùng?

 

có nơi nào oan nghiệt

bằng trên bục giảng không?

 

ơi đôi điều ấm áp

cứ khiến lòng ngập ngừng?

 

kiệt lòng vẫn gắng sức

chẳng muốn ai coi thường?

ngỡ bôi vôi đóng tuồng

vở tồi vẫn luyện hát

hát cho hay, dẫu nhạt

đời có đỡ đau không...

dạy chữ còn hơn không...

 

ôi đóng tuồng, đóng tuồng?

phải vui dù chán chường

phải mừng dù phẫn uất

nên tinh thần chia cắt?

nên đau đớn tận óc

đến phát điên phát cuồng?

đến hoang tưởng lạ lùng?

như tấn trò kì quặc

cái ghê tởm, độc ác...

niềm khát vọng cháy bùng

tự do và sự thật

nhân phẩm và tình thương...

 

cả một thời chứa chất

những lực đời dồn ép

ám thành bức hại cuồng?

 

ôi chút lòng trinh bạch

Kiều chừa, còn ngập bùn?

ơi những kẻ đóng tuồng

trong cơn đau bùn ngập?

còn đó, giữa đời thường

những trái tim tội nghiệp

đau thương với đau thương

có trách gì nhau không

vẫn còn đây lồng ngực

trước bạn bè, mở tung

 

sáu năm dài xa lắc

bạn bè hiểu nhau hơn?

giữ mình, ai thường nhắc

nhớ chi cho đau lòng!

 

nhớ chi cho muốn khóc

nhiều học trò quá ngoan

hót rất kêu kế hoạch

ca rất hay tổng kết

thầy giật mình, kinh ngạc?

cô giật mình, ôm mặt?

ngỡ thấy mình trong gương!

 

sau nhiều năm ra trường

trò nhớ thầy, tặng sách

''Con Voi'' ''Sống Mòn''(*)

cho thầy trào nước mắt

 

phân tích bao nhân vật

liên hệ (**) phải sượng sùng

cán bộ còn đến trách

sao con mình đi rong!

 

chút niềm tin vỡ nát

hoang mang hóa ngông cuồng?

một khi lòng đi lạc

bến bờ đâu mà dừng!

 

giữa bao điều cấm ngặt

che mắt nhau như bưng?

cũng tự mình che mắt

chẳng ai nhìn xa hơn?

 

ai cúi đầu thấp nhất

trong thời sám hối chung?

 

dăm bài thơ đau xót

gửi vọng cao nguyên hồng

xin gửi đến sân trường

có cây thông tím ngắt

đã chết nghìn hoàng hôn

xin đọc thầm và đốt

trên đất chôn nhau con

 

xin hát ru, mãi hát

đến ngày con lớn khôn

chút lòng ba tan nát

có ám đời con không?

lớn lên, mở rộng mắt

và lật xuôi ngược lòng

lật trở cho sâu sắc

con trả lời cho con! (***)

 

ôi, đôi mắt đã khác

cái nhìn cũng đen hơn?

sao trĩu hồn trầm uất

tắt niềm tin, yêu thương?

biết đâu là sự thật

ba sững tim, ngơ ngác

cái Tâm, cần tĩnh hơn

hư cấu, trúng là trật

bệnh nặng - nghiệp văn chương?

 

có ai hòng gỡ gạc

nhuộm đen cái nhìn hồng

có ai hòng gỡ gạc

gieo vào ba vết thương

bàn tay ai đánh bật

trái tim thơ khỏi trường

có viên đạn trầm uất

bắn vào lương tâm không?

nửa đen là sự thật?

nửa đỏ có thật không?

 

ôi cái nhìn, đôi mắt

cũng có thể đổi khác

kính đỏ hay đen ngòm?

độc dược hay hạt cơm?

 

cái đau, thơ mộc mạc

quên tuốt văn vẻ luôn

thơ trào ra đến ngạt

khi đôi chân đạp ngừng

một mình cất tiếng hát

chỉ vắt sổ rối bung

ta nghe lòng rưng rưng!

 

                       23.09.1988

 

(*) Con voi: một truyện ngắn châm biếm của nhà văn Ba Lan, Mrozech.

      Sống mòn: tiểu thuyết của nhà văn Việt Nam, Nam Cao.

(**) Liên hệ: Trong ngữ cảnh này, xin hiểu liên hệ là một trong những mục đích yêu cầu của một giáo án khi giáo viên giảng dạy. Khi giảng dạy, giáo viên phải thiết lập mối liên hệ giữa nội dung  bài giảng với thực tế xã hội hiện thời. Chẳng hạn như giảng dạy về hình tượng cán bộ kháng chiến, hình tượng con người mới, cuộc sống mới, phải liên hệ đến những đối tượng ấy, có khi phải ngay tại cuộc sống địa phương. Nhưng hầu hết là phản tác dụng, vì hình tượng trong tác phẩm văn chưong quá tô hồng, mà trong thực tế

 thì … quá bình thường, thậm chí là tầm thường!

(***) Thủ pháp xới lật (xem xét mặt này, mặt kia…) là một thao tác trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, phải xới lật với cơ sở vững chắc là đạo lí dân tộc, công lí nhân loại, chứ không thể bất chấp mọi tiêu chí, giá trị phổ quát. Ví dụ, trong An Nam chí lược của Lê Tắc, y gọi Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Mai Thúc Loan… là giặc, những kẻ tiếm thiết, chẳng hạn. Do đó, cần phải lật lại vấn đề, quân Hán – Hoa mới đích thực là giặc.

 

 

 

 

NHỮNG CÂU BẤT CHỢT THỞ RA

KHI GÒ LƯNG VẮT SỔ

 

 

 

I. NÉT DUYÊN VÀ THƠ

 

 

 

dễ dàng chi giọt nắng ngời ánh mắt

trang thơ nào làm sâu thêm nét duyên?

 

 

 

II. ĐÁNG SỢ

 

 

 

có thể máu, máu đỏ bầm sự thật

làng quê ơi, lẽ nào không đổi khác

đã sợ hãi cái tĩnh lặng bề ngoài,

                        càng sợ hơn nỗi câm nín bên trong

vâng, mừng sao, thời buổi này,

                        phải sợ hãi những bài thơ màu hồng

giấu giếm đằng sau bao niềm ngột ngạt.

 

 

 

III. NÓN LÁ

 

 

 

cô đi xa lắm rồi

nón bài thơ để lại

hồn quê hương, cô mơ

che đời con đẹp mãi.

 

 

 

IV. NGHỆ THUẬT VÀ CỨU RỖI

 

 

 

đôi khi

thơ là nén hương sám hối

thơ là tòa giải tội

cho nhà thơ cứu rỗi chính mình

cho mọi người trong sạch lại niềm tin

cúi xuống đền thờ trong mỗi trái tim:

                        Đất Mẹ và Cuộc Sống.

 

 

 

V. CÕI THƠ DÂN GIAN

 

 

 

trăm năm đâu phải hư vô

cõi thơ dân dã ai ngờ có ta!

trăm câu vung vãi xó nhà

thời gian kết lại, hát ca dâng đời.

 

 

 

VI. THOẢNG HƯƠNG CA DAO

 

 

 

đêm đêm em đứng ngóng trời

mong sao sớm nắng, gặp người em thương

ngày ngày em ngóng ra đường

mong sao được thấy người thương đi về.

 

                               tự ghi lại, 20 - 22.02.1989

 

 

 

 

BỞI BỊ XÔ VÀO VỞ KỊCH HOANG TƯỞNG

BỊ BỨC HIẾP VÀ BỊ BÔI NHỌ

 

 

 

xin tạ lỗi niềm đau nào

giọt lệ nào và trời cao đất dày

sống điên nói dại bao ngày

ngờ đâu gieo rắc đắng cay giữa đời

 

tâm hồn đâu phải lành rồi

thêm niềm đau đớn cứ khơi máu trào

 

(lắng sâu hồn hậu ngọt ngào

vào vai hoang tưởng rủa gào oan khiên

đành nhắc lại

                           nhớ

                           để quên

cho tâm thanh thoát hồn bền cùng thơ)

 

qua bao tháng nắng ngày mưa

lỗi chưa tạ được vẫn chưa yên lòng

nên thơ luẩn quẩn bao dòng

không sao thoát được khỏi vòng quẩn quanh

 

xin tạ lỗi với trời xanh

với đất đen với cây cành với hoa

thấm niềm đau cõi người ta

thơ tôi nay phải chính là hồn tôi.

 

                                                       1990

 

 

 

 

1983, NGƯỜI BỊ ĐÁNH THUỐC KÍCH ĐỘNG

 

 

 

có một người điên đọc đơn trước chợ

quá lâu rồi, gã cố lãng quên

gã lãng quên cỏ cây cứ nhớ

vở kịch đớn đau đòi nhân phẩm nhân quyền

 

ôi người điên đọc thơ trước chợ

công lí ơi, kẻ giấu mặt ở đâu?

không hoang tưởng, bị nhập vai phẫn nộ

ai lập công, xô người xuống vực đau?

 

                                                        1990

 

 

 

 

NHỮNG SỢI THẦN KINH

 

 

 

sống không lẽ để tập lặng câm

úp mặt vào lòng tay hối tiếc

ôi những bài thơ nhạt mờ xa xăm -

thời cường tráng của tâm hồn - đã mất

trót lãng phí mình bao năm!

                                    lãng phí đau xót!

thơ bây giờ không thể tự in

                        cũng không thể tự hát

đành tự cấm mình, bao lần phải tự cấm mình

rồi vẫn viết với nỗi bệnh của mình

khi mình thật với mình, rất thật

thơ chỉ đọc thầm và cất

trang giấy lại mong manh!

nhưng không viết thì khác gì đã chết,

                                                đau hơn cái chết

 

úp mặt trong niềm hối tiếc

hai bàn tay lạnh buốt

dòng thơ trào ra cuốn chặt trái tim

- những sợi chất đời

những sợi thần kinh - thắt siết

nỗi đau của người câm!

nỗi đau trang bản thảo mong manh!

 

                                           28.10.1988

 

 

 

 

THƠ VÀ LỬA

 

 

 

những bài thơ đã cháy hết hình hài

còn bốc lên lả tả bao mảnh hồn

                                                trong trí nhớ

ôi ngọn lửa trưa nào! Thơ cháy bùng

                                                lửa đỏ

mãi rát bỏng trong đầu nỗi mất mát.

                                                Xót xa

thơ là lòng ta, lửa cũng lòng ta

lòng ta cái còn cũng lòng ta cái mất

chẳng hối tiếc đừng hối tiếc!?

ta đánh đổi đời mình cho ngọn bút

ngọn lửa bùng lên sao gọi đóa hoa?

 

                                          09.11.1988

 

 

 

 

ĐỪNG LO CHO CON MẸ ƠI

 

 

 

quét vôi là xong rồi mẹ

ngôi nhà đã sáng sủa ra

tiền chị gửi về chỉ thế

đủ yên ấm mẹ tuổi già

đừng lo cho con còn trẻ

còn lo miếng ăn thôi mà!

không lo hoàng hôn xiêu xế

lo chi hừng đông lụi tà!

 

                                06.02.87

                        (mùng 7 Tết Đinh Mão)

 

 

 

 

THƠ BỐN NHÁNH CHỮ

 

 

 

I. XA LẠ VỚI CHÍNH MÌNH

 

 

 

lạc nước trở về sợ hãi chính mình

nằm trên cỗ súng thần công thời mượn chữ

thây mặc cái ngoại lai của những triều vua,

                                    bé bỏng ơi,

                                    can cớ chi trĩu đầu, cúi rũ

thương em biết tự nhìn soi,

                                    xoáy buốt ngực buồn.

 

 

 

II. TÌNH NGÂY NGÔ NON YỂU

 

 

 

áo lụa trắng màu tang

tìm chi trong chiều úa

tuổi học trò góa bụa

chết nụ hôn vội vàng!

 

 

 

III. MỞ CỬA

 

 

 

kính chào mái tóc xoăn phai vàng trắng

chùm đảo bần quân mắt xếch ruột rà

siết tay-cầm-súng-mà-quyền-lực-bắn

đây, cái nhìn thù - bạn, nghìn xưa xa.

 

               

                                    

IV. ''ĐOẠN ĐƯỜNG KHÔNG VUI''

 

 

 

lại đường máu kinh hoàng đan đạn chéo

trảng huyết, lửa xe bùng xác đỏ lềnh trôi

giặc cút rồi,

            phủ màu xanh hai mươi năm bão cát

phế liệu

            thực dân, mê tín

            đế quốc, bá quyền

            còn nổ nát thơ tôi!

 

 

 

V. NHỮNG ĐẦY TỚ CỦA NHIỀU NGƯỜI CÒN NGHÈO

 

 

 

giấc mộng tưởng: đẹp cánh tay búa xẻng

vua quan nhiệm kì, tinh mộc, thân gần

mệ nường đến lớp áo sờn bạc nhất

khổ cùng trương chi để biết thương dân.

 

 

 

VI. HÍT-LE (*) VÀ TÔN GIÁO

 

 

 

máu quét công lí

quốc trưởng vung tràn

chúa trong bẫy quỉ

phật chết tam quan!

 

                                         1995

 

(*) Hitler.

 

 

 

 

TỰ AN ỦI

 

 

 

mơ gì đâu! sống cuộc đời yên ả

như loài sầu đâu mọc khắp quê nhà

cứ lặng lẽ ra hoa và thay lá

lá hóa đất đai, hoa thoảng thơ ca

cứ đậu quả dù không ai hái quả

gợi cho đời một nét đẹp thôi mà!

sầu đâu vậy hỡi nhà thơ dân dã

chẳng sầu đâu! chẳng sầu đâu!

sầu đâu nào? rất yên tĩnh lòng ta!

 

                                        11.11.1988

 

 

 

TỈNH GIẤC

 

 

 

I. THẦN TƯỢNG SỤP ĐỔ

 

 

 

rất nhiều đêm, ảo vọng bừng tỉnh giấc

ngày gắng lãng quên, đêm biết làm sao!

trăm kẽ nứt len nghìn năm huyền hoặc

buồn hay vui, nước mắt cũng tuôn trào.

 

                                                03 - 06.11.1988

 

 

 

II. THẦN THÁNH TỰ PHÊ

 

 

 

khiến dựng tượng mình

khắp trời mê muội

đày đọa sinh linh

sương tên bụi tuổi!

 

                                    1995

 

 

 

ĐÊM NHÌN LẠI

 

 

 

đêm, chợt nhìn hai tay, trắng rợn

ôi thơ - chứa trong tim, cháy nồng

thời thế thêm buồn cho chí lớn

chút tài năng, có vẫn thua không!

 

                                15 - 17.02.89

                                (10 - 12 Kỉ tị)

 

 

 

HƯƠNG MÙA CỔ NGÀY XUÂN MỚI

 

(câu đối)

 

 

hương xuân trời đất trên hoa lá

ý tết nhân gian ở nụ cười.

 

                                    (Tết Đinh Mão 1987)

 

cuối chạp đã thật xuân, tiếng cháu giục

                                                hoa xuân sớm thắm

qua xuân càng rõ tết, lòng nội bừng

                                                nắng tết không phai.

 

chào đinh mão, cũng muốn viết dăm bài thơ,

                        ngại thơ ''bệnh'', báo không đăng,

                        đọc một mình ngán thật

đón mậu thìn, thôi thì làm vài câu đối,

                        mặc đối ''xoàng'', tường cứ dán,

                        nghe trăm bạn cười chơi.

 

nâng chén rượu ngẫm xuân

xuân phải mới bung ra muôn lá mới

nhấp ngụm trà thưởng tết

tết nên thơ cởi trói triệu niềm thơ.

 

chồng quanh năm gò lưng vắt sổ

nhà giăng tơ

gió may thay nam bấc mãi êm đềm

vợ gối mùa ngẩng mặt treo hàng

vải nở hoa

chỉ ước sao sen đào thêm ngan ngát.

 

tết đến

ước tháng ba mươi ngày

bán bán mua mua

mua thừa rau đủ báo

xuân về

mong năm mười hai tháng

may may mặc mặc

mặc ấm áo lành thơ

 

                                    (Tết Mậu thìn 1988)

 

 

xuân càng ước chi đây

cho nhánh lúa ngát hương tình đất

tết thêm mơ gì đó

để cụm hoa rực nắng chất người

                                   

                                    (Tết Canh ngọ 1990)

 

 

muốn hóa rồng rồng bay

đã tháo xiềng cởi trói?

cam làm ngựa ngựa chạy

lại che mắt cầm cương?

 

                                    (Tết Canh ngọ 1990)

 

 

 

 

CHÂN DUNG MỘT GÃ LÀM THƠ

 

 

 

bao bài thơ khi đem ghép lại

- những mảnh đời ta - thành chuyện đời ta?

và khoảng trống, khoảng trống còn trống mãi?

con ơi con, xin gắng hiểu giùm ba.

 

                                                    kỉ niệm sinh nhật: 10.11

                                                       11.11.1988

 

 

 

 

PHO TƯỢNG NGƯỜI CON GÁI

CÓ TÊN PHAN THIẾT...

 

 

 

nắng lay Phan Thiết man mát gió

ta lâng lâng chiều man dại vàng

hương biển chừng mơn man tóc xõa

bồng bềnh không rượu cũng man man

 

không ngờ say Phan Thiết ngồ ngộ

chờ bạn tan trường, ta ngớ ngây

men nhấp thuở xưa giờ dịu bốc

sóng vỗ hay ta vỗ cánh bay

 

(hồi xế giả khùng bên gốc liễu

quán giữa mây sóng trắng vang giòn

hoa mặt trời đen, lụa nhật thực

bấm ngực đêm dấu móng tay son

 

tiếc ngày-tối-đang-trưa ta vắng

thì lếch thếch mộng du rảo đời

sách với vở, sá gì sách vở?!

tìm Kiều gặp Thúc, Từ, đành thôi)

 

Phan Thiết da ngăm ngăm mê hoặc

nét hiền Kinh thoáng lắng trầm Chăm

lóng rày đổ đốn ngậm ngãi, đắng:

ngắm pho tượng biển, đớ lưỡi, câm

 

ta lấm lem em trong văn vắt

quý Phan Thiết kính cúi đầu chào

thoáng nọ vờ điên buồn muốn khóc

nhưng thương sen nỡ lánh bùn sao!

 

(kêu đứt ruột? Kiều dâm? đáng kiếp (*)

xé Nguyễn Du nhuộm phẩm đem phơi

ngắt khúc cọng sen làm thuốc súng

pháo thăng thiên, đốt, mưa tro rơi?

 

sống trên đất ta quên bụi đất

lầm lội tận cùng, Phan Thiết ơi...

viết, đọc - sám  hối. Còn phạm tội!?

trong mỗi người có một khách chơi?!)

 

lang thang tàn tàn xộc xệch chạy

cọc cạch xe máy phố heo may

bạn đón, qua cầu, ròng nước mặn

ta khô lòng, soi mặt đâu đây?

 

                                            1995

 

(*) Nguyễn Công Trứ kết án Kiều.

 

 

 

 

TRUYỆN VỀ KIỀU KHÔNG PHẢI KIỀU

                                   

                                   

                                         giá như Kiều có một đứa con

                                có lẽ tâm hồn chúng mình bây giờ đã khác

                                                               (T.X.A.)

 

 

1

tóc đen, ngời, ngát, thơm rơm

hương sả lâng trong chiều hôm sẫm chiều

em bồng em, ru niềm Kiều

đi quanh sân lúa gầy xiêu bó gầy

 

 

2

nhuộm hoe khô vàng tóc bay

em mi xanh, ngực áo bày khoe non

môi mơn man tuổi-hoàng-hôn!

nhạc chếnh choáng, khách-trẻ-con hát chờ!

 

3

xác xơ tóc rụng lơ thơ

xỉn da em, rựng mắt ngơ phèn ngầu

vẳng tiếng lớp may rừng sâu

sắn, sắn ngút, rào lút đầu bủa quanh

 

 

4

sa bẫy nợ, mộ lạnh tanh

kho lưu sổ đọa ai đành tự biên!

em nghe se sua giấy tiền

bóng ma hào nhoáng gió nghiêng cột kèo!

 

 

5

huyền tóc giả hồng bủng beo

khách lùa cha ngã kiếp nghèo vào men

ruột rà van nhau nguôi quên!

em lộng lẫy vi vút bên tấm chồng!

 

6

thương Kiều bợt trắng tay không

tắc tiếng oan, nghẹn, gãy cong cờ Từ

nhưng em, còn chăng hình như

mơ đổi đời với giấc hư, mộng liều!

 

 

7

buôn quê kiểng, cả tình yêu?

thiệp rao lừng, chói phù điêu phòng trà

đâu ngờ, khung báo (xót xa!)

tạc bia đời. Bước khỏi nhà, sạch tay!

 

 

8

mặn mồ hôi thoảng nồng cay

tóc tràn sóng biển, mượt dày, lài trôi

em ru Kiều cho con côi

ngấm ơn mái rạ thấm lời Vân Tiên...

 

                                                               1996

 

"Hậu chiến, không riêng ai" - tiếp theo - (VI)

Trần Xuân An -- 18-03 HB13 (2013) 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 07/24/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7