c. Trần Xuân An - Quê nhà yêu dấu - Tệp 3

author's copyright

 

TRẦN XUÂN AN

 

07/01/09

           

 

 

        Phần 1

 

        Phần 2

 

        Phần 3

 

 

12 tháng 3 HB6 (2006)           

 

TRẦN XUÂN AN

QU Ê NH À

YÊU DẤU

trường ca thơ

 

 

 

 

 

NHÀ XUẤT BẢN VĂN NGHỆ

TP. HỒ CHÍ MINH

 

1998

 

            

 

 

xem

http://tranxuanantruongcatho7.blogspot.com/

 

23

 

VĨNH BIỆT NIỀM CẢM CÚM

HẠNH PHÚC BUỒN

 

sáng sớm

nắng hôm nay hồng tươi

màu tờ lịch đỏ

                pha với màu hồng quả trứng

                soi vào mặt trời

một ý tưởng tinh nghịch nhảy nhót

như hoa nắng tung rơi trên đất

sao không gọi thứ hai là thứ nhất?

sao không gọi chủ nhật là thứ bảy?

bâng quơ mỉm cười về thoáng bâng quơ

chào ngày nghỉ cuối tuần, lung linh nắng

lại cùng con qua nhà bạn gái thuở học trò

mẹ và con trong áo quần thể thao màu trắng

muốn gọi hôm nay là ngày của những giọt

                      mồ hôi ràn rụa và tiếng cười

ba đứa trẻ chơi đùa dưới giàn hoa thiên

                                                         lí xanh

hai người mẹ ướt đẫm bên bàn bóng xanh

người đàn bà bác sĩ ba mươi tuổi

tập lại nụ cười đã quên

vừa đối mặt với mình

              truy đuổi chính mình

vừa chạy trốn mình

              sợ hãi gặp mình

đang chơi bóng cùng bạn

ngỡ chơi bóng với Cuộc Đời

ngỡ chơi bóng cùng Số Phận

ngỡ chơi bóng với Cái Bóng của mình

quả bóng cơ hồ sinh ra từ Nữ Tính

là quả trứng hồng Hi Vọng và Khát Vọng

vụt Khát Vọng về phía Cuộc Đời

để tự chiến thắng

vụt Hi Vọng về phía Số phận

để tự thăng hoa

vụt Nữ Tính về phía Cái Bóng của mình

để đánh bại niềm yếu đuối bi thảm

                                       trong mình

và bạn gái thân yêu ơi,

                                           xin cứ nghĩ

tôi là phía bạn cần chiến thắng

                        cần thăng hoa

                        cần đánh bại

có phải chúng ta đang mướt mồ hôi

                        cùng ảo tượng chính mình!

người đàn bà bác sĩ ba mươi tuổi

mỉm cười dưới những chùm hoa nắng

ơi ý tưởng tinh quái của nỗi muộn phiền

vu vơ ngộ nghĩnh

ba đứa trẻ quây quần, đầy ắp tiếng cười

                                                          reo

xoắn xuýt bên nhau

hai người mẹ và những cốc nước lanh canh

                                                        đá lạnh

hai người mẹ li hôn thầm cảm ơn đời sống

trong nắng cổ tích, hóa thành đôi chim

                                               câu mái trắng

ngồi ủ hai quả trứng Khát Vọng và Hi Vọng

dưới giàn thiên lí xanh

nhảy nhót hoa nắng tung rơi trên sân đất

cảm ơn những mồ hôi những đường bóng đẹp

xin vĩnh biệt niềm cảm cúm hạnh phúc buồn

cơ hồ sau lần xông hơi lâng lâng

                                     hương sả

lâng lâng tiếng nhạc

thanh thoát tươi xinh

dịu dàng sâu lắng

người đàn bà bác sĩ ba mươi tuổi

hôn lên đài trán con và cháu

chiếc hôn có mùi khói bếp bữa ăn trưa

và mùi âm nhạc

rồi trưa cũng ngả chiều

lại về với một buổi miệt mài nghiên cứu

con sẽ học cùng cô giáo láng giềng

mẹ biết trốn mình nơi đâu, ngoài nỗi cô đơn!

thì mẹ là học trò của chính mẹ

của sách và của bệnh nhân

của sản phụ và của trẻ sơ sinh

thì mẹ là học trò của vết thương

                       nơi tim và trên ngực mẹ

là học trò của Khát Vọng và Hi Vọng

học trò của Bản Năng Làm Mẹ

             trong tiếng gà cung cúc nuôi con

người đàn bà bác sĩ ba mươi tuổi

tập lại nụ cười đã quên

nghe hai ngọn nến lung linh tỏa sáng

ngoài kia, trưa đã ngả chiều

giật mình, sợ hãi phải một mình…

thì giáp mặt chính mình

một lần nữa để không bao giờ nữa,

                                            tôi ơi

tôi ơi, mỉm cười

cùng con, bước tới!

Nữ Tính sáng giùm tôi trên môi ánh sáng

mẹ quên mình thôi, con nhé

để mẹ thật là mình

mẹ ảo tưởng về mình không?

 

 

 

 

 24

 

CÓ DI TRUYỀN TRONG EM

KHÔNG

 

khuynh hướng tiên thiên trong em

có thoảng đám mây đen đa cảm không?

mắt em buồn,

               một phản ánh đời?

hay trót ngẫm nhìn,

               tận thẳm sâu đời

                                    buồn vậy?

đôi khi

em không tin mắt nhìn em nữa!

nhưng tủi buồn của con bé cóc xoài

là sự thật

và chấn thương tình yêu

                    trong phút suýt ngã lòng

em bàng hoàng trước phũ phàng

rất thật

đắm say ngút tim hận thù ngút tim

cũng là sự thật

nhưng oán trách mà làm gì!

và anh, dẫu là tia nắng ấm

                                 tiếng reo vui

đến với em sau tháng ngày ảm đạm ấy

lòng em lạnh và tha ma thật rồi

gắng gượng tập mỉm cười

đôi khi, ngu ngốc, cái ngu ngốc

                                    chua xót

cảm ơn khổ nghèo, trơ trọi

cảm ơn ánh mắt khinh thị, tàn nhẫn

cho em mụ mẫm, miệt mài!

những con chữ, những công thức

                                     sinh và hóa

những bệnh nguyên bệnh trạng những

                                     trường phái y học

thành chiếc thang dây thả xuống

            vực thẳm của nỗi đau bị xúc phạm

em ngoi ngóp và nghiến răng

leo lên bờ

ôm vết sẹo tủi nghèo

vết sẹo tủi nhục con rết trắng

trên nửa vòm ngực hồng teo tóp

nhăn nhúm tím

trái tim em tật nguyền hai mươi hai tuổi!

và anh, dẫu là tia nắng ấm

                            tiếng reo vui

em nhạt, em hững hờ, khô khốc

ôi giấu giếm, phải chăng là dối trá?

im lặng như em là lường gạt

sáu năm bên nhau cùng chung lớp học

thương anh hai năm yêu em dại khờ!

mặc cảm vết sẹo tủi hờn cùng đinh –

                       tố chất của máu, của mắt

mặc cảm vết sẹo nhạt úa hương trinh

bỗng hóa nên một nét héo môi cười

tình em lãnh cảm, tim em đã già

thương anh hai năm yêu em hết lòng!

trong em, những hạt súc sắc của trái

                      tim mặc cảm? của phân số ngẫu

                      nhiên ám đục thân phận?

tím đen đỏ vàng…

        đủ màu của mặc cảm?

                      của ngẫu nhiên?

yêu em hai năm anh có buồn không?

ngày lễ ra trường, anh thân yêu

anh lại ngỏ lời

với hội chứng va chạm gay gắt

nháng lửa, trong em

nỗi ray rứt thương anh tím thẫm hoa

                                                    buồn

niềm tự tin mạnh như sắc đỏ phượng vĩ

hay khuynh hướng bất hạnh đen trĩu

                                                màu mây

đua đẩy em

sòng phẳng với anh dưới óng vàng

                           ánh nắng, với lương tâm

                           em, em nói hết!

mong được là con suối trong veo

trong veo của chân thành

phơi bày lòng đá buốt

có phải cành lá ẩm mục nào đó đã biếc

                           sáng lân tinh nhờ bóng tối?

và em xua đi bóng tối dối trá

sao anh khóc và lại bằng lòng

rời lầu cao đã phất lên sau thời

                                           sa sút

về cùng con bé cóc xoài ổ chuột

(hẻm rác, bãi tha ma

                 thành hang hốc lâu rồi!)?

sao anh nài nỉ mẹ cha

đứng ngang vai chú em bốc vác, nát

                       rượu, xích lô gối rục,

                       thím em hốt rác mòn đêm?

cùng em nâng cao bó hoa trong thắm

                                     hồng tiếng pháo?

yêu em cưới em uổng phí đời không?

sao đứa con đầu lòng

anh đặt tên âm vang hạnh phúc?

thương anh vỡ tan ảo vọng

ra đi, lòng đã nhẹ nhàng chăng?

đôi khi, như người điên cay đắng

em cảm ơn sự từ bỏ của anh

trái tim gỉ sắt hóa ngọc hồng, đã vỡ

những miểng sắc đâu đó trong em

nhói buốt bao vết cứa vô hình

một mình ru con

ru tuổi thơ mình

vỗ về trái tim tuổi học trò

                         máu bầm tủi cực

tuổi hai mươi hai héo rũ

thầm lặng lập cho mình bệnh án

những giọt giai điệu xinh

những đường bóng đẹp

có chữa lành vết thương của vết thương

trong em, đâu đó

đôi khi, ngớ ngẩn hỏi thầm

con người

có cần khổ đau để nên người không?

hẻm rác và xóm kênh đen

chân đất với chân đất, là tiếng cười?

lầu cao và ổ chuột

gác tía với gối rơm, như tiếng khóc?

cái nhìn – phản ánh của đời?

phải chữa lại đôi tròng kính

chất gương rất pha lê bỗng chốc nổi sóng

méo mó loạn sắc chung chiêng!

để mình thật là mình?

khuynh hướng tiên thiên trong em

có thoảng đám mây đen đa cảm

                                 và bất hạnh không?

có di truyền trong em không –

vết thương gốc gác nguồn cội (*)

vết thương môi trường quê hương

vết thương lịch sử

            Tổ Quốc và Thế giới!

            (dẫu em chỉ là ngọn cỏ!)

vết thương tình yêu, bị người yêu

                        và số phận sỉ nhục!

               nửa vòm ngực bẫm nát

                vết sẹo con rết trắng!

và vết thương li hôn phụ rẫy – 

cày xới lên từng vết thương xưa! – ?

mã nào thăng hoa, thoái hóa trong em?

chính em phải sinh nở ra chính em!

đau đớn

từ thân phận này, vượt qua thân phận này

từ máu thịt này, vượt qua máu thịt này

ngay giữa cuộc đời này

trong từng giây phút sống

mỉm cười, bước tới, tôi ơi.

 

 

Cước chú gần cuối Khúc 24:

(*) Xin xem lại hai khúc 19 & 20, đặc biệt là khúc 26, tác giả viết về gốc gác xuất thân, thuộc tầng lớp được Macxim Gorki gọi là “dưới đáy xã hội”, của nhân vật bác sĩ này.    

(Chú thích ngày 27. 03. 2005).

 

 

 

 

 25

 

ƠI THÁCH THỨC CỦA MẶC CẢM

 

như chiếc xe mới gài số lao đi,

                                           chết máy

bánh còn lăn thêm nhiều vòng

chiếc xe tình yêu hỏng của chúng mình

lăn qua quãng hôn nhân

để thật sự chết!

em lại quá cả tin chấp nhận sự vội vàng

từ buổi em nói hết?

lòng cao thượng của anh còn quán tính?

để rồi, con trai đành mồ côi anh!

em sợ hãi phù du phù phiếm

một ám ảnh dài, một ám ảnh đậm

tính sòng phẳng, lương thiện,

                               trong tình yêu

lại cũng là phù phiếm?!

em thách thức đời chăng

sao em không giấu che dối trá?

ta yếu đuối, cần ảo tưởng và huyễn mị chăng?

sự thật những tầng sâu gốc rễ

                                        quá phũ phàng?

anh gắng gượng để rồi không chịu thấu?

xu hướng dối trá, giấu che

                      là sự thật con người?

lấy ảo tưởng tự mơn man vuốt ve

                      là sự thật con người?

mượn huyễn mị trang điểm mình

                      là sự thật con người?

giải phẫu đến tận cùng thăm thẳm

em quá tự tin chăng?

sức mạnh nào trong em

buộc em đối mặt với em?

như cánh chim dốt nát

em ngu ngốc trải lòng trong tiếng hát

                                              tình yêu

dở hơi trước hừng đông hạnh phúc

sợ mưa hừng đông

nên hừng đông bão!

nhưng trái tim mẫn cảm của người đàn bà

                             con nhà cùng đinh

đau xót vì nỗi vật vã trong anh

không chỉ bởi vậy

(nỗi vật vã của ảo vọng vỡ?)!

và còn hơn vậy nữa?

thời và thế đổi thay rồi

người ta giật mình

đau đớn hay hoảng hốt tính toán

                                           lợi nhuận

trong từng quan hệ!

sá gì tình yêu! sá gì ân nghĩa!

sá gì lòng cao thượng!

cao thượng nào cũng đồng nghĩa với

                                            thua thiệt!

người ta có quyền không đánh đắm

                                    tương lai mình

ở ngã ba dòng chảy đời phân nhánh!

và còn hơn vậy nữa?

ý nghĩ này có phải chút cặn trong

                         nỗi nhớ về anh?

em đành cam chịu cô đơn

khủng khiếp

một mình nuôi con

một năm chỉ vài ngày nghỉ việc

cày bừa

bốc vác

hàng tấn sách, triền miên

hàng núi nhọc nhằn hồ sơ và bệnh án

màn hình vi tính đêm đêm xanh rợn

ru con, ru mình

em không trông chờ anh

vì không dám trông chờ?

em cấm em trông chờ!

em chấp nhận khổ sai trong cô đơn

khổ sai với khoa học và sản phụ

em hợm mình cho đỡ buồn tủi chăng?

phơi lòng với anh

em không hối tiếc!

rác rưởi trong em, ngày đêm em quét

tha ma trong em,

             đã đông vui sầm uất

ám khói quanh em, ngày mai quang

                                                       đãng

em biết anh có thể giải phẫu chính mình

vâng, thử một lần đối mặt với mình

mới có thể thích nghi, hòa hợp

hai trái tim ngọt mềm

chạm khẽ vào nhau, bật lửa ấm

thắp sáng mãi những ngọn nến hồng

ròng tươi mồ hôi nồng thắm

ôi, hạnh phúc

em cúi đầu trước con!

và nghe mơ hồ hiện lên một căn nhà khác

xóm phố khác, hẻm phố khác?

và nghe mơ hồ hiện lên một căn hộ nhỏ

trong chung cư sáng sủa,

                                 tĩnh lặng, bình yên?

có lẽ cần phải thoát

thoát một nơi chốn quá nhiều kỉ niệm

những kỉ niệm đã trở nên mặn đắng

ơi hạnh phúc, hạnh phúc

em cúi đầu trước con!

 

 

 

 

 26

 

NHỮNG BÓ HOA ÁNH SÁNG

 

người đàn bà tiến sĩ y khoa ba mươi

                                                     tư tuổi

mỉm cười

hội trường đèn và hoa

những khung cửa ngập nắng

cuốn luận án dựng nghiêng

hoa trong lọ nhỏ nghiêng cánh

chiếc bàn phủ vải đỏ, hoa và hoa nở

                                    sáng quanh chân

hoa và hoa nở sáng quanh bục báo cáo

người đàn bà đi tận cùng nỗi buồn đau

chiến đấu với nỗi buồn đau

bằng khát vọng vui sống

cực nhọc gieo và gặt niềm vui sáng tạo

giọt mồ hôi chất xám và trái tim

gieo lên thửa giấy trắng, nở thơm

từng hạt số, cụm kí hiệu, luống chữ

những phát kiến thực nghiệm

đã trình bày trước bạc trắng những

                                              mái tóc

người đàn bà điềm tĩnh bảo vệ

cảm ơn bao phản biện, chất vấn

hoa và hoa nở sáng

bao bàn tay vỗ sáng âm vang

người đàn bà tiến sĩ y khoa ba mươi

                                               tư tuổi

mỉm cười

loáng thoáng, đâu đó

hoa nở sáng ngõ ba rác, bãi tha ma

hoa nở sáng tục ngữ dân ca lục bát

                                               Cụ Đồ

hoa nở sáng chiếc nạng gỗ xiêu vẹo

          (mắt cha đăm đăm nhìn về quê cũ

                                                   phù sa!)

hoa nở sáng rổ cóc xoài, tủ thuốc

                    lá, soong khoai sắn hấp,

           nén hương và cát trắng nguồn cội

loáng thoáng, đâu đó

hoa nở sáng tiếng đàn bầu phẫn chí

hoa nở sáng xe rác khuya khoắt

hoa nở sáng quanh con hồng hào

loáng thoáng, đâu đó

hoa nở sáng vầng trán thầy và sách

hoa nở sáng nhà thương phòng thí nghiệm

hoa nở sáng nỗi niềm tiếng rên tiếng khóc

(nỗi khổ đời tôi nào có thấm gì!)

loáng thoáng, đâu đó

người yêu mộng tưởng, và niềm mộng mơ tôi

người tình oan nghiệt, và nỗi oan uổng tôi

người chồng mộng vỡ, và niềm vỡ mộng tôi

ơi nỗi cô đơn trong tôi, vây bủa tôi

thành hương ngát những khung cửa nắng

người đàn bà tiến sĩ y khoa ba mươi

                                                       tư tuổi

mỉm cười, cảm ơn những bó hoa

bó hoa người chồng phụ rẫy

                            sớm biết tin và lịch sự

bó hoa chú thím và em thắp sáng đời tôi

(dì của tôi đang ở đâu rồi?)

biết nhận bó hoa nào trước?

xin nâng trên tay bó hoa thiếu nữ

                                           toan tự vận

(trót ngây ngô, lầm lỡ!)

đã sáng bừng gương mặt

bên đứa con tật nguyền,

                                    từ mặc cảm đen tối,

                                    chói sáng thần đồng

bó hoa kĩ sư mang bào-thai-xin

phát cuồng trong niềm giằng xé

(hoang hóa

trót lẻ loi tuổi muộn!)

đã tự hào bên đứa con rơi mơ ước,

                            chăm chỉ dịu dàng

thắp sáng trái tim

chuỗi chớp nhoáng hình ảnh

từ hạt máu mầm phôi như nỗi tủi thẹn

(dẫu chung quanh bao ánh mắt cảm thông)

đến bé gái hồn nhiên bi bô

rồi ngân vang tiếng hát

xin nâng trên tay

                 bó hoa của thầy của bạn

ơi bao bó hoa một đời bâng khuâng!

người đàn bà tiến sĩ y khoa

                                 ba mươi tư tuổi

mỉm cười

bước về phía đứa con trai bên người

                     thím hốt rác cho thành phố

đôi tay bé bỏng hồng hào

quàng lên cổ mẹ

đôi tay thành vòng hoa đẹp nhất!

người đàn bà nhìn ra khung cửa

những con đường những dòng xe

chìm khuất nhưng nổi sáng bao dáng

                   người lao động chân chính

                                            còn lam lũ

bỗng nghe đau nhói

và ấm áp trong ngực

hai ngọn nến hai chiếc lá

                          sáng chói

ròng ròng mồ hôi ròng ròng sương

rưng rưng nắng đỏ

thầm gọi:

Sài Gòn ơi

thành phố Hồ Chí Minh ơi

những đôi tay vàng mười

những khối chất xám kết tinh

                                 kim cương

rạng ngời Đất Nước

đã trở nên trong tôi:

                 QUÊ NHÀ YÊU DẤU!

xóm tha ma, ngõ ba rác ơi

thành phố của tôi ơi

nơi tôi đã nở sinh nhân phận chính mình

nơi đã nở sinh nhân phận chính tôi

một nhân phận không bao giờ tôi hiểu hết

một nhân phận, như bất kì ai, không

                         ngừng được và bị sinh ra

trong niềm khát vọng tự chủ không nguôi!

          tự sinh ra nhân phận chính mình

vâng, chính thành phố ruột thịt này

đã trở nên trong tôi:

                    QUÊ NHÀ YÊU DẤU!

 

 

 

Viết tại Quảng Trị và TP. HCM.

(Phú Nhuận, Tân Bình)

1983 – 1996.

 

 

 

 

 

NHƯ TẤT CẢ LOẠI HÌNH LAO ĐỘNG KHÁC,

LÀM THƠ LÀ TRẢ NỢ CUỘC ĐỜI

 

như mồ hôi lóng lánh…

 

hạt sương thơ ca sẽ vô nghĩa biết mấy

nếu chỉ long lanh

bằng cái long lanh riêng tư

và chỉ cho riêng tư!

 

hạt sương thơ ca lóng lánh

bằng cái lóng lánh của triệu triệu vì sao

giữa bình thường thinh lặng

đó là sự Hiện Hữu

bi đát hoặc hạnh phúc…

tâm thức đã và đang

trĩu nặng hay nhẹ nhõm những công án

tự nghìn xưa, trong hôm nay…

 

hạt sương thơ ca nhỏ bé

nhưng không vô nghĩa

vì không muốn vô nghĩa!

hạt sương mãi hoài khắc khoải mối nợ

– có mặt ở đời

là đã mắc nợ –

với cả cõi đời

long lanh triệu triệu vì sao…

 

như mồ hôi

hạt sương lóng lánh…

                           

TRẦN XUÂN AN

(trích từ tập Lặng lẽ ở phố, 1996)

 

 

 

 

MỤC LỤC

 

1.  Khúc 1: NGƯỜI ĐÀN BÀ TẬP MỈM CƯỜI

2.  Khúc 2: MỘT MÌNH VỚI CON

3.  Khúc 3: KHÚC RU KÍ ỨC

4.  Khúc 4: BẤT GIÁC, NIỀM ĐAU CŨ

5.  Khúc 5: ĐIỆP KHÚC TRẦM

6.  Khúc 6: NHỮNG MIỀN KHUẤT

7.  Khúc 7: GIỮA RỪNG CÂY MUÔNG THÚ

 

²    Phụ bản tranh mực đen 1

 

8.  Khúc 8: BÃI THA MA TUỔI THƠ

9.  Khúc 9: NĂM ĐẦU TIÊN ĐẾN TRƯỜNG

10. Khúc 10: CÁI ĐẸP SINH NỞ

11. Khúc 11: QUÊ HƯƠNG CÙNG ĐINH

12. Khúc 12: RUỘT THỊT

13. Khúc 13: KHẢO CUNG CỦA HỒN NHIÊN

14. Khúc 14: CÀNH LÁ MỤC VÀ NGỌN NẾN

15. Khúc 15: LẰN ROI

16. Khúc 16: NỬA KIA CỦA SỰ THẬT THÂN XÁC…

 

²    Phụ bản tranh mực đen 2

 

17. Khúc 17: ÁM ẢNH

18. Khúc 18: TUỔI MƯỜI BẢY CON NHÀ CÙNG ĐINH

19. Khúc 19: NỀN TẢNG, LÚC NÀY

20. Khúc 20: NÉN NHANG CHÁY BÙNG TRÊN TRẢNG CÁT ƯỚT

21. Khúc 21: NỬA CỦA CHA NỬA CỦA MẸ

 

²    Phụ bản tranh mực đen 3

 

22. Khúc 22: VẾT THƯƠNG TÌNH YÊU

23. Khúc 23: VĨNH BIỆT NIỀM CẢM CÚM HẠNH PHÚC BUỒN

24. Khúc 24: CÓ DI TRUYỀN TRONG EM KHÔNG

25. Khúc 25: ƠI THÁCH THỨC CỦA MẶC CẢM

26. Khúc 26: NHỮNG BÓ HOA ÁNH SÁNG

 

 

 

TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN

ĐT.: 8453955 (TP. HCM.)

 

 

 

 

DANH MỤC

TÁC PHẨM, SOẠN PHẨM, BIÊN KHẢO

CỦA TÁC GIẢ

(tính đến 2005)

 

TRẦN XUÂN AN

sinh ngày 10. 11. 1956 tại Huế;

dân tộc: Kinh (Việt Nam);

quê gốc: Quảng Trị;

tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Việt, 

Đại học Sư phạm Huế

(khóa 1974 – 1978);

dạy phổ thông trung học ở Lâm Đồng

(1978 – 1983);

hiện chuyên sáng tác, nghiên cứu tại TP. HCM.

(hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.)

 

● Tác phẩm đã xuất bản và đã đăng kí bản quyền tại Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam:

 

 

1.  Nắng và mưa, tập thơ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991

2.  Hát chiêu hồn mình, tập thơ, NXB. Đồng Nai, 1992

3.  Tôi vẫn ở trên đường, tập thơ, NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 1993

4.  Lặng lẽ ở phố, tập thơ, NXB. Trẻ TP. HCM., 1995

5.  Kẻ bị ném vào bão, tập thơ, NXB. Trẻ TP. HCM., 1995

6.  Hát với đời, ơi thương mến tập thơ, NXB. Trẻ TP. HCM., 1996

7.  Quê nhà yêu dấu, trường ca thơ, NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 1998

8.  Có một nơi lá mãi xanh, tiểu thuyết, NXB. Hội Nhà văn, 1999

9.  Ngôi trường tháng giêng, tiểu thuyết, NXB. Thanh Niên, 2003

10. Sen đỏ, bài thơ hòa bình, tiểu thuyết, NXB. Thanh Niên, 2003

11. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ bốn tập, NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 2004

     

● Tác phẩm đã hoàn tất bản thảo:

 

12. Mùa hè bên sông, tiểu thuyết, 1997; bản đã sửa chữa, bổ sung, 2001 & 2003

13. Thơ những mùa hương, tập thơ

14. Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên, tập thơ

15. Nước mắt có vị ngọt, tập truyện ngắn liên hoàn, 1999

     

● Soạn phẩm, biên khảo đã hoàn tất bản thảo:

 

16. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (biên soạn, nghiên cứu, phản bác, và tập hợp một số bản dịch, bài nghiên cứu văn học, sử học về NVT.), 2000

17. Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp”, (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.

18. Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp… (Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), chọn lọc, phần II, 2001

19. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, 2002

20. Suy nghĩ về một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta, khảo luận sử học, 2003

21. Ngẫu hứng đọc thơ, phê bình thơ, 2003

     

● Tặng thưởng, giải thưởng:

 

1.      Báo Văn Nghệ giải phóng, 1975

2.      Giải sáng tạo trẻ Hội VHNT. Quảng Trị

 

(*) Tất cả các tác phẩm, soạn phẩm biên khảo đã được xếp chữ vi tính, ấn hành với phạm vi từ 10 đến 20 bản sách (gửi các nhà xuất bản, các nhà nghiên cứu, các người bà con và một số bạn thân), trong khi chờ giấy phép và điều kiện để có thể xuất bản rộng rãi. TXA.

 

 

 

QUÊ NHÀ YÊU DẤU

trường ca thơ

 

TRẦN XUÂN AN

 

NHÀ XUẤT BẢN VĂN NGHỆ TP. HCM.

1998

 

 

Chịu trách nhiệm xuất bản:

ĐINH QUANG NHÃ

Biên tập:

NGUYỄN HÒA BẮC

 

Trình bày: PHAN HUYÊN ĐÌNH (*)

Phụ bản tranh: HUỲNH THỊ PHÚ (*)

Ảnh tác giả: NGUYỄN SÔNG BA

Sắp chữ vi tính: LAN HÀ

Sửa bản in: PHƯƠNG LINH

 

Cước chú ở trang thủ tục:

(*)  TXA.  (Chú thích ngày 27. 03. 2005).

 

 

        In 800 cuốn, cỡ 13 x 19 cm tại Xí nghiệp  in Công ti Văn hóa Tổng hợp Quận 11, TP. HCM. Giấy chấp nhận đăng kí  kế hoạch xuất bản:  30 / 282, Cục Xuất bản cấp ngày: 28/ 2/ 1998. In xong và nộp lưu chiểu: 08. 1998.

 

                                                                    

 

GIÁ: 9.500 Đ   

 

 

 

Bìa 3

Phần gấp bìa 4:

 

● TRẦN XUÂN AN

sinh ngày 10. 11. 1956 tại Huế

quê ngoại và nội: Hải Lăng và  Gio Linh, Quảng Trị  (*)

 

● Tác phẩm đã xuất bản:

1. NẮNG VÀ MƯA,

Hội VHNT. Quảng Trị, 1991

2. HÁT CHIÊU HỒN MÌNH,

NXB. Đồng Nai, 1992

3. TÔI VẪN Ở TRÊN ĐƯỜNG,

NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 1993

4. LẶNG LẼ Ở PHỐ,

NXB. Trẻ TP. HCM., 1995

5. KẺ BỊ NÉM VÀO BÃO,

NXB. Trẻ TP. HCM., 1995

6. HÁT VỚI ĐỜI, ƠI THƯƠNG MẾN,

NXB. Trẻ TP. HCM., 1996

7. QUÊ NHÀ YÊU DẤU,

NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 1998

 

● Tác phẩm sẽ xuất bản:

8. MÙA HÈ BÊN SÔNG

(tiểu thuyết, 1997)

9. GIỌT MỰC, CÁNH ĐỒNG

VÀ VỞ KỊCH ĐIÊN

10. THƠ NHỮNG MÙA HƯƠNG

11. CÓ MỘT NƠI LÁ MÃI XANH

(tiểu thuyết, 1998)

 

Cước chú ở phần gấp bìa 4:

(*) Đúng ra, quê quán đời thân sinh là Gio Linh, Quảng Trị; quê gốc của thân sinh là An Cư, Triệu Phước, Triệu Phong, Quảng Trị.

 

 

 

 

 

 

 

Để tìm hiểu một giai đoạn lịch sử

và một nhân vật lịch sử:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG

(1824 – 1886),

kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp”, “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”,

XIN TÌM ĐỌC:

 

PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN

NGUYỄN VĂN TƯỜNG

(1824 – 1886)

truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử

trọn bộ bốn tập

 

(985 trang, cỡ 16 x 24 cm)

tác giả: TRẦN XUÂN AN

 

 

Hội đồng Tư vấn, Phản biện và Giám định

thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam giám định;

Tổng thư kí Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

DƯƠNG TRUNG QUỐC

viết lời giới thiệu

 

NXB. Văn Nghệ TP. HCM. ấn hành, 12. 2004

PHÁT HÀNH TẠI CÁC NHÀ SÁCH THUỘC Cty FAHASA

62 Lê Lợi, Quận I

40 Nguyễn Huệ, Quận I

TP. HCM.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bìa 4

 

 

chân dung

Trần Xuân An tự vẽ

theo ống kính nhiếp ảnh của Phạm Bá Thịnh (*)

1996

 

(*) Xin xem ở trang bìa 4 của tập thơ đã in. Trên đây chỉ là hí họa, tác giả tự đùa cợt với chính mình cho đỡ buồn, khi thực hiện trang web này (21-03 HB6 [ 2006 ]).

 

( hết tập )

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

            Cập nhật: 07/01/09

            (tháng / ngày / năm)

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7