f. Trần Xuân An - Ngẫu hứng đọc thơ - Đọc thơ Võ Nguyên - Tệp 6

author's

copyright

trần xuân an

ngẫu hứng đọc thơ

 

 

phê bình thơ

Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005

06/30/09

 

 

Bài 1

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

Bài 7

 

Bài 8

 

Bài 9

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

                             

        

   Bài 6

 

ĐỌC THƠ VÕ NGUYÊN

 

1

Trong bài tựa cho tập truyện Bản hoà âm thôn dã (1), giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã viết: “Những thiên truyện của Võ Nguyên thật dễ mến. Qua những thiên truyện ấy, có lẽ tác giả muốn phát hiện ở những con người Việt Nam bình dị nỗi khát khao tình thương yêu, hạnh phúc, điều thiện và lẽ công bằng, trong cuộc sống còn nhiều thương tích chiến tranh, và con người thì còn nhiều khổ đau vất vả” (2). Ở một đoạn khác, GS. tiếp tục nhận định về tập truyện ấy: “Căn cứ vào những nét đặc sắc ở một số truyện của Võ Nguyên, tôi cho rằng Võ là cây bút văn xuôi có thiên hướng trữ tình. Anh muốn phát hiện chất thơ ẩn náu trong cái bình dị đời thường, ở những số phận ít ai biết đến, giữa cái hối hả, quyết liệt của cuộc sống vì miếng cơm manh áo hằng ngày” (2).

“Thiên hướng trữ tình”, “chất thơ” của một nhà văn, vốn đã khẳng định được ít nhiều tên tuổi mình trên báo chí và một số giải thưởng (*), là một nét của tâm hồn Võ Nguyên. Nét đặc sắc ấy, khi viết một cách tinh tế về anh như thế, GS. Nguyễn Đăng Mạnh không đề cập đến những bài thơ được anh sáng tác song song và đăng báo. Có lẽ nguyên nhân là do truyện ngắn Võ Nguyên trội hơn rất nhiều so với thơ Võ Nguyên, mặc dù thơ anh không phải không có những câu, những bài có thể thuộc vào loại đọc rồi là khó quên.

Nếu văn xuôi Võ Nguyên còn có thêm một nét đáng kể nữa, “truyện không có gì đáng kể mà sao rất có duyên”, nhờ nghệ thuật viết truyện và nhờ Võ Nguyên biết yêu quý những gì rất bình dị giữa cuộc đời bình thường này, cộng với “ý nghĩa nhân bản sâu sắc” trong một vài truyện (3). Tôi nghĩ Võ Nguyên có tiếp thu André Gide (1869 – 1951) nhưng lại trái ngược chiều về lập trường với André Gide (sau 1936). Đó là một nhà văn Pháp nổi tiếng với tiểu thuyết có tên như tập truyện đầu tay của Võ Nguyên (La symphonie pastorale, 1919 (**)) và tiểu thuyết khác, cũng đã được dịch ra tiếng Việt là Dưỡng chất trần gian (Les nourritures terrestres, 1897 (**)).

Điều đó, quả thật, cũng thể hiện ở thơ của anh. Khác với nhiều nhà thơ viết văn hay nhiều nhà văn làm thơ khác, người văn và người thơ Võ Nguyên đúng là một tạng chất. Tuy nhiên, ở hai loại hình văn chương này, mức độ thành công (văn) hoặc chưa thành công nhiều (thơ) ở Võ Nguyên, còn được quyết định bởi kĩ thuật đối với mỗi loại.

Nếu hầu hết 19 truyện ngắn Võ Nguyên đã tinh tuyển trong hai tập truyện, cho thấy một “tay nghề” truyện ngắn già dặn, ở một số truyện phải nói là tác giả đã đạt đến mức lão luyện, thì ở thơ, trong tập Lời cho người hát chia tay (1), kĩ thuật hầu như không thành vấn đề quan tâm đối với Võ Nguyên – hình như anh chủ ý làm thơ một cách hồn nhiên, có bài như thể đồng dao bâng quơ, nhưng rất tiếc không phải là bâng quơ của điêu luyện. Tuy vậy, nhờ nội lực của chất nhà văn trong anh, nên có bài rất khó quên.

Nói như vậy, có phải tôi có cảm giác như GS. Nguyễn Đăng Mạnh không? Uống qua hết những chén rượu truyện ngắn đầu nồi (rượu nước nhất) tuyệt ngon của Võ Nguyên, lại uống thêm vài chén rượu nước nhì, nước ba là thơ ca Võ Nguyên, đâm ra thơ ca ấy dở mất, cho dù thực chất rượu nhì, rượu ba được chắt lọc từ tâm hồn của anh vốn cũng khá thơm ngon, nồng đậm, dịu ngọt – chất ngọt đích thực của rượu gạo.

 

2

Nhưng cũng phải đọc lên ngay, để thấy thơ thế này có lẽ nào không phải là thơ có thể đọng mãi trong trí nhớ và trái tim người đọc, trước hết là vì vẻ đẹp của ngôn từ (chứ không phải nhờ độ sâu của ý tưởng)? Đây là bài Hoàng hoa (4) của Võ Nguyên:

Xưa ai ngậm ngải tìm trầm

Để người ngậm đắng bao năm rối bời

Hồ đêm lặng đến chơi vơi

Đáy sâu ngưng đọng sóng đời lung linh

Trầm xưa mất thời gian xanh

Hoàng hoa ngả bóng sang cành thiên thu.

“Ngậm ngải tìm trầm” không phải là giữ im trên đầu lưỡi một thứ ngải thiêng nào đó với niềm tin vào dược liệu cộng với niềm mê tín vào thần linh để có đủ sức chịu đựng gian khổ ở vùng sơn lam chướng khí, có đủ khả năng chống chọi với thú dữ suốt bao tháng ngày vào rừng sâu tìm kiếm một loại hương liệu quý giá (thứ hương liệu hình thành được bởi loài cây dó, sau một quá trình ít ra là suốt mấy mươi năm xanh lá, hấp thu được tinh chất từ gió ngàn, mây núi, suối nguồn, đất rừng để tinh luyện, cô đặc lại). Trong bài Hoàng hoa, đó là sự tịnh khẩu, trầm tư trong lao tâm khổ tứ để tìm kiếm sự kết tinh ngay chính trong tâm hồn, trí tuệ của người đàn ông nào đó.

Hoa cúc vàng phải chăng còn có tên hoàng hoa? Đó không phải là hoa mai vàng hay hoa lan vàng hoặc một loại hoa có sắc vàng nào khác. Tôi bỗng ngậm ngùi khi ánh mắt một lần nữa chạm đến hai câu kết. Lá xanh đã úa, đã rụng như “thời gian xanh”, thì Võ Nguyên cần chi miêu tả nữa, ta cũng thấy đóa cúc vàng kia tiều tụy đến mức nào, khi “hoàng hoa ngả bóng sang cành thiên thu” miên viễn!

Phải chăng đó là vẻ đẹp cổ điển của Cung oán ngâm, Chinh phụ ngâmTruyện Kiều với những ẩn dụ mới do Võ Nguyên sáng tạo?

Suốt cả tập thơ, cho dù không viết nhiều lần hai chữ thời gian, nhưng Võ Nguyên cũng cho ta cảm được ý niệm ấy theo cách của anh: “Thời gian khoác áo sa mờ / Tưởng là thật hoá ra mơ một thời” (5); “… Cũng là quá khứ dẫu vừa quay lưng / Thời gian là thế em có thấy không” (6).

Ý niệm thời gian không có gì rõ rệt hơn ở người con gái bị thiên hạ gọi là lỡ thì (lỡ thời), thời xuân sắc đã trôi qua, hạnh phúc lứa đôi không hề gõ cửa, hoặc do duyên cớ nào đó, đã để lỡ mất cơ duyên, và rồi không còn ai gõ cửa nữa khi đã quá muộn mằn. Đây không phải là vấn đề mới, mà thuộc về vấn đề muôn thuở, vả lại trong kho tàng ca dao hầu như không thiếu những bài về bi kịch này của phụ nữ. Nhưng trong cuộc chiến tranh khốc liệt, lâu dài vừa qua, con số thống kê bi kịch này là thuộc loại bí mật quốc phòng; và một trong những nỗi đau hậu chiến còn là nỗi niềm này. Không phải ngẫu nhiên Bến không chồng, tên một tác phẩm của Dương Hướng, được nhiều người sử dụng để nói về thời gian với nỗi niềm Võ Nguyên đã viết thành thơ: Lời người lỡ thì (7).

“Quê em / Nắng tháng mười cây cỏ xác xơ / Và rưng rức ngực hồng bốc cháy / Tung cát bụi mịt mờ bờ bãi / Gió lồng lên như đàn ngựa phá chuồng // Tháng năm về hờ hững trôi êm / Em đứng đợi ngàn trùng sóng gió / Tim khép mở bóng hình mờ tỏ / Bao lâu rồi ngọn gió vỗ triều lên // Gió bốn mùa thổi thốc qua đời em / Cứ lồng lộng bốn mùa gió thổi / Sợ từng đêm trở mình con cú gọi / Sợ ngoài kia trăng vỡ rụng tơi bời…”.

Hai chữ “ngực hồng” của Võ Nguyên chính là “dấu hiệu” để người đọc nắm bắt được mạch chính của bài thơ, nếu không kể đầu đề. Tất cả đều được anh viết bằng ẩn dụ, ẩn dụ gió lồng lộng và gió thông thốc suốt bốn mùa vẫn là hình ảnh quán xuyến suốt bài. Nhưng làm sao ta không cảm nhận được nỗi đau như thể bùng cháy, dậy sóng, hoặc nỗi đau âm ỉ trong tâm trạng hoảng hốt, lo sợ trước tuổi già cô quạnh sắp ập đến. Có gì tàn nhẫn lắm không khi miêu tả tâm lí người con gái lỡ thì như thế? Người phụ nữ cao quý sao lại quá nhiều thú tính, sao hoang dã đến mức ấy? Hay tận chiều sâu của sự miêu tả ấy là ý nghĩa nhân bản, rất con người? Khát tình và khát vọng hạnh phúc lứa đôi trong tuyệt vọng, quả thật, tôi không ngờ lại bi thiết, quằn quại đến thế! Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm trong văn học cổ điển nước ta, ai đó đã viết, ấy là “tiếng thét kêu đòi hạnh phúc đôi lứa”, nhưng hình như ai đó cũng đã tránh né gọi đích danh của một trong những khía cạnh hạnh phúc là nỗi niềm tâm sinh lí “khát tình”. Dẫu sao, tôi vẫn thấy Võ Nguyên đã dùng hơi đậm thủ pháp cường điệu, phóng đại.

Mặc dù với biện pháp nghệ thuật không phải tả chân mà là ẩn dụ, có thể bài Lời người lỡ thì này cũng phải xếp vào kho “bí mật quốc phòng”, nếu Võ Nguyên không viết dưới ánh sáng của thiện năng và mĩ học, để bài thơ ấy thành một chỉnh thể nghệ thuật. May thay, cây bút của nhà giáo Võ Nguyên không xô con người (đối tượng trữ tình – khách thể tự biểu hiện, và người đọc) xuống vực thẳm; rõ ràng anh đã quyết níu giữ lại con người bên bờ vực thẳm ấy. 

Về ý niệm ngày tháng trôi qua và những gì mất đi, những gì còn lại, Võ Nguyên có thêm một bài thơ thể bốn chữ, Vó thời gian (8). “Bóng câu qua cửa sổ”, thời gian được biểu trưng bằng vó ngựa phi nhanh, không phải là một hình ảnh mới. Cách kết cấu chủ yếu bằng những hai dòng thơ sóng đôi hoặc hai cặp câu sóng đôi, chứa đựng hai hình ảnh đối lập về chiều kích (con kiến – ngọn đồi; gang tấc – hư vô; ngọn bút – cơ đồ…) hoặc tương đồng về ý nghĩa (xác ve sầu – con ngựa già…), Võ Nguyên để cho hình ảnh tự biểu đạt được cảm nghĩ của anh về kiếp người ngắn ngủi, bé mọn giữa vô tận thời gian, mênh mông không gian, về cái chết như một lẽ tất yếu của quy luật sinh – tử, thành – hoại… Triết lí ấy không phải mới, nhưng cũng không bao giờ cũ. Có một điều là Võ Nguyên vẽ lại khung cảnh khiến anh nẩy sinh mối suy tư và cảm xúc lại bằng những nét mờ nhoà lung linh không rõ rệt.

“Một ngày nắng gió / Em đã đi rồi / Ai đem nỗi nhớ / Treo chi giữa đời // Dã tràng xe cát / Hoang phí một thời / Một con kiến gió / Chết bên chân đồi // Phù trần gang tấc / Bay vào hư vô / Nào ai nghiêng bút / Làm nên cơ đồ //Trên cành phượng vĩ / Xác con ve sầu / Bên đường thiên lí / Một con ngựa già // Tìm đâu vĩnh cửu / Cát bụi hợp tan / Khổ đau kim cổ / Vơi đầy nhân gian // Lửng lơ hạnh phúc / Trêu chi cõi đời / Tôi mang nỗi nhớ / Về cho một người”.

“Em đã đi rồi”! “Em” là ai vậy? “đi” về đâu? “Nỗi nhớ” kia, sao lại “treo chi giữa đời”? “Ai” là người “treo” nỗi nhớ ấy? Tại sao “tôi mang nỗi nhớ, về cho một người”? Tôi nghĩ, Võ Nguyên đã tiễn đưa một người em trai hoặc em gái, cũng có thể là một học trò cũ về nơi miên viễn, và chính người thơ đã tự nguyện nhận lấy “nỗi nhớ” để mang về cho người yêu của người vừa được chôn cất. Có thể đó là nỗi nhớ trăn trối của người vừa được đặt xuống đáy huyệt, nhưng có lẽ đúng hơn là phải thấy thêm, nỗi nhớ trăn trối kia, người đã qua đời đó cũng không dám gửi lại cho người yêu còn sống mà hôm an táng ấy lại vắng mặt.

Bài thơ phúng điếu này không phải là tiếng khóc thống thiết, tức tưởi hoặc da diết mà chỉ là cảm nghĩ ngậm ngùi, trầm lắng, mênh mang. Có vậy thôi, sao bâng khuâng, xót xa đến thế, và xao xuyến lòng ta lạ lùng.

Có thể nói Một chuyến đi về (9) của Võ Nguyên cũng thuộc về cảm hứng thời gian, nhưng lại là thời gian lịch sử. Đó là một “chuyến đi” của anh, từ Miền Nam, “về” với nguồn cội, Đất Tổ – Đền Hùng: “Con về Đất Tổ chiều đông / Hơi se sắt lạnh từ trong sa mù / Chợt rơi vào cõi thiên thu / Theo con Chim Lạc bay từ hồng hoang…”.

Đây là một bài thơ rất cảm động. Nhưng để thành công với đề tài đã thuộc loại truyền thống bốn nghìn năm sâu thẳm này, thật không dễ dàng. Trước Võ Nguyên, đã có hàng vạn bài thơ về nguồn như thế. Hẳn Võ Nguyên cũng thừa biết khó khăn ấy, tuy nhiên, vẫn không thể không bày tỏ một cảm xúc thiêng liêng đã chiếm lĩnh cả tâm hồn anh, anh không muốn để quên đi, để trôi mất niềm thiêng ấy, nên đã ghi lại thành thơ, như một chút lòng thành.

Thời gian, với Võ Nguyên, đã được anh cảm nhận, suy tư trong các không – thời gian như thế.   

 

3

Một trong những đề tài cũng rất khó thành công khác, mặc dù cảm xúc về nó là không cách nào thiếu vắng đối với người thơ và người thơ khó kìm nén nhất. Đó là tình yêu đương.

Ngoài những bài mà hầu hết là lời chia tay cuối một cuộc tình không thể đi trọn, Võ Nguyên còn có một suy nghĩ hơn là một cảm xúc về yêu đương: Vệt sáng (10). Anh không bày tỏ những rung cảm bằng ngôn từ trữ tình, nhạc điệu biểu cảm, anh viết về yêu đương bằng thi pháp mộc, để các hình ảnh tự biểu hiện điều anh ngẫm nghĩ.

“Em như gương dưới nắng / Ánh vệt sáng lên tường / Thoáng hiện rồi thoáng mất // Anh nửa đời tìm bắt / Vệt sáng tròn xoay / Chiếc gương lại lắc / Chỉ còn bức tường rêu phong”.

Tình yêu đương chỉ là một thứ ảo ảnh sao? Không, nhưng người yêu dấu đích thực chỉ là ảo ảnh. Đó là cách nói về một nàng thơ không bao giờ có thật với người thơ, bởi vì anh ta mãi mãi khát vọng sự tuyệt đối, mà không bao giờ có nàng thơ nào là tuyệt đối đối với một tâm thức nung nấu ý chí sáng tạo và mãi mãi còn đam mê sáng tạo.

Đó là tình yêu thơ ca hay tình yêu đôi lứa? Và đây, câu hỏi ấy lại được lặp lại thêm một lần nữa, khi đọc bài thơ tứ tuyệt phóng khoáng về niêm luật có tên rất ngắn, chỉ một chữ: Tan (11). Xin đừng chê tứ tuyệt của Võ Nguyên quá cũ kĩ, sáo mòn, mặc dù mới đọc qua, quả đúng là cũ kĩ, sáo mòn thật.

Siết vòng tay và tan trong nhau

Tan vào vũ trụ với ngàn sau

Ngàn sau xa lắc, ai còn nhớ

Nếu chẳng bao giờ tan trong nhau.

Đây là tan hoà, sự trộn lẫn, hỗn hợp giữa hai thực thể hoặc nhiều thực thể đến mức tuyệt đối,như rượu pha với chanh hoặc như một thứ rượu đa vị (thập cẩm, cocktail), không còn thực thể nào giữ được bản chất của nó. Rhum pha với mươi giọt nước chanh vắt, rhum không còn nguyên chất rhum, chanh không còn nguyên chất chanh, mà thành một thực thể mới không thể phân chia lại được, ấy là rượu rhum-chanh. Mười hoặc mười lăm thứ rượu pha vào nhau, không như chè thập cẩm (nho, lê, táo, chuối, mơ… mỗi thứ hầu như vẫn còn nguyên là nó), rượu đa vị (thập cẩm) là kết quả của một sự đánh mất bản chất từng thứ rượu để trở thành thứ rượu mới với hương vị mới. Do đó, tan ở đây là sự hoà hợp tuyệt đối để tạo nên một thực thể mới chứ không phải là tiêu tan, mất hẳn! Nhưng hoà hợp tuyệt đối này cũng không phải là sự tập hợp. Trong tập hợp, mỗi thành tố, mỗi đơn vị vẫn còn là chính nó nguyên vẹn, có thể với một trật tự nhất định, như một tập hợp thơ (tuyển tập thơ của nhiều tác giả) chẳng hạn.

Nhưng ở bài Tan này, phải hiểu chữ tan bằng nghĩa cụ thể trong ngữ cảnh nghệ thuật cụ thể.

Tôi hiểu Võ Nguyên muốn nói đến tình dục vợ chồng trong quan niệm âm dương giao hợp để truyền đời, góp phần nối tiếp sự trường tồn của một họ tộc, một dân tộc và rộng hơn, đó là sự trường tồn nhân loại. Nhưng đọc lại lần nữa, thấy rằng, có lẽ Võ Nguyên chỉ giới hạn trong phạm vi họ tộc và chỉ trong phạm vi ấy. Với Võ Nguyên và cách nói cường điệu của anh, âm dương giao hợp (tình dục vợ chồng) là một động tác hoà hợp tuyệt đối giữa hai thực thể nam nữ và không những thế, còn là sự hoà hợp với cả Đất lẫn Trời, hiện tại với vĩnh cửu ngàn sau. Anh không nói đến quá khứ nghìn xưa, nhưng ta hiểu có sự hiện diện của quá khứ nghìn xưa ấy trong khoảnh khắc giao hợp âm dương (tình dục vợ chồng, nõn – nường, linga – yoni) ấy. Đây cũng là động tác nguyên sơ trong các dịp đón xuân mới, mùa quan họ, mùa đu cây, lễ tế thần nông (nhằm góp phần kích thích sự thụ phấn, giao phối trong trồng trọt, chăn nuôi) thuở xa xưa của người Việt và người Đông Nam Á. Thạp đồng Đào Thịnh, một số mảng tranh khắc gỗ Đình Bảng là những tác phẩm nghệ thuật biểu đạt quan niệm triết lí về tình-dục-thiêng-liêng này (hoàn toàn xa lạ với quan niệm, hành vi tình dục dung tục, bừa bãi…).

Ở trường hợp này, cũng như đối với mọi bài thơ, trang truyện khác, có thể tôi hiểu bài Tan theo thẩm thức của riêng tôi. Trong thẩm thức riêng của tôi ấy, có cả mọi vốn liếng văn hoá, tri thức, kinh nghiệm và tâm hồn lẫn thể chất của riêng tôi.

Ồ, nhà giáo Võ Nguyên nào có ngại gì khi thể hiện lên trang giấy cảm xúc về sinh lí tình dục mang chiều sâu văn hoá học. Nhưng, cẩn trọng chút nào, ta hãy đọc lại Tan của Võ Nguyên, để thấy Võ Nguyên thanh khiết hơn Hồ Xuân Hương và khác Hồ Xuân Hương một trời một vực, mặc dù sự thành công về nghệ thuật ngôn từ thi ca của anh vẫn còn thua kém rất nhiều, nếu so sánh với sự thành công trong khía cạnh ngôn từ của “Bà chúa thơ Nôm”, xét trên quan điểm đồng đại (so sánh với các nhà thơ cùng thời của mỗi thời đại).

 

4

Võ Nguyên là một nhà văn, đó là điều hiển nhiên. Nhưng thơ ca của anh qua tập Lời cho người hát chia tay chưa đủ để khẳng định Võ Nguyên còn là một nhà thơ nữa. Nguyên là một nhà văn đích thực, anh còn sống hết lòng với thơ ca, có sáng tác thơ ca, nhưng anh cũng chưa phải nhà thơ đúng nghĩa – có người bảo thế.

Theo sự nghiêm ngặt và cái gọi là “tiêu chí” hiện tại là vậy.

Nhưng Bà Huyện Thanh Quan đâu phải là một nhà thơ có nhiều bài thơ lưu truyền! Rõ ràng hơn, Nguyễn Nhược Pháp với tập Ngày xưa (***) mỏng mảnh, chỉ vỏn vẹn 10 bài thơ (tôi viết bằng chữ: mười, chỉ vỏn vẹn mười bài thơ), có ai không gọi Nguyễn Nhược Pháp là nhà thơ? Trường hợp T. T. Kh., tuy còn là một bí ẩn chưa có đáp số, cũng chỉ đăng báo bốn (04) bài thơ, đâu nhiều nhặn gì, nhưng T. T. Kh. vẫn như ngôi sao sáng, cho dù chợt hiện rồi mất hút. Có ai không gọi T. T. Kh. là nhà thơ? Dẫu vậy, có người vẫn nghĩ Võ Nguyên đích thực là nhà văn chứ chưa phải là nhà thơ. Những người ấy quá nghiêm ngặt như sự nghiêm ngặt và cái gọi là “tiêu chí” hiện tại chăng?

Hỡi thằng tôi, có phải thằng tôi cũng nghiêm ngặt? Và vớ vẩn nữa, khi đặt ra vấn đề vớ vẩn như thế!

Ngẫm lại, thấy ít người gọi Nguyên Hồng (tác giả Bỉ Võ, Những ngày thơ ấu, Cửa biển…) là nhà thơ, tuy nhà văn đã sừng sững trong văn học sử này có nhiều bài thơ hay. Tôi nghĩ, Võ Nguyên cũng thuộc vào trường hợp của nhà văn Nguyên Hồng, với tầm cỡ khiêm tốn hơn.

Võ Nguyên là một trong vài ngôi sao sáng nhất ở tỉnh Bình Thuận, nhưng chưa thật sáng trên khắp cả nước, tuy có những truyện ngắn không thua kém gì các nhà văn hiện đại thuộc loại xuất sắc nhất nước.

 

5

Võ Nguyên thân mến,

Bỗng dưng mình muốn viết một lá thư, gửi ra Phan Thiết để Võ Nguyên đọc và cho ý kiến.

Mình nói ngay nhé! Chỗ bạn bè thân thiết với nhau, bên cạnh những thuận lợi, lại có những cấn cái rất khó. Trong trường hợp như Võ Nguyên và mình, người ta hoặc là quá nể nang nhau, quá khen ngợi nhau, hoặc quá nghiêm ngặt với nhau. Có lẽ mình thuộc loại nghiêm ngặt chăng? Nghiêm ngặt để giữ thể cách cho Võ Nguyên và cả cho bạn của Võ Nguyên là mình chăng?

Nhưng trên tất cả mọi điều là tình thân bạn bè giữa Võ Nguyên và mình.

Chúng ta quen nhau, rồi thân thiết với nhau từ bao giờ nhỉ?

Không phải thoáng chốc, mà từ năm học 1973 – 1974 kia đấy. Ngày đó, chúng ta cùng chung một lớp ở Trường Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Tiếp đến, chúng ta lại cùng chung với nhau một lớp ngữ văn (1974 – 1978) ở Đại học Sư phạm Huế. Tốt nghiệp, một vào xứ biển Thuận Hải (Bình Thuận – Ninh Thuận), một vào miền núi Lâm Đồng… Mười mấy năm gần đây, từ ngày mình vào TP. HCM., Võ Nguyên và mình lại có nhiều dịp gặp gỡ nhau.

Tình thân, lại là tình thân lâu dài, mới là điều đáng nói.

Tuy vậy, đây là chuyện văn chương chữ nghĩa, nghiêm ngặt là điều không đúng, nhưng nghiêm túc lại là vấn đề đâu phải không cần thiết. Phải vậy không, Võ Nguyên thân mến?

Vả lại, bài viết của mình về tập thơ Lời cho người hát chia tay của Võ Nguyên cũng chỉ là những điều mình chân thành cảm nghĩ về lĩnh vực thứ yếu của Võ Nguyên mà thôi. Dẫu sao, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm cũng đã trang trọng đề tựa cho tập thơ ấy.

Lĩnh vực chính yếu của Võ Nguyên vẫn là văn xuôi. Thầy Nguyễn Đăng Mạnh, giáo sư văn chương đồng thời cũng là nhà lí luận phê bình văn học tên tuổi, đã làm việc đó, cho dù mới chỉ qua bài tựa “Vài ý nghĩ về tập truyện của Võ Nguyên” – tập truyện đầu tay. Một số giải thưởng và bài viết trên các báo, tạp chí cũng góp phần khẳng định những đặc sắc của truyện ngắn Võ Nguyên.

Tình thân, lại là tình thân lâu bền, mới là điều đáng nói. Và không chỉ thế, chúng ta lại có cả tình văn nghệ chân thành nữa; và văn nghệ lại là điều tâm huyết, chẳng “phê bình” nhau mà được sao? Cần phải “phê bình” đến mức “tận tình” mới thật là thân thiết!

Đùa … một cách nghiêm túc đấy nhé!

Võ Nguyên thân mến,

Mình kết thúc bài viết về tập thơ Lời cho người hát chia tay của Võ Nguyên bằng lá thư này, như một cách khẳng định những gì mình viết trong bài là hết sức nghiêm túc. Nếu có chút nào nghiêm ngặt, cũng chẳng sao, phải không Võ Nguyên?

Gửi đến Võ Nguyên lời chúc, niềm hi vọng thành công về những tập truyện ngắn bạn chưa xuất bản, cuốn tiểu thuyết bạn ấp ủ bao năm và đang viết, tập thơ một ngày gần đây sẽ “trình làng” của Võ Nguyên.

Chúc sức khoẻ và hạnh phúc. Cho gửi lời thăm tổ ấm Yến Sào quý báu – gia đình thân yêu – của bạn.

Thân ái.

 

Khởi viết từ 11 giờ đúng ngày 08. 10. HB4 (25. 8. G. thân HB4);

Viết xong vào lúc 15 giờ 21 phút ngày 09. 10. HB4 (26. 8. G. thân HB4).

TRẦN XUÂN AN

 

 

(1) Võ Nguyên (tên thật là Võ Văn Tám, bút danh trọn vẹn ban đầu là Võ Trung Nguyên), Bản hoà âm thôn dã (BHÂTD.), tập truyện ngắn, Hội Văn học – nghệ thuật Bình Thuận xuất bản, 1994; Vó ngựa đêm khuya (VNĐK.), tập truyện ngắn, Nxb. Thanh Niên, 1997 (tổng cộng hai tập gồm 19 truyện ngắn); Lời cho người hát chia tay (LCNHCT.), tập thơ, Nxb. Văn Học, 2000.

(2) GS. Nguyễn Đăng Mạnh, Vài ý nghĩ về tập truyện của Võ Nguyên, BHÂTD., sđd., tr. 3 – 4.

(*) Giải truyện ngắn hay 1991 – Hội Nhà văn TP. HCM., Tạp chí Văn & Bns. Kiến Thức Ngày Nay; giải hồi kí và truyện ngắn hay 1992 – Báo Giác Ngộ; giải truyện ngắn và thơ hay 1992 - 1993 – Hội VHNT. Nghĩa Bình.

(3) GS. Nguyễn Đăng Mạnh, bài đã dẫn, BHÂTD., sđd., tr. 4.

(**) Hoà âm điền dã, bản tái bản gần đây của Nxb. Đà Nẵng, 1990, có tên là Khúc nhạc lòng của vị mục sư, tuy vẫn đề tên dịch giả là Vân Mồng (Bùi Giáng)! Và trước đây, bản dịch tiếng Việt của Dưỡng chất trần gian (đúng nghĩa nguyên văn), có tên sách là Trần gian muôn màu, dịch giả Lê Thanh Hoàng Dân, Mai Vi Phúc, Nxb. Trẻ (cũ), Sài Gòn, 1973. Chủ yếu Võ Nguyên tiếp thu những yếu tố tích cực từ Dưỡng chất trần gian.

(4) LCNHCT., sđd., tr. 52.

(5) LCNHCT., sđd., tr. 33.

(6) LCNHCT., sđd., tr. 57.

(7) LCNHCT., sđd., tr. 19 – 20.

(8) LCNHCT., sđd., tr. 17 – 18.

(9) LCNHCT., sđd., tr. 28 – 29.

(10) LCNHCT., sđd., tr. 38.

(11)  LCNHCT., sđd., tr. 31.

(***) Nguyễn Nhược Pháp, Ngày xưa, Nxb. Văn Học tái bản, 1987.

 

 

 

Đã gửi:

 

Võ Nguyên Ngày (10. 10. 2004)

Tạp chí Biển Xanh (Hội Văn nghệ Bình Thuận, 10. 10. 2004).

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/30/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7