Trần Xuân An - LẠI NGHĨ VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI  TRƯỚC MARX VÀ CỦA MARX

LẠI NGHĨ VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

TRƯỚC MARX VÀ CỦA MARX

Trần Xuân An

Nếu chỉ nói sơ lược vài nét chính về mục tiêu lí tưởng của phong trào cộng sản, có lẽ nhiều người dễ bị lôi cuốn vào nó như trôi vào một giấc mộng đẹp về xã hội tương lai của dân tộc và nhân loại. Thời cổ sơ, người ta gọi giấc mộng đẹp ấy là thiên đường, là tây phương cực lạc ở cõi vĩnh hằng, một cõi không thuộc chốn ta bà, địa ngục trần gian này, hoặc giả, nếu trên cõi trần ai này, thì đó là xã hội đại đồng.

Đó là chủ nghĩa xã hội không tưởng, viễn mơ, của Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, Thiên Chúa giáo, của Thomas Moore, Owen, Fourier, Saint Simon, trước Marx.

Ở Việt Nam, hầu hết những ai đã trải qua thời học trò trung học rồi đại học, kể cả tại Miền Nam trước 1975, đều ít nhiều biết chủ nghĩa xã hội là gì, tối thiểu cũng biết kinh tế hoạch định là gì và Karl Marx là ai.

Chủ nghĩa xã hội theo Marx được những người cộng sản thế kỉ trước quyết tâm khẳng định là chủ nghĩa xã hội khoa học, chứ không còn là không tưởng, viễn mơ nữa!

Đó là hình thái kinh tế xây dựng trên nền tảng công hữu về tư liệu sản xuất (ruộng đất, nhà máy, hầm mỏ, công cụ lao động) với phương thức sản xuất chủ yếu là xã hội chủ nghĩa – quốc doanh – ở cả ngành công nghiệp lẫn nông nghiệp, do các tập thể công nhân bầu ra các ban giám đốc, và phân phối sản phẩm (quy thành lương tiền) theo phương châm “làm theo lao động, hưởng theo phân phối” (xã hội chủ nghĩa), “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” (cộng sản chủ nghĩa); song song với chế độ sở hữu tập thể với hình thức sản xuất là hợp tác xã mà người lao động là xã viên. Dĩ nhiên, công hữu vẫn là chủ đạo.

Theo đó, một khi tất thảy ruộng đất, nhà máy, cửa hàng mậu dịch đều thuộc sở hữu nhà nước, sẽ không còn giai cấp nữa. Công hữu cũng là cơ sở để xây dựng nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa.

Đó cũng là hình thái văn hoá từng bước một đi đến chủ nghĩa vô thần (thế giới quan mệnh danh là khoa học).

Về lịch sử loài người, Karl Marx và các đệ tử của ông cho rằng, từ công xã nguyên thuỷ, loài người tiến đến các hình thái xã hội có giai cấp. Trước hết, là nông nô, rồi phong kiến và kế đó, tư bản. Từ đó, “nhảy vọt” sang chủ nghĩa xã hội, tiến lên chủ nghĩa cộng sản văn minh. Nói cách khác, trước xã hội tư bản chủ nghĩa đều là tư hữu (xã hội có giai cấp), và hữu thần là chính; sau chế độ tư bản chủ nghĩa, là công hữu (vô sản hoá toàn thể, để phi giai cấp) và vô thần.

Karl Marx cũng tiên đoán rằng, xã hội xã hội chủ nghĩa (giai đoạn sơ khởi của xã hội cộng sản chủ nghĩa) chỉ có thể hình thành một khi những nền kinh tế nhất định đã chín muồi về điều kiện vật chất, và trình độ văn hoá người lao động (chủ lực là công nhân đại công nghiệp) đã ở mức cao, giác ngộ sâu về lí luận chủ nghĩa xã hội khoa học. Đó là lúc phương thức sản xuất cũ phải bùng vỡ vì lực lượng sản xuất (tư liệu sản xuất, người lao động) đã phát triển cao hơn, mạnh hơn, đòi hỏi phải có một phương thức sản xuất mới, phù hợp. Như vậy, theo đó, chỉ có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã phát triển đến mức quá cao, mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa không thể kham nổi, đồng thời trình độ người lao động đã đủ sức quản lí, điều hành sản xuất, phân phối, tiêu thụ và tái sản xuất, cũng như lãnh đạo xã hội. Do đó, cuộc cách mạng vô sản (cách mạng xã hội chủ nghĩa) chỉ nổ ra như con gà con đã đến ngày phá vỡ cái vỏ trứng để chào đời. Quy luật là vậy. Và hẳn cũng êm đẹp mà thôi. Chú gà con chẳng gây đổ máu bằng chiến tranh, chẳng giết chóc, thanh trừng, thủ tiêu, chẳng lập trại cải tạo tập trung không cần xét xử…

Như thế là đẹp, chứ còn gì đẹp hơn thế nữa! (*)

Tuy nhiên, Karl Marx và cả F. Engels hầu như quên phắt bản chất con người nói chung là tư hữu, mà tiến bộ hơn, là vừa tư hữu vừa công hữu, biết phân định rạch ròi với nhau trên văn bản luật pháp, cái gì là thuộc về của công, cái gì thuộc về của riêng. Thậm chí, tư hữu còn là động lực cạnh tranh để thúc đẩy sự tiến bộ về khoa học – công nghệ, tư liệu sản xuất và cải tiến phương thức sản xuất, văn hoá xã hội… Nếu quả thực như thế, thì Karl Marx, Engels cũng là hai nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng như các tiền bối của họ.

Nhưng dẫu sao, Marx và Engels cũng chỉ là hai nhà lí thuyết. Lênin (Lénine) mới là người thực hiện cách mạng vô sản (cách mạng xã hội chủ nghĩa), 1917, bằng bạo lực chiến tranh, lật đổ, cướp chính quyền, và bằng bạo lực của chính quyền chuyên chính vô sản (cực quyền đảng trị…), áp đặt, bắt buộc toàn dân phải chấp nhận chủ nghĩa xã hội. Lénine còn phát triển thêm chủ nghĩa Marx – Engels bằng sự đề ra luận điểm: cách mạng vô sản có thể chưa nổ ra ở các nước tư bản phát triển, mà vẫn nổ ra ở các nước chưa phát triển chủ nghĩa tư bản, hay chỉ mới là chủ nghĩa tư bản sơ khai; và cũng có thể nổ ra ở các nước thuộc địa, nghèo nàn, lạc hậu. Thực chất, Lénine nóng vội, đốt giai đoạn và lợi dụng phong trào độc lập dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát-xít, để bành trướng đế quốc kiểu mới: đế quốc đỏ. Máu lửa, chết chóc, đàn áp, cưỡng bức là do Lénine và những người kế tục ông (Staline), tay sai của Liên Xô (Mao Trạch Đông…)… Nhân dân các nước phụ thuộc Nga Sô cũ và Đông Âu kéo đổ tượng Lénine là muốn chấm dứt chủ nghĩa xã hội và, hơn thế nữa, là xô ngã, đập tan đế quốc đỏ Nga Sô.

Ở Việt Nam, phong trào cộng sản, đặc biệt là trong giai đoạn Việt Minh, giải tán Đảng (1941-1945-1945-1949-1952), đã huy động được sức mạnh dân tộc, chống thực dân Pháp tái xâm lược; và thực chất là đã đánh thắng Pháp nhờ vũ khí, quân trang, quân dụng của Liên Xô, Trung Quốc (Trung Quốc được sự ủy nhiệm của Liên Xô, bành trướng xuống Đông Nam Á). Sự thể đó, tất yếu đã gây ra sự phân hóa dân tộc, tạo ra thế đối đầu giữa phe Quốc gia với phe Cộng sản, đồng thời tất yếu dẫn đến sự đối đầu với Mỹ, khiến đất nước rơi vào điểm nóng cuộc Chiến tranh lạnh (1945-1991) giữa hai khối.

Sau khi Liên Xô đỏ và Đông Âu đỏ sụp đổ (1989-1991), cũng như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba, Việt Nam chúng ta lại rơi vào bi hài kịch “bảo hoàng hơn vua”: Chúng ta vẫn đỏ trong khi hai nước gốc của phong trào cộng sản là Đức (Marx, Engels) và Nga (Lénine, Staline) không còn đỏ nữa!

Phải chăng chủ nghĩa xã hội là một món ăn “bị buộc ăn kèm”, như thể thuở nào chưa Đổi mới, muốn uống một li bia hơi trong cửa hàng mậu dịch quốc doanh ăn uống, bị bắt buộc phải mua thêm phiếu “ăn kèm” một món ăn nhạt nhẽo, cho dù đói bụng vẫn cứ phấn đấu mới nuốt nổi vài miếng? Thậm chí, có người phải lặng lẽ bỏ về vì phải “ăn kèm” thói cửa quyền do nạn độc quyền của mậu dịch viên quốc doanh!

Kháng chiến và chiến thắng thực dân Pháp (1954) đã tạo nên công lao to lớn của Đảng Lao động Việt Nam (thực chất là Đảng Cộng sản Việt Nam), và cả uy tín cho vai trò lãnh đạo đất nước, kể cả hiện nay (2015), nhưng việc cứ mãi giương cao ngọn cờ “bị ăn kèm”, khiến Việt Nam chúng ta “bảo hoàng hơn vua”, đỏ hơn vua đỏ, trở nên lố bịch vì mặc nhiên khinh Nga, các nước lệ thuộc Nga trong Liên Xô cũ, và Đức, cũng như các nước Đông Âu khác còn ngu dại hơn chúng ta. Và chẳng lẽ, kết án ai phản động, phải nói thêm cho đủ là phản động như Nga, như Đức hiện nay!

T.X.A

sáng 12-10 HB15 (2015)

_________________________

(1) Dĩ nhiên, tất cả các tôn giáo đều chống cộng. Tuy vậy, vẫn có ít nhiều tín đồ, đạo hữu cũng mong rằng, nếu dưới chế độ cộng sản chủ nghĩa vẫn tồn tại tôn giáo, các tôn giáo không ngừng vươn tới văn minh, tiến bộ, thì vô cùng tốt đẹp!

(2) Xem thêm: Trần Xuân An, “NGHĨ VỀ TRUNG QUỐC (TÀU NGỤY ĐỎ?)”, Facebook & các WebTXA.

.

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE