i. Trần Xuân An - Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Tệp 9 / tập I

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

07/01/09

           

 

TẬP I

 

 

Tệp 1

 

Tệp 2

 

Tệp 3

 

Tệp 4

 

Tệp 5

 

Tệp 6

 

Tệp 7

 

Tệp 8

 

Tệp 9

 

Tệp 10

 

Tệp 11

 

Tệp 12

 

Tệp 13

 

Tệp 14

 

Tệp 15

 

Tệp 16

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                               

  

Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

 

Trần Xuân An,

nội hậu duệ thế hệ thứ năm.

 

 

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

Xem:

Tạp chí điện tử Giao Điểm tháng 11-2005:          

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm

Blogger (Google) tháng 12-2005

http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/

   & các trang tiếp theo: … 2a … 2b … 2c …

 

 

 

TỆP 9

Phân đoạn 2

Truyện kí thứ năm

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

BANG BIỆN KHÂM PHÁI HUYỆN THÀNH HOÁ VÀ NHÀ NGOẠI GIAO CHỦ CHIẾN

 

Truyện kí thứ năm

(phân đoạn 2)

 

 

      4

      Tháng chạp cuối năm Tự Đức thứ mười chín, Bính dần (1866) ấy, bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường lại viết tập tâu kính đệ trình vào vua.

      Ngồi nhìn mưa ngoài trời lất phất bay, ông suy nghĩ, hình dung ra một con đường xuyên dãy Trường Sơn, từ Nghệ An vào đến Bình Định, để các tỉnh thông thương với nhau và giúp nhau chống giữ. Đó là kiến nghị then chốt nhất trong kế hoạch chiến để thủ. Nhưng ông phải đặt nó xuống vị trí thứ hai trong sáu đề nghị, để sự nới rộng kế hoạch lập đồn Ba Xuân không bị những kẻ lần chần, lừng khừng, chủ “hoà” gây khó khăn như những năm trước. Những điều này ông cũng đã có lần chuyện trò với quản đạo Quảng Trị Nguyễn [Quang] Quýnh hồi tháng chín vừa rồi ở Huế.

-         “Xin đem binh đội Thiên Thiện và binh đồ tù các tỉnh đạo, đều phát đến cơ Định Man; chọn người cai quản, cấp cho lương ăn để khai khẩn ruộng đất.

-         Xin ở Tây Sơn tỉnh Bình Định và Trấn Ninh tỉnh Nghệ An, mở con đường ở thượng du thông đến Cam Lộ, để [trong việc] chống giữ, [giúp đỡ] lẫn nhau.

-         Mộ thêm [lính cho] cơ Định Man; các quản suất, thưởng cho phẩm hàm; và gạo lương của lính mộ, xin theo lệ làm việc. Sau thành nền nếp, mỗi đội đặt làm một làng. Ruộâng vỡ hoang cho lấy một nửa làm thế nghiệp, [một] nửa sung làm ruộng công. Có người tình nguyện mộ dân làm nhà ở, khai khẩn, thì cấp: cho thực tiền mười (10) quan, cho vay ba mươi lăm (35) quan, [ra hạn trong] ba (3) năm phải nộp trả lại; mộ được dân nội tịch [trong tỉnh thì] cho được trừ [khỏi nộp trả], biên là chính mộ; [người mộ được dân] đều [được] chiểu lệ thưởng hàm. Và mua trâu giao người phu mộ chăn nuôi, để giúp việc cày cấy.

-         Quan kinh thu thuế hàng hóa của người Kinh, người Man ở trường mậu dịch, xin đình chỉ. Nhưng phái hai (2) người thanh liêm, công bằng lãnh tiền công, mua hàng hóa, cùng với người Kinh, người Man trao đổi, lấy lãi giúp vào chi phí. Và cho người Kinh lãnh trưng: thị trường chọn chỗ làm ra chỗ khác.

-         Xin đem hai (2) tổng An Lạc, Bái Ân thuộc huyện Do Linh, nửa tổng An Đôn thuộc huyện Đăng Xương và các phường ở thượng nguyên [mà dân vốn] từ nơi khác đến ở, [nay] đổi lệ thuộc vào huyện Thành Hoá. Lần lượt dời làm huyện nha.

-         Xin rút số lính cơ hai (2) phường Bảng Sơn, Mai Lộc lại về ngạch hộ lấy gỗ, chịu nộp thuế gỗ, nhưng đem giản binh hai (2) làng Cam Lộ, Châu Lạng cùng với dân có tên trong sổ đồn điền vào số lính cơ Định Man còn thiếu” (38).

      Bang biện Nguyễn Văn Tường thấy rằng phải thực sự mở rộng Thành Hoá, rộng về phạm vi địa bàn, đồng thời tăng cường số dân, lấy từ đất và dân của các huyện lân cận. Dân, phải chiêu mộ thêm ở các tỉnh, và đặc biệt ưu tiên cho dân nội tỉnh ở miền xuôi. Phải lấy thêm lính được tuyển mộ, tư cách đạo đức và sức khoẻ tốt, kể cả tù phạm vốn là lính (vi phạm kỉ luật quân đội). Tất cả rồi sẽ thành dân của các làng mới lập, tên những làng ấy sẽ bắt đầu bằng chữ Tân, như  Tân Thành, Tân Long, Tân Lập, Tân Hiệp, Tân Hợp (35)… Phải ưu đãi người Thượng, ngay cả người Kinh, về thuế khoá, nghĩa là không thu thuế ở họ, mà quan viên phải tự làm thương nghiệp, thu lãi bù chi. Phải di dời chợ búa, do người Kinh nhận thầu. Cũng dần dần di dời huyện lị vì địa bàn đã rộng hơn, và phải chọn vị trí có tính chiến thuật, chiến lược hơn. Ngoài ra, quan trọng nhất là phải tạo điều kiện cho dân mới đến có tiền bạc, cơm gạo sinh sống, có trâu bò để cày cấy, và ruộng khai khẩn sẽ thành một nửa ruộng công, một nửa ruộng tư (ruộng tư nối đời thừa kế, gọi là ruộng thế nghiệp), đồng thời phải chuyển đổi lính trong phiên chế để khai thác gỗ nhưng vẫn bảo đảm đủ lính trong Cơ Định biên, sẵn sàng chiến đấu… Như vậy, dân sẽ hưởng ứng, đồng thời lính sẽ gần như “ngụ binh ư nông, ngụ binh ư lâm” (gửi lính ở nông thôn, ở rừng, vừa làm ruộng, làm sơn tràng, vừa làm lính).

      Huyện Thành Hoá, gồm Cam Lộ, Hướng Hoá, Đắc Krông, sẽ thành căn cứ kháng chiến trung ương, có con đường thượng đạo xuyên Trường Sơn, nối hữu kì với tả kì và với cả nước!

      Mặc dù Tết nguyên đán sắp đến, người người đang lo đón Tết, bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường vẫn đệ gửi tập sớ qua đường binh trạm, dịch lộ vào kinh đô Huế. Ông mỉm cười hình dung vua Tự Đức sẽ duyệt phê vào đêm giao thừa, khoảnh khắc chào xuân mới.

 

      5

      Tết Nguyên đán vừa qua đem đến cho bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường một niềm vui lớn, có thể nói là rất lớn: Vua Tự Đức đã chuẩn y bản sớ cuối tháng chạp trong năm. Nhưng tiếc thay, quản đạo Quảng Trị Nguyễn [Quang] Quýnh, người trước đây là thuộc cấp của ông, đồng chí của ông, không hiểu thế nào lại theo một chiếc thuyền buôn xuôi ra cửa Việt An (Việt Yên), vào Quảng Nam, về lại quê nhà ở làng Bàn Thạch, huyện Duy Xuyên, trong khi không hề được phép của nhà vua. Ông cảm thấy mình thiếu mất một đồng chí đắc lực trong việc thực hiện kế hoạch thủ và chiến. Niềm vui lớn ấy đã phải vơi đi khi hay tin Nguyễn Quýnh như vậy. Lại nghe đâu giặc biển dám táo bạo, liều lĩnh vào đóng ở địa phận Quảng Trị, liên tiếp quấy nhiễu nhiều làng thôn, lại tiến vào toan cướp phá cả ở các cửa biển Chu Mãi, Tư Hiền, Cảnh Dương thuộc Thừa Thiên (39)! Bọn hải tặc, thuỷ khấu này vốn là lũ người Tàu lấy sông, lấy biển làm nhà, câu kết với lũ bất hảo ở Bắc Kì, trang bị gươm súng đầy đủ, chuyên sống bằng nghề cướp. Tháng giêng hai còn mưa rét, biển vắng thuyền buồm, chúng mới dám táo bạo, liều lĩnh đổ bộ, cướp phá. Cũng may thay, làng An Cư của ông, tuy cũng gần biển, lại thoát khỏi những trận cướp phá của chúng.

      Giữa tháng hai, trong khi đang nỗ lực sắp xếp nơi ăn chốn ở, điều khiển đám tù nhân đầu mục mới được chuyển từ Cao Bằng vào, cùng với đoàn người Minh Hương từ các vùng ven phủ đạo đến, để bước đầu bắt tay vào việc khai hoang giữ đất, bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường lại được tin chính thức về Nguyễn Quýnh. Viên quản đạo này có tâm huyết, có trí lực nhưng hầu như luôn gặp những rủi ro. Hoá ra, không phải Nguyễn Quýnh tự động trốn về thăm quê trong dịp Tết, mà chính bọn “giặc mặt nước”, bọn hải tặc, thuỷ khấu đó đã bắt cóc ông (40)! Nói cho đúng, chúng đã dụ được lính tráng của ông bằng tiệc rượu, có kĩ nữ, đào nương giả dạng con nhà gia giáo, ngay trong nhà một phú hộ quen biết ở huyện lị Đăng Xương. Trước đó, chúng uy hiếp, bắt con trai người phú hộ làm con tin để buộc phú hộ ấy tổ chức thết tiệc, nhận các kĩ nữ, đào nương của chúng làm bà con ruột thịt từ Bắc vào. Đám lính hầu cận của ông, đứng canh gác và ngồi ăn uống ở bên ngoài gian nhà chính, hầu như đều bị chuốc rượu đến say khướt. Nguyễn Quýnh và dăm người cận vệ vẫn tỉnh táo, nghiêm túc, đàng hoàng, rượu chỉ nhấp môi, không ngờ lính bên ngoài lại thế. Do đó, không thể kháng cự lại bọn giặc biển, giặc sông. Chúng trói lại, nhốt viên quản đạo và mươi viên lính trong chồ gỗ vốn đựng đầy thóc, thóc đã bị chúng khuân sạch xuống thuyền. Cũng còn may cho Nguyễn Quýnh, trong những gã đầu sỏ của bọn “giặc mặt nước” ấy, có tên vốn trước đây là thảo khấu lục lâm ở biên giới Cao Bằng, đã được án sát sứ Nguyễn Quýnh giảm án, trả về nước Thanh (41). Y nhận ra quan án sát Cao Bằng Nguyễn Quýnh ngày nào, nay là quản đạo Quảng Trị. Y cũng biết thế nào là ân oán giang hồ, ân đền, oán trả, theo kiểu quan niệm của những kẻ sống ngoài pháp luật. Nhờ y, Nguyễn Quýnh và đám lính được sống sót, sau khi quân binh triều đình do chưởng vệ Nguyễn Hữu Lạc chỉ huy, với thuyền bọc đồng Chuẩn Kích và các loại thuyền tuần canh khác phối hợp với đề đốc Nguyễn Cửu Lễ, đánh tan bọn hải tặc, thuỷ khấu ấy (39).

      Nghị xử đã thành án: Quản đạo Nguyễn Quýnh lần này vĩnh viễn bị cách chức (42), suýt bị tước cả học vị cử nhân và quan tịch. Chưởng vệ hữu thuỷ quân Nguyễn Thảo chậm thi hành lệnh hành quân, cũng bị bắt giam, giáng bốn cấp (39).

      Tin ấy về Nguyễn Quýnh, người bạn vong niên và đồng chí của ông, khiến Nguyễn Văn Tường đau đớn. Ông rất tiếc cho Nguyễn Quýnh và cho kế hoạch thủ để chiến đã được chuẩn y và đang tiến hành!

      Nguyễn Văn Tường lại được biết, Đinh Văn Khoa (43) đã được bổ làm quản đạo thay Nguyễn Quýnh. Trước đây, hồi năm Giáp tí (1864), Đinh Văn Khoa đã một lần ở chức trách này (43)!

 

      6

      Cuối tháng hai năm Tự Đức thứ hai mươi, Đinh mão (1867), cả địa bàn Thành Hoá trở thành một công trường rộng lớn. Ngoài việc khẩn trương đốc thúc các tù phạm vốn là đầu mục Cao Bằng bị bắt, các người Minh Hương khai khẩn, còn phải đóng mốc ranh giới địa chính mở rộng, đón tiếp các binh lính vi phạm quân kỉ, quân luật từ các tỉnh đến, lại làm lán trại, đồn bảo cho số lượng lính mới được tuyển mộ vào cơ Định biên và một số công việc kèm theo như tăng, cấp lương tiền, miễn thuế khoá, làm chợ mới… Vấn đề đặt ra vẫn là lực lượng lao động trong việc khai khẩn, đắp thành dựng luỹ, để rồi phiên chế lực lượng ấy thành từng làng định cư, những làng mà cư dân hoàn toàn là lính chiến, tư cách đạo đức và sức khoẻ tốt. Đây là lực lượng cơ bản. Ngoài ra, còn có thể nói, sức lao động khổ sai của những can phạm tội đồ, tội lưu trong quân đội cộng với sức lao động cũng khổ sai như thế của đám tù Cao Bằng là rất có hiệu quả. Họ vốn có sức bền chịu đựng khí núi độc, nguồn nước độc dễ gây sốt rét. Nhưng trong thực tế, với các dự án đã được duyệt và chuẩn y, Thành Hoá vẫn cần thêm sức người. Lấy đâu ra sức người mà không gây phiền nhiễu mất lòng dân, tốn kém ngân quỹ của triều đình?

      Đang lúc muốn tận dụng mọi lực lượng có thể điều động mà ít hoặc không phiền nhiễu dân và tốn kém ngân sách triều đình ấy, bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường bỗng nhận được đơn của dân theo đạo Gia Tô qua tri huyện Nguyễn Duy Tự. Đơn này do quản đạo Đinh Văn Khoa chuyển vào lại sau khi quản đạo duyệt xong. Vì theo lệ, dân phải đệ đơn đúng cấp, từ huyện lên đạo, rồi đạo mới đệ vào kinh, nhưng công trình Nguyễn Văn Tường đang phụ trách lại thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của vua Tự Đức và của Bộ Binh do Nguyễn Tri Phương quản lãnh. Đây là công trình của triều đình trên địa bàn huyện, đạo. Do đó, tri huyện và quản đạo nhận đơn của dân phải chuyển qua khâm phái Nguyễn Văn Tường để ông trực tiếp tâu lên vua với ấn “khâm phái quan phòng”. Ông cầm tờ đơn tình nguyện của dân đạo, trước đây bị gọi là “dân tả đạo”, “dữu dân”. Họ tình nguyện được chiêu mộ dân lên Thành Hoá vỡ đất hoang làm ruộng.

      Đang cần nhiều bàn tay cầm rìu đốn cây, cầm đao phạt cỏ tranh, cầm cuốc vỡ đất, cầm cày cày ruộng, nhận được lá đơn tình nguyện này của dân đạo, bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường rất mừng rỡ nhưng cũng rất âu lo và phân vân. Đành rằng lệnh phân tháp (chia ghép), khắc xăm đánh dấu “tả đạo” đã được triều đình bãi bỏ, nhưng trong thực tế vấn đề lương – đạo vẫn chưa bao giờ dứt điểm, dân lương với dân đạo chưa khỏi khích bác nhau. Triều đình vẫn ngầm xem dân đạo là một nguy cơ nội phản đáng sợ nhất!

      Ông vẫn nghĩ theo cách Nguyễn Trãi mà thám hoa Nguyễn Đức Đạt cho rằng Nguyễn Trãi muốn nói gì chả được! Nguyễn Đức Đạt kể ra cũng “lập dị”, như có người nhận xét! Ông ta dám bảo Nguyễn Trãi mượn oai Lê Lợi sau khi đánh thắng giặc Minh (Trung Quốc), nên viết Bình Ngô đại cáo thế nào chả được, nói gì cũng chả ai dám chê (44)! Nhưng “nói thế nào chả được” là cái gì kia, chứ toàn bộ nội dung Bình Ngô đại cáo, trong đó có nhân nghĩa này vẫn rất thật!

“Lấy chính nghĩa mà thắng hung tàn

Đem chí nhân mà thay cường bạo”

      Đó là sách lược đồng thời cũng là chiến lược tâm công, chinh phục trái tim và bộ óc của kẻ thù và của nhân dân. Nhân là thương yêu, quý trọng dân, con người nói chung, có khi phải “mở lượng hiếu sinh”, phải biết tha thứ, kể cả tha thứ cho bọn giặc đã thật sự thức ngộ. Nghĩa là lẽ phải, cái đúng nên làm. Nhân nghĩa là phương cách và cũng là mục tiêu cuối cùng. Trong lịch sử, chưa có cái gì, triều đại nào gian ác, hung tàn một cách phi nhân nghĩa mà tồn tại lâu. Nhân nghĩa là nền tảng của mọi bền vững.

      Bang biện Nguyễn Văn Tường đắn đo, suy nghĩ:

      “Nay mai việc lương – đạo ở các tỉnh khá yên, chỉ còn lại vài tên côn đồ thì […] tuỳ cơ tiễu trừ, phủ dụ, ít lâu sẽ xong. Duy thần trộm nghĩ, muốn việc về sau tốt đẹp thì nên xem chuyện lương – đạo là rất quan trọng. Kẻ gánh vác phải có nhiều cách thể hiểu dụ, dạy bảo khiến cho người ta trông cậy ở mình mà không sợ hãi, tin mình mà không nghi, mới có thể cùng quay về điều tốt đẹp” (châu bản, 05.12 Quý dậu, 1873) (45).

      Nhưng điều suy nghĩ, đắn đo đó thật khó thực hiện biết bao. Trong thực tế hiện nay bọn “tả đạo” vẫn đang hoành hành! Dẫu sao cũng không thể dồn một bộ phận người lầm lạc vào chân tường, đặt họ trước miệng vực thẳm. Hãy tạo cho họ một cơ hội trở lại với văn hoá dân tộc, tôn thờ những anh hùng Trưng nữ vương, Triệu nữ vương, Mai hắc đế, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lí Thường Kiệt, Lê Lợi… với mái đình, và cả tiếng chuông chùa siêu thoát, cảnh tỉnh rất Việt, nếu họ cần thiên đường (niết bàn), địa ngục… Đừng phân biệt đối xử với họ, hãy trọng dụng họ, họ mới nghe ra sự thật và giác ngộ được chân lí. Đây không phải là những gì lần đầu tiên ông suy nghĩ, đắn đo. Mười năm trước, ông đã nghĩ thế, bây giờ ông cũng nghĩ thế, và hẳn mười năm sau ông lại vẫn nghĩ thế chăng.

      Ông viết tập tâu trực tiếp đệ trình lên đức vua Tự Đức:

      “Dân theo đạo tình nguyện xin [chiêu] mộ dân vỡ ruộng. Nên cho [họ chiêu] mộ những dân còn [ẩn] lậu, chưa có tên ở sổ đinh. [Và, sắp xếp] cho [họ] ở gần dân lương để khai khẩn. [Như thế,] một là để biết rõ số dân đi đạo, hai là để [mở] rộng dân cư. [Thiết] tưởng vậy cũng hơi tiện [lợi]” (46).

      Cuối tháng hai, năm Tự Đức thứ hai mươi, Đinh mão (1867).

      Đúng như vậy, nào phải họ làm quan quyền gì. Hãy để cho họ được làm người dân lương thiện, nếu họ muốn. Trên tất cả, ông hiểu họ là người Việt, làm sao không “máu đổ ruột mềm”! Vả lại, đâu phải ông không nhận thức ra Thành Hoá (Cam Lộ, Hướng Hoá, Đắc Krông) là địa phận xung yếu! Ông nhận thức bằng cả mười năm trời lăn lộn, sống chết ở chốn này chứ không chỉ lướt mắt trên bản đồ! Ông đã có biện pháp cảnh giác, sắp xếp cho họ ở gần dân lương! Ông cũng cần qua đó để nắm vững số dân theo đạo Gia Tô đang rơi vào cảnh bị thực dân lợi dụng!

      Bang biện Nguyễn Văn Tường cẩn trọng đóng ấn “khâm phái quan phòng” vào tập tâu, lấy ống tre sơn đỏ, bỏ vào, đậy nắp, buộc kĩ bằng dây đay bện săn chắc. Ông đóng ấn “khâm phái” lên tờ giấy rời, chờ ráo mực, ông lại dán hồ niêm phong ống công văn.         

      Lát sau, quan bang biện gọi người lính hầu cận thường xuyên túc trực, giao cho anh ta đưa ống công văn cho toán lính quân bưu thuộc đường binh trạm, dịch lộ tối mật và tối khẩn. Ngồi trong doanh trại, ông vẫn nghe tiếng vó ngựa của đội kị mã phóng nhanh, xa dần.

      Mấy hôm sau, ông nhận được ống công văn từ Huế chuyển ra.

      Rất tiếc, lần này tập bản sớ của bang biện Nguyễn Văn Tường không được vua Tự Đức và Cơ mật viện nhất trí. Viện Cơ mật có ý kiến:

      “Đạo Cam Lộ là nơi địa đầu quan yếu, bắt đầu tụ tập, mở mang. [Vì vậy, về] chính [sự] nên cẩn thận trước, để phòng bị từ lúc [mầm mống] còn nhỏ. [Do đó] nên thôi đi, ngõ hầu khỏi lo ngại về sau” (46).

      Và vua nghe theo lời bàn ấy.

      Đành là như vậy, nhưng lấy đâu ra sức người để tiếp tục thi hành kế hoạch thủ và chiến đang được chuẩn y?

      Một hôm cuối tháng hai nguyệt lịch, khi vừa nhận công văn phúc đáp đó, quản đạo Đinh Văn Khoa cũng nghe chuyện, liền viết tập sớ đệ trình vào kinh với nội dung xin chiêu phủ ba châu Ba Lan, Tầm Bồn, Mang Bổng (47)! Đó là ý kiến riêng của Đinh Văn Khoa, chưa một lời bàn bạc với khâm phái Nguyễn Văn Tường. Quản đạo Quảng Trị này những tưởng như thế là đưa được họ vào “cõi giáo hoá của triều đình”, tìm thêm lực lượng lao động cho huyện và cho công trình Nguyễn Văn Tường phụ trách! Thiện ý đó rất tốt, nhưng Đinh Văn Khoa quên mất thực tế tranh chấp hồi năm ngoái, lúc Nguyễn Quýnh còn chưa bị cách chức, giữa ba châu “hoang sơn nhân” (người miền núi hoang sơ) này với châu “thục sơn nhân” (người miền núi nhân ái) Ba Ngạn!

      Bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường nhận được sắc dụ của vua phải xem xét vấn đề để làm việc. Sắc dụ sao lục viết rõ:

      “Ba châu ấy đã giả cho người Lào. [Nay ta] chiêu phủ chưa chắc có ích gì, mà mất sự hoà hiếu với nước Xiêm, lại gây thù hằn ở biên giới” (47).

      Bang biện Nguyễn Văn Tường trước đây đã tâu bày rất cặn kẽ vụ tranh chấp giữa “hoang man” với “thục man” hồi tháng chạp năm ngoái. Rất nhiều việc, nhưng vua Tự Đức vẫn rất quan tâm, nhớ kĩ về Thành Hoá! Nguyễn Văn Tường cũng phải chịu là nhà vua nhận định đúng. Ông cũng xin tạm để im.

      Năm ngoái, sắp Tết, ông phân giải giữa ba châu ngoài với một châu trong cõi giáo hoá của triều đình, cũng chỉ mong lấy tình tự nhân tộc nghìn đời của Bru Vân Kiều, Tà Ôi, Cơ Tu vốn cùng một gốc để dần dần thuyết phục họ giữ yên biên giới chung, có trách nhiệm chung về biên giới chung ấy. Nhưng cũng chỉ đến thế. Trên ba châu Ba Lan, Tầm Bồn, Mang Bổng còn có vương triều Lào, mà bên cạnh ngai vàng của Lào còn có đại thần Xiêm giám sát (23), và bên cạnh ngai vàng Xiêm còn có mươi tên Anh, Pháp, Mỹ, Bồ, Hà Lan, Đan Mạch, Đức (23)… cùng kềm kẹp vua Xiêm và toan chực xâu xé nhau! Thật không nên đụng vào đó, tạo ra cớ cho chúng gầm gừ, giơ nanh xoè vuốt!

      Tuy vậy, khó khăn đến mấy về nhân lực cũng phải thực hiện cho bằng được kế hoạch thủ để chiến. Bang biện Nguyễn Văn Tường nghĩ thế.

 

      8

      Nguyễn Văn Tường có sắc dụ về kinh để bàn việc. Cũng như mấy lần trước, hồi còn làm phủ doãn kinh sư,  lần này ông lại được vào điện Cần Chính yết kiến vua Tự Đức. Nhà vua hỏi thăm thật cụ thể công việc ở huyện Thành Hoá. Nguyễn Văn Tường trình bày hết những khó khăn, những thuận lợi ở ngoài ấy, và cũng tâu xin quyết tâm thực hiện thật trọn vẹn kế hoạch mở thượng đạo từ Tây Sơn tỉnh Bình Định đến Nghệ An, xây dựng ở Thành Hoá những làng gia binh, “ngụ binh ư nông, ngụ binh ư lâm” với chủ trương ruộng công, ruộng thế nghiệp, cùng việc di dời chợ, huyện nha, giảm bỏ thuế cho dân… Những điều ông đã kính kiến nghị ở các tập tâu đều được trình bày bằng lời nói một cách cặn kẽ. Vua Tự Đức tỏ vẻ phấn chấn về việc này, nhưng lại thở dài buồn bã, nghẹn ngào giọng nói khi nhắc đến Nam Kì.

      Sau buổi yết kiến có sự hiện diện của các đại thần Cơ mật viện, ông được Vũ Trọng Bình mời về tư dinh ở Bộ Lại.

      Thượng thư Bộ Lại Vũ Trọng Bình trước đây làm phủ doãn Thừa Thiên kiêm nhiếp đạo Quảng Trị, hồi Quảng Trị mới đổi tỉnh thành đạo. Lúc ấy, Nguyễn Văn Tường mới được bổ làm tri huyện Thành Hoá. Do đó, họ đã có dịp biết nhau qua công tác. Vũ Trọng Bình đỗ cử nhân năm Giáp ngọ (1834), Minh Mạng thứ mười lăm. Từ lúc bắt đầu tham chính đến nay, vị quan người xã Mỹ Lộc, huyện Phong Đăng (thuộc phủ Quảng Ninh), Quảng Bình này nổi tiếng là bộc trực và thanh liêm (48).

      Sau bữa cơm trưa, thượng thư họ Vũ kể nhỏ cho bang biện khâm phái huyện vụ Nguyễn Văn Tường về những diễn biến ở Nam Kì mà lúc ban sáng, vua Tự Đức khi nhắc đến không khỏi thở dài, ứa nước mắt.

      Nguyên phủ doãn kinh sư Nguyễn Văn Tường mới bị cách chức, ra Thành Hoá chưa đầy hai năm, nên ông cũng đã trực tiếp chứng kiến những sứ đoàn Pháp đến Huế với mục đích về lục tỉnh Nam Kì, từ sau khi Aubaret đến bàn “tục ước (1864) rất quan ngại”. Thượng thư Vũ Trọng Bình nhấn mạnh những gì xảy ra từ khi ông về triều nắm giữ Bộ Lại, sau vụ biến Đoàn Trưng, khiến Nguyễn Văn Tường nghĩ ngợi nhiều.

      Không phải một lần, mà rất nhiều lần, thực dân Pháp bằng mọi cách cố chiếm nốt ba tỉnh Miền tây Nam Kì. Chúng đã năm lần, bảy lượt cho sứ giả của chúng đến kinh đô Huế để thuyết phục, đi đôi với việc vin cớ nghĩa binh còn nổi dậy ở ba tỉnh Miền đông, căn cứ nghĩa binh lại đặt ở Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, để làm sức ép buộc triều đình phải bắt nộp nghĩa binh cho chúng, giao hẳn cho chúng ba tỉnh ấy. Hết Pari (Sơ Ba Lê) đến Huế, lại Vial đến Huế (49)… Từ trước tháng bảy năm Tự Đức thứ mười tám, Ất sửu (1865), tên nô bộc ngoại bang rất khá về thơ Nôm, trổ nghề ngụy biện cho ý thức và hành trạng làm tay sai của chính y là Tôn Thọ Tường, cũng nói hùa thêm thay bọn chủ thực dân của y, với giọng điệu khoe khoang được làm tay sai một cách vô liêm sỉ: “Nếu số bạc Tây dương [(dollar) triều đình Đại Nam buộc phải] bồi thường còn thiếu, thì trích lấy ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên để khấu trừ vào số [tiền] bồi thường [ấy]” (50)!

      Tháng chín nguyệt lịch, năm ngoái, Bính dần (1866), thân phiên và đình thần cũng nhận định: “Thế của ta tính chưa thể đánh nhau với chúng được” (51). Cùng bàn luận vào dịp đó, Cơ mật viện gồm Nguyễn Tri Phương, Vũ Trọng Bình, Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ cũng mật tâu: “Tướng nước Pháp hoặc uỷ điều ước [mới], bức lấy ba tỉnh [Miền tây Nam Kì], thì đối với ta đã là vô tình, tưởng cũng không thể trách bằng giấy tờ [mà] được. [Việc chúng bức chiếm] chỉ khiến ba tỉnh ấy một lòng chống giữ, hoặc sinh việc ngại khác. Xin tư cho quan kinh lược không đánh nhau với quân Pháp, [mà] tự phải rút lui. [Khi] việc đã rõ ràng, thì lấy ngay việc ấy cũng đủ làm cớ để nói. Nếu người Pháp bức lấy tỉnh Vĩnh Long, thì còn hai tỉnh An Giang, Hà Tiên, có thể dời đóng, hoặc bị người Pháp bức lấy tất cả, thì tất phải chuyển về Bình Thuận để đợi lệnh triều đình. Đến khi ấy sĩ dân sáu tỉnh tức giận lũ lượt nổi lên, bấy giờ ta sẽ tuỳ cơ định liệu. Lũ tôi nghĩ đi nghĩ lại, sự thế đến thế, tưởng phải nên như thế” (52). Vua Tự Đức nghĩ về Phan Thanh Giản, người đang làm kinh lược sứ trong ấy: “Lúc kinh lược sứ họ Phan vào từ tạ xin đi, trẫm đinh ninh uỷ thác, phải hết sức đợi cơ hội, theo tình thế, mưu lấy lại ba tỉnh [Miền tây Nam Kì]. Viên ấy cũng xin đảm đương để bù lỗi trước. [Thế mà] từ khi đến Nam Kì đến nay, thăm thẳm không được việc gì, lại hầu thua thiệt. Nhiều người nói rằng người Pháp tin trọng viên ấy lắm, chắc hắn biết luồn lọt chờ cơ hội một lời nói hơn vạn quân” (53). Trong thư gửi Phan Thanh Giản vào tháng hai Đinh mão (1867) mới đây, vua Tự Đức lại thống thiết: “Trẫm ngày ngày mong tin ngươi thu lại ba tỉnh [Miền tây Nam Kì] ấy, báo cho trẫm. [Lấy lại được] thì ngươi giả sử có chết cũng nhắm được mắt, trẫm [có chết] cũng yên tâm. Không thế thì [trẫm] cùng [với] ngươi cùng mang tội đến muôn đời, không bao giờ chuộc được. [Khi chết xuống] hồn vía không tan cũng làm hùng kiệt loài quỷ để mong báo [thù] mới hả. Nói đến đau lòng không thể viết được nữa. Tuy cách xa muôn nghìn dặm, [trẫm] như nói trước mặt ngươi. [Thế mà] ngươi còn không tin [lòng trẫm], tự để lụy hay sao? Từ sau có trông thấy, nghe tiếng [về việc gì] và trù tính việc gì đều tâu vào [tập tâu] cả, chớ lại [toàn quyền định đoạt] như trước” (54).

      Khi đã về đến nhà ở cửa Chính Đông (Đông Ba), bang biện Nguyễn Văn Tường vẫn không thể quên được những lời ông và quản đạo Nguyễn Quýnh đã nói với nhau về mâu thuẫn gay gắt giữa phe chủ “hoà” Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ và phe chủ chiến, thủ để chiến, của Nguyễn Tri Phương, Vũ Trọng Bình.

      - Quan khâm phái chắc đã rõ từ lâu, thượng thư Nguyễn Tri Phương và mình không thể không tranh cãi với Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ khi ngồi bàn việc cơ mật. Thật ra, đây là việc cơ mật, nhưng không nói với quan khâm phái ở đây thì nói với ai! Mình cũng đã phải xin từ chức ở Viện Cơ mật. Thượng thư họ Nguyễn có lần thưa với đức vua, hồi tháng tư vừa rồi: “Gián hoặc có ý kiến khác nhau, đến khi bàn luận, [cũng chỉ như thế chứ] không có lòng nào khác. Kể thì hai chữ “bè đảng”, ở đời thái bình cũng không phải là việc tốt, huống chi lúc nhiều việc này. Trên thì hoàng thượng sớm khuya chăm chỉ, [mà ở dưới] lũ tôi giúp nước không chu đáo, lại có hình tích [mất đoàn kết, không hay] như thế, tôi lấy làm sợ” (55). Vua bảo: “Người quân tử hoà thuận mà không giống nhau, không phải đều giống nhau mới gọi là hoà. Ngày xưa các bậc quân tử như Hàn Kỳ và Phạm Trọng Yêm, khi lên điện tranh luận cùng nhau, khi xuống điện không mất hoà khí […]. Vả lại từ khi hoà nghị thành, sĩ phu bên ngoài có nhiều lời bàn khác, trẫm rất lấy làm lo […]. Nay đương lúc có việc, các quan đều nên cùng lòng giúp nước, ngõ hầu vô sự. Còn những câu nói bè đảng lợi thế, cẩn thận không nên để lộ ra miệng để sinh hiềm khích” (56). – Thượng thư Vũ Trọng Bình thở dài –. Mình cũng chẳng biết nói sao khi Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ, nhất là Trần Tiễn Thành, rất được nhà vua nghe theo. Vua hỏi mình, mình cũng phải nói: “Tôi cùng Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ vốn không có lòng nào. Tôi vì ít học, nói năng thô lỗ, táo bạo, lại ở ngoài lâu ngày, phóng khoáng sơ suất rất nhiều, hiểu ra vô cùng sợ hãi” (57). Mình và Nguyễn Tri Phương phải chịu lép vế! Phải nói thế là vì phép khiêm cung của kẻ sĩ, nhưng đâu phải thế! Dịp đó, vua ban cho bốn đại thần Viện Cơ mật bốn quả vải và ban cả cho đình thần với ý tượng trưng, chia ngọt sẻ bùi (57)! Lúc mình không thể chịu được nữa, xin từ chức, vua bảo: “Người ta không phải là Nghiêu Thuấn, ai [mà] hay [, mà tốt] hết được. Trẫm có lỗi, các quan sửa chữa; các quan có lỗi, trẫm cũng tuỳ việc răn bảo. [Ấy] là mong cho [vua và kẻ bề tôi] đổi lỗi được hay [, được tốt] để thành hoàn toàn. Nếu lấy một việc, hay một câu nói, làm chẳng vừa lòng, là còn có ý không thích, hầu mong [vua và tôi] đổi lỗi được sao? Thế thì lòng không thẳng thắn lắm, rất không muốn nghe. Nay đương lúc nhiều việc, [trẫm] cần tìm người hiền. Phàm được chọn dùng, đều là người trẫm biết, [trẫm] đối đãi như nhau, điều hay thì khuyên, điều không hay thì răn. [Như vậy là] muốn cho [tất cả] cùng lòng, hợp sức cùng giúp việc lúc khó khăn, để thu lại ba tỉnh [Miền tây Nam Kì], [đồng thời cùng nhau] chia làm mọi việc [khác] mà thôi. Các ngươi nên một lòng cùng giúp, không nên chia rẽ người này [với] người khác mới được. Nếu vẫn hết sức khư khư chối nhường [từ chức, nhường chức cho người khác], hãy còn hình tích [mất đoàn kết, không hay], thì việc nước và đạo làm tôi ra sao?” (58). Sự thể là như thế đó. Mình không nói nhiều và bình luận thêm làm chi. Sự thật là thượng thư Nguyễn Tri Phương với Vũ Trọng Bình này không thể làm việc với Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ được! Khổ một điều là Trần Tiễn Thành ấy lấy lòng vua rất giỏi. Phạm Phú Thứ có hơi thẳng thắn lúc trước, chứ bây giờ cũng “dẻo” lắm!

      - Vâng, vẫn biết sự thể là thế. Nhưng lúc này khuynh hướng chủ “hoà” đang thắng thế, người tâm huyết biết lo phòng thủ để chiến đấu chống giặc đành phải khổ tâm! – Bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường nói –. Dám nghĩ, chúng ta không nên nhường chức, từ chức, để kẻ chủ “hoà” tranh hết chỗ ở Viện Cơ mật, rồi chúng lũng đoạn được, khuynh loát được triều đình, mà nên chăng chúng ta vẫn kiên trì cương, nhưng cương trong nhu?

      - Thật không đơn giản! Hi vọng ở quan khâm phái bang biện đây! – Vũ Trọng Bình lắc đầu –. Thượng thư Trương Đăng Quế hồi còn sinh thời cũng nhiều lần xin từ chức! Cụ ấy từng viết nhiều bản sớ, trong một bản có câu: “Còn như tình chó ngựa đền ơn, sẽ đợi đến kiếp sau” (60). Thân chó ngựa xin đền đáp kiếp sau, chứ kiếp này, trước tình hình bọn Pháp “đánh đâu được đó” như thế, bọn chủ “hoà” tất nhiên phải thắng thế ở các cuộc triều nghị! Nhưng đúng là “cương trong nhu” hiện thời là thượng sách!

Một lát, thượng thư họ Vũ nói:

      - Rứa chứ quan khâm phái đã biết, lúc này, vừa mới thảo phạt giặc biển ngoài Quảng Trị xong, lại nghe tin bọn giặc Nguyễn Đình Tạo ở Quảng Yên ngoài Bắc. Bọn phỉ Bắc sau khi bị ta đánh tan, chạy vào Gia Định, cùng thông ngôn Trần Đình Doãn sang Hương Cảng (Hồng Kông), yết kiến minh chủ Lê Duy Định, mưu lập hậu duệ nhà Lê, toan quấy nhiễu nữa (61). Tên Lê Duy Định cho người về nước quyên tiền, chiêu mộ giám mục, linh mục “tả đạo”, chính chúng cũng giả dạng đi giảng đạo Gia Tô, lại liên kết với bọn giặc nước Thanh! Nhà vua phải vin “hoà” ước Nhâm tuất (1862), nhờ tướng Pháp bắt chúng giúp (62)! Thật là kế đường cùng, nhờ giặc ngoại xâm bắt giặc nội phản! Như thế là phải nhân nhượng chúng nữa!

      - Sao bọn Nguyễn Đình Tạo ở Quảng Yên chưa sáng mắt trước bọn Pierre Tạ Duy Phụng nhỉ? Và còn đủ loại giặc Cờ ngoài biên giới Bắc Kì, chúng đang quá lộng hành! – Bang biện họ Nguyễn cũng phải nén tiếng nguyền rủa –.

      Ở lại Huế chỉ một đêm, với những trăn trở, suy nghĩ, sáng hôm sau, Nguyễn Văn Tường cùng những người lính hầu cận phóng ngựa ra lại Thành Hoá. Trên đường thiên lí, trong tiếng vó ngựa soải mạnh, ông tự nhủ, dẫu sao đi nữa cũng phải “thủ để chiến”, “cương trong nhu”, bởi không còn cách nào khác!

 

Hết phân đoạn 2 truyện kí thứ năm (còn tiếp)

                                 

                         Viết đến dòng chữ này lúc 17 giờ 14 phút,

Ngày 16.09.2002 (10.08 Nh. ngọ, HB.2).

Chú thích xong vào lúc 17 giờ 02 phút, 20.9.2002

(Tiết Trung thu, 14.8 Nh. ngọ, HB.2).

TXA.

 

 

(38)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 103 – 104. Xem thêm: ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1974, tr. 87, tháng giêng năm Tân mùi (1871): “Tha cho những người bị tội quân, [phải] lưu [đày], tù bị tội đồ ở tỉnh Quảng Trị (43 tên) dồn làm [ở] 7 đội Thiên Thiện, cấp cho ngưu canh điền khí để khai khẩn ruộng ở huyện Thành Hoá”.

(39)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 110 – 111.

(40)    Bữa tiệc người phú hào thết đãi Nguyễn Quýnh do áp lực của bọn phỉ là một chi tiết hư cấu của chúng tôi (tác giả tiểu thuyết). Quốc triều hương khoa lục chỉ ghi là ông bị cách chức lần thứ hai (xem chú thích (42)).

(41)    ĐNTL.CB., tập 28, sđd., 1973, tr. 73.

(42)    QTHKL., sđd., 1993, tr. 178.

(43)    ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 150; ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 118.

(44)    Nhiều tác giả, Từ điển văn học, Nxb. KHXH., tập 2, 1984, tr. 63 – 64.

(45)    Nhiều tác giả, Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, kỉ yếu Hội nghị Khoa học lịch sử, ĐHSP. TP. HCM., 20.6.1996, xem: Trần Viết Ngạc, bài “Nguyễn Văn Tường qua châu bản triều Nguyễn”, tr. 216; tạp chí Xưa & Nay, số 100, tháng 9.2001, tr. 14 – 16 xem tiếp tr. 32.

(46)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 116.

(47)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 118.

(48)    QTHKL., sđd., 1993, tr. 177.

(49)    ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 85; ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 65.

(50)    ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 234.

(51)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 65 – 66.

(52)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 66.

(53)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 66 – 67.

(54)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 114.

(55)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 121.

(56)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 121 – 122.

(57)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 122.

(58)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 127.

(59)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 75.

(60)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 337.

(61)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 111 – 112.

(62)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 137.

 

Hết phân đoạn 2 truyện kí thứ năm (còn tiếp)

XIN XEM TIẾP TỆP 10

phân đoạn 3, trọn truyện kí thứ năm

 

(  xem tiếp tệp 10  ) 

 

Trở về trang chủ

Cập nhật: 07/01/09

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7