b. Trần Xuân An - Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa - Tệp 2

 

trần xuân an

Nguyễn Văn Tường,

những người trung nghĩa từ xưa,

tưởng không hơn được

   author's copyright

07/01/09

 

A.

 

Lời thưa

 

Bài 1

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

 

B.

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

Phụ lục 3

 

 

C.

 

Ngoài sách

 

Cuối sách

 

 

____________

____________

 

Hình ảnh 1

 

Hình ảnh 2

 

Bản đồ

 

 

 

 

 

 

 

                             

TRẦN XUÂN AN

 

NGUYỄN VĂN TƯỜNG,

“NHỮNG NGƯỜI TRUNG NGHĨA

TỪ XƯA,

TƯỞNG KHÔNG HƠN ĐƯỢC” 

KHẢO LUẬN VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH SỬ HỌC

  

  

Nhà Xuất bản

 

2003

 (trước và chính xác: 02-7 HB2 [2002])

 

 

 

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

BI KỊCH Ở ĐIỂM ĐỈNH

MÂU THUẪN: 1883 – 1884, VÀ SỰ CHIẾN THẮNG

CỦA NHÓM CHỦ CHIẾN YÊU NƯỚC

 

I.

 

Đâu phải chỉ hai tháng sau đêm Kinh Đô Quật Khởi (22 – 23.5 Ất dậu: 04 – 05.7.1885), vấn đề chọn lựa hành động chính trị táo bạo, sáng suốt, vì số phận nhân dân và vận nước, từ lâu đã được tình huống lịch sử đặt ra một cách hết sức gay gắt, gay gắt nhất là từ lúc Tự Đức băng hà [1], tức là vấn nạn đã nẩy sinh hơn hai mươi năm trước đó, từ 1858, đặc biệt là từ tháng 7.1883 (tháng 6, Quý mùi).

Cần phải thấy rõ tư tưởng chủ chiến ở Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và bao sĩ phu khác trong quan hệ biện chứng với từng chuyển biến thời cuộc – từng quyết sách của Tự Đức, từng thủ đoạn của Pháp, từng giai đoạn quấy rối của bọn phỉ Tàu. Có những lúc phải nhẫn nại, giấu lòng, thầm lặng nung nấu ý chí kháng chiến!

Nhưng ở thời điểm căng thẳng nhất, sau vụ Henry Rivière (1882), Pháp đánh chiếm Bắc kì, chuẩn bị âm mưu uy hiếp kinh đô Huế, Tự Đức lại mất, lại để di chiếu truyền ngôi cho Dục Đức!

 

1.      Dục Đức

 

Di chiếu với nét chữ thường và chữ son đỏ châu phê của Tự Đức lại ghi rõ về Ưng Chân (tên lúc chưa nối ngôi): “Mặt hơi có tật, giấu kín [thì nhìn – TXA. chua thêm (ct.)] không rõ ràng, sợ sau không sáng; tính lại hiếu dâm, cũng rất là không tốt; chưa chắc đương nổi việc lớn. Nhưng nước cần có vua nhiều tuổi; đương lúc khó khăn này, không dùng hắn thì dùng ai?” [2]! Bản nguyên văn chữ Hán: “Đản vi hữu mục tật, bí nhi bất tuyệt, cữu khủng bất minh, tính phả hiếu dâm, diệc đại bất thiện, vị tất năng đương đại sự. Quốc hữu trưởng quân, xã tắc chi phúc, xã thử, tương hà dĩ tai”. Ở các trang khác của Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.): mắt có tật, có lẽ nhắm không kín, có khả năng mù [3].

Di chiếu phản ánh ưu tư của Tự Đức về vị vua kế nhiệm, về tiền đồ Đất nước. Tự Đức đã sắp xếp ba vị phụ chánh đại thần, cho phép “nghiêm sắc mặt đứng ở Triều đình, [với sự – ct.] giữ mình đứng đắn” để giúp vua, đốc thúc quan thuộc [4].

Quốc sử quán triều Nguyễn còn chép rất chi tiết:

Dục Đức lên ngôi, mặc dù chưa tuyên đọc di chiếu đã tạo phe cánh riêng (ra vào cung điện, bọn tay chân ấy được cấp chế bài (thẻ bài vua ban) để đeo!). Dục Đức lại bê trễ cả việc phê duyệt các tờ tâu khẩn cấp của các quân thứ. Y còn vi phạm cả quy chế lễ tang (mặc áo sắc lục), tính đến chuyện trang sức ngay khi Tự Đức mới được khâm liệm [5]! Chưa nói đến những vi phạm nghiêm trọng liên quan đến an nguy của Đất nước, triều đình, cung cấm, ngay mỗi một điều giữ lễ về hiếu đạo ấy, từ trước vua Tự Đức đã căn dặn, nếu thế, phải tử hình; có văn bản cất vào hòm sắt [6].

Theo Delvaux [7], trong nhóm người được tùy tiện ra vào cung cấm ấy, có cả linh mục Thơ (Nguyễn Hữu Cư, 1874, là tham tá Thương chánh Hải Dương).

Linh mục này đã từng được các thực dân cố đạo đào tạo tại Pénang, cũng đã nhiều lần sang Pháp, Tây Ban Nha. Y có khả năng là nội gián của Pháp. Dục Đức lại dùng y làm thư kí riêng!

Dục Đức còn muốn cắt di chiếu, vì “nghĩ trong tờ di chiếu răn bảo có những câu không tốt, không thể truyền bá cho mọi người nghe; triệu các phụ chính đại thần, cần bớt một đoạn ấy đi, không tuyên lục ra. Trần Tiễn Thành bảo thế cũng ổn, hai người [Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết – ct.] đều thưa rằng: Xin nhà vua quyết định” [8].

Trước đó, Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đã cùng nhau viết sớ xin vua Tự Đức cắt bỏ đoạn ấy. Tự Đức không đồng ý. Đến lúc Tự Đức mất, sự thể không thể khác được nữa, nhưng Dục Đức vẫn cứ cắt! Vả lại, bản tính và chính kiến của Dục Đức đã bộc lộ rất đáng phàn nàn!

“Văn Tường bảo kín Thuyết rằng: “Tiên đế đã bảo vua nối ngôi chưa chắc đương nổi việc lớn, lại giao cho ngôi lớn. Nay bắt đầu, đã cử động như thế, huống chi là sau này ư? Đó là việc lo riêng cho chúng ta”. Thuyết vốn tính cương trực lại cậy quyền cầm quân liền mật đáp rằng: “Cứ như lời chiếu thì mưu tính là vì xã tắc, bất đắc dĩ mà làm việc nhỏ như Y Doãn, Hoắc Quang [phế lập – ct.], cũng là chí của tiên đế”; nhân thế cũng ý mưu bỏ [phế Dục Đức – ct.] đi” [9].

Tôn Thất Thuyết đã quá sâu sắc, hiểu rõ ẩn ý của Tự  Đức: phế Dục Đức, cũng là “chí của tiên đế”, “ vì xã tắc”.

Trong lịch sử, có bao tên vua hoang dâm đến nỗi tan nát cơ đồ, nước mất, dân nô lệ ngoại bang; ai cũng có thể biết một số điển hình dâm ô như thế. Ở trường hợp này, rõ ràng niềm âu lo “sợ không đương nổi việc lớn” vì thói “hiếu dâm”, vì “sợ sau không sáng” là một đoan chắc về Dục Đức, mặc dù chưa khẳng quyết, của chính Tự Đức! Do đó, phế Dục Đức là một chuyện tất yếu. Nếu tại vị y cũng không có uy tín, vì thói hiếu dâm là rất khó chữa và khó giấu, đâu phải chủ yếu vì cắt hay không cắt di chiếu (mặc dù đó là tội đại hình – tội tả chế thư!). “Bất đắc dĩ mà làm việc nhỏ như Y Doãn, Hoắc Quang” là bởi nguy cơ đã thấy trước: Tương Dực, cộng với nguy cơ mù loà (vua mù còn tệ hại cho Đất nước hơn cả ấu chúa!). Tuy vậy, mù loà vẫn đang là nguy cơ xa, vấn nạn là những nguy cơ gần đã bộc lộ ngay trước mắt. Làm sao “nghiêm sắc mặt” với vua trên ngai vàng! Phải chăng Tự Đức đã “đầu hàng”, khi giao phó vận mệnh Tổ quốc và cơ đồ nhà Nguyễn cho một vua nối ngôi như thế? Phải chăng Tự Đức đặt thái hậu, hoàng hậu và đình thần lẫn hoàng tộc, nhất là các quan phụ chính, trước một tình huống tất yếu phải xảy ra việc phế lập? Phải chăng Tự Đức muốn thanh minh cho mình vụ phế Hồng Bảo (một mặc cảm sâu xa và ray rứt khôn nguôi trong Tự Đức)?

Đọc di chiếu, di chúc, ai cũng thấy trong ba hoàng tử, chính Ưng Đăng (sau này là Kiến Phúc) mới xứng đáng làm vua. Phải chăng Tự Đức đã ngầm gợi ý cho các phụ chính, hoàng thân, đình thần: phế Ưng Chân (Dục Đức), lập Ưng Đăng làm vua nối ngôi?

“Xã tắc, quân, dân, thục trọng khinh?” là tư tưởng rất cổ điển và rất truyền thống, đã soi sáng cho Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết cùng nhóm chủ chiến Triều đình Huế đi đến quyết định truất phế Dục Đức (giam lỏng hơn một năm, đến thời Hàm Nghi lên ngôi mới ra lệnh thi hành án) [10].

Tuy thế, quả thật, rất khó để triều đình, hoàng tộc quả quyết chọn Ưng Đăng, một hoàng tử có đạo đức tốt, trí lực thông minh, mới mười bốn tuổi, và không chọn một người trưởng thành nối ngôi. Mặc dù Ưng Kỷ đã trưởng thành, nhưng làm sao thái hậu Từ Dũ, hoàng thân, đình thần và nhất là hai phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết lại có thể tôn lập một kẻ mà chính vua Tự Đức đã ghi trong di chúc:

“Ưng Kỷ người yếu hay ốm, có tâm tật, chưa học thông mà kiêu ngạo, hay bới việc riêng của người khác cho lạm thẳng, đều không phải là tư chất thuần lương, theo lời phải; sợ bọn ngươi khó lấy lời nói can được” [11].

Làm sao tôn lập lên ngôi hoàng đế một kẻ như thế?!

 

2.      Hiệp Hoà

 

Hồng Dật, em út của Tự Đức, được Tôn Thất Thuyết đưa lên ngai vàng nhà Nguyễn.

Chua chát thay, không những Dục Đức đã bị Pháp mua chuộc, bản thân hư hỏng, mà Hiệp Hòa cũng là kẻ cam tâm đầu hàng, âm mưu cùng Trần Tiễn Thành, câu kết cùng De Champeaux và theo lệnh y! Hiệp Hòa đã dùng kế li gián, hòng đẩy Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đi đến chỗ hai vị phụ chính này giết nhau! Nhưng, với sự đoàn kết một lòng, họ đã phá vỡ âm mưu của Hiệp Hòa, mà đằng sau Hiệp Hòa là Trần Tiễn Thành, Tuy Lí vương, De Champeaux… Đã thế, những kẻ ấy lại định mưu sát Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết! [12]. Trần Tiễn Thành là kẻ mà Hồng Tập và sĩ phu Văn thân kết án tử hình, kẻ “được giao nhiệm vụ thương lượng với nước Pháp và bị liên lụy do sự chăm lo cho quyền lợi nước Pháp” [13]. Không chỉ Tuy Lí vương Miên Trinh, cả Hồng Sâm, Hồng Tu, cũng cùng một giuộc với Hiệp Hòa, Trần Tiễn Thành!

Tất nhiên, Hiệp Hoà và Trần Tiễn Thành phải đền tội bằng cái chết của chúng.

 

3.      Kiến Phúc

 

Và vẫn không thể chọn Ưng Kỷ (sau này là Đồng Khánh), hai phụ chính, hoàng thân, đình thần tôn Ưng Đăng lên ngôi cửu ngũ.

Khoảng tám tháng sau, lại xảy ra biến cố!

Cái chết Kiến Phúc, chính là do Hồng Hưu hoặc Dục Đức gây ra (2). Trước hết, Kiến Phúc chết vì tham vọng trở lại ngôi vua của Dục Đức. Pháp đã mớm ý cho Vũ thị (hoàng hậu của Tự Đức, mẹ nuôi của Dục Đức), tại Khiêm Lăng, để Vũ thị truyền lại nội dung mớm ý ấy cho vua bị phế truất! (?). Dù vậy, ĐNTL.CB. chép về việc này khá mơ hồ: “Công [khâm ? – ct.] sứ Pháp đến thẳng ngoài cửa Khiêm cung chơi xem. Người đóng ở đấy và quản suất không bảo ban ngăn cản được” [14]….

Hơn nữa, Pháp chơi một lúc hai con bài chủ: không chỉ Dục Đức, mà cả Hồng Hưu! Chúng định đưa lên ngôi một tên vua loạn luân có quả tang, thân Pháp, tiết lộ quân quốc trọng sự, thực hiện âm mưu thực dân của chúng [15]. Trước triều thần, Tôn Thất Thuyết đã nói rõ âm mưu của thực dân Pháp:

“… Sứ cũ Pháp là Lê-na [Rheinart – ct.] ủy cho kí lục Hinh tới dinh bọn tôi nói: “Nếu tôn Gia Hưng vương [Hồng Hưu – ct.] lên làm vua thì y thuận nghe, bằng không thế thì y gây chuyện…””. […] … “Việc Hồng Hưu [không được lên ngôi vua – ct.] có người không bằng lòng (ám chỉ vào Lê-na), đưa tin gièm pha [Triều đình – ct.] đã nhiều…” [16].

Xin trích lại nguyên văn Hạnh Thục ca của Nguyễn Nhược Thị Bích [17]:

“Đã yên việc nỗi Tây kia

Bấy giờ mấy kẻ hiềm nghi lo trừ…”.

Tất nhiên Nguyễn Nhược Thị Bích thương hại, bênh vực Dục Đức, phê phán Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết (3), theo cách cảm nghĩ của một người vừa bảo hoàng hơi mù quáng, vừa chủ “hòa”; thậm chí ít nhiều ái ngại bênh vực cả Hồng Hưu, mặc dù không kháng án hay cải chính gì về vụ loạn luân giữa Hồng Hưu và công chúa Đồng Xuân (sau bị đổi là Phục Lễ, với nghĩa là phải tuân theo lễ giáo)! Chúng tôi chỉ trích dẫn để chứng minh rằng: Theo tác giả Hạnh Thục ca, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Tôn nhân phủ, đình thần cuối cùng phải ra lệnh thi hành án, bởi “ngờ ghét (hiềm nghi)” rằng, chính Dục Đức hoặc Hồng Hưu, một trong hai, đã ngầm giết Kiến Phúc hòng chiếm ngôi vua theo đúng ý đồ của thực dân Pháp. Cái “ngờ ghét” (ngờ, tất nhiên phải ghét), nói theo cách nói của Nguyễn Nhược Thị Bích, lại đúng sự thật với sự xác quyết!

 

II.

 

Bi kịch cung đình đẫm máu và thuốc độc này là điểm đỉnh của mâu thuẫn đối kháng giữa lực lượng thực dân Pháp, tả đạo (4), bọn hoàng thân thân Pháp, với lực lượng yêu nước, chủ chiến của Hàm Nghi, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Trương Văn Đễ, Ông Ích Khiêm (5), Phạm Thận Duật, Trần Xuân Soạn, Tôn Thất Phan…

Đứng trên lập trường dân chủ và yêu nước, dưới ánh sáng khoa học lịch sử, cần nhìn lại bi kịch ấy.

Bi kịch đẫm máu, thuốc độc ở cung đình nhà Nguyễn 1883 – 1884, nếu nói đủ hơn, còn đẫm sự bôi nhọ, vu khống với tham vọng, tội lỗi có thật của Dục Đức, Hiệp Hòa, Trần Tiễn Thành, Hồng Hưu… cùng sự bán nước, đầu hàng của những kẻ đó; và đẫm niềm đau oan khuất của những con người yêu nước, có nhân cách cao đẹp, trung thành với triều Nguyễn một cách sáng suốt như Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật… Bi kịch ấy thực chất do thực dân Pháp, do bọn đội lốt Thiên Chúa giáo gây ra; cụ thể như đã nói, là chúng mua chuộc, nắm lấy Dục Đức, Hiệp Hòa, Hồng Hưu, Trần Tiễn Thành… nhằm đẩy dân tộc ta vào vực thẳm mất nước, biến triều Nguyễn thành lũ rối bù nhìn, tay sai (như thời Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại về sau).

Ngay dưới chế độ thực dân thống trị, Trần Trọng Kim đã viết về đình thần ngụy triều Đồng Khánh: “Nhiều người đã biết theo chính sách bảo hộ cho nên mọi việc trong triều đều được yên ổn” [18]. Triều đình chỉ có thể yên ổn trong nô lệ!!! Hễ còn người chống Pháp như Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, thì vẫn còn mâu thuẫn đối kháng trong triều đình, do thực dân, tả đạo gây ra với sức ép, sự mua chuộc của chúng đối với cánh chủ “hòa” (đầu hàng thật sự), như đã phân tích!

Đó còn là bi kịch thuộc về bản chất chế độ quân chủ phong kiến, ở việc truyền ngôi, tranh giành ngai vàng trong đế hệ, bất chấp số phận nhân dân và vận nước! Loại bi kịch này đâu phải chỉ diễn ra dưới triều Nguyễn, mà suốt các triều đại phong kiến ở nước ta và trên thế giới!

Vả lại, đó còn là bi kịch thời chiến: quyết án trong tình trạng khẩn cấp (ngay thời dân chủ cũng có quyền ban bố về tình trạng khẩn cấp, không chấp nhận đối lập chính kiến).

 

III.

 

“Tổ quốc, vua, dân, đâu nặng hơn?”. Hỏi là để khẳng định câu trả lời đã rất nghìn xưa và mãi còn mới (6): “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Mạnh Tử). Lòng trung của Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến Triều đình Huế – kiên quyết chống giặc Pháp và bọn  phản quốc – đã làm sáng chói chữ trung chân chính, rất cổ điển và rất truyền thống.

Chúng tôi đã viết: Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến yêu nước Triều đình Huế đã chọn lựa đúng trong bi kịch ở đỉnh điểm mâu thuẫn đối kháng phản quốc – ái quốc, 1883. Hai năm sau, ở điểm đỉnh tột độ của mâu thuẫn đối kháng địch – ta dữ dội hơn, họ cũng đã trả lời đúng câu hỏi: “xã tắc, quân, dân, thục trọng khinh?”, trong sự phân công cho đêm Kinh Đô Quật Khởi và trong việc giao nhiệm vụ sau đêm lịch sử 22 – 23.5 Ất dậu (chỉ từ 05.7.1885 đến 06.9.1885! Tiếc thay!).

Mọi việc gây ra nhiễu loạn “tư liệu” để nhằm tạo ra nghi vấn lịch sử về Nguyễn Văn Tường và về Tôn Thất Thuyết, như a dua theo luận điệu trong cáo thị bôi nhọ của tên thực dân khâm sứ Hector, cũng là của các tên vua quan tay sai Đồng Khánh, Nguyễn Hữu Độ, Phan Liêm, Phạm Phú Lâm chẳng hạn, đều xúc phạm đến lẽ công bằng, lòng yêu chuộng tính khoa học nghiêm minh của sử học, quyết tâm bảo vệ sự thật lịch sử và công lí.

Chẳng lẽ chỉ hơn một trăm năm sau, hậu thế quên mất phản ứng của sĩ phu và nhân dân trước lời cáo thị đó, như Phạm Phú Lâm, Phan Liêm… đã trả với giá đã vay, mặc dù Phạm Phú Lâm ít nhiều tỏ ra có lương tri [19]?

Vả lại, cứ để tồn tại tình trạng ấy là vô hình trung hay cố ý rơi vào luận điệu xuyên tạc của giạêc Pháp, bọn “tả đạo”, bọn chủ “hòa”, bọn Đại Hán bành trướng chủ nghĩa, lẫn những kẻ yêu nước nhiệt thành tuy thiển cận hoặc mắc mưu tuyên truyền bôi nhọ của chúng (7)!

                                                     

                                                            TRẦN XUÂN AN

 

1. CHÚ THÍCH (cuối bài [endnote]) của bài BI KỊCH Ở ĐIỂM ĐỈNH MÂU THUẪN:

1883 – 1884, VÀ SỰ CHIẾN THẮNG CỦA NHÓM CHỦ CHIẾN YÊU NƯỚC

                                                           

(1). Cao Huy Thuần, Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân [Pháp] tại Việt Nam (1857 – 1914), luận án tiến sĩ quốc gia, khoa chính trị học, Đại học Paris, bản dịch tiếng Việt, Đại học Vạn Hạnh xuất bản, Sài Gòn, 1973, tr. 318: “Theo điện tín của thống đốc Nam kì gửi bộ trưởng Bộ Hải ngoại Pháp ngày 10.12.1883: Hiệp Hòa “bày tỏ trong mọi lúc cảm tình của ông ta đối với Pháp”. Y đã bí mật phái chú là Tuy Lí vương đến Tòa Khâm sứ Pháp để hỏi De Champeaux là nếu trong trường hợp tai biến, y có được giúp đỡ không. Champeaux trả lời đồng ý và nhiệt thành khuyến khích y chống lại cận thần. Cuộc viếng thăm này làm Triều đình lo ngại, họ làm đủ điều để biết nội dung câu chuyện nhưng vô ích”.

(Thư khố Bộ Hải ngoại Pháp, kí hiệu A.30 (58), hộp 16).

Tham khảo: bản dịch mới của Nguyên Thuận, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2003, tr. 399 – 400.

 

(2). ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 150 – 151 xác định rõ: Kiến Phúc chết vì bệnh. Trước đó, nhà vua vốn bị bệnh, và tuy đã bình phục nhưng chưa được như cũ (vẫn chịu lễ chầu mừng, ban thưởng cho quần thần). Không lâu sau đó, vị vua trẻ này lại bị bệnh tái phát rất nguy kịch, dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, theo lời Miên Trí tố cáo sự câu kết của Hồng Hưu với Pháp (cả tội loạn luân có quả tang của Hồng Hưu), đồng thời căn cứ vào bản sớ của Tôn Thất Thuyết (Rheinart nằng nặc đòi lập Hồng Hưu làm vua…), và nghị xử của Tôn nhân phủ, đình thần (ĐNTL.CB., tr. 176 – 178), người ta có thể thấy lô gích (logique) của sự việc như chúng tôi đã trình bày.

 

(3). Trần Trọng Kim nhận định về tác giả Hạnh Thục ca: “… Bà Lễ tần Nguyễn Nhược Thị  [Bích] có thể biết đúng sự thực theo cái quan điểm của người mình bấy giờ” [!] (HTC., lời tựa Trần Trọng Kim, sđd., tr. X). Nhận định  ấy, phải nói là sâu sắc: nhận thức sự thật lịch sử theo lăng kính riêng và lăng kính thời đại phong kiến. Theo Trần Trọng Kim, đó là quan điểm (:lăng kính) bảo hoàng. Ông ta cũng trình bày rõ, bản HTC. ông tìm được đã bị chép lại và chép sai nhiều chỗ. Trong lời tựa và ở phần chú thích, Trần Trọng Kim bị sức ép lộ liễu hoặc ngấm ngầm của cường quyền thực dân, nên đành phải cố tình xuyên tạc thêm. Vì thế, ít nhiều đã rơi vào mục đích “đập tan tành” uy tín Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, theo ý đồ của thực dân Pháp, tả đạo. Do đó, trừ đi mấy chỗ ấy, còn lại, những đoạn HTC. khẳng định nét tích cực (yêu nước, chống Pháp đến cùng …) của Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đã trở thành vô cùng giá trị, đạt mức xác tín cao. Và cũng với mức xác tín cao như vậy, đoạn HTC. viết về âm mưu của Rheinart và Hồng Hưu trong cái chết của Kiến Phúc (HTC., sđd., tr. 31 – 34). Xin xem kĩ  ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 176 – 177.

Cần nói thêm: Trần Trọng Kim ít nhiều có tinh thần dân tộc, chống Pháp. Trong thời bị Pháp đô hộ, ông ta chỉ là một nhà giáo, học giả. Đến thời phát xít Nhật xâm lược, Trần Trọng Kim mới … “bị mời” làm thủ tướng!

 

(4). Xin xem lại chú thích (***) ở lời thưa đầu sách.

 

(5). Về bản án Ông Ích Khiêm, do Bộ Hình tuyên án, với các tội hình công vụ, thường sự (tùy tiện bắt lính kinh đô hộ tống; chiếm đất của dân để xây nhà riêng) ông đã phạm, và mức án (bị cách chức, phát lưu sung quân) ông phải chịu, một cách rất cụ thể, xin xem ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 163 – 164. Ngoài ra, Ông Ích Khiêm còn phạm tội khi quân, một tội không thể tha thứ, dưới chế độ phong kiến, nếu giai thoại “tất cả đều là chó” đúng với sự thật. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất dè dặt với các thứ giai thoại, hò vè… thời thực dân, tả đạo độc quyền tuyên truyền (phải đãi lọc các lượng thông tin ở các sáng tác dân gian hư cấu từ lịch sử, đãi lọc trên cơ sở các văn bản, văn kiện gốc đã được trích dẫn trong tư liệu chuẩn cứ là ĐNTL.CB. IV, V).

 

(6). Nói theo ông Nguyễn Xuân Quế (cố hiệu trưởng Trường PTCS. Triệu Phước, Triệu Phong, Quảng Trị) – ông Quế cũng nghe cha ông nói lại – , câu kinh điển ấy của Nho giáo đã được cụ Nguyễn Văn Tường trích, ghi dưới bài thơ như thể để chú thích, với hai chữ Mạnh Tử. Ông Nguyễn Xuân Quế còn nói thêm: “Xã tắc” đã bao gồm “dân”; còn “quân” hay “quân vương”, có khi đồng nhất với “dân”, với nước (“xã tắc”), như Hàm Nghi, có khi là tai họa, là nỗi nhục của Tổ quốc, của dân tộc, như Dục Đức, Hiệp Hòa. Dục Đức, Hiệp Hòa còn là tai họa, nỗi nhục của cả vương triều nhà Nguyễn nữa. Truất phế, thi hành án hai tên vua vô loại ấy, và cả Hồng Hưu, là làm sáng đẹp luật pháp nghiêm minh, bất vị thân của triều Nguyễn và góp phần làm bền vững triều Nguyễn bấy giờ (trước 06.9.1885), để cứu nước, cứu dân.

 

(7).  Nhân đây, xin bàn thêm một khía cạnh, ấy là vấn đề lí luận trong lĩnh vực văn học dân gian:  sáng tác và tiếp nhận (kể vè, nghe vè, và chép vè, đọc vè…). 

Đối với các tác phẩm văn học dân gian nói chung, không thể không lưu ý một điều rất sơ đẳng là cần vận dụng luận điểm nghiên cứu xã hội: có bộ phận dân gian tiến bộ, sáng suốt; có bộ phận quần chúng lạc hậu, phản động, mù quáng; có bộ phận nhân dân trung gian, đứng giữa hai bộ phận kia. Không bao giờ có một thực thể xã hội thuần nhất; và sự phân hóa xã hội càng rõ trong những thời đoạn xuất hiện những mâu thuẫn gay gắt với những lực lượng đối kháng quyết liệt. Và thực thể dân gian (cả tầng lớp thượng lưu, trí thức cũng thế) lại càng phức tạp theo hướng tiêu cực (lẫn lộn tốt – xấu, chính nghĩa – phi nghĩa, dân tộc – phản dân tộc…), một khi mâu thuẫn đối kháng trong xã hội, giữa lực lượng yêu nước và giặc ngoaiï xâm (xét cả về mâu thuẫn đối kháng văn hoá, tôn giáo…) bị đẩy đến bên kia điểm đỉnh (cao trào của kịch tính – một thuật ngữ văn học), và cuối cùng lực lượng xâm lược, phản quốc, ngu dân thắng thế. Do đó, trong một tác phẩm văn học dân gian như vè Thất thủ kinh đô chẳng hạn, có những yếu tố mơ hồ, lẫn lộn, nhập nhằng trong nhận thức và phản ánh lịch sử, dẫn đến thái độ, tình cảm cũng thiếu sáng suốt… Vè Thất thủ kinh đô xuất hiện từ 1900 – 1914, sớm nhất là 15 năm sau điểm đỉnh tột độ là đêm 22 – 23.5 Ất dậu, 1885 (*).Đó là điều rất đáng lưu ý.

Cũng xin khẳng định rõ ràng hơn: Chúng tôi không vận dụng khái niệm mĩ học về bi kịch để phân tích nội dung tác phẩm vè Thất thủ kinh đô, vốn phản ánh sai lệch khá nhiều về sự kiện, nhân vật lịch sử, mà chỉ để giải thích hiện thực lịch sử, và cụ thể là tác động của bạo quyền thực dân trong việc gây nhiễu, làm sức ép lên dư luận một bộ phận quần chúng lẫn sáng tác của bộ phận quần chúng đó, ít ra là suốt 15 năm sau khi nhân dân ta hoàn toàn bị thực dân thống trị. Cũng rất cần phải có cái nhìn biện chứng về tâm lí các phân số quần chúng (quá trình tác động qua lại giữa các yếu tố, bộ phận…), về tâm lí sáng tạo văn học và truyền khẩu văn học dân gian (mâu thuẫn trong nhận thức, những điểm mù trong nhãn quan trước hiện thực, sự cưỡng bức của hiện thực một cách vô thức và hữu thức, sự mắc mưu tuyên truyền xen lẫn phản ứng chống lại tuyên truyền…).

Cho nên, vấn đề đặt ra là chỉ có thể đãi lọc những lượng thông tin xét thấy là xác thực mà thôi, trên cơ sở lấy ĐNTL.CB. IV, V (1847 – 06.9. 1885) và cả kỉ IV (1885 – 1888, với quan điểm yêu nước, chống Pháp, chống ngụy triều Đồng Khánh) làm chuẩn cứ.

Xin xem thêm: Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (TXA. biên soạn…).

(*) Xin phân biệt:

a. Bi kịch ở điểm đỉnh mâu thuẫn 1883 – 1884 và sự chiến thắng của nhóm chủ chiến yêu nước VỚI bi kịch ở điểm đỉnh tột độ của mâu thuẫn 22 – 23.5 Ất dậu (05.7.1885) và sự thất bại của nhóm chủ chiến yêu nước.

b. Bi kịch “tứ nguyệt tam vương”: 04 tháng lập 03 vua :

◘ Dục Dức (03 ngày lên ngôi, 16 – 20.6 Quý mùi [1883]).

◘ Hiệp Hoà (04 tháng, 21. 6 – 30.10 Quý mùi [1883]),

◘ Kiến Phúc (lên ngôi: 01.11 Quý mùi [1883]).

Lưu ý: Ngày Kiến Phúc chết: 10.6 Giáp thân [1884]; Dục Đức bị thi hành án sau 01 năm 03 tháng bị truất phế, chết vào ngày 06.9 Giáp thân [1884].

 

 

2. CƯỚC CHÚ (chú thích cuối trang [footnote]) của bài BI KỊCH Ở ĐIỂM ĐỈNH MÂU THUẪN:

1883 – 1884, VÀ SỰ CHIẾN THẮNG CỦA NHÓM CHỦ CHIẾN YÊU NƯỚC

 

[1] Đại Nam thực lục, chính biên, tập 35, Nxb. KHXH., 1975, tr. 198, 207, 231.

[2] ĐNTL.CB., tập 35, sđd., tr. 199.

[3] ĐNTL.CB., tập 32, Nxb. KHXH.,1975, tr. 133.

Xem thêm: Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, UB. KHXH. Thành ủy TP. HCM. xb., 1990, tr. 302;

[4] ĐNTL.CB., tập 35, sđd., tr. 200.

[5] ĐNTL.CB., tập 35, sđd., tr. 206.

[6] ĐNTL.CB, sđd., tập 32, tr. 102; tập 33, Nxb. KHXH., 1975, tr. 130 và 350.

[7] Delvaux, Những người bạn cố đô Huế (BAVH.), số 1, 1941.

[8] ĐNTL.CB., tập 35, sđd., tr. 207.

[9] ĐNTL.CB., tập 35, sđd., tr. 206.

[10] Xem ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KH XH., 1976, tr. 172 – 173 và Hạnh Thục ca, Nxb. Tân Việt, 1950 [?], tr. 33 – 34.

[11] ĐNTL.CB., tập 35, sđd., tr. 200 – 201.

[12] ĐNTL.CB., tập 35, sđd., tr. 255 – 260; trích lời dẫn gián tiếp và trực tiếp theo điện tín báo cáo của phủ súy Pháp gửi Bộ Hải ngoại Pháp, xem: Trần Thị Thanh Thanh, “Nhìn lại việc phế lập ở Huế năm Qúy mùi (1883)”, Kỉ yếu Hội nghị khoa học lịch sử, ĐHSP. TP.HCM., 20.6.1996, sđd., tr. 34 [trích lại nguyên văn lời dẫn, xin xem ghi chú (1), bổ sung cuối bài].

[13] Ưng Trình, Những người bạn cố đô Huế [BAVH., 1919], Nxb. TH., 1998, tập IV B, tr. 406).

[14] ĐNTL.CB., tập 35, sđd., tr. 243; tập 36, sđd., tr. 69; Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (VNSL.), Nxb. VHTT., b. 1999, tr. 594.

[15] ĐNTL.CB., tập 37, Nxb. KHXH., 1977, tr. 61 – 62 và Đại Nam liệt truyện, tập 3, Nxb. TH., 1993, tr. 163, tr. 203…

[16] ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 176 – 177; Hạnh Thục ca, sđd., tr. 30 – 34.

[17] Hạnh Thục ca, sđd., tr. 33 ; xem thêm: Đại Nam liệt truyện, tập 3, sđd., tr. 77 –78 : tiểu sử NNTB.

[18] VNSL., sđd., b. 1964, tr. 554 – 555.

[19] ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 197, 222; tập 38, Nxb. KHXH.,1978, tr. 12 -13.

                            

          TXA.

                                                                    

 

Bài “Bi kịch ở điểm đỉnh mâu thuẫn 1883 – 1884 và sự chiến thắng của nhóm chủ chiến yêu nước” này đã được đăng tải trên tạp chí Xưa & Nay (thuộc Hội KHLS. VN.), số 118 tháng 6.2002, tr. 18 – 19, xem tiếp tr. 23 – 24.

Ngày 09.8. 2003 (HB.3), nhuận sắc.

 

TXA

 

 

 

 

(  xem tiếp : bài 3  )

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 07/01/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7