z+g.a. Tư liệu 1 của phụ lục (bài 32) - Tl.2 - Tạp chí Đối Diện - Các biến cố chính từ 1945-1973

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

TƯ LIỆU VỀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM 1945-1954-1973-1975-1989

để tham khảo bổ sung khi đọc tiểu thuyết MÙA HÈ BÊN SÔNG của Trần Xuân An

 

 

Tạp chí Đối Diện, số 48, tháng 7 năm 1973, tr. 9-18:

CÁC BIẾN CỐ CHÍNH TỪ 1945-1973

 

■ 02-9-45: Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà, Hồ Chí Minh, tuyên cáo Việt Nam độc lập.

 

■ 06-3-46: Tàu chiến Pháp tiến vào Hải Phòng, Hiệp định Sơ bộ Việt – Pháp được kí kết tại Hà Nội, theo đó “chính phủ Pháp nhìn nhận Cộng hoà Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ, quốc hội, quân đội và tài chính riêng, ở trong khối Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp” . Hiệp định dự trù là quân đội Pháp sẽ trở lại Bắc Kỳ nhưng sẽ rút đi sau một thời hạn là 5 năm; Nam Kỳ sẽ tự quyết định, bằng một cuộc trưng cầu dân ý, là có gia nhập vào quốc gia Việt Nam hay không.

 

■ 12-3-46: Cécile, uỷ viên Cộng hoà Pháp ở Nam bộ, ra tuyên ngôn đại ý rằng, Hiệp định mới được kí kết không dính dấp gì đến Nam bộ. Hội đồng Tư vấn do Pháp đề cử ra ở Nam bộ nhóm phiên đầu tiên, chấp thuận bản tự trị của Nguyễn Văn Thinh yêu cầu Pháp “để cho cuộc tự trị của Nam Kỳ nguyên vẹn” và nại lí do tình hình còn rối ren chưa thể tổ chức cuộc trưng cầu dân ý như Hiệp định Sơ bộ 6-3 quy định.

 

■ 01-6-46: Chính phủ “Nam Kỳ quốc” ra đời do Nguyễn Văn Thinh làm thủ tướng.

 

Để chính phủ Nguyễn Văn Thinh có một “căn bản pháp lí”, ngày 3-6, uỷ viên Cộng hoà Pháp kí với Nguyễn Văn Thinh một “hiệp ước” nhìn nhận “Nam Kỳ quốc” và “chính phủ tự trị”.

 

Từ khi có chính phủ Nam Kỳ tự trị, phong trào kháng chiến gia tăng mãnh liệt tại khắp Nam bộ.

 

■ 14-9-46: Tuy các Hội nghị Đà Lạt (16-4 – 11-5-46) và Fontainebleau (06-7 – 12-8-46) thất bại, một Tạm ước vẫn được kí kết giữa hai bên Pháp - Việt vào đêm 14-9 mà kể từ ngày 30-10 sẽ bắt đầu thi hành. Mục đích của Tạm ước 14-9 là nhằm chấm dứt các cuộc xung đột, khủng bố và tuyên truyền thù nghịch; lập các uỷ ban quân sự hỗn hợp Pháp - Việt để lo việc ngưng bắn, ổn định trật tự, trong khi chờ đạt tới một hiệp định dứt khoát. Tạm ước này không được người Pháp thi hành. Các cuộc viện quân ra Đà Nẵng vẫn tiếp tục, các cuộc hành binh tảo thanh và những vụ đàn áp vẫn được người Pháp tiến hành tại Nam bộ và Nam phần Trung bộ…

 

■ 25-11-46: Pháp gửi tối hậu thư cho nhà đương cục Việt Nam ở Hải Phòng buộc phải rút quân trước 9 giờ tối, nhường quyền chiếm đóng cho bộ đội Pháp. 10 giờ đêm, lệnh truy kích các căn cứ quân sự Việt Nam ở Hải Phòng của Pháp được ban hành. Chiến hạm Suffren nã súng vào thành phố. Trong đêm 23-11, tại Hải Phòng, có tới 6.000 người chết, không kể số người bị thương.

 

■ 19-12-46: Súng nổ ở Hà Nội: Chiến tranh Việt – Pháp bắt đầu.

 

■ ?-6-48: Pháp đặt Bảo Đại làm quốc trưởng Quốc gia Việt Nam, xuyên qua Thoả hiệp Bollaert - Bảo Đại, Nguyễn Văn Xuân được kí kết trên tuần dương hạm Duguay Trouin neo trong vịnh Hạ Long.

 

■ 7-12-49: Mao Trạch Đông hoàn toàn kiểm soát Hoa lục. Việt Minh được Trung Hoa hứa giúp đỡ.

 

■ 01-49: Trung cộng thừa nhận Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

 

■ 25-6-50: Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ cho Pháp ở Việt Nam (500 triệu Mỹ kim mỗi năm).

 

■ 27-7-53: Ký kết đình chiến ở Triều Tiên. Chiến tranh du kích gia tăng ở Bắc Việt. Nhằm đưa chiến tranh vào vùng đất của Việt Minh, người Pháp lập căn cứ ở Điện Biên Phủ vào tháng 9.

 

■ 11-53: Hồ Chí Minh tuyên bố sẵn sàng thương thuyết để tiến tới một thoả hiệp đình chiến. Lời tuyên bố được tờ Expressen, một tờ báo Thuỵ Điển, đăng trên số ra ngày 29-11-53.

 

■ 03-54: Bộ đội Việt Minh bắt đầu vây hãm Điện Biên Phủ.

 

■ 26-4-54: Hội nghị Genève khai mạc. Tuy vậy, các cuộc thảo luận về Đông Dương chỉ thực sự bắt đầu từ 8-5-54.

 

■ 7-5-54: Căn cứ Điện Biên Phủ thất thủ.

 

■ 6-54: Đại tá Edward G. Lansdale thuộc tổ chức CIA của Hoa Kỳ được cử tới Sài Gòn cầm đầu đội gián điệp “hoạt động bán quân sự” và “chiến tranh tâm lí chính trị” chống lại Miền Bắc Việt Nam.

 

■ 21-7-54: Các văn kiện của Hiệp định Đình chỉ Chiến sự ở Đông Dương được kí kết. Hiệp định về Việt Nam được Pháp và Việt Nam dân chủ cộng hoà kí kết lúc 03 giờ 15 sáng 21-7-54 trong lúc đồng hồ ở Điện Vạn quốc ở Genève vẫn được giữ nguyên ở khắc 12, đêm 20-7. Phái đoàn Quốc gia Việt Nam (Bảo Đại) và phái đoàn Hoa Kỳ không kí vào Hiệp định.

 

■ Cuộc ngừng bắn bắt đầu được thực hiện tại Bắc bộ Việt Nam vào lúc 8 giờ sáng. Chiến tranh Việt – Pháp khởi sự tại thủ đô Hà Nội từ đêm 19-12-46 chính thức chấm dứt sau 7 năm 7 tháng 8 ngày.

 

■ 08-9-45: Hoa Kỳ thành lập Tổ chức Hiệp ước Liên phòng Đông Nam Á (SEATO), một tổ chức liên hiệp các nước chống cộng và “mở rộng” các bảo đảm an ninh cho cả Đông Dương.

 

■ 10-54: Hoa Kỳ khởi sự các hoạt động phá hoại bí mật tại các thành phố Miền Bắc Việt Nam đang được chính quyền mới tiếp thu.

 

■ 02-55: Thủ tướng Diệm, với sự giúp đỡ của CIA Mỹ, dẹp tan được các cuộc nổi dậy của các giáo phái ở Sài Gòn. Người Mỹ đảm nhiệm công tác huấn luyện cho Nam Việt Nam. Số cố vấn Mỹ lên đến 327 người.

 

■ 16-7-55: Hoa Kỳ khuyến khích ông Diệm tẩy chay cuộc bầu cử thống nhất.

 

■ 26-10-55: Ngô Đình Diệm tuyên cáo thành lập Việt Nam cộng hoà sau khi truất phế Bảo Đại.

 

■ 1956: Cuộc bầu cử thống nhất như Hiệp định Genève quy định không được thực hiện.

 

■ 1957-1959: Các hoạt động du kích gia tăng tại Nam Việt Nam.

 

■ 08-9-59: Hai cố vấn Mỹ bị du kích quân phục kích hạ sát. Đấy là những người Mỹ đầu tiên thiệt mạng trong cuộc chiến tranh thứ II tại Việt Nam.

 

■ 5-60: Hoa Kỳ gia tăng số cố vấn lên đến 685 người, con số tối đa được Hiệp định Genève cho phép. Con số này gia tăng đến 900 vào tháng 12.

 

■ 8-11-60: Kennedy đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Mỹ bắt đầu một chính sách can dự sâu rộng vào Việt Nam

 

■ 11-11-60: Cuộc nổi loạn của một số sĩ quan cấp tá trong quân đội Việt Nam cộng hoà nhằm lật đổ chính quyền Diệm thất bại vì không được Mỹ ủng hộ.

 

■ 20-12-60: Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam được thành lập.

 

■ 5-61: Kennedy quyết định gửi các binh sĩ thuộc Lực lượng Đặc biệt qua Nam Việt Nam và ra lệnh phát động một chiến dịch thuộc chiến tranh bí mật chống lại Bắc Việt.

 

■ 10-61: Cố vấn quân sự đặc biệt của tổng thống Mỹ, tướng Maxwell Taylor, được phái qua Sài Gòn. Kennedy gia tăng lực lượng quân sự Mỹ tại Việt Nam lên đến con số 3.200 người.

 

■ 8-2-62: Một bộ chỉ huy quân sự Hoa Kỳ được thiết lập tại Sài Gòn.

 

■ 03-63: Phật tử và sinh viên ở Huế biểu tình phản kháng chính quyền Diệm. Binh lính của Diệm nổ súng vào đám đông. Khủng bố, bạo động, rối loạn khắp Sài Gòn. Thượng toạ Thích Quảng Đức tự thiêu phản đối chính quyền Diệm. Báo chí Mỹ gia tăng chỉ trích chế độ độc tài của ông Diệm.

 

■ 01-11-63: Được Mỹ ngầm chấp thuận, các tướng lãnh trong quân đội Việt Nam cộng hoà lật đổ và sát hại anh em ông Diệm. Tướng Dương Văn Minh lãnh đạo tập đoàn tướng lãnh làm đảo chánh. Sài Gòn trải qua các cuộc xáo trộn chính trị liên tiếp (13 chính phủ trong 19 tháng). Mặt trận Dân tộc Giải phóng gia tăng các hoạt động ở nông thôn.

■ 5-8-64: “Biến cố vịnh Bắc Việt”: Hai khu trục hạm Mỹ Maddox và Turner Joy báo cáo bị tàu tuần duyên Bắc Việt tấn công tại vịnh Vắc Việt. Lấy cớ này, tổng thống Johnson tức khắc ra lệnh oanh kích trả đũa các hệ thống tiếp tế và các “thuyền bè có bố trí súng” của Bắc Việt. Ông cũng đồng thời yêu cầu Quốc hội Mỹ lấy biểu quyết để trao cho ông quyền chọn “mọi biện pháp thiết yếu” để giữ vững an ninh ở Đông Nam Á. Thượng viện Mỹ chấp thuận với số phiếu 88 thuận, 2 chống. Hạ viện Mỹ chấp thuận với toàn bộ 416 phiếu. Sau này, tổng thống Johnson trưng quyết nghị này của Quốc hội Mỹ như quyền để hành động về mặt quân sự mà không cần tuyên chiến. Sự thật về vụ gọi là “Biến cố vịnh Bắc Việt”, về sau, tập “Hồ sơ mật của Ngũ giác đài” vạch rõ: Nhà cầm quyền Hoa Kỳ cho rằng mình không hay biết gì về những vụ hành quân bí mật trước đó của các đơn vị hải quân Nam Việt Nam trong khu vực hai khu trục hạm Mỹ bị bắn. Ngày 5-8-64, ông Mc Namara, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, được hỏi trong một cuộc họp báo rằng: “Có biến cố nào theo ông liên hệ tới các tàu Nam Việt Nam và Bắc Việt Nam?”, ông đã khẳng định: “Không, không có gì hết theo tôi biết”. Cuộc nghiên cứu của Ngũ giác đài được tiết lộ trong tập “Hồ sơ mật” lại cho biết: “Vào nửa đêm ngày 30-7, các biệt kích hải quân Nam Việt Nam thuộc quyền chỉ huy của tướng Westmoreland đã đổ bộ đột kích 2 hòn đảo nhỏ ở vịnh Bắc Việt. Hiển nhiên các tàu Bắc Việt đã tưởng lầm các khu trục hạm Mỹ là tàu hộ tống Nam Việt Nam! Việc oanh tạc trả đũa Bắc Việt của Hoa Kỳ trong vòng không đầy 12 tiếng đồng hồ sau khi được tin cũng cho thấy việc tấn công của Hoa Kỳ đã được chuẩn bị sẵn sàng tới mức độ nào!

■ 30-11-64: ông Lyndon Johnson vận động tranh cử cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hứa “không nới rộng chiến tranh” đã thắng lớn trước đối thủ Goldwater. Vào cuối năm này, lực lượng Mỹ ở Nam Việt Nam đã lên đến 23.000 người.

 

■ 7-2-65: Du kích quân tấn công căn cứ Mỹ ở Pleiku và hạ sát 8 người Mỹ. Lấy cớ này, tổng thống Johnson ra lệnh mở đầu chiến dịch oanh tạc triệt để Bắc Việt.

 

■ 8-2-65: Hai đại đội đầu tiên của Thuỷ quân Lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Đà Nẵng.

 

■ 4-65: Tổng thống Johnson tuyên bố Mỹ sẵn sàng thương thuyết về một nền hoà bình tách Nam Việt Nam thành một nước riêng. Hà Nội bác bỏ đề nghị này, đòi Hoa Kỳ rút quân để ngỏ cửa cho sự thống nhất Việt Nam.

 

■ 6-65: Đảo chánh tại Nam Việt Nam. Tướng Nguyễn Văn Thiệu trở thành nguyên thủ quốc gia và thiếu tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ làm thủ tướng. Toà Bạch ốc xác nhận báo cáo là quân lực Mỹ bây giờ được phép tham chiến. Lực lượng quân sự Mỹ từ 74.000 tăng lên 148.000 người vào tháng 10. Tướng Westmoreland yêu cầu có 350.000 quân và tuyên bố là có thể thắng trong cuộc chiến.

 

■ 24-12-65: Tổng thống Johnson ra lệnh tạm ngưng oanh tạc Miền Bắc Việt Nam và gửi các viên chức cao cấp đến nhiều thủ đô trên thế giới để vận động cho một nền hoà bình theo những điều kiện của Mỹ. Các cuộc tiếp xúc không đem tới một kết quả gì. Những cuộc oanh tạc lại tiếp tục 37 ngày sau đó.

 

■ 4-66: Hoa Kỳ bắt đầu dùng máy bay B.52 oanh tạc Bắc Việt. Lực lượng quân đội Mỹ lên đến 389.000 người vào cuối năm.

 

■ 5-67: Lực lượng Mỹ tiến vào vùng phi quân sự nói là “để ngăn chặn các đường xâm nhập từ Bắc”. Quân số Mỹ tại Việt Nam tăng đến 463.000 người vào tháng 6.

 

■ 30-01-68: Mặt trận Dân tộc giải phóng khởi sự cuộc tổng công kích Tết Mậu thân vào tất cả các thành phố lớn tại Nam Việt Nam, đột kích Toà Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, tràn ngập một phần khu vực Chợ Lớn, chiếm thành phố Huế.

 

■ 03-3-68: Tổng thống Johnson tuyên bố rút lui khi mãn nhiệm kỳ, ra lệnh đình chỉ một phần những cuộc oanh tạc Miền Bắc Việt Nam.

 

■ 13-5-68: Khởi sự những cuộc hoà đàm tại Pa-ri giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt.

 

■ 31-10-68: Đình chỉ toàn thể các cuộc oanh tạc Việt Nam dân chủ cộng hoà.

 

■ 06-11-68: Ông Nixon đắc cử tổng thống Mỹ, đặt ông Cabot Lodge làm trưởng phái đoàn Hoa Kỳ tại Hòa hội Pa-ri.

 

■ 15-01-69: Thoả thuận thương thuyết bốn bên tại Pa-ri.

 

■ 08-06-69: Thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. Tổng thống Nixon gặp tổng thống Thiệu ở Midway và tuyên bố sẽ giảm bớt 25.000 trong số 541.000 quân Mỹ ở Việt Nam vào trước tháng 9.

 

■ 04-8-69: Lần gặp gỡ mật đầu tiên giữa ông Kissinger và đại diện Bắc Việt tại Pa-ri.

 

■ 03-9-69: Cụ Hồ Chí Minh mất.

 

■ 11-69: Nixon loan báo chương trình “Việt Nam hoá” cuộc chiến.

 

■ 29-4-70: Quân đội Việt Nam cộng hoà và Hoa Kỳ mở cuộc “hành quân vượt biên” tiến sang Cam-bốt tiếp theo cuộc đảo chánh lật đổ hoàng thân Sihanouk. Những binh sĩ cuối cùng của Hoa Kỳ rời Cam-bốt ngày 29-6; 40.000 binh sĩ Việt Nam cộng hoà còn ở lại Cam-bốt để bảo vệ các thành phố chính cho tới cuối năm 1971.

 

■ 7-10-70: Tổng thống Nixon đề nghị ngưng chiến tại chỗ cho khắp Đông Dương. Hà Nội bác bỏ đề nghị này và đòi Mỹ rút quân.

 

■ 08-02-71: Với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, quân đội Việt Nam cộng hoà mở cuộc “hành quân vượt biên” tiến vào Hạ Lào. Số quân này trở lại Nam Việt Nam vào hai tháng sau.

 

■ 26-6-71: Trong cuộc mật đàm, đại diện Hà Nội đưa ra đề nghị 9 điểm của Việt Nam dân chủ cộng hoà.

 

■ 01-7-71: Tại Hội nghị Ba-lê [Paris], bà Nguyễn Thị Bình công bố đề nghị 7 điểm của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam.

 

■ 11-10-71: Trong cuộc mật đàm, Kissinger đưa ra đề nghị 8 điểm của Hoa Kỳ.

 

■ 26-01-72: Mỹ tiết lộ đề nghị 8 điểm đã đưa ra trong cuộc mật đàm ngày 11-10-71.

 

■ 31-01-72: Hà Nội công bố đề nghị 9 điểm đã đưa ra trong cuộc mật đàm ngày 26-6-71.

 

■ 09-3-72: 50.000 quân Việt Nam cộng hoà mở cuộc hành quân “tái xâm nhập” vào lãnh thổ Cam-bốt.

 

■ 30-3-72: Cộng quân khởi sự cuộc tổng tấn công tại Miền Nam Việt Nam.

 

■ 06-04-72: Hoa Kỳ tái oanh tạc Miền Bắc Việt Nam.

 

■ 01-05-72: Cộng quân chiếm tỉnh lị Quảng Trị và kiểm soát tỉnh cực bắc này.

 

■ 08-05-72: Nixon ra lệnh phong toả, thả mìn tại các hải cảng và sông ngòi Bắc Việt. Hoa Kỳ đề nghị rút quân trong vòng 4 tháng, sau khi đạt được ngưng bắn có quốc tế giám sát.

 

■ 17-6-72: Mỹ chấm dứt vai trò tác chiến ở Việt Nam, một lực lượng 60.000 người còn ở lại.

 

■ 12-09-72: Vụ nổ ở phi trường Biên Hoà, phá hư 70 phi cơ.

 

■ 08-10-72: Hà Nội đề nghị với Hoa Kỳ một tài liệu, dựa theo đó, văn kiện chấm dứt chiến tranh sẽ được soạn thảo. Kissinger kéo cả bộ tham mưu qua Pa-ri mật đàm sâu rộng trên “sáng kiến mới” này của Hà Nội cho tới ngày 11-10-72.

 

■ 26-10-72: Bắc Việt công bố dự thảo hiệp định 9 điểm đã được Hoa Kỳ thoả thuận và tố cáo Mỹ không tôn trọng thời gian biểu kí kết.

 

■ 27-10-72: Hoa Kỳ ngưng oanh tạc Bắc Việt từ trên vĩ tuyến 20. Các cuộc vận động trong tổng tuyển cử ở Mỹ bước vào giai đoạn chót.

 

■ 07-11-72: Ông Nixon tái đắc cử tổng thống Hoa Kỳ.

 

■ 20-11-72: Đại diện Mỹ - Bắc Việt lại tiếp tục các cuộc mật đàm cho tới 25-11 (6 phiên); rồi từ 4 đến 13-12 (9 phiên).

 

■ 16-12-72: Cố vấn của tổng thống Mỹ, ông Kissinger, họp báo nói là các cuộc thương thuyết chưa đạt được kết quả.

 

■ 18 đến 29-12-72: Tổng thống Nixon ra lệnh tái oanh tạc triệt để nhắm vào các thành phố quan trọng của Việt Nam dân chủ cộng hoà, trong đó gồm cả Hà Nội và Hải Phòng. 17 náy bay B.52, 10 máy bay F.111 đã bị bắn hạ và khoảng 100 phi công Mỹ đã bị bắt hoặc mất tích sau 12 ngày oanh tạc dữ dội này.

 

■ 30-12-72: Tổng thống Nixon ra lệnh ngưng dội bom trên vĩ tuyến 20.

 

■ 08-01-73: Nixon khẩn cấp ra lệnh ngưng các cuộc oanh kích từ trên không, trên biển vào Bắc Việt, ngưng thả mìn tại các cảng và sông ngòi Bắc Việt.

 

■ 24-12-73: Bốn bên tham dự Hoà đàm Pa-ri cùng lúc chính thức công bố:

 

   -- 27-01: Kí kết “Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam”.

 

   -- 28-01: Thực hiện việc ngưng bắn trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

 

 

 

Gõ phím vi tính đúng y nguyên bản; xong phần 1 bài này & đưa lên web lúc khoảng 15 giờ, 15-8 HB7 (2007);

xong cả phần 2 & đưa lên web lúc 17 giờ 08 - 17 giờ 29 phút, cùng ngày.

 

WebTgTXA. ghi chú: Những “biến cố chính” được ghi theo dạng biên niên này, trên tạp chí Đối Diện, số 48, tháng 7-1973, vẫn còn một số thiếu sót quan trọng, nếu xét theo yêu cầu tổng quát. Tuy nhiên, vì ban biên tập chỉ chú trọng đến những “biến cố” liên quan đến chủ đề chính của số tạp chí này, đó là Hội nghi Genève 1954 và Hội nghị Paris 1968-1973, cho nên, đã “bỏ sót” như vậy.

 

Về Hội nghị Paris 1968-1973, tạp chí còn có một bài khác liệt kê các diễn biến của "5 năm thương thuyết", với một số ghi nhận đáng lưu ý về những cuộc trao đổi, dàn xếp giữa các siêu cường, giữa siêu cường với Hà Nội, siêu cường với Sài Gòn như: 22 tháng 02-1972, Nixon đi Bắc Kinh; 22 tháng 5-1972, Nixon đi Mạc Tư Khoa; 18 tháng 10-1972, Kissinger qua Sài Gòn gặp Nguyễn Văn Thiệu; 28 tháng 12-1972, Nguyễn Thị Bình đến Bắc Kinh, được đón tiếp một cách trọng thể...

 

 

Nguồn tư liệu: Tạp chí Đối Diện, số 48, tháng 7-1973, tr. 9-18

(Chủ nhiệm: Lm. Trần Tam Tỉnh

Phụ trách số này: Lm. Nguyễn Viết Khai

Trình bày số này: Thế Nguyên, Diễm Châu, Đoàn Tường)

 

Mượn số tạp chí này từ Tủ sách TS. Phan Văn Hoàng (12-8 HB7 [2007])

 

Bản gõ phím vi tính & ghi chú: WebTgTXA., 15-8 HB7 (2007).

 

 

 

Bổ túc 1:

1973-1975

 

Archimedes L.A. Patti,

Why Vietnam -- Tại sao Việt Nam, Lê Trọng Nghĩa dịch, Nxb. Đà Nẵng, tái bản lần thứ nhất, 2001, tr. 910- 912

 

(trích bản biên niên sơ lược từ 1858-1885, nhưng thực ra, chỉ tính từ 1890, năm sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, đến 1976; dưới đây là đoạn cuối)

 

1973

 

■ Tháng 01:

 

-- Hội đàm hoà bình tiếp tục trở lại (8 tháng 01).

 

-- Lệnh ngừng mọi hoạt động tấn công Bắc Việt Nam (15 tháng giêng).

 

-- Kí các Hiệp định (27 tháng giêng) do tổng trưởng Ngoại giao Rogers, các bộ trưởng ngoại giao Nam Việt Nam và Bắc Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Cộng.

 

-- Cuộc ngừng bắn bắt đầu (28 tháng giêng).

 

■ Tháng 2 – tháng 3:

 

-- 590 tù binh Mỹ được Bắc Việt Nam thả.

 

-- Đội quân cuối cùng Mỹ rời Việt Nam, chính thức kết thúc vai trò quân sự trực tiếp của Mỹ (29 tháng 3).

 

■ Tháng 7:

 

-- Graham Martin thay Bunker làm đại sứ Mỹ ở Nam Việt Nam.

 

1974

 

■ Tháng 01 – tháng 5:

 

-- Quân đội Việt Nam Cộng hoà mở các chiến dịch tấn công đánh các căn cứ của Mặt trận Giải phóng và Quân đội Nhân dân Việt Nam chung quanh Sài Gòn.

 

-- Cuộc ngừng bắn tháng giêng 1973 tan vỡ nhưng cuộc xung đột không dính gì đến quân đội Mỹ một cách công khai.

 

-- Các cuộc chiến đấu xảy ra giữa Bắc và Nam Việt Nam gia tăng ở vùng Cao nguyên và phía tây Sài Gòn.

 

■ 3 tháng 6:

 

-- Mỹ rút các cố vấn Mỹ khỏi Lào, sau khi Chính phủ Liên hiệp Lào thành lập (5 tháng tư).

 

■ 9 tháng 8:

 

-- Tổng thống Nixon từ chức.

 

■ Tháng 12:

 

-- Chính phủ Hà Nội (VNDCCH.) quyết kết thúc các cuộc hoạt động quân sự, và thống nhất đất nước, cho phép Quân đội Nhân dân Việt Nam mở một cuộc tổng tiến công chống quân đội Thiệu vào 1975.

 

1975

 

■ 01 – 7 tháng 01:

 

-- Cộng sản bắt đầu tiến về hướng Sài Gòn và chiếm tỉnh lị tỉnh Phước Bình, khoảng 15 dặm bắc Sài Gòn.

 

■ 8 tháng 01 – 16 tháng 4:

 

-- Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến đánh các đô thị chủ yếu từ Quảng Trị (nam khu phi quân sự) đến Phan Rang (160 dặm đông bắc Sài Gòn).

 

■ 16 tháng 4:

 

-- Lon Nol đầu hàng Khmer đỏ, kết thúc năm năm chiến tranh ở Kampuchea.

 

■ 20 tháng 4:

 

-- Thị trấn Xuân Lộc (30 dặm đông bắc Sài Gòn) bị mất vào tay Quân đội Nhân dân Việt Nam, đó là vị trí ngăn chặn cuối cùng trên đường tiến vào Sài Gòn.

 

-- Trực thăng Mỹ bắt đầu cho di tản công dân Mỹ và Việt Nam khỏi Sài Gòn.

 

■ 21 tháng 4:

 

-- Thiệu từ chức, trao chính phủ cho Trần Văn Hương.

 

■ 27 tháng 4:

 

-- Quốc hội Nam Việt Nam bầu tướng Dương Văn Minh (“Minh lớn”) làm tổng thống với nhiệm vụ tìm cách vãn hồi hoà bình.

 

■ 28 tháng 4:

 

-- Tổng thống Minh nhận chức, ra lệnh cho quân đội “ở đâu đóng đó” và phòng vệ cho đất đai khỏi bị mất.

 

■ 30 tháng 4:

 

-- Tổng thống Minh đầu hàng không điều kiện Cộng sản, và Quân đội Nhân dân Việt Nam / Mặt trận Giải phóng tiến vào chiếm Sài Gòn.

 

-- Nhà chức trách quân sự Mỹ di tản số 1.000 người Mỹ còn lại và bắt đầu cuộc di tản khoảng 130.000 người Việt Nam khỏi Nam Việt Nam.

 

1976

 

■ 02 tháng 7:

 

-- Chính thức công bố thống nhất Việt Nam thành Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thủ đô ở Hà Nội.

 

■ 20 tháng 12:

 

-- Đảng Lao động Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

 

WebTgTXA. gõ phím vi tính đúng y nguyên bản, xong lúc 16 giờ 39’, ngày 16-8 HB7 (2007) và đưa lên web ngay sau đó.

 

Bổ túc 2:

1975-1989

 

GS. Trương Hữu Quýnh, GS. Đinh Xuân Lâm, PGS. Lê Mậu Hãn (ban chủ biên) cùng nhiều tác giả khác: PGS. Nguyễn Cảnh Minh, GS. Phan Đại Doãn, PGS. Nguyễn Văn Khánh, PGS. Nguyễn Đình Lễ, CN. (cử nhân) Lê Đình Hà, PGS. Nguyễn Văn Thư, PGS. Trần Bá Đệ,

“Đại cương lịch sử Việt Nam”, toàn tập, Nxb. Giáo Dục, 2001, tr.1125-1128.

 

(WebTgTXA. tóm lược các trang sđd., trình bày theo dạng biên niên)

 

1975

 

■ 17-4-1975:

 

-- Khmer đỏ (Pol Pot – Ieng Xary – Khieu Xamphon) chiến thắng hoàn toàn tại Cam-pu-chia.

 

■ Tháng 5-1975:

 

-- 03-5-1975: Pol Pot cho quân đánh chiếm đảo Phú Quốc (thuộc lãnh thổ Việt Nam).

 

-- 10-5-1975: Khmer đỏ đánh chiếm đảo Thổ Chu, và tiếp theo đó, xâm phạm nhiều vùng lãnh thổ dọc biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh.

 

1977

 

■ Từ tháng 4-1977:

 

-- Khmer đỏ vẫn tiếp tục lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam, tấn công ở quy mô nhỏ và quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới.

 

■ Tháng 9 – tháng 11-1977:

 

-- Khmer đỏ tiến công từ 3 đến 5 sư đoàn;

 

-- Các hoạt động chống Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại TP.HCM. và ở một số tỉnh Nam bộ của các lực lượng “phản động quốc tế” (nguyên văn).

 

1978

 

■ ?-1978:

 

-- Việt Nam đưa ra với phía Cam-pu-chia đề nghị 3 điểm.

 

■ Từ 5-11-1978:

 

-- Bộ đội Việt Nam thu quân cách biên giới 5 km;

 

-- Khmer đỏ tiếp tục tăng cường quân.

 

■ Từ 22-12-1978:

 

-- Khmer đỏ huy động 19 trên tổng lực lượng là 23 sư đoàn, cùng với xe tăng, pháo lớn, tiến công vào Bến Sỏi thuộc tỉnh Tây Ninh, với ý đồ đánh chiếm Tây Ninh và chuẩn bị đánh sâu vào nội địa Việt Nam.

 

-- Bộ đội Việt Nam phản kích thắng lợi: “Chiến thắng biên giới Tây – Nam”.

 

■ Từ 03-12-1978:

 

-- Thành lập “Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia”

 

-- Bộ đội Việt Nam sau khi phản kích đã tiến thẳng vào Cam-pu-chia.

 

1979

 

■ Từ 7-01-1979:

 

-- Bộ đội Việt Nam cùng lực lượng “Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia” tiến công vào thủ đô Pnong Penh;

 

-- Các cơ quan đầu não Khmer đỏ tháo chạy khỏi Pnong Penh.

 

■ 16 – 18-2-1979:

 

-- Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng chính thức thăm Cam-pu-chia, cùng phía “Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia” kí kết một hiệp ước (18-2-1979).

 

-- Theo Hiệp ước Việt – Cam-pu-chia 18-2-1978, bộ đội Việt Nam tiếp tục ở lại Cam-pu-chia.

 

“Hành động chống Việt Nam trên đây của tập đoàn Pol Pot – Ieng Xary – Khieu Xamphon được Mỹ (Hoa Kỳ) và một số nước khác đồng tình, giúp đỡ. Trung Quốc […] lúc đó lại đồng tình ủng hộ […] (cho quân khiêu khích dọc biên giới phía bắc nước ta, cắt viện trợ, rút chuyên gia, vận động Liên hiệp quốc và các nước trên thế giới cũng làm như vậy)” (sđd., tr. 1128).

 

■ Từ 17-02-1979:

 

-- Trung Quốc tiến công dọc biên giới phía bắc, từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu), với 32 sư đoàn (hơn 600.000 quân), 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1260 súng cối…

 

-- Quân dân Việt Nam phản công quyết liệt kết hợp với sự tố cáo trên thế giới hành động xâm lược, bá quyền của Trung Quốc.

 

■ 05-3 – 18-3-1979:

 

-- Trung Quốc rút quân ra khỏi Việt Nam.

 

1989

 

■ ? -1989:

 

-- Bộ đội Việt Nam rút quân ra khỏi Cam-pu-chia sau khoảng 10 năm trú đóng.

 

 

KẾT THÚC CUỘC CHIẾN TRANH 131 NĂM (1858-1989):

1858-1885-1896 -- 1930-1945-1954-1975-1989

 

Ghi chú: Một số thiếu sót quan trọng trong "bảng liệt kê" theo dạng biên niên trên:

-- Việt Nam kí kết hiệp ước liên minh quân sự với Liên Xô;

-- Vấn đề "thuyền nhân";

-- Sự sụp đổ khối các nước cộng sản ở Đông Âu và sự tan rã của Liên Xô;

-- Việt Nam bước vào tiến trình "Đổi mới"...

WebTgTXA. tóm lược các trang sđd., trình bày theo dạng biên niên, gõ phím vi tính, xong lúc 07 giờ 46’, ngày 18-8 HB7 (2007) và đưa lên web ngay sau đó.

 

 

►► Tham khảo thêm các bài báo nhiều người đã đọc

trên Tạp chí điện tử BBCVietnamese:

(có thể đọc trực tiếp theo các dòng dẫn dưới mỗi nhan đề)

1. Điểm sách: Hồ Chí Minh - Những năm chưa biết

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culturesport/story/2006/03/060317_hochiminh_review.shtml

2. Cố vấn Trung Quốc ở Việt Nam (1950-1952) (bài 1)

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/entertainment/story/2004/03/040318_chineseadvisers.shtml

3. Cố vấn Trung Quốc và đường đến Điện Biên (bài 2)

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/entertainment/story/2004/03/040321_chineseadviserstwo.shtml

4. Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ (trích hồi kí)

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/entertainment/story/2004/03/040325_generalgiap.shtml

5. Sự cạnh tranh Liên Xô - Trung Quốc trong cuộc chiến VN

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/04/050402_chinarussiavietnamwar.shtml

6. Phần một: Khía cạnh ngoại giao trong chiến tranh VN

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/04/050406_duikervietnamwar.shtml

7. Phần hai: Khía cạnh ngoại giao trong chiến tranh VN

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/04/050412_duikervietnamtwo.shtml

8. Phần ba: Khía cạnh ngoại giao trong chiến tranh VN

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/04/050423_duikervietnamthree.shtml

9. Phản ứng của Liên Xô - TQ ở thời kì cuối cuộc chiến

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/04/050402_lastdaysattitude.shtml

10. Viện trợ quốc tế cho miền Bắc trong chiến tranh

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/04/050412_vietnamwaraid.shtml

V.v...

►► Xem thêm ngay trên trang 4 "Bài mới - Sách mới - Tin tức mới":

Toàn văn HIỆP ĐỊNH GENÈVE, 20-7-1954

& Toàn văn TUYÊN BỐ CUỐI CỦA HỘI NGHỊ GENÈVE, 21-7-1954

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/dich_hd-geneve-1954.htm

Toàn văn HIỆP ĐỊNH PARIS 27-01-1973, bản tiếng Việt

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/hdparis-1973_saigonbao.htm

►► Xem lại toàn văn 4 cưỡng ước thời kì đầu thực dân Pháp xâm lược (1858-1885): 

Cưỡng ước 1862  |  Cưỡng ước 1874  |  Cưỡng ước 1883  |  Cưỡng ước 1884

________________________________________________________________________________________________

    

Ý KIẾN NGƯỜI ĐỌC  (Link cũ)

http://txawriter.wordpress.com  (Link mới)

 

Trở về

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-4

 

& các trang bài mới -- sách mới -- tin tức mới 1, 2 & 3: 

 

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-1.htm

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-3

 

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

    lên đầu trang (top page)   

 

Đưa lên web: từ ngày 15-8 HB7

& 16-8 HB7 & 18-8 HB7