f. Trần Xuân An - Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Tệp 6 / tập I

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

07/01/09

           

 

TẬP I

 

 

Tệp 1

 

Tệp 2

 

Tệp 3

 

Tệp 4

 

Tệp 5

 

Tệp 6

 

Tệp 7

 

Tệp 8

 

Tệp 9

 

Tệp 10

 

Tệp 11

 

Tệp 12

 

Tệp 13

 

Tệp 14

 

Tệp 15

 

Tệp 16

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

 

Trần Xuân An,

nội hậu duệ thế hệ thứ năm.

 

 

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

Xem:

Tạp chí điện tử Giao Điểm tháng 11-2005:          

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm

Blogger (Google) tháng 12-2005

http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/

   & các trang tiếp theo: … 2a … 2b … 2c …

 

TỆP 6

Phân đoạn 1

truyện kí thứ tư

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

PHỦ DOÃN KINH ĐÔ,

NGƯỜI TỰ NGUYỆN TỪ CHỨC,

VÀ BỊ CÁCH CHỨC

 

Truyện kí thứ tư

(phân đoạn 1)

 

 

      1

      Mưa tháng giêng lất phất bay suốt cả mươi ngày qua. Sáng nay, trời hơi hửng nắng nhưng vẫn còn những luồng gió se lạnh. Hôm qua, quan án sát Nguyễn Văn Tường dự định mai nay, cho dù mưa hay nắng, cũng sẽ ra cánh đồng Mậu Hồng thắp những nén hương tưởng nhớ những người thân thuộc đã khuất, nhất là trên hai nấm mộ của cha và mẹ. Trước ngày chạp mộ trong năm, một ngôi hãy còn xanh chưa đều cỏ và một ngôi đất đắp vẫn còn mới. Đó là những nén hương tạ lỗi trước khi phải rời quê nhà ra đi. Ông không thể trái lệnh của nhà vua và Bộ Lại, mặc dù rất đau lòng. Phải đành ra đi, khi đang trong thời hạn cư tang, hai cái đại tang liên tiếp cách nhau năm tháng ngắn ngủi, để vào kinh nhận công việc được giao phó!

       Với hai vành khăn tang, hai bộ áo quần tang trắng, quan án sát và đứa con trai đầu lòng đã mười sáu tuổi, cầm hai nén hương khói bay nghi ngút, đứng trước nấm mộ chưa xanh cỏ, thầm khấn nguyện.

      Khi cắm xong nén hương dưới chân mộ, ông nói với con trai:

      - Thiều, con! Con biết đấy, cha phải vào kinh đô. Do đó, con là cháu đích tôn của ông nội và mệ nội, con thay cha để cư tang cho tròn đạo hiếu. – Quan án sát bỗng nghẹn lời, cắn chặt môi cho khỏi bật ra tiếng khóc –.

      Một lúc sau, ông mới kìm được nỗi nghẹn ngào, lại bảo con trai:

      - Thiều, con! Con cũng thừa biết, lẽ ra, ta phải cư tang trọn hai năm cộng với năm tháng. Đây là hai đại tang. Mỗi hạn định cư tang, ít ra là phải mười hai tháng. Nhưng… con cũng đã đọc sắc chỉ của đức vua, Bộ Lại sao lục, hôm làng xóm hạ nêu, binh trạm đưa về… Ta cầu mong hương hồn ông mệ của con tha thứ cho ta…

      - Dạ, con xin vâng lời cha. Xin cha yên lòng. – Thiều cúi đầu, khẽ thưa –.

     Hai cha con vái trước nấm đất có mộ chí tạm bằng gỗ. Trên tấm gỗ dày, có khắc mấy hàng chữ: “Dương Thị Liên chi mộ. Tạ thế: cửu nguyệt, lục nhật, Quý hợi Tự Đức thập lục niên. Tử tôn đồng phụng lập”. Quan án sát khẽ quay người, vái vọng một lần nữa ngôi mộ của thân phụ kề đó, đất đã khá cũ. Ông lặng nhìn nén hương mới vừa thắp xong bên ấy, trước khi qua mộ mẹ. Người cha kính thương của ông mất trước mẹ ông năm tháng! Tám tháng trước, cũng chính ông đã dựng tấm bia gỗ kia, hàng chữ đen vẫn còn rõ nét trước mặt ông (1)!

     Thiều đã cao đến vai quan án sát. Hai cha con trong tang phục, giữ quy thức đội nón lá cời, đi chân đất, bước trên lối nhỏ của khoảnh đất gò đã từ lâu được san phẳng cạnh cánh đồng Mậu Hồng (Hồng Điền), rẽ ra con đường lồi lõm vết móng trâu còn sũng nước mưa, đang lấp loáng màu nắng nhạt. Họ lặng lẽ về lại nhà.

      Từ nghĩa trang họ Nguyễn, về đến nhà cũng không xa lắm. Quan án sát vừa nhìn xuống đường làng sũng bùn đất, cẩn thận bước, vừa dặn dò con trai:

      - Trong hai năm ở lại quê nhà để cư tang, con phải lo học hành. Hôm qua, cha đã đến thăm nhà của cụ cử Văn. Học trò của cụ cử khá đông, nhiều người thành đạt, đỗ đến đại khoa. Con nhớ nối chí ta, bồi đắp gia phong bằng khoa bảng. Đó là về văn thân. Còn về võ nghệ, con đến học ở cụ đề Nhẫn. Cụ đã hồi hưu, nhưng còn tráng kiện lắm, đường quyền ngọn cước vẫn đả hổ được. Nhớ đấy!

      - Dạ, xin cha yên lòng. Hết hạn cư tang, con cũng xin quan huấn đạo được xét hạch, khảo khoá để dự thi hương.

      - Tốt lắm! Nhớ vun đắp gia phong như rứa!

      Vào đến nhà, treo chiếc nón cời, biểu hiện của sự chịu thương chịu khó trong lúc cư tang, quan án sát vào đứng trước bàn thờ tổ tiên, cha mẹ, thắp hương khấn niệm để xin phép ngày mai phải lên đường vào kinh đô.

      Chiều hôm đó, ông đi chào bà con, láng giềng, bạn bè thuở nhỏ.

      Sáng hôm sau, quan án sát đi ngựa của binh trạm vào Huế, từ giã làng quê An Cư, mái tranh thân thuộc và hai nấm mộ song thân còn mới…

      Năm trước, viên ngoại lang Nguyễn Văn Tường mới rời Bộ Binh vào Quảng Nam, thay Ngụy Khắc Đản làm án sát, để vị quan họ Ngụy về Nghệ An thu xếp việc nhà trước khi sung chức bồi sứ, cùng chánh phó sứ Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ sang Phú Lãng Sa bàn tục ước (2). Ông ngỡ là sẽ phải nhậm chức ở tỉnh lị tại La Qua (Điện Bàn) (3) ít ra cũng phải đến lúc sứ bộ trở về nước. Nào ngờ, năm ngoái, vào tháng năm nguyệt lịch, Quý hợi (1863), khi sứ bộ khởi hành, cũng là lúc ông phải viết sớ xin về quê cư tang. Cũng thật không ngờ và quá đỗi đau lòng, cách đây gần bốn tháng, ông phải chít thêm một khăn đại tang khác. Hai vành khăn tang nối nhau bằng những mũi chỉ khâu, dài tám thước ta rưỡi (40 cm x 8,5 = 3m40), dài đúng gấp đôi tấm thân ông được sinh thành!

      Năm đó, Bộ Hộ và phủ doãn kinh sư buồn thương tổng kết, Thừa Thiên – Quảng Trị tổn thất đến ba nghìn sáu trăm (3.600) sinh mạng, chưa nói đến các tỉnh khác từ Cao Bằng đến lục tỉnh Nam Kì (4)! Con số hẳn phải hàng vạn! Đó là đại hoạ khủng khiếp bởi thiên tai dịch lệ, diễn ra tiếp sau nạn nước đau lòng bởi “hoà” ước Nhâm tuất (1862)!

      Trên đường phi ngựa trạm vào kinh, quan án sát bất chợt ngậm ngùi liên tưởng đến niềm cam chịu, vô phương thuốc thang trước nghịch cảnh: cái chết bởi dịch lệ, của hữu tham tri Nguyễn Du (5). Nguyễn Du không chịu uống thuốc nữa, bảo là “tốt”, chữ “tốt” của một người chờ mong cái chết đến với mình, khi nghe người nhà cho biết, cái lạnh của nỗi chết đã lạnh dần từ chân lên ngực ông, trong giờ hấp hối. Quan án sát Nguyễn Văn Tường khẽ ngâm những câu thơ của thi hào Tố Như, họ Nguyễn làng Tiên Điền, thuở ấy, và rưng rưng nước mắt:

“Thập khẩu đề cơ Hoành lĩnh bắc

Nhất thân ngoạ bệnh Đế thành đông”

Mười miệng đói kêu bắc núi Hoành

Một thân bệnh rụi đông thành Huế

      Đúng là Nguyễn Du lâm vào cảnh túng quẫn. Đúng là không biện pháp nào, thuốc thang nào có thể ngăn chặn được cơn lốc dịch bệnh từ bấy đến nay, thỉnh thoảng lại bùng lên, hoành hành, khiến hàng vạn người phải chết, không cách nào chữa khỏi. Và cũng đúng là ở Nguyễn Du, bệnh dịch đã trở nên quá trầm kha, nhưng có lẽ Nguyễn Du còn mang một tâm trạng u uất nào đó đến mức không thiết sống nữa chăng?

      Không! Phải dấn thân, nhập thế như một Nguyễn Công Trứ, họ Nguyễn làng Uy Viễn, người đồng huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An của Tố Như (6)! Vận nước vô vàn khốn khó, nhà vua đang xuống chiếu cầu hiền… Đâu cần phải quỳ dâng Thái bình thập sách trên đường vua Minh Mạng đang tuần du ra Bắc như Nguyễn Công Trứ ngày xưa! Khác với hai tâm trạng kia, quan án sát Nguyễn Văn Tường thấy lòng mình đang suy sụp, nặng trĩu bởi nỗi buồn đau như toả ra từ hai chiếc khăn tang, tang cha rồi tang mẹ, nối nhau vấn quanh mái đầu ông. Lúc này, cùng với tiếng vó ngựa trạm soải mạnh trên đường thiên lí vào kinh nhận mệnh lệnh vua, ông cần những vần thơ đầy tráng chí của Uy Viễn tướng công thuở hàn vi, vị ngộ để hâm nóng trái tim và nghị lực:

“Chí làm trai nam bắc tây đông

Cho phỉ sức vẫy vùng nơi bốn bể

Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh

Trong trần ai, ai nhục, ai vinh

Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ

Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ

Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong

Chí những toan xẻ núi lấp sông

Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ…”.

 

      2

      Màu trời kinh đô Huế vẫn xanh dịu trong sắc nắng giữa tháng giêng. Huế dâng hương hoa lên bàn thờ gia tiên và ở các chùa chiền trong lễ thượng nguyên.

      Đêm nguyên tiêu, vầng trăng sáng ngần, vằng vặc, ánh trăng mênh mang, bát ngát trên dòng sông Hương, lấp lánh. Đêm nay, kinh đô Huế bảng lảng khắp đất trời mùi trầm hương thiêng liêng, phảng phất hương hoa tinh khiết.

      Quan án sát Nguyễn Văn Tường lặng lẽ ngồi đối ẩm trên hành lang nhà tiếp tân thuộc khu vực công đường Bộ Binh, phía bên trái của hoàng thành. Hữu thị lang Bộ Lại, chánh tam phẩm Thân Văn Nhiếp nâng chén rượu:

      - Xin gửi lời phân ưu đến quý quyến. Đúng là tai trời ách nước! Nhưng cho dẫu thế nào, cũng mừng là quan nguyên án sát đã đem nghị lực bình sinh, dứt tình nhà, để lìa quê vào kinh lo việc nước. – Ông đưa cao chén rượu ngang mày, và ngửa mặt, uống cạn –. Cũng chúc mừng quan Nguyễn đã được thăng biện lí của Bộ Binh với hàm tòng tam phẩm!

      - Thật lòng đa tạ lời chia buồn và chúc mừng. Xin quan thị lang cho tôi khất chén rượu này cho đúng lễ… Tôi đúng là người bất hiếu! Nhưng, với sắc chỉ của đức vua, làm sao kháng chỉ được! Vả lại, kính nghĩ, hoàng thượng đã rất khổ tâm khi ra sắc chỉ, nhưng xưa nay, từ đấng thiên tử đến kẻ cùng đinh, ai cũng đều đặt nợ nước trên tình nhà.

      - Quan biện lí hẳn cũng hay chuyện là, cách đây không lâu, chính tôi đã có lần viết sớ tâu lên hoàng thượng về việc cư tang này. Bấy giờ, tôi xin ngài không thể cho quan viên dứt thời hạn cư tang trước mười hai tháng (7)… Đó là việc khi không khẩn cấp… Nhưng thôi, cái chính là đặt nợ nước trên tình nhà, và tuỳ lúc, tuỳ việc… Việc kinh lí Thành Hoá không thể thiếu quan biện lí đây được (8). Cả nước Đại Nam này, không tìm đâu ra một người am tường từng gốc cây, hẻm núi Thành Hoá như quan biện lí đây! Bộ Lại đã lục soạn hết danh sách, hồ sơ các quan viên tại chức, kể cả số hồi hưu còn khoẻ, cũng không tìm ra ai hơn… Cho nên… Vả lại, hoàng thượng đã để mắt…

      Quan biện lí Nguyễn Văn Tường im lặng nhìn ra sân. Ánh trăng nguyên tiêu ngời ngợi sáng, lóng lánh trên các đoá thược dược và những nhánh mai vàng lộc biếc. Một lát, ông nhìn hữu thị lang Bộ Lại họ Thân:

      - Tất cả chúng ta đã chuẩn bị rồi.

      - Đúng vậy. Đức vua đã duyệt y ngay trong ngày kia. Đây là đợt thăm xét dân tình, địa thế. Tuỳ tùng chúng ta là một quản cơ (chánh tứ phẩm), ba suất đội (chánh lục phẩm), một trăm lính biền binh ở cơ Định biên với đầy đủ vũ khí. Rất trọng thể! Và rất nhiều vật hạng để uỷ lạo các thổ ti, từ vải hoa Tây dương đến sa Nam, áo quần, chè, rượu… Triều đình muốn qua dịp này để tuyên bảo đức ý của nhà vua (8).

      - Rất hệ trọng nên phải trọng thể. – Quan biện lí Nguyễn Văn Tường nói, để tỏ ý mình đang lắng nghe –.

      - Tháng mười hai cuối năm Quý hợi (1863), triều đình được đức vua chuẩn y, ban sắc dụ lập chức hương thân ở các làng thôn (9). Đó là các nhân sĩ trên năm mươi tuổi, có đạo hạnh, không dự việc làng, chuyên đi đến các hộ dân để nói rõ về “tả đạo” cho dân hiểu, thuyết phục dân đừng nghe theo các “dữu dân”, cố đạo Tây. Những người ấy phải chiến đấu thầm lặng trên mặt trận không có gươm đao là thế đấy. Bởi vì răng mà phải như rứa? Ai nấy đều biết, là vì cái “hoà” ước Nhâm tuất (1862), có điều khoản cho bọn Phú và Y tự do truyền “tả đạo”. Ta buộc phải nhân nhượng, nhưng chỉ nhân nhượng trên giấy tờ thôi! Ta vẫn phải giải thích cho dân ta hiểu, đừng dại dột nghe chúng… Chúng dựng nhà thờ đạo Chúa, chúng tuyên truyền kệ xác chúng, ta như bịt mắt, bịt tai lại, hoặc chửi thầm chúng trong bụng!

      - Thửù tưởng tượng dân ta ngỡ đức vua và đình thần, biên thần đều giác ngộ “tả đạo” rồi, nên dân theo luôn! Nếu sự thật như rứa thì khốn!

      - Dân mình còn ngu lắm! – Quan hữu thị lang Thân Văn Nhiếp, chợt buột miệng nói thẳng, như vốn nổi tiếng là người trực ngôn –. Chúng lại tập hợp bọn lưu manh để cho cơm áo gạo tiền… Có đứa có học còn “mượn đạo tạo đời”, “theo đạo có gạo mà ăn” (10) rất đáng miệt thị!

      - Chúng lấy cái thực, không phải sự thực, mà là lương thực, ẩm thực, để vực cái đạo. Và truyền được cái đạo, chúng lại thực dân ta, xơi tái, nuốt sống nước ta… Đúng như nhà vua nói, việc đánh, việc giữ đã khó, mà việc hoà lại khó hơn (11)…

      Đêm hôm ấy, biện lí Bộ Binh Nguyễn Văn Tường nằm thao thức, bâng khuâng nhớ lại huyện miền núi Thành Hoá. Nơi đó, hơn chín năm ông đã sống, làm việc hết mình. Nơi đó, rất thân yêu với bao kỉ niệm, ngày mai ông lại trở về! Địa thế ấy, dân tình ấy, thật không ai thấu hiểu và cảm thông hơn… Trong giấc ngủ, ông chợt thấy một bọn cướp tóc râu ngô, da bạch tạng, mắt xanh, mũi lõ, súng dao và thập giá đầy người xông vào nhà, cả nhà dốc sức chống giữ, nhưng sức yếu, thế cô, lại có kẻ trong nhà theo “tả đạo” làm nội phản, nên đành thua, phải tiếp chúng làm thượng khách, để mặc chúng truyền bá “cái phong tục dã man” (12) của chúng cho người thân trong nhà, sau khi phải cắn răng, rứt ruột chia nhà cho chúng ở, chia người cho chúng sai bảo! Chiến đấu trong thế “hoà”, thực chất là đầu hàng, trên mặt trận không gươm đao, súng ống với thực dân “tả đạo”, quả thật, vừa khó, vừa nhục như thế đó! Ông thức giấc, bàng hoàng, và không thể ngủ lại được nữa cho đến sáng. Ông nôn nao nhớ Cam Lộ, Hướng Hoá, Đắc Krông với núi Tá Linh, Mai Lĩnh, Mai Đàn, với dòng sông Cam chảy về tây, tuôn đổ vào sông Khung (Mê Kông), với dòng sông Hiếu chảy về đông, tuôn ra biển Thái Bình (13). Nơi đó, những đồng bào Bru Vân Kiều, Cơ Tu, Tà Ôi chan hoà với đồng bào Kinh, thân thương, ngọt bùi san sẻ…

      Vầng trăng nguyên tiêu ngời sáng đang lặn về phía tây trùng điệp núi rừng, nơi ấy.

 

      3

      Thân Văn Nhiếp và Nguyễn Văn Tường cùng phái đoàn khâm sai về lại Huế, đúng vào lúc kinh sư Thừa Thiên – Quảng Trị đang ra sức chống bão lụt. Trận bão lụt năm Giáp tí (1864), Tự Đức năm thứ mười bảy, lại xảy ra vào tháng hai, giữa mùa xuân (14)! Đạo Quảng Trị lại nặng nhất! Đó là một điều rất lạ lùng, xưa nay hiếm thấy! Có vài người dân bảo: “Đổi trời rồi!”. Có dăm người dân khác bạo miệng hơn, như không kìm được phẫn uất: “Trời nhào đất lộn!”.

      Quan đi chẩn cấp phân vân khó xử, không biết có nên chia sẻ cho dân “tả đạo” cũng chung cảnh khốn khó không, và nếu san sẻ thì có lỗi gì không. Vua bảo: “Bọn kia cũng là con đỏ của ta, sao nỡ không nuôi nấng họ?” (14). Cũng từ đây, người ta dần dần không còn dùng từ “dữu dân” (dân xấu như cỏ mọc trong ruộng, làm hại lúa), “tả đạo” (tôn giáo sai lầm, theo “phong tục dã man” của Tây Âu), mà chỉ gọi là “dân đạo”, một từ quy ước, với nguyên nghĩa là dân có tôn giáo, hết sức chung chung, và do đó, gần như vô nghĩa, hoặc với nghĩa là dân có đạo lí, chứ không phải phi đạo lí. Nhưng phải đến bốn năm sau, hai từ “tả đạo”, “dữu dân” mới thực sự đổi hẳn trong thực tế lẫn trên giấy tờ, bởi có sự khiếu nại của các giám mục Tây dương ở Hà Nội, Nghệ An, Huế (15). Và trước đó, thời điểm sau khi “hoà” ước Nhâm tuất (1862) bị kí kết, các quan rất sợ bị dân đạo trả thù. Tuần vũ Nam Định Nguyễn Đình Tân, chẳng hạn, từng hạ lệnh tử hình đến bốn ngàn tám trăm (4.800) “tả đạo”, tâu xin cứ giam giữ bọn còn lại như cũ (16), nhưng sự thể đã ngược với lời tâu xin đó, lệnh tha hết dân đạo đã ban hành!

      Tháng hai nguyệt lịch ấy, Đặng Hạnh thay Tôn Thất Đính làm đề đốc kinh thành (17), triều đình đặt thêm chức phó quản đạo cho Quảng Trị (18). Và tiếp đến là sự kiện sứ bộ Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản về nước sau chuyến sang Ba Lê (Paris), thủ đô của nước Phú Lãng Sa, với lời hứa hẹn về một bản tục ước (19)! Biện lí Nguyễn Văn Tường thừa biết không thể nào dùng lời nói để chuộc lại cái đã mất! Tuy vậy, ông vẫn chờ ngày đến kinh đô Huế của toàn quyền sứ thần Phú (cũng dần dần, Phú đổi thành Pháp! (20)). Quả thật, ba tháng sau, khi Aubaret (Hà Ba Lí) đến (21), bấy giờ ông còn ở công đường Bộ Binh, Nguyễn Văn Tường hiểu rõ chỉ là vô ích chuyến đi sứ ấy, và vô vọng đối với niềm ước ao chỉ bằng cách nghị “hoà” để chuộc lại ba tỉnh Miền đông Nam Kì (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường) của vua Tự Đức. Pháp vẫn muốn chiếm đóng các thủ phủ Thủ Dầu Một, Sài Gòn, Mỹ Tho, và đồng thời “bảo hộ” luôn cả sáu tỉnh Nam Kì, thu tóm cả tiền thuế hai triệu nguyên (2.000.000 đô-la) mỗi năm (22). Ta thu thuế bằng cách bóp nặn dân, rồi lại trịnh trọng nộp cho chúng, để chúng dùng tiền ấy vào việc làm giàu, mua và chế súng đạn, tàu chiến uy hiếp ta! Vì thế, ngay sau khi Aubaret về Pháp, vào tháng sáu, đình thần dâng mật sớ xin vua Tự Đức giữ nguyên “hoà” ước cũ vì “hoà” ước mới rất “quan ngại”. Đáng sợ vì lòng tham nham hiểm của Pháp hay chỉ đáng “quan ngại”? Nhưng đâu phải bọn Pháp ở triều đình Pháp tại Paris đều đồng ý theo tục ước Aubaret đề nghị như thế. Cánh hiếu chiến, tham lam nhất bên nước ấy, tiêu biểu là hầu tước De Chasseloup Laubat những muốn nuốt trọng cả lục tỉnh Nam Kì, biến toàn bộ đất ruộng Nam Kì thành thuộc địa, biến toàn bộ nhân dân Nam Kì trở thành tay sai và nô lệ của Pháp ở Viễn Đông này (23)!

      Đất nước không thể yên ổn, bởi không thể có thứ hoà bình và hữu nghị như thế! Và thực tâm thực dân cầm súng và thực dân cầm thập giá (không phải tu sĩ chân chính!) nào muốn Tổ quốc ta, nhân dân ta yên ổn!

      Phủ doãn kinh sư Nguyễn Hữu Dương bị giáng xuống phủ thừa (án sát) (24), vì tình hình sôi lên vấn đề lương (theo đạo thờ cúng tổ tiên và anh hùng dân tộc), đạo (theo Thiên Chúa giáo), nhưng xem ra lúng túng trong cách giải quyết, trong khi nguyên kinh doãn Trần Tiến Thọ bị dân kiện, đang chờ xét xử (25).

      Vua Tự Đức bảo đình thần:

      - Thừa Thiên và Nghệ An là hai hạt có nhiều sĩ phu văn thân nhất, cũng là điểm nóng bỏng nhất của vấn đề dân lương và dân đạo khích bác nhau. Trẫm thấy cần cử hai vị quan giỏi để hiểu thị, bảo ban cho dân đạo yên nghiệp làm ăn. Các ngươi có thể tiến cử cho trẫm.

      - Tâu hoàng thượng, quan giỏi hiện nay có thể đảm trách việc hoà giải lương – đạo, chủ yếu là hiểu thị, bảo ban dân đạo, vốn gần đây chúng rất kiêu ngạo, lên mặt đó, không ai khác hơn là Nguyễn Văn Tường và Ngụy Khắc Đản (25). – Hầu như toàn thể các đại thần Cơ mật viện và thượng thư, tả hữu tham tri lục bộ đều đồng thanh như vậy –.

      - Thật đúng ý trẫm.

      Cuối tháng sáu, năm Tự Đức thứ mười bảy, Giáp tí (1864), biện lí Bộ Binh Nguyễn Văn Tường nhậm chức kinh doãn (phủ doãn kinh sư Thừa Thiên – Quảng Trị) với hàm chánh tam phẩm. Ngụy Khắc Đản, biện lí, cũng về Nghệ An thay Đoàn Văn Hội làm bố chính sứ.

      Nguyễn Văn Tường nhậm chức với trách nhiệm như thế trước một tình hình rất phức tạp, không một chút đơn giản, ở một nơi tập trung văn hiến của cả nước, nhạy cảm và nóng bỏng nhất nước. Chẳng phải mâu thuẫn lương – giáo là mâu thuẫn còn khó phăn, phức tạp muôn vàn lần hơn mâu thuẫn giữa ta với bọn xâm lược cầm súng vốn khác ngôn ngữ, khác màu da? Dẫu sao, ở nước ta, dân theo Thiên Chúa giáo của Tây dương cũng là dân Việt, máu có đổ thì ruột cũng mềm, nhưng đồng bào lại mê muội đến mức triều đình vô phương chữa trị! “Sát tả” đã phải đổi thành phương thức “hoà giải”, trong điều kiện quan quân triều đình nước ta thất bại trên chiến trường, phải xót xa, tủi nhục kí nhượng ước, nếu không dùng từ hàng ước!

      Không những sĩ phu, nhân dân phẫn uất, ngay cả hoàng thân, tôn thất và quốc thích cũng sục sôi niềm căm giận.

 

      4

      Cái được gọi là “hoà” ước Nhâm tuất (1862) và tục ước “bảo hộ” Nam Kì (mặc dù không thành) (1864) thổi bùng niềm phẫn uất, căm giận khắp nước, nhất là tại kinh đô Huế.

      Hai năm nay, công tử Hồng Tập, con trai của Miên Áo quận công, không thể ăn ngon ngủ yên. Chuyến đi sứ sang Pháp của sứ bộ Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản, mọi người đều biết là vô ích. Và tục ước Aubaret vừa rồi, Trần Tiễn Thành chỉ tán thành những điều mà triều thần, từ Nội các đến các nha, đều thấy đáng “quan ngại” hơn. Hồng Tập biết mình và những người cùng quan điểm với ông phải làm gì, nhất là sau khi gặp Nguyễn Văn Viện, một sĩ phu Bình Định, và phò mã Trương Văn Chất, con trai của tổng đốc Trương Văn Uyển. Cũng không khác Hồng Tập, Nguyễn Đình Cán, Nguyễn Đình Long, hai người con trai của nguyên tuần vũ Nam Định, thượng thư Bộ Binh Nguyễn Đình Tân cũng thế (26). Quan lớn Nguyễn Đình Tân, nay chỉ được triều yết, không tham dự chính trị theo lệ ngoại thích mới đặt ra, cũng đã nói với con rể là vua Tự Đức, theo cách nói khiêm tốn, tự hạ mình: “Việc giảng “hoà” là vô ích, thần hằng dâng sớ nói đến. Vẫn biết là có tội, nhưng cũng do tự tấm lòng ngu tối mà ra thôi”. Mặc dù vua Tự Đức trả lời: “Thời thế không làm thế không được” (27), ông cũng ngầm tán thành kế sách của những người chống nghị “hoà”, thứ “hoà” lừa bịp và đầu hàng ấy, trong đó có hai con trai của mình.

      Trong khu vườn xanh um những lá và đủ loại hoa của phủ Miên Áo quận công, nhất là trong các tán cây nhãn trĩu cả mấy chục lồng trái, tiếng ve mùa hè rất đặc biệt ở kinh đô trỗi lên, lắng xuống, lại trỗi lên, cứ như thể âm thanh của những làn gió trầm bổng. Công tử Hồng Tập, phò mã Trương Văn Chất, ngồi đối diện với một sĩ phu thường dân Bình Định, đồng hương với cụ thượng hồi hưu Nguyễn Đình Tân. Đó là một người tầm thước, nét mặt luôn trầm tĩnh.

      - Anh cứ yên tâm trình bày thật cặn kẽ kế sách! Nơi đây rộng và thoáng, khó có kẻ lạ mặt lai vãng! – Công tử Hồng Tập nhìn Nguyễn Văn Viện và khẽ nói –.

      - Vâng, tôi tin rằng hai vị công tử, phò mã đây sẽ vui lòng lắng nghe cho. – Với giọng Bình Định, dáng vẻ tự tin, Nguyễn Văn Viện nói –. Tôi từ quê nhà, vượt đèo lội sông đến kinh, may mắn được hai vị tiếp. Tôi vô cùng cảm kích. – Ngừng lại, giọng nói của ông có vẻ cả quyết hơn –. Không sợ đầu lìa khỏi cổ, liên lụy đến ba họ nhà tôi, xin thưa với hai vị cùng những ai tâm huyết với nước non này tại Huế: Tôi cam đoan không phải phiền đến binh đao, thuyền chiến Tây dương cũng phải rút lui; không phải chém giết theo lệnh “sát tả”, bọn dân đạo cũng bỏ đạo của Tây tà (26). Xin nói ngay, không phải bằng pháp thuật phù chú.

      - Nói ngay đi! – Sốt ruột, Hồng Tập ngắt lời –. Ta cũng như phò mã họ Trương đây thật lòng không thích thói khoác lác đâu. Nhìn ông, ta cũng biết ông không phải kẻ tầm thường. Hãy nói rõ!

      - Theo tôi, tất cả là do các đại thần, mà đứng đầu là Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành! Phải giết hai tên đầu sỏ này ngay lập tức (26)! Giết chúng xong, tất cả tàu đồng, súng thép của bọn Pháp và Tây Ban Nha (Y Pha Nho, Espagnol) sẽ không dám bén mảng, tất cả bọn dân đạo đều hết nuôi lòng phản trắc vì hết chỗ dựa.

      - Nhà ngươi muốn nói, Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành là nội gián? Chúng là tay chân của bọn Pháp và Tây Ban Nha? – Công tử Hồng Tập hỏi dồn –.

      - Vâng, chính vậy!

      - Bằng cớ?

      - “Hoà” ước và tục ước!

      - Hỏi nhà ông rứa thôi. Chúng ta đây cũng không nghĩ khác hơn nhà ông. Tất cả  sự thể gọi là nghị “hoà” đều là ý kiến của bọn đại thần gốc Tàu phương Bắc, phù Minh diệt Thanh ấy! Không phải là ý kiến của đức vua Tự Đức (26). Thật đáng sợ thay!

      - Kế hoạch như thế nào? Chỉ nói suông rứa cũng không làm răng khử được Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành!

      Trong bóng râm cây nhãn lồng, trong tiếng hoà âm với gió mùa hè của đàn ve sầu, họ cẩn thận vạch kế hoạch. Cuối cùng, kế hoạch vạch ra cũng cần đến binh đao, cũng phải bắn pháo lệnh, chia quân một cánh đi bắt hai đại thần, các cánh khác đi khắp các làng Kim Long (Kim Lung, Huế), An Truyền, An Vân, An Hoà càn quét dân theo đạo Chúa (26). Hoá ra, cách nói của Nguyễn Văn Viện chỉ là cường điệu, mới nghe qua, tưởng chừng chỉ là ám sát, thích khách hai đại thần.

      - Nói cho đúng, với sự tuần hành cẩn mật của đề đốc Đặng Hạnh, sự cẩn trọng của phủ doãn Nguyễn Văn Tường, sự kĩ lưỡng của phủ thừa Nguyễn Hữu Dương, nhất là Đặng Hạnh với trách nhiệm trực tiếp về quân binh, về canh gác, ta rất khó thực hiện ám sát, thích khách. – Nguyễn Văn Viện nói, hết sức chậm rãi –.

      - Vả lại, chúng ta phải thấy ý nghĩa của kế hoạch táo bạo này. Cổ nhân có nói: “Sát thân thành nhân”, tự giết mình để thực sự thành con người xứng đáng là người! Có thể thấy trước, chúng ta sẽ bị lăng trì (xẻo thịt, phanh thây), trảm đầu (chém đầu) hay ít ra cũng bị xử giảo (thắt cổ)… Cái chính là phải đánh động khắp cả nước, để muôn vạn sĩ dân nước Đại Nam chúng ta hiểu rõ rằng: “Hoà” nghị chỉ vô ích, mà thực chất là đầu hàng! Chính hai tên Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành sẽ bị muôn đời vạch mặt chỉ tên để nguyền rủa! Nếu thất bại thì thất bại ấy cũng là thành công! – Công tử Hồng Tập cố kìm giọng nói nhỏ lại, như rít lên –. Bản thân Hồng Tập này đã nhiều lần viết sớ tâu lên đức vua, mộ quân đi “sát tả”, bởi không kìm được căm phẫn trước bọn “tả đạo”, “dữu dân” phản quốc, bây chừ lại vênh vang một cách vô sỉ. Nhưng, tiếc thay, đức vua không những không chuẩn y, lại còn trao sớ cho cha ta xem, những mong cha ta sẽ ràng buộc được ta!

      Không phải chỉ có những người khởi xướng, chủ chốt ấy, với sự đồng thuận ngầm của cụ thượng thư chỉ được triều yết là Nguyễn Đình Tân, trong nhóm tạo nên vụ biến ngày mùng hai, tháng bảy, năm Tự Đức thứ mười bảy, Giáp tí (1864). Ngay đêm khởi sự, chính đề đốc Đặng Hạnh cho quân bắt ngay từ những phút đầu những gương mặt không xa lạ gì với Tôn nhân phủ và đình thần: công tử Hồng Ty (con trai Vĩnh Tường quận vương), Lương Sính (con trai Kiến An vương), tri huyện Hương Trà Tôn Thất Thanh, hộ vệ thân binh Tôn Thất Thừa, Tôn Thất Kiêu, Tôn Thất Thán… Ngoài ra, còn có Trần Cận, Nguyễn Duy Cơ, Nguyễn Đức Tuấn, Vũ Đức Vỹ, Nguyễn Quán, Nguyễn Văn Đoan, cháu họ thúc bá của tổng đốc Trương Văn Uyển là tú tài Trương Văn Quỳnh, hiệp quản Lê Trứ, suất đội Bùi Viết Tân, Nguyễn Văn Thịnh, Ngô Thịnh, Phạm Lương…

      Phủ doãn Nguyễn Văn Tường biết lòng dân, sĩ phu, hoàng thân, quốc thích và quan lại thực sự căm phẫn như ông cũng đã và đang căm phẫn về “hoà” ước Nhâm tuất (1862) lẫn tục ước đáng “quan ngại” không thành năm Giáp tí (1864). Nhưng vụ biến lại xảy ra trong địa hạt kinh đô Huế, nơi ông vừa nhậm chức tháng trước! Ông không thể không có trách nhiệm trong địa hạt ông được nhà vua và đình thần giao cho để quản lí! Ông biết, Hồng Tập và những người đồng tâm, đồng chí của công tử này không phải là bọn thiếu ý thức trung quân ái quốc. Họ trung thành với vua Tự Đức, và rất mực yêu nước, tất nhiên họ vô cùng căm thù bọn Pháp, Tây Ban Nha lẫn bọn cố đạo Tây dương giả danh tôn giáo, bọn người Việt “mượn đạo tạo đời”, phản quốc. Phủ doãn Nguyễn Văn Tường hoàn toàn đồng tình với họ, nhưng về sự chọn lựa cách hành động, ông không tán thành bạo động chỉ giới hạn trong mục tiêu đánh động ý thức chính trị như thế. Vả lại, dù muốn dù không, trách nhiệm và chức vụ đã kìm giữ ông với một mức độ nào đó…

      Phải bình tĩnh, sáng suốt, nhìn ra xa rộng hơn, ít ra là các nước quanh mình (28)…

      Dẫu sao, suy nghĩ của nhóm Hồng Tập, Nguyễn Văn Viện hãy còn quá đơn giản, nóng vội, không phải không có những khía cạnh nhận định quá khích, sai lầm.

      Và đồng thời, đâu chỉ phản ứng của nhóm Hồng Tập! Sĩ tử trường thi hương Thừa Thiên ở cửa Ninh Bắc trong kinh thành, trong đó có sĩ tử Quảng Trị, Quảng Bình, cũng dán bích chương phản đối nghị “hoà” (29)!

      Với phủ doãn Nguyễn Văn Tường, tận trong thâm tâm, tuy cùng ý chí với sĩ tử và nhóm lãnh đạo vụ biến, nhưng ông cũng không tán thành sự “càn quét dân giáo” của nhóm Hồng Tập. Đành rằng, một bộ phận trong dân đạo cuồng tín đến mức sẵn sàng mất nước ở cõi tạm này để cầu mong được về nước Chúa vĩnh hằng trên trời, một bộ phận khác, quả thật, “mượn đạo tạo đời”… Không, chỉ tử hình những tên đầu sỏ thực sự theo giặc Pháp và Tây Ban Nha. Hết kẻ đầu sỏ, kẻ nhẹ dạ cũng như rắn không đầu!

      Ông ở thế rất khổ tâm, khó xử, mặc dù đề đốc Đặng Hạnh là người trực tiếp lo tuần canh, và tuần canh nghiêm mật, phát giác được vụ biến ở phút đầu tiên. Nguyễn Hữu Dương là phủ thừa (án sát kinh sư), trước tiên phải thụ lí vụ án, trình đạt lên Bộ Hình, Tôn nhân phủ, đình thần. Ông là phủ doãn (bố chính sứ kinh sư), vẫn chịu trách nhiệm chính. Ông không trốn chạy trách nhiệm trước nhà vua, trước công luận, mặc dù ông thừa biết sự đánh giá của nhà vua và công luận ở một bộ phận sĩ dân nào đó là trái ngược nhau. Ông chịu trách nhiệm chính, nhưng không trực tiếp chạm tay vào sự thể khổ tâm này…

      Ồ, cần phải bình tĩnh, vụ biến cần phải được phủ thừa điều tra kĩ hơn. Mức án nào sẽ được Bộ Hình và đình thần tuyên phạt?

      Ông biết mình rơi vào bi kịch chung của triều Nguyễn và cũng là bi kịch của các nước Thanh, Ấn, Miến, Xiêm, Hạ Châu, Nhật Bản, Cao Ly… và bao nước khác ở châu Á Tế Á (Asie, Asia), châu A Phi Lị Gia (Afrique, Africa), ở Nam Mỹ Lợi Kiên la-tinh (Sud Amérique, South America latin)…

 

      5

      Những ngày tháng cam go lại kế tiếp. Với công việc của một phủ doãn kinh sư, ông vừa lo cho cả Thừa Thiên lẫn Quảng Trị quê nhà. Không những cùng các quan Khoa đạo lo đi phát chẩn cho dân bị bão lụt, gặp cảnh mưa rét, màn trời chiếu đất, quan phủ doãn còn phải tuyển dụng tráng đinh bổ sung cho Đội Nội cần thiếu ngạch lính đánh cá (30). Ông tận tụy đi thăm xét các lượt dân đói kém từ Quảng Nam, Quảng Ngãi xiêu tán ra, tập hợp họ lại, phân loại, để đưa những người còn khoẻ mạnh cho doanh điền sứ Trần Đình Túc, tổ chức cho họ sản xuất với phụ cấp bước đầu, và để giao những người già yếu, những trẻ nhỏ cho Sở Dưỡng tế lo liệu chẩn cấp (31). Phủ doãn Nguyễn Văn Tường xin mở cửa kho, cho bần nông vay thóc, vay tiền trong mùa mưa rét, lại viết tập tâu xin vua đồng thuận cho sửa chữa đường sá bị sụt lỡ do bão lụt, vừa tiện việc giao thông, vừa tạo công ăn việc làm cho số dân xiêu tán ấy (32). Ông cũng lo xây dựng nghĩa trang ở kinh đô cho những người chết đường chết chợ, cải táng những mộ không ai thăm viếng (33). Phủ doãn lại đề nghị xin tạm lãnh trước tiền công các công trình ấy, lấy đó thu mua trước hoá đơn gạo lương của các quan viên, lại dịch; đồng thời lo chẩn cấp cho xã Thai Dương bị hoả tai; xuất tiền vốn, bán thóc cho dân nghèo Quảng Trị đi đẵn gỗ (34).

      Những ngày trong tháng mười một lạnh buốt, mưa gió dầm dề của năm Giáp tí (1864) sắp qua, ông lãnh mệnh vua, kiêm luôn chức khuyến nông sứ, đi kinh lí khắp Thừa Thiên, Quảng Trị xem xét tận mắt địa thế từng chỗ để tuỳ từng nơi, xác định một cách khai khẩn, gieo trồng phù hợp (35).

      Không thể quên huyện Thành Hoá, ông cũng góp phần tâu xin vua theo ý kiến của tri huyện Nguyễn Duy Tự, mặc dù Nguyễn Duy Tự khác ý kiến với quản đạo Quảng Trị Đinh Văn Khoa, và cuối cùng vua Tự Đức chuẩn cho việc đình bãi đánh thuế trường mậu dịch ở huyện miền núi ấy (36). Điều khiến phủ doãn Nguyễn Văn Tường rất tự vui lòng nữa, trong tháng cuối năm, ấy là việc vua cho miễn thuế đinh cho dân nghèo Quảng Trị (36).

      Những gì quan phủ doãn làm được cho dân đó cũng phần nào xoa dịu nỗi khổ tâm trước tình hình chính trị vẫn chưa hề lắng lại. Đó là vụ Hồng Tập hồi tháng bảy, cùng lúc với phong trào sĩ tử ở trường thi hương Thừa Thiên, đồng loạt chống nghị “hoà” với Pháp, bằng cách dán bích chương phản đối, làm sôi động khắp nơi trong nước. Phong trào này còn truyền lửa đến tháng mười trong sĩ tử hai trường thi Hà Nội, Nam Định. Các quan tỉnh đạo Nam Định, Hà Nội như Doãn Khuê, Cát Văn Tụy, cũng bị cách, giáng, lưu nhiệm (29)!

      Với phủ doãn Nguyễn Văn Tường, ông thật khổ tâm… Và không chỉ là khổ tâm, cứ như là sự xấu hổ, khi cùng đồng sự, Đặng Hạnh, Nguyễn Hữu Dương, mỗi người được thưởng gia một cấp và được tặng một chiếc nhẫn nạm pha lê, lóng lánh như trêu ngươi! Ông thấy lẽ ra phải dồn sự thăng thưởng này, nếu cứ gọi là thăng thưởng, cho đề đốc Đặng Hạnh thì đúng hơn!

       Ông mở cửa tủ đựng hồ sơ, giấy tờ, công văn, ném chiếc nhẫn nạm pha lê lóng lánh mới được đức vua Tự Đức tặng thưởng, đóng tủ lại. Lát sau, ông lại mở tủ ra, cầm chiếc nhẫn lên, tần ngần, ngại những kẻ xấu mồm vu vạ ông chê bai, khinh khi, phạm thượng, ông lại đeo vào ngón tay của mình.

      Phủ doãn Nguyễn Văn Tường bất giác đập mạnh bàn tay ấy xuống mặt án thư.

      Trong những ngày cuối năm, khi ôn lại những gì đã làm cho kinh sư trong mấy tháng nhậm chức phủ doãn, ông vẫn thấy cộm lên bốn chữ “Vạn niên cát địa” (37) hồi tháng chín, mặc dù đây không phải thuộc phần hành của ông. Đó là công tác của Bộ Công! Bộ Công điều động phu thợ lành nghề và thu gom vật liệu tốt khắp trong tả hữu kì và cả ngoài Bắc! Có điều, việc nhà vua chuẩn định chuyển dân ở làng Dương Xuân Thượng để lấy đất xây trước lăng mộ cho mình ấy, không thể không đụng chạm đến dân thuộc phạm vi kinh sư, vì làng Dương Xuân Thượng đâu phải xa xôi gì! Quả thật, ông không hiểu vì sao trong những ngày tháng lòng dân chưa nguôi căm phẫn vì “hoà” ước Nhâm tuất (1862), tục ước Giáp tí (1864), đến nỗi sĩ tử bùng lên cuộc phản đối và suýt nổ ra vụ biến Hồng Tập, nhà vua lại khởi công xây dựng lăng Vạn Niên, đến nỗi nhân dân ta thán:

“Vạn Niên là Vạn Niên nào

Thành xây: xương lính! Hào đào: máu dân!”

      Đó không phải là những gì nhân dân tưởng tượng hay nghe tin đồn của bọn giặc miệng chuyên tuyên truyền đầy ác ý! Bởi công trường xây dựng Vạn Niên cơ là cái diễn ra trước mắt nhân dân, công của lấy từ xương máu họ!

      Rồi năm mới Ất sửu (1865) cũng đến! Tháng giêng hai cắn tay không ra máu vì buốt rét và vì đói kém! Dân Quảng Nam đói kém vẫn tiếp tục xiêu tán ra kinh đô Huế. Vua Tự Đức lại cho phủ thần kinh sư xuất gạo kho, chẩn cứu (38). Mặt khác, lo khoi sông cũ An Vân cho nước lũ khỏi úng ruộng (38). Phủ doãn lại cùng tỉnh đạo thần Quảng Nam, Quảng Trị làm nhà tạm, chi muối gạo cho dân đói, cấp thuốc cho dân xiêu tán bị bệnh, chôn cất người chết đói đầy đường đầy chợ (39)! Chính quan lớn Hoàng Văn Tuyển cũng không cầm lòng, viết tập tâu dâng lên vua (39). Vua giận dữ trách các quan tỉnh, các quan đạo không lo xuể!

     Phủ doãn Nguyễn Văn Tường thấy nỗi khổ, một phần lớn vì cái đói do thời tiết thất thường, mùa màng thất thu, nhưng phần khác, nỗi khổ trở nên lớn hơn, chính là vì Vạn niên cát địa! Ông đã tận tụy hết mình, nhưng khó lòng giảm nhẹ nỗi khổ cho nhân dân.

     Nhân một dịp, ông xin về lại Thành Hoá, chứ không thể cứ mãi chịu đựng nỗi khổ tâm này. Tri huyện Thành Hoá Nguyễn Duy Tự, người Quảng Nam, đệ gửi tập tâu xin đi kinh lí bảo Ải Lao, và luôn thể thăm ba châu bạn thiểu số ở đấy. Bàn với các đại thần Bộ Binh xong, vua bảo: “Nguyễn Duy Tự không phải là người trọng hậu, tựa như người hiếu sự; ở nơi biên viễn, mà không được như Nguyễn Văn Tường, thì lợi chưa thấy mà hại đã sinh ra, hối làm sao kịp” (40). Vua Tự Đức sai Thân Văn Nhiếp và Nguyễn Văn Tường suy xét, bàn luận với nhau. Cuối cùng, Thân Văn Nhiếp tâu xin vua cho Nguyễn Văn Tường và Trần Đình Túc cáng đáng công việc đó, lại đặt thêm chức tuyên phủ sứ, chọn người thổ trước (người địa phương Quảng Trị) để sửa sang công việc (40). Phủ doãn Nguyễn Văn Tường biết đây là dịp để ông xin từ chức một cách khéo léo, không bị nhà vua trách là trốn việc ở kinh phủ. Không phải ông không muốn giữ những chức vụ lớn lao, đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhưng thật lòng ông không thể chịu nổi nỗi khổ tâm trong cảnh dân đói rét, sĩ tử phản đối “hoà” nghị, và sĩ dân cùng hoàng thân, ngoại thích của nhà vua nổi dậy mưu sát Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, mà phía ông, ông khó lòng hành xử khác hơn, phía nhà vua, nhà vua vẫn cứ cho xây dựng lăng Vạn Niên đồ sộ, quá tốn kém công sức, của cải của nhân dân!

      Suy nghĩ thật cẩn trọng, ông viết tập tâu dâng lên vua Tự Đức:    

      “Các châu ở Thành Hóa đất liền với kinh đô, đời đời làm phên che giúp đỡ, sản vật có thể dùng được, dân phong có thể sai khiến được, há nên cho là các châu nên ràng buộc qua loa” (40).

      Phủ doãn Nguyễn Văn Tường, trong vài năm gần đây, ông thấy không thể để đồng bào thiểu số Vân Kiều, Pa Kô, Tà Ôi thân thương của huyện Thành Hoá cứ ở trong cảnh ki mi, cởi mở, mà cần đưa đồng bào vào sự giáo hoá, để từng bước một thoát khỏi tình trạng hoang sơ, thoát khỏi tình trạng cứ bị gọi theo cách gọi ước lệ là “man” mãi. Chính ông cũng còn bị câu thúc bởi từ ngữ hiện thời! (Ngay người Pháp, Tây Ban Nha, khác văn minh với ta, ta đều gọi chúng là “man”, bọn mọi rợ). Danh từ ấy phải dần dần xoá bỏ. Muốn xoá bỏ, lại cần vận động đồng bào vào mô thức được gọi là cõi giáo hoá của triều đình. Ông nghĩ mình phải có trách nhiệm về việc đó một cách cụ thể hơn.

      Ông lại vê đầu bút lông trên thành nghiên mực xạ, viết tiếp tập tâu:

      “Còn về rừng sâu khí núi độc, thì có người đã ở quen, chịu đựng nổi; dân Man không biết gì, thì lấy sự dễ dãi để thân cận họ; biên viễn là việc quan hệ, thì đã có viên đại viên để trông coi; lại khoan cho kì hạn, cho được tùy nghi, sửa sang dần dần mới mong có thành hiệu.

      Các điều khoản như Thân Văn Nhiếp đã tâu xin, tưởng công việc ngày nay, chủ chốt không qua các điều ấy.

      Trần Đình Túc chưa từng kinh lịch nơi đó nhưng địa thế, dân tình ở phủ hạt ấy rất là biết rõ. Thần sinh trưởng ở đất ấy [Quảng Trị – ct. (41)], trước kia đã làm tri huyện ở đó [huyện Thành Hóa (Cam Lộ) – ct.] hơn chín (9) năm, năm ngoái lại đi khám xét, thì [tuy rằng – ct.] Trần Đình Túc là người giỏi giang quen việc, tôi [:các bề tôi – ct.] không thể theo kịp được, nhưng về tục xứ ấy, tình người Man, thì Đình Túc chưa được hiểu rõ như thần. Xin cho thần đổi chức tuyên phủ sứ, và kiêm cả chức khuyến nông; phàm công việc nên làm ở bảo Trấn Lao, thì đốc sức cho huyện viên sửa sang; còn ruộng nương, việc trị thủy, đời sống của dân, điều lợi điều hại thì hội cùng với đạo thần [:các quan cai quản ở đạo, một đơn vị hành chính nhỏ thua một tỉnh – ct.] thương lượng mà làm. Chức kinh doãn có khuyết hoặc cho Trần Đình Túc kế thay, nhưng kiêm coi cả công việc doanh điền” (40).

      Ông tự nguyện từ chức kinh doãn để lại lao vào chốn sơn lam chướng khí. Nhưng vua Tự Đức muốn có thời gian để rõ hơn tài năng chính trị của ông ở chức trách kinh doãn. Tháng sáu năm ngoái, nhà vua chẳng tham khảo ý kiến các quan và đã chọn được vị quan giỏi để phụ trách kinh sư đang nóng bỏng vấn đề mâu thuẫn lương – đạo đó sao! Không, không thể chọn ai thay Nguyễn Văn Tường làm phủ doãn được. Theo nhà vua và đình thần, chỉ có Nguyễn Văn Tường mới đủ trình độ, bản lĩnh để hiểu thị, bảo ban dân giáo! Rốt cùng, vua Tự Đức vẫn giữ nguyên chức của Nguyễn Văn Tường, đồng thời chấp thuận có sự hợp tác của Trần Đình Túc để bàn định công việc doanh điền, kể cả việc chọn lựa viên quan quản đạo Quảng Trị, các viên tri huyện trong kinh sư (40). Nhờ việc toàn quyền chọn lựa các quan trực thuộc, ông chọn Nguyễn Quýnh (42), một cử nhân Quảng Nam, làm quản đạo Quảng Trị dưới quyền mình.

      Trong những ngày tháng hai, năm Tự Đức thứ mười tám (1865), quan phủ doãn Nguyễn Văn Tường không thể không suy nghĩ về vua Tự Đức, trước sự quan tâm, trọng thị của nhà vua đối với ông. Trong thời tuổi trẻ bị án treo “bất đắc ứng thí”, trí tưởng của chàng trai vừa đỗ tú tài đã bị gạch bỏ tên, bị phạt tội đồ thuở ấy đã vẽ vời nên một đấng minh quân nhà Nguyễn. Tất nhiên mộng tưởng bao giờ cũng cao cả hơn, tốt đẹp hơn thực tại. Thực tại là vua Tự Đức, nổi tiếng về văn chương và hơi gầy yếu, có tấm lòng với người hiền tài nhưng bó tay trước vấn nạn của xã tắc. Vua Tự Đức vừa mất lòng dân với “hoà” ước Nhâm tuất, nhất là vì Vạn niên cát địa, nhưng đâu phải nhà vua không có đôi mắt dõi tìm người nặng lòng với Đất nước, nhân dân! Quan phủ doãn nhận ra ở vua Tự Đức một điều rất rõ: ấy là một vị vua thủ thành, sinh trưởng trong nhung lụa, uy quyền, chứ không phải là vị vua sáng nghiệp, trưởng thành trong chiến trận. Do đó, nhà vua không hề biết đến việc nằm gai nếm mật, không từng khổ đau như nhân dân khổ đau. Vạn niên cát địa, đối với vua Tự Đức chỉ là lẽ đương nhiên của bậc đế vương, cũng như lẽ đương nhiên của thiên tử là phải lo toan đêm ngày cho vận nước!

      Những ý nghĩ ấy bỗng bị chèn vào một mảng bóng tối, như vài giọt mực xạ rơi trên trang chữ, chảy lem, vội thấm bằng giấy dậm, lại loang rộng ra. Đó là vụ biến Hồng Bảo, lại vụ biến Hồng Tập. Cả hai đều là Hồng, chữ thứ hai trong Đế hệ thi, một người là anh ruột, một người là anh em chú bác của nhà vua.

      Vụ biến bị định danh là vụ án, xảy ra từ ngày mùng hai tháng bảy năm ngoái, đến tháng chạp bản án đã thành. Hồng Tập và Nguyễn Văn Viện đã phải ra pháp trường, bị chém bêu đầu (43). Tháng hai năm nay, giờ đây, âm hưởng vụ ấy vẫn chưa nguôi. Các quan Khoa đạo (Đô sát viện) gồm Phạm Huy Khiêm, Trần Gia Huệ, Biện Vĩnh đã dâng tập sớ xin vua minh oan cho Hồng Tập (Vũ Tập), mặc dù ông ta đã bị chém. Họ tâu: Nghe Hoàng Diệu (Hoàng Kim Tích), một tri huyện mới ở huyện Hương Trà, người ở trong hội đồng thi hành án ở pháp trường Bắc Dã (An Hoà), kể lại, chính Hoàng Diệu nghe lời cuối cùng của Hồng Tập trước khi lưỡi đao của đao phủ bổ xuống: “Vì tức giận về hoà nghị mà bị tội, xin chớ khép vào tội bội nghịch” (44). Nhưng vua vẫn cho lời nói ấy được dựng lên, bèn ra lệnh hỏi Phạm Huy Khiêm và Hoàng Diệu. Cả hai phải nói là nghe bóng gió mơ hồ không rõ (44)!

      Phủ doãn Nguyễn Văn Tường bảo viên thư lại mở tủ công văn tìm lại bản thông tư sao lục bản án, Bộ Hình gửi đến phủ và gửi khắp các tỉnh, hồi tháng chạp năm ngoái.

      Ông lặng lẽ đọc lại: “… Vua sửa lại, giảm bớt đi; cho Vũ Tập mượn việc mưu toan ý khác, không nghĩ đến việc hoà hiệp; Nguyễn Văn Viện là kẻ bôn tẩu, cạnh tranh, nham hiểm, giảo quyệt, đứng đầu tội ác; chuẩn đều chém ngay, bêu đầu để răn bảo kẻ khác…”. “… Trương Văn Chất, cùng [bốn người bị “cải tòng mẫu tánh” khác:] Trần Thanh, Chu Thừa, Đặng Kiêu, Nguyễn Thán đều đổi làm trảm giam lại đợi xét…”. “…Nguyễn Đình Tân đổi làm phạt trượng đem đi đồ, nhưng cho thu tiền chuộc tội, để còn dòng dõi công thần, khiến cho tự có lòng biết sỉ nhục…”. “… Miên Áo y nghĩ [:theo y như nghị xử], cách tước công, rút về số người tôn thất, miễn cho khỏi phải trượng đồ, chuẩn cho đóng cửa nghĩ lại sự nhầm lỗi, đợi biết hối đổi, sẽ lại ra ơn cho” (43).

      Quan phủ doãn thở dài, bất giác lại đập tay xuống mặt bàn. Ngón tay giữa có chiếc nhẫn nạm pha lê do vua tặng thưởng khiến ông cảm thấy đau. Ông ngẩng mặt, tự nhủ thầm: Dẫu sao, Hồng Tập, Nguyễn Văn Viện và những người trong nhóm vẫn là những người chống Pháp và bọn thực dân đội lốt “tả đạo”.

      Ông biết nói gì đây khi vua đã xuống dụ tự phê bình (tự trách), và trông mong lời nói thẳng của quan và của dân (45).

      Phủ doãn Nguyễn Văn Tường rời khỏi án thư. Ông bước ra hành lang công đường, đi chậm rãi, suy tư. Biết bao công việc có tên, rồi sẽ nổi cộm trong sử kí, hoặc nói như vua Tự Đức, “việc quan hệ đến muôn đời công nghị” (44), và cũng biết bao công việc không tên khác, thường ngày và bình thường, trong phạm vi kinh sư Thừa Thiên – Quảng Trị, điểm nóng của mâu thuẫn lương – đạo, đã và đang diễn ra, mà ông biết rằng, ông đang giữ trọng trách. Ông chậm rãi bước, bước hết hành lang, lại quay gót bước lui, rồi lại bước tới. Cứ thế, thỉnh thoảng ông dừng lại, nhìn hoa cỏ, nghĩ ngợi.

      Ông chợt đứng lại, tưởng niệm một đại thần ông có dịp được tri kiến hồi mười tám tuổi: Trương Đăng Quế. Cụ thượng họ Trương sau khi về hưu từ tháng ba Quý hợi (1863), đến nay, tháng hai Ất sửu (1865) này, mới chưa tròn hai năm, giờ đã thành người thiên cổ (46)! Quan phủ doãn lặng người trong tưởng tiếc.

     

Truyện kí thứ tư (còn tiếp)

                                                                      

Viết đến dòng chữ này lúc 10 giờ 34 phút,

    ngày 05.09.2002 (28.07 Nh. ngọ, HB.2).

 

TRẦN XUÂN AN

 

                                                                                                                            

(1) Tư liệu “Gia phả chi phái Nguyễn Văn làng An Cư, Triệu Phong, Quảng Trị” chúng tôi hiện có chỉ ghi là: Ông Nguyễn Văn Dậu mất năm Quý hợi (1863), bà Dương Thị Liên, huý nhật: 06 tháng 9 âm lịch (không thấy ghi năm mất). Chúng tôi đãi lọc thêm chi tiết có thể gần đúng (xem như tương đương với loại chi tiết hư cấu) ở một cuốn sách có nhiều sai lầm, xuyên tạc: Phan Trần Chúc, Vua Hàm Nghi (VHN.), Nxb. Chính Ký, Hà Nội, 1951, Nxb. Thuận Hoá tái bản, 1995, tr. 20.

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), tập 30, bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., Hà Nội, 1974, tr. 21 – 25.

(3)  Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC.), bản dịch Phạm Trọng Điềm, hiệu đính: Đào Duy Anh, tập 2, Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr. 340 – 341.

(4)  ĐNTL.CB. (Đại Nam thực lục, chính biên), tập 30, sđd., 1974, tr. 26 – 31.

(5) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (ĐNLT.), bản dịch Viện Sử học, tập 2, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 336.

(6)  Nhiều tác giả, Từ điển văn học (TĐVH.), Nxb. KHXH., tập 2, 1984, tr. 53, 54; ĐNNTC. (Đại Nam nhất thống chí), tập 2, sđd., tr. 126:  huyện Nghi Xuân nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

(7)   ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 31 – 32.

(8)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 51.

(9)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 44.

(10)   Một cách nói lối dân gian. Hai câu ấy hiện nay vẫn còn tồn tại trong xã hội, thi thoảng vẫn còn nghe thấy.

(11)   ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 40.

(12)   Trần Trọng kim, Việt Nam sử lược (VNSL.), Nxb. Tân Việt, bản 1964, tr. 426.

(13)   ĐNNTC. (Đại Nam nhất thống chí), tập 1, sđd., tr. 150, 151.

(14)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 62.

(15)   ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 280: tháng 12, Mậu thìn (1968).

(16)   ĐNTL.CB., tập 29, sđd., tr. 318.

(17)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 63.

(18)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 65.

(19)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 66.

(20)   ĐNTL.CB., tập 27, sđd., tr. 316 – 317.

(21)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 84 – 86.

(22)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 92 – 93.

(23)   VNSL. (Việt Nam sử lược), sđd., tr. 498.

(24)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 95.

(25)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 97 – 98.

(26)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 152 – 156.

(27)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 17 – 18.

(28)  Nguyễn Văn Hồng, Vũ Dương Ninh, Võ Mai Bạch Tuyết, Lịch sử cận đại thế giới, tập 1 & tập 2, Nxb. KHXH., 1985 – 1986.

(29)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 152.

(30)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 117.

(31)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 120 – 121.

(32)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 126 – 127.

(33)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 138 – 139.

(34)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 140, 141, 144.

(35)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 148.

(36)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 150.

(37)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 131.

(38)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 161.

(39)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 170 – 171.

(40)   ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 171 – 172.

(41)   Xin lưu ý một lần nữa: Các chữ tác giả truyện – sử kí (TXA.) chua thêm trong dấu móc vuông đơn, có ghi  thêm hai chữ viết tắt là: ct., hoặc chỉ để trong dấu móc vuông đơn: [ ]. Nếu Viện Sử học đã chua thêm ở bản dịch, tôi sẽ để các chữ ấy trong dấu móc vuông kép: [[ ]].

(42)  Quốc sử quán triều Nguyễn và Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục (QTHKL.), bản dịch: Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Thị Lâm, hiệu đính: Cao Tự Thanh, Nxb. Tp. HCM., 1993, tr. 178: Nguyễn Quang Quýnh (Nguyễn Quýnh). ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 86 – 87.

(43)  ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 154 – 156.

(44)  ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 172 – 173.

(45)  ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 174.

(46)  ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 177 – 178.

 

 

Hết

phần đoạn 1

truyện kí thứ tư

(còn tiếp)

 

XIN XEM TIẾP TỆP 7

phần đoạn 2

trọn

truyện kí thứ tư

 

 

 

(  xem tiếp tệp 7  ) 

Trở về trang chủ

Cập nhật: 07/01/09

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7