d. Trần Xuân An - Mùa hè bên sông - Tệp 4

author's

copyright

 

trần xuân an

MÙA HÈ BÊN SÔNG

tiểu thuyết

1997 & 2003

 

 

06/29/09

        

   

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

m ù a 

 h è

 b ê n

  s ô n g 

    

(nỗi đau hậu chiến)

 

tiểu thuyết

 

 

nnhà xuất bản  

 

1997 & 2003

 

 

     

 

 

CHƯƠNG IV

 

 

1

 

 

Tối hôm qua, rằm tháng năm, vầng trăng làng thôn tinh khiết, ngời sáng. Bóng khóm chuối, bóng cây mít đang trĩu trái và bóng tre, bóng hóp lay động trong gió nồm mát rười rượi. Hiền Lương ngồi trước hiên nhà, tìm một góc khuất ánh đèn, để trăng thật là trăng, tỏa ánh sáng êm dịu quanh mình. Khi cô đang nhìn những đốm lửa nhỏ của nén nhang chú Cận vừa cắm trước bàn thờ lộ thiên sau bình phong chè kiểng, những đốm lửa kết tỏa như một đóa bông trang sáng đỏ trong bóng đêm, đẹp rực rỡ và huyền thoại, lúc ấy, Hành đã đến.

Hiền Lương bảo với Hành, chưa thể vẽ được bức chân dung sư Tâm Tự, nhưng không thể không vẽ một con người thăm thẳm, ngời sáng đến thế. Điều đó làm cô không nguôi trăn trở.

Như đã hẹn với nhau, sáng sớm nay Hiền Lương lại đến thăm ông giáo Hiền và Hành. Trong gió sớm, nắng sớm, gương mặt Hiền Lương thoáng nét bơ phờ.

Vẫn mặc gọn gàng kín đáo, áo màu tím hoa mua may bằng vải sợi to có hai túi ngực và cầu vai, chiếc quần bò vừa, không chật chội, màu xanh sẫm, mang đôi giày thể thao trắng, Hiền Lương đẹp giản dị, đẹp ngẩn ngơ mắt Hành. Cô ấy mặc đồ cũ cũng đẹp!

Hành hơi run tay khi rót nước ra chén.

Ông giáo Hiền mỉm cười trông ra nắng. Hiền Lương nhìn thấy phía vách nhà sau lưng ông một tấm lịch, bảng lịch năm ngoái, một chín chín lăm, lốc lịch năm nay, mùng một tháng bảy theo lịch mặt trời.

Gió sớm và nắng sớm.

Tưởng chừng gió và nắng đang khẽ lật từng trang sách được ông giáo Hiền tạo hình bằng chè kiểng lá nhỏ.

Tưởng chừng cả ba ông cháu đang mở to mắt đọc từng trang sách Vô ngôn Vô tự ấy. Họ đọc vào Đất trời. Họ đọc một con người sống.

 

 

2

 

 

Cuối xóm Chùa - gọi thế, vì chùa làng ở xóm ấy - , có một túp lều tranh như bao nhiêu túp lều tranh khác. Người đàn bà khó đoán được tuổi vì có lẽ già trước tuổi, tóc tai thưa và bơ phờ, đang ngồi trước thềm đất trên một đòn gỗ nhỏ. Bà đang vá lại một manh áo đã quá nhiều mụn vá, đã sờn bục, màu nâu nhuộm đã bạc thếch.

Bên chái nhà, nơi đặt chiếc cày và ách trâu, hai đứa bé trai cỡ chừng năm tuổi, bảy tuổi, trần truồng, nhem nhuốc, đang ngồi vọc đất. Đứa bé gái lớn hơn, khoảng mười tuổi, quấn chiếc váy vá chằng vá đụp và ở trần, ngồi xem. Cả ba đều gầy gò, bụng ỏng, đít teo. Thằng anh đang nặn con trâu. Thằng em ngắm nghía, thích chí cười. Thằng anh khoái lắm, cười toe. Con chị cũng há miệng cười theo. Thằng anh bỗng tắt nụ cười:

- Hay nhồi đất lại, nặn củ khoai đi. Làm răng có trâu được. Trâu đắt lắm. Chỉ ông lí mới có cả bầy trâu thôi.

- Đúng rồi. Khoai ngon lắm. - Con chị nói.

Thằng em cười:

- Thì chỉ cần ngắt bốn chân, cái đuôi, cái đầu là thành củ khoai. Cần chi nhồi lại mệt rứa.

- Mi giỏi thiệt. Nhưng rứa mang tội chết. - Thằng anh mắng.

Thằng em thường nghe cha với mẹ nói vậy: mang tội. Cả ba chị em cũng quen nói: mang tội. Nhưng đứa nào cũng từng ngắt cánh châu chấu, đom đóm để chơi, lại còn ngắt đuôi chuồn chuồn, đút vào cọng đọt tre, đọt hóp, thả bay, như máy bay Tây, mặc dù chẳng rõ máy bay có từ năm nào, rồi giả làm nghĩa binh Văn Thân Nghệ Tĩnh “bình Tây sát tả”, du kích quân, nghĩa quân Cần vương chi đó bắn súng hỏa mai, có khi xưng là thợ thuyền Xô viết Nghệ Tĩnh nữa. Thằng em định cãi lại, nhưng chẳng biết cãi sao. Nó cũng thấy tội cho con trâu đất thật, rồi lại tự bảo, đó là cục đất sét, chứ đâu phải con trâu hay củ khoai!

Lúc đó, người đàn ông từ ngoài ngõ bước vào. Ông đi đôi guốc mộc, da trâu, ngón chân út lòi ra ngoài vì quen đi đất, lội bùn, các ngón trùi móng hết và tõe ra, xỏ vào cả năm ngón không được. Chắc ba của bọn nhỏ mới đi họp đi hành chi về, nét mặt nom còn nghiêm trọng lắm.

- Mạ mi nghe tui nói đây. Nói trước là mạ mi đừng có rối rít, rối bời ra. Cứ bình tĩnh mà bàn với chắc (nhau). - Người đàn ông nói riêng với vợ.

- Cấy (cái) chi mà dữ rứa, quan trọng rứa? Thì ba mi cứ nói. Ở nhà có một chắc (mình) tui với bầy con chứ ai! - Người đàn bà ngẩng lên nói -. Cấy tính ba mi chi lạ!

Người đàn ông cười gượng, cố cười cho bớt căng thẳng, nhưng xem ra còn xúc động lắm.

- Nì (này), mạ mi, nghe đây. Khuôn hội làng mình mới họp côi (trên) chùa. Ban trị sự nói ri (vầy). Quanh quanh đây, chưa làng mô có sư, cứ mỗi khi cầu an, cầu siêu hay các ngày vía lớn, phải đón thầy ở chùa làng khác quá xa. Chùa mền (mình) mới có sãi để giữ chùa. Rứa thì phải lo cho các cháu xuất gia để tu học rồi hành đạo. Trẻ được hoọc (học), được tu, nhà lại bớt mẹng (miệng) ăn nữa. Cái chính là giữ được Phật pháp.

Người đàn bà lắng nghe, nét mặt từ lo lắng, căng thẳng dần dần giãn ra, và cười rất tươi.

- Cấy ôông (ông) ni thiệt! Có chi mà ông làm tui hoảng! Thì ra rứa. Quá phúc đức. Mô Phật, phúc đức Ngài ban lớn quá.

- Thôi, thôi, đừng la rầm lên nữa. Tui biết tính mạ mi, nói trước rồi.

- Khôông (không). Tui mờng (mừng) quá. Phúc thiệt. Aắ, đứa nậy (lớn) hay đứa dỏ (nhỏ)?

- Đứa dỏ (nhỏ), khuôn hội chấm khi mô rồi!

- Tội! Thương quái (quá)! Cấy thằng nớ sáng lắm!

Người đàn bà bâng khuâng, nửa muốn quay ra sau chái đầu hồi tìm con, nửa muốn nói chi đó, nhưng nghèn nghẹn. Vui thì vui, nhưng bây giờ, bà bỗng thương con quá.

Thế là số phận của cu Sẹo đã được định đoạt, lúc nó đang nặn đất.

Năm ấy, một ngàn chín trăm ba mươi, cu Sẹo mới năm tuổi.

Mới năm tuổi, còn nhỏ quá, thương quá. Người đàn bà già trước tuổi ấy bước ra sau chái tìm con. Thằng anh vẫn mải mê nặn đất sét thành trâu. Nó nói:

- Tao thích có trâu. Có trâu mền (mình), cày roọng (ruộng) mền (mình), sướng.

Cu Sẹo đang nặn củ khoai, có cả dây khoai, lá khoai nữa. Nó rứt lá bông cẩn nhai nát, nhớt nhờn, tô màu xanh lên dây và lá. Còn củ, đất sét hơi ngả sang màu sẫm, chả biết lấy gì tô.

- Răng củ khoai màu chi đen đen vàng vàng rứa? - Con chị hỏi.

- Khoai hơi bị hà ăn! - Cu Sẹo trả lời.

Lấy que chấm chấm vào cục đất, cười thích chí, rung cả “chim” (vì ở truồng, không có quần áo mặc), cu Sẹo nhảy tưng lên.

Chợt thấy mẹ, thằng anh nói:

- Mạ ơi, thằng Sẹo mang tội. Hắn đòi ngắt chân, ngắt đầu trâu, thành củ khoai. Thằng ni ngu và ác.

- Cục đất chớ trâu với khoai chi! Ưng thì nặn lại mười trâu cũng được! - Cu Sẹo cãi.

Bà mẹ ôm cu Sẹo, không biết đã là út chưa, nhưng thương quá. Không rõ rệt thành ý tưởng, bà mẹ cảm thấy cu Sẹo quá thực tế...

- Nói em ngu với ác! Nói chi rứa tội em! - Bà mẹ bồng con ra lu nước rửa ráy cho nó, vừa đi vừa nói, vừa nói với thằng anh vừa nựng cu Sẹo...

Bà mẹ lại nghĩ, sao Sẹo sáng suốt và giàu tưởng tượng thế.

Bà mẹ già trước tuổi mỉm cười khi hình dung cu Sẹo sẽ trở thành nhà sư, đầu cạo nhẵn, mặc nâu sồng, thuyết pháp ở chùa làng.

 

 

3

 

 

Thường thì những đứa trẻ xuất gia, ở Quảng Trị, chỉ tu học ở các chùa thị trấn, thị xã, nhưng cu Sẹo và một vài chú tiểu ở các chùa ấy, dạo này, được gửi luôn vào Huế.

Ban đầu, Sẹo gọt tóc, chừa lại ba chòm, mặc áo nâu, quần nâu. Dẫu ăn chay dưa với muối, nhưng được cái là khá no, cu Sẹo vẫn nhớ nhà. Dần dần, đến tuổi gọt nhẵn hai chòm kia, còn lại ở thóp mỏ ác đầu một chòm dài đến tận cằm, Sẹo thường phải vuốt về một bên. Sau bảy, tám năm thử thách, các sư tin cu Sẹo - bây giờ là tiểu Tâm Tự - đã có thể tu hành được.

Một hôm, một nhà sư lớn tuổi gọi Tâm Tự đến. Sư bảo:

- Tâm Tự! Con nghe đây. Năm nay con mười ba tuổi, vào chùa được gần tám năm. Tuy vậy, có thể con không tu trì được.

- Răng rứa, bạch thầy? - Bàng hoàng, Tâm Tự thốt -. Bạch thầy, tội con, vì răng rứa, thầy cho con biết.

Nhà sư ôn tồn, nhìn vào mắt Tâm Tự:

- Có thể con không thể tu trì được. Tu hành, cực lắm, khổ lắm. Giữ trọn đường tu, đạt đến tinh tấn, khó lắm, dài lắm. Con có thể hoàn tục.

Lần này, Tâm Tự khóc, mếu máo, ràn rụa nước mắt:

- Bạch thầy, con chẳng hiểu, nỏ (không) hiểu vì răng ra rứa? Xin thỉnh ý răn dạy của thầy, vì răng rứa?

Nhà sư vẫn điềm đạm:

- Không vì sao cả. Con tu học tám năm nay rất sáng, rất tốt. Tuy nhiên, nếu muốn, con cứ hoàn tục.

Đó là lần được thầy thử thách, cho tùy suy nghĩ và chọn lựa của tiểu Tâm Tự. Tâm Tự vẫn một chí tu hành.

Ba năm sau, nhà sư lại hỏi một lần nữa:

- Năm nay Tâm Tự mười sáu, sắp mười bảy tuổi. Con thấy con đường tu hành có cơ cực, gian khổ lắm không?

- Bạch thầy, có ạ. Nhưng con xin quyết chí tu trì.

Sư thầy mỉm cười:

- Càng đến tuổi thanh niên, tu học càng khó, phải nỗ lực nhiều. Tất cả là tùy con, nghe Tâm Tự.

Tâm Tự cũng tự biết vậy. Năm nay, Tâm Tự lớn bổng lên. Mặc dù dưa muối, Tâm Tự vẫn là một chàng trai to cao. Tâm Tự còn được rèn luyện võ thuật. Nhưng Tâm Tự vẫn thấy đôi khi buồn những thoáng buồn vô cớ, và tâm hồn cứ bâng khuâng điều gì không rõ.

Nhiều đêm, sau khi xong tuần kinh tối, nằm một mình, bỗng trái tim Tâm Tự quá đỗi bâng quơ. Hình ảnh những đạo hữu trẻ bằng tuổi Tâm Tự, mặc áo dài tím Huế hoặc áo dài lam khói hương, cứ mỉm cười, cứ hát tình ca, cứ lườm yêu, duyên dáng trong mơ màng. Đôi khi, làm thế nào được, có những hình ảnh rất phàm tục, từ những dáng dung rõ ràng và mơ hồ không rõ nét, cứ ẩn hiện trong giấc mơ tuổi thanh niên bắt đầu của Tâm Tự. Cố xua đuổi, nằm co lại, đấm tay vào đầu, vào ngực, Tâm Tự xấu hổ, nhục nhã với lương tâm mình quá, và không ngớt thầm niệm Phật. Tâm Tự nhiều đêm, trong giấc mơ mộng tinh bình thường, bừng tỉnh giấc, nhục nhã với mình đến trào nước mắt. Con người, con người, biết làm thế nào được! Phải kiên tâm xua đuổi dục vọng đã hóa thành ma vương, mà nào phải ma vương, lại là những dáng dung áo tím Huế, áo dài lam khói hương! Trước khi Đức Phật Thích Ca thành đạo, Ngài chẳng bị ma vương ngời ngợi đường cong người nữ cám dỗ đấy ư! Và Ngài đã chiến thắng. Giáo lí Nhà Phật chẳng bàn đến đó sao! Biết là vậy, nhưng vẫn có những phút giây ban trưa, cảnh chùa im ắng, Tâm Tự buông xuôi theo mơ màng trong trí tưởng. Chẳng phải đêm, trong giấc ngủ, mà là ngày, khi đang thức! Tâm Tự buồn lo nhất, nhục nhã nhất, những phút giây ấy, khi đã trôi qua. Còn đang đắm chìm trong giây phút ấy, Tâm Tự đê mê, khoái lạc! Con người, con người, biết làm sao được! Và nhớ những lời bảo ban của các sư anh, sư thầy, Tâm Tự dồn hết sinh lực tuổi trẻ mình cho việc đọc sách, nghe kinh, tụng niệm, cuốc đất, trồng khoai, tưới rau, làm nhang và tập luyện võ thuật, quyết không để thì giờ thừa, sinh lực thừa! Tâm Tự đã dần dần chiến thắng được dục vọng bản năng tự nhiên của con người trong chính bản thân mình. Tâm Tự chiến đấu và có phương cách chiến đấu với kinh nghiệm được trao truyền, tự trau giồi để vượt thắng. Cuộc tự chiến đấu ấy không ngừng. Đó là cả một quá trình đau khổ, dằn vặt giữa Đạo và Đời! Tâm Tự tin vượt thắng được một, sẽ có đà vượt thắng được mười. “Con có thể hoàn tục”. - Lời sư thầy văng vẳng, dậy nên từng cơn trăn trở. “Phải nỗ lực không ngừng”. - Lời sư thầy luôn thầm thì, có khi trở nên đanh thép, vang trong đêm của Tâm Tự.

Chiến đấu nào cũng khổ đau, nhưng chiến thắng đem đến niềm hạnh phúc. Với Tâm Tự, hạnh phúc là thanh tịnh, trì giới, cùng ý chí, nghị lực để đạt đạo và hành đạo, vì Đời.

Con đường tu hành là con đường gian khổ, rèn luyện để nêu gương.

Dần dần, Tâm Tự tập được nụ cười của Đức Phật - thấu suốt lẽ Đời, trong đó có cả khoảng sâu kín của lòng người với dục vọng xác thịt bản năng, nhất là thời kì dậy thì. Và sau này, tuổi hồi xuân...

 

 

4

 

 

Số phận của con người phần lớn do nhiều yếu tố ngẫu nhiên định đoạt, ngẫu nhiên ngay cả trong mã di truyền, những gì tạo nên cơ chế sinh vật của mỗi thân phận, ngẫu nhiên ngay cả những tác động khách quan. Dẫu con người có ý thức để chọn lựa, nhưng khi còn nhỏ, nào ai đã chọn lựa số phận, cụ thể hơn là đường đời, phù hợp với căn cơ tâm sinh lí, đặc biệt là năng khiếu của mình, và phù hợp với gia cảnh, bối cảnh xã hội mình sống. Nhưng nhà sư Tâm Tự chấp nhận con đường tu trì, hành đạo, khi đã đủ tri thức, đã trưởng thành.

Một ngàn chín trăm bốn tư, sư Tâm Tự đã mười chín tuổi. Bấy giờ đã là đại đức - một trong những mức đánh dấu sự nỗ lực trong tu hành - với ba chấm sẹo nghi thức, nghi thức đội lư trầm nóng đỏ trên đầu.

Năm ấy, sư về lại làng xưa, nơi chôn nhau cắt rốn, và trụ trì tại chùa làng. Đấy là năm Cách mạng đã nắm được thời cơ để tích cực chuẩn bị giành lại chính quyền từ tay phát xít Nhật cho người Việt, truất phế Bảo Đại ăn chơi, làm bù nhìn. Cách mạng Tháng tám bốn mươi lăm nổ ra, cờ đỏ rợp đường thôn và ngay trên cổng chùa. Sư Tâm Tự vừa phấn khởi tự hào, vừa cảm thấy mình đã quá bàng quan làm người ngoài cuộc trong sứ mệnh thiêng liêng giành độc lập, tự do, cả dân chủ cho dân tộc.

Thực lòng, sư cũng không ít băn khoăn cho tiền đồ của Đạo Phật.

Khi còn tu học ở Huế, sư đã loáng thoáng nghe các vị sư lớn tuổi hơn, các sư chú, sư bác, bảo phong trào cộng sản quốc tế là phong trào vô thần và duy vật. Chính cái vô thần và duy vật đã ngáng trở sự ủng hộ của nhà chùa đối với Đảng Cộng sản Đông Dương. Sư cũng chẳng có điều kiện để nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê.

Bây giờ, Chủ tịch Hồ đã lãnh đạo toàn dân giành được chính quyền, sư vừa phục vừa lo. Thực lòng, sư và khuôn hội Phật giáo làng ủng hộ Cách mạng trong tâm trạng phân vân, mâu thuẫn ấy. Chưa có bao giờ lòng yêu nước thương dân lại mâu thuẫn với lòng yêu Đạo Phật, như thời điểm ấy, trước sự chọn lựa, ủng hộ hay không ủng hộ Cách mạng. Ủng hộ Cách mạng để giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân Pháp đã đè nặng gần suốt tám mươi năm trên Tổ quốc, đến khi Cách mạng đã thành công, Nhà chùa sẽ ra sao. 

Nhưng rồi, những quyết sách đoàn kết các tôn giáo với cách mạng được ban ra, cũng xoa dịu phần nào những mâu thuẫn tư tưởng ấy. Xoa dịu thôi, từ phía Cách mạng, chứ lo cho Đạo Phật, trong thao thức của Nhà chùa vẫn là lo âu canh cánh. Chân theo Cách mạng của Bác Hồ, với một thúc đẩy sâu xa từ nghìn xưa tự cường dân tộc, từ khát vọng đánh đổ thực dân Pháp bao nhiêu năm nay, tuy quả tình, sư và khuôn hội đạo hữu chưa thật yên tâm. Nhưng, chống lại Đảng của Bác Hồ thì không. Các tôn giáo khác có chống, Phật giáo chưa hề chống, trong thời điểm ấy. - Sư biết vậy.

Sư Tâm Tự ủng hộ Cách mạng, sau đó ủng hộ kháng chiến toàn quốc khi Pháp được sự hà hơi tiếp sức của Mỹ, quay lại xâm lược Đông Dương (dù trước đó, Mỹ với tư cách đồng minh, có tranh thủ Chính phủ của Bác Hồ nhằm làm lệch mục tiêu của Cách mạng và để tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô).

Năm bốn lăm bước sang bốn sáu là những tháng ngày nạn đói diễn ra kinh hoàng. Người đói gầy đen - ma đói, đúng hơn, vì người không ra người nữa. Pháp và Nhật, chủ yếu là Nhật, buộc dân nhổ lúa trồng đay, đốt thóc, hòng dìm chết Cách mạng.

Có một người dân trong huyện, bắt được con cá tràu, chỉ kịp luộc chín, ăn một mình, để đàn con nhỏ gào, kêu đói bên cạnh. Ăn xong, tỉnh lại, đau đớn và nhục nhã cho danh phận làm cha của mình, y thắt cổ tự tử, tự tử để khỏi bị lương tâm cắn rứt vì chất người bị cái đói làm tiêu tán hết, tự tử để chạy trốn khỏi sự bất lực trước cái đói kêu gào của bầy con.

Sư cùng với khuôn hội cũng xắn tay lên cứu đói, cũng lên rú đào củ mài, sâu đến cả thước mới có một củ. Đó cũng là tự cứu và cứu người.

Năm bốn sáu ấy, sư mới hai mươi mốt tuổi.

 

5

 

Rồi nạn đói cũng qua đi. Còn trữ được, hay được cứu trợ, thóc giống đã phải thành mạ, thành lúa, để kết hạt nuôi người. Đói rét, té quỵ trên ruộng, cũng thay trâu, người kéo cày để cấy. Và đồng ruộng lại vàng lúa chín.

Chùa làng là nơi hội họp của thanh niên đang nô nức kháng chiến.

Trong những cuộc họp, tuổi trẻ với sức sống tươi xanh, bừng dậy. Họ ca hát, múa, diễn kịch, tập luyện quân sự. Sư Tâm Tự, cũng đang bước vào lứa tuổi hai mươi, tham gia nồng nhiệt. Âu lo về tiền đồ Đạo Phật đã được niềm vui rộn ràng cùng sức sống tuổi trẻ đôi khi lấn lướt, và lấn lướt trên tất cả là phong trào thi đua yêu nước với ý thức, nhiệt tâm yêu nước. Đôi đêm, tận đáy sâu của lòng mình, sư Tâm Tự nghĩ, giá như phong trào cộng sản đừng vô thần, đừng duy vật ngay từ trong kinh điển Mác - Lê, ngay trong nội bộ Đảng Cộng sản, chắc chắn, cũng như các thiền sư thời Lý phạt Tống bình Chiêm, thời Trần đánh đuổi Nguyên - Mông cầm gươm ra trận, vừa bảo vệ giang sơn, vừa bảo vệ Đạo Phật, sư cũng sẽ cầm tầm vông, súng ống đánh Pháp và Nhật chứ chẳng chịu ở hậu phương. Sư vẫn còn nhớ âm hưởng bi tráng của những làng Phật giáo kháng chiến thời Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết với phong trào Tân Sở -  Cần vương, và thầm ước nguyện: Giá như lúc này có một lực lượng dân chủ và dân tộc...

Sư Tâm Tự tham gia kháng chiến trong phong trào Việt Minh, ở làng quê của mình chỉ đến mức như thế, nhưng nhờ đó, sư cũng có dịp quen nhiều bạn trẻ, đúng hơn, là đã quen nhau lâu rồi nên càng thêm thân thiết.

Trong đó, chẳng hiểu sao, cô Thắm lại là người thích chuyện trò với nhà sư trẻ. Sau các buổi hội họp, cô Thắm hay ghé chùa, khi với em trai năm tuổi, khi với cháu đang tuổi bế bồng, khi với nhóm bạn gái. Sư cũng mến cô Thắm lắm. Cô Thắm không đẹp nhưng rất có duyên với mái tóc dài đen nhánh, với hàm răng hạt lựu đen rưng rức, lóng lánh, đôi môi ăn trầu cắn chỉ tươi đỏ. Cô ấy hai mươi tuổi tròn, tràn trề sức sống. Chùa chỉ có mình sư và ông sãi già lụm khụm.

Tổ quốc đang bừng bừng kháng chiến, tâm hồn còn canh cánh âu lo về đạo pháp, nhưng trái tim trai trẻ của sư vẫn có độ rung của nó.

Sư cứ băn khoăn chả hiểu tình cảm của Thắm ra sao, ở cung bậc nào. Trong tình yêu đương, khi còn chập chờn, mơ hồ, hình như và chỉ hình như, chưa một lần ngỏ lời, có lẽ là thời gian khiến trái tim người tươi hồng nhất, co thắt, rối nhịp nhất. Sư ăn không ngon, ngủ không yên. Biết làm sao được!

Thắm đã đánh thức niềm khát vọng yêu đương trong lòng sư, bằng khóe nhìn cháy nồng, da diết, bằng tiếng cười đôi khi nghẹn lại thoáng chút, không còn giòn tan suốt chuỗi - hình như đấy là thoáng chút âu lo, vì đã linh tính được, nỗi buồn đau sẽ tới. Nếu khóe nhìn ấy, tiếng cười ấy bình thường thôi, có lẽ, dẫu mến Thắm bao nhiêu, sư cũng đành cam phận tu hành. Sư đã hạ tóc, mặc nâu sồng để giữ giới, để làm nên “rào cản”. Một chàng trai trẻ không tu hành có thể chủ động với nam tính, ngỏ lời yêu, có thể công khai yêu một cách tự hào, hoặc công khai buồn đau bị thất tình. Nhà sư, áp lực đạo đức buộc chặt, khó biết bao. Và với Thắm, cũng thế. Yêu bất kì chàng trai nào người dưng khác họ, người không xuất gia, có sao đâu. Chẳng phải Thị Mầu trong truyện cổ Phật giáo đã khắc sâu một hình tượng ngụ ý răn dạy đậm tính phê phán đó sao. Chẳng ai dám vượt rào cản của áp lực đạo đức xã hội để yêu một nhà sư. Dẫu sao, đấy là tình yêu tội lỗi, làm hoen ố cửa thiền, điều mà phạm phải thì đáng chết hai lần, tủi nhục cả gia phong. Thắm yêu, trong âu lo, và biết trước bất hạnh sẽ đến.

Sư Tâm Tự, hai mươi mốt, hai mươi hai tuổi, cô Thắm, mười chín, hai mươi, vẫn chẳng hiểu tại sao lại phải lòng nhau oái oăm đến thế! Hai người không hiểu vì sao, và chẳng làm sao cấm nổi lòng mình! Dẫu sự lén lút, giấu giếm càng nhân nhiều lần nồng độ nhưng rồi cũng chẳng đến đâu!

Trong một đêm chỉ sáng mờ với ánh sao trời, Thắm vác cả cây tầm vông vạt nhọn đến chùa. Thắm độ rày xanh mét, lúc này tóc mai bết mồ hôi, ràn rụa nước mắt. Thắm run rẩy bên nhà sư trẻ trong bóng đêm, phải rất gần mới rõ mặt nhau. Thắm khóc. Thắm chỉ nói với nhà sư trẻ một câu, rồi ôm mặt lặng lẽ bỏ đi.

- Có lẽ em sẽ đi lấy chồng, còn cách mô khác được!

Sư đứng sững, tựa vào vách chùa, đến khuya. Nhà sư trẻ, rất đàn ông, cũng ràn rụa nước mắt.

Và sư Tâm Tự vào phòng, tụng kinh đến sáng.

Rồi bẵng đi rất lâu, sư nghe Thắm đã yêu anh giáo Hiền, người thanh niên thân thiết với sư hơn cả ruột thịt, Thắm sinh nở, đã chết vì sản hậu! Sư chỉ còn biết thở dài.

Thật ra, trước đó, cũng đã có lời dị nghị trong đám thanh niên cứu quốc về tình cảm là lạ, họ chỉ thấy là lạ thôi, giữa sư với Thắm. Họ rất tinh nhưng cũng nhờ tác phong đức hạnh của sư, của Thắm xưa nay, họ chẳng dám nghĩ xa hơn. Hơn nữa, hai người rất khéo kín chuyện.

Rồi kết cục đã rõ ràng, Thắm đã yêu giáo Hiền - giáo Hiền đã mấy năm đeo đuổi Thắm. Thắm với giáo Hiền đã có chung đứa con, và sau khi sinh, cô ấy chết vì sản hậu. Giáo Hiền chăm con như chăm trứng, đã đem con về nhà, gà trống nuôi con, khi cu Học chưa đầy một tuổi. Giáo Hiền, sư Tâm Tự vẫn là đôi bạn chí thân. Hơn ai hết, giáo Hiền là người tin tưởng, khâm phục đạo hạnh, sự thông tuệ của sư Tâm Tự.

Năm tháng trôi qua.

Suốt hai mươi hai năm, từ khi về trụ trì, năm bốn tư, đến khi Mỹ ngụy buộc dời làng, năm sáu sáu, sư Tâm Tự ngày đêm tụng kinh, thuyết pháp, tập võ thuật đều đặn, đều đặn đọc sách, mùa nối mùa cuốc đất trồng rau, cày ruộng.

Đôi khi, suốt bao nhiêu năm, sư thở dài, nhớ và thương cô Thắm. Thắm mãi mãi hai mươi tuổi thanh xuân trong trái tim sư. Những khi đó nhà sư đã trăn trở xua đuổi bóng hình Thắm. Sư cắn răng tàn nhẫn với mình, với người yêu đã chết.

Năm tháng cứ trôi qua.

 

6

 

 

Đã rất nhiều năm sư Tâm Tự muốn lãng quên tất cả. Tiếng tụng kinh vang lên u trầm từ lồng ngực, đều đều, với nhịp mõ khô khốc, cũng đều đều, điểm tiếng chuông thanh thoát, ngân nga âm hưởng, với làn hương khói nhang trầm lâng lâng bay lên, la đà, bay lên, trong ngôi chùa cổ ẩm thấp rêu phong, tĩnh mịch. Ngày qua ngày, đêm qua đêm. Nhưng đấy là một nỗ lực nội tâm để đạt tới cảnh giới siêu thoát, cũng chẳng đâu khác, trong chính nội tâm. Cuốc đất, trồng rau, cày ruộng, tập võ thuật và nghiền ngẫm sách kinh, cũng là phương cách nuôi dưỡng tâm linh trong thế quân bình với xác thân phàm tục, để quên đi tất cả. Nhưng chẳng thể quên được điều gì. Không thể.

Trên gương mặt dân làng, hầu như đều là đạo hữu, dù quy y hay chưa, hoặc không, vẫn không giấu được những nỗi niềm thế sự và thời sự. Làm sao sư Tâm Tự không ưu tư.

Nhân dân kháng chiến chống Pháp, sau lưng Pháp là Mỹ, một cách quyết liệt. Và chiến thắng Điện Biên rực rỡ vang dội thế giới. Từ sau Thế chiến thứ hai, bàn cờ quốc tế đã chia hai khối, hai phe rõ rệt. Từ giai đoạn chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược, bóc lột, còn gọi là giai đoạn “Bình Tây sát tả” (II.12), vào thời Nguyễn thế kỉ trước, đến nay, trong gần một trăm năm đó, dần dần, cuộc chiến tranh mang tính ý thức hệ. Phong kiến giương cờ. Tư sản - tiểu tư sản, đúng hơn - đã giương cờ. Lại vô sản giương cờ. Không còn là chiến tranh chống ngoại xâm của một quốc gia mà đã mang tính chất quốc tế. Hà hơi tiếp sức cho Pháp, Mỹ đã công khai bộc lộ trắng trợn bản chất. Và Liên Xô, mô hình ấy, quy về trung tâm là Nga, cũng khiến người dân có suy nghĩ e ngại. Nhân dân vẫn e ngại, dẫu biết Liên Xô giúp các nước thuộc địa.

Đất nước bị chia cắt trong sự sắp xếp của hai khối, theo dạng nước Đức sau năm bốn lăm. Triều Tiên sau này cũng thế. Bảo là quốc tế, thực ra chỉ chín nước, và thực chất do sự định đoạt của các siêu cường, cường quốc, số đếm chưa hết ngón trên bàn tay. Quả là phi lí!

Dẫu có Mỹ ủng hộ, phái đoàn ngụy vẫn bị gạt ra rìa, bởi đó là lẽ đương nhiên!

Số phận của các nước nhỏ là thụ động, bị động, giỏi lắm là cố gắng chủ động trong thế buộc phải thụ động, bị động ấy... Các nhà lãnh đạo cuộc kháng chiến tài ba, sáng suốt và chiến công đạt được hiển hách đến thế còn phải thế, nói gì đến “dân ngu khu (mông) đen”, mù chữ, thiếu ăn, thiếu mặc. Thời thế đã thế, nói gì một nhà sư quê mùa, thông tuệ, cố lãng quên thế cuộc mà chẳng thể.

Sư Tâm Tự thấy toàn dân, Nam cũng như Bắc, đều thụ động, bị động như thế, trước sự chia cắt Đất nước. Số lượng người di cư và tập kết không nhỏ cũng nằm trong sự sắp xếp của các siêu cường, cường quốc. Đấy là một sự chia cắt lâu dài. Nếu không có ý định chia cắt lâu dài, di cư, tập kết làm gì.

Sư Tâm Tự bị cột chặt ở làng quê vì trách nhiệm với Đạo Phật, cũng vì sự yên ổn trì trệ của nếp sống.

Sự giằng xé giữa yêu nước là ủng hộ Cách mệnh với chí nguyện hoằng dương đạo pháp của Đức Phật và cũng của sư, từ những năm xưa, khi mới trở về làng, lại đau đáu. Một hi vọng mơ hồ, rằng sẽ giữ vững Đạo Phật ở Miền Nam, dần dần đấu tranh thoát khỏi ảnh hưởng nanh vuốt của đế quốc Mỹ, dậy lên trong lòng sư. Như thế, vô hình trung, sư đã chấp nhận chủ nghĩa tư bản với ước vọng Đất nước, dân tộc được độc lập, tự do trong khối tư bản chủ nghĩa, hoặc trung lập, mà thực chất, trung lập cũng tư bản chủ nghĩa đấy thôi, hoặc chỉ là danh từ mị dân. Không thể thoát được sự áp đặt chi phối của một trong hai khối. Khi nước mình là nước nhỏ, lại bị chia hai, rõ là hai miền đã thuộc về hai phe.

Sư Tâm Tự thụ động, bị động, như đa số người dân, với một hi vọng mơ hồ để tự trấn an, tự xoa dịu. Hoàn toàn lúng túng và cam chịu! Chẳng hi vọng gì ở tổng tuyển cử! Ngô Đình Diệm được chuẩn bị làm con cờ, một con cờ “tội nghiệp”(!), từ bao năm trước, để làm đối trọng với Bác Hồ. Làm sao Ngô Đình Diệm, con cờ dựa vào Thiên Chúa giáo, “sản phẩm” của Thiên Chúa giáo, gắn liền với thực dân, đế quốc, lại đối trọng được! Sư chẳng ngạc nhiên gì khi tổng tuyển cử, nghe đâu chỉ là giải pháp xoa dịu để “hoãn binh”, không diễn ra. “Hoãn binh” để chia cắt lâu dài!

Rồi, năm sáu mươi, Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam được thành lập, thực chất là một hình thức đấu tranh của Đảng Cộng sản Bắc Việt Nam. Ngọn cờ trung lập giương lên cũng chỉ là ngọn cờ tập hợp thêm số trí thức chống Mỹ và Diệm nhưng không cộng sản. Mặt trận Giải phóng ấy với Chính phủ tại Hà Nội chỉ là một. Chính phủ Bắc Việt sinh đẻ ra, nuôi dưỡng, chỉ đạo Mặt trận Giải phóng. Như thế là đã rõ ý định của Đảng Cộng sản, - Sư Tâm Tự nghĩ vậy -, dùng vũ lực để giải quyết vấn đề!

Rồi hàng rào Mác Na-ma-ra, Mỹ thiết lập ba năm sau ngày Diệm - Nhu bị giết chết bởi cứng đầu - vẫn cứng đầu sau khi hoàn tất nhiệm vụ độc tài với mưu toan truyền bá Thiên Chúa giáo làm quốc giáo. Một chiến dịch tuyên truyền hạ-uy-tín-đã-dựng-nên cho các bung xung Diệm - Nhu: gia đình trị, loạn luân giữa Diệm với Lệ Xuân, trên sách và báo chí, đã diễn ra từ ba năm trước. Năm một chín sáu sáu, bước sang sáu bảy, sư Tâm Tự bàng hoàng rời khỏi làng quê đã biến thành vành đai trắng.

Ảo vọng độc lập, tự do trong khối “thế giới tự do” đã tiêu tan từ khi Phật giáo bị Diệm - Nhu đàn áp đẫm máu và người Mỹ ngày càng cắm sâu nanh vuốt vào Miền Nam với “âu lo xích hóa” (đỏ hóa) toàn  Đông nam . Sư Tâm Tự bàng hoàng. Chính trị là ván cờ đô-mi-nô sao!?

Sư nghĩ, Đảng Cộng sản Việt Nam bản lĩnh hơn, dày dạn kinh nghiệm hơn, cố giành thế chủ động hơn, và đã có công đánh Pháp, Nhật thắng lợi, nên chính danh hơn, nhưng thực chất cũng do Nga Sô, do Trung Cộng góp ý, viện trợ. Ở Miền Nam, các chính khách chính khứa và lãnh tụ đều quá non tay, phi chính danh từ đầu, người Mỹ cũng quá ngu khờ khi đứng ra thách thức cộng sản, lại trực tiếp đổ quân. Về mặt chính trị, từ khi dính líu đến chiến tranh Đông Dương trước Cách mạng Tháng tám đến khi rút ra khỏi sự sa lầy, Mỹ đã không che giấu, ngụy trang bản chất đế quốc, lại trắng trợn phô bày bản chất sô-vanh, ma-phi-a chính trị.

Sư Tâm Tự đau lòng khi bước chân vào Đông Hà, bỏ lại cả một làng quê bời bời cỏ tranh, cỏ lau và bom đạn, trong tâm trạng u tối, bế tắc. Vũ khí luận - quá tin vào sự tối tân, giàu có vũ khí của các tập đoàn tư bản kinh doanh vũ khí ở Mỹ -, chúng đã vận dụng triệt để vào Đất nước này, làng quê này. Sư ngửa mặt nhìn thấy những cụm mây trắng bay, bay trong ảo vọng tuyệt đối thoát li trần gian máu lửa, và sư chắp tay bất lực. Sư tự nhủ, mình chỉ là nhà sư quê mùa, u mê.

Trong những tuần kinh kệ sớm hôm, tiếng tụng niệm u trầm có khi trầm thống, khói trầm nhang siêu thoát có khi ngỡ khói lửa chiến tranh, tiếng mõ tưởng tiếng báo động, tiếng chuông như tiếng báo yên, hay chuông mõ chỉ là tiếng tích tắc, âm thanh vang lên của thời gian nặng nề thê thảm trôi qua. Tiếng bom đạn gầm lên át hết. Sư sống trong tâm trạng chung của người dân Nam - Bắc.

 

 

7

 

 

Suốt sáu năm dài đằng đẵng, sư Tâm Tự vào tu trì ở một ngôi chùa ngay thị trấn Đông Hà. Đêm đêm, đứng hướng mặt về quê nhà trên bờ nam sông Bến Hải, sư nghe rõ bao lưỡi dao kiếm cứa mãi, cứa mãi ngang lưng Tổ quốc.

Sư Tâm Tự đã quyết liệt từ chối làm tuyên úy trong quân đội ngụy Miền Nam, dứt khoát không. Đã đứng bên ngoài thì đứng hẳn bên ngoài cuộc chiến tranh vừa mang tính chất hai khối, vừa mang tính chất tương tàn trong sự xung đột ý thức hệ, mặc dù cán cân để đo lường chính nghĩa, chính danh đã nghiêng về phía cộng sản.

Sư nghe tiếng súng AK. 47 lẫn AR.15 nổ, tiếng pháo kích từ rừng xanh hay nông thôn đã được bộ đội chính quy Bắc Việt và du kích rót về thị trấn, tiếng đại bác từ 105 đến 175 li bắn đi với tiếng dội bom ngăn chận sự xâm nhập của bộ đội vào Nam , tưởng như thấy được sự xung đột ý thức hệ: Duy tâm và duy vật bắn nhau, hữu thần và vô thần giết nhau, tư bản và vô sản quyết một phen sống chết. Vàng và đỏ quyết không cùng tồn tại?

Miền Bắc không ngớt hát trên đài Hà Nội và đài Giải Phóng bài ca Giải phóng Miền Nam. Phải giải phóng Miền Nam vì đế quốc Mỹ xâm lược, ngụy quyền Sài Gòn chỉ là ngụy, bán nước, tay sai. Điều đó đúng. Nhưng giải phóng Miền Nam vì nhân dân bị kìm kẹp, rên siết, nô lệ, đói nghèo, phải cần xem lại nếu không muốn nói là sai. Không, bấy giờ, sau khi Diệm - Nhu bị lật đổ, Miền Nam quá tự do, tự do đến mức vô chính phủ, quá dân chủ đến mức vô trật tự. Trong không khí đó, Phật giáo vẫn tiếp tục đấu tranh, chống Thiệu - Kỳ (Thiệu, một con cờ khác của Thiên Chúa giáo, nhưng con cờ lần này “ẩm” mặt [úp mặt] mang nhãn hiệu thập giá!). Trước tình hình đó, để mua chuộc nhân dân, Mỹ và đồng minh đổ vào Miền Nam đến thừa mứa gạo, vải vóc, thuốc thang. Sư Tâm Tự nghe đài Hà Nội, đài Giải Phóng, thấy phóng viên hai đài đó chẳng có chút thực tế nào, nên lắc đầu ngao ngán. Làm sao tin được để có thể ủng hộ Bắc Việt. Có điều, hai đài đó không bao giờ nói thẳng về tôn giáo, và luôn phủ nhận đây là cuộc chiến tranh ý thức hệ đơn thuần.

Báo chí Miền Nam, đủ khuynh hướng chính trị. Riêng đài phát thanh, đài truyền hình là của chính quyền Sài Gòn và Mỹ. Các loại đài lại rêu rao một cách khẳng định, chống cộng sản xâm lược! Nhưng luận điệu tuyên truyền của đài Gươm thiêng ái quốc, cũng như Sài Gòn, Tự Do, quá chừng ấu trĩ về chủ nghĩa duy tâm, thực chất là lợi dụng mê tín dị đoan vào chính trị, như chương trình coi bói “Gia đình bác Tám” rẻ tiền, ngu ngốc. Rồi vẫn các đài đó hát bao bài ca ủy mị, rầu rĩ, ca bao bài ca về anh lính cộng hòa mang đầy chất “yêng hùng”, hào hoa xa rời quần chúng. Rồi cũng không phải đài nào khác, các làn sóng phát thanh ấy vẫn một mực khẳng định, cộng sản độc tài, bóp chết tự do, nhân quyền, nhân dân Miền Bắc đói khổ...

Sư Tâm Tự băn khoăn tự nghĩ. - Chẳng có ai ngu ngốc để cầm súng cho bên này hay bên kia, nếu nghe các thứ đài tuyên truyền ấy mà có suy nghĩ. Sự ám thị về tâm lí chính trị vẫn có hiệu quả nhất định với những ai chỉ nghe một phía, vì bị cấm đoán, dọa tù đày, hoặc được tặng máy chỉ bắt được một đài, hoặc tâm thế chỉ chịu nghe một phía - tâm thế hình thành do quyền lợi và có thể do ân nghĩa hoặc thù hận. Tư sản, địa chủ làm sao chịu nghe cộng sản. Kẻ bị cộng sản đấu tố, tịch biên, nghe cộng sản chỉ hiểu ngược, do tâm thế. Cũng do tâm thế, người bị Mỹ ngụy dội bom, bức hại, chúng tuyên truyền mấy cũng chỉ phản tuyên truyền. Ân nghĩa nhận từ phía này hay phía kia cũng làm cho tâm thế nghiêng lệch.

Sư Tâm Tự không thể không bị tạo nên tâm thế chính trị một cách ngỡ như vô thức. Nhưng sư chịu khó lắng nghe để rồi chẳng tin nổi bên nào. Chẳng ngã về phía nào lại cũng do một dạng tâm thế chính trị! - Sư băn khoăn tự nhủ. Và còn tỉ lệ các nguồn ám thị nữa!

Đêm đêm, sau tuần kinh tối, sư Tâm Tự quyết tâm phải hóa giải sự xung đột ý thức hệ vốn là xung đột mỗi phút. Theo kinh Phật, sư biết tâm không định ắt tuệ không sáng, như dòng sông Hiếu của thị trấn Đông Hà, mặt nước gợn sóng hệt tấm gương tráng thủy không đều, phản ánh gì cũng đều méo mó. Cây cối, nhà cửa, vầng trăng đều méo mó. Bóng của chính sư trên cầu cũng méo mó dưới mặt trời. Sư thầm nghĩ, lòng mình luôn gợn sóng như sông Hiếu chăng? Nho, Phật, Lão là ba tôn giáo - triết thuyết cổ ở Phương Đông. Thiên Chúa giáo chủ yếu phát triển ở Phương Tây với nhiều giáo phái của nó. Chủ nghĩa tư bản làm cách mạng tư sản trên thế giới từ thế kỉ XVIII. Chủ nghĩa Mác - Lê đang hình thành một hệ thống sức mạnh. Phải nghiên cứu tất cả, dũng cảm thừa nhận những gì sai lầm, hàm hồ và lỗi thời, những gì là chân lí, là khoa học, có giá trị thực tiễn! Sư rùng mình sợ hãi khi nghĩ mình đang bị đài, báo ám thị, khiến cái tâm hóa dòng sông ngầu bọt, đen tối.

Thao thức, trăn trở, bế tắc! Những năm sáu mươi, bảy mươi, ở Sài Gòn, ở Huế và các nơi tại Miền Nam có một vài khuynh hướng hóa giải những đối cực, hòa giải những đối kháng để tìm điểm tương đồng, dẫn đến thống nhất tư tưởng nhưng rốt cùng cũng bế tắc. Thế cuộc vẫn một sống một chết! Lòng người vẫn thiên kiến, cố chấp dù nhân danh trung thực, vô chấp, tâm không! Chưa ai đủ trí tuệ để làm điều đó trong điều kiện súng bom gầm thét. Vì thế, súng bom vẫn gầm thét. Đối thoại chỉ là đối thoại giữa bạo lực với bạo lực. Đấu bút thành đấu súng giữa chiến trường. Chân lí của súng thực tế hơn chân lí của bút. Nhưng đâu là chân lí? - Bao lần sư tự độc thoại. Sư Tâm Tự đọc nhiều, nghe nhiều, vẫn chỉ bế tắc trong sự bế tắc của thời ấy. Chưa một tiếng nói nào có sức thuyết phục.

 

8

 

 

Nắng tháng sáu mới hơn mười giờ đã quá gay gắt. Ba ông cháu vẫn ngồi nhấp giọng nước chè xanh, chuyện vãn. Chén nước thơm hương gừng trên tay Hiền Lương đã nguội ngắt.

Trong nắng chín rực mùa hè, trong gió Lào khô khao, cuốn sách Vô ngôn Vô tự bên Thánh Gióng và bản đồ Tổ quốc, cuốn sách cũng Vô ngôn Vô tự khác bên quả cầu tròn, được làm bằng cây chè lá nhỏ, đang lật giở từng trang. Có nhiều trang đã bị gió giở vội không kịp đọc. Có nhiều trang cơ chừng dính vào nhau.

Ông giáo Hiền mỉm cười với nụ cười hiền hòa. Ông nói:

- Thật ra, có nhiều điều mình không biết. Mình chỉ biết đại khái về sư Tâm Tự, nhưng mình tin cuốn sách Vô ngôn Vô tự kia biết hết. Ngoài hai cuốn sách ấy, chẳng ai biết hết chính mình, nói chi về ai khác.

- Thưa ông, sau năm bảy hai, ông về lại đây, còn sư Tâm Tự? - Hiền Lương hỏi.

- Đúng rồi. Sư Tâm Tự nghe đâu đã vào chùa trong trại tị nạn ở Non Nước, Đà Nẵng. Năm bảy ba, dân Quảng Trị hồi cư bên kia sông Thạch Hãn. Phía bắc Thạch Hãn trở ra đã được ta giải phóng. Sư Tâm Tự lại tu ở một chùa nào đó bên bờ nam. Chỉ sau Ngày Thống nhất tháng tư bảy lăm, sư mới về lại chùa làng. Cơ khổ, chùa chẳng còn viên gạch, viên đá nào nguyên vẹn! Khuôn hội chỉ làm tạm mái tranh trên nền cũ. Hơn mười mấy năm, chùa vẫn tre và cỏ tranh, làm đi làm lại vẫn tre và cỏ tranh. Hồi mới giải phóng, có nhiều cán bộ, du kích còn khắt khe với tôn giáo lắm. “Aãu trĩ “tả” khuynh” mà, nên khắt khe quá đáng! Chính mình là cộng sản nằm vùng, mình cũng ái ngại cho sư, nhưng chẳng biết làm sao. Chùa mới xây dựng vài năm nay, như cháu Hiền Lương thấy đó. Dân làng, đạo hữu cực khổ, chùa lấy gì để khang trang!

Hành vẫn nhìn ra khoảng trời ngập nắng ngoài khung cửa, ngoài giậu bông râm bụt, và tiếp dưới khoảng trời ấy, xa xa là cánh đồng, lũy tre xanh.

- Từ sau Ngày Thống nhất, mình với sư Tâm Tự lại thường xuyên gặp nhau, trao đổi, đàm đạo, thấy cũng vui. Mình không tu mà cũng như tu. Mỗi người tu mỗi cách. Tư tưởng ai buộc phải giống nhau mới thân với nhau. Đảng viên cộng sản mấy chục năm, mình vẫn là anh giáo quèn rồi lão giáo quèn, cũng như sư Tâm Tự, mãi mãi vẫn là đại đức, đại đức trẻ rồi lại đại đức già. Bây giờ, mình với sư càng già lại càng thân nhau, còn hơn ruột thịt.

Hiền Lương lắng nghe, cảm thấy bức chân dung về sư Tâm Tự vẫn chưa thể vẽ được. Nhưng làm sao có thể không vẽ về con người thăm thẳm, ngời sáng ấy, cô tự bảo. Hiền Lương cảm thấy mình còn non nớt, nông cạn biết bao về con người và cuộc đời, với bao nhiêu biến động, trong đằng đẵng năm tháng tháng năm.

 

TXA.

 

 

CƯỚC CHÚ chương IV: không có cước chú.

 

 

( xem tiếp chương V )

 

 

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/29/09                                                                   

Trở về trang chủ

                                                                 

 

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE