c. Trần Xuân An - Ngẫu hứng đọc thơ - Đọc thơ Nguyễn Tiến Đạt - Tệp 3

author's

copyright

trần xuân an

ngẫu hứng đọc thơ

 

 

phê bình thơ

Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005

06/30/09

 

 

Bài 1

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

Bài 7

 

Bài 8

 

Bài 9

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

                             

        

   Bài 3

 

ĐỌC THƠ NGUYỄN TIẾN ĐẠT

 

Kính gửi đến gia đình

cố thi sĩ NGUYỄN TIẾN ĐẠT

với niềm tưởng tiếc khôn nguôi về anh.

 

TXA.

 

                                                

1

“Khi hỏi về quan niệm thơ, Đạt không nói, chỉ rung đùi ngâm hai câu thơ của mình:

‘Làm thơ không chết vì cơn đói

Nhưng đói chừ đây đến cuộc đày’.

Chúng tôi nghĩ không có cuộc đày nào dành cho Đạt cả, khi thơ anh luôn cuộn chảy trong bể khổ của con người. Đọc thơ Đạt cứ muốn khóc sau khi đã mỉm cười” (1).

Đó là lời giới thiệu của nhóm biên tập, tổ chức bản thảo (Hàn Vũ Hùng, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Quang Lập) về Nguyễn Tiến Đạt ngay trên chùm thơ năm bài của anh trong một tuyển tập thơ trẻ Quảng Trị. Ở trang trước đó, nhà văn Xuân Đức đã hai lần nhắc đến hai câu thơ khác của Nguyễn Tiến Đạt trong một bài đề tựa:

Vô vi thì buồn, viết thì sợ

Trời rộng, đành nâng chén ngang mày.

Trong bài tựa ấy, Xuân Đức tỏ bày một niềm băn khoăn, khắc khoải về mối nợ đối với lịch sử xa và gần của mảnh đất quê nhà, một xứ sở vốn thuộc bộ Việt Thường, rồi thuộc quận Nhật Nam, lại mang tên châu Ô và châu Ma Linh, sau đó được đổi làm châu Thuận, cuối cùng được gọi là Quảng Trị cho đến bây giờ (*). Theo nhà văn, mối nợ đối với lịch sử càng gần, càng nặng trĩu.

Bốn câu thơ được trích dẫn ấy, thật ra cùng ở trong một bài thơ, có nhan đề là Tặng bạn, thể hiện thái độ, tâm trạng cầm bút làm thơ của Nguyễn Tiến Đạt trước tình cảnh “manh áo miếng cơm quá lắt lay” đã làm tha hoá bạn bè, trước những ẩn sĩ non cao tránh né nhìn thẳng vào cuộc đời, mà chỉ “mãi nhìn con trẻ mắt thơ ngây”.

Nhưng không có gì quá khốc liệt, quá gay cấn, quá đụng chạm như lịch sử vốn thế, trong cả hai tập thơ riêng, Nguyễn Tiến Đạt đã xuất bản (2). Hoá ra, giữa “trời rộng, đành nâng chén ngang mày” chỉ là động tác bày tỏ một lời nguyện hứa với cuộc đời, về những gì còn chưa viết được. 

Còn có thêm một điều nữa. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về một lời nhận định khác của nhà văn Xuân Đức được in ở phần gấp bìa bốn của tập thơ Người đi nhặt cuội:

“Anh hát vu vơ, nói bông phèng, nhưng mà khắc khoải, mà cô liêu, đôi khi gần với sự thảng thốt:

‘Đôi khi như hạnh phúc tê tái

Trầm trầm đưa tiễn đến muôn sau

Ba mươi năm nữa ai cuống quýt

Rưng rưng tóc bạc trút lên đầu’.

Cái kết cục nghe rùng mình, một sự thảng thốt đầy linh cảm định mệnh… Sự bất ổn trong con người Đạt thật đáng sợ. Thơ anh vì thế không lẫn được…”.

Tôi không hiểu sao Xuân Đức lại viết như một lời tiên tri về số phận tác giả, mặc dù đoạn thơ trong chỉnh thể bài thơ Đôi khi của Nguyễn Tiến Đạt hầu như mang một ý tưởng giản dị hơn. Đó là những khoảnh khắc tâm trạng bâng khuâng, hồi tưởng lúc một mình, được Nguyễn Tiến Đạt thể hiện qua 5 khổ thơ, mỗi khổ 4 câu, và khổ thơ nào cũng đều bắt đầu bằng hai chữ “đôi khi”. Mỗi khổ thơ là một đoạn độc lập, mặc dù mỗi đoạn có một hoặc hai ý tưởng về một hoặc hai khoảnh khắc. Điều cần lưu ý là các khoảnh khắc tâm trạng ở từng đoạn, rất khác nhau về không gian, thời gian. Nhìn chung, phần nhiều những khoảnh khắc ấy đã trở thành kỉ niệm về kỉ niệm. Nguyễn Tiến Đạt nhớ có đôi khi anh đã bâng khuâng, hồi tưởng về những gì đã xa xôi, đã trải qua trong quá khứ. Cấu trúc toàn bài là các đoạn (các khổ thơ) đẳng lập, không có đoạn kết. Đoạn thơ trên là khổ thơ cuối (không phải kết), viết về một lần trong “đôi khi” của anh. Lần ấy như thể một niềm hạnh phúc, nhưng là hạnh-phúc-buồn đến tê tái. Hạnh phúc tê tái ấy được anh thầm lặng đưa tiễn đến muôn sau, có lẽ bằng thơ ca, hoặc mệnh đề với chủ ngữ được hiểu ngầm (lược bỏ) đó chỉ là một cách nói đến ý niệm thuộc về mãi mãi. Và Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, ba mươi năm sau, chính anh (với đại từ ai) là người sẽ cuống quýt nhớ về hạnh phúc tê tái một thời trai trẻ, và sẽ rưng rưng khóc, nghe tóc mình chợt bạc trắng như tơ trời bỗng đổ trút lên đầu.

Thơ là một thể loại có khả năng gợi nên nhiều chiều cảm nhận khác nhau, tất nhiên trên những điều kiện ắt có và đủ, vốn đã được nâng lên thành nguyên tắc lí luận văn học nhất định. Cách cảm nhận của nhà văn Xuân Đức chỉ là một trong vài hướng tiếp cận đoạn thơ trên của Nguyễn Tiến Đạt.

Tôi cũng nghĩ rằng, Nguyễn Tiến Đạt khi chọn nhận định trên của Xuân Đức để đặt vào phần gấp bìa bốn là anh đã chấp nhận những cách cảm thụ khác nhau, chứ chưa hẳn khi viết, Nguyễn Tiến Đạt đã hoàn toàn nghĩ thế. Vả lại, một nhận định (đặc biệt là nhận định văn chương) không hoàn toàn đúng, nhưng tương đối chính xác, đạt khoảng 80%, đã là một nhận định có giá trị. Thậm chí, tôi biết, hầu như khá nhiều nhà thơ rất ngạc nhiên khi nghe hoặc đọc những lời bình về thơ mình; và vốn phóng khoáng, họ cũng chấp nhận những cách cảm thụ khác nhau của nhiều người đọc trên một chỉnh thể văn bản bài thơ, tập thơ cụ thể của mình. Tất nhiên phải loại trừ cách cảm thụ phi nguyên tắc, dẫn đến sai lệch nội dung tư tưởng – hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

Tuy nhiên, ở đây không phải vấn đề phương pháp luận cảm thụ văn học, mà là quan niệm, thái độ sáng tác của Nguyễn Tiến Đạt và số phận của anh.

Nguyên là sĩ quan công an, nhưng phục tùng không lâu, anh đã ra khỏi ngành. Phải chăng, do tư duy thơ Nguyễn Tiến Đạt vốn thế? Sau một thời gian thất nghiệp, anh chuyển hẳn sang làm báo (cộng tác viên của tờ Tuổi Trẻ TP. HCM., đồng thời là phóng viên chính thức của báo Quảng Trị). 

Nguyễn Tiến Đạt đã qua đời do một tai nạn giao thông, và đã được an táng lại làng nghề đan chiếu Lâm Xuân, huyện Do (Gio) Linh quê nhà, vào ngày 22. 7. 2001. Anh chỉ sống 37 năm trên cõi đời này. Sự thể này, hoàn toàn bởi ngẫu nhiên, một ngẫu nhiên rất đột ngột. Tai nạn xảy ra chỉ cách thời điểm anh nghe tin mình được giải thưởng báo chí vài giờ đồng hồ (3). Chính ngẫu nhiên là “định mệnh” oan nghiệt?

Trên tay tôi hiện có hai tập thơ riêng của Nguyễn Tiến Đạt, do anh đề tặng và kí tên. Từ Quảng Trị, anh gửi vào địa chỉ nhà tôi, theo đường bưu điện và nhờ người quen trao giúp. Lúc này, thêm một lần nữa, tôi ngẫm nghĩ về người thơ Nguyễn Tiến Đạt trong nỗi ngậm ngùi, tưởng tiếc.

Những cảm nhận khởi đầu về Nguyễn Tiến Đạt, số phận anh và quan niệm về thơ của anh là như thế.

 

2

Một nỗi niềm dễ nhận thấy ở thơ Nguyễn Tiến Đạt là yêu thương, khắc khoải và luôn hoài nhớ làng quê Lâm Xuân của anh, mặc dù thời gian anh xa Quảng Trị để vào Huế học đại học, ra Lạng Sơn làm nghĩa vụ quân sự là không bao lâu, và làng quê ấy không xa cách mấy với Đông Hà (tỉnh lị của Quảng Trị), nơi anh có thời gian công tác khá dài. Đúng hơn là Nguyễn Tiến Đạt để lòng mình luôn hướng về Lâm Xuân, một làng quê bao đời dòng họ anh khai canh, lập nghiệp, sinh sống ở đó, ngay cả trong giai đoạn anh ở Đông Hà – giai đoạn sáng tác chủ yếu của anh. Làng Lâm Xuân là núm ruột trong thơ anh. Thông thường, có đi xa mới nhớ; càng xa, càng nhớ; càng khó có dịp về làng, càng nhớ thương da diết. Đằng này, từ nhà anh, cơ quan anh phóng xe về làng, đi chậm lắm cũng nửa tiếng đồng hồ, có gì đâu mà khắc khoải, hoài nhớ đến vậy! Có gì lạ thường không, khi tâm hồn Nguyễn Tiến Đạt là thế?

Đó là nỗi nhớ thương thời niên thiếu trong bài Tuổi thơ, là hoài niệm thời có một mối tình thoáng nhẹ, thầm kín mà khôn nguôi ray rứt trong Thôn quê. Và ở nhiều bài khác nữa, hay hơn, sâu hơn nhiều. Nhưng đậm nhất nỗi niềm ấy với ngôn từ trực tiếp nhất, vẫn trong bài Tôi có một làng, anh viết để chia sẻ với nhiều người và để tặng con trai Tiến Nhất của mình. Bài thơ phân làm 3 đoạn, viết về 3 thời của đời người. “Tôi có một làng để khóc”, đó là tiếng khóc sơ sinh, chào đời của Nguyễn Tiến Đạt. “Tôi có một làng để sống”, từ bé cho đến khi trưởng thành, và ngay khi ở Huế, Lạng Sơn, Đông Hà, anh vẫn sống bằng cả tâm hồn mình ở đó. “Tôi có một làng để chết / Trái tim thề giữ vẹn tròn / Có người vợ nghèo ngồi hát / Trĩu hồn nuôi lấy cái con!”. Và điệp cú như những âm hưởng vang vọng không dứt, lan vào miên viễn cuối bài, “Tôi có một làng… Tôi có một làng!”. Câu cuối như một khẳng định tự hào, tự hào mà thống thiết. Tôi nghĩ, phải chăng sau này, có nhớ thơ Nguyễn Tiến Đạt là nhớ làng quê Lâm Xuân, một ngôi làng gần kề bên bờ sông Bến Hải (Hiền Lương); nhớ làng quê Lâm Xuân là không làm sao quên được một đời thơ Nguyễn Tiến Đạt, người thơ ấy đã khóc chào đời, đã sống bằng cả tâm hồn thơ ca, sống với, sống vì Lâm Xuân, và chết với ước nguyện được yên nghỉ nghìn đời trên mảnh đất làng quê ấy. Trong giây phút cuối của đời mình, tôi tin rằng anh vẫn vừa tưng tửng vừa quằn quại bấu víu vào làng quê Lâm Xuân trong trái tim anh để mong được sống lại, như những lúc ngã lòng trước khó khăn, thách đố giữa đời:

Một vùng quê đủ đàn cò đậu

Trọc lóc tên riêng giữa bản đồ

Đến lúc ngã lòng tay ta vấu

Vào giữa tim mình mắt mở to.

                            (Quê cũ)

Quảng Trị có một người thơ những năm cuối thế kỉ XX lạ lùng đến thế!

Thì còn đây ẩn hiện những ngày xưa

Sau cuộc tàn còn mấy đầu bè bạn

Em là nơi tôi cần gửi tấm thân nhỏ mọn

Trước khi về lạy mẹ giữa đồi hoang!

                       (Vẫn còn đây thương nhớ)

Cùng con đánh chiêng nhà thờ họ Nguyễn (họ Nguyễn làng chiếu Lâm Xuân) là một bài thơ mang giọng điệu riêng tưng tửng của Nguyễn Tiến Đạt, lại có một tứ thơ giản dị mà bất ngờ, nên mới mẻ và rất ấn tượng, cùng một ngôn ngữ thơ dân dã:

Đưa con về vái họ hàng

Tạ cùng dòng giống xa làng bấy nay

Cha sinh chỉ một chốn này

Mới sinh con giữa phố đầy đèn hoa

Chiêng này con đánh giùm cha

Đánh vang cho họ Nguyễn ta cùng mừng

(…)

Tiếng chiêng vời vợi và sâu thẳm trong thiêng liêng, “tiếng cao gửi núi tiếng chùng gửi sông”. Cảm xúc còn được thể hiện cùng những suy tưởng, khi cùng con trai chắp tay suy niệm trong nhà thờ họ tộc:

Lòng thành dâng một nén hương

Cúi xin trời đất công ơn sâu dày

Nhà thờ phượng múa rồng bay

Cây đa còn đó trúc này còn đây

Tiếng chiêng gọi kẻ lạc bầy

Ai chê phận bạc, ai rày phận đen

Quê hương máu chảy ruột mềm

Trăm năm chỉ một cõi thiêng cội nguồn!

Những con đường làng có vài đoạn khó quên, bởi sau giọng thơ bi tráng và khinh bạc, là cả tấm lòng của người đặt núm ruột vào đất quê:

Nhạt lưỡi nửa đời qua sấp ngửa

Ta giờ chân mỏi gối, tay run

Khập khễnh bờ đê xin được hú

Sức tàn lan rợn một dòng sông

 

Rằng có hay không em giữa đời

Sao trời bé quá, trăng trời vơi (4)

Trăm năm nhìn lại ra một cục

Xin ném ta vào ô đáo chơi!

Bài Mugic viết về chất nông dân, chất làng quê trong chính anh với niềm tự hào, tự tin của một người đã trải tầm nhìn ra cả thế giới, là một bài thơ khá hiện đại của Nguyễn Tiến Đạt, nhưng cũng với giọng điệu rất riêng của anh. Đối với Nguyễn Tiến Đạt, dẫu hiện đại (có lẽ nên gọi là tân kì [moderne], tân thức [modern-style]) hay dân dã, vẫn là giọng điệu riêng, tạng chất riêng.

 

3

Viết về quê hương mình, Nguyễn Tiến Đạt có nhiều bài thơ về sông Bến Hải (Hiền Lương) thật xúc động. Có điều tôi nhận ra, hầu như hơn một nửa trong chùm thơ này (ở cả 2 tập), đều được anh viết với thể thơ tự do, với những hình ảnh thơ, ngôn từ thơ khá mới mẻ.

Tôi không thể không xúc động khi đọc Dòng sông đời mạ, cho dù đó là một bài thơ tuy hay nhưng còn đôi chữ đáng tiếc (giá như Nguyễn Tiến Đạt đã thay bằng những chữ khác! (5)). Không những hay, bài thơ còn mới lạ (tân kì) nữa, nhưng không phải là tân kì ở việc tìm kiếm thi liệu, mà ở cách khai thác, cách nhìn thi liệu:

Con phượng hoàng nào chết xuống trảng cát này

Để dấu chân sinh ra những dòng sông chảy về biển cả

Nước đỏ phù sa như máu từ thân mạ

Lau lách cùn vẫn trổ màu cờ hoa!

 

Đôi lúc con ngồi nghĩ chuyện gần xa

Thấy nón rách mạ như trăng mùa đông giữa trời quên lãng

Thấy đường trời cong như lưng mạ oằn qua năm tháng

Phía dưới bầu vú mạ cạn lại đầy cho sông chảy trăm năm

(…(5))

Có phải thế nên đàn con mạ lớn lên

Chẳng đứa nào mơ giấc mơ ở lại

Con gái lấy chồng xa con trai cùng chiến trường dầu dãi

Nghe tiếng trẻ thơ mạ chống cửa khóc thầm

 

Mười năm… Ba mươi năm từ bụng mạ lớn lên

Số phận cho con, chỉ một kẻ lang thang bốn phương mười hướng

Biết làm sao, biết làm sao khác được

Thì mong chi! Thưa mạ chút an lòng

 

Bất chợt chiều nay một mình đứng bên sông

Ngoảnh mặt về quê gọi con đò xa vắng

Giật mình: thân mạ – chống trời mây…

Nhưng tân kì (hiện đại, moderne & tân thức, modern-style) hơn vẫn là Bến Hiền Lương trong tập Khúc hát tình tang. Nguyễn Tiến Đạt rất ý thức phân biệt giữa mô-đéc cầu kì, lập dị đến mức dị hợm với mô-đéc mà rất truyền thống. Tôi không thể không trích nguyên vẹn bài thơ này, nhưng tạm ngắt dòng bằng dấu sổ:

I. Những loài chim về bên kia sông giấu nỗi buồn con gái / Bên này sông có ngôi mộ của mẹ già suốt đời không qua nổi bên kia / Con sông tày gang dấu huyền trăng ơi hời ru muôn thuở / Tiếng ru của đá và tiếng ru của sóng chảy dọc suốt đời tôi dòng máu Hiền Lương / Em ơi nơi ấy tôi sinh, mẹ ủ tôi bằng lá cỏ gai dưới gầm trời bom đạn / Tôi lớn lên như con còng ngơ ngác nhìn sông trôi bóng mẹ hoài chùng xuống / Trên dòng sông vọng điệu hò đưa linh / Của những nỗi niềm tiền kiếp / Rào rào đỉnh dốc Trường Sơn / Chiến tranh rạch qua đời tôi những đường sấm sét / Người đôi bờ nửa đêm hay thức giấc / Cả những đêm sau năm 2000 / Những người già chưa bao giờ qua được bên kia sông / Hồn vẫn còn lởn vởn trên mặt nước / Đêm đêm tôi nghe những tiếng gọi đò và tiếng người xin lửa / Họ ra đi trước ánh nắng mặt trời thắp lên / Ngủ yên sông ơi! Niềm tâm thức nhạy cảm của tôi!

II. Tôi như chú ếch uôm uôm triệu năm há mồm trên bến vắng / Đợi gánh hát em về áo mũ xênh xang / Hãy hát đi! Con sơn ca rót mật lưng trời / Sông bắt đầu ngân rồi đấy, ánh trăng chung chiêng […] cùng con đò / Từ tiếng hát của gió chảy ra tất cả / Chảy ra mặt trăng ngủ quên dưới nước / Chảy ra dòng sông chưng cất bằng hồn của đá / Chảy ngàn khát vọng giọt sữa ru con / Trong ánh sáng của vầng phù sa cổ / Em nghe không bên kia bờ Vĩnh Quang / Tiếng bè trầm của những oan hồn trong lòng địa đạo / Và âm cao của sóng dâng rạn vỡ lồng ngực / Như vạn hạt mầm xé đất xanh lên / Em nghe không những nấm mộ trắng trên nghĩa trang Trường Sơn / Âm u hát báo giờ rạng sáng / Tiếng hát theo sông trôi dọc xóm làng / Hoá triệu ngọn đèn thắp đỏ cơn giông/ Em nghe không người thợ cầu vung đường búa bằng ánh sáng / Chiếc cầu trăng đã bắc qua rồi / Vẫn có những con chim treo mình hộc máu / Trên bến Hiền Lương vọng trắng tiếng gọi đò / Cho qua một chút / Cho qua một chút / Cho qua một chút…

Đó là một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Tiến Đạt viết về Sông Tuyến, con sông Vĩ tuyến 17, một thời đau thương bi tráng, mãi mãi còn trong lòng người Quảng Trị, mãi mãi in đậm vào lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại. Ngoài ra, anh còn hai bài, Bến sông I, Bến sông II. Trong đó, đặc biệt bài Bến sông II ở thể thơ sáu chữ, vừa cổ điển vừa tân thức, là một bài đẹp hoàn chỉnh.

(…)

Thế mà trăm năm lỗi hẹn

Bây giờ em hát ru con

Tóc xanh ngàn năm buông trễ

Giật mình giọt sữa lăn tròn

(…)

Anh đừng nhắn qua bè bạn

Hiền Lương có một người về

Em thà như con nước lặng

Đừng làm đuối một bờ đê…

Tôi biết viết thêm gì về dòng sông lịch sử, vết thương Việt Nam – vết thương thế giới này, khi tôi đã viết về nó nguyên một cuốn tiểu thuyết hơn 600 trang! Và tôi còn biết viết gì nữa, vì thơ Nguyễn Tiến Đạt ở đề tài này, khi thầm đọc, nghe tự nó đã vang lên thấm thía vào lòng ta…

 

4

Thị xã Đông Hà, trước Nguyễn Tiến Đạt, cũng có nhiều người thơ viết về, nhưng với anh, Đông Hà trở thành một nỗi niềm chiếm lĩnh với một tỉ lệ không nhỏ trong hai tập thơ của anh. Nguyễn Tiến Đạt hầu như bao giờ cảm nhận và thể hiện về Đông Hà cũng không thể không bằng tâm trạng của chàng trai làng chiếu Lâm Xuân. Tập trung nhất cảm nhận với tâm thế ấy của anh về Đông Hà là ở 3 bài thơ: Em ơi! Thức cùng thị xã, Ghi chép ở một góc phốThị xã.

Đêm nay nghe dòng sông chảy về biển cả / Thao thiết lòng dâng tiếng mẹ ru hời / Trăng treo trên đầu phố cũ / Biết mẹ ta còn thức trên đời / Từ thuở em rời vườn cấm / Đến cùng anh ra phố chợ trời…

                                                            (Em ơi! Thức cùng thị xã)

Phải chăng anh viết những câu thơ đẹp và sâu thẳm, lại rất đời thường kia trong những ngày thất cơ, thất nghiệp, phải lăn lộn giữa chợ trời bán buôn kiếm sống? Cũng với bài thơ có ghi rõ viết tặng Đông Hà đó, Nguyễn Tiến Đạt có đôi câu học theo cách nói gần như trong Trường ca Đăm San của đồng bào Tây Nguyên (lấy độ ngân âm thanh để đo chiều dài không gian), nhưng lại mới mẻ lạ thường:

Ngày mình yêu nhau anh thấy mặt trời đỏ trong lồng ngực / Tung hô thị xã trên vai mình / Anh biết mình ở đâu để không buồn nếu mất tất cả / Khi tựa vào em anh mơ đoạn đường dài / Thị xã không dài hơn tiếng vọng còi tàu / Ai cũng thức anh hẳn tin là thế / Phía cuối con tàu sẽ chạm đến bình minh

Điều đáng nói nữa là đoạn kết của bài Em ơi! Thức cùng thị xã. Đoạn kết quá đỗi bất ngờ, tạo cho bài thơ một tứ thơ không thể không in sâu vào tâm khảm người đọc:

Dậy đi em! Dậy đi em! / Có ai xiêu vẹo ngoài kia chúng ta cùng đón / Có thể là người cụt chân đi tìm lại chân mình / Chiến trường xưa giờ đã cao tường kín cổng / Hãy dựa vào bàn chân còn lại của anh / Để biết thế nào là sự sống / Anh yêu em! Yêu quá vô ngần.

Hai vợ chồng trẻ, mặc dù thất nghiệp, nhưng dĩ nhiên cả hai đều lành lặn tay chân và hơn thế, còn rất khoẻ mạnh, bảo nhau phải dựa vào bàn chân còn lại của anh thương binh, vốn là người cụt chân đi tìm lại chân mình, mới giác ngộ ra chân lí sự sống. Tứ thơ là cả một triết lí sinh động, sâu sắc.

Thơ Nguyễn Tiến Đạt không những rất dân dã ở những bài lục bát trên kia, mà ở đây, còn thể hiện thêm chất tân kì – truyền thống – trí tuệ.

Và Đông Hà của Nguyễn Tiến Đạt còn là thế này đây:

Đông Hà / Lóc xóc ổ gà / Liêu xiêu thi nhân / Con gái như loài ong tổ vỡ / Mịt mù bay qua / Gió ngang dọc / Bám theo cơn lốc xe hàng / Và đất đá / Khi tan ra ngửa mặt nhìn trời / Và những ngày xưa cũ / Không ra đi nằm lại trên đồi / Chợt gặp miếng ăn chưa đủ / Tấm lưng còng nắng xỉa những làn roi… /(…)/ … Thị xã mê cuồng / Không đâu là buồn / Ô kìa! Gã thi nhân cô độc / Hát cùng trăng suông…

                                                                              (Thị xã)

Mảng viết về phố thị, không hẳn là Đông Hà, ở bài Khi chúng tôi trẻ lại có những chi tiết hầu như các trang báo hàng ngày đều phơi bày:

Tôi lớn lên thiếu vắng những câu Kiều / Những cánh cò cũng hoá thành chuyện cổ / Những cô Tấm bỏ làng ùa lên phố / Cởi áo trúc bâu để đổi lấy mốt rin-bò (**)/ Những Lục Vân Tiên bị bọn võ mồm vỗ mặt / Cứ câm câm điếc điếc ngơ ngơ / Tôi lớn lên chiến tranh đã tắt lâu rồi / Chuyện thường ngày người ta ít gọi nhau là “đồng chí” / Là “sếp” là “em” là những cuộc say bí tỉ / Là nụ cười như có lại như không / Là bán mua đổi chác lòng vòng / Lại nghe nói thời thị trường nó thế! / Trăm thứ bán mua không bằng đầu cơ mua ghế / Ghế nhỏ, ghế to, ghế còi, ghế mập, ghế lùn, ghế cao / Mua đi bán lại đầu ra đầu vào / Tham lam bạc đầu thường vào ghế đá…

Với phong cách thơ thế sự của riêng Nguyễn Tiến Đạt, anh viết tiếp, đây là thời “thừa những cuộc đua xe, những cuộc thi mông thi ngực”, “rộn ràng chuyện lên lương lên chức / ngày hôm nay mấy triệu bạc là xong”, đây là thời của “những cô gái hát nhạc Tây và đếm tiền / mười ngón sen gõ computer nhẹ nhàng như cởi áo lên giường ngủ / câu ca dao mỏng tựa váy nhàu / để biểu đạt bài ca ‘hoàn cảnh’”. Mặc dù không thể phủ nhận mức tăng năng suất trên những cánh đồng, dân trí được nâng cao, nhưng phải thấy mặt trái của kinh tế thị trường, thời “mở cửa” là vẫn đáng ngại. Anh viết: “Thời tôi sống lúa chín vàng hơn trước / Những nông dân đọc sách và làm đồng / Lúc nhúc cử nhân đứng chờ ngoài hành dinh cơm áo / Chữ nghĩa bỏ thây trên những đống xương bò / Xin tạ tội cùng Nguyễn Du Nguyễn Trãi / Biết bao giờ tôi được khóc cùng ông?”.

Chàng nông dân – thi sĩ Nguyễn Tiến Đạt đã sống và viết về phố thị như thế.

 

5

Một đặc điểm của thơ Nguyễn Tiến Đạt, như đã trình bày, là tưng tửng. Có lẽ phải dùng từ cho thật chính xác tuỳ theo những cấp độ, cung bậc của chất giọng này, ngoài cái tưng tửng ấy. Đó là tiếu ngạo, là khinh bạc, là nói trạng, là cười ngông, là ngang tàng… Chữ của nhà văn Xuân Đức là “nói bông phèng”“cô liêu”, “thảng thốt”, ẩn giấu một tâm trạng trước cuộc sống hôm nay là nỗi niềm “bất ổn đáng sợ” (1). Nhưng tất cả cung bậc “trạng” ấy đều ở cùng hoặc ở bên cạnh giọng thơ tha thiết, chân thành và có chất trí tuệ của anh. Hàn Vũ Hùng, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Quang Lập đã rất tinh tế: “Đọc thơ Đạt cứ muốn khóc sau khi đã mỉm cười” (1).

Nói trạng, theo chữ Nam bộ của bác Ba Phi là nói dóc cho dzui. Nói trạng theo tiếng Bắc bộ là nói phét nhưng cho người nghe hiểu là nói phét để cười vui, chứ không nhằm lừa đảo, khoe khoang. Đó vốn là một đặc điểm của Quảng Trị tự nghìn xưa. Nay còn một làng nói trạng nổi tiếng khắp cả nước là Vĩnh Hoàng. Và thơ Quảng Trị xưa nay vừa trữ tình da diết vừa nói trạng chỉ có mỗi một Nguyễn Tiến Đạt. Ở thơ Trần Đình Túc, Nguyễn Văn Tường (hai đại thần, một chủ hoà, một chủ chiến, thời Tự Đức), thơ Chế Lan Viên, Phan Văn Dật (hai thi sĩ tiền chiến, một tập kết ra Bắc, một vào Huế giảng dạy ở Đại học Văn Khoa), Vĩnh Mai, Dương Tử Giang, Hồ Vi, Lương An (các nhà thơ kháng chiến chống Pháp), và về sau (thời Nam – Bắc chia cắt), thơ Nguyễn Thị Hoàng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phan Phụng Thạch, Lê Thị Mây, kể cả thơ tôi (Trần Xuân An) lẫn thơ những người thơ cùng thời với Nguyễn Tiến Đạt (thời Đất nước thống nhất)… tất thảy đều không có chất nói trạng đáng yêu đó. Hoàng Phủ Ngọc Phan cũng chỉ là một nhà văn thuộc trường phái Tú Xương, chứ không có chất nói trạng trong thơ.

Hầu như trong hai tập thơ của Nguyễn Tiến Đạt rải rác đều có chất nói trạng rất Quảng Trị.

… Hà Nội lần đầu tôi gặp

Ngẩn ngơ em đẹp mê hồn

Cái tiếng miền Trung trọ trẹ

Tôi làm sao nói chữ thương?

 

Liều mình đứng trên gác nhỏ

Hét vang như một gã khùng

Em chẳng thấy gì là lạ

Bước đi nào chút ngập ngừng

 

Chẳng lẽ mình lao xuống đất

Uổng đời danh giá thi nhân…

“Uổng đời danh giá thi nhân”! Ồ, trạng đến rứa!

Dẫu đáng yêu là thế, bài thơ này vẫn còn có câu nói trạng hơi thô ở đoạn kết (“ta cùng Hà Nội ái ân!” – tôi hiểu, với cả Hà Nội, chứ không thèm với một cô nàng, nghĩa là không có gì xảy ra)! Ngoài ra, ngay ở đoạn trích trên, mặc dù nói trạng, nhưng là tự nhún mình cho khiêm tốn mà trạng, anh cho rằng giọng Miền Trung của anh “trọ trẹ”. Giá là tôi, tôi sẽ viết: Cái tiếng Miền Trung Việt cổ, hoặc Mường cổ, như các nhà nghiên cứu lịch sử ngữ âm học tiếng Việt đã đúc kết, việc gì phải tự trào với sự hạ mình như thế! Nhưng rồi ngẫm ra, đó cũng là một trong những biện pháp nghệ thuật của phép nói trạng!

Phải nói là giọng thơ của Nguyễn Tiến Đạt bao gồm cả hai khía cạnh: có khi trữ tình thắm thiết; có khi vừa trữ tình vừa nói trạng một cách đáng yêu. Khía cạnh thứ hai trong phong cách thơ anh là rất độc đáo.

 

6

Tôi với Nguyễn Tiến Đạt có một vài kỉ niệm văn nghệ. Không những anh viết bài về thơ tôi và về tiểu thuyết tôi trên báo, Nguyễn Tiến Đạt còn cắt ra từ báo, đồng thời viết thư gửi kèm từ Quảng Trị quê nhà vào. Quý tấm lòng của anh, cho đến nay, tôi vẫn còn giữ lá thư ấy. Tôi không ngờ đó là những dòng chữ cuối cùng anh viết cho tôi.

Đông Hà, 5 - 11 - 1999

Anh An kính mến!

Bữa trước em có nhờ anh Hà Đình Nguyên và Thanh Bình (báo Thanh Niên), gửi tặng anh tập thơ Khúc hát tình tang của em do NXB. Văn Học ấn hành. Không biết anh đã nhận được chưa?

Về những cuốn tiểu thuyết của anh (***), em đã đọc ngấu nghiến và rất thích. Sức viết và sáng tạo của anh thật mãnh liệt. Ở báo Quảng Trị, em chỉ giới thiệu đôi lời, không đi vào phân tích thủ pháp mà chỉ dừng lại ở cảm nhận (****) . Em viết trong khi cơn lũ quê nhà xảy ra. Vì thế bài viết này cốt ở tấm lòng nhớ đến anh, chứ không phải là bài nghiên cứu. Được giới thiệu anh với quê hương là một điều vui rồi.

Em gửi báo để anh làm kỉ niệm. Chúc anh sáng tác nhiều và thực sự trở thành một tác gia. Hiện nay em là biên tập viên Báo Quảng Trị, công việc lai rai cả ngày.

Điện thoại của em tại cơ quan: (053) 852528 – 853418; nhà riêng: 852040.

Thế nhé. Chúc anh khoẻ. Cho em gửi lời thăm anh Nghiêm và bạn bè.

(kí tên)

Nguyễn Tiến Đạt

Đó là tấm lòng của Nguyễn Tiến Đạt với văn chương và anh em, bạn bè. Tấm lòng ấy thể hiện một cách chân thành trên trang thư anh viết.

Trước đây, khi Nguyễn Tiến Đạt còn sống, mãi bận bịu những công việc nghiên cứu, sáng tác, tôi nào kịp viết gì về thơ anh! Lúc này, tôi những muốn viết thật kĩ, thật đúng về thơ Nguyễn Tiến Đạt hơn nữa, như một chút đáp tạ. Có điều, chắc chắn Nguyễn Tiến Đạt cũng chẳng mong sự thù tạc tầm thường. Anh chỉ cần những thẩm định chính xác, đúng mức. Nén đi những xúc động riêng tư, tôi nghiêm túc viết về thơ anh, có chỗ lại nỡ lạnh lùng chê một vài khuyết điểm mà Nguyễn Tiến Đạt không còn cơ may nào để sửa chữa được nữa! Biết làm sao được! Với thơ anh, tôi vẫn giữ lòng và giữ phím máy vi tính như đối với một tác giả quá cố, thật tâm tôi yêu thích, quý mến và luyến tiếc.

Nhưng dẫu sao đi nữa, đây là nén hương tôi chân thành tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Tiến Đạt.

 

TP. HCM., khởi viết từ khoảng 14 giờ ngày 17. 9. HB4;

viết xong vào lúc 17 giờ 42 phút ngày 19. 9. HB4

(06. 8. Giáp thân HB4, sắp đến tiết Trung thu).

TRẦN XUÂN AN

 

(1) Nhiều tác giả, Còn đây thương nhớ, tuyển tập thơ, Hội Văn học – nghệ thuật Quảng Trị xuất bản, 1993, tr. 11.

(*) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản dịch Phạm Trọng Điềm, hiệu đính: Đào Duy Anh, tập 1, Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr. 13 – 16, 87 – 93, đặc biệt là tr. 98 – 99; xem thêm: Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Thuận Hoá, 1997, tr. 197 – 199.

(2) Nguyễn Tiến Đạt, Người đi nhặt cuội, tập thơ, Nxb. Thanh Niên, 1996 & Khúc hát tình tang, tập thơ, Nxb. Văn Học, 1999.

(3) Lê Đức Dục, Thương tiếc nhà thơ Nguyễn Tiến Đạt, báo Tuổi Trẻ TP. HCM., số ngày thứ năm, 26. 7. 2001, tr. 9.

(4) Khúc hát tình tang, sđd, tr. 15: Nguyên văn: “Sao thời bé quá, trăng thời vơi”. Thời là âm khác của hư từ thì. Tôi ngờ rằng có sự sai về lỗi in ấn, hoặc Nguyễn Tiến Đạt có ý tập cổ với giọng điệu cuồng sĩ ngày xưa.

(5) Người đi nhặt cuội, sđd., tr. 23: Nguyên văn: “Chúng con sinh ra bên dòng sông, những dòng sông / Rúc ráy thân hình Người tìm con tôm con tép / Những vỏ cua hoá thạch ánh ngân hà / Những mẻ lưới từ bụng mạ đầy con rô con chép / Nhắc huyền thoại hoá rồng chở bùn đất bay xa!”.

     Theo tôi, cái biểu đạt và cái được biểu đạt trong phương thức ẩn dụ luôn luôn phải khớp với nhau, đồng thời cùng tạo ra hiệu quả thẩm mĩ. Nếu không, về mặt nghĩa đen của cái diễn đạt sẽ rất buồn cười, phản cảm. Lẽ ra, nên thay “thân hình Người”“bụng mạ” bằng “Sông Mạ”. Đó là một cách sáng tạo biện pháp tu từ: rút gọn nhan đề, sử dụng như một danh từ riêng (tên sông, như Sông Cái…; tên thác, như Thác Bà, Thác Ông…). Như thế, có lẽ sẽ đạt hơn một chút nào chăng.

(**)  Áo quần Jeans hay còn gọi là áo quần bò hoặc rin-bò (vì nguyên là trang phục bảo hộ lao động của giới chăn bò, cowboy; nay đã thịnh hành trên khắp thế giới) (TXA. chú thích).

(***)  Gồm cả các bản thảo tiểu thuyết chưa in. (TXA. chú thích).

(****)  Trần Xuân An, Có một nơi lá mãi xanh, tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 1999. Nguyễn Tiến Đạt gạch chân. (TXA. chú thích).

 

 

Đã gửi:

 

Võ Văn Luyến (22. 9. 2004) để nhờ chuyển đến:

1. Tạp chí Cửa Việt

2. Gia đình Nguyễn Tiến Đạt.

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/30/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7