z+f. Bài 31-Tl.2 - Trần Xuân An - Đọc lại bài thơ "Các vị La Hán chùa Tây Phương" của Huy Cận

 

Web Tác giả Trần Xuân An

ĐỌC LẠI BÀI THƠ

“CÁC VỊ LA HÁN CHÙA TÂY PHƯƠNG” CỦA HUY CẬN

 

Trần Xuân An

 

 

        

 

 

Có quá nhiều người đọc yêu mến tập thơ “Lửa thiêng” (1940) và không ít nhà thơ, nhà phê bình văn học tên tuổi viết về tập thơ ấy với những lời ngợi ca sâu sắc, đọng đầy niềm chân cảm, mặc dù có người vẫn thành thật chỉ ra một số hạn chế. Trước đây, khi Miền Nam sống dưới một chế độ chính trị đối kháng với chế độ xã hội chủ nghĩa Miền Bắc, có nhiều cây bút đã xem nhà thơ Huy Cận thực sự đã chết sau tập thơ thứ hai của ông – “Vũ trụ ca” (1943, chưa xuất bản). Họ cho rằng, Huy Cận đã đánh mất thiên chất thi sĩ khi tham gia vào chính trị, cho dù vai trò chính quyền ông nắm giữ lâu nhất là thứ trưởng một bộ chuyên trách về văn hoá, thông tin. Đến thời điểm này, khi nhìn lại trên 20 tập thơ của Huy Cận, có người vẫn không thay đổi ý kiến của họ. Thật ra, không chỉ các tác giả Miền Nam cũ, mà ngay những nhà phê bình văn học Miền Bắc, họ cũng không đánh giá cao Huy Cận, và đối với Xuân Diệu, cũng thế, trong khi hầu hết đều ngợi ca Chế Lan Viên, cũng là thi sĩ xuất phát từ phong trào “Thơ mới”, “tiền chiến” (1930-1945).

 

Tôi cảm thấy trong chừng mức nào đó, các nhận định ấy có phần phải chăng, mặc dù những người phát biểu có chỗ đứng khác nhau, ở nhiều diễn đàn báo chí không giống nhau. Tuy nhiên, trong số tác phẩm sau Cách mạng Tháng Tám, Huy Cận cũng có một bài thơ khiến tôi đọc rất nhiều lần: “Các vị La Hán chùa Tây Phương”, được ông viết vào năm 1960, xuất bản trong tập “Bài thơ cuộc đời”, 1963. Đó cũng là một trong những bài thơ Huy Cận tâm đắc nhất trong đời thơ rất thọ của mình.

 

Tôi còn nhớ, thuở đang là sinh viên Đại học Sư phạm Huế, khoảng 1976, khi cùng bạn bè ngồi trong giảng đường nghe nhà thơ Huy Cận nói chuyện thơ, có nhiều bạn rất thất vọng về ông, người từng là thần tượng thơ ca của họ. Có thể do dáng vẻ cục mịch của ông, có thể do cảm thức thẩm mĩ của họ vốn xa lạ với thơ ca Miền Bắc. Nhưng sau khi đã quen thuộc, thẩm thấu sâu thơ Miền Bắc, nhìn thấy hoặc chuyện trò với nhiều nhà thơ danh tiếng, hiểu ra thơ và hình hài nhà thơ thường lắm tương phản, họ vẫn cho thơ cách mạng chỉ có Chế Lan Viên, Tố Hữu và các nhà thơ trẻ sau này. Những đóng góp của các thi sĩ tiền chiến về sáng tác thơ ca nói chung là không xuất sắc.

 

Bấy giờ, trong buổi nghe nói chuyện thơ đó, điều tôi không bao giờ quên là lúc Huy Cận kể lại quá trình sáng tác bài “Các vị La Hán chùa Tây Phương”. Với một giọng cười sảng khoái đầy vẻ lạc quan cách mạng, nhà thơ chợt ngậm ngùi nhớ lại: Ông có dịp đến viếng chùa Tây Phương (ở Thạch Thất, Hà Tây) vào khoảng thời gian trước hoặc sau năm 1940. Lúc đó, ông rất xúc động trước các pho tượng La Hán ở đấy, nhưng không tài nào viết nổi thành thơ. Không viết được, vì nỗi khổ đau toát ra từ các pho tượng ấy ông chưa hiểu nổi, thậm chí ông còn nghi ngờ sự thể hiện của các nghệ nhân điêu khắc. Cảm xúc và băn khoăn ấy còn đè nặng trong tâm hồn, trí tuệ ông mãi cho đến 20 năm sau, sau khi ông đã đọc xong bộ “Tư bản luận” của Karl Marx và đã đến thăm chùa Tây Phương một lần nữa. Nhà thơ lại cười rất tự hào, ông cho rằng ông thuộc loại hiếm hoi, bởi không phải cán bộ tuyên huấn nào, uỷ viên trung ương nào cũng có thể đọc “Tư bản luận” trọn bộ như ông. Và nhờ vậy, ông nói tiếp, ông mới viết nổi bài thơ để đời: “Các vị La Hán chùa Tây Phương” vào năm 1960.

 

Huy Cận đã thể hiện điều gì trong bài thơ để đời ấy?

 

Khi đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, vượt qua hai niên khoá ở vùng kinh tế mới, về đứng trên bục giảng ở một trường cấp 3 (trung học phổ thông) trọng điểm, tôi nhiều lần đọc và hướng dẫn học sinh phân tích, cảm thụ bài thơ này, theo cách hiểu phổ biến vào lúc đó, cụ thể là ở sách hướng dẫn soạn giáo án dành cho giáo viên, các sách chuyên đề về thơ ca cách mạng của các nhà phê bình tên tuổi nhất thuở ấy, và theo chính lời nhà thơ Huy Cận nói chuyện thơ năm nào.

 

Có nhiều khi nhà thơ phải tự giấu mình đi. Nghĩ thế, cảm xúc thế, viết thành thơ như thế, nhưng nếu có ai hỏi, có dịp phải nói chuyện thơ, thì cũng chỉ dám trả lời khác đi đôi chút, nói khác đi ít nhiều cho “phải đạo”. Mặc dù biết vậy, nhưng tôi nghĩ phần “lách” của Huy Cận rất khó thấy, nếu không nói là ông không “lách” tí ti nào trong bài thơ đó. Ông viết rất thật lòng như ông đã cảm xúc, đã nghĩ ngợi về các vị La hán chùa Tây Phương.

 

Đây chính là đề từ bằng văn xuôi của chính tác giả:

 

“Chùa Tây Phương (Sơn Tây) có những pho tượng La Hán rất đẹp, rất sinh động tạc vào thế kỷ 18. Nhà nghệ sĩ xưa đã vô tình hay hữu ý mượn đề tài chuyện Phật mà miêu tả xã hội quằn quại đau khổ trong nhiều biến động, và bế tắc không tìm được lối ra”.

 

Khi viết đề từ cho chính bài thơ của mình như vậy, rõ ràng Huy Cận đã khẳng định cảm nhận của ông: Nhà nghệ sĩ điêu khắc đã mượn đề tài Phật giáo để phản ánh xã hội Việt Nam thế kỉ XVIII, cho dù vô tình hay có ý thức. Huy Cận không tin Phật giáo là như thế, chân dung các vị La Hán, đại đệ tử của Đức Phật lại bi thương, thê thiết như thế, không khí chùa chiền lại nặng nề đau khổ, quằn quại đến thế. Có lẽ Huy Cận không hiểu triết học - giáo lí Phật giáo, cụ thể là “Khổ đế” của nhà Phật. Cũng phải thôi. Huy Cận theo Tây học, tốt nghiệp cao đẳng nông nghiệp, đi vào Cách mạng lúc còn quá trẻ, không có dịp nào để nghiên cứu triết học – giáo lí Phật giáo. Vả lại, chùa Tây Phương hầu như là ngôi chùa duy nhất có những pho tượng La Hán khổ đau, quằn quại, bế tắc. Thông thường, chùa nào cũng tạo cho người đến viếng niềm thanh thản, lâng lâng thoát tục, trước nụ cười minh triết mầu nhiệm của Đức Phật Thích Ca, sau khi nhìn tượng “Ác” và tượng “Thiện”. Nhà thơ nghi ngờ:

 

“Há chẳng phải đây là xứ Phật,

Mà sao ai nấy mặt đau thương?”

 

Không phải là một câu hỏi tu từ, đó là một băn khoăn, thắc mắc không nguôi vấn vương trong lòng ông, từ tuổi hai mươi mãi cho đến lúc đã 41 tuổi (1960). Đó là một câu hỏi chân thành, thầm lặng, cứ mãi xoáy sâu vào tâm trí nhà thơ suốt một thời gian dài.

 

Do đó, Huy Cận nghĩ các nghệ sĩ điêu khắc dân gian xưa, ở đâu đó trên đất Đàng Ngoài nước ta, một cách vô thức hay hữu thức, đã mượn chuyện Phật để thể hiện chuyện chính trị - xã hội. Ý nghĩ ấy không phải không có cơ sở. Phải chăng đó là nỗi niềm hậu duệ vua Lê bị nhà Mạc (1527-1592 & 1667), chúa Trịnh (1570-1786) bức hiếp, nỗi niềm Phạm Thái oán hận Tây Sơn, tâm trạng của một phân số sĩ dân Bắc Hà trước bao biến động, chiến chinh? Huy Cận, nhà thơ của chúng ta, ông đã nghĩ vậy chăng?

 

Trước đây, khi viết những bài thơ trong “Lửa thiêng”, Huy Cận rất ít miêu tả sự vật, như Xuân Diệu đã viết ở lời tựa, khi so sánh với Baudelaire (1), như Hoài Thanh – Hoài Chân nhận định: “một người cơ hồ không biết đến ngoại cảnh” (2). Ở bài thơ này, ông thực sự đã khắc hoạ, chạm trổ bằng ba khổ thơ liên tiếp như người nghệ sĩ điêu khắc xưa đã thực hiện trên những thân gỗ:

 

“Đây vị xương trần chân với tay

Có chi thiêu đốt tấm thân gầy

Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt

Tự bấy ngồi y cho đến nay

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch

Trán như nổi sóng biển luân hồi

Môi cong chua chát, tâm hồn héo

Gân vặn bàn tay mạch máu sôi

Có vị chân tay co xếp lại

Tròn xoe tựa thể chiếc thai non

Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối

Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn....

 

Khác với mình trước đây, nhưng Huy Cận lại rất thần tình, tinh tế, tạo ấn tượng sâu với một thủ pháp mới. Tôi nghĩ rằng, khó có nhà thơ nào lại điêu khắc đến mức sinh động như vậy bằng ngôn từ.

 

Nhìn ngắm và điêu khắc từng pho tượng, Huy Cận lại nhìn toàn cảnh, với một cảm nhận về nỗi khổ đau, trầm thống của cả cõi người ta và muôn vạn kiếp người:

 

Các vị ngồi đây trong lặng yên

Mà nghe giông bão nổ trăm miền

Như từ vực thẳm đời nhân loại

Bóng tối đùn ra trận gió đen

 

Huy Cận đã viết như câu đề từ: Nỗi khổ đau của con người, dưới gầm trời, chứ đâu phải ở các đại sư đã được chứng đắc quả a-la-hán, gần kề với Đức Phật:

Mỗi người một vẻ, mặt con người

Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời

Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã

Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi

 

Và mọi bàn luận, thao thức, trăn trở đến vật vã cũng đều rơi vào bế tắc. Một lần nữa, nỗi đau nhân thế khiến buộc phải hỏi đến trời sâu, xa thẳm, thường thấy trong thơ cổ lại hiện về với Huy Cận. Ở thơ Huy Cận, đó là câu hỏi lớn thống thiết và bức thiết nhất. Tôi nghĩ, câu hỏi lớn này không phải loại vấn nạn siêu hình học: có Trời hay không có Trời. Trong “Lửa thiêng”, Huy Cận đã “trình bày” (3) với Thượng đế, với Chúa, cho dù ông dám bày tỏ lòng giận hờn oán trách bởi Thượng đế đã sinh ra “thân thể” (4) bùn lầy của con người, một bình chứa tội lỗi, một bình lửa nhục dục, theo triết học Kinh viện trong đêm trường Trung cổ Phương Tây, nhưng vẫn không phủ định sự hiện hữu vô hình của đấng tối cao ấy. Nhưng dẫu thế giới quan có thay đổi, thì ở bài thơ này, chữ Trời viết hoa trở thành chữ Trời viết thường mà thôi. Nói đúng hơn, ông có thể không còn tin sự hiện hữu của Trời, và ông chỉ miêu tả nỗi thắc mắc róng riết của các La Hán trước “trời sâu”. Theo lô-gích, chắc hẳn câu hỏi lớn trước Trời này không phải là câu hỏi có Trời hay không có Trời. Chẳng lẽ đứng trước núi, lại hỏi có núi hay không có núi?!? Hoàn toàn khác với câu hỏi tu từ ở một bài thơ của Chế Lan Viên: “Hoa súng hồng, hoa súng hồng, Mày có phải hoa không?”, bởi hoa súng đẹp quá, sinh động quá, như một nhan sắc có hồn người.

 

Huy Cận cảm nhận câu hỏi trầm thống từ thiên cổ:

 

“Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau

Quay theo tám hướng hỏi trời sâu”

 

Đây chỉ là câu hỏi Trời về nguyên nhân khổ đau và cách nào cứu độ chúng nhân (không phải chúng sanh, theo Huy Cận), để nhân loại được thoát khỏi khổ đau. Và câu hỏi muôn đời ấy, vì Huy Cận không hiểu Phật pháp hay hiểu mà không tin vào “diệt đế”, “đạo đế”, “bát chánh đạo”, nên Huy Cận nghĩ rằng các vi La Hán cũng bế tắc, mãi mãi bế tắc:

 

Một câu hỏi lớn. Không lời đáp

Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”.

 

Và bằng một tiểu kết, nhà thơ thể hiện suy tư của mình bằng một câu hỏi: Chẳng lẽ tu tập, thiền định đã đến bậc A-la-hán, mà vẫn chưa giác ngộ, chứng đắc được sự giải thoát? Không. Không thể! Các bậc Á Phật ấy không thể vốn dĩ nặng nề tục luỵ hay hãy còn nặng nề di căn tục luỵ đến thế. Không. Họ chỉ đau nỗi đau nhân loại, nỗi đau thiên cổ của vạn kiếp người.

 

“Có thực trên đường tu đến Phật

Trần gian tìm cởi áo trầm luân

Bấy nhiêu quằn quại run lần chót

Các vị đau theo lòng chúng nhân?”

 

Nhà thơ không nỡ để nỗi đau rơi vào hai chữ mênh mông hơn: “chúng sanh” (muôn loài). Ông chỉ giới hạn vào nỗi đau của con người, chứ không bao quát đến nỗi đau muông thú, cỏ cây...

 

Mạch cảm xúc, suy tư của nhà thơ lại đi vào bình diện hiện thực xã hội, bởi ông tin rằng, “nhà nghệ sĩ xưa đã vô tình hay hữu ý mượn đề tài chuyện Phật mà miêu tả xã hội quằn quại đau khổ trong nhiều biến động, và bế tắc không tìm được lối ra”. Đề từ là cả một khẳng định. Với Huy Cận, không nghi ngờ gì nữa, các pho tượng La Hán kia chính là những con người Việt, Đàng Ngoài, thế kỉ XVIII, thế kỉ suy trầm của miền đất ấy và cũng là thế kỉ của những người Việt Đàng Trong trỗi dậy, khởi từ Nguyễn Hoàng (1558) cho đến đỉnh cao Quang Trung (1789), rồi sau đó, Nguyễn Ánh, đầu thế kỉ XIX (1802).

 

Những câu hỏi liên tiếp được buông ra, nhưng thực chất đấy chỉ là những câu hỏi tu từ, hàm nghĩa khẳng định. Trong câu hỏi, thực chất là đã quả quyết câu trả lời.

 

“Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?

Sống lại cho tôi hỏi một câu:

Bác tạc bấy nhiêu hình khổ hạnh

Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?

 

Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão

Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời

Là cha ông đó bằng xương máu

Đã khổ, không yên cả đứng ngồi”.

 

Đó là cảm thức sử học Đàng Ngoài. Huy Cận cũng không thoát được định kiến lịch sử ấy.

 

Mạch cảm xúc, suy tư của Huy Cận vẫn xoáy sâu vào bình diện hiện thực xã hội Đàng Ngoài trầm uất, bế tắc -- trầm uất, bế tắc bởi chính sĩ dân Đàng Ngoài sống trong nếp nghĩ tự nghìn xưa: Đàng Trong là cõi biên châu ác địa, không phải là Tổ quốc được mở rộng, và trái tim, bộ não của Tổ quốc là Thăng Long chứ không phải là Huế. Sử kí đã ghi nhận tâm thế ấy qua những ghi chép về các cuộc nổi loạn chống Đàng Trong liên miên từ khi Quang Trung thống nhất hai Đàng (1786, 1788, thế kỉ XVIII) cho đến thời điểm chấm dứt triều Nguyễn độc lập (1885, thế kỉ XIX)...

 

“Cha ông, năm tháng đè lưng nặng

Những bạn đương thời của Nguyễn Du

Nung nấu tâm can vò võ trán

Đau đời, có cứu được đời đâu

 

Đứt ruột cha ông trong cái thuở

Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ

Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn

Héo tựa mầm non thiếu ánh dương

 

Hoàng hôn thế kỉ phủ bao la

Sờ soạng, cha ông tìm lối ra

Có phải thế mà trên mặt tượng

Nửa như khói ám, nửa sương tà”

 

Người ta có thể cảm nhận theo cách phân kì lịch sử rập khuôn theo sử học châu Âu, cho rằng giai cấp phong kiến đã thực sự suy tàn, hết vai trò lịch sử, từ thế kỉ XVI; và kết án: trong khi giai cấp tư sản châu Âu đã bước đầu đảm nhiệm sứ mệnh của mình trên cơ sở nền kinh tế hàng hoá phát triển, khơi dậy phong trào Phục hưng, chấm dứt nghìn năm “Đêm trường Trung cổ”, thì giai cấp phong kiến Việt Nam vẫn còn chìm đắm, bế tắc. Không phải không có sự vận dụng một cách quá chừng máy móc như thế. Đó là một nhận thức sử học mác-xít theo lối học vẹt, bất chấp tính cụ thể - lịch sử, sự phát triển, tiến bộ - thoái bộ không đều trong lịch sử nhân loại, mà chính Marx, và cả Nguyễn Ái Quốc về sau, đều phê phán.

 

Mãi cho đến khi Cách mạng tháng Tám (1945) nổ ra, kế đó là chin năm kháng chiến (1945-1954), kết thúc thắng lợi với nửa nước (Đàng Ngoài và Vĩnh Linh, Quảng Bình), Miền Bắc sống trong hoà bình, bước đầu kiến quốc theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Những năm cuối thập niên 50/XX đầu thập niên 60/XX là những năm mùa vụ bội thu, Miền Bắc bừng lên những bài thơ như “Chào xuân 61” của Tố Hữu, “Ngói mới” của Xuân Diệu, cũng là thời điểm mà Huy Cận đã có dịp kể, ở giảng đường 1 (Canada) Đại học Sư phạm Huế, ấy là lúc bối cảnh xã hội giúp ông có thể hoàn tất bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” sau 20 năm thai nghén, cưu mang.

 

Bài thơ kết thúc bằng hai khổ thơ lạc quan về tương lai, nhưng không quên bao khổ đau cha ông quằn quại suốt một thời gian dài từ cuối thế kỉ XVIII đến 1945, nhất là đứng ở thời điểm những năm “đỉnh cao muôn trượng”, “độc lập, tự do, hạnh phúc” bấy giờ:

 

“Các vị La Hán chùa Tây Phương!

Hôm nay xã hội đã lên đường

Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại

Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương

 

Cha ông yêu mến thời xưa cũ

Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!

Những bước mất đi trong thớ gỗ

Về đây, tươi vạn dặm đường xuân”.

 

Đây là cảm hứng chung của nhưng thi sĩ Miền Bắc thuở đó, với tâm trạng vui niềm vui hiện tại nhưng không quên nhớ về thuở xa xưa đất nước cùng bao thế hệ cha ông chìm đắm dưới ánh phong kiến thối nát. Ta có thể thấy điều này trong “Chào xuân 61” của Tố Hữu, không chỉ với Nguyễn Du, mà còn với cả Nguyễn Trãi trước đó (thế kỉ XV):

 

“... Nổi chìm kiếp sống lênh đênh

Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều...

Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu

Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu, xé lòng...”

 

Và Tố Hữu tự hào đề nghị người xưa, ở một bài thơ khác:

 

“Hỡi người xưa của ta nay

Khúc vui xin lại so dây cùng Người...”

                       (“Kính gửi cụ Nguyễn Du”, 01-11-1965)

 

Mỗi thời có một cảm hứng chung như vậy, nhất là ở thời đoạn mà một khi tiếng chim đầu đàn cất lên, những tiếng chim cùng đàn không thể không bắt nhịp, hoà ca, và cố làm sao cho khỏi lỗi điệu!

 

“Các vị La Hán chùa Tây Phương” thể hiện tư tưởng, cảm xúc Miền Bắc bấy giờ và của riêng nhà thơ Huy Cận: Phật giáo bế tắc, các thế hệ cha ông, như nhà nho Nguyễn Du cùng bè bạn Nguyễn Du đương thời với tư tưởng tam giáo đồng quy là một đơn cử trong bài thơ, cũng bế tắc, không tìm ra lối thoát. Thật ra, Huy Cận đã bộc lộ hạn chế là chưa thấu triệt triết học – giáo lí Phật giáo (xuất phát từ vẻ ngoài của “khổ đế” mà ông không hiểu hết nội dung, ấy là hằng số bi đát muôn thuở của chúng sinh muôn loài, Huy Cận lại nhìn qua hiện thực chính trị, xã hội theo tâm thế Đàng Ngoài). Huy Cận lại khởi nguồn từ hạn chế ấy để hoà ca trong cảm hứng chung. Nhưng vốn là một thi sĩ tài hoa, tinh tế, sâu lắng bậc nhất của phong trào “Thơ mới”, Huy Cận đã viết được “Các vị La Hán chùa Tây Phương”, một trong những đỉnh cao của đời thơ ông và của thơ ca Miền Bắc xã hội chủ nghĩa (1954-1975).

 

Không thể nói khác được, “Các vị La Hán chùa Tây Phương” được biểu đạt bằng những từ ngữ có tính điêu khắc rất cao, rất sinh động và quá đỗi tinh vi -- khắc hoạ hình thể, tư thế hình tượng kết hợp với biểu hiện nội tâm; dùng những nét chạm khắc bên ngoài làm ẩn dụ để biểu đạt thế giới bên trong; điêu khắc từng nét cụ thể nhưng vẫn khái quát ra cả mọi không gian, thời gian trong lịch sử dân tộc, trước Cách mạng tháng Tám (1945), và trong lịch sử nhân loại, trước Marx (1848), theo cách nghĩ của ông. Nhờ vậy, mỗi khổ thơ ông đều đạt giá trị hàm súc rất cao, tuy cả bài thơ là khá dài, dài đến 15 khổ, mỗi khổ 4 câu.

 

Tôi nghĩ người đọc có thể sẽ quên hết những tập thơ, hồi kí, bài báo khác của Huy Cận, trừ tập thơ “Lửa thiêng” (1940) và bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” (27-12-1960) này (5).

 

TP.HCM., khởi viết lúc khoảng 8 giờ sáng đến 11 : 53’,

ngày 27 tháng 02 HB8 [2008] (21 tháng giêng Mâu tí HB8);

hoàn tất lúc 16 : 03 cùng ngày.

Trần Xuân An

 

_______________________

 

(1) Huy Cận, “Lửa thiêng”, Nhà phát hành Hoa Tiên tái bản, Sài Gòn, 1967: Xuân Diệu, lời tựa, những trang đầu tập không ghi số trang.

 

(2) Huy Cận, sđd.: Hoài Thanh – Hoài Chân, bài viết có nhan đề “Huy Cận” (3-1941), trích từ “Thi nhân tiền chiến”, những trang đầu tập không ghi số trang.

 

(3) & (4) Huy Cận, sđd., bài “Trình bày”“Thân thể”, tr. 17-18, 19-20.

 

(5) Các tư liệu khác:

1. Link hình ảnh La Hán (nguồn ảnh: Web Yenanh.net)

2. "Các vị La Hán chùa Tây Phương" (WebTgTXA. sưu tầm và quét chụp).

3. Bản vi tính của Diệp Luyến Hoa:

CÁC VỊ LA HÁN CHÙA TÂY PHƯƠNG

HUY CẬN

 

Chùa Tây Phương (Sơn Tây) có những pho tượng La Hán rất đẹp, rất sinh động tạc vào thế kỷ 18. Nhà nghệ sĩ xưa đã vô tình hay hữu ý mượn đề tài chuyện Phật mà miêu tả xã hội quằn quại đau khổ trong nhiều biến động, và bế tắc không tìm được lối ra.

Các vị La Hán chùa Tây Phương

Tôi đến thăm về lòng vấn vương.

Há chẳng phải đây là xứ Phật,

Mà sao ai nấy mặt đau thương ?

Đây vị xương trần chân với tay

Có chi thiêu đốt tấm thân gầy

Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt

Tự bấy ngồi y cho đến nay.

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch

Trán như nổi sóng biển luân hồi

Môi cong chua chát, tâm hồn héo

Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

Có vị chân tay co xếp lại

Tròn xoe tựa thể chiếc thai non

Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối

Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn....

Các vị ngồi đây trong lặng yên

Mà nghe giông bão nổ trăm miền

Như từ vực thẳm đời nhân loại

Bóng tối đùn ra trận gió đen.

Mỗi người một vẻ, mặt con người

Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời

Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã

Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.

Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau

Quay theo tám hướng hỏi trời sâu

Một câu hỏi lớn. Không lời đáp

Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

Có thực trên đường tu đến Phật

Trần gian tìm cởi áo trầm luân

Bấy nhiêu quằn quại run lần chót

Các vị đau theo lòng chúng nhân?

Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?

Sống lại cho tôi hỏi một câu:

Bác tạc bấy nhiêu hình khô hạnh

Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?

Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão

Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời

Là cha ông đó bằng xương máu

Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.

Cha ông, năm tháng đè lưng nặng

Những bạn đương thời của Nguyễn Du

Nung nấu tâm can vò võ trán

Đau đời, có cứu được đời đâu.

Đứt ruột cha ông trong cái thuở

Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ

Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn

Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.

Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la

Sờ soạng, cha ông tìm lối ra

Có phải thế mà trên mặt tượng

Nửa như khói ám, nửa sương tà.

Các vị La Hán chùa Tây Phương!

Hôm nay xã hội đã lên đường

Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại

Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.

Cha ông yêu mến thời xưa cũ

Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!

Những bước mất đi trong thớ gỗ

Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.

27-12-1960

 

http : //annonymous.online.fr/Thivien/viewpoem.php?ID=2217

 

Và đây là một bài thơ tôi “đáp trả” nhà thơ Huy Cận, tác giả của bài "Các vị La Hán chùa Tây Phương", khi ông hiểu “khổ đế” chỉ thuộc phạm trù lịch sử, tuỳ vào chế độ chính trị - xã hội, chứ không phải là hằng số bi đát muôn đời của loài người và tất cả mọi sinh linh khác:

 

CHO MÌNH VÀ CHO NHAU

Trần Xuân An

 

Tất Đạt Đa phải rời cung thành Phật

bởi chỉ ngai vàng đâu cứu được con người

 

nhập thân bao nỗi khổ buồn

thành từng pho tượng qua hồn nghệ nhân

muôn đời tố cáo trầm luân…

tượng còn nguyên đó, vô ngần đau thương!

 

cũng như La Hán Tây Phương

thiền sư ra trận, “xuống đường” (*) đó thôi

 

tiếng chuông ngân tự cõi đời

đau đời, đời ngộ nụ cười Phật hơn!

 

và bao người giữa đời thường

lòng nhân văn chẳng trầm hương siêu hình

không nương tựa những câu kinh…

vẫn chiêm ngưỡng tượng cho mình cho nhau

 

nhà thơ hôm nay mai sau

dù vơi gánh nặng khổ đau thuở nào…

 

xin tiếng chuông sâu và cao

vang từ gan ruột, vọng vào trang thơ…

 

                                       1985 – 1990

(trong tập thơ "Nắng và mưa", Hội VHNT. Quảng Trị & Tạp chí Cửa Việt xuất bản, 1991, của Trần Xuân An)

 

Cước chú của bài Cho mình và cho nhau:

(*) “Xuống đường”: biểu tình phản đối trên đường phố.

           (Chú thích, 01. 3. 2005)

 

 

 

http://tranxuanan.writer.3.googlepages.com/txa_huycan-lahanchuatayphuong_27-02h.pdf

 

Bài đã đăng trên Tcđt. Sông Cửu Long online:

 

http://www.vannghesongcuulong.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2223

________________________________________________________________________________________________

 

Trở về

 

THÔNG BÁO CẬP NHẬT Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update_mucluctrang

 

TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

&

trang mục lục Giao Lưu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket_mucluctrang

(mục lục của mục này -- các trang Giao lưu)

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

(trang 1 Giao lưu)

TRANG "NGÀN WEBs CỦA NGÀN NHÀ":

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/webcacnha

Trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)