Trần Xuân An - Vài lời minh định

VÀI LỜI MINH ĐỊNH

Trần Xuân An

Ba ngày Tết Nguyên đán đã trôi qua. Lúc này là chiều Mùng 4 Tết Ất mùi HB15 (22-02-2015), tôi nhận thấy cần minh định về bản thân một lần nữa, sau khi đọc lại mấy lời bàn của vài ba vị thành viên Facebook, trong đó thể hiện sự hiểu lầm, chính xác hơn là, sự thiếu thông tin về tôi, với toàn bộ tác phẩm của tôi được viết suốt chiều dài thời gian bốn mươi bốn năm, từ 1971 đến nay, 2015. Thật ra, các vị thành viên Facebook ấy là ai, tôi chưa từng gặp, từng biết, và họ cũng chẳng đọc hết tác phẩm, trong đó có bốn cuốn hồi kí – tự truyện, tiểu thuyết – hồi ức, truyện – hồi ức của tôi viết về chính tôi từ thuở trong bụng mẹ (1956) cho đến lúc đã là giáo viên suốt 4 niên khoá rưỡi (1978-1983).

Chuyện tranh cãi giữa tôi và các vị thành viên Facebook có họ tên hay hước danh (nickname) gì đó trên kia cũng chẳng có gì trầm trọng, nhưng cũng nên nói vắn tắt cho rõ, kẻo gây ra những ngộ nhận không hay.

1) Tôi là học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học đệ nhất, đệ nhị cấp rồi sinh viên đại học sư phạm trước 30-4-1975. Sau đó tôi vẫn tiếp tục học và tốt nghiệp, được bổ nhiệm vào Lâm Đồng, rồi Sở (Ty) Giáo dục tỉnh đó phân công đi dạy tại các trường trong tỉnh. Như vậy, tôi chỉ là học sinh – sinh viên dưới chế độ Việt Nam cộng hoà, chứ không phải là “người cũ của Việt Nam cộng hoà” (với nghĩa là công chức, binh lính của chế độ ấy).

2) Từ sau 30-4-1975, tôi vẫn sống và học tập, giảng dạy theo tinh thần Hiến pháp và pháp luật nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (ở Miền Nam gọi là “Cộng hoà Miền Nam Việt Nam”, thực chất đó cũng là một thực thể chính trị do Miền Bắc “chế tạo” ra), rồi kế tiếp, là theo tinh thần Hiến pháp và pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976-2015). Từ khi thôi giảng dạy (1983) cho đến nay (2015), tôi vẫn sống và sáng tác thơ, tiểu thuyết, nghiên cứu sử, phê bình văn học với tinh thần đó. Bản thân công dân là tôi và toàn bộ tác phẩm của tôi không có sự vi phạm nào. Có lẽ cũng cần nói rõ một khía cạnh quan trọng của nội dung toàn bộ tác phẩm của tôi: chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ, chống Trung Quốc, Liên Xô, nghĩa là bất kì cường quốc xâm lược, phát xít, bành trướng, bá quyền, thực dân mới Đỏ hay Vàng, từng nô dịch tư tưởng, tác hại đến dân tộc, Tổ quốc Việt Nam về các mặt chủ quyền lãnh thổ, độc lập, tự do về chính trị, kinh tế, văn hoá….

3) Duy có điều, từ tháng 3-2014 đến tháng 2-2015, tôi có tham dự vào mạng xã hội Facebook, với mục đích quảng bá toàn bộ tác phẩm (34 đầu sách) của mình cho rộng khắp hơn, và đồng thời, với mục đích chính là viết thêm một tập thơ “Để lòng người thôi trầm uất” (đầu sách thứ 35; có thể xem ở dạng PDF; hiện đang xin xuất bản chính thức dưới hình thức sách in giấy). Đây là tập thơ khá đặc biệt, vì tôi viết với tinh thần hoà giải dân tộc đích thực, về giai đoạn lịch sử 1945-1954-1975, cùng hai thời đoạn trước và sau đó ít nhiều. Có thể nói, tôi đã thể hiện nội dung đó một cách đậm đặc. Cụ thể hơn, tôi viết không theo lập trường, quan điểm Miền Bắc (Việt Nam dân chủ cộng hoà, vốn là chế độ cộng sản, thuộc Khối Cộng sản trên toàn cầu), cũng không theo lập trường, quan điểm Miền Nam (Việt Nam cộng hoà, vốn là chế độ quốc gia chủ nghĩa, chống cộng, thuộc Khối Tư bản trên thế giới), mà chỉ trên lập trường, quan điểm dân tộc, lấy bản sắc, bản lĩnh, ý chí độc lập, sự trường tồn của dân tộc Việt Nam làm trọng, thoát khỏi hai Khối trong Chiến tranh lạnh (1945-1991), hoàn toàn tôn trọng sự thật lịch sử, đúng như lịch sử đã diễn ra. Tôi cũng quan niệm, hoà giải dân tộc phải thấu tình đạt lí, không phải là “Miền Bắc cộng sản” ban ơn, khoan hồng, cải tạo “Miền Nam quốc gia”. Trọn tập thơ chỉ gồm một nội dung duy nhất là hoà giải dân tộc như thế. Tập thơ này, vì tính chất đậm đặc về hoà giải dân tộc như đã nói, tôi xem như một nhánh sông tách ra từ con sông cái gồm 34 đầu sách trước đó của tôi. Tôi đã viết thành một đoạn thơ, trong một bài thơ (1) thuộc tập thơ nói trên,“Để lòng người thôi trầm uất”:

“… sông cái tôi, rẽ nhánh sông

chạnh niềm, cuộn xoáy, cũng dòng thơ tôi

là thương khi lá vàng rơi

quyện vào hồng đỏ, đắp bồi phù sa…” (2)

Hình ảnh ẩn dụ “lá vàng rơi” mang ý nghĩa biểu đạt là “những con người cũ Việt Nam cộng hoà”, gồm công chức, binh lính, các đảng phái chính trị góp phần, hiện diện trong guồng máy chính quyền, quân đội Quốc gia Việt Nam – Việt Nam cộng hoà. Và nhánh rẽ sông thơ của tôi có một trong những nhận thức – cảm xúc chủ đạo là sự thấu hiểu, niềm cảm thông, thương mến những “lá vàng rơi” đó (“là khi thương lá vàng rơi…”).

Tập thơ “Để lòng người thôi trầm uất” vẫn là nguồn mạch tư tưởng – cảm xúc thẩm mĩ của tôi, cho dẫu cả tập thơ được viết với lập trường, quan điểm phi Miền Bắc, phi Miền Nam, phi hiện hành (mặc dù sau “Đổi mới”, có phần cởi mở, trung thực hơn), về giai đoạn 1945-1954-1975. Viết như thế là nhằm mục đích tối thượng, cấp thiết, mặc dù đã muộn (ít ra là kể từ Hiệp định Paris 1973), đó là hoà giải dân tộc đúng nghĩa, là đoàn kết dân tộc ở chiều sâu, một cách chân thực và bền vững, thực sự tôn trọng sự thật lịch sử, không rơi vào thứ văn – sử tuyên truyền một chiều. Ngoài ra, không phải vì mục đích nào khác.

Thế mà, vẫn có người xuyên tạc, “tung hoả mù” hay ngộ nhận rằng, tôi đã rơi vào luận điệu chia rẽ dân tộc, thậm chí là phản động, chống chế độ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện hành.

Tôi thấy cần có vài lời minh định như trên.

Trân trọng,

Trần Xuân An

Mùng Bốn Tết Nguyên đán Ất mùi

22-02 HB15 (2015)

tại TP.HCM..

______________________________

(1) Bài “Nhớ người từng ở trại tù tàn binh thuở đó”.

(2) Nguyên văn: “điểm mạng tôi, rẽ nhánh sông…”.

.

ĐÃ ĐĂNG TRÊN FACEBOOK:

https://www.facebook.com/notes/tran-xuan-an/vai-loi-minh-dinh-bai-viet-ngan-cua-tran-xuan-an/1540101972930415

.

http://www.tranxuanan-writer.net

http://www.txawriter.wordpress.com

http://www.facebook.com/tranxuanan.writer

.

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE