f. Trần Xuân An - Mùa hè bên sông - Tệp 6

author's

copyright

 

trần xuân an

MÙA HÈ BÊN SÔNG

tiểu thuyết

1997 & 2003

 

 

06/29/09

        

   

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

m ù a 

 h è

 b ê n

  s ô n g 

    

(nỗi đau hậu chiến)

 

tiểu thuyết

 

 

nnhà xuất bản  

 

1997 & 2003

 

 

     

 

CHƯƠNG VI

 

 

1

 

 

Hành và Hiền Lương dựng hai chiếc xe đạp trên bờ sông, tìm một chỗ ngồi để vừa tránh bớt nắng chiều nóng bỏng vừa ngắm được toàn cảnh của chiếc cầu. Cách phút này dăm phút, cô đã được đi qua, bằng đôi chân của mình, được chạm vào, tì ngực vào, tựa lưng vào, bằng chính da thịt cô, với tất cả niềm bồi hồi, xúc động lớn lao, sâu thẳm, với ước mơ từ bé đến giờ và giờ đây, ước mơ ấy Hiền Lương vừa thực hiện được. Lúc này, khi đã cùng Hành dắt xe ra xa cầu một quãng, Hiền Lương vẫn đang sống cùng chiếc cầu cô mang tên nó. Hiền Lương muốn thu hết tất cả hình ảnh lẫn cảm xúc vào trái tim mình. Hành hiểu điều đó, anh lặng lẽ nhìn bâng quơ, để Hiền Lương trọn vẹn với tâm trạng riêng.

Có một điều khiến Hiền Lương không khỏi ngạc nhiên, đó là lúc cô đứng ở quãng giữa cầu, nhìn mặt sông theo hướng tây, hướng ở phía dãy Trường Sơn xa tít. Lúc này, cô mới thấy dòng sông Bến Hải không nhỏ bé như cô nghe ba kể, hoặc như trong những bức ảnh cô đã sưu tầm từ năm mới lên mười. Hiền Lương càng ngạc nhiên hơn khi cô nhìn thấy trước mắt, cách cầu dăm trăm mét, là một ngã ba sông: Có một nhánh sông thứ hai thuộc phần đất bên kia giới tuyến đổ vào sông Bến Hải. Hiền Lương nhìn xóm làng trên doi đất giữa hai nhánh sông, cứ ngỡ như đó là một cù lao, một cồn bãi giữa một dòng sông mênh mông. Nhưng nhánh sông kia, anh Hành đã giải thích ngay cho cô, chỉ là phụ lưu, còn giới tuyến vẫn là chính lưu Bến Hải, và xóm làng trên doi đất kia, với địa danh bắt đầu bằng chữ Vĩnh (Vĩnh Sơn) của đặc khu Vĩnh Linh, trước đây vẫn thuộc bờ bắc Vĩ tuyến Mười bảy. Cảm giác ngạc nhiên ấy về độ rộng của dòng sông vẫn thế trong mắt Hiền Lương, khi cô nhìn mặt sông ở hướng đông, hướng cửa biển có tên là Cửa Tùng. Niềm ngạc nhiên ấy, đến lúc đã cùng Hành trở về bên bờ nam, vẫn còn ngân lên trong niềm bâng khuâng của cô gái được khai sinh bằng tên của chiếc cầu lịch sử trên đất quê nội.

Lẽ ra, từ hôm sau ngày giỗ, Hiền Lương đã phải tìm đến chiếc cầu lịch sử này, nhưng rồi bị lôi cuốn vào nhiều việc với những con người mang trong đời họ cả một chuỗi dài năm tháng, những con người đã trải nghiệm bằng máu, những giọt máu hào hùng, đau đớn, hoặc thê thảm, của trái tim họ, nên cô cảm thấy chưa vội. Cô cũng tự hiểu, chiếc cầu Hiền Lương bắc ngang dòng sông này, với bốn vài sắt đã được sơn lại một màu xanh cỏ úa kia, chẳng là gì cả nếu nó không bị chọn làm biểu tượng của cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử bốn nghìn năm. Phải tìm đến những con người mang vết thương lịch sử, tự hào hoặc tủi hận từ vết thương ấy, huân chương hoặc cáo trạng từ vết thương ấy, chiến thắng và bại trận từ vết thương ấy, mới hiểu hết tâm hồn của chiếc cầu Hiền Lương. Thật ra, vết thương Bến Hải, vĩ tuyến mười bảy này, chỉ chưa đầy một phần mười của vết thương sông Gianh, cũng trên Khu Bốn cũ này thôi, khi xét về chiều dài thời gian. Chiến tranh Trịnh - Nguyễn hai trăm năm dai dẳng nhưng không khốc liệt về quy mô và vũ khí. Trịnh - Nguyễn chỉ là cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt do tham vọng vua chúa, bà con nội ngoại, dâu rể của hai họ tộc, kéo cả dân tộc vào trận chiến! Trịnh - Nguyễn chỉ một ý hệ, đấy là ý hệ phong kiến. Dẫu chỉ mười tám năm Bến Hải và ba năm Thạch Hãn, cuộc chiến tranh vừa qua, khốc liệt về mọi phương diện, vì nói gì đi nữa, ngoài ý nghĩa cơ bản là chống đế quốc Mỹ và “tả đạo” Thiên Chúa giáo, tay sai, đấy còn là cuộc chạm súng về ý thức hệ, của hai hệ thống chính trị với lực lượng của cả hai hệ thống trên toàn thế giới. Đấy là cuộc đụng đầu lịch sử... Về lại quê nội của mình, Hiền Lương có dịp học hỏi, chiêm nghiệm trước những vết thương trong tim, trên da thịt của con người, của đất đai ở đây, về những gì cô chỉ mới đây thôi, còn quá mơ hồ cảm tính hoặc khô khốc xác chữ. Cô bật cười trong tâm tưởng, về chính mình, khi nghĩ cô có là gì đâu, chỉ một sinh viên mới tốt nghiệp đại học, yêu thích tranh, đang vẽ tranh, cố gắng trở thành họa sĩ. Cái tên cô mang chỉ là do ba của cô đặt cho, có lẽ để tưởng nhớ quê nhà với chiếc cầu trên sông quê nối liền hai bờ đất Quảng Trị: Gio Linh - Vĩnh Linh. Còn với ý nghĩa là biểu tượng của vết thương lịch sử và nối liền Đất nước? To tát quá! Chẳng riêng một ai xứng đáng. Hiền Lương trực nhận rằng dòng sông nào trên Tổ quốc mình cũng là sông Bến Hải, mỗi người Việt đều phải làm công việc của chiếc cầu này. Bị và được. Bị thương và được lành.

Nãy giờ, Hành vẫn ngồi bâng quơ nhìn trời đất, lặng im. Hành nghĩ, cứ để Hiền Lương suy tưởng theo cách của cô với những tần số rung cảm rất riêng của cô. Hành tôn trọng tâm trạng riêng ấy. Tâm trạng, có ai trên đời này giống nhau. Và có lẽ do đó, anh muốn chia sẻ, cảm thông.

- Anh nghĩ gì, anh Hành? - Hiền Lương khẽ hỏi.

- Nghĩ về một chiếc cầu với một cô gái có chung một cái tên.

Hiền Lương cười thành tiếng. Hành hòa vào tiếng cười ấy tiếng cười của mình. Cô thoáng nghĩ, anh chàng Hành này sau hơn tuần lễ đi công tác, hội họp gì về, bỗng đâm ra ăn nói có duyên hơn.

- Em chợt thấy, hóa ra xưa nay em chưa hề có tên. Tên Hiền Lương chỉ là tên của chiếc cầu kia.

Hành tỉnh bơ:

- Rứa thì anh cũng vô danh. Tên Hành chỉ là tên của củ hành.

Cả hai cười giòn giã bên bờ nam sông. Gió qua đây mang theo hơi nước lẫn nắng trưa ngả chiều đã dịu. Hiền Lương buộc lại mái tóc dài đen mượt của cô. Gió thổi bồng từng sợi, có sợi nép vào một phía của gương mặt trắng hồng, mịn màng, tạo thành một nét đẹp mới của cô trong mắt Hành. Hành đã mấy tuần nay gom góp cho mình những nét đẹp không giống nhau từ cô gái xinh đẹp, thông minh này, cô gái đang ngồi gần anh, làm anh xao xuyến. Chuyện vãn với cô, Hành không tin cô chỉ học ngoại ngữ.

Hiền Lương rút từ xách tay cuốn sổ ghi phác thảo kí họa với cây bút chì. Cô vẽ cầu Hiền Lương, quan sát lại bối cảnh trước và sau của chiếc cầu. Lật lại những trang phác thảo trước, cô ngắm lại gương mặt ông giáo Hiền, sư Tâm Tự, ông Nộp. Hiền Lương sực nhớ đến chú Học, qua lời kể nghe được, sực nhớ cả ba mẹ mình. Quả thật, chẳng có tâm trạng, cách nhìn, cách cảm nghĩ của ai giống ai, chẳng có cuộc đời nào giống cuộc đời nào. Chiếc cầu kia chỉ một, nhưng đã trở thành những - số nhiều - trong nhiều người. Hình ảnh chiếc cầu trong họ cũng khác nhau. Có lẽ vậy. Không. Chắc chắn vậy.

Khi cô dừng lại nghỉ tay, Hành nói khẽ, bâng quơ:

- Con sông này, chiếc cầu này... Còn có hai chiếc cầu nữa trên dòng sông, nhưng chỉ cầu này!... Riêng chiếc cầu mang tên Hiền Lương, được xây dựng trước một chín năm tư, đã bị Mỹ dội bom, nên đã gãy đổ. Cầu Hiền Lương này mới xây dựng từ một chín bảy ba. Nhưng điều đó không quan trọng. Vấn đề là ý nghĩa biểu tượng. Thật ra có gì đâu, đơn sơ, cũng không lớn lao gì. Vậy mà...

- Cũng như bức tường Bẹc-lanh, ở Đức, Bàn Môn Điếm, ở Triều Tiên.

- Thế là có ba mô hình từ sự chia cắt. Đấy là chưa kể Trung Quốc lục địa và đảo Đài Loan. - Bỗng dưng Hành ngậm ngùi, bâng khuâng.

-  Điều đó đáng suy nghĩ. Nhưng đáng suy nghĩ hơn là vấn đề ý thức hệ nào tốt hơn, khoa học hơn, thực tiễn hơn và có tương lai hơn. - Hiền Lương chân thành nói, cây bút và trang phác thảo trong tay cô chừng như cũng dở dang một ý tưởng.

Hành lặng im. Lát sau, anh nói:

- Hiền Lương có nghĩ đến vấn đề bi kịch của Cái mới?

Hiền Lương nhìn Hành:

- Anh Hành nói tiếp đi.

Giọng Hành rõ từng tiếng, vì anh sợ gió bạt nhòa đi:

- Bi kịch của Cái mới! Dù muốn dù không, chúng ta... Có lẽ Hiền Lương rất cần cho cây cọ và bảng màu của mình, anh cũng rất cần cho viên phấn và bảng đen của anh, rằng, phải đi đến tận cùng của vấn đề. Những né tránh chỉ là ma túy xoa vào vết thương. - Hành ngừng lại, nhìn vào mắt Hiền Lương, mỉm cười -. Bỗng dưng nghiêm trọng, căng thẳng quá. Bùi Văn Nhùi là anh sắp bốc lửa rồi đây. Anh muốn mình là củ hành, làm gia vị thôi.

Hiền Lương chỉ mỉm cười. Cô thấy cũng hay, tại sao không dám đi tận cùng của vấn đề, trước chiếc cầu lịch sử này.

- Em chẳng sợ người ta bảo là sính chính trị. Sống trong đời sống, phải đụng quá nhiều vấn đề. Thật ra chúng ta không trực tiếp chịu vết thương này, - Hiền Lương chỉ dòng sông, chiếc cầu -, mà những sư Tâm Tự, những ông Nộp, những ông nội như ông nội của anh Hành, những ai cùng thế hệ ba mạ anh, ba mạ em, và bao nhiêu người trên thế giới. Lịch sử nhân loại, từ khi có chủ nghĩa Mác, đặt ra cho những trí thức lớn, cả những người mù chữ, một loạt câu hỏi. Nói thế, không phóng đại, tô màu gì đâu. Tất cả, bị hay được, đặt trước sự chọn lựa, chọn lựa trong thao thức, trăn trở, giằng xé, đến mức nổ súng vào nhau, vào cả chính mình, kể cả “bình tâm” chọn lựa. Em muốn nói đến sự đấu tranh tư tưởng, cấp độ toàn cầu và cấp độ cá nhân, chiến tranh ý thức hệ và tự sát do xung đột ý thức hệ, người này chửi rủa người kia ở từng góc phố, đường làng cũng vì ý thức hệ.

- Vấn đề giải phóng dân tộc để giành độc lập dân tộc, quyền tự quyết dân tộc, có lẽ đã khá rõ. Chính danh, chính nghĩa, và ngược lại đã rõ. Vấn đề còn lại là duy vật hay duy tâm, chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản. Hai vấn đề ấy đã dính lẫn vào nhau mới từ những năm hai mươi, ba mươi. - Anh nuốt nước bọt, có vẻ băn khoăn -. Đấy chính là lúc sự phân hóa của người Việt yêu nước đã diễn ra. Anh nói đến những người yêu nước không thỏa hiệp với Pháp. Sự phân hóa của những người đó trước ngã ba lịch sử: con đường nào? Sự giằng xé, thao thức, trăn trở như Hiền Lương nói là vậy. - Hành lặng im, anh chợt thấy mình mới phác họa bối cảnh, vấn đề còn quá rộng và sâu, mặc dù anh cố không mở rộng ra trên bình diện toàn cầu.

- Những người yêu nước vốn không thỏa hiệp với Pháp, và sau một chín bốn lăm, không thỏa hiệp cả với Mỹ, không còn chỗ dựa nào khác là Liên Xô. Và sau nữa, từ một chín bốn chín, chỗ dựa đồng thời của họ, ấy là Trung Quốc. Vấn đề đã quá rõ. Nhưng yêu nước, không thỏa hiệp với Pháp, Mỹ, họ cũng không cộng sản, những người ấy dựa vào đâu? - Hiền Lương nhìn Hành, cô nói tiếp - . Nhưng, có lẽ chúng ta lan man rồi. Hồi nãy, anh có nói vấn đề bi kịch của Cái mới. Trong tiến trình lịch sử, hình thái chính trị xã hội chủ nghĩa là Cái mới. Bi kịch của chủ nghĩa xã hội là vấn đề trung tâm của cuốn Gót Sắt. Gót Sắt của chủ nghĩa đế quốc tư sản đã và vẫn tấn công, dày đạp trên Cái mới. Có lẽ anh muốn nói vậy? Vấn đề hiện nay là vấn đề của cuốn Gót Sắt, phải không?

Hành gật đầu, và anh chẳng muốn nói gì nữa. Nhưng anh muốn nhấn mạnh với Hiền Lương một điều, vì nghĩ Hiền Lương đã hiểu hết:

- Trong tiến trình lịch sử, hình thái chính trị này thay thế hình thái chính trị khác, đơn giản hơn, vì thời đại nông nô hay chủ nghĩa tư bản, vẫn duy tâm và tư hữu. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa “nhảy vọt” lên một chất mới, ngược lại một trăm tám mươi độ, đòi đỏi một chất người, - Hành nói lớn hơn -, một chất người, một trình-độ-làm-người cao hơn, quá cao. Do đó, rất khó khăn, khó lắm. Duy vật và công hữu, hai phẩm chất ấy, thể hiện trong đời sống hằng ngày, cho mọi người, khó lắm. Vấn đề là ở đó. Anh đơn cử, chẳng hạn, nạn vượt biên ở các nước xã hội chủ nghĩa xảy ra, cũng vì vậy. Hơn nữa, vì cách mạng gây sốc cho xã hội quá nặng. Và mặt khác, vì các nước tư bản “nhử mồi” để bôi nhọ nữa... Tất nhiên, có nhiều người nước ngoài giúp đỡ thuyền nhân, chỉ thuần lòng nhân đạo... Nhưng dẫn chứng cụ thể thì vô cùng. - Thấy mình hơi sa đà, Hành cúi đầu, rồi ngẩng lên nói tiếp -. Hạ thấp chất người, trình-độ-làm-người, nói rõ hơn là hạ bệ con người, dìm con người vào dục vọng thấp hèn và thói cá nhân chủ nghĩa, là chiến lược lâu dài của chủ nghĩa tư bản, của cái Gót Sắt.

Hành nhìn bóng nắng, chiều đã xuống rồi. Anh nói với Hiền Lương:

- Có lẽ mình nên đi quanh một chút rồi về.

Hai người thong thả đạp xe. Đi một quãng, Hiền Lương hỏi:

- Tuần rồi anh đi chấm thi phải không? Kì hai, chưa thi mà?

Hành cười:

- Anh đã giã từ nghề giáo rồi. Anh đang nghỉ phép, từ cuối năm học đến giờ. Chỉ đi họp ở Đông Hà thôi, nên vắng mặt cả tuần qua.

Hiền Lương ngạc nhiên:

- Vậy anh chuyển qua công tác gì? Thảo nào không chấm thi kì một.

- Phải đi học lại, vì dốt. Anh còn dốt, đúng không?

- Hổng (không) dám mô! Học gì?

- Học chữ. Thôi, đạp nhanh một chút. - Hành nói lảng - . Hồi nãy, mình ngồi chỗ trơ trọi quá, nắng muốn bỏng người. Hiền Lương chẳng biết sợ nắng là gì. May có nón rộng vành!

- Nghề vẽ, phải chọn nơi có góc độ tốt nhất để vẽ, chứ nắng hay không có là gì đâu! Đâu phải đi hóng mát! - Hiền Lương giấu một nụ cười lém lỉnh.

Mình sợ gì anh chàng này nhỉ, cô tự nhủ và cười thành tiếng. Hành chẳng hiểu gì, cũng bật cười.

 

 

2

 

 

Hôm kia, Hiền Lương lại một mình đạp xe đến cầu Hiền Lương, tìm một vài góc độ khác để làm phác thảo, cũng để mắt mình ghi nhận hết ấn tượng, để lòng mình thực sự rung động với mức cao nhất. Sau vài ngày suy nghĩ, cô thấy dự cảm ban đầu là đúng nhất. Mình có là gì đâu, khi được sinh ra, chiến tranh đã chấm dứt, mặc dù ảnh hưởng của nó vẫn còn, đang còn, trong từng thân phận như mình, như Hành. - Cô tự bảo -. Không phải cô, mà chính là ông giáo Hiền. Chân dung ông Hiền sẽ được lồng vào bối cảnh chiếc cầu và cụm hình tượng của ông. Vấn đề còn lại, phải phối trí như thế nào, để có một bố cục đạt. Nhưng đấy cũng chỉ là nâng cao một mức kí họa. Không, còn phải hư cấu một hình tượng từ những con người cô đã quen, đã hiểu, từ những người ở quê nội của cô, để hình tượng nghệ thuật hội họa sẽ thật hơn sự thật lịch sử, như trong thơ, như trong tiểu thuyết. Nhưng bây giờ, cô phải nắm cho được thần thái, chiều sâu thăm thẳm của ông giáo Hiền. Từ những kí họa về ông giáo, cô đang hư cấu lại một thoáng nét mặt điển hình nhất của ông. Và chiếc cầu Hiền Lương kia nữa. Phải có cái tứ nào đây. - Hiền Lương vừa vẽ vừa chìm trong suy tưởng.

Bảo rằng hai cuốn sách Vô ngôn Vô tự ông Hiền tạo hình bằng chè kiểng tượng trưng cho Sách trời là vớ vẩn. Đấy chỉ là một cách nói dựa vào hình tượng của tư duy cổ. Chỉ có nhà tiểu thuyết, với thủ pháp ước lệ, đóng vai Thượng đế, biết hết mọi điều, mọi ngóc ngách sâu kín của con người. Thượng đế chỉ là Hư vô, hoặc Đạo, hoặc Thần Trụ Trời, Giê-hô-va? Cô không biết. Thế thì hai cuốn sách ấy là gì?

Ông giáo Hiền chưa chịu nói. Ông chỉ mỉm cười, bảo, rất bí mật. Và cô đã hiểu gì lắm về ông giáo Hiền! Sư Tâm Tự, ông Nộp, rồi chú Học, o Ngoan, tất cả, cô chưa hiểu gì lắm. Cô nhủ, cứ vẽ như mình cảm nhận, cảm nhận bằng suy luận, bằng trực giác, thế thôi. Họa sĩ cũng như nhà tiểu thuyết, nhà thơ, thường nhào nặn lại hiện thực đã quan sát, nghiền ngẫm, suy nghiệm, rồi hư cấu sáng tạo. Hình tượng nghệ thuật đâu phải là phản ánh của con người cụ thể, chân xác như vốn có, mà như một điển hình, để chân thực hơn cái cụ thể riêng lẻ. Hiền Lương sẽ ghi dấu ấn cảm xúc, tư duy, nhận thức, ước vọng của mình vào hình tượng theo quy luật sáng tạo nghệ thuật. Nhà tiểu thuyết, cứ với thủ pháp ước lệ của mình, sắm vai Thượng đế - nói theo tư duy tôn giáo và tín ngưỡng dân gian... - để tùy nghi sáng tạo ra thế giới tiểu thuyết...  Nhưng, như vậy, cô đã quá trông cậy vào trực giác chăng.

Về với quê nội, ngôi làng bé nhỏ đã từng là một trong những mảnh đất bị giết bởi bom đạn và chất độc màu da cam này, mùa hè một chín chín sáu này, chỉ một thời gian ngắn, cô đã nhận ra một Hiền Lương, là cô, đã gặt hái quá nhiều điều. Cô không ngừng hỏi người này, người khác, và hỏi thẳng người cô muốn hỏi, để cố gắng làm một Thượng đế trong thế giới hội họa của riêng mình. Cô tin chẳng ai nỡ trách móc gì nếu cô không vẽ như họ muốn, hay ngỡ là đáng ra phải thế này, thế kia. Đó là ông Nộp trong mắt cô. Đó là sư Tâm Tự trong mắt cô. Đó là ông giáo Hiền trong mắt cô. Tất cả phản ánh trong mắt Hiền Lương, được tái hiện và tái tạo với cây cọ, bảng màu của cô. Nghệ sĩ, với cảm thức riêng, sáng tạo hình tượng để chân lí cuộc sống với chân lí ấy trong nghệ thuật có độ sai lệch hay trùng khít? Sự thật nghệ thuật phải thật hơn sự thật lịch sử? Hiền Lương trăn trở, suy ngẫm. Cô nghĩ đến hai chữ trung thực, sự trung thực của người nghệ sĩ, trước lương tâm, trước cuộc đời. Hiền Lương không muốn mình bị lừa bịp, bị cưỡng bức rồi tự lừa bịp, tự cưỡng bức cây cọ và bảng màu của mình, như ông Nộp và cây súng của ông. Hiền Lương còn trăn trở, suy ngẫm về hai chữ sáng tạo nữa - sáng tạo chân lí, đúng hơn là phát hiện ra chân lí, và góp phần tác động vào quá trình sáng tạo của cuộc sống, theo cách của mình. Hiền Lương nhận thấy mình hơi ngông, nhưng cô muốn sống để không hối tiếc đời mình.

Chiều nay, lại một lần nữa, Hiền Lương đến với chiếc cầu Hiền Lương, lặng lẽ tìm một góc độ thích hợp, để một mình chiêm nghiệm. Bỗng dưng, cô lại bồi hồi nhớ Hành. Nhưng cô cố tập trung suy nghĩ về hình tượng ông giáo Hiền, mà trước hết, về một ông Hiền thật, rất xương thịt, đã sống bảy mươi năm trong thế kỉ này.

Bất chợt, cô lại mỉm cười, rồi lại sợ hãi, khi nghĩ, biết đâu ai đó sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về những nhân vật mình đang gặp gỡ, thăm hỏi, đang suy tư, nghiền ngẫm về họ, và biết đâu, nhà văn ấy cũng đang viết về cô với mùa hè bên sông Bến Hải này. Không hiểu sao cô có linh tính như vậy. Ồ, ai cũng có thể là nhân vật. Thì cứ mặc kệ nhà văn ấy! Như ông Nộp, sư Tâm Tự, ông giáo Hiền cứ thây kệ mình với cây bút, cây cọ và hộp màu.

Cô lại đăm đăm nhìn chiếc cầu Hiền Lương. Chiều đang xuống với những tia nắng vàng ruộm trên sông. Cô chờ khi nắng gần tắt, ngôi sao hôm tỏ biếc, nhấp nhánh, mới thong thả đạp xe về nhà.

Trên đường về, cô vẫn chưa dứt ra được những ý nghĩ miên man. Cô tự bảo, với những kí họa, rõ là cô đang ghi chép con người và bối cảnh thực, nhưng với tranh hư cấu, như tiểu thuyết hư cấu, cô phải sáng tạo ra nhân vật, hình-tượng-tác-phẩm, mang máu thịt của tư tưởng, của tâm hồn cô.

Hiền Lương hiểu rõ khái niệm tiểu thuyết cô vừa dùng để so sánh, không phải là loại tiểu thuyết tái hiện nghiêm ngặt - tiểu thuyết lịch sử với các nhân vật lịch sử.

Hiền Lương vừa đạp xe vừa suy nghiệm lại điều giản dị ấy. Nhưng con đường nghệ thuật cô không nguôi khát vọng kia, nào phải là con đường về nhà trong bóng chiều hôm. Aãy là con đường đi đến chân trời, cứ xa mãi, mãi còn xa lắc. Đích tới của nghệ thuật rất vô cùng. Vấn đề chính là những chặng đường đã vượt, và không để ngã lòng.

 

 

3

 

 

Mấy lần sinh nở trước, sau khi con sổ lòng, thím Cam thấy mình vẫn được ông bà, Trời Phật độ trì, ban phúc. Đứa con nào của bà cũng khỏe mạnh, chẳng bị Mười hai Bà mụ lơ đễnh nặn méo hoặc thiếu. Nhưng lần này, thím muốn khóc, bàng hoàng khi nhìn đứa bé trai từ bụng thím lọt ra với cánh tay phải mềm oặt.

Thằng cu cũng khóc chào đời, chứ chẳng cười khì. Nó ngợp ánh sáng, ngợp không khí trong hơi thở đầu tiên, cũng như những trẻ sơ sinh khác. Nó bú no, ngủ đẫy giấc. Thôi, trách chi Mười hai Bà mụ có những phút giây sơ suất, và cũng chẳng dám trách nào.

Sợ trùng tên với bà con trong gia phả, chú Cam đặt cho thằng cu cái tên tạm: cu Cứt. Thường thường, cha mẹ nào cũng chọn cái tên tạm đại loại như vậy cho bảo đảm khỏi trùng, vì tên quá xấu. Khi làm lễ thôi nôi, chú Cam chọn chữ nào thật đẹp để gọi con: Hiền - người hiền, hiền lành. Nhưng cái tên Cứt ấy về sau vẫn có người gọi anh giáo Hiền khi quen mồm lỡ miệng.

Khi biết đi, rồi biết chạy nhảy chơi đùa, cu Hiền hồn nhiên lắm. Nó chưa biết so sánh để buồn. Lớn khoảng sáu, bảy tuổi, nó chợt thấy mình thua sút bạn bè đến một cánh tay! Cánh tay phải cứ đong đưa như có đó mà hóa ra thừa thãi.

Nhà cu Hiền thuộc loại khá giả trong làng. Ở làng này, gia đình có đến năm mẫu ruộng thượng đẳng điền là thuộc loại giàu, dẫu mẫu Trung bộ chỉ bằng nửa mẫu Nam bộ. Nhà lại có trâu, có bò, nhất là có vườn thổ cư, rộng rinh, sum suê cây trái. Tuổi thơ của anh chị và cu Hiền tha hồ chơi đùa trong khu vườn này.

Không biết có phải do cái tên Cứt hay do bẩm tính hiếu kì, thích tìm hiểu, một hôm khi đi vệ sinh dưới gốc chuối, cu Hiền đánh bạo lấy ngón tay quệt một chút phân còn nóng hôi hổi để nếm thử. Uở, phân mặn! Và phân thối, tất nhiên. Sao lũ chó lại khoái ăn cứt nhỉ? Chúng lại liếm đít cu Hiền nữa chứ. Tại sao mèo thì không? Nói chung, cu cậu Hiền này cứ thắc mắc, cứ luôn đặt câu hỏi, từ những cái vớ vẩn như thế đến những cái thật to tát, nghiêm trang. Cu cậu từng đem cái tượng thờ bị vỡ để so sánh với cái chén kiểu vỡ. Cu Hiền lấy đá đập đập thử, so sánh chất sứ này với chất sứ kia, rồi rút ra một kết luận: vấn đề không phải là chất sứ, chất sành, vấn đề là công dụng và công dụng. Tượng thờ để thờ thần, chén để ăn cơm. Công dụng là quan trọng nhất.

Lúc đó, tám tuổi, Hiền chưa được đến trường giờ nào!  Điều ấy chẳng biết có liên quan gì đến cánh tay phải bị liệt không.

Một lần, lúc Hiền chạy chơi, cây dứa dại có gai ở lá cào tay cu Hiền chảy máu. Đứa bạn bảo:

- Cũng có máu! - Nó có vẻ ngạc nhiên.

- Thì cánh tay này vẫn sống chứ đã chết mô! - Hiền trả lời.

Chuyện chỉ vậy thôi. Đứa bạn kia vẫn vô tư lự. Riêng cu Hiền, nó liên tưởng đến cục thịt thừa. Sống mà thừa, sống thừa, đời thế thì đau lắm, tay ơi. Sống mà chẳng có công dụng gì hết, thêm vướng nữa! Cu Hiền lại nghĩ đến cánh tay cụt của người hàng xóm. Chính cái tay cụt hẳn làm tay áo phất phơ, thừa thãi. Nó tự an ủi về cánh tay phải của nó. Có cái tay sống thừa, đau, nó đã biết đau rồi, nhưng tay vậy vẫn còn có ích, oèo oặt vẫn nom dễ coi hơn cụt hẳn.

Cu Hiền còn buồn vì sự nhỏ con của nó.

Ông bà Cam cùng bốn anh chị trong nhà, bấy giờ, làm sao biết cu Cứt được sinh ra giữa đời với dấu hỏi to lớn trong bộ não của nó về ý nghĩa của kiếp người và cõi đời. Nói đúng hơn, cu Hiền có tố bẩm của nhà khoa học, tật nguyền bẩm sinh giúp nó ngộ được lẽ sống quá sớm, và tích cực, cái tích cực của tình trạng bi đát, tuy còn mơ hồ, cảm tính. Nhưng Hiền chưa được học hành đến nơi đến chốn, trong thời buổi ấy, lúc chuyện cứu nước với thời cơ cứu nước quá cấp bách, nghìn năm có một.

 

4

 

 

Hiền học ở làng với ông đồ nho được hơn hai năm. Năm một chín ba sáu, Hiền được gửi vào Huế học chương trình sơ tiểu học. Trong nhà, chỉ có người anh cả được đến trường theo Tây học ở Huế, cũng nhờ có người bà con làm ăn trong đó. Người bà con lúc nhỏ đi ở đợ, sau lấy chồng, sống ở đất cố đô luôn. Anh cả của Hiền, lớn hơn Hiền mười lăm tuổi, làm bưu điện, nuôi em đi học. Dẫu sao Hiền cũng con út, và chắc hẳn việc ruộng đồng cày cấy với Hiền sẽ không thuận lợi lắm, nên phải học được chữ nào hay chữ ấy. Lí do chính là nguyện vọng của Hiền.

- Cha mẹ đặt cho út tên Hiền mà không cho đi học à! - Hiền nũng nịu đòi đi học.

- Thì học chữ nho, khỏi đi xa. - Chú Cam xoa đầu con.

- Con thích chương trình mới, chữ quốc ngữ, chữ Tây. Thời chừ chữ nho chỉ để biết, nỏ (không) làm chi được.

- Thì đi Huế. Gắng học cho giỏi. - Chú Cam cười.

Vào Huế, đến trường, học, về nhà, học, khi nào trên tay Hiền cũng sách với bút. Vóc dáng tầm thước, Hiền chỉ mơ sau này được vậy. Hiền cũng chăm tập luyện thể dục, và đá bóng thuộc loại cừ, do đó thân thể tuy nhỏ con nhưng vốn đã dẻo dai lại càng dẻo dai. Vì có tật, phải cố gắng luyện thành tài, nên Hiền học rất giỏi. Bạn bè hết coi thường, chế nhạo, lại khâm phục Hiền nữa.

Ban đầu, mới chân ướt chân ráo vào Huế, Hiền thấy mình quá tội nghiệp - tay phải đong đưa thừa thãi, vóc vạc nhỏ bé, đi đứng, nói năng lại quê kệch. Hiền chới với, sững sờ trước Huế, nhưng tự nhủ, chả lẽ thua bạn bè cùng trang ngang lứa! Hiền ra sức, hết mình, và vượt trội về các mặt.

Nhờ vậy, trong con người Hiền, có một sức mạnh tinh thần đáng nể. Sức mạnh ấy thể hiện ở đôi mắt ngời sáng. Hình tướng bị Mười hai Bà mụ chơi khăm, tuy nhiên, nhờ nghị lực, vô hình trung, Hiền có một thần tướng, thoắt nhìn, người khác cảm thấy nể trọng trước Hiền, và nể trọng nhất là khi nói chuyện với Hiền.

Tuổi học trò thường ai cũng có thần tượng, và đa số bày tỏ niềm ngưỡng mộ thần tượng bằng nhiều cách, như sưu tầm ảnh, dán trong vở, trước bàn học, hoặc tự vẽ lấy, hoặc khắc tên, hoặc làm thơ về thần tượng ấy. Niềm ngưỡng mộ vĩ nhân thường không giấu giếm. Nhưng với Hiền, thần tượng của mình, Hiền chỉ ngưỡng mộ trong đầu và trong tim. Nỗi quán tưởng thường xuyên về thần tượng, đau đáu, canh cánh trong Hiền, thành sức mạnh nội tâm của Hiền, nhưng nói ra với ai lại hổ ngươi, có lẽ cũng do mặc cảm. Đấy là Mạc Đĩnh Chi, kiệt xuất trạng nguyên, hình dong xấu xí.

Từ năm một chín ba sáu, khi Mặt trận Bình dân thắng thế ở Pháp, tinh thần bình dân và dân chủ nở bừng ở Huế. Những người cộng sản được công khai hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Hiền rất thích Những người khốn khổ của Huy-gô (V. Hugo), các bài văn, bài thơ có khuynh hướng viết về người cùng khổ trong xã hội do thực dân, phong kiến thống trị, và cả sách lí luận mác-xít.

Tốt nghiệp xong bậc tiểu học loại ưu, Hiền học thêm một năm nữa thì bị đuổi học với lí do, chính quyền tay sai phát hiện Hiền có tham gia hội kín chống thực dân, phát-xít, chống phong kiến, do những người cộng sản lãnh đạo. Nhưng bởi bằng cớ không nắm chắc, không thể đưa ra tòa kết án, cũng vì Hiền mới mười sáu tuổi, nên chúng đành tống khứ Hiền thôi, chứ chính quyền tay sai chả làm gì được. Hiền phải lủi thủi về lại làng quê. Đấy là vào năm một chín bốn ba, năm Nhật đã xâm lược Đông Dương.

Hai năm lặng lẽ ở nhà, ngày ngày cỡi trâu cho trâu ra đồng, lên bãi gò hoang ăn cỏ, Hiền với cuốn sách cầm tay, thao thức mãi, khắc khoải mãi về vận nước. Hiền cũng thừa biết mình đang bị để ý, nên lần lữa chưa dám động tĩnh, bắt liên lạc với tổ chức.

Mười bảy, mười tám tuổi, Hiền bỗng bồi hồi rung động khi gặp cô gái cùng làng, suýt soát hơn kém nhau một hai tuổi. Thời đó, có câu “nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một”, có lẽ do tập quán hôn nhân sớm một phần. Hôn nhân sớm, con gái già dặn hơn sẽ đảm đang hơn chăng? Chẳng rõ. Hiền chỉ biết nghe mình thổn thức, bổi hổi khi nhớ đến cô Thắm - nhớ đôi mắt lá răm lúng liếng, nhớ môi trầu cắn chỉ đỏ tươi và nụ cười răng đen nhánh, đều đặn hạt huyền, nhớ nhất là dáng người thon tròn, đầy đặn, gánh thóc trĩu hai bó nặng oằn, vẫn đi thoăn thoắt, nhẹ nhàng như múa.

Trong tình yêu, hình như ai cũng cần có sự bù đắp nào đó cho phần thiếu hụt của mình. Nhìn thấy mơ mơ, phơn phớt lông măng, trên làn da ở hai cườm tay thanh nữ chắc khỏe, Hiền rúng động tận sâu thẳm hồn mình. Đôi cánh tay của Thắm đẹp đến vô ngần, lộ ra khi mặc áo cánh, xay lúa trong nhà ngang, mà đôi bận Hiền cố tình đi qua, ngoài đường làng, tạt vào châm điếu thuốc để liếc nhìn. Hiền yêu lắm dáng người rắn rỏi, khỏe mạnh và lại thanh thoát của Thắm. Nhưng Hiền tự biết mình, hơi nhỏ bé về vóc vạc, lại liệt cả một cánh tay phải nữa! Tình yêu hướng về Thắm nẩy sinh từ trái tim trĩu nặng mặc cảm ấy của Hiền. Tình yêu làm Hiền đau đớn. Anh đành im lặng, một mình buốt bỏng với tình yêu của mình. Hiền cũng tự nhủ, lúc này, có nhiều việc để lo, hơn là chuyện yêu đương thường tình. Thanh niên phải nuôi chí lớn, phải tính chuyện cứu nước, cứu dân, còn sớm yêu đương, vội chuyện vợ con, chỉ thêm bó buộc. Trong tâm hồn Hiền, diễn ra những giằng xé. Và Hiền chôn chặt trong trái tim mình mối tình đau đớn ấy.

 

 

5

 

 

Năm một chín bốn lăm, Cách mạng Tháng tám rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Hiền là người hồ hởi và nhiệt tình nhất. Hiền trào nước mắt khi hiểu được ý nghĩa Độc lập, Tự do đã có được là từ bao nhiêu xương máu của đồng bào ruột thịt trên khắp cả nước. Đâu phải dễ dàng gì! Phải tính từ giữa thế kỉ trước đến nay, từ khi Pháp chính thức xâm lược, nổ súng vào cảng Đà Nẵng.

Hiền trở thành anh giáo viên chăm lo việc xóa “giặc dốt”. Nhân dân thất học, mù chữ. Đấy là điều phải lo. Chưa bao giờ Hiền cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao, vĩ đại đến thế. Hào khí cách mạng cuốn sạch bao lo toan, khổ đau nhỏ bé và cá nhân. Hiền làm việc suốt ngày đêm trong niềm vui tưng bừng của cả nước. Không gì hả lòng hơn khi bắt thằng Pháp, thằng Nhật chịu còng tay, cúi đầu.

Ngoài việc dạy bình dân học vụ, Hiền còn tham gia du kích luyện tập quân sự, phụ trách việc kinh tài, vận động nhà nhà người người đóng góp lúa gạo cho cách mạng. Nhưng công việc dạy học vẫn là việc chính, vì Hiền có chữ nghĩa sáng giá.

Nhớ một hôm, đang thắp đèn dạy học ở nhà ngang của chùa làng, phía dưới lớp, người râu tóc trắng có, người ăn trầu hút thuốc có, bỗng vang lên một giọng bà già:

- Thưa đồng chí thầy giáo, trò này nhổ bã trù (trầu) vô chin (chân) của con!

- Ai vậy, bác Tấm?

- Trò mệ Lẫm!

Cả lớp cười ầm. Giáo Hiền dở khóc, dở cười. Có thể mệ Tấm gần sáu chục tuổi này thích đùa, vì xưa nay mệ nổi tiếng là trạng cười trong làng. Học trò mà tóc trắng, ăn trầu thì buồn cười thật! Giáo Hiền đành cười, và lát sau, đợi mọi người yên lặng, mới ôn tồn:

- Bây giờ cách mệnh rồi. Người lớn tuổi như mệ Tấm, xin đừng tự xưng “con” nữa. Tuổi nào, vai vế nấy. Tôi dạy chữ nhưng chỉ đáng con cháu các ôông, các mệ.

- Rứa thì khó quá. - Một người nói.

- Thầy ra thầy, trò phải ra trò chứ. - Một người khác đứng dậy.

Giáo Hiền chắp hai tay đan nhau giữa ngực:

- Xin gọi tôi là giáo viên. Bà con cô bác cứ tự xưng như tuổi tác, vai vế. Ví dụ: “Xin đề nghị giáo viên chỉ cho tôi, hay cho bác, chữ i có dấu chấm hay không”. Rứa thôi.

Cả lớp đồng ý. Có người thấy ngồ ngộ, hay hay. Có người rớm nước mắt cảm động. Người cảm động nhất, có lẽ vẫn anh giáo Hiền.

Những ngày tháng này, Hiền thường gặp Thắm luôn. Bấy giờ, thanh niên tham gia phong trào rất hăng say, hay hội họp, hát múa và học tập, xóa mù chữ. Tình yêu câm nín chôn sâu trong lòng, Hiền vẫn quyết chôn sâu, không nói. Thắm chỉ có cảm tình và kính phục anh giáo Hiền chữ nghĩa. Hiền cũng cảm thấy chừng như Thắm thích chuyện trò với sư Tâm Tự  hơn. Sư Tâm Tự và giáo Hiền cùng cộng tác dạy bình dân học vụ, thân quen nhau. Sư cũng mới tu học ở Huế ra trụ trì chùa làng. Hai người cùng ở Huế, kẻ trước người sau, nhưng kẻ đời người đạo, chưa được gặp. Trước Cách mạng, giáo Hiền đang ở trong thế bị để ý, sổ đen lí trưởng có ghi tên, nên biết sư Tâm Tự về, vẫn chưa dám gặp. Bây giờ, gặp, người có chữ gặp người có chữ, dễ thân nhau. Tình thân thêm đậm đà lại do họ cùng trang lứa nữa - sư hơn giáo hai tuổi. Và chẳng hiểu sao cô Thắm lại mến sư hơn mọi thanh niên khác, hơn cả Hiền! Chẳng lẽ, dẫu Hiền chưa nói ra, nhưng Thắm cũng đã hiểu rồi chứ, hay ít ra cũng mang máng chứ. Hay Thắm thích học thêm giáo lí Phật? Hiền băn khoăn chẳng rõ. Nhưng Hiền buồn, buồn lắm.

Rồi công việc cuốn hút, giáo Hiền chẳng còn thì giờ rỗi rãi, mơ với mộng, tương tư và sầu đau. Thật ra, bao nỗi niềm ấy, chỉ bớt đi thôi. Những vần Thơ mới, giáo Hiền thuộc thời ở Huế, lẫn với nhiều bài thơ cộng sản, lưu hành bí mật và công khai, vẫn có khi theo dòng hồi nhớ, giằng xé nhau trong tâm hồn giáo Hiền.

Lúc này, dẫu vậy, nhưng vận nước còn rối ren lắm. Chính quyền cách mạng cần củng cố, kiện toàn, và ít nhiều bị đe dọa. Anh với Ấn phía nam tiến ra. Tàu Tưởng phía bắc tiến vô. Tàu Tưởng, tức Tàu ô, đói, tả tơi, tiều tụy, vào xứ đói. Nạn đói đang hoành hành, từ Bắc vào Nam. Các tỉnh trong Nam chở gạo thóc ra không xuể cứu.

Hiền chẳng thể suốt ngày tương tư. Phải xốc dậy hào khí cách mạng, anh tự nhủ vậy. Tuy nhiên, Hiền vẫn khẽ ngâm một mình trong khuya vắng: “Em chỉ là người em gái thôi, Người em sầu mộng của muôn đời”, dẫu Thắm chẳng có gì sầu mộng, xem chừng tươi tắn thêm!

 

 

6

 

 

Tháng giêng, hai, những cơn mưa xuân bay miên man đầy trời tơ bụi lạnh buốt, và mưa dầm mùa đông năm ngoái sót lại, đôi khi, lại thả rét xuống với hạt mưa lớn hơn, dẫu không còn những trận mưa đến sốt ruột nữa. Tháng ba, nắng ấm, vàng non. Đây là tháng đất trời bỗng đẹp, tươi thắm.

Dạo này, Hiền bàng hoàng, run lên trong niềm xúc động hòa lẫn với cảm giác bắt được hạnh phúc. Hạnh phúc trong yêu đương có quá nhiều cung bậc và sắc độ. Hạnh phúc, với Hiền lúc này, chàng trai hai mươi tuổi tròn, là hạnh phúc dường như được yêu, có thể được yêu thật rồi.

Ở Hiền, sâu thẳm một tình yêu chưa dám nói, chôn chặt trong lòng, vì mặc cảm tật nguyền, vì thời cuộc. Cái riêng với cái chung giằng xé nhau. Tuổi trẻ, khát vọng tình yêu đương, và ý thức về sự bất toàn của thân thể đã trở thành niềm đau thấm thía, đang giằng xé nhau. Nhưng bây giờ, người Hiền yêu dấu, thầm lặng nhớ thương kia, cơ chừng cũng như Hiền chăng. Đang tươi tắn, phơi phới trong tuổi thanh xuân cho dù đời sống đang đói rét, Thắm bỗng dưng ủ dột, sầu mộng. Không, chẳng phải vậy đâu. Thắm chẳng có gì để mặc cảm tự ti. Thắm không đẹp nhưng duyên dáng và tràn đầy sức trẻ. Cũng không phải thế. Gương mặt rất duyên, chỉ rất duyên thôi, lúng liếng đôi mắt lá răm, nhưng dáng hình Thắm đã khiến bao chàng trai say đắm. Áo chít eo màu nâu non, quần đen, dáng đi, dáng cấy, dáng gánh thóc, sao khỏe khoắn và nhẹ nhàng, thanh thoát và đầy đặn thế. Sao dạo này Thắm sầu mộng. Tình yêu đích thực đấy chăng. Hiền căng cả đầu để suy đoán. Sao Thắm mỉm cười, thích chuyện trò với Hiền thế. Thắm hiểu được trái tim của Hiền rồi sao. Hiền run lên trong ý nghĩ ấy. Khi yêu, tình yêu đích thực, người ta đăm chiêu, sầu nhớ chăng. Hiền vận dụng những kinh nghiệm từ sách vở nhưng chẳng thể tìm được đáp số. Tình đầu u mê, bùng cháy.

Quả thật Thắm hiểu mình rồi? Thắm đến với Hiền rồi? Hiền muốn reo lên sung sướng. Yêu bao năm, yêu nung nấu, chôn kín và ngỡ đành tuyệt vọng, rồi thầm lặng ghen tuông, đau đớn, bây giờ, đã được đền đáp, được yêu lại! Hiền thấy yêu Thắm, yêu cuộc đời này biết bao!

Những lần vãn hội họp, Thắm đi chậm, tách ra khỏi nhóm bạn vốn hay tinh nghịch, để chờ Hiền. Hiền mặc cảm nên Hiền đâm ra nhút nhát trước bạn gái. Giờ hết rồi, chẳng nhút nhát nữa đâu. Hiền đến bên Thắm, cũng chuyện vãn, nhưng lúng búng, im lặng thì nhiều hơn. Lũ bạn biết rồi, có cô còn nguýt lườm Thắm, tỏ ra đoan trang, coi thường sự chủ động bạo dạn của Thắm. Nhưng Hiền thích. Phải dân chủ trong yêu đương. Phải cách mạng tình yêu đôi lứa. Nam nữ phải bình đẳng. Thắm là con gái, bị áp bức phong kiến như bao phụ nữ xưa, yêu không dám tỏ, bây giờ, giải phóng rồi, có quyền tỏ tình với Hiền chứ. Hiền yêu cái mới này quá. Hiền hăng lên trong suy nghĩ. Và Hiền thấy rằng với tình yêu, cũng là tình đồng đội, đồng chí chiến đấu, hai người yêu nhau sẽ làm tốt hơn công tác. Không, yêu Thắm, Hiền sẽ công tác tốt hơn. Hiền tự đối thoại với mình. Hiền suy nghĩ với ngữ điệu như thể tranh luận như vậy, mặc dù chẳng ai là cái bóng hoặc phân thân ra từ Hiền để cãi với Hiền về điều đó.

Tối nay, Hiền vác khẩu súng trường đi dạy bình dân học vụ về. Trời đầy sao, sắp mùa hè, đầu mùa hè cũng nên, vì thời tiết đâu theo lịch. Thắm chờ Hiền, vai vác cây tầm vông vạt nhọn. Hai người đi chầm chậm. Hiền run lên trong niềm biết ơn Thắm, trong bàng hoàng ngây ngất. Chẳng biết nói gì, cả hai cứ nói vu vơ.

- Thắm đi gác đêm à?

- Dạ. Còn eeng (anh) đi dạy chữ về?

- Mới dạy xong... Trời đầy sao, đẹp quá, Thắm hỉ (nhỉ)?

- Mai chắc nắng lớn, nắng to cho coi.

Hiền chợt nhớ một truyện ngắn lãng mạn nào đó, thầm nghĩ, sao không ngồi xuống vệ cỏ chuyện trò với nhau. Nhưng chẳng biết nói thế nào. Truyện ấy khác, khung cảnh này và tâm trạng mình cũng khác.

- Suốt ngày ni, em đi gánh gạo cứu tế, mỏi chân quá.

- Mình ngồi xuống đây một chút. - Hiền mừng rơn, nhưng cố giữ giọng nói cho bình thường.

Thắm đi chậm lại, có vẻ đồng ý. Hiền sung sướng, muốn vỡ cả trái tim trong ngực. Hiền đứng lại, bỏ cây súng xuống.

- Ngồi xuống đây đi. - Hiền nói.

- Sao xanh xanh nhấp nháy vui quá. - Thắm vu vơ, rồi chỉ nhìn trời, im lặng.

Hiền nghe mạch máu ở thái dương rần rần.

- Thắm này!

- Dạ.

- Mình cưới nhau nghe! - Hiền nói.

Thắm cười khúc khích.

- Thắm này!

- Dạ.

- Sao Thắm cười?

Hiền sốt ruột, đánh bạo nắm tay Thắm. Thắm khẽ rụt lại, rồi để yên. Hiền nóng bừng.

- Rồi hai đứa mình cưới nhau, Thắm hỉ? Thắm đồng ý đi.

Thắm quay sang, bắt gặp ánh mắt Hiền, có lẽ thiết tha, cháy bỏng. Thắm đưa tay trái của Hiền đặt lên ngực Thắm. Hiền muốn cháy thành ngọn lửa. Trái tim Thắm với nhịp tim thế nào, Hiền đâu biết. Nói đi, làm sao nghe được tiếng nhịp tim, Thắm ơi. Hiền cháy bùng trong cảm giác tiếp xúc với bầu vú căng tròn sau làn yếm và vải áo. Thắm ngã người, tay vẫn áp lên tay Hiền trên ngực mình. Hiền chỉ kịp nói líu ríu: Rồi mình cưới nhau nghe.

Đêm vẫn sao và sao, nhấp nhánh, huyền ảo.

Hiền nghe Thắm gọi, tiếng gọi nhòa trong hơi thở, nhẹ như hơi thở, chẳng hiểu gọi tên ai hay nói gì. Rối trong hơi thở, tiếng gọi nhòa và nhẹ ấy, không làm sao lúc này Hiền nghe được. Đấy là âm thanh của tình yêu chăng.

Đêm vẫn sao và sao, nhấp nhánh, huyền ảo.

Sau đêm mê cuồng ấy, Hiền cứ ra vào thẫn thờ. Hiền thấy cuộc đời đẹp quá, nhưng lại cứ nằm, gác tay lên trán. Hiền hồi tưởng từng cử chỉ, câu nói, từng cảm xúc và cảm giác. Hiền sống lại hàng chục lần cái đêm tuyệt vời ấy. Hiền có cảm tưởng như có lúc Hiền chạm phải đâu đó cái gai bưởi. Có thể vướng gai lá dứa dại hay bông hổ ngươi? Có thể ảo giác? Nhưng dẫu sao, Hiền đã thực sự thấy mình không đến nỗi bất toàn. Hiền tự hào mình đích thực đàn ông. Sự trinh trắng của Thắm, sáng hôm sau Hiền càng tin chắc. Những vệt máu hồng đã sẫm nơi lai áo trắng ngả đục của Hiền làm Hiền xúc động, tự hào gấp mười lần. Có điều, Hiền không thể không thấy ở Thắm chút gì hơi quá bạo dạn, và dễ dãi nữa. Chủ động tỏ tình là quý lắm, mới lắm. Chủ động hiến dâng, quá chừng bất ngờ mặc dù lúc ấy Hiền thích. Nhưng Hiền chẳng bảo sẽ cưới nhau đấy ư! Hiền cũng chủ động mà. Hiền lại đâm ra hối tiếc, lại đâm ra hồ nghi. Đôi khi, lại coi thường Thắm nữa. Mình đa nghi, nghĩ oan cho Thắm, rồi dám xem khinh Thắm sao? Hiền thấy mình bẩn thỉu và đốn mạt. Ôi, dễ dãi thế sao, dám hiến dâng trước hỏi cưới sao? Thật mất nết, nhưng quá tuyệt vời! Hiền bỗng thấy khinh mình vì mình dám khinh Thắm. Thắm cũng con người như mình mà. Hơi nhẹ dạ thế, sau này thành vợ chồng, có gì không nhỉ? Hiền sợ hãi. Hiền rối bời. Rồi con cái mình sẽ có người mẹ nhẹ dạ, dễ dãi sao? Hạnh phúc có bền chắc không? Hiền đâm ra lẩm cẩm, rơi xuống hun hút vực thất vọng. Rồi Hiền run lên trong những lần sống lại với hồi ức cảm giác lẫn cảm xúc đêm ấy. Hiền cứ vô, ra, thẫn thờ, lại nằm, gác tay lên trán. Cái gai ấy, có phải ảo giác không. Hiền hối hận quá. Và lo sợ. Và nóng bừng người. Và kinh tởm. Và tự hào, rồi tự nguyền rủa.

 

 

7

 

 

 Anh giáo Hiền sống trong một tâm trạng cực kì rối rắm. Cuối cùng, Hiền tìm đến Thắm, gặp lúc Thắm đang xay gạo tập thể ở nhà ngang của đình làng để lo cứu tế những gia đình gặp khó khăn nhất. Lúa đông xuân cấy được ba tháng rồi, nạn đói đỡ lắm rồi. Tổ dân quân du kích nữ đang xay giã giần sàng. Thắm chào Hiền, đến nói chuyện với anh. Thắm không hổ ngươi nữa, dù các bạn nữ có vẻ trêu Thắm. Ý Thắm cũng ngầm xác nhận Thắm đã có duyên nợ với Hiền, như các o con gái khi chấm chọn được người thương. Hiền cũng tự nhiên như hiểu ý Thắm. Hai người đứng bên hè sau. Thắm cười, Hiền cũng cười. Mắt nhìn mắt, biết bao thương mến. Lúc này, Hiền đã rất tự tin. Chỉ một hai tuần nay, và chỉ một đêm trên vệ cỏ ấy, Hiền bỗng bản lĩnh ra trước con gái chưa chồng, trước o Thắm, người Hiền yêu mà trước đây, càng yêu càng đau đớn, càng nhút nhát.

- Thắm ơi.

- Dạ. - Thắm di di ngón tay vào vách tường và nhìn vào ngón tay.

- Thắm! Eeng có nói với cha mạ rồi...

Thắm giật nảy người, đỏ bừng mặt, toan nói một điều gì đó, nhưng nghẹn ngào, nước mắt trào ra. Thắm nghiêng đầu chặm mắt vào cánh tay, sực nhớ mình đang mặc áo tay cánh. Thắm xấu hổ chạy vô nhà ngang, chỉ kịp nói với Hiền: Đợi em chút.

Thắm mặc áo chít eo màu nâu non, tay áo dài kín đáo, bước ra, nhìn Hiền cười bằng mắt.

- Thắm này! Eeng nói với cha mạ rồi. Cha mạ ưng bụng rồi. Mai mốt đem cau trù (trầu) rượu qua nhà Thắm.

Thắm di di ngón tay, nhìn ngón tay, nói với Hiền:

- Eeng nói... răng? - Giọng Thắm run run.

- Thì rứa đó. Aắ, à, chỉ nói mền (mình) thương chắc (nhau).

Thắm cười, nhìn Hiền, lại nhìn ngón tay di di trên vách. Hiền chẳng biết nói gì. Bao nhiêu điều trăn trở, dằn vặt, tiêu tan đâu hết rồi. Thắm duyên quá. Với Hiền, Thắm đẹp, duyên vô ngần. Hiền nhìn Thắm say sưa, đăm đắm. Rứa là Thắm đồng ý rồi, Hiền nghĩ. Tâm trạng mâu thuẫn, nghi ngờ, kinh tởm, lo sợ, chẳng biết Thắm có dễ dãi, cả tin với ai không, và yêu đắm say, yêu nhức nhối, đau đớn, yêu da diết, tủi thân trong tình yêu đương, tâm trạng ấy nảy sinh, rối bời trong anh, Hiền cho là Hiền đa đoan. Thắm duyên quá, thương quá. Đôi mắt nhìn xuống, đen lay láy. Hiền tha hồ ngắm người thương.

- Eeng xin lỗi Thắm. - Hiền buột miệng như nói với lương tâm mình.

Khi nói chuyện với Thắm, Hiền càng thích nói giọng địa phương, chẳng hiểu vì răng rứa, có lẽ, Hiền muốn thêm ý vị đậm đà cho tình quê yêu dấu.

- Có chi mô, eeng nói chi tội em! Lỗi chi mô nờ! (đâu nào!).

- Rứa... rứa... Mai mốt thôi, cha mạ eeng mang cau trù (trầu) rượu qua. Em thử ướm lời, dò ý ra răng nghe. Càng sớm càng tốt, lợ (lỡ) có chi làng xóm cười, chi bộ kiểm điểm chết!

Thắm run cả người, tay cứ di di, và không kìm được nữa, Thắm khóc tức tưởi. Hiền lúng túng, mở xắc cốt, rút khăn tay ra đưa Thắm. Thắm vò chặt, cắn môi cho khỏi òa ra tiếng khóc. Đôi vai Thắm rung lên. Thắm úp mặt vào hai tay đang như bấu vào vách tường. Hiền sững sờ. Thắm, Thắm. Răng Thắm khóc. Thắm ơi... Hiền nghẹn giọng, mặc dù anh rất muốn thốt ra thành lời.

Lát sau, nguôi xúc động, đôi mắt đỏ hoe, Thắm đưa trả khăn tay cho Hiền.

- Eeng về đi. Chị em họ cười. - Thắm nói.

- Rứa đó nghe. Nhớ nghe.

Hiền thương Thắm, yêu Thắm biết chừng nào.

Cánh tay phải bị liệt đung đưa đánh đằng xa khe khẽ theo bước đi chậm của Hiền. Hiền ngoái lại, Thắm còn nhìn theo.

 

8

 

 

Đám cưới, nhưng thật ra chỉ là lễ kết hôn, hai họ một lời, chứ có tiệc tùng, đèn pháo gì đâu. Thời đang kháng chiến, cưới hỏi đơn sơ, và đang gặp buổi khó, tiền gạo đâu. Đặt trên bàn, chỉ mâm cau trầu, nước chè xanh. Rượu cũng thôi, vì ai nấu rượu khi gạo quý hơn vàng.

Đến khi bà con về, mạ Hiền mới tặng cô dâu cái kiềng vàng, cặp nhẫn cưới của thím hồi xưa.

Cưới rồi, Thắm về nhà Hiền ba ngày, cùng Hiền đi thăm bà con ruột thịt hai họ để làm lễ lại mặt. Sau đó, Thắm xin về nhà mẹ, nằng nặc xin về. Hiền nói mãi, Thắm mới chịu ở lại. Hiền chẳng hiểu vì sao như vậy. Thắm cứ khóc thầm mãi, khi hai vợ chồng riêng tư với nhau. Hiền băn khoăn tự hỏi, ngày cưới, những ngày sau đó, đi làm lễ lại mặt cho họ mạc yên lòng về trinh tiết của Thắm, Hiền vui vẻ tràn đầy, có sơ suất gì đâu. Sao Thắm khóc mãi? Hiền cau mặt, thừ người suy nghĩ.

Khi có bầu được ba tháng, ai cũng mừng. Mạ Hiền hơi ngờ ngợ, nhưng rồi nghi ngờ sự xét đoán của chính thím nhiều hơn. Đến tháng thứ năm, Thắm xin về, lần này Hiền không can được. Cha mạ Hiền dạo này lại sợ sệt lắm, vì thuộc loại trung phú nông, nên cũng muốn tùy con trai. Cha Hiền thở dài: Số con khổ, gặp vợ bướng rồi. Mẹ Hiền đăm chiêu: Con Thắm xưa nay chăm chỉ, tốt nết lắm mà.

Đến tháng thứ bảy, Thắm sinh con. Cả nhà Hiền lo quá, khi được báo tin. Thế là sinh thiếu tháng, rõ khổ. Nhưng cũng mừng cho Hiền có được con trai đầu lòng.

Cha Hiền ở nhà lo rối ruột. Hiền và mạ chạy qua ngay. Hiền mừng Thắm sinh cũng dễ. Con trai, thiếu tháng vẫn cứng cáp lắm. Đỡ khổ quá. Thím Cam - mạ Hiền - mừng gượng, cố giấu tiếng thở dài. Nhưng nghĩ thương Hiền tật nguyền, lấy được Thắm là phúc. Thím nghĩ, biết đâu hai đứa ăn nằm với nhau trước cũng nên. Nếu chưa, sao hối thúc cưới dữ vậy. Thím phân vân. Nhưng ở đời, bao nhiêu sự lạ! Có đứa chữa trâu, mười tháng hơn mới sinh. Có đứa sinh non, con như chín tháng mười ngày đủ. Nghĩ bậy gây nghiệp, thật không nên. Nói với con trai chuyện này, trúng trật chưa biết, thêm ác khẩu rồi sau mất hạnh phúc, thêm tội con. Thật lòng thím không yên lòng chút nào. Thôi thì để đứa thứ hai, rồi hẵng nói riêng với Hiền. Đứa thứ hai đủ tháng, đủ ngày, chắc chắn về huyết thống hơn. Nhưng thím Cam lại nghi ngờ chính cả sự nhận xét của mình. Biết đâu Trời Phật bù trừ cho Hiền, vợ sinh con thiếu tháng được vậy càng dễ nuôi. Cha tật nguyền con phải khỏe mạnh gấp đôi, gấp ba chứ. Mạ Hiền cứ như cái cửi rối tơ, lần mò mãi cũng tự gỡ rối được. Thím Cam yên tâm mỉm cười.

Hiền mừng, nhưng cũng hơi hơi có tâm trạng như mẹ. Hiền chẳng rành lắm việc sinh nở, nên chẳng nghi ngờ chi nhiều. Anh chỉ thương Thắm, yêu Thắm, và càng tự hào con mình khỏe mạnh, bú no đẫy giấc. Hiền tự trách mình đa đoan, xấu bụng quá!

Buồng sinh nở, Hiền cũng chẳng được vào. “Con so nhà mạ, con rạ nhà chồng”, trăm sự nhờ ngoại thằng cu hết.

Đến thăm vợ, Hiền đứng ngoài cửa buồng, hỏi vọng vào:

- Thắm ơi, khỏe không? Con khỏe không?

- Dạ, cũng đỡ. Khỏe... Eeng yên tâm. - Giọng Thắm run run.

- Giữ gìn, cẩn trọng nghe. Eeng chộ (thấy) con rồi. Mệ ngoại bôồng (bồng) ra cho chộ (thấy) rồi. Mơờng (mừng) lắm. Tưởng răng, rứa thì dễ nuôi lắm. Thích lắm.

Thắm nằm trong buồng cười mệt nhọc, tràn nước mắt  thương Hiền. Hiền tốt quá, chân thành quá.

Bỗng dưng, nghe Thắm chết, để con mồ côi khi mới được gần một tháng. Người khỏe mạnh vậy mà cảm cúm sản hậu rồi chết chỉ trong một chiều một tối, chưa kịp chữa chạy gì. Sớm mai, Hiền mới hay tin, sau khi nhà Thắm phát hiện.

Thời buổi chiến tranh, ở một làng quê hẻo lánh, thầy và thuốc biết tìm đâu. Sinh nở hoàn toàn theo kinh nghiệm dân dã để lo liệu. Có nhiều cái biết cũng bó tay.

Thắm trúng gió? Thắm nhiễm trùng? Thắm sản hậu vì cúm? Sao đột ngột thế, Thắm ơi. Hiền chỉ còn biết khóc.

Mạ Thắm sụt sùi:

- Chạng vạng, hắn nói mệt trong người. Hắn biết trước hay răng mà hỏi dì Bứa bên xóm tốt sữa không, con dì Bứa nậy (lớn), khỏe không. Sống khôn chết thiêng! Tui (tôi) la rầy hắn, đừng dại mẹng (miệng) sinh điềm. Té ra thiệt. - Mạ Thắm khóc tức tưởi.

Hiền ôm mặt nghẹn ngào, nước mắt tràn ra kẽ tay. Hiền nấc trong tiếng khóc kìm lại. Anh thương vợ, lo cho con mới gần một tháng tuổi. Hiền đau nhất là nghe ai phong thanh nói Thắm tự tử.

Chỉ thằng cu vẫn vô tư, bú nhờ dì Bứa hàng xóm và vẫn ngủ đẫy giấc. Hiền nhìn con, nghĩ đời vừa nhân hậu vừa độc hiểm.

 

 

9

 

 

Năm một ngàn chín trăm bốn mươi chín, cuộc Kháng chiến toàn quốc bùng dậy đã được hai năm. Quân đội Đồng minh - Tàu Tưởng với tên tướng Lư Hán nổi tiếng hám vàng, Cách mạng cũng phải đút lót cho hắn, cùng thực dân Anh và lính thuộc địa của Anh là quân Ấn Độ - từ lâu đã rút vì đã hoàn tất việc giải giáp phát xít Nhật, “ổn định” Đông Dương! Quân Pháp đã trở lại Đông Dương để tái xâm lược hơn hai năm trước. Thanh niên trai tráng đi bộ đội Cụ Hồ rất hăng say. Tin chiến thắng ở các mặt trận trên cả nước được phổ biến rộng khắp. Riêng Hiền, anh đau lòng vì cái chết đột ngột của người vợ yêu dấu. Mỗi khi làm công tác về, nhìn con trong tay bà ngoại, anh càng thương vợ đến đứt ruột. Thằng cu Học bây giờ đã ăn cơm mem được rồi. Thấy con khỏe mạnh, chóng lớn, Hiền cũng mừng. Hiền cũng nức lòng đi bộ đội để đánh Pháp. Súng ống đạn dược bây giờ đã đầy đủ, nhờ Liên Xô, Trung Quốc giúp đỡ, và Việt Minh cũng có những kĩ sư giỏi cải tiến, chế tạo được đạn, mìn để phục vụ kháng chiến. Hiền sướng rơn cả bụng. Phen này, hi sinh gian khổ là tất nhiên, máu đổ xương rơi là tất nhiên, nhưng cũng tất nhiên phải thắng lợi. Thế giới chia ra hai phe rõ rệt, cuộc kháng chiến phen này chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ chắc chắn phải thắng. Cách mạng trong nước có hậu thuẫn quá lớn, kháng chiến tất yếu phải chiến thắng. Sau này, Liên Xô và Trung Quốc có gây sức ép, ảnh hưởng, tính sau. Hai nước to ấy còn giúp, còn tranh thủ. Cách mạng thế giới ư? Hiền thấy ngại. Đấy là chuyện các siêu cường. Nước mình nhỏ, còn bị ách thực dân, phong kiến, phe cộng sản giúp ta giành độc lập, tự do, ta theo. Chủ nghĩa cộng sản lại hay. Chẳng lẽ hoang đường quá cái học thuyết ấy? Không, Liên Xô đã là siêu cường với mười ba, mười bốn nước cộng hòa tự trị, lại có cả những nước Đông Âu cùng đứng chung trong hệ thống. Trung Quốc đã vươn lên thành nước mạnh. Không, không thể hoang đường được. Hiền sướng quá, cứ muốn đi bộ đội Cụ Hồ. Nhưng cánh tay phải bị liệt, chi bộ Đảng không đồng ý. Hiền càng thấm thía tủi thân. Trong mọi lĩnh vực, Hiền đều chịu thiệt thòi! Thật là vô lí! Và Hiền chạnh nghĩ đến một lẽ nữa mà lâu nay cha mạ Hiền bực bội, Hiền không nguôi giằng xé.

Hiền đến gặp bí thư chi bộ. Bí thư chi bộ vốn đi làm phu ở đồn điền Tây trên Ba Lòng, chốn ấy nay đã trở thành chiến khu. Bí thư vốn là người làng, được cử về để lãnh đạo xã.

- Thưa đồng chí, tôi muốn đi bộ đội.

Chú bí thư vấn thuốc rê, cười:

- Hoan nghênh nhiệt tình. Nhưng lệnh trên, chỉ tuyển trai tráng khỏe. Bộ đội cực lắm. Súng ống đạn dược nặng nề.  Đồng chí còn nhiều việc ở địa phương. Biết bố trí ai lo những việc nớ (ấy)?

Hiền thật lòng muốn lánh mặt ở làng, vì nỗi khổ tâm Hiền biết trước sau cũng phải gánh chịu. Hiền nói:

- Hay đồng chí bí thư nghĩ đến thành phần gia đình tôi, không cho tôi đi? Xin nói thẳng. Hoặc cho tôi lên chiến khu, làm công tác văn thư cũng được. Chính vì thành phần, tôi cần phải thoát li.

Chú bí thư phì phèo thuốc rê, trầm ngâm. Lát sau, chú nói:

- Hoạt động trước Cách mạng Tháng tám của đồng chí chưa xác minh được. Đồng chí lại đứt liên hệ với tổ chức khá lâu. Với lại, làm trai, thời đánh giặc cứu nước, giải phóng giai cấp, tiến lên cách mệnh toàn thế giới, - Rất bài bản, thuộc lòng, chú bí thư nói tiếp -, cống hiến ở địa phương như đồng chí là phù hợp. - Chú bí thư gằn giọng -. Đồng chí phải được thử thách lập trường giai cấp.

Hiền muốn vặc lại, nhưng chỉ nén nỗi tức tối, ra về.

Chưa bao giờ Hiền bị chạm tự ái đến vậy. Lí luận về giai cấp, Hiền đã đọc thời ba sáu, ba chín ở Huế, trong đó có cuốn Vấn đề dân cày của Qua Ninh, Vân Đình mà Hiền biết chắc là của Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp. Ngày ấy, Hiền đã tán thành, bây giờ, còn lập trường lập tréc gì nữa!

Nhưng, đời thật rối. Mấy tay trong chi ủy như con vẹt, chữ nghĩa không đầy một nhúm, lại muốn tỏ ra ta đây lãnh đạo! Rồi Hiền cũng tự trách mình, quả là cũng có hai năm cỡi trâu đọc sách, mơ mộng lăng nhăng mặc dù chỉ trong tim, giữa lúc Cách mạng đang tích cực chuẩn bị khởi nghĩa. Chẳng phải hai năm ấy Hiền sợ tù đày, tìm an nhàn là gì! Nhưng yêu nước, xông pha chiến trường cho ra con người, để làm người, chứ làm vua, làm chúa gì đâu. Vả lại, phải thoát li, tránh đụng chạm giai cấp trong gia đình, chắc sắp đến hồi gay gắt, thằng thợ bí thư này cũng chả tạo điều kiện! Tức mình, Hiền rủa thầm cả chi ủy là ngốc. Cách mạng có lí luận hay vậy, được hậu thuẫn của Liên Xô, Trung Quốc mạnh vậy, chính mấy ông gàn và ngốc trong chi ủy làm hỏng! Xin thoát li, làm văn thư ở Ba Lòng, chiến khu, cũng không được. Phải có một lối thoát chứ!

Thôi thì lịch sử cứ đi bước đi của nó. Hiền buồn lòng, sinh tiêu cực trong suy nghĩ. Hiền đã đau đời.

Bấy giờ, Pháp đã đưa quân về càn quét một số làng kháng chiến. Mỹ đã chính thức hà hơi tiếp sức cho Pháp để đặt ách nô lệ lên đầu lên cổ cả dân tộc một lần nữa. Lực lượng chống cộng lại ngóc đầu dậy. Bấy giờ, mọi người ở trong tình huống buộc phải chọn một trong hai phía. 

 

 

10

 

 

Khi Pháp kéo quân, đóng đồn tại các địa điểm như huyện lị, thị trấn, những lính ngụy cũ Cách mạng không sử dụng được, chới với giữa hai làn đạn. Các lực lượng trung lập cũng thế. Một số bỏ về các vùng thành thị bị Pháp chiếm để cầu an, vui với câu kinh tiếng mõ, vui với câu thơ chữ sách, ru mây khóc gió, hoặc ngả lưng xuống bàn đèn thuốc phiện. Một số Pháp kêu gọi và bắt ép cầm súng chống kháng chiến.

Nộp, Phan Nộp, bị Pháp đưa về đồn quận lị Gio Linh, sau một thời gian sáu năm bị chúng cưỡng bức qua Pháp đào hầm, vác đạn, rồi quét dọn các nơi bị bom mìn làm sụp đổ, tan nát cho chúng.

Chi ủy đã bắn tin cho Nộp phải cải tà quy chính, quay súng về với cách mạng. Nộp cảm thấy chỉ còn con đường duy nhất là trốn vào Nam làm phu đồn điền. Nhưng bấy giờ, giao thông tắc nghẽn, đi phải đi bộ, lại không có miếng giấy lận lưng, thế cũng chết.

Chi ủy họp, biết bọn Pháp sẽ đưa một số lính ngụy vốn dân gốc của các làng về để đưa đường chỉ lối cho những cuộc càn quét của chúng. Địa hình địa vật, mặc dù có trên bản đồ, nhưng sự rành rõi của bọn lính ngụy địa phương rất cần thiết. Và nắm về nhân sự - gốc tích, thành phần, quá trình của mỗi dân làng, cán bộ, du kích -, ai rành hơn bọn này. Bọn Pháp đã có cả trăm năm xâm lược, cai trị nước này, chúng đã rất thủ đoạn lại càng khôn ranh. Ngoài số lính ngụy, cha đạo, giáo dân ở các xứ đạo vốn là tay sai hoặc cũng ở thế làm tay sai, hoặc đang bị bọn Pháp lợi dụng “thế kẹt lịch sử”...

Nộp cũng thuộc loại nguy hiểm, không phải bản chất Nộp nguy hiểm, mà do cái thế đứng hiện thời của y nguy hiểm. Chi ủy đã bắn tin cho Nộp, Nộp không dám quay súng, không dám trốn. Nộp lừng khừng được chăng hay chớ.

Đợi hoài không thấy Nộp trả lời, chi bộ quyết định phải khử Nộp.

Trong cuộc họp chi ủy mở rộng, chú bí thư nói:

- Lệnh trên bảo, buộc phải khử một số lính ngụy làng mình. Ai bắn tỉa hay nhất? - Biết rồi, nhưng chú bí thư vẫn hỏi.

- Thì ai nữa! Đồng chí giáo viên Bùi Hiền là số một.

Quả đúng như vậy. Hiền viết tay trái rất đẹp. Nét chữ như in, lại nhanh thoăn thoắt, phải là do Hiền viết. Cũng nhờ có tật, Hiền bắn súng một tay, nhất là súng lục, cực kì chính xác. Tập bắn chụm, bắn đạn thật, anh đều đạt mười trên mười. Chả là vì mặc cảm tự ti, Hiền luyện rất ghê. Hiền lại dũng cảm, ứng biến nhanh.

- Vậy, nếu chi ủy và các đồng chí khác nhất trí, mền (mình) cử đồng chí Hiền. Đây cũng là dịp thử thách sự dao động lập trường hay khôông (không) của hắn. Nhất trí hè (nhỉ)?

Mọi người trong cuộc họp nhất trí ghi vào biên bản.

Hiền được trao khẩu súng lục mới keng và hai băng đạn mười hai viên do Liên Xô sản xuất, với một khẩu tiểu liên AK. Tiệp Khắc, hai quả lựu đạn tịch thu được của Pháp mang nhãn USA..

Đợi khuya, lúc gần về sáng, Hiền mang áo tơi chằm  bằng lá, đội nón lá bọc ni lông, cặp AK. vào nách, súng lục, lựu đạn cột kĩ ở hông. Đó là lúc bọn Pháp và ngụy chểnh mảng nhất. Hiền đã được giao liên đi trinh sát trước, vẫn sợ gặp phục kích. Đến huyện lị Gio Linh, Hiền chọn chỗ gởi áo tơi, súng AK., vốn là cơ sở cách mạng, gần chỗ Nộp hay lui tới. Suốt gần một ngày, xem động tĩnh, anh thấy yên tâm. Nhưng, Hiền băn khoăn lắm.

Trưa ngả chiều, Nộp ra quán uống cốc rượu gạo, ăn lát chả luộc, như mọi khi. Hiền thấy mặt Nộp. Hiền nhớ Nộp thuở Nộp mới bị quan phủ đuổi về quê lấy vợ, cày thuê cuốc mướn ba năm ròng (sau mới bị tuyển vào lính mộ) đâu khoảng năm ba bảy đến năm bốn mươi gì đó. Nộp cũng khoảng gần bốn chục tuổi, hơn Hiền mười lăm tuổi, vẫn nét mặt thô, gân guốc, nhưng già hẳn, đang bơ thờ ngồi ngó mông lung. Hiền thấy quá tội nghiệp. Hiền nghiến răng lại. Nộp buồn tình bỏ đi là hỏng chuyện. Anh có ý định phải bắn ngay. Hiền đứng gần Nộp lắm. Hiền chạm tay vào báng súng. Nhưng chợt nghĩ, sao không hỏi Nộp lần cuối xem. Hiền phân vân, mặc dù biết, chậm tay, nhỡ lộ thì chết! Hiền nhìn trời, trời âm u, mưa mùa đông lâm thâm lạnh buốt. Hiền quyết định, quay vào nhà cơ sở lấy áo tơi và tiểu liên, đề phòng trường hợp phải chiến đấu với bọn Tây và ngụy trong đồn túa ra. Hiền bước ra quán, vờ đi mua quà. Nộp không để ý, vẫn uống từng ngụm rượu gạo, bơ thờ ngó mưa. Hiền mua một cái kẹo đậu phụng, một li rượu, bưng li tới bàn Nộp.

- Ngồi yên! Súng đã lên đạn. - Hiền dí sát hông Nộp.

Nộp giật mình, ngồi sững, há hốc miệng.

- Ngồi im! Rõ không? Sao không quay súng về với Cách mạng? - Giọng Hiền đanh và nhỏ.

Nộp lắp bắp, nhìn quanh, quán vắng, đường vắng, mưa.

- Chết, không ai nuôi vợ con! Sợ... xử tử... “xử lí”...

- Chắc chắn không chết. Trước khi về phải bắn vài thằng Tây. - Hiền nói rất khẽ, chính giọng Hiền cũng run.

- Thù... sợ trả thù...

Nộp vùng dậy chạy. Nhưng hắn té quỵ ngay ở bậu cửa gỗ thô bởi một viên súng lục hãm thanh. Hiền chỉ bắn vào bắp đùi, cho Nộp thành phế binh, giải ngũ. Yên phận hắn. - Hiền nghĩ. Và anh vụt chạy ra phía đồng, như người đi câu, đi soi ếch, hoặc đi xem đó cá. Chị chủ quán bận lúi húi sau bếp chỉ kịp chạy lên khi Nộp kêu. Nộp giả chết, không biết Hiền tha. Tiếng kêu của hắn làm chị chủ quán rụng rời, ngỡ Nộp chết thật. Lát sau, thấy yên, Nộp mới mở mắt, rên rỉ. Cũng may, hắn chỉ toác thịt, chưa gãy xương.

Hiền núp trong cái miếu giữa đồng, đói, lạnh, run lập cập. Nửa khuya về sáng, anh lần mò về làng, tự trách mình còn thiếu tính toán và thiếu cương quyết. Nhưng cương quyết thế nào được với bộ mặt khổ đau, bơ thờ đến vậy! Thôi, mà đúng, chỉ cho Nộp què chân, giải ngũ, chẳng ai bắt ai lôi gì nữa. Biết đâu, Nộp chẳng có lúc muốn hủy hoại thân thể, định bắn vào chân như Hiền đã bắn giúp, để thoát cái ách của Pháp, chẳng còn sợ Cách mạng, chẳng làm hại được kháng chiến, nhưng, Nộp hèn lại quen chịu nhục, cứ mãi lừng khừng, được chăng hay chớ? Hiền lại thấy chiến tranh đau đớn quá, và thù, căm thù bọn Tây quá thể!

Hiền đâu biết Nộp chưa gãy xương. Nộp còn phải làm lính ngụy cho đến Tết Mậu thân sáu tám, khi cái chân ấy bị một miểng pháo kích chém ngang, phải đi nạng đến năm tám mươi lăm  tuổi, và có thể còn sống thọ hơn nữa.

Số phận Nộp là thế! Sau này, Nộp cũng chẳng thù oán gì Hiền, vì Nộp tin Định mệnh. Còn Hiền, sau lần ám sát đó, chi ủy có gọi Hiền lên khiển trách. Hiền trung thực báo cáo y như sự việc xảy ra. Sự trung thực ấy chẳng được chi ủy nghiên cứu thấu đáo, chỉ kết luận Hiền còn tiểu tư sản, thiếu kiên quyết! Nhất là sau khi chi ủy biết Nộp đã lành vết đạn ở chân, còn đang cầm súng Tây, ăn lương Tây, Hiền lại bị viết kiểm điểm và chịu phê bình.

Ngoài những vụ ám sát, bắn tỉa, phục kích, chống càn quét và khủng bố, mặt trận Quảng Trị ngày càng mở rộng. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng quyết liệt. Lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Đảng đã thấy rõ tương lai tất thắng. Từ các đợt phản công của Triều đình Huế, từ các cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam bộ, của Trương Định, Thủ Khoa Huân, từ phong trào Tân Sở - Cần vương do Nguyễn Văn Tường (14), Tôn Thất Thuyết lãnh đạo đến nay, chưa bao giờ những người yêu nước chống Pháp bằng vũ lực (tất nhiên bằng cả chính trị và ngoại giao) vững tin đến vậy. Khi đã trễ mất thời cơ tự cường, lại bị bao vây, cấm vận về ngoại giao, khi chưa có nước mạnh nào hậu thuẫn, người yêu nước chỉ đánh Pháp trong tuyệt vọng, đánh để nuôi chí quật cường cho dân tộc, đánh để đàm chứ chắc hẳn ít hi vọng toàn thắng. Bây giờ, chẳng gì có thể làm người du kích, anh bộ đội Cụ Hồ chùn chân. Không thể không thắng được!

 

11

 

 

Mấy năm sau đó, Hiền vẫn tiếp tục dạy bình dân học vụ, tham gia du kích, chống càn quét, bảo vệ làng kháng chiến, viết khẩu hiệu, kinh tài, xây dựng nếp sống mới (ăn bằng đũa hai đầu...).

Thằng cu Học được bà nội nuôi, cưng như cưng trứng, lanh lợi, tinh nghịch, đã được năm tuổi. Học chẳng biết sợ máy bay Pháp là gì, cứ đòi chạy ra khỏi hầm để ngước mặt xem, nhưng lại sợ ông kẹ xưa nay người lớn hay phỉnh con nít.

Vào những năm đầu thập niên năm mươi, vấn đề giai cấp được đặt ra để khẳng định cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và “can thiệp” Mỹ còn là cuộc chiến tranh cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo. Một số nhà có ruộng đất, đã hiến cho Cách mạng để thực hiện chủ trương người cày có ruộng từ mấy năm trước. Đa số dân làng thuộc loại cùng đinh rất phấn chấn vì ruộng đất được chia đều, thoát phận tá điền cày thuê cuốc mướn. Lí trưởng trẻ đã bị xử tử từ sau Cách mạng Tháng tám.

Năm một chín năm ba, Chi ủy xã nhận được chỉ thị của Huyện ủy triển khai đợt cuối cuộc đấu tố địa chủ, cường hào. Phú nông cũng thuộc diện đó.

Hiền viết câu khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào, Đào tận gốc, trốc tận rễ”, và suy nghĩ. Nhà Hiền cũng bị quy vào thành phần phú nông, thuộc giai cấp bóc lột, lại có con trai cả làm viên chức bưu điện cho Pháp tại Huế. Điều này Hiền biết trước, nhưng không ngờ lại gay gắt, căng thẳng vậy. Hiền muốn thoát li lên chiến khu như đã nói với chi ủy từ năm bốn tám để tránh cảnh đau lòng bởi mâu thuẫn trong gia đình, nhưng nào được chấp nhận! Hiền vẫn khẳng định với lòng mình, vấn đề chỉ là ý hệ giai cấp, chứ không phải thành phần xuất thân. Hiền chấp nhận một cách chân thành ý thức hệ cộng sản, vậy Hiền là vô sản, mặc dù sống trong gia đình thuộc diện phú nông, huyết thống của gia đình ấy. Hơn nữa, bản thân Hiền đã tham gia cách mạng, thôi thì chỉ kể từ năm bốn lăm. Nhưng tổ chức là tổ chức. Và chi ủy quá máy móc, cơ giới chủ nghĩa! Bây giờ, thật đau lòng.

Chú Cam đã hiến ruộng, trâu bò, nhưng vẫn phải bị đấu tố cùng vài người khác. Chú bị dồn vào chân tường, không lối thoát. Cách mạng đã liệt chú vào loại tội phạm, đối tượng phải bị trừng phạt vì quá khứ làm giàu trên xương máu, mồ hôi, nước mắt của tá điền, cùng đinh. Chú nhìn thẳng vào mặt Hiền, ánh mắt thê thảm và lóe lửa:

- Tau (tao) ủng hộ Cụ Hồ, ủng hộ kháng chiến để đánh Pháp. Tau cũng hiến ruộng, hiến trâu bò - xương máu mấy đời của ôông mệ tổ tiên tau - cho Cách mệnh. Rứa, tau đã chẻ xương, xé thịt ra để cống hiến rồi, còn đấu chi nữa? Ép người ta quá.

Hiền buồn rầu thưa, đầu nặng trĩu:

- Chi ủy bảo không hiến hiếc chi cả. Đó là trả lại cái đã cướp. Mồ hôi, nước mắt, xương máu của tá điền, chẳng của ôông mệ tổ tiên mình. Bị đấu là chịu trừng phạt, bị trị tội.

Chú Cam gầm lên, nhưng kịp nén lại nửa tiếng gầm, nhìn ra ngõ, lo sợ.

- Ối chà, con cái mất dạy. Mi cút xéo đi, thằng mất dạy, vô phúc. Rứa, ai đẻ mi ra, mi ăn cơm ai, mặc áo ai, ai cho mi đi hoọc (học) mà chừ nói cái giọng ngược đời rứa? Mi đấu cha mi à, thằng tê (kia)? Có cái luật mô, đời thuở mô mà ngược đời rứa, trời ơi! - Chú Cam xô bình chén đang đầy nước chè, may nền đất, nên chỉ vỡ một cái vì chén chạm nhau -. Ui trời, ngược đời thiệt! - Chú cố nén lại -. Xương máu tá điền, cướp của họ chừ trả! Ơ hờ... Ngược đời!

Hiền đã lẻn đi từ khi chén vỡ. Chú Cam run lên vì giận, càng nói càng nóng toát mồ hôi. Bây giờ, chú cảm thấy lạnh, nỗi sợ hãi dâng lên dọc sống lưng. Chú nhớ lại cảnh lí trưởng trẻ bị đấu, dân làng kích động lên, xỉa xói, kể tội theo sự khích lệ của cán bộ, và lí cuối cùng bị chém ba khúc. Chú Cam lạnh, rợn gáy. Chú đi quanh đi quất trong nhà, mặt tái nhợt, môi lắp bắp không ra hơi, mặc dù chỉ còn một mình. Thế mà mấy năm nay nhà chú tưởng đã yên, đã huề hòa, xí xóa, để lo chuyện kháng chiến. Chú cảm thấy mình ngu, bị lừa. Lúc cách mạng nổ ra, chú đã hiểu chi, thằng Hiền cũng chẳng chịu nói trước để tính liệu. Pháp quay lại, cũng toan bỏ làng chạy ra phố, nhưng vợ chú chần chừ. Ra đó, lấy chi sống, cả nhà quen ruộng chứ làm sao quen chợ! Bây giờ, du kích đầy làng, ngày đêm súng ống, chạy đâu! Con cá vô rọ rồi, trời ơi! Chú Cam khóc, gần sáu chục tuổi, tiếng khóc đàn ông, nghe quá thảm. Thím Cam, đi đâu quanh đó, bồng theo cu Học, hớt hải bồng cháu chạy về, chẳng hiểu sao, nhưng thấy vậy cũng đoán biết sự thể, cũng ôm cháu khóc. Thằng cu Học, cũng òa khóc vì thấy ôông mệ khóc, chứ nó nào biết đấu tố là gì.

Hiền bỏ nhà, đi dọc đường làng như người mất hồn, mặc dù cố giữ mặt tươi tỉnh. Luật mô, đời thuở mô mà ngược đời rứa? - Hiền nhớ lại lời cha nói. Ngược đời, nhưng đúng chứ sai gì. Ăn trên ngồi trốc, ngồi mát ăn bát vàng, chừ phải trả nợ! Cũng như người phạm pháp, kẻ cướp bóc, bức hiếp người khác, giờ phải ra tòa chịu án. Hiền đau đớn, đã muốn tránh chuyện này, nhưng chi ủy ác quá, chẳng chịu cho. Hiền lại nghĩ, trong luật nói chung, dẫu sao cũng vẫn xét đến bối cảnh, cái gọi là cụ thể - lịch sử. Luật nửa phong kiến, luật thuộc địa bảo hộ quyền tư hữu, người ta có quyền ấy. Cách mạng đổi luật, chỉ tính từ khi luật mới ban hành thôi chứ. Cũng như buôn bán thuốc phiện, mại dâm, có đóng thuế môn bài, vậy đã là hợp pháp (!). Nay luật cách mạng bảo thế không được, là cấm, thì chỉ có hiệu lực từ ngày ban hành luật cách mạng. Truy tố tội bóc lột tá điền trước Cách mạng Tháng tám là vô lí! Nhưng cách mạng là cách mạng. Cách mạng là đúng, nhưng lẽ ra chỉ trưng mua, quá lắm là tịch thu rồi buộc học tập để hiểu chủ trương cách mạng. Hiền thấy mình có lí, nhưng cũng tự nghĩ, về mặt tình, đúng là mình thiếu tình cảm căm thù giai cấp bóc lột? Đấu tố, cho hả lòng căm thù! Không luật gì ở đây cả. Thù hận chất chứa trong tim người cùng đinh, họ phải trả thù. Đấy cũng là cách “bồi dưỡng sức dân”, giáo dục lòng căm thù bọn ngồi mát ăn bát vàng. Không, đây không phải luật. Chủ trương chung là phải đấu tố để củng cố ý thức giai cấp, khẳng định tính giai cấp của cuộc cách mạng. Biết vậy, nhưng đau lòng quá. Hiền lật xuôi, lật ngược vấn đề, thấy lẽ ra phải thấu lí đạt tình và văn hóa, văn minh hơn. Đấu tố thế này đúng là nhục hình phạm nhân, nếu vẫn xem tội tư hữu trước Cách mạng Tháng tám phải chịu đền tội! Hiền vừa đi, vừa nghĩ quanh nghĩ quẩn. Khi theo lí, Hiền tỉnh, nhưng xét cụ thể vào hoàn cảnh mình, Hiền cũng thương cha Hiền. Con chẳng thương cha, chẳng khác gì súc vật, thật không còn nhân tính, quá vô luân bại lí. Nhưng sao không tạo điều kiện cho Hiền thoát li gia đình, cái ngày xưa người ta gọi là hồi tị? Cái đúng đôi khi là cái đau! Và vấn đề là vận dụng thế nào vào từng trường hợp cụ thể, để thấu lí vẫn đạt tình. Hiền lẩn quẩn trong suy nghĩ, đi quanh làng như người mất hồn. Khi gặp người làng, Hiền vẫn cố tỉnh, nhưng lòng rối bời.

Hai ngày sau, chú bí thư chi bộ gọi đồng chí giáo viên Hiền lên. Hiền bước theo o giao liên, vì cơ quan chi ủy thay đổi chỗ luôn. Lúc này Hiền cố gắng điềm đạm nhưng đã quẫn trí lắm.

Chú bí thư dạo này xem ra cũng suy nghĩ nhiều, mặt hốc hác.

- Đồng chí Hiền! Đồng chí đã biết, mền (mình) đang triển khai đấu tranh giai cấp để nâng cao ý thức giác ngộ giai cấp, tiêu diệt thành phần bóc lột, thúc đẩy kháng chiến chóng thắng lợi. Rứa, chừ đồng chí nghĩ răng? - Chú bí thư vấn thuốc rê, chờ Hiền trả lời.

- Dạ. Báo cáo đồng chí bí thư: Đã biết và đã thấu suốt.

Hơi ngạc nhiên, tưởng Hiền đã dao động mạnh, chú bí thư nhìn vào mắt Hiền:

- Rứa, nhờ đồng chí Hiền viết cho mấy bản cáo trạng. Văn hay chữ tốt, lí luận sắc bén, không ai bằng giáo Hiền. - Chú bí thư ngừng lại, thăm dò ý Hiền; Hiền ngồi im -. Nhớ là “luật pháp bất vị thân”, phải nghiêm minh. Chiến tranh, nhớ ngắn gọn.

Hiền ngồi im, không phải là đã đồng ý chấp hành viết cáo trạng ba tội phạm - địa, hào, phú - sẽ bị đấu tố trong tuần tới. Hiền sững sờ. Hiền chỉ chuẩn bị tinh thần, anh chỉ là thân nhân tham dự phiên tòa, vì vụ đấu này có cha mình. Chẳng ngờ phải viết cáo trạng về cha đẻ ra mình! Thật ngược đời và vô luân! Vả lại, cha mình chỉ có năm mẫu thượng đẳng điền, lại thuộc loại trung nông ủng hộ kháng chiến thôi, chứ đâu phải phú nông, địa chủ, cường hào, ác bá phản động. Hiền thấy phải đến lúc đấu tranh với chi ủy cho ra lẽ... Ờ... còn tội buôn thóc đáng gì! - Yằ tưởng của Hiền chợt hơi khựng lại trong dòng suy nghĩ, rồi vẫn cho mình có lí.

- Báo cáo bí thư... - Hiền trình bày xong, nói tiếp -. Rứa, đề nghị chi ủy nghiên cứu lại trường hợp cụ thể của cha tôi.

- Đã báo cáo lên huyện ủy. Huyện ủy đã nghiên cứu và quyết định vẫn đấu. Đồng chí phải chấp hành, phải khẳng định lập trường giai cấp của bản thân... Năm mẫu roọng nhất, còn mua rẻ bán ép!

- Tôi không thoát li bằng cách đó.- Hiền đau đớn nói, đứng dậy toan xin phép về -. Không khẳng định lập trường cách đó.

- Khoan, khoan. Đồng chí phải suy nghĩ. Cũng đã nhiều rồi, lâu rồi. Phải chấp hành với ý thức tổ chức kỉ luật. - Bật lửa, chú bí thư rít thuốc, phì phèo khói -. Đồng chí chỉ viết cáo trạng, khỏi đọc trong trường đấu, có người khác đọc, được khôông?

Hiền nghĩ đến đại cuộc. Hiền tán thành cải cách ruộng đất, người cày có ruộng, tiêu diệt cường hào, ác bá, sau này tiến lên hợp tác xã, nông trang tập thể. Đó là một mục tiêu của cách mạng. Nhưng đây là trường hợp cụ thể. Ngẫm nghĩ, Hiền nói:

- Tôi xin chấp hành. - Hiền cắn răng lại, cố dịu giọng.

- Nhớ là nộp trước chủ nhật. - Chú bí thư hài lòng, nhưng chưa vui, vì thấy giáo Hiền còn miễn cưỡng -. Phải kiên quyết nghe.

Hiền ra về, đau đến xé ruột. “Luật pháp bất vị thân” (II.7)! Và đây còn là tình cảm giai cấp! Hiền nhớ đến cái khăn len quấn ngang mặt như người che rét, khi “ám sát” Nộp, để Nộp chẳng nhìn ra mặt mình, sau khỏi thù oán nhau. Hiền thấy mình phải vì đại cuộc, vì cách mạng, vì giai cấp cùng khổ mà hi sinh, như thế cũng hi sinh cho kháng chiến giành độc lập, tự do.

Trắng đêm, Hiền không viết nổi trang giấy. Hai hôm sau, cũng viết xong ba bản cáo trạng. Hai bản đấu hào và địa, rất hùng hồn, trôi chảy. Bản cáo trạng giành cho cha, phú nông, Hiền muốn quằn ngòi bút, lóng cóng vô thức. Sao không cho đấu phú ở địa bàn khác?!

Đến ngày đấu tố, ba khẩu hiệu giăng ba cánh, ba tội phạm bị cột vào ba cái cọc sát gốc bàng, gần giữa sân đình làng. Dân làng cử đại diện đi dự, theo hộ và liên hộ, sợ đông quá khó tránh máy bay Pháp khi chúng bắn đại liên hay bỏ bom, hoặc chúng kéo quân đi “càn”.

Lí trưởng cựu, râu ria trắng lơ phơ, gầy càng gầy rộc. Cường hào to lớn, phốp pháp, tái nhợt, mắt quầng thâm. Cha Hiền bây giờ lại ung dung, mặt tỏ vẻ cay đắng, chua chát, môi mím chặt. Cả ba người quay sát lưng vào gốc bàng to đến hai choàng tay.

Chú bí thư điều khiển cuộc đấu. Tuyên bố lí do xong, chú đề nghị dân làng kể tội của ba tội phạm. Không khí sục sôi, căng thẳng. Có người chồm lên để xỉa xói, chửi rủa rất tục tĩu. Có người vừa khóc vừa tố cáo tội ác.

Hiền cúi gầm đầu, thỉnh thoảng ngước lên nhìn cha.  Chú Cam chết sững, cố gắng giữ chút khí khái. Hiền đau đến tê dại, đờ đẫn.

Rồi ba bản cáo trạng Hiền viết được đọc lên đanh thép.

Cuối cùng, ba phát súng hãm thanh bắn vào ba bộ ngực, lại ba phát vào thái dương, gọi là ân huệ cuối cùng, cũng hãm thanh.

Đám đông đại diện dân làng hô ba lần khẩu hiệu, rồi giải tán nhanh.

Hiền, thím Cam, cùng hai anh chị Hiền và một vài người bà con đến nhận xác. Không ai dám khóc. Vết đạn đầu đúng ngay tim chú Cam, máu tứa trào ra đỏ tươi. Vết ở màng tang sâu hoắm.

Thím Cam ngất xỉu, mặt mày xanh mét. Hiền phải để anh với người chú họ cáng xác cha trên cái võng tre, cùng chị cứu chữa cho mẹ.

Cái huyệt chôn cất, dân quân du kích đã đào sẵn ở bãi nghĩa trang.

 

 

12

 

 

Hiền Lương ngồi trước bức tranh ông giáo Hiền. Gương mặt già nua, trầm lắng, với mái tóc bạc cắt ngắn, gương mặt ấy chỉ chiếm một phần nhỏ. Chiếc cầu Hiền Lương được cách điệu, nặng trĩu trên vai ông. Dòng Bến Hải chảy qua ngực ông, đoạn cuồn cuộn nổi sóng, đoạn lặng lờ sóng ngầm.

Từ khi cô về thăm làng nội, ông Hiền như một triết nhân với sức mạnh tinh thần tỏa sáng và dịu mát trong tâm hồn Hiền Lương. Hiền Lương đã được nghe nhiều người thuộc các thế hệ còn sống kể về ông giáo Hiền. Cô tổng hợp lại, sau khi đối chiếu, loại trừ, và suy nghĩ về ông, mong phản ánh được ông trong chỉ một thoáng nét. Sao cô vẫn thấy chưa đạt ý muốn. Cô còn tìm cách đưa cụm hình tượng bằng chè lá kiểng vào tranh, nhỏ thôi, nhưng nổi bật.

Cũng đã lâu, trong một buổi chiều, ngồi nhìn thím Cận xắt cây chuối cho heo, tay xắt thoăn thoắt với cây dao cán dài sắc lẻm mòn vẹt, Hiền Lương có hỏi thím. Thím kể:

- Sau vụ đấu tố cụ Cam, ông giáo Hiền ốm liệt giường một tháng mới nhận công tác lại. Lúc nớ ông giáo mới hăm lăm, hăm sáu tuổi chớ mấy. Khi chiến thắng Điện Biên Phủ, ông mới được kết nạp Đảng, nhưng lúc nớ bí mật lắm, sau bảy lăm mới biết. Ông giáo sau năm tư ở lại Miền Nam, hoạt động chìm. Hai năm sau lấy vợ. Trong đợt Diệm hò hét “tố cộng” đẫm máu với luật mười / năm chín, vợ ông giáo bị tù ở Côn Đảo, chết ngoài đảo luôn. Vợ ôông cũng cán bộ Việt Minh.

- Rứa không ai biết ông giáo Hiền là Việt Minh răng thím?

- Răng khôông biết! Nhưng khéo khai. Mật vụ Diệm biết thân sinh ôông Hiền bị đấu tố, chấp nhận cho li khai, cho dạy học. Thiệt ra, ông Hiền vẫn hoạt động ngầm. - Thím cười mỉm -. Mật vụ cho lí lịch ông tốt!

Hiền Lương thấy thương ông Hiền quá. Cả cuộc đời ông mang nặng những vết thương mà chỉ cần với nửa vết thương ấy, người khác đã không thể sống nổi. Và chiến tranh, cuộc cách mạng, quá chừng khốc liệt. Những khái niệm đấu tranh giai cấp, chuyển hóa giai cấp chẳng nói lên được điều gì. Khái niệm nào cũng khô khốc. Lí lịch cũng vậy.

Một buổi sáng, gặp sư Tâm Tự đi cầu siêu, cầu an cho ai đó về, ngang qua ngõ, Hiền Lương vội vã chạy ra mời sư vào nhà. Rót nước mời nhà sư, Hiền Lương cũng hỏi sư về ông giáo Hiền. Sư kể:

- Thầy giáo Hiền với bần tăng cũng rất thân nhau, từ trước năm tư đến chừ (giờ)... Ông Hiền với tôi khác nhau về cách suy nghĩ, cách quan niệm, do đó, chính kiến cũng dị biệt ít nhiều. Hai người chúng tôi chuyện trò trao đổi với nhau nhiều, từ thời năm sáu mươi mấy, bảy mươi mấy, ở Đông Hà. Sau bảy lăm, ở đây, cũng vậy, bọn tôi đàm luận luôn, về đạo có, về đời có, cũng vui. Đi tu, đi dạy học cũng phải biết mọi vấn đề.

Hiền Lương suy nghĩ, hỏi nhà sư:

- Thưa sư, vậy ông Hiền quan niệm ra sao về tâm linh?

- Thì ông Hiền là cộng sản, mác-xít. Thực chất quan niệm ông ấy là duy vật, tuy nhiên trước đây, lúc dùng chữ này, khi chữ khác. Nhưng có sao đâu. Phật giáo là đạo duy tâm, nhưng duy tâm chủ quan, không bàn đến chuyện Thượng đế, thật ra đã vô hình trung không tin có Thượng đế, chỉ tin có cái ngã siêu linh ở mỗi sinh mệnh, vẫn tồn tại ngay cả sau khi đã chết. Chuyện ni (này) không thể nói ngắn gọn được. - Sư mỉm cười.

Hiền Lương cũng đã nghe chú Nông bàn riêng với Hiền Lương chuyện này. Hiền Lương lại hỏi nhà sư, giọng hơi dè dặt:

- Thưa sư, về tư tưởng chính trị, xã hội, ông Hiền có chi lạ không?

Sư uống một ngụm nước chè, cười thành tiếng:

- Cháu Hiền Lương hỏi hơi khó. Dạo này Mở cửa và Đổi mới rồi... Tư tưởng lí luận chính thống trên Trung ương và ở địa phương thực chất là chủ nghĩa xét lại. Tất cả mọi vấn đề đều xét lại, ngay cả khái niệm "chủ nghĩa xét lại". Nhưng phải hiểu rằng đó là sự đổi mới linh hoạt trong bối cảnh thoái trào cách mạng vô sản trên thế giới. Ở quê không có báo chí, chỉ nghe đài thôi, - Sư hơi ngập ngừng -, hai người chúng tôi thấy vậy, có chi sai, xin bỏ quá. Ông Hiền nhiều khi cũng thấy lịch sử vẫn có những bước ngoặt bất ngờ. Chuyện này cháu Hành rành  hơn lão tăng ni (này). Hành chuyển qua công tác tuyên giáo rồi, làm chính trị hẳn rồi.

Hiền Lương giật mình. Aắ ra thế, thảo nào! - Cô thốt trong đầu.

Một lúc sau, cô khẽ hỏi nhà sư:

- Thưa sư, sao ông giáo tạo hình hai cuốn sách bằng chè kiểng, và rất tâm đắc câu danh ngôn "tận tín thư bất như vô thư" thế ạ?

Sư Tâm Tự hơi ngần ngại, rồi nói tiếp :

- Ông giáo Hiền cũng rất ngưỡng mộ Phan Bội Châu, nhà cách mạng chủ chiến. Tuy nhiên, ông giáo Hiền đã loại trừ khỏi tác phẩm của cụ Phan những đoạn, những ý tưởng mà ông ấy cho là do Lương Khải Siêu, Mai Lão Bạng tác động hoặc thêm vào, vì những chỗ thêm vào ấy lại rất không đúng...

- Vâng, cháu có đọc những cuốn sử của Phan Bội Châu. Những người dịch, chú thích, giới thiệu cũng ngờ có kẻ đã thêm thắt vào, sửa chữa sách của cụ Phan. Ai đó lại cho rằng cụ Phan mắc mưu tuyên truyền để răn đe, để trả thù của Pháp, của Nguyễn Hữu Độ và của các hoàng thân thân Pháp đã bị nghị xử...

- Mô Phật! Danh nhân cũng có chỗ ngây thơ, sai lầm, bị lợi dụng, có khi cả tin... Điều lão tăng nói vừa rồi là chỉ nói lại lời của ông giáo Hiền. Đó là nhận định của ông Hiền về tác phẩm sử học của Phan Bội Châu. Mô Phật! Lão tăng thật không dám nói thẳng, mặc dù nhận định của ông Hiền là đúng.

- Vâng, cháu hiểu. - Hiền Lương mỉm cười -. Chắc hẳn tư tưởng của ông giáo Hiền khởi đầu là ảnh hưởng từ những gì được gọi là chính xác và tích cực ở cụ Phan...

- Đúng vậy, đó là nhiệt tình yêu nước, ý chí căm thù giặc Pháp và phần nào đó ở tư tưởng đoàn kết toàn dân. Phan Bội Châu tố cáo hai mươi thứ thuế của thực dân Pháp rất sâu sắc, vì đó là những gì chính bản thân Phan Bội Châu và nhân dân trực tiếp gánh chịu, mắt thấy tai nghe. Tuy nhiên, cụ Phan không biết gì hết về các nhân vật lịch sử trong triều đình, vô hình trung đã biện minh cho Dục Đức, Hiệp Hòa, Tuy Lý vương, Gia Hưng vương, Đồng Khánh và Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình... Có lẽ, do tư tưởng bảo hoàng chi phối. Duy Tân hội, Quang Phục hội thực chất là hai hội yêu nước theo kiểu bảo hoàng (bênh vực các hoàng đế, hoàng thân và họ Nguyễn hoàng tộc), tôn Cường Để (Nguyễn Phúc Hồng Dân) làm minh chủ. Nhưng chắc chắn hơn là có một phần trong “Việt Nam vong quốc sử”  (I.93) do Lương Khải Siêu viết. Lương Khải Siêu trút hận về Từ Hy thái hậu và Viên Thế Khải triều Thanh vào Từ Dũ thái hậu và Nguyễn Văn Tường triều Nguyễn, nhằm vận động cách mạng của Trung Hoa trong nước Trung Hoa. Nói cách khác, Lương Khải Siêu bóp méo, xuyên tạc nhân vật Việt Nam để ám chỉ nhân vật Trung Hoa đương thời, vì mục đích nhất thời, bất chấp tính khách quan sử học! (I.122,123). Phần khác, có tính chất quyết định hơn, ấy là xuất phát từ tư tưởng Đại Hán chủ nghĩa, Lương Khải Siêu đã thù ghét Nguyễn Văn Tường, vị phụ chính đại thần đã chủ trương “toạ sơn quan song hổ đấu” trong cuộc chiến tranh Pháp - Hoa (1883 - 1885), khi cả hai nước ấy mưu toan cùng nhau xâu xé, chia đôi Bắc Kì. Tư tưởng Đại Hán chủ nghĩa còn bộc lộ trong Việt Nam vong quốc sử, Việt Nam quốc sử khảo ở thái độ miệt thị dân Giao Chỉ, đề cao người Việt bị lai Hán một cách xuyên tạc! Đó chính là tư tưởng của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu! Phần tiêu cực khác, ấy là đề cao và biện minh cho Thiên Chúa giáo trong Việt Nam quốc sử khảo (I.93). Đó là tư tưởng của linh mục Mai Lão Bạng (15). Ở Trung Hoa, thời bấy giờ và mãi đến những năm năm mươi (1950), các học giả vẫn xem Việt Nam vong quốc sử là do Lương Khải Siêu viết, và xếp Việt Nam vong quốc sử vào toàn tập của Lương Khải Siêu (16)! Và dẫu sao, trong “Việt Nam quốc sử khảo” (1908), Phan Bội Châu chỉ kết án mỗi một mình Từ Dũ thái hậu mà thôi. Có lẽ là do phản hồi của công luận. - Sư Tâm Tự mỉm cười, nhấp một ngụm nước chè xanh -. Mô Phật! Vấn đề này, ông giáo Hiền rành hơn lão tăng này... Vả lại, cụ Phan không biết tiếng Pháp và cũng không chịu học chữ quốc ngữ, vì xem chữ quốc ngữ là chữ của Tây! Phan Bội Châu chỉ chuyên chữ Hán, chữ Nôm thôi! Nhưng dẫu sao Phan Bội Châu vẫn là nhà yêu nước, nhà cách mạng và nhà văn lớn. - Nhà sư đứng dậy, kiếu về, và nói -. Thời ấy, Pháp cấm ngặt thông tin, liên lạc, sĩ phu có nhiều người cũng mắc mưu tuyên truyền của chúng! Cháu Hiền Lương có thể đọc tham khảo thêm “Chuyện triều Nguyễn” của học giả hoàng phái Bửu Kế, những mẩu chuyện của nhà thơ tiền chiến Phan Văn Dật do nhà văn Nguyễn Đắc Xuân sưu tầm trong “Hương Giang cố sự” ấy, nhưng chuẩn cứ vẫn là “Đại Nam thực lục” (I.103, II.19). - Nhà sư cười, bước ra cửa -. Phan Bội Châu vẫn vĩ đại, nhưng rất đáng tiếc... Ai cũng có những trang, những chữ đáng tiếc, đáng trách... hoặc bị lợi dụng, bị sửa chữa... Mô Phật! Tôn Thất Thuyết cũng bị cụ Phan rủa là gian thần đấy... Loại “sử học” thực dụng, viết một cách “vu vơ”, phục vụ cho mục đích chính trị nhất thời theo dạng ma-ki-a-ven-lít (machiavelisme), không có một mẩu tư liệu nào là luận cứ, luận chứng, thậm chí không tham khảo một tư liệu nào, như Lương Khải Siêu (và Phan Bội Châu) đã viết, làm mất uy tín người viết và tác hại khôn lường! (17).

- Ý của sư về ông giáo Hiền là...

- Lão tăng muốn nói ông giáo Hiền là một người rất sáng suốt và tỉnh táo trước mọi vấn đề.

Qua nhà sư buổi sáng ấy, Hiền Lương thấy ông giáo Hiền tuy chỉ là ông giáo cấp tiểu học ở làng quê, nhưng trí tuệ ông, cũng như sư, đâu chịu bó hẹp sau lũy tre xanh. Tiếc là nhà ông giáo chỉ có được cái truyền hình đen trắng và cái bán dẫn thu thanh cổ lỗ. Hiền Lương thấy ông giáo Hiền bây giờ hình như chỉ tập trung tất cả tâm tư vào cụm hình tượng chè kiểng. Hiền Lương sẽ hỏi trực tiếp ông Hiền một lần nữa, hi vọng ông Hiền sẽ không bảo... bí mật.

Hiền Lương lặng lẽ nhìn ông giáo Hiền trong bức tranh, với chiếc cầu cô đã mượn tên của nó từ khi mới lọt lòng mẹ đến nay, với dòng sông Bến Hải, lặng lờ, cuồn cuộn chảy.

Hiền Lương cũng bắt đầu suy nghĩ về cách hư cấu hình tượng nhân vật. Có thể, lúc nào đó, cô sẽ xây dựng được nhân vật, thậm chí cả hình-tượng-tác-phẩm với những nhân vật chính diện, phản diện để thể hiện tâm huyết từ trái tim cô, ngay trong tranh, và có lẽ, bấy giờ phải vẽ tranh hoành tráng, tranh cỡ lớn với các chủ đề bi kịch lịch sử, hùng ca lịch sử. Có thể, cô sẽ tổng hợp từ chú Nông, chú Học, o Ngoan, mệ Thắm, sư Tâm Tự, ông Nộp, ông Hiền... thành một nhân vật duy nhất mang tên làng cô - một nhân vật phong phú, phức hợp, và rất điển hình. Cô nghĩ, có nhiều người mà cuộc đời họ cực kì mâu thuẫn chăng?

Hiền Lương nhìn vào gương mặt, chú tâm vào đôi mắt ông Hiền trong bức tranh còn dở dang.

 

TXA.

 

 

CƯỚC CHÚ chương VI:

 

(14) Đại Nam thực lục, chính biên, tập 36, Nxb. Khoa học xã hội, 1976, tr. 221, 230, 225 - 226; & tập 37, sđd., 1977, tr. 35: ghi nhận rõ Nguyễn Văn Tường mặc dù phải vâng lệnh dụ của bà Từ Dũ ở lại Huế, để qua trung gian là giám mục Caspar (Lộc), thương lượng với tướng giặc De Courcy, nhằm hạn chế bớt sự tổn thất nhân mạng, tài sản ở kinh thành Huế, đồng thời để đánh lạc hướng giặc Pháp, ngăn cản chúng truy kích đoàn ngự giá đang trên đường chạy ra Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị), và thực sự ông cùng vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết vẫn thường xuyên liên lạc với nhau, theo phương thức "kẻ ở, người đi", đánh kết hợp với đàm. Cuối cùng, vào khoảng cuối tháng 9.1885 (tháng 8 Ất dậu), Nguyễn Văn Tường cùng Tôn Thất Thuyết, Trương Văn Đễ, Trần Xuân Soạn bị thực dân Pháp và ngụy triều Đồng Khánh kết án "đều là bè lũ làm loạn".

 

Xem thêm: Trần Xuân An, "Nguyễn Văn Tường, 'những người trung nghĩa từ xưa tưởng không hơn được' ", khảo luận và phê bình một vài khía cạnh sử học, bản vi tính, 2000 - 2002, sắp chính thức xuất bản. Trong cuốn sách này, tôi đã có nhiều tư liệu và lập luận để phản bác những cách nhận định bất công, đầy xuyên tạc về ông, hiện nay vẫn còn rơi rớt ở trang sách này, bài báo nọ.

 

(15) Hẳn Mai Lão Bạng cũng như các linh mục, giám mục Pháp như Puginier, Von Camelbeck, Gauthier, Henry Pirey, Aldophe Delvaux, đều rất căm hận Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết.

    Cũng cần ghi nhớ, chính Bác Hồ đã từng phê phán Phan Bội Châu: "Đuổi cọp cửa trước, rước hổ cửa sau", và ngay cả Tôn Trung Sơn cũng ngầm phê phán cụ Phan khi cụ đồng tình với việc xuyên tạc sử kí để tuyên truyền cho chủ nghĩa quân chủ lập hiến (bảo hoàng, phù Nguyễn [Cường Để]), thân Nhật!

 

(16) Quả thật là do Lương Khải Siêu viết theo lời kể hoặc phác thảo của Phan Bội Châu, và hẳn họ Lương đã thay đổi, xuyên tạc không ít. Khi đăng báo, có đề từ rất rõ: "Kí An Nam vong nhân ngôn" (Ghi chép lời người An Nam mất nước).

 

(17) Nhận định và thái độ của tác giả tiểu thuyết này về nhà yêu nước Phan Bội Châu với một, hai trang trong Việt Nam vong quốc sử, đã thể hiện ở khúc thơ thứ 15 của bài Cảm nhận bên dòng sông, đặc biệt là ở cuốn khảo luận "Nguyễn Văn Tường, những người trung nghĩa từ xưa tưởng không hơn được", bản vi tính, 2002 (đã tự nhuận sắc vào năm 2003), sắp chính thức xuất bản. Nói chung, mặc dù cụ Phan Bội Châu (thật ra là Lương Khải Siêu) có lệch lạc một cách cố ý (vấn mục đích, bất vấn thủ đoạn), tôi vẫn xem đó là một khuyết điểm đáng trách của một nhà yêu nước, một tác gia lớn, và rất lấy làm tiếc cho cụ Phan. Xin được thưa rõ như vậy.

 

TXA.

( xem tiếp chương VII )

 

 

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/29/09                                                                   

Trở về trang chủ

                                                                 

 

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE